Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

CHƯƠNG 7 (PHẦN II)_VŨ KHÚC TUYỆT VỜI


ĐOẠN KẾT


Nhiều năm trôi qua... Vì thời gian, Ngôi Nhà Hồng đã trở nên cũ kỹ. Ngôi Nhà Hồng thường nói với các ngôi nhà mới lộng lẫy chung quanh:

- Bây giờ tôi chỉ là một kẻ già cả. Thời gian đã đào thải tôi rồi. Nhưng tôi vẫn tắm nắng hàng ngày. Tôi vẫn hạnh phúc. Tôi vẫn là nơi trú ngụ của ông bà Tuấn và cô Tuyết Trang.

- Thế còn Sĩ Nhân?

- Tôi vẫn thấy Sĩ Nhân hằng ngày. Cậu ở một biệt thự cách tôi chừng vài trăm thước. Cậu đã cưới vợ. Vợ cậu là cô Vân đó. Cô Vân ca hát suốt ngày.

- Còn ông Khờ?

- Ông Khờ đã bằng lòng về ở với vợ chồng Sĩ Nhân.

- Hay quá! Làm sao ông Khờ bằng lòng rời bỏ núi rừng vậy?

- Cô Vân, vợ cậu Sĩ Nhân đã thuyết phục được ông Khờ. Ông Khờ đã già rồi, ông không thể nào sống một mình trong rừng...

- Cậu Minh còn phá không?

- Vẫn còn, nhưng không nhiều lắm, vì cậu đã lớn.

Ngôi Nhà Hồng im lặng, như để nhớ lại kỷ niệm xưa.

Bây giờ Sĩ Nhân đã trở thành niềm hy vọng lớn của khoa thiên văn hiện đại. Sĩ Nhân là một nhà bác học, nhưng không phải là một nhà bác học người máy chỉ biết vùi đầu vào những con số và những công thức khô khan, mà là một nhà bác học vẫn còn giữ được liên lạc với thiên nhiên và các sinh vật.

Thế giới thường nhắc nhở đến Sĩ Nhân. Sĩ Nhân có tất cả những gì để đi đến thành công: óc quan sát, trí tưởng tượng đoán được ý nghĩa thầm kín của các vật, toán học xác định trực giác và sự nhạy cảm hướng các khám phá về phía hạnh phúc của các sinh vật…

Vân luôn luôn săn sóc chiều chuộng chồng. Nàng vẫn muốn cùng chồng đi du lịch trong vũ trụ vào một ngày nào đó.

Nhưng chắc các em độc giả thắc mắc, ba hành tinh Mới, Kỳ Ảo và Tột Đỉnh mà Sĩ Nhân hồi còn bé đã đặt chân đến, có thật hay không? Tại sao lại không có thật? Biết đâu… ai biết được! Có thể về sau Sĩ Nhân sẽ gặp lại các hành tinh đó giữa các thế giới bí mật và giữa các vì tinh tú trên những con đường trong bầu trời thăm thẳm âm u?

Nhưng chúng ta chắc chắn có vũ khúc tuyệt vời của các vì sao dù mắt thường chúng ta không bao giờ thấy được.

Và Sĩ Nhân đang cố gắng chế tạo một dụng cụ giống như dụng cụ của Vũ Trụ để vợ chàng có thể quan sát được cảnh tượng kỳ diệu đó.

Lúc bấy giờ, thế nào Sĩ Nhân cũng cho các em độc giả mượn phát minh của chàng để các em có thể xem được những vũ khúc tuyệt vời của các vì sao trong vũ trụ.

Theo truyện "Le Bal des étoiles"
của Marie Louise Vert         
HOÀNG ĐĂNG CẤP      

CHƯƠNG 6 (PHẦN II)_VŨ KHÚC TUYỆT VỜI


6


Chúng ta hãy trở lại địa cầu.

Sau một đêm ngủ không yên, Sĩ Nhân tự hỏi:

- Tôi có thể kể lại cho mọi người nghe Vũ Trụ vừa mới đến địa cầu?

- Vô ích! Chả có ai tin tôi cả khi tôi kể lại cuộc du hành thích thú nhưng có vẻ huyền thoại mà tôi đã trải qua.

Nhưng, tuy nghĩ thế, Sĩ Nhân vẫn kể cho Vân nghe khi gặp cô bé ở vườn: Vân không giống mọi người, Vân hoàn toàn tin những điều Sĩ Nhân nói.

- Vân có biết tôi thấy lại ai tối qua không?

- Thấy lại ai? Anh nằm mơ phải không?

- Không! Thấy thực chớ! Tôi thấy Vũ Trụ...

- Anh không đi với ông ta nữa à?

- Tôi không chịu đi... Nhưng tôi có hứa với Vũ Trụ là tôi sẽ đi thăm các người ở hành tinh Tột Đỉnh sau khi tôi học thành tài... và sau khi tôi đã phát minh ra tất cả những gì cần thiết.

Sĩ Nhân thuật lại cho Vân nghe tất cả những chi tiết về cuộc hội ngộ với Vũ Trụ đêm qua. Nghe xong Vân nói:

- Anh hành động đúng lắm! Anh còn nhiều kỳ thi phải trải qua, trước khi bay lên trời.

- Vân yên trí, tôi sẽ học thật chăm. Khi tựu trường, việc đầu tiên tôi phải cố học cho giỏi môn toán dù tôi không thích lắm, nhưng vì về sau này tôi rất cần môn đó.

- Anh đừng có trở thành giống như người anh họ của Vân. Lúc nào cũng làm toán cả, chả có làm gì khác. Đầu óc của anh họ Vân đúng là cái hộp khép kín, trong đó chỉ có những con số chuyển động. Đối với anh họ của Vân, toán là trên hết, là tất cả!

- Vân đừng sợ, toán đối với tôi chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Tôi cần có toán để sự học hỏi thiên văn được dễ dàng... Tôi thích đời sống, thích thiên nhiên, tình bạn...

- Vân thích thế... Anh có còn giữ ý định đi viếng hành tinh Tột Đỉnh không? Anh có cho Vân theo không?

- Cho chứ, nếu Vân muốn! Còn chừng nào đi, tôi không biết nữa... Có lẽ lúc chúng ta lớn... Lớn lên Vân có thích lấy chồng làm phi hành gia?

- Thích!

Cả hai nhìn nhau rồi cười vang. Đúng là trẻ con!

Chỉ có Vân là biết được Vũ Trụ vừa mới viếng địa cầu. Đó là bí mật của riêng Sĩ Nhân và Vân.

Vài ngày sau, một hiện tượng lạ, kỳ quái xảy ra... Tất cả các cây hoa hồng ở một vùng rộng lớn đều bị bứt gốc và mất tất cả. Ngôi vườn của ông Tuấn và ông Lý cũng chung số phận. Bao nhiêu cây hoa hồng mà hai nhà công phu chăm sóc lâu nay đều bị mất tiêu!

Cuộc điều tra không đem ra một tia sáng nào cả. Thật là bí mật!

Tuy nhiên, nếu ai nghe được tiếng nói của cây rừng, thì sẽ nghe cây rừng nói như thế này:

- Đêm kia, chúng tôi thấy nhiều người kỳ dị, từ trong các bộ máy kỳ dị đi ra rồi chạy nhanh vào các vườn hái bật gốc tất cả các cây hoa hồng. Họ hái thật nhanh rồi leo lên những bộ máy đó và biến mất trong bóng đêm.

Nhưng vì không ai nghe được cây rừng nói, nên bí mật trên vẫn còn hoàn toàn là bí mật. Chỉ có Sĩ Nhân và Vân là đoán biết tại sao... Cậu bé và cô bé thì thầm với nhau: Vũ Trụ!

Nằm dài trên cỏ, Sĩ Nhân và Vân đọc cái tít thật hấp dẫn trên báo:

LẠI ĐĨA BAY NỮA!

Báo đã ghi lại vắn tắt:

"Đêm thứ Bảy, nhiều người đi xem hát trở về đã thấy trong bầu trời đêm một loại đĩa bay lớn, sáng ngời, bay vun vút và biến mất nháy mắt. Vì đĩa bay biến mất nhanh quá, không ai có thể tả được hình dáng rõ ràng của đĩa bay".

Sĩ Nhân mỉm cười. Đêm thứ bảy chính là đêm các cây hoa hồng bị đánh cắp. Vũ Trụ đã trở lại địa cầu với nhiều người khác để bứt hoa hồng.

- Họ sẽ làm gì các cây hoa hồng đó? Ở hành tinh Tột Đỉnh hầu như không còn đất để trồng cây.

Vân trả lời:

- Nhưng dù sao vẫn còn đất, vì có còn hơn không. Vân ước mong những đóa hoa hồng đó sẽ mang lại cho họ nhiều hạnh phúc. Anh biết Vân đang nghĩ gì không? Anh và Vân sẽ mang những cây hoa hồng và đất lên hành tinh Tột Đỉnh biếu họ khi chúng ta cùng nhau lên hành tinh đó.

___________________________________________________________________ 

CHƯƠNG 5 (PHẦN II)_VŨ KHÚC TUYỆT VỜI


5


Một ngày nào đó, phải chăng tôi sẽ trở lại hành tinh Tột Đỉnh? Sĩ Nhân nghĩ ngợi.

Vũ Trụ đã nói là có một bầu không khí cách mạng trên hành tinh Tột Đỉnh? Chuyện gì đã xảy ra trên đó? Chuyện như thế này:

Sau khi Sĩ Nhân lên đường trở về địa cầu, các bà ở hành tinh Tột Đỉnh bị dao động mạnh, tất cả đều cảm thấy tình mẫu tử trong lòng chuyển động.

- Chúng ta cũng có những đứa con dễ thương quyết rũ như cậu bé địa cầu đó, nhưng chúng ta không được nuôi nấng chúng. Chúng ta không bao giờ thấy chúng...

- Chúng ta một bà già hơn nói Xưa kia chúng ta còn biết những con thú hiền hòa thân thích.

- Chúng ta một bà khác tiếp tục Chúng ta thích gặp nhau giữa ngàn hoa muôn màu và dưới bóng mát của những ngôi vườn. Địa cầu thật là may mắn, không bị xi-măng và kinh đào bao phủ!

- Ở đây một bà nói thêm người ta đã san bằng tất cả núi non, tiêu diệt tất cả cây cối. Thật là khô khan và buồn thảm!

- Mình đi chất vấn các nhà bác học!

- Hãy nói với chồng của chúng ta trước đã!

Chắc các em độc giả còn nhớ các bà ở hành tinh Tột Đỉnh chỉ nói chuyện với nhau bằng ý nghĩ mà thôi. Như thế, các bà đã nói chuyện thật nhiều nhưng không có tiếng động.

Trong những ngày sau, nhiều câu hỏi thắc mắc được các bà trao nhau khắp nơi. Tình trạng sôi sục có thể đưa đến một cuộc cách mạng đòi hỏi tình người, mà những người chủ trương chính là các bà ở hành tinh Tột Đỉnh.

Các ông chồng đã được báo động về sự hiểm nguy của biến cố sắp xảy ra. Có những ông chồng thông cảm trước những ý nghĩ của các bà, nhưng cũng có những ông chồng chống lại.

Cuối cùng, một nhóm đại diện các bà đi gặp các nhà bác học. Các nhà bác học hỏi:

- Các bà muốn gì? Các bà đã được ở trong những đô thị văn minh nhứt vũ trụ. Mọi người vô cùng sung sướng ở hành tinh Tột Đỉnh này.

- Có lẽ chỉ có các ông, những nhà bác học sung sướng mà thôi. Các ông đã sống trong vòng đai tự kiêu của các ông. Còn chúng tôi...

- Các bà phiền trách gì? Các bà được ở không chả phải làm việc gì cả. Tất cả đều được tổ chức tinh vi làm thỏa mãn tất cả mọi người: không có gì vô ích cả, tất cả đều có ích!

- Nhưng nhiều khi chúng tôi cũng cần có những cái các ông cho là vô ích!

- Các bà chưa bao giờ nói thế!

- Vì chúng tôi chưa biết... Bây giờ... từ lúc gặp thằng bé địa cầu, chúng tôi mới cảm thấy cái chúng tôi thiếu.

- Vậy các bà muốn gì?

- Chúng tôi muốn được nuôi nấng con cái chúng tôi!

- Cực lắm, các bà cũng muốn sao?

- Cực, nhưng được đền bù lại bởi lòng thương yêu. Từ lâu, chúng tôi không dùng lòng thương yêu, chúng tôi cảm thấy bị ngạt thở. Chúng tôi cũng muốn thấy lại các con vật đã bị diệt chủng ở hành tinh chúng ta. Chúng tôi cô đơn lắm!

- Các bà cần chó để làm gì? Nhà của chúng ta đã được điện tử bảo vệ. Còn mèo? Để làm gì? Mèo không còn chuột để ăn thịt. Còn chim? Chúng ta đã tiêu diệt các loài vật vô ích...

- Chúng tôi cần có chó để xem nó nhảy và vẫy đuôi chào mừng. Chúng tôi cần có mèo để được xem dáng điệu ẻo lả dễ thương và đôi mắt xanh sáng ngời đầy mộng. Chúng tôi cần chim để được nghe chúng vỗ cánh và chúng hót... và chúng tôi muốn có những khu rừng với ngàn cây cao vút, những khu vườn với ngàn hoa thơm cỏ lạ và những con suối, dòng sông nước chảy lững lờ…

- Chúng tôi không thể cung cấp cho các bà các thứ đó được vì sự tiến bộ đã lôi chúng ta đi xa rồi. Chúng tôi không thể nào ngừng lại được. Chúng tôi không biết làm sao…

- Các ông hãy cho người đi tìm cậu bé địa cầu mà Vũ Trụ đã dẫn đến đây đó! Chỉ có cậu bé đó mới có thể thuyết phục được các ông mà thôi. Chính cậu bé đó sẽ gợi lại những gì sáng tạo ra sự vui sống... và những gì chúng ta thiếu thốn.

- Thằng bé đó bậy quá, nó đã làm đảo lộn tất cả những vấn đề mà chúng ta đã giải quyết xong xuôi! Vũ Trụ giới thiệu cho các bà thằng bé và con chó để làm gì?

Nhưng các nhà bác bọc phải chiều theo ý muốn của các bà và gởi Vũ Trụ đến địa cầu tìm Sĩ Nhân.

Và Vũ Trụ chỉ trở về một mình với một nhánh hoa hồng trong tay.

Khi ông ta vừa bước ra khỏi phi thuyền, các bà liền bu quanh ông ta. Mỗi bà đều cố gắng để được ngửi đóa hoa hồng, sờ đóa hoa hồng... Vì thế, chỉ chốc lát đóa hoa hồng bị nát rơi lả tả.

________________________________________________________________________ 
 

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

CHƯƠNG 4 (PHẦN II)_VŨ KHÚC TUYỆT VỜI


4


Những ngày hè là những ngày Sĩ Nhân vô cùng thích thú. Cậu bé hưởng tất cả những gì ngọt ngào ấm áp của cuộc đời. Cậu bé trở lại hoạt động vui tươi như thường lệ và chỉ kể lại cho các bạn thân nghe cuộc hành trình kỳ thú của mình mà thôi.

Sĩ Nhân rất ham hoạt động. Hầu như hằng ngày, anh em Sĩ Nhân, anh em Minh và con chó Ki Ki đều thám hiểm rừng núi từ sáng đến chiều. Sĩ Nhân và các bạn đã cùng nhau ăn uống cạnh những dòng suối nhỏ và tìm kiếm những quả dâu dại để thưởng thức tráng miệng.

Mỗi buổi sáng đều mang đến cho Sĩ Nhân một ý tưởng mới. Chính Sĩ Nhân là người điều khiển cả bọn.

Mỗi buổi tối, Sĩ Nhân đều nhìn lên trời cao ngắm nghía các vì sao thân yêu. Ông Tuấn cũng dành cho Sĩ Nhân những cuốn sách về thiên văn vừa sức với Sĩ Nhân. Ông Tuấn đã cung cấp cho Sĩ Nhân gian phòng gần vườn nhất để nếu cậu bé muốn, cậu bé có thể tối tối ra vườn ngắm sao mà không làm rộn ai.

Vì thế, vào những đêm đẹp trời, người ta thường thấy cậu bé Sĩ Nhân ngồi trên cái ghế cạnh bìa rừng ngắm sao, nơi mà cậu bé đã khởi hành thực hiện cuộc phiêu lưu lạ lùng và kỳ thú.

Thời gian hè của học sinh là thời gian trời trong sáng nhất. Ban đêm, tất cả các tinh tú đều nhún nhẩy và thường có sao rơi tận chân trời.

Sĩ Nhân thì thầm:

- Một sao chổi đã chết. Vì nó muốn đến gần một vài thế giới thiên thể đã hút nó nên nó bị nổ! Tội nghiệp sao chổi! Nhưng còn gì đẹp bằng sau khi chết rồi vẫn còn phát ra được những mảnh sáng ngời như pháo bông! Tôi thích các sao chổi! Hồi xưa người ta nói một sao rơi là một người vừa chết… Xưa kia tôi mơ được lên mặt trăng... Nhưng bây giờ tôi đã đi được xa hơn nữa!

Sĩ Nhân ngồi mơ mộng. Đêm nay ý nghĩ của Sĩ Nhân hướng mạnh về con người không gian bí mật: Vũ Trụ. Vũ Trụ bây giờ ra sao ở hành tinh Tột Đỉnh? Phi thuyền của ông ta là một động cơ kỳ diệu, nhưng ông ta có tìm được bí mật hạnh phúc ở đó hay không?

- Tôi thích đời sống địa cầu trên đất mẹ Việt Nam thân yêu này!

Tại sao cậu bé bỗng nhớ lại Vũ Trụ vào đầu mùa hạ này? Tuy nhiên cậu bé đã nhớ lại rồi. Vì thế, cậu bé nghe rõ ràng:

- Chào Sĩ Nhân!

Một tiếng động cơ to dần... Phi thuyền quen thuộc của Sĩ Nhân đáp xuống đất... Cửa phi thuyền mở… Vũ Trụ xuất hiện!

- Tôi đến xem em có trở về nhà an toàn hay không? Vũ Trụ nói, miệng không nhúc nhích.

- Không an toàn lắm, nhưng... em cũng đã trở về!

Lúc đó, con chó Ki Ki chạy ra thấy phi thuyền và Vũ Trụ liền sủa lên inh ỏi. Ki Ki không bằng lòng đi trên phi thuyền tí nào cả.

Vũ Trụ đứng im không nhúc nhích. Ông ta quan sát chung quanh và tiếp tục nói chuyện với Sĩ Nhân. (Chắc các em độc giả nhớ lối nói chuyện của ông ta):

- Em có biết tôi đến đây tìm em?

- Tìm em? Làm chi vậy?

- Trong cuộc du hành vừa qua giữa các hành tinh, em có thích không? Bây giờ tôi dẫn em lên Hỏa Tinh?

- Lên Hỏa tinh? Hồi xưa em thích lắm…

- Còn bây giờ?

Sĩ Nhân suy nghĩ: Làm người đầu tiên đặt chân lên Hỏa Tinh, biết Hỏa Tinh ra sao, thú lắm! Nhưng... nếu ra đi nữa, Sĩ Nhân sẽ làm cha mẹ đau buồn thêm một lần nữa. Sĩ Nhân đã thấy cha mẹ lo lắng cho mình như thế nào... Má... Ba... Gia đình... Bạn bè...

- Không, em không thể đi được!

- Em sẽ tiếc vì em sẽ không còn dịp để đi nữa!

Không còn dịp để đi nữa, uổng thật! Nhưng...

- Quyết định nhanh đi, Sĩ Nhân!

- Không, em không theo ông! Sự luyến tiếc sẽ đỡ hơn sự hối hận giày vò. Hơn nữa, đời sống ở địa cầu đẹp lắm, em sợ không trở về được địa cầu!

- Tôi đã sửa chữa kỹ lưỡng phi thuyền rồi, không còn sợ hư nữa đâu, bay hoàn hảo lắm! Tôi sẽ mang em về tận đây, không ai làm gì đâu!

- Không! Ở đây em rất hạnh phúc. Em đâu cần tìm gì ở Hỏa Tinh.

- Em nghe này, tôi cho em biết sự thực. Tôi đã lầm lẫn khi dẫn em đến hành tinh của tôi. Chính các bà ở hành tinh Tột Đỉnh sai tôi đến đây… Các bà ấy muốn gặp lại em... Các bà ấy muốn nghe nói về địa cầu, về các ngôi vườn đầy hoa thơm cỏ lạ... Sau khi em đi, không khí một cuộc cách mạng bao trùm hành tinh Tột đỉnh...

Sĩ Nhân đáp:

- Em không ngạc nhiên khi nghe những gì ông nói. Ở hành tinh Tột Đỉnh các ông quá thiên về văn minh kỹ thuật, chỉ biết vật chất và điện tử. Các ông đã tiêu diệt mất tất cả những gì làm đẹp đời sống. Ông hãy nói với các bà trên ấy, em sẽ lên trên ấy thăm, nhưng không phải bây giờ. Ở đây, ở địa cầu, mọi người làm việc nhiều lắm. Hiện nay, em phải lo học để thành tài… Em còn làm phụng sự quê hương Việt Nam của em. Chắc ông đã biết, dân tộc Việt Nam vừa chiến thắng một bọn xâm lăng vĩ đại nhất thế giới sau một cuộc chiến đấu trường kỳ ba mươi năm. Em phải gắng học cho thật giỏi để khỏi làm hổ danh một dân tộc bất khuất dũng mãnh nhất địa cầu!

Vũ Trụ có vẻ thất vọng. Ông ta nhìn đăm đăm những ngôi nhà dễ thương và những ngôi vườn nằm cạnh nhau trên triền đồi.

Chẳng nói chẳng rằng, ông ta đến gần một cây thông bẻ một nhánh có dính một trái thông, rồi ông ta cúi xuống nhổ một cây hoa đang nở.

- Em không luyến tiếc sao, Sĩ Nhân?

- Không! Ông chờ em một chút…

Sĩ Nhân hái một hoa hồng đẹp nhất đưa cho Vũ Trụ. Vũ Trụ cầm ngay đóa hoa hồng, đưa lên mũi ngửi và bước lên phi thuyền... rồi biến mất ngay!

_____________________________________________________________________ 

CHƯƠNG 3 (PHẦN II)_VŨ KHÚC TUYỆT VỜI


3


Sáng hôm đó, sáng chủ nhật đầu tiên dành cho sự trở về gia đình của Sĩ Nhân, Ngôi Nhà Hồng và ngôi vườn vang dội tiếng vui mừng của một ngày đẹp trời mùa hạ.

Những con chim sẻ cổ đỏ hót ríu rít ca ngợi mặt trời:

- Mặt trời đến kìa! Mặt trời đến kìa!

Và:

- Sĩ Nhân kìa! Sĩ Nhân kìa!

Không có mặt trời đích thực nếu Ngôi Nhà Hồng không có đủ người.

Một cánh cửa sổ của Ngôi Nhà Hồng bỗng mở rộng: một cái đầu con trai ló ra.

- Sĩ Nhân kìa! Sĩ Nhân xuất hiện kìa!

Liền lúc đó ba giọng nói vang lên:

- Sĩ Nhân! Sĩ Nhân! Sĩ... Nhân!

Minh, Vân và cả bé Bi Bi nữa đang tựa trên bức vách tường thấp ngăn cách hai nhà. Minh nói với Sĩ Nhân:

- Qua chơi! Dẫn Tuyết Trang nữa! Có bánh ngon lắm!

Chỉ một lát sau, Sĩ Nhân, Tuyết Trang và chó Ki Ki qua nhà Minh.

Hai gia đình ông Tuấn và ông Lý lúc sau này thật khắng khít. Từ ngày Sĩ Nhân bình phục trở về, cuộc sống của hai gia đình dần dần trở lại bình thường. Người ta đã bớt tung ra những lời thị phi về ông Khờ và bắt đầu quên ông để bàn luận về những vấn đề khác có vẻ hấp dẫn hơn. Trò đời là thế! Hơn nữa, nhờ thái độ của ông Tuấn, mọi người đã hết nghi ông Khờ. Ông Khờ càng ngày càng được mọi người hiểu biết kính trọng. Ông sống yên lặng hiền hòa giữa các thú vật và các cây cối của ông. Những lúc vui nhất của ông là những lúc các đứa bé của hai gia đình ông Tuấn và ông Lý đến chơi với ông.

Hôm nay, bọn Sĩ Nhân và Minh dự định đem bánh cho ông Khờ, ăn trưa và chơi trong rừng đến chiều.
Sĩ Nhân đã hoàn toàn bình phục. Cậu bé đã lấy lại được lối sống quen thuộc hằng ngày nhưng cậu bé vẫn không quên được cuộc du hành lý thú của mình.

Cậu bé vẫn thích kể lại cuộc hành trình sôi động đó mỗi lúc cậu ta nhớ đến. Theo lời khuyên của bác sĩ, mỗi lần Sĩ Nhân nhắc đến cuộc du hành vừa qua, ông bà Tuấn liền lái cậu bé sang ngay chuyện khác.

- Má! Má biết không, con đã đi giữa các vì sao …

- Con! Đừng nghĩ đến điều đó nữa...

Khi Sĩ Nhân dự định kể cho ai nghe cuộc du hành của mình, cậu bé phải im ngay trước thái độ kỳ lạ của người nghe. Không có ai tin Sĩ Nhân cả! Các người lớn đều nói Sĩ Nhân là một đứa trẻ giàu tưởng tượng.

Ô kìa! Những người lớn! Những người lớn không muốn tin những gì họ không kiểm soát được. Song le, sự kỳ diệu ở khắp nơi chung quanh chúng ta. Ai đã ngạc nhiên khi chỉ cần quay một nút là ánh sáng tràn ngập cả gian phòng? Ai đã nghi ngờ, cách đây một trăm năm, âm thanh và hình ảnh đi lang thang trong không khí như cá trong nước, và các nhà bác học đã bắt chúng bất cứ ở nơi đâu để cho chúng ta xem và nghe một cách hết sức linh động trên màn ảnh ti vi và ra-đi-ô.

Còn rất nhiều lãnh vực chưa được khám phá! Sự kỳ diệu lướt trước mắt chúng ta, nhưng muốn khám phá, chúng ta phải cần có đôi mắt trẻ thơ.

Ðây là lần đầu tiên, cậu bé trở lại chỗ đáp phi thuyền.

Chim chóc hót vang chào đón khách. Ngôi chòi của ông Khờ vẫn im lặng, nằm khiêm nhượng trong rừng...

Trao quà biếu cho ông Khờ xong, cả bọn vui vẻ dắt nhau trèo lên đồi cao, đến tận núi đá, nơi Sĩ Nhân bị té dạo nào.

Sung sướng làm sao! Mặc dù mặt trời sáng rực, những luồng gió mát vẫn làm mọi người dịu cả lòng.

- Mình hãy nghe tiếng hát của các loại côn trùng trong cánh đồng dưới kia, Tuyết Trang nói Tiếng hát như vuốt ve và dỗ Tuyết Trang ngủ.

Sĩ Nhân trả lời:

- Tuyết Trang à! Anh tự hỏi các loài côn trùng đó có thể làm được những chuyện gì?

Vừa nghe Sĩ Nhân nói, Vân cười:

- Các côn trùng cũng như chúng ta vậy, chúng tìm kiếm một chỗ đứng nhỏ dưới ánh sáng mặt trời.

- Nhỏ lắm! Tôi nghĩ các vì tinh tú lớn như thế còn không thấy được mảnh đất Việt Nam này, huống chi một con côn trùng và cả một con người! Thật là chán… Một con người, chả nghĩa lý gì hết.

- Tôi đã thấy những "chả nghĩa lý gì hết" khai thông một con đường giữa các vì tinh tú!

Cũng có những "chả nghĩa lý gì hết" mang tên Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lê Lợi, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Nguyễn Du... đồng bào của chúng ta và còn nữa, những nghệ sĩ, những bác học mà mọi người nhắc nhở đời đời. Tất cả đã để lại dấu vết khi họ đi qua... Có gì mà chán... Cuộc sống sôi nổi lắm!

- Anh sẽ mang Vân lên trên kia khi anh trở thành phi hành gia nghe anh Sĩ Nhân? Vân bỗng hỏi Sĩ Nhân.

Sĩ Nhân trả lời:

- Dẫn Vân theo? Lẽ dĩ nhiên, nhưng phải chăng ở lại địa cầu tốt hơn? Phải chăng tôi vẫn còn giữ ý định: trở thành nhà thám hiểm? Còn rất nhiều cái đẹp ở địa cầu, hành tinh quê hương của chúng ta, cần được khám phá, phải không Vân?

- Anh sẽ suy nghĩ kỹ điều đó sau! Bây giờ anh hãy kể lại cuộc hành trình trong không gian cho tụi Vân nghe đi.

- Không ai muốn tin điều tôi kể cả!

- Chúng tôi tin! Cả bọn nhao nhao nói với Sĩ Nhân.

Mỗi đứa hỏi điều chúng thích nhất:

- Bồ tả cho tôi biết các chi tiết của những cái nhà ở hành tinh Tột Đỉnh đi! Minh hỏi như thế vì cậu ta muốn trở thành kiến trúc sư.

Một tia sáng vui vẻ xuất hiện trên ánh mắt Sĩ Nhân. Sĩ Nhân nói:

- Khi bồ vẽ các bản đồ, bồ nhớ đừng quên dành chỗ cho các công viên giữa các tòa nhà và đừng quên vẽ nhà bếp, phòng ăn... Bồ biết không? Khô khan lắm! Các viên kẹo không phải là một bữa ăn ngon của một gia đình!

Tuyết Trang hỏi những chi tiết về các con vật tiền sử đi nhún nhảy trên Hành Tinh Mới. Tuyết Trang còn ở tuổi thích những cực đoan: Con bọ rùa làm cô bé thích thú, nhưng cô bé cũng đứng hàng giờ ở sở thú để ngắm con voi. Cô bé tưởng tượng hành tinh Mới giống như một sở thú khổng lồ chứa những con vật kỳ dị, những con vật khổng lồ đã làm cô bé thích thú.

Về phần Vân, cô bé thích vũ khúc tuyệt vời của các vì sao: thế giới hành tinh và thiên thể trượt chầm chậm theo một điệu nhạc vũ trụ. Tất cả đều theo một con đường đã định? Biết đâu... trong bầu trời vô cùng, có thể có những con đường ánh sáng mà chưa có một dụng cụ nào có thể khám phá được?

Thình lình Tuyết Trang la oai oái lôi mọi người trở về thực tại:

- Kiến! Kiến cắn!

- Tôi cũng bị kiến cắn!

Lúc đó, Minh đang cầm một cành cây khều một tổ kiến, làm kiến chạy tứ tung. Cậu Minh nhà ta lúc nào cũng phá!

- Mình trở về đi! Mình theo đường nào về?

- Đi theo đường mòn, con đường đó thú vị nhất!

Trời nóng như thế này mà đi theo con đường đó thì còn gì thú bằng! Con đường mòn hẹp xuống dốc núp dưới các bóng cây, hai bên đường đầy những quả dâu dại bé nhỏ đỏ hồng. Rồi con đường quay tròn và mở rộng dần... với hoa rừng muôn sắc.

Đi hết con đường mòn, mọi người sẽ đi dưới bầu trời và gặp con đường ven rừng với dòng suối êm mát... Tiếng suối reo đeo đuổi người qua đường. Có những hốc nước với những tảng đá rêu xanh nổi lên mà những bà tiên thường đến ngồi trên đó.

Vân nói:

- Không nên theo đường mòn! Các bồ không thấy mưa sắp rơi sao?

Ở núi rừng, mưa đến thật nhanh. Mặt trời bị che tức khắc.

- Nhanh lên! Sấm đã nổ từ xa rồi kìa!

- Mình chạy về chòi mau!

Mưa bắt đầu rơi mạnh. Nước chảy ào ào giữa các tảng đá. Bỗng một tia sáng nổi lên, rồi sấm nổ vang dội cả núi rừng. Cả bọn đến chòi giữa lúc mưa đang mạnh.

- Các em ăn với tôi! Ông Khờ nói.

Thế là cả bọn xúm lại ăn vui vẻ, chỉ chốc lát tất cả đồ ăn sạch bách...

Chờ mưa xong, cả bọn chào ông Khờ ra về.

Bà Tuấn và bà Lý đã chờ ở dốc đồi từ lúc nào (các bà mẹ bao giờ cũng lo lắng cho con).

Vừa thấy má, Sĩ Nhân và Minh reo vang át cả tiếng các em gái.

Và tiếng cười vang rền tận đến Ngôi Nhà Hồng.

- Các con có sao không? Hai bà mẹ hỏi.

- Không, tụi con đến kịp chòi ông Khờ giữa lúc mưa đang mạnh.

- Các con có đói không?

- Tụi con đã ăn rồi!

- Ăn với ai?

Bọn Sĩ Nhân nhìn nhau có vẻ do dự vì chúng đã ăn hết đồ ăn dự trữ của ông Khờ.

Hai bà mẹ đã đoán được hết cả mọi chuyện:

- Chắc các con đã ăn hết đồ ăn của ông Khờ rồi? Ngày mai Sĩ Nhân phải đem đồ ăn cho ông Khờ đó nghe!

Vì ngày mai Sĩ Nhân vẫn chưa đi học, nên Sĩ Nhân mới có thể đi đến chòi của ông Khờ trong rừng được. Hè đã sắp đến rồi và bác sĩ đã bắt Sĩ Nhân nghỉ cho đến tựu trường mới được đi học.

Mỗi ngày, sau bữa ăn, Sĩ Nhân ngủ trưa giữa trời. Cậu bé thích nằm dài giữa các lớp cỏ cao. Những giây phút đó không phải là vô ích: cậu bé đã rắn chắc thêm và đã học hỏi thật nhiều khi quan sát những gì xảy ra chung quanh.

Thường thường, giữa lúc sắp ngủ, Sĩ Nhân tưởng tượng mình trở thành bé nhỏ như một con muỗi và tất cả các cọng cỏ bấy giờ giống như một khu rừng dày đặc bao chung quanh cậu bé. Cậu bé lướt trên đất giữa các cọng cỏ đó...

Phía trên đầu cậu bé, những cây nấm đang rung rinh những cây lọng của những người tí hon. Người ta thoáng thấy một chút bầu trời xuyên qua một màn lưới. Giống cỏ hòa bản là một loại cây có nhiều lá run rẩy dưới mỗi cơn gió. Cây lúa kiều mạch giống như một cây dương liễu, gần một cây cỏ lùn vươn cao các nhánh ngắn giống như một cây bách dương. Phía cao, tận trên cao, ở mãi một chỗ chẻ lúa, một giọt nước đẫm ánh sáng mặt trời phóng những tia nhấp nhánh như vì tinh tú…

Ðây là một khu rừng đích thực dành cho các loại côn trùng. Sĩ Nhân nghe tiếng động chát tai của đời sống, bởi vì có nhiều sinh vật đang lay động dưới các bóng cây, sinh vật này làm việc, sinh vật kia hát, mỗi sinh vật đang theo số phận của mình...

- Giống như con người! Một giọng nhỏ thì thầm.

Sĩ Nhân phân biệt được mỗi hoạt động khác nhau. Có những thợ rèn sáu chân đang xuyên gỗ hoặc cưa các sợi. Đằng này, có những nhà quét đường đang đẩy bụi và vẽ một con đường hơi rõ trong cát. Ðằng kia, những nhà quét rửa những con bọ hung đang làm sạch những chỗ dơ bẩn. Những người thợ mỏ dế mèn, kiến đang đào những con đường hầm và những phi công ong đất, chuồn chuồn đang rù rù bay trên rừng.

- Giống như con người! Một giọng bỗng lặp lại.

Con ve sầu hòa giọng hát nhẹ nhàng của mình với nhịp điệu làm việc của các người thợ.

- Giống như con người! Giọng nói bí mật lại lặp lại câu nói.

Sĩ Nhân tự nhủ:

- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Tại sao những con vật bé nhỏ này lại làm việc?

- Tôi! Con kiến trả lời Tôi đào các hang để giữ trứng, và con tôi sẽ sinh ở đó.

- Tôi! Tôi tìm lương thực để nuôi các ong trẻ Một con ong nói.

- Tôi! Tôi dệt lưới để bắt lương thực cho tôi và cho các con tôi Con nhện vừa đan vừa nói.

- Tôi tìm chỗ ở cho các con tôi...

- Tôi tìm đồ ăn...

Và tất cả, tất cả, từ con rệp bé nhỏ đến con bọ rầy khổng lồ, tất cả đều có một công việc: nuôi con và tìm chỗ ở cho con.

- Giống như con người! Giống như con người! Một giọng nói thân thiết lại vang lên.

Tới phiên các cọng cỏ nói lên ý nghĩ của mình:

- Tôi sẽ vươn cao như một cây để thở.

- Tôi sẽ cho rễ làm việc để lấy chất bổ trong đất nuôi tôi.

- Tôi cho các hột của tôi chín mùi để giòng giống tôi tồn tại.

Buổi tối, các tiếng động dịu dần và im lặng. Những cái chân nhỏ đã ngừng nghỉ. Mỗi con vật bé nhỏ đã vào hang của mình và chốc lát người ta chỉ còn nghe tiếng gừ gừ nhẹ nhàng hạnh phúc.

Sĩ Nhân ngồi dậy. Sĩ Nhân đã trở về chính mình.

Sĩ Nhân tự hỏi:

- Hoàn thành số phận của mình, số phận mình sao thì mình chịu vậy, không tìm kiếm gì khác… Phải chăng đó là một hành động khôn ngoan? Không, Vân đã có lý, cuộc sống sôi nổi lắm. Con người là một sinh vật cao cấp không như những con vật khác.

Cậu bé Sĩ Nhấn đã ý thức sự nhỏ bé của mình khi tới gần "vô cùng lớn" thế giới thiên thể và đồng thời tìm lại được cảm giác vĩ đại của mình khi quan sát "vô cùng nhỏ" trong các hốc cây.

Sĩ Nhân bỗng cảm thấy mình khát khao muốn thực hiện những công việc lớn lao, đội đá vá trời, muốn trở thành một Albert Einstein làm vinh quang Việt Nam và địa cầu.

_______________________________________________________________________ 

CHƯƠNG 2 (PHẦN II)_VŨ KHÚC TUYỆT VỜI


2


Lúc trở về thật là vui vẻ. Mặt trời tràn ngập những tia sáng vinh quang đỏ hồng. Nhiều con chim sẻ cổ đỏ hót vang ca tụng mặt trời. Trong vườn cây tràn ngập tiếng thì thầm:

- Anh biết chưa? Sĩ Nhân đã trở về!

- Sĩ Nhân đang ở trong phòng với các bạn. Cô Vân hái hoa trang hoàng chỗ cậu nằm.

- Còn người lùn là ai vậy? Tôi không biết!

- Đó là ông Khờ! Dường như ông Khờ đã cứu Sĩ Nhân.

Chiếc xe gắn máy của ông Lý để trước nhà cũng xen vào nói chuyện:

- Phải! Sĩ Nhân mến ông Khờ lắm. Người ta phải đưa ông ấy về đây đó! Bác sĩ nói ông ta là một y tá giỏi. Ông ta ngủ cạnh Sĩ Nhân vì Sĩ Nhân vẫn còn đau, chưa khỏi.

- Ông Khờ bằng lòng rời khỏi lều của ông ta?

- Lúc đầu ông ta do dự... Người ta hứa hằng ngày đưa ông ta về chòi để ông khỏi nhớ cảnh núi rừng. Nhưng sống gần Sĩ Nhân, ông ta sẽ quen dần. Tôi nghe nói ông Lý muốn nhận ông ta làm người coi sóc vườn và dành cho ông ta một gian phòng riêng. Thế là ông ta khỏi phải sống xa rời xã hội...

- Càng tốt! Càng tốt! Ngàn hoa, ngàn cây cùng nói một lượt...

Lúc đầu, tất cả đều êm đẹp. Mọi người đều thương mến Sĩ Nhân và ông Khờ.

Nhưng tin Sĩ Nhân mất tích và trở về tràn lan khắp thành phố. Nhiều tiếng thị phi nổi lên:

- Tại sao ông Khờ mua nhiều bánh mì quá? Có lẽ ông ta nuôi nhiều con chó điên?

- Chuyện này có vẻ mờ ám. Người ta không biết đứa bé đã làm gì trong hai ngày.

- Tại sao lại tin một người như thế? Đâu là sự thực?

- Nếu ở địa vị cha đứa bé, tôi sẽ...

Nhiều người thân hữu của gia đình ông Tuấn hoặc chỉ là những người hiếu kỳ đến thăm Ngôi Nhà Hồng.

Ông Khờ bị những cặp mắt nghi ngờ xoi mói và lãnh những nụ cười khinh bỉ. Ông Khờ bèn tự cô lập. Ông cảm thấy ông là kẻ xa lạ trong Ngôi Nhà Hồng.

Ngày hôm sau, khi đêm xuống, ông ra ngồi một mình ở góc vườn. Ông theo dõi một con cóc to lớn và ba con cóc con đang nhảy vội vã hết sức vụng về đến một tảng đá lớn phủ rêu. Ông nghe dường như chúng đang nói với nhau:

- Chúng ta hãy trốn mau, vì chúng ta xấu xí. Con người luôn kết án và tiêu diệt những gì xấu xí mà không bao giờ chịu tìm hiểu những gì cao thượng tốt đẹp che giấu dưới lớp vỏ xấu xí... Chúng ta hãy trốn mau!

Ông Khờ gật đầu:

- Các con cóc có lý! Chúng ta hãy trốn, trốn mau. Tôi phải trở về rừng, trở về với ngôi chòi của tôi!

Ông Khờ nằm suốt đêm bên cạnh người bạn mới. Ông nói với Sĩ Nhân:

- Tôi buồn quá. Tôi muốn gặp các thú vật và các cây thuốc của tôi.

Tình trạng của Sĩ Nhân không hoàn toàn tốt đẹp lắm. Cậu ta vẫn còn bị sốt và trí nhớ của cậu ta vẫn còn suy sụp.

- Nhiều người đến với cháu quá Bác sĩ nhận xét Cháu có khỏe không cháu?

- Dạ! Cháu sẽ khỏe nếu được ở trong rừng.

- Cháu có muốn vào rừng ở vài ngay không?

- Cháu muốn lắm, nhưng... má cháu?

Câu hỏi của Sĩ Nhân nghĩa là: má cháu sẽ buồn, má cháu không muốn rời xa cháu.

Bác sĩ Phát sắp đặt mọi chuyện:

- Bà Tuấn, cháu bình phục chậm lắm. Tôi tin rằng nếu cháu sống thoải mái một mình thì tình trạng tinh thần của cháu sẽ thăng bằng dễ dàng. Bà có thể cho cháu nghỉ một thời gian ngắn giữa thiên nhiên trong cái chòi của ông Khờ? Tôi thấy cháu thích lắm!

- Tôi phải xa cháu?

- Chỉ mười lăm ngày thôi. Tôi tin rằng cháu sẽ hoàn toàn bình phục. Bà có thể một mình đến gặp cháu lúc trưa mỗi ngày...

Bà Tuấn bằng lòng. Lẽ dĩ nhiên con chó Ki Ki không xa rời chủ nhỏ.

Gặp lại cùng một lúc rừng núi, người bạn nhỏ và các con vật quen thuộc, ông Khờ đã trở về con người đích thực của mình, hạnh phúc, nhiệt tâm và hòa đồng với thiên nhiên.

Đối với Sĩ Nhân, đó là một dịp vô cùng thích thú để cậu ta lấy lại và nếm lại một lần nữa đời sống êm dịu nhẹ nhàng. Sĩ Nhân bị cuộc hành trình vừa qua đánh lạc hướng. Em độc giả thân yêu, em hãy thử đặt mình vào trường hợp của Sĩ Nhân? Em sẽ cảm thấy như thế nào? Một đứa bé được nuông chiều, tin mình là trung tâm của vũ trụ, chả có gì quan trọng hơn cậu ta cả! Đứa bé ấy tin tưởng tất cả những sáng tạo đều thoả mãn nhu cầu và ý thích của cậu ta: các con vật quen thuộc, các cánh đồng, các rừng, bầu trời đầy sao... Đứa bé cảm thấy chinh phục được tất cả, khuất phục được tất cả, kể cả bầu trời... cho đến lúc đứa bé ấy đã khám phá được mình chỉ là một sinh vật bé tí ti, bé hơn cả một hạt bụi bơ vơ trong vũ trụ bao la ngút ngàn. Địa cầu đối với cậu ta dường như quá rộng, cũng chỉ là một vật bé nhỏ trong vũ trụ mênh mông! Còn quê hương nhỏ bé Việt Nam? Và chính bản thân cậu ta? Tất cả là gì? Chả là gì hết! Một mảnh vụn nghèo nàn biến mất trong sáng tạo bao la!

Như một em bé, Sĩ Nhân cần được che chở, bảo đảm và giải thoát ám ảnh. Sĩ Nhân trốn tránh trong thế giới ảo tưởng của trẻ thơ.

Một con bướm bay vào.

- Những cánh bướm! Sĩ Nhân thì thầm Bướm ơi! Bướm may quá! Con người luôn luôn tìm kiếm đôi cánh mà không được!

Sĩ Nhân nghe bướm trả lời:

- Bướm đã hết sức gian khổ mới thắng nổi con người về vấn đề này. Bị khép kín trong nhiều ngày, thật nhiều ngày Con nhộng trong kén bướm phải phá các dây buộc và xuyên thủng kén. Cậu không thể nào biết được bướm đau đớn biết là dường nào!

- Tôi biết chứ... dường như tôi bị cột bởi những sợi dây. Tôi muốn cắt đứt và giải thoát khỏi những sợi dây đó, nhưng tôi không làm được. Đầu tôi nặng quá, thật là khổ!

Xưa kia, Sĩ Nhân thấy tất cả những gì xung quanh đều rất tự nhiên. Bây giờ, cậu ta mở to mắt thán phục bất cứ một vật nhỏ nào.

Như những thiếu niên bừng tỉnh trước cuộc sống, Sĩ Nhân đòi hỏi những truyện, những cổ tích ru ngủ nhân loại khai sinh. Ông Khờ nhờ tâm hồn còn ngây thơ đã đi vào được trong cuộc chơi kỳ diệu này.

Ông Khờ đã ngủ cạnh Sĩ Nhân mỗi đêm. Sáng hôm nay, Sĩ Nhân mở mắt không thấy cây cối trước mặt. Cậu ta hỏi:

- Phải chăng có những tấm màn?

Sĩ Nhân nghe tiếng trả lời:

- Những tấm màn? Không, đó chỉ là sương mù!

Vừa nghe tiếng sương mù, Sĩ Nhân bỗng run toàn thân vì cậu ta nhớ đến lớp sương mù dày đặc ở hành tình Mới. Cậu ta lại nói sảng:

- Sương mù... đầy những con vật lạ lùng... Chúng ta đi ngay!

- Đừng sợ gì hết! Mặt trời sẽ xuất hiện và sẽ làm tan sương mù, Con chim sáo vừa hót vừa báo tin cho Sĩ Nhân biết. Nào, uống sữa đi!

Sĩ Nhân dịu lại. Và đây là một truyện dành cho Sĩ Nhân giải trí. Ai đã kể cho cậu ta nghe? Ông Khờ hay con cú mèo? Có lẽ ông Khờ... Ông Khờ không thông minh... Tâm hồn ông ta cũng như thân thể ông ta không chịu lớn lên, không vượt qua được giai đoạn trẻ thơ. Ông Khờ kể rất vụng về, nhưng ông đã cảm thông được thơ trong thiên nhiên. Những người có cánh và những cây rừng bổ túc cho bài kể truyện.

Các em độc giả hãy nghe chung với Sĩ Nhân truyện kể sáng nay tựa là:

NHỮNG TẤM MÀN VÀ SƯƠNG MÙ!

...................

Một ngày nọ, một tiệm ở thành phố trình bày trong tủ kính những màu trắng đẹp tuyệt vời, đến nỗi mọi người đi ngang phải ngừng lại ngắm xem.

Những màu trắng đó chỉ là những tấm màn trong suốt và nhẹ nhàng muốn bay lên tận trời cao.

Một cậu chim sẻ cổ đỏ bay vào thành phố và bay ngang tiệm đó. Cậu chim này còn nhỏ nên chưa được thấy nhiều. Vì thế cậu ta đã ngây ngất trước những tấm màn trắng rồi bay tung cánh trở về rừng.

Cậu chim này kể cho các bạn chim ở rừng nghe điều cậu thấy ở con người:

- Thật là đẹp! Đẹp hơn những luồng bọt trắng xóa của con suối trên đồi... Các bạn có biết chăng, tổ các bạn sẽ đẹp tuyệt vời nếu nó được một tấm màn trong suốt bao phủ!

Những con chim tước bu quanh cậu chim sẻ cổ đỏ và lắng nghe cậu này nói. Con chim sáo, con chim cu, con chim ác là, cũng bay tới nghe kể truyện. Tất cả những con chim hiện diện đều muốn làm giống như con người.

Con chim tiêu dễ thương đang ở một hốc cây tuyên bố:

- Tôi thích có một tấm màn nhỏ treo trước cửa tổ tôi.

- Tôi khoái có những ren trong tổ tôi, vì tôi là một nhà nghệ sĩ.

Con chim đỏ mỏ, con chim bạc má, con chim chìa vôi mơ những màn che để trang điểm nôi của những đứa bé chim. Sự thèm muốn thật là hay lây, cây sơn trà cũng ước mơ một tấm màn trong suốt. Cây mẫu đơn cũng góp ý kiến:

- Chúng tôi có vẻ cục mịch quá, chúng tôi đỏ quá. Một tấm màn nhỏ sẽ làm chúng tôi xanh hơn và hào hoa phong nhã hơn.

- Làm thế nào bây giờ! Các con chim và các hoa tự hỏi.

Cậu chim sẻ cổ đỏ bình tĩnh lạ thường. Sáng hôm sau, cậu ta bay vào thành phố và đến trước cửa tiệm có những tấm màn trong suốt đẹp tuyệt vời. Ngày đó là ngày tiệm đóng cửa, nhưng người ta có mở một cửa lớn và các cửa sổ để cho thoáng khí. Cậu chim sẻ cổ đỏ bèn bay vào tủ kính và nhún nhảy trên các màn trắng.

- Ô kìa! Một con chim sẻ cổ đỏ! Tấm màn lớn nói.

Tấm màn này biết rất nhiều vì suốt ngày nó đều nhìn qua kính.

- Cậu muốn gì? Cậu chim sẻ cổ đỏ?

Sau một chút do dự, cậu chim giải thích:

- Các chim trong rừng và các hoa muốn xem các anh và tiếp các anh tại tổ vì họ không thể nào đến thành phố được... xin các anh đừng từ chối...

Tất cả các tấm màn trong suốt đều nói một lượt:

- Khó quá! Nhưng để chúng tôi thử xem... Nào, tất cả lên đường!

Liền lúc đó, nhờ một luồng gió, tất cả các tấm màn đều băng qua cửa sổ như những đám mây trắng trôi lững lờ trên bầu trời thành phố.

- Kìa! Kìa! Những người đi đường ngạc nhiên có sa mù ở trên cao!

Sa mù tiến dần về phía rừng và làm thỏa mãn tất cả các bạn của cậu chim sẻ cổ đỏ. Sa mù tự xé nát và tản mát lướt giữa ngàn cây... rồi tạo thành những tấm màn chung quanh mỗi tổ hay lúc lắc ở cửa vào các hốc cây. Những cái khăn mịn quay tròn chung quanh những thân cây sồi và cây phong. Con chim ác là đã có ren đầy tổ. Cây sơn trà và cây mẫu đơn đều thỏa mãn...

- Đẹp làm sao! Đẹp làm sao! Cậu chim sẻ cổ đỏ hót vang.

Lúc đầu, tất cả đều sung sướng. Nhưng sau đó, người ta nghe những tiếng thì thầm:

- Chết! Tôi không thấy ngõ vào. Một con chim đực mang mồi nói.

Trong tổ của con chim ác là, những ren đã làm cản trở các bé chim ác là, làm các bé bấu vào nhau la inh ỏi.

Chim bạc má và chim cổ đỏ có vẻ buồn:

- Chúng tôi không còn thấy rõ chung quanh nữa. Chả vui tí nào!

Các cây cũng chán nản:

- Chúng tôi không cần có khăn choàng cái cổ dài của chúng tôi nữa. Chúng tôi không yếu ớt đâu!

Cây uất kim hương ngạo cây mẫu đơn:

- Tôi thấy các chị tức cười quá! Trông giống như các chị có băng trắng trên đầu!

Cây sơn trà bỗng giận dữ dùng gai xé rách tấm màn bao phủ mình rồi nói:

- Bây giờ tôi thấy rõ rồi!

Cậu chim sẻ cổ đỏ có vẻ lo lắng. Cậu ta nghĩ rằng, cậu ta đã sai lầm khi đã kể những gì cậu thấy ở con người. Những người ở rừng và ở đồng không cần thứ đó. Làm cho họ thích những vật vô ích có ích lợi gì!

May quá, tất cả đều được sắp đặt một cách tốt đẹp. Các tấm màn bèn tụ họp lại và tiến về thành phố trông giống như một luồng hơi sáng và dịu bên trên nóc rừng.

Sáng hôm sau, các tấm màn trong suốt đó trở về nằm trong tủ kính và nói với nhau:

- Chúng ta không phải là đồ dùng dành cho rừng và đồng quê. Chúng ta hãy ở lại đây, thành phố mới là của chúng ta.

Vài ngày sau, các con chim rừng vừa thức dậy liền thấy sương mù dày đặc. Lần này mới chính là màn sương mù đích thực đang bao phủ rừng.

Chim sáo thấy sương mù đầu tiên:

- Xem kìa! Chim sáo hót Bầu trời đã đặt những tấm màn chung quanh các tổ chim! Mặt trời sẽ làm tan những tấm màn đó. Hoan hô mặt trời!

....................................

Hoan hô mặt trời! Mặt trời cũng đã xuất hiện ở cửa chòi ông Khờ. Nhưng sương mù quê hương không kéo dài...

Sĩ Nhân đã quên sương mù ở Hành Tinh Mới, sương mù dày và ấm đã khép kín biết bao đời sống đang thành hình và biết bao con vật thời tiền sử.

Sĩ Nhân vẫn còn yếu, chưa dậy được, nhưng cửa sổ mở đã mang đến cho cậu bé những hương thơm tốt lành của rừng, tiếng gió rì rào qua các kẽ lá, tiếng sột soạt của các loài côn trùng đang hoạt động và tiếng chim hót vang lừng. Mọi vật đều cười vui với Sĩ Nhân và dường như muốn nói với Sĩ Nhân:

- Địa cầu đẹp lắm Sĩ Nhân ơi!

Nhiều khi, một con ong vàng hực bay vào chỗ Sĩ Nhân nằm đem đến cho Sĩ Nhân một niềm an ủi mới. Con ong này bị thu hút bởi mùi đậm đặc của các cây thuốc mà ông Khờ để cạnh giường ngủ của Sĩ Nhân.

Sĩ Nhân theo dõi con ong và hỏi:

- Sao ong vội quá vậy?

- Tại vì tôi có phận sự phải hoàn thành!

- Ong nói cho tôi biết, phải chăng các loài côn trùng là những mẫu thông minh và tổ chức nhất?

- Đúng đó! Tất cả đều được sắp đặt ở chúng tôi. Không có gì cho sự ngẫu nhiên cả! Sự tưởng tượng không được chấp nhận trong tổ ong!

- Dường như con người phải bắt chước các phương pháp trong tổ ong?

- Hẳn nhiên, chúng tôi làm việc theo dây chuyền! Đó là phương pháp tốt nhất để đạt năng suất cao nhất. Nhưng mỗi chúng tôi chỉ là một con vít trong một guồng máy và suốt đời chỉ làm có một công việc mà thôi. Anh ơi! Tôi ước mơ đời sống các loài chim: mỗi con chim có quyền làm tổ tùy theo ý thích, có quyền kiếm đồ ăn, nuôi con và hát vang!

- Tội nghiệp! Bộ loài ong không được hạnh phúc dù xã hội đã được tổ chức hết sức thông minh?

- Phải! Mỗi chúng tôi đều cảm thấy thiếu thốn một cái gì. Anh hãy nghe truyện sau đây, rồi anh sẽ hiểu bi kịch của chúng tôi:

...................................................................................

Từ sáng sớm, cả tổ ong dường như bị một nỗi buồn to lớn bao phủ. Các con ong xì xào nói với nhau:

- Nữ Hoàng già của chúng ta đã mất rồi!... Nữ Hoàng đã mất!

Đàn ong than thở buồn rầu chung quanh xác nữ hoàng. Cả đàn rất thương nữ hoàng vì nữ hoàng là người mẹ hiền của tất cả. Nữ Hoàng đã mất rồi, tương lai sẽ ra sao? Đàn ong biết rằng nếu không có nữ hoàng, tổ ong sẽ bị tiêu diệt. Ong chúa đã mất rồi, tìm đâu ong chúa khác bây giờ?

Nhưng, một nàng ong nhỏ vừa đi ra khỏi sáp ong. Nàng ong này chưa được cứng cáp lắm, cánh còn dính trên thân thể. Nhìn chung quanh, nàng ong có vẻ ngạc nhiên tột độ.

- Đừng sợ gì hết! Người vú nuôi vừa vuốt ve vừa nói Nàng hãy đứng dậy: Nàng là ong chúa, nữ hoàng của tổ ong!

- Nữ hoàng! Cái gì vậy?

- Tôi sẽ nói cho nàng nghe sau. Nàng hãy liếm đôi cánh đi!

Trong khi nàng ong trang điểm, người vú chạy khắp tổ báo tin:

- Một nữ hoàng vừa được sinh!

Tiếng rù rù vui mừng vang lên khắp nơi:

- Nàng có mạnh không?

- Mạnh, nàng được nuôi trong dinh hoàng gia.

- Nàng đẹp không?

- Đẹp! Nàng hung hung như một tia sáng nhỏ.

- Chúng ta đặt tên nàng là Diễm Hồng.

- Tôi đi tìm nàng đây!

Lúc bấy giờ, người vú hướng dẫn nàng ong đến giữa lòng tổ. Diễm Hồng vui vẻ tiến đến gần các con ong khác.

- Tôi vừa vũ với các ong trẻ Diễm Hồng nói Nhưng tại sao các ong ấy lại dang ra khi tôi đi đến?

- Đó là vì sự kính nể. Nàng là nữ hoàng. Một nữ hoàng phải có con đường tự do trước mặt.

- Thế à! Diễm Hồng nói to có vẻ ngạc nhiên khi biết điều trên.

Vài ngày sau, người vú nói với nàng ong bé nhỏ:

- Nàng hãy đến ngôi vườn gần tổ. Nàng hãy đánh dấu những gì có thể hướng dẫn nàng trở về nhà những khi nàng đi ra một mình... Phải biết đường trở về sau khi đi chơi!

Diễm Hồng khám phá ra ngàn hoa đủ màu sắc, thú vị làm sao! Diễm Hồng thấy những con ong khác đang làm việc giữa các đài hoa muôn ngàn màu sắc.

- Mỗi con ong phải hút mật nhanh Người vú nhận xét để mang nhiều mật về tổ và cả sáp nữa.

Diễm Hồng thích quá:

- Vui quá! Tôi bay từ hoa này qua hoa khác! Tôi cũng hút mật.

- Không, không phải là phận sự của nàng. Chỉ có những con ong kiếm mật phải tìm mật mà thôi. Còn nàng, nàng là nữ hoàng! Hơn nữa, nàng cũng không thể nào tìm mật được, vì lưỡi nàng ngắn quá. Nàng không thể liếm đến vành hoa và gặt hái lấy mật hoa, đồng thời chân nàng không có giỏ đựng phấn hoa.

Vừa nghe người vú nói xong, Diễm Hồng có vẻ thất vọng:

- Vậy hả! Trời!

Những ong đất đực vừa mới sinh quay tròn từng nhóm chung quanh nàng ong chúa. Chúng lặp lại không ngừng:

- Nàng phải kết hôn! Nàng phải kết hôn!

Có một chàng ong có vẻ dũng mãnh hơn những chàng ong khác hiện ra trước mặt Diễm Hồng. Mọi người đặt tên ong này là Hoàng tử.

Diễm Hồng nói với người vú:

- Tôi muốn kết hôn với Hoàng tử!

- Không được! Vì nàng là nữ hoàng, nàng không có quyền chọn lựa. Một chàng ong mạnh nhất sẽ làm chồng nàng.

Diễm Hồng trở nên buồn khi biết số phận của mình như thế. Người vú giải thích:

- Nàng sẽ đi ra khỏi tổ một mình vào một lúc đẹp trời. Nàng sẽ quen dần và bay càng lúc càng xa, càng lúc càng cao. Tất cả các chàng ong đất đực sẽ theo hộ tống nàng. Vào một ngày thật đẹp, mặt trời rực rỡ, nàng sẽ bay lên thật cao và khi nào chỉ còn một chàng ong cạnh bên nàng, chàng ong đó sẽ là chồng nàng. Đó là định mạng....

- Nếu tôi không thích chàng đó?

- Nàng là nữ hoàng. Nàng không có quyền chọn lựa.

- Tôi sẽ làm gì sau ngày kết hôn?

- Những ngày trăng mật của nàng sẽ kéo dài. Nàng sẽ không đi ra nữa. Nàng sẽ đẻ trứng không ngừng trong những ngăn được các ong thợ sửa soạn. Và những con ong mới sẽ được sinh vào một ngày nào đó. Nàng sẽ là mẹ của chúng.

Diễm Hồng nghĩ:

- Như thế tôi thích lắm!

Diễm Hồng nói với người vú:

- Tôi sẽ nuôi nấng con tôi và vuốt ve con tôi.

- Nàng là nữ hoàng... Chỉ có những con ong thợ nuôi các con nàng, xem xét các tổ mà thôi. Không phải là phận sự của nàng!

Diễm Hồng nhận xét:

- Làm nữ hoàng thật là kỳ cục!

- Đó là luật của tổ ong. Tuy nhiên, nàng sẽ được hưởng ngày lễ vu qui. Không có con ong nào được hưởng niềm vui này!

Diễm Hồng liền vào tổ. Nàng ong chúa bé nhỏ an phận với định mạng của mình.

Một thời gian sau, nàng bay ra ánh sáng vào một ngày đẹp trời. Nàng tung đôi cánh và bay cao, thật cao... Những tiếng rù rù đuổi theo nàng. Những chàng ong yếu ớt bị rơi lần. Cuối cùng, chỉ còn gần nàng một chàng ong độc nhất, và, may quá, đó là chàng ong Hoàng tử ước mơ của nàng. Hoàng tử là người chiến thắng ngày hôm đó.

Diễm Hồng và Hoàng tử kết hôn ở một nơi, một nơi thật cao, cao đến nỗi cả hai đều không thấy vườn tược, cánh đồng. Chỉ có mặt trời chứng kiến lễ thành hôn vương giả này.

Và kể từ ngày hôm đó, nữ hoàng sanh sản không ngừng và trong tổ đầy những bé ong. Nhưng nàng chỉ có quyền sanh mà không có quyền nuôi. Nàng là một người mẹ xa xôi, không có quyền vuốt ve âu yếm con mình.

......................................


- Tội nghiệp! Sĩ Nhân nói Có lẽ không phải chỉ có thông minh là đủ phát sinh hạnh phúc, mà còn phải có thêm những cái khác nữa!

Trời đã trưa rồi. Như thường lệ, bà Tuấn đem cơm và quà cho Sĩ Nhân.

Đây rồi, đây mới là hạnh phúc!

Những lời nói âu yếm yêu thương của mẹ, một bữa ăn đậm đà thú vị bao trùm ngôi chòi của ông Khờ.

Sĩ Nhân bình phục nhanh chóng. Ông bà Tuấn quyết định cho Sĩ Nhân trở về sống bình thường trong Ngôi Nhà Hồng.

_____________________________________________________________________ 

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

CHƯƠNG 1 (PHẦN II)_VŨ KHÚC TUYỆT VỜI


PHẦN II

BÍ MẬT CỦA VŨ TRỤ


1


Lúc đó, mọi người sắp sửa bỏ rơi Sĩ Nhân rồi. Trong Ngôi Nhà Hồng, bà Tuấn rầu rĩ nằm liệt một chỗ. Ông Tuấn không còn biết gì làm nữa cả. Ông đã tìm kiếm khắp nơi rồi! Hết cách rồi! Nhưng ba má Tuấn đâu có biết giữa lúc ông bà tuyệt vọng và mọi người kể như Sĩ Nhân đã bị mất tích bí mật vĩnh viễn, thì Sĩ Nhân bị té bất tỉnh giữa rừng sâu. Nguy hiểm cho Sĩ Nhân là ở chỗ đó!

Riêng có Minh bị dày vò bởi một sự hối hận ngấm ngầm. Minh buồn ra mặt. Thấy mọi người sắp sửa bỏ cuộc, Minh nói với em gái:

- Vân này, anh sợ...

Vân nhìn anh ngạc nhiên:

- Anh sợ gì?

- Anh sợ ông Khờ trả thù, anh đã phá cái mũ của ông ta. Biết đâu ông ta đã bắt cóc Sĩ Nhân để báo thù chúng ta? Có lẽ ông ta giam Sĩ Nhân trong nhà ông ta ở rừng sâu! Ông ta có thể hành hạ Sĩ Nhân?

- Anh lầm rồi! Ông Khờ hiền và dễ thương lắm! Em nhớ rõ lúc anh vừa bỏ đi, ông đã giúp em hái nấm. Ông không có vẻ gì giận cả.

- Biết đâu trong đầu ông ta lại nghĩ khác. Anh đã đọc được nhiều truyện có trường hợp giống lắm, đáng nghi lắm!

Vân xanh mặt. Cô bé bắt đầu tin anh mình. Làm sao bây giờ?

- Vậy mình phải nói cho ba má biết nghe anh?

- Đâu phải dễ gì em! Ai lại tự đi tố cáo mình là nguyên nhân vụ đó! Anh sợ lắm!

- Nhưng mình phải cứu anh Sĩ Nhân chứ! Còn thì giờ mà anh! Em nói với má, anh chịu không?

- Đừng Vân, anh có một ý khác. Anh phải chuộc lại lỗi lầm của anh. Anh phải tự xoay sở lấy. Em đừng cho ai biết nghe! Anh sẽ vào rừng một mình. Anh giả bộ đi tìm nấm rồi lởn vởn quanh chòi của ông Khờ xem có gì khả nghi không? Em đưa cho anh cái giỏ đi!

- Anh Minh, em sợ anh bị bắt cóc luôn! Anh không nên đi một mình.

- Em đừng lo, anh thận trọng lắm. Ông đó rượt anh không kịp đâu.

Vân nói run run:

- Anh trở về mau nghe anh!

Vân phải coi chừng bé Bi Bi, nên không thể nào đi theo anh được. Vân ra hàng rào gọi Tuyết Trang qua chơi. Vân nói với Tuyết Trang:

- Anh Sĩ Nhân đã đi hơn bốn ngày rồi! Anh mất tích tối thứ hai vừa rồi. Bây giờ là thứ sáu, thế mà chả có tin gì cả. Anh ấy ở đâu? Ai đã bắt cóc anh ấy? Vân lo quá...

Nói vừa dứt lời, cô bé không giấu nỗi cảm động, khóc nức nở.

- Tôi tin rằng anh ấy trở về Tuyết Trang trả lời dịu dàng.

Thình lình cổng vườn mở và bà Lý bước vào. Thấy dáng điệu thiểu não của hai cô bé, bà Lý hỏi:

- Có gì vậy các con?

- Chúng con nói chuyện về anh Sĩ Nhân.

- Má cũng lo lắm... Minh đâu?

- Anh Minh đi hái nấm rồi Vân không dám cho mẹ biết rõ sự thật.

Bà Lý có vẻ không bằng lòng:

- Má phải cấm anh con đi vào rừng một mình. Chờ cho vụ mất tích này ra ánh sáng đã! Các con đi nghỉ đi. Tình trạng chưa tuyệt vọng đâu!

Một trận mưa ngắn bỗng tuôn xuống bẻ cong các cành cây và làm đàn chim sẻ bay trốn ríu rít. Chỉ trừ những con chim sẻ cổ đỏ vẫn tiếp tục hót ríu rít trong các lùm cây.

- Chúng hát gì dưới mưa đó? Chắc chúng thích trời mưa lắm!

- Không, ti ri li ti ri li li! Chúng tôi hát chào đón mặt trời sắp trở lại. Mặt trời luôn luôn trở lại.

- Mặt trời có trở lại trên mình tôi không? Ngôi Nhà Hồng bên cạnh hỏi Tôi cần mặt trời lắm!

- Cổng vườn mở kìa Vân nói Có lẽ anh Minh về. May quá! Biết đâu anh ấy có tin lạ!

Minh ướt loi ngoi vừa chạy vừa thở:

- Con chó! Con chó!

Nghe tiếng Minh, bà Lý chạy ra:

- Con chó nào? Thay quần áo đi con, kẻo bịnh!

- Không, phải đi ngay... Con chó... Minh run rẩy nói không ra lời.

- Con chó nào?

- Con chó Ki Ki!

- Con đã thấy con Ki Ki?

Vẫn còn run, Minh cố gắng nói:

- Phải! Con chó Ki Ki! Con thấy con chó Ki Ki ở trong chòi ông Khờ đi ra. Nó thấy con nhưng không muốn theo con. Chắc chắn có Sĩ Nhân trong đó.

Minh kết luận:

- Ông Khờ đã báo thù. Ông ta bắt giam Sĩ Nhân. Đó là do lỗi của con.

Minh kể lại cho mẹ nghe chuyện cái mũ và tiếp tục:

- Con nghi... Con đi rảo chung quanh chòi của ông Khờ giả bộ tìm nấm, bỗng con chó Ki Ki đi ra, nhìn con vừa sủa vừa ve vẩy đuôi. Con không thấy ai hết. Con sợ, con chạy ngay về đây! Má phải báo động cho mọi người biết ngay, con lo cho tính mạng của Sĩ Nhân.

Bà Lý cởi áo ướt của Minh ra rồi nói:

- Má biết ông Khờ tâm trí bất thường, nhưng ông ấy chưa làm hại ai cả và chưa làm điều gì xấu cả. Ông ấy lại sẵn sàng giúp đỡ người khác. Song le người ta không thể biết được, biết đâu? Con chó Ki Ki ở nhà ông ta, đáng nghi lắm, nhưng con chó có vẻ mừng khi gặp Minh... Như thế chứng tỏ Sĩ Nhân chưa bị mất tích, vì tại sao Ki Ki lại không chạy theo Minh, vì có chủ nó trong nhà ông Khờ... Mình phải đi xem...

- Vân! Gọi ba con đi con! Má nghe ba nói chuyện ở vườn bên với ông bà Tuấn.

Ông Lý nghe kể lại đầu đuôi câu chuyện, ông nói ngay:

- Mình đi ngay. Bà nói phải, không nên cho bà Tuấn biết vội, mình sẽ cho bà biết sau nếu có tin gì hay. Tôi sẽ mời bác sĩ Phát đi theo...

Ông Lý, ông Tuấn, bác sĩ Phát đi thẳng vào rừng đến lều ông Khờ.

Rừng âm u. Các cây vẫn còn nhỏ giọt vì trận mưa vừa qua. Con suối trong rừng vẫn reo vui róc rách như thường. Từng đàn chim bay tung cánh. Một con chim sáo hót vang lừng. Không thể nào một bi kịch lại xảy ra trong một khung cảnh xinh đẹp như thế! Song le ba người, nhất là ông Tuấn, vẫn lo lắng tột độ.

Ngôi nhà ông Khờ đây rồi! Vừa thấy ông Tuấn, chó Ki Ki mừng rỡ nhảy cỡn chung quanh ông chủ. Đúng rồi, cho Ki Ki đây rồi, còn Sĩ Nhân đâu?

Nghe tiếng chó sủa, ông Khờ đi ra cửa. Thấy khách lạ, ông có vẻ ngỡ ngàng. Nhưng ông có vẻ vững dạ khi thấy bác sĩ Phát, người chữa bệnh cho ông xưa kia. Bác sĩ Phát hỏi đầu tiên:

- Con ông Tuấn ở đâu? Ông?

- Con ông Tuấn? Tôi không biết?...

Sự lo âu tăng thêm.

- Tôi không biết cậu bé con ai, nhưng tôi biết cậu bé tên Sĩ Nhân.

- Sĩ Nhân đâu rồi?

- Đang nằm ngủ trên giường của tôi.

Vừa nghe ông Khờ nói xong, ông Tuấn chạy nhanh vào. Nhưng bác sĩ Phát cản lại:

- Ông đứng chờ đây, để tôi vào trước.

Bác sĩ Phát thấy Sĩ Nhân đang nằm ngủ trên giường, đầu cậu bé quấn băng trắng.

Bác sĩ Phát xem xét kỹ lưỡng vết thương rồi nói:

- Không nguy hiểm! Vết thương đang lành. Nhưng tại sao cậu bé lại ở đây?

- Tôi gặp cậu bé trong rừng và tôi đã săn sóc cậu bé.

- Tại sao ông không báo cho mọi người biết?

Ông Khờ nói lắp bắp:

- Tôi săn sóc cậu bé kỹ lưỡng. Cậu bé ngủ rất nhiều. Tôi cho cậu bé ăn. Tôi cho cậu bé uống nước thuốc sắc. Tôi có làm gì bậy không?

Bác sĩ Phát nếm thuốc sắc rồi nói:

- Thuốc làm dịu cơn đau. Tốt! Ông không có làm gì bậy cả. Ông Tuấn ơi! Vào đây, con ông không có gì nguy hiểm cả!

Còn gì vui bằng người cha gặp lại người con trong cảnh này! Ông Lý cũng vào theo, nhưng đứng ra một bên để cho cha con ông Tuấn gặp nhau. Vừa lúc đó, Sĩ Nhân ở mắt. Nó ngạc nhiên thấy nhiều người đứng cạnh bên.

- Sĩ Nhân con! Ông Tuấn thì thầm âu yếm.

Sĩ Nhân nhìn cha có vẻ lãnh đạm. Cậu bé không cảm thấy cha cậu bé đang ôm cậu bé trong tay và đang vuốt ve cậu bé.

Thấy vậy, bác sĩ Phát nói:

- Cháu chưa tỉnh ngủ. Để tôi...

Bác sĩ Phát để Sĩ Nhân ngồi trên giường lưng tựa vào cái gối:

- Cháu đã tỉnh chưa? Tên cháu là gì?

- Sĩ Nhân!

- Cháu họ gì?

- Lê Sĩ Nhân!

- Nhà cháu ở đâu?

- Cháu không biết. Cháu đã trải qua một cuộc hành trình dài.

- Một cuộc hành trình? Cháu đi đâu?

- Cháu đi ở trên kia, cháu đi giữa các vì sao.

Theo bác sĩ Phát, tâm trí Sĩ Nhân mất thăng bằng.

- Cháu có đau không?

- Cháu không có đau. Cháu khỏe lắm.

Vừa nói xong, Sĩ Nhân khép mắt lại có vẻ mệt mỏi.

Bác sĩ Phát nói với ông Tuấn:

- Cháu bị mất thăng bằng. Trí nhớ của cháu kém lắm.

Ông Tuấn lo âu:

- Có sao không, thưa bác sĩ?

- Có lẽ không sao! Tôi sẽ cố gắng làm cháu có trí nhớ trở lại.

- Này ông Khờ, ông đã gặp Sĩ Nhân ở đâu?

- Trong rừng, gần núi đá. Trán cậu bé chảy máu. Cậu bé té xuống một hố sâu.

- Ông gặp Sĩ Nhân hồi nào?

- Hôm kia, ban đêm.

- Ban đêm?

- Phải! Lúc tôi đang tìm hái lá thuốc.

- Ông chắc chắn hôm kia?

- Phải, giữa thứ Tư và thứ Năm.

- Thật lạ lùng! Bác sĩ nhận xét. Sĩ Nhân biến mất chiều thứ Hai. Vậy cháu đã làm gì hôm thứ Ba và thứ Tư?

- Tôi không biết!

- Quần áo của cháu đâu?

Ông Khờ lấy ra một hộp giấy để trong tủ. Bác sĩ Phát và ông Tuấn quan sát hộp giấy đó. Đôi giầy dính đầy đất, bị rách tả tơi ở đầu, chứng tỏ Sĩ Nhân đã đi rất lâu trong rừng và động chạm rất nhiều. cái áo bị lủng nhiều chỗ và còn dính vài cành gai lẫn vài vết máu. Như thế ông Khờ đã nói đúng.

- Ông là một người tốt Bác sĩ nhận xét Ông đã cứu sống được một đứa bé!

Ông Tuấn có vẻ hối hận đã nghi oan ông Khờ. Ông cám ơn ông Khờ rối rít. Ông Khờ nói thêm:

- Còn một cái này nữa! Tôi thấy ở trong túi áo của cậu.

Ông Khờ đưa cho ông Tuấn một cuốn sách. Đó là cuốn "Thiên văn học". Bác sĩ và ông Tuấn lật xem từng trang thật kỹ lưỡng.

Ông Tuấn nói:

- Cuốn sách này khá cao đối với trình độ của cháu. Cháu sẽ mệt óc rất nhiều nếu cố gắng tìm hiểu những điều nói trong sách này.

Bác sĩ Phát nói thêm:

- Đúng, đây là nguyên nhân sự rối loạn tâm trí của cháu. Một loại suy sụp tinh thần đã làm cháu bỏ nhà đi trốn... Chỉ còn lại là tìm xem trong hai ngày đầu mất tích cháu đã làm gì? Đó là cả một bí mật!

Nghe bác sĩ Phát nói xong, Sĩ Nhân mở mắt nói:

- Cháu đi với ông Vũ Trụ. Cháu đã viếng ba hành tinh và cháu đã xem vũ khúc tuyệt vời của các vì sao.

Bác sĩ mỉm cười:

- Cháu nói xàm, nhưng tôi đã có hy vọng chữa cháu khỏi... chúng ta hãy mời bà Tuấn đến gần cháu để gợi lại trí nhớ của cháu.

Ông Lý lãnh trách nhiệm đi rước bà Tuấn.

Trong khi chờ đợi bà Tuấn đến, chúng ta hãy quay thời gian trở lại để xem ông Khờ đã gặp Sĩ Nhân trong trường hợp nào?

Đêm đó, lợi dụng ánh trăng, ông Khờ đã rời khỏi chòi của mình đi hái các lá thuốc.

Tại sao phải hái dưới ánh trăng? Có lẽ tại vì má ông xưa kia đã dặn ông là muốn mỗi cây thuốc có hiệu quả tốt thì phải hái nó vào một lúc thích hợp nhất, đó là lúc có trăng sáng. Ông Khờ thích các cây thuốc của núi rừng. Vừa hái lá, ông vừa nói một mình:

- Phải làm dịu bớt mọi khổ đau của nhân loại!

Ông hái mê say. Núi rừng đối với ông chả có gì xa lạ cả.

- Ối chà! Mặt trăng đã trốn rồi Có lẽ mây đã che rồi. May quá, tôi đã có ngọn đèn này để chiếu sáng.

Ông Khờ cúi xuống quan sát một ổ nấm xông mùi từ dưới một hố... Lúc đó bỗng ở trên cao tiếng hét đau đớn của Sĩ Nhân vang dội cả núi rừng.

Cái gì xảy ra vậy? Ồ! Một con chó sủa nữa! Mình phải đi xem sao!

Ông Khờ đi nhanh ề phía phát ra tiếng la và tiếng chó sủa.

Vừa thấy chó Ki Ki, ông Khờ nói:

- Tôi đã gặp con chó này rồi!

Ông giơ cao ngọn đèn và nhìn cái bóng người đang nằm dài trên đất. Ông thấy rõ cái đầu bị thương, chảy máu ròng ròng.

- Ô kìa! Cậu bé tốt bụng đã đem trả tôi cái mũ! Tôi nghe các bạn của cậu gọi cậu là Sĩ Nhân.

Ông Khờ gọi to tên Sĩ Nhân mấy lần, nhưng Sĩ Nhân nằm yên không nhúc nhích. Nhưng vết thương trên đầu Sĩ Nhân có vẻ không sâu lắm. Ông Khờ bèn bồng Sĩ Nhân lên và đi nhanh về chòi của mình. Ông tuy lùn, nhưng rất khỏe. Ông bồng Sĩ Nhân hết sức dễ dàng. Chó Ki Ki lẽo đẽo theo sau người chủ nhỏ dù nó cũng đang bị thương.

- Ráng lên, chó! Khờ không thể mang chó như Sĩ Nhân được, nhưng Khờ sẽ săn sóc chó sau khi Sĩ Nhân được an toàn!

Ông Khờ để Sĩ Nhân nằm dài trên chiếc giường độc nhất. Ông Khờ rửa vết thương trên đầu Sĩ Nhân rồi băng bó kỹ lưỡng. Ông lấy một loại cây ngâm trong dầu dán lên vết thương. Một lúc sau, Sĩ Nhân mở mắt. Ông Khờ đã cởi áo nó. Nó thì thầm:

- Tôi đang ở đâu đây? A! Ông Khờ! Xin lỗi ông, tôi không biết tên ông.

- Cậu cứ gọi tôi là Khờ, tôi quen rồi, có gì mà cậu phải xin lỗi.

Ông Khờ tiếp tục nói như nói với chính mình:

- Tên tôi, tôi đã quên từ lâu rồi. Xưa kia mẹ tôi gọi tôi là Hừng. Mẹ tôi dạy tôi nghề thuốc, hái các lá cây trong rừng làm thuốc. Mẹ tôi đã cứu sống nhiều người. Nhưng mọi người vẫn gọi mẹ tôi là một mụ phù thủy. Thấy tôi xấu xí, mọi người nhạo báng tôi, gọi tôi là Khờ. Lúc đầu, tôi có vẻ buồn. Nhưng bây giờ đã quen rồi, không còn buồn nữa. Mẹ tôi đưa tôi vào đây sống xa lánh tất cả mọi người. Dù vậy, nếu gặp dịp và ai cần đến, mẹ tôi vẫn sốt sắng đi cứu người. Tôi rất sung sướng hạnh phúc sống giữa núi rừng với thú vật. Thỉnh thoảng, cũng có những người tốt đến giúp đỡ tôi.

Sĩ Nhân có nghe thấy gì đâu. Cậu bé đang đắm mình vào một giấc mộng lạ lùng. Thỉnh thoảng cậu bé lắp bắp những câu nói rời rạc.

- Các vì sao!... Vũ khúc... Về... Nhanh... Em không muốn ở lại!

- Cậu bé lên cơn sốt! - Ông Khờ nghĩ.

Một lúc sau, hơi thở của Sĩ Nhân trở nên điều hòa. Sĩ Nhân thiếp đi.

Thấy Sĩ Nhân đã ngủ, ông Khờ bèn săn sóc vết thương của con chó. Chó Ki Ki sủa nhè nhẹ có vẻ hài lòng.

Khi Sĩ Nhân mở mắt thì trời đã sáng rõ. Cậu bé thấy một chén sữa còn nghi ngút khói để bên cạnh. Cậu bé bèn uống liền một hơi và chừa một chút cho chó Ki Ki.

Đời sống giữa núi rừng êm đẹp làm sao! Vị ân nhân đang nhổ lông một con gà mái. Ông Khờ đã hy sinh một con gà để đãi người bạn nhỏ.

Sĩ Nhân ăn ngon lành, nhưng cậu ta vẫn còn nói những câu vô nghĩa, nào là các vì sao, hành tinh, phi thuyền bị hỏng máy...

- Cậu vẫn còn mê - ông Khờ nói - Nhưng may quá, vết thương không sâu lắm. Tôi đi thay thuốc.

Sau khi uống một thang thuốc mới, Sĩ Nhân lại ngủ thiếp đi. Giấc ngủ là phương thuốc kỳ diệu nhất.

Sáng hôm sau, Sĩ Nhân nghe ông Khờ nói với con bò độc nhất của ông ở sau lều:

- Không, tôi không dẫn bò đi sáng nay đâu! Ờ, tôi phải săn sóc cậu Sĩ Nhân. Để rồi tôi sẽ dẫn bò đến một cánh đồng cỏ thật ngon. Bò im đi! Bò làm cậu Sĩ Nhân thức dậy đó!

Sĩ Nhân mỉm cười. Cậu bé đã thức dậy từ sớm. Sĩ Nhân nhìn quanh, ngơ ngác như một đứa bé lên ba. Cậu bé muốn kể cuộc du hành lạ lùng mà cậu bé vừa trải qua cho mọi người nghe. Đầu óc Sĩ Nhân lúc này giống như một biển cả êm đềm có nhiều đảo nhỏ lần lượt nổi lên. Lúc thì cậu ta nhớ lại những con vật khổng lồ kỳ dị, lúc thì cậu ta nhớ lại những đô thị mất cả nhân tính mà cả vẻ đẹp và lòng tốt đều bị tiêu diệt, lúc thì cậu ta nhớ đến vũ khúc tuyệt vời của các vì sao.

Ông Khờ nghe Sĩ Nhân kể hết sức chăm chú. Ông chả có vẻ gì ngạc nhiên cả. Ông còn cảm thấy vô cùng thích thú. Khi Sĩ Nhân không kể nữa, ông để Sĩ Nhân nằm nghỉ trên giường.

Trong lúc Sĩ Nhân đang nghỉ ngơi, ông Tuấn, ông Lý và bác sĩ Phát xuất hiện ở cửa lều ông Khờ.

Bây giờ, chỉ còn chờ bà Tuấn, mẹ của Sĩ Nhân đến. Ông Tuấn nói:

- Thưa bác sĩ, tôi phải làm gì? Tôi phải hỏi cháu đã làm gì trong hai ngày bí mật đó? Tôi có thể hỏi cháu mà không nguy hiểm gì hết?

- Không nên hỏi thì tốt hơn! Có thể sau này bà sẽ biết rõ điều đó. Điều quan trọng là đã gặp lại cháu. Đừng cản trở cháu gì hết! Cháu đã thuật lại một cuộc hành trình phản sự thực. Cứ để cháu nói. Cháu sẽ được dễ chịu.

- Nhưng cháu có vẻ quên cả quá khứ, tôi lo quá!

- Trí nhớ sẽ trở về với cháu. Cứ để cháu hành động tự nhiên rồi tùy nghi giúp đỡ cháu. Chúng ta hãy chờ bà nhà đến. Có lẽ bà đến rồi kìa! Tôi nghe tiếng chân người...

Dưới sự hướng dẫn của ông Lý, bà Tuấn chạy bất kể. Như có linh tính báo trước, Sĩ Nhân mở mắt. Nhìn thấy mẹ, Sĩ Nhân la to:

- Má!

- Con!

Mẹ con ôm nhau thắm thiết... Sĩ Nhân do dự, cậu ta hồi tưởng lại... Thình lình, cậu ta hỏi:

- Má ơi! Ba đâu? Tuyết Trang đâu? Bạn của con đâu? Vân, Minh, bé Bi Bi?

Ông Tuấn vô cùng mừng rỡ tiến đến gần Sĩ Nhân. Ông Lý cũng vậy. Nhưng chỉ có một người xấu số đứng im lìm ở một góc trước sự vui vẻ chung của mọi người: đó là ông Khờ.

Biết rõ ông Khờ đã giúp con mình, bà Tuấn nắm tay ông Khờ kéo ra ngoài và cám ơn rối rít.

Bà Tuấn hỏi bác sĩ Phát:

- Tôi đem Sĩ Nhân về được không bác sĩ?

Bác sĩ Phát gật đầu chấp thuận. Mọi người sửa soạn cho Sĩ Nhân trở về Ngôi Nhà Hồng.
_________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 2 (PHẦN II)

 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>