Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

Ngưỡng Cửa Mùa Xuân

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tặng một nụ cười tươi 
Tặng một câu chúc vui
Tặng điệu đàn thánh thót 
Tặng mai thắm ngàn nơi

Trao áo mới em thơ
Phong bao đỏ mong chờ
Trao nhân gian tuổi mới 
Xuân về vẹn ước mơ

Tết, trà thơm dâng cúng
Tết, đào nở đầy cành
Tết, tưng bừng phố xá,
Tết, chén chú chén anh

Xuân đến, bánh chưng xanh 
Xuân tới, kiệu dưa hành
Xuân về, câu đối đỏ
Xuân sang, cánh mai vàng

Bớt giọt nước mắt rơi
Bớt tâm trạng rối bời 
Bớt đêm dài thao thức
Vui xuân với đất trời

Thêm một ly rượu ngon
Thêm một tràng pháo giòn
Thêm hột dưa lách tách
Mừng xuân sáng trời hồng...

                           Trần Thị Phương Lan 
                           (Bút nhóm Hoa Nắng)
 

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

Mùa Xuân Vẫn Đẹp

Làn gió lạnh cuối đông thổi lùa qua khe cửa. Trời đã hừng sáng. Mai cựa mình thức giấc nhìn sang bên cạnh thì chị Trang đã dậy từ bao giờ. Mai bước ra cửa. Khu vườn nhỏ trước nhà với những cây hoa rung rinh trước gió. Mai hồi hộp cảm động khi thấy chị Trang đang gánh nước tưới hoa. Bé vòng trở lại, ngồi phía sau cửa sổ để nhìn chị Trang. Tội nghiệp chị! Từ ngày mẹ mất đi để lại ba cha con, chị Trang đã lo lắng cho Ba và cho em với tình thương bao la, sâu đậm. Chị càng lo lắng, cực khổ hơn bao giờ hết khi hơn một tháng nay, ông Tư - Ba của hai chị em - vì một tai nạn đã bị té gãy chân trong khi làm việc ở Saigon, bao nhiêu tiền dành dụm của ông Tư đều đổ dồn vào việc chữa chạy, nhưng ông vẫn chưa đi được, phải còn nằm ở nhà thương.

Xuân đã gần về. Tết càng đến gần bao nhiêu thì chị Trang lại cực nhọc bấy nhiêu. Năm nay, mảnh vườn nhỏ trước nhà mà chị Trang đã trồng nào vạn thọ, cúc, mồng gà, thược dược v.v... là gia tài của họ để đón xuân. Chị em Trang đã hy vọng rất nhiều với những cây hoa ấy. Khi gần Tết, họ sẽ bán hoa và với số tiền bán được, chị Trang sẽ mua sắm để ăn Tết, nào là may quần áo cho hai chị em, cho ông Tư và nhất là chị Trang sẽ dẫn Mai lên Sàigòn thăm ông Tư nếu ông chưa về được. Mặc dù số tiền bán hoa có ít nhưng vì đó là món tiền duy nhất của họ để ăn Tết nên hai chị em đã xây đắp rất nhiều hy vọng. Những búp hoa càng lớn bao nhiêu thì niềm hy vọng của Mai cũng tăng lên theo nhiều.

Chị Trang ra bờ ao gánh nước đã trở lại. Đôi má chị hồng lên vì mệt nhọc. Chị nhẹ nhàng đi dọc theo những luống hoa để tưới. Những cây hoa đã trổ bông đều cả và khu vườn hình như rực sáng lên dưới những màu sắc tươi thắm ấy. Mai chợt thấy những búp hoa sao hôm nay đều mang một vẻ rực rỡ, xinh đẹp khác thường. Bé chạy a ra cửa và la lớn:

- Chị Trang ơi! Hôm nay hoa sao đẹp quá!

Chị Trang đang lúi cúi tưới hoa, giật mình ngẩng lên, mỉm cười:

- Vậy mà cũng hét to làm chị giật mình.

Mai nũng nịu:

- Chị ơi! Chỉ còn mấy hôm nữa là Tết, chừng nào chị bán hoa để lấy tiền mua đồ, chị?

- Sao mà gấp thế? Gần Tết chị mới bán được, chớ bây giờ họ mua làm gì? Em của chị thế nào cũng có đồ mới mà, đừng sợ!

Mai mắc cỡ:

- Em hỏi cho biết chớ em có đòi chị mua đồ mới bây giờ đâu? Em ghét chị quá hà! A! Chị có thấy hoa cúc năm nay đẹp hơn năm rồi không chị?
 
- Ờ! Không phải hoa cúc mà những thứ khác cũng vậy, hoa năm nay to hơn nhiều. Nếu có Ba ở nhà chắc phải khen chị em mình lắm phải không em?
 
- Khen thì khen chị, chớ em có trồng đâu mà Ba khen em?
 
- Nhưng em cũng phụ với chị tưới nước, bắt sâu vậy!
 
- Chị ơi! Năm nay em chắc sẽ bán đắt lắm, vậy chị hứa những gì với em, chị đừng quên nhé!
 
- Phải rồi, chị sẽ mua quần áo Tết cho em và dẫn em đi thăm Ba nếu Ba không về ăn Tết được.
 
Nói đến ông Tư, Trang chợt trở nên buồn bã, chép miệng thở dài:
 
- Tội nghiệp Ba, cả tháng nay Ba nằm nhà thương mà chị em mình không đi thăm Ba thường được, để Ba nằm một mình.
 
- Thế nào chị cũng phải dẫn em lên thăm Ba nhen chị! Mấy tháng nay, không gặp Ba em nhớ lắm!
 
Giọng Mai run run cảm động. Trang nhìn Mai và bắt gặp mắt em đang long lanh lệ. Trang gượng mỉm cười, xoa đầu em:
 
- Thôi, đừng buồn nữa em! À! Mấy giờ cô đi học mà không lo, còn ở đây nhõng nhẽo với tôi?
 
Mai giựt mình nhớ đến giờ học vội chạy vào sửa soạn để đi. Trang nói vói theo:
 
- Em ăn cháo chị đã múc sẵn rồi đi, không trễ đâu.
 
Khi Mai sắp đi, Trang lại còn dặn:
 
- Em nhớ mang nón theo nhé, trưa về nắng lắm!
 
Mai trìu mến nhìn chị:
 
- Em không quên đâu, em đã lớn rồi!
 
- Phải em đâu còn bé nữa, em chị đã học tới lớp nhứt mà!

Và chị cười ròn, hàm răng sáng lóng lánh dưới ánh nắng ban mai.

Mai chạy vội đến trường vì thấy mặt trời đã lên cao. Gần đến trường em thấy đàng trước thấp thoáng bóng dáng Bích Ngọc trong bộ đồ trắng muốt. Bích Ngọc là con của bác Tám ở trước nhà Mai. Ngọc là con một và là con nhà giàu luôn được nâng  niu, chiều chuộng nên Bích Ngọc hay có tánh kiêu căng và phách lối. Ngọc và Mai học chung và ngồi một bàn nhưng cả hai không thích nhau vì tánh tình trái ngược đó. Ngọc quay lại thấy Mai đi sau thì mỉm cười đứng đợi:

- Tưởng Mai đi trước rồi chớ, sao đi trễ vậy?

Mai chưa kịp trả lời thì Ngọc đã lôi trong cặp ra 2 chiếc bánh ngọt, đưa cho Mai một cái và nói:

- Mai ăn bánh với mình đi!

Mai lắc đầu:

- Cám ơn bồ! Mai đã ăn cháo ở nhà rồi.

Ngọc cố nài nỉ nhưng Mai vẫn không ăn vì đã no. Mai ngạc nhiên không hiểu sao bỗng nhiên Ngọc lại vui vẻ và đối đãi tốt với mình như vậy, bình thường thì nó đâu thích chơi với Mai, nó thích con Cúc hơn kia mà, vì con Cúc mang nhiều đồ chơi đẹp vào trường. Ngọc hỏi Mai giọng thân mật:

- Mai ơi! Hôm nay thi Sử Địa và Toán, chắc Mai đã học kỹ lắm?

- Mình vừa học xong hồi tối, còn Ngọc?

- Sơ sơ vậy thôi, nếu Ngọc có quên thì Mai làm ơn nhắc dùm Ngọc nhé!

Mai nhủ thầm : A! Hôm nay thi nên hồi nãy nó đã tính hối lộ mình để mình nhắc nó đây. Mai mỉm cười:

- Được, nếu thầy không rầy, mình sẽ nhắc...

Bích Ngọc suốt ngày sau khi đi học đều không phải làm gì cả nhưng không chịu học, cả ngày chỉ biết rong chơi. Bài vở ít khi học thuộc, dù bị thầy la rầy, trách mắng. Cả đến hôm nay ngày thi cũng vậy - Thầy cho bài thi Sử Địa xong, cả lớp cắm cúi làm bài. Riêng Ngọc loay hoay chưa viết gì cả, có thuộc đâu mà viết! Mai đã làm gần xong nhưng Ngọc vẫn chưa làm gì. Nó đá chân Mai, ra dấu bảo Mai nhắc cho nó viết. Thấy bộ mặt sợ sệt lo lắng của Ngọc, Mai thương tình nhắc cho Ngọc.

Một lần, hai lần, đến lần thứ ba thì thầy giáo nghe được, rầy cả hai đứa và dọa sẽ cho không điểm. Mai hoảng hốt ngồi im, trong lúc ấy chuông rung, đã hết giờ. Bài của Ngọc còn dang dở chưa xong. Đến giờ thi Toán, Ngọc vẫn làm không ra, nó khẽ bảo Mai đưa bài cho nó chép. Mai đang cặm cụi giải bài thứ hai nên làm thinh, Ngọc vẫn đá chân Mai ra dấu, Mai bực quá không thèm đếm xỉa gì nó cả, ngồi xích vào bên trong lo làm bài. Đã hết giờ thi, Mai góp bài và thấy Ngọc vẫn ngồi cắn bút. Ngọc đi góp bài trở về bỗng khóc nức nở. Nó nhìn Mai bằng đôi mắt căm hờn và nói:

- Mầy xấu lắm! Mầy ích kỷ lắm! Tao không thèm chơi với mầy nữa! Rồi mầy biết tay tao!

Nó khóc lên rưng rức khiến ba bốn đứa khác xúm lại xem. Con Cúc không biết gì cả cũng xía vô:

- Thì tao đã nói cho mầy biết, con Mai nó xấu lắm mà!

Mai không nói gì cả, lẳng lặng ôm cặp ra về, lòng buồn bã khác thường em thấy con đường về nhà dài vô tận.

Khi đi qua nhà con Lý, bạn quen, Mai đứng lại nhìn vào sân. Nhà Lý cũng trồng hoa bán Tết. Khu vườn hoa này lớn hơn khu vườn của Mai nhiều. Hôm nay những thứ hoa của Lý cũng trổ rộ cả, chắc là bán vừa đúng trong kỳ Tết như của chị Trang. Mai nhìn kỹ, thấy hoa của Lý tuy nhiều nhưng cây xem yếu ớt, lá không xanh thắm mà hoa thì màu không rực rỡ, không to như hoa của mình. Lý thấy Mai đứng nhìn thì vội chạy ra hỏi:

- Mai thấy hoa của mình ra sao?

Mai mỉm cười:

- Đẹp lắm Lý à...

Lý vội ngắt một hoa cúc đưa cho Mai xem:

- Thôi bồ làm bộ quá! Hoa của mình không bằng hoa của chị Trang một chút nữa! Mình nói thiệt, hoa của chị Trang đẹp lắm, ai cũng khen cả... Chị ấy khéo trồng quá!

Mai thấy một niềm vui lâng lâng trong lòng. Về đến nhà, Mai rẽ vào vườn hoa, không thấy bóng chị Trang đâu cả. Mai đi dọc theo những luống hoa xem xét. Quả thật cũng mồng gà, cúc, thược dược mà Mai vừa xem ở nhà Lý lúc nãy nhưng hoa ở đây to và đẹp quá! Mai dừng lại trước một cụm cúc, nâng đóa hoa lên xe, bỗng một con bướm từ dưới bay vụt lên làm Mai giật mình cười khanh khách. Mai khẽ mắng:

- Chưa chi đã thấy chú mầy đến phá rồi nghe, bướm!

Một làn gió nhẹ thoảng qua, mùi hương của các đóa hoa hàm tiếu làm Mai ngây ngất, Mai khẽ ngâm những câu thơ mà chị Trang thường ngâm hàng ngày:

Thuở ấy em nho nhỏ
Ươm ươm mộng chửa đầy
Môi hồng chưa gợn gió
Tơ xanh còn buông mây

Vườn nhà ta nhỏ nhắn, 
Xinh xinh cụm cúc vàng
Thơm thơm nồng huệ trắng
Thoang thoảng hương hoàng lan...
 
Bỗng một giọng cười ròn rã nổi lên sau lưng Mai. Thì ra chị Trang đã đứng sau lưng Mai tự bao giờ, chị nói:
 
- Đi học về không đói bụng hay sao mà còn vào đây ngâm thơ hả cô?
 
Mai bẽn lẽn tìm cách nói lấp:
 
- Chị ơi! Hoa của mình đẹp hơn hoa của con Lý nhiều lắm chị ạ!
 
- Thì chị tài lắm em không biết sao?

Hai chị em đều cười, ánh mắt long lanh tràn đầy niềm hy vọng và Mai đã quên hết câu chuyện bực tức ở trường buổi sáng vừa qua.

Trưa hôm nay, chị Trang đã qua nhà bác Sáu, làng bên cạnh để nhờ bác phụ giúp trong việc bứng hoa và đem ra chợ bán với chị Trang. Chỉ còn có một mình Mai ở nhà. Buổi trưa ở làng sao mà êm ả quá! Mai ngồi trên ngạch cửa nhìn ra sân, mấy cành hoa lung linh trong nắng. Tiếng gà gáy ở xa xa vọng đến nghe mơ hồ, huyền hoặc làm sao! Không có việc gì làm, Mai vào trong nhà vác cần câu lững thững đi ra phía bờ sông câu cá giải buồn. Câu mãi một lúc không được con cá nào, Mai cắm cần câu xuống mé sông và ngã mình xuống bãi cỏ dưới gốc dừa nằm nghỉ. Gió mát từ bờ sông thổi đến làm Mai ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đang say sưa, Mai bỗng giật mình nghe tiếng chị Trang gọi thất thanh từ đàng xa vọng đến. Mai hốt hoảng lật đật đứng dậy chạy về nhà. Trời đã xế chiều. Gần đến nhà, Mai thấy chị Trang đang lên tiếng gọi mình trong cơn nức nở, em vội lật đật chạy tới. Một cảnh tượng tang thương hiện ra trước mắt Mai. Ôi! Khu vườn trước nhà đầy những lá hoa tươi thắm, một nguồn hy vọng duy nhất mà hai chị em đã tốn bao công lao, sức lực, không còn nữa! Bao nhiêu cây hoa yếu ớt đã bật rễ nằm dài, hoa lá tả tơi dập nát, rụng tơi bời trên mặt đất loang lổ.

Mai đứng chết lặng không thốt được tiếng nào, chỉ trố mắt nhìn chị Trang đang khóc. Chị Trang nói trong cơn nức nở:

- Chị vừa về là thấy hai bầy heo của bác Tám đang ủi và dẫm mấy luống hoa tan nát hết, chị mới đuổi chúng đi đó.

À! Thì ra heo của bác Tám - má Bích Ngọc - ủi mấy luống hoa nên mới ra nông nỗi nầy. Mai lấy làm ngạc nhiên không biết hôm nay tại sao bác Tám lại thả bầy heo ra sớm như vậy. Thường lệ, buổi chiều bác Tám mới thả ra và chúng ít khi léo hánh tới đây, chỉ tụ họp ở khu vườn mé trái vì nơi đó đất ẩm ướt hơn.

Nhìn lại khu vườn hoa tươi thắm giờ đây chỉ còn lại đôi ba cây đứng vững còn bao nhiều đều nằm rạp dưới đất tiêu điều xơ xác, những dòng lệ nóng tuôn tràn trên đôi má, Mai òa lên khóc nức nở chạy đến ôm chặt chị Trang, hai chị em không sao ngăn được sự đau thương trong lòng.

Bác Tám nghe hai chị em khóc, chạy ra sau xem. Sau khi biết cảnh tượng đó do bầy heo của mình mà ra, bà ta không chút cảm động. Là một người giàu có nhưng rất đanh đá, tánh tình khó chịu vô cùng, bác ta nói:

- Chà! Tại sao thấy heo của tôi đến mà không chịu đuổi nó đi, để ra nông nỗi này?

Mai buồn bã trả lời:

- Lúc đó không ai ở nhà cả!

- Phải ở nhà trông coi chớ! Bỏ đi thì chúng có phá phải chịu chớ sao! Khu đất này của tôi thì tôi thả chúng đi đâu không được!


Thật ra khu đất đó chính là của bác Tám. Từ lâu bác ta bỏ hoang không trồng gì cả, đến khi chị Trang xin gieo hạt để trồng hoa bác ta cũng bằng lòng cho trồng. Nhưng cách một tháng trước bác ta có ngỏ ý là vì chị Trang trồng hoa lỡ rồi nếu không bác ấy sẽ rào một khu riêng biệt để bao quanh đất mình lại. Chị Trang có năn nỉ xin để qua Tết hãy rào và bác ta đã chịu.

- Thật ra lúc nãy tôi cũng không có thả bầy heo ra, chắc là hàng rào hư sao đó... để tôi về coi ra sao...

Nói xong bác ta bỏ đi vô nhà một nước, không thèm đếm xỉa đến chị em Trang.

Mai tức giận nói với chị:

- Heo của mình phá hư của người ta hết phải bồi thường cho người ta chớ!

Nhưng chị Trang ôm bụng Mai lại:

- Thôi em à! Em quên rằng đất của bác Tám sao? Người ta cho cất nhà ở là còn may lắm, huống chi trồng hoa trên đất của họ nữa, tại mình không chịu coi chừng thì phải chịu.

- Nhưng em tức lắm... và Tết này chúng mình làm sao hở chị?

Buổi chiều ấy, hai chị em không ăn cơm và đi ngủ rất sớm nhưng họ nằm mãi mà không ngủ được. Trong đêm tối, Mai khẽ nói:

- Chúng mình sẽ không sắm gì cả, chúng mình sẽ đi thăm Ba thôi nghen chị?

Không nghe chị Trang trả lời, Mai giơ tay trúng nhằm má chị và bắt gặp những dòng lệ nóng hổi tuôn tràn từ mắt chị.

Hai chị em ôm chặt lấy nhau:

- Chị Trang!

- Em!

*

Buổi tiệc tất niên trong lớp học đã tàn, Mai ôm cặp ra về. Buổi chiều đến buồn bã trên đường làng vắng vẻ. Lòng Mai cũng tràn ngập một nỗi buồn rười rượi và em cất từng bước nặng nề. Hôm qua vườn hoa đã tiêu tan và sáng hôm nay chị Trang đã lên cơn bịnh nặng, chị nóng mê man và nằm vùi, chẳng biết có phải vì buồn mà chị bị bịnh chăng?

Chỉ còn vài hôm nữa là Tết đến nhưng Mai không cảm thấy Xuân về là gì! Khi đi ngang nhà con Lý Mai thấy tấp nập người rộn rịp ở vườn hoa. Người ta đến tận nhà mua cũng có mà người ở trong nhà rộn rịp để lo chuyên chở hoa ra chợ bán cũng nhiều. Lòng Mai chợt se thắt lại và em cất bước đi mau, bụng nhủ thầm:

- Bây giờ con Lý tha hồ bán đắt nhé!

Khoảng đường từ đấy về nhà chỉ còn một khoảng nữa nhưng ở sát mé sông và rất vắng vẻ. Mai thấy thấp thoáng bóng Bích Ngọc đi đàng trước. Bỗng Mai chợt rú lên vì thấy hai người đàn ông bịt mặt bụm miệng Ngọc và lôi xuống mé sông. Mai chạy bay lại và thấy họ lôi Ngọc xuống một chiếc ghe có mui và nhét giẻ vào miệng Ngọc. Mai không suy nghĩ gì cả la lên:

- Bớ người ta! Ăn cướp! Bớ...

Nhanh như cắt, một người dưới ghe nhảy ngay lên bờ túm lấy Mai lôi xuống ghe bụm miệng lại rồi người nọ chèo đâm qua bên kia sông. Một người nói giọng hằn học:

- Mầy bắt con nhỏ nầy làm gì? Nó không thể giúp chúng mình như con kia đâu! Chỉ tổ mất công và kình càng thêm.

- Sao mầy ngu quá! Để nó la bài hải trên bờ cho họ bắt mình lại à!

Người bên trong đã nhét khăn vào miệng Mai và cột Mai với Ngọc dính chùm lại nằm dưới sạp ghe. Y nói giọng dữ tợn:

- Hai đứa bây mà hó hé cái gì coi chừng tụi tao đấy.

Nói xong y lôi trong túi ra một con dao và bấm một cái, một lưỡi dao nhỏ, nhọn, sáng ngời bật nhanh ra phát lên một tiếng tách! Mai và Ngọc rùng mình. Bích Ngọc mặt xanh như tàu lá, run bây bẩy và nước mắt tuôn tràn. Mai thì hiểu rằng chỉ vì mình la nên mới bị họ bắt còn chẳng biết họ bắt Ngọc vì lý do gì?

Chiếc ghe đã cặp sát bờ sông bên kia và lao đi vùn vụt. Bờ sông nầy rất ít người ở vì chưa khai thác hết. Chỉ xa xa mới có vài ngôi nhà. Bần, sậy, mây mọc um tùm chằng chịt. Vài cây dừa hoang de nhánh lá ra bờ sông oằn oại. Bơi một khoảng khá xa, tên chèo ghe cho rẽ vào một con rạch và chống đi mau. Mai liếc thấy hai bên rạch không một bóng nhà, vẫn cây cối rậm rạp. Một lúc sau chúng cho ghe ngừng lại và mở trói dưới chân dẫn hai đứa bé lên bờ. Đi được một khoảng trong con đường nhỏ chật chội mà cỏ dại mọc lan tràn gần bít lối đi, chúng dẫn Mai Ngọc vào một căn chòi đổ nát, xiêu vẹo rồi cột vào góc cột ở xó nhà. Trời đã tối. Một tên thắp một cây đèn dầu lên. Ánh sáng yếu ớt tỏa đi không đủ sáng khắp chòi. Hai tên bắt cóc yên lặng ngồi hút thuốc. Đàn muỗi bay vù vù xung quanh Mai và Ngọc phát ra một âm thanh ghê rợn. Chúng bu đen vào hai đứa bé tấn công. Vì bị cột tay nên chúng không thể nào đuổi được, thật là một điều kinh khủng. Hai tên bắt cóc dọn cơm ra ăn, trong lúc ăn chúng bỏ khăn bịt mặt xuống và Mai thấy chúng rất dữ tợn. Ăn xong, thấy còn dư cơm, một tên nói:

- Ta cho 2 con nhỏ ăn, để chúng đói cũng tội nghiệp, biết đâu ngày mai không có cơm dư để cho chúng nó ăn!

Tên đó đến bên Mai và Ngọc, mở khăn nhét trong miệng hai đứa ra, cột chân chúng lại rồi mở trói hai tay Mai và Ngọc.

Hắn nói:

- Ở đây có la cũng không ai nghe đâu nên đừng hòng! Ăn đi! Tụi bây ngoan ngoãn nghe không!

Ngọc nước mắt lưng tròng, nức nở khóc và tay run run mãi. Một tên quát:

- Có câm cái miệng lại không? Bây không ăn tao đem đổ bây giờ đấy!

Mai ra dấu bảo Ngọc nín và khẽ nói:

- Ngọc cứ việc ăn no đi!

Ngọc ngạc nhiên nhìn Mai và cũng bắt chước Mai bốc cơm lên ăn. Còn đâu là đứa con gái kiêu căng và phách lối nữa! Bích Ngọc bây giờ là một cô bé tiều tụy, sợ sệt, run rẩy! Mai vẫn bình tĩnh ngồi ăn. Bình thưởng Mai vẫn nổi tiếng là 1 đứa bé gan dạ và bây giờ càng chứng tỏ điều ấy là đúng. Ngọc thầm phục trong lòng. Trong lúc ăn, Mai nghe hai tên bàn cãi rất sôi nổi, lập đi lập lại những tiếng : cần gấp, phải đủ số tiền này, thủ tiêu v.v...

Nghe tiếng "thủ tiêu" Mai cũng run trong lòng nhưng bề ngoài vẫn cố giữ vẻ điềm tĩnh. Một tên trong bọn lấy cây đèn bấm rồi ra đi trong đêm tối. Tên còn lại ngồi hút thuốc có vẻ chờ đợi. Khi Mai và Ngọc ăn xong, tên nọ cũng không thèm để ý tới. Hai đứa bé dựa lưng vào vách lá cho đỡ mỏi và lúc này hai tay chúng được tự do nên đàn muỗi ít tấn công hơn. Độ một giờ sau, tên nọ trở về với tiếng thở dài nhẹ nhõm:

- Xong rồi.
 
Tên kia cũng lộ vẻ mừng ra mặt:
 
- Có chắc họ chịu không?
 
- Làm thế nào biết được? Nhưng cứ tin là mình sẽ thành công!
 
Vừa nói hắn vừa liếc nhìn hai đứa bé rồi nói:
 
- Bây giờ tao ngủ trước, đến khuya mầy đánh thức tao dậy thay phiên, bây giờ canh chừng tụi nó nhé!
 
Nói xong hắn trèo lên sạp và chui vào chiếc nóp ngủ. Tên kia ngồi trên ghế canh chừng. Mai và Ngọc quá mệt mỏi. Ngọc dựa lưng vào vách ngủ thiếp đi mặc cho đám muỗi vo ve bên mình. Mai không ngủ được. Em bồi hồi nghĩ đến bổn phận mình : Không biết chị Trang đã bớt bịnh chưa và mình bị như vậy chắc chi Trang đang buồn lo nhiều lắm, chị Trang đang bịnh... Nghĩ đến đây, một nỗi buồn lo dào dạt dâng lên trong lòng, những dòng nước mắt âm thầm lăn dài trên má, Mai cứ để nó chảy mãi mà không lau... Sau cùng mòn mỏi quá, Mai thiếp đi lúc nào không biết.
 
Khi Mai chợt tỉnh thì bên ngoài màn đêm vẫn dày đặc. Em liếc nhìn lại phía tên đang ngồi gác. A! Thì ra chúng đã đổi phiên hồi nào Mai không hay, chắc trời cũng gần sáng. Tên ngồi gác ngả đầu lên thành ghế ngáy pho pho, chắc hắn đang ngủ say lắm. Liếc nhìn thấy con dao nhỏ mà hắn đã dọa hai đứa hồi chiều nằm ngay trên mặt bàn, lưỡi dao phản chiếu ánh sáng ngời, Mai vụt nảy ra một ý nghĩ táo bạo. Em đánh thức Ngọc dậy và ra dấu tiến đến mặt bàn để lấy dao. Ngọc ngơ ngác nhưng cũng nghe Mai. Vì bị buộc chặt chân nên cả hai đi không được đành phải lết nhè nhẹ đến bàn, không cho gây tiếng động, nhưng hình như chúng nghe tiếng trái tim đập vang động khắp nơi. Đến bên bàn Mai với tay lên lấy dao và bảo Ngọc trở về chỗ cũ. Lưỡi dao lạnh như băng nằm gọn trong tay, Mai cố gắng trấn tĩnh. Em nhẹ nhàng cắt dây buộc chân cho mình và cho Ngọc. Sợi dây lỏng dần và đứt ra. Mai cảm thấy khỏe khoắn lạ thường. Mai kéo Ngọc đứng lên và em còn đến bên bàn lấy luôn chiếc đèn bấm rồi cùng Ngọc bước ra ngoài. Đây là giờ phút quyết định của hai đứa. Đứa nào cũng không kiềm chế được sự sợ hãi, lo chúng thức dậy sẽ bắt gặp mình.
 

Gió thổi rì rào qua cây lá nhưng mồ hôi Mai và Ngọc vẫn rịn trên trán. Nhờ có đèn bấm, Mai rọi tìm đường. Vì chỉ có con đường mòn duy nhất dẫn ra bờ sông nên Mai không sợ lạc. Cả hai xiết chặt tay âm thầm đi bên nhau. Trong giờ phút này cả hai bỗng thương nhau tha thiết hơn bao giờ. Ngọc lại thầm phục Mai. Hai em vừa đi nhưng vẫn liếc trở lại phía chòi, chòi vẫn yên lặng hoàn toàn. Đi bộ một khoảng xa, cả hai bắt đầu chạy. Cây cỏ hoang dại hai bên đường mòn cọ vào mặt mày hai em sát rạt và sương trên cành cao rơi lộp độp trên vai hai đứa. Ánh sáng mờ tối nhưng nhờ Mai bấm đèn nên mới thấy đường đi. Một lúc sau cả hai đến mé rạch và cùng rú lên mừng rỡ khi thấy chiếc ghe nhỏ vẫn còn buộc ở đấy. Mai xuống ghe trước và đưa tay kéo Ngọc xuống, cả hai vẫn còn run rẩy. Mai tháo dây buộc ghe ra, bây giờ Ngọc mới lên tiếng thì thầm:

- Làm sao bây giờ? Mai bơi được không?

- Ngọc đừng lo, Mai bơi được.

Thì ra lúc trước ở nhà Mai có một chiếc xuồng nhỏ và chị Trang dạy Mai bơi trong rạch nhỏ rất rành nhưng chưa ra sông lần nào. Mai chống ghe ra giữa rạch và bơi đi. Chiếc ghe từ từ tiến lên nhẹ nhàng. Mai cố gắng chèo mau để ra sông trong lúc Ngọc lầm thầm van vái cho thoát nạn. A! Chiếc ghe ra gần đến đầu rạch. Ngọc bấm đèn thấy con sông đầy nước đang lờ đờ chảy. Bỗng lúc đó, từ đàng xa, cả hai nghe tiếng la và tiếng chân vang thình thịch. Mai và Ngọc quýnh cả lên. Mai bủn rủn cả tay chân như không thể chèo được nữa. Ngọc hớt hải:

- Mai gắng lên! Gắng lên!

Tiếng Ngọc thốt ra như một lời than tuyệt vọng. Hai tên bắt cóc đã chạy đến gần theo bờ rạch nhưng thuyền của hai đứa bé đã đến bờ sông rồi. Mai cố bơi mạnh, chiếc ghe nhỏ đã tách khỏi bờ, băng ra gần giữa sông. Tiếng hai tên nọ vang lên bực tức ở mé bờ. Mai càng cố bơi nhanh, chiếc ghe ra đến giữa sông bỗng xoay tròn, nhưng Mai đã giữ thăng bằng được, chiếc ghe đã qua gần bờ bên kia. Gió sông thổi lồng lộng và tiếng nói bực tức của hai tên nọ đã không còn nghe được nữa. Trời mờ mờ sáng. Chiếc ghe từ từ cặp bờ sông. Mai và Ngọc thở phào nhẹ nhõm như đã trút được gánh nặng ngàn cân. Ngọc bước lên bờ trước buộc ghe vào gốc dừa, Mai uể oải bước lên, tay em dường như không cử động được nữa, rã rời bải hoải. Cả hai không chạy nữa mà chầm chậm đi bên nhau, tay xiết chặt tay mà không nói gì, dường như qua cơn hãi hùng, Mai và Ngọc không còn gì để nói nữa. Gần đến nhà, Ngọc bỗng đứng dừng lại và ôm chầm lấy Mai khóc òa lên. Mai ngạc nhiên chưa thốt tiếng nào thì Ngọc nức nở:

- Cám ơn Mai rất nhiều và xin Mai tha lỗi cho Ngọc!

Mai trố mắt:

- Có gì mà phải xin lỗi Mai!

Ngọc nói giọng tha thiết:

- Mai không biết chớ, vì giận Mai ở trường nên trưa hôm đó Ngọc đợi chị Trang và Mai đi vắng lén lùa bầy heo ra cho chúng dẫm tan nát mấy luống hoa hết.

Nghe lời thú tội đột ngột của Ngọc, Mai sững sờ thốt lên một tiếng "trời" rồi đẩy Ngọc ra. Mai không ngờ lòng dạ Ngọc ác như thế. Ngọc hoảng hốt nắm chặt tay Mai van lơn:

- Mai ơi! Xin tha lỗi cho Ngọc! Ngọc hối hận lắm, Ngọc sẽ thú tội cho ba má Ngọc biết và sẽ qua xin lỗi chị Trang...

Mai gằn giọng:

- Đợi Ngọc qua xin lỗi thì cũng tan nát rồi. Mà thôi! Chuyện đã lỡ và Ngọc cũng đã biết hối hận thì Mai cũng không giận đâu. 

Ngọc cảm động ôm chặt Mai cám ơn qua tiếng khóc.

Đã đến nhà hai đứa. Trời sáng. Ngọc chạy ùa vào nhà mình, còn Mai lên tiếng gọi chị Trang ở phía sau. Chị Trang đầu tóc bù rối, chạy vụt ra la lớn:

- Trời! Em Mai!

Và chị khóc nức lên, Mai ôm chặt chị mà không biết nói gì. Một lát sau Mai từ từ kể lại cho chị Trang nghe. Nghe xong, chị nói:

- Hồi tối, có một cái thơ thảy qua vòng rào nhà bác Tám bảo rằng phải chuộc hai đứa 50 ngàn đồng, nếu không sẽ giết hết làm chị sợ quá khóc cả đêm.

Mai an ủi chị và kể câu chuyện Ngọc làm hư vườn hoa. Kể vừa xong bỗng thấy ba má của Ngọc và Ngọc bước vào. Bác Tám gái và Ngọc đều khóc xin lỗi chị Trang và cám ơn Mai không ngớt. Cả hai vợ chồng bác Tám xin lỗi chị Trang không hết lời và sau cùng lại ngỏ ý nhường cả khu đất phía sau mà chị Trang trồng hoa cho chị. Chị Trang hết sức từ chối nhưng hai vợ chồng bác Tám nhất định cho và một lúc sau họ ra về để đi báo nhà chức trách địa phương về vụ bắt cóc vừa qua.

Chị Trang có lẽ vì quá lo lắng cho Mai nên quên cả bịnh. Mặt trời đã lên cao, chỉ còn một hôm nữa là Tết. Chị Trang dọn cơm cho Mai ăn. Cả hai vừa ngồi vào bàn thì có tiếng chân bước phía trước. Mai nhìn ra và la lên mừng rỡ:

- A! Ba về! Ba về!

Ông Tư hiện ra ở ngạch cửa với những gói đồ nặng trĩu trên tay.

Hai chị em túa ra nói cười tíu tít.

Thì ra chân ông Tư đã đi được và ông lại được tiền bồi thường tai nạn của sở nên mua sắm rất nhiều cho hai chị em. Chị Trang chậm rãi kể những tai nạn vừa qua cho ông Tư nghe. Nghe xong, ông Tư ôm chặt Mai vào lòng, hôn lên má em và nói:

- Con ba ngoan và gan dạ quá!

Mai nũng nịu:

- Nếu vườn hoa không hư, ba sẽ thấy chị Trang trồng hoa năm nay rất đẹp.

Ông Tư lắc đầu:

- Ba đâu cần những thứ hoa đó. Ba đã có hai thứ hoa đẹp nhứt đời rồi!

Chị em Trang ngạc nhiên hỏi:

- Đâu, hoa gì sao Ba không cho tụi con xem?

Ông Tư âu yếm mỉm cười chỉ hai con:

- Đó! Hoa Trang và Hoa Mai nầy không đẹp sao?

Cả nhà cười lên dòn dã. Mùa Xuân về rồi và bao giờ cũng đẹp.


TRANG VÂN       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Bính Ngọ, 1966)



Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2024

Vườn Xuân

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Mảnh vườn em đẹp lắm cơ
Đàng kia có khóm hoa mơ nở rồi

Mai vàng hé nụ cười tươi
Với nàng bướm trắng vẽ vời làm duyên

Cạnh bên là đóa Thủy tiên
Thẹn thùng ẩn mặt dưới miền lá xanh

Vành khuyên vui hót trên cành
Vườn em đẹp tựa bức tranh xuân về

Nắng lên vờn cánh hoa lê
Gió nhè nhẹ thổi mân mê đóa hồng

Nghiêng đầu nhìn xuống giòng sông
Vài con thuyền lá theo giòng trôi xuôi

Xuân về thêm đẹp bầu trời
Của đàn em nhỏ yêu đời thơ ngây

                                       Hoàng Diễm Hạnh
                                            (nhóm hoa Pensée)

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Đinh Mùi, 1967)
 

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

Mê Hoảng

 

 1. - Mỗi năm vào dịp Tết, Thu, Lan, Tuấn, ba anh em con chú con bác lại có dịp gặp nhau ở quê nội. Gặp nhau, Thu nói:

- Thu rất thích về thăm ông nội, nhưng phải ngủ lại nhà ông, Thu sợ lắm. Cứ tối đến trở về phòng ngủ nằm nghe tiếng gió xào xạc ngoài vườn, tiếng cú kêu chuột rúc ngoài hiên làm Thu rởn tóc gáy. Thú thật, Thu nhát gan lắm. Như tối qua Thu đã bị một mẻ hết hồn...

2. - Lúc ấy - Thu tiếp - trở về phòng riêng, Thu sửa soạn đi ngủ. Trước khi lên giường, Thu lại bên tủ áo xếp dọn vài thứ và chợt thấy đằng phía góc phòng một đôi chân đen ngòm đang đứng trong xó tối. Hoảng hồn, Thu toan bỏ chạy... nhưng rồi mới chợt nhớ ra đó chính là đôi giày của Thu cởi ra để đó khi chiều! Trong bóng tối Thu đã lầm tưởng có ai đứng đó!

3. - Nghe Thu kể lại, Tuấn cười vui thú. Duy có Lan nhún vai chê Thu quá nhát sợ, không như Lan chưa hề biết sợ là gì.

Tuấn nhạo em: - Phải, ai chả biết Lan can đảm! Làn chưa hề biết lạnh, biết đói, và biết sợ là gì vì có bao giờ Lan rời khỏi ba má đâu?

Lan toan đáp lại lời mỉa mai của anh thì có tiếng ông nội gọi ra ăn cơm. Lan đành nén nhịn và tự bảo sẽ tìm dịp làm cho mọi người phải phục sự can đảm của mình.
 

4. - Sau bữa cơm tối, Lan trở về phòng ngủ. Cô bé nhất định để ngỏ cửa sổ nằm ngủ tuy trong bụng cũng thấy run khi nhìn ra khoảng trời đen tối bên ngoài. Lan tự nhủ:

- Kể để ngỏ cửa như thế này cũng thấy ngại. Nhưng chẳng thà sợ một tí để Tuấn và Thu phục mình còn hơn.

Đến nửa đêm Lan chợt thức giấc, và, điều Lan trông thấy làm em ớn lạnh xương sống.

5. - Ở cuối góc phòng, gần bên chỗ cửa sổ Lan thấy sừng sững một bóng người. Sợ quá, Lan toan kêu lên, nhưng lại tự nhủ, nếu kêu tất "nó" sẽ nhảy đến... bóp cổ cho hết kêu. Nghĩ thế và tuy run quá, Lan cũng cố gắng ngồi bật dậy, nhảy xuống ôm cứng lấy bóng đen và kêu thất thanh: "Ông nội ơi! Ba má ơi! Cứu con với!"

Nghe tiếng Lan kêu, cả nhà hoảng hốt chạy vào và khi bật sáng đèn lên thì mọi người đều rũ ra cười.
 

6. - Thì ra, Lan mặt tái mét, đang ôm chặt chiếc áo máng trên mắc!

Má Lan bảo:

- Tội nghiệp con gái má, hồi tối khi con ngủ, má soạn quần áo máng sẵn ở đây để sáng mai mồng một Tết con mặc. Không ngờ con lại tưởng là bóng người và bị một phen kinh hoàng.

Tuấn nháy Thu mỉm cười. Lan hết sợ nhưng lại thấy ngượng và để che sự ngượng ngập, Lan cùng cười lấp đi với mọi người.


VŨ LINH        
 
 (Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Quý Mão, 1963)
 

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

Huyền Thoại Một Loài Hoa

Nắng mới khoe màu, xuân bước sang
Trên cành mai nở những hoa vàng
Em ơi, có biết loài hoa ấy
Là một loài hoa thật dịu dàng?
 
Ngồi lại đi em, chị sẽ kể
Em nghe huyền thoại một loài hoa
Mỗi mùa xuân đến thi nhau nở
Rực rỡ muôn nơi, khắp mọi nhà.
 
Vào một thơi kia xưa lắm cơ
Tại khu rừng thẳm, phủ sương mờ.
Trong gian nhà nhò, quanh năm tháng
Có một cụ già ngồi dệt tơ.


Bà có một người con gái xinh
Tuổi vừa đôi tám nét băng trinh
Tóc xanh buông xõa bờ vai mộng
Thấp thoáng trong vườn bên trúc xinh.


Nàng thường lên núi kiếm măng non
Nghe suối reo đùa chim véo von
Bắt ốc hái rau chăm sóc mẹ
Trong nhà mọi việc nàng lo toan

Tiếng hiếu vang ra khắp xóm làng
Ôi! Nàng vừa đẹp lại vừa ngoan
Người ta còn đặt tên cô bé
Là "một nàng tiên thật dịu dàng"

Mỗi khi ai gọi cô như thế
Mắt ngọc long lanh má ửng hồng
Tóc ngủ im lìm trên cánh áo
Cũng dường e lệ khẽ rung rung.

Cho đến một mùa đông chớm sang
Heo may lạnh lẽo tuyết giăng hàng
Mẹ già nhuốm bệnh trên giường lạnh
Cô thấy trong lòng cũng nát tan.
Mỗi ngày bệnh mẹ thêm trầm trọng
Cô bé càng lo, thức suốt đêm.
Nhưng có một hôm vừa chợp mắt
Cô mơ thấy dáng một bà tiên.

Bà tiên bảo nhỏ tai cô bé:
"Ta biết con là cô gái ngoan
Dung hạnh công ngôn đều được cả
Động lòng ta đến giúp cho con

"Nếu con muốn  cứu mạng mẹ già
Thẳng đến phương Nam, núi Bích Sa
Múc nước nhiệm mầu dâng mẹ uống
Nơi dòng suối nhỏ của tiên nga."

Nghe xong cố bé khẽ reo lên
Thức giấc mơ hồng, xa dáng tiên
Mẹ cũng giật mình lên tiếng hỏi
Dịu dàng cô kể giấc mơ hiền.

Rồi xin phép mẹ cô đi sớm
Cho kịp ngày về đem nước tiên
Nhưng mới nửa đường... cô bị bệnh
Giữa rừng sương lạnh gió triền miên.

Và đêm hôm đó trong rừng thẳm
Cô bé âm thầm xa thế gian.
Ôi! Chẳng bao giờ cô gặp lại
Dáng người hiền mẫu với ngôi làng

Chính tại nơi này ba tháng sau
Một loài cây nhỏ vượt lên cao
Trơ thân xương xẩu không hoa lá
Dân xóm vào xem chẳng hiểu sao

Họ chặt một cành ngâm suối tiên
Tự nhiên hoa nở lá xanh hiền
Một màu rực rỡ huy hoàng lạ
Giữa nắng xuân hồng vang tiếng chim.

Khi biết chuyện nàng con gái ngoan
Vì yêu thương mẹ bỏ thân vàng
Mọi người cảm phục gương cô bé
Hái đóa hoa xinh đặt trước bàn.

Mỗi độ xuân về hoa lại nở
Đó, loài hoa nhỏ tên Mai Vàng
Bởi vì cô bé ngày xưa ấy
Tên gọi Hoàng Mai em biết chăng?

                                   HOÀNG NGỌC THÚY

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi hoa Xuân Canh Tuất, 1970)

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2024

Những Mùa Xuân Kỷ Niệm

 
 
Hình như con người chẳng bao giờ hài lòng với hiện tại. Nhỏ thì thích được làm người lớn, có lẽ để được tự do làm bất cứ việc gì theo ý thích cá nhân, không bị người lớn và đặc biệt là phụ huynh, kềm kẹp, ép uổng, áp đặt, ngăn cấm. Còn già thì lại muốn được trở lại thời thơ ấu vô tư hồn nhiên, và nghĩ rằng đó chính là quãng thời gian hạnh phúc nhất đời. Tôi nằm trong diện sau!

Ví dụ tết nhất chẳng hạn, chúng tôi thuở nhỏ được cha mẹ dắt đi chúc tết họ hàng, láng giềng, lúc đó chỉ biết diện đồ tết thiệt là đẹp (ba má sắm cho), xức dầu thơm (ba má mua) thơm mát trời ông địa (cũng ba má xức cho). Rồi cũng ba má chỉ định năm nay đứa này chúc ông A bà B, đứa kia chúc chú C thiếm D..., năm sau thay phiên đứa khác..., và lời chúc cũng do ba má "gà" sẵn! Khi gặp bà con, chúng ta chỉ biết tuôn ra lời chúc đã soạn sẵn y như thí sinh thi hoa hậu
cứ việc học thuộc lòng các câu trả lời, rồi xòe tay nhận tiền lì xì thôi, cũng chẳng cần biết số tiền đó người lớn kiếm đâu ra, và họ đã phải hy sinh ra sao: Phải nhín chỗ này, nhéo chỗ kia để mừng tuổi cho xấp nhỏ nó mừng nó vui ba ngày tết. Mà á... đâu chỉ có tiền lì xì không thôi đâu, còn phải đãi đằng đủ thứ bánh mứt kẹo hột dưa, rồi nước ngọt cho xấp nhỏ, cà phê hay la de cho người lớn... Vì thế có nhiều người than vãn rằng, đang nguyên đang lành tự nhiên tết nhứt làm gì cho khổ? Bởi vậy ta nói... làm người lớn sướng chỗ nào?

Lớn rồi tôi mới biết: Khi dẫn xấp nhỏ đi chơi, đi du xuân... là mình vì tụi nó, chớ không vì bản thân mình. Nghĩa là nhiều khi công chuyện nhà còn đăng đăng đê đê chưa giải quyết xong, hoặc cá nhân mình đang có chuyện rầu thúi ruột, trong lòng đang rối như tô canh hẹ, nhưng chỉ vì lũ trẻ đòi hỏi, nằn nì, mè nheo mà ta phải gác lại hết mọi thứ, trong héo ngoài tươi, dắt chúng đi đây đi đó, sẵn sàng và vui vẻ móc hầu bao chi trả mọi thứ, từ tiền cuốc xe taxi hay xích lô lúc đi,  tiền vé vào cổng khu vui chơi, vé mua từng trò chơi mà chúng để mắt để tâm tới, vẫn còn nào tiền mua bánh mua nước mua quà như bong bóng hay đồ chơi chẳng hạn, tiền cuốc xe lúc trở về nhà... hầm bà lằng, để làm vui lòng các cậu ấm cô chiêu. Bởi vì mình có than thở, phàn nàn, kể lể gì đi nữa thì vì còn là con nít, chúng có hiểu được đâu mà thông cảm cho chúng ta, rồi giúp chúng ta giải quyết vấn đề? Tốt nhất là ngậm miệng ăn tiền. Hay xùy tiền, mất tiền thì đúng hơn. Tất cả các điều này tôi chỉ có thể biết được khi tôi đã trưởng thành và phải dắt lũ cháu nhà tôi đi chơi. Lúc còn nhỏ, tôi nào đâu biết ba má tôi đã phải trải qua hết những điều này, để làm cho chúng tôi vui!

Khi tới nhà ông bà trẻ chúc tết, tôi nhớ thường thấy những chậu hoa thủy tiên được ông cắt gọt rất khéo nên đã nở hoa đúng mùng một. Giống như hoa mai, hoa đào hay bất cứ hoa nào được trồng để bán dịp tết, người trồng hoa phải là dân chuyên nghiệp mới có thể canh sao cho hoa nở đúng ngày đầu năm mới. Đúng là nghề chơi cũng lắm công phu. Càng lớn, hay đúng hơn là càng già, tôi càng hoài cổ. Giờ đây mỗi khi thấy hoa thủy tiên, và cả cây Phật Thủ nữa, tôi lại nhớ tới những mùa xuân tuổi nhỏ, chúng tôi đã hạnh phúc tuyệt đối khi được theo cha mẹ đến chúc tết ông bà, và thấy nhà cửa được bài trí, trang trí rất thanh nhã nhưng vẫn đầy đủ phong vị tết xưa.

Dịp tết trong nhà ông bà trẻ, còn có cả cặp mía cây được đặt hai bên trang thờ, để làm gậy chống cho ông bà ông vải về ăn tết với con cháu có gậy mà xài, giúp ông bà đi lại dễ dàng thuận tiện hơn. Tục lệ ân cần đó sau này tôi không còn thấy được duy trì ở đâu khác nữa.

Phải sống chung với kẻ thù, hay phải chia ly với người mình yêu thích: Cả hai đều là những nỗi khổ, mà có lẽ đã là con người, ai cũng ít nhiều phải trải qua. Ghét của nào trời trao của nấy mà! 

Nỗi khổ của tôi là phải chia xa với anh Hải, người anh tôi yêu quí nhất đời, chỉ sau một thời gian sống chung ngắn ngủi.

Nếu tôi yêu quí anh Hải nhất nhà, chắc cũng có lý do chính đáng. Một lần nọ gần tết, người quen dắt tụi tôi đi vô vườn Tao Đàn chơi,  vì lúc đó đang có hội chợ nhân dịp xuân về. Chẳng hiểu sao lần đó tôi lại bận đồ bộ. Có lẽ tính tôi vốn xuề xòa,  không thích se sua từ nhỏ? Anh Hải thấy vậy bèn nhắc tôi nên thay áo đầm đẹp, nếu không sợ tôi sẽ buồn hoặc mặc cảm thua sút khi thấy người khác chưng diện đẹp đẽ hơn. Nhưng có lẽ anh tôi đã quá lo xa, vì lúc đó tôi còn nhỏ híu à,nên được đi chơi với các anh tôi là tôi đã hạnh phúc lắm rồi, nhất là khi chúng tôi vừa mới tìm được anh Hải sau một thời gian dài đăng đẳng anh đã bỏ nhà đi bụi đời. Nhưng anh Hải yêu quí nhất đời của em ơi, càng lớn em càng thấy lời khuyên lúc đó của anh là chí lý và thật chân tình của một người anh thương yêu em VÔ ĐIỀU KIỆN, để ý săn sóc em từng li từng tí, tới độ sợ nó tủi thân! Dù còn nhỏ hay đã trưởng thành, lúc nào em cũng cần những lời dạy bảo của anh hết, nhưng anh Hải ơi, bây giờ em biết tìm anh Hải ở đâu, nhất là mỗi dịp tết đến xuân về, nhắc em hơn lúc nào hết, tới sự hiện diện quí báu của anh trong đời em?

Sở dĩ tôi nói tình anh em (nếu có) đều vô điều kiện, là vì tôi biết tình chị em một giọt máu đào hơn ao nước lã, cũng chịu tác động của sự đố kị ganh ghét dèm pha (Có là chị em thì hơn hết thảy, họ cũng là phụ nữ trước, còn chị em thì để tính sau, như lời một văn sĩ người Ăng Lê đã viết )(Sisters are girls first, sisters after).

... Còn tình yêu đôi lứa lại càng phải CÓ điều kiện. Thông thường thì hai đàng trai gái phải môn đăng hộ đối. Bằng không thì trai tài gái sắc, (tài là tiền tài hay tài hoa thì cũng là phải có tài!), chân dài mới lấy được đại gia và ngược lại, và khi sắc suy tình sẽ đổi. Trong trường hợp hôn nhân vì lợi thì khi hết tiền tình cũng tan. Mới đây tôi còn đọc được trên một trang Web nọ, rằng... Tiền có thể mua được sự tử tế của người đàn ông! (Ta có câu Còn bạc còn tiền còn đệ tử, Hết cơm hết gạo hết ông, tôi; thì Tây cũng có những câu  tương tự như No money, no honey! (Không có tiền thì không có tình), hoặc Money talks! (Nén bạc đâm toạc tờ giấy; Miệng nhà quan có gang có thép...). Vậy thì hoan hô tình anh em! Tình anh em muôn năm!

Mỗi khi được xem lại một tấm hình Sài Gòn xưa, lòng tôi lại nao nao nhớ đến những mùa xuân kỷ niệm vàng son, quí giá hơn cả bạc tiền, những mùa xuân khi gia đình còn đông đủ, khi chúng tôi còn có anh Hải hiện diện trong đời. Mới đây được đọc cảm nghĩ của một người viết trên Facebook, có nói rằng... rạp chiếu bóng MĐ rạp xi nê kỷ niệm, khung trời tuổi thơ của chúng tôi là rạp chớp bóng ở Sài Gòn trước 1975 dành cho trẻ em nghèo! Những rạp hát sang trọng, tráng lệ mà chị ấy muốn đề cập, đề cao đó, có các thêm tiền muôn bạc vạn thì tôi cũng sẽ không chịu, để đổi lấy những dĩ vãng êm đềm thuở xưa khi anh em chúng tôi còn được bên nhau. Chẳng gì có thể mua được NHỮNG MÙA XUÂN KỶ NIỆM quí báu hơn ngọc ngà của tôi, khi tôi còn anh Hải, một hình bóng thương yêu nhất trong đời, đã mãi mãi, suốt kiếp, lìa xa.


Trần Thị Phương Lan     
(Bút nhóm Hoa Nắng)    

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>