Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Một Chút Anh Hùng




Những vật mới đến được treo ở hai cây đinh, nơi góc phòng, trong bóng tối.

Đêm vừa bắt đầu, một trong những vật lạ lên tiếng:

- Chào quí vị.

Chỉ có cụ Sách, ông Bàn, ông Cung cất tiếng chào lại. Những vật khác mải chú ý tới vụ cãi vã giữa những viên gạch nền nhà và hai anh Giầy. Họ gây nhau suốt từ chiều tới giờ. Mấy chú Gạch có vẻ công phẫn lắm:

- Trong tuần lễ này ngày nào hai anh Giầy cũng lôi bùn đất về, bọn tôi chịu gì nổi. Hai anh làm xấu mặt chúng tôi quá, các anh ra đường tưởng học được nhiều điều khôn ngoan lễ phép. Ngờ đâu càng ngày các anh càng bất lịch sự và làm phiền vật khác.

Hai anh Giầy không giữ được bình tĩnh. Một anh nói:

- Tôi xin nhắc lại với các chú gạch rằng: chúng tôi ra đường hoàn toàn vì bổn phận. Tháng này trời mưa đều đều làm sao chúng tôi giữ gìn được. Bị ướt sũng chúng tôi đâu có sung sướng gì.

Gạch nhao nhao hỏi:

- Sao trước khi đi lên mặt chúng tôi, hai anh không chịu tắm rửa sạch sẽ?

- Xin lỗi, chuyện đó các anh đi hỏi cậu bé. Cậu ấy lười biếng và cẩu thả thì chúng ta phải chịu tai họa như nhau cùng dơ dáy bẩn thỉu cả. Kêu ca nỗi gì.

Mấy chú Gạch hơi đuối lý. Một anh Giầy tấn công thêm:

- Vả lại, khi chúng tôi đem bùn với cát về thì chỉ khổ Chổi, Xà phòng và Giẻ lau nhà. Sáng mai thế nào các chú cũng được lau mặt thật sớm, việc chi mà làm ồn lên.

Một chú Gạch nói:

- Vật nào cũng có quyền bảo vệ cái mặt sạch sẽ của mình. Chỉ có họ nhà Giầy Dép các anh ưa nhảy vào tất cả những chỗ đầy bùn đất….

Một anh Giầy nổi giận:

- Đúng đấy, bởi vì chúng tôi được đi khắp nơi, cuộc đời không đến nỗi tê liệt, dính cứng một chỗ như bọn gạch.

Nghe câu đó, tất cả những chú gạch nền nhà đều khó chịu. Gạch trên tường cũng nhao nhao lên, phẫn nộ vì anh Giầy đã chỉ trích theo lối vơ đũa cả nắm, đụng chạm tới sự yếu kém của một tập thể.

Tất cả nhiếc mắng anh Giầy là vật nói năng hàm hồ, vô ý thức. Búa đinh đột nhiên đứng về phe Giầy, hắn nói một câu vô ý thức hơn:

- Tôi đồng ý với hai anh Giầy, tôi không khoái họ nhà gạch. Mỗi lần có dịp giúp một chú Đinh xuyên thủng tường tôi giúp hết sức mình. Tôi có thể đập đổ tường không khó khăn lắm. Các chú Gạch đừng tưởng nhầm là các chú vững vàng chắc chắn….

Một viên gạch già trên tường mỉa mai:

- Bác Búa ơi! Phá hoại thì dễ, xây dựng mới khó. Thế giới này được họ hàng nhà Búa đinh cai trị chắc đã biến thành sa mạc từ lâu.

Những vật tê liệt dính cứng một chỗ như nhà họ gạch đứng về phe các chú này. Trong khi đó bạn đinh nhỏ sẵn sàng bênh vực búa đinh.

Tình hình khá căng thẳng.

Vật lạ bỗng lên tiếng, giọng thật oai vệ:

- Yêu cầu quí vị đừng cãi nhau lộn xộn nữa. Hai anh Giầy đem bùn đất về phòng này là vì đã đi đón chúng tôi. Phòng này chật hẹp, mọi vật lại không hòa thuận. Tôi chê.

Phòng trở lại hoàn toàn yên tĩnh. Trước giọng nói lạ, câu nói hách dịch kia, hai anh Giầy, mấy chú Gạch kinh ngạc và hơi e ngại.

Vật lạ tiếp tục nói thật dõng dạc:

- Một căn phòng thiếu sự chỉ huy như căn phòng này không thể nào có hòa bình và tiến bộ được. Bắt đầu từ giờ phút này mọi vật phải hoàn toàn nghe lệnh tôi.

Vật là nằm trong vùng bóng tối. Giọng nói phát ra từ một nơi thiếu sáng sủa thường có vẻ bí hiểm đối với vài vật nhút nhát. Ngay đến chú Quay sừng hiếu động lần này cũng không dám nhúc nhích. Đèn Cầy và họ hàng nhà Nến sửa soạn đem ánh sáng tới. (Từ ngày bác Đèn xếp hy sinh một cách kiêu hùng để cứu cụ Sách thì Nến và Đèn cầy hối hận luôn luôn túc trực ban đêm, không ngủ say nữa).

- Những vật gây rối như bọn Gạch đáng bị trừng phạt, hai anh Giầy cũng vậy. Tuy nhiên vì hai anh có công đi đón tôi về nên được ân xá.

Mấy chú Gạch có vẻ lo sợ. Chúng hướng về phía ông Cung và cụ Sách mong đợi một sự can thiệp. Hai vật này vẫn im lặng.

Chỉ có một mình ông Bàn bướng bỉnh lên tiếng hỏi lại vật lạ:

- Này anh bạn. Anh mới đến phòng này anh là cái quái gì mà lên mặt dạy dỗ lại còn đòi chỉ huy bọn tôi?

Vật lạ dõng dạc đáp:

- Bởi vì tôi là một vị anh hùng. Không những thế, tôi đã làm cho chú bé biến thành một anh hùng.

Ông Bàn hơi ngẩn ngơ, tuy ông chưa hiểu gì. Vật lạ tiếp:

- Tôi lại có thể giúp cho bất cứ vật nào trong phòng này biến thành anh hùng tức khắc, nếu vật đó thích.

Đột ngột vật lạ ra lệnh:

- Bọn Nến đốt lửa lên để mọi vật được nhìn thấy ta.

Căn phòng sáng dần, bóng tối bỏ chạy. Ba vật được treo ở góc phòng hiện rõ ra là ba cái mặt nạ.


Chiếc mặt nạ đòi chỉ huy căn phòng này, quả thực, có khuôn mặt của một ông Tướng thời xưa. Đôi mắt tròn, lớn, hơi xếch, lông mày rậm. Trán có ba nếp nhăn, tai to dầy, miệng thật rộng, mũi như mũi sư tử. Da mặt đỏ rực.

Trong ánh nến chập chờn khuôn mặt ông Tướng thời xưa linh động và dữ dằn.

Chú Quay sừng chui vào góc nhà, nấp sau bác Ô đen. Anh Ngăn kéo nằm yên trong bụng ông Bàn, không dám hé ra. Hai nụ hoa trong bình không dám nở.

Mặt nạ kể:

- Suốt buổi chiều nay nhờ tôi mà chú bé có khuôn mặt anh hùng. Tất cả bạn bè của chú ấy đều phải khâm phục.

Ông Bàn lặng thinh. Khuôn mặt oai vệ của mặt Nạ quả có khiến ông e ngại kiêng nể. Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy có một cái gì không ổn trong vụ mặt Nạ đòi chỉ huy mọi vật trong phòng. Ông có thể lép vế, nhưng không lẽ cụ Sách, ông Cung cũng phải thần phục kẻ mới tới.

Giọng nói của mặt Nạ đột nhiên nghiêm khắc, cứng rắn. Mọi vật nhìn qua ánh nến, tưởng như đôi lông mày rậm của ông Tướng nhíu lại:

- Tất cả những kẻ nghi ngờ hay chống đối quyền lực của ta đều bị trừng phạt thật nặng. Như ông Bàn có thể bị chặt thành từng mảnh nhỏ dùng làm củi đun bếp.

Ông Bàn vừa tức vừa hơi sợ. Ông hỏi nhỏ ông Cung:

- Tôi già nua dốt nát, không được đi đây đi đó chẳng biết gì, nhưng ông Cung vốn rành chuyện chiến tranh và lịch sử, ông thử ngắm giùm tôi xem bạn mới của ta có thực là một vị anh hùng không?

Ông Cung đáp ngập ngừng:

- Tôi cũng không biết rõ lắm, nhưng khuôn mặt này đối với tôi khá quen thuộc. Ngày xưa, khi còn xông pha nơi trận mạc, tôi vẫn ở trong tay những vị anh hùng có khuôn mặt thế này….

Bây giờ thì ông Bàn ngán quá. Mặt Nạ hình như cũng nghe được những lời của ông Cung, kiêu hãnh hơn:

- Ta đã từng tham dự hàng trăm trận, chỉ huy hàng vạn người. Ta là một vị tướng bách chiến bách thắng. Mọi vật trên khắp đất nước này đều mang ơn ta, không có ta bảo vệ tất cả đã cháy tiêu.

Sợ bị chẻ làm củi đun bếp, ông Bàn cố cãi:

- Thì cũng phải cho tôi nghi ngờ một chút chứ. Ông mới đến, chưa kể thành tích, làm sao tôi biết ông là một vị anh hùng.

Giọng mặt Nạ đột nhiên trở nên vui vẻ:

- Ta sẵn sàng ân xá cho tên Bàn ngu dốt, miễn là từ nay phải nhớ tuân lệnh ta.

Trước vẻ thua cuộc của ông Bàn, những vật nhỏ bé trong phòng kể như đã hoàn toàn bị mặt Nạ khuất phục. Chúng khiếp hãi và tê liệt trước uy dũng của một vị anh hùng.

Mặt nạ hét:

- Nến sáng hơn chút nữa. Bóng bay lại đây.

Bóng bay ngơ ngác, chưa dám rời xó nhà. Chị cũng muốn nấp sau bác Ô đen như chú Quay sừng.

- Ta sẽ biến Bóng bay thành một vị anh hùng để mọi vật trong phòng biết rõ quyền lực của ta.

Bóng bay thu hết can đảm tiến về phía mặt Nạ. Mọi vật hồi hộp chờ. Chú Ngăn kéo đã hé ra một chút để những vật trong lòng chú được thấy những chuyện lạ lùng sắp xảy ra.

Thế rồi, đột nhiên chị Bóng bay biến mất. Mặt nạ chuyển động lắc lư:

- Quí vị thấy tôi ra sao?

Giọng nói ngập ngừng của chị Bóng bay phát ra từ cái miệng ông Tướng.

Vô cùng kinh ngạc, mọi vật reo lên:

- Chị Bóng bay đã biến thành vị anh hùng.

Mặt Nạ cười ha hả, lui về góc phòng. Chị Bóng bay từ phía sau mặt Nạ lướt ra, trở về chỗ cũ. Chú Quay sừng bớt sợ, chú xoay tròn, chạy ra giữa nhà:

- Tôi cũng muốn biến thành vị anh hùng trong một lúc.

Mặt Nạ đồng ý giúp chú con Quay ngay. Quay sừng lướt tới góc nhà rồi cũng biến mất và nói bằng cái miệng của ông Tướng mắt xếch, mặt đỏ:

- Quí vị thấy tôi ra sao?

Mọi vật lại reo:

- Chú con Quay đã biến thành vị anh hùng.

Thế rồi lần lượt bác Đèn cầy tắt lửa, bác Đồng hồ, chị Tranh đều đòi được là anh hùng trong khoảng khắc. Mặt Nạ hăng hái giúp đỡ tất cả.

Khi biết các vật đã phục mê tơi tài nghệ đặc biệt của mình. Mặt Nạ nghiêm trang trở lại:

- Các vật phải triệt để tuân theo lệnh này: Hãy sống có trật tự và hòa thuận với nhau.

Nhiều vật hét lớn:

- Tuân lệnh.

Mặt Nạ cười:

- Tốt lắm, bây giờ hãy tỏ lòng trung thành. Ta muốn thấy mọi vật tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ để hoan hô ta.

Mặt Nạ vừa dứt lời, cụ Sách bỗng cất tiếng, giọng khoan thai và lạnh lùng:

- Thôi chứ chú mặt Nạ, chú làm quá rồi. Nhờ mấy nét vẽ mà chú xưng là anh hùng thì chả hóa ra cả hai bạn của chú em là Heo với Khỉ thật cả chăng?

Bây giờ mọi vật mới chú ý hai chiếc mặt nạ im lìm kia. Cái mang hình mặt Heo, cái mang hình mặt Khỉ.

Bị cụ Sách tấn công bất ngờ, mặt nạ mang khuôn mặt Tướng hơi lúng túng. Tuy nhiên hắn vẫn dõng dạc nói:

- Cụ Sách nói chi ta không hiểu. Nhưng cụ phải nhớ rằng chính ông Cung cũng công nhận ta là vị anh hùng.

Ông Cung bình thản:

- Chú em lầm. Ta không nói chú em là anh hùng, ta chỉ nói chú em có khuôn mặt thật giống.

- Nhưng ta đã làm cho Bóng bay, Quay sừng… đều hóa thành anh hùng trong chốc lát mà.

Cụ Sách điềm tĩnh hỏi:

- Khi nãy có thực chị Bóng bay đã biến thành vị anh hùng không?

Chị Bóng bay ngập ngừng:

- Tôi không cảm thấy đổi khác gì. Tôi đứng sau lưng mặt Nạ và mọi vật gọi tôi là anh hùng.

Chú Quay sừng, bác Đèn cầy nhao nhao:

- Tôi cũng vậy! Tôi cũng vậy!

Hai chiếc mặt nạ Heo và Khỉ lúc này cười lên tiếng:

- Thôi bồ bị lật tẩy rồi, đừng khoác lác thêm nữa.

Mặt nạ ông Tướng lặng thinh. Nhưng khuôn mặt Tướng vẫn oai vệ, dữ dằn như trước.

Mặt nạ Khỉ nói với cụ Sách:

- Trong mấy anh em chúng tôi, nó ưa khoác lác dóc tổ nhất. Đi đâu nó cũng đòi chỉ huy. Mặt chúng tôi xấu xí tầm thường hơn, chúng tôi chỉ có mục đích chọc cười. Xin các vị trong phòng đừng giận nó, nó trót mang khuôn mặt một vị anh hùng.

Cụ Sách nói:

- Tôi biết! tôi biết mà! Dòng họ mặt nạ các anh vừa ra đời đã phải nói dối rồi. Cuộc đời các anh cũng chỉ là một câu chuyện nói dối dài. Các anh nói với vật trước mặt rằng vật sau lưng các anh là Heo, là Khỉ hay là một vị anh hùng. Các anh làm nhiệm vụ, tôi đâu có trách. Nhưng thay vì dối trá để vui chơi, chú em kia lại làm quá.

Mặt nạ Heo buồn rầu:

- Riêng tôi, tôi chán cái nghề nói dối quá rồi.

Cụ Sách an ủi:

- Mặt trước chú em nói dối, nhưng mặt sau thì lại rất thành thực.

- Mặt sau thì tụi này giống nhau, đều có một sợi cao su và một mảnh giấy bồi chưa được sơn phết.

Biết chắc mặt nạ không phải là vật đầy quyền uy và nguy hiểm nhiều vật khoan khoái dễ chịu. Búa đinh ngủ một giấc thẳng cán, hoa tiếp tục nở. Có vài vật cảm thấy tiếc cái mộng trở thành anh hùng trong chốc lát.

Nhưng ông Bàn thì nổi giận, ông hét lên:

- A! Thì ra từ nãy tới giờ tôi bị bịp hả?

Mặt nạ ông tướng phá lên cười:

- Đùa chút xíu mà, có hại chi đâu.

Ông Bàn vẫn gay gắt:

- Đùa gì. Chính chú dọa sẽ chặt tôi ra làm củi đun bếp.

Ông Cung mỉm cười:

- Kể ra ông Bàn cũng đáng bị đưa vào bếp thật. Lỗi tại ông mà.

- Tôi đâu có làm gì.

- Ông phạm tội bất cẩn. Trước khi tuân lệnh một vật nào ông phải coi xem phía sau của vật đó. Phía sau mặt nạ hoàn toàn trống rỗng mà.

Ông Bàn bớt giận, chỉ càu nhàu:

- Tại cái mặt nó coi ghê quá.

Các vật trong phòng bật cười vui vẻ.


LÊ TẤT ĐIỀU    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 21, ra ngày 2-1-1972)

 

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Con Mèo Của Bé


Chiếc gác chuông cao vút, bọn bé ngước mắt nhìn lên, bầu trời xanh lơ. Vài áng mây nhẹ nhàng trôi xa. Một chú mèo con ló đầu ra, rồi lại quay vào kêu lên thảm thiết. Tiếng kêu nhỏ lắm, yếu ớt như bị gió sớm mang đi. Nắng đã bắt đầu lên. Chả biết con mẹ làm cách nào mà "cõng" con lên tận đó. Nhỏ Ty khẽ chắc lưỡi:

- Tội nó ghê hén!

Cả bọn cùng gật đầu. Con mèo mẹ quái ác đã lẩn đâu mất sau cú đá như trời giáng của anh Phong. Vừa lúc ấy, ông già gác chuông chạy ra, ông vừa chạy vừa la bài hải, đôi tay vung vít:

- Gì... Gì... thế hở...? Chớ có nghịch mà leo lên, té chết nghe các con...

- Bọn táu hỏng ó nghịch âu... mà ông ụ na... on mèo ủa táu ở tên ó.

Bé Na ngây thơ chỉ lên. Ông cụ ngắm nghía một lúc lâu rồi lắc đầu bảo:

- Cao quá... không mang xuống được đâu, chịu thôi...

Cu Nghĩa trề môi:

- Xì ông "yếu" quá... Để cháu leo cho ông coi nè...

Vừa nói cu cậu vừa nhớm bước như định leo thật. Ông già hoảng quá vội níu nghĩa lại. Thế nhưng sau một hồi năn nỉ, ông cũng chịu để cả bọn khiêng giúp cái thang cũ kỹ ra. Nhìn cái dáng còng còng của ông leo thấy mà thương. Nhưng ông chưa leo đến đích thì mèo mẹ ở đâu đã thoăn thoắt giữa các thanh sắt, cắn cổ con mèo nhỏ quay xuống trông thật chênh vênh. Chẳng mấy lúc nó đã xuống đến đất, bọn bé mừng rỡ buông thang chạy lại, reo hò. Con mẹ thấy động cong đuôi chạy mất, chừa lại con mèo nhỏ ngơ ngác một mình. Trên kia, ông già kêu ơi ới bấu chặt lấy các chấn song, trong khi cái thang đang chao qua chao lại một cách thảm hại. Bọn bé phì cười vội chạy lại đỡ ông xuống.

Bé đang mải quấn quít với con mèo thì ba mẹ với hai bác ra, bé theo ba mẹ đến nhà bác chơi mà. Thấy vậy bác gái hiểu ý, xoa đầu bé:

- Chà, con bé này ngoan ghê, bác cho con đấy, mang về nhà mà nuôi nghe...

Rồi quay qua mẹ:

- Ấy, con mèo nhà vừa mới đẻ... nhiều lắm, để lại nó cũng tha lên gác chuông thôi...

Bé sung sướng đỏ mặt, tai ù đi, không nghe thấy gì nữa... Lẽo đẽo theo ba mẹ ra xe, bé ôm con mèo thủ thỉ:

- Về ở với "chị" nhé, rồi "chị" thương... À mà cưng có tên chưa?... thôi: Mina đi... chịu nghe...

Chẳng biết nó có nghe được không, mà dụi đầu vào ngực bé khẽ meo lấy mấy tiếng thật dễ thương. Bé thấy, hình như có một niềm hạnh phúc đang từ từ dâng lên, tràn ngập cả tâm hồn...

Con mèo thế mà ngoan đáo để, chẳng "mè nheo" gì. Cho gì ăn nấy chứ đâu có đòi xương cá chi chi, thế mà lúc về chị Trang cứ hù mãi.

Bé vừa làm cho nó một cái ổ thật xinh, vậy mà nó chẳng chịu ở thế mới tức. Nó nhất định ngủ với bé hà...

Nó lớn như thổi, chẳng mấy lúc bé đã thấy nó lững thững trên trần nhà với 1 chú chuột nhắt tí teo. Ớn quá, chờ một chốc, lúc nó đang men lại cọ chân bé như thói quen, bé chộp ngay lấy nhúng cả người "cu cậu" vào chậu nước kỳ cọ.

Có thế mà nó ốm mất mấy bữa, làm bé lo quá cỡ, bé chỉ sợ nó chết... Thôi bé thề tởn tới già, chả bao giờ dám tắm cho Mina nữa...

Nhà bé vốn ở chỗ trũng nên cứ đến mùa mưa, nước dồn cả vào. Cống rút không kịp là có chầu... lội. Y như vậy, mùa mưa vừa chớm là nhà bé đã lõng bõng đầy nước, thế là Mina tự động trốn biệt trên lầu, chẳng dám mò xuống. Chuột cũng thấy biến đâu cả. Một hôm, chả biết... buồn tình hay hữ ý mà Mina... thò "tay" vào chuồng gà nhẹ nhàng "vớt" ra một chú gà con. Giận quá, bé đá cu cậu một cái rơi tõm luôn xuống nước.

Thế là từ bữa ấy, Mina trốn mất. Mấy bữa sau, chị Trang vô tình gặp nó ở tuốt trong kẹt tủ, người gầy xác xơ. Thì ra nó sợ bị bé đánh nữa. Bé ôm nó vào lòng, vuốt ve trìu mến:

- Bé thương Mina lắm mà, bé đâu ghét mà Mina trốn đi hở...

*

Cứ yên lành như vậy được một tuần, thì bé chợt khám phá ra là Mina đã biệt tăm. Bé hoảng hốt tìm khắp nơi, cũng chẳng gặp, mà bé có đánh nó cho cam... Buồn quá, bé khóc hết nước mắt. Cứ đến đêm, ôm cái gối bông ngủ, là bé lại thấy nhớ Mina. Tội bé quá, mẹ phải bảo:

- Thôi, đừng khóc nữa... Để khi nào mẹ dẫn lại bác xin con khác về nuôi...

Mẹ hình như đã quên lời hứa với bé hôm nào nên mãi vẫn chẳng thấy mèo đâu. Bé vừa sắp buồn thì chợt một buổi sáng Mina về, thân hình xác xơ với cái bụng "chè è". Bé đang lo nó bị đầy bụng Mỗi lần bụng bé căng như vậy ba vẫn bảo bé bị đầy bụng mà thì mẹ đã bước ra cười nói:

- Vui nhé, nó đẻ cả bầy cho mà nuôi... Chỉ sợ khi đó rồi ớn thôi...

Thấy bé còn ngơ ngác, bà thêm:

- Nó có "mang" đấy... y như hồi con còn trong bụng mẹ đấy.

Bán tín bán nghi bé để tay lên bụng nó: Quả thật nó động đậy thật. Mừng quá bé nhảy cỡn lên reo hò. Cả ngày hôm đó, cấm ai thấy được bé ngớt cười bao giờ. Đêm đó, nằm vắt tay lên trán bé đoán mãi xem nó đẻ mấy con để mà đặt tên chứ, và trong giấc ngủ bé mơ thấy... toàn mèo và mèo.

Rồi chuyện đó cũng qua đi. Bé lại không để ý đến Mina nữa. Thời gian như "ngựa chạy, tên bay" quả đúng thật: Một buổi sáng, bé đang "mơ màng giấc điệp" trên giường thì có tiếng chị Trang la:

- Ơ, chuột... bạch bú mèo bà con ơi... ý mà hổng phải, mèo con bé đẻ rồi bé ơi...

Bé tốc mùng vọt dậy nhanh như chớp, chả bù cho mọi khi...

Một bầy mèo con trắng trắng đen đen lúc nhúc cạnh Mina, lúc bấy giờ đang tròn xoe mắt nhìn mọi người, trông đến xinh. Bé sung sướng quá, tưởng như mình bay bổng lên mấy từng mây, bé muốn hét to lên cho mọi người cùng biết là bé đang vui sướng.

Để vài tuần cho mẹ con cứng cát, mẹ bảo vậy. Ba chiều bé chở cả mẹ con Mina lại trình diện bác.

Trong khi ba mải nói chuyện với hai bác, bé len lén bế mẹ con Mina ra gác chuông nơi Mina đã ra đời. Ông già gác chuông cũng có mặt từ bao giờ, ông cười nụ cười móm mém cho thấy ông đã già hơn chút nữa, vui sướng khi biết con mèo này là con mèo khi xưa. Không hẹn, mọi người cùng ngước lên cao hướng về gác chuông. Bầu trời vẫn xanh như thuở nào, nhưng gác chuông đã phủ thêm một lớp bụi thời gian.

Như chợt nghĩ ra, ông già chạy về gác chuông níu dây giật lấy giật để. Tiếng chuông vang lên, ngân nga và như len vào từng thớ thịt trong người bé thấm thía, ngân vọng mãi trong không gian, tưởng chừng như chẳng bao giờ dứt...


KHIẾU QUỐC VIỆT (TTD)
Mặt trời vàng             
Đà Nẵng 22-6-72            


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 73, ra ngày 14-1-1973)

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Vũ Điệu Tuổi Thơ



Nếu ví đời người như bảng màu vẽ của họa sĩ gồm đủ các sắc màu, từ những sắc trầm buồn, u tối, đến những màu tươi sáng, rực rỡ hơn, thì những năm tháng tuổi thơ êm đềm tôi đã trải qua ở Châu Đốc sẽ được người họa sĩ ấy mô tả bằng một màu hồng phấn, dù nhẹ nhàng đấy nhưng vô cùng ngọt dịu : màu hồng tôi mãi yêu.
Tôi hoàn toàn không nhớ trường mẫu giáo của tôi ở đâu, nơi tôi đã theo học tới hai năm, năm lên ba và bốn tuổi. Chỉ nhớ là sáng sáng, bác gái sẽ dắt tôi và chị Tâm, chị họ của tôi, tới trường, sau khi đã  "trang bị" cho mỗi đứa một khúc bánh mì sữa hoặc đường cát, và năm viên kẹo năm màu khác nhau gói vào một mảnh giấy. Lần nào cũng vậy, sau khi xếp hàng trước cửa lớp, tôi sẽ chạy a vô lớp sớm nhất để giành ngồi chiếc bàn con sơn màu hồng, nhưng một hôm, sau khi thấy chiếc bàn đẹp nhất đó đã bị ai "làm bậy" lên một đống, tôi đã cạch nó cho tới khi thôi học ra trường, và đành bằng lòng với những chiếc bàn khác sơn màu sắc khác  kém xinh xắn hơn : chúng tôi được phép mỗi hôm ngồi tại một chiếc bàn khác nhau, có lẽ để tạo niềm hứng thú cho đám trẻ mẫu giáo chúng tôi, vốn hay mau chán! Những cô giáo của tôi lúc đó rất hiền, và chẳng bao giờ lớn tiếng la rầy hoặc dùng roi vọt gì. Các cô cầm tay từng bé để tập cho tụi tôi viết chữ, vẽ hình như con tôm, trái bí, lồng đèn... Chỉ có một lần lũ trẻ ranh chúng tôi, khoảng chục đứa lau nhau gồm cả trai lẫn gái bị phạt quì gối, đó là vì tụi tôi đã rủ nhau đi vặt trụi những bụi cây ớt chỉ thiên trái xanh trái đỏ trông rất đẹp mắt  của nhà hàng xóm bên cạnh trường, và bị  họ qua tận nơi mắng vốn với cô! 
 Lên lớp năm (tức lớp một bây giờ), rõ ràng là trường nữ tiểu học của tôi phải xa hơn trường mẫu giáo, nên bấy giờ bác gái nghỉ khỏe, và tới lượt bác trai sẽ chở hai đứa chúng tôi đi học bằng xe đạp, rồi  sau đó mới vô sở làm của bác ngay bên cạnh hông trường. Tuy bằng tuổi nhưng tôi lại chào đời sau chị Tâm mấy tháng, và cũng nhỏ con hơn, nên được ưu tiên ngồi ghế con đàng trước. Một hôm bất chợt nhìn xuống bánh xe đạp đang quay đều, thấy những căm xe sáng loáng cứ quay tít thật lạ lùng, tôi đã thọc một bàn chân vào để khám phá! Chuyện gì phải xảy ra đã xảy ra! Cả ba cha con, bác cháu  chúng tôi đều té lăn ra đường. Khách qua đường xúm lại đông nghẹt, và trách cứ oan uổng bác tôi đủ điều, rằng đã không để mắt trông chừng làm què cẳng "con nhỏ" rồi! Bác tôi, vẫn hiền lành như mọi khi, chẳng phân bua gì với ai, và cũng không trách móc gì tôi hết, lồm cồm bò dậy rồi chở tôi vô nhà thương để băng bó bàn chân sưng vù nhưng may thay chưa gãy! Kỳ đó, tôi phải nghỉ học mất một tuần lễ, còn chị Tâm hôm đó phải cuốc bộ nốt đoạn đường còn lại tới trường một mình. Năm năm ở với bác trai, chẳng khi nào tôi bị người đàn ông phúc hậu nhất trần đời ấy la mắng một điều gì. Khi tôi làm điều gì sai trái, bác sẽ đánh đòn tôi cho có lệ (có lẽ vì sợ mang tiếng bạc đãi cháu!) bằng cây roi nhỏ nhất dành riêng cho tôi! Các anh chị họ của tôi người càng lớn thì chiếc roi càng to! (Công bằng quá rồi phải không các bạn?) Một hôm tôi cắc cớ than phiền với bác rằng roi càng nhỏ đánh sẽ càng đau (nghĩ lại sao thấy lúc đó mình nhỏ nhưng có võ hay sao ấy, vì nói chỉ thấy đúng!), bác bèn bảo rằng kể từ lần sau bác sẽ dùng cây roi lớn nhất để phạt tôi vậy nhé, tôi bèn lắc đầu quầy quậy! Sau này khi bác trai mất, lần cuối đến nhìn mặt bác, thấy bác nằm trên giường, đôi mắt tuy đã nhắm lại nhưng gương mặt vẫn hiền lành phúc hậu như xưa, nước mắt của tôi đã rơi lã chã đọng thành vũng lớn dưới chân tôi, khiến mọi người xung quanh đều phải trố mắt ngạc nhiên. 
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Buổi chiều ở nhà, sau khi học và làm bài tập ở nhà xong, chúng tôi được rảnh rỗi chạy đi chơi lòng vòng quanh xóm. Mấy ông giáo sư cùng xóm thường hay đi  ngang qua nhà bác tôi để chòng ghẹo tôi vì lúc đó tôi là một cô bé rất nhút nhát, và cứ ù té chạy trốn tuốt vô trong nhà khi bị mấy ông ấy núp đâu đó nhảy xổ ra "hù!"!  Giờ nghĩ lại mới nhớ ra mấy  ông giáo  sư ấy chưa hề "hù"" chị Tâm, chị họ  của tôi,  có lẽ  vì chị ấy rất dạn dĩ. Tôi rất thích qua bên nhà ông Tụng  lục sự chơi. Ông Tụng yêu trẻ con nên nhà ông lúc nào cũng đầy con nít, mặc dù con ruột thì ông chỉ có hai đứa. Ông Tụng thỉnh thoảng cho quà lũ trẻ con chúng tôi bằng cách tung nguyên hộp bánh tây lên cao, rồi thì hên xui! Dĩ nhiên là không bao giờ tôi ăn được một miếng nào, vì không thể chen lấn xô đẩy giành giựt cùng một lũ con trai vô cùng mạnh bạo, nhưng đó cũng là một kỷ niệm thật đẹp. Đôi khi vào ban đêm, ông Tụng lôi ghế bố ra nằm ngủ giữa đường lộ,  có lẽ chỉ để giựt le với đám con nít nhát gan tụi tôi mà thôi, vì chỉ một lúc sau ông lại khiêng giường trở vô, vì sợ xe đụng! Kể vậy mới biết Châu Đốc thuở ấy lặng lẽ, yên bình biết chừng nào, tới độ mỗi khi dân Sài Gòn xuống đó chơi thì nguyên cái tỉnh lẻ ấy sẽ xôn xao, xúm đen xúm đỏ ồn ào bàn tán. Có lần một ông giáo sư Sài Gòn phải khệ nệ ẵm bà vợ phốp pháp, môi đánh đỏ chót, mặc jupe bó sát, của ông lên một chiếc xe lôi (đặc sản của vùng Châu Đốc, Long Xuyên) cao nghễu nghện vì cả chiếc jupe lẫn xe lôi đều bất tiện!, thì chiều hôm đó lũ trẻ chúng tôi, và cả người lớn nữa, nói tóm lại là toàn thể dân chúng trong vùng, đã xúm xít bu quanh dòm ngó họ đến độ suýt lé xệch cả con mắt! 
Chiều tối cơm nước xong, chị Tâm và tôi thường hay tới nhà chị Cúc con ông chủ chợ chơi. Nhà ông chủ chợ giàu nhất xóm : ngôi nhà lầu bốn, năm tầng như con công xòe đuôi giữa bầy gà, vì nằm cao ngất nghểu giữa khu nhà trệt lè tè,  mái ngói đỏ, tường quét vôi vàng, phần đông là nhà công vụ dành cho công chức như bác tôi. Hình như ông chủ chợ có bốn người con, trên chị Cúc còn một người chị, và dưới chị Cúc là hai em trai : anh Cang và Điền; Điền bằng tuổi tôi nhưng học kém tôi một lớp vì tôi học sớm một năm. Thuở ấy, nam sinh và nữ sinh học trường riêng rẽ, nên tôi hầu như không biết Điền là ai. Khi tới chơi nhà ông chủ chợ, chị Tâm và tôi chỉ trò chuyện với chị Cúc. Chị Cúc thường dạy chúng tôi múa bài Tiếng Hát  Mường Luông, phần vì chị cũng yêu trẻ con, nhưng mục đích chính là vì chị rất yêu mẹ, và tụi tôi sẽ trình diễn tiết mục múa  đó để giúp vui cho mẹ của chị quanh năm  liệt giường vì bịnh tật. Ba đứa chúng tôi : hai chị em tôi và Tuyết, ở nhà đối diện nhà chị Cúc, sẽ chỉ đảm đương phần múa mà thôi, còn phần hát bài Tiếng Hát Mường Luông sẽ do chính chị Cúc phụ trách. (Sau này khi nghêu ngao hát lại những bài hát đó khi về lại Sài gòn sống với gia đình, tôi thường hay bị các anh tôi chế diễu là ở quê riết nên hát toàn nhạc sến!) Tôi nhớ là chúng tôi tập rất kỹ bài đó, hết buổi chiều này sang buổi chiều khác. Rồi tôi ngã bịnh hai hôm nên không đến tập múa  được. Khi tôi cảm thấy khỏe khoắn trở lại và lò dò tới nhà chị Cúc chơi như thường lệ, thì a thần phù  Điền ở đâu bỗng dưng xuất hiện, chạy tới ôm chầm lấy tôi và nhẹ nhàng đặt một nụ hôn lên trán tôi khi tôi chưa kịp hay biết gì! Nụ hôn đầu đời "vụng dại thơ ngây" và vô cùng thánh thiện của tôi với một chàng "thiếu gia" tỉnh lẻ đã diễn ra như thế đó, năm chúng tôi cùng lên tám tuổi! (Giá mà chị Cúc thay bài Tiếng Hát Mường Luông bằng bài Đám Cưới Đầu Xuân của Trần Thiện Thanh thì hay hơn, lãng mạn hơn, và nhất là hợp tình hợp lý hợp cảnh hơn cho hai đứa chúng tôi biết mấy! Hi hi!) Dù gì đi nữa thì buổi trình diễn ca múa nhạc đó cuối cùng cũng đã ra mắt toàn thể "khán giả", hình như gồm tất cả các thành viên  của gia đình chị Cúc. Giữa căn phòng gió lồng lộng lùa qua song cửa sổ, nằm trên lầu ba hay lầu bốn gì đó của nhà ông chủ chợ, trên một bộ ván gỗ mà mặt tiền được che kín bằng một tấm "ri đô", chỉ được từ từ kéo sang bên như tấm màn nhung sân khấu, sau lời giới thiệu rất điệu nghệ của một MC cây nhà lá vườn, lũ trẻ chúng tôi, (tuy mặt cứ đơ ra, xanh lè xanh lét vì đó là lần đầu tiên trình diễn trước đám đông người lạ như vậy, và cứ lóng nga lóng ngóng, xém té xuống sàn nhà, khiến khán giả người lớn phải luôn miệng  nhắc nhở, cẩn thận! coi chừng!  xích vô trong đi con!) vẫn vô tư nhún chân, múa tay, nghiêng vai, uốn mình, xòe váy, say sưa và hồn nhiên vô cùng, trong VŨ ĐIỆU TUỔI THƠ.

Trần Thị Phương Lan  
(Bút nhóm Hoa Nắng)  

Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

Ngày Hồng Êm Ái


Chợt thức giấc nửa đêm, Hà cau mặt nghĩ ngợi. Hình như Hà nửa thức, nửa ngủ lúc nãy chứ không ngủ say hẳn, vì Hà không có cảm giác bực bội và băn khoăn, tiêng tiếc như những lần thức giấc trước. Những lần trước, Hà thức giấc vì những lý do không đâu, tiếng mèo gào trên mái nhà, tiếng xe chạy xiết trên đường, hay vì bị đứa em đạp mấy cái. Và sau đó, Hà cố dỗ giấc ngủ nhưng trong lòng bực tức, mắt díu lại mà không sao ngủ ngay lại được. Còn lần này, Hà thức dậy và thấy mình thật là tỉnh táo. Nghĩ đến câu "tỉnh như sáo sậu", Hà thấy buồn cười ghê.

Ban đêm thật êm lặng. Hà có thể nghe thấy những tiếng kêu rầm rĩ và lộn xộn của lũ cóc nhái, Hà đoán phải ở bên kia đường, chỗ khoảng đất trống, cỏ mọc xanh rì và mưa xuống thì ngập tràn những nước.

Hà úp mặt xuống gối, nhắm mắt lại và thấy tim mình nhói lên bàng hoàng. Dạo nào...

*

... Căn nhà nhỏ, ba mẹ và Hà ở trên một con dốc nhỏ dài và thẳng tắp, dẫn thẳng xuống phố. Buổi tối, đứng ngoài cổng, tò mò nhìn xuống phía xa, Hà thấy những ánh đèn lấp lánh chen nhau, trông vui mắt đáo để.

Đà Lạt trời lạnh nên mau tối và dễ đói. Hà ôm lấy cánh tay ba đánh đu, đầu ngửa ra đàng sau để nhìn lên được những ngôi sao thật nhỏ và xa tít tắp trên cao, vừa nhìn vừa lẩm nhẩm hát: "Một ông sao sáng. Hai ông sáng sao. Ba ông sao sáng. Bốn ông sáng sao..." Ba co tay lên cao cho Hà lơ lửng và hai bố con đùa với nhau. Mẹ ra ngoài sân, tóc còn ướt và thơm ngát mùi hương nhu, mỉm cười giơ tay xoa xoa đầu Hà:

- Hai bố con nói chuyện gì mà vui thế? Cho mẹ nghe với nào... Sương xuống ướt tóc con rồi đây này, anh cứ thế là lại cảm con thôi.

Ba cười lớn:

- Nào thì vào. Bố con người ta đang vui lại ra phá đám. Chà! Đói bụng quá nhỉ? Dưới phố có bán những gì bây giờ, em?

- Em cũng không rõ nữa. Để em bào cái Cúc nó đi mua.

Quay vào trong nhà, mẹ gọi:

- Cúc ơi! Lên mợ nhờ một tí.

Tiếng chị Cúc vọng ra:

- Dạ! Mợ chờ con chút xíu, con ra liền.

Lát sau, chị đi ra, tươm tất, đứng cạnh mẹ Hà:

- Mợ bảo gì, mợ?

- À! Cúc chịu khó xuống dưới phố nhá. Xem có phở hay bánh cuốn, bánh kiếc gì không, mua về cho cậu với các em ăn, nhé!

- Ôi dào! Phở phiếc gì cho nó phiền ra, từ phố về được đến nhà thì cũng nguội hết. Cúc! Mày xuống phố, làm mấy cái bánh tây về đây cho tao.

*

... Hà hé mắt, qua ánh đèn đêm, gương mặt Chi thật say sưa trong giấc ngủ, bất giác Hà mỉm cười. Bánh tây, nghe thật lạ. Bây giờ có ai gọi như thế nữa đâu nhỉ? Ai cũng gọi là bánh mì hết. Bánh mì. Bánh tây. Cái tên nào gọi lên một lúc cũng thấy kỳ quặc hết. Ờ! Lạ ghê này, có nhiều khi Hà chợt nhớ lại những hình ảnh cũ, chúng thế nào, thế nào, và bất cứ những gì vụn vặt nhất, vô nghĩa nhất mà Hà nhớ được, lại thường gây cho Hà những cảm xúc lạ lùng. Ngạc nhiên, bất ngờ và sung sướng thế nào.

"Bánh tây", chúng như chiếc chìa khóa, mở cửa thiên đường từ đó ào ạt bay ra, ùn ùn vây lại, những hình ảnh của một ngày xa xưa cũ...

*

... Ba cười, bảo

- Cúc, mày cứ mua về đây cho tao hai cái bánh tây thật giòn, thật nóng xem nào. Có ăn đứt bát phở của mợ mày không? Trời lành lạnh thế này, nằm trong chăn mà nhấm thì phải biết.

- Nhưng không bổ bằng phở, anh.

- Phở. Lúc nào cũng phở. Mà ai bảo với bà rằng phở bổ đấy. Cúc. Mày cứ nghe tao, mua bánh về đây.

Hà ngẩng mặt nhìn ba mẹ. Chị Cúc vào nhà rồi đi ra, tay cầm mấy tờ báo vo tròn, dáng điệu mau mắn. Hà níu lấy áo chị:

- Cho em đi với.

- Không được mẹ nhìn Hà không cười Sương xuống nhiều lắm con. Ở nhà với mẹ. Tí chị đem bánh về cho mà ăn.

Hà phụng phịu:

- Không. Con đi mua bánh với chị Cúc cơ, mẹ.

Ba vẫy vẫy bàn tay:

- Ừ! Cho mày đi.

Quay sang mẹ, ba chế diễu:

- Sương. Lúc nào cũng sương. Sương thì đã sao nào?

- Đã sao? Con nó bé, cho nó đi thế rồi về lại ốm mất thôi.

- Này Cúc, vào lấy mũ đội cho em nhé. Thế là hết lo sương với gió, em đã bằng lòng chưa?

Mẹ không nói gì. Hà giơ tay ấn chặt mũ vào đầu lẽo đẽo theo sau chị Cúc. Ra khỏi cổng, Hà còn quay người lại chào "ba ạ mẹ ạ" như lúc đi học.

Con dốc dài và thẳng dẫn chị Cúc và Hà xuống phố. Chị Cúc đi nhanh quá, bước chân Hà theo không kịp, cứ phải chạy lúp xúp theo. Mãi sau Hà phải bảo đi chậm lại, chị ấy mới chịu chờ Hà đi cùng. Đi được một quãng, Hà thấy mỏi chân và sờ sợ nữa. Ngoài đường thẳng sáng như ở nhà, và những lùm cây rậm rạp, đen sẫm lô nhô trên đồi cứ lắc lư, lào rào theo cơn gió làm hà sợ ghê cả người. Hà kéo tay chị Cúc, giật giật mấy cái:

- Chị Cúc ơi! Mỏi chân rồi. Bế em đi.

Chị Cúc ngồi xuống, vòng tay ra sau lưng:

- Cõng thôi, không bồng đâu.

Hà quàng tay qua cổ chị Cúc, gục mặt vào vai chị và thiêm thiếp ngủ theo từng bước chân dập dình của chị, một tay vẫn giữ chặt lấy quai mũ ở dưới cằm. Chị Cúc cứ bước đi dập dình như vậy, và Hà cứ ngủ trên vai chị như vậy không biết bao lâu, nhưng khi Hà choàng tỉnh dậy thì không khí lành lạnh đã đầy ắp mùi thơm của bột và bánh nướng rồi. Hà cứ hít mũi mãi. Chị Cúc đặt Hà xuống đất:

- Gần tới rồi. Hà đứng xuống chứ không người ta ngạo chết à. Lớn rồi mà cứ bắt bồng, bắt ẵm suốt ngày.

Hà tỉnh ngủ hẳn, theo chị Cúc bước vào lò bánh. Ở phía trong ấm lại vì người và ánh đèn sáng choang (Hà không nhớ rõ là ánh đèn măng-sông hay là đèn điện nữa).

Chị Cúc bước hẳn vào phía trong, để Hà đứng chơ vơ giữa khung cửa, giữa cái ấm áp và đông đảo bên trong lò bánh, với cái lạnh lẽo và vắng lặng của đêm Đà Lạt bên ngoài. Hà áp mặt vào cánh cửa và tò mò nhìn những đống bột trắng xóa đổ từng đống cao ở một góc phòng với những rẻo bánh đã được nặn xong, xếp ngay ngắn, chờ lượt đem vào lò nướng. Hà cũng không quên hít thật nhiều mùi loáng thơm vào hai buồng phổi nhỏ của mình.

(Lạ này, sao Hà lại nhớ và yêu mùi bánh thơm thơm trong không khí đến thế? Có nhiều lần, ba dẫn mẹ và Hà vào thăm những vườn đầy hoa và mầu sắc, có những con bướm bay chập chờn và những con ong kêu vo vo trên những cánh hoa, cành lá. Vậy mà sao Hà vẫn không nhớ được một cách rõ rệt như khi nhớ đến cái mùi bánh bay trong không khí ngạt ngào cùng gió lạnh và cái êm vắng của đêm trường?)

Rồi chị Cúc đi ra, mấy ổ bánh được ủ gọn ghẽ trong mấy lớp báo chị mang theo lúc nãy. Hà giơ tay đòi ôm và suýt soa khi hơi nóng cả một khoảng ngực. Hà cúi xuống, hít hít. Mùi bánh càng thơm và rõ làm Hà cứ ứa nước bọt và bụng đói cồn cào:

- Chị Cúc, cho em ăn bánh đi.

- Không được nghen. Ăn trước về cậu la chết à. Hà sợ không.

Hà tiu nghỉu không dám vòi vĩnh nữa. Đi ra khỏi cửa, Hà ngoái cổ lại thèm thuồng nhìn những chiếc bánh xếp gọn trong tủ kính. Chợt Hà giật tay chị Cúc, chỉ cho chị thấy một người sắp đi ra:

- Mua đi mà.

- Mua về mợ có la không?

- Không đâu. Mẹ cho em ăn mà.

- Mua một cái hả?

- Mua hai cái cơ. Cho cu Dương nữa chứ!

Cầm chiếc bánh dài ngoằng và gầy như một cái que, Hà thích thú hỏi:

- Bánh này tên gì, chị Cúc?

- Bánh đòn gánh.

Chị Cúc trả lời đại, nhưng cũng làm cho Hà buồn cười. Bánh đòn gánh, tên lạ quá nhỉ? Và Hà xoắn tay, bẻ một đoạn bánh, đưa cho chị Cúc:

- Ăn bánh đi nè.

Rồi vừa ôm bánh trước ngực, vừa đi vừa ăn, Hà ra khỏi cái vùng thơm thơm mùi bánh lúc nào không biết.

Đêm không có gió nhưng lạnh hơn lúc nãy. Hà co ro trong chiếc áo len đỏ, có thêu những cánh hoa nhỏ trước ngực màu trắng, lúc mẹ mới mua Hà trông như những hạt gạo rắc đây đó, chờ những con gà mập mạp đến mổ. Hà ôm chặt bánh vào ngực rồi đòi chị Cúc bế,

- Chị Cúc, bế em đi, lạnh rồi.

Chị Cúc giật lấy gói bánh trong tay Hà:

- Đưa bánh đây, tui mới cõng được chớ.

Hà chùn người, ôm bánh chặt hơn:

- Không! Em ôm cơ. Em ôm bánh về cho ba mà.

- Được rồi. Ôm đi. Nè, ngồi lên lưng tui lẹ lên để tui đi cho xong. Con nhỏ này sao quá trời hà. Đi không được mà cũng ham đòi.

Hà lại thấy buồn ngủ trên vai chị. Gói bánh làm vướng víu, vả lại, lưng chị Cúc cũng thật êm ấm nên Hà đưa gói bánh cho chị:

- Cho chị Cúc cầm bánh này.

Tiếng chị Cúc cằn nhằn:

- Cái con nhỏ! Thiệt nó còn rắc rối hơn ai.

Hà úp mặt vào vai chị, quàng tay qua cổ chị và ngủ chập chờn trong những bước đi dập dình của chị.

- Nè, đến nhà rồi. Ngủ đó hả Hà?

Chị vỗ nhẹ vào mông Hà và Hà lại tỉnh giấc thật dễ dàng. Hà tụt xuống đất:

- Em xuống đây. Đưa bánh em đem vào cho ba.

- Đây. Cả cái bánh cho cu Dương nữa nè. Í cha, coi chừng bánh quệt đất kìa. Nhỏ mà ham lanh dữ. Lần sau tui đi đâu, hổng có theo à. Bồng ẵm hoài. Lớn đầu rồi.

Hà lễ mễ chạy vào nhà, nghĩ thầm trong bụng "Ghét chị Cúc ghê, nói gì mà như hét vào tai người ta. Không thèm sợ, cứ đi đó."

Ba ngồi chờ Hà ở ghế, mỉm cười khi thấy Hà chạy vào:

- A! Con gái đây rồi. Bê cái gì như mèo tha chuột thế kia?

Ba đỡ lấy bánh của cu Dương:

- Cái gì đây? A! Hà mua roi mây về cho ba hả? Khi nào hư ba đánh đau nghe.

Hà kiễng chân, với lấy cái bánh trên tay ba:

- Không phải đâu. Bánh ăn được đó ba.

- Bánh đâu. Roi đấy chứ! Phải không mẹ?

Ba giơ tay cao thêm một tí, khiến Hà với không tới. Mẹ ngồi ở giường vừa cười, vừa trêu thêm:

- Chết thật, Hà dại quá. Sao lại mua roi mây về cho ba? Ba đánh đau thì sao?

Hà tháo mũ, vứt xuống đất rồi lao vào lòng mẹ:

- Không phải roi mà, bánh tây chị Cúc mua đó, con một cái cu Dương một cái mà.

- Thế bánh con đâu?

Hà xòe hai bàn tay:

- Con ăn hết rồi.

Mẹ kêu lên:

- Chết thật. Bụng bé thế kia mà ăn hết một cái bánh dài thế. Lại đau bụng mất thôi.

- Chị Cúc ăn nữa mà mẹ.

Ba nhìn mẹ, chế diễu:

- Lúc nào em cũng lo sợ được. Nó không ăn cũng sợ nó đói. Nó ăn lại sợ đau bụng. Thế là làm sao?

Và ba lắc đầu:

- Đúng là đàn bà. Rắc rối, bố ai hiểu được.

- Tại nó ăn nhiều quá. Đây này, anh xem, cái bánh thế này cơ mà.

Cu Dương nằm trong chăn, ôm bầu bú chùn chụt. Rồi em chợt nhấc bầu ra, giơ về phía mẹ, tay kia giơ về phía ba

- Bánh của con.

Ba đặt tấm bánh dài theo người thằng cu con:

- Đây, bánh cậu đây. Ăn ít thôi nhé kẻo mẹ cậu lại lo.

Thấy em ôm tấm bánh vào lòng và cứ thế nhấm nháp, Hà lại thòm thèm. Thôi để lần sau, Hà không ăn bánh dọc đường nữa, mà sẽ để dành về nhà, nằm trong chăn như cu Dương và gặm dần dần như vậy. Chắc sẽ ngon hơn.

Hà lại thấy mắt díu lại. Mẹ dịu dàng ôm Hà vào lòng:

- Con đi ngủ nhé. Buồn ngủ rồi đây này.

Và mẹ gọi to:

- Cúc ơi cho em đánh răng, rửa mặt đi để em đi ngủ, Cúc này. Xong lên ăn bánh Cúc ạ.

Có tiếng Cúc dạ, rồi ai nhấc Hà lên. Tai Hà nghe loáng thoáng tiếng ba, tiếng mẹ "Cái con bé, nó dễ ngủ quá. Trông hay không này, anh!". Và Hà nghe thấy cả tiếng vỡ vụn của bánh.

Nước lạnh làm Hà rùng mình, nhưng khi chị Cúc bế Hà lên nhà thì đã ngủ say. Một khoảng ngực mơ hồ vẫn còn ấm hơi nóng của bánh...

*

... Hà lăn một vòng, ôm chăn vào ngực để chặn tiếng ho. Sao đêm nay khó ngủ quá và Hà cứ nhớ hoài đến con dốc dài với những hàng cây thẳng tắp dẫn xuống phố, những bước chân líu ríu dẫn đến lò bánh, mùi bánh thơm ngạt ngào trong đêm. Hà thấy cồn bụng lên vì đói và nước bọt nhạt, đắng trong mồm. Lại sắp ốm tới nơi chắc. Hà thấy ghê ghê khi nghĩ tới vị chua quyện mãi trong cổ của những viên thuốc cảm. Nước bọt lại ứa ra nhiều hơn. Rồi Hà thiếp đi lúc nào không biết, trong óc vẫn mang máng nghĩ đến dáng nhỏ của mình và mùi bánh thơm ngát tản mát trong không, cùng với nỗi bồi hồi không dứt trong tim.


NGUYỄN NGUYỄN   



( Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 18, ra ngày 20-1-1972)

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

Đà Lạt Tháng Giêng















 Trong  giấc  mơ  xưa  đẹp nhất  tháng Giêng

  Xứ  lạnh  cao  nguyên  mang  kỷ  miệm riêng

  Núi non chập chùng sương  mờ cuối phố  

  Đà  Lạt  dấu  yêu  như một  láng giềng


Trên  những  cành  đào ríu  rít chim ca

Đà Lạt  hoa  xuân  tươi  thắm  mượt  mà

Vàng nắng lụa êm   tơ trời mắt  biếc 

Đỏ hồng   đôi  má  thiếu nữ miền  xa


Mặt  nước  hồ  trong  là chốn thiên thai

Đà Lạt  đầu  xuân nắng ấm trên vai

Bên  gốc thông  già  lối mòn thung lũng

Chìm đắm trong  mơ  quên hết đường dài


Đà  Lạt  mến yêu là suối mùa xuân

Làm mát hồn ai trong ngày cuối tuần

Suối reo  trên  ngàn  rì  rào  vô  tận

Như tiếng thì thầm  xoa dịu  bâng khuâng 


Phảng phất mờ sương  cho  một  thoáng  mơ

Tìm  thấy  niềm  vui  dù  chẳng  đợi  chờ

Hương xuân ngọt  ngào trong từng chiếc bánh

Đà Lạt  mến yêu duyên dáng nên  thơ

                                                                               Nhã Uyên   
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>