Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

Người Bất Tử


Bình ngồi lặng đi vì khủng khiếp. Có trời biết: anh không hề sợ chết lấy một ly nào, trái lại đó chính là điều anh thực tình ao ước.

Nhưng có nhiều lúc như tình cảnh của anh hiện nay chẳng hạn người ta không dễ gì mà được chết một cách yên lành, thoải mái, nhất là được chết ngay tức khắc để khỏi thấy, nghe, hồi hộp từng giây...

Vâng! Anh không sợ chết! Ngay từ đầu, khi chọn con đường tranh thủ cho nền Độc Lập của xứ sở anh Bình đã sẵn sàng hy sinh tính mạng, coi thường gian khổ, hiểm nguy. Anh đã giết cũng như từng bao phen chết hụt. Đói, rét đối với anh thực chẳng mùi gì. Khi người ta có một lý tưởng để đeo đuổi thì người ta bất chấp những phiền toái khác. Trẻ tuổi, đầy sinh lực, tháo vát và khôn ngoan, Bình đã "nhìn" thấy trước những gì chờ anh trên bước đường mạo hiểm đó. Nhưng quả tình anh không bao giờ tưởng tượng được cái cảnh mình bị trói bẻ quặt tay ra sau, ngồi dí trên tuyết giá, chờ đến phiên mình chịu cực hình.

Một gã đàn ông ông lực lưỡng đang nằm gục, úp mặt trên tuyết, quằn quại, rên siết ngay trước mắt anh. Cảnh tượng ghê gớm đó làm Bình phải nhắm mắt lại nhưng anh đâu có thể bịt kín hai tai? Một giọng đe dọa đâu đó còn như vang lên, lẫn trong những tiếng kêu rên: "Rồi đến lượt mi, Bình ạ!"

Chưa bao giờ các dây thần kinh của Bình lại căng thẳng lên như thế. Mình sẽ kêu ca, lạy lục chúng chăng? Mình sẽ nguyền rủa khóc lóc chăng? Mình sẽ câm nín chịu đựng chăng? Trước sức giá rét tê da, mồ hôi Bình tuôn ra ướt đẫm. Hàng loạt dấu hỏi thi nhau móc vào đầu anh, giăng mắc, bấu víu làm Bình tưởng có thể điên lên được.

Quân khốn! Sao chúng không bắn, không chém ngay người ta đi? Bình muốn gầm lên như thế. Mà tại sao, cái gã to lớn kia lại dai sức đến như vậy nhỉ? Sao hắn không chết quách đi? Chao ôi! Anh không chịu đựng được nữa. Bình thu hết tàn lực cố bứt dây trói ra, liều chết đánh nhau một trận rồi sau đó ra sao thì ra. Ừ! Có thể nhờ vậy anh sẽ được chết, một cái chết nhanh chóng dễ dàng như anh ao ước. Song anh chỉ nghĩ chứ không thực hành điều đó được vì dây trói chắc quá, dai quá mà anh thì kiệt sức mất rồi. Bình đành dùng tưởng tượng ôn lại quãng đời qua trước khi bị vùi thây trong tuyết.

Bình nhớ đến cha mẹ, bè bạn, họ hàng ở quê hương Ba-lan yêu quí của mình. Anh nhớ cả những nơi anh đặt chân qua: kinh thành Ba-lê đầy ánh sáng, Luân-đôn ủ rũ mù sương, thành Vienne tưng bừng và La Mã nghiêm trang cổ kính. Vì nền độc lập của xứ Ba-lan, Bình vốn là một người đa cảm, một nghệ sĩ đã làm quen với đủ hạng người: từ một tên Cô-dắc (Kozak) ở đồng cỏ nước Nga đến bọn cướp lông thú, từ tên thợ săn người Nam Tư Lạp Phu đến những thổ dân Tây Bá Lợi Á. Dấu chân chàng đặt khắp: trong hầm mỏ nơi này, xuống mãi bờ biển Alaska, từ eo biển Béring cho đến Kamchatk, nơi đó anh dong buồm tiến về phía Đông nhiều lần trong bao nhiêu cực nhọc. Bình vượt bao nhiêu nguy hiểm rồi? Bạn bè chàng phần lớn bị bắt, bị hành hình ở St. Petesbourg, người thì chết dưới những ngọn roi da trước khi tới nơi bị đày, người thì ngã gục bởi bọn lính canh Cô-dắc... Bình chứng kiến toàn cảnh tượng đau đớn, dã man, và càng ngày anh càng thêm cực nhọc.

Càng ngày anh càng xa dần quê hương yêu quí và mộng tranh thủ Độc Lập cho xứ sở cũng tan dần như sương mù dưới nắng! Tuy nhiên một lòng cương quyết, Bình vẫn đi tới, không lùi, cho đến hôm nay, lâm vào tình trạng oái oăm này, tại vùng Bắc cực giữa Nga và Mỹ châu anh có dịp, với hai tay bị trói quặt ra sau lưng, nghiền ngẫm, hồi tưởng lại ngày qua... Anh vận dụng tất cả trí khôn, tất cả sáng suốt...

Không! Anh không thể nào chịu chết một cách nhục nhã, khủng khiếp vì sự hành hạ của bọn da đỏ này đâu. Của đáng tội, Bình không hề thù oán và càng không có quyền chê trách, khinh khi họ. Bọn người da đỏ chất phác kia chỉ biết trả thù. Họ làm sao đủ "sáng suốt" để phân biệt đây là một người Ba-lan hiền lành, vô tội, lưu lạc đến đây vì "nền Độc Lập" của xứ sở anh ta? Làm sao phân biệt được kia là tên Cô-dắc độc ác luôn luôn đét ngọn roi da vào bất cứ nơi nào trên thân mình kẻ khác và đó mới thật là bọn cướp lông thú khát máu ưa hành hạ họ, vợ con họ, thích đốt phá giết chóc không chút xót thương. Bạch chủng là giống ác, chúng phải trả nợ máu, thế thôi. Và, để xứng đáng với những tội tày trời của bọn ấy, kẻ nào bị dân da đỏ bắt, kẻ ấy phải chịu tất cả cực hình, phải sống lây lất trong sự hành hạ về thể xác cho bõ ghét?

Không may cho Bình, anh lọt vào tay dân da đỏ trong lúc lòng họ đang sôi bỏng lửa căm thù. Ô không! Anh phải thoát! Bình tự nhủ, anh không thể chịu đựng được những cực hình dã man mà bọn chúng sắp dành cho anh, trong chốc lát.

Bình bỗng tươi hẳn nét mặt, ra hiệu cho tên da đỏ đứng gần mình (anh không biết thổ ngữ của bọn này) rằng mình có điều muốn nói. Chỉ giây sau là viên tù trưởng đến. Ông ta dùng thứ thổ ngữ của người ven biển, hỏi Bình muốn gì. Bình dặng hắng, nghiêm giọng:

- Ta là một người "bất tử". Anh đừng hòng giết được ta (anh liếc về phía tên Cô-dắc đang sống dở chết dở, hình thù nom như một đống thịt bầy nhầy mà từ nãy anh không dám ngó) ta đâu có tầm thường như bọn ngu này: Ta có một môn thuốc kỳ diệu, bí truyền mà! (Bình bỗng như ngập ngừng, như tiếc rẻ đã... lỡ nói ra) ta do dự quá đi mất, nhà anh có đáng để ta truyền cho không? Này nhá, xát một chút thuốc ấy vào chỗ nào trên da thì lập tức chỗ đó rắn lại như đá, chẳng thứ khí giới nào có thể xâm phạm được. Nếu ta truyền cho anh thứ thuốc quí như vậy, anh đền ơn ta cái gì nào?

- Ta sẽ không giết mi, ta sẽ cho mi hầu hạ trong nhà...

Bình cất tiếng cười khanh khách: một người như anh, đã coi thường cái chết vì sự tự do của xứ sở mình mà lại đi... lại cam đánh đổi sự chết của mình bằng cách làm tôi tớ cho một tù trưởng da đỏ?

- Đừng cười như vậy, tên kia! Ta không muốn ai chế nhạo ta. Hãy trả lời xem mi muốn đánh đổi thứ thuốc quí đó với cái gì, ta liệu.

Bình không cười thành tiếng nữa nhưng nụ cười vẫn còn trên môi:

- Trước hết, anh hãy cởi trói cho ta rồi chúng ta bàn lại cho kỹ càng hơn. (thấy viên tù trưởng do dự, Bình nói khích) Ngần này người mà lại sợ một kẻ tay không tấc sắt như ta ư? Vả lại...

Tên hầu cận ghé tai tù trưởng rì rầm một thôi dài, tù trưởng gật đầu, xoay qua nói với Bình:

- Được, ta sẽ cho cởi trói anh ngay.

- Đưa cho ta một điếu thuốc lá, thứ hái tận dưới gốc ấy, mới ngon.

Bình nói bằng một giọng hách dịch làm tên hầu cận cau mày khó chịu, nhưng không để cho hắn kịp có một lời phản đối thái độ Bình, viên tù trưởng đã cao giọng lên:

- Đem thuốc lá thứ ngon nhứt ra đây, mau!

Tên cận vệ vừa lầu bầu nguyền rủa Bình vừa làm theo lời tù trưởng.

Mặc cho tù trưởng phân vân, mặc cho tên hầu cận nhìn chàng, dò xét bằng đôi mắt nghi ngờ, Bình vươn vai thở mạnh, uốn nắn chân tay cho đỡ mỏi và sau đó ung dung châm lửa hút thuốc lá. Viên tù trưởng nhìn chăm chăm vào mặt Bình:

- Trong đời ta, ta chưa từng thấy một thứ thuốc thần nào mà có sức cản lưỡi búa không "ăn" vào da đầu cả... nhưng nếu quả mi có tài... có được thứ thuốc như thế thật, thì...

- Đừng vội! (Bình kêu lên bằng một giọng trịch thượng) Trước hết anh hãy nghe ta, không có quyền nói, dù chỉ một tiếng "vâng" nhỏ như hơi gió, hiểu chưa? (tên cận vệ lại cau mày, nhưng tù trưởng đưa mắt ra hiệu bảo hắn nên im lặng) Nghe đây: ta cần một chiếc xe trượt tuyết, một bầy chó và sáu người thợ săn thực giỏi để họ giúp ta đi trong một ngày đường. Anh phải biết, một thứ thuốc quí như thứ thuốc ta luyện không phải là chuyện thường đâu?!

- A! Trông cái thẹo kìa! (Tên cận vệ chỉ vào cổ Bình, reo lên một cách thích thú) Xin tù trưởng đừng tin! Tụi da trắng tin làm sao được? Nếu hắn có phương thuốc kỳ diệu sao còn có cái thẹo kia chứ? Thôi! Tôi biết rồi, chẳng qua...

Bình tỏ vẻ khó chịu nói với tù trưởng:

- Ta sẽ không nói một lời nào nữa nếu anh không khớp mỏ được tên điên quấy rối kia.

Nói xong Bình dùng lưỡi hất điếu thuốc lá sang một góc miệng và nhổ toẹt xuống đất một cái dáng chừng cho đúng "tác phong" người can đảm? Chờ thái độ tù trường ra sao.

Tù trưởng lườm tên cận vệ một cái, đoạn dõng dạc truyền:

- Mi hãy ra cửa lều kia mà đứng canh, để mặc ta.

Tên cận vệ lủi đi, không quên ném cho Bình một cái nhìn hằn học.

- Nào! Bây giờ mi hãy cắt nghĩa vết thẹo ta nghe, đi!

Vẫn ung dung, Bình kể qua làn khói thuốc:

- Nhát dao trên cổ ta là do một tên rất khỏe, khỏe ghê lắm, mà rủi một điều là liều thuốc hôm đó ta luyện trên thuyền, anh biết đấy, trên thuyền thì làm gì có đủ thứ cần dùng để...?

Tù trưởng gật đầu ra dáng bằng lòng. Bình nhìn quanh, nói tiếp:

- Còn ở đây thì tuyệt, ta đã nhìn thấy một thứ cỏ mà ta cần dùng để luyện.

- Ta sẽ để ngươi yên ổn xuôi dòng sông, cung cấp cho ngươi đủ thứ ngươi cần đến...

- Chậm mất rồi! (giọng Bình trở nên lạnh lùng) Anh đã tỏ ra nghi ngờ sự hiệu nghiệm của liều thuốc ta chế, anh đã do dự, chần chờ không chịu vâng lời ta ngay. Như vậy anh không đáng, ta không bằng lòng thế. Vậy, anh phải chuộc lỗi đó...

- Bằng cách nào? Tù trưởng bắt đầu sốt ruột, hỏi Bình.

Bình vẫn khề khà:

- Anh phải giao cho ta đúng một trăm tấm da hải ly, đúng một trăm, thiếu một tấm không được, mà dư nửa tấm cũng không. (Tù trưởng hơi cau mày) Ta còn cần thêm 100 cân cá khô nữa đấy (Tù trưởng gật đầu, vì cá khô thì lúc nào ông ta cũng dư nhiều) Ta cần đến hai cái xe, nghe rõ chứ? Hai chứ không phải một đâu. Hừ! Anh ngạc nhiên hả? Một cái phần ta, một cái chở cá và lông thú chứ, ngồi chung với súc vật làm sao được, dù là súc vật đó thứ thì chết khô và thứ chỉ còn có da không... Anh lại phải trả lại cho ta khẩu súng. Nếu anh còn chần chờ, chốc nữa ta lại lên giá cho mà coi.

- Nhưng mà... (tù trưởng rụt rè) làm sao ta biết được thứ thuốc đó có hiệu nghiệm hay không?

- Trời ơi! Dễ lắm, trước hết ta vào rừng (trông tù trưởng có vẻ nghi ngờ, Bình lại cười lên sằng sặc), anh sợ ta trốn à? Hãy cho 20 tên thợ săn theo ta, có thế ta mới hái đủ thứ lá về luyện thuốc chứ. Xong xuôi đâu đấy, anh phải sắp sẵn những thứ ta cần, đoạn ta toa thuốc lên cổ ta và nằm kê cổ trên cây gỗ kia. Lúc đó anh cho một tên nào thật khỏe Bình gằn mạnh nhớ, phải một tên thật khỏe đấy nhá, bởi vì cái rìu nó dội lại chối tai chứ không phải chơi đâu, lúc ấy lại trách ta không bảo trước, ấy! Một tên thật khỏe cầm rìu, rìu phải thật bén đấy (Bình lại gằn giọng) hắn bổ mạnh cái rìu xuống cổ ta đúng ba lần, sau đó nếu anh muốn, ta có thể lại nằm xuống cho anh thử bổ xuống ba lần như thế.

Tù trưởng ngồi nghe, mắt mở to, mồm há hốc như muốn nuốt chửng lấy những lời Bình vừa thốt ra xong. Bình thản nhiên nói tiếp:

- Nhưng nhớ: mỗi lần chặt xong phải dừng lại chờ ta thoa thêm thuốc mới. Rìu nặng và sắc, cẩn thận vẫn hơn.

Tù trưởng cố nén vui mừng không cho chúng hiện lên nét mặt, giả vờ điềm đạm nói:

- Được! Ta thuận cho tất cả những thứ anh xin...

Bình chận lại:

- Ta không xin, ta đòi anh đấy thôi, trong đời ta, ta rất ghét sự xin xỏ cầu cạnh bất cứ ai, bất cứ cài gì...

- Úi chào! Người da trắng chúa là hay vẽ chuyện, ừ! thì "đòi: vậy. (Tù trưởng nhanh nhẩu tiếp) Nào, thế là anh bằng lòng nhé? Bắt đầu luyện thuốc đi thôi! (quay ra phía trước gọi to tên cận vệ) Hãy tập họp cho ta đúng hai mươi tên...

- Hãy khoan! (Bình giơ tay ra hiệu ngăn lại làm tù trưởng sửng sốt) Bởi vì thái độ anh vẫn có phần nghi kỵ, chưa tin hẳn ở môn thuốc của ta, vậy để chữa lỗi ấy, anh phải cho ta thêm đứa con gái của anh mới được.

Vừa nói Bình vừa đưa tay chỉ vào người con gái tù trưởng, một cô gái da đỏ cực kỳ xấu xí, có một cái sẹo dài một bên mắt và răng thì lởm chởm không đều hàng. Tù trưởng có vẻ phật ý, song Bình vẫn tỉnh khô, làm như không biết, thong thả quấn thêm điếu thuốc khác đưa lên miệng.

Cả hai người đều lặng lẽ chừng như đang thả hồn theo khói thuốc. Bỗng đột nhiên Bình nổi giận:

- Thế nào? Mau lên, không ta lại tăng giá cho mà coi.

- Anh lấy con gái ta làm gì?

- Hừ! Dễ thường anh cho là ta không xứng đáng làm rể anh chăng? Nàng há không là người vợ tốt của ta ư? Trên đường dài ta cần có bạn, anh chỉ việc nói thuận hay không chứ không có quyền cật vấn, đừng quên.

- Được rồi! Ta có nhiều con gái mà! Nhưng mà này, ta nói cho anh biết trước: chính ta, ta sẽ tự tay bổ vào cổ anh ba nhát đấy.

- Thế thì còn gì bằng. Ta không thích bọn bộ hạ yếu như sên của anh làm chuyện đó, hiểu chưa? (Làm bộ băn khoăn) Chỉ cần sau mỗi nhát phải dừng lại để xoa thêm thuốc mới.

Tù trưởng gật đầu một cách sốt sắng.

*

Khi Bình và đoàn thợ săn khuất dạng sau những cây thông cao vút, tên cận vệ liền rỉ tai chủ mình làm y như hắn sợ Bình có lỗ tai gần đó, nghe những lời hắn tâu trình vậy rằng:

- Khi tù trưởng học được cách chế thuốc rồi, thì tù trưởng giết phứt hắn đi. Để làm chi thứ đồ phù thủy da trắng đó!

- Úi chà! Nói dễ nghe chửa! Hắn đã có thuốc thần giết làm sao được?

- Ậy! Tù trưởng chặt xuống chỗ nào không bôi thuốc ấy, hắn đâu kịp đề phòng, giả dụ, hắn bôi ở cổ mà tù trưởng chặt ngang lưng hắn thì có mà chạy đằng trời!

- Ừ nhỉ! Mi rõ thật khôn! Nhưng trước hết, ta phải chém vào cổ để xem thuốc tốt đến bực nào chứ?

- Dĩ nhiên! Dĩ nhiên!

Cả hai lấy làm hài lòng lắm, ung dung ngồi đợi.

*

Trong rừng, Bình chăm chỉ "hái thuốc". Gặp bất cứ thứ gì anh cũng nhặt cũng hái: lá thông, vỏ cây phong, các loài cỏ dại, một tí rêu xanh trong kẽ đá, một mớ rễ cây v.v... Sau cùng, anh bắt mấy người thợ đào nốt ít thứ rễ cỏ nữa rồi quay về.

Thốt nhiên, Bình thấy lòng dửng dưng, lạnh nhạt, tất cả hình ảnh cũ trong đời chàng trở thành rời rạc, anh thản nhiên, không vui, không buồn, anh như có cảm tưởng rằng câu chuyện của đời anh là một câu chuyện trong quyển sách Hồng mà anh đã đọc ngày còn bé, như đời mình là đời của một kẻ nào...

Tù trưởng và tên hầu cận tỉ mỉ xem xét, săm soi kỹ từng thứ một trong lúc Bình lần lượt bỏ những thứ đó vào chiếc nồi nước sôi to tướng mà anh đã ra lệnh cho tù trưởng nấu trước ở nhà. Bình cẩn thận cắt nghĩa:

- Phải cho rêu đá vào trước. (thình lình, anh ngẩng lên làm như trót quên một điều quan trọng) Chết! May không thì hỏng cả! (giọng sai khiến nghiêm nghị) Tên kia! Hãy cắt đưa ta một ngón tay đi! Chóng ngoan nào!

Tên hầu cận giấu hai bàn tay ra sau lưng, nhăn nhó, trông thật buồn cười song Bình cố nén:

- Ui dào! Nhanh lên! Một ngón tay bé xíu thôi ấy mà, tiếc làm quái gì, kia chứ!

Tên hầu còn đang dụ dự thì tù trưởng quát:

- Mi cắt ngay cho hắn một ngón xíu xìu xiu đi! Đứng ì ra đó làm gì?

- Thiếu gì ngón tay đây!

Tên hầu lầu bầu trong miệng toan cúi cắt một ngón tay trong số xác chết nằm la liệt nhưng Bình kêu lên:

- Không được, ta cần một ngón tay người sống kia, ngu ạ!

Tên nọ bĩu môi:

- Thì ta sẽ lựa cho anh một ngón tay người sống, khó chi? (hắn lục lọi trong đám xác chết, lựa một người còn ngắc ngoải, xẻo một ngón tay, đem lại Bình) Đấy nhá! Một ngón tay người sống, mà lại là một ngón tay rất lớn nữa, tha hồ anh vừa ý, nhá?

Tù trưởng nhìn ngón tay còn rỏ từng giọt máu hồng tươi, tỏ ý băn khoăn:

- Hãy hỏi lại xem anh ta có vừa lòng không? Một ngón tay người sống không có nghĩa là một ngón tay của tên tù nhân hấp hối, phải không?

- Không sao! (Bình trấn an tù trưởng) Thế này cũng được! Thôi! Hãy lặng im để ta đọc thần chú, chuyện này quan hệ lắm đây.

Nói xong, Bình đổi giọng rì rầm thật ra anh hát một bài hát cắm trại bằng tiếng Ba Lan Tù trưởng hốt hoảng:

- Anh đọc chậm để ta còn nhớ chứ?

- Không sao! Thử thuốc xong ta sẽ dạy anh, dạy cho kỳ anh thuộc những câu ấy mới thôi.

Vừa nói, Bình vừa ra hiệu cho tên hầu nhắc nồi thuốc xuống. Anh lấy que dài, quấy không ngừng và trong lúc chờ cho thuốc nguội, một lần nữa qua làn khói tỏa quanh miệng nồi Bình ôn lại ngày qua một cách dửng dưng như kẻ bàng quan.

- Nếu thuốc không hiệu nghiệm thì sao?

Bình cau mặt, gắt:

- Thì anh hành hạ ta như lũ ngu kia! Xẻo thịt ta, như anh xẻo thịt chúng chứ sao? Hừ! Ra anh vẫn không tin!

Nhưng rồi Bình dịu giọng:

- Thuốc nguội rồi, hãy trông ta làm đây. (anh cúi xuống, vốc nước "thuốc" bôi đều quanh cổ, vừa xoa vừa nho nhỏ hát bài Quốc ca Ba Lan đoạn nói lớn) Trong khi bôi phải nhớ đọc thần chú, nhá.

Thình lình, một tiếng kêu thét lên làm anh giật mình, ngừng lại: tên Cô-dắc to lớn, thu hết tàn lực chồm lên... rồi lảo đảo ngã sấp xuống mặt tuyết dẫy dụa giữa những tiếng reo hò của "thần dân" tù trưởng. Cảnh tượng đó làm Bình rởn gáy, song anh cố nén, làm bộ giận dữ, hét:

- Không thể thử thuốc trong những tiếng động như thế được. Tất cả phải im đi, và anh hãy giết tên kia lập tức!

Trong khi tên cận vệ làm theo lời Bình, Bình dặn dò tù trưởng:

- Nhớ phải chém rõ mạnh, nghe chưa? Cách tốt nhất là anh cầm rìu bổ vào đống gỗ kia ta xem thử, anh có đủ sức không đã.

Tù trưởng lẳng lặng làm theo lời Bình, chỉ đến nhát thứ hai khúc gỗ đứt lìa làm hai miếng. Bình gật gù khen:

- Khá lắm!

Mọi người vây quanh Bình song rất trật tự và im lặng, những bộ mặt lạnh lùng, tàn ác nhưng cũng rất ngô nghê. Bình dõng dạc:

- Hãy cầm rìu lên đi! Không được người nào đứng sau lưng anh, thuốc mạnh lắm đấy: cái rìu sẽ bật dội lại, văng khỏi tay anh đấy... Nhớ chặt rõ mạnh và ngừng lại để bôi thêm thuốc rồi tiếp tục. Nào, ta bắt đầu!

Bình vui vẻ nằm xuống tuyết rồi thình lình anh nhổm dậy:

- Ta cần xem lại những thứ ta đòi!

Nói xong, anh phăng phăng lại gần hai cỗ xe, chó đã buộc sẵn, da thú, cá khô, cái súng, sáu người thợ săn chực ở bên xe. Bình quay lại, hất hàm:

- Con gái anh đâu? Hãy đem cô ta ra trước khi cuộc thí nghiệm bắt đầu.

Mọi việc đều như ý muốn ông thầy luyện thuốc khó tính. Bấy giờ Bình huýt sáo một điệu quân hành, nằm dài lên mặt tuyết, đầu kê vào khúc gỗ như kê trên gối. Anh liếc nhìn tù trưởng đang lăm lẳm chiếc rìu trong tay một cách tinh quái:

- Ta thương hại cho anh, sau khi chặt xong e anh phải xoa dầu nóng lên tay mất... Thôi! Nào! Giơ cao rìu lên, bổ mạnh vào đúng nơi này nhé!

Nói đoạn Bình nhắm hai mắt, giơ tay làm hiệu, miệng mỉm cười. Tù trưởng chỉ chờ có thế, hắn khoa chiếc rìu lên một thứ rìu cự đại dùng để chặt những khúc cây cự đại Lưỡi rìu ngời ánh thép loáng lên bay qua đầu hắn rồi vụt hạ xuống cổ Bình: Phập một tiếng! Lưỡi rìu cắm sâu qua da, qua thịt, qua xương, "ăn" ngập vào khúc gỗ Bình dùng kê đầu anh! Chiếc đầu văng xa ra cả sải tay trong lúc máu từ cổ nạn nhân tung tóe từng vòi.

Cả bọn há hốc mồm kinh ngạc, nhìn chăm chăm cái xác còn dãy dụa từng hồi. Không ai có thể ngờ câu chuyện lại kết thúc bằng cách đó.

Tù trưởng rụng rời, bối rối rồi đột nhiên nổi giận: ông ta biết rằng mình bị Bình lừa, hắn đâu có phép thần gì? Rõ quân khốn! Trong ngần ấy tù nhân chỉ mình hắn nhờ mưu sâu mà chết mát mẻ, khỏi bị cực hình.

Giây phút kinh ngạc qua đi, cả bọn bật lên từng chuỗi cười ranh mãnh. Tên cận vệ nói:

- Ai mà ngờ, hắn mặc cả dằng dai như bà già đi chợ vậy!

Tù trưởng cáu, quát lên:

- Im! Ít nhất hắn cũng can đàm hơn mi: chỉ có một ngón tay xíu xìu xiu mà cũng không dám cắt!


MINH QUÂN                        
(Phỏng theo truyện "Lost Face" của Jack-London)

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 54, ra ngày 1-10-1966)

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

Đại Văn Hào


Quật Cường! Tôi không biết mình có quật cường được như cái tên mà ba mẹ đã đặt cho hay không khi mà số tôi bị chiếu mạng bởi 3 vì sao quả tạ quá nặng. Ba người chị yêu quí của tôi đó. Song, có bao giờ tôi dám thổ lộ nỗi ấm ức này đâu vì e rằng phải bị bệnh "nhức xương" bởi tính "ít nói" cố hữu của con gái.

Trước khi đi vào câu chuyện, tôi xin mở một màn "mô tả phong cảnh" để các bạn biết qua về quí vị cô nương này nhé.

Đầu tiên trong bọn là chị Đoan Trang, sinh viên năm thứ năm trường "Trung học N.Q". Tôi không hiểu thân bằng quyến thuộc nhìn tướng tá, xem "dung nhan" chị như thế nào mà lại khen mẹ tôi khéo chọn tên, người nào tên nấy. Song, dưới cặp mắt của tôi, chị là đại diện chánh thức cho hãng "đại bất công kinh khủng". Tỷ dụ các bạn nghe nhé. Móng tay chị ấy thì để dài cả tấc thế kia mà chả ai nói 1 lời. Còn tôi ư? Móng tay dài chưa kịp cắt là đã nghe: Nào thằng bé ở bẩn nhất nhà, nào con trai mà... điệu. Các bạn xem, nỗi oan ức này to biết dường nào. Thế mà nghe tôi mở một màn thanh minh thanh nga là chị đã chẳng hồi tâm mà lại còn ban tặng thêm câu:

- Quả thật Cường mắc phải một nỗi oan Thị... Mầu.

Còn nữa các bạn ạ, chưa hết đâu này nhé, tóc chị ấy để dài thì được khen là mái tóc huyền, tóc thề. Đến lượt tôi, nói ra càng tội cho bộ tóc của tôi lắm, không biết chọn nơi để gởi thân, mới ra dài được độ 4, 5 phân là đã nghe những câu mát mẻ:

- Hippy chúa!

- Để tóc dài để nuôi...

Chính vì không muốn nghe lời thị phi mà tôi đành để lưỡi "tông đơ oan nghiệt" xén đi những sợi "tóc nhung mềm mại" của mình mà lòng đau như cắt.

Đại khái, chị có những bất công thế đó. Mà càng nhượng, chị càng lấn áp. Thân nam nhi chi chí thế này mà bị phường nữ lưu khi dễ thì còn mặt mũi gì? Chính thế nên trong một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, quỳ trong thánh đường mà tôi cứ cầu xin Chúa ban cho tôi một tâm hồn minh mẫn để... phục hận. Mà Chúa linh thật, sau lời cầu nguyện, một ý nghĩ lóe lên, có lẽ "lòng thành" của tôi đã được ngài chấp thuận. Tôi mỉm cười sung sướng. Sau một vòng tiếu ngạo đường phố, vừa đặt chân đến nhà, tôi tìm tới chị Trang trước tiên:

- Kinh khủng, kinh khủng, nguy cơ, nguy cơ.

Vừa xuýt xoa, tôi vừa nhìn chăm chú vào mái tóc nhung của chị. Sau đó lại đưa tay như muốn hất tung mái tóc lên, nhưng vừa chạm đến, tôi rút tay về, thè lưỡi, lắc đầu.

- Cường làm gì thế? Tiếng chị ngạc nhiên, đôi mắt tròn xoe.

- Em tìm "hắn".

- Khùng rồi hở? Hắn nào?

Thật tỉnh, tôi đáp:

- Lúc nãy, trong nhà thờ, em may mắn được quỳ sau lưng một chị có mái tóc tuyệt đẹp như... chị vậy đó.

Nghe tôi khen, chị cười thật tươi, chăm chú theo dõi câu chuyện Mái tóc đẹp thật. Nhưng khiếp quá chị ạ, từ trong đó, một gã gia súc loại nuôi trên đầu thong thả bước ra, có lẽ ngày chủ nhật hắn đi dạo hay sao mà bò qua, bò lại, đu lên cọng tóc này, đu xuống cọng tóc kia như khỉ đu dây vậy đó. Sáng chủ nhật được một màn xiếc mãn nhỡn chẳng tốn tiền. Thấy tóc chị cũng dài, có lẽ chị muốn trở thành chủ gánh xiếc nữa à?

Nhìn vành môi tươi như hoa bắt đầu lả lướt quẹo cua 90º, tôi vội vàng sử dụng võ thuật phi thân, phóng nhanh đào tẩu kẻo bàn tay mềm mại kia nựng nhẹ vào đầu trong buổi sáng đẹp trời thế này là trọn ngày làm ăn không khá. Quả thật cổ nhân dạy chẳng sai "Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách".

Sau số 2 là số 3, chị này mang tên Thùy Mỵ. Với chị, tôi cũng không hiểu tại sao chị lại chiếm được giải "Ăn nói lưu loát" mà lớp tổ chức vào dịp cuối năm. Mọi người khen chị ăn nói khôn khéo. Nhưng tôi nghĩ rằng phải thêm những chữ: "Trừ trường hợp với tôi". Các bạn xem thế này có tức không? Bữa nọ, gã dế "Đại Cồ Việt" thân mến của tôi vừa hạ gã "Bách Thắng" của thằng Thành. Một chiến công hiển hách bậc nhất vì xưa nay gã Bách Thắng chưa hề biết mùi thất bại. Sau những phút hồi hộp, toát mồ hôi lạnh, tay chân ngứa ngáy như chính mình đang lâm chiến, tôi hét lên sung sướng khi gã Bách Thắng chạy dài. Ôm chầm lấy hắn, tôi vù vào nhà, hét ấm lên:

- Chị Mỵ ơi, chị Mỵ, xem gã Đại Cồ Việt của em gồ ác chưa?

Thật vô phúc cho tôi, nhằm lúc chị ấy đang học bài:

- Làm gì như giặc đến không bằng vậy? Đi chỗ khác chơi cho chị học.

Lời chị nhỏ nhẹ mà tôi như gặp phải đá mòn, đá cuội, cụt hứng ngang. Tôi đâm ra giận vì không có được một thằng em trai để chia xẻ với tôi nỗi vui sướng, sự chiến thắng này. Bọn họ, con gái biết gì?

- Te te... te te te...

Gã dế trên tay còn kêu inh ỏi, tôi muốn ngắt đầu, bóp cổ hắn ra cho rồi, song vừa nghĩ đến công trạng lẫy lừng vừa qua mà lại bị chết bởi sự giận cá, chém thớt sao? Tôi đành thất thểu cho hắn vào tháp ngà mà nhìn hắn gặm gặm từng cọng cỏ...

Giữa tôi và chị Thùy Mỵ là chị Nhã, Thanh Nhã. Con người của chị trông thanh nhã ra phết với kích thước thật "lý tưởng": cao: 1,50m, nặng: 30kg. Con người của nhạc phẩm "Qua cầu gió bay" đây. Thế mà mỗi lần nhìn tôi tập thể thao là chị kêu ầm lên:

- Trời ơi, giờ này cậu ấm mới ra đây tập hít... bụi và tắm nắng cho cứng xương đấy hở? Thôi để 12 giờ, đúng ngọ rồi hãy tập luôn.

Nãy giờ tôi đã "lỡ bước" đi quá sâu vào chi tiết về các chị, bây giờ xin quẹo một cua vuông góc 90º để trở lại câu chuyện chính.

Số là, kể từ khi chị Trang có được một bài văn đăng trên báo, nhà tôi nổi lên "dịch văn sĩ" lan tràn mãnh liệt còn hơn cả bệnh đau mắt cấp tính. Để chứng tỏ máu nghệ sĩ chảy đầy trong huyết quản, các chị thường ngồi vơ vẩn, nhìn mây bay, ngắm trăng lên mà mơ màng, trông thật giống... "ngủ gục". Đôi lúc, cứ nhìn chăm chăm vào mấy đóa hoa hồng như học thôi miên.

- Ý thơ không có trong đó đâu, chị tìm sâu róm may ra dễ gặp hơn.

- Khúc gỗ... mục mà biết gì là văn chương?

Để hỗ trợ cho chị Trang, chị Mỵ còn thêm:

- Hòn đá biết nói đấy mà.

Như muốn chứng tỏ tam nương lúc nào cũng đoàn kết, chị Nhã tiếp luôn:

- Xem mấy bài luận của hắn cũng đủ biết. Không bài nào thoát khỏi hòn sỏi trắng tròn tròn nằm trước con số. Như thế làm sao biết thưởng thức cái đẹp thiên nhiên được? Thôi, dốt thì dựa cột mà nghe nhé.

Nghe các chị chê, tôi ức muốn chết đi được. Thật ra, tâm hồn nghệ sĩ của tôi lúc nào cũng tràn đầy. Cứ nhìn con người của tôi là đủ biết, trông "văn nghệ" chán. Chỉ mái tóc bồng bềnh như sóng biển (mà mọi người gọi nhầm là tổ quạ) là thấy ngay cái cốt cách nho nhã rồi Sự thật đấy, không phải tôi khoe đâu Song, chẳng lẽ mình bắt chước các chị ấy thì coi sao được? Nhưng, chẳng phải như thế mà tôi hàng đâu nhé. Phải viết một bài, đăng lên báo cho có vẻ "hách như ai" vậy các chị chờ xem nhé. Chắc hẳn là phải phục lăn thôi.

Nghĩ là làm, con người tràn đầy nhiệt huyết mà. Trước khi bắt tay vào việc, tôi thảo luận kế hoạch đàng hoàng. Đầu tiên, phải chọn một chỗ ngồi thế nào để nhìn thấy cảnh vật bên ngoài như trăng, sao, hao, bướm mà tránh được cặp mắt tò mò. Được rồi, phòng học là nhất. Này nhé, tôi cứ đóng cửa phòng lại là an toàn. Trong phòng, cửa sổ nhìn ra vườn hoa. Thật tuyệt diệu. Chọn được chỗ lý tưởng rồi, tôi cảm thấy phấn khởi như công việc đã xong một nửa.

Muốn viết văn hay làm thơ phải có hứng mới được chớ. Ngoài cảnh thiên nhiên, mình cần phải có những thứ gợi hứng thiết thực và gần gũi như... bánh kẹo chẳng hạn. Việc này không có gì khó. Chỉ 15 phút sau là tôi đã khệ nệ đem vào phòng một bình trà nóng hổi, thơm phúc và dĩa bánh mứt thật hấp dẫn tuyến nước bọt.

Còn gì nữa không? Để xem, ừ nhỉ, theo những sách mà tôi đọc thì phòng của thư sinh phải có cả trầm hương nữa chứ. Gay go thật, làm thế nào để có trầm hương? Sau "một phút suy tư" tôi bật lên ý nghĩ và thầm tự khen mình: thi sĩ quá thông minh. Tôi băng vù lên nhà thờ (một căn phòng thờ cúng ông bà). Mấy ốp nhang trầm mẹ mua còn nguyên. Tôi lấy ra ba cây, đốt lên rồi đem vào phòng. Trông tôi lúc này, có lẽ không ra thầy pháp, mà cũng chẳng giống thầy tu. Trên bàn, nào bánh, nào trà, hương trầm nghi ngút như đang cúng tế vị khuất mặt nào. Sau hết, tôi chễm chệ ngồi vào ghế. Không bút lông, tôi dùng đỡ bút nguyên tử vậy. Tập giấy trắng tinh trải trước mắt như đã sẵn sàng đón lấy những lời châu ngọc tuôn tràn như suối.

Thật là tôi dự đoán chẳng sai một mảy may. Bánh mứt là nguồn hứng tuyệt vời. Tay bốc, miệng nhai, tôi miên man suy nghĩ:

- Với bài thơ hay văn? này, sẽ đưa tôi lên đài danh vọng. Tôi tiếp tục sáng tác những tác phẩm khác, rồi đến truyện dài. Các báo sẽ thi nhau đăng truyện của tôi ; báo nào có truyện của tôi sẽ bán chạy như tôm tươi ; độc giả chen lấn nhau để mua như mua đường, sữa lúc khan hiếm vậy. Tôi trở thành một văn sĩ nổi tiếng. Dần dần, các tác phẩm đó sẽ được dịch sang ngoại ngữ. Tên tuổi tôi sáng chói cỡ đại văn hào Victor Hugo. Trời ơi, phút vinh quang ấy thật tuyệt diệu, lưu danh hậu thế và...

Ý nghĩ này nối tiếp ý khác tràn về không dứt. Mãi đến lúc cho tay vào dĩa mới hay chiếc bánh cuối cùng đã biến mất tự lúc nào ; bình trà cũng vơi đi một nửa. Tôi còn đang ngẩn ngơ, tiếc nuối gấc mộng, nhìn lại, trang giấy trắng chưa một chấm mực. Tự nãy giờ, tay tôi chỉ nhớ cầm bánh mà quên cầm bút. Tôi bàng hoàng vì lỡ mất một dịp nhả ngọc phun châu. Bỗng:

- Ha, ha...

Một tràng cười quái đản nổi lên, tôi giật bắn người, ngỡ là có một nhân vật giang hồ nào định ám sát mình bằng âm thanh. Cửa phòng xịt mở, ba người chị yêu quí của tôi hiện ra. Tôi lúng túng không biết làm thế nào để phi tang chứng vật.

- Ba mẹ ơi, vào xem một đại thi sĩ mới xuất hiện đây.

Rồi bỗng tức cảnh sinh tình, ba chị ứng khẩu, ráp nhau thành một bài thơ. Lời thế này:

Hôm nay tôi tập làm thi sĩ,
Ngồi ngắm mây bay, văn cũng bay
Phú lục, tứ thơ đà đi vắng,
Moi tim, vắt óc chẳng đặng chương.
Giấy trắng vẫn còn nguyên trang giấy,
Mực hãy còn hờn, chẳng chịu tuôn.
Thế mà tay miệng làm lia lịa,
Bánh, kẹo, trà ơi! Đã sạch rồi.

Tôi ngẩn người ra nhìn các chị đang cười ngặt nghẽo. Mặt tôi đỏ dần rồi tái mét. Dường như các chị còn nói, còn phê bình mỉa mai nhiều lắm, song, tôi chẳng còn nghe được gì, co giò dông thẳng, bỏ lại sau lưng tiếng cười ròn rã mà nghe như nát con tim (!!!)

Chỉ một lần muốn trở thành nhân tài thôi mà tôi mang mãi kỷ niệm khó quên. Âu cũng là số phận của tôi chẳng hạp với văn chương, đành vậy. Từ đó, không bao giờ tôi còn mơ mộng đại văn hào.

Thôi, giã từ mơ mộng, giã từ đại văn hào...


HỒNG QUÂN    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 183, ra ngày 15-8-1972)

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

Kim với Chỉ















Mẹ cứ trách em hư
Con gái gì... tệ quá
Chỉ giỏi tài làm thơ
Thêu thùa thì không khá

Cứ hay ngồi vẩn vơ
Cầm đến kim cứ nói:
"Kim bé như sợi tơ
Nhìn lâu e mắt mỏi"

Kết rút sao khó ghê
Tại vì... nút bé tí
Kết xong lại bị chê
Trông ngoằn ngoèo thật xí

Ôi chao! Vải, chỉ, kim
Thêu thùa và may vá
Em chỉ thích đi tìm
Nàng thơ cho khuây khỏa

                            ĐĂNG VƯƠNG

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 57, ra ngày 24-9-1972)

 

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Thằng Bù Nhìn


Xếp xòng Bù Nhìn đắc ý cười rung cả người. Anh chàng phe phẩy miếng cờ bằng ny-lon te tua. Gọi là phe phẩy cho oai, thật ra cờ bay nhờ gió thổi tư bề. Tụi ranh se sẻ rút đi xa còn ngoái lại đám ruộng mạ với vẻ tiếc rẻ. Có thêm thằng Sáo Sậu đậu cây gòn cũng rất bực tức. Chúng bàn với nhau.

- Cái lão kỳ đà, chẳng để ai làm ăn gì hết.

- Hôm nào phải choảng lão một trận chí tử.

- Ừ, đúng đó... Hoan hô! Hoan hô!

Gió chợt thổi cơn mạnh bạo và mưa đổ ào xuống, đuổi tụi lì lợm đi chỗ khác chơi. Những đám mạ non run rẩy trước thiên nhiên cuồng nộ.

Xếp xòng Bù Nhìn gây gây lạnh và ướt át tận cọng rơm ở giữa thân. Miếng cờ bay phần phật, dù sao nó vốn quen tùy hứng không chịu tuân theo sự điều khiển của xếp xòng Bù Nhìn. Khéo không xếp xòng Bù Nhìn sẽ cảm mạo. Cái nón lá tả tơi mà cu Bi đội đầu cho anh chàng đã bay xuống ruộng trơ trẽn nằm nở lá bằng mật cật. Bùn sình với nước mưa văng đầy nón, nhưng không thể làm lấm cặp giò lêu khêu của xếp xòng Bù Nhìn. Xếp Xòng Bù Nhìn xiêu vẹo. Cái thân cây đính anh chàng ở trên làm anh chàng mất oai.

Bù lại, với nhiệm vụ chính đáng mà nhà nông giao phó, ông Trời đã cho xếp xòng Bù Nhìn có độ dăm mười đệ tử giúp đỡ đêm cũng như ngày. Đó là chim Cú, Diều Hâu, Cú Mèo, Cú Vọ, chim Lợn, chim Táp Muỗi, Én hay Sa Yến... Đại khái mấy tụi kể sau, đôi khi chúng giúp nhà nông bằng cách ăn sâu, bọ, v.v... Nhưng xếp xòng Bù Nhìn điên tiết khi chúng liến khỉ ăn cả rau, lúa và các hạt giống ngũ cốc gieo và lấp không kỹ. Hạng nhất là tụi Se Sẻ và Sóc. Thỉnh thoảng lại có tụi Gi Đá, Di Sừng, Gi Cam, Sơn Ca, Bạc Má, Giòng Giọc... Cả tụi hay hót nhí nhảnh như Họa Mi, Sơn Tước, Mai Hoa, Hoàng Oanh, Hồng Tước... cũng thuộc vào loại nửa nạc nửa mỡ này.

Xếp xòng Bù Nhìn ghê gớm là vậy vẫn chịu bó tay trước tụi Cua Đồng và Chuột Đồng. Mặc cho xếp xòng Bù Nhìn hăm dọa và dùng đủ cách, tụi này vẫn không ngán. Cua đòi bò lên cao kẹp chân, tay của xếp xòng Bù Nhìn. Chuột tính gặm cái sào tre ngã xuống cho rồi. Lúc đi tha hồ tụi nó xâu xé. Cố nhiên tụi này ham ăn và ham phá hại, chỉ lo vấn đề bao tử nên xếp xòng Bù Nhìn yên thân bấy lâu. Ước gì xếp xòng Bù Nhìn di chuyển được thì bọn phá hoại biết tay chàng. Bọn phá hoại tuy vậy mà nhát gan. Chúng sợ cả dãy băng bằng thiếc mỏng cắt nho nhỏ dài và cột theo hàng cọc tre lưa thưa bay theo gió. Chúng hốt hoảng vụt cánh khi nghe tiếng động khua bởi lon sữa bò hay hộp thiếc giăng trên những thửa ruộng xanh màu mạ non. Lắm lúc gã Diều Hâu đói mồi đi săn, bọn phá hoại bảo nhau trốn thật kín ở xó tăm tối nào.

Xếp xòng Bù Nhìn có ra lệnh và chỉ trỏ lung tung, nhưng gã Diều Hâu ngờ nghệch không thấu hiểu. Cứ thế xếp sòng Bù Nhìn và chim chóc sống trong tình trạng căng thẳng dần dà, chờ ngày tháng qua mau trên đồng ruộng mạ. Gieo mạ được ba tuần lễ, nông dân bắt đầu ra ruộng nhổ lên để cấy.

Xếp xòng Bù Nhìn rảnh việc, nghỉ xả hơi một hôm. Anh chàng khoan khoái nhìn già, trẻ, trai, gái ra đồng làm việc. Họ bó từng đám mạ để qua ngày phân phát, chuyền nhau cấy đều từng hàng. Họ vui vẻ nói cười trong lúc tay làm nhanh thoăn thoắt và công việc trôi chảy điều hòa.

Miếng cờ nylon bướng bỉnh, nó vẫn bay về phía trước và định làm quen với 2 con nghé. 2 con nghé non tung tăng như muốn rong khắp con đường nhựa, bờ cỏ và mấy thửa ruộng mênh mông. Cu Bi lăm le cái roi mây. Chẳng những nó vụt vào mông lũ nghé ngọ mà còn phết luôn mấy con trâu già chỉ chực dẫm lúa của nhà nó, của hàng xóm.

Lúa lên tươi tốt và xanh um. Ngày lúa ngậm hột không xa. Như các cô gái quê xuân thì trổ mã, lúa cho đòng đòng sực nức hương quê. Tụi chim chóc không còn xơ múi gì được. Chỉ còn lũ Cua và Chuột, Ếch, Nhái nữa... Chúng còn sót lại sau những cuộc lùng bắt của bọn trẻ loài người trong mùa mưa 1 số ít nên không nguy hiểm mấy. Người ta chỉ e ngại thất mùa với chúng hồi lúa còn là mạ non mới cấy kia. Bây giờ dấu vết tố cáo chúng là những bụi lúa lem nhem hay ngã rạp ven bờ ruộng, men bờ đường đất. Thành tích của Cua, Còng và Chuột đó. Xếp xòng Bù Nhìn, dĩ nhiên, chẳng bằng lòng. Chưa kể đến những tên phá hoại tí hon: Sâu, Bọ, Rầy... Tuy không đuổi cổ bọn chúng, nhưng đứng thị thiền nơi đây xếp xòng Bù Nhìn trông rõ ràng sự việc xảy ra. Lẽ ra một số bụi lúa đâu bị lùn. Chỉ tại bọn Ruồi đục lá, thường cắn bìa lá hay phiến lá. Lũ Ruồi mẹ đẻ từng trứng trên lá lúa. Ấu trùng màu xanh vàng lợt như màu lá lúa non. Khi vừa nở nó bò vào đọt lúa sinh sống, cắn vào lá non đang tượng hình. Tuy khó nhìn kiếm, nhưng xếp xòng Bù Nhìn biết rằng hễ con Nhộng nằm phía ngoài lá bị cắn, ắt ấu trùng nằm sâu trong đọt lá. Lại thêm sự hỗ trợ của Sâu Nách. Kìa những dấu cắn đứt ngang ống lúa, những dấu bên ngoài như bẹ lá hay 1 phần thân lúa bị cắn đứt và những lỗ hổng cho sâu thoát ra. Nhưng gia đình bác Hai không lầm được lúa bị Chuột phá hại. Bởi vì Chuột đã bị họ lùng bắt và xơi tái đủ món, ướp làm mắm... Bác Hai nhổ từng cây lúa bị bạc đầu lên quan sát và chỉ cho cu Bi xem. Này Sâu nách màu hồng, sọc nâu (màu đất sét), sọc nâu đầu đen, Sâu nách màu vàng, màu trắng... đều sống ký sinh ở lúa. Qua thời kỳ nhộng, chúng phủi công ơn và hóa bướm bay đi mất.

Thế rồi xếp xòng Bù Nhìn ngạc nhiên với 2 cái bình của cha con bác Hai đeo trên lưng. Họ làm việc gì bí mật giữa ban ngày đây? Chẳng có gì lạ lùng, vì họ đi xịt thuốc trừ sâu. Phải ngừa cả Sâu đeo, Sâu keo, Sâu cắn chẻn. Tụi này trông na ná với nhau. Sâu keo ăn mòn gần hết phần trên chiếc lá và thân cây lúa. Sâu cắn chẻn thì hay phá hại phần dưới của cây lúa, cắn đứt ngang cây lúa ở bất cứ đoạn nào. Còn Sâu ống hay Sâu đeo luôn quấn mình trong 1 đoạn lá rồi từ đó cạp mòn các bộ phận khác của cây lúa. Vậy nên ban đêm xếp xòng Bù Nhìn khoan khoái thấy lũ Bướm sâu ống thi nhau đâm đầu vào chỗ chết. Bác Hai đốt một bóng điện 40 watt treo lòng thòng trên 1 chậu nước to tướng. Dù gì Bướm chết trôi cũng đỡ được bao trứng non chúng sẽ ký thác dưới mặt các lá lúa. Bọn lúa dẫy nẩy né qua, né lại. Chúng gào réo ầm vang như lũ trẻ ở dơ, lười biếng, chẳng may bị bắt đi tắm, xịt nước vào. Xếp xòng Bù Nhìn làm le, mắng rằng:

- Này! Đừng có ồn, ta đây muốn xịt "nước hoa" mà họ có thèm để ý đâu.

Tội nghiệp tụi Sâu, chết dần chết mòn, xác trôi lềnh bềnh. Cu Bi rủ em, lố nhố 4, 5 đứa ra đồng vạch lúa bắt tụi Sâu còn sót. Vài con Bọ Gai đen nháy nhảy loi choi. Đám Bọ Xít Hôi sẽ bị nhận biết dễ dàng bởi chúng tiết mùi rất khó ngửi. Đi xục xạo thế này, Bọ Xít Hôi thường hay bay túa ra hai bên cạnh cu Bi. May thay vụ mùa này vắng bóng chúng. Chừng mấy tuần sau, người ta rộn rịp ra đồng gặt lúa. Họ gặt vần công nên đông đảo hò hát, cười đùa cho quên đi bao nhọc mệt. Xếp xòng Bù Nhìn thèm thuồng với ý tưởng tham gia. Ồ! Đó là chuyện chiêm bao. Họ cũng sắp sửa sa thải anh chàng sau vụ mùa. 

Tụi chim chóc sợ đông người với cảnh tượng hoạt động đã rủ nhau sang xứ khác làm ăn. Tụi Cua, Còng nấp kỹ trong cái hang nhiều ngách để lột vỏ, thay xác. Tụi Chuột Đồng táo tợn kinh tâm với mấy gã Mèo. Loài người họ săn bắt ráo riết quá. Nào đặt bẫy, hun khói, dùng Chó, dùng mồi thuốc độc. Rốt cuộc vài gia đình Chuột Đồng ngậm ngùi bồng bế con cháu, và sự sản để di cư. Thà là đói khát nơi đất hoang, đồng trống, hơn là ở lại chốn trù phú nguy hiểm, Chuột Đồng nghĩ vậy đó. Vả lại lúa đã gặt xong xuôi, còn chơ vơ những gốc rạ, đầy vẻ tiêu sơ. Gió thổi nghe cũng lạnh. Sót gì đâu? Cu Bi đánh trâu ra đồng, tha hồ cho trâu nhặt nhạnh. 2 con nghé non lớn nhanh, đã bớt xông xáo và giữ bộ tịch chững chạc, theo đuôi trâu mẹ bắt tức cười. Cu Bi đặt cái ách vào cổ trâu mẹ, bắt nó lôi cái xe 2 bánh. Trên đó cu Bi bỏ đầy rơm. Lũ em cu Bi hăng hái chất nhau lên xe kéo, vừa "hò dô ta" vừa làm trò nhào lộn trên đống rơm. Bọn lúa màu vàng héo hắt, không ngờ già lão lúc nào. Chúng bị tước đoạt những hạt ngọc. Những hạt ngọc trắng tinh thu mình trong 2 dĩnh trấu xinh xắn, mập có, lép có... Cần gì, họ sẽ sàng để lựa ra mấy hồi. Bây giờ lúa tơi tả vì những bó tập thể theo nhịp đập đều đều của thợ. Lúa trơ trụi biến thành những cọng rơm. Rơm chán ngán ngày tự do qua mau nên âm thầm rơi lệ. Trên sào tre, xếp xòng Bù Nhìn an ủi chúng:

- Đừng buồn, rồi tụi mày sẽ về chốn ấm êm chớ không cực khổ dầm mưa dãi nắng như ta đây.

Bọn rơm được nén thành những đụn lồ lộ, cao hơn cả nóc chuồng trâu. Chúng bất mãn phản đối cha con bác Hai đã dùng chĩa nhọn để xỉa vào chúng, nhưng họ nào hay biết. Con Vện "ẳng ẳng" chạy quanh đụn rơm. Theo sau là chị Gà Mái. Chiều rồi mà chị vẫn chưa dẫn con về ổ. Chị móc, chị bới rơm tung tóe. Mươi tên gà con tiệp màu lông với rơm vàng, lăng xăng bắt chước gà mẹ. Vài đứa giành nhau cọng rơm khô dính đâu được 1 hạt lép. Bỗng con Vện nghịch ngợm rượt nà mẹ con chị gà. Gà Mái cáu kỉnh dẫn con ù té chạy. Bọn rơm thở phào sung sướng. Thỉnh thoảng vẫn nghe chúng cãi nhau: "Sao lại nằm ép rệp bên trên, nằm dưới bị ngộp thở ghê! - Tại người ta sắp chỗ vậy đó, giỏi thì cứ phản đối ngay họ."

Chẳng bao lâu rơm rạ đã thật sự khô ráo. Bọn rơm khỏi phải chê bai với than phiền. Chúng bị bó thành từng bó riêng. Và được đặt lần lượt trở đầu vào nhau, san sát nhưng không chật chội vì nén chặt như xưa nữa. Trước hết, cu Bi "tắm" rơm. Lại tắm! Rơm gồng mình chịu trận, hết cách né với kêu la. Nước rưới đều ướt rơm và thấm xuống nền đất. Mô đất cao độ 2 tấc, rộng 8 tấc và dài cũng cả thước. Vậy là bọn rơm yên phận nằm trên chục liếp dài, cách nhau đều đặn. Bác Hai xức phấn cho rơm. À không! Bác rải meo giống như bụi nhỏ li ti. Bác lại tiếp tục xếp những bọn rơm bó khác lên trên. Bọn rơm giờ đã quen với những lượt meo đều hai bìa mô với những giọt nước từ búp sen của bình nhôm. Sau cùng cu Bi nhẹ tay cởi lỏng dây lạt buộc rơm ra. Bọn rơm uốn éo vặn mình, muốn đẩy những cọng thứ tự nằm trên đi chỗ khác chơi. Và cứ thế, ngày sang ngày, họ đốt mô cho cháy những phần rơm rạ so le ở hai bên sườn. Họ dập tàn lửa và quét tro rắc đều lên mô, xong tưới nhẹ ngoài mặt. Bọn rơm hết nóng vì lửa, lại nóng vì thân nhiệt của chính chúng bốc hơi. Cũng bởi bác Hai "làm áo mô" quá kỹ để thu hoạch năng suất được cao. Bác Hai và cu Bi chăm nom mô nấm cẩn thận. Nào vạch "áo" xem chừng độ ẩm, nhìn gió, nhìn mưa...

Bao nhiêu là công việc qui mô và bận rộn, vậy mà xếp xòng Bù Nhìn chịu phép chẳng giúp đỡ được gì cho nhà nông cả. Xếp xòng Bù Nhìn ước gì họ rã thây mình ra đem vào mà trồng nấm. Tiếc thay họ không để ý đến thân hình tiều tụy của xếp xòng Bù Nhìn. Họ chọn lựa tụi sạch sẽ, không mục, không meo mốc mọc sẵn. Tụi còn mới tinh, cọng xanh cứng còn được hoãn nữa, nói chi đến bọn rơm bệnh hoạn, bị bệnh tim hay trước vốn sống ở đồng chua nước mặn, có phèn...

Vì rơm để trồng nấm, không dự trữ cho mẹ con nhà trâu ăn dần, nên ngày 2 buổi cu Bi phải dắt chúng ra đồng gặm cỏ. Vơ vẩn cu Bi dùng ná cố bắn hạ những con chim lười cánh không muốn đi xa kiếm ăn. Tụi Se Sẻ hốt hoảng đậu trên vai xếp xòng Bù Nhìn để trốn. Cu Bi quyết không tha. Những viên đạn bùn khô cứng, không trúng mục tiêu, chỉ tổ làm xếp xòng Bù Nhìn đau đớn, bung ra. Hai con mắt bằng trái cà dược đen già của xếp xòng trúng đạn rơi mất. Vậy để xếp xòng Bù Nhìn khỏi chứng kiến cảnh thương tâm. Con "nghé già" chậm rãi đến bên xếp xòng Bù Nhìn xiêu vẹo. Nửa muốn mài cặp sừng non, nửa muốn ủi chướng ngại vật trên bước đường thênh thang của nó. Nhưng cu Bi đã quát con "nghé già" tránh ra để cu Bi tiếp tục trổ tài thiện xạ. Cu Bi không nghĩ đến việc thực hiện 1 thằng Bù Nhìn khác cho vụ mùa sau. Tay chân, thân thể xếp xòng Bù Nhìn tơi tả, thi nhau bay với miếng cờ nylon. Có tiếng nhóc em cu Bi vỗ tay reo mỗi khi cu Bi nheo mắt, buông ná thung. Mục tiêu không là chim chóc mà vẫn là xếp xòng Bù Nhìn bất động, đau lòng với số phận. Một con Cò Trắng cô độc vừa đáp xuống bờ mẫu bên kia. Nhóc Tèo chỉ anh nó. Cu Bi quay phắt lại để nhắm bắn. Viên đạn bùn trượt văng. Cò Trắng hốt hoảng bay bổng. Cặp giò lêu khêu của nó như đôi chân sào tre của xếp xòng Bù Nhìn, thừa thãi không biết giấu ở đâu. Con "nghé già" vừa quanh lại. Liếc trộm cu Bi, rồi thích ý nó há mỏm rút nhanh ruột gan của xếp xòng Bù Nhìn. Xếp xòng Bù Nhìn lịm chết. Dù gì anh chàng đã làm tròn bổn phận bao ngày qua, không kể công và không cần trả ơn. Nhóc Tèo rình rình nhảy lên lưng con "nghé già". Con "nghé già" giật mình tuôn chạy. Vô tình nó báng ngã xếp xòng Bù Nhìn. Chỉ còn những gốc rạ trọc đầu, "khóc cho 1 người vừa nằm xuống."


PHAN KHƯƠNG THÁI     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 108, ra ngày 21-9-1973)


Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

Giờ Sử Ký

Cho các trò ở Sư Phạm thực hành

Bé ngồi trong lớp học
Vẻ ngồi trông ngoan ghê
Tóc vừa ngang vai bé
Mắt nhìn thầy như mê

Bé ngồi yên thầy kể
Chuyện ngọt ngào quê hương
Bốn ngàn năm lịch sử
Bé nghe rồi để thương

Nước ta nhiều danh tướng 
Chống giặc ngoài liên miên
Bé vẫn còn niên thiếu
Phải học hành cho siêng

Dân ta rồi sẽ tiến
Bé sẽ thành công dân
Góp bàn tay kiến tạo
Cho nước mình canh tân

Phải làm sao minh mẫn
Phân biệt điều dở hay
Thầy sẽ già sẽ mất
Quê hương chờ bé xây

                            THẬP CẨM

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 108, ra ngày 21-9-1973)

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

Làm Quen


- "Hân ơi, nhà bên cạnh vừa có người dọn đến, chị thấy có một cô bé con đấy, thế là em sắp có bạn rồi nhé" Tiếng chị Hòa ngọt ngào bên tai Hân.

- "A! Thích quá, em phải làm quen mới được"

Chị Hòa là chị ruột của Hân. Năm nay chị 23 tuổi, hơn Hân những 14 tuổi! Giữa hai chị em là 3 đứa con trai nghịch như quỷ sứ: Hoàng 15, Hải 13 và Hồ 11 tuổi. Với bản tính nhẫn nại, hiền dịu, chị Hòa vẫn luôn luôn chiều chuộng đồng đều 4 đứa em dù thỉnh thoảng ba đứa em trai phá phách chị đến nỗi Hân ở ngoài mà còn tức đến phát khóc nữa là. Nhưng phần nhiều tụi con trai nể chị Hòa vì chị đã lớn nên mỗi tháng được mẹ phát tiền tiêu vặt, những dịp đó, chị đều mua vài thỏi chocolat, dăm cái bánh kem hoặc dẫn tụi em đi ăn mì Kim Phụng. Còn Hân thì mỗi ngày mách mẹ ít nhất là mười lần vì các anh trêu ghẹo. Làm sao không tức cho được khi Hân vừa đặt con búp bê xuống chiếc nôi xinh xắn để ra vườn hái thêm ít lá cho bữa điểm tâm của búp bê thêm thịnh soạn, lúc trở vào búp bê không cánh mà đã bay mất rồi, gần đó anh Hoàng đang huýt sáo, anh Hải đang hát ầm như cọp rống, anh Hồ đang xem báo chăm chú. Hân chỉ còn nước nhờ mẹ truy tầm thủ phạm. Chị Hòa đi học về là chúi đầu vào đống sách cao nghều nghệu hoặc vào bếp giúp mẹ làm cơm. Chị lớn rồi, đâu còn ở thế giới của Hân nữa, nên dù chị dễ thương cách mấy, hai chị em cũng ít khi gần gũi nhau. Hân vẫn để ý tìm một cô bạn láng giềng, khổ nỗi bên phải nhà Hân là trường trung học dài đến mười mấy căn phố, bên trái là cặp vợ chồng mới cưới, trước mặt là nhà hộ sinh cũng dài chả kém trường học là mấy. Gần một tháng nay, khi cặp vợ chồng kia dọn đi, Hân chỉ ước mong sao cho chủ mới căn nhà đó có đứa con trạc tuổi Hân để kết bạn. Chắc là vui lắm nhỉ. Và các anh cũng đỡ làm tàng một tí, kẻo thấy Hân thui thủi một mình các anh í cứ vênh mặt lên trêu tức.

Hân chạy thật mau ra balcon dòm sang vườn bên cạnh. Đúng rồi, có một cô bé cắt tóc Nhật bản mặc bộ áo đầm màu xanh biển. Cô ta đang ngắm nghía ngôi nhà mới ra vẻ hài lòng lắm. Vừa lúc đó một bà còn trẻ độ trên ba mươi tuổi ra vườn gọi:

- Bích vào ăn bánh con!

À thì ra cô bé đó tên là Bích. Hai ngày rồi Hân cứ thập thò hết trên balcon lại đến ngoài vườn mà chả dám làm quen gì cả. Chị Hòa bảo để chị í dắt sang làm quen cho, nhưng Hân ngài ngại làm sao ấy. Nhỡ Bích không thèm chơi với Hân, rồi Bích quay đít chạy vào buồng thì có phải mắc cỡ không. Anh Hoàng có vẻ thích Bích lắm, chả là hôm qua anh í dí sát mắt vào cửa rào nhà người ta để nhìn Bích có đôi mắt to và đẹp, sâu như cô đào Audrey Hepburn treo trên tường.

- Ê tao xí chơi với Bích rồi đấy.

Hân gân cổ cãi:

- Còn lâu à, em xí ngay từ hôm đầu, không tin anh hỏi chị Hòa thử!

Lẽ dĩ nhiên chị Hòa đứng về phía Hân:

- Đúng rồi nó thấy Bích trước em mà!

- Ừ thì em với nó chơi chung vậy.

- Thôi đi, anh có anh Hải anh Hồ đừng có xía vô em mách mẹ bây giờ!

- Mà mày đã làm quen được nó đâu mà đòi, bây giờ tao ra hẹn đứa nào làm quen trước thì chơi luôn, còn đứa nào chậm chân thì ráng chịu.

Hân chưa kịp cãi thì Hoàng tiếp luôn:

- Đấy thằng Hải, thằng Hồ với chị Hòa làm chứng nhé, đứa nào phạm vào hiệp ước tối nằm ngủ thấy ma hiện về.

- Eo ôi cái anh Hoàng này mới kỳ làm sao, chưa chi đã vội nói động đến ông í, rồi ổng về thật thì em bắt đền đấy.

Hoàng khoái chí lắm vì Hân đã chịu thua. Biết lắm mà cứ dọa ma là Hân đầu hàng ngay. Hoàng khẽ ra hiệu cho hai đồng chí Hải và Hồ ra vườn rồi ba đứa chụm đầu nhau thì thầm to nhỏ, thỉnh thoảng cười hăng hắc ra chiều sung sướng lắm. Hân nước mắt vòng quanh nhìn chị Hòa cầu cứu. Chị Hòa cười trấn tĩnh Hân:

- Em đừng lo, để xem tụi nó dở trò trống gì, thể nào em cũng quen trước mà.

Vừa lúc đó ba đứa con trai chỉ chỏ sang bên cạnh rồi chạy vụt vào buồng tụi nó. Hân cùng chị Hòa cũng chạy ra vườn xem chuyện gì. Hóa ra Bích đang ngồi ghế xích đu mút cà rem cây. Tụi con trai chạy hùng hục ra vườn, đứa thì vác đầu sư tử có đuôi dài lê thê, đứa thì đeo mặt nạ tướng cướp rừng xanh và khoác cái khăn bàn rằn ri lên người, đứa thì cầm súng giả bắn lia lịa bằng đạn mồm, ba đứa cùng chõ sang chỗ Bích ngồi mà biểu diễn sở trường của mình. Hân lo lắng nhìn chị vì Bích đã bắt đầu tò mò để ý đến tụi con trai. Chị Hòa cười như vỡ chợ ; Hân giận quá, chả hiểu chị ấy có muốn giúp Hân không mà lại ra vẻ tán thưởng màn vở của các anh ấy thế. Bên kia Bích đã ăn xong cây cà rem đứng lên nhìn sư tử, tướng cướp và cao bồi một lần cuối rồi thản nhiên vào nhà.

Chị Hòa thì thầm:

- Đó em thấy không?

Rồi kéo Hân vào buồng chị. Sau khi khóa cửa buồng cẩn thận chị giảng giải cho Hân nghe:

- Bây giờ nếu mình bắt chước tụi nó thì dù thắng cũng không oanh liệt mấy, để chị thử làm cách này xem có hiệu quả không.

Chị rút từ từ trong ngăn kéo nào là bút, phong bì, giấy, keo rồi bảo Hân viết thư cho Bích. Hân sáng mắt lên, phải rồi có thế mà nghĩ chả ra nhưng thư phải mất hai ngày mới đến tay Bích. Nhỡ trong thời gian đó tụi con trai nó làm quen được với Bích có phải là đáng tiếc không.

- Hân cứ nghe lời chị đi, ở cửa nhà Bích có thùng thư riêng, chị đem bỏ vào thì chỉ độ mấy tiếng sau là nhận được ngay.

À có thế mà Hân không để ý. Thôi vậy là ăn chắc nhưng mà sao Hân cứ sợ sợ là.

- Viết gì hả chị, hay là chị viết hộ em đi?

- Ấy em phải viết mới hay chứ, ngắn cũng được chả sao.

Hân suy nghĩ một hồi, viết ra nháp cẩn thận rồi đưa chị Hòa sửa lỗi chánh tả xong mới chép sạch sẽ vào tờ giấy mỏng trắng tinh. Khiếp, đây là lần đầu tiên Hân được hân hạnh viết trên tờ giấy đặc biệt này, sao Hân thấy mình oai kinh khủng.

Bích mến:

Tôi tên là Hân, chín tuổi, ở cạnh nhà Bích. Tôi là em của bọn con trai thường múa cho Bích xem. Các anh tôi nghịch như quỷ nên tôi không chơi với bọn họ. Tôi không có bạn nào cả, Bích có muốn chơi với tôi không? Nếu muốn, viết thư cho tôi nhé.

Hân.   

Thư được chị Hòa lén lén bỏ vào thùng thư của nhà Bích. Bọn con trai đang lóng ngóng xin tiền. Được mẹ phát cho 5 tì, tụi con trai mua 4 cây cà rem, 3 cây chia cho 3 đứa, còn một cây thằng Hoàng hô to:

- Cà rem ngon quá ta!

Lập tức mấy thằng cận vệ hét giúp:

- Ai ăn cà rem ra lấy nè.

Bích thò đầu ra khỏi cửa sổ. Hoàng giơ cao cây cà rem, hai thằng em công kênh hắn lên:

- Cà rem nầy ngon lắm, ăn không Bích?

Bích thụt đầu vào. Cà rem chảy ướt hết tay Hoàng. Nó bực mình đút luôn vào miệng. Nhử Bích ăn không được, Hoàng hậm hực kéo Hải, Hồ vào nhà.

Cũng đã đến giờ ăn cơm trưa rồi.

Chiều hôm đó, bọn con trai thay đổi chiến thuật. 1đ ban sáng cộng với 15đ xin thêm của ba, Hoàng nhờ anh tài xế mua hộ quả banh. Hân lo ngại quá không hiểu chiến thuật thứ ba này có thành công không. Kìa, anh tài xế trở về, ba thằng con trai đứng chờ ở cửa chộp luôn lấy quả banh. Rồi bọn nó khởi sự đá banh. Á, Hân hiểu rồi, tụi nó cố ý làm sao cho trái banh lọt qua nhà Bích. Nhưng bờ rào lại cao mà sức đá của bọn nó có bao nhiêu nên trái banh nhất định không chịu vượt biên giới. Hải nóng ruột cầm luôn trái banh ném qua nhà Bích, trái banh lăn dài lăn dài đến chân ghế thì ngừng lại. Cả bọn đắc ý và đồng thanh hét lớn:

- Làm ơn lấy hộ trái banh đi Bích, trái banh này đắt lắm, mất bắt đền à.

Nhưng cả bọn thất vọng vì không phải Bích mà bõ già hấp tấp chạy ra.

- Cái gì đó mấy cậu?

- Bõ lấy hộ trái banh của tôi đi... ở dưới chân ghế kia kìa.

Khi bõ già nhặt trái banh và đến gần phía tụi nó để trả lại, một ý định bỗng thoáng nhanh qua đầu Hoàng.

- À, bờ rào nầy cao quá ném sang vỡ kính thì sao, đút qua hàng rào thì trái banh to như thế này dễ gì mà lọt được, ra cổng thì mất công quá... hay là bõ mang vào cho cô Bích chơi đi, tụi tôi là bạn cả mà.

Bõ già nghe có lý bèn quay vào nhà. Nhưng năm phút sau nỗi vui mừng của bọn con trai tắt ngúm vì bõ già trở ra mang đến tận nhà Hoàng để trả.

- Cô Bích bảo cô ấy có nhiều bóng lắm rồi, Bích làm sao mà chơi với quả bóng to nầy, chơi chuyền thì dùng bóng nhỏ chứ, thôi các cậu giữ lấy để đá banh.

Cả bọn lại tiu nghỉu kéo nhau vào phòng học để tính kế. Chị Hòa đi học về, nhân tiện chị mở thùng thư ra xem. Nét mặt chị thoáng biến đổi, vẻ hoan hỉ hiện đầy trong đôi mắt. Hân đã đoán ra:

- Chị Hòa, chị Hòa, thư của Bích đây hả?

- Xuỵt, em nói khẽ chứ, để xem Bích viết gì đã.

Hân nhướn mình lên cố gắng xem bức thư trên tay chị Hòa:

"Hân mến,

Bích cũng chín tuổi và cũng không có bạn, đồng cảnh ngộ với Hân. Tại sao Hân biết tên của Bích? Bích cũng muốn chơi với Hân. Tối nay ăn cơm xong, Hân bảo cái chị gì cao cao dẫn Hân sang chơi nhé. 

  Mong Hân,   
Bích        

Bọn con trai lục tục ra vườn thi hành kế hoạch khác. Hân giấu thư Bích vào túi. Phải để cho cái bọn con trai kinh ngạc mới được.

Tối hôm đó Bích và Hân ngồi nói chuyện trong vườn nhà Bích dưới gốc cây khế đầy ối những quả.

Hân thì thầm vào tai Bích:

- Bích nhỉ, tụi mình sẽ chơi với nhau hoài nhé, Hân sẽ xin ba cho học chung trường với Bích. Bích đừng dọn nhà đi như chủ trước của căn nhà đó nhé. Mà dù có đi cũng viết thư cho Hân như hôm nay tụi mình đã làm Bích nhé.


Nhóm bút chim sẻ      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 53, ra ngày 15-9-1966)

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

Thao Thức















Nửa đêm bừng tỉnh giấc
Không gian vắng im lìm
Mưa bên ngoài thổn thức
Phong dạ khúc triền miên

Tay vo tròn suối tóc,
Hương chăn gối say mềm.
Sao lâu rồi chẳng thấy,
Chim réo gọi ngoài hiên?

Đưa tay tìm giấc ngủ
Đôi mi khép êm đềm
Tình ca nào xoáy buốt?
Theo gió lạnh từng đêm

Nên bây chừ còn lại
Ánh nến phủ phiến buồn
Bao nhiêu lần nến tắt
Là bao lúc sầu tuôn

Trót sinh làm con gái
Nên biết nói gì đây
Khi tình yêu hoang dại
Bé nhỏ đôi vai gầy...

NGUYỄN HỮU HÀ MINH

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 7, ra ngày 5-8-1971)

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Vào Thu


Sau một số truyện ngắn viết về Đàlạt đăng trong T.H, tôi nhận được một số thư của các em gửi về.

Em N.T. kể rằng mùa hè rồi em lên Đàlạt nghỉ mát, em cũng đi trên những con đường cong cong giữa hai bờ cỏ mịn, những lối đi dốc ngược làm đôi chân tho dài bé bỏng của em hình như to ra, và má em hồng lên như những nàng thiếu nữ má phơn phớt màu hoa đào có lông tơ gờn gợn lúc mười giờ sáng. N.T. bảo muốn cắn má họ như cắn quả đào lông của Đàlạt hắt hiu gió lạnh.

N.T. bảo những sáng những chiều mặt trời bừng lên bên kia rặng Lang Biang mang dáng nằm thiếu phụ, những trưa trời trong cao xa vút, đồi cỏ ánh vàng chan hòa màu sắc. Màu tím pansée đậm buồn rưng rức, màu vàng mimosa kiêu sa đài các như một thời vàng son rực rỡ trong lịch sử Việt Nam xưa. Em bảo Đàlạt đẹp hơn trong truyện tôi viết bội phần.

Vâng, em đã nói rất đúng. Làm sao chị ghi lại được tràn đầy và trung thực vẻ đẹp của thiên nhiên hở em? Em bảo những vầng mây dật dờ màu tím buồn giăng trên cao xa, những khu rừng im lìm trầm tư suy tưởng, những đỉnh núi cao mây quyện mù mù gợi thèm một chuyến phiêu lưu vô ngần. Hay bình minh lóe vàng ngoài cửa biển, hay chiều tàn mưa rơi trên sông. Bút chị ghi không trọn, tả không say. Chị mỉm cười nhận tội với em đây, và chị nghĩ rằng có ống kính nào, dù em có là nhiếp ảnh gia đại tài đi nữa, em cũng không thu hết được vẻ đẹp và hương sắc quê hương của chúng mình. Chẳng có họa sĩ nào ghi đúng màu trời trong mơ và huyền hoặc của mùa thu được đâu em nhỉ.

Em H.L., người thơ tài hoa của xứ Banmê buồn muôn thủa đã dí dỏm nhận xét về tôi. H.L. bảo vì thương những chiều thu mưa bay giăng giăng tôi đã chọn nghiệp văn chương mà ôm vào hồn, mà khắc vào tim, mà ghi vào óc. Em H.L.! Thực ra, chị mới tập tễnh vào nghiệp văn chương. Chị nghĩ rằng nghiệp nào chả có đắng cay lẫn ngọt ngào, có hạnh phúc nào không bâng khuâng, có sung sướng nào không ngậm ngùi, cũng như có mùa thu nào lá không vàng không rụng đâu em?

Em bảo đọc Tuổi Hoa, em không cần biết là hay là dở, em chỉ biết rằng em cảm thấy thương yêu quê hương đến nghẹn ngào. Em yêu một Hà nội xa xăm ngàn trùng cách biệt trong trí nhớ. Em yêu Đàlạt với mặt hồ lảng vảng sương mơ, hắt hiu gió chiều. Em yêu Huế với những nàng con gái tóc thề ríu rít nói cười như chim trên con đường Lê Lợi áo trắng bay bay. Ơi! Huế đô trầm mặc u buồn như dĩ vãng. Em yêu Sàigòn bừng bừng sức sống và yêu sao là yêu những con đường có lá me li ti rơi trên tóc rối. Những dòng em viết làm chị xao xuyến đến rưng rưng. Khi cầm bút gợi lại kỷ niệm trong đáy lòng thầm kín, chị cũng mơ ước bấy nhiêu thôi em ạ.

T.L., cậu học trò Adran chuyên chơi nhạc trẻ, khuôn mặt măng tơ, tóc để dài, đôi mắt thăm thẳm với hàng mi rậm như đôi bờ cỏ mộng lại chê văn tôi còn đôi chút vụng về. Cùng lúc L. thú nhận mặc dù lớn kềnh càng ra rồi em vẫn đọc TH. Em ý thức rằng mình là một cậu bé Việt Nam mang trọn giòng máu bất khuất tràn đầy trong da thịt. Em biết rằng em đang thừa hưởng một nền văn minh huy hoàng nhất miền châu Á cao sang. Tôi xúc động vì thư em dễ thương quá sức. Ít nhất trong cuộc sống mọi người xô đẩy nhau, vật lộn quắt quay vì tiền, tôi còn được các em cho tôi chút ít tin yêu đó để có thể nghiến răng lại ngẩng mặt lên nhìn trời mà thành người. L. kể rằng kỳ thi cuối năm vừa rồi em được 13 điểm luận văn với đề tài: "Hãy dựng lên mẫu người đàn bà Việt Nam qua Chinh Phụ Ngâm khúc", cô giáo Việt văn trẻ đẹp dễ thương của em đã khen làm em nở phồng cái mũi vốn đã hếch quá nhiều tuy chưa một lần đi sửa như truyện "Cái mũi" của tôi đâu ạ. Em bảo rằng em thích môn Việt văn vì nó làm em về nhà thương mẹ thương cha đến nồng nàn. Những người mẹ người cha đáng kính của một Việt Nam đau khổ nhục nhằn. Cuối thư em nhấn mạnh mãi mãi tin yêu và hy vọng vào tương lai dân tộc. Em đòi tôi đừng bao giờ bỏ nghề viết báo nhiều ngậm ngùi đắng cay và chua chát. Tôi mỉm cười. Em khôn thật! Em nhất định sẽ làm kỹ sư để khai phá tài nguyên phong phú tiềm tàng trong lòng đất Việt Nam yêu dấu của chúng mình. Em phải làm một chút gì cho đất mẹ đã nhiều đau thương. Tôi tin và tôi cầu cho em đạt được lý tưởng này. Ôi! Nếu mọi người Việt Nam từ lớn đến bé, từ già đến trẻ, từ giàu đến nghèo, đều nhiệt thành lo lắng cho tương lai quê hương như em, những em bé TH dễ yêu dễ mến của chúng ta.

Rồi một lá thư khác nét chữ vừa cứng vừa mềm của T. Vũ M. T. Vũ M. viết rằng em đã về thăm Đà Lạt. Em đã lên đỉnh đồi cao, lộng gió bốn phương tụ về của viện đại học, đỉnh tháp cao chót vót vươn lên bầu trời cao xanh vời vợi, như tuổi trẻ Việt Nam đang vươn lên cao. Năm nay M. sẽ vào Đại Học. M. đòi tôi kể về những năm tháng tung tăng làm cô sinh viên ở đây cho M. nghe. Cuối cùng M. than phiền em tìm mãi, em đi vòng vòng trên những lối đi xinh xinh, em đi giữa hai hàng mimosa nở vàng, em đi trên đá cuội trắng ngà, em đi giữa hai hàng cỏ mọc cao cao, vậy mà em tìm mãi, đỏ mắt, mỏi chân, không thấy khu nhà nội trú tôi tả trong truyệnh.

Tôi mỉm cười, tôi ước chi có đủ phương tiện và thời giờ để dắt từng em, từng em một vào vùng trời kỷ niệm của tôi. Ngôi nhà năm gian, ngói đỏ sậm ủ mình trong lùm cây, nằm khiêm nhường lưng chừng thung lũng vừa đủ thấp để mỗi sáng tôi leo dốc lên giảng đường thì mẩu bánh mì với chút phô ma tan biến theo từng bước chân lên, đến giảng đường nghe thèm một tô bún bò cay nồng ớt sả của xứ Huế vô cùng. Đừng chê chị tham ăn nghe em, mắc cỡ chết, dù chị tham ăn thật đó em ạ.

Muốn tìm thấy nội trú nữ sinh viên của chị, em sẽ theo con đường vòng quanh một quãng hồ Xuân Hương có những tòa lâu đài cổ kính nằm khuất sau ngõ quanh mang tên Dao Tiên, mang tên Violetta. Rồi em lên một con dốc đứng, con đường vắng bóng người, lâu lâu một chiếc xe vụt phóng đi bỏ em ngơ ngác bên bờ cỏ nhìn theo. Đi nữa đi em nhá, đường mát và im lìm quá đi em nhỉ. Có một cái miếu nhỏ bên lối rẽ ngặt đấy nghe, coi chừng đấy đã từng có tai nạn xảy ra ở đây vì lối quanh này. Một lúc nào đó sẽ phải đến em thấy một ngôi trường ngói đỏ nổi bật giữa một vùng cây cối xinh tươi. Trường nữ trung học Bùi thị Xuân đó em. Ở đây có rất nhiều cô bé áo xanh màu bleu marine má hồng thật hồng, mắt xinh thật xinh và môi tươi thật tươi. Dù muốn dù không em cũng ngẩn ngơ xao xuyến vài phút vì những cô bé đó em ạ. Em cười hở? Đúng tim đen chứ gì? Chị mà còn ngất ngây lao đao vì má hồng của họ nữa là em. Những cô bé cười không tròn nụ khi em nhìn họ, chính nụ cười nửa vời này làm em thích thú phải không em?

Đi nữa đi em, đừng ủy mị đứng mãi ở đây nghe em! Em sẽ xuống một con dốc rồi lên một con dốc. Em sẽ thấy hai cái cột bằng đá em không ngờ đâu. Viện Đại Học đó. Năm chữ "Viện Đại Học ĐàLạt" bé bé trên bảng đồng gắn vào một cột đá, chỉ có một dấu hiệu khiêm nhường đó thôi em ạ.

Em biết không? Theo luật lệ quốc tế, các bác sĩ chỉ được gắn một cái bảng đồng nho nhỏ thế thôi. Bây giờ vì lý do cạnh tranh, bác sĩ cũng treo bảng xanh xanh đỏ đỏ đập vào mắt người ta, như các bảng hiệu chạp phô í mà. Chị yêu Viện đại học Đàlạt vì cái bảng đồng. Chị lãng mạn quá phải không em?

Em sẽ đi giữa hai rặng anh đào, hoa nở hồng hay trụi lá chơ vơ tùy theo mùa em ạ. Có những ghế đá, khuất trong cây, có những vòm cầu đỏ cong cong nét kiến trúc Đông phương trên những lạch nước nhỏ. Có những viên đá xám xếp lên nhau theo một nét sáng tạo lạ và bạo của các sinh viên ưa khai phá.

Em sẽ thấy những tòa nhà tường đá ngói đỏ, mang những tên đầy nét Đông phương: những An lạc, những Đôn hóa, những Minh Thành, Tri nhất. Đọc đến đây em có thấy hãnh diện vì mình là người phương Đông chưa em? Mặt trời mọc từ phương đông và mọi nền văn minh huy hoàng nhất của nhân loại đều phát sinh từ đây em ạ. Thật sung sướng cho những người con gái mang trọn vẻ đẹp của miền bán đảo Đông dương em nhỉ? Mỗi lần nghe giáo sư Hoành nói về nền văn minh sâu xa và thâm trầm của Đông phương chị cảm xúc run rẩy cả người, cảm xúc này khác hẳn niềm khâm phục lúc giáo sư Trị nói về Kant, về hiện tượng luận của Husserl. Lên nữa đi em! Bồn cỏ lưng chừng đồi, có năm sáu lối rẽ làm em lúng túng phải không nào?

Thôi dùng lại, đứng nhìn lên đỉnh tháp cao chót vót của thánh đường Đại học, ở đó lâu lâu có những đám cưới do chính linh mục viện trưởng chủ hôn cho các sinh viên của ngài. Đám cưới hai họ đều là sinh viên, cô dâu chủ rể khăn xếp áo thụng đẹp lắm cơ em ạ.

Em hãy xuống con dốc phía bên trái, dốc quá hở? Rồi rẽ qua bên phải... Em thấy hai cây bưởi mùa hạ nở hoa trắng xóa trước một ngôi nhà có mái ngói cong cong chưa em? Nội trú của chị đấy. Ngày xưa chị đã sống ở đây với 14 nữ sinh viên khác. Mỗi phòng 3 người. Hồi đó chị không có nhiều tiền, sống giản dị lắm cơ, ngày 2 bữa cơm nội trú, sáng mẩu bánh mì không. Bây giờ thì chị đi làm có chút tiền. Nhưng sao chị vẫn thấy những ngày ở đó sung sướng nhất đời em ạ. Đêm đêm ngồi học ở bàn mà nghe lá thông vi vu dưới lũng xa, nhớ nhà khóc lên được.

Nội trú của chị có hai con chó Đức to lớn, đêm đêm nằm canh ở thềm nhà. Đàlạt lạnh, nhiều khuya đói meo cả lũ mà không sao kiếm ra hàng quà. Chị và bạn bè chui qua khe hở của hàng rào cây, lội bộ xuống phố mua bắp rang ăn từng hạt, nóng thơm thơm đầu lưỡi mềm thương nhớ.

Vào thu rồi đó em nghe không? Trời trong xanh gờn gợn vẩn mây buồn. Nghĩa là một chiều lá xanh thật xanh, xanh đến cùng tận của màu xanh, chồi non đã vươn trọn cả rồi. Lúc đó là lúc lá bắt đầu rơi, lả tả xuống đường. Em sẽ đi trên những xác lá vàng khô mà nghe thương nhớ về tràn đầy kỷ niệm xưa của em. Lòng em run lên như nốt sầu Dạ khúc mơ. Chị yêu lá vàng, một chiếc thôi cũng đủ. Chị yêu những con đường hiền lành của quê hương lào xào tiếng lá thở đầy cam chịu nhẫn nhục.

Kìa! Mưa bay rồi đó em, mưa nhẹ, nhẹ vô cùng, không đủ nặng để rơi thẳng xuống đất, gió mùa thu lao xao thổi ngang lớp phấn hồng của đất trời, nên người ta gọi là mưa bay bay. Lớp bụi hồng giăng giăng đầy trời đẹp như một áng mơ.

Mưa không làm ướt áo em như những cơn mưa hạ ào ào của Sàigòn đâu em. Những sinh viên học sinh họ thích đi dạo trong mưa bay để tóc vương đầy mưa bụi, vai áo lạnh vương vướng phấn mưa, mắt người đẹp sáng thêm một chút mộng tình thêm một chút thơ. Họ đi lang thang bên nhau dưới mưa bay lất phất. Mưa giăng mờ trời mưa giăng đầy mắt xinh. Hãy đi trong mưa bay đi em, nếu thích em châm một điếu thuốc, hai tay trong túi áo măng tô. Hãy để mưa tự do rơi trên tóc em bồng bềnh như mây trời phiêu lãng.

Mưa không lạnh, mưa không nồng mà mưa ru êm như điệu ca dao ngọt ngào quê mẹ.

*

Mùa thu chợt đến như dáng xưa, không hình không bóng mà sao ngây ngất men say. "Mùa thu đến với cõi đời như một cô gái xưa đi về nhà chồng. Nàng thu bước rất khoan thai, tà áo thướt tha chân không chấm đất thỉnh thoảng cánh quạt khẽ chệch để lộ đôi mắt êm như trời xanh buổi chiều..." Chợt nhớ đoản văn Thu của Xuân Diệu một ngày nào xa xưa cô giáo Lê Khắc Ngọc Quỳnh áo trắng xinh thật xinh đọc trong lớp cho nghe mắt chị cứ tròn xoe ra. Chị yêu mùa thu từ dáng cô Ngọc Quỳnh, chị yêu mùa thu từ hơi thơ Xuân Diệu. Chị yêu mùa thu từ trên trời rơi xuống. Và chị mê viết văn cũng chỉ vì cô đấy, cô Quỳnh ơi!

Vậy là em đã thăm xong nội trú của chị rồi đấy nhé! Sao, có thơ mộng không em? Chao ơi, những sáng trời thu dịu dịu, thoáng gió heo may rủ nhau về. Bạn bè chị ngồi trước nhà nội trú đan áo len cho mùa đông tới. Chị đứng ngắm họ, tiếc mình không là họa sĩ. Má họ sáng hồng bầu bầu căng sữa, đôi tay thoăn thoắt cử động trên len màu xanh như trùng dương hun hút sâu.

Cảm tạ Thượng Đế đã cho chúng mình một quê hương có đủ 4 mùa. Cảm tạ Thượng Đế đã cho chúng mình đôi mắt để nhìn trời chuyển nhẹ vào thu, đã cho chúng mình một trái tim để yêu thiên nhiên, để thương quê mẹ. Chị muốn em đi mãi, đi lên mãi mãi. Kia là đỉnh đồi cao, này là giảng đường Hội Hữu, mỗi lần mưa bay bay sinh viên ngồi trầm ngâm trên những bục đá dựa vào tường, chắc họ say sưa nghĩ đến một tương lai Việt Nam chan hòa khúc hát thanh bình ca, một quê hương chuyển mình vùng vẫy một trời Thái Bình Dương mênh mông sâu thẳm.

Leo dốc đi em, đỉnh đồi đây rồi, em nhìn đi khắp bốn phương trời. Hồn dâng lên cao bên tòa nhà Năng Tĩnh có những con người đang âm thầm làm việc, đang âm thầm tạo một tương lai cho quê hương yêu dấu.

Gió nhẹ, nhẹ như mơ say. Mây đẹp từng áng trôi lênh đênh. Trời cao không bờ không bến. Rồi em sẽ xuống núi, sẽ lao vào đời, sẽ yêu cuộc đời như yêu chính thân em.

Để rồi có những chiều một chớm thu về đẹp như hôm nay, trong cuộc hành trình dài của em em sẽ dừng lại một quán nước bên đường mà nhớ thương ngày xưa mịt mờ trong dĩ vãng. Như chiều nay trong quán ĐaLa trầm ngâm với ly trà tưởng nhớ, tôi nhìn mùa thu về trong dáng mưa lâm râm ngoài đường phố buồn buồn, nghe mơ hồ đâu đây chút heo may lành lạnh mà nhớ ĐàLạt xa xót.

Những cơn gió thổi vút trên mặt hồ êm đềm và trong xanh. Chiều nhuộm vàng đồi cò. Những cánh pensée gợi hoài thương nhớ những bông mimosa vàng, vàng say ngây thơ. Những con đường, những đồi cỏ, những lũng sâu u buồn, những rặng hoa, những sáng mù sương, những chiều mưa nhạt. Tất cả đã trở thành thánh địa của yêu thương. Chị viết cho các em với xôn xao ngây ngất vì tất cả đã là những kỷ niệm thần thánh trong chị.


LỆ HẰNG      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 160, ra ngày 1-9-1971)

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

Hững Hờ... Tháng Chín

Tháng chín mơ màng
Lá rụng miên man
Đậu trên ghế đá
Mây trời lang thang

Xám xịt khung trời
Tháng chín sương rơi
Ai về cuối phố
Chiều lạc loài trôi

Tháng chín trăng huyền
Trăng giãi ngoài hiên
Có cành dạ lý
Nồng hương bên thềm

Tháng chín chiều vàng
Trong rừng thu sang
Đồi cao gió lộng
Bóng chiều đi hoang

Tim tím ánh sao
Chong mắt đêm thâu
Không gian tít tắp
Thời gian về đâu

Tháng chín bơ vơ
Chiều qua hững hờ
Lá rơi xào xạc
Lá rơi vào thơ...

Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>