Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Lời Cảm Tạ

 

Các bạn thân mến,

Cách đây đúng mười năm, cũng vào cái ngày đáng nhớ này, blog "Tuổi Hoa và hơn thế nữa" chính thức "chào đời", mở đầu một cuộc hành trình gian nan nhưng cũng không kém phần hứng thú!

Hứng thú thì chưa thấy đâu nhưng gian nan thì "nhãn tiền" các bạn ạ! Nhiều lúc mệt quá chỉ muốn dẹp quách cho xong, nhưng rồi thấy mình sao "hèn" quá, thế là lại tiếp tục "ăn cơm nhà, vác ngà voi". Rồi công việc cứ cuốn mình đi, hết ngày này qua ngày khác, mình đâm "nghiện" lúc nào không hay. 

Năm tháng trôi qua, trang nhà ngày một thêm khởi sắc. Ban đầu mình ước tính post chừng ba năm là hết bài, nhưng có lẽ mình nhầm, hết ba năm rồi đến bốn năm, năm năm... thấm thoát mà đã đến năm thứ mười, khoảng thời gian thật là không tưởng! Bài vở được các bạn hào hứng đón nhận, thật là vui!
 
Nhưng vui nhất vẫn là tình thân đã được kết nối. Từ những người xa lạ, chúng ta dần trở nên thân thiết với nhau. Những lời mời kết bạn trên fb cứ tăng dần, trong đó đáng kể nhất là chúng mình được làm quen với các anh chị trong gia đình Tuổi Hoa, đưa đến những cuộc gặp gỡ hàng năm đầy tình cảm, vui tươi và đáng nhớ. Cho đến nay thì mình không còn nhớ nổi mình đã gặp nhau bao nhiêu lần!

Có được thành quả ngọt ngào nói trên, ngoài nỗ lực "tự thân vận động" không thể không nhắc đến sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn, nếu không thì blog "Tuổi Hoa và hơn thế nữa" khó mà tồn tại cho đến hôm nay, mà nếu có tồn tại thì cũng kém hấp dẫn đi nhiều. Chính tình yêu thương của các bạn là nguồn động lực lớn giúp mình vượt qua thử thách. Xin chân thành cảm ơn tất cả những tấm lòng!

Đến nay thì nhiệm vụ của mình gần như đã hoàn tất, các bài vở, hình ảnh giá trị của Tuổi Hoa, Thiếu Nhi, Ngàn Thông...  đã được post lên gần hết. Hơi tiếc là một ít báo Tuổi Hoa vẫn chưa tìm được, nhưng không sao, mình tin là tất cả sẽ "đâu vào đó" một ngày không xa, nếu chúng ta cùng cố gắng.

Dẫu biết là cuộc vui nào rồi cũng đến lúc kết thúc, mình và các bạn sẽ phải tạm xa nhau, nhưng chẳng có gì phải buồn các bạn ạ. Chỉ là một chuyến đi thôi mà, xong rồi thì "ai về nhà nấy", nghỉ ngơi một thời gian rồi lại chuẩn bị cho chuyến đi khác có thể sẽ còn kỳ thú hơn, các bạn có đồng ý không nào!

Nhưng đó là chuyện của tương lai, và ngày đó vẫn còn xa lắm. Còn trước mắt, mùa xuân đang lấp ló bên thềm, một mùa xuân rực rỡ đang chờ đón chúng ta, hãy cùng nhau tận hưởng đi các bạn!

Chúc các bạn và quý quyến một năm mới tốt lành!

 
ĐÈN BIỂN 
    

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Muốn Công Việc Được Dễ Dàng

  

Các em thân mến,

Trong một số báo trước, tôi có kể chuyện cách nay ít lâu, tôi thấy trong người mệt mỏi, thỉnh thoảng ngực hồi hộp, tim đập mạnh, người toát mồ hôi, chân tay đều lạnh. Một hôm nọ, trong cơn giận, ngoài những triệu chứng trên, tôi thấy như sắp  ngưng thở và được đưa vào bịnh viện. Tại đây, sau một tuần lễ chữa trị, uống và tiêm thuốc, tôi trở về nhà. Nhưng sau đó, tôi cũng gặp lại các chứng kể trên.

Một ông bạn rủ tôi ra tắm biển chơi trong vài ngày. Trong thời gian ra biển, tôi đã ngâm dưới nước suốt cả buổi, tôi đã phơi nắng đen rát cả da, tôi chạy tung tăng đó đây cả ngày trên bãi cát. Ông bạn này lúc nào cũng vui vẻ làm cho tôi vui vẻ lây. Tôi rất thích nghe ông ta kể chuyện và chúng tôi thường hay gặp nhau để hàn huyên. Ông ta lại giúp cho tôi tìm lại lẽ sống là sống nhiều cho người khác. Tôi thấy người tôi thoải mái và hiện nay, tôi không còn lạnh người, toát mồ hôi, nghẹt thở như trước nữa.

Nhưng trong tuần qua, tôi lại gặp nhiều chuyện buồn phiền, tôi trở nên chán nản và mệt mỏi, chứng lạnh tay chân lại tái phát.

Chắc các em đã thấy tinh thần buồn bực thường sinh ra mệt nhọc và nhiều chứng bịnh khác hơn là làm việc vất vả.

Vừa đây, một em cũng viết cho chúng tôi than phiền em rất buồn chán công việc của em : Gia đình em nghèo lắm, cha mẹ em cố gắng gửi em lên tỉnh học trọ nơi một người quen thuộc khá giả. Em phải dạy kèm hai cậu con người chủ nhà để em được ở miễn phí. Hai cậu bé này đang học mẫu giáo và tiểu học, thích chơi hơn là học. Chúng rất hỗn xược và ngỗ nghịch. Em rất chán mỗi đêm phải ngồi mấy tiếng đồng hồ để chỉ dạy ê, a và toán cộng, toán trừ. Bây giờ em mệt nhọc lắm rồi. Em thấy em ngày càng xanh xao gầy ốm. Em muốn bỏ học để trở về với gia đình ở thôn quê.

Các em thân mến,

Sự buồn chán là một trong những nguyên nhân chính gây ra mệt nhọc.

Nếu ở trong trường hợp trên, các em nên xem việc dạy học, dù dạy kèm đôi ba đứa trẻ em, là việc cao quí, đầy  hứng thú. Các em nên tìm cách gây cảm tình với các học sinh, rồi các em đó sẽ có thiện cảm với các em. Nhờ sự dạy dỗ khéo léo của các em, những em đó sẽ trở nên dễ mến hơn.

Các em thân mến, dù ở trong hoàn cảnh nào, các em nên tìm sự vui thích. Khi các em thích việc làm của các em, các em sẽ không còn thấy vất vả, mệt nhọc.

Bác sĩ Edward Thordike ở Columbia chuyên thí nghiệm về sự mệt nhọc đã đoán chắc sự chán nản là nguyên nhân chánh làm giảm sức làm việc.

Ông Dale Carnegie cũng đồng ý tinh thần mệt nhọc thường không do các em làm việc nhiều, mà vì các em quá lo lắng, bất mãn hay uất hận.

Khi các em bắt buộc làm một công việc gì buồn  tẻ hoặc không hợp, các em nên cố gắng vui vẻ làm công việc ấy, các em tìm cách làm cho nó trở nên thích thú. Các em sẽ thấy công việc trở nên nhẹ nhàng. Khi các em làm việc dễ dàng, các em sẽ yêu công việc của các em, nỗi buồn chán của các em sẽ tiêu tan. Các em tìm lại được sự thoải mái, yêu đời.

Thân mến                      
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 17, ra ngày 5-12-1971)

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

Thái Độ Khi Đi Cứu Trợ


 Thư em B.T.Q.G - Khánh Hội:

... Đọc Thiếu Nhi, thấy các bạn thành lập tiểu ban xã hội, rồi lại thấy trong hộp thư chị nhắn các bạn tới gặp chị Long Hương để  bàn về những công tác từ thiện, lòng em rộn lên. Nhưng rồi chỉ lát sau là thiện chí của em lại tàn rụi ngay. Bởi vì em đã có một kinh nghiệm sống về vụ đó. Bây giờ nhắc đến em còn thấy buồn. Kỳ đó em theo một phái đoàn vào thăm đồng bào ở một trại tiếp cư. Tụi em đem theo vật dụng quyên được và góp tiền mua bánh kẹo đến cho họ. Nhưng lòng tốt của tụi em đã được trả lại gì? Chị ơi! Họ lạnh lùng và còn nói nhiều điều rất là tệ bạc. Trên đường về, em muốn khóc vậy đó. Em tưởng họ sẽ hiểu rõ lòng tốt của tụi em và nếu không cảm ơn thì cũng phải có thái độ khác chứ không ngờ họ hất hủi như vậy. Em sợ lắm rồi...

Trả lời: Chị rất cảm thông nỗi buồn của em. Mình tới với họ bằng tấm lòng nhiệt thành muốn giúp đỡ, mà được trả lại bằng thái độ đó thì tủi thân ghê lắm. Em bị khớp rồi. Bây giờ nghĩ lại, em còn thấy nóng cả người, làm sao mà em có đủ can đảm "xông pha" thêm nữa, em gái nhỉ. Em đồng ý, chứ. Cười xong rồi ta đọc tiếp nghe em. Chị nghĩ rằng đã có một sự trục trặc nào rồi. Những người dân tị nạn đó, bất thình lình bị mất nhà mất cửa, trở thành bơ vơ, họ rất mong được trợ giúp từ mọi phía, và mọi khía cạnh. Sự trợ giúp vừa đỡ đần họ phần nào về phương diện vật chất, vừa nâng tinh thần họ lên, để họ thấy tình người thật đầm ấm, không bao giờ họ phải sống cô đơn trên đời, em ạ. Vậy tại sao họ lại có thái độ đó. Chị có mấy ức đoán, có thể là sai, nhưng cũng là những điều có thể xảy ra, các em cũng nên lưu ý nhé. Các cụ đã có câu: "Cách cho quí hơn của cho", nếu không biết cách cho, thì người nhận thay vì cám ơn, có thể thành oán, câu đó rất đúng. Thú dụ các em ăn mặc quá sang, đem tặng phẩm tới, họ sẽ tủi thân vì thấy rõ sự chênh lệch và họ có cảm tưởng như các em tới bố thí, chứ không phải là sự tương trợ của bà con đối với nhau. Hoặc là khi trao tặng, mặt các em không vui, cầm không trịnh trọng, nói năng gắt gỏng, vân vân. Nếu các em không phạm phải những lỗi đó thì chị lại bàn sang phía người nhận. Họ cũng là những người như mình, có sĩ khí, có lòng tự ái, tư cách, và cũng có luôn lòng nhân từ vân vân, y như các em. Không may, nhà cửa tan nát, họ phải trở thành những người chờ đợi sự cứu trợ. Đó là nỗi đau lòng vô cùng của họ. Vì họ không hề muốn vậy. Nếu họ may mắn ở nơi yên ổn, thì chính họ cũng sẵn sàng đi cứu giúp người khác cơ mà. Nay cực chẳng đã phải thụ động nhận lãnh ơn huệ, họ tủi thân lắm. Cho nên các em phải thật tế nhị khi tiếp xúc với họ. Phải coi họ như là họ hàng bè bạn của mình. Tuyệt đối không được có cái thái độ đi bố thí. Bất cứ ai cũng đều có thể trở thành dân tị nạn, cho nên các em phải tôn trọng họ. Họ không muốn vậy. Mình chỉ được quyền coi thường những người ỷ lại, suốt đời cần sự thương hại của người khác, muốn sống đời tầm gửi cho khỏe tấm thân. Trái lại, những người tị nạn khác hẳn. Họ có thể là chú bác cô dì mình, bè bạn mình, có thể là chị Đỗ Phương Khanh, nếu chẳng may chị ở vùng có chiến tranh. Bổn phận chúng ta là phải giúp đỡ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn. Và họ cũng chỉ cần giúp đỡ cấp thời cho qua tai nạn, chứ họ cũng chẳng muốn kéo dài đời sống ở đấy để phiền tới những người khác em ạ. Vậy bây giờ xét lại, chị đoán rằng các em đã vô tình gây cho họ nỗi buồn tủi, và tự ái họ nổi lên (lại thêm mặc cảm rằng mình phải nhờ vả) họ trở nên chống đối. Khi đó, họ nghĩ, chẳng thà chết chứ không thèm nhờ vả.

Trong khi họ nghĩ thế, thì các em lại đang tức rằng họ bất lịch sự, không biết cám ơn các em. Hai bên vì không hiểu nhau thành ra gây mâu thuẫn lớn em ạ. Nếu quả vậy thì em đừng sợ nữa. Hãy làm lại. Đừng để cái cảm giác khớp ấy nó ám ảnh. Em hãy đi cứu trợ thêm một lần nữa. Lần này em ăn mặc rất giản dị, đưa tặng phẩm thật lễ phép, như khi ba má sai biếu quà bà con họ hàng. Nếu gặp con cái họ thì hỏi thăm mấy tuổi, cài dùm cúc áo, cười với các em bé vân... vân... nghĩa là cử chỉ y như đối với họ hàng của mình. Chị tin chắc rằng em sẽ gặp cách cư xử khác hẳn. Tuy rằng họ cần trợ giúp vật chất, nhưng dòng máu Việt Nam không hèn, đó là niềm hãnh diện của dân tộc ta, cho nên em nên thông cảm với sự nổi giận của họ, nếu họ cảm thấy bị sỉ nhục. Chị xin nhắc lại một lần nữa: chúng ta hãy cảm ơn Thượng Đế rằng may mắn thay chúng ta được ở vị trí của người đi tặng, và hãy coi sự đi tặng là một bổn phận của con người, đừng đòi hỏi sự cảm ơn của người được tặng, và nếu gặp sự lạnh nhạt hay chống đối thì hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của họ, gặp bao đau khổ dồn dập, tự nhiên tính tình sẽ bị xáo trộn mà trở thành gắt gỏng. Mình tới là để giúp họ đỡ khổ, đừng trả đũa lại để cho họ phải khổ hơn lên. Dù sao, Thượng Đế đã ưu đãi mình nên mình mới được ở vị trí kẻ đi tặng, đừng làm cho Thượng Đế buồn các em nhé.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH        

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 68, ra ngày 10-12-1972)

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022

Con Đường Tím Màu Hoa

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Con đường ngày xưa đi học
Có giàn hoa tím bâng khuâng 
Những trưa chờ nhau góc phố
Nghe lòng rộn rã lâng lâng

Con đường ngày xưa đến trường 
Từng vòng quay nắng tơ vương 
Dẫn lối khung trời hoa mộng
Tương lai trăm mến nghìn thương 

Con đường một thời hoa bướm 
Chỉ nghe chim hót ngân nga
Chỉ nghe cõi lòng mở hội
Và hồn vang khúc tình ca 

Con đường ngày xưa ai đứng
Chờ ai ánh mắt ngẩn ngơ
Con đường... vẫn con đường nhỏ
Nắng vờn tà áo ngây thơ 

Con đường ngày xa xăm ấy
Ngày xưa có kẻ đứng chờ
Con đường một thời thơ dại
Một trời hoa tím phai mờ

Đường đời trăm phương ngàn lối
Người xưa trên bước đường xa
Có hay lòng ai vẫn nhớ
Con đường tím một màu hoa...

                            Trần Thị Phương Lan 
                            (Bút nhóm Hoa Nắng)
 

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2022

Vườn Trẻ Trên Mặt Biển

 

Trên mặt đại dương người ta thường thấy một chiếc tầu nhỏ màu trắng, tầu sơn màu hồng có một lá cờ đầy hoa. Trên sườn tầu có viết mấy chữ : Vườn Trẻ. Đúng là tầu vườn trẻ dành cho con cái các thủy thủ. Tầu lênh đênh trên mặt biển, ánh sáng mặt trời chan hòa trên cầu tầu, các em bé đội mũ rơm, và cô giáo trông coi vườn trẻ đội một cái mũ Thiếu Tá Hải quân có thêu một cái mỏ neo bằng bạc. Tầu suốt ngày nghiêng bên nọ bên kia theo làn sóng, thỉnh thoảng lại nổi còi và các trẻ em cất tiếng hát rất hay. Chúng hát bài hát về câu cá: "Hỡi cá, cá hãy đớp mồi đi, mồi bằng bánh ngọt rất ngon đó". Đúng lúc đó có một con cá voi, nữ hoàng của các miền biển xuất hiện, mồm há ngoác ra to tướng. Cá voi hỏi mấy chú bé: "Các em làm gì trên mặt biển này"? "Thưa nữ hoàng, chúng em câu cá". "Thế cá câu rồi các em dùng làm gì"? "Thưa chúng em cho cá vào trong lọ" "Xong rồi làm gì nữa"? "Chúng em quan sát xem cá sống ra sao"? "Thế hả, xong rồi sao nữa"? "Sau khi quan sát xong chúng em lại thả cá xuống biển". Nhưng cá voi giận dữ: "Không phải thế đâu, các em nói dối, quan sát xong là các em ăn thịt cá mới đúng". Nhưng bọn trẻ nhao nhao phản đối: "Đâu có, chúng em đâu có ăn cá, chúng em chỉ ăn bánh ngọt, khoai chiên, uống sữa, và ăn súp thôi". Nhưng cá voi không tin: "Ta không tin chút nào, chắc chắn thế nào các em cũng ăn cá. Thôi được, nghe ta nói đây. Ta sẽ ra cho các em một câu đố, nếu không trả lời được, ta sẽ thổi cho các em bắn tít lên trời, xa tít mù tắp cho mà xem. Nào nghe đây: Cái gì sáng ra nằm trên đống rêu rồi nở to như một cái dù?" Bọn trẻ đồng thanh: "Thưa đó là cái nấm". Cá voi chau mày nói "Đúng rồi! Thế câu này thì sao? Con gì lúc nào cũng từ từ chậm chạp, đem cả căn nhà của mình trèo lên các cây và các hòn đá" "Thưa đó là con sên". Cá voi nhíu mày lần nữa: "Đúng rồi, nhưng phải quá tam ba bận chứ. Câu này mới thực khó: Con gì có hai con mắt dữ tợn, tám cái chân dài ngoằng nhưng lại không có tay hay cánh tay?" Bọn trẻ suy nghĩ mãi không ra: "Con kiến có sáu chân, con cá sấu có bốn chân, con rết có cả ngàn chân, con gà còn có hai chân, chả có con nào tám chân cả". Trong lúc đó cá voi khoái lắm, cười ha hả, tin rằng thế nào mình cũng thắng, ve vẩy đuôi ghê gớm lắm, làm cho nước dâng lên thực cao, cao ngất như những tòa nhà chọc trời, con tầu lung lay như sắp đắm. Bọn trẻ cố moi óc tìm câu trả lời nhưng chẳng ăn thua gì. Nhưng rồi đột nhiên cô giáo nói: "Mình không may mắn tí nào. Mình phải lập tức đi tìm một con nhện để nó giúp mình tìm ra câu trả lời mới được". Bọn trẻ há hốc mồm nhìn cô giáo, rồi bỗng cười phá lên vui vẻ: "Tìm ra rồi. Đó là con nhện". Nghe chúng nói, cá voi ta mặt trắng bệch, hùng hục lặn ngay xuống biển. Từ đó không còn ai thấy chị ta hiện lên mặt nước nữa.

Biển lập tức yên ngay, mặt trời lại hiện ra. Cô giáo lẫn học trò cười nói ồn ào vui vẻ vì đã thắng được cá voi.

Câu chuyện Vườn trẻ trên mặt biển đến đây chấm dứt.


NGUYỄN XUÂN HIẾU      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 19, ra ngày 19-12-1971)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>