Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Một Tấu Khúc Rộn Ràng

Tôi ngồi im trong một góc phòng, phải thế chứ, bởi vì tôi là kẻ tình nguyện vắng mặt mà. Nếu mà tôi không làm như vậy cũng chả ai thèm để ý đến tôi: đứa con nít mặt bấm ra sữa, mỗi tối tôi còn khoái măn vú mẹ. Nghĩa là tôi còn bé lắm, nhưng dù sao tôi cũng 16 tuổi rồi. Thế vẫn là còn bé. Mẹ tôi nói vậy. Và tôi nuốt cục tức xuống dạ dày, chui vào một góc ngồi như ma xó.

Có một con thằn lằn bò bò trước mặt. Tôi bỗng òa lên khóc mạnh mẽ, chẳng sợ nó cười. Ừa, phải khóc chứ. Thằn lằn, tao nói mày nghe nhé. Chị tao, không, cái con mẹ Đệ Nhất trong nhà tao, con mẹ hay đàn dương cầm đó, sắp đi du học rồi mày. Tao sẽ cô đơn như Django, còn ai cho tao gây lộn, còn ai cho tao dậm chân bắt nạt, và mày ạ, chả còn ai để tao được dỗ dành mỗi khi mẹ tao mắng tao là con quỉ cái. Buồn quá hả mày. Này, mày có... chị nào... đi du học không?

Tôi định hỏi tiếp thì thằn lằn quẫy đuôi bỏ đi. Tôi bực dọc, nắm cái gối quẳng xuống gầm giường cho... chuột gặm. Cái gối của chị Thục. Bả hết còn cần cái gối này rồi, bả sẽ ngủ chỗ khác, giường khác, gối khác. Đêm tôi sợ ma, nhưng bây giờ tôi cóc sợ nữa. Ma lè, ma lem, ma cụt gì cũng coi như pha. Phải thế chứ. Chị tao sắp đi rồi ma nhé, tao sẽ đánh nhau mí tụi mày, tao không cần sợ nữa, có chị tao, tao sợ để được chị ôm vào lòng, bây giờ, chị tao bỏ tao nằm ngủ chổng chơ thế này, tao cóc sợ ai. Biết chưa? Tôi bứt mấy sợi ren áo, rồi vùng vằng đứng lên. Căn phòng của chị em tôi hôm nay sao tối tăm mù mịt như đêm ba mươi. Sời ơi, chán phèo. Tôi nhìn bức ảnh bán thân của chị tôi mà... thèm khóc vô số kể. Chị tôi nhe răng cười trong ảnh mà tôi cứ tưởng chị đang chọc tức tôi. Và tôi khóc. Trời hình như cũng thông cảm nỗi khổ đau của tôi, nên làm mưa giăng mấy nẻo. Tôi tì tay lên thành cửa sổ. Mắt mũi tôi tèm lem hơn cả mấy bà già nữa. Buồn muốn chết. Còn thằng cha Thanh, thằng cha vô duyên như trái mít sống, viết thư miêu tả cảnh trời mây non nước bên Thụy Sĩ đủ thứ, nào hồ Liman, nào hồ Genève, nào công viên này, nào Château nọ, lại nói thêm không gian thơ mộng của đại học Berne, đại học Lausanne, quyến rũ chị Thục tôi. Hồi nào đến giờ chị đâu có ham đi du học. Tự nhiên lúc này chị đòi quá chừng, ba mẹ tôi thấy chị Thục học cũng giỏi, nên bằng lòng. Con gái đầu lòng, ai lại chả cưng. Chị Thục đòi gì được nấy từ khi còn bé đến giờ. Chuyện du học tốn tiền tốn của, xa chị xa em. Vậy mà ba mẹ tôi cũng bằng lòng, thỏa thuận. Một sự thỏa thuận vi hiến, bất hợp pháp. Trời ơi, phải chi tôi có quyền nhỉ? Con mẹ Thục tàn ác vô nhân thất đức. Tôi tố cáo chị Thục trước bầy em văn nghệ của chị, cho chị xem. Hùng này, Chiêu này, Sĩ này, Tuấn này, Thục Anh này, Thu Hoang này, mấy ông mấy bà có biết là chị Thục sắp lên con đường không gian để qua Thụy Sĩ không? Chị Thục coi thường mấy ông, mấy bà quá chừng. Có ai phản đối, có ai đả đảo hông. Riêng tôi, tôi cực lực lên án hành động phũ phàng, việc làm vô duyên của chị ấy. Tức quá. Tôi lại khóc. Mưa ngoài trời và mưa cả trong lòng nữa. Sao mà lạnh lẽo thế. Chị Thục ơi, chị Ngỗng Thục ơi, chị đừng bỏ em một mình, em sẽ buồn hiu đến chết, em chết rồi, em thành ma qua Thụy Sĩ bắt chị theo cho xem. Tôi quay lại nhìn tấm ảnh của chị, chị vẫn cười. Ừa, đi qua Thụy Sĩ với bồ mà. Khoái lắm. Tôi chụp tấm ảnh quăng xuống đất, xoảng, gương ảnh vỡ tan, chị cứ cười. Tôi ngồi xuống nhặt từng mảnh vỡ của gương mà tưởng chừng đó là mảnh vỡ của lòng mình. Nước mắt, nước mũi lòng thòng, tôi vừa nhặt gương, vừa khóc say mê. Chị đi du học là chị ném hồn em như vầy nè, hồn em vỡ ra hết rồi, ai nhặt lại chị ơi!

*

Đi qua nhà con bạn về, tôi bước thẳng vào nhà không thèm nhìn chị Thục lấy nửa cái, tôi bỏ dép ra, leo tuốt lên gác, nằm bẹp, như con sao biển lười lĩnh, trên giường. Chị đi Nha Trang về hôm qua, sáng này chả hiểu có gì xảy ra mà không khí có vẻ nghiêm trang nặng nề. Bà nội ngồi lẻm bẻm nhai trầu, mẹ thì chắc ở sau bếp rồi. Tôi khép mắt lại, quay vào tường, lại muốn khóc. Có tiếng động nhẹ ở cửa, tôi chẳng buồn quay ra. Bàn tay của chị Thục đặt lên người tôi, tôi biết chị Thục đang đứng ở cạnh giường. Bàn tay của chị lúc nào cũng dịu mát chứ không nong nóng như tay mẹ tôi. Tôi giận chị Thục mà.

- Gà Đoan, quay sang đây tao nói cái này.

- Hông. "Bà" đi ra đi. Tui hông thèm chơi với "bà".

- Gì vậy?

- Hổng có dì dượng gì hết. Đi đi.

- Giận tao hả?

- Ừa đó. Có sao hôn?

Chị Ngỗng Thục ngồi xuống giường, tôi nghe tiếng chị thút thít. Chị hay khóc lắm. Tôi muốn trở mặt ra nhìn nhưng tôi cũng... đang khóc. Chị Thục vén tóc mai của tôi:

- Hồi sáng ba la tao, đánh tao hai bạt tai.

Tôi ngạc nhiên và nghe đau buồn cho chị Thục. Từ hồi nào đến giờ, chị chẳng hề bị đòn, chị ngoan lắm lại mê học. Ba mẹ cưng chị như vàng. Hơn nữa chị Thục yếu tim. Ba mẹ không muốn chị Thục ngất đi vì sợ hãi. Ngày đó, tôi vì hay ghen, mẹ thương Ngỗng Thục nhiều, Gà Đoan ít, ba đưa Ngỗng Thục đi học, ba hông đưa rước Gà Đoan nên tôi nhát sâu chị Thục. Chị Thục xỉu thật lâu mới tỉnh lại. Tôi sợ quá và khóc um sùm. Bị đòn một trận nên thân. Bây giờ ba lại tát tai chị Thục. Sao chị không xỉu nhỉ! Chị Thục nói tiếp:

- Tao hổng đi du học nữa. Tao ở lại nhà.

Tôi rú lên mừng rỡ và bật dậy ôm ngay chị Thục:

- Chị ơi, thật hả, thật hả?

Chị Thục gật đầu. Tôi lau nước mắt trên đôi má chị:

- Như vậy rồi ba la chị phải hôn? Ba đánh chị phải hôn?

Chị Thục lại gật đầu. Tôi bưng mặt khóc kể:

- Trời ơi, em tưởng chị bỏ em cho ma nhát, chuột gặm, chị đi Nha Trang có một tuần mà em sợ muốn chết, nếu chị đi Thụy Sĩ chắc em không còn. Em tính nghỉ chơi chị ra hổng nhìn mặt chị nữa, em buồn ghê.

- Bác Duy giận tao, ba ghét tao.

- Kệ, lâu ngày rồi hết. Mà chị Thục nè, lũ em văn nghệ của chị có hay chuyện chị định đi du học không?

- Hay rồi.

- Tụi nó hay chị không thèm đi chưa?

- Chưa.

- Kệ tụi nó, chị đừng thèm cho tụi nó hay. Lũ em xạo, làm bộ của chị đó, tụi nó hổng thương chị đâu.

Tôi thấy chị Thục buồn buồn. Chị Thục thương bầy em văn nghệ của chị lắm, mới đây còn có một gia đình văn nghệ nữa. Chị Thục có vẻ băn khoăn. Tôi buộc tóc hộ chị:

- Chị nói chị đi du học chắc gì tụi nó tin, nay chị nói chị ở lại, tụi nó còn không tin thêm. Tụi nó hổng thương chị đâu mà ham. Có mình em với Thu Hoang là thương chị thôi.

- Sóc Tím nữa chi.

- Ừa, có ba đứa thương chị hà. Đừng thèm quen với ai nghe chị. Lũ em ở nhà cũng đủ rồi. Chị không đi du học, em mừng quá. Bên đây thiếu gì trường đại học, ghi tên vào học đại có sao. Có tú đôi là gồ rồi.

Chị Thục cười. Căn phòng nhỏ của chị em tôi, lại tươi sáng rạng rỡ. Tôi nhìn ảnh chị:

- Mai em đi thay gương cho chị nhé.

- Ừa. Mà Gà Đoan nè, tao sợ ba quá!

- Hông sao đâu, còn nội, còn má mà. Em nói với nội xin can cho.

- Ngày mai tao lên Bùi Chu, xin lỗi. Bác Duy lo cho tao đủ hết, tao lại dở chứng.

- Ừa, mai chị xin lỗi bác Duy, còn ba, để em.

Tôi đứng lên buông màn cửa sổ, che bớt nắng chiều đang soi vào gay gay khó chịu. Tôi lấy đàn guitare trong tủ ra, đàn nhẹ bản "Bông Hồng cài áo". Chị Thục nhìn tôi trìu mến. Dù mắt chị không bình thường, tôi vẫn nhìn ra ở đó, trong đôi mắt trong, có cả một lòng yêu rộng lớn. Chị Thục là con ốc muốn thu vào lòng cả đại dương. Có phải thế không?

Mấy con chuột, mấy con thằn lằn, mấy con ma, tôi lại bắt đầu sợ chúng. Chiều nay tôi dọn phòng sạch sẽ và bắt đầu những ngày tháng ngộ nghĩnh bên chị Thục, những tháng ngày có tiếng guitare, có thơ, có văn và bên bàn học lăn lóc mấy tờ nháp dơ dầy đầy mực mà đáng yêu. Chị Thục ở lại nhà, tim tôi bỗng ngân lên một điệu nhạc thật vui, thật rộn ràng. Tôi hết cô đơn vì từ nay, tôi vẫn còn chị Thục bên cạnh để... gây nhau, giận nhau và thương nhau. Chị em tôi vẫn thế, nên vắng mất một đứa buồn ghê rợn, buồn khủng khiếp, buồn thấy mồ đi lận. Chị Thục há.

- SAO MÂY HOÀNG THỊ -     

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 33, ra ngày 5-9-1972)

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

Danh Ngôn 226

 

 * Thượng đế ban sự tự do, loài người bày ra nô lệ.
M. J. CHENIEU.
 
* Tự do là quyền được làm tất cả những gì mà luật pháp cho phép.
MONTESQUIEU.
 
* Tự do còn có nghĩa là trách nhiệm, thế nên phần đông người ta sợ nó.
G. B. SHAW.
 
* Ánh sáng trên đôi mắt, không khí trong buồng phổi, tình yêu trong con tim và tự do trong linh hồn.
R. G. INGERSOLL.
 
* Tự do không phải là phóng túng, và trật tự không có nghĩa là thiếu tự do.
X.
 
* Tôi quá muốn người ta kính trọng sự tự do của tôi đến nỗi tôi quên kính trọng sự tự do của kẻ khác.
O. SALACAR.
 
* Coi chừng: những điều mà anh gọi là tự do người khác sẽ coi là sự phóng túng.
QUINTILIER.
 
* Tự do không phải xin mà được. Phải đánh mà lấy.
MONTALEMBERT.
 
* Không ai thích xiềng xích, dù nó bằng vàng.
J. HEYWOOD.
 
 (Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 226, ra ngày 1-9-1974)

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Cư Xử Độc Tài

 

Các em thân mến,
 
Chúng tôi xin nói chuyện với các em hôm nay về hành động làm cho người ta không ưa mình, hay nói đúng hơn làm cho người ta ghét mình, đó là cư xử độc tài.

Nhưng độc tài là gì? Đấy là hành động chuyên chế, giành tất cả quyền hành, quyền lợi cho mình hay cho nhóm mình.

Nói đến độc tài là chúng ta liên tưởng đến Tần Thủy Hoàng, nhà độc tài khét tiếng ở Trung hoa, hay hình ảnh nhà lãnh tụ Đức quốc xã Hitler, hay nhà lãnh tụ Ý Mussolini hồi đệ nhị thế chiến! Gần đây, chúng ta cũng thường nghe nói đến chế độ độc tài này hay chế độ độc tài nọ.

Còn cử chỉ độc tài là thế nào?

Ông Raymond de Saint Laurent đã giải thích như sau: "Đó là cử chỉ của những người không chịu chấp nhận những ý kiến người khác, muốn bắt người khác phải theo ý kiến và phương pháp của mình, không chịu một ý kiến nào trái ngược với mình, không chịu chấp nhận một sự gì đi ra ngoài những điều chỉ dẫn của mình, dù sự đi sai lạc này có thể đưa tới những kết quả tốt đẹp.

Những kẻ chuyên chế độc tài loại này chúng ta thường gặp rất nhiều, hàng vạn, hàng triệu người...

Đó là những kẻ cứng đầu cứng cổ không chịu cho bất cứ ai tỏ bày ý kiến trái ngược với ý kiến mình, không chịu theo bất cứ một lời khuyên của bất cứ ai."

Như vậy, khi nói đến độc tài, chúng ta không nên chỉ nghĩ đến những nhà chính trị, những chế độ chuyên chế, mà chúng ta nên để ý đến những người sống bên cạnh chúng ta và ngay cả chúng ta đã có biết bao hành động độc tài. Một khi chúng ta bắt ép em chúng ta ăn hủ tiếu khi nó thích ăn phở, chúng ta bắt ép nó mặc màu cam, khi nó thích màu xanh là chúng ta cư xử độc tài rồi.

Người ta ai cũng thích tự do. Nếu chúng ta bắt buộc người ta theo ý kiến của mình, tức là chúng ta xâm phạm đến tự so của người khác, chúng ta cư xử độc tài, chúng ta đã làm mất cảm tình rồi vậy.

Các em thân mến,

Các em nên nhớ chớ bao giờ xen vào cộng việc riêng của người khác, trừ phi người ta cần đến các em. Các em nên trọng tự do của mọi người và các em nên ghi vào lòng cư xử độc tài là hành động rất vụng về, làm mất lòng người.

Tránh không hành động, cư xử độc tài, các em gây được cảm tình của mọi người, nhờ đó các em đi đến thành công.
 

Thân mến                     
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG       


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 107, ra ngày 14-9-1973)
 

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Anh Hùng Áo Vải

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Anh hùng áo vải Lam Sơn
Mười năm kháng chiến chẳng sờn chí trai

Với bao thành tích liệt oai
Giặc Minh cố bắt nhưng hoài chẳng nên

Với bao tường giỏi không tên
Ngày đêm đánh phá lập nên cơ đồ

Lên ngôi dựng lại nghiệp đồ
Bao nhiêu cải cách ghi tô sử nhà

Toàn dân vui khúc hoan ca
Được vua tài đức nước nhà ấm no.

                                                   VY-TY

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 107, ra ngày 14-9-1973)

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

Lê Lai



 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Thân tùy tướng vốn anh tài
Phò vua chống giặc dạ chẳng lay
Tháng năm gian khổ bao quản ngại
Lê Lợi mến thương gọi : Lê Lai

Chí Linh nguy ngập, giặc bao vây
Lương thực cạn theo ngày qua ngày
Bình Định Vương hỏi ai cứu chúa
Lê Lai tình nguyện ra trận thay

Cầm binh thay chú khoác ngự bào
liều mình cầm cự giữa gươm đao
Bốn phía giặc Minh ùa xông đến
Bắt được giết đi đấng anh hào

Dẹp tan giặc xong Vương lên ngôi
Nhớ đến ơn xưa dạ bồi hồi
Truy phong chức tước và truyền lệnh
Phải nhớ Lê Lai trước giỗ người.

                                   TRẦN LINH NGA

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 57, ra ngày 24-9-1972) 

 

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

Mười Lăm Tuổi Của Ánh Tuyết

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
bé mười lăm tuổi dễ thương
như chim nhỏ đứng trong vườn ngẩn ngơ

tóc huyền bay những hương mơ
mùa thu dệt mấy đường tơ ngậm ngùi

tay nào giữ nụ cười vui
bé ơi là mộng giữa đời không hay

áo buồn sẽ kết bằng mây
mắt rưng ngấn lệ một ngày không dưng

im nghe tuổi đẹp vô cùng
như chim thương gió như rừng thương mây

bé mười lăm tuổi mưa bay
chim mười lăm mộng về xây tháp ngà

mai ngày tháng có đi qua
bé về nhớ tuổi sơn ca một thời

có lần áo lụa xa xôi
nụ cười bé giữ cho đời ngẩn ngơ

                                ĐỖ THỊ HỒNG LIÊN

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 226, ra ngày 1-9-1974)

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Thủ Khoa


Chiều nay trời thật u ám, gió thổi lồng lộng.

- Hồng ơi, về lẹ đi trời sắp mưa rồi Tôi nói.

- Làm gì hối dữ vậy, mưa thì trú sợ gì, mà Dung thích đi dưới mưa lắm mà Hồng diễu.

Tôi dậm chân nhõng nhẽo:

- Thôi đi! Đi dưới mưa thì thích, nhưng mà Dung hỏng muốn làm chuột bi giờ.

- Vậy thì kêu "thủ khoa" đưa về.

- Mà Hồng nè, sao cả tuần nay mình hỏng gặp "thủ khoa" nữa hé.

- Ừa...

Tôi tiếp:

- "Thủ khoa" có đôi mắt giống Dung ghê, to nè, lông mi dài, mà lại hai mí nữa, "thủ khoa" diện đúng mốt giống anh Dung ghê, mặc kí gì cũng đồng mầu, mà "thủ khoa" ưa bận đồ nâu đi xe "mini" trắng... phải không Hồng? Đẹp ghê hé?

Hồng quay ngang nhìn tôi nheo mắt:

- Chức "thủ khoa" cho anh chàng đó mà do Dung chấm thì chê vào đâu được nữa.

Tôi mắc cỡ trêu lại: 
 
- Mà "thủ khoa" với anh Dung ai hơn ai?

Hồng cười:

- Thì... mỗi người mỗi vẻ, mười phương vẹn mười.

- Mà Hồng! Dung có linh tính báo cho rằng nhà "thủ khoa" chắc cũng ở gần đây, vì Hồng nhớ không, lúc nào minh đi gần tới đây thì gặp liền.

- Ừa... Hồng cũng hông để ý nữa.

Bỗng mưa ào xuống.

- Chết rồi Hồng ơi, mau chạy lại ngôi nhà có cửa xanh đi, đây chẳng có chỗ trú gì hết.

Trời mỗi lúc một mưa lớn.

- Dung ơi làm sao mà về.

- Dung cũng không biết nữa tôi đùa Dung vái trời cho "thủ khoa" mí lại anh Phương đến đón về.

Hồng đập vai tôi:

- Lại vớ vẩn, sao mà họ biết được.

Bỗng nhiên cánh cửa sắt kéo ra. Tôi giật mình quay lại:

- Í, "thủ khoa" Hồng ơi Tôi buột miệng.

- Ừ.

Hai chúng tôi đều gật đầu chào:

- Anh ạ!

Thủ khoa cười:

- Hai cô bé vào nhà chơi, đứng đó ướt hết.

Tôi đẩy Hồng vào trước.

- Anh ngồi đây đọc sách mà nghe hai cô bé nói tên "Thủ khoa" hoài, người ấy là ai vậy?

Tôi thẹn thùng:

- Hồng nói dùm đi.

- Dạ, đó là biệt hiệu của Dung đặt cho... anh là người có đôi mắt đẹp nhất và giống như anh Phương của Dung vậy đó.

Thủ khoa ngạc nhiên chỉ tôi hỏi Hồng:

- Vậy có phải đây là em của anh Trần Phương tên Diễm Dung phải không?

Tới phiên tôi ngạc nhiên:

- Tại sao anh biết tên Dung? À... phải anh là Lê Ngọc hay Hoàng Thảo trong bộ ba Phương Ngọc Thảo bạn anh Phương không?

- Cô bé đoán hay thiệt, anh là Thảo chứ không phải Ngọc Thảo khen  Phương nói thật đúng. Diễm Dung có đôi mắt đẹp dáng xinh ghê.

- Tôi đứng dậy nói lảng:

- Thôi Dung về.

Thảo tiếp:

- Để anh đưa hai cố bé về cho.

- Thôi. Ba Hồng kìa  Hồng la lên  Ba ơi... Ba.

Ba Hồng quay xe lại:

- Lên xe ba chở về, còn bạn con thì sao?

Hồng cười nheo nheo mắt:

- Có "anh họ" nó đưa về rồi ba.

Tôi đứng nhìn theo Hồng vẫy vẫy tay.

Tiếng Thảo đột ngột vang lên:

- Về chứ cô bé.

Tôi quay lại, bẽn lẽn:

- Dạ.

Trên đường về tôi vừa sung sướng vừa hồi hộp. Tôi nghe anh hỏi gì loáng thoáng không rõ, tôi cúi xuống giấu nụ cười thẹn thùng.

- Tới nhà rồi đấy cô bé ơi.

Tôi giật mình đứng xuống tự nhủ: sao mà bữa nay đường ngắn thế, và lí nhí nói:

- Cảm ơn anh Thảo nhiều.

Thảo cười nhìn tôi trìu mến:

- Diễm Dung nói dùm Phương rằng cả tuần nay anh không lại được vì mắc học thi y khoa năm thứ hai nhé.

- Vậy là anh hơn anh Phương một năm.

- Ừ, thôi anh về, chúc cô bé ngủ ngon.

Tôi với tay nhận chuông, đứng nhìn chiếc xe mi ni trắng mờ dần trong bóng tối.

Tiêng chân mẹ tôi ra mở cửa và hỏi tôi:

- Sao về trễ thế con, ai đưa về vậy, sao không mời người ta vào chơi?

- Dạ, anh Thảo đó mẹ, ảnh về rồi.

Tiếng chân anh tôi chạy xuống nhà, anh vừa cười vừa la lên:

- Mẹ ơi! Con đứng trên "balcon" thấy "cô cậu" từ giã nhau, lại còn "bonne nuit" nữa.

Tôi dậm chân la lên hăm dọa:

- Anh chọc em thì em sẽ hỏng thèm đưa thư của chị Hồng dùm cho nữa đâu.

- Thôi anh xin lỗi đó, làm ơn rồi mai mốt "người ta" thưởng cho.

Tôi mỉm cười đắc thắng nhưng thấy anh cũng tội nghiệp nên thôi phá, sao bữa nay tôi bao dung quá.

Tiếng đồng hồ gõ mười hai lần, tôi vẫn còn tỉnh táo, tôi nhớ lại hết cảnh gặp gỡ ban chiều... vậy là tôi đã biết được thủ khoa và hình như người ấy cũng để ý đến tôi, tôi mỉm cười sung sướng, ngây ngất như vừa uống xong một hớp rượu ; tôi thiếp dần vào giấc ngủ đầy mộng mị yêu thương...


HOÀI CỐ NHÂN     

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 32, ra ngày 22-8-1972)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>