Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Tầm Quan Trọng Của Giáo Dục

 

Các em thân mến,

Những ngày nghỉ hè trôi qua rất mau.

Giờ đây, các em trở lại trường, làm bạn với sách vở.

Tương lai nước Việt Nam của chúng ta nằm trong tay của các em, những học sinh bé nhỏ hôm nay.

Các em hãy hãnh diện ở vai trò quan trọng của các em trong việc xây dựng xứ sở của chúng ta sau này.

Thật thế, các em là những công dân ở ngày mai.

Hôm nay, các em chịu khó học hành, trau giồi đức hạnh, các em sẽ trở nên những công dân tốt, đầy đủ khả năng, phục vụ đắc lực cho quê hương, tổ quốc chúng ta.

Vấn đề giáo dục thật là quan trọng. Hai nước Đức và Nhật bại trận và bị tàn phá sau thế chiến thứ 2, nhờ giáo dục lớp thanh thiếu niên, dân họ có một nền giáo dục căn bản khá cao, đã tái thiết mau lẹ và trở nên hai cường quốc kinh tế trên thế giới.

Vì ý thức được tầm quan trọng của sự giáo dục, nhiều quốc gia trên thế giới chú tâm vào việc phát triển giáo dục.

Miền Nam Việt Nam mình, với dân số 17 triệu, nhưng chỉ có 56 ngàn em được lên Đại học (theo thống kê năm 1971) trong khi ở Do Thái, dân số chưa đầy 3 triệu, đã có đến 45 ngàn sinh viên, cũng như ở Đài Loan, với dân số 14 triệu, số sinh viên Đại học lên trên 160 ngàn.

Ở Việt Nam, số người đi học chỉ có 17% trong lúc ở Do Thái, tỷ lệ lên trên 28%, số học sinh Việt Nam từ tiểu học lên trung học chỉ có 30% trong khi Nhật Bản có 93%.

Vì vậy, chúng ta không lấy làm lạ tại sao ở Việt Nam, mỗi mẫu trồng lúa, chúng ta chỉ thâu được có 2 tấn rưỡi, trong khi đó tại Đài Loan, 4 tấn rưỡi, Nhật Bản 5 tấn rưỡi, Úc Đại Lợi gần 7 tấn.

Cũng vì thiếu học vấn và huấn luyện, chúng ta thu hoạch rất kém cỏi trong việc trồng các hoa mầu khác, mặc dù người dân Việt Nam, rất cần cù và khéo léo, như mỗi mẫu mía chúng ta chỉ thu được 60 tấn trong khi ở Hạ Uy Di trên 220 tấn, khoai mì ta 12 tấn, Mỹ 28 tấn, đậu phọng ta 2 tấn, Do Thái 3 tấn 3, bông cải ta 20 tấn, Bỉ 79 tấn.

Sự thu hoạch được kết quả khả quan ở các nước kể trên một phần cũng do đất đai phì nhiêu thích hợp, nhưng phần lớn nhờ sự trồng tỉa theo đúng phương pháp khoa học.

Các em có thấy chưa sự học của các em quan trọng đến thế nào vào sự sống còn của nước Việt Nam chúng ta. Xứ sở chúng ta ngày mai giàu mạnh phần lớn nhờ sự học vấn của các em ngày hôm nay.

Ngay từ bây giờ, các em nên cố gắng học hành, việc siêng năng học tập cũng là một hành động yêu nước. Các em càng học được nhiều các em càng có thể giúp ích xứ sở đắc lực hơn.

Trong khi học hành, các em cũng nên nghĩ đến sức khỏe của các em nữa. Các em nên năng luyện tập thể dục. Người công dân khỏe mạnh có nhiều khả năng bảo vệ và giúp ích tổ quốc. Người dân bịnh hoạn là gánh nặng cho quốc gia.

Nhưng "học vấn mà không lương tâm chỉ làm hủy hoại tâm hồn". Ngoài việc nghĩ đến trí khôn và sức khỏe, các em cần phải trau giồi về đức dục. Người có trí óc thông minh, thân hình khỏe mạnh, nhưng không có tâm hồn, ý chí, không được ngay thẳng, chẳng những không giúp ích được gì cho xứ sở, nhiều khi còn làm cho quê hương khổ sở, điêu linh.

Các em thân mến, ngay từ đầu niên học, các em nên cố gắng học hành, tập luyện thể dục, trau giồi nhân cách. Hiện nay, các em là những học sinh gương mẫu, ngày mai các em trở thành những công dân tốt, góp phần vào việc xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh.

Tổ quốc đang trông đợi ở các em.


Thân mến chào các em            
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG      
 
( Trích tuần báo Thiếu Nhi số 55, ra ngày 10-9-1972)

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023

Mẹ Hiền Xưa



 

 

 

 

 

 

Ôi bóng thiên đường, ôi bóng râm!
Trưa hè che nắng rợp tuổi hồng
Con đường quê dịu hai hàng trúc
Mẹ gánh, mẹ gồng - con lớn khôn

À ơi! Vần điệu ca dao ngọt
Con uống tình thương của mẹ hiền
Chiều chiều ao nhỏ, cơn nước lớn
Lục bình sắc tím, trôi bấp bênh

Như mẹ khô cằn, vai gánh nặng
Như con tuổi nhỏ học trường làng
Cành hoa bí đượm hương đồng nội
Con thương, thương lắm - sắc hoa vàng

Nhà nghèo, hai buổi ra ao nhỏ
Rau muống quen tay bó gọn gàng
Mẹ nhìn con gái đang tập sống
Đời cô thôn nữ, lệ rơi tràn

Rồi cũng qua hơn mười năm nhọc
Nhưng rất yên bình dưới mái tranh
Một hôm lá rụng - mùa nhập học
Con ra thành phố, xa quê mình

Ngày đi trên chuyến xe đò ấy
Chất ngất niềm thương, kỷ niệm hồng
Con cầm khăn trắng đưa tay vẫy
Mắt mẹ nhạt nhòa - thôi cũng xong

Từ đó con quen đời nội trú
Nhớ về quê cũ để mà mơ 
Một ngày, con bỏ rau muống bó
Cạnh người tần tảo - mẹ hiền xưa

                          TH. NGUYỆT THI (Đà Nẵng)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 104, ra ngày 24-8-1973)


Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

Tình Cao Cả

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Con lớn lên bằng dòng sữa ngọt
Được dỗ dành bằng tiếng à ơi
Được dạy khuyên bằng biết bao lời
Lời tha thiết và lời thương yêu quý giá

Tình thương ấy thật là cao cả
Sánh làm sao với Thái Bình Dương
So làm sao với nước trong nguồn
Núi Thái Sơn ấy vẫn chưa xứng được

Trong biết bao năm dài xuôi ngược
Cha mẹ tảo tần gầy dựng cho con
Đâu quản chi thân xác mỏi mòn
Hy sinh tất cả để con nên hình vóc

Sợ thua người mẹ cho con đi học
Con đến trường bằng chiếc áo trắng tinh
Áo mới may mẹ ấp ủ thâm tình
Mỉm cười khi nhìn con sung sướng

Từng đêm dài con hằng mơ tưởng
Tự bảo lòng hãy gắng học chăm
Hãy dệt tương lai tươi sáng như trăng rằm
Để đem nguồn vui về cho cha mẹ

Để tuổi già mẹ cha vui vẻ
Sung sướng nhiều, mãn nguyện vì con.

                                             NGUYÊN LINH
                                       (bn. Chim Xanh Chợ Lách)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 103, ra ngày 17-8-1973)


Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2023

Một Huyền Thoại Rực Rỡ Cho Cánh Hoa Mimosa

 

Ngày xưa có một ông hoàng rất hãnh diện về khu vườn của ông ta. Ông cho trồng những loài hoa đẹp nhất và những loài cây quý nhất. Riêng chỉ có một cây chẳng lấy gì làm đẹp, chẳng có gì là quý mà cũng chẳng có hoa. Đó là cây Mimosa. Vì hồi đó loài Mimosa không có hoa. Nó thường đứng soi mình trong bóng nước bên hồ than thở: "Than ôi! Số ta sắp gần đất xa trời! Chẳng bao lâu nữa lão làm vườn sẽ chặt bỏ ta đi vì hình hài ta không tương xứng trong khu vườn tráng lệ này".

Sát bên cây Mimosa là một chiếc lồng chim lớn vô cùng. Ngoài những loài hoa thơm cỏ lạ trong vườn, chiếc lồng chim này cũng là một điều kiêu hãnh lớn thứ hai của ông Hoàng. Trong lồng chứa đủ loại hoàng yến, chúng được săn sóc như những ông vua con. Nan lồng bằng vàng, những hồ tắm bằng pha lê và những máng ăn bằng bạc chạm trổ. Chúng được ăn những loại hạt thật ngon, thật quý. Người làm vườn đem cho chúng những cây rau sà-lách tươi ngon nhất. Vậy mà những con chim yến quá sung sướng này lại còn than vãn ; không bằng lòng với số phận sung sướng của chúng. Cây Mimosa thường nghe chúng than thở với nhau: "Chim lồng cá chậu có gì là sướng! Ước gì chúng mình được tự do bay bổng trong khu vườn thần tiên này như các đồng loại khác, và ăn tất cả những hoa trái trong vườn có phải sướng hơn là ăn mãi những cái hạt vô vị này không?"

"Thôi mà! Các chú chim con ơi, đừng than thế nữa: các chú có đầy đủ để sung sướng! Hãy nghĩ đến những sự nguy hiểm ngày đêm chờ đợi các chú ở bên ngoài chiếc lồng này. Có gì sung sướng khi phải vất vả kiếm ăn mỗi ngày... ngày thì làm mồi cho chim ó, đêm về thì khiếp đảm bởi những tiếng kêu của mấy con chim cú?..."

Nhưng những con yến khờ khạo coi thường lời khuyên của cây Mimosa và trả lời một cách hỗn xược:
 
"Chúng tôi chấp nhận tất cả miễn là được tự do." Hoặc chúng quay ra bảo nhau: "Cái ông hay lên mặt thầy đời!"

Một hôm có một chiếc nan lồng bị gãy. Sự tự do đã đến với chúng. Và, lần lượt từng con, chẳng thèm đếm xỉa đến lời khuyên của cây Mimosa, chúng lách mình qua chiếc nan gãy tung mình vào khu vườn bát ngát.

Hôm đó là một buổi sáng trời đẹp và mát. Mặt trời vừa mọc ném xuống cảnh vật những ánh nắng đầu Xuân ấm áp. Một cơn gió nhẹ mơn trớn các bông hồng tươi thắm dọc các lối đi. Những con chim yến, say sưa vui đùa trong nắng ấm, líu lo, bay lượn từ cây này sang cây khác. Rồi, vì tò mò, và thích phiêu lưu, mỗ lúc chúng càng bay xa hơn cà sau cùng ra khỏi khu vườn đến chân một quả núi thật cao. Trên đỉnh núi chói lòa ánh sáng, và những con chim yến muốn lên trên đó xem có gì.

"Những chú bé khờ khạo kia! Hãy mau trở về" Tiếng nói phát ra từ một con suối. "Các chú không biết là trên đó lạnh lắm sao? Và nơi đó là lãnh thổ của một con ó hung dữ. Các chú sẽ là mồi ngon cho nó".

Nhưng, những con chim nhỏ một lần nữa lại không chịu nghe lời, mà còn nói "Ai mà lảm nhảm hoài?" khiến con suối tức giận không thèm nói nữa.

Chúng bay lên cao nhưng chẳng được bao lâu chúng phải ngừng lại, rất mệt. Rồi chúng bị lạnh, để sưởi ấm chúng đứng tụm lại trên cùng một tảng đá có nắng, tạo thành một mảng vàng lớn. Nhưng cái mảng vàng không phải là một hình ảnh quen thuộc của ngọn núi đã làm cho con ó hung ác chú ý. Nó từ trên cao sà xuống:

"Ủa, hình như mấy chú gà con? Ha, chúng sẽ là một bữa ăn ngon cho gia đình ta"...

Nhưng thác nước ở trên đỉnh núi nghe thấy hết vội bảo cho các chú chim yến: "Các chú chim con hãy coi chừng, con ó đã thấy các chú rồi, nó sẽ bắt vài chú về ăn thịt."Những con chim yến ngẩng đầu lên và thấy một bóng đen thật to đang sà xuống. Lần này chúng sợ thật, quá sợ, và chúng ráng hết sức bay thật mau. Chim ó đâm bổ xuống chúng. Chúng ráng bay mau hơn. Tim chúng đập mạnh đến nỗi chúng thở không nổi. Một đám mây trắng bay qua che những con chim nhỏ được một lát, nhưng rồi chim ó cũng tìm ra được và rồi cuộc đuổi bắt lại tiếp tục. Cuối cùng, khi chúng tưởng sắp mất mạng thì chúng cũng vừa bay được vào khu vườn. Nhưng, trong lúc quá hoảng sợ, chúng quên mất chỗ nan lồng gãy mà chúng đã chui ra hồi sáng.

Chúng van xin những cây trong vườn: "Chị hồng ơi! Che chúng em đi!" Nhưng cụm hồng từ chối: "Trời ơi, màu vàng không hợp với màu đỏ" Chúng quay sang cây phượng: "Bác phượng ơi! Cho chúng cháu núp nhờ trong các hốc ở thân bác đi." Cây phượng lạnh lùng: "Tại sao tôi lại phải che chở mấy chú? Đồ ngu! Ai bảo không chịu ở trong lồng. Nếu chim ó thấy mấy chú ở cành tôi, nó sẽ nổi giận và dùng móng cào rách thân tôi, như thế tôi còn gì là đẹp nữa!"

Những con chim yến nhìn nhau thất vọng, nhưng bỗng nhiên có một tiếng nói dịu dàng vang lại từ cây Mimosa: "Hãy lại đây, các chú bạn bé nhỏ của tôi, thu người cho nhỏ lại, tôi xấu thế này sẽ không còn xấu hơn được nữa. Nếu con ó thấy chúng ta, thì tôi sẵn sàng chịu chung số phận với các chú". Những con chim run rẩy vì sợ hãi và hy vọng, rúc đầu dưới cánh và đứng bất động trên cây Mimosa. Chim ó bay lượn trên khu vườn, cặp mắt soi mói tìm tòi đàn chim yến. Nó không thấy những con chim yến đâu nữa. Nó chỉ quen với màu trong xanh của da trời, màu trắng toát của tuyết lạnh, nên đã bị lóa mắt vì các màu sắc rực rỡ của hoa lá trong vườn. Nó không phân biệt được đâu là hoa đâu là chim trong khu vườn muôn màu đó. Tức tối, nó bay bổng lên cao và hét lớn: "Được lắm! Ta sẽ kiếm ra bọn mi! Lát nữa ta sẽ trở lại".


Suốt ngày hôm đó, đàn chim nhỏ không dám nhúc nhích. Nhờ chúng đậu trên cành, cây Mimosa trông rất đẹp như đang trổ đầy hoa. Những người dân quê qua lại ngang khu vườn đều ngạc nhiên trầm trồ:

"Bạn có thấy cái cây bé nhỏ này không? Nó trổ đầy hoa, chắc nó là một cây quý lắm của ông Hoàng." Những người dân quê đều đem câu chuyện cây Mimosa trổ đầy bông kể lại cho chị làm bếp trong lâu đài, và rồi tin đồn đến tai ông Hoàng. Ông bèn ra cửa sổ đứng ngắm.

"Tuyệt!" Ông Hoàng nói, "Người làm vườn của ta đã trồng được một loài cây quý, không biết nó là loại cây gì!" Và cây Mimosa nhỏ bé mà từ xưa đến nay chẳng ai thèm ngó đến cảm thấy sung sướng vô cùng.

Rồi chiều đến, nhờ bóng tối của những cây cao, những con chim yến, mặc dầu hổ thẹn nhưng sung sướng, lần lượt chịu về lồng. Cây Mimosa lại trở nên trơ trọi nhưng khi nghĩ đến nó đã cứu được những chú bạn nhỏ thì nó chỉ cảm thấy thoáng buồn. Nhưng Tạo Hóa đã thương cây Mimosa tốt bụng nên đã ban cho nó những cánh hoa rực rỡ như những bộ lông chim yến.

Từ đó về sau mỗi khi Xuân đến cây Mimosa lại nở những bông hoa tròn vàng rực rỡ và mềm mại. Ai thấy cũng phải tấm tắc ngợi khen.


SCARLETT                
NGÔ BÁ CƯỜNG (phỏng dịch) 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 102, ra ngày 10-8-1973)

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2023

Làm Vui Lòng Người Là Một Nghệ Thuật Tế Nhị

  

Cách đây mấy năm, đi du lịch xứ Ecosse bằng xe ca, tôi ngồi bên cạnh một bà cao mà gầy, làm chủ một trại ruộng.

Bà ta bảo tôi:

- Bà là người Mỹ, giữa mùa đông này mà qua đây du lịch miền Bắc làm chi! Thời tiết trên đó lúc này xấu lắm.

Tôi đáp rằng tôi không ngại các cơn dông tố, và tôi đương thu thập tài liệu để viết một tiểu thuyết lịch sử, nên muốn được hỏi chuyện các người nhà quê còn thuộc các truyền kỳ, các phong tục trong miền gần như bốn thế kỷ nay vẫn chưa thay đổi.

Bà ta mời tôi tối đó nghỉ ở nhà bà:

- Nhà chúng tôi không rộng rãi nhưng ấm áp. Với lại có bà tới cũng vui nhà, vì những khi nhà tôi đi vắng, tôi sống một mình lẻ loi lắm.

Khi tới ngôi nhà nhỏ bằng đá của bà ở sườn một ngọn đồi trống gió thì mưa đổ xuống tầm tã.

Một đoàn chó bẹc giê ùa ra sủa mừng chúng tôi. Tôi vô một phòng khách nhỏ bày biện sơ sài nhưng rất sạch sẽ.

Bỗng mấy ngọn đèn nháy nháy rồi tắt. Bà chủ nhà thở dài:

- Tắt điện rồi.

Bà vừa mới đốt mấy ngọn đèn cầy và đương nhúm lửa trong lò sưởi thì có tiếng gõ cửa.

Bà ra mở cửa cho một em trai vô, lột cái áo ngoài và cái mũ nâu ướt đẫm cho em. Em lại gần lò sưởi và dưới ngọn lửa, tôi thấy em trạc mười hai tuổi mà tật nguyền. Nghỉ một chút cho hết hổn hển rồi em mới nói:

- Ba con muốn kêu điện thoại hỏi bác, nhưng tắt điện. Con qua xem bên bác có sao không.

- Không sao cả, cảm ơn cháu John.

Và bà Mc Intosh giới thiệu chúng tôi. Một cuồng phong rít lên, các cánh cửa lá sách đập rầm rầm. 
 
Tôi nói:

- Tôi thích những cơn dông tố gầm lên như vậy, những lúc này mà thấy ngọn lửa sáng rực trong lò thì thú tuyệt.

Em John hỏi :

- Bà không sợ sao?

Tôi sắp đáp "không" thì bà chủ nhà - coi bộ mạnh dạn lắm, không biết sợ là gì - vội đáp một câu mà em trai nào cũng thèm được nghe:

- Sợ chứ cháu. Nhưng bây giờ đã có đàn ông trong nhà rồi, cũng vững bụng.

Mọi người làm thinh một chút. Rồi em John nói:

- Cháu đi coi xem các cửa đã đóng kỹ chưa.

Rồi em khập khiễng bước ra ngoài, vẻ trịnh trọng lắm.

Câu chuyện đó làm cho tôi cảm động, mấy tuần sau vẫn ám ảnh tôi hoài. Tại sao mình không nghĩ ra được như bà Mc Intosh một câu đáp tài tình, khéo léo và âu yếm để trả lời câu hỏi của em đó nhỉ? Trong đời mình đã biết bao lần rồi, vì tính ích kỷ mà mình không nhận ra được nhu cầu của người khác?

Có lẽ con tim mình đã thiêm thiếp ngủ từ lâu rồi chăng? Nhưng lần này thì nó đã tỉnh dậy và quyết kéo lại thời gian đã mất, mà cũng tò mò muốn biết nữa. Do phép mầu nào mà bà Mc Intosh đã làm cho em trai tật nguyền đó thành một nam nhi tự tín? Lòng tốt của bà là do bản năng hay là do cố ý? Do lòng trắc ẩn hay do tính tế nhị, hay là do cả hai? Tôi nhớ lại một triết gia bạn thân của tôi gọi thứ nhân từ đó là "sự tế nhị của lòng".

Ôn lại dĩ vãng tôi thấy chính tôi cũng đã mấy lần được những người có tính thiên phú đó giúp đỡ, đã mấy lần cảm động vì một câu hoặc một cử chỉ khoan nhân. Thân mẫu tôi đã bao nhiêu lần hành động như vậy khi tôi còn nhỏ và có nhiều nhược điểm; chỉ một cử chỉ tế nhị của người mà tôi hiểu được ý nghĩa quí báu của phẩm cách con người!

Hôm đó - hồi tôi bảy tuổi - người sửa soạn để đãi bạn bè một tiệc trà long trọng. Tôi muốn giúp người, hái một bó bồ công anh (pissenlit) để tặng người. Nhiều bà mẹ trong trường hợp đó thốt một lời cám ơn xong rồi liệng mấy cành xấu xí đó vào một bình sữa cũ, đem hết thảy xuống bếp. Má tôi thì không, đem chúng vào bình bông đẹp nhất, đặt lên nắp bàn piano, giữa hai chân đèn lớn. Và người rất hồn nhiên giảng cho các bà bạn rằng đó là bó hoa của cháu Betty đấy". Bây giờ đây, trong các cuộc hội họp sang trọng tôi không thể nhìn một bình bông nào mà không nhớ niềm hãnh diện của tôi hồi đó khi thấy bó bồ công anh của mình được quí hơn một bó hồng.

Con người tế nhị trước hết hiểu thấu tình cảm của người. Hồi còn nhỏ tôi được anh tôi dạy cho tôi điều đó trong một buổi dạ hội có khiêu vũ. Một thiếu nữ nọ e lệ, xấu xí đứng trơ trơ một mình trong một góc, không ai mời vũ. Anh tôi thấy vậy, cảm động lại mời cô ta vũ và một phép mầu đã xảy ra. Cô ta vui vẻ hóa ra tươi tỉnh gần như đẹp nữa. Một cậu khác cũng lại xin vũ và rốt cuộc cô ta vũ gần hết buổi tối đó.

Thái độ phong nhã đó làm cho loài người thân mật với nhau, nó có thể làm cho cuộc đời hôn nhân sáng rực lại. Một bà bạn tôi kể chuyện rằng năm bà bốn mươi tuổi, bà rất chán nản như nhiều người đàn bà khác. Bà biết rằng còn sống được nhiều năm sung sướng, phong phú nữa chứ, nhưng thời đại chúng ta coi trọng tuổi trẻ quá đỗi, thành thử bà hoang mang, không nhận định được đúng nữa. Trong bữa điểm tâm hôm đó bà ráng không tỏ vẻ u sầu, nhưng khi ông chồng đi khỏi rồi, bà khóc. Bà tưởng tượng mớ tóc bạc, những nét nhăn trên mặt, rồi phải chiến đấu để giữ thân hình được mảnh mai. Khi ông chồng về, bà bình tĩnh lại được một chút, nhưng vẫn rầu rĩ.

Ăn tối xong ông bảo bà:

- Mình lại coi quà của mình nè.

Cặp đó thường tặng nhau những món thực dụng, và bà đoán rằng chồng đã đem lén về nhà một máy hút bụi trong nhà đương cần dùng. Bà ngạc nhiên làm sao thấy món quà là một đôi hài đính ngọc, và một chiếc áo dài bận trong nhà rất đẹp.

Bà ta kể tiếp:

- Nhà tôi không giảng tại sao lại lựa những món đó. Chẳng cần giảng tôi cũng hiểu rằng nhà tôi muốn bảo tôi: "Mình còn đẹp tuyệt trần". Và cái điểm hay nhất của câu chuyện là từ đó tôi bắt đầu tin rằng tôi đẹp tuyệt trần.

Một tâm hồn tế nhị thì luôn luôn tìm được cách biểu lộ. Tôi nhớ một em trai cô độc, mê đồ chơi của em lắm, một con "gấu gấu" đã xấu xí lại chột. Người ta đưa em vô bệnh viện để cắt những bạch hầu long (amygdale) và khi viên y sĩ giải phẫu vô thì em ôm chặt con gấu vào lòng. Cô y tá đưa tay ra tính giật con gấu. Nhưng y sĩ giọng rất nghiêm trang, bảo:

- Cứ để con gấu đó, cũng chữa bệnh cho nó nữa.

Khi em tỉnh dậy thì con gấu nằm ở trên một cái gối, con mắt chột được băng rất khéo.

Không thiếu gì cơ hội để tỏ lòng tế nhị của ta. Một hôm tôi đi chợ với một bà bạn. Bà để ý tới một em trai tám tuổi giúp cha bán rong các hoa quả, rau đậu. Em hãnh diện lắm, bán một chiếc cải hoa cho một bà nọ, đợi bà này trả tiền, nhưng bà không để ý tới em, chìa tiền cho người cha và em tiu nghỉu. Bà bạn tôi nghĩ bụng: "Phải làm cho em nhỏ này vui lên mới được". Bà gọi em, lựa mấy quả cà chua, mấy cây hẹ, bỏ vào giỏ, và mặc dầu có tiền lẻ chứ, bà vẫn chìa tấm giấy bạc cho em thối. Em suy nghĩ một chút, tính nhẩm rồi mặt tươi tỉnh hẳn ra, thối đúng tiền cho bà. Bà đáp:

- Cảm ơn cháu, tôi tính không nhanh bằng cháu được đâu.

Em ngó ba em, bảo:

- Có gì đâu ạ.

Sự thực thì em mừng rỡ lắm. Và bỗng cả bốn chúng tôi đều mỉm cười, vui vẻ vì thái độ tế nhị của bà bạn tôi.

Ông bạn triết gia của tôi bảo:

- Một người tế nhị thì biết trọng và làm phát triển nhân phẩm, cá nhân của người khác. Buổi tối, ở sở về, bạn thấy con bạn chạy ra đón, hăng hái kho
e: ba biết có gì xảy ra ở đại lộ không?" thì dù biết, bạn cũng nên nói là không biết, để cho nó được cái vui kể chuyện cho bạn nghe. Nếu trái lại, bạn đáp: "Biết chứ, ba biết từ một giờ trước kia lận", thì là bạn chỉ nghĩ tới bạn thôi đấy.

Ở đời nhiều người có một tình thương rất tự nhiên, bất giác, chỉ đợi cơ hội mà biểu lộ ra. Chúng ta chỉ tế nhị chú ý tới những người đó một chút là làm cho tình thương tiềm ẩn, bị giam cầm trong lòng họ bộc phát ra liền.

Elizabeth Byrd              
Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch
(Trong Ý Cao Tình Đẹp)    
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>