Thứ Hai, 21 tháng 8, 2023

Sau Đêm Kinh Hoàng

 
Qua khỏi con lộ trải đá, chiếc xe ngựa bắt đầu lọc cọc vào xóm. Đường đi nhiều ổ gà nên chiếc xe dằn tức vô cùng. Buổi trưa nắng chói chang. Bác Tư đưa tay lau quẹt những giọt mồ hôi lăn tròn ở hai bên thái dương. Tay kia, bác nới lỏng dây cương. Chiếc xe chạy chậm. Âm thanh khô và buồn.

Nhà bác Tư còn xa. Bác lấy hết số tiền trong túi ra. Đó là tất cả những công lao buổi sáng nay. Gần hơn trăm bạc. Cũng là khá lắm. Bác nghĩ vậy và cho tiền vào túi. Mắt bác hướng về phía xa, không có bóng người. Những bụi tre ngoan ngoãn lặng yên.

- Ráng lên đi Hai, về nhà tao cho tha hồ ăn cỏ.

Con vật như nghe lời chủ cất vó chạy nhanh. Bụi mù bốc lên ở phía sau. Bác Tư thấy cảnh sống của mình đã đỡ bấp bênh hơn trước nhiều. Đó là nhờ con Hai, con vật mà bác đã cưng chiều không khác gì con ruột. Bác còn một đứa con trai, tên Thanh, đang đi học. Những ngày nghỉ hay rỗi rảnh, thằng Thanh thường đi theo xe để làm "lơ". Nhiều lúc, nó muốn tự mình điều khiển con vật, rước khách. Nhưng bác Tư không cho, bác nói: "Mầy còn nhỏ lắm, không điều khiển nổi đâu, con Hai đã quen hơi hướng tao rồi, vả lại trong những lúc nó trở chứng, mầy sẽ làm sao?" Từ đó thằng Thanh như bỏ hẳn ý muốn đó.

Hồi nhỏ, thằng Thanh không để ý nhiều về con Hai, nó chỉ biết đó là con ngựa tầm thường như những loài vật khác, cũng có lúc nó để ý bằng cách chọc phá con vật. Dĩ nhiên, con Hai phản ứng lại và làm thằng Thanh một lần hoảng vía. Nó thấy thù ghét con Hai vô độ. Dù vậy, mỗi bữa, nó vẫn phải cắt cỏ cho "kẻ thù" ăn. Vì nếu "kẻ thù" đói, nó và ba nó cũng đói.
 
Trước kia, con Hai là một tay đua xuất sắc nhất. Nó đã từng oai hùng chiếm giải nhất trong các cuộc đua, bỏ xa các địch thủ và đem về cho chủ những số tiền thưởng khá lớn. Nó là con cưng của bác Tư. Nhưng một hôm, con Hai bỗng trở bệnh. Nó mất đi phong độ rất nhiều. Nó thất bại luôn và sự nghiệp bác Tư cũng theo đó đi xuống trong các độ mỗi tuần.

Thét rồi, bác Tư thấy gia đình mình đang bị ám ảnh bởi những túng hụt đói kém ở tương lai, bác nghĩ lại và sắm một cỗ xe bắt con Hai kéo, đưa rước hành khách mỗi ngày. Tiền kiếm được có khi ít, cũng có khi nhiều. Tuy nhiên, đó là mồ hôi nước mắt tạo thành nên bác Tư không bao giờ phàn nàn chê chán. Tên Hai, là tên do bác đặt, vì bác xem con vật như chị cả trong nhà, sau đó mới đến thằng Thanh. Chị cả "đi làm" kiếm miếng cơm về nuôi gia đình. Bác hãnh diện với cái tên đặc biệt đó lắm...

Bác thấy lố nhố trước mặt một đám đông. Có lẽ là dân thành, bác Tư đán vậy, vì họ mặc quần áo sặc sỡ, nói năng khác biệt người dân quê. Họ đưa tay vẫy bác Tư.

Bác cho xe dừng lại:

- Các ông đi đâu?

- Ông cho quay xe trở lại đi.

- Các ông đi đâu?

- Thì quay xe trở lại đi rồi tôi nói.

Trước lời nói ngang tàng bất lịch sự của họ, bác Tư đỏ bừng mặt bất bình. Bác giả vờ hỏi để mà hỏi, chứ bác dư biết họ muốn ra chợ để đón xe về Sàigòn. Đi ra chợ thì nói là đi ra chợ còn bày đặt sai biểu này nọ. Bác vốn ghét sự sai khiến. Trông sự ấy có vẻ nô lệ tù hãm quá. Dù sao bác cũng là người kia mà.

Bác giật dây cương, chiếc xe ngựa từ từ tiến đi. Đám người nầy trố mắt:

- Ơ... Ông nầy làm gì thế?

Tiếng bác Tư:

- Các ông đón xe khác, tôi không đi vì trưa rồi.

Chiếc xe lại lọc cọc buông đều âm thanh. Bác Tư ngủ gật trong những phút ngắn ngủi. Có bàn tay vẫy phía trước. Chiếc xe ngựa dừng lại. Đó là ba người đàn bà và một người đàn ông, vốn là khách quen của bác.

Người đàn ông lấy hai điếu thuốc, mình một và đưa cho bác Tư một:

- Hôm nay anh Tư về trễ dữ!

Bác Tư chụm tay che gió để mồi thuốc:

- Thì cũng như mọi ngày.

Một người đàn bà có giọng hiền hòa hỏi:

- Hồi nãy tôi thấy đám người ở đàng kia ngoắc mà anh không thấy sao?

- Thấy chớ.

- Sao anh không rước họ?

- Ối, cái đồ phách lối đó mà, làm bộ hoài, bộ có tiền rồi sai khiến ai cũng được sao.

Bác kể lại cho những người khách quen nghe câu chuyện ban nãy.

Tiếng người đàn ông:

- Anh Tư làm vậy tôi chịu lắm đa. Với cái giọng ấy để cho chúng đón xe tới chiều coi có không.

- Thứ ở tỉnh mà làm phách.

Người đàn ba mang thúng bánh hỏi:

- Hổng biết họ từ đâu tới hén.

- Tôi nghi họ có quen thân với ông Hội đồng xã ở đây.

- Quen thì quen chớ, tôi đâu có sợ. Vả lại, ông Hội đồng xã là người ngay thẳng, nếu họ có tọc mạch nói lại, ổng gọi tôi, tôi sẽ phân bày cho ổng biết. Hổng có sao đâu.

Chiếc xe đi tới khoảng đường toàn là ổ gà. Bác Tư và người đàn ông phải xuống xe vì sợ xe lật. Qua khoảng đó độ mấy chục thước thì những người khách đã tới chỗ họ muốn xuống. Nhà bác Tư cũng gần đó.

*

- Tư ơi! Mấy giờ rồi mậy?

- Để tao lên coi.

Thằng Tư giơ chiếc đồng hồ chừng như muốn rời rã tất cả các bộ phận ra trước ánh nắng:

- Gần một giờ rồi.

Thằng Thanh nhảy nhổm lên:

- Thật hả mậy?

- Mầy làm gì vậy?

- Chết tao rồi. Tao phải về.

Nó phóng lên bờ:

- Quần áo tao đâu Tư?

- Ai mà biết.

- Mầy có giấu hôn?

- Tao giấu làm chi.

Thằng Thanh bực mình bức mẩy, nó lầm thầm văng tục. Nó đi dọc theo bờ sông để kiếm. Nó vạch từng đám cỏ. Ái! Thằng Thanh chợt la lên thất thanh.

- Gì đó Thanh?

- Con rắn.

- Cắn mầy chưa?

- Chưa. Mầy trù tao hả?

Thằng Tư cười ngất. Thằng Thanh lại đi kiếm nữa. Người nó ướt đẫm. Tóc nó ngã rạp về một bên. Đâu mất đi cà. Ai giấu. Thằng Thanh tức muốn khóc được.

Thằng Tư đã nhảy lên bờ để kiếm phụ bạn.

- Chứ cái gì đây Thanh?

Thằng Thanh mừng húm:

- Đưa tao, lẹ đi.

- Vậy mà đi kiếm lung tung. Mầy độ này hay lãng trí quá.

Có ba bóng người đi tới. Thằng Tư và thằng Thanh hoảng hồn nép sát xuống đất. Gió bốc từ dòng sông lạnh thấu xương.

- Có lẽ là thằng Mót.

Hai đứa đứng lên, thở phào.

- Thôi tao về.

Thằng Thanh phóng vọt đi. Nhưng kìa, sao lạ vậy, một đám trẻ nít trạc bằng nó đang vác gậy hèo ngăn đường. Nó hoảng sợ lui về phía bạn, và thằng Tư cũng đang run cầm cập.

Thằng Mót chống nạnh, cười kiêu hãnh:

- Chạy đi đâu cho thoát. Hôm nay tụi bây tới số rồi.

Thằng Mót nói có lẽ đúng. Thằng Thanh nghĩ vậy, vì từ lâu rồi, nó và thằng Tư với bọn kia có một mối thù rất đậm. Nguy hiểm thì nguy hiểm, hai đứa vẫn thường cả gan xâm nhập bất hợp pháp "lãnh thổ" của kẻ thù. Hai đứa thèm tắm sông lắm, rủ nhau đi tắm lén. Phải lén lút như kẻ trộm mới thoát khỏi cặp mắt dò xét của bọn thằng Mót. Thế mà, hôm nay, thiệt là nguy...

Nỗi lo âu vì về trễ giờ không có cỏ cho ngựa ăn, bây giờ không còn nữa, bây giờ tới nỗi lo khác cấp bách hơn nhiều, nguy hại hơn nhiều. Làm sao đây?

- Ê! Hai đứa kia, tại sao tụi bây lại sông nhà tao tắm hoài vậy?

- Sông này của mầy hả?

- Ừ.

- Ai nói?

- Hổng cần biết ai nói. Chỉ biết tụi bây hôm nay tới số.

Vòng vây siết chặt thêm. Thôi thế là hết đường thoát. Hôm nay, ít nhất hai đứa cũng bị một trận đòn hội chợ nhừ tử. Làm sao. Làm sao. Thằng Thanh suy nghĩ lung lắm. Trước, nó là một đứa nổi tiếng về các mưu kế quỉ khốc thần sầu. Ấy vậy mà bây giờ, trí óc nó như đáy ly rỗng tuếch.

Thằng Thanh nhìn quanh, đứa nào cũng có cầm cây lớn hoặc nhỏ. Mắt chúng sòng sọc. Thằng Thanh nhìn chúng với cặp mắt không còn âu lo khuất phục nữa. Đàng nào thì cũng bị chúng đánh, không ít thì nhiều, sợ làm gì cho chúng khinh. Nó đã có một quyết định thật liều.

- Tụi bây đánh tao đi.

Tụi trẻ cầm gậy hèo ngạc nhiên. Cả thằng Mót cũng vậy. Nó tưởng là thằng Thanh sẽ khóc lóc cầu xin nhưng thật không ngờ. Thằng Thanh toan tính gì đây. Nó nghĩ nát óc mà vẫn không sao hiểu được.

- Mầy hổng sợ sao?

- Sức mấy mà sợ!

Lời nói cứng rắn của thằng Thanh làm thằng Tư phấn chấn lên nhiều. Thằng Tư tự nguyện sẽ cùng thằng Thanh kiếm một lối thoát liều lĩnh. Và, bỗng dưng, thằng Thanh phóng chạy về phía những thằng nhỏ con cầm hèo quay lưng về phía bờ sông. Những tên nầy hốt hoảng vì quá bất ngờ, tránh dạt qua hai bên, chưa kịp quơ hèo lên. Những cú tát, cú đấm của thằng Thanh ném vào chúng như mưa. Chúng la ôi ối và lối thoát của hai đứa là đây. Hai đứa chạy thật nhanh, gần đến bờ sông, chúng phóng tuốt xuống. Bọn trẻ ngơ ngác trước thất bại không ngờ. Vài đứa biết bơi theo lệnh thằng Mót phóng theo, nhưng đối phương của chúng đã ra đến nửa sông.

Thằng Thanh nhảy lên bờ trước thở dốc. Mệt tưng bừng. Nhưng thà mệt còn hơn là bị ăn đòn hội chợ.

- Bây giờ tính sao mậy?

- Tính gì?

- Trả thù.

- Gấp gì mậy.

- Hồi nãy mầy mà hổng nhanh tay lẹ chân thì có nước chết. Nội cái thằng Tâm cao giò cho mình một hèo thì gãy xương sống.

Thằng Thanh trề môi:

- Tụi nó ỷ đông, ỷ cầm gậy hèo ăn hiếp mình, chớ thử tay không chơi thử coi, ai ăn ai.

Thằng Tư kéo mảnh áo bị nước dán sát vào người:

- Thôi về mầy, tao đã lạnh lại đói nữa.

- Chết cha, thôi tao cũng về nghe Tư.

Thằng Tư phóng theo:

- Ý, chờ tao về với mầy. Tụi nó đuổi theo kìa.

Quả thật như lời thằng Tư nói, tụi thằng Mót đã vượt qua sông, nhưng hai đối phương của chúng cũng vừa chạy thoát.

Thằng Mót thở hào hển:

- Tụi bây chạy dở ẹt.

Cả bọn chẳng dám nói năng. Thằng Mót là đầu đàn của bọn trẻ. Nó không mạnh khỏe gì cho lắm, chỉ có ít võ vovinam do anh nó dạy cho hồi năm ngoái. Nó học được vài miếng, tay chân như ngứa, tụ năm tụ bẩy để lập đảng đánh với trẻ con hàng xóm.

Người nó thù nhất là thằng Thanh. Bây giờ nó cũng không hiểu mối thù đó do nguyên nhân nào. Chỉ biết thằng Thanh hay đối lập với nó trong từng câu nói bất cứ câu chuyện gì. Thằng Thanh biết mình có kẻ thù, nên kéo theo thằng Tư về phe mình. Thằng Tư ốm yếu, lại hay chết nhát. không làm việc gì cho nên thân. Tuy nhiên thằng Tư được cái vui tính và tốt bụng.

Bọn trẻ đã thấy bao tử cồn cào tưng bừng, một đứa nói:

- Đói bụng quá.

Thằng Mót hình như không nghe ngồi trên bãi cỏ lặng im.

Bọn trẻ lại thầm thì.

- Tao với mấy lén về nghen.

- Mầy không sợ ảnh sao?

- Sức mấy.

Thằng Mót nắm đầu một thằng nhỏ con lúc nãy đã bị ăn đấm của thằng Thanh ra để hỏi. Nó ấm ư ấm ức như cà lăm. Thằng Mót đứng dậy:

- Tụi bây uýnh dở quá. Đông như vậy mà chẳng làm gì được nó.

- Bây giờ làm sao anh?

- Chiều nay nó có đi đâu không?

- Chắc không đâu. Vì nó mắc bận.

- Sao mầy biết?

- Em ở gần nhà nó.

- Vậy hả. Mầy tên gì?

- Lâm.

- Mầy mới đến đây ở phải hôn?

Thằng Lâm gật đầu. Thằng Mót vừa nghĩ được một kế hay. Nó nói thầm với Lâm và đắc ý cười to. Bọn trẻ không biết gì cũng cười theo.

Về tới nhà, bụng đầy kiến bò, thằng Thanh thêm nỗi lo bị đòn. Nó rón rén đi từng bước. Dù vậy, vẫn không sao thoát khỏi cặp mắt của bác Tư.

- Mầy mới đi đâu về đó Thanh?

- Dạ... đi học.

- Bây giờ mấy giờ rồi?

- Dạ, con hổng biết.

Bác Tư bỏ chén cơm xuống bàn:

- Lại đây biểu.

Thằng Thanh mếu máo muốn khóc:

- Ba tha lỗi cho con.

- Đi đâu từ sáng tới giờ? Nói!

- Dạ con đi...

- Đi đâu?

- Đi tắm sông.

Bác Tư coi mòi không giận dữ mấy với đứa con trai mến yêu duy nhất. Bác rầy mắng qua loa rồi đuổi nó xuống nhà bếp. Còn một mình bác bỏ dở chén cơm ra trước sân hóng gió. Bác chú ý tới những đóa hoa huệ vừa nở ở mấy chậu kiểng thời xưa. Bác đặt môi trên một nụ bông. Gió hoan ca trên những nhánh cây xào xạc. Buổi trưa không nắng. Không khí ẩm ướt khó chịu.

Bác Tư ra sau chuồng ngựa thăm con vật thân yêu. Nó đang ngoan ngoãn nhai cỏ. Bữa ăn quá giản dị. Bác Tư vuốt lưng nó nhè nhẹ. Cử chỉ nầy làm con vật ngước lên như tỏ vẻ cám ơn. Trông con vật, bác Tư đã thấy rõ sự già dặn của nó. Tuy chưa có triệu chứng gì báo hiệu sự mệt nhọc yếu nhược của con Hai nhưng bác Tư cảm thấy lo lo. Từ nỗi lo nầy, bác dọn sẵn một chương trình cho bác và con vật. Bác sẽ cố gắng săn sóc nhiều hơn cho con Hai, cho nó ăn những thứ cỏ tươi mướt. Chỉ có cách duy nhất đó để gìn giữ sức khỏe con Hai. Vì nếu mất con Hai, chắc chắn bác Tư sẽ không biết làm gì để sống. Cày cấy chăng? Tuổi tác bác đã khá cao, già yếu rồi, làm sao chống đỡ nổi gió mưa. Có đứa con trai, nó lạ còn nhỏ, còn đi học.

Thấp thoáng ở hàng rào cạnh cây điều đầy những trái, một đứa bé trông cũng ngộ nghĩnh. Đứa bé có lẽ chỉ nhỏ hơn thằng Thanh chừng vài tuổi. Đôi mắt nó cứ hướng về con ngựa, chắc nó ưa thích lắm.

Bác Tư đi về phía nó:

- Cháu ở đâu?

- Dạ, cháu ở gần đây lắm.

- Bộ cháu thích xem ngựa ăn cỏ lắm hả?

- Dạ, cháu thích lắm. Nếu được ngồi trên lưng nó thì vui sướng nào bằng.

- Tội chưa. Bây giờ cháu muốn cỡi lưng ngựa hôn?

- Dạ muốn.

- Lại đây bác đỡ qua sân. Mà cháu tên gì?

- Dạ, cháu tên Sâm.

Sâm, tên đẹp chứ. Bác Tư đưa tay nhấc bổng đứa bé và đặt nó ngồi lên lưng con Hai. Nó vui thích lắm, nụ cười luôn nở trên môi.

- Bác ơi, con ngựa nầy tên gì hở bác?

- Tên Hai.

- Tên Hai. Sao bác đặt tên nó là Hai?

- Vì nó như chị cả của nhà bác.

Đứa trẻ không hiểu rõ nghĩa, nhưng cũng không hỏi nữa.

- Cháu học lớp mấy?

- Dạ lớp Tư.

- Trường nào?

- Dạ, trường anh Thanh học.

Tiếng bác Tư:

- Cháu biết thằng Thanh nhà bác nữa à?

- Dạ. Cháu muốn làm quen với ảnh từ ngày mới dọn nhà lại đây lận.

Thì ra đứa trẻ nầy mới đến ở làng nầy. Vì không mấy chú ý nên bác Tư hơi ngạc nhiên một chút khi biết được có một gia đình mới đến ở làng mình.

Thằng Thanh đã ăn cơm xong, nó đến bên lu nước mưa và múc uống ừng ực. Bác Tư gọi thằng Sâm:

- Thằng Thanh kìa cháu. Cháu đến làm quen với nó đi.

Đứa bé nhoài người xuống đất theo sự dìu đỡ của bác Tư và tiến đến bên thằng Thanh.

- Anh Thanh.

Thằng Thanh ngạc nhiên:

- Mầy là ai?

- Anh kêu em bằng em đi.

Lạ chưa. Thằng bé nầy sao mà tinh ranh quá. Thằng Thanh cũng cố chiều nó:

- Ừ... tao kêu mầy bằng... em đó. Trả lời đi.

- Em tên Sâm, nhà gần đây nè.

- Mầy... ủa... em đến đây làm chi?

Đứa bé đến bên cạnh thằng Thanh:

- Cho em ngồi đây nghen.

Thằng Thanh đỡ nó lên ngồi trên đùi. Da thằng Sâm trắng như da con gái, mũm mĩm dễ thương. Thằng Thanh đưa tay vuốt tóc nó, nó sung sướng gọi bác Tư:

- Bác ơi! Cháu làm quen được với anh Thanh rồi nè.

Bác Tư tươi cười nhìn nó:

- Cháu làm quen hay lắm. Như lúc nãy với bác vậy.

Bây giờ thằng Thanh mới thấy đứa bé dễ mến. Nó hôn trên má đứa bé như gửi trọn niềm thương mến ban đầu. Từ lâu thằng Thanh muốn có một đứa em để ẵm bồng nâng niu, nhưng má nó đã qua đời, vì vậy ước vọng nó cũng chỉ là mây khói. Bởi không có em, nó phải đi tìm bạn bè quanh khu xóm chơi đùa để đỡ cô độc.

- Em tên gì?

- Em nhớ là em nói với anh rồi mà. Em tên Sâm.

Thằng Thanh cười:

- Tên đẹp ác. Em học ở trường nào?

- Chung trường anh đó.

- Ủa, vậy sao. Sao anh hổng biết.

Đến đây có tiếng gọi thằng bé về ăn cơm.

- Thôi em về nghen.

- Chiều nhớ lại chơi.

- Em ăn cơm xong lại liền.

Đứa bé thoăn thoắt chạy đi. Thằng thanh nghe vui theo từng bước chân dẫm lên cỏ non của thằng Sâm. Nó cảm thấy sảng khoái, vươn vai và đi vào nhà.

Theo lệ thường cứ mỗi chiều thứ bảy, bác Tư cho xe về sớm để dưỡng sức cho người lẫn vật. Đến sáng mai chủ nhật, xe sẽ đi sớm hơn thường ngày vì có rất nhiều khách. Bác Tư biểu thằng Thanh dẫn ngựa ra phía cánh đồng không mấy xa, nơi đó, cỏ mọc nhiều và mướt tươi. Con Hai thích ăn cỏ ở cánh đồng nầy, và nếu biết nói, nó sẽ không ngần ngại gì bày tỏ sự ước muốn mau đến ngày thứ bảy của mình cho bất cứ ai yêu mến nó nghe.

Thằng Thanh cắm một cây cọc trên một bờ đê cao, cột dây giữ ngựa lại. Với bề dài của sợi dây, con Hai tha hồ đi xa để ăn cỏ cũng như tha hồ vui đùa cùng đồng loại.

Thằng Sâm cũng có đi theo. Nó đã mến yêu thực sự người bạn lớn hơn hai ba tuổi đó. Tính thằng Thanh không cộc cằn, nhưng hơi nóng một chút. Những gì nó bất bình là nó nói toẹt ra ngay. Hôm vừa quen, lúc vào nhà, thằng Sâm chạm phải đôi mắt tức giận của anh nó, thằng Lâm. Thằng Lâm tính tự kiêu, dù không tài giỏi gì cả, thấy em mình chơi với thằng Thanh, kẻ thù mới của nó ở làng nầy thì tức lắm.

Mới hồi trưa, chính thằng Lâm đã lãnh trọng trách theo mưu kế của thằng Mót để hại thằng Thanh. Thế mà, em nó thiệt là ngu, lại đi chơi với kẻ thù. Nó đã cho thằng Sâm hai bạt tai nháng lửa và cấm không được chơi với Thanh. Thằng Sâm vừa khóc vừa phản đối, lại được thêm một bạt tai.

Việc nầy đến tai ba của hai đứa. Ông gọi và đánh cho thằng Lâm một trận. Thằng Lâm tức lắm, nhưng không dám đánh em nữa. Nó trở nên hiền hòa, nhỏ nhẹ, quyến rũ em thay nó thi hành mưu kế của thằng Mót. Thằng Sâm lắc đầu lia lịa, nói:

- Sao anh không làm đi mà bảo tui.

Thằng Lâm nói khẽ:

- Thì em làm cũng được.

- Tui không làm, không làm.

Nói đoạn, nó phóng chạy ra sân. Thằng Lâm lại đến nhà thằng Mót để nói lại điều ấy.

*

- Sâm ơi!

Thằng Sâm lót tót chạy nhanh đến bên thằng Thanh:

- Anh kêu em.

- Em muốn ăn điều hôn?

- Trái điều hả anh?

Thằng Thanh gật đầu và sau đó, nó trèo thoăn thoắt lên cây điều. Những trái điều vàng cam, càng nhìn thằng Sâm càng muốn chảy nước miếng.

- Anh Thanh ơi!

- Gì?

- Em trèo nghen.

- Không được. Sâm còn nhỏ.

Thằng Sâm lấy cái nón lá rách tả tơi hứng lấy những trái điều do thằng Thanh thảy xuống. Nó ăn ngon lành. Ăn trái điều đừng quên ăn hột điều. Thằng Sâm nhớ mãi lời má nó thường nói. Trái điều tuy ngon, nhưng có khi hơi chát lưỡi. Hột điều thì tuyệt, ngon và bùi hơn đậu phộng. Hột điều có thể ăn sống, nếu nướng thì lại càng ngon. Tuy nhiên, nếu háu ăn quá, mủ dính vào môi chùi mép có thể bị lở.

Những hột điều nằm gọn trong chiếc nón lá. Thằng Sâm định để dành những hột điều này tối nhúm lửa nướng. Những âm thanh nổ lên như pháo rất vui tai.

Hai đứa ngồi sát bên nhau ăn điều.

- Em no quá rồi, em không ăn nữa đâu.

- Sâm lấy hết hột điều đó đi, anh cho Sâm đó.

- Bộ anh không thích ăn hột điều sao?

- Thích, nhưng ăn nhiều quá cũng chán.

Thằng Thanh đứng lên:

- Bây giờ tụi mình đi bắt dế chơi ta.

- Đi gấp.

Hai đứa đi về phía ruộng lúa. Ở đó, một dãy đá, đất sét nằm ngổn ngang.

- Bắt chỗ nào anh?

- Ở đây nè.

Thằng Thanh đưa tay đẩy những cục đá to nặng ấy sang một bên.

- Bắt đi Sâm.

Quá nhiều dế. Toàn là những thứ dế đá, lâu lâu cũng có một vài cô dế mái.

- Đủ chưa?

- Nhiều quá rồi, lấy gì đựng đây anh?

- Để anh đi lấy gàu.

Những chú dế gáy rân trong gàu. Chúng đá nhau loạn xạ. Thằng Sâm thích quá vỗ tay lia lịa. Vì quá nhiều nên thằng Sâm gạn lọc bớt số dế yếu đuối nhỏ con. Duy chỉ có một chú dế thân vóc tuy nhỏ, nhưng đá chì lắm. Những chàng dế khổng lồ như dế than, dế lửa thảy đều khiếp sợ. Thằng Thanh thấy vẻ sung sướng trên mặt thằng Sâm thì lấy làm hài lòng lắm.

- Thôi, bây giờ về nghe, chú dế tên Sâm!

Thằng Sâm xách gàu đứng dậy, bỗng la lên:

- Ủa! Con Hai đâu rồi?

Nỗi lo sợ như cơn gió thốc đến trong lòng thằng Thanh. Trời ơi! Nó mới ở đây mà. Thằng Thanh bỏ chạy khắp cánh đồng, cố tìm kiếm nhưng vẫn không thấy con vật thân yêu. Cây cọc cắm lúc nãy hãy còn, có lẽ con Hai đã sút dây thoát chạy.

Tìm đâu bây giờ. Thằng Thanh không quản mệt mỏi băng qua từng con đê cao. Vẫn bặt tăm. Buổi chiều rớt vào bóng tối. Nó tự trách mình tại sao quá ham chơi. Nếu mất con Hai, gia đình nó sẽ sống ra sao. Trời ơi! Thằng Thanh chạy mãi, chạy mãi, gặp ai cũng hỏi, con Hai đâu, con Hai đâu, nhưng đều thất vọng một cách chán chường.

Mồ hôi tràn ra phía sau gáy như nước xối, nó đành trở về vì đêm tối đã vây chiếm trọn cánh đồng. Thằng Thanh thơ thẩn như người mất hồn. Nó sẽ ăn nói ra sao với ba nó?

Bác Tư lại ra cửa trông ngóng. Lạ thiệt, chưa bao giờ thằng Thanh dẫn ngựa về trễ như hôm nay. Có chuyện gì. Bác chợt thấy một bóng dáng quen thuộc.

- Ngựa đâu Thanh?

Thằng Thanh bật khóc:

- Nó chạy đi đâu mất rồi.

- Trời!

Bác Tư kêu lên rồi ngồi bệt xuống đất. Sự thật là vậy sao. Viễn ảnh đói kém hiện lên trước mắt bác. Nỗi lo những ngày hôm trước giờ gạch nối cho một sự thật. Thằng Thanh kể lại và khóc trước mặt bác Tư. Bác cũng muốn khóc theo.

Thằng Thanh vừa ngủ được một giấc thì tiếng súng từ phía đồn lính vang dậy như pháo tết. Hoảng hồn, nó lăn tròn xuống đất và đến bên hầm núp. Hầm quá chật nên không thể nằm được. Nó đành bỏ dở giấc ngủ. Bác Tư cũng đã hay trận đánh từ lúc mới bắt đầu, nhưng không hiểu sao bác lại muốn nằm mãi đây.

Đạn lửa bay vút ngoài kia. Đêm yên vắng. Căn nhà bác rung lên như muốn sụp đổ. Chim chóc hoảng kinh. Trâu bò nằm rạp xuống ở một góc chuồng. Thời chiến tranh là vậy. Biết bao giấc ngủ bị gián đoạn. Bác chỉ muốn nằm đây, để một viên đạn vô tình nào đó rơi trúng và bác sẽ chết.

Tương lai, gia đình chỉ hy vọng vào con vật. Bây giờ con vật lạc mất, sống làm sao, bằng cách gì? Bác không muốn đánh hay trách mắng gì thằng Thanh, vì cho đó là một rủi ro. Biết cho là một rủi ro, nhưng sao bác lại muốn chết. Tiếng thở đều của thằng Thanh vọng đến tai bác. Không, bác còn một đứa con trai, nó tên Thanh, nó đang ngủ. Bác không thể chết vì không thể bỏ con. Và nhanh nhẹn, bác phóng xuống đất ôm lấy thằng Thanh. Thằng Thanh mở choàng mắt nắm lấy tay ba và ngủ tiếp.

- Tội nghiệp.

Bác Tư chép miệng. Từ lúc má thằng Thanh chết đi, nó chịu khổ nhiều quá dù còn ở lứa tuổi hoa niên. Nó mất đi tình thương thiêng liêng. Nhưng nó có biết lo gì đâu?
 
Tiếng súng không ngớt gầm thét bên ngoài. Chợt trong âm thanh nhức óc ấy lại có tiếng ngựa hí vang rân. Bác Tư nghĩ ngay đến con Hai. Bác choàng dậy thật liều lĩnh. Lúc nầy lại có tiếng đập cửa nhà bác. Ai? Bác nghe tim đập mạnh. Thằng Thanh cũng đã tỉnh giấc.

- Bác ơi! Anh Thanh ơi!

Tiếng của thằng Sâm. Thằng Thanh nhảy phóc lên. Bác Tư đã mở cửa. Thằng Sâm và một bóng đen khác xuất hiện. Trời ơi! Con ngựa của bác. Thật đây sao. Bác Tư ôm chầm lấy lưng con vật và khóc. Nỗi mừng như lan truyền vào cơ thể con vật, nó hí lên từng hồi.

Thằng Thanh sững sờ trong giây phút. Nó ôm chầm lấy thằng Sâm:

- Sâm! Em thấy con Hai ở đâu vậy?

Hình như có dòng nước gì chảy ướt ở cánh tay thằng Sâm.

Bác Tư nhảy lại.

- Trời! Cháu Sâm, cháu bị thương rồi. Thanh, vô nhà lấy bông gòn và thuốc đỏ cho ba.

Thằng Sâm đã bị thương nhưng không phải do đạn gây ra. Đúng hơn là một vết trầy, có lẽ bị kéo lết đi xa, nên máu chảy khá nhiều.

Thằng Sâm vẫn như không. Bóng đen lúc nãy hiện ra bên cạnh thằng Sâm.

- Ai đó Sâm?

- Dạ, anh cháu, tên Lâm.

Thằng Lâm rụt rè. Nó không dám nhìn ai, chỉ ngó gầm xuống đất. Thật lâu, nó đến bên bác Tư nói run run:

- Bác Tư, xin bác tha lỗi cho con.

Và không chờ bác Tư nói gì, thằng Lâm đã kể hết mọi chuyện...

*

Buổi sáng đến với cây lá bằng một mặt trời màu hồng ở phía xa. Chim chóc đã reo hò trên lưng trời. Cảnh trí bắt đầu sống lại những giờ phút sôi động.

Chiếc xe ngựa bác Tư cất vó thật ngon trên đường trường. Chưa bao giờ bác Tư thấy vui bằng lúc nầy, nhất là niềm vui bắt đầu bởi một sự may mắn không ngờ.

Bác cho mình là kẻ có thật một bông hoa hạnh phúc. Từ đây bác sẽ cố gắng vun trồng bông hoa đó, cho ngày một tươi rốt lên bên bờ cỏ xanh um đồng ruộng.

Lúc nghe thằng Lâm thuật lại tự sự, thật bác không bao giờ ngờ lại có thể xảy ra chuyện đó được. Nguyên do từ sự thù nghịch của tuổi thơ. Chỉ trong một phút nóng giận và nông nổi ngu dại, thằng Lâm đã gây cho bác Tư một nỗi kinh hoàng có ảnh hưởng đến cuộc sống không ít.

Thằng Lâm nghe lời thằng Mót cùng bốn đứa trẻ lén đến chỗ ngựa của bác Tư ăn cỏ và mở gút dây ra. Chúng định thả đi nhưng lại không thả và một đứa trong bọn dẫn ngựa về giấu kín ở một khu rừng không xa lắm.

Nhưng thằng Lâm vốn nhút nhát, vả lại với sự cương quyết sẽ tố cáo của em nó, nó chợt hối hận. Rồi hai anh em giữa đêm đầy tiếng súng, mạo hiểm đến khu rừng đó. Quả là một việc liều, quá liều. May mà không sao, vì hai bên đang đánh nhau ác liệt. Hai đứa vừa đi vừa lết bò thật thảm hại.

Hai đứa đến vừa lúc con ngựa của bác Tư sắp sút dây. Nó dãy dụa dữ lắm vì những âm thanh điếc tai kinh khiếp. Hai đứa cố gắng đưa ngựa về, đó là một cố gắng chuộc tội của thằng Lâm.

Nghe xong câu chuyện, bác Tư không biết nói gì. Bác thấy mình cần phải tha thứ cho chúng, vì chúng còn trẻ thơ quá...

- Ngừng xe lại đi người bạn già.

Bác Tư vui vẻ cho xe ngừng thật chậm.

- Bộ mới mua ngựa mới hả?

- Đâu có, cũng con Hai đó chứ.

- Vậy sao, yên cương mới, bờm mới, tôi cứ tưởng mới cả chứ.

Bác Tư hãnh diện kể lại câu chuyện đó cho người khách quen nghe. Người khách cười, như muốn chia xẻ sự may mắn của bác Tư. Xe đến chỗ dốc, hai người phải xuống và hì hục đẩy.
 

Nhưng, xe bác Tư hôm nay chở quá nhiều hàng hóa nên lên không nổi con dốc. Có ba bóng người cỡi xe đạp đi tới.

- A! Bác Tư.

- Ba mới đi tới đây hả ba?

- Ủa! Tụi bây giờ nầy mới đi học sao?

- Dạ, xe lên dốc không nổi hở bác?

- Ừ. Đồ đạc hôm nay dữ quá.

- Để chúng cháu phụ đẩy cho.

- Nào, một, hai, ba...
 

Con Hai như được khuyến khích cố sức kéo mạnh cỗ xe nặng trĩu. Ráng thêm, ráng thêm. Và, chiếc xe đã qua khỏi dốc. Niềm vui như chảy từng giọt mồ hôi trên vầng trán mọi người...


Vũ Chinh      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 74, ra ngày 1-8-1967)




Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>