Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Ai cũng có một thành trì để bảo vệ


Người giao hàng ngừng chiếc cam nhông ở trên con đường chạy sát khu vườn của tôi, nheo nheo cặp mắt, hỏi:

- Bà trang hoàng lại cảnh trí đấy ư?

Chú ấy nói hơi quá. Nhưng quả thực là dọc theo hàng rào mà tôi đương sơn lại, có đầy những vấy sơn trắng. Mũ và chiếc áo bờ lu của tôi cũng vậy.

Hàng rào của chúng tôi không giống những hàng rào khác. Nó như một đứa trẻ hư, cứ phải trông nom săn sóc hoài. Và lúc này đây, lưng muốn gãy, tôi khó nhọc mới đứng thẳng lên được, nhìn lại thì sao mà thấy nó dài thế, vô tận. Mỗi mùa xuân mang sơn và cọ ra, tôi can đảm bắt tay vào việc. Nhưng mới sơn được một quãng trắng lốp thì bực mình nhận thấy rằng khúc rào mới sơn lại mùa thu trước bây giờ đã có vẻ tồi tàn, bỏ bê, như thầm trách tôi vậy.

Nhà cửa cũng vậy. Vừa mới sửa sang căn phòng này thì đã thấy cần phải thay tấm màn hoặc tấm thảm một căn khác.

Hoặc là nhà dột, làm hoen ố trần, tường, hoặc là cái bơm nước bỗng nhiên hư, cần phải thay.

Mà nghĩ cho cùng, cơ thể tôi cũng vậy, rầu quá chừng. Luôn luôn có một bộ phận nào đó để phải bồi bổ. Dù là về thể chất, trí tuệ hoặc tinh thần, luôn luôn phải coi lại hoài. Nhưng chẳng sớm thì muộn, sẽ tới một lúc tôi già quá, không sơn lại được hàng rào này nữa và phải có một người khác làm thay tôi. Thế thì tại sao không buông xuôi ngay từ bây giờ đi, mặc cho cơ thể tôi và mọi sự ở chung quanh muốn ra sao thì ra?

Tại sao ư? Tôi thực tình không hiểu nổi, chỉ biết rằng tôi không thể buông xuôi như vậy được. Có cái gì khác quan trọng hơn chứ không phải chỉ như cái hàng rào này.

Tôi nhớ lại mà thương một cô bạn trẻ của tôi, cô Jeanne, sống trong một căn nhà nhỏ xíu với chồng và ba đứa con. Mỗi buổi sáng cô phải lo bữa điểm tâm cho bốn người háu ăn đó, và chỉ mấy giờ sau họ lại đói rồi,, ngày nào cô cũng phải rửa chén, mà hôm sau đã lại dơ rồi, như vậy quanh năm. Cô thú với tôi rằng có lúc muốn điên lên, bỏ mặc mọi việc, để thoát cái cảnh nô lệ hao mòn tinh lực đó, dù chỉ thoát được một ngày thôi.

Nhưng cô nghĩ lại, cô thoát đi được thì đĩa chén cũng vẫn nằm ỳ ra đó chờ cô về, và cô dành rán chịu vậy. Hầu hết chúng ta cũng như cô. Mà chồng cô cũng như cô, đi làm về vẫn ra nhổ cỏ, mặc dầu biết rằng ngày hôm sau lại nhổ nữa; hoặc hớt bồn cỏ để tuần sau lại hớt nữa.

Đâu đâu cũng vậy, ai ai cũng vậy, phải làm đi làm lại hoài những công việc đơn điệu, chán nản, đôi khi như vô nghĩa, vô ích đó để chống lại sự bỏ bê, buông xuôi. Vậy mà đa số chúng ta vẫn lau chùi, sửa chữa nhà cửa, mọi vật để cho khỏi sập, đổ, để lấp những lỗ hổng cho quân thù khỏi len lỏi vào thành trì của ta – và đó là cái vinh dự của nhân loại.

Đó không phải chỉ là bản năng tự vệ mà thôi đâu.

Cô Jeanne kể chuyện với tôi:

- Chị biết bà Frayer ở bên cạnh nhà em chứ? Tội nghiệp, có hồi làm công việc ngập tới cổ, bà ta chán nản quá, bỏ mặc hết, qua khóc lóc kể lể tâm sự với em. Rồi khi bà ta thấy nhà em cái gì cũng sạch sẽ, ngăn nắp thì bà vừa giận em vừa giận mình. Bà thấy như vậy thì công việc nhà đâu có gì là quá sức, và bà trở về tiếp tục dọn dẹp, quét tước. Nếu bà thấy em buông xuôi thì có lẽ bà cũng buông xuôi như em, tâm trạng chán nản đó sẽ lan qua các nhà khác trong xóm, như một bệnh dịch.

Rồi cô nhìn tôi, kết luận, vẻ suy tư:

- Nhưng có lẽ em làm việc nhiều quá chăng?

Không, thành thực mà nói, cô đâu có làm việc nhiều quá.

*

Người giao hàng thấy tôi sơn hàng rào, bảo tôi:

- Bà làm một việc thiện đấy. Nhờ bà mà con đường này có vẻ duyên dáng.

Tôi đâu có nghĩ tới khía cạnh đó. Nhưng khi xách thùng sơn và cây cọ ra, có thể rằng trong thâm tâm, tôi bất giác nghĩ tới một bổn phận đối với hàng xóm, tới bổn phận làm cho con đường này đẹp đẽ. Với lại, nếu gia đình nào trong xóm cũng săn sóc căn nhà của mình, thì tấm gương đó có thể ảnh hưởng tốt tới tinh thần của toàn thể thị trấn. Ta liệng một hòn đá xuống nước, những gợn sóng tròn lan ra, mỗi lúc một rộng.

Sự thực, các nền văn minh suy sụp không phải vì thua trận hoặc vì những tai ách vật chất đâu. Sự tan rã phát sinh từ bên trong – vì các công dân trung lưu đã bắt đầu làm quấy quá cho xong việc, đã vi phạm đạo đức để kiếm một cái lợi phù du, do làm biếng hoặc thờ ơ mà không làm tròn bổn phận với gia đình, với tổ quốc. Tinh thần chủ bại đó lan từ nhà này tới nhà khác cho tới khi sự nghiệp mà tổ tiên gắng sức xây dựng sụp đổ, tan rã lần lần, và họ phải chịu cái ách của quân xâm lăng dã man.

Về phương diện đó, không người nào để có thể nói rằng mình hư hỏng thì mình chịu, không liên can gì tới người khác. Liên can chứ, sao lại không? Dù ta có cảm tưởng rằng mình chỉ là hạng vô danh tiểu tốt thì ta vẫn là một chiếc khoen quan trọng trong sợi dây xích sinh hoạt. Vì không được giữ gìn, cái khoen hóa sét, gẫy ra thì dĩ nhiên là cả sợi dây xích cũng đứt.

Một bà bạn tôi bây giờ lớn tuổi, đau khổ, rầu rĩ; nhưng hồi xưa gia đình bà có hạnh phúc lắm. Bà sanh được hai người con gái rồi tới một người con trai tên là Pierre. “Cậu út” này đẹp trai, dễ thương, thông minh, được cha mẹ cưng vô cùng. Có những tật mà nếu hai cô chị mắc phải thì bị rầy la rồi, cậu mắc phải thì hai ông bà chỉ cho là cậu còn ngây thơ, non dại, chưa biết gì, nghịch ngợm một chút vậy thôi.

Bắt gặp cậu “thó” tiền trong túi tiền của mẹ, hỏi thì cậu nói dối, chối này chối nọ, mà hai ông bà cũng chỉ rầy qua loa (trò nghịch ngợm của trẻ, con nít đứa nào mà không táy máy, ăn cắp như ranh). Khi “cậu Út” không chịu làm bài thì ba gà cho, mặc dầu thói giúp đỡ trái phép đó có khác gì một trò gian lận. Nhưng cha mẹ cậu dẹp bỏ qui tắc đi cho nó nhẹ mình chứ không chịu áp dụng nó để sửa đổi thái độ của mình cùng tính nết của cậu con cưng.

Lớn lên, Pierre thành một trong những nhân viên điều khiển ngân hàng trong tỉnh, tìm cách đầu cơ, thất bại, rồi gian trá, sửa đổi sổ sách kế toán, rốt cuộc phải vô khám, làm cho nhiều người trong tỉnh khánh kiệt tài sản.

Bà thân mẫu của cậu bảo tôi:

- Không ai hiểu được làm sao mà nó tới cái nỗi đó. Nhưng tôi, tôi hiểu lắm. Từ hồi nhỏ, nó đã hư hỏng rồi, nó đã ăn cắp tiền của tôi rồi. Vợ chồng tôi đã tìm đủ lí lẽ để tha lỗi cho nó, chúng tôi nhu nhược không coi chừng nó kĩ lưỡng. Chúng tôi đã nhắm mắt bỏ qua.

Nhắm mắt lại để khỏi thấy những cái hư hỏng ở trong bản thân và chung quanh ta, việc đó dễ quá mà! Mà tánh biếng nhác đó, do một cách thức bí mật, kì dị nào đó, làm cho những đức tính của ta biến lần lần thành tật xấu. Như trường hợp một kĩ sư tài giỏi nọ, dùng trí thông minh để tránh những điều kiện trong việc thầu xây cất, mà kiếm cho nhiều lời. Hoặc như một người nọ có nhiều thiện chí khi muốn làm chính trị, rồi vung tiền ra mua phiếu cử tri, rốt cuộc phản lại họ một cách dễ dàng. Những kẻ đó như những anh lính canh thành trì đã giao thành trì cho địch. Nếu hồi mới vô nghề, họ nhận được nỗi nguy hiểm của những lầm lẫn nhỏ nhặt hàng ngày, thì có lẽ họ đã thành những nhà chỉ huy được kính trọng, chớ đâu có đến nỗi sa cơ, kéo theo nhiều người khác trong sự sụp đổ của họ.

Mỗi khi chúng ta nhu nhược, tìm cớ để không theo đúng qui tắc, lương tâm của mình, là chúng ta phản bội tổ tiên đã tốn biết bao công để gây dựng nền văn minh. Vì sở dĩ thế giới được như ngày nay – một thế giới tuy chưa hoàn hảo, nhưng có thể trường cửu được, cao hơn thế giới của các rợ bán khai một chút – là nhờ sự gắng sức liên tục của những người đàn ông và đàn bà vô danh, kiên nhẫn làm hoài công việc đơn điệu của mình mỗi ngày sao cho được hoàn hảo hơn, bằng một cách thông minh hơn.

Cặm cụi, từng phiến đá một, những người đó đã xây thành trì, đến lượt chúng ta phải bảo vệ thành trì đó.


I. Wylie              
NGUYỄN HIẾN LÊ dịch
(Trong Ý Cao Tình Đẹp)  


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số136, ra ngày 15-3-1975)

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Đi Học Đầu Năm










Thao thức từ đêm trước
Dù bài học thuộc làu
Dù không quên bánh mứt
Mang đến trường chia nhau

Em gội đầu bồ kết
Tóc cột bím nơ xanh
Mặc bộ quần áo Tết
Thêm xinh dáng hiền lành

Như làn sương trắng mỏng
Tan rất đỗi tình cờ
Là ngày vui vắng bạn
Không hẹn hò cũng qua

Buổi sáng đầu năm mới
Hân hoan bước đến trường
Chân như lòng rộn rã
Ấm vạt nắng đầu xuân

Chào mừng em đi học
Lá ngoài vườn thắm xanh
Gió về hôn áo mới
Và chim hót trên cành

Có con bươm bướm nhỏ
Trên cành hoa say hương
Thấy em chao đôi cánh
Tiễn chân một đỗi đường

Lác đác vài bụi cỏ
Đón từng bước em qua
Nhẹ vương niềm phấn khởi
Trong lòng em ngân nga

Qua cánh đồng biêng biếc
Sáo đùa nhau hót vui
Em và rừng sữa lúa
Trao nhau một nụ cười

Đôi bàn chân guốc mộc
Dẫm lên bờ ruộng quen
Thập thò dăm con nhái
Run run lõ mắt nhìn

Đường xa hơn mọi bữa
Mắt mỏi mấy trăm chiều
Cổ dài trông thấp thỏm
Dáng ngôi trường thân yêu

Dưới đất dế hòa nhạc
Trên trời mây trắng bay
Trong lòng em tụ hội
Đón tình thương ngất ngây

Ôi, những tờ bạc mới
Trong bìa vở đỏ hoe
Sao cứ hoài trăn trở
Chực chờ được em khoe

Trống trường như trống ngực
(lời thầy bạn giục chân)
Ôi, biết bao chuyện kể
Trong buổi học đầu xuân.

                             (thơ thuở mười ba)
                            PHẠM TƯỜNG VÂN

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 112, ra ngày 19-10-1973)

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Ông Hoàng Trẻ




Ngày xưa có một ông hoàng trẻ, ăn vận toàn nhung và gấm.

Ông ta mang một thanh kiếm rất xinh đẹp.

Một bữa nọ, ông hoàng trẻ cảm thấy buồn bã trong cung điện của mình, bèn quyết định cưới vợ, và ra đi tìm một vị hôn thê. 

Ông ta cởi bỏ tấm áo thêu ra, và mặc vào mình một bộ quần áo của tên đánh ngựa, rồi đi xuống thành phố.

Trước hết, ông ta vào một hiệu buôn giầu. Cô con gái ông chủ tiệm hỏi:

- Anh tới đây làm gì vậy, anh đánh ngựa?

Anh chàng đánh ngựa trả lời:

- Tôi muốn cưới vợ, nếu cô ưng, cô sẽ là vợ tôi.

Cô con gái  ông chủ hiệu giầu có trả lời một cách khinh mạn:

- Anh không đủ giầu để xứng với tôi. Anh nên tới nhà con gái ông bán rổ rá nghèo khổ kia thì hơn.

Anh chàng đánh ngựa bèn tới cửa tiệm bán rổ rá.

Cô gái tóc vàng con ông chủ tiệm này hỏi:

- Anh tới mua rổ phải không?

Anh đánh ngựa nói:

- Không, nhưng tôi muốn cưới cô, nếu cô ưng tôi.

Cô con gái ông bán rổ trả lời:

- Có chứ, nếu anh thấy tôi vừa ý anh.

Anh đánh ngựa bèn trở về cung điện. Anh ta mặc lại bộ áo gấm đẹp đẽ, đeo thanh gươm vào, rồi trở xuống thành phố.

Anh ta vào nhà ông chủ tiệm giàu có, rồi hỏi cô con gái ông chủ:

- Bây giờ cô có ưng lấy tôi không?

Cô ta trả lời:

- Ô! Hoàng tử đẹp trai, có chứ, tôi rất lấy làm vinh hạnh.

Ông hoàng nói tiếp:

- Nhưng bây giờ đến lượt tôi, tôi lại không muốn lấy cô nữa.

Ông hoàng lại đến nhà con ông bán rổ.

Cô con gái ông này hỏi:

- Thưa ông hoàng, ông đến mua rổ phải không ạ?

Ông hoàng trả lời:

- Tôi tới để kiếm cô, cô không muốn lấy tôi ư?

Cô con gái tóc vàng của ông bán rổ nói:

- Không, thưa ông hoàng, vì tôi đã hứa hẹn với một người đánh ngựa hiền lành rồi.

Ông hoàng trẻ mỉm cười, nói:

- Cô không nhận ra tôi ư? Cô gái dễ thương, hãy nắm lấy tay tôi đi, và ta cùng trở về triều, cử hành lễ cưới.

Rồi ông ta đưa nàng về cung điện và họ sống với nhau ở đó rất lâu, giữa đám con cái ngoan ngoãn.


THU AN kể    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 109, ra ngày 5-10-1973)

Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Huyền Thoại Về Chim Họa Mi


Vào những đêm Xuân khi các loài chim khác đang ngủ ngon trong tổ ấm, thì chim Họa Mi bắt đầu cất tiếng hót làm ấm lòng người. Nhưng xưa kia không vậy, chim Họa Mi thường hót vào ban ngày chung với tiếng hót của những chú chào mào, vành khuyên, hồng tước, sơn ca…

Câu chuyện kể lại rằng hồi xưa, vào một đêm cuối Xuân, thay vì ngủ yên trong tổ ấm, chú Họa Mi lại đậu trên một cành nho dại thật cao để quan sát cảnh vật và trông nom cho gia đình chú đang ngủ trong tổ.

- “Ở trên cao này sẽ ít nguy hiểm hơn”, chú thầm nghĩ : “dù chỉ là một làn gió nhẹ hay một con vật lạ nào bò đến gần, cành nho sẽ lay động, và ta biết liền. Tiếng đập cánh của một con cú đi ăn đêm từ xa cũng vang đến tai ta rõ mồn một”.

Nhưng đêm đó thật là yên tĩnh và chú Họa Mi ngủ thiếp đi. Trong lúc ngủ say, hai sợi tay nho vươn lên móc quấn quanh lấy đôi chân bé nhỏ của chú. Đến sáng, khi tỉnh dậy, chú thấy mình đang bị cầm tù. Chú cố gắng vùng vẫy một cách tuyệt vọng để thoát thân, nhưng những tay nho vẫn cứ quấn chặt lấy chân chú. Chú bắt đầu lo sợ sẽ là mồi ngon cho những con quạ hoặc diều hâu, hay nếu không chú cũng sẽ bị chết đói. Chú Họa Mi bèn nghĩ đến những bác nông phu mà họ là những người bạn tốt của chú. Họ rất yêu các chú chim nhỏ vì đã đuổi bắt các sâu bọ côn trùng giúp họ.

- “Hỡi bác nông phu!” Chú cất tiếng kêu sầu thảm : “hỡi bác nông phu! Hãy đến cứu tôi… Hãy đến cắt cành nho đi để giải cứu tôi!”

Một nông phu ở gần cây nho dại nghe thấy tiếng kêu bèn bảo vợ : “Một con chim nhỏ đang kêu cầu cứu, ta phải mau tới giúp. Những con chim nhỏ là những đồng minh của chúng ta”.

Lần theo tiếng chim kêu, bác nông phu tiến đến một gốc nho.

- “Hãy cắt cành nho!”, con chim nhỏ van xin : “Bác nông phu ơi, hãy cắt cành nho để giải cứu tôi”.

Bác nông phu ngần ngừ trong giây lát. Chặt cây nho là cả một điều thiệt hại. Hàng năm nó cho rất nhiều trái nho khô nhỏ và cứng mà gà vịt của bác rất ưa thích. Nhưng dù sao cũng không thể để chú Họa Mi chết được. Chú lại đậu trên một nhánh nho thật cao khiến bác không thể nào với lên gỡ tay nho để giải cứu chú, ngoài cách chặt đứt cành nho. Bác nông phu ngần ngừ rồi quyết định đi lấy cái liềm… Và khi những chiếc lá nho xanh lả tả rơi trên mặt đất, chú Họa Mi rút được đôi chân bay lên cao với tiếng kêu sung sướng.

Rồi mùa thu năm sau tại nơi này có một hiện tượng rất lạ lùng : Trong khi tất cả những cây nho dại trong vùng của bác nông phu chỉ có những trái nho nhỏ, khô và cứng để cho gà vịt ăn thì chính cây nho của bác nông phu đầy lòng bác ái sai đầy những chùm nho thật đẹp. Mỗi trái nho to như một trái mận, thơm ngon đầy nước và thật ngọt… Từ trước đến nay bác chưa hề bao giờ thấy những trái nho ngon và đẹp đến như thế.

Bạn bè và hàng xóm xa gần đều đến chia vui và hỏi thăm bác nông phu:

- “Bí quyết của bác như thế nào? Làm sao bác có thể biến đổi một cây nho dại thành một cây nho tốt và quý báu như vậy?”

- “Ồ! Giản dị lắm”. Bác nông phu vui vẻ trả lời, “mùa xuân năm ngoái tôi đã giải cứu một con Họa Mi…”, rồi bác kể tiếp bác đã cắt cành nho như thế nào.

Từ đó, tất cả những cây nho dại đều được xén tỉa và đã cho những trái nho thật ngon ngọt. Riêng chú Họa Mi thì dù những cây nho có được xén tỉa hay không, chú cũng không còn bao giờ dám đậu trên những cành nho nữa.

… Và vào những đêm Xuân, ủ mình trong những tàu lá tươi xanh, chú Họa Mi cất tiếng hót thật hay để cám ơn bác nông phu đã cứu sống chú, đồng thời có ý nhắc nhở:

“Hỡi bác nông phu! Hãy nhớ xén cành nho,
Để có được những chùm nho thật ngon, thật đẹp.”


H. ROBITALLIE        
NGÔ BÁ TÙNG phỏng dịch


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 103, ra ngày 17-8-1973)

Bìa của Vi Vi : Lá thu vàng

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Cổ Tích


Ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem (Ảnh minh họa)




(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Giáp Dần, 1974)


Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Câu Chuyện Đầu Năm


Cửa nẻo đều đóng chặt suốt mấy dãy phố. Những đầu người lố nhố từ trên lầu thì trái lại. Họ ngẩn ngơ bởi đám đánh nhau. Hình như có người té ngửa. Chính là ông Bang Trưởng Triều Châu. Cây cờ cột bó cải, xâu tiền lủng lẳng từ lầu 3 nhà ông thò ra một cách vô duyên. Lân chưa kịp ăn bạc đã phải ăn siêu đao đến tét trán. May mắn là tay múa đã trút bỏ đầu lân ra. Hai phe hỗn chiến cũng chỉ vì tranh nhau khu vực và ganh tài. Hội lân Cầu Muối xưa nay nhiều tuổi nghề, hãnh diện với chòm râu bạc cả mấy năm trường. Vùng này lân Cầu Muối độc diễn. Ông Bang Trưởng dời qua mùng hai Tết mới tiếp khách. Sáng sớm mở cửa đã thấy lân địa chào mừng, trống, chập chõa rền vang. Ôi thôi, chú lân non lạy lia lịa cầu tài. Ông Bang Trưởng cười xuề xòa hối con cháu đem cây phướn đỏ ra, tự tay ông móc phần tiền thưởng đầu tiên và có lẽ nhiều nhất. Rồi đến anh Cả, anh Hai, anh Ba, cũng vung tay cho ra vẻ hào phóng. Lũ trẻ con cột thêm bó cải bên dưới sợi dây để có trọng lực. Chúng giành cắm cờ để nhử lân và lém lỉnh chạy tuốt lên lầu ba. Cây cờ rề qua rề lại khiêu khích. Lân và địa đi chưa hết bài quyền đã gặp rắc rối. Đúng lúc lân lăn một tua để chào thì đám lân Cầu Muối ùn tới. Chắc là có người thông báo lân Phú Thọ xâm phạm quyền lợi. Lân Cầu Muối cũng trổ tài không kém gì lân Phú Thọ. Bài quyền lân Cầu Muối sử dụng huê dạng và tốn nhiều công phu hơn. Nhất là khi lân lăn tròn hai con mắt có gắn pin chớp chớp y như thật. Ông Bang Trưởng há hốc mồm, hết xoa bụng phệ lại vuốt hàm râu. Trong khi ông bàn với mấy người con xem nên treo cây tiền khác hay không thì bên ngoài hai con lân gờm nhau. Lân Cầu Muối hất chòm râu bạc tiếp tục rượt ông địa. Lân Phú Thọ bắt chước y hệt. Lân Cầu Muối cõng người múa. Lân Phú Thọ cũng cõng cho cao. Trống của đôi bên vẫn dồn dập thôi thúc từng hồi. Khán giả vỗ tay tán thưởng khác nào xúi ganh đua. Lũ trẻ vừa mới đốt một tràng pháo điếc con ráy. Phe Cầu Muối mang cột tre ra. Bốn anh bắp thịt tay cuồn cuộn giữ chặt gốc. Anh chàng múa lân đã thấm mệt. Bấy giờ mới xuất hiện tay đầu não. Anh chàng này giắt đuôi lân vào thắt lưng, siết chặt bụng mình và leo thoăn thoắt. Tiếng vỗ tay vang dậy. Đám khán giả hiếu kỳ chưa rõ có sự gay cấn bu đen nghẹt đến mấy vòng người. Phe lân Phú Thọ không chịu lép vế. Xem ra võ nghệ phe này cũng khá tinh thông. Bên đây cũng đã ngất ngưởng ngọn tre. Hai con lân xoay vòng tròn với cái bụng làm điểm tựa. Mấy người giữ gốc bên dưới tháo mồ hôi. Lân Cầu Muối nghinh ngang chòm râu bạc khinh thường lân Phú Thọ. Anh chàng đổi thế đứng một chân, đầu lân vẫn lúc lắc ăn khớp nhịp trống. Tiếng vỗ tay như sấm giữa sự hốt hoảng của lân Phú Thọ. Lân Phú Thọ tuột xuống trước. Lân Cầu Muối vẫn còn hăng, lại chịu bụng xoay vòng vòng, trước khi xuống ngược thân mình. Phe bên Phú Thọ chụm lại bàn tán. Họ dời lần cột tre về phía nhà lầu. Lân Phú Thọ leo lên lần nữa. Thì ra ý định phe này giựt giàn rồi chuồn. Cũng tại mấy người con ông Bang Trưởng cản tía treo thêm cây tiền khác. Phe Cầu Muối đâu có dại. Vừa thấy lân Phú Thọ toan đớp bạc – Cây tiền từ nãy giờ đứng yên vì lũ trẻ đã xuống dưới sân và neo ở lan can lầu – phe Cầu Muối ùa tới, kẻ đao người giáo… nhất tề đâm, đập. Mấy người giữ gốc, gồng mình cho lân leo xuống, vội thoát mở đường máu. Mấy đứa nhỏ cũng buông trống xông vào đấm đá nhau. Anh chàng múa lân vướng 
víu suýt chút nữa lãnh thẹo. Khán giả rùng rùng chạy tản ra. Con nít bị anh chị kéo chạy, té khóc nhốn nháo. Ai cũng sợ tai bay vạ gió nên rút hết vào nhà. Chỉ còn mỗi ông Bang Trưởng phục phịch can gián. Ông ăn một ngọn cước vô tình nơi bụng đầy mỡ phải chu chéo lên. Mấy người con nhào đại ra để kéo sểnh ông. Đã có kẻ đổ máu dù khí giới không bén cho lắm. Phe Cầu Muối thắng thế rượt phe Phú Thọ lạc cả đoàn. Mạnh ai nấy thâu thập vật dụng để thoát thân. Có kẻ còn quăng bỏ của chạy lấy người. Mấy người con ông Bang Trưởng lăng xăng và một anh lo lắng chạy đi báo phú-lít. Tu huýt dài theo bước chân sầm sập của mấy ông bạn dân. Họ cầm ma-trắc ùa tới. Bãi chiến trường chỉ còn ngổn ngang ngọn côn gãy, tre dập, dùi trống với hàm râu đen của lân Phú Thọ bị xé rách tiếp lớp xác pháo hồng dày như lá cỏ. Mười mấy thước pháo : biết bao nhiêu tiền ông Bang Trưởng đã đốt. Như mà có gặp đám giang hồ này, mấy thày phú-lít cũng chào thua, giải tán là cùng, chứ còn lâu mới động được tới bọn chúng.

- Rồi sao nữa ba? – Bọn chúng tôi nhao nhao lên.

- Thì ông Bang Trưởng mời mấy thày phú-lít vào nhà ăn mứt, nhẩm xà… tiếp theo đó chứ sao.

- Ba kể chuyện lân cơ.

Ba tôi thong thả nhồi thuốc vào “píp”, hút và thở một hơi khoan khoái.

Sau đó cuộc tranh hùng tạm lắng dịu. Lân Cầu Muối đắc thắng cười nói rầm rộ trở về.

Lân vờn tiền xà đớp dễ dàng. Ba lại theo đám đông bu xem ké. Coi bộ anh nào cũng hể hả dù mệt nhoài. Ba cũng bỏ cơm nước theo đuôi đám múa lân, suốt ngày đó họ đớp bạc no nê.

Họ mà đụng đám lân nào khác là ra tay đánh dằn mặt ngay. Nào lân Ngã sáu, lân Cây Gõ, lân Phú Lâm, lân Bình Đông… đều phải kiêng nể lân Cầu Muối.

- Họ dữ quá tay – Tiếng nhỏ Hà chen vô.

- Lân râu bạc mà lỵ – Nhóc Hưng phụ đề.

- Bây giờ thì hiếm thấy lân râu bạc xuất hiện rồi. Con lân nào gan góc lắm cũng chỉ dám sắm sửa bộ râu hoa râm, hoặc là để hàm râu đen cũ mốc mà thôi.

- Chắc lân Cầu Muối chết?

- Bậy nà. Họ chỉ muốn tránh xung đột. Vả lại thời buổi kinh tế khó khăn, đám tiền bối giang hồ ẩn dật, chỉ truyền một ít nghề cho đám hậu sinh múa may quay cuồng kiếm chác ba ngày Tết. Có ngày đi mỏi chân không có ai mời lân. Lân đã dở, thiếu pháo múa càng không có hứng.

Chợt có tiếng ồn ào, rõ ràng là lân… Mấy đứa em tôi lấn nhau ngoài cửa… Trống, chập chõa, liên hồi… Tùng, tùng, cắc, tùng, tùng, cắc, tùng, tùng…

Mấy đứa nhỏ xuýt xoa thất vọng. Chiếc xe hàng chở đám múa trên mui chạy thoáng qua. Sự tiến bộ đã gây một phần nào bất tiện. Mấy đứa nhỏ trở vào nhà lôi đồ nghề ra. Chúng múa lân. Lân và địa mặc đồ vía, bày đặt bước chéo chân thụt tới đi lui cho ra hồn. Nhỏ Hà đánh trống loạn cả lên. Nhỏ Hải quành ra sân, luồn qua salon… Khiến nhỏ Hưng cầm đuôi chạy theo bở hơi tai. Nhóc Tiên vừa tìm được cây quạt xong. Ông địa độn bụng lắc lư. Lân chồm lên định chụp tôi. Nào lân, nào địa kêu nài:

- Anh Hai, treo giải thưởng cho tụi em.

Tôi né ra sau lưng ba tôi cầu cứu:

- Má la kìa.

Quả thật, má tôi không bằng lòng các con đùa giỡn với đồ mới chút nào. Ba tôi móc tiền túi ra:

- Đứa nào tìm cái gì treo tiền coi.

Má tôi cản lại trong tiếng cả cười của ba:

- Thôi thôi… lấy cây chổi lông gà mà treo.

Lũ em tôi với lũ con cậu, con chú đồng thanh ăn vạ:

- Mồng một mà má.

- Mồng một mà cô… bác…

- Kìa, lân quì lạy má xin tiền đẹp chưa!!


PHAN KHƯƠNG THÁI     


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 136, ra ngày 15-3-1975)

Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Như Cành Lộc Biếc














một chút xanh hàng cây thơm lá mới
ngày an bình chim hót ở trên không
nghe tình vui trên những đóa môi hồng
xao xuyến quá cõi lòng ta rộn rã

đợi em về trời ngoan cơn nắng lạ
gót chân hồng mang bóng lá thương yêu
anh đứng chờ trong thoáng gió nâng niu
nghe hoa nở trên đầu cành hạnh phúc

cây tường vi rung hồi chuông náo nức
cũng làm cho rạo rực cả hồn anh
chim bay về trên hàng lá sao xanh
cùng một lượt hót bài ca hạnh ngộ

em chưa đến nên vườn anh mở ngỏ
khi mùa xuân thương nhớ rụng trong sân
có thoáng nào cho anh chút bâng khuâng
chân bước vụn nghe hồn mình trống trải

và em đến như loài chim ưu ái
áo tiểu thư thơm mùi vải lần đầu
tóc đen dài bay ngát những hương ngâu
môi chớm nở một mùa xuân thương nhớ

là lúc nắng bay trong vườn rạng rỡ
là nỗi buồn tan vỡ nét uyên nguyên
nghe trong vườn vang động tiếng chim khuyên
nhạc thanh thoát bay đầy trên cổ tháp

anh làm thơ ngợi ca mùa tháng chạp
cùng những mầm non rung động dịu dàng
cho em về như bước sẻ qua ngang
làm háo hức nụ mơ vàng trong gió

ta bên nhau nắng thêu hồng lối nhỏ
tình yêu nồng thơm hoa cỏ bâng khuâng
khi ta về trời động vỡ mùa xuân
tin mừng chạy trên những cành lộc biếc

THƯƠNG VŨ MINH

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông Xuân Nhâm Tý, 1972)

Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

5 Câu Chuyện Dê


Năm nay là năm Đinh Mùi, năm con dê. Nhẽ ra, tôi phải viết một bài với cái tựa đề là : “Năm Dê nói chuyện dê” cũng như người ta vẫn thường viết : “Năm gà nói chuyện gà, năm vịt nói chuyện vịt” (Quên, xin lỗi! Không có năm vịt). Nhưng tôi thiết nghĩ cái loại bài đó nó “cổ lổ” quá rồi, mà độc giả Tuổi Hoa thì lại toàn là những bậc thiếu niên anh tuấn, học lực uyên bác, triết lý cao siêu nên năm nay, tôi xin cống hiến các bạn 5 câu chuyện có liên qua xa gần tới loài Dê, gọi là : Đầu Xuân kể truyện tầm phào cho vui!


1) TÔ VŨ CHĂN DÊ

Đây là một câu chuyện Tàu.

Vào đời nhà Hán (100 năm trước Thiên Chúa Giáng Sinh) nước Trung Hoa bị rợ Hung Nô (giặc Hồ) quấy phá biên giới. Nước Tàu tuy mạnh nhưng bọn Hung Nô cũng không phải là yếu kém, hơn nữa lại nổi tiếng dã man, tàn nhẫn số một, bởi vậy vua nhà Hán thầm nghĩ rằng : rầy rà rắc rối với bọn rợ Hồ đó cũng phiền lắm chứ chẳng chơi, thắng được nó mình cũng đến trật vẩy. Mà nếu chẳng may bị thua thì thật là mất mặt… thiên triều!

Sau nhiều đêm ngày bỏ ăn bỏ ngủ suy nghĩ đến hao tổn cả long nhan và sau nhiều lần họp bàn với bá quan văn võ trong triều, vua nhà Hán tìm ra được một cách có thể tạm gọi là… thượng sách! Đó là dùng mỹ nhân kế để lấy lòng Hung Nô. Vua bèn sai tìm một thiếu nữ thật đẹp để đem biếu tướng Hung Nô. Sau bao ngày tìm kiếm, chọn lựa, vua tuyển được một thiếu nữ cực kỳ diễm lệ, đó là nàng Chiêu Quân.

Thật là:

Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng mán thằng mường nó leo.

Nàng Chiêu Quân cũng biết thế nên khóc lóc thảm thiết xin vua đừng thi hành cái lệnh ác nghiệt là đem nàng cống giặc Hồ, kẻo uổng phí cả một đời xuân sắc. Đứng trước cảnh một thiếu nữ hạt lệ đầm đìa ai mà chẳng mủi lòng, vua Hán chắc cũng mủi lòng lắm, nhưng vì “quyền lợi quốc gia” nên dù có mủi lòng đi nữa ngài cũng chỉ có thể “khóc thầm bên trong” còn ngoài mặt thì vẫn phải phớt tỉnh Ăng-lê để thi hành… mưu kế.

Thế là nàng Chiêu Quân bị đem đi cống Hồ và người có trách nhiệm đưa nàng đi là Tô Vũ. Bị ức hiếp và nhất là không thể nào sống được với tướng Hung Nô nên nửa đường nàng Chiêu Quân nhảy xuống sông tự tử và… chết (lúc đó chưa có đoàn người nhái hoặc sở cứu hỏa nên cứ nhảy xuống thì chết là cái chắc). Bởi vậy nhẽ ra Tô Vũ phải đến với tướng Hung Nô với một nàng Chiêu Quân xinh đẹp thì chàng lại ra mắt hắn với hai bàn tay trắng. Mặc cho Tô Vũ phân trần và trình bày thiện chí của vua Hán cũng như của mình, tướng Hung Nô vẫn không thèm để tai, hắn xài xể Tô Vũ một trận như tát nước và sau cùng, để trừng phạt, tướng Hung Nô bèn đày chàng ra sa mạc chăn một bầy dê đực!

Đường đường là sứ giả của một đại cường quốc mà phải làm một anh chăn dê ở một chỗ cùng tịch, Tô Vũ cũng phải cắn răng chịu, vì : “Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay”. Từ đó ngày qua ngày, Tô Vũ sống với bầy dê giữa một vùng sa mạc quạnh hiu.

Vua nhà Hán thấy lâu quá rồi mà Tô Vũ chưa về, lấy làm nóng ruột lắm, bèn thảo một bức thư gửi cho tướng Hung Nô để hỏi thăm về Tô Vũ. Được thư, tướng Hung Nô băn khoăn vô cùng, dù sao hắn vẫn kiêng hể vua Trung Hoa, bây giờ nói thật là đầy Tô Vũ, sứ giả của nhà vua ra sa mạc chăn dê thì chắc chắn vua Hán phải nóng mặt, lúc ấy sẽ rầy rà to. Tướng Hung Nô cũng định thả Tô Vũ về cho xong chuyện, nhưng hắn lại thôi vì nghĩ rằng khi được thả về, Tô Vũ sẽ tỉ tê kể lại cho vua nhà Hán nghe tất cả sự thật cũng phiền. Suy đi nghĩ lại, tướng Hung Nô quyết định viết thư trả lời cho vua Hán, trong đó nói dối là không may Tô Vũ đã chết rồi. Được thư, không biết vua Hán có khóc lóc thảm thiết không, chỉ biết rằng ngài đinh ninh Tô Vũ chết thật rồi nên tỏ ý rất là thương tiếc, ngài có biết đâu trong lúc mình đang tiếc thương vớ vỉn như thế thì Tô Vũ đang cặm cụi chăn dê tại miền sa mạc quạnh hiu.

Nhưng mà ông trời có mắt, cây ngay không sợ chết đứng. Ngày nọ Tô Vũ vớ được một con chim nhạn, đó là một loại chim đưa thư rất giỏi. Tô Vũ thảo một bức thư kể hết đầu đuôi câu chuyện và hiện trạng của mình rồi cột thư vào chân chim, tung cho nó bay về hướng Nam. Thế rồi người Tàu nhận được thư của Tô Vũ, dâng lên nhà vua. Xem thư, nhà vua nổi trận lôi đình, giận cho tụi Hung Nô dám qua mặt mình, bèn tức tốc thảo một tối hậu thư cho tướng Hung Nô, hẹn phải cấp thời thả Tô Vũ về nước, nếu không hai bên sẽ có một màn đấu chưởng.

Nhận thư, giặc Hung Nô sau khi suy tính hơn thiệt phải trả tự do cho Tô Vũ. Hỡi ơi, ngày ra đi Tô Vũ là một vị quan triều đình uy nghi lẫm liệt, lệnh tiễn cầm tay mà nay sau khi được thoát khỏi kiếp chăn dê, Tô Vũ về nước trình diện nhà vua với một thân hình tiều tụy, râu tóc bạc phơ, cái mà hồi xưa được mệnh là lệnh tiễn, giờ đây chỉ còn là một cái que không hơn không kém.


2) DÊ ĐỰC ĐẺ!

Đã có chuyện Tàu giờ lại có chuyện ta.

Ôi, cái chuyện dê xứ An-nam mới thật là khủng khiếp, ai đời dê đực lại đẻ bao giờ? Cứ xem tất biết:

Những cái chuyện tréo cẳng ngỗng ở xứ An-nam ta đa số đều có mặt Trạng Quỳnh, một nhân vật nổi tiếng mưu mẹo và tinh nghịch. Vậy thì cái chuyện dê đực đẻ con này cũng có bóng dáng đại ca Trạng Quỳnh.

Số là một ngày nào đó vua Tàu (lại Tàu) nổi hứng muốn đánh nước ta chơi, vì nghe dân xứ mình có nhiều thứ bổ béo có thể xài được lắm. Nhưng khi không cậy lớn mà đánh người ta nó kỳ lắm, lại mang tiếng là du đãng! Vua Tàu bèn nghĩ ra một kế, sai một sứ giả ăn vận chỉnh tề mang thư sang cho vua nước ta.

Sau khi nhận thư, vua ta mở ra coi thì… trời ơi! Thật là kỳ cục! Vua Tàu đòi nước ta phải cống cho lão 10 con dê đực biết đẻ, nếu không là… có chuyện.

Vua ta đem chuyện trình bày với triều đình, vua quan đều đổ mồ hôi hột không biết tính sao. Thôi rồi, phen này coi chừng mà tan tành xí quách. Trạng Quỳnh lúc đó cũng có mặt, đợi đến lúc không ai có ý kiến gì, tất cả đều nghẹn ngào không nói nên lời, Quỳnh mới xin phát biểu ý kiến. Sau khi Quỳnh trình bày kế hoạch, từ vua chí quan đều hoan hô Quỳnh hết mình, lúc nầy ai nấy hình như đều quên đi những cái đùa dai của Quỳnh đối với mình. Dưới mắt của họ, lúc đó, Quỳnh thật là một anh hùng cứu quốc.

Ngày giờ thấm thoát thoi đưa, quanh quẩn thế mà đã đến ngày sứ giả nước Tàu qua nhận đồ triều cống, vua ra lệnh cho treo đèn kết hoa tưng bừng chào đón. Trong khi đó, Quỳnh cải trang thành một người nhà quê ăn mặc rách rưới, quần áo nhọ nhem bẩn thỉu rồi lén ra nằm dưới một gầm cầu, nơi mà theo lộ trình, sứ giả nước Tàu sẽ phải đi qua.

Quỳnh nằm vắt chân chữ ngũ, dưới gầm cầu một lát thì nghe tiếng xe ngựa rầm rập. Biết là sứ giả sắp đi qua, Quỳnh chuẩn bị sẵn sàng. Khi sứ giả tới chỗ Quỳnh nằm, Quỳnh bèn vận hết công lực khóc lên mấy tiếng “ô hô” thật lớn. Kể ra nội công của Quỳnh cũng thâm hậu lắm nên tiếng khóc của Quỳnh át cả tiếng xe ngựa đang di chuyển. Sứ giả thấy lạ bèn dừng xe lại, nhìn xuống gầm cầu thì thấy một kẻ đang khóc lóc thảm thiết. Được “mắt xanh” chiếu cố, Quỳnh càng khóc thật khỏe. sứ giả nóng ruột muốn biết rõ nguyên nhân của một hiện tượng kỳ quái bèn sai lính xuống gầm cầu điệu Quỳnh lên. Quỳnh bước lên trình diện mọi người với một dung nhan vô cùng ủ dột, hạt châu rơi lã chã và khi sứ giả nước Tàu hỏi nguyên do, Quỳnh bèn nấc lên mấy tiếng, khóc rống lên một hồi, lính xúm lại dỗ Quỳnh cũng không nín, cảnh tượng thật thương tâm khiến ai nấy đều mủi lòng. Mãi sau, Quỳnh mới thưa:

- Bẩm quan lớn, tôi khóc vì… tôi thương bố tôi quá… Hic… Hic…

Sứ giả vội dỗ:

- Thôi, nín đi nào, liền ông mà khóc như vậy chỉ tổ bị liền bà nó cười vào mũi. Bố ngươi bị hoạn nạn làm sao mà ngươi thương dữ vậy?

Quỳnh rống lên:

- Ối giời ơi! Người ta ức hiếp bố tôi, người ta bắt nạt bố tôi, tôi chịu làm sao nổi. Thôi, các ngài cứ để tôi chết cho yên chuyện.

Nói xong, Quỳnh toan đập đầu vào thành cầu tự tử, may thay sứ giả nhanh tay ngăn lại kịp:

- Thôi mà chú em, làm chi kỳ rứa, cứ kể đầu đuôi ta nghe xem. Mà chú nói người ta ức hiếp bố chú, vậy chứ người ta là ai?

Quỳnh sụt sịt:

- Dạ… dạ… người ta là… là mẹ tôi đấy ạ!

Sứ giả trợn mắt:

- Sao? Mẹ chú bắt nạt bố chú à?... Thôi, đúng bố chú thuộc hội “Râu quặp” rồi. Nhưng mà mẹ chú bắt nạt bố chú ra làm sao?

Quỳnh đỏ mặt, e lệ như cô gái mười tám:

- Dạ, cái chuyện của mẹ tôi nó kỳ quá à! Khó nói lắm.

- Thì cứ nói ta nghe.

- Dạ, quan lớn đã dạy, tôi xin tuân. Số là hôm qua mẹ tôi gọi bố tôi lại bảo : “Mình à, cái số mình thiệt là sướng, suốt ngày rong chơi chẳng biết chi là lo buồn… Còn tôi, đã hơn mười lần mang nặng đẻ đau tưởng như đứt gan đứt ruột. Thôi, vợ chồng sướng cùng sướng, khổ cùng khổ, vậy mai này mình chịu khó đẻ giúp tôi một đứa con trai nhé!” Rồi không đợi cho bố tôi phát biểu ý kiến, mẹ tôi tiếp : “Mình mà không chịu làm theo lời tôi, tôi bỏ mình cho mà xem, tôi kiếm cái ông nào biết đẻ tôi làm vợ cho sướng cái thân tôi”. Trời ơi! Nghe mẹ tôi nói, bố tôi khóc lóc như mưa, tôi dỗ mãi cũng chả chịu nín, tôi buồn quá nên cũng ra gầm cầu nằm khóc…

Sứ giả buột miệng:

- Sao lại có mụ đàn bà ngu dại điên khùng đến thế nhỉ? Mụ có tìm cả đời cũng chả được một thằng đàn ông biết đẻ.

Quỳnh lễ phép thưa:

- Ấy, vậy mà mẹ tôi còn khôn đấy chứ, tôi còn biết có đứa ngu gấp mười mẹ tôi cơ.

Sứ giả lắc đầu:

- Ta cam đoan, mẹ chú là người ngu nhất trên thế gian từ tạo thiên lập địa đến giờ.

Quỳnh làm như không biết người đang nói chuyện với mình là ai, trả lời luôn:

- Thưa quan lớn, thế ngài chưa biết tin gì sao? Tôi vừa nghe nói cái lão vua gì bên Tàu đòi nước mình tìm cho lão mười con dê đực biết đẻ. Mẹ tôi chỉ kiếm một người đàn ông kỳ lạ đó, mẹ tôi chỉ ngu một, nhưng mà cái lão vua Tàu tìm mười con dê quái quỉ kia thì quả là lão ngu gấp mười mẹ tôi. Mấy hôm nay đi đâu tôi cũng nghe người ta cười vào mũi lão vua Tàu là ngu như bò. Thế ngài, ngài có thấy lão ấy ngu không?

Nghe Quỳnh hỏi, sứ giả nước Tàu tái mặt, vội vã ra lệnh quày xe trở về. Quỳnh đứng nhìn theo cười sằng sặc.


3) TẠI SAO ĐÀN BÀ KHÔNG RÂU MÀ DÊ CÁI LẠI CÓ RÂU?

Cái đề thật là hấp dẫn.

Mà quả nhiên như vậy, đối với loài người chúng ta, phụ nữ làm gì có râu, mặt mũi họ trắng trẻo sạch sẽ và cằm thì nhẵn nhụi đàng hoàng lắm, trái lại đàn ông thì lại phải có râu mới được. Thôi thì đủ thứ râu : râu cá chốt, râu ba chòm, râu quai nón, râu quặp…

Ngược lại, loài dê thật là kỳ quái, những chàng dê đực bói cũng không ra một sợi râu nào trong khi những cô dê cái, cô nào cũng có một bộ râu thật là hách. Tại sao lại có sự lạ lùng như vậy? Cho đến bây giờ cũng chưa ai giải thích được, vì vậy để tạm hiểu, mời các bạn nghe câu chuyện có pha chút thần thoại sau đây:

Số là ngày xưa dê cũng như người, dê đực có râu còn dê cái không râu, thật là đàng hoàng dễ hiểu. Nhưng một biến cố khủng khiếp xảy ra đã khiến cái chân lý vĩnh cửu là giống cái không râu bị sụp đổ. Cái biến cố nó như thế này:

 Thời đó, có một ông vua (người kể chuyện không cho biết ông vua tên gì và cũng không cho biết ông ta cai trị nước nào). Ông vua này đúng là một hôn quân, ông ta không bao giờ lo việc triều chính mà suốt ngày chỉ lo vui chơi phè phỡn, rượu nồng dê béo liên miên. Với dân chúng ông ta rất tàn ác, bày đặt ra bao nhiêu thứ sưu thuế kỳ lạ để lấy tiền của dân… và còn biết bao điều bất nhân khác mà ông vua ấy đã thực hiện.

Tiếng đồn nhà vua là hôn quân bạo chúa vang đến tai một vị thần. Sau khi điều tra cẩn thận, vị thần thấy tiếng đồn quả không sai, nhà vua thật không hổ danh là một hôn quân bạo chúa. Ông thần này chắc còn trẻ nên bản tính nghịch ngợm, ông mới nghĩ ra một trò để trừng phạt nhẹ ông vua tàn ác một phen.

Ngày nọ, lính nhà vua thấy một anh nhà quê cắp một thúng cam đến trước cửa hoàng cung rao inh ỏi, lính chạy ra đuổi, bảo đem ra chợ mà bán, anh chàng nhất định không chịu đi, bảo : “ Đây tôi bán một thứ cam rất quí, chỉ nhà vua mới đáng dùng, còn thứ dân giả sức mấy được ăn”. Nói rồi anh chàng mở cái thúng ra, quả nhiên những quả cam chàng ta bán thật là ngon : nó to lớn lạ thường, vỏ vàng bóng và như mọng nước, hương thơm tỏa ra ngào ngạt.

Lính thấy vậy liền dẫn anh chàng bán cam vào ra mắt nhà vua. Vừa thấy cam, nhà vua đã muốn chảy nước miếng. Chàng bán cam bóc một quả dâng vua, vua dùng qua quả nhiên thấy thơm ngon lạ thường ; thích quá, bèn mua cả thúng cam với một số tiền vàng rất hậu. Anh chàng bán cam đi rồi, vua sai quân hầu bóc cam để vua ăn tiếp cho đã thèm. Nhưng lạ thay, người ta bóc hết quả này sang quả khác, chỉ thấy có vỏ không. Vua giận quá tức tốc cho lính đuổi theo bắt chàng bán cam lại.

Chàng bán cam đang đi ngoài đường bỗng nghe thấy tiếng lính tráng đuổi theo đằng sau, chàng ta cũng không lấy đó làm sợ hãi (vì chàng chính là vị thần cải dạng), trái lại còn có ý đi chậm lại để chờ. Lính đã bắt kịp, không nói không rằng lấy dây thừng trói gô anh bán cam lại, điệu về hoàng cung để nhà vua đối chất.

Vừa thấy mặt anh bán cam, vua nổi giận đùng đùng hét:

- Tên kia, sao ngươi dám cả gan phạm tội khi quân?

Với vẻ mặt ngơ ngác, anh chàng bán cam tâu:

- Tâu bệ hạ, thần chả hiểu tí gì cả. Trước sau thần vẫn một lòng tôn kính bệ hạ thì sao lại có thể nói thần phạm tội khi quân được.

Vua càng giận, quát:

- Qua mặt trẫm mà không phải là khi quân thì như thế nào mới đáng gọi là khi quân hở tên kia?

Anh bán cam vội vã sụp xuống:

- Tâu bệ hạ, nào thần có bao giờ dám qua mặt bệ hạ.

- Thế sao thúng cam ngươi bán cho ta chỉ toàn là vỏ?

- Ủa, làm gì có chuyện lạ ấy. Đâu, bệ hạ thử cho thần xem lại thúng cam coi.

Thúng cam được mang ra, lúc đó lại trở thành những quả cam ngon ngọt, anh bán cam lại bóc dâng vua một quả, vua ăn thấy vẫn ngon như quả cam trước. Vua thấy không có lý do gì để bắt tội người ta, bèn thả anh bán cam ra.

Nhưng khi anh bán cam vừa ra khỏi hoàng cung thì thúng cam lại trở thành một đống vỏ. Vua tức quá, cho anh chàng bán cam là phủ thủy, bèn sai một võ tướng chỉ huy một đạo quân đuổi theo quyết giết cho được anh bán cam mới nghe.

Lần này, ông thần không để bị bắt như lần trước, ông ta chạy vun vút như tên bắn, nhưng chỉ cách lính nhà vua một khoảng vừa phải như để trêu họ chơi. Ông ta dụ cho bọn lính đuổi theo đến một cánh đồng, nơi đó có người đang chăn một bầy dê rất đông vừa đực vừa cái lẫn lộn. Để cho bọn lính tức chơi, ông thần chạy vào giữa đám dê thì vụt biến mất. Ông tướng chỉ huy quân lính đuổi theo cho rằng ông thần là lão phù thủy và như vậy rất có thể ông đã nhập vào một con dê nào đó để trốn, bèn quan sát xem con dê nào có triệu chứng bất thường thì giết đi. Nhưng than ôi! Những con dê tầm thường ấy đâu có đáng để được một vị thần nhập vào, nên con dê nào cũng vẫn nhởn nhơ xơi cỏ như thường. Chính vì thấy con nào cũng như con nào, không nhận thấy sự đặc biệt ở riêng một con dê nào cả, ông võ tướng muốn cho chắc ăn liền ra lệnh chém đầu tất cả bầy dê cho xong chuyện. Mặc nho người chăn dê khóc lóc thảm thiết, quân lính vẫn thi hành mệnh lệnh. Chỉ nháy mắt hàng mấy chục cái đầu dê lăn lóc, máu đổ tung tóe. Tàn sát xong bầy dê, ông võ tướng thu quân ra về, chắc mẩm “tên phù thủy” kia đã chết trong lốt dê rồi.

Bọn lính đi khỏi, người chăn dê vẫn khóc như cha chết, mà khóc cũng phải vì cơ nghiệp ông ta chỉ có mỗi bầy dê, nay mất đi thì hoàn toàn tay trắng. Thấy ông ta khóc quá, ông thần hiện ra hỏi:

- Tên kia, sao ngươi khóc?

(Nhẽ ra ông thần phải biết nguyên do cái khóc của ông chăn dê, bất tất phải hỏi. Nhưng trong bất cứ một truyện cổ tích nào khi ông thần hoặc bà thần hiện ra với một người đang khóc vì mới gặp chuyện đau khổ đều hỏi một câu tương tự như câu trên. Vì vậy ở đây người kể chuyện cũng viết cái câu hỏi “đưa duyên” ấy cho ra vẻ một câu chuyện cổ tích)

Ông chăn dê thấy một vị thần uy nghi lẫm liệt hiện ra, lòng khấp khởi mừng thầm, chắc sắp được giúp đỡ chi đây, bèn sụt sùi đáp:

- Thưa ngài, mới đây có bọn lính đuổi bắt một người đến đây thì người ấy trốn mất. Giận cá chém thớt, bọn lính giết cả bầy dê của tôi.

Ông thần bèn phán:

- Thôi, ngươi đừng khóc nữa, để ta cho bầy dê của ngươi được hồi sinh.

Nói xong, ông thu thập tất cả đầu và mình dê lại lắp vào nhau ; con dê nào được lắp xong đầu đều sống ngay, cười lên mấy tiếng “be be” rồi cúi đầu ăn cỏ. Tuy nhiên, ông thần vốn là một cao thủ của làng Dzíc Dzắc, nên trong máu của ông, chất tếu chiếm đến 75%, vì vậy đáng lẽ đầu dê nào thì lắp vào mình dê ấy, ông ta lại nhè cứ đầu dê đực thì lắp vào mình dê cái và ngược lại đầu dê cái lắp sang mình dê đực.

Sau khi hoàn tất công việc, ông thần buồn cười quá, cười lên một tràng thật dài rồi biến mất. Còn ông chăn dê mãi đến lúc lùa dê về ông mới khám phá ra rằng hôm nay mấy anh dê đực anh nào cũng… mày râu nhẵn nhụi, còn mấy chị dê cái, chị nào cũng có một bộ râu… dê, bay phất phơ theo gió.

Câu chuyện đáng lẽ đến đây là hết nhưng người kể chuyện đoán rằng vào một thời nào đó tất cả dê trên thế gian này đều lăn đùng ra chết hết , trừ có bầy dê lạ lùng kia, và như thế chúng cứ sinh sôi nẩy nở ra cho đến bây giờ, người ta chỉ tìm thấy rặt một giống dê đực không râu và một giống dê cái có râu.


4) BÁCH LÝ HỀ VÀ NĂM BỘ DA DÊ.

Đây lại là một câu chuyện Tàu, chắc hẳn là nước Tàu nhiều dê lắm.

Bách-Lý-Hề là người nước Ngu, hơn ba mươi tuổi mới chịu lấy một cô vợ tên là Đỗ-Thị, sau đó sinh được một tí nhau.

Nhà nghèo lắm, Bách Lý Hề và con phải vào rừng săn chim đốn củi còn Đỗ Thị ở nhà buôn bán quanh quẩn kiếm ăn qua ngày.

Bách Lý Hề thực ra không phải là người tầm thường, Hề tài giỏi lại có chí khí, đã nhiều lần muốn giã nhà đi lập công danh nhưng cứ sợ vợ con bơ vơ không nơi nương tựa nên lại thôi. Đỗ Thị biết ý chồng, bảo:

- Thiếp trộm nghĩ làm trai thì phải tạo công danh sự nghiệp, để lưu tiếng với núi sông. Chàng đừng có vì mẹ con thiếp mà uổng mất tài trai, thiếp vẫn có thể tần tảo nuôi con chờ ngày chàng về chung hưởng phú quí.

Nghe vợ nói Bách Lý Hề khoái chí tử, sửa soạn đi ngay. Nhưng vì không gặp thời nên nhiều phen phải khốn đốn, đã có lần phải ăn xin nơi đất Điệt, lúc khác phải chăn trâu. Sau Hề cùng người anh kết nghĩa là Kiểm Thúc trở về nước Ngu thì Đỗ Thị và con nghèo đói quá đã lưu lạc phương nào rồi. Bách Lý hề được bạn cũ đang làm quan trong triều tiến dẫn nên được vua nước Ngu cho làm quan Trung Đại Phu.

Không được bao lâu vua nước Ngu mất, rồi Tần Hiến Công đánh chiếm được nước Ngu. Muốn gả chồng cho con gái là công chúa Bá Cơ sang Tần, Tần Hiến Công bắt Hề phải theo hầu công chúa. Bách Lý Hề giận mình suốt đời chỉ làm tôi đòi cho người khác nên nửa đường định trốn sang nước Tấn, nhưng vì nghẽn đường nên lại tới Uyển Thành thuộc nước Sở, ở đó phải chăn trâu cho người ta, sau được tiến dẫn vào chăn trâu cho vua nước Sở.

Công chúa Bá Cơ sang Tần, dò lại sổ sách những người theo hầu thì thấy tên Bách Lý Hề đã biến mất từ hồi nào, có người mách lẻo bảo Hề đã trốn sang nước Sở rồi. Tần Mục Công điều tra biết Hề là người tài trí muốn dùng nên định sai người mang lễ vật sang vua Sở xin chuộc lại, nhưng có người can rằng:

- Vua Sở không biết tài của Bách Lý Hề nên bắt chăn trâu, nay đem lễ vật sang chuộc tất vua Sở biết Hề là người tài sẽ giữ lại không trả. Chi bằng cứ đem năm bộ da dê sang chuộc Bách Lý Hề về, bảo rằng đó là một tội phạm cần đem về trị tội.

Theo kế đó vua Tần chuộc được Hề về phong cho làm Tể tướng, lúc ấy Bách Lý Hề đã 70 tuổi.

Bấy giờ Đỗ Thị nghèo quá cũng lưu lạc sang nước Tần, phải làm thuê giặt mướn. Nghe tin chồng được làm Tể tướng muốn gặp mà không được. Nhân ngày nọ quan Tể tướng mở tiệc mừng tại tư dinh, mời ban nhạc đến hát mua vui, Đỗ Thị xin phường nhạc cho vào theo để giúp vui. Nhạc công đưa cho Đỗ Thị cây đàn, nàng đánh lên mấy tiếng nhặt khoan làm Tể tướng Bách Lý Hề giật mình nhận ngay ra tiếng đàn của vợ mình. Ở dưới, Đỗ Thị vừa gảy đàn vừa hát:

“Bách Lý Hề, năm bộ da dê,
Nhớ ngày nào ly biệt,
Dưng dưng lệ đôi hàng
Mổ con gà mái ấp,
Thổi lưng cơm gạo vàng,
Đói no có thiếp có chàng
Giờ ai chung đỉnh giàu sang một mình.

Bách Lý hề, năm bộ da dê,
Cha ngồi trên ăn thịt,
Con ngoài ngõ khóc dài,
Chồng giàu sang gấm vóc,
Vợ đói giặt thuê hoài,
Nay chàng rực rỡ cân đai,
Trướng môn cách biệt, thiếp ngoài cửa hiên

Bách Lý Hề, năm bộ da dê,
Suốt một đời lận đận,
Nai lưng phận tôi đòi,
Anh hùng không gặp vận,
Than bất công, hỡi trời!
Giờ đây đeo ấn phong hầu
Chàng ôi! Có nhớ cơ cầu năm xưa?” (*)

Bách Lý hề nghe tiếng hát, bước xuống thềm nhận ngay ra được vợ, cả hai cùng khóc như mưa như bão. Từ đó vợ chồng con cái được đoàn tụ.
____________
Trích trong cuốn “Gương danh tướng” của Toàn Phong.


5) CON DÊ CÁI CỦA ÔNG SEGUIN.

Hết chuyện dê Tàu, dê Ta, bây giờ đến chuyện dê Tây.

Người ta bảo rằng đây là một câu chuyện mà cho đến bây giờ những người dân miền Provence nước Pháp vẫn còn thường kể cho con cháu nghe. Hôm nay thay lời những người dân quê đó, người kể chuyện xin viết lại để bạn đọc cùng thưởng thức:

Ngày xưa (nhưng chắc cũng không xưa lắm) có một nông gia tên là Seguin. Ngoài công việc trồng trọt ông này còn chịu khó nuôi một bầy dê kiếm lời thêm. Nhưng đau khổ thay, ông này hình như không có duyên với dê nên cứ liên tiếp vào những buổi sáng, các cô dê cái của ông tháo tung cả dây buộc cổ và hăng say leo lên núi để rồi không trở về nữa, các nàng dê ấy đã tự biến mình thành miếng mồi ngon của con sói hung dữ sống lẩn khuất trên núi.

Ông đã mất đến 6 con dê trong những trường hợp tương tự. Nhưng vốn tính kiên nhẫn, ông tậu thêm con dê thứ bảy và quyết giữ gìn chăm sóc nó thật cẩn thận. Người ta bảo con số bảy là con số rất đẹp và quả nhiên con dê thứ bảy cũng đẹp lắm, nó có một đôi mắt hiền lành ngơ ngác, một cặp sừng nhọn, và những chiếc móng đen bóng. Đã đẹp, con dê này lại còn dễ thương nữa, bao giờ cũng đứng yên khi ông chủ vắt sữa.

Bởi vậy ông Seguin rất hài lòng về con dê này, ông thương nó như người cha yêu đứa con gái duy nhất vậy. Sau nhà ông có khu vườn rộng đầy cỏ cây thơm mát và có hàng rào đàng hoàng, ông chắc chắn rằng con dê này sẽ không chịu chung số phận như những con trước.

Nhưng mà:

“Sông sâu còn có kẻ dò,
Nào ai lấy thước mà đo lòng… dê!”

Một ngày nọ con dê ngỏ ý xin ông chủ cho mình… lên núi chơi. Nghe tin động trời, ông Seguin suýt chết ngất, ông vội vã cho con dê an trí trong chuồng bò và cẩn thận khóa hai lần cửa. Nhưng, không biết ta có nên nói “ “Dê đã muốn là trời muốn” không, vì khốn khổ! Ông Seguin lại quên đóng cái cửa sổ sau chuồng. Thế là sau khi đợi cho ông chủ “cù lần” quay lưng, con dê phóng qua cửa sổ chạy tuốt lên núi.

Được thoát cũi xổng chuồng, con dê vui mừng quá sức, trên núi không khí thật mát mẻ và cỏ cây tươi tốt biết chừng nào! Con dê mải mê vui đùa cho đến khi trời sắp tối mới cảm thấy hơi lo sợ. Nó ngừng bước và bỗng nhiên nghe thấy tiếng kêu của ông Seguin ở dưới thung lũng gọi nó trở về. Con dê nghĩ đến con chó sói mà nó vẫn nghe người ta nhắc đến. Nó cảm thấy sợ sệt và muốn quay trở về với mảnh vườn nhỏ bé dưới thung lũng. Nhưng nghĩ tới sợi dây, cái cọc, con dê lại cảm thấy chán ngán rồi nó quyết định ở lại, và con dê tự nhủ rằng sẽ dùng đến đôi sừng nhọn của mình một khi gặp con sói hung dữ.


Trong bóng đêm bỗng con dê nghe thấy tiếng động nhẹ và bắt gặp một đôi mắt xanh lè đang chòng chọc nhìn nó. Bản năng tự vệ bừng lên, con dê nằm mọp xuống đưa thẳng hai sừng ra đàng trước thủ thế. Con sói từ từ tiến đến và một trận giao tranh khá ác liệt diễn ra, nhưng có bao giờ dê lại thắng chó sói bao giờ nên khi những vì sao vừa đua nhau lặn hết, ánh sáng bắt đầu xuất hiện và tiếng gà dưới thung lũng đã vọng lên thì con sói cũng vừa vật con dê ngã xuống giữa một vũng máu đào.

*

Đáng nhẽ, sau mỗi truyện, người kể muốn thêm một “Lời bình” hầu giúp các bạn thấy ngay ngụ ý của câu chuyện, khỏi tốn công suy nghĩ, nhưng lại sợ quí bạn chê… Đành thôi! Và người kể truyện chỉ thầm mong sang năm Đinh Mùi, các bạn sáng suốt nhận ra những điều hay, điều dở để chúng ta biết hướng cuộc đời theo một lý tưởng mà hy vọng rằng các bạn đã đặt sẵn cho mình.


QUYÊN DI    


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Đinh Mùi, 1967)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>