Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Bé Đi Chúc Tết


Bé Tu nhìn bóng bé trong gương. Mái tóc cột thành hai bím nhỏ có thắt nơ vàng, trông tựa hai cánh bướm đang nhởn nhơ như muốn hôn đôi gò má hồng hồng bầu bĩnh của cô bé. Bé khẽ mỉm cười. Trông bé lớn hơn “năm ngoái” chứ lỵ. Mà đẹp hơn nữa cơ. Giống cô bé Hồng Nhung trong truyện cổ tích chi lạ.

- Mau lên chứ bé! Sao diện quá vậy?

Bé quay lại nhìn. Cò mỉm cười chế diễu:

- Chao ơi! Bé Tu hôm nay xinh quá!

Cò trông cũng “oai” ra gì đấy chứ. Cu cậu mặc chiếc quần sọt màu xanh nước biển, bên trong là chiếc sơ mi trắng ủi thật thẳng nếp. Đầu chải rẽ, đường ngôi thẳng băng cứ y như là đường rầy xe lửa ý. Hôm nay bé Tu mặc áo dài trắng cơ, có thêu vài cánh lá non màu xanh nữa chứ! Hai bé đã sửa soạn xong xuôi nắm tay nhau dắt ra trước, lễ phép thưa ba me:

- Thưa ba me, cho hai con đi chúc Tết các anh chị trong ban biên tập Tuổi Hoa ạ.

Ba bảo:

- Ừ! Các con đi đi, nhưng sao không ăn điểm tâm đã.

Cò thưa:

- Thưa ba, đến nhà các anh chị tha hồ mà ăn ạ.

Hai đứa bước ra cửa, me còn dặn vói theo:

- Đi cho khéo chứ xe cộ ba ngày Tết đông lắm nha các con!

- Dạ.

Hai bé nhảy cỡn lên vui mừng như đôi chim non. Ra đến đầu ngõ thì gặp ngay bé Hồng Diễm. Diễm hẹn đúng giờ ghê cơ. Thế mới xứng đáng là một cô bé gương mẫu trong Đồng Cỏ Non chứ lỵ. Hôm nay, Diễm mặc áo đầm thật mới, cũng màu trắng và có thêu hoa hồng.

Diễm hỏi:

- Mình đi đâu trước hở các “đằng ấy”?

Cò lên giọng kẻ cả:

- Đến nhà anh Cả trước chứ đi đâu nữa.

Thế là các bé đi dọc theo con đường Trương Minh Giảng rồi rẽ vào Kỳ Đồng. Trời hãy còn sớm nên đường phố rất ít người qua lại. Nhưng thỉnh thoảng cũng có những tà áo dài phất phơ, bên cạnh những bộ veston tề chỉnh. Có lẽ họ đi Chùa, hay đi nhà thờ, chứ mồng một ít ai đi thăm họ hàng.

Chẳng mấy chốc, ngôi nhà anh Trường Sơn đã hiện ra trước mặt các bé. Từ ngoài đường nhìn vào, Cò thấy ngay một cây hoàng mai, nở đầy hoa vàng, lung linh trước làn gió Xuân mát dịu. Mải mê đứng ngắm, bỗng tiếng bé Tu làm Cò giật mình:

- Nhận chuông đi chứ anh Cò.

Cò nhón chân, đặt tay vào nút điện ấn nhẹ một cái. Tiếng “reng reng” từ trong vang lên nho nhỏ. Chị Bích Thủy trong chiếc áo dài Việt Nam màu cà phê sữa, bước ra vui vẻ chào các bé. Bé Tu reo trước nhất:

- Chào chị Cả ạ.

Chị mở cửa rồi bảo các bé vào nhà. Căn phòng trang hoàng đẹp đẽ hơn mọi hôm. Trên chiếc tủ sách, những cành hoa đào Đà lạt cắn đôi môi đỏ thắm, e lệ nhìn các bé. Tường vôi mới quét màu xanh lá chuối non có đặt một vài bức tranh phong cảnh của họa sĩ Vi Vi vào đó trông nổi bật hẳn lên. Giữa phòng là một chiếc bàn tròn đầy bánh mứt và hạt dưa. Chung quanh bàn, các anh Trường Sơn, Khôi Việt, Vũ Chinh và chị Bạch Liên đang trò chuyện. Thấy các bé vô, mọi người cất tiếng cười vui vẻ:

- Ồ! Các bé cưng đi chúc Tết đấy à? Ngoan quá nhỉ! Trông bé nào cũng xinh và lớn hẳn lên cơ.

Anh Trường Sơn bảo:

- Ngồi vào ghế đi các bé!

Cò còn đứng do dự, chưa dám ngồi thì bé Hồng Diễm đã bảo:

- Cò chúc Tết đi chứ!

Eo ơi! Từ bé đến giờ Cò có làm công việc này bao giờ đâu, thế mà hai cô bé này lại “chơi khôn” dồn Cò vào chỗ bí. Cò đỏ mặt… còn hơn ông mặt trời vào những ngày nắng gắt mùa hạ nữa cơ. Quay mặt về phía anh Trường Sơn và chị Bích Thủy, lắp bắp mãi Cò mới thốt nên lời:

- Năm mới đến, các bé xin chúc anh chị được… bách niên giai lão (Ấy, bé bắt chước ba me đấy nhé!) để chăm lo cho tờ Tuổi Hoa mỗi ngày mỗi hay mỗi đẹp.

Bé Hồng Diễm chúc thêm:

- Riêng chị Cả phải viết nhiều nhiều một tí chứ cứ để các anh ấy lấn đất hoài, bé hổng thèm đâu.

Chị Bích Thủy bẹo má cô bé Diễm rồi mắng yêu:

- Gớm! Cô khéo nịnh chị lắm nhé! Chị còn phải lo cho các “nhóc tì” của chị nữa chứ!

Những giọng cười chợt vang lên như những tràng pháo. Khi sự im lặng trở lại, Cò quay về phía bộ ba Khôi Việt Bạch Liên, chúc tiếp:

- Năm mới đến (lại năm mới đến) các bé xin chúc các anh chị được…

Cò nhíu mày suy nghĩ:

- Được… được… được gì nhỉ? Bé quên mất rồi, để bé nghĩ một tí đã nhé!

Mọi người lại được dịp cười xòa. Cò mắc cỡ ngoảnh mặt ra sau. Bé Tu lên tiếng:

- Thôi để bé chúc tiếp cho nha! Bé chúc các anh chị khám phá ra được nhiều kho tàng bí mật để làm giàu cho nước Việt mến yêu. Riêng chị Bạch Liên phải trổ tài trinh thám cho thật cừ để các anh chị độc giả Tuổi Hoa lác mắt chơi!

Khôi Việt vỗ tay bôm bốp. Vũ Chinh cũng vỗ theo. Bạch Liên mỉm cười:

- Chị không ngờ bé Tu của chị hôm nay ăn nói hay ghê. Được rồi, chị sẽ thưởng cho bé một món quà đặc biệt nha!

Bạch Liên đi lại tủ sách lấy một chiếc hộp có bao giấy hồng và buộc nơ vàng thật đẹp, đặt vào tay bé Tu. Tu lí nhí cám ơn. Khôi cũng bước lại tủ kính mang một chiếc hộp khác đặt vào tay Hồng diễm.

- Còn anh cho cưng cái này nhé!

Riêng Cò chẳng có gì cả. Cu cậu đứng buồn thiu trông thật thảm thương. Nhưng Việt đã “bợ” một chiếc hộp khác to hơn, đi về phía cậu bé:

- Đây, quà của Cò đây.

Cò liếc nhìn bé Tu và bé Hồng Diễm như ngầm bảo “Cò cũng có quà như ai chớ bộ”. Nét mặt Cò lúc ấy tươi hơn lúc nào hết.

Rồi Cò xoay qua anh Vũ Chinh:

- Năm mới, bé chúc anh sáng tác thật hăng nhé!

Nghe xong, anh Cả lên tiếng:

- Thôi bây giờ, anh xin thay mặt tất cả các anh chị ở đây để chúc các bé một năm mới vui vẻ, ngoan ngoãn, học hành tiến bộ. Riêng Cò năm mới… bớt nghịch ngợm. Bé Tu với bé Hồng Diễm thì không được đòi quà anh Vi và anh Trinh nữa!

Các bé “dạ” rõ to. Chị Bích Thủy lên tiếng:

- Thôi mời anh Cả, các em và các bé ngồi xuống dùng miếng mứt đầu năm cho vui.

Tất cả ngồi xuống ghế! Bạch Liên chợt nghĩ đến hộp mứt ngũ vị của chị Bích Thủy năm ngoái bị các bé của chị ấy “cất kỹ… vào bụng” và suýt nữa các bé được ăn bánh canh roi no nê, mà mỉm cười một mình, rồi khôi hài:

- Em thích ăn hộp mứt ngũ vị cơ.

Mọi người cười theo. Một bầu không khí vui tươi hồn nhiên tỏa khắp gian phòng. Tia nắng ấm len lén chạy vào cửa sổ, đùa giỡn với những cánh hoa đào trên tủ sách. Nàng gió Xuân chơi trò ú tim trong những làn tóc xanh non của các bé một cách thú vị.

*

Rời khỏi nhà anh Trường Sơn, các bé đi dọc theo đường Kỳ Đồng đến nhà bác chủ nhiệm và chú quản lý. Nhưng chẳng có ai ở nhà hết. Uổng ghê! Nếu không các bé lại được một phen lì xì nữa rồi. Nhưng cũng may là có chị Hồng Hạnh ở đó. Chị đang lúi húi làm việc ở bàn viết, thấy các bé đến, chị vui vẻ mỉm cười:

- Các bé đi thăm bác chủ nhiệm với chú quản lý phải không?

Bé Hồng Diễm “nịnh đầm”:

- Các bé còn thăm chị nữa chứ bộ.

Chị Hạnh “chun” mũi”

- Gớm! Cô “tâm lý” quá thôi.

Tu hỏi:

- Chị đang làm gì đấy?

- Chị đang ghi tên các anh chị vào gia đình Tuổi Hoa đây.

- Chị siêng quá nhỉ? Tết nhứt mà cũng làm việc.

Cò chúc luôn:

- Sang năm mới bé chúc chị rảnh rang hơn nhé!

Rồi các bé xin phép “cáo lui” sau khi đã nhờ chị Hanh chuyển lời Chúc Tết của các bé đến bác chủ nhiệm và chú quản lý.

Ra khỏi tòa soạn, định lại chị Tỉ Tỉ, các bé bỗng nghe có tiếng gọi:

- Các bé trong Đồng Cỏ Non đó hỉ?

Quay lại nhìn các bé bỗng gặp chị Tỉ Tỉ. Cò reo lên:

- Dạ, bọn em đây chị!

Chị hỏi bằng giọng Huế nghe êm tai chi lạ!

- Các bé đi mô rứa hỉ?

Bé Hồng Diễm chợt nhớ ra là bé đã học được một vài tiếng Huế do chị Kim Dao Phương truyền lại, trong kỳ nghỉ hè năm ngoái, bèn đem ra “xổ”:

- Bé định lại mừng tuổi chị a tề.

Chả biết bé nói có đúng giọng Huế một trăm phần trăm không mà chị Tỉ Tỉ khoái chí mỉm cười. Riêng Cò và bé Tu thì phục cô bé này ghê lắm. Rồi Diễm thao thao bất tuyệt:

- Chừ thì thôi. Gặp ri cũng được rồi hỉ? Năm mới bé chúc anh chị hạnh phúc đời đời, riêng chị sáng tác cho nhiều hỉ! Hồi ở ngoài nớ, chị viết hăng ghê! Chứ vô trong ni, răng chị viết ít chi lạ. Ờ! Mà chị nhớ chuyển lời bé đến anh nớ với hỉ?

Chị Tỉ Tỉ chúc lại các bé rồi lì xì mỗi bé một bịch kẹo cau, ngon tuyệt có kèm theo một phong giấy đỏ “bí mật” nữa chứ! Xong, các bé từ giã chị Tỉ Tỉ… lên đường đến nhà anh Quyên Di, đường Phan Thanh Giản.

Anh Quyên Di đang ở trên lầu. Thấy các bé đến, cô bé Minh Nguyệt vội chạy lên gọi anh ơi ới! Thì ra anh đang chơi harmonica, nghe nói có khách anh vừa cầm chiếc kèn vừa chạy xuống thang lầu rồi bảo:

- Tưởng ai, té ra các nhóc tì của Đồng Cỏ Non.

Bé Tu làm nũng:

- Anh không tiếp các bé hả? Bé hổng thèm đâu, đi về cho xem!

Anh bèn xuống nước năn nỉ:

- Ối! Các bé nhõng nhẽo quá giống anh Trinh Chí… mấy năm trước ghê! Thảo nào chả làm em của anh ấy!

Cò “dọa”:

- Anh nói xấu anh Trinh hả? Được rồi, bé sẽ mách lại với anh ấy cho xem!

- Đùa một tí mà! Thôi cho anh xin đi. Anh em các người làm nũng thì chắc là anh phải… tốn tiền xí muội đấy!

Bé Hồng Diễm lên tiếng:
- Bây giờ anh phải thổi đền cho các bé một bản nhạc xuân bằng harmonica cơ.

Anh Quyên Di đành phải nhượng bộ các bé:

- Được rồi, nhưng các bé ngồi vào ghế đàng hoàng đã chứ!

Khi các bé đã an tọa thì tiếng harmonica của anh Quyên Di cũng bắt đầu vang lên những âm điệu trầm bổng, êm ái làm sao! Các bé thật không ngờ ngoài biệt tài làm thơ và viết cho tuổi trăng tròn, anh Quyên Di lại kiêm luôn nghề thổi harmonica nữa chứ!

Sau khi đã chúc tụng xong xuôi (ủa quên! Bé chỉ chúc anh Quyên làm thơ hay, viết cho tuổi trăng tròn càng ngày càng hấp dẫn chứ có “tụng” gì đâu nào) và được mấy bịch lì xì đo đỏ, thì các bé kéo bộ lại nhà cô Minh Quân cũng gần đấy thôi.

Đến nơi gặp chị Thu và cu Vũ đang ngồi chơi cờ cá ngựa ở trước hiên nhà, Diễm hỏi chị Thu:

- Có cô Minh Quân ở nhà không hở chị?

Vũ nhanh nhẩu đáp:

- Có, để Vũ chạy vô gọi mẹ Vũ ra nhé!

Vũ đi rồi, Cò hỏi chị Thu:

- Cô Minh đang làm gì trong đó hở chị? Các bé đến làm phiền cô quá!

Vừa lúc ấy thì cô Minh đã bước ra, mỉm cười với các bé:

- Vào chơi đi các bé, cô vừa khai bút xong.

Cò thắc mắc:

- Khai bút là gì hở cô?

- Là viết vào ngày đầu năm đó cháu! Năm nào cô cũng viết ít nhất là một tiếng đồng hồ. Cô còn bắt chị Thu và cu Vũ viết nữa cơ. Nhưng chỉ viết chừng nửa tiếng thôi!

- Hay nhỉ! Được rồi, chốc nữa về cháu cũng khai bút cho vui.

Bé Diễm chế diễu:

- Cò có biết làm thơ viết truyện đâu mà cũng khai bút.

Nhưng cô Minh đã bảo:

- Vũ nó cũng đâu có biết viết truyện. Chép bài hay làm toán cũng là một cách khai bút các cháu ạ.

Bé Tu xen vào:

- Vậy mình cũng khai bút Diễm nhé!

Sau khi đã chúc cô Minh được nhiều may mắn trong năm tới, nhất là không bị tài xế lý tưởng Suzuki (tức chị Thu đấy)… đánh rơi như năm ngoái nữa, các bé bèn thẳng tiến đến nhà anh Hoàng Đăng cấp ở đường Nguyễn Thiện Thuật.

Anh ấy đang say sưa đọc một cuốn sách, bên cạnh là một chồng bài học trò cao nghệu, chỉ nhìn thôi các bé đã rùng mình rồi.

Các bé tiến vào cửa lúc nào anh Hoàng cũng chẳng hay, đến lúc ngước mặt lên, chợt thấy các bé, anh ấy mới… ra lệnh:

- Vào đi các bé! Đến lâu chưa? Anh mải mê công việc chẳng hay biết gì cả.

Cò đáp:

- Các bé đến cũng lâu rồi, nhưng thấy anh bận nên không dám gọi.

Anh dắt các bé vào, rồi gọi người nhà đem mứt bánh ra dọn. Cò lần này có vẻ dạn dĩ hơn, đứng dậy chúc:

- Năm mới bé chúc anh phát minh nhiều điều mới lạ trong lãnh vực khoa học và giải đáp thắc mắc thật “chì” để các anh chị trong gia đình Tuổi Hoa “nể” chơi.

Anh Hoàng khiêm nhượng:

- Anh chỉ biết cố gắng giải đáp thôi chứ có phát minh gì đâu nào!

Nhưng anh Hoàng nói tiếp ngay:

- À! Anh cũng có phát minh chứ!

Thấy các bé trố mắt nhìn, anh Hoàng cười mỉm chi:

- Phát minh của anh là một chất Hóa học có ký hiệu Th, chất này thuộc về ngoại hạng không có ở trong bảng phân hạng tuần hoàn các nguyên tố.

Cò liến thoắng hỏi:

- Th là chất gì hở anh? Ở đâu có vậy anh?

Ngó Cò, anh Hoàng lại cười:

- Chất Th là chất Tuổi Hoa ở trạng thái thiên nhiên, khắp nơi đều có như Huế, Đà Nẵng, Sài gòn, Cà mau v.v… Chất này quan trọng lắm, anh đang nghiên cứu các đồng vị, tính chất vật lý, hóa học của nó. Ngoài ra anh còn đang tìm phương pháp điều chế và công dụng của nó nữa.

Rồi anh lấy trong tủ sách ra ba quyển dịch cuốn “Người Việt cao quí”… lì xì cho mỗi bé một quyển. Thật là ông giáo sư có khác. Lúc nào cũng sách với vở không hà!

Các bé bèn đón taxi “dông” về Thị Nghè, đến nhà anh Trinh Chí. Chả thấy ảnh đâu cả. Em gái anh ấy đang đứng trước bàn sửa lại mấy cành mai vàng cắm trong lọ sứ. Bé Hồng Diễm reo lên trước tiên:

- Chào chị Thúy ạ!

Thúy ngước mắt ra nhìn:

- Chào các bé… Cỏ non!

Không đợi chị mời, các bé đã bước vào:

- Anh Trinh đâu hả chị?

- Anh ấy bận trả lời thư cho các bé trong Đồng Cỏ Non đấy.

- Chị đừng nói nhé! Để… hiệp sĩ Cò vô “hù” anh Trinh chơi!

Nhưng Cò chưa vào, thì anh ấy đã bước ra cười vui vẻ:

- Còn lâu Cò mới hù anh được!

Bé Hồng Diễm mở lời chúc Tết:

- Năm mới bé chúc anh Cai Đồng Cỏ Non của các bé mập thêm một tí để… trả lời thư cho các bé thật nhiều, chứ các bé trong đồng cứ than anh Trinh chậm thư hoài à.

Sau khi được chị Thúy đãi một “chầu” dưa hấu, các bé lên đường đến nhà anh Vi Vi, ở mãi tận Gia Định cơ – gần trường Cao đẳng Mỹ thuật đấy mà.

Chao ơi! Cái anh họa sĩ này sao mà “nghệ sĩ” ghê cơ. Tóc dài đến ót vẫn không chịu hớt, năm ngoái Táo Quân lên trình Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng có “xuống chiếu” ra lệnh cắt ngắn mà anh ấy vẫn tỉnh bơ hà.

Các bé vào đến cửa, một chú chó ra sủa gâu gâu. Cò toan co giò chạy thì anh Vi Vi đã ra đến cửa bảo:

- Không sao đâu các bé, nó hiền lắm đó. Hiệp sĩ gì mà thỏ đế quá vậy.

Rồi anh dắt các bé vào nhà. Cò than:

- Chú chó của anh làm bé sợ bắt đói bụng luôn anh Vi ơi!

- Anh đền cho các bé… bánh tét nhân mây nhé!

Các bé nhao nhao phản đối:

- Xí! Bé hổng thèm đâu.

- Chứ cái chi bây giờ?

- Bánh tét nhân thịt cơ.

Thế là anh Vi phải “thân chinh” xuống bếp cắt bánh để thết các bé. Nói nhỏ với các bạn nha : Anh Vi ngoài tài vẽ vời hoa lá, anh còn là một cây “nội trợ” đấy. Giỏi chưa?

Khi ăn uống no nê rồi, các bé mới bắt đầu chúc Tết:

- Năm mới đến, các bé chúc anh chị (ủa quên, anh Vi thôi chứ!) vẽ hay vẽ đẹp gấp năm gấp mười năm qua và được giải thưởng đều đều để khao kem các bé ăn với nha!

- Khôn hén!

Nói rồi anh “âm thầm” móc trong túi quần ra một phong pháo, châm ngòi đốt. Tiếng nổ tạch đùng vang lên, những mảnh giấy vụn tung tóe đầy nhà. Bé Tu và bé Hồng Diễm bịt tai nhắm mắt lại. Cò khoái chí vỗ tay bôm bốp như muốn làm cho niềm vui lớn rộng thêm lên. Anh Vi nhìn các bé mỉm cười trong ánh nắng xuân hồng mát dịu.


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Mậu Thân, 1968)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>