Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

CHƯƠNG 7_CHIẾC BẪY KỲ NHÔNG


7


Xù nấp ở một bụi cây, hồi hộp chờ đợi con mồi sa bẫy: chú kỳ nhông vẫn không biết có người rình, cứ đủng đỉnh bò tới. Dáng nó lượn bởi bốn chân thấp thật uyển chuyển. Da nó óng ánh đỏ, xanh lẫn nhau dưới ánh nắng chiều. Đôi mắt nó chăm chú nhìn miếng mồi ngon nằm yên trong chiếc bẫy. Nó không ngại gì cả, nhưng vẫn chưa đớp mồi vội.

Từ ngày làm chiếc bẫy kỳ nhông, mỗi ngày Xù bắt được cũng khá nhiều. Nó đã may được cho bà Tám cái áo mới để mặc trong mùa lạnh. Những chú kỳ nhông to tướng thường giúp Xù có những món tiền khá hơn, cuộc sống của hai bà cháu nhờ thế đỡ chật vật.

Chú kỳ nhông vẫn không hay biết gì về dự tính người ta đang gài bẫy chú. Chú lượn quanh con mồi, rồi nhanh như chớp, chú lượn tới đớp lấy món ăn khoái khẩu.

Nhưng… chiếc bẫy đã sập. Chú ta lúng túng trong mấy khoanh tre nhỏ hẹp. Chú giương đôi mắt căm hờn nhìn đứa trẻ đang vừa cười vừa chui ra khỏi bụi cây. Xù bỏ chú vào chiếc rọ, nói một mình:

- Con này lớn quá. Da lại đẹp nữa, giá mình không cần bán thì để lại nuôi chơi cũng thích.

Trong rọ đã có sẵn bốn, năm con kỳ nhông khác đang giương mắt nhìn tên tù binh mới. Có lẽ thấy hình dạng to lớn của tên tù binh mới vô, nên các chú kỳ nhông đều ngán và lủi mắt đi nơi khác, không dám nhìn chú ta nữa.

Xù mang giỏ kỳ nhông ra chợ. Nó ngồi ở một góc quen thuộc đợi khách hàng. Mấy con kỳ nhông bò qua bò lại trong giỏ: chúng không còn ham dẫy dụa, chống cự như hồi mới bị bắt nữa.

Một thằng bé trạc tuổi Xù đi qua, đứng lại nhìn giỏ kỳ nhông, hỏi Xù:

- Bao nhiêu một con?

Xù hỏi lại:

- Anh mua con nào? Mỗi con tùy theo lớn nhỏ, giá khác nhau.

Thằng bé chỉ tay vào con lớn nhất, có khoang đà trên bộ da nâu:

- Đó, con này nè.

- Con này anh cho bốn chục.

Thằng bé nhún vai:

- Mắc dữ. Mười lăm đồng thôi.

Xù lắc đầu:

- Bẫy nó khó lắm, con này lại lớn nữa, anh trả thêm mua dùm tui.

Thằng bé bỏ đi. Xù luyến tiếc nhìn theo. Một người đàn bà dừng lại, hỏi nó:

- Bán hả em?

- Dạ thưa bà phải ạ.

Thấy Xù lễ phép, thiếu phụ có vẻ hài lòng. Bà ngắm nghía mấy con kỳ nhông rồi định giá:

- Bán hết mấy con này bao nhiêu em?

- Thưa bà cho con hai trăm.

- Nói thiệt đi chị mua cho. Có bảy con nho nhỏ thôi mà.

- Thưa bà muốn mua con để trăm tám thôi ạ. Rẻ quá không được.

- Em bẫy thứ này có khó không?

Xù thật thà:

- Dạ không khó lắm, nhưng phải chịu khó ngồi chờ.

Thiếu phụ dường như có cảm tình với Xù, hỏi tiếp:

- Nhà em ở đâu mà bẫy được thứ này?

Xù chỉ tay vào hướng rừng:

- Thưa nhà em trong phía rừng kia ạ.

Thiếu phụ le lưỡi:

- Xa dữ vậy à? Mà cha mẹ em đâu? Em ở với ai mà phải đi bẫy kỳ nhông bán vậy nè?

Xù không hiểu thiếu phụ sao cứ hỏi về mình hoài, nhưng nó cũng lễ phép trả lời:

- Dạ, cha mẹ em chết hết rồi. Em ở với bà nội.

- Tội nghiệp. Người đàn bà buông tiếng thở dài. Bà em chắc già lắm rồi?

Xù hơi cúi mặt khi trả lời:

- Thưa bà phải. Bà em già rồi lại bị mù lòa nữa, thành ra em phải đi làm nuôi bà.

Thiếu phụ suy nghĩ một hồi, bà nhìn Xù một lúc rồi nói đột ngột: 


- Hay là… em về ở với “qua” đi. Không làm việc gì nặng nhọc đâu. Lại có tiền đem về cho bà nội nữa.

Xù yên lặng. Nó thoáng suy nghĩ. Đành rằng nếu nó về ở hẳn với người đàn bà này nó sẽ sung sướng hơn nhiều. Nó sẽ không phải vất vả gì nhiều, khỏi phải ngồi dầm nắng giữa trưa để nín thở chờ từng con kỳ nhông vô tình tham mồi, mà sẽ có một số tiền nhất định để nuôi bà nó. Nhưng Xù chợt xót xa liên tưởng đến đôi mắt sâu hóm, mù lòa của bà Tám. Đôi mắt không còn ánh sáng, và thân thể gầy gò của bà sẽ ra sao nếu không có nó săn sóc sớm hôm? Không, nó không thể tìm sung sướng một mình để khổ cho vị ân nhân của nó nay đã trở thành một con người tàn tật được. Ý nghĩ làm Xù vừa thương hại bà Tám, vừa cảm thấy thoải mái vì nó đã làm được những điều phải. Nó trả lời bà khách đang chờ đợi:

- Em cảm ơn bà thương em. Nhưng thà em chịu khổ đi bẫy từng con kỳ nhông để bán kiếm tiền, em còn chạy đi, chạy về chăm sóc nội em được. Em không muốn bỏ nội em một mình.

Bà khách nhìn nó một cách khâm phục:

- Thôi, tùy em. Em muốn ở nhà chăm sóc cho bà nội thì thôi. Em bán cho “qua” mấy con kỳ nhông đó đi. Hai trăm cũng được.

Xù cảm kích nhìn bà khách. Nó vừa trao giỏ kỳ nhông cho bà, vừa nghĩ đến món ăn bà sẽ làm với mấy con kỳ nhông mua được của nó. “Chắc là bằm nhỏ trộn với nước mắm chanh ớt, hành thơm rồi gói lá chanh đem nướng chứ gì”. Nó nói thầm như vậy, vì có lần nó nghe bà nội nói về món ăn kỳ nhông ngon nhất là nướng với lá chanh.

Cầm hai trăm đồng trong tay, Xù cảm thấy hớn hở lạ lùng. Nó đi một vòng chợ, tính trong đầu óc sẽ mua gì để trưa về nấu cháo cho bà Tám ăn. Mấy bữa nó hay mua cá bống đem về kho mặn, vừa để bà Tám ăn cháo, vừa để nó ăn cơm luôn thể. Nhưng hôm nay, được tới hai trăm đồng, nó nhất định phải “đãi” bà Tám một món gì thật ngon mới được. Nó đến hàng tôm, sờ đống tôm lớn chất cao trong mẹt và hỏi giá. Bà bán hàng nhìn nó bằng tia nhìn khinh khỉnh, không thèm trả lời, ý chừng còn sợ nó nhanh tay ăn cắp, bà ta lấy tay dùa đống tôm về phía mình. Thằng Xù ức lắm, vì từ bé, nó không có ý định ăn cắp bao giờ. Cực chẳng đã, nó phải giơ tờ bạc hai trăm ra trước mắt bà bán hàng, hỏi lại:

- Bao nhiêu một trăm ,bà?

Bấy giờ bà bán hàng mới trả lời bằng giọng cộc lốc:

- Ba chục.

Xù nhẩm lại: ba chục một trăm thì cũng được đi, nhưng một trăm gam tôm thì được mấy con thôi, làm sao vừa nấu cháo, vừa kho được nó trả:

- Hai chục nghe bà.

Bà bán hàng trừng mắt:

- Không mua thì thôi, đi chỗ khác cho tao bán.

Xù thất vọng. Nó đi ngược lại hàng thịt heo. Lần này nó ý tứ, đưa trước cho bà hàng thịt thấy tờ giấy bạc rồi mới hỏi giá. Bà hàng thịt có vẻ dịu dàng hơn, bảo nó:

- Sáu chục một trăm thịt nạc.

Xù lựa một miếng thịt bằng bàn tay bỏ lên bàn cân. Nó nói:

- Bác cân dùm xem miếng thịt này bao nhiêu.

Bà hàng thịt bỏ trái cân lên rồi trả lời:

- Trăm rưỡi. Em đưa qua chín chục.

Xù ngã giá:

- Bảy chục được không bác?

Bà hàng thịt lắc đầu. Xù thêm:

- Thôi, bảy lăm đi. Bác bán cho cháu đi mà.

Lại lắc đầu. Xù dợm bước đi. Không hiểu nghĩ sao bà hàng gọi nó lại:

- Ê nhỏ, bảy lăm đó, lấy đi.

Bà gói miếng thịt vào miếng giấy, trao cho nó. Xù đợi thối tiền xong, mới chạy đi mua lít gạo, mấy đồng nước mắm rồi rảo chân đi nhanh về nhà.

Xù bước chân vào cửa, nó thấy bà Tám đang lúi húi dưới bếp, nó gọi lớn:

- Nội ơi.

Có tiếng bà Tám “ơi” thật lớn, rồi bà lần lên nhà trên, hỏi Xù:

- Con về đó à?

- Dạ, bán hết rồi nội à.

- Khá không con?

- Dạ khá, có bà khách mua dùm con cả giỏ, được tới hai trăm lận nội.

Xù nhìn gói thịt, gạo trên tay, nói tiếp:

- Trưa nay con nấu cháo thịt heo nạc cho nội ăn nghe.

Dường như đôi mắt sâu hóm kéo màn trắng đục của bà Tám cố nhướng lên, như muốn mở hẳn ra để nhìn vào mặt đứa cháu nuôi hiếu thảo. Giọng bà nghèn nghẹn:

- Thôi con, bày chi cho tốn. Kho cá bống với nước mắm cho nội ăn được rồi.

- Không mà, con muốn “đãi” nội một bữa mà.

Rồi nó đem chuyện bà khách lạ muốn đưa nó về ở nhà bà ta cho bà Tám nghe. Bà Tám run run hỏi nó:

- Rồi con nói sao?

- Con đâu có chịu, nội. Con đi rồi ai lo cho nội đây. Ở với nội, con đi bẫy kỳ nhông bán cũng đủ ăn rồi, hén nội hén.

Giọng bà Tám như khóc:

- Bà lại muốn con đi, để may ra con còn sung sướng, đỡ vất vả hơn. Bà già rồi, sao cũng được.

Thằng Xù cãi:

- Đâu được nội, nội già thì phải có người săn sóc nội chớ.

Rồi nó quay xuống bếp, lục nồi lo bỏ gạo nấu cháo. Nó bằm thịt cẩn thận. Một lát mùi gạo nấu với thịt nạc bay lên thơm phức làm Xù rỏ dãi. Nó múc ra tô, còn chừa lại một nửa trong xoong để bà Tám ăn buổi chiều.

Xù loay hoay dọn cơm. Phần bà Tám là tô cháo thịt ngon lành. Còn nó, một om cơm gạo lứt với chén nước mắm ớt. Bữa nay cháo nấu với thịt nên nó không ăn chung được như mọi lần kho riêng cá bống. Nó mời bà Tám ăn. Bà ngồi xuống chõng tre, múc một muỗng cháo ăn, ngon lạ. Chợt mùi nước mắm ớt cay nồng bốc lên mũi bà, bà hỏi Xù:

- Con ăn cơm với nước mắm à?

Xù sợ bà Tám giận, nói dối:

- Dạ, ăn với thịt chớ.

Bàn tay gầy guộc của bà Tám sờ soạng quanh mâm, bà tiếp:

- Con nói dối. Tiền con để mua thịt nấu cháo hết rồi phải không?

Xù im lặng. Nó không biết nói sao. Bà Tám đặt cái muỗng xuống mâm. Nước mắt bà ứa ra. Giọng bà nghẹn ngào:

- Con lo cho bà chi dữ vậy Xù. Con cho bà ăn thịt trong khi con húp nước mắm. Làm sao bà nuốt cho trôi.

Xù sợ bà Tám không ăn, nó cuống cuồng năn nỉ:

- Nội ăn đi nội. Con nấu mà nội chê sao? Tại bữa nay con… thèm nước mắm đó chớ. Còn tiền đây mà nội. Nội ăn đi.

________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 8 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>