Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Chuyện Mùa Hè


Mùa hè trở về với những cơn mưa đầu mùa chớp nhoáng, chợt ào ào kéo tới rồi bỗng dưng ngừng bặt. Mấy cây phượng trong sân trường như ngầm ra hiệu bảo nhau, để rồi một buổi sáng nào đó có nhiều nắng vàng mây trắng, chúng tung vãi những bông hoa đỏ chói lên trên nền lá xanh non. Trong lớp, học trò bắt đầu xôn xao, náo nức nhưng cũng có cô cậu trở nên buồn rầu xa vắng; sĩ tử cảm thấy ngày vào trường thi gần tới, mặt mày lo âu trông đến là tội, tuy vậy những nét văn khôi nhiều khi trở nên sáng láng, hứa hẹn một tương lai tươi thắm, huy hoàng. Ông giáo có khi đang dạy học bỗng bâng khuâng, cúi đầu đếm bước thời gian, sắp xong niên học, một chuyến đò nữa lại được ông cho cập bến bên kia, đám hành khách vô tư tung tăng chân sẻ bước lên bờ rồi đi nữa, đi mãi… không biết có bao giờ chợt nhớ, quay lại tìm bóng dáng ông lái đò?

Chuyện mùa hè xoay quanh những cơn mưa rào báo hiệu, những ve những phượng, những tình cảm thầy trò, bạn bè chất chồng lộn xộn, niềm vui nỗi buồn trong ngày xa cách mái trường nhưng lại là ngày gia đình đoàn tụ… Trong những đề tài ấy, tôi phải chọn lấy một để làm cho trọn vẹn đoạn tùy bút về câu chuyện mùa hè; vì thật tình nếu nói hết về mùa hè thì có quá nhiều điều phải nói hoặc lại không có gì để mà nói cả. Vậy tôi chọn… câu chuyện thầy trò.

Chuyện thầy với trò thì nhiều lắm! Chuyện của thầy đã nhiều, chuyện trò lại càng nhiều hơn, huống hồ đây lại là chuyện thầy cộng với chuyện trò! Đến là khiếp. Nhưng ở đây chỉ là chuyện thầy với chuyện trò trong buổi hè về, vậy thì cũng bớt nhiều đi kha khá.

Nói chuyện trò trước. Hè về, học trò xôn xao náo nức, tình cảm dâng cao như ngọn sóng ngoài khơi! Đây không nhắc tới niềm thương nỗi nhớ với bạn với bè, không kể những lần nhặt cánh phượng tươi tặng bạn thân yêu, những lúc đưa nhau lưu bút và những khi nắn nót viết lưu bút cho người khác. Ngoài tình cảm đó, có lẽ không ít thì nhiều, học trò cũng sẽ dành một phần tình cảm cho các thầy cô. Tình cảm chứ không phải cảm tình, bởi vậy không cứ là phải thương thầy cô, buồn vì xa thầy cô; vì tình cảm tức là thất tình, gồm đủ cả hỉ, nộ, ái, ố,dục, cụ, lạc. Sẽ có người buồn vì sắp hết được học thầy, tiếc vì sao niên học mau hết quá! Người ta vẫn diễn tả sự buồn tiếc ấy bằng cách cho học trò nhớ đến giọng thầy giảng bài vang vang hay trầm ấm, những chăm sóc nho nhỏ nhưng đượm đầy tình thương của thầy đối với lớp, những lần lớp hư hỗn, thầy la mắng nhưng rồi lại sẵn sàng tha thứ. Chuyện ấy có thật, tâm hồn học trò mới lớn sẵn sàng cảm nhận được tình thương yêu chân thật, trái tim học trò là trái tim hồng, thích hợp với những cảm tình thắm thiết. Có lẽ tuổi học trò đáng yêu cũng vì thế, người ta tìm thấy ở người học trò những nét ngây thơ, chân thật, cái tình thương không che đậy, không tính toán.

Tuy vậy, buổi hè về, cũng có những học sinh vui mừng vì sắp thoát… ách. Ách ở đây là những giờ học với ông thầy mình không thích mấy. Không thích có thể vì nhiều lẽ: có thể vì thầy nghiêm quá, có thể vì thầy hay phạt, mà cũng có thể vì mình kém cái môn thầy phụ trách, bởi vậy mỗi khi gặp thầy thì thấy ngại, từ ngại đến không thích gần lắm. Nay sắp hết năm, sắp thoát khỏi cái mình khó chịu, cũng là một điều vui. Thầy có lẽ cũng biết chuyện ấy, bởi làm thầy thì phải hiểu mình không thể làm vừa lòng tất cả học sinh. Biết thì buồn, nhưng chịu vậy, làm sao được.

Nhưng, từ lâu tôi vẫn tin rằng: dù mến thầy hay không mến thầy, không một học sinh nào có thể hoàn toàn ghét thầy được, và hè về, chắc chắn không thể quên thầy hoàn toàn; thế nào cũng phảng phất một chút tình cảm luyến lưu, dù là với ông thầy hay la hay phạt mình nhất; đôi khi ông thầy nào phạt mình, la mình nhiều lại càng làm cho mình khó quên.

Ngày học tiểu học, hè về học trò hay gục mặt xuống bàn khóc vì sắp phải xa thầy xa cô, bây giờ lớn rồi, chuyện đó hầu như không có, làm vậy nó dị dị sao đâu! Nhưng mà khóc thầm thì chắc cũng có đấy, nhất là đối với các nữ sinh, tình cảm chứa chan như biển hồ lai láng. Đó là cảm nghĩ cuối cùng của tôi về câu chuyện của trò.

Giờ đến phiên thầy. Thầy lớn hơn trò nên tình cảm ít lộ ra ngoài hơn. Nhiều thầy cất giấu tình cảm thật là sâu kín, đến độ làm cho học sinh có kẻ lầm tưởng là thầy đã chai đá, bao nhiêu năm dạy học, mỗi năm lại dạy bao nhiêu lớp, quá quen với cảnh biệt ly trong tiếng ve bóng phượng, không còn thấy rung động bồi hồi. Không đâu! Bước chân vào nghề – đúng hơn là vào nghiệp – với một lý tưởng tuyệt vời, lãnh sứ mạng giáo dục cao cả, thầy không dễ dàng chai đá đâu.

Một điều ít người nói ra, nhưng đó là sự thực: ông thầy thường lúc nào trông cũng nghiêm khắc, dễ dàng để la mắng, giảng cho học trò nghe một bài “moral” một cách ngon lành; nghĩa là cứ trông vẻ bên ngoài thì cứng lắm. Nhưng thật sự, ông thầy là người mềm nhất; ông dễ dàng đau khổ vì một cử chỉ hư hỗn của học trò, nhưng cũng dễ dàng xúc động bởi một hành động biết ơn nhỏ mọn. Người ta thường chỉ bảo làm thầy dễ mắc bệnh phổi, nhưng thật ra bệnh ông thầy dễ mắc nhất là bệnh tim, không đau thì cũng yếu.

Thầy không thể ghét học trò, nếu ghét được học trò thì khó mà làm thầy được. Thầy dạy nhiều năm, nhiều trường, nhiều lớp, nhưng với mỗi lớp thầy đều có cảm tình riêng. Lớp có những cái thay đổi chính lớp không biết, nhưng thầy biết. Với một tâm hồn như vậy, hè về thầy tránh sao khỏi một chút bồi hồi, một thoáng bâng khuâng, một lần xa xót?

Học trò khó có thể biết được trong những giờ học cuối năm, ông thầy đã nghĩ gì! Nhiều lúc học trò làm bài, trong cái không khí yên lặng trang nghiêm, ông thầy nhìn những mái đầu xanh cắm cúi, tự nhiên buông nhẹ một tiếng thở dài… Đứa ngồi đầu bàn này thông minh lanh lợi, hỏi gì cũng biết; đứa ngồi giữa bàn kia nói chuyện như ranh, ăn quá như mỏ khoét; đứa khác chuyên môn bị phạt vì tội không làm bài; đứa khác nữa lúc nào cũng toét miệng cười… tất cả, phải, tất cả lớp sẽ một loạt ra đi, không còn một đứa nào! Học trò chỉ từ biệt vài ông thầy, nhưng thầy thì mỗi lớp phải từ giã mấy chục học trò. Thầy không thể đến từng chỗ của từng học trò nói câu từ biệt và lời chúc sang niên khóa tới học hành tiến bộ, nhưng thầy nói thầm trong tâm tưởng, học trò đâu có nghe thấy!

Học trò cũng không thể biết điều này: khi hè đã đến thật sự, là lúc mà học trò thôi không còn đến trường, có khi đã về quê, hoặc lên cao nguyên, ra bãi biển nghỉ mát; lúc đó thầy vẫn đến trường, đến để phê thành tích biểu. Mỗi một tấm thành tích biểu mở ra là một khuôn mặt học trò hiện ra trước mặt, thầy trước khi phê, nhắm mắt một chút để nhớ lại xem đứa học trò này ngồi ở vị trí nào trong lớp… thế rồi có khi định phê xấu, nhưng rồi lại nhẹ lắc đầu, cười khẽ phê chữ “tạm được” vào tấm thành tích biểu của đứa học sinh kém. Có khi thầy cười với học trò qua tấm hình 4×6, không biết đứa học trò ấy đang khi tắm biển hay dạo đồi thông có thấy máy mắt hoặc hắt hơi? Có những khi phê xong chồng thành tích biểu cao ngất, thầy lang thang bước, không ngờ dừng lại trước lớp học ngày nào, tưởng tượng cái khung cảnh mình đứng trên bục bảng, tay cầm phấn miệng giảng liên tu bất tận, bên dưới đám học trò mỗi đứa một vẻ, một kiểu. Nghĩ rồi bỗng thấy muốn cười đồng thời muốn bước vào lớp, đứng trên bục bảng nhìn xuống dãy bàn ghế không một bóng học sinh.

Tôi còn muốn viết nhiều nữa về câu chuyện của thầy, nhưng thấy cần nên thôi, nói ra nhỡ học trò biết hết thì sao? Không phải muốn giấu, nhưng cũng nên để dành một chút làm vốn liếng cho một đời người; với lại kể nhiều có khi lại mang tiếng là người hay kể lể…

Vậy thì chuyện mùa hè không đầu không cuối cũng sẽ được chấm dứt ở đây. Dứt mà như không dứt, cũng như tình cảm của trò đối với thầy, của thầy đối với trò cho đến buổi hè về vẫn thấp thoáng vấn vương…


(Trích “PHƯỢNG”, giai phẩm hạ 71, 
 lớp 10 B 20 N. B. T.)    
 Quyên Di                  


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 3, ra ngày 5-6-1971)

Bìa của Vi Vi : Ra khơi

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

CHƯƠNG 5_KHÚC LAN CAN GÃY


5


Điểm sáng nơi đầu điếu thuốc lịm dần. Không gian xung quanh tôi tối om. Tôi bật ngọn đèn lên. chợt thấy trên bàn có một phong thư. Nét chữ quen thuộc nhưng đã hồ quên lâu ngày. Nét chữ của Thăng. Thư đã về đến đây, có nghĩa là Thăng còn sống. Tôi cười một mình. Sự sống mỏng manh đến thế. Hy vọng và tin yêu cũng mỏng manh như thế. Có nghĩa là cuộc đời này, cũng nhỏ nhoi và tội nghiệp như mẩu thuốc lá đang bị đè bẹp dưới chân. Thăng đã đi đến nơi nào rồi? Thằng bạn thân mến bây chừ ốm, mập ra sao? Khi viết bức thư này, Thăng còn sống. Nhưng lúc tôi đọc thư, biết đâu nó đã xuôi tay? Hay có khi nó đang bị như tôi, không chừng. Lá thư – như thế – có thể là một lá thư bình thường, có thể là một di vật, hoặc là một dấu chấm phẩy giữa đời một người. Tôi lặng lẽ mở phong bì ra.

“Chu Pao, ngày…

Nghiêm,

Sáng nay, ngồi dậy, đầu vẫn còn choáng váng, thấy có mảnh giấy trên bàn, tao viết cho mày và để cho mày biết rằng “tao vẫn còn sống đây, còn sống sót để trở về với mọi người”. Nghĩ như thế để thấy mình sung sướng và để đau khổ với chính mình.

Chiều hôm qua đơn vị tao đụng trận và “hao” mất mấy “con”, trong số đó có thằng bạn mà tao thật thương. Nó giống mày ghê đi Nghiêm ạ! Nó cũng có mái tóc nghệ sĩ giống mày mỗi khi đi hành quân lâu ngày về chưa kịp húi. Nó cũng có tia nhìn tha thứ và dáng người lanh lẹ giống mày. Thấy nó nằm chết cong queo tao tưởng như mày nằm đó. Tao thương nó quá, nhưng khóc không nổi. Tao trút căm giận vào tụi kia…

Bây giờ ngồi đây, thấy nhớ mày ghê gớm, Nghiêm ạ! Ở đây nào còn ai? Chỉ có lính mới. Bạn bè cũ đi hết rồi. Mày bây giờ về lại Sài Gòn, có gì lạ không? Cái chân của mày bây giờ ra sao? Tao không tưởng tượng nổi, chỉ nhớ hôm mày bị thương, cái chân mày lủng lẳng thấy sợ. Hết hy vọng cho nó liền lại. Mày bị cưa chân, tao biết chắc chắn như vậy. Trực thăng chở mày đi rồi, lúc đó tao mới khóc, khóc như con nít. Nghiêm ơi! Có ai biết bọn mình, những thằng lính cứng cỏi vô cùng, lại chính là những kẻ giàu tình cảm nhất thế gian? Từ thuở sống với nhau dưới một mái trường, đến lúc chiến đấu bên nhau, cho đến lúc mày về rồi, tao vẫn chưa thấy thương ai bằng mày. Tao không nghĩ rằng trở về như mày là sung sướng. Mà tao nghĩ, giá cứ làm lính sống trên rừng như tao còn sướng hơn, đỡ phải lo lắng này nọ. Biết đâu mày về sống đời dân sự lại khổ tâm hơn tao… Tao tin rằng tao nghĩ không lầm bởi tao đã thấy quá rõ những lúc về thành phố, người ta nhìn những người phế binh như những người khốn khổ đáng thương hại, mà không nghĩ rằng đó là những người đáng kiêu hãnh nhất.

Tao nói hơi lan man Nghiêm nhỉ! Tao vẫn có cái tật đó, hễ viết thư là viết dài nhằng, nếu mày không bực mình thì cứ đọc tiếp. Còn mày, mày thì tệ hơn, từ lúc về Sài Gòn sao chẳng viết cho tao cái thư nào? Tao chẳng biết mày bây giờ ra sao nữa. Cái kiểu viết thư như tao với mày, cả năm mới có một cái thư, thì dám “xanh cỏ hay đỏ ngực” cũng không ai biết ai thế nào.

Thôi, kể nhiều quá cũng không hết đâu Nghiêm. Mày cũng đã đi nhiều, đã sống nhiều, có biết thêm thì cũng chỉ như một hạt muối tan vào biển. Để cho mày yên với cuộc sống mới. Có một hình ảnh đập vào mắt tao hôm trước khi xảy ra cuộc đụng độ, mà tao thấy cần phải kể cho mày nghe. Tao gặp một người lính, mất một chân, lang thang trên quốc lộ. Gia đình anh ở tại đây. Chiều chiều anh chống nạng đi lượm những mảnh nhôm, đồng, về bán nuôi vợ con. Thế thôi! Nghiêm! Hiểu tao không? Mỗi chiếc nạng có một ý nghĩa riêng của nó. Chống chọi cho người, thay thế chân đời, thay thế cho cả đôi tay. Nhiều hình ảnh đã làm tao nhớ đến mày thật nhiều.

Có gặp các thầy nói cho tao gửi lời kính thăm. Bảo rằng thằng học trò tên Thăng vẫn còn làm lính ở rừng, nhưng không bao giờ quên được lớp học ngày xưa đầy thân ái. Sài Gòn – Chu Pao, gần mà xa ghê Nghiêm nhỉ! Ở đây chỉ có cảnh buồn, và người buồn. Hết giấy, tao dừng nha Nghiêm!...”

Tôi nói một mình, tưởng chừng như đang có Thăng trước mặt:
 

- Thằng khỉ! Viết thư không có đầu đuôi, rồi chấm dứt một cách đột ngột.
 

Tôi nhớ thuở bọn tôi chung học, lớp Mười một còn được gọi là lớp Đệ nhị, Thăng là đứa nổi tiếng làm luận độc đáo nhất lớp. Kỳ nào phát trả bài luận văn ra hắn cũng được thầy Khuê gọi lên đọc bài của hắn cho cả lớp nghe. Không phải vì văn hay, chữ giỏi, mà vì hắn có biệt tài tả lan man, quanh quẹo rồi… chấm dứt một cách bất ngờ. Cả lớp nghe, cười bò lăn. Lúc nào Thăng cũng được thầy phê vào bài luận: “Văn lủng củng nhưng đáng yêu”. Văn lủng củng nhưng đáng yêu, chỉ có thầy Khuê mới nghĩ ra cách phê bình ngộ nghĩnh đó, và chỉ có Thăng mới xứng đáng được phê như vậy.

Nụ cười vô tư thoáng qua trên môi tôi trong vài giây rồi tắt ngay. Tôi trở về với thứ hiện tại náo động đầy phiền muộn, thứ đời sống mà tôi đã quyết tham dự vào từ mấy tháng nay. Tôi là ai? Một người thương phế binh. Quá khứ đã lắm gian nan mà hiện tại thì đầy niềm thất vọng. Tôi đã cố gắng chống chọi mà chẳng tìm thấy gì toại ý ngoài sự chán nản tột cùng. Thăng nói đúng, mỗi chiếc nạng có một ý nghĩa riêng của nó. Chiếc nạng giúp người phế binh kia đi lượm mảnh nhôm, đồng về bán, nuôi vợ con. Chiếc nạng của tôi giúp tôi đi lượm lặt kỷ niệm ở mái trường xưa, giúp tôi bước tới trên con đường đã gián đoạn.

Nhưng tôi hoài công, chiếc nạng cuối cùng giúp tôi đánh vào bộ mặt bỉ ổi của lão “Tố Nữ”, một việc làm mà chính tôi cũng không ngờ. Cái đánh đó cũng gián tiếp quật vào lương tâm của ông Giám học thiếu căn bản, và cũng là một dấu chấm cho đời học sinh của tôi. Tôi đã chấm dứt rồi.

Tôi đã quyết định rời bỏ mái trường. Không còn gì kêu gọi tôi được nữa. Lần này xa trường tôi nghe xót xa hơn cả ngày tôi đi lính. Vì ngày trước tôi vẫn còn hy vọng sau khi xong nhiệm vụ, tôi còn có cơ hội trở về tiếp tục học. Nhưng lần xa cách này là vĩnh viễn, bởi lòng tôi đã muốn thế. Không trở lại nữa, bất cứ một ngôi trường nào. Vì hết cả niềm tin, nguyên liệu quý giá giúp con người vui sống. Tôi không tin tưởng vào một ai, vào một điều gì nữa.

Tôi bỗng muốn thời gian ngừng lại, trở ngược về những quá khứ huy hoàng. Tôi muốn được sống ở thời Lê Thánh Tôn, hoặc làm một thần dân của Quang Trung. Tôi muốn tất cả thanh niên thiếu nữ biến thành kẻ mang tinh thần Nguyễn Thái Học, Cô Giang. Tôi muốn tất cả sách báo là Đông Dương tạp chí, tất cả trường học là Đông Kinh nghĩa thục. Thế thôi! Rạng rỡ nhất, vinh thăng nhất là đó.

Hai ngày rồi tôi ở nhà không đến trường. Tôi nhớ thắc thỏm nhưng tôi thản nhiên ngoài nét mặt. Ba mẹ tôi tin rằng đã đến lúc tôi không cảm thấy vui thích để học nữa, nên không thắc mắc nhiều. Hai người không biết rằng tôi đã tranh đấu với chính tôi để đi đến một quyết định. Tôi sẽ không gặp ai nữa, từ người thương đến kẻ ghét. Nhưng tôi lại gặp họ ở trong trí nhớ. Đồng, Thi, Phát, Đĩnh, lão “Tố Nữ”, thầy Trần, thầy Chung, ông Giám học, thầy Hiệu trưởng… Tất cả quay cuồng trong tâm trí tôi, lại bắt tôi suy nghĩ. Tôi như kẻ bị bắt buộc làm chứng nhân cho quá nhiều vở kịch, bây giờ đã mệt mỏi thật sự.

Bỗng dưng tôi nghĩ đến chuyện về quê. Tại sao lại phải sống ở đây nhỉ? Tôi đã dâng một phần thân thể của tôi cho đất nước, tôi đã đem tất cả thiện chí của tôi tặng cho mái trường. Đến nay tôi có thể không bận lòng nữa chăng? Ba mẹ tôi cũng đủ sức lo cho các em tôi. Tôi sẽ xin về quê một thời gian, hoặc ở luôn ở dưới đó không chừng.

Tôi sẽ sống ở đó, làm một kẻ hoài niệm những ngày thơ ấu ly loạn, những ngày học hành vô tư, những lúc làm lính gian khổ và khoảng thời gian làm người phế binh trở lại trường lớp cũ. Tôi sẽ sống như Nguyễn-Khuyến-buổi-hoàng-hôn, đem tình yêu nước tuyệt vọng về ruộng đồng. Thế là xong, sống cho hết một đời và làm cho trọn một người.

*

- Như vậy, con đi có một mình?
 

- Thì mẹ coi, ba mẹ bận làm lụng. Nghi và lũ nhỏ đi học. Con không đi một mình thì đi với ai? Tôi cười Mẹ coi con là con nít sao?
 

- Không, nhưng… con như vậy… đi một mình làm sao mẹ yên tâm?
 

Tôi kêu lên:
 

- Trời ơi! Mẹ làm cho con tưởng mình mới biết đi vậy. Con đâu có thua ai!
 

Hai mẹ con cùng cười. Tôi nói, như chỉ để mình nghe:
 

- Mẹ không biết chứ chiếc nạng này giúp con nhiều việc lắm. Bây giờ chỉ có việc leo lên xe đò mà mẹ cũng ái ngại. Con không thích sống ở đây nữa, đời sống rộn ràng quá!
 

Mẹ tôi sắp thêm mấy cái áo sơ-mi vào chiếc va-li cho tôi, miệng nói:
 

- Mẹ cũng muốn con về quê sống cho thoải mái. Ở dưới đó, con về nhà ngoại rộng rãi yên tĩnh. Con đã nghỉ học rồi, đâu cần phải lo nghĩ gì nữa.
 

- Vâng.
 

Tôi không biết nói gì thêm, lặng yên nhìn công việc của mẹ. Ở nhà hàng xóm có tiếng chửi rủa nhau inh ỏi, rồi có tiếng radio vọng lại. Tôi thở ra… Những bản nhạc sướt mướt nghe não cả lòng. Thôi, đàng nào tôi cũng sắp rời khỏi Sài Gòn rồi. Sắp được quên, được không thấy, không nghe. Giã từ hết, những hình ảnh nặng nề, những âm thanh xô bồ ở đây. Còn ráng chịu đựng nghe những đĩa hát cải lương mở chát chúa trên xe đò, những bài cải lương mị lính, mị học trò, ca ngợi “các anh chiến sĩ” một cách trơ trẽn và ru ngủ các cô cậu học trò trong tháp ngà mơ mộng. Gắng chịu đựng cho đến hết ba tiếng đồng hồ. Rồi thì sẽ đến bờ Tiền Giang thân mến của tôi. Thế là thoát. Sẽ đứng trên bến bắc nghe sóng nước êm đềm gọi về nhà. Sẽ đi chiếc xe lam về xóm cũ. Đi ở ngoài đường và réo ngoại thật to. Sẽ ôm ngoại mà khóc, nghe ngoại tỉ tê: “ Thằng Nghiêm, bây giờ như vậy đó sao con?”. Sẽ sống ở quê nhà làm một kẻ vô vi. Tôi sẽ sống như một cụ già, như một đứa bé…

Ở ngoài cửa có người lên tiếng gọi. Mẹ tôi bỏ dở đống quần áo, chạy ra nhìn, rồi người gọi tôi:
 

- Nghiêm ơi! Ra đây!
 

Tôi ngạc nhiên chống nạng bước ra, rồi đứng sững, nghe một nỗi xúc động chạy rùng rùng trong tim. Thầy của tôi đến tận nhà tôi. Thầy yêu mến, tóc bạc trắng, nụ cười bao dung của tôi: thầy Trần! Thầy đang gấp cây dù lại và cứ nhìn tôi, mỉm cười. Tôi lúng túng, không biết phải làm gì, phải nói gì. Mẹ tôi nói:
 

- Dạ, mời thầy vào nhà.
 

Tôi còn bối rối, chỉ biết nép người để thầy Trần vào cửa. Tôi lắp bắp:
 

- Thầy, con xin mời thầy ngồi.
 

Thầy Trần tự nhiên ngồi xuống, rồi cũng nụ cười ấy trên môi, Thầy nói:
 

- Con cũng ngồi đi!
 

Thầy nhìn đăm đăm vào chiếc nạng của tôi, nhìn chân tôi, và mắt thầy long lanh. Tôi cúi đầu, không biết nói gì. Thầy liếc nhìn mớ hành trang, hỏi:
 

- Con sắp đi đâu?
 

- Dạ…
 

- Sao con nghỉ học?
 

- Thưa thầy…
 

Tôi bối rối vô cùng. Thầy vẫn mỉm cười và dịu dàng đôi mắt sau cặp kính già. Tôi chợt nhớ hôm tôi tìm đến nhà Đồng, cũng đã hỏi Đồng “sao Đồng nghỉ học?”, Đồng có thể mạnh dạn trả lời “vì em mất xe”. Bây giờ, tôi bỗng nói như một phản xạ:
 

- Vì con mất niềm tin rồi.
 

Thầy Trần cau đôi mày bạc trắng, nhìn tôi bằng vẻ xót xa:
 

- Con không tin tưởng ở một ai nữa sao?
 

Tôi nghẹn cả cổ, đáp:
 

- Thưa thầy, gần đúng như vậy. Nhưng… trừ ba mẹ con, và … thầy.
 

- Chỉ chừng đó thôi sao Nghiêm?
 

Tôi lặng im. Tôi muốn nói với thầy rằng còn nữa, còn cả một quãng đời đi chiến đấu của tôi, bốn năm gian nan ở những chốn mịt mùng, còn Đạm, còn Thăng… Tôi chống cây nạng đứng lên, đi đến tủ trà. Thầy Trần hỏi:
 

- Con đi đâu vậy?
 

- Dạ, con đi rót nước mời thầy.
 

Thầy đỡ lấy tách nước trà nghi ngút khói. Tôi thấy gương mặt của thầy mờ đi sau làn khói ấy. Tôi đến ngồi ở chỗ cũ. Thầy Trần nói:
 

- Những việc xảy ra ở trường chắc đã làm con quyết định nghỉ học?
 

Tôi gật đầu. Thầy hỏi tiếp:
 

- Con suy nghĩ kỹ chưa?
 

- Thưa thầy, rồi ạ.
 

- Thật không Nghiêm?
 

- Dạ, con đã nghĩ cạn cả óc. Con nghỉ học luôn. Con về quê sống, thưa thầy.
 

Thầy Trần thở dài:
 

- Trước khi đến đây, thầy định là sẽ khuyên con thật nhiều. Nhưng thầy bây giờ không biết phải khuyên con điều gì. Thầy tin rằng con đã đủ chín chắn để hành động mọi việc.
 

Tôi ngước lên nhìn thầy. Giọng thầy bùi ngùi:
 

- Thầy đi dạy học, thầy thương các học trò như thương con của thầy. Hơn thế nữa, lớp tuổi của các con đây, thầy thương như cháu nội. Nhưng có đôi khi thầy thắc mắc, không hiểu học trò của thầy nghĩ thế nào về thầy? Coi thầy như cha, như ông? Hay chỉ là người đứng bên lề, chỉ việc dạy chữ cho tinh thông? Có lẽ chỉ có Nghiêm mới cho thầy biết cảm nghĩ của con mà thôi.
 

Tôi xúc động:
 

- Thưa thầy, con kính mến thầy…
 

- Có khi nào con nghĩ rằng…thầy có thể hiểu con như một người bạn ở lớp tuổi của con không?
 

- Con đã có khi muốn thổ lộ với thầy những thắc mắc của con, từ ngày mà con làm trưởng lớp.
 

- Con không cho rằng thầy là người của thế hệ trước à?
 

Tôi lắc đầu:
 

- Thầy đã già nhưng tư tưởng của thầy không cằn cỗi. Còn những người mà con tiếp xúc, họ còn trẻ trung nhưng đã hao mòn. Một xã hội không vững vàng về tình cảm… con muốn xa tránh họ.
 

- Vâng, Nghiêm cứ nói.
 

Tôi nghĩ có thể đã đến lúc tôi phải thổ lộ với thầy Trần hết những điều phiền muộn u mặc trong lòng.
 

- Vâng, con hy vọng là thầy hiểu con. Con chỉ còn lại duy nhất lòng nhiệt thành để trở lại trường cũ. Con tưởng sau đoạn đời sóng gió, con sẽ được hưởng không khí êm đềm của chốn học đường. Thưa thầy, sự thật trái ngược với con nghĩ. Ngoài thầy, và Đồng, con đã gặp những người không hiểu con. Ngày đầu tiên, con đã mang mặc cảm với thầy Chung. Còn những người bạn đáng tuổi em con, đã nhìn con bằng ánh mắt châm chọc. Thưa thầy, những việc đó con cho là thường, vì nó không có nghĩa lý gì đối với một người đã sống lăn lóc bốn năm trong quân đội như con. Con sẵn sàng chịu đựng mọi thử thách, phiền toái, cực nhọc. Nhưng có một thứ mà con cần phải tuyệt đối, là niềm tin tưởng. Mà lại chính những người thầy ở đó làm con thất vọng. Chính bộ áo mô phạm lại mất ý nghĩa giáo dục. Và chính học đường, nơi mang danh nghĩa cao đẹp là đào tạo nhân tài, trở thành chốn nuôi dưỡng những mầm mống nguy hại.
Tôi ngừng nói, ngạc nhiên khi thấy xung quanh im phăng phắc. Thầy Trần ngồi nghe, môi giữ nụ cười độ lượng. Tôi cảm thấy hơi nhẹ nhõm, đồng một lúc thấy dường như mình đã quá lời. Tôi nói:
 

- Con… xin lỗi thầy, nếu con đã có đụng chạm…
 

- Không. Thầy đang nghe con đó chứ! Thầy hiểu con. Những ý nghĩ của con chính là ý nghĩ của thầy. Thầy cũng đã buồn lòng trước sự sa sút của trường lớp, nhưng biết làm gì hơn? Thầy muốn trẻ lại như các con để la hét, đập phá, đánh đổ những cái chướng mắt. Ngày xưa thầy cũng đã buồn bực vì cái tệ trạng nam nữ rủ nhau đi tự tử ở hồ Hoàn Kiếm vì thất tình, thì bây giờ thầy cũng muốn nhìn thấy các con phẫn nộ, phẫn nộ đúng lúc, phẫn nộ sau khi đã sử dụng lòng nhiệt thành và thiện chí của mình. Thầy vui khi thấy con dám nói, dám làm.
 

- Thưa thầy, việc làm của con đã làm mất mặt nhiều người. Chắc ai cũng ghét con. Con cũng chán ghét cái lớp học đó. Con cũng không muốn trở lại lớp làm gì, khi mà Đồng đã bỏ học vì miếng cơm manh áo, khi mà Phát vẫn tiếp tục hao mòn tiều tụy. Và… khi mà ở lớp vắng bóng một người bạn dễ mến… vĩnh viễn…
 

Tôi nghẹn lời. Thầy Trần nói xót xa:
 

- Thi… Thầy nát cả ruột khi nghe tai nạn xảy đến cho nó.
 

- Thưa thầy, không phải tai nạn, mà là hậu quả của những tệ nạn trong trường. Nếu cái lớp học cuối dãy đó không bỏ trống, nếu không có khúc lan can gãy, nếu không có tên Đĩnh hung bạo nguyên nhân của mọi chuyện xấu xa, thì làm sao Thi chết được? Con muốn quên hết những điều trông thấy. Con muốn về quê con.
 

- Nghiêm!
 

- Xin thầy hiểu con.
 

Tôi cúi xuống nhìn chân mình, chua xót:
 

- Vả lại, con cũng chẳng còn gì. Con là một phế binh, một kẻ tật nguyền…
 

Thầy Trần thốt lên:
 

- Nghiêm, con đừng nghĩ vậy. Sự tàn tật của thể xác không quan trọng, chỉ có sự tàn tật của tâm hồn mới đáng ghê tởm.
 

Thầy nói như van lơn:
 

- Xã hội cần những bàn tay đen đúa và những lương tâm trong sạch. Con có còn nhớ bài học của Voltaire mà thầy đã dạy các con hồi bốn năm trước không? Lương tâm của con có tật nguyền đâu?
 

Tôi giật mình như vừa nghe thấy một điều kỳ lạ. Mắt tôi cay xé. Tôi tưởng như một tia nắng mới mẻ vừa chiếu rọi làm xúc cảm dâng tràn ở trong tim. Thầy Trần vẫn nói:
 

- Con hãy nhìn thầy đây. Đã sống đến gần hết đời người, hy vọng của thầy là gì? Là mong thấy những lương tâm trong sạch. Thầy chỉ có thể kỳ vọng ở những người như con. Con có muốn thầy phải buồn tủi không?
 

Tôi không ngăn mình nổi. Tôi khóc trước mặt thầy. Tâm hồn tôi xáo trộn ghê gớm. Ngày hạnh ngộ với thầy ở lớp cũ, tôi đã có ý nghĩ mình là đứa thất lễ vì không quỳ được trước mặt thầy như các vị quan xưa. Bây giờ có lý nào tôi để thầy tôi mang sự buồn tủi trong lòng? Có lý nào, hở Nghiêm?...

*

Tôi đứng cả mười phút trước trường. Cổng đóng chặt, khác hẳn mọi ngày. Tôi không muốn lên tiếng gọi ai, đứng nhìn khung cảnh quen thuộc như để in vào óc. Tôi muốn quay lưng về. Nhưng có bóng thầy Hãn từ trong văn phòng đi ra. Tôi muốn tránh mặt thầy. Không kịp, thầy đã thấy tôi và gọi vội vàng:
 

- Anh Nghiêm! Anh Nghiêm!
 

Rồi thầy lấy chìa khóa ra mở cổng. Tôi chào thầy:
 

- Thầy ạ!
 

- Anh không vào học sao, anh Nghiêm?
 

Tôi cúi nhìn tay mình:
 

- Dạ không.
 

Thầy Hãn vỗ vai tôi:
 

- Anh vào đây, anh Nghiêm. Tôi có nhiều chuyện muốn nói với anh.
 

Tôi đành phải đi theo thầy Hãn vào văn phòng. Thầy chỉ cho tôi ngồi xuống ghế, nói:
 

- Tôi được biết hôm qua thầy Trần đã đến nhà anh. Tôi định hôm nay đến, nhưng đã gặp anh đây rồi.
 

Tôi hết sức ngạc nhiên, nói:
 

- Thưa thầy, chắc có việc gì quan trọng lắm?
 

- Dĩ nhiên rồi. Tôi muốn nói với anh về những chuyện xảy ra ở trường này. Những chuyện thật tệ hại và đáng tiếc…
 

Tôi nắm chặt đôi bàn tay. Lại một sự khơi động nữa cho tôi. Tôi như kẻ “chạy trời không khỏi nắng”

Tự nhiên nước mắt tôi ứa ra. Thầy Hãn hoảng hốt:
 

- Kìa, anh Nghiêm! Anh khóc?
 

- Không, thưa thầy, em…
 

Tôi vừa thoáng thấy ông Giám thị xách roi đi ngang trước cửa. Lòng tự ái nổi dậy, tôi nói:
 

- Em hối hận vì đã xử sự như một kẻ thất học, một đứa thô bạo.
 

- Không, anh Nghiêm!..
 

- Em đã làm mất mặt thầy, làm “Ngài” Giám học xấu hổ.
 

Thầy Hãn nói cứng rắn:
 

- Nghiêm đã hành động đúng.
 

Tôi mở to mắt nhìn thầy Hãn. Gương mặt của thầy cương quyết lạ thường. Thầy nói:
 

- Anh tưởng tôi giận anh về việc anh đánh lão thương gia nọ và khai tội ông Giám học sao? À, tôi xin phép được gọi anh là Nghiêm nhé! Tôi coi Nghiêm như một người em của tôi.
 

- Thầy…
 

- Nghiêm bao nhiêu tuổi?
 

- Dạ, hai mươi hai
 

- Tôi ba mươi hai. Tôi chỉ đáng tuổi anh của Nghiêm. Đừng xem tôi quá cao. Tôi muốn mình thân mật để hiểu nhau hơn.
 

- Em chưa hiểu ý thầy.
 

Thầy Hãn mỉm cười, lấy bao thuốc lá mời tôi hút. Tôi lắc đầu:
 

- Thưa thầy, em đã không hút thuốc lâu rồi. Nhất là khi bước chân vào trường học, em lại càng không muốn hút thuốc.
 

- Vậy thì tôi cũng không hút. Nghiêm, Nghiêm có biết rằng tôi rất mến và phục Nghiêm không? Từ lúc ra trường đến nay, tôi mới gặp Nghiêm là một học sinh đặc biệt.
 

Tôi đáp chua xót:
 

- Vâng, em là một học sinh đặc biệt, từ hình vóc đến tính tình.
 

- Không, Nghiêm hiểu lầm ý tôi rồi!
 

Thầy Hãn nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi nhận ra trong cái nhìn ấy có một điều gì rất tha thiết. Tôi cúi đầu:
 

- Em xin lỗi thầy.
 

- Nghiêm đừng khách sáo với tôi quá. Ba ngày rồi Nghiêm bỏ học, tôi hiểu vì sao. Tôi mong chờ Nghiêm đến. Nghiêm có biết trong ba ngày đó, nhiều sự thay đổi đã xảy ra ở trường này không?
 

- Dạ không.
 

- “Ngài” Giám học của Nghiêm đã nghỉ rồi.
 

Tôi hoảng hốt:
 

- Tại sao vậy thầy?
 

- Tôi yêu cầu ông ấy nghỉ, và sự xấu hổ cũng giúp ông ấy bước ra khỏi ngôi trường này. Nghiêm nói đúng, ông ấy là một ông giám học nhưng thiếu căn bản. Ông chỉ nghĩ đến lợi riêng, và quan niệm rằng trường tư là nơi buôn chữ để lấy tiền, nên đã gây ra không biết bao nhiêu tệ nạn. Ngay cả tôi cũng là nạn nhân của ông ấy: tôi bị mời dạy môn Anh văn trong khi tôi là giáo sư Sử-Địa.
 

Thầy Hãn thở dài, giọng buồn buồn:
 

- Ngay chiều hôm ấy, tôi đưa ba tôi đến trường để nhìn những cảnh nát lòng. Ba tôi xúc động quỵ xỉu ngay tại chỗ trò Thi té xuống. Tội nghiệp ông đã già yếu quá sức. Tôi thưa với ông rằng không thể để ngôi trường này đi xuống, mà phải vươn lên , đổi mới hết, làm một tư thục gần giống một “nghĩa thục”. Cách đây một năm, đã có người khuyên ba tôi dẹp trường để mở nhà bảo sanh, hay làm khách sạn, có lời hơn – Thầy Hãn cười gằn – Hồi đó ba tôi định bằng lòng nhưng thầy Trần với tôi cản lại. Ba tôi quên rằng tôi cũng là người đi theo con đường giáo dục. Tôi có thể nối tiếp ba tôi để điều hành ngôi trường này chứ! Từ nay tôi sẽ là hiệu trưởng. Tôi sẽ mời một vị giám học khác, tôi sẽ mời giáo sư dạy đúng với chuyên môn của họ và đúng với nguyện vọng của học sinh. Tôi sẽ tăng cường nhân viên để cho ông giám thị bớt nặng nhọc và bớt cáu kỉnh. Nghiêm xem, những việc đó có khó gì đâu?
 

Thầy Hãn vỗ vai tôi, giọng thân ái như một người anh:
 

- Nhưng còn nhiều việc khó hơn, tôi không thể tự mình làm được, và có nhiều tiền cũng chưa chắc làm được. Đó là làm sao chấn chỉnh tinh thần học sinh, hướng dẫn học sinh theo một chiều hướng tốt đẹp, có ý thức, có trách nhiệm, có lý tưởng. Việc đó, tôi mong chờ ở những người như Nghiêm.
 

Tự nhiên tim tôi đập mạnh lên không ngờ. Bàn tay thầy Hãn vẫn ấm ở trên vai. Tôi nghe nước mắt tôi rơi trên chân. Tôi muốn nói với thầy Hãn những lời tốt đẹp nhất. Nhưng tôi nghẹn ngào, chỉ biết nhìn thầy. Ngôn ngữ có lẽ vô nghĩa trong lúc này.
 

Thầy Hãn vẫn nói bằng giọng êm đềm:
 

- Nghiêm hiểu tôi rồi chứ? Tôi sẽ làm đơn xin nghỉ dạy ở các trường công, vì một hiệu trưởng tư thục không có quyền dạy trường công lập. Dĩ nhiên tôi sẽ mất một số lợi tức. Nhưng tôi không cần. Tôi sẽ trực tiếp điều hành trường này, xây dựng lại kỷ luật và tạo truyền thống tốt đẹp cho các học sinh. Tôi còn trẻ, cũng như Nghiêm còn trẻ, chúng ta cần nhiệt tình và lý tưởng, còn tiền bạc tuy rất cần nhưng chỉ đứng hàng thứ yếu, phải không Nghiêm?
 

- Vâng.
 

- Trường ta đang ở vào lúc xáo trộn. Tôi sẽ tổ chức thi đệ nhất bán niên trễ hơn các trường khác. Rồi tất cả sẽ êm đẹp.
 

Thầy Hãn cầm chiếc nạng lên, đưa cho tôi:
 

- Bây giờ Nghiêm lên lớp học đi! Sáng nay thầy Trần thỉnh thoảng lại ra hành lang đứng nhìn như ngóng đợi Nghiêm lắm.
 

Tôi bùi ngùi, đứng lên. Và đích thân thầy Hãn dìu tôi lên lầu. Tôi đứng trước cửa lớp, lặng người. Nỗi xúc động còn to lớn hơn ngày đầu đến trường. Tôi thấy thầy Trần đang ngồi giảng bài. Giọng thầy ấm, tóc thầy bạc và đôi mắt thầy buồn. Thầy đã nghe tiếng nạng gõ trên nền xi-măng và thầy đang nhìn ra.Tôi nhìn thầy, cùng lúc nhìn lên tấm bảng có ghi ngày thật to, chữ của thầy: “Jeudi”.

*

- Anh Nghiêm, em muốn nhờ anh giúp em… một lần nữa.
 

Tôi trố mắt nhìn Phát. Việc gì sẽ xảy ra nữa đây? Đĩnh đã bị bắt rồi, Phát còn nặng nợ gì nữa? Phát nắm lấy tay tôi, giọng thành khẩn:
 

- Em muốn anh giúp em, khi em đi học lại, anh cho em mượn vở để chép.
 

- Ủa, Phát đi đâu?
 

- Hôm qua em thú nhận với ba em… Lẽ tất nhiên là ba em đã giận điên lên, tát em mấy cái… Nhưng sau đó, ba em bảo sẽ cho em đi nhà thương.
 

Tôi vui mừng:
 

- Trời ơi! Phát đã nói với ba của Phát rồi à?
 

- Dạ, vì em suy nghĩ lại những lời của anh. Em muốn được như anh, như Đồng. Em không muốn thành một đứa như thằng Đĩnh. Anh Nghiêm giúp em?
 

- Tôi hứa. Phát cứ yên tâm đi chữa bệnh, chắc không lâu đâu. Nếu có hơi trễ, tôi sẽ đề nghị với thầy Hãn cho Phát thi lại kỳ đệ nhất bán niên.
 

Phát có vẻ vui. Tôi nhìn hắn, những tưởng con người đó sẽ không thoát khỏi sự tối ám. Tôi nói:
 

- Tôi mong từ nay Phát sẽ mạnh dạn lên nhé! Đừng e lệ, đừng mặc cảm nữa. Nhất là… đừng có cầm tập vở che mặt về phía nữ sinh.
 

Phát cười… Tôi đứng lên, một cử chỉ không có chủ đích. Nhưng tôi biết rằng sau giờ chơi này, là đến giờ Toán của thầy Chung. Tôi không biết rồi tôi có nhìn ông bằng đôi mắt vô tư được chăng? Phát hỏi tôi:
 

- Đồng nghỉ học, anh buồn hở anh Nghiêm?
 

Tôi nhíu mày, đáp:
 

- Có lẽ vậy. Tôi lại phải đến nhà Đồng mới được.

*

Cuối giờ Toán, thầy Chung gấp sách lại, rồi lặng lẽ tự tay ông lau bảng. Những dòng chứng minh Hình học không gian bị xóa đi dần. Rồi thầy ngồi yên trên ghế. Cả lớp yên lặng, cảm thấy có một sự gì khác lạ. Tôi cũng nghe nao nao trong lòng, không hiểu vì cớ gì. Tôi tránh nhìn thầy Chung, nên cúi đầu trên trang giấy, vẽ bâng quơ những mặt phẳng, những vòng tròn.
 

Thầy Chung bỗng cất tiếng:
 

- Hôm nay là buổi học cuối cùng tôi gặp các anh chị. Bắt đầu buổi sau, sẽ có một giáo sư khác, bạn của tôi, được thầy Hãn mời dạy thế. Thầy này rất giỏi, sẽ tiếp nối chương trình cho các anh chị đến cuối năm.
 

Vài người hỏi:
 

- Thầy nghỉ sao thầy?
 

- Tôi được đi tu nghiệp ở Mỹ. Tôi có lời xin lỗi các anh chị trước. Tôi hiểu lớp này từ đầu năm đến giờ đã có sự thay đổi giáo sư nhiều lần. Nhưng với tôi là trường hợp bất khả kháng. Tôi rất mến lớp này. Trước khi đi, tôi xin chúc các anh chị ở lại học tấn tới, cuối năm thi đậu tất cả.
 

Tôi đứng lên trong tiếng xôn xao chưa dứt, trịnh trọng nói:
 

- Thưa thầy, em xin thay mặt các bạn, cám ơn thầy đã hướng dẫn lớp chúng em trong suốt mấy tháng qua. Chúng em xin kính chúc thầy lên đường bình an và khi về thầy lại tiếp tục dìu dắt các học sinh của trường này.
 

Những tiếng vỗ tay dòn dã vang lên. Tôi ngồi xuống. Thầy Chung mỉm cười:
 

- Tôi cám ơn anh trưởng lớp và các anh chị.
 

Chuông tan học reo lên nghe rộn ràng. Thầy Chung ra hiệu cho các học sinh đi ra trước. Khi chỉ còn tôi sắp sửa về, thầy Chung bước xuống, nói:
 

- Anh Nghiêm, cho tôi hỏi thăm.
 

Chưa đợi tôi nói gì, thầy Chung đã đến gần tôi:
 

- Trò Đồng vẫn nghỉ học sao?
 

Tôi buồn bã gật đầu. Thầy Chung nói:
 

- Tôi tưởng hôm nay gặp Đồng, để mời Đồng đi với tôi.
 

- Thưa thầy, đi đâu ạ?
 

Thầy Chung ngồi xuống bên tôi, thở dài:
 

- Chuyện này, tôi nghĩ là nên cho anh biết, để nhờ anh khuyên Đồng nhận lời.
 

Tôi không hiểu gì cả. Thầy Chung nói tiếp:
 

- Tôi nhờ anh khuyên Đồng nhận của tôi… một món quà.
 

- Một món quà?
 

- Vâng, một món quà của tôi, và của Thi.
 

Tôi nghe tim nhói lên. Tôi cố gắng nuốt nước bọt, nhưng vẫn nghe cổ họng khô khan:
 

- Thưa thầy, em chưa hiểu.
 

- Tôi có thể tâm sự với anh chứ?
 

- Dạ, xin thầy cứ xem em như… em của thầy.
 

Thầy Chung mỉm cười:
 

- Cám ơn anh. Tôi biết anh là bạn thân của Đồng, nên tôi không ngại nhờ anh giúp. Chắc anh Nghiêm cũng đồng ý với tôi rằng, muốn giúp đỡ một người, ta phải hết sức tế nhị, vì mặc dù sự giúp đỡ của mình rất cần thiết, nhưng người đó có thể từ chối, vì tự ái, hoặc vì không muốn làm kẻ mang ơn?
 

Tôi gật đầu. Thầy Chung gỡ mắt kính ra, lấy khăn tay lau kính, rồi nói tiếp:
 

- Thi muốn giúp đỡ một người bạn vừa bị mất xe. Anh thừa biết đó là Đồng? Thi hiểu rõ tình cảnh của Đồng. Mất xe, kể như Đồng mất học. Thi muốn giúp Đồng có lại một chiếc xe. Thi đã nói với tôi rằng phải có xe, Đồng mới kiếm tiền giúp cha một cách hiệu quả và mới có thể nuôi mình, nuôi em đi học.
Tôi bàng hoàng.Thi muốn Đồng có lại một chiếc xe! Một món quà lớn quá!
 

Thầy Chung hỏi:
 

- Chắc anh đã biết tôi với Thi là anh em chú bác?
 

Tôi sửng sốt nhìn thầy Chung, không nói ra lời. Ông hình như không biết rằng tôi đang bị xúc động mạnh, nên vẫn tự nhiên:
 

- Anh không biết cũng phải. Vì Thi nó không muốn cho ai biết, sợ nếu có được tôi cho nhiều điểm hay được ban khen thì bạn bè sẽ cho là tôi thiên vị bởi Thi là em tôi. Tôi xin nói tiếp cho anh rõ là Thi đã đòi đổi số tiền tác quyền hai quyển sách mà nó mới viết để lấy chiếc Honda của tôi. Thi lại nhờ tôi tổ chức một cuộc xổ số trong lớp trước khi tôi đi Mỹ. Người trúng số sẽ đến nhà tôi để nhận quà. Anh Nghiêm có đoán được rằng Thi đã có cách để trao “quà” cho Đồng mà anh ấy không thể nào từ chối vì nghĩ đó là quà của tôi và là do anh ấy trúng số?
 

Thầy Chung trầm giọng xuống:
 

- Thế nhưng việc chưa đâu vào đâu thì nỗi bất hạnh đã xảy đến cho Thi. Tôi đành phải nói với anh để mong anh giúp tôi khuyên nhủ Đồng nhận nơi tôi món quà đó, món quà của một người thầy sắp đi xa, và của một người bạn đã không còn…
 

Tôi lặng người sau những lời của thầy Chung. Dường như đôi mắt của thầy long lanh. Thầy nói:
 

- Tôi nghiệp Thi, một con người đầy đức tính. Anh cũng thừa biết sự giúp đỡ kín đáo và to tát ấy là do đâu? Là do Thi quý mến Đồng, anh có nghĩ như vậy không?
 

- Vâng.
 

Tôi chỉ biết nói một tiếng như thế rồi nhìn chỗ ngồi của Thi ngày nào, nghe xót xa cả lòng. Thầy Chung đứng lên, nói:
 

- Riêng với anh, tôi mong anh sẽ coi tôi như một người thân, giúp tôi thành công trong việc này. Tôi định sẽ không giữ tiền tác quyền của em tôi, mà sẽ trao lại cho chú thím tôi, hoặc tôi sẽ tặng cho thầy Hãn để làm học bổng cho những học sinh nghèo của trường.
 

Tôi đứng lên theo, cùng thầy Chung ra cửa. Còn lưa thưa vài học sinh đi trong hành lang. Tôi nói:
 

- Thầy về trước. Em sẽ bảo Đồng đến gặp thầy.
 

Thầy Chung siết chặt tay tôi rồi quay lưng. Tôi nghe có tiếng máy xe của Nghi dừng lại ở dưới đường. Tôi nghĩ đến chiếc xe của Đồng, chiếc xe của thầy Chung, và của Thi – món quà thân ái. Chúa, Phật ơi! Con chưa mất niềm tin đâu! Dưới mái học đường vẫn còn những tâm hồn cao thượng, những ái tâm đẹp đẽ, giúp con nguyên liệu để sống vui và bước tới. Tôi đã nhập cuộc, bây giờ vẫn-cương-quyết-nhập-cuộc. Tôi chưa là cụ già, cũng không còn là em bé, mà là một thanh niên. Tôi còn dào dạt nhiệt tình để góp bàn tay xây dựng cho đời.

Bỗng nhiên tôi đưa tay sờ đầu gối, nơi tận cùng của chân trái. Tôi sắp phải trở lại bệnh viện để giải phẫu cắt bớt xương. Có nghĩa là xương tôi đang tăng trưởng. Có nghĩa là đời sống còn trẻ trung. Có nghĩa là hy vọng không mất. Tôi ngậm ngùi gõ nạng đi đến lớp học bỏ trống cuối đường. Cửa mở, cho tôi nhìn thấu bên kia, khúc lan can gãy, oan nghiệt. Tôi muốn khóc khi nghĩ đến một gương mặt dấu ái, đã ngã xuống để dựng lại niềm tin trong tôi. Cám ơn Thi! Vĩnh biệt Thi, muôn đời.

Tân Định, Sài Gòn,       
21-09-1973              

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

CHƯƠNG 4_KHÚC LAN CAN GÃY


4


Lần đầu tiên tôi không tin ở thị giác của mình. Tôi có nhìn lầm không? Chiếc xe hơi đã đến đầu ngả tư và ngừng lại vì đèn hiệu đã bật đỏ. Tôi nhìn lại kỹ hơn. Không thể nghi ngờ ở mình nữa. Trên xe đúng là thầy Chung. Bên cạnh ông là Thi. Tôi không lầm được dáng người nhỏ nhắn ấy. Vẫn chiếc áo dài trắng vải nội hóa Thi mặc hàng ngày và mái tóc dài xõa đến vai. Tôi lạ lùng nhìn theo chiếc xe hơi, và lạ lùng nhìn thầy Chung vừa lái xe vừa cười nói thân mật với Thi.

Tôi bàng hoàng một phút. Chiếc xe đã vọt đi mất mà tôi thì ngơ ngác, nghe như bên tai còn có tiếng cười. Tôi nghĩ giá hôm nay đừng ra đường, thì khỏi thấy cảnh này, khỏi thêm cho mình một điều thắc mắc. Chưa bao giờ tôi thấy trong lớp thầy Chung nói chuyện riêng với một ai. Thầy trẻ tuổi, nhưng nghiêm trang - nghiêm trang đến độ chưa hề nhếch mép cười với ai một cái, dù là trước một chuyện hết sức dí dỏm. Cái nghiêm trang đến khó tính của thầy đã làm cho tôi mất đi một phần sự vui vẻ ngay hôm đầu tiên, lúc thầy tưởng rằng tôi lo chơi không đứng dậy chào. Cũng chưa bao giờ tôi thấy Thi nói chuyện riêng với một giáo sư nào. Vậy mà hôm nay, bỗng nhiên nhìn thấy Thi ngồi trên xe với thầy Chung, tôi cho là mình vừa chứng kiến một chuyện lạ kỳ. Hết nghi ngờ thị giác, tôi lại đâm ra ngờ vực nhận xét của mình. Tôi có xét đoán lầm lẫn về Thi trước đây không? Tại sao tôi luôn nhìn Thi như một nữ sinh ngoan, tốt, có một không hai? Vì tôi đã căn cứ trên một sự tương đối chăng? Giữa một đám nữ sinh ăn mặc lòe loẹt, cười cợt tự do, tôi thấy Thi đoan trang trong tà áo trắng, hiền lành nhã nhặn. Giữa những kẻ vô tình, ỷ lại, bê tha, tôi thấy Thi chăm học, có chí tự lập. Thế thôi. Tôi chưa hiểu gì hơn nữa. Những đức tính ấy không phải là khó tìm trong một con người. Mẫu người như Thi chưa phải là hiếm có trong xã hội. Tôi đã nhìn người bằng một nhãn quan tuyệt đối. Bây giờ tôi thất vọng. Phải chăng ai ai cũng có những góc cạnh không đẹp mà mình chưa hoặc không nhận thấy? Khổ cho trí tưởng tượng của tôi, tôi muốn quên đi những điều trông thấy thì qua hôm sau tôi được biết chính Tuyết, cô học trò lẻo mép nhất lớp, cũng thấy cảnh thầy Chung và Thi ngồi trên xe hơi. Tuyết nói cho mấy cô bạn nghe, cười khúc khích với nhau, rồi khi thấy Thi đi ngang, họ cùng phá lên cười làm cho Thi ngơ ngác một lúc.

Thi đi cùng với Lan, người bạn thân nhất, khi đến trước mặt tôi, Thi hỏi:
 

- Đồng vẫn chưa đi học lại hở anh Nghiêm?
 

Tôi lắc đầu:
 

- Đồng quyết nghỉ học luôn.
 

Thi tròn xoe đôi mắt:
 

- Nghỉ luôn?
 

- Hắn đã nhất định rồi. Tôi không khuyên được.
 

- Anh biết nhà Đồng không?
 

- Tôi có đến một lần.
 

- Thi muốn nhắn… Đồng đi học. Thi có chuyện cần nói.
 

- Tôi có thể biết được không?
 

Thi tủm tỉm cười, lắc đầu, ra vẻ bí mật. Tôi lấy làm lạ, nhưng không hỏi tiếp. Tôi lơ đãng nhìn ra chỗ khác. Thi ngạc nhiên một thoáng, rồi kéo tay Lan đi. Tôi không nhìn theo. Tôi sợ ấn tượng không tốt đã có trong đầu sẽ khiến tôi nhìn Thi bằng đôi mắt đầy ác cảm. Tôi ngao ngán nhìn trang giấy trắng mở ngỏ. Vắng Đồng, tôi thấy sự học là một cái gì đó khó nuốt. Tôi hết có ai để bàn nhau về một bài toán, đố nhau cỏ cây hoa lá, định lý, định đề… Bây giờ tôi nhận thấy rằng sở dĩ tôi thích học là vì tôi có bạn. Đi học mà thiếu bạn thì kể như một sự mất mát. Tôi nghĩ không biết giờ này Đồng đang làm gì? Nấu bắp, khoai cho em mang đi bán, đi lang thang tìm một việc làm mới, hay là đang phụ trộn hồ, khiêng gạch ở một công trường nào? Những ý tưởng so sánh người này với kẻ kia, cảnh này với cảnh nọ làm cho tôi cảm thấy đầu nặng trĩu. Tôi muốn thốt lên những lời phẫn nộ.

*

Bài toán dễ, nhưng hình như Thi không nhớ kỹ giáo khoa nên lúng túng. Thi đứng lặng trước bảng đen có đến năm phút mà chưa chứng minh được hai đường thẳng trực giao. Tôi đã làm xong bài toán ra giấy nháp, nhìn lên bảng và sốt ruột. Tôi không tin rằng Thi dễ đầu hàng bài toán căn bản như vậy. Tôi nhớ lại hôm nọ Đồng không thuộc bài “Cảnh già” của Nguyễn Khuyến là vì Đồng có một nỗi băn khoăn làm bận trí. Một người bình thường nào cũng vậy.

Thi có vẻ ngượng. Mà thầy Chung cũng đang sốt ruột. Có lẽ ông đang hối hận đã gọi Thi lên làm toán trên bảng để cho Thi phải bí như vậy. Ông hỏi:
 

- Này, nghĩ ra chưa?
 

Thi ngại ngùng lắc đầu. Thầy Chung bảo:
 

- Thôi, cho về chỗ. Tôi mời… anh Long.
 

Thi bước xuống bục, mặt buồn thiu. Thầy Chung nói thêm:
 

- Phải học bài lại nhé! “Gì” thì “gì” mà học dở thì tôi vẫn cho “zero” như thường đó.
 

Tôi nghe từ phía nhóm của Tuyết có tiếng cười. Chỉ có tôi mới hiểu ý nghĩa của giọng cười đó. Tự nhiên tôi nóng bừng mặt. Tôi xấu hổ thay cho Thi chăng? Không phải! Tôi xấu hổ cho tôi, trót chứng kiến quá nhiều chuyện mà lẽ ra tôi đừng thấy đừng nghe. Tôi quá lẻ loi ở lớp học này. Tôi muốn ở nhà vài ngày để nghỉ ngơi. Nhưng kỳ thi đệ nhất bán niên sắp đến rồi. Tôi không thể phí bỏ những ngày học tập. Tôi đến lớp ngồi, ráng nuốt những lời giảng của thầy như người bệnh suyễn khó khăn nuốt chửng con thằn lằn. Nghi em tôi phải đỡ tôi lên, dìu tôi xuống thang lầu. Thấy thế, cô nàng Tuyết lại xì xào với bạn rằng vắng Đồng, tôi thiệt hại nhiều lắm, vì Đồng lúc trước dìu tôi lên xuống và chở tôi về; tôi chơi với Đồng, không phải vì Đồng mà vì “nhờ cái vai của Đồng”. Tôi không giận họ, nhưng buồn quá! Tôi, có lúc, đã nảy ra ý nghĩ bỏ trường này mà đi. Tôi sẽ qua một trường khác, nổi tiếng hơn, kỷ luật hơn, để tiếp tục học. Tôi sẽ không có gì để suy nghĩ.

Nhưng bỗng nhiên nhìn Phát đang ngồi lù lù trước mặt, tôi cầm lòng không được. Mái tóc của Phát hình như cả tháng nay chưa hớt, rũ lòa xòa nơi cổ áo. Nước da của hắn đến hôm nay xanh xao thấy rõ. Tôi thấy hắn che miệng ngáp trong giờ học. Phát vẫn bị Đĩnh đi theo nói to nói nhỏ. Tôi buồn bực thấy Phát yếu mềm và mất tự chủ. Hắn cứ nhận ở Đĩnh những gói giấy nhỏ và tiếp tục đi vào lớp học trống ở cuối hành lang. Tôi không biết làm sao để can thiệp.

Tôi quyết định gặp ông Giám thị. Trong giờ ra chơi tôi thấy ông Giám thị cầm roi đi rảo trước các lớp. Tôi chống nạng bước ra và gọi:
 

- Thưa thầy, con muốn thưa với thầy một chuyện ạ.
 

Ông Giám thị dừng lại, nói:
 

- À, anh trưởng lớp. Có việc gì vậy?
 

Tôi đến gần ông hơn, nói nhỏ:
 

- Có một chuyện tệ hại xảy ra ngay trong lớp con.
 

Tôi sợ người xung quanh nghe nên kề tai ông nói nhỏ cho ông nghe những điều tôi biết. Nghe xong ông trợn mắt:
 

- Anh nói nghe ghê quá! Tôi chưa bao giờ ngờ tới.
 

- Thưa thầy, đó là sự thật.
 

- Nhưng làm sao để ngăn chận?
 

- Con đề nghị là khóa cửa lớp học đó lại đừng cho ai ra vào, sau đó sẽ lựa lúc xét cặp của Đĩnh.
 

Ông Giám thị thốt lên:
 

- Thằng Đĩnh? Thằng“ba trời” đó?
 

- Vâng, chính anh ta là kẻ đã làm cho nhiều người hư hỏng.
 

- Tôi sẽ xét lại ý kiến của anh và nói cho ông Hiệu trưởng biết.
 

Ông Giám thị không đợi tôi nói gì thêm, vội vàng đi thẳng. Tôi chán nản lắc đầu. Thêm một điều nữa hiện rõ trước mắt: những kẻ nóng nảy nhất là những kẻ nhát gan nhất.

Tôi không muốn đầu hàng. Tôi nhất định đến tìm nhà thầy Hiệu trưởng. Bốn năm trước, tôi đã có đến nhà ông một lần để chúc Tết. Tôi gặp ông ở nhà. Ông đang bệnh, mặc áo ấm, quàng khăn quanh cổ. Ông nhìn tôi, ngờ ngợ:
 

- Anh… trông quen quen… nếu tôi nhớ không lầm…
 

Tôi hơi mừng, đáp ngay:
 

- Thưa thầy, con là học trò cũ ở trường. Bây giờ con về học lại. Xưa con có đi với bạn con đến đây chúc Tết thầy.
 

Ông Hiệu trưởng gật gù:
 

- À, tôi cũng nhớ mang máng như vậy. Hôm nay anh có việc gì mà phải đến đây cực nhọc thế?
 

Ông chỉ vào ghế sa-lông:
 

- Anh ngồi đi, đứng lâu mỏi chân.
 

Rồi ông cũng ngồi xuống ghế, đưa mắt nhìn tôi, chờ đợi.
 

Thấy ông mệt mỏi, già yếu, tôi bỗng xúc động. Cái nguyên nhân mà ngôi trường càng ngày càng tệ phần lớn là do bởi ông Hiệu trưởng không còn phong độ như xưa. Tôi ngần ngại nói:
 

- Thưa thầy, con có một việc mà xét ra không được giấu giếm, con thấy phải trình bày với thầy để nhờ thầy giải quyết. Thầy đang ốm, mà con đến phá rầy như thế này thật con ngại vô cùng.
 

Ông Hiệu trưởng cười:
 

- Tôi không lấy đó làm phiền. Tôi đã già, bệnh hoạn là lẽ đương nhiên. Anh là học trò cũ của trường, tôi cũng không giấu làm gì. Từ lúc bà nhà tôi mất, tôi sinh ra đau ốm hoài. Chắc đã đến lúc kiệt lực. Rồi thì cũng theo bà cho xong… Thôi anh có gì muốn nói cứ nói đi.
 

- Thưa thầy, con là trưởng lớp mười một A, từ lúc vào học đến nay con thấy xảy ra nhiều điều không tốt. Nhưng chuyện nguy hiểm nhất mà trường ta phải ngăn ngừa…
 

- Là chuyện gì?
 

- Thưa thầy, một số nam sinh dám… hút…
 

Ông Hiệu trưởng lắc đầu:
 

- Điều đó tôi cũng đã biết. Anh nghĩ coi, một ông già cũng hút, một cậu bé mười hai tuổi cũng tập tành phì phèo thuốc lá, thì những thanh niên cỡ tuổi của anh… làm sao cấm họ hút?
 

Tôi nuốt nước bọt:
 

- Thưa thầy, không phải con muốn nói như thế.
 

Ông Hiệu trưởng xoay người đổi thế ngồi, ngạc nhiên:
 

- Anh vừa mới nói với tôi là các nam sinh hút?
 

Tôi như kẻ đã vào đường cùng, đành phải nói hai chữ mà tôi không dám nói:
 

- Thưa thầy, … bạch phiến…
 

- Trời!!!
 

Ông Hiệu trưởng bật dậy như cái lò xo. Ông như vẫn chưa tin ở thính giác của mình. Tôi cúi đầu:
 

- Thưa thầy, thật vậy.
 

Ông Hiệu trưởng ôm đầu, nói giọng khổ sở:
 

- Sao lại có chuyện đó hở Trời?
 

Tôi ngồi yên, hết biết trình bày gì thêm. Ông Hiệu trưởng đứng lên, đi đi lại lại trong phòng. Ông lẩm bẩm:
 

- Nguy hiểm quá! Hỏng cả trường, cả lớp.
 

Rồi ông chợt hỏi:
 

- Chúng nó hút lén lút hay công khai?
 

- Thưa thầy, họ thường vào căn phòng chứa bàn ghế cũ để hút lén lút.
 

- Cái lớp học trông ra khúc lan can gãy?
 

- Vâng.
 

- Vậy thì… niêm cái phòng đó lại. Nhưng… thiếu gì nơi để chúng tiếp tục hút? Chúng có thể hút bất cứ ở đâu. Cái tệ hại muốn trừ phải trừ ở gốc. Xã hội còn bó tay thì mình làm gì được?
 

Ông mệt mỏi buông người xuống ghế, nhắm mắt lại. Tôi nói:
 

- Thưa thầy, con đã trình bày tình trạng ấy cho thầy rõ, vì con là trưởng lớp, hay đúng hơn, con là học sinh của trường, con không thể làm ngơ. Bây giờ xin phép thầy cho con về.
 

- Cám ơn anh, anh về nhé!
 

Tôi đứng dậy. Ông Hiệu trưởng vẫn ngồi trong tư thế của một người mệt mỏi. Tôi rón rén đi ra. Tôi nghe như tiếng nạng gõ quá lớn trên nền gạch, xuống khoảng sân rộng trước nhà.
 

Ra khỏi cổng, tôi gặp thầy Hãn lái xe về. Ông trố mắt nhìn rồi kêu lên:
 

- A! Anh Nghiêm, anh đến chơi à?
 

Tôi chào thầy và nói:
 

- Dạ, em đến thăm thầy Hiệu trưởng.
 

- Có việc gì không anh?
 

Tôi lưỡng lự, rồi lắc đầu đáp:
 

- Thưa không… Em chỉ đến thăm hỏi thầy.
 

Thầy Hãn thở dài, nói:
 

- Cám ơn anh nhé! Ba tôi… càng ngày càng yếu rõ.
 

Tôi nhìn xuống chân nạng:
 

- Thôi xin phép thầy, em về.

*

Cánh cửa bị hư ổ khóa được ông Giám thị đóng hai cái móc rồi khóa lại bằng một ống khóa, được ba ngày, hôm nay bị mở tung ra. Phát đã thật tình cho tôi biết như thế. Tôi vô cùng ngạc nhiên, hỏi hắn:
 

- Ai đã mở khóa vậy?
 

- Có lẽ thằng Đĩnh. Sáng nay nó đưa thuốc cho em rồi nói “không việc gì phải lo nữa”. Em đi tới và thấy cửa mở như thường.
 

Tôi tức giận:
 

- Ông Giám thị biết không?
 

- Không. Ba ngày nay ổng yên chí là không ai mở khóa được.
 

- Rồi Phát vẫn hút?
 

Phát không trả lời, cúi gằm mặt xuống, tay cầm một quyển vở che mặt về phía nữ sinh. Tôi gằn giọng:
 

- Tại sao Phát không cương quyết một chút nào hết vậy? Phát đã tốn biết bao nhiêu tiền? Phát đang tự hủy dần con người của Phát.
 

- Em… em bỏ không được. Em… bị hành…
 

Tôi nuốt nước bọt, nghe cổ họng khô đét. Tôi nhìn trân trân vào Phát, không biết nên thương hại hay ghét bỏ hắn. Tôi biết làm gì cho hắn? Tôi cũng chỉ là người như hắn, là một học trò, có hơn gì hắn? Tôi chỉ biết khuyên người ta bằng lời…, nhưng lời nói có khi vô nghĩa. Tôi tự hỏi không biết mình đã mỏi mệt hay chưa? Buông xuôi tất cả được không? Đừng nghĩ đến Đồng, đừng nghĩ đến Phát, đừng nghĩ đến Thi… Đừng nghĩ đến tôi luôn? Con người hay nghĩ ngợi lắm chỉ chuốc khổ – một người bạn nào đó đã nói như thế, có lẽ đúng vậy.

Chuông reo vào học. Tôi thẫn thờ mở vở ra. Bài toán Quang học chưa soạn xong, chưa tìm ra đáp số. Tuần sau thi đệ nhất bán niên rồi. Tôi chưa ôn được chữ nào. Lúc này học hành như cái máy, không còn gì hấp dẫn tôi được nữa.

Thầy Quản vào dạy như một phận sự bất đắc dĩ. Ông cho từng bài tập, gọi học sinh lên bảng làm, rồi trong lúc học sinh chép chép biên biên, ông lấy thuốc lá ra hút. Hai giờ học trôi qua buồn nản.

Đầu giờ Toán, ông Giám học lên lớp, dẫn theo một người đàn ông mập to, ăn mặc sang trọng. Cả lớp ngạc nhiên. Ông Giám học bước vào, xin phép thầy Chung rồi nói:
 

- Tôi xin báo cho các em một tin mừng, nhất là các em nào nhà không được khá giả lắm. Các em thường đóng học phí trễ mỗi đầu tháng, tôi hiểu lắm, thời buổi khó khăn này cha mẹ các em kiếm tiền thật khổ cực. Tôi có quen ông đây là chủ một hãng lớn, nhân thấy ông muốn tuyển một số nhân viên cho hãng ông, chỉ phải làm một buổi, tôi muốn giúp đỡ các em.
 

Người đàn ông hấp háy đôi mắt ti hí sau cặp kính nhỏ xíu không tương xứng với khuôn mặt của ông chút nào, tươi cười nói:
 

- Vâng, tôi là bạn thân của ông Giám học đây. Tôi muốn giúp cho các em nghèo có việc làm để đi học thêm. Tôi cần gấp hai chục người làm việc cho hãng “Tố Nữ” của tôi.
 

Cả lớp bàn tán xì xào. Tôi chợt nghĩ tới Đồng. A, hay là tôi ghi tên xin việc cho Đồng? Cơ hội quý giá bỗng đến trước mắt. Tôi nhỏm người lên, chờ đợi. Ông chủ hãng “Tố Nữ” nói tiếp:
 

- Tiện đây, tôi xin nhắc các em rằng, trưa mai, cũng vào giờ như thế này, tôi trở lại và ngồi ở dưới văn phòng. Em nào muốn có việc làm thì xuống đó ghi tên. Bây giờ tôi bận, đi gấp. Chào các em. Xin cám ơn giáo sư.
 

Người đàn ông cười hềnh hệch rồi nặng nề đi ra cùng với ông Giám học. Tôi miên man với bao ý nghĩ lẫn lộn trong đầu. Tôi nghĩ nếu Đồng có việc làm, hắn sẽ trở lại đi học với tôi. Chỉ chừng đó thôi, đủ cho tôi vui rồi.

Trong giờ Toán, tôi thấy Thi đôi lúc kín đáo nhìn thầy Chung, mỉm cười lộ vẻ thân thiện. Hình như thầy Chung cũng có vẻ tươi cười. Tôi tự nhủ lòng đó không phải là việc đáng ngạc nhiên nữa. Nó đã hiển nhiên trước mắt. Tôi phải nhìn như nhìn Đĩnh cầm một quyển tiểu thuyết hạ cấp, như nhìn Phát xanh xao gầy mòn vì thuốc, như nhìn bao nhiêu người lừa lọc, làm hại nhau ở ngoài đời.

Hai giờ Toán cũng trôi qua không một chút thú vị nào ở tôi. Rồi cũng như bao ngày, tôi lặng lẽ theo chân mọi người đi ra. Tôi đứng ở đầu hành lang nhìn xuống dưới đường huyên náo, lẩm nhẩm tính xem đã bao nhiêu ngày mình học ở đây. Một anh bạn học trong lớp đi ngang, dừng lại hỏi:
 

- Anh Nghiêm xuống không? Em đỡ anh nhé!
 

Tôi lắc đầu:
 

- Cám ơn Lộc. Tôi chờ em tôi. Chắc nó sắp tới rồi.
 

Người nam sinh đi xuống thang lầu. Mọi người đã lần lượt về hết. Tôi nghe lòng chùng xuống, buồn lạ lùng.

Có tiếng chân đi lên thang lầu. Tôi bỗng hành động như một phản xạ, đứng nép vào một góc tường. Người đi lên không nhìn thấy tôi, vì xem ra dáng điệu có vẻ hăm hở lắm. Hắn là Đĩnh. Tôi hơi ngạc nhiên. Đĩnh trở lại lớp làm gì? Chắc hắn bỏ quên một cây bút, một quyển vở? Nhưng một phút sau, tôi lại thêm một điều ngạc nhiên nữa. Vì không phải chỉ có Đĩnh. Mà trong lớp còn có một ai nữa. Tôi nghe loáng thoáng tiếng Đĩnh nói chuyện với người đó. Một giọng nói con gái. Tôi nghe có tiếng cười của Đĩnh. Rồi Đĩnh đi ra cửa lớp, nói lớn:
 

- Chị không tin tôi sao? Quyển sách dịch của chị ở trong lớp học cuối dãy.
 

Thi xuất hiện, nói giọng hoảng hốt:
 

- Ồ, cặp của tôi để trong lớp, sách của tôi chỉ có thể rơi trong lớp. Tôi chưa bao giờ bén mảng đến cái phòng đó.
 

Tôi nép người sát vào tường hơn. Ở khúc quanh kia Đĩnh vẫn thản nhiên nói với Thi:
 

- Nhưng sự thật là ở trong ấy mà.
 

- Sao anh biết?
 

- Tôi giấu.
 

Thi tức giận:
 

- Anh thừa lúc tôi đi lấy sổ điểm, giấu sách của tôi phải không? Anh chơi gì lạ vậy?
 

- Có gì quý giá đâu mà chị cuống lên thế?
 

- Sao lại không?
 

Thi vừa nói vừa chạy về phía cuối dãy lớp. Đĩnh chạy theo, gọi:
 

- Thi! Thi! Chờ tôi nói cái này…
 

Một vật rơi ra từ túi quần của Đĩnh. Hắn không để ý nên cứ chạy tiếp. Một xâu chìa khóa! Tôi ngạc nhiên, rời chỗ nấp đi ra nhặt vật đó lên. Đủ cỡ, đủ loại chìa khóa. Có những chiếc giống như chìa khóa xe gắn máy. Có cả một cây que sắt giống như dụng cụ của những tên anh chị trong phim trinh thám. Tôi bỗng nghĩ đến chiếc xe bị mất của Đồng và ống khóa bị mở toang nơi cửa trước của lớp học. Thủ phạm không ai khác hơn là Đĩnh. Tôi nghĩ rất nhanh như thế rồi bước tới. Thi và Đĩnh đã vào trong lớp học bỏ trống đó. Tôi nghi một điều gì sẽ xảy ra cho Thi. Tên Đĩnh giấu sách của Thi trong đó làm gì nếu không có một tà ý? Tôi cố gắng đừng cho tiếng nạng chạm xuống nền quá to. Tôi muốn đi nhanh, nhưng tôi chỉ bước được những bước ngắn ngủi. Chiếc nạng trở nên một cực hình cho tôi.

Tôi đã đến gần cửa lớp. Có tiếng Đĩnh cười gằn trong ấy:
 

- Sách của Thi đây, Thi đến mà lấy.
 

Rồi có tiếng của Thi nói run run:
 

- Không! Anh làm gì nhìn tôi dữ tợn vậy? Anh định dọa nạt tôi à? Tránh đường cho tôi ra!
 

Tôi ngạc nhiên khi nghe cả tiếng bàn ghế bị xô đẩy, giống như có một sự giằng co bên trong phòng. Tôi hoảng hốt xoải chân nạng đến đó. Tiếng Thi khóc òa lên:
 

- Tôi không đùa kiểu đó…
 

Tôi hét lên một tiếng và tông cửa bước vào. Nhưng đã không kịp nữa rồi! Đĩnh đã dồn Thi đến sát cánh cửa phía bên kia. Thi kinh hoàng la lên một tiếng rồi xô cánh cửa đó chạy vụt ra bên ngoài. Đĩnh vọt ra theo. Ôi Chúa, Phật ơi! Khúc lan can gãy… Có tiếng hét nghe rụng rời. Tôi như người bị ngạt trong một thứ khí độc địa nhất của thế gian. Có tiếng ai la lên ở phía dưới sân trường. Có tiếng chân chạy thình thịch vòng tới phía cầu thang. Trời ơi! Là tên Đĩnh! Tôi vùng bước nhanh ra hành lang, hét to lên như để tất cả mọi người phải nghe thấy. Bắt lấy nó! Bắt lấy nó! Tôi không biết tôi đã gào những câu gì sau đó nữa. Hình như dưới đường người ta đã ùa ra. Họ la phụ với tôi. Bắt lấy nó! Rồi bỗng nghe như xé không khí, một tiếng súng nổ. Tôi muốn bịt hai tai lại nhưng đã kịp nghe mất rồi!

*

Đồng đứng bật dậy khi ba má của Thi từ trong phòng bước ra, run run nói:
 

- Thưa hai bác, con là Đồng, xin phép hai bác cho con vào thăm Thi.
 

Người mẹ mắt hoen lệ nhìn Đồng đăm đăm:
 

- Cậu là Đồng hở? Đồng học cùng lớp với Thi sao?
 

Rồi bà quay sang chồng, nói:
 

- Thì ra đây là Đồng mà con nó nhắc hoài đó mình!
 

Người cha gật đầu:
 

- Được, cậu vào đi. Nó mê man hai mươi tiếng đồng hồ rồi, mới tỉnh dậy đây. Bác sĩ đã cho người nhà vào thăm. Không biết…
 

Ông bỏ lửng câu nói. Người mẹ nức nở khóc. Đồng nắm tay tôi:
 

- Đi, anh Nghiêm.
 

Ba Thi hỏi:
 

- Anh cũng là bạn học?
 

Tôi gật đầu “dạ” rồi theo Đồng bước vào phòng bệnh. Hai đứa tôi đứng sững bên giường. Thi nằm đó, đầu băng trắng toát. Lớp băng mới không che giấu được dấu máu thấm ra hồng hồng. Tôi nghe trái tim như muốn se thắt lại. Đôi mắt Đồng mở lớn như mất thần. Đồng bỏ tôi đứng trơ giữa nền gạch xanh, đến bên giường của Thi. Hình như cô bé đã chờ đợi từ lâu, mở đôi mắt ra, nhìn Đồng. Đồng run giọng:
 

- Thi! Thi có sao không?
 

Đôi môi xanh nhợt gượng mỉm cười:
 

- Thi… nghe tỉnh táo lắm. Mê man không biết đã bao lâu… Đồng đến thăm Thi đấy hở? Ai cho Đồng biết?
 

Chợt nhìn thấy tôi đứng hồ như bức tượng giữa phòng, Thi nói:
 

- À, anh Nghiêm! Thi cám ơn Đồng và anh Nghiêm. Thi cũng muốn gửi lời thăm thầy Trần, thầy Hãn, tất cả các thầy… các bạn… và anh Chung…
 

Tôi cảm thấy các mạch máu thắt mạnh. Đồng quỳ xuống bên giường, sững sờ như gỗ đá.
 

Thi mở lớn đôi mắt, từ đó hai dòng lệ tuôn ra, miệng Thi thều thào mệt mỏi:
 

- Trong cái lớp học bỏ hoang vẫn còn quyển sách dịch của Thi, quyển “Tuổi trẻ và chiến tranh”. Tên Đĩnh nó đã giấu dưới một cái bàn gãy mục nát, Thi chưa kịp lấy ra. Ở trong đó, Thi có để một tập vé số do Thi in ở nhà in.
 

Đồng ngẩn ngơ không hiểu. Thi gắng gượng nói:
 

- Đồng vào lớp đó lấy ngay đi. Đồng cầm tập vé số đó tới nhà thầy Chung… anh ấy sẽ cắt nghĩa cho Đồng hiểu… Mệt quá!...
 

Thi đưa mắt nhìn tôi, hỏi:
 

- À, còn tên Đĩnh…?
 

- Nó… nó đã bị cảnh sát bắn trúng chân, bắt giam rồi.
 

- Anh Nghiêm… ráng khuyên Đồng đi học trở lại. Đồng hứa là Đồng sẽ đi học nhá!
 

Đồng gượng đáp, giọng nghẹn ngào:
 

- Đồng sẽ đi học.
 

Thi nhắm mắt lại, im lặng…

Chiếc đồng hồ để trên bàn thuốc dường như không muốn chạy. Ở đây như không còn có thời gian. Chai nước biển treo lủng lẳng trên đầu giường cơ hồ không buồn chảy những giọt nước hồi sinh qua ống nhựa nhỏ nữa. Trên chiếc giường kia như không còn sự sống. Không gian cô đọng lại thành một khối băng lạnh ngắt. Đồng quỳ yên lặng trên nền gạch xanh. Tôi đứng trơ bên chân nạng.

Tiếng cửa mở nghe êm ái. Ba má Thi vào lại. Có cả một người bác sĩ. Đồng đứng dậy lui ra gần bên tôi để cho vị bác sĩ đến nghe mạch cho Thi. Có tiếng người trao đổi với nhau truyền đi trong không khí nghe lao xao. Có tiếng người mẹ thét lên. Hai vị sinh thành bổ nhào đến bên giường bệnh. Đồng siết mạnh tay tôi nghe đau nhói. Hết rồi!!!

*

Đồng xô ngã chiếc bàn mục gãy. Một đám mối bò ra nghe rào rào, ghê khiếp. Quyển sách của Thi nằm dưới đó. Tôi cầm lên, giũ những con mối gớm guốc ấy, và giở ra. Có một tập giấy nhỏ in số thứ tự từ một đến một trăm. Đồng và tôi không hiểu gì cả. Đồng nói:
 

- Thi bảo em đến nhà thầy Chung. Ông ấy có liên hệ gì đến tập vé số này?
 

Tôi nghĩ tới một sự liên hệ… Nhưng thôi, tôi không muốn nói ra. Tôi từ nay phải quên rằng mình là một chứng nhân bất đắc dĩ và khổ sở nhất.
 

- Đồng hãy thử đến nhà ông ấy đi.
 

- Anh đi với em?
 

Tôi lắc đầu:
 

- Thôi, Đồng đi một mình.
 

Hai đứa tôi ra cửa sau nhìn khúc lan can gãy. Một thủ phạm vô tư và oan nghiệt là đó. Ôi! Tôi tưởng rằng trên đời không còn một thứ nào đáng ghê sợ bằng mảnh đạn đã cắt ngang chân tôi. Tôi nhắm mắt lại, không muốn thấy, không muốn nghe gì cả.
 

Tôi kéo tay Đồng đi về phía lớp. Đồng nói:
 

- Em không vô lớp đâu! Em nghỉ học rồi!
 

- Đồng vào đi! Hôm nay có một người thương gia bự lắm muốn tuyển nhân viên cho hãng của ổng, khoảng mười giờ sẽ đến để ghi tên những ai muốn đi làm. Đồng thử xin việc làm đi!
 

Giọng Đồng nghe xót xa:
 

- Thi chết rồi! Hết cả ý nghĩa để mà phấn đấu.
 

- Đồng hãy nghĩ đến năm đứa em của Đồng.
 

Đồng cúi gằm mặt, đi lủi thủi thấy tội. Chúng tôi đến trước cửa lớp, đúng lúc chuông vào học hai giờ sau reo vang.
 

- Giờ thầy Hãn, phải không anh Nghiêm?
 

- Đúng rồi.
 

Hai đứa tôi đi vào lớp giữa những đôi mắt ngạc nhiên của các bạn. Dường như nhà trường đã cho tất cả biết chuyện xảy ra cuối buổi học sáng hôm qua. Thấy tôi, Lan chạy đến hỏi ngay:
 

- Anh Nghiêm! Anh có biết Thi nằm ở nhà thương nào không? Nó có sao không?
 

Giọng cô bé như sắp khóc. Tôi nói như một cái máy:
 

- Thi … chết rồi Lan ơi!
 

Lan kêu lên một tiếng đau thương rồi òa khóc. Những người bạn lại bắt đầu xôn xao. Tôi nghe đầu nhức bưng. Đồng lủi thủi đến ngồi ở chỗ cũ của mình. Tôi đi theo Đồng, bàng hoàng nhận ra rằng hai đứa tôi không có một quyển vở, một cây bút, đã từ bệnh viện đến lớp như hai kẻ mất hồn.

Thầy Hãn đi vào, ngẩn ngơ nhìn lớp học hỗn loạn. Những tiếng bàn tán vẫn tiếp tục. Lan và mấy người bạn vẫn chưa dứt tiếng khóc. Thầy Hãn gõ tay lên bảng mấy cái, rồi cất tiếng:
 

- Các em hãy giữ yên lặng. Tôi biết các em đang xao động vì việc xảy ra hôm qua. Tôi cũng đang rối óc lên đây. Các em hãy giữ trật tự giùm cho. Những tệ trạng xảy ra ở trường này là do ba tôi thiếu sự phối hợp với ông Giám học và ông Giám thị, tôi…
 

Những lời của thầy Hãn chừng như vô ích đối với mọi người. Các học sinh lại tiếp tục bàn tán. Thầy Hãn đập bàn, nói to:
 

- Các em hãy yên lặng!
 

Dứt lời thầy, ông giám đốc hãng “Tố Nữ” thò đầu vào, theo sau là ông Giám học. Tôi chỉ cho Đồng, nói:
 

- Đó, cái ông muốn tuyển nhân viên kìa, Đồng.
 

Ông Giám học đến nói nhỏ với thầy Hãn những câu gì, thầy Hãn gật đầu nhưng lộ vẻ không vui. Ông thương gia cười hềnh hệch và nói:
 

- À, tôi đến để ghi tên các em nào muốn đi làm. Ở lớp bên kia tôi đã ghi được mười em. Bây giờ ở đây tôi xin mười em nữa.
 

Vài nam sinh và vài nữ sinh đứng lên. Ông chủ hãng xua tay nói vội vàng:
 

- À à, quên, tôi xin nói cho các em biết rằng, hãng của tôi chỉ tuyển chọn … nữ sinh thôi. Hề hề! Nam sinh thì… xin miễn.
 

Rồi ông ta hấp háy đôi mắt sau cặp kính khả ố, nhìn qua phía nữ sinh, nói:
 

- Để coi… tôi chọn em này, em này…
 

Thầy Hãn ngắt lời:
 

- Thưa ông, xin cho chúng tôi được biết hãng của ông làm những dịch vụ nào?
 

Lão chủ quay lại, cười:
 

- Dạ, hãng tôi là hãng “Tố Nữ”, quên, phải nói là nhà hàng “Tố Nữ”, sang trọng nhất ở Chợ Lớn, mới khai trương đó thầy! Các em khỏi phải làm trọn ngày, chỉ cần làm một buổi thôi, lương rất hậu. Các em có thể ngồi “két”, hay bưng nước, bưng bánh ra cho khách. Chỉ cần son phấn cho đẹp, hề hề…
 

Các nữ sinh đỏ mặt ngồi xuống. Lão “Tố Nữ” cười toe toét:
 

- Nào! Em nào muốn ghi tên?
 

Tôi đứng phắt dậy, lấy chiếc nạng chống đi ra khỏi chỗ ngồi, tiến lên bảng. Lão “Tố Nữ” ngạc nhiên, nói:
 

- Í, í, tôi không nhận nam sinh mà! Tôi không có nhận con trai…
 

Tôi tức giận đến trước mặt lão, thầy Hãn và ông Giám học. Tôi nói to như chưa bao giờ:
 

- Xin phép thầy, cho em được nói một vài lời. Em là trưởng lớp, xin thay mặt các bạn của em, phản đối vụ tìm việc này. Chúng em tưởng là một sự giúp đỡ cho học sinh, không ngờ lại là một việc làm hết sức bỉ ổi. Người ta còn đi học, lão này bảo phải son phấn để làm gì? Học đường không phải là nơi cung cấp những nhân vật như thế cho lão. Lão muốn tìm người son phấn, hãy đi tìm chỗ khác, ai dẫn lão vào đây?
Không khí lớp học căng ra. Lão “Tố Nữ” đỏ mặt, nổi cáu:
 

- Tôi là bạn thân của ông Giám học. Ổng giới thiệu cho tôi.
 

Tôi gằn từng tiếng:
 

- Tôi biết như thế chứ! Ông là bạn thân của “Ngài” Giám học. Thưa thầy – tôi quay sang nói với thầy Hãn – em đã chứng kiến bao nhiêu điều trái tai gai mắt ở trường này. Em muốn ép mình để khỏi làm một học sinh vô lễ. Nhưng hôm nay em phải nói, nói một lần cuối rồi em không nói nữa. Vì khi em đã lên đây, đứng nói trước mặt thầy khi thầy chưa cho phép, là một điều bất kính; chửi vào mặt lão này, là một điều bất nhã; và khai những điều tắc trách của “Ngài” Giám học ra đây, là một sự không biết điều. Em xin thầy thứ lỗi cho em.
 

Thầy Hãn đứng im nhìn tôi, sững sờ. Tôi nói tiếp, giọng sắc như dao:
 

- Em là một học sinh cũ của trường này, em trở về đây là vì thương mến trường lớp, quý các thầy. Nhưng chỉ mấy tháng học mà em đã thấy đủ điều tệ hại. Từ một cái “thư viện lưu động” toàn những quyển tiểu thuyết dâm tục đến việc học sinh hút bạch phiến trong lớp học bỏ trống cuối đường. Từ việc buôn chữ của “Ngài” Giám học mỗi đầu tháng đứng soát vé ngay trước cổng trường… đến khúc lan can gãy đã để như vậy mấy năm nay….
 

Tôi nghẹn giọng:
 

- Chính nơi đó đã xảy ra một thảm kịch. Lớp chúng em mất đi một người bạn đáng mến. Anh bạn em mất xe cũng vì giờ ra chơi nhà trường để cổng mở mà không ai kiểm soát. Các học sinh muốn “cúp cua” cũng rất dễ dàng. Không có một kỷ luật tối thiểu để học sinh tuân theo. Còn bài học, chúng em học như những cái máy, học vì bổn phận, không được thảo luận, không có gì gọi là hứng thú. Đến hôm nay, ông chủ nhà hàng này lại được ngang nhiên vào lớp tuyển chọn người làm. Thưa thầy, vì ai? Vì “Ngài” Giám học thiếu căn bản, em đau lòng mà nói như vậy.
 

Mặt ông Giám học tím lại. Ông run rẩy nói không ra lời. Lớp học im phăng phắc. Lão “Tố Nữ” sấn đến, nói như thét:
 

- Anh này láo quá!
 

- Tôi không láo. Tôi nói sự thật. Có những vị thầy đáng kính nể thì cũng có những nhà mô phạm thiếu đức độ làm cho chúng tôi mất cả tin tưởng. Trong xã hội có những người lương hảo đáng khâm phục thì cũng có những con rắn độc đáng phỉ nhổ… như ông.
 

Lão “Tố Nữ” nắm lấy cổ áo tôi, gào lên:
 

- Thằng này hỗn!
 

Cơn giận của tôi đã đến lúc như không khí nén căng trong một bóng cao su mỏng manh. Tôi vùng ra khỏi bàn tay của lão “Tố Nữ’, giật chiếc nạng bên người giáng cho lão một cái nên thân.
 

Lớp học náo loạn lên không ngờ. Sau hành động đó, tôi mất thăng bằng quỵ xuống. Chiếc nạng rơi trên nền xi-măng nghe khô khan. Tôi nghe thân thể mình cứng ngắc. Tôi muốn biến đi cho thoát khỏi không gian ngục tù này.

_____________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 5

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>