Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

NIỀM TIN


Từ ngày tôi thi đậu Tú Tài chả biết cái mặt tôi có vênh váo, có nghinh người ta không mà thiên hạ lại thi nhau đồn : "Cái thằng ấy bây giờ nó dóc lắm, gặp người ta không thèm chào, không thèm hỏi". Nhưng người ta quên rằng, trước đó nghĩa là từ ngày tôi chưa thi đậu đó mà, gặp ai tôi cũng "trơ trơ như đá, vững như đồng" mà thiên hạ có nói gì đâu. Thì ra họ ganh tị với tôi chắc. Loài người vẫn thường có tật xấu như vậy. Hễ thấy kẻ nào hơn mình thì ganh, thì ghét. Thậm chí có người còn tìm cách trả thù tôi (?) nữa chớ. Họ đem những tật xấu của tôi ra mà kể :

- Con trai gì mà nhút nhát như thỏ đế. Ngoài giờ học ra là cứ ru rú ở nhà, không dám bước ra khỏi cửa.

- Chắc sợ con gái nó xem mắt chứ gì ?

- Cái ngữ ấy ai mà thèm, ốm nhom như cây sậy.

Những điều họ mô tả về tôi cũng đúng một phần nào, chứ không phải là toàn những chuyện bịa đặt. Nhưng những mẩu chuyện ấy lắm khi phũ phàng, nó khiến tôi đau khổ vô cùng. Ừ, thì tôi ốm như cây sậy đấy, giá như mà tôi ốm và cao hơn thế nữa, như cây tre trăm đốt chẳng hạn, thì đã sao cơ chứ. Tôi ghét nhứt những người đàn bà thừa cơm, rỗi việc, ăn rồi cứ đem chuyện người ta ra nói xấu. Hình như ngoài việc nói xấu người khác ra họ chẳng có công việc gì để làm. Nếu họ không nói xấu thì chắc là cái miệng họ sẽ bị thất nghiệp hay sao ấy. Mà mỗi khi lập được một thành tích nói xấu như vậy, họ có vẻ hả hê ghê lắm, như một người chiến sĩ vừa thắng trận một cách vẻ vang vậy. Nói xấu cho người kia đánh người nọ, họ xem đó là những công việc cần phải làm vì "nhu cầu đòi hỏi", không có không được. Nhưng tôi thì dại gì lại "đôi chối" với họ về những việc ấy. Cứ để cho họ nói. Tha hồ. Nói hết hồi rồi thôi chứ gì.

Trái lại, có những người muốn lấy lòng tôi. Họ thổi phồng tôi bằng những câu đại khái như thế này : (Lẽ dĩ nhiên muốn tâng bốc tôi thì họ phải nói ngay trước mặt tôi chứ).

- Gớm, trong xóm này tôi chả thấy ai học giỏi như cậu Tân. Thi đâu đậu đó. Chả bì với thằng Hùng con ông cảnh sát có học hành gì đâu, tối nào cũng đi cà nhong, cà nhõng ngoài đường. Thi phần một ba keo mới đậu, phần hai thi hoài mà chả đậu gì cả.

Có khi họ dùng ngay chính em tôi để làm bàn đạp đẩy tôi lên cao :

- Đừng nói chi xa. Ngay như cô Thu, em của cậu Tân đây cũng không bằng một góc cậu ấy. Ăn rồi suốt ngày cứ chưng diện, hết uốn tóc lại sửa móng tay, hết may áo dài rồi lo đến jupe.

- Tôi thấy tội nghiệp cho cậu ấy quá, đi học cứ kéo chiếc xe đạp "cổ lỗ sĩ" mà cũng chẳng đòi hỏi, phân bì, phân lê gì cả.

- Như con người ta đó nghen. Học tới cỡ đó Tú Tài chứ ít sao đi nào là Honda, Suzuki, chứ ai lại thèm đi xe đạp.

Những lời nói ấy, lúc đầu có tác dụng như một lớp "sơn son thếp vàng" họ đã tráng lên cái giá trị của tôi để biến nó mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Nhưng sau đó nó trở thành một chất khí trơ trong một phản ứng hóa học nghĩa là chả làm cho tôi thấy thích thú hay "xúc động" gì cả. Tôi thấy nó nhàm chán đến độ không thể nào tưởng tượng được. Cuối cùng nó có một tác dụng ngược lại. Nghĩa là những lời khen tặng tâng bốc ấy, khi lọt vào tai tôi nó được biến thành những lời mỉa mai, chế giễu. Ừ, sao họ lại tội nghiệp dùm tôi ? Tôi có cần họ tội nghiệp đâu. Sao tôi lại có thể ngây thơ tin những lời khen tặng một cách thiếu thành thật như thế được nhỉ ? Thôi, tôi biết rồi, họ khen để mà khinh khi tôi chứ gì ?

Được rồi, tôi sẽ làm cho họ hết khinh khi mới thôi. Tôi sẽ nói cậu tôi mua cho tôi một chiếc xe Suzuki hay Honda cũng được, để chiều chiều lả lướt trên xa lộ. Chao ơi, cứ nghĩ đến lúc ngồi một mình chạy "phon phon" trên con đường tráng nhựa thẳng băng, tôi cũng thấy sướng cả người rồi. Ừ, mái tóc tôi sẽ hất ngược ra sau. Tôi sẽ lái một tay thôi, còn tay kia tôi sẽ đưa lên vuốt ve mái tóc rễ tre của tôi. Ý, đâu phải mái tóc rễ tre, mái tóc tôi mướt như nhung mà lỵ. Vuốt tóc xong rồi đấy à ? Tôi cũng lái một tay thôi, còn tay kia chống nạnh vào hông. Hách phải biết nhé ! Thỉnh thoảng tôi lại soi vào chiếc gương nho nhỏ gắn ở trước mặt để ngắm "dung nhan" của mình. Tôi sẽ mỉm cười. Ồ ! Tôi không ngờ tôi lại đẹp trai đến thế và nụ cười của tôi mới xinh làm sao. Tôi sẽ vượt qua mặt chiếc taxi đang chạy trước tôi kìa ! Tôi sẽ bóp còi chứ ! Chiếc còi kêu "in in" sao mà dễ thương lạ. Gặp một người đang băng qua đường ấy à ? Mặc, tôi vẫn chạy hết tốc lực rồi thắng một cái "kiít". Đèn stop sẽ đỏ lên. Thiên hạ sẽ nhìn tôi lác mắt : "Chà ! cậu này đi xe giỏi quá ta". Tôi sẽ đưa tay chào như một anh nhà binh. Rồi mỉm cười (phải mỉm cười để tỏ vẻ thân thiện chứ !). Muốn quẹo trái tôi bấm đèn signal bên trái. Muốn quẹo mặt tôi bấm đèn signal bên mặt. Đèn vàng chứ không phải đèn đỏ đâu. Khi đêm tối vào đường hẻm tôi sẽ bấm đèn phía trước. Sáng trưng như đèn néon.

Giá có một tà áo dài nào ngồi sát sau lưng tôi thì thích biết mấy nhỉ ? Nhưng tôi không dám chở người ngoài đâu, cậu tôi biết được thì chết. Giá tôi có một người chị thì cuộc đời tôi sẽ thần tiên hơn nhiều. Như thằng Chương ấy à, nhà nó có ba bốn bà chị lận. Sướng như tiên. Này nhé, một bà chuyên môn quét dọn nhà cửa, sắp đặt bàn ghế, sách vở cho nó. Nó đi học về, cứ vứt bừa bãi ra đó thì chị ấy dọn dẹp lại cho ngăn nắp thứ tự. Bà thứ hai chuyên môn nấu ăn. Trời ơi ! Khỏi nói. Chị là tác giả của nhiều món ăn hấp dẫn vô cùng mà tôi không tiện nói ra đây. Sợ nhỡ nói ra, chẳng may tôi nhễu nước dãi thèm thuồng thì nguy. Còn chị thứ ba ấy à ? May vá, đan lát, thêu thùa khéo một cây. Những chiếc khăn tay của nó đều do chị thêu cả. Khi nào mùa mưa đến, mùa lạnh về, chị lại tỉ mỉ đan cho nó những chiếc áo len ấm cúng vô cùng. Khi nó còn nhỏ, nó ngủ chung với chị. Đêm khuya gió lạnh chị thường kéo chăn đắp cho nó. Chị hỏi nó : "Em có lạnh không ?". Dù là không lạnh đi chăng nữa nó cũng làm nũng : "Em lạnh lắm chị ơi !". Chị nó sẽ ôm nó vào lòng ấp yêu. Nó thấy ấm áp hơn bất cứ một thứ mền, một thứ chăn nào.

Tôi ao ước mình có một người chị như thế. Giá mà mợ tôi sinh em tôi ra trước thì tôi đã có một người chị rồi còn gì ? Đằng này nó lại sinh ra sau tôi, nó được quyền nhõng nhẽo với cậu mợ, vì thế mà tôi ghét em gái hơn chị gái. Tôi không thích anh trai, cũng may là tôi không có anh trai. Nếu tôi có một người anh, cũng hơi phiền. Chắc là tôi chẳng bao giờ có chiếc Honda hay Suzuki theo niềm mơ ước đâu. Mấy ông anh trai chuyên môn bắt nạt "con nít", các bạn còn lạ gì nữa ?

Nhưng không có một người chị thì tôi sẽ chở con Thu cũng chả hề gì. Được rồi, tôi sẽ chạy hết tốc lực, tám mươi cây số một giờ. Tha hồ cho con bé lác mắt. Nó lại không biết đi xe đạp, tôi lại dễ lấy le hơn chứ. Qua cua tôi sẽ "ôm" cho thật sát để con bé giật mình chơi. Tôi sẽ lấy làm hãnh diện và sung sướng biết bao ! Hình như người ta chỉ thấy mình sung sướng khi có kẻ khác đau khổ hơn (!!). Nếu thật đó là một định luật thì cũng hơi "dã man" phải không các bạn ?
*
Người lớn nói mà ít khi giữ lấy lời. Họ thường hay thất hứa, nhất là đối với con cái của họ. Có thể đó là một tính di truyền của loài người. Biết đâu mai mốt lớn lên, tôi cũng nhiễm cái tính ấy. Điển hình nhất là trường hợp của cậu tôi. Ông cụ đã hứa :

- Con ráng thi đậu phần hai xong cậu sẽ sắm cho con một chiếc Honda hay Suzuki gì cũng được.

Lúc ấy, tôi chưa cần phải lựa chọn thứ nào. Honda hay Suzuki gì cũng thế, chiếc nào miễn có máy chạy và "lả lướt" được thì thôi.

Nhưng khi tôi đậu xong thì ông cụ hình như lờ đi. Cậu tôi không nói đến vấn đề thuộc dĩ vãng. Có ai lại thích khêu lại đống tro tàn dĩ vãng đâu ? Nhưng tôi thì khôn đáo để (!!) cứ lựa đến bữa ăn lại đem vấn đề ấy ra tấn công cậu tôi. Tôi dùng cả hai lối chiến tranh quân sự và chiến tranh chính trị. Cậu tôi chỉ là kẻ tự vệ chứ không hề phản công. Đại khái, tôi sẽ cho các cánh quân bao vây như thế này :

- Cậu ơi ! Cậu mua cho con chiếc xe Suzuki đi cậu. Cậu hứa, con thi đậu cậu sẽ mua cho con liền, thế mà...

Cậu tôi chống trả một cách yếu ớt :

- Được rồi, để từ từ rồi cậu mua cho.

Tôi mở đợt tấn công thứ nhì, lần này hiểm hóc hơn :

- Cậu chẳng giữ lời hứa gì cả. Hồì con thi đậu phần một cậu hứa mua cho con một cây viết Parker rồi cậu cũng lờ luôn.

Hình như trong đồn cậu tôi chẳng còn một tên quân nào để chống đỡ. Ông cụ im lặng hoàn toàn. Ánh mắt thoáng buồn. Gương mặt trở nên đau khổ như một đại tướng trở về với một thất vọng não nề. Tôi đã dồn ông cụ vào bước đường cùng rồi. Tôi không chừa cho ông một lối thoát nào cả. Bây giờ tôi lại dùng đến lối chiến tranh chính trị. Lối này tôi đã "nghiên cứu" kỹ lưỡng và xoay qua tấn công mợ tôi :

- Con thích học khoa học hơn văn chương. Nhưng không có xe gắn máy để đi thì chắc con phải học Văn khoa quá. Chứ từ nhà lên đến mãi Chợ Lớn, hằng năm sáu cây số, mà xách xe đạp đi gì nổi, đi chừng vài hôm có nước ho lao quá.

- Con đã nhất quyết đi khoa học à ?

- Dạ, con đi Khoa học. Chứ ban B ai lại đi Văn khoa, yếu lắm. Vả lại, con có khiếu về toán hơn là văn chương. Cực chẳng đã mới học Văn khoa, chứ học cái đó, ra trường biết làm gì mà ăn. Bất quá đi dạy là cùng. Hay có giỏi thì cũng đi viết văn viết báo chứ gì ? Mà làm nhà văn ở cái xứ này thì khổ còn hơn con chó !

- Còn Khoa học thì ra làm gì ?

- Cũng làm giáo sư, nhưng giáo sư toán dễ kiếm tiền hơn giáo sư văn chương.

- Tao thì già cả dốt nát, không biết gì hết. Con liệu cái nào hợp với sở thích, khả năng thì đi.

Thế là mợ tôi đã rơi vào ổ phục kích của quân sĩ tôi rồi :

- Nhưng học khoa học thì phải có xe gắn máy đi mới được... chứ xa quá.

Mợ tôi nghĩ ngợi một lúc rồi đáp :

- Thôi, để mợ mua cho con một chiếc Solex nhé !

- Trời ơi ! Thời buổi này mà mợ bảo đi Solex. Xe đó, bây giờ người ta bỏ "lạc xon" rồi.

- Chứ thằng Dũng con chú Ba cũng đi Solex đó thì sao ?

- Nó đi làm, còn con đi học mà. Vả lại nó mua từ thời Ngô Đình Diệm, bây giờ hãy còn chứ có phải nó mới mua đâu.

Gương mặt mợ tôi trở nên khô cằn như thửa ruộng không còn mầu mỡ. Vầng trán bà cụ xuất hiện những vết nhăn tựa hồ những luống cày không ngay hàng thẳng lối. Hai giếng mắt bà cụ sâu hun hút như đang ở trong mùa hạn hán. Chiếc mũi nhô lên cao chót vót như một ngọn núi đá vô dụng. Chiếc miệng thỉnh thoảng lệch sang một bên, tôi ngỡ đang có một trận động đất xảy ra trong tâm hồn mợ tôi. Nguyên nhân của sự xáo trộn ấy có lẽ là do những đòi hỏi quá đáng của tôi. Tôi có vẻ hối hận nhưng lòng ham muốn lại to lớn hơn, vĩ đại hơn nên nó đã đè bẹp niềm hối hận nằm xuống vừa khi mới nẩy mầm. Chính giây phút đó, mợ tôi đã lên tiếng :

- Được rồi, con cứ yên tâm đi. Thế nào rồi mợ cũng mua cho con một chiếc Honda. Cậu mày hứa thì không chắc, chứ mợ hứa thì thế nào cũng có mà. Con đừng lo nữa nhé. Hãy chuẩn bị giấy tờ để nộp hồ sơ nhập học đi.

Lời hứa ấy đối với tôi cũng không hơn gì lời hứa của cậu tôi. Nghĩa là tôi đã mất cả sự tin tưởng ở hai đấng sinh thành. Tôi nghĩ rằng những lời hứa cũng sẽ mọc cánh bay đi và để lại cho tôi những chấm than vĩ đại.

Nhưng mợ tôi đã "đi guốc vào bụng" tôi rồi. Bà hiểu rõ những hoài nghi ấy, nên đã trấn an tôi :

- Tháng này mợ sẽ hốt cái hụi hai ngàn để mua cho con mà. Mắc rẻ gì mợ cũng hốt hết. Nếu không đủ thì mợ lại đi vay thêm.

Niềm tin đã mọc rễ trong hồn tôi. Tôi lại tưởng tượng đến một ngày đẹp trời nào đó, tôi sẽ lái Honda (hay Suzuki tôi cũng chưa biết nữa) để "vi vút" trên con đường xa lộ trải nhựa bóng loáng. Chao ơi, êm ái làm sao !

Nhưng ngày tháng vẫn ù lì, trôi qua một cách mệt mỏi như con ngựa già è ạch kéo chiếc xe lên dốc đá. Tôi đưa đôi tay nhỏ bé với lên niềm ước mơ cao vòi vọi. Còn mười hôm nữa ngày đầu tháng mới hiện về. Chao ơi, lâu quá. Rồi còn đúng một tuần. Ba ngày, hai ngày, tim tôi bắt đầu nở hoa. Rồi chỉ còn một đêm nữa thôi. Ngày mai khui hụi. Cả đêm hôm đó tôi không ngủ. Lòng nôn nao khó tả. Chỉ mong cho đến sáng. Khi lão mặt trời còn ngái ngủ thì tôi đã dậy rồi. Súc miệng, rửa mặt xong, tôi ngồi trước bàn học chờ mợ tôi dậy để "bàn định kế hoạch". Gã mặt trời vừa thò mặt ra khỏi dãy nhà trước mặt tôi, đã nhăn răng híp mắt ra cười thật tươi, tỏ vẻ thân thiện. Tôi nheo mắt nhìn gã bằng vẻ khinh khỉnh. Khi mợ tôi vừa dậy, tôi đã vội vã nhắc :

- Mợ ơi, hôm nay khui hụi.

- Mợ nhớ rồi, vội gì mà nhắc dữ vậy ?

- Mợ định kêu bao nhiêu đó mợ ?

- Kỳ trước người ta kêu bảy trăm rưỡi, kỳ này mình kêu tám trăm rưỡi chắc hốt được.

- Thôi kêu chín trăm cho chắc ăn đi mợ.

- Kêu nhiều quá, sợ lỗ thì nguy.

- Không lỗ đâu mà, mợ cứ kêu chín trăm đi, chắc được.

Mợ tôi tỏ vẻ do dự :

- Thôi, để rồi sẽ tính sau.

Khi cậu tôi đi làm, mợ tôi đi khui hụi và Thu đi chợ, nỗi lo lắng lại dâng lên trong lòng tôi cao ngất. Tôi ngồi không vững, đứng không yên, hết đi lên lại đi xuống, hết xuống lại lên. Tôi nhìn ra đường theo hướng nhà người chủ hụi. Tôi chỉ mong bóng dáng của mợ tôi sẽ hiện ra ở cuối con đường đó. Tôi vun cao niềm hy vọng. Chợt bóng mợ tôi thấp thoáng ở đằng xa, tôi lại lo lắng hơn. Khi khoảng cách giữa mợ tôi và tôi đủ cho tôi nhìn rõ nét mặt bà thì tôi đã đoán được những gì đã xảy ra rồi. Quả nhiên mợ tôi vừa đặt chiếc nón xuống bàn đã thở dài chắc lưỡi :

- Người ta kêu tám trăm bảy, mình kêu tám trăm rưỡi, hụt rồi.

Tôi giận dỗi :

- Phải chi mợ nghe con thì được rồi. Con biết tháng này người ta hốt cao lắm mà.

Mợ tôi lại thở dài :

- Cao quá mình chịu không nổi con ạ !

Thấy tôi có vẻ buồn, mợ lại an ủi :

- Thôi, tháng sau dù cao bao nhiêu mợ cũng hốt cho con.

Buổi trưa hôm đó tôi ăn cơm không còn thấy ngon nữa. Tôi không buồn nói với ai một lời nào. Thu hỏi, tôi cau co. Cậu hỏi, bắt buộc lắm tôi mới trả lời. Giọng tôi nặng nề như chứa cả một tảng đá buồn trong hơi thở.

Chiều đến, khi cậu tôi vừa đi làm, tôi cũng xách xe đạp đi lang thang khắp phố phường. Đi mãi cũng chán, tôi lại vào vườn Tao Đàn ngồi nhìn lá rơi và nghe chim hót. Mãi đến khi đèn phố bật lên, tôi mới lủi thủi trở về. Ăn xong là tôi leo vội lên giường không phải để ngủ mà để gậm nhấm nổi buồn. Một cái gì chắn ngang ở cổ khiến tôi cảm thấy nghèn nghẹn. Một cái gì để ngang trên ngực khiến tôi tưng tức. Không khí chung quanh loãng quá, tôi hô hấp một cách khó khăn.

Nỗi buồn ấy đeo đuổi theo tôi suốt cả một tuần lễ. Cho đến một hôm, trong bữa cơm chiều mợ đã làm cho tôi sửng sốt vô cùng :

- Mợ vay được hai mươi lăm ngàn rồi đó. Ngày mai đi làm về cậu sẽ ghé lấy xe cho con.

Trong óc tôi bỗng hiện ra một sự so sánh : hai mươi lăm ngàn đồng, lớn hơn cả gia tài của cậu mợ tôi. Giá cậu mợ tôi có gian nhà mà hiện chúng tôi đang ở, có lẽ cũng không hơn số tiền ấy. Đằng này chúng tôi lại ở thuê. Gia tài cậu mợ tôi có gì đâu nếu không kể đến mấy bộ bàn ghế bằng gỗ tạp vừa dùng để tiếp khách, vừa dùng làm bàn học cho anh em chúng tôi, nếu không kể đến mấy chiếc giường sắp mục và mấy chiếc chiếu rách.

Tôi muốn gục đầu vào lòng mợ tôi và cho niềm hối hận lan ra. Tôi muốn nói với mợ những lời ngọt dịu nhất, êm ái nhất, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại lặng thinh. Tôi bỗng cảm thấy mình là một tảng đá lớn ngăn cản bước tiến hạnh phúc của gia đình. Tôi, vâng chính tôi, là một thằng con trai vô dụng. Chỉ biết giết thì giờ bằng cách nhai ngấu nghiến đống sách vở cao nghều nghệu, ngoài ra chẳng làm được việc gì hết. Tôi là một thằng con trai vô dụng, vậy mà người ta cứ khen ngợi tôi nghĩa là làm sao ? Tôi thấy thật là mỉa mai, khôi hài quá. Phải chăng người ta đã nhìn tôi qua sự phản chiếu của một tấm kính không mấy trung thực.

Tôi mãi im lặng, cậu tôi lên tiếng :

- Mợ vay của ai đó ?

- Mượn rồi trả góp chứ không phải vay. Mượn hai mươi lăm ngàn, mỗi tháng trả góp ba ngàn, tính đủ một năm thì thôi.

- Vị chi là ba mươi sáu ngàn.

- Ừ, ba mươi sáu ngàn, nhưng chỗ ơn nghĩa ghê lắm người ta mới cho mượn đấy.

- Của ai thế ?

- Của dì Hai nó. Tôi biết là của dì ấy nhưng dì ấy nói là dì ấy mượn hộ cho mình chứ dì ấy làm gì có tiền. Nói cho dễ đòi nợ ấy mà, cậu còn lạ gì nữa.

- Ờ, thì của ai cũng được, miễn có thì thôi.

- Tôi tả tình cảnh của mình. Dì ấy nói : "Tội nghiệp cho thằng Tân, thôi để tôi qua bên hàng xóm mượn hộ cho". Rồi dì ấy ra sau nhà, một lúc sau trở ra với xấp bạc. Tôi mừng như trúng số độc đắc, vội vàng gói đem về, cứ sợ chậm trễ dì ấy đổi ý thì nguy.

Cậu tôi quay sang hỏi ý kiến tôi :

- Bây giờ con muốn xe gì ? Honda hay Suzuki ?

Tôi lưỡng lự :

- Xe gì cũng được. Theo ý cậu thì xe nào tốt hơn ?

- Con ốm yếu đi Honda dame cho nhẹ nhàng. Nó lại bền nữa.

Mợ tôi góp vào :

- Phải đó, Honda dame trông dễ thương. Còn Honda SS với Suzuki trông nặng nề khó coi quá.

Tôi buông thõng :

- Thế cũng được.

- Vậy thì chiều nay đi làm về cậu ghé bác Bảy đem về cho con. Cậu có nói trước với bác ấy rồi. Bác có chiếc Honda dame bác ấy muốn bán để mua một chiếc Mini J 50. Mình mua lại cho rẻ chứ mua xe mới cũng ba mươi lăm, ba mươi sáu ngàn, đâu có đủ tiền.

- Nhưng xe bác có cũ lắm không cậu ?

- Cậu xem rồi, hãy còn mới mà. Bác ấy mới đi có sáu tháng hà.

- Sáu tháng mà cậu kêu mới.

- Nhờ bác ấy khéo giữ, bác "săn sóc" chiếc xe kỹ lưỡng lắm, lớp sơn còn mới tinh khôi, không trầy một tí ti nào. Nhưng con có cần đi với cậu không ?

Vốn tính làm biếng, tôi nói :

- Thôi, khỏi cần cậu ạ. Cậu bằng lòng là con bằng lòng, xem làm chi cho mất công.
*
Đúng như lời cậu tôi nói. Chiếc xe hãy còn mới tinh khôi, sơn màu xanh lá chuối non. Chao ơi, cái màu sao mà mát mắt thế nhỉ ? Tôi nhìn hoài mà không thấy chán. Thu cũng có vẻ thèm muốn lắm, nó nhìn chiếc xe rồi nói với tôi :

- Chở em đi một vòng ra xa lộ hóng mát đi anh Tân.

- Để anh đi cho rành đã chứ. Vội vàng gì.

Sau khi được cậu tôi chỉ cho cách mở khóa, đạp ga, sang số mà ông cụ vừa được "huấn luyện cấp tốc" trước tôi mười lăm phút, tôi bèn phóng lên xe và đi một đường lả lướt.

Trời ơi, tôi không ngờ đi Honda còn dễ hơn đi xe đạp nữa. Thế mà lúc chưa có xe tôi cứ sờ sợ làm sao, không biết mình đi có được không, sang số một, chạy được một lúc sang số hai rồi cuối cùng sang số ba. Xe chạy êm như ru. Miệng tôi luôn nở hoa hàm tiếu (trông thật đáng yêu). Gió tạt vào mặt mát rượi. Tôi không ngờ. Thật tình tôi không ngờ mình lại có cái giây phút "thần tiên" như thế, bởi tôi đã có thành kiến rằng cậu mợ tôi không bao giờ giữ lời hứa. Tôi đã nghi oan cho hai đấng sinh thành.

Chiếc xe vẫn lao vun vút trên con đường tráng nhựa. Xa lộ giờ này thật là "dập dìu tài tử giai nhân, ngổn ngang mã tích xa trần thiếu ai". Toàn là xe hơi với xe máy dầu Nhựt Bổn. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe Mobylette hoặc Vélo, kiếm cho ra một chiếc xe đạp tuy không phải là việc tìm kim đáy bể nhưng cũng khó khăn vô cùng. Tôi thấy như mình lớn hẳn lên, như được thêm một tuổi nữa là ít. Thỉnh thoảng tôi bẻ chiếc gương cho ngay mặt mình, nhìn vào trong mỉm cười. Cười bằng miệng, bằng mắt và bằng mũi. Rồi lại xoay gương ra mặt đường, trông chừng những chiếc xe đằng sau. Muốn qua mặt một chiếc xe nào, tôi bóp kèn kêu "tin tin" thật to, làm như xe của mọi người đều không có kèn vậy.

Sau nhiều lần đi dạo như thế (khi thì xa lộ, lúc thì bến Bạch Đằng, khi thì đường Lê Lợi, lúc thì đường Nguyễn Huệ) chiếc xe của tôi bỗng nhiên ngã bệnh. Cả cậu tôi và tôi đều chưa có kinh nghiệm về xe cộ, nên hễ mỗi lần xe ốm thì đem ra nhờ "ông bác sĩ" có phòng mạch ở đầu ngõ hẻm. Mỗi lần khám bệnh, ông "chém " sơ sơ từ một trăm cho đến năm trăm. Khi thì thay bougie, lúc thì canh lửa. Hôm nay cái thắng không ăn, ngày mai cái đèn không sáng. Ngày mốt bỗng nhiên cái kèn cấm khẩu, không thèm kêu thèm nói một tiếng nhỏ nào. Nhất nhất, đều nhờ đến lão "bác sĩ" ấy. Nhưng nếu đang đi giữa đường mà nó nổi cơn sốt rét quyết đình công thì phải nhờ đến những vị "bác sĩ trẻ" (thường vào khoảng mươi ba, mười bốn tuổi) khám hộ. Có một hôm, đang chạy vi vút, nó bỗng làm reo không thèm đi nữa. Tôi tức quá, đạp cho nó vài cái vào hông (đạp ga ấy mà), nhưng nó chẳng thèm nói năng gì. Đạp hoài không được, vạch bụng ra xem mới hay rằng cu cậu đói meo. Không có một giọt xăng nào, làm sao chạy nổi. Tôi è ạch, dắt cu cậu đi tìm xăng dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa Sài Gòn, mồ hôi mồ kê đổ ra nhễ nhại, loang ra đầy áo, ướt đẫm...


Lại một hôm nữa, đang đi bỗng nhiên cu cậu lại giở chứng "làm nũng" ra. Vào buổi tối, thế mới tức chứ. Giờ này đâu còn "bác sĩ" nào làm việc. Tôi dắt đi hoài mà tìm chẳng ra một lão thầy thuốc. Bí quá, tôi bèn đem cu cậu dựng bên lề đường rồi lấy đồ lề ra giải phẫu. Phen này phải tỏ ra mình có tài tháo vát mới được. Thường thường mỗi lần đạp nó không nổ, đem tới tiệm thì mười lần hết chín là người ta tháo bougie ra cạo. Công việc này dễ như trở bàn tay, có gì đâu mà mình làm chẳng được. Nghĩ thế, tôi bèn tháo bougie ra, cũng cạo cũng vét y như người ta vậy. Để vào, đạp thì nổ liền. Tôi phục tôi sát đất. Giá lúc ấy có tiệm phở nào gần đó tôi phải vào để thưởng mình hai tô mới được. Nhưng tiếng máy chạy rè rè, không êm lắm, cũng chả sao. Miễn về đến nhà được thì thôi.

Lẽ dĩ nhiên là trong bữa cơm ấy, thế nào tôi cũng khoe tài sửa xe của tôi với cậu tôi chứ ! Cơm nước xong, tôi lại đem cu cậu ra tái khám. Tại hắn cứ kêu rè rè ấy mà. Lại tháo bougie, lại cạo lại vét. Lại để vào. Nhưng chẳng hiểu sao tôi vặn hoài mà cái bougie không chịu nằm vào ổ máy (tạm gọi thế chứ tôi không biết gọi chỗ ấy là cái chi chi). Suốt ba tiếng đồng hồ mà vẫn không để vào được. Đành đầu hàng vô điều kiện vậy. Ngày mai, đem đi "bác sĩ" cho rồi. Tảng sáng khi ông bác sĩ quen thuộc của tôi vừa mở phòng mạch, thì đã có hai cha con tôi với chiếc xe ở đó rồi. Sau khi xem xét và nghe cậu tôi nói về "thành tích"... sửa xe của tôi, ông ta mỉm cười tuyên bố :

- Tại cậu vặn rán quá nên nó đứt gai ở đây rồi (ông ta vừa nói vừa chỉ), bây giờ phải tháo máy ra đi hàn mấy cái gai này lại thì mới gắn bougie vào được.

Tôi bắt đầu lo sợ :

- Chừng bao nhiêu tiền vậy bác ?

- Cỡ ba trăm thôi.

Chữ "thôi" ông ta "hạ" sao mà nghe "có duyên" thế nhỉ ? Tôi quay sang cậu tôi :

- Cho con xin ba trăm đi cậu.

Cậu tôi nói với người sửa xe :

- Thôi ông làm giùm cho cháu rồi trưa tôi về đưa tiền sau được không ? Thú thật là sáng nay không sẵn tiền trong túi.

Ông ta cười xuề xòa :

- Ồ, chỗ anh em quen biết với nhau mà. Ông cứ để đó đi tôi sửa cho, đừng ngại. Chừng nào đưa cũng được.

Sau này tôi mới biết được lòng tốt của vị "bác sĩ" ấy : cùng với một chứng bịnh như vậy mà mấy đứa bạn tôi chữa nơi khác tốn có một trăm đồng, còn ông ta vì là "chỗ quen biết" với cậu tôi nên chỉ lấy có... ba trăm thôi. Dĩ nhiên, từ đó về sau, tôi không còn dám ghé vào tiệm sửa xe ấy nữa. Mặc dù phải đi khá xa mới có một tiệm sửa xe khác, tôi vẫn không ngại.

Sau nhiều lần cho đi bác sĩ, tốn gần trên năm ngàn bạc, chiếc xe của tôi trở nên bình thường. Có thể nói nó vừa được "hồi xuân", với đầy đủ sức khỏe nên chạy như điên. Nó trở thành tên nô lệ đắc lực nhất của tôi.

Từ ngày có nó, lũ bạn học trước kia cùng đi xe đạp đến trường Trung học với tôi, bỗng nhiên xa lánh tôi. Mặc dầu lên Đại học chúng tôi cũng cùng học chung một lớp, một thầy. Trước sự mất mát tình thân đó, ban đầu tôi thấy hơi buồn. Nhưng sau tôi bất cần. Tôi lại có một số bạn mới. Lũ bạn này thật là đồng hội đồng thuyền với tôi. Nó cũng có xe Nhật như tôi. Mới và "chiến" hơn tôi nữa là đằng khác. Chúng tôi thường tổ chức những cuộc đua xe trên xa lộ vào chiều thứ bảy hay chúa nhựt. Phải tinh ý lắm mới không bị các thầy cảnh sát công lộ làm phiền. Sau những lần đua xe mệt mỏi nhưng đầy hứng thú như vậy, chúng tôi thường kéo nhau vào quán kem, nhà hàng để bồi bổ sức khỏe. Lũ bạn mới của tôi phần lớn là con nhà giàu. Không con một ông công chức cao cấp thì con một vị bác sĩ, kỹ sư hoặc một vị thương gia nổi tiếng. Chỉ có một mình tôi là con một viên tư chức hạng bét, mỗi tháng lương không quá bảy ngàn. Mà đã ba ngàn dành để trả góp tiền xe cho tôi rồi. Nếu mợ tôi không mua gánh bán bưng thì chẳng có gì để nuôi anh em chúng tôi ăn học. Nhưng không lẽ cứ để chúng bạn bao ăn bao uống hoài thì coi cũng kỳ. Vì thế, thỉnh thoảng tôi lại kiếm cớ mua một cuốn sách, hay sắm một món phụ tùng cho chiếc xe, để xin tiền cậu mợ tôi mà thết đãi bạn bè.

Thời giờ của tôi dành cho những cuộc vui chơi, ăn nhậu nhiều hơn là học hành. Tôi thấy chán nản vô cùng, không còn muốn học hành gì nữa cả. Sự học đối với tôi bây giờ trở thành một hình phạt. Trí thông minh của tôi đã cùn rồi, không vươn lên được nữa ! Sự nhồi sọ khi còn dưới mái trường Trung học đã làm cho não cân tôi trở nên tê liệt què quặt một cách đáng thương.

Để lương tâm yên ổn, tôi thường xem sự ăn chơi ấy như một thứ giải trí bắt buộc phải có, không thể nào thiếu vắng được. Như cỏ cây cần ánh sáng mặt trời mới có diệp lục tố, tôi phải có những giờ phút như vậy thì sức khỏe mới không hao mòn, và trí khôn mới được xới vun.
*
Ngày tháng lạnh lùng trôi qua, hết mùa nắng rồi đến mùa mưa. Người ta thường nói nghỉ nắng, nhưng sự thật ở Sài Gòn chúng tôi nghỉ mưa chớ không hề biết nghỉ nắng bao giờ. Mùa nắng thì cắm đầu cắm cổ lo tiêu hóa những môn học nhàm chán. Đó là nói những người siêng học, chứ tôi bây giờ thì ít khi có thời giờ ngó ngàng đến sách vở. Mùa mưa cũng là mùa thi. Vì thế sự trợt vỏ chuối xảy ra là thường, không có gì đáng ngạc nhiên cả.

Khi những làn mưa đầu mùa hạ bắt đầu, tôi mới giật mình thức tỉnh. Thì ra mình đã đắm say trong sự ăn chơi từ mùa thu cho đến mùa xuân. Sắp sửa đến mùa thi rồi. Con ve sầu, suốt ngày cứ ca hát, bây giờ nhìn lại đống lương thực không còn gì nữa cả. Tôi cũng vậy. Đã tiêu pha một cách hoang phí chuỗi ngày xuân của mình ! Con ve sầu còn có thể đi vay mượn chị kiến được. Còn tôi, tôi làm sao có thể đi vay mượn được kiến thức nếu không có sự cố gắng, chú tâm của mình ngay từ ngay đầu niên học.

Dù những ngày cuối năm tôi đã dồn tất cả cố gắng của mình vào việc học. Nhưng kiến thức đâu phải là một đống rơm, mình muốn nhét vào hầm lúc nào cũng được. Nó là những gì còn lại, lắng đọng vào trí não ta sau những ngày học tập đều đặn.

Chẳng nói các bạn cũng biết cuối năm đó tôi thi rớt. Tôi biết tôi rớt ngay từ buổi thi đầu tiên, không cần đợi đến sau ngày xem bảng. Có gì đâu mà chẳng hiểu ? Tôi đã ngồi im lặng suốt hai tiếng đồng hồ trước bài Toán hình học giải tích mà chả viết được câu nào cả. Đậu làm sao được chứ.

Tôi rớt, cậu mợ tôi buồn ghê lắm, em tôi cũng vậy. Nhưng cậu tôi không hề mở miệng trách tôi một lời, đừng nói chi đến việc mắng chửi. Ông còn cho tôi tiền đi xi nê giải trí để khuây khỏa tinh thần, để nỗi buồn dịu vợi.

Thiên hạ nhìn tôi bằng nửa con mắt :

- Ối, cái thằng đó mà học hành cái gì. Từ ngày có xe mới là cứ lo ăn chơi, rớt cũng phải lắm mà.

- Chắc chạy chọt ghê lắm mới đậu được hai cái bằng Tú Tài chứ lên Đại Học "sức mấy" mà học được.

- Sao cậu mợ nó cưng nó thế nhỉ ? Muốn cái gì là được cái ấy. Chả trách nó không hư sao được.

Tôi cảm thấy như bị một bàn tay tàn nhẫn tát lên mặt tôi mỗi khi nghe những câu nói ấy. Tôi không thể chịu được những câu dằn vặt như thế mãi. Một buổi chiều trong bữa cơm, tôi đã nói với cậu mợ tôi :

- Con không muốn đi xe Honda nữa đâu. Cậu bán cho người ta đi.

- Con muốn đổi chiếc Suzuki hả ?

- Dạ không.

- Chớ sao ? Chắc là xe hư phải không ? Để rồi cậu cho tiền sửa lại.

- Con muốn đi xe đạp thôi.

- Sao vậy ?

Tôi ngập ngừng :

- Mình đi xe sang trọng mà học hành chả ra gì. Thi rớt thiên hạ chửi vào mặt. Con chịu không nổi, chẳng thà đi xe đạp đậu rớt gì người ta cũng thương.

Mợ tôi lên tiếng :

- Ối, con sao kỳ quá, hơi sức đâu mà sống vào dư luận. Mình có xe gì mình đi xe ấy chứ. Tiền mợ góp cũng gần hết rồi. Chỉ còn vài tháng nữa thôi. Chiếc xe hoàn toàn thuộc về con rồi.

- Thôi, con để cậu đi Honda, con đi xe đạp.

- Con quên rằng mắt của cậu yếu sao ? Cậu thích đi xe lam hay xe bus cho nó khỏe cái thân !

Rồi cậu khôi hài :

- Cậu đi làm bằng xe nhà nước. Có người đưa người rước sướng hơn chứ !!!

- Thôi, con đừng có thay đổi ý kiến gì hết. Cứ để chiếc xe mà đi, mặc xác thiên hạ muốn nói gì thì nói. Con ráng lên một chút nữa năm sau thi đậu là cậu mợ mừng rồi.

- Học tài thi phận mà con. Cậu biết con không có chơi bời lêu lổng gì, chẳng may bài ấy con chưa học kỹ nên làm chưa được đó thôi. Phen này không đậu thì còn phen khác lo gì.

Tội nghiệp cậu tôi, ông vẫn tin rằng đứa con trai đang ngồi trước mặt ông là một thằng sinh viên chăm chỉ. Tôi muốn gục đầu thú tội cùng ông. Tôi muốn phá vỡ niềm tin đã thành hình một cách vững chắc trong lòng ông. Nhưng chẳng hiểu sao, tôi lại không đủ can đảm để kết tội mình, tôi đành im lặng. Và tôi thầm hứa với lương tâm mình làm sao biến niềm tin ấy thành một cái gì cụ thể hơn.

_____________________________________________________________________
Xem tiếp TRÁI ĐẮNG


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>