Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Xuân Hồng



















Em hiền ngoan như bầy chim
Mùa xuân chim hồn nhiên hót
Líu lo khúc ca êm đềm
Rót dâng cho đời mật ngọt

Tuổi em ngọt ngào nắng sớm
Quê hương nay đã thanh bình
Nắng trổ hoa vàng khắp lối
Rộn ràng trong mắt em xinh

Đầu năm có quà mừng tuổi
Mây trời đan chiếc áo hồng
Tặng em với làn gió mới
Nụ cười vương mắt em trong

                                      Diễm Ph.

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Giáp Dần, 1974)

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Bắt Trộm


miền quê tôi, mỗi khi Tết đến, hầu hết nhà nào cũng gói bánh chưng không nhiều thì ít. Nhà gói nhiều thì nấu riêng, mấy nhà ít thì hai ba nhà chung lại nấu một nồi, đỡ tốn củi và đỡ tốn công coi sóc. Họ bắt đầu gói bánh từ sáng 30, chiều bỏ vào nồi nấu, thường đến gần nửa đêm, bánh mới thật chín. Trong gia đình chia phiên nhau coi củi lửa cho tới khi bánh chín vớt ra, treo lên, rồi mới đi ngủ. Có nhiều khi, người ngồi canh lửa, mệt mỏi ngủ thiếp đi và đến lúc tỉnh dậy, thì ôi thôi, nồi bánh đã không có cánh mà bay đi đâu mất! Mấy chú đạo chích đã nấp sẵn ở ngoài, thừa cơ vào bê nồi bánh ra đồng chia nhau rồi!

Năm nào cũng xẩy ra nạn trộm bánh như thế, không nhà này thì nhà khác khiến cho nhiều nhà qua một cái Tết xui xẻo dở khóc dở cười!

Tết năm ấy, ông bà nội tôi còn, ba má tôi trù tính con cháu sẽ tụ họp về đông, nên đã gói rất nhiều bánh chưng, bánh tét. Chiều 30, bánh gói xong, ba tôi bắc lên hai lò song song cạnh nhau, hai chiếc nồi đồng to tướng sắp bánh vào chật cứng, đoạn đổ nước vào tới miệng rồi đốt lửa nấu...

Cơm tối xong, chuyện vãn một lúc, ba tôi bảo mọi người đi ngủ, để mặc ba tôi canh chừng nồi bánh. Ông tôi đi ngủ một lúc rồi trở dậy, xuống coi thay cho ba tôi đi ngủ. Lối gần nửa đêm, chúng tôi giật mình nhỏm dậy, vì tiếng ông tôi thét om sòm sau vườn:

- Bớ người ta! Kẻ trộm! Kẻ trộm!

Ba tôi đã dậy từ lúc nào, đang cầm đuốc từ trước cửa nhà chạy vào. Chúng tôi kéo nhau theo ra vườn. Chợt nhìn cảnh tượng trước mắt, ai nấy đều ôm bụng cười ngặt nghẽo: hai chú đạo chích là người cùng thôn, đang nằm rên rỉ trên đống giạ, hễ cựa quậy một tì, thì gai lại đâm sâu vào da thịt khiến mấy chú kêu oai oái! Bên cạnh hai chú là một cái bao đựng đầy bánh chưng... Ông tôi thì chống gậy, đứng cười ha hả, cách rất khoái chí. Một lúc sau, các nhà lân cận cũng cầm đuốc, xách gậy chạy sang. Mọi người hỏi ông tôi làm sao mà hai chú trộm lại rơi vào trong đống gai được. Ông tôi tươi cười, bảo mấy người khỏe, giơ sào để kéo hai chú ra đã rồi sẽ hay.

Đem hai chú vào giữa sân cùng với bao bánh còn nóng hổi, mọi người vây xung quanh, tươi cười nghe ông tôi kể:

- Hồi sáng nay, lúc cả nhà đang lo gói bánh, tôi nghe sau vườn có tiếng chặt cây, liền đi ra xem, thấy thằng Tám đây xách dao đứng lớ quớ phía ngoài, tôi hỏi nó, thì nó bảo nó đang câu lươn dưới mương, nhưng dây câu bị vướng vào cành tre, nên nó lấy dao chặt vài cành. Tôi để ý nhận xét, thì ra nó đã chặt tre trổ một đường lọt vào vườn, nhưng nó đã lấy nhiều nhánh gai lấp lại, tinh mắt mới nhận được. Tôi biết chắc là thằng này toan tính tối nay vào trộm bánh. Tôi làm bộ như không hay biết gì, hỏi thăm nó câu được bao nhiêu lươn, và bảo nó nếu muốn bán thì đem vào tôi mua cho. Thế rồi, tối đến, tôi giả đò đi ngủ sớm. Khi mọi người đã ngủ, tôi dậy coi lửa thay cho ba thằng Xuân (ba tôi).


Đến gần nửa đêm, bánh chín, tôi nghe sột soạt phía ngoài vách, và có tiếng chuột rúc, tôi chắc là có bợm trộm đã mò vào nấp đây rồi. Tôi liền làm bộ ngáp mệt mỏi, cho nhỏ lửa lại, đoạn lên nhà trên như đi ngủ. Tôi nhẹ nhàng đánh thức ba thằng Xuân dậy, rỉ tai cho biết có trộm vào, và bảo cầm gậy ra nấp cửa trước, nếu có trộm ra ngả ấy thì đánh và tri hô lên, còn chỗ khác thì để mặc tôi. Tôi cũng xách gậy sẽ lách ra cửa sau đi lại chỗ hồi chiều. Trời tối đen như mực tụi trộm cũng mưu cơ ghê lắm, chúng bắt đom đóm hai bên, bó gai thì chúng vất sang một phía. Tôi liền tương kế tựu kế, cắm mấy con đom đóm vào giữa đống gai... rồi như bà con đã thấy, , các chú hí hửng khiêng bao bánh ra, cứ theo đường đom đóm mà bước, bước luôn xuống giữa đống gai...

Mọi người cười vang, vỗ tay hoan hô mưu cao của ông nội, đoạn quay ra xỉ vả hai tên đạo chích:

- Mấy năm nay, cứ Tết đến, không nhà này thì nhà khác mất trộm cả nồi bánh, mà không biết ai ăn trộm, té ra tụi mày!

Một bà nổi nóng nhảy vào giáng cho hai anh hai bạt tai tóe lửa:

- Bà xé xác tụi mày! Năm ngoái Tết nhất mà bà khóc hết nước mắt, cũng vì hai đứa mày!

Hai anh trộm ngồi dựa vào nhau, mặt cúi gầm xuống đất, xấu hổ... Mọi người bàn nhau, trói gô hai chú lại để mai đem trình làng, nhưng ông tôi can:
 
- Thưa anh chị em, Tết nhất đến nơi, mà làm như thế cũng tội nghiệp quá, chi bằng chúng ta bắt chúng nó làm tờ thú, rồi từ nầy về sau, hễ ai mất của cải gì, cứ nắm đầu chúng đem ra làng cũng chưa muộn. Chúng ta đều chứng thật việc chúng nó phạm pháp hôm nay cả mà!
 
Mọi người đều tán thành ý kiến ôn hòa của ông tôi. Hai anh trộm làm tờ thú xong, lạy tạ mọi người và xin hứa từ đây ăn ở lương thiện. Ông tôi thương tình cho mỗi anh đòn bánh chưng rồi tha về...


Xa xa, đã có tiếng pháo nổ. Ai nấy vội chào nhau, chạy về nhà đón Giao thừa...
 
 
NHẬT LỆ GIANG     


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Đinh Mùi, 1967)

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

Hái Lộc Đầu Xuân





(Truyện cười... nửa miệng của TIẾN ĐẠT)

Chỉ còn hơn một tiếng nữa là đến giờ Giao thừa, cũng như mọi năm, tôi và ông anh cùng đi hái lộc. Vì chúng tôi là trai trong gia đình nên Bố Mẹ chọn chúng tôi được đi hái lộc. Lộc đầu Xuân, rồi đợi đến giờ Giao thừa về "xông" nhà luôn thể.

Khác hẳn hai ba đêm trước, đêm nay thật vắng vẻ, đường phố thật rộng rãi thênh thang, mang đầy vẻ nghiêm trang, cổ kính của ngày Tết. Có lẽ giờ Giao thừa sắp điểm, chiếc xe Honda đang chở anh em tôi chạy tà tà trên phố vắng. Ở cuối phố, chợt lóe lên một tia sáng trông thật chói mắt, "họ lại đốt trái sáng ở dưới đường đi đây" tôi nghĩ thế. Rồi trên đầu chúng tôi, bầu trời của đêm ba mươi tối đen như mực thỉnh thoảng lại rực lên màu xanh, đỏ của những trái sáng màu. Tôi lắng tai nghe, năm nay tuyệt đối không có đến một tiếng pháo nổ để mừng xuân.

Chợt có tiếng trống vang lên từ một ngôi chùa gần đấy. Anh tôi quay ra sau nói với tôi:

- Gần đến giờ giao thừa rồi, anh em mình đi hái lộc rồi về luôn nghe!

- Vâng ạ.

Anh tôi lái xe quẹo vào lề đường, nơi có một loại cây mọc hoa rất lạ. Mặc dầu không biết tên của nó, chúng tôi vẫn hái vì thấy hoa ấy cũng khá trong sạch và đẹp mắt.

- Ui da, đau quá! chợt anh tôi la lên.

- Gì thế hở anh?

Anh tôi nhăn mặt:

- Cây này có gai, cắm vào tay đau quá. Đầu năm thế này thì xui thật.

Nhưng rồi chúng tôi cũng được một chùm hoa có lẫn cả lá xanh. Lúc anh em tôi sắp sửa ra về thì cũng có một người nữa ghé vào hái lộc như chúng tôi. Để gọi là "làm Phúc", anh tôi nói với lại:

- Bác ơi! Coi chừng cây ấy có gai đấy.

Ông kia quay lại, tươi cười:

- Cám ơn cậu, tôi đã "ngắm" lúc chiều rồi cậu ạ.

Anh tôi có vẻ thèn thẹn. Chiếc xe trực chỉ về nhà. Nhưng vừa đi được một đoạn đường, anh tôi vội hãm xe lại.

- Sao thế anh? tôi hỏi.

- Mình leo vào vườn này hái vội vài cành hoa Đại (bông Sứ) rồi hãy về.

Tôi phản đối:

- Thôi anh ạ, thế cũng đủ rồi, mình về cho xong.

Nhưng anh tôi đã leo vào vườn rồi. Tôi đành phải vào theo. Lúc anh tôi kiệu tôi lên vai để tôi hái lộc thì bỗng có tiếng chó sủa. Tôi xanh mặt, nhớ lại đã có lần bị chó cắn, phải chích vào bụng mười mấy mũi kim to tướng, khiếp quá, tôi nhắm mắt nhảy bừa xuống đất. "Roạt..." xui thay, chiếc quần dài của tôi vướng vào cột rào rách hẳn một đường dài. Thế rồi phút chốc, chúng tôi cũng ra đến xe, rồ máy chạy về nhà. Sau lưng, một đàn chó đang chõ mõm sủa ầm ĩ, vang động một góc đường. Tuy nhiên, trong cái rủi lại có cái may. Trên tay tôi vừa thêm được một lố... Lộc đầu Xuân nữa. "Thôi thế cũng đủ... Lộc rồi". Nhưng chốc nữa về nhà thế nào cũng bị Bố, Mẹ và con Phượng chọc cho một phen. Nghĩ đến đây tôi xấu hổ đỏ cả mặt. Đầu năm đi hái lộc mà cái quần như thế này thì thật là... "quê" quá. Tiếng phành phạch của mảnh quần rách đang bay trong gió khiến tôi đỏ cả tai, vội lấy tay giữ lại cho nó khỏi kêu nữa. Ông anh tôi quay lại, hai đứa nhìn nhau cười... nửa miệng...


TIẾN ĐẠT           
(Trung Học Vũng Tàu)  
- Thân tặng món quà đầu Xuân  
cho lớp 9A4 -  

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Quý Sửu, 1973)

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

Mùa Xuân Trở Lại


Ô, con bươm bướm đẹp quá! Trung khẽ reo và rón rén bước lại cội mai già đứng giữa sân.

Trên cánh mai vàng phơn phớt vương nhẹ ở đầu một chiếc nhánh lung linh trong gió sớm, một con bướm to nằm im mơ màng. Đôi cánh mỏng mảnh màu nhung huyền viền xanh điểm đỏ, mở rộng như khoe sắc dưới nắng mai.

Trung đã tới gần sát con bướm. Cậu bé hồi hộp đưa tay lên bắt. Nhưng khi hai ngón tay nhỏ nhắn vừa chạm vào cánh, con bướm đã chớp bay đi. Trung vỗ tay xuýt xoa rồi đuổi theo quyết bắt cho được con bướm đẹp bây giờ đang buông mình đậu ở nhánh bên kia. Song một lần nữa, nó thất bại. Con bướm Xuân lại bay thoát. Đôi cánh vũ chập chờn, chới với như vẫy gọi như cợt đùa.

– Ê, Trung làm gì đó?

Nghe tiếng hỏi, Trung nhìn ra. Thằng Bi ẵm em lững thững bước vào sân, hỏi lại:

– Mầy bắt con gì vậy?

– Con bươm bướm kìa, đẹp ghê!

– Thôi tha cho nó. Để nó bay, mình coi còn hay hơn nhiều.

Bi đến ngồi nơi thềm nhà, thả em xuống đất. Trung theo vào ngồi kế bên, vui vẻ nói:

– Hôm nay trông mọi vật lạ hẳn mầy hén? Cây cỏ xanh tốt, bông trổ đầy.

Bi gật gù:

– Ờ, cảnh Tết vậy mà mầy. Hôm nay hai mươi chín Tết rồi.

– À, phải… Ủa, sao Tết đến nơi ba má tao chưa sửa soạn gì hết vậy cà?

– Ba má tao thì lo mua sắm đã lâu. Nè, năm nay anh em tao có áo mới đẹp lắm nhé!

Trung nôn nao:

– Tao phải hỏi má tao mới được. Không chừng bả quên. Mấy năm trước gần đến Tết ba má tao lo sửa soạn rộn rịp lắm chứ.

Bi hãnh diện:

– Mầy qua nhà tao coi. Ba tao sơn phết, sắp đặt nhà cửa ngon lành! Vách dán giấy hoa mới tinh…

Bi còn khoe nữa, nhưng vừa nghe có tiếng má nó réo bên nhà:

– Bi, ẵm em về ăn cháo!

Nó dạ to, rồi bảo Trung:

– Thôi tao về. Chút nữa mầy qua tao chơi nghen!

Đợi anh em Bi khuất dạng sau dãy rào bông bụp, Trung bước vào trong tìm má.

Trong gian nhà bếp nặng nề thấp hẹp, thiếm Ba đang đứng đun nước, chú Ba ngồi vắt vẻo trên bộ vạc tre gần đấy, phì phà hút thuốc. Trung chạy xuống ôm lấy thiếm Ba, nũng nịu:

– Má ơi!

– Gì con?

– Tết đến rồi, má mua áo mới cho con, mua dưa hấu, mua bánh mứt như năm ngoái đi má!

Thiếm Ba quay sang chồng:

– Mình nghe con nói không? Tiền đâu? Đưa tôi sắm Tết!

Chú Ba rít một hơi thuốc thật dài, vất tàn vào xó tối, hai tay chống xuống vạc, im lặng thở khói một lúc lâu, rồi mới chậm rãi nói:

– Xích lô lúc nầy ế quá! Tôi chạy kiếm đủ ăn là may phước lắm rồi, có đâu tiền dư để mua với sắm? Ối, mà bày đặt ăn Tết chi cho tốn, nghỉ ăn Tết một năm, chết chóc gì không?

Thiếm Ba càu nhàu:

– Lại đem chuyện ế ẩm ra nữa! Anh Năm kế bên cũng đạp xích lô sao ảnh đầy đủ vậy? Tôi biết mình đem tiền dư đi nhậu nhẹt hết mà. Mình không thương con hả? Ít nhứt cũng dành dụm mua cho nó một bộ đồ mới chứ.

– Con nhà nghèo se sua làm chi? Lấy đồ cũ cho nó mặc!

Thiếm Ba bỏ thêm củi vào bếp, chép miệng:

– Khổ quá, rượu chè làm chi không biết?

– Tôi có muốn vậy đâu? Tại ông Trời ổng dành cho tôi cái số như thế. Mình có trách thì trách ổng á.

Thiếm Ba gắt:

– Mình đừng đổ thừa cho ông Trời ông Đất để che lấp lỗi của mình.

Chú Ba cau mày đứng dậy:

– Cằn nhằn mãi điếc tai. Tôi đi đây.

Đoạn bước ra hè. Có tiếng chú đẩy xe lèng xèng ra lộ.

Thiếm Ba thấy lòng thắt quặn. Thiếm nhớ lại cuộc sống sung túc của gia đình mình khi xưa, lúc chú Ba chưa sanh tật rượu chè be bét như ngày nay, mà xót xa nuối tiếc.

Nãy giờ Trung ngồi thụp dưới chân thiếm Ba, lặng thinh nghe ba má đối đáp giờ mới dám đứng lên. Nhìn nét buồn in đậm trên mặt thiếm Ba huyền ảo qua ánh lửa bập bùng, Trung xúc động siết tay mẹ:

– Má!

Thiếm Ba nhìn những mảnh than bùng nổ tí tách, sầu não bảo con:

– Ba con tệ như vậy đó! Thôi, để má tự kiếm tiền mua đồ mới cho con.

Cảnh nghèo đã đem đến cho đứa trẻ sự khôn ngoan quá sớm, Trung nói:

– Thôi má ạ, má đừng mua quần áo mới, bánh mứt cho con làm chi. Con đã có áo quần tốt, bánh ngon rồi.

Thiếm Ba ngạc nhiên:

– Con nói gì? Đâu?

Trung cười lỏn lẻn:

– Thì nè, bộ quần áo con đang mặc đây, má vá miếng xanh miếng đỏ thành ra nó có bông đẹp ghê! Còn bữa cơm mắm pha trộn lòng cưng yêu của ba má nữa, có bánh trái nào ngon bằng?

Thiếm Ba bật cười, cúi ôm con. Tình thương len vào hồn dâng ngập, khiến người mẹ vụt quên đi nỗi lo buồn xâm chiếm tâm trí trong những phút giây qua.

Thiếm Ba thương thằng Trung lắm. Có thể nói trên đời nầy thiếm chưa yêu thương ai bằng nó. Ngày xưa thiếm đã đặt cả khối tình thương cao rộng nơi cha mẹ. Bây giờ hai ông bà đã khuất đi rồi, thiếm lại dồn hết tình thương ấy cho đứa con.

Thiếm Ba yêu thương Trung, vì thiếm đã phải mang nặng đẻ đau, lo lắng, khổ sở vì nó, bồng ẵm nâng niu nó suốt mấy năm trường. Tâm trạng của thiếm là tâm trạng của một người đối với “tác phẩm” mà mình đã sáng tạo với bao nhiêu sự khó khăn, bao nhiêu mồ hôi nước mắt… Thiếm có thể chết vì sự sống của con, và không thể nào chịu nổi lòng ray rứt trước sự thiếu thốn của con, nhất là đứa con một ngoan ngoãn như Trung.

Có tiếng gà gáy ngoài sau.

Trung hỏi mẹ:

– Còn lúa không má? Con gà của con nó réo om kia.

– Còn. Cho nó ăn vừa vừa thôi, đừng vốc hết hũ đầy nhé!

Trung chạy đi xúc một nắm lúa, đem ra sau hè, rải xuống đất và kêu “cúc, cúc” thật to. Ở đàng xa, con gà trống cồ đang đứng thoải mái trên nhánh ổi thấp, nghe tiếng gọi vỗ cánh nhảy xuống chạy bình bịch vừa mổ thóc vừa kêu “cục, cục” vui sướng.

Trung ngồi chồm hổm, vuốt ve bộ lông sặc sỡ, bóng mướt và mát rượi của con gà. Con vật thản nhiên chăm chú ăn. Mình nó nghiêng về phía trước, đuôi uốn cong, hai cánh xề xệ như hai vạt áo choàng, mồng tít đỏ ối nhúng nhẩy theo nhịp đầu cử động.

Trung bảo thầm : Con gà thế mà sướng, có bộ áo lông đẹp đẽ mặc hoài. Phải chi mình có được một bộ như vậy thì khoái biết mấy.

Con gà nầy Trung nuôi đã lâu. Nó dạn lắm, vì từ hồi bác Hai ở dưới quê cho Trung nuôi nó tới giờ ngày nào cậu bé lại chẳng ôm ấp vuốt ve? Con gà mập nặng. Đã có lần chú Ba đòi làm thịt nó nhậu, nhưng Trung khóc lóc không chịu, và nhờ thiếm Ba can thiệp, nó mới còn sống đến nay. Trung quí con vật lắm. Bà Bảy Cầm Đồ ở đàng xóm, hôm qua trả mua nó trên năm chục đồng, Trung còn không bán. Trung thích nhất dáng điệu oai vệ của nó, song chẳng bao giờ muốn cho nó đá lộn. Trung đã thấy người ta đá gà ở vùng quê, trong dịp Tết. Thật là thảm hại! Sau cuộc, cả con ăn lẫn con thua xác xơ như hai cây chổi lông bết máu.

Con gà đã lượm hết thóc, nhìn quanh, khoan khoái quạt cánh phành phạch rồi thong thả bước đi.

Trung quay vào nhà. Nghe tiếng thiếm Ba trên buồng, Trung bước lên. Má Trung đang soạn đồ đạc trong chiếc rương. Trung chạy lại.

– Má ơi, con gà của con bữa nay mọc cựa rồi. Má soạn chi đó?

Thiếm Ba nâng từ trong rương ra một chiếc áo dài màu tro xám, ướm lên người:

– Còn mới chứ, con?

– Dạ, còn mới tinh hà!

Thiếm Ba mỉm cười nhìn chiếc áo, chiếc áo “ni lông” hằn nếp gấp, dấu vết của những ngày dư dả đã qua. Thiếm may áo vào mùa Xuân trước, và chỉ được mặc mấy ngày trong dịp ấy, xong xếp cất vào rương cho đến nay, là vì từ sau Tết đó, gia đình thiếm lâm vào cảnh chật vật, có vui sướng gì để chưng diện? Ngoài ra, một phần cũng bởi thiếm quí chiếc áo, sợ nó chóng cũ mất đi. Đối với thiếm nó khá cần thiết, nhất là mấy hôm Tết, phải có tấm áo đẹp như vậy mới có thể đi thăm viếng bà con, hay đi chơi đây đó được.

Trung nhìn một lúc, rồi hỏi:

– Sao áo của má mới hoài, còn của con cũng may một lượt mà cũ xì vậy?

– Tại con mặc thường.

Thiếm đáp, và xếp áo, lấy giấy gói lại. Đóng nắp rương xong, thiếm bảo con:

– Con ở nhà. Má đi lại đàng nầy một chút nhé!

Đoạn ôm gói đi. Trung hỏi vói:

– Má đem áo theo chi?

– À… Má đem lại tiệm sửa. Nó hơi rộng.

Non giờ sau, giữa lúc Trung đang lục cơm nguội nhai ngồm ngoàm, thì nghe tiếng thiếm Ba về. Trung chạy ra, tay miệng dính đầy cơm. Thiếm Ba bật cười:

– Ái cha, ăn vụng!

Và hớn hở ve vẩy mấy tờ giấy bạc:

– Trung ơi, má có tiền rồi đây! Dùng cơm xong, má đi mua quần áo mới cho con.

Trung nhảy nhót reo mừng, nhưng sau cùng nó chợt thắc mắc:

– Tiền đâu thế má? Còn áo dài má đâu?

Thiếm Ba không nghe lời con, vui vẻ nói:

– Thôi nấu cơm, kẻo thằng con của má đói bụng.

Bữa cơm trưa dọn lên. Hai mẹ con thiếm Ba phải đợi rất lâu, chú Ba mới về đến. Mặt đỏ gay, chú lè nhè bảo, giọng sặc men:

– Ăn đi! Tôi nhậu rồi.

Và nằm vật ra giường ở nhà trước, ngủ như chết. Thiếm Ba lắc đầu. Hôm nay may mà chú mò về được tới nhà. Có khi chú ngủ mẹp nơi quán rượu, hay đạp xe lủi xuống rãnh, mình mẩy lấm mem, phải nhờ người ta lôi về. Đám trẻ hàng xóm chạy theo chọc ghẹo, reo cười, thật là xấu hổ.

Cơm nước xong, thiếm Ba dặn Trung:

– Má đi chợ đây. Con ở nhà đừng rong chơi xa nghe!

Trung vụt nhớ nỗi thắc mắc ban sáng : “Tiền đâu má có?”, và băn khoăn nghĩ ngợi.

Thiếm Ba đi một chốc, Trung chạy sang nhà Bi, hỏi bạn:

– Mầy thấy hồi sáng má tao có đi ngang qua đây không?

– Có. Má mầy cầm gói giấy vô nhà bà Bảy Cầm Đồ.

– Lúc ra, má tao còn cầm gói giấy chứ?

– Không.

– Thôi tao hiểu rồi! Tao về.

– Ủa, ở chơi mậy!

– Chiều tao sang chơi lâu.

Trung lủi thủi quay về. Đến cửa rào nhà mình, Trung bỗng dừng bước, mắt sáng lên, đâm sầm chạy đi bắt con gà trống. Nhìn con vật dễ thương, mắt cậu bé lộ vẻ buồn vô hạn. Nhưng liền đó nó lại tươi cười lẩm bẩm:

– Chắc má sẽ lấy làm lạ lắm!

Đoạn ôm con gà thân yêu đi khỏi nhà.

Mãi chiều, chú Ba mới thức dậy. Chú bình thản ngồi trên giường, vấn thuốc hút.

Thiếm Ba đem bộ quần áo mới mua ra, bảo Trung:

– Con mặc coi có vừa không?

Chú Ba ngạc nhiên:

– Đồ mới đâu đó?

– Tôi vừa mua.

Chú Ba lặng nhìn khói thuốc, lòng luống thẹn thùa.

Trung nói:

– Con mặc đồ mới, má cũng phải mặc áo dài “ni lông” của má vào, con mới chịu.

Thiếm Ba cười:

– Áo của má còn để ở tiệm…

– Má đem về rồi mà. Con vô lấy má mặc nhé!

Trung chạy vào buồng, một lúc lại thấy trở ra đem theo một gói giấy trao cho mẹ. Thiếm Ba mở gói, rồi ngây người sửng sốt:

– Đâu thế nầy?

Gạn hỏi một lúc, Trung mới vui vẻ nói:

– Con biết má thế áo lấy tiền mua đồ mới cho con, nên con bán gà chuộc lại…

Nghe đến đấy, chú Ba bỗng ôm đầu, thốt lên:

– Trời ơi, rượu!

Một tiếng kêu thương bộc lộ bao nỗi nhục nhã hối hận đang trào cuộn trong lòng. Chú vừa đột nhiên cảm thấy mình không xứng đáng với địa vị làm chồng, làm cha. Chú đã hèn kém hơn vợ hiền, hơn con nhỏ. Xưa kia chú cũng biết lo làm ăn, đem no ấm cho gia đình, nhưng rồi do đâu ngày nay chú phải chịu cảnh trạng như vậy? Ôi! Cũng chỉ vì rượu! Thần men quả đáng ghét, đáng từ bỏ.

Chú Ba ghiền rượu thật ra không phải hoàn toàn do lỗi của chú. Chú đã bị bạn bè nài ép dắt dẫn từ chỗ “uống một ít chả sao” đến chỗ say sưa. Chú chỉ có lỗi là không tự chủ được lòng mình.

Im lặng một lúc, chú Ba vụt đứng dậy, vói lấy nón treo trên móc, chụp lên đầu, và hướng về mẹ con thiếm Ba:

– Mình, con… tha lỗi cho tôi!

Cả hai đều ngạc nhiên:

– Mình có lỗi gì?

– Ba định đi đâu?

Chú thì thào:

– Tôi có lỗi. Tôi bỏ bê gia đình. Tôi phải đi đạp xe…

– Nhưng chiều rồi, mình nghỉ sáng hãy đi!

– Không. Lâu nay tôi đã lãng quên bổn phận, phải tiếp tục ngay bây giờ…

Biết không thể ngăn cản được, hai mẹ con đành theo chú đến cổng đưa tiễn.

Nhìn bóng chú Ba nhỏ dần đạp xe đi sâu vào vùng phố xá, thiếm Ba kéo Trung vào lòng, sung sướng nói:

– Con ơi, MÙA XUÂN đã TRỞ LẠI gia đình ta!


Nguyễn Văn Nghệ    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 13, Xuân Giáp Thìn, ra ngày 25-1-1964)



Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Lá Sớ Táo Quân



Muôn tâu Thượng Đế
Suốt mấy năm qua
Làm báo TUỔI HOA
Nay thần xin kể

Cho Ngài được rõ
Tờ báo học sinh
Nho nhỏ xinh xinh
Mà ai cũng thích

Từ chú con nít
Cho đến cụ già
Cũng không bỏ qua
Họ yêu nó lắm

Tờ báo xinh xắn
Của đám trẻ con
Đẹp nhất Saigon
Chính là báo ấy

 
Thần tâu tật đấy
Chẳng dám nói ngoa
Sau đến việc nhà
Thần xin kể nốt

Con người thật tốt
Rất yêu trẻ con
Thường cho... "bòn bon"
Là bác Chủ nhiệm


Thư ký tòa soạn
Là anh Trường Sơn
Đã bốn năm hơn
Làm việc chăm chỉ

Không bao giờ nghỉ
Đọc viết liên miên
Suốt ngày suốt đêm
Ở ngay tòa soạn

 
Vóc người hơi ốm
Nhưng viết thật hăng
Rất "hách xì xằng"
Bởi đôi kính trắng

Lâu nay lại vắng
Anh Nhật Lệ Giang
Gặp anh thần than
"Sao không viết nữa?"

Anh bèn phải hứa
Sẽ viết số Xuân
Chắc sẽ tưng bừng:
Trăm hoa đua nở.

Còn về phái nữ
Vắng chị Huyền Nga
Chị phải đi xa
Mọi người nhung nhớ

Nhiều cô độc giả
Viết thư hỏi thăm
Song chẳng hồi âm
Vì chị ấy bận

Du lịch lên tận
Kim tinh Hỏa tinh
Tìm hiểu tình hình
Để về viết tiếp

Nhưng mà chẳng kịp
Cho số báo Xuân
Khiến anh Trường Sơn
Phải chạy đi gặp

Anh Hoàng Đăng Cấp
Nhờ viết một bài
Cho kịp ngày mai
Đem đi sắp chữ

Cũng là phái nữ
Rất được cảm tình
Các cô nữ sinh
Giọng văn Bích Thủy

Duyên dáng thùy mị
Chị ít đến đây
Bởi có một bầy
Nhóc con bé tí

Làm Tổng Thư ký
Cho báo TUỔI XANH
Nữ sĩ Minh Quân
Cũng về họp mặt

Đó là sự thật
Tòa soạn Tuổi Hoa
Thần vừa kể qua
Những cây bút "bự"

Bây giờ tuần tự 
Thần xin điểm danh
Các chị các anh
Đang còn cắp sách

Xin kể trước nhất
Họa sĩ Vi Vi
Người chi lạ kỳ
Tóc dài đến ót


Vẫn không chịu hớt
Anh Nhật Lệ Giang
Thấy vậy "ngứa gan"
Bèn dùng kéo "đớp"

Thần thấy tội nghiệp
Cho anh sinh viên
Gương mặt hiền hiền...
Tuy nhiên rất tếu

 
Anh không hay mếu
Ít hay dỗi hờn
Như chú "nhóc con"
Tên là Trinh Chí

Người thì bé tí
Trông thật đáng thương
Nhưng "làm nũng" luôn
Nên ai cũng ghét.

Anh chàng Dzíc Dzắc
Đích thị Quyên Di
Dáng người nhu mì...
Giống như con gái

 
Có duyên ăn nói
Có tài làm thơ
Nên giữ vườn hoa
Lớn hơn một tí

Khiến cho Trinh Chí
Cứ khóc lóc hoài
Đòi thêm đất đai
Để trồng hoa dại 


Nhưng mà xin mãi
Anh Cả chẳng cho
Hắn buồn lắm cơ
Nhờ thần tâu vậy.

Những điều thần thấy
Những điều thần nghe
Xin kể hết ra
Cho Ngài được rõ

 
Thân hình nho nhỏ
Mái tóc dài dài
Để chấm bờ vai
Dáng đi mảnh khảnh

Ở phòng bên cạnh
Đó là chị Duyên
Làm việc thật siêng
Đọc bài sửa bản.

Có tài làm bánh
Đôi mắt đen huyền
Nói chuyện huyên thuyên
Là bé Hồng Hạnh

Mái tóc ngăn ngắn
Giống tựa con trai
Thường đến đây hoài
Những chiều được nghỉ.

Đến chú quản lý
Cũng bận lắm cơ
Từ trước đến giờ
Lo việc gởi báo

Cho thật chu đáo
Những số Tuổi Hoa
Đem đến mọi nhà
Nguồn vui tươi mới 



Bây giờ kể tới
Chú "chef typo"
Ngồi bàn "bureau"
Gần bên cửa sổ

Làm việc cực khổ
Nhưng chẳng hề than
Gặp chú lẹ làng
Cười chào tức khắc

 
Những người vắng mặt
Anh Nguyễn nhà ta
Với lại anh Hà
Cũng vừa đi lính. 


Đổi đi lục tỉnh
(chả biết phải không?)
Mọi người chờ mong
Vẫn không tin tức

Thần xin kể tiếp
Cây bút miền Nam
Nổi nhứt trong năm
Là Nguyễn văn Nghệ.

Những người ở Huế
Có Thương Việt Phương
Với Kim Dao Phương
Thường đi một cặp

Bấy lâu phiêu bạt
Quang Thi mới về
Tìm lại Tuổi thơ 
Bên giòng suối nhỏ

Cô bé má đỏ
Tự Hương Kim Long
Rất yêu màu hồng
Tuổi xanh mắt ngọc

Người vừa du học
Là anh Văn Hương
Hiện theo học trường
Bên Gia Nã Đại

Có người con gái
Mang tên Kiều Thanh
Nổi tiếng thơ xanh
Cũng sang Pháp Quốc

Những người đến trước
Từ mấy năm qua
Giã từ Tuổi Hoa
Cũng gần một nửa

Bây giờ phái nữ
Còn chị Trang Vân
Truyện ngắn bao lần
Hăng say sáng tác

Còn việc phóng tác:
Có Vũ Phương Trình
Truyện trong gia đình:
Yên Lam Sơn Tử

Về chuyện dã sử
Mới về trong năm
Thêm Huyết Phượng Tâm
Với Hà Thúc Khánh

Những chuyện ngăn ngắn
Thì có Phương Vy
Châu Hà, Chí Nhi
Thêm Lê Dũng Mỹ

Gần đây Tỉ Tỉ
Ở đất thần kinh
Và chàng Vũ Chinh
Quê hương Đà Lạt (?)

Nổi danh sáng tác
Nhiều nhất vườn hồng
Là Đỗ Tư Long
Mỗi kỳ vài chục (*)

Còn bao nét mặt
Ôi nhiều lắm cơ
Nhất là vườn thơ
Thần không nhớ kịp

Hoa nào cũng đẹp
Hoa nào cũng xinh
Thần có một mình
Làm sao ghi hết

Những người "lỡ" sót
Xin chớ làm buồn
Mà hãy xót thương
Dùm thần tội nghiệp

Quanh năm ở bếp
Lo việc nấu cơm
Cuối tháng lãnh lương
... Đi ăn phở tái

Thần thì rất dại
Học dốt, u mê
Bẩm tính dại khờ
Nên không nhớ rõ

Những người vừa kể
Chỉ là tượng trưng
Như cây trong rừng
Còn nhiều vô số.

Muôn tâu Thượng Đế
Thần vừa trình qua
Việc nhà Tuổi Hoa
Cho Ngài được rõ

Giờ phần độc giả
Họ thích... "leo thang"
Đòi tăng thêm trang
Cho kịp vật giá

Nhưng mà anh Cả
Chưa biết tính sao
Chờ lệnh tối cao
Của bác Chủ nhiệm.

Nếu đồng quan điểm
Mỗi tháng hai kỳ
Mỗi số mười tì
Tha hồ mà đọc

Các em hết khóc
Thần cũng hoan hô
Nhưng còn phải chờ
Sang năm đã chứ

Muôn  tâu Thượng Đế
Thần đã kể xong
Việc ngoài việc trong
Cho thần lui nhé!

Sang năm thần nhớ
Ghi thật rõ ràng
Dài suốt trăm trang
Cho Ngài được thấu

Ký tên đóng dấu
Táo quân TUỔI HOA
Viết tại thành đô
Hăm ba tháng chạp.

TRINH CHÍ
Sao y bản chính 














_________________
(*) Mỗi kỳ Đỗ-Tư-Long gởi về tòa soạn từ 20 đến 50 bài thơ.


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Đinh Mùi, 1967)

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

Thơ Xuân Gởi Bạn


Kiến Hòa, Ngày 28 Tết.

An thân mến,

Gần một tháng rồi, từ hôm An bệnh phải về quê đến nay, Bằng không được tin tức gì của An cả, nên hôm nay viết thư này hỏi thăm anh đây. Đáng lẽ Bằng phải lên tận nhà An để thăm, nhưng ba má Bằng không cho phép. Ông bà chẳng muốn Bằng đi đâu xa, nhất là thời buổi nầy. An hiểu và tha lỗi cho Bằng chứ?

Thế nào, đến nay An đã hết bệnh chưa? Bệnh có làm An mất sức lắm không? An đã dùng thuốc Bắc hay thuốc Tây thế? Thấy An bệnh nặng, Bằng lo nhiều, song chẳng biết chi hơn là cầu mong bạn mình mau bình phục. Chóng mạnh An nhé, mạnh để ăn Tết với người ta chứ!

À, trên nầy Tết có vui không An? Dưới tỉnh thì khỏi nói, tưng bừng rộn rịp hẳn. Tuy nhiên, riêng Bằng không lấy gì làm vui, vì lòng vẫn hướng về làng quê mình. Như An biết, quê Bằng hiện không được yên ổn, năm nay Bằng cũng như ba má không về ăn Tết ở đấy được, buồn ghê An ạ!

Hồi trước, mỗi lần Tết đến làng Bằng vui lắm. Không hẹn mà nhà nào cũng sơn phết lại, dán câu đối, dựng nêu, trồng hoa đầy sân. Mồng một, mồng hai, mồng ba suốt ngày người ta kéo nhau đi chúc Tết. Trên con đường làng, từng tốp người lũ lượt đi lại, áo mới rực màu trong nắng ấm. Người lớn cười nói huyên thuyên, trẻ em tung tăng chạy nhảy, reo đùa... Thăm viếng chúc tụng nhau xong, các ông đổ xô đến trường gà, các bà tấp nập kéo đến chùa dâng hương. Phần trẻ nhỏ như Bằng thì tổ chức múa lân, đốt pháo. Mấy con lân đầu làm bằng thúng giạ phất giấy, đuôi là mảnh khăn vằn của mấy bà già, nhảy loi choi theo tiếng trống cơm lung tung, cũng xôm ra phết. Ở đình thường thường lại có một gánh hát bội dọn đến hát. Từ xế chiều, tiếng trống chầu đã nổi lên giục dân làng đến xem. Đám khán giả trung thành nhất, và cũng đáng phiền nhất của gánh hát là Bằng và các bạn nhỏ. Tụi Bằng ra đình sớm hơn ai hết, nhưng lại phải vào xem sau, và có khi đành tiu nghỉu đi về bởi còn tùy ở sự may rủi. Con nít đâu có tiền mua giấy, phải năn nỉ người lớn dẫn vào, hay thừa lúc anh gác cửa sơ ý lẻn vô thôi. Vào được bên trong, tụi Bằng mừng còn hơn được kẹo. Song có yên đâu, trẻ nhỏ không có ghế ngồi còn bị nạn lấn tới xô lui, giẫm lên chân nhau la oai oái. Đứa nào cũng nhễ nhại mồ hôi, nực nội khó chịu hết sức, tuy nhiên trong lòng lại thấy vui nhiều. Càng về khuya càng buồn ngủ, ngáp lên ngáp xuống, nhưng tụi Bằng cứ cố mở rộng mắt nhìn lên sân khấu. Chẳng rõ các bạn khác thì sao, riêng Bằng, thú thật, nhìn vào đám kép họ nhảy múa, la hét ca vang như vậy, song chả hiểu gì. Về nhà, ba má hỏi tuồng có hay không, Bằng đáp bừa: "Hay lắm, hay lắm!", rồi phóng lên giường lăn ra ngủ một mạch tới sáng bét. Tối hôm sau Bằng lại cùng lũ trẻ trong xóm rủ nhau men ra đình...

Giờ đây những chuyện trên đã trở thành những kỷ niệm xa xưa. Chiến tranh lần đến cướp đi tất  cả. Bà con trong làng cũng như gia đình Bằng tản cư đi nhiều, và hôm nay Tết đến vẫn không dám trở về tạo lại bầu không khí bừng vui thuở nào. Hôm trước Bằng có theo má về thăm quê. Đứng trước cảnh điêu tàn của thôn xóm, lòng Bằng thắt quặn. Bây giờ là mùa Xuân, nhưng không tìm đâu được một vẻ tươi vui: Con đường làng bị thu hẹp bởi cỏ dại, gai góc, hầm hố. Hai bên nhà cửa bỏ trống, tróc nóc, xiêu cột. Khó khăn lắm mới tìm thấy một ngôi nhà có người ở. Chùa chiền vắng lạnh, vôi tường rạn nứt cả chẳng có ai chăm sóc, tứ phía nhện giăng. Ngôi đình vẫn còn đấy, nhưng không một bóng người, âm u dễ sợ. Hồi tưởng lại cảnh rộn ràng vui vẻ của những cái Tết xưa ở đây, Bằng cảm thấy buồn đau vô cùng. Khách thưởng Xuân ở đâu? Các sư sãi, tín đồ, tiếng chuông mõ, mùi trầm hương ở đâu? Gánh hát, tiếng trống chầu ở đâu? Mấy đứa bạn của Bằng đâu mất rồi? Than ôi! Làm sao tìm lại được những hình ảnh thân yêu ấy?

An mến, mải nói đâu đâu, Bằng quên thuật lại buổi họp mặt tất niên của lớp chúng mình cho An nghe. Để coi, à trước đó anh em trong lớp đã bàn soạn, phân công sẵn: Ai muốn dự buổi họp mặt thì đóng một số tiền, chung góp lại nhờ anh trưởng lớp và một vài anh khác đến hôm ấy mua bánh mứt đem vào "nhậu nhẹt" với nhau. Để giúp vui, anh nào biết đàn, hôm ấy sẽ đem đàn vào đánh ; anh nào ca hay hôm ấy chuẩn bị lên ca. 

Thế rồi ngày vui đến, theo giao hẹn, từ tám giờ anh em lần lượt tề tựu tại lớp. Tới tám giờ mười lăm thì những anh phụ trách ca nhạc như Quang, Hùng, Điệp, Long... đều có mặt với những nhạc cụ sở trường. Nhưng còn lớp của chúng mình, và mấy anh lo việc mua bánh kẹo sao chưa thấy tới? Theo dự định, khi đã họp mặt đông đủ, anh em mới chia kẹo bánh ra vừa nhai vừa đàn hát lên. Hiện thời bánh mứt chưa có, cuộc vui chưa thể khởi sự. Tất cả kiên nhẫn chờ. Nhưng hơn tám giờ rưỡi vẫn không thấy bọn anh Đức. Trong khi ấy các lớp khác người ta đã đập đàn khua trống, ca hát cười giỡn om sòm rồi. Anh em lớp mình ai cũng nóng ruột. Bỗng, anh Tạo la to:

- Thôi đừng chờ vô ích! Bọn anh Đức "bợ" tiền của tụi mình trốn luôn rồi.

Lập tức, nhiều anh hét lên:

- Phải đó, phải đó!

- Đúng rồi! Đả đảo trưởng lớp! Đả đảo mấy "già" đi theo trưởng lớp!

Nhưng Mạnh, anh chàng cao nhất lớp ấy, lại bảo:

- Ê, đừng vội kết tội người ta nhen các bồ! Có lý nào các anh ấy lại tệ thế?

Anh Tạo trợn mắt hỏi:

- Nếu không như lời tôi, thì sao giờ nầy các anh ấy vẫn chưa tới?

Anh Mạnh đáp:

- Có lẽ mấy ảnh gặp một sự rủi ro chi nên chậm trễ, như đánh mất tiền chẳng hạn. Nếu tôi đoán không lầm thì hiện giờ họ đang khóc mếu máo, chạy xuôi chạy ngược kiếm tìm đó.

Tất cả cùng cười. Chợt có tiếng hỏi quen quen ngoài cửa lớp:

- Bàn cãi chuyện gì ồn thế các em?

Quay nhìn, nhận ra thầy Sơn, giáo sư hướng dẫn lớp mình, anh em reo mừng:

- A, thưa thầy!

- Mời thầy vào chơi ạ... 

Ông thủng thỉnh đi vào, tươi cười hỏi lại:

- Các em vừa tranh luận chuyện gì có vẻ sôi nổi thế?

Chưa ai kịp thưa, bỗng một anh trỏ tay ra ngoài reo lớn:

- Kìa, bọn anh Đức!

Quả vậy, anh Đức và anh Thuận, anh Tâm vừa đến. Nhưng lạ chưa, anh nào cũng tay không.

- Bánh kẹo đâu, anh trưởng lớp?

Anh em vây quanh ngạc nhiên hỏi. Anh Đức cúi chào thầy Sơn, rồi quay nói với các bạn:

- Chúng tôi chưa mua kẹo bánh chi, vì còn định bàn với các anh một chuyện.

Bất mãn, anh em la hét vang:

- Còn chuyện gì nữa? Mấy anh muốn dẹp bữa "tiệc" nầy à?

Thầy Sơn khoát tay:

- Đừng, các em hãy để anh Đức trình bày chuyện của anh ấy xem sao.

Anh Đức ôn tồn nói:

- Chắc các anh cũng thấy, hôm nay anh Hiền không có mặt ở đây, mặc dù anh đã ghi tên dự buổi họp mặt tất niên nầy...

Anh em đồng gật đầu, mỗi người nói một câu ra ý công nhận.

- Ờ nhỉ, không thấy mặt anh ấy thật.

Chính tôi đang lấy làm lạ về điều đó.

- Nhưng tại sao vậy?

Anh Đức giải thích:

- Vừa rồi tôi cùng anh Thuận, anh Tâm ghé qua nhà anh Hiền tính rủ anh ấy đi. Gặp mặt, anh buồn rầu cho chúng tôi biết: Ba anh, một chiến binh, vừa bị thương trong một trận đánh, hiện đang nằm điều trị tại bệnh viện tỉnh nhà. Anh phải lo chăm sóc ông nên không thể đến chung vui với chúng mình được. Ba đứa tôi đã ở nán lại thăm hỏi cặn kẽ nên tới lớp hơi trễ đó.

Im lặng một chốc, anh tiếp:

- Như vậy, trong khi chúng mình đang yên vui hưởng Tết, anh Hiền đang chịu lắm buồn lo. Mà sự không may của anh cũng liên quan đến chúng mình phần nào. Bởi lẽ, ba anh ấy xông pha chiến đấu là để bảo vệ cái Tết bình yên cho chúng mình đó, các anh nghĩ có đúng không?... Bây giờ chúng mình có nên đem số tiền chung góp mua quà tặng ba anh ấy, để tỏ lòng kính phục ông, và riêng an ủi bạn mình chăng?

Đồng một loạt anh em có mặt lớn tiếng tán thành.

Thầy Sơn bảo:

- Các em làm thế rất phải. Đây, thầy cũng xin góp một số tiền nhỏ...

Anh em vỗ tay hoan hô. Anh Mạnh hỏi:

- Nhưng chừng nào chúng mình sẽ đi thăm ba anh Hiền và kéo cả lớp đi chăng?

Anh Đức nói:

- Sáng mai chúng mình đi mua quà rồi đến bệnh viện luôn. Đi cả lớp thì bất tiện, tốt hơn nên cử một vài anh thay mặt được rồi.

Anh Tạo hỏi:

- Còn bây giờ, cuộc vui hôm nay kể như hủy bỏ?

Anh Đức cười đáp:

- Bậy nào! Trừ chuyện "nhậu nhẹt" ra, chúng ta vẫn thực hiện chương trình như đã định chứ!

Liền đó, anh em đàn hát lên. Ai biết gì giúp vui, đứng lên trổ tài. Được dịp, đứa nào cũng la hét, cười đùa cho thỏa thích. Lớp học mất hẳn vẻ trang nghiêm, một bầu không khí vui nhộn thay vào. Nhờ buổi họp mặt nầy, anh em mới biết lớp mình có lắm nhân tài:

Anh Hùng, anh Long đàn rất giỏi. Anh Đạm, anh Hải ca tân nhạc không thua gì ca sĩ chính cống. Anh Thệ ca vọng cổ "mùi tận mạng", rất tiếc là chẳng ai biết đàn cổ nhạc để hòa theo. Mỗi lần anh xuống "xề", anh em lại vỗ tay, đập bàn muốn bể lớp. Kể chuyện có duyên nhất là anh Tươi. Như một kịch sĩ, anh nói:

- Thưa thầy, thưa các bạn, để góp một nụ cười, tôi xin thuật lại một chuyện trinh thám vui, có thật, vừa xảy ra ở nhà tôi: Số là hôm qua, má tôi để một dĩa mứt trên bàn xuống nhà dưới một lúc trở lên đã thấy vơi đi một nửa. Bả tức giận quát mắng um. Tôi thì có nhiều em nhỏ tuổi xuýt xoát nhau, khó mà biết đứa nào vừa "thủ tiêu" phần mứt nọ. Có gạn hỏi, chúng cũng chối leo lẻo. Sau cùng chợt nghĩ ra một cách, tôi nói với má tôi:

- Được rồi, con sẽ tìm ra thủ phạm ngay cho má coi.

Và tôi bắt mấy đứa em ngồi sắp hàng trước mặt, đoạn lấy giọng nghiêm nghị bảo:

- Ê, đứa nào lỡ ăn vụng mứt thì khai ra ngay đi, tao sẽ nói má tha tội cho. Bằng không, đợi đến khi tao tìm ra được thì bị đòn nứt đít, mai mốt không được mặc áo mới, không được dẫn đi chơi, nghe không!

Tụi nó vẫn làm thinh. Tôi quắc mắt nhìn chằm chặp từng đứa một, rồi gọi lần lượt:

- Con Mai, lại đây coi!... Thằng Toàn nữa...

Đứa nào khi bước đến gần, tôi cũng đưa tay sờ túi áo trên của nó như để xét. Không thấy điều chi khả nghi, tôi bảo nó đứng sang một bên. Đến lượt đứa em thứ ba là thằng Dũng, làm xong cử chỉ trên, thình lình tôi chỉ mặt nó quát:

- Mầy, chính mầy ăn vụng mứt!

Nó vụt khóc òa, mếu máo nói:

- Hu hu! Hết mong bận áo mới, hổng được đi chơi rồi!

Tôi xoa tay đắc chí:

- Đáng kiếp! Hãy lại xin tội với má đi, họa may má tha.

Các bạn có biết vì sao tôi tìm ra thủ phạm một cách dễ dàng thế không?

Anh Tươi ngừng lại một chút chờ các bạn trả lời. Không thấy ai đáp, anh vui vẻ giải thích:

- Có gì đâu, tôi đưa tay sờ túi áo của mấy đứa em là cốt xem nhịp tim đập của chúng như thế nào. Mấy đứa kia tim đập bình thường, riêng thằng Dũng tim nó nhảy thùi thụi trong ngực. Nhờ đó, tôi biết ngay...

Câu chuyện chấm dứt, anh cúi chào bước xuống. Lại một tràng pháo tay nổi lên tán thưởng. 

Đặc biệt nhất, theo lời yêu cầu của anh em, thầy Sơn cũng ca một bản cổ nhạc. Hôm ấy ông trút bỏ vẻ trang nghiêm mọi khi, để hòa vui với tụi học trò. Trông ông tươi trẻ lạ!

Buổi họp mặt tất niên được chấm dứt bằng những lời chúc tụng tốt lành. Rồi thầy trò, anh em bạn chia tay nhau ra về với một niềm vui cởi mở.

An mến, thư đã khá dài đấy nhỉ. Thôi, Bằng xin dừng bút nơi đây vậy.

Chúc An sang năm mới gặp thật nhiều may mắn.

Thân ái,
Bằng.

*

Tiên Thủy, mồng 2 Tết Bính Ngọ.

Bằng quý mến,

Đang buồn bực bỗng nhận được thư Bằng, An mừng ghê lắm. Sau khi đã đọc đi đọc lại thư của Bằng nhiều lượt, sáng nay An viết thư nầy phúc đáp ngay đây.

Trước hết, An xin cám ơn Bằng đã có lòng lo lắng thăm nỏi bệnh tình của An. Cho đến nay An chưa được rời xa phòng riêng, song căn bệnh cũng sắp dứt hẳn. Tuy có ốm đi đôi chút, nhưng hiện An thấy khỏe khoắn như thường. Đó là nhờ tài bốc thuốc của ông thầy Hai trong làng đấy. Có lẽ sau Tết An sẽ đi học trở lại.

Từ hôm bệnh khởi phát đến giờ, An không hề bước chân ra ngoài, nên không rõ năm nay dân làng mình đón Tết ra sao. Tuy nhiên cứ thấy mọi người trong nhà sửa soạn rộn ràng, An đoán chắc Tết nầy làng An cũng vui như mọi năm vậy. Điều đó không có chi lạ, trên nầy vẫn được bình yên, nên ít ai bỏ qua ba ngày Tết.

Phần quê của Bằng, nghe Bằng nói, An buồn nhiều. Đất nước là của chung ai lại không đau xót khi nghe cảnh trạng đó? Nhưng Bằng ạ, chúng ta cũng đừng quá sầu khổ, mà nên đặt nhiều hy vọng ở ngày mai. Cứ tin tưởng, rồi đây thế nào giặc giã cũng tan, không sớm thì muộn quê hương mình sẽ bình yên trở lại. Bằng ơi, giờ đây Xuân đến, chúng ta hãy gác mọi ưu phiền qua một bên để vui lên chứ!

A, Bằng có biết không, đã sẵn bực tức cho căn bệnh của mình, An càng giận ghét "nó" hơn, khi nghe Bằng thuật lại buổi họp mặt tất niên vui nhộn của lớp chúng mình. Nếu không bệnh, có phải An cũng được dự ngày vui ấy không? Một năm chỉ có mấy ngày Tết để vui chơi, An lại phải bệnh, mà là bệnh đậu mùa, một chứng bệnh nặng và dai dẳng, mới chết!

Ngót tháng rồi An bị bó chân trong một căn phòng nhỏ riêng biệt. Suốt ngày hết nằm lại ngồi, thấy thời gian kéo dài ra mãi, An buồn chán hết sức. Trong phòng có một tờ báo, An lấy đọc không sót một chữ, từ tin tức, tiểu thuyết cho đến rao vặt.

Đã thế, trừ má An, người trong nhà chẳng ai dám bén mảng đến phòng An hết. Nhất là chị Thùy, chị của An, má có chuyện nhờ chị vào phòng An là chị kiếm cớ thoái thác. Một hôm An nói với má:

- Má, con biết rồi, chị Thùy không thương con chút nào cả.

Bà hỏi:

- Sao con bảo thế?

An đáp:

- Má không thấy chị cố tránh xa con đó sao?

Bà cười:

- Con đừng nghĩ lầm. Thật ra chị Thùy vẫn thương con. Nhưng sở dĩ chị con không dám đến gần con vì sợ bị lây bệnh. Nếu con thấy bị bệnh là khổ thì đừng trách người khác e sợ con à.

Ờ nhỉ, nhưng còn má An, tại sao bà không sợ bị lây? Bà tận tay chăm sóc An, cho kê một bộ ván sát phòng An để đêm ngủ canh chừng. Nhiều đem An trằn trọc khó ngủ, bà cũng thao thức hỏi han, hâm thuốc men cho uống. Thế mới biết tình mẹ yêu con cao rộng biết bao! Vì con, mẹ không quản khó nhọc, không ngại hiểm nghèo.

Nằm trên giường bệnh An khao khát đủ thứ. Nhất là những ngày cận Tết, mọi người bàn bạc chuyện Tết với nhau, An nghe mà ham. Như chị Thùy cứ lải nhải:

- Nè, má coi chiếc áo mới nầy có đẹp không? Con định mặc trong mấy ngày Tết đó.

- Chiếc kiềng của con đâu má? Má đem ra cho con diện với người ta chứ.

- Má ơi, đầu năm nay mình đi chúc Tết nhà ai trước nhất? À, con ngại vào nhà bà Hai Mai ghê, bà ấy cứ chế con hoài.

Má An thì hay nói tới bánh trái:

- Chà, cặp dưa ba nó mua lớn dữ, nhưng không biết có đỏ chăng?

- Nầy Thùy, mứt bí của mình trắng quá đấy chớ!

Lời của chị Thùy khiến An nôn nóng bao nhiêu, thì những câu nói của má làm An thèm thuồng bấy nhiêu. Trong trí tưởng của An hiện ra đủ các loại hoa quả, bánh mứt ngon lành của ngày Tết: Nào dưa hấu, nào quít cam, nào mứt bí, mứt gừng, mứt cà, nào bánh tét, bánh ít... An ao ước được thưởng thức qua mỗi thứ một tí cho đã thèm. Nhưng không được, bắt buộc An phải cữ kiêng. Nói thật, Bằng đừng cười nhé, An vốn háu ăn, bây giờ phải nhịn, thật là khó chịu. Cũng do đó mới có chuyện nực cười và may mắn mà An xin kể lại cho Bằng nghe sau đây...

Ngày cuối năm, theo tục lệ, nhà An làm gà làm vịt cúng "rước Ông Bà" rồi dọn ra ăn uống với nhau. Dĩ nhiên là An không được dự phần. An đã được cho dùng bữa trước với hai món canh chua me và cá trê kho thường khi. Lúc thấy má bưng các thức ấy vào, An càu nhàu hỏi:

- Hôm nay bệnh con đã gần dứt hẳn, cũng chưa được dùng một món chi khác sao má?

Bà bảo:

- Ráng cữ thêm vài hôm nữa cho thật mạnh con à. Má còn để dành cho con một con gà mái thật mập đó.

Dùng cơm xong, An leo nằm chèo queo trên giường. Giữa lúc ấy, bên ngoài mọi người ăn uống trò chuyện rất vui vẻ. Ba An nói:

- Tết đến, tôi ghét nhất là vụ bài bạc. Năm nào cũng có người khổ vì nó. Má nó biết thằng Sáu Chỉ không?...

À, chú Sáu Chỉ thì An rất quen. Thật ra không phải tên chú như vậy nhưng vì chú có một bàn tay sáu ngón, nên người trong vùng gọi đùa riết thành tên. Chú nầy rất hiền và vui vẻ. Nhưng chú vừa làm chuyện gì mà ba An nhắc đến thế? Bên ngoài, ba An tiếp:

- Thằng Sáu Chỉ đó nó đánh bài thế nào mà thua hết tiền bạc, thiếu điều bán quần bán áo. Vợ nó kêu trời như bọng!... Coi đó, cờ bạc có hại ghê không?

Má An nói:

- Bởi vậy, tôi mà bắt gặp con Thùy hay thằng An cầm đến lá bài là cho tụi nó ăn đòn nứt đít.

Chị Thùy cười:

- Con, má khỏi lo. Có thằng An ấy...

An không để ý đến lời hài tội nầy, vì đang mải nghĩ đến mấy cái đùi gà no thịt, mấy miếng thịt vịt béo mỡ, mấy cục gân nhai giòn rụm...

Nửa đêm, khi mọi người đã ngủ say, An chổi dậy rón rén mở cửa phòng lần xuống nhà bếp. An bước khẽ đến nỗi má An ngủ trên bộ ván kê sát phòng vẫn không hay.

Nhưng đến gần bếp, An bỗng giật mình. Ô kìa, trước mặt An có bóng người! Một cái bóng đàn ông cao lớn. Nếu không phải ba An thì là ai? An vội nấp vào chỗ khuất, ló đầu ra xem ổng làm gì mà âm thầm thế. Không hay biết, bóng đen thản nhiên đi tới đi lui, cố tránh tiếng động, nhẹ tay mở cửa tủ đồ ăn lục đục một chốc thấy bưng ra một cái nồi lớn đem đặt lên bàn gần đấy. Đoạn bóng đen thò tay vào nồi, bốc cái gì đó, bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Không nín cười được, An nhảy ra, kêu lên:

- Ha ha, ba làm cái chi vậy?

Bóng đen giật nẩy người, đột nhiên chạy nhào về phía vách, thụp xuống, biến mất. Tiếp đó, An nghe có tiếng chân nện thình thịch gấp rút ở ngoài sân. Qua phút kinh ngạc, An vụt hiểu: Bóng đen nọ không phải là ba An, mà là:

- Ăn trộm! Bớ người ta, ăn trộm!

An gào to. Ba má An, chị Thùy chổi dậy, lật đật bước xuống hỏi ồn lên:

- Cái gì? Ăn trộm ở đâu?

An trỏ tay về phía vách:

- Nó vừa chạy ra ngõ kia!

Liền sau đó, đèn đuốc được thắp sáng lên. Ngoài nồi thịt còn nằm trơ trên bàn, mọi người còn tìm thấy một túi vải to vất cạnh bếp. Mở túi, thì nào đồng hồ, nào áo quần, các đồ quí giá trong nhà đều nằm gọn trong ấy. Thì ra, tên trộm sau khi vơ vét đồ đạc trên nhà trên, còn xuống bếp kiếm thức ăn bỏ bụng. Chẳng ngờ bị An bắt gặp, y hoảng hốt bỏ chạy, không kịp mang theo cái gì cả. Thật là may!

Bấy giờ má An, chị Thùy vừa lo cất dẹp đồ đạc suýt bị mất kia, vừa trách nhau quá say ngủ, người một câu, nghe om sòm. Ba An trái lại làm thinh, lo quan sát chỗ ăn trộm đào đất chui vào. Bỗng, ông cất tiếng sang sảng nói:

- Tao biết thằng ăn trộm nầy là ai rồi!

Ồ! Thật vậy sao? Chính An thấy tên trộm mà còn không rõ là ai, thì ông làm sao biết được, tài thế? An hỏi:

- Ba bảo tên trộm là ai, quen hay lạ?

Ông đáp:

- Tao vừa nhắc tới nó hồi chiều: Thằng Sáu Chỉ đó!

Má An hỏi:

- Do đâu ông biết?

Ông chỉ tay vào cây cột dừa cạnh chỗ ăn trộm đào hầm:

- Hãy xem kìa!

Mọi người nhìn theo và thấy ngay dấu một bàn tay sáu ngón in rõ trên thân cột. Ạ, phải rồi trong lúc bưng nồi thịt, tên trộm đã làm bết lọ vào tay, nên khi chạy trốn vô tình để dấu tích lại đấy. Và chắc chắn đúng như lời ba An nói, tên trộm ấy là Sáu Chỉ chứ không ai. Bởi, nội làng đâu có người nào có bàn tay đặc biệt như thế? Im lặng một lúc, ba An gằn giọng bảo:

- Hừ, rồi thằng nầy biết tay tao! Cờ bạc cho đã, thua rồi đi ăn trộm ăn cắp của người ta.

An nói:

- Thôi kệ bỏ qua đi ba ạ. Mình chưa mất món chi được rồi. Chú ấy không phải là người xấu, nhưng vì túng quẫn quá nên mới sanh tật thế, cũng đáng tội nghiệp!

Chị Thùy vụt cười lên:

- Em bênh vực tên trộm phải lắm, vì em cũng đồng cảnh với y mà.

An hỏi:

- Đồng cảnh là sao?

Chị nói:

- Nửa đêm em thức dậy mò xuống bếp để làm gì, nếu không phải... là để ăn vụng?... Ha ha! Ăn vụng gặp ăn trộm, buồn cười quá!

An tức tối hét lên:

- Nhờ em đồ đạc trong nhà, trong số đó có của chị, mới khỏi mất. Chị không cám ơn, còn kết tội oan cho em nữa hả?

Ghét chưa, chị vẫn cười ngặt nghẽo!

Bỗng, má An cười theo. Rồi ba An cũng cười: Rốt cuộc, chính An phải cười. Xấu hổ quá, An vùng vằng bỏ về phòng riêng...

Bằng thân, viết đến đây, An nghe ngoài trước có khách đến viếng nhà chúc Tết. An cũng bắt chước xin chúc Bằng sang năm Bính Ngọ gặp nhiều điều vui đẹp.


SA BIỆT LƯU    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Bính Ngọ, 1966)


Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2019

Mưa Nắng Mùa Xuân

Ảnh : Hunganh Dinh













Đêm qua thức giấc nghe mưa 

Rạt rào mái ngói cho vừa tàn đông 

Sáng ra cứ vẫn ngóng trông 

Mây mưa không có lại không gió nhiều 

Mùa xuân đây vắng bóng diều 

Khí trời thật lạnh tiêu điều âm u 

Mùa xuân  giăng kín mây mù 

Hôm nay lại nắng cây dù bỏ quên 

Hoa đào hé nụ nắng lên 

Bấy lâu khép nép  bắt đền mưa sa 

Trời xanh trong nắng mượt mà 

Hồng đào khoe sắc thật là tươi vui 

Còn đâu những trận mưa vùi 

Hạt mưa sót lại  ngậm ngùi  rồi tan 

Nắng lên trông đẹp vô vàn 

Con tim ấp ủ muôn ngàn ý thơ 

Xuân hồng e ấp như mơ 

Càng thêm rộn rã  trẻ thơ tiếng cười 

Hôm qua mình đã biếng lười 

Hôm nay phấn khởi bên người bên hoa

                             Nhã Uyên
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>