HAI
Lam gấp sách vở bỏ vào cặp, vừa đi vừa nhảy thật vui tươi.
“Thế là thoát nạn”! Lam nghĩ thầm sau khi đã lo xong bài vở ngày mai. Những
ngày gần Tết, tự dưng Lam thấy lười chi lạ, chẳng muốn đụng đến sách vở tí nào
cả. Nhưng cứ nghĩ chuyện rủi Giáo sư không cho nghỉ, bắt học như thường và vẫn
gọi lên đọc bài, Lam lại sợ. Thật là khổ tâm hết sức và cố gắng lắm Lam mới nuốt
trôi bài công dân dài thườn thượt.
Lam bước trở ra phòng khách, ngồi gọn trong lòng sa lông với dáng điệu thật thảnh thơi. Lam chợt nhăn mặt khi nhìn thấy gạt tàn thuốc để trên bàn đầy ắp. “Lại ông Quốc chứ chẳng ai vào đây cả”!. Lam nói thầm và đứng dậy cầm gạt tàn thuốc ra đằng sau đổ.
Căn nhà hôm nay trống vắng quá, chỉ còn mỗi mình Lam và chị bếp ở nhà. Lam thấy buồn và cô đơn hơn với cái không khí nặng nề rã rời này! Mẹ thì chẳng hiểu đi đâu, anh Quốc vào trại, chị Hằng cũng đi nốt! Chắc lại đến nhà anh Dương chứ chẳng đi đâu cả!
Lam mới biết chuyện của chị Hằng và anh Dương cách đây không đầy tuần lễ. Hôm đó, tình tình cờ Lam lén sang phòng của chị Hằng định lấy ít nước hoa bôi lên đầu, làm dáng với bạn bè. Lam thấy có một lá thư màu xanh để khơi khơi trên mặt bàn, tò mò Lam lấy xem mới khám phá ra việc anh Dương và chị Hằng yêu nhau.
Anh Dương thì chẳng xa lạ gì với Lam cả vì anh ấy là bạn của anh Quốc và vẫn đến nhà Lam chơi luôn, nên cả nhà xem anh như người trong gia đình. Anh Dương hiền và vui tính nên mỗi lần anh đến, Lam tha hồ đùa và làm nũng.
Anh Quốc có hai người bạn thân nhất, anh Dương và anh Sĩ. Anh Sĩ ở xa nên thỉnh thoảng mới về chơi một lần! Lần nào về anh Sĩ cũng mua quà cho Lam và dắt Lam đi chơi vì thế Lam thích anh Sĩ hơn là anh Dương. Anh Sĩ với anh Dương là hai thái cực! Anh Dương thì ồn ào, cười đùa suốt ngày; anh Sĩ ngược lại, ít nói, dáng trầm ngâm lúc nào cũng có vẻ như đang suy nghĩ về một chuyện gì. Lam thích khuôn mặt của anh Sĩ vì hình như trong anh có gì đặc biệt lắm, lôi cuốn lắm không thể nào diễn tả được.
Năm ngoái anh Sĩ còn hay xoa đầu bẹo má Lam. Từ đầu năm đến giờ, nghĩa là từ hôm anh nói câu: “Lam lớn rồi đấy nhé!”, Lam thấy anh ý tứ hơn, không còn xoa đầu và bẹo má Lam như hồi còn trẻ con nữa. Chính vì thế mà Lam cũng dè dặt hơn, không còn vui đùa hồn nhiên với anh như ngày trước. Lúc nào Lam cũng mang nặng ý nghĩ “mình đã lớn” ở trong đầu, Lam đã biết xấu hổ, không dám làm nũng.
Có lần Lam hỏi anh Sĩ: “Sao Lam ít thấy anh cười quá vậy?”, anh không nói gì cả, bảo rằng Lam còn bé không nên biết làm gì, để khi nào lớn anh sẽ nói cho Lam nghe! Bây giờ Lam đã lớn rồi – chính anh Sĩ bảo như vậy – hôm nào Lam sẽ phải hỏi lại anh mới được. Lam mới thấy hình như anh Sĩ có một lối sống khác xa anh Quốc và anh Dương. Một lối sống thật đặc biệt và con người anh thật khó hiểu vô cùng.
Lam thắc mắc rất nhiều về con người của anh Sĩ nhưng Lam chưa có dịp tìm hiểu vì lúc nào anh Sĩ cũng chỉ xem Lam như một cô bé con không hơn không kém. Lam ức lắm nhưng không làm sao hơn được vì chính Lam, Lam cũng nhận thấy mình trẻ con thật.
Đã hơn ba tháng nay, Lam không thấy anh Sĩ về chơi mà cũng chẳng thấy anh thư từ gì cho anh Quốc cả. Lam định hôm nào anh Sĩ về, Lam sẽ bảo với anh rằng Lam lớn rồi, Lam bắt anh phải trả lời những thắc mắc của Lam mới được...
Một vài tiếng chó sủa lạc lõng ở đầu phố, Lam thấy thời gian như ngừng hẳn lại và tất cả trống vắng đang lũ lượt kéo về vây hãm Lam. Lam muốn chú tâm vào một việc gì để được quên đi nỗi buồn hiện tại nhưng tất cả đều trở nên vô nghĩa và nỗi chán chường như đang dâng lên trong Lam! Tiếng ly tách chạm nhau ở dưới nhà khiến Lam bực mình quá đỗi. Những cau có phi lý tự nhiên có, một tật rất xấu mà Lam không bỏ được.
Lam hơi ngã người ra đằng sau một chút, đầu gối lên tấm nệm, đôi mắt lim dim như đang tìm một chút thanh bình cho tư tưởng. Không hiểu tại sao tự dưng hôm nay Lam lại nhớ đến anh Sĩ nhiều quá. Hình ảnh anh Sĩ vẫn lờn vờn trong đầu óc Lam. Lam muốn xua đuổi anh ra khỏi tâm hồn trong lúc này nhưng Lam đành chịu. Anh vẫn ngang nhiên, chễm chệ ngự trong tiềm thức Lam.
“Có lẽ anh Sĩ sắp về” Lam lẩm bẩm như vậy vì mỗi lần Lam nhắc đến anh Sĩ thì y như rằng anh về thật! Có lần Lam đem khoe anh Sĩ chuyện này, anh chỉ cười và xoa đầu Lam nói :”Hèn gì! Anh cứ hắt xì mãi, không hiểu ai nhắc mà kỹ thế?”
Tiếng máy xe Honda quen quen ngừng trước cửa nhà, Lam uể oải đứng dậy ra mở cổng; chị Hằng về. Chiếc xe chạy vào giữa sân, chị Hằng tắt máy, dựng xe, quay lại nhìn Lam cười. Lam nghĩ thầm trong đầu : “lại cười giao duyên”. Lam gài chốt cổng rồi bước theo chị Hằng vào nhà.
Lam hỏi:
- Chị đi xi nê hả?
Chị Hằng không quay lại, trả lời:
- Không. Nếu đi xi nê chị phải rủ em đi chứ.
- Thế chị đi đâu?
- Chị đến anh Dương có chút chuyện cần. Ở nhà một mình buồn hả cưng?
- Vâng.
- Tội nghiệp... Mẹ chưa về à?
- Chưa... Mẹ có nói với chị mẹ đi đâu không?
- Mẹ bảo mẹ lên phố... Trông nhà, chị vào thay áo cái đã...
Lam lại ngồi xuống ghế, chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường gõ năm tiếng. Chiều xuống thiệt mau, những lúc không để ý tới thời gian, Lam thấy một ngày trôi qua mau quá. Ngược lại, những lúc ngồi trông từng giờ từng phút, Lam có cảm tưởng hình như đồng hồ không muốn chạy, cố tình bò thật chậm.
Lam hay thắc mắc vớ vẩn như vậy và có lần Lam bị cả nhà cười vì cái tính lẩn thẩn đó. Bây giờ thì Lam biết rồi, không phải đồng hồ trêu Lam đâu. Tại Lam để ý nó nên Lam có cảm tưởng như nó đang chạy thật chậm vậy thôi.
Sắp Tết rồi! Lam lại nghĩ đến Tết, không phải trong trạng thái háo hức mà là trong một nỗi chán chường uể oải. Cái Tết bây giờ hình như không còn đối với Lam – nói riêng – và đối với mọi người – nói chung. Không khí vui chơi của những ngày Xuân đã mất kể từ ngày chiến tranh hiện diện trên đất nước này. Những đứa trẻ vừa chớm biết suy nghĩ đã nhận diện ngay một nỗi chán chê đối với những ngày mà người ta gọi là Tết.
“Thời buổi kiệm ước song hành”. Lam cũng chẳng hiểu kiệm ước song hành là gì cả!? Chỉ thấy lũ bạn hay nói mỗi khi cần tiết kiệm về một vấn đề gì nên Lam bắt chước thế thôi. Lam chỉ hiểu mang máng rằng phải tiết kiệm, không dám tiêu pha phung phí như ngày trước nữa.
Tháng giêng là tháng ăn chơi. Câu ca dao này gần như đã bị lãng quên trong lòng mọi người. Mùa Xuân đã không còn ý nghĩa và mùa Xuân trở nên vô duyên quá đỗi đối với Lam.
“Anh Sĩ chắc lại đón Xuân trong rừng sâu”. Hình ảnh anh Sĩ lại trở về trong tâm hồn Lam. Chỉ có anh Quốc và anh Dương là sướng, năm nào cũng có mặt ở Saigon; riêng anh Sĩ thì chưa bao giờ Lam thấy anh xuất hiện trong những ngày Tết. Tự dưng Lam nghe thương anh Sĩ vô cùng. Cuộc sống của anh chắc là vất vả và cực khổ lắm! Lam chỉ được nghe người ta mô tả về cuộc sống của một người lính chiến đấu thôi chứ chưa bao giờ anh Sĩ kể lại cho Lam nghe.
Mỗi khi trở về thành phố hưởng những mùa Xuân muộn màng, anh thường hỏi Lam: “ăn Tết vui không?”, Lam thấy đôi mắt anh thật buồn thật xa xăm. Ngày xưa còn bé, Lam vẫn vô tình trả lời anh là “vui lắm”. Nhưng bây giờ lớn rồi, Lam hiểu biết rồi, Lam sẽ không làm anh buồn thêm nữa đâu.
Năm nào cũng vậy, Lam đều xin mẹ một chiếc bánh chưng để dành cho anh Sĩ. Cả nhà xúm vào trêu Lam và anh Quốc nói đùa: “nó thương anh Sĩ còn hơn anh Quốc nữa mà”. Anh nào Lam cũng thương nhưng có lẽ Lam thương anh Sĩ nhiều nhất vì trong ba anh, anh Sĩ là người thiệt thòi hơn ai cả!...
- Nghĩ gì mà ngồi thừ người ra vậy cô?
Tiếng chị Hằng làm Lam giật mình, Lam đánh trống lảng:
- Tết nhất đến nơi rồi mà chẳng thấy vui gì cả chị Hằng há?
- Ừ! Tại em lớn rồi nên em không thấy vui chứ con nít vẫn vui như thường.
- Em thích làm con nít.
- Mâu thuẫn! Lúc thì thích làm người lớn, lúc thì thích làm con nít.
"Ừ! Mình mâu thuẫn thật!", Lam nghĩ thầm và nhìn chị Hằng hỏi:
- Yêu là gì hả chị?
- Chịu! Hỏi ông trời á!... Mà em hỏi làm chi vậy? Yêu rồi hả?
- Bậy! Em muốn biết. Vậy thôi.
Một giây im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Lam lại cất tiếng hỏi:
- Thế sao chị biết chị yêu anh Dương?
Chị Hằng giật mình, đôi mắt tròn vo, nhìn Lam:
- Ai bảo em thế?
- Em biết.
- Bao giờ?
Lam hơi lúng túng một chút nhưng lấy lại bình tĩnh ngay, Lam thản nhiên trả lời:
- Hôm trước. Cách đây khoảng một tuần, chị đánh rơi cái thư em nhặt được.
- Em có xem rồi hả?
- Vâng! Tại em thấy tên người gửi là anh Dương em mới xem chứ nếu của người lạ em không xem.
- Ừ! Chẳng sao cả... chị chỉ hỏi vậy thôi... Thế sao em không đưa lại cho chị?
- Em muốn làm chị ngạc nhiên chơi nên em lén để trên bàn học của chị.
Chị Hằng nhíu mày như đang suy nghĩ về một việc gì, cái không khí yên lặng nặng nề lại xuất hiện. Lam vẫn nhìn chị Hằng không chớp mắt trong khi chị Hằng nhìn thật mơ màng – không có vẻ gì gọi là chăm chú – vào chiếc ghế mà Lam đang ngồi.
Bỗng chị Hằng hỏi:
- Tết năm nay em mười sáu rồi Lam nhỉ?
Lam nhìn chị ngạc nhiên:
- Vâng.
Chị Hằng gật gù:
- Em cũng lớn rồi, tuy nhiên em không nên để ý chuyện tình cảm nhiều. Hãy chú tâm vào việc học cái đã?
Lam cãi lý:
- Em cũng nghĩ như vậy nhưng em thấy tình cảm nó đến với mình không hẹn trước. Một ngày nào đó, bất chợt nó đến với mình, không cứ ở lứa tuổi nào và cũng không cứ ở thời gian nào.
Chị Hằng ngạc nhiên về những lời nói thật người lớn của Lam. Chị nhìn thẳng vào mặt Lam hỏi:
- Sao em biết?
- Tự dưng em biết. Đến cái tuổi mà em phải hiểu.
"Tuổi vừa lớn". Có một sự trưởng thành đang cuồn cuộn dâng lên trong Lam. Tại chị em ở gần nhau, lúc nào chị Hằng cùng xem Lam như một đứa trẻ con nên chị không nhận ra đấy thôi. Nếu chị để ý Lam một chút, có lẽ chị cũng đã nhận diện được sự lớn khôn của Lam từ lâu rồi. Không ai dạy Lam cả, tự dưng nó đến với Lam, tự dưng Lam thấy mình đã lớn.
Cái lập luận về tình cảm đặc biệt mà Lam nói ở trong lớp sáng nay cũng vậy. Tự dưng Lam nói được như thế, không đọc ở sách nào cả và cũng chẳng học lại của ai...
Tiếng chị Hằng cắt đứt ý nghĩ của Lam:
- Em hiểu như vậy từ bao giờ?
- Em cũng không biết nữa!
- Quả thật em lớn rồi.
Lời nói như một cơn gió thoáng qua trong hồn Lam. Giữa giây phút nầy Lam muốn yên lặng để tự kiểm điểm xem mình đã lớn khôn từ bao giờ? Nhưng Lam chịu! Họa chăng chỉ có trời mới thấy được sự đổi thay trong tâm hồn Lam.
Bây giờ thì Lam không còn hồi hộp trông đợi "cái ngày mà mình phải biết suy tư" như hồi xưa nữa. Vì nó đã đến với Lam, nó đã ở bên cạnh Lam từng ngày, từng giờ, từng phút; trong lớp học, ở nhà, trong giấc ngủ, trong bữa ăn v.v... Lam muốn xua đuổi nó, nhưng nó vẫn lì lợm quấn quít bên Lam. Biết làm sao bây giờ? Đành chịu! Và Lam vẫn đang tiếp đón nó thật bình thản, bình thản hơn bao giờ hết.
Nhưng có lẽ suốt đời Lam cũng không tránh khỏi cái hồi hộp vớ vẩn. Niềm lo sợ kia vừa tan biến thì nỗi lo sợ khác lại chợt đến với Lam. Lam vẫn hồi hộp, vẫn trông đợi một ngày nào đó, tình cảm len nhẹ vào hồn mình. Chưa biết nó sẽ đến lúc nào? Bao giờ? Trong niềm vui hân hoan hay trong nỗi buồn vời vợi báo trước cho một cuộc tình đầy mây xám giăng ngang.
Lam còn nhớ, Laspinasse đã nói: "Thà đau khổ vì tình yêu còn hơn sống mà không có tình yêu". Lam không biết nỗi đau khổ của tình yêu nó dằn vặt đến bực nào? Nhưng Lam công nhận sống mà không có tình yêu quả thật không phải là mình đang sống. Tuy nhiên, nói thế không phải là Lam để tình cảm chi phối mình, việc học đối với Lam vẫn quan trọng hơn cả. Và tình cảm có lẽ chỉ là món ăn tinh thần phụ, tô điểm thêm một nét tươi vui trong cuộc sống của mình mà thôi.
Nỗi vui buồn trong cuộc đời, theo Lam nghĩ, nó gần như là một mầm sống phải có. Nếu đời cứ thế mà trôi, vẫn bình lặng, nghĩa là không có gì thay đổi thì làm gì còn thú vị? Như Lam hiện tại nếu chỉ biết ăn, ngủ rồi học tự tháng này qua năm nọ thì không còn gì chán cho bằng và có lẽ không bao giờ Lam chờ mong một điều gì cả để được sung sướng toại nguyện hay thất bại đau đớn.
Có lúc ngồi ôn lại những kỷ niệm thuở ấu thơ với những buồn vui lẫn lộn, Lam thấy không còn gì hạnh phúc cho bằng. Kỷ niệm bao giờ cũng đẹp, dù là kỷ niệm vui hay buồn. Đáng sống là ở chỗ đó, đổi thay là ở chỗ đó...
"Một ngày sắp trôi qua". Lam nhìn mông lung ra ngoài đường và nghĩ như vậy. Sinh hoạt ngoài kia có về ồn ào hơn lúc nãy, có lẽ đã đến giờ tan sở. Lam khẽ liếc nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường, chỉ còn năm phút nữa thì đúng sáu giờ, bố Lam và anh Quốc cũng sắp sửa về.
Lam mệt mỏi, vươn vai nói bâng quơ:
- Một ngày mau thật chị nhỉ?
- Ừ.
- Chắc mẹ cũng sắp về.
- Thế nào cũng có quà cho em.
- Em đâu còn ham nữa chị.
- Sao vậy?
- Em lớn rồi.
- Ừ quên mất. Em lớn rồi.
Hai chị em nhìn nhau cười, vừa lúc đó, tiếng xe xích lô ngừng trước cửa, chị Hằng và Lam chạy ra đón mẹ...
Lam ôm gói đồ, bước nhanh vào trong nhà, mở vội ra xem; mẹ Lam mua một vài bộ quần áo trẻ con cho mấy đứa em Lam. Nhìn những chiếc áo mới xinh xắn, Lam thấy lòng buồn vợi, như đang nuối tiếc, xót xa, mong chờ vô vọng tháng ngày thần tiên đã vượt khỏi tầm tay với...
Lam sẽ lớn thêm một tuổi vào mùa xuân năm nay, mùa xuân thứ mười sáu trong đời. Nhìn từng mùa lướt qua thật vô tình trên đỉnh đầu, Lam ngơ ngác, ánh mắt thật xa xăm, tâm hồn ray rứt, nức nở và nghe như từng kẽ nứt đang chuyển mình trong tiềm thức.
“Sao mùa xuân không ở lại? Sao hạ vội ra đi? Sao thu không còn mãi? Sao đông sớm chia tay?” Lam hỏi, nhưng không ai trả lời Lam cả, chỉ có tiếng thì thầm của cây cỏ, giọng buồn nức nở của muôn ngàn cánh hoa, gió vẫn hững hờ, mây vẫn cô đơn!... Và Lam vẫn ngồi đây, đếm từng mùa xuân qua trên mười ngón tay ngà ngọc.
Lam ngước nhìn trời qua khung cửa sổ, một vài con én lượn giữa bầu trời buồn thê thảm. Lam có cảm tưởng như ngọn gió đang lén lút hôn nhẹ trên mặt cánh hoa thủy tiên rực rỡ và Lam liên tưởng thời gian cũng đang hôn thật xuồng xã trên khuôn mặt Lam.
Trời hôm nay vui lắm thì phải? Tất cả thật hớn hở chào đón chúa xuân về. Cây cỏ cũng khoe mình với rừng mai sáng chói. Sỏi đá không còn trơ trên lối đi. Bức tường vàng loang lổ thường ngày, bây giờ cũng được khoác vào một bộ mặt thật tươi thắm... Tất cả đều thật vui nhưng Lam buồn thật buồn.
"Ôi! Ngày tháng hồng!" Lam gọi tên ngày tháng thật buồn tủi xót xa, để mặc lệ tuôn trên gò má. Nước mắt có đủ để Lam nguôi ngoai với nỗi buồn hiện tại? Lam chớp nhẹ hàng mi, gục đầu, và mùa xuân, dường như cũng đang nhạt nhòa trong đôi mắt Lam...
- Sao tự dưng lại khóc thế này?
Tiếng hỏi của anh Quốc làm Lam giật mình. Lam thấm vội nước mắt vào cánh tay, nhìn anh cười và nói trống lảng:
- Anh về hồi nào vậy?
- Lâu rồi... Tôi đứng sau lưng cô hằng mười phút cô có biết gì đâu?
- Em đâu biết!
Anh Quốc bật cười:
- Ừ! Trả lời lãng xẹt. Không biết người ta mới nói chứ!
Lam cũng bật cười về câu trả lời ngô nghê của mình. Lam nhìn anh Quốc, đôi mắt tròn đen láy chớp chớp thật mộng mơ. Anh ngồi xuống chiếc ghế trước mặt, rút điếu thuốc gắn lên môi và châm lửa hút.
Anh chu môi nhả mạnh gói thuốc rồi nhìn Lam hỏi:
- Có gì buồn vậy em?
Lam luống cuống trả lời:
- Đâu có!... Em đâu có buồn.
- Chối hả?
- Thật mà!
- Không buồn sao lại khóc?
- Bụi vô mắt em chứ bộ.
- Lại bụi! Chị Hằng cũng bụi, em cũng bụi. Đứa nào cũng bụi hết. Không tin nổi.
- Anh không tin em à?
- Tin thế nào được? Anh thấy em khóc rõ ràng mà. Nói thật đi, anh nói chuyện này cho mà nghe.
- Chuyện gì vậy anh?
Anh Quốc mỉm cười bí mật:
- Một tin vui! Chỉ cần biết thế thôi. Nào! Cô nói chuyện của cô trước đi. Buồn gì?
Lam hơi cúi đầu xuống, nhìn hai bàn tay đan chéo vào nhau trả lời:
- Chẳng có gì cả anh ạ! Tự dưng em thấy buồn khi nghĩ đến Tết.
- Sao lạ vậy?
- Em cũng chẳng hiểu tại sao nữa.
Anh Quốc cười, vỗ mạnh tay vào thành ghế và ngâm khẽ:
- “Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn”!...A nh hiểu rồi! Anh hiểu rồi!...
Lam ngạc nhiên:
- Anh hiểu sao cơ?
- Cô đã lớn. Tâm trạng của một cô bé bắt đầu lớn khôn.
Lam thú nhận:
- Vâng!
Anh Quốc cười:
- Buồn làm gì? Tuổi nào cũng có cái vui của nó hết em ạ. Tuổi nào cũng đẹp, cũng mộng mơ, cũng co nhiều kỷ niệm khó quên... Như nhau cả.
Lam hỏi thật ngây thơ:
- Thật hả anh?
- Thật chứ! Anh nói dối cô làm gì? Rồi cô sẽ thấy, không tin cô thử ngồi ôn lại những tuổi cô đã đi qua mà xem?
Những tuổi mà Lam đã đi qua... mười lăm... mười bốn... mười ba... Ừ nhỉ! Tại Lam vô tình không để ý đấy thôi.
Lam đã ôn lại tất cả những kỷ niệm buồn vui mà Lam hằng cất giữ trong đời. Tuổi nào Lam cũng có một vài kỷ niệm, tuổi nào Lam cũng đã ôn lại nhiều lần và tuổi nào cũng thật đẹp như lời anh Quốc nói.
Tất cả rồi cũng sẽ bình thản trôi đi như mây kia không bao giờ dừng lại một chỗ. Tuổi nào cũng thế! Những đổi thay trong cuộc đời, những biến chuyển trong một ngày đã được gói ghém thật kỹ, cất đi làm kỷ niệm. Kỷ niệm bao giờ cũng thật rực rỡ, huy hoàng. Cho dù vũ trụ có nổ tan tành, thế gian có sụp đổ, kỷ niệm vẫn còn, mãi mãi còn.
Mỗi một phút hồi tưởng là một trang nhật ký vừa được lật qua trong tiềm thức. Những dòng chữ khắc sâu vào tâm não, ăn sâu vào xương tủy vẫn còn, cho dù thời gian đong đưa từ ngày này qua tháng nọ, từ năm này qua năm kia.
“Tuổi nào cũng thế!” Lam lẩm bẩm và mỉm cười một mình, nụ cười không ý nghĩa.
Không có gì để mà buồn cả. Lam sẽ vui tươi đón mùa xuân thứ mười sáu trong đời, tuổi trăng tròn lẻ, tuổi của một đóa hoa hồng vừa chớm nở thật xinh tươi. Mùa xuân bao giờ cũng đẹp, đẹp như bầu trời hôm nay, đẹp như muôn ngàn cánh hoa cùng hé nở, đẹp như bầu trời sương sa trắng đục tiễn gió đông tiết v.v... Khúc nhạc mùa xuân! Phải chăng trong Lam vừa rộn lên tiếng cung đàn thánh thót.
Lam sẽ mở rộng vòng tay đón mừng ngày mới lớn, đón ba trăm sáu mươi ngày buồn vui lẫn lộn. Không còn gì để mà thắc mắc, và chẳng còn gì để mà lo âu vì tuổi nào cũng thế...
- Bây giờ lại vui?
Tiếng anh Quốc cất lên phá tan bầu không khí yên lặng. Lam nhìn thật sâu vào bát thủy tiên trước mặt trả lời:
- Vâng, bây giờ em vui rồi. Tuổi nào cũng đẹp thật anh ạ. Tại em không để ý...
Anh Quốc bật cười. Lam hỏi:
- Ý quên. Lúc nãy anh bảo có tin vui. Tin gì vậy anh?
- Có cần biết lắm không?
- Em không chịu đâu. Anh chuyên môn gạt em không à.
- Lạc đề rồi! Trả lời câu hỏi của anh đi cái đã nào.
Lam lườm anh:
- Cần chứ sao không?
Anh Quốc cố tình nhây nhưa:
- Nhưng anh không cần.
Lam vùng vằng, nũng nịu:
- Không biết! Em mách bố cho coi.
- Ơ! Xấu hổ chưa kìa! Làm như còn bé lắm đó.
- Ở nhà em bé, ra đường em mới là người lớn.
- Khôn nhỉ! Ai dậy cô nói thế?
Lam nhí nhảnh:
- Không ai dậy cả. Tự em nghĩ như vậy và em thích như vậy.
Anh Quốc vừa dụi tàn thuốc vừa nói:
- Lại bắt chước lập luận ngang như cua của con Hằng.
- Chị em hiểu nhau và hợp nhau hơn là anh em.
- A! Giỏi! Thế thì thôi! Anh với cô không hợp, anh đi chỗ khác chơi vậy.
Nói xong, anh Quốc đứng dậy, Lam vội vàng nắm tay níu lại và xuống nước năn nỉ:
- Em đùa mà. Anh với em hợp lắm. Anh nói cho em nghe đi anh Quốc.
- Cô dỗ anh đấy à?
Lam cười, anh Quốc ghé vào tai Lam nói nhỏ:
- Em sắp có quà.
Lam nhìn anh với tia mắt thích thú xen lẫn thắc mắc:
- Ai cho em vậy anh?
- Anh Sĩ!
Lam nhẩy bổng người lên, lay mạnh vai anh hỏi tíu tít:
- Anh Sĩ về hả anh? Về hồi nào vậy anh? Bao giờ anh Sĩ đến đây?
Anh Quốc đẩy Lam ngồi trở lại ghế và nói:
- Làm gì mà cuống lên vậy? Ngày mai nó mới về. Nó mới điện thoại cho anh ban chiều.
Nói xong anh Quốc bước vào trong nhà để mặc Lam ngồi ngoài này một mình. Nỗi vui mừng chợt đến, khiến Lam quên tất cả. Bây giờ Lam chỉ còn biết có Lam với những niềm vui nhen nhúm trong đầu. Anh Sĩ đã về đúng lúc Lam mong, anh Sĩ đã về đúng lúc mà Lam nhắc anh nhiều nhất.
Lam miên man với những ý nghĩ trong đầu, Lam vui lắm, nỗi hân hoan không thể diễn tả được... và Lam chợt giật mình ngơ ngác!... “Không! Không phải vậy. Không phải Lam vui vì những món quà của anh Sĩ cho Lam. Mà Lam vui, vì được gặp lại anh thì đúng hơn. Thế là thế nào? Tại sao Lam lại nghĩ đến anh Sĩ nhiều vậy? Tại sao Lam lại vui thật vui khi nghe tin anh Sĩ về? Khó hiểu quá! Hay là...”
Lam không dám nghĩ tiếp. Lam nghe tim mình đang nhảy múa thật rộn ràng trong lồng ngực. Lam đặt nhẹ bàn tay lên ngực mình... nỗi lo sợ đến với Lam thật bất ngờ.
Lam thờ thẫn, khuôn mặt dại hẳn đi, Lam không còn nghe và nhìn thấy gì cả. Lam gục đầu, tưởng như hồn đã bay tận đâu đâu. Lam đang bước vào một thế giới nào đó, lạ lắm thì phải, xa xôi lắm thì phải và mơ hồ lắm thì phải...
_____________________________________________