Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Bắt Trộm


miền quê tôi, mỗi khi Tết đến, hầu hết nhà nào cũng gói bánh chưng không nhiều thì ít. Nhà gói nhiều thì nấu riêng, mấy nhà ít thì hai ba nhà chung lại nấu một nồi, đỡ tốn củi và đỡ tốn công coi sóc. Họ bắt đầu gói bánh từ sáng 30, chiều bỏ vào nồi nấu, thường đến gần nửa đêm, bánh mới thật chín. Trong gia đình chia phiên nhau coi củi lửa cho tới khi bánh chín vớt ra, treo lên, rồi mới đi ngủ. Có nhiều khi, người ngồi canh lửa, mệt mỏi ngủ thiếp đi và đến lúc tỉnh dậy, thì ôi thôi, nồi bánh đã không có cánh mà bay đi đâu mất! Mấy chú đạo chích đã nấp sẵn ở ngoài, thừa cơ vào bê nồi bánh ra đồng chia nhau rồi!

Năm nào cũng xẩy ra nạn trộm bánh như thế, không nhà này thì nhà khác khiến cho nhiều nhà qua một cái Tết xui xẻo dở khóc dở cười!

Tết năm ấy, ông bà nội tôi còn, ba má tôi trù tính con cháu sẽ tụ họp về đông, nên đã gói rất nhiều bánh chưng, bánh tét. Chiều 30, bánh gói xong, ba tôi bắc lên hai lò song song cạnh nhau, hai chiếc nồi đồng to tướng sắp bánh vào chật cứng, đoạn đổ nước vào tới miệng rồi đốt lửa nấu...

Cơm tối xong, chuyện vãn một lúc, ba tôi bảo mọi người đi ngủ, để mặc ba tôi canh chừng nồi bánh. Ông tôi đi ngủ một lúc rồi trở dậy, xuống coi thay cho ba tôi đi ngủ. Lối gần nửa đêm, chúng tôi giật mình nhỏm dậy, vì tiếng ông tôi thét om sòm sau vườn:

- Bớ người ta! Kẻ trộm! Kẻ trộm!

Ba tôi đã dậy từ lúc nào, đang cầm đuốc từ trước cửa nhà chạy vào. Chúng tôi kéo nhau theo ra vườn. Chợt nhìn cảnh tượng trước mắt, ai nấy đều ôm bụng cười ngặt nghẽo: hai chú đạo chích là người cùng thôn, đang nằm rên rỉ trên đống giạ, hễ cựa quậy một tì, thì gai lại đâm sâu vào da thịt khiến mấy chú kêu oai oái! Bên cạnh hai chú là một cái bao đựng đầy bánh chưng... Ông tôi thì chống gậy, đứng cười ha hả, cách rất khoái chí. Một lúc sau, các nhà lân cận cũng cầm đuốc, xách gậy chạy sang. Mọi người hỏi ông tôi làm sao mà hai chú trộm lại rơi vào trong đống gai được. Ông tôi tươi cười, bảo mấy người khỏe, giơ sào để kéo hai chú ra đã rồi sẽ hay.

Đem hai chú vào giữa sân cùng với bao bánh còn nóng hổi, mọi người vây xung quanh, tươi cười nghe ông tôi kể:

- Hồi sáng nay, lúc cả nhà đang lo gói bánh, tôi nghe sau vườn có tiếng chặt cây, liền đi ra xem, thấy thằng Tám đây xách dao đứng lớ quớ phía ngoài, tôi hỏi nó, thì nó bảo nó đang câu lươn dưới mương, nhưng dây câu bị vướng vào cành tre, nên nó lấy dao chặt vài cành. Tôi để ý nhận xét, thì ra nó đã chặt tre trổ một đường lọt vào vườn, nhưng nó đã lấy nhiều nhánh gai lấp lại, tinh mắt mới nhận được. Tôi biết chắc là thằng này toan tính tối nay vào trộm bánh. Tôi làm bộ như không hay biết gì, hỏi thăm nó câu được bao nhiêu lươn, và bảo nó nếu muốn bán thì đem vào tôi mua cho. Thế rồi, tối đến, tôi giả đò đi ngủ sớm. Khi mọi người đã ngủ, tôi dậy coi lửa thay cho ba thằng Xuân (ba tôi).


Đến gần nửa đêm, bánh chín, tôi nghe sột soạt phía ngoài vách, và có tiếng chuột rúc, tôi chắc là có bợm trộm đã mò vào nấp đây rồi. Tôi liền làm bộ ngáp mệt mỏi, cho nhỏ lửa lại, đoạn lên nhà trên như đi ngủ. Tôi nhẹ nhàng đánh thức ba thằng Xuân dậy, rỉ tai cho biết có trộm vào, và bảo cầm gậy ra nấp cửa trước, nếu có trộm ra ngả ấy thì đánh và tri hô lên, còn chỗ khác thì để mặc tôi. Tôi cũng xách gậy sẽ lách ra cửa sau đi lại chỗ hồi chiều. Trời tối đen như mực tụi trộm cũng mưu cơ ghê lắm, chúng bắt đom đóm hai bên, bó gai thì chúng vất sang một phía. Tôi liền tương kế tựu kế, cắm mấy con đom đóm vào giữa đống gai... rồi như bà con đã thấy, , các chú hí hửng khiêng bao bánh ra, cứ theo đường đom đóm mà bước, bước luôn xuống giữa đống gai...

Mọi người cười vang, vỗ tay hoan hô mưu cao của ông nội, đoạn quay ra xỉ vả hai tên đạo chích:

- Mấy năm nay, cứ Tết đến, không nhà này thì nhà khác mất trộm cả nồi bánh, mà không biết ai ăn trộm, té ra tụi mày!

Một bà nổi nóng nhảy vào giáng cho hai anh hai bạt tai tóe lửa:

- Bà xé xác tụi mày! Năm ngoái Tết nhất mà bà khóc hết nước mắt, cũng vì hai đứa mày!

Hai anh trộm ngồi dựa vào nhau, mặt cúi gầm xuống đất, xấu hổ... Mọi người bàn nhau, trói gô hai chú lại để mai đem trình làng, nhưng ông tôi can:
 
- Thưa anh chị em, Tết nhất đến nơi, mà làm như thế cũng tội nghiệp quá, chi bằng chúng ta bắt chúng nó làm tờ thú, rồi từ nầy về sau, hễ ai mất của cải gì, cứ nắm đầu chúng đem ra làng cũng chưa muộn. Chúng ta đều chứng thật việc chúng nó phạm pháp hôm nay cả mà!
 
Mọi người đều tán thành ý kiến ôn hòa của ông tôi. Hai anh trộm làm tờ thú xong, lạy tạ mọi người và xin hứa từ đây ăn ở lương thiện. Ông tôi thương tình cho mỗi anh đòn bánh chưng rồi tha về...


Xa xa, đã có tiếng pháo nổ. Ai nấy vội chào nhau, chạy về nhà đón Giao thừa...
 
 
NHẬT LỆ GIANG     


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Đinh Mùi, 1967)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>