Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

Chuyện Hang Ngu Công

 

Các em thân mến,

Tuần rồi, chúng tôi vừa nói chuyện với các em về tính khiêm tốn và kể chuyện vua Phi-líp xứ Ma-xê-đoan.

Ở Á đông mình có rất nhiều tấm gương khiêm tốn mà chuyện dưới đây là một.

Một hôm, vua Tề Hoàn Công đi săn, lạc vào một khu rừng rậm và gặp một cái hang. Vua thấy trước hang có một ông già đang đứng liền hỏi thăm tên của cái hang này. Ông già cho biết là hang Ngu Công.

Nhà vua lấy làm lạ, hỏi tại sao hang này lại có cái tên lạ lùng như thế.

Ông già liền thưa vì ông ở trong hang này mà ông lại ngu, nên mới có tên là hang Ngu Công.

Vua càng ngạc nhiên : Ta trông nhà ngươi mặt mày sáng sủa, thông minh, sao lại cho mình là ngu mà đặt tên hang là hang của người ngu dại?

Ông già giải thích : Thưa bệ hạ, kẻ hạ thần có nuôi một con bò cái. Con bò cái sanh được một con bò con. Khi con bò lớn lên, kẻ hạ thần đem ra chợ bán, lấy tiền mua một con ngựa con đem về nuôi chung với con bò mẹ.

Một ngày kia, có một tên nọ bắt kẻ hạ thần phải giao cho hắn con ngựa con, viện lý lẽ "bò cái không đẻ ra ngựa được". Kẻ hạ thần không cãi và bị mất ngựa. Người nào nghe chuyện này cũng cho kẻ hạ thần là ngu và còn đặt tên hang này là hang Ngu Công, hang của ông già ngu dại.

Vua nghe xong, mỉm cười : Đúng ra, nhà ngươi cũng ngu thật.

Khi về đến cung điện, vua Tề Hoàn Công đem chuyện ông già hang Ngu Công kể lại cho các quan trong triều nghe. Quản Trọng là vị quan lớn trong triều và lại là người tin cậy của nhà vua, đứng dậy thưa rằng:

- Chính hạ thần mới là người ngu.

Ai nấy đều ngạc nhiên, Quản Trọng liền tiếp:

- Thường thì một nước có vua giỏi như vua Nghiêu, bề tôi tài như Cao Dao thì làm sao có kẻ ức hiếp người khác mà lấy ngựa như vậy. Ngu Công đành chịu mất ngựa, không cãi, chính là một người khôn, vì ông ta biết luật pháp nước ta không ra gì, chống cự lại bọn côn đồ chỉ hại mạng mình mà thôi. Nhân dịp này, bệ hạ nên kịp thời sửa đổi lại việc nước, để sau này khỏi phải ân hận.

Các em thân mến,

Quản Trọng là một vị quan tài giỏi có tiếng của nước Tề, mà khi nghe vua kể chuyện Ngu Công còn nhận mình là ngu, cho mình còn kém Cao Dao, vị quan nổi tiếng công minh đời Đường, mới để cho trong nước xảy ra việc bất công.

Xem như thế, chúng mình nếu lúc nào cũng tự cao, tự đại, lúc nào cũng cho mình khôn ngoan, toàn mỹ, hơn người, không thèm tìm tòi, học hỏi, sửa mình, chúng mình chỉ làm trò cười cho thiên hạ, chúng mình làm sao tiến bộ được, phải không các em.
 

Thân mến                 
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 46, ra ngày 9-7-1972)

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Dung Dăng Dung Dẻ

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Dung dăng dung dẻ
Thì ra mùa hè
Nồng nực đã về
Bắt mình chia cắt

Mai này xa cách
Khắp bốn phương trời
Mỗi đứa một nơi
Chẳng còn chung lớp

Chẳng còn bắt bướm 
Thôi hết hái hoa
Còn đâu la cà
Xi nê, bát phố

Môn toán khốn khổ
Môn văn mộng mơ
Lý, hóa lơ ngơ
Lại còn Sinh ngữ!

Bạn thành bác sĩ
Cứu thế độ nhân?
Mình lại phân vân:
Ngồi không cho khỏe?

Cả lũ nắc nẻ
Ai biết tương lai 
Ra sao ngày mai
Dung dăng dung dẻ...

                            Thơ Thơ 
                   (Bút nhóm Hoa Nắng)

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

Con Chó Phi Thường

 Thường người ta dựng 1 bức tượng để ghi ơn 1 vĩ nhân hay 1 vị anh hùng lịch sử, nhưng bạn có biết rằng tượng của 1 con chó đã được dựng lên trên đỉnh của 1 ngọn núi thuộc dẫy Alpes để ghi ơn nó đã cứu sống được hơn 40 người, và sau đây là câu chuyện về con chó phi thường đó...

Dẫy núi Alpes đã có từ lâu, ngay từ thuở sơ khai, những đỉnh núi cao ngất vươn ngạo nghễ giữa nền trời xanh như những tiền đồn biên giới giữa các quốc gia: Thụy Sĩ, Pháp và Ý Đại Lợi. Trên đỉnh 1 ngọn núi thuộc dẫy núi Alpes này có một tu viện cổ kính đã được dựng lên từ lâu để làm nơi tạm trú cho khách lỡ đường bởi sự hy sinh cố gắng của 1 vị thánh thiện tên là Bẹc Na (Bernard). Đã từ lâu người ta vẫn cho rằng thật là điên rồ mới có ý tưởng xây một tu viện giữa một chỗ trống trải, đầu của một ngọn gió, hơn nữa không ai có thể sống lâu dài tại nơi hoang vu băng giá này. Gác bỏ ngoài tai mọi dèm pha, chế riễu có thể làm nhụt chí, vị thánh thiện Bẹc Na Đờ Măng Tông (Bernard De Menthon) vẫn quyết tâm bắt tay thực hiện mộng ước xây dựng tu viện này để rồi hoàn thành vào năm 1962. Ông đã dựng lên tu viện với tất cả lòng thương người không bờ bến, với sự hiến dâng chuỗi đời còn lại của ông cho nhân loại. Đó là một công việc cố gắng phi thường mà 1 người thường không thể thực hiện nổi. Sau khi tu viện hoàn thành, vị thánh thiện nhân từ này không còn đơn độc nữa, ông đã có thêm một số tu sĩ khác sẵn lòng giúp sức để cùng chia sẻ những nỗi khó nhọc của cuộc đời.

Cũng tại tu viện cổ kính này, có 1 chuồng chó mà trong đó con chó Ba Ry (Barry) đã sanh ra, nó đã sống ở đây lâu rồi và nổi tiếng vì những hành động dũng cảm phi thường đã từng cứu sống được bao người lữ hành mệt mỏi, ngã gục vì kiệt sức sau khi cố gắng chống trả lại sự phũ phàng của thiên nhiên để rồi bị chôn vùi hấp hối dưới lớp tuyết phủ lạnh buốt trên con đường mòn bên triền núi của dẫy Alpes.

Ngày nay, các vị tu sĩ tại tu viện Thánh Bẹc Na còn thích nhắc lại những câu chuyện về con chó dũng cảm này. Thỉnh thoảng về buổi tối, các vị tu sĩ quây quần bên đống lửa ấm cúng giữa phòng khách, 1 vị lấy 1 quyển sách đã cũ xếp trên 1 kệ sách xuống, đó là quyển sổ nhật ký của Sư huynh Bôn (Brother Paul), rồi trịnh trọng lần giở từng trang một để đọc câu chuyện ông viết về con chó Ba Ry...
 

"Vào một sáng mùa Xuân, ngày mà Sư huynh Bôn và con chó Ba Ry mới gặp nhau lần đầu, mặc dầu trời lạnh, theo thói quen thường lệ. Sư huynh Bôn vẫn đến thăm chuồng chó của Thánh Bẹc Na, lúc đo Ba Ry chỉ mới là một con chó con lông xù, mũm mĩm và khờ khạo mới sanh ra được 3 tuần và mẹ nó giữ không cho nó chạy ra khỏi chuồng.

"Tốt, tốt" Sư huynh Bôn vừa cười vừa nói khi nhìn thấy con chó đang ngoe nguẩy vẫy đuôi, vui mừng, "Mày có thể là 1 người giúp việc đắc lực của tu viện này, ta e rằng mày sẽ cảm thấy vất vả khi sống ở đây." Ông nói tiếp rồi quỳ gối âu yếm mơn trớn con chó, nhưng chú chó nhỏ Ba Ry chạy lảng xa và đứng nhìn ông một hồi rồi quay chạy tung tăng trong sân, mồm sẽ rít tiếng kêu vui vẻ. Mở cổng hàng rào, Sư huynh Bôn bước hẳn vào trong, bế chú nhỏ Ba Ry vào lòng, nắn sờ từng bàn chân đôi cẳng và đôi tai của nó. Ông nói: "Một ngày kia, mày sẽ trở nên một con chó khôn, và tao chắc rằng chúng tao sẽ hãnh diện vì mày".

Dần dần người và chó trở nên thân thiết để rồi những năm tới cùng nhau chia sẻ bao nỗi khó khăn nguy hiểm trong những chuyến leo núi vất vả.

"Ta sẽ cố gắng tự dạy nó" Sư huynh Bôn tự nhủ khi ông bắt đầu công việc huấn luyện con Ba Ry, "Nó là một con chó khôn và sẽ hiểu biết nhanh chóng".

Mỗi ngày vị tu sĩ kiên nhẫn dắt con chó đi đến những triền núi bên cạnh cho đến khi nó thuộc đường, tiếp theo ông tập cho nó biết tránh xa những lối nguy hiểm trên những vách đá cheo leo, tránh những vực sâu thăm thẳm bên cạnh lối mòn. Rồi tới ngày ông dạy nó biết tìm theo dấu chân người, lúc này mới là bài học khó khăn đối với nó, mới đầu nó không hiểu là chủ nó muốn gì nơi nó. Sư huynh Bôn bắt nó đứng im 1 chỗ, rồi nhanh chân ông chạy nấp vào 1 sườn núi gần đó, con Ba Ry đứng ngơ ngác tìm rồi cất tiếng sủa ăng ẳng, vẫn nấp sau sườn núi ông lên tiếng gọi Ba Ry, tức thì con chó nhanh nhẹn chạy chồm về phía tiếng gọi, vừa chạy vừa đánh hơi tìm dấu chân của Sư huynh Bôn. Khi đến chỗ dấu chân mất, nó dừng lại hậm hực nhìn quanh nhưng vẫn không thấy chủ, nó ngần ngừ giây lát rồi cúi xuống, với linh tính của nó, nó bắt đầu dùng mõm và chân bới đống tuyết dưới chân nó. Sau vài giây, nó tìm thấy chủ nó nằm chôn vùi dưới lớp tuyết. "Mày thật phi thường, Ba Ry!" Sư huynh Bôn sung sướng nói khi ông co chân đứng dậy: "Mày đã làm giỏi lắm trong bước đầu". Ông khen tiếp. Bài học đó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những ngày kế tiếp, mỗi ngày ông mỗi trốn xa hơn, ở chỗ kín đáo hơn, nhưng lần nào con Ba Ry cũng tìm được. Kế đó, Ba Ry được huấn luyện theo dấu chân ông để tìm ra nơi ông nằm trốn dưới lớp tuyết, ông còn tập cho nó biết cách bới tìm và khi nhìn thấy thì nằm đè lên người ông, thè lưỡi liếm mặt và tay để sưởi ấm. Một hôm ông nói: "Mày đã tấn tới lắm rồi, bây giờ là lúc mày bắt tay vào việc để thực hành những bài đã học". Rồi những ngày nặng nhọc vất vả đến với Ba Ry, nó thường theo Sư huynh Bôn vào rừng để kiếm củi về đốt sưởi, lúc này là thời gian thích thú nhất của nó, nó thích nghe tiếng cười và nói của chủ cùng làm việc bên cạnh nó. Thình thoảng nó và chủ sang một làng nhỏ bên cạnh để kiếm thức ăn, đó là một vùng hẻo lánh và yên tịnh, nhưng đối với nó rất lạ lùng và huyền diệu. Những người dân làng này không còn xa lạ gì Sư huynh Bôn. Trong những ngày hè ngắn ngủi, họ thường vượt núi đến tìm ông, kẻ thì nhờ ông chỉ bảo cách giải quyết vài khó khăn, kẻ thì đến nhờ ông giúp đỡ. Ban ngày thật là vất vả đối với 1 người thánh thiện như ông, ngay cả ban tối, lúc lên giường nằm ngủ, ông còn thao thức nằm nghĩ phương cách giúp đỡ họ.

Một đêm, khi đang nằm trên giường, bỗng nhiên ông văng vẳng nghe thấy một tiếng rên mơ hồ ở xa vọng lại, ông không thể xác định được đó là tiếng gì, ngoài tiếng gió rít bên ngoài. Nhưng rồi tiếng rên mỗi lúc càng rõ thêm và dồn dập. Ông ngồi dậy trên giường, nhìn qua chiếc cửa sổ nhỏ, lúc này tuyết đã ngừng rơi, mặc dù trăng bị che khuất sau làn mây đen nhưng ông vẫn có thể nhìn thấy những đỉnh núi đứng sừng sững giữa chân trời như những người khổng lồ. Đêm thì lạnh buốt, ông vội kéo chiếc mền len quấn quanh người và nghĩ thầm: "Gió và trí tưởng tượng của ta đã đánh lừa ta" rồi ông lại nằm xuống. Bỗng nhiên, qua ánh trăng chiếu qua kẽ hở của đám mây, ông nhìn thấy thế giới lạnh buốt và trắng xóa bên ngoài, ông lẩm nhẩm cầu nguyện cho tất cả những lữ khách đáng thương đang có thể bị lạc lõng trong đêm băng giá. Chợt ông nhìn thấy một bóng đen của một con chó to lớn đang đứng ở sân.

"Ba Ry!" ông gọi to. Để như đáp lại, con chó sủa bằng những tiếng gắt và nhanh. Nghe tiếng con Ba Ry sủa, ông biết là có chuyện gì xẩy ra, linh tính của con chó như báo cho ông biết là đêm nay sẽ có một vụ cứu cấp. Vị tu sĩ thánh thiện này vội nhảy ra khỏi giường, khoác vội chiếc áo ấm và chạy ra ngoài. Con Ba Ry đã chực sẵn nơi cửa chuồng, nhanh nhẹn, ông quàng lên cổ nó một gói thức ăn và một thùng nhỏ rượu vang là hai món lúc nào cũng được sắp sẵn cho một cuộc tiếp cứu. Ông vuốt ve con chó và nói: "Tốt lắm" rồi hai người bạn thân vội chạy xuống con đường mòn dốc ven sườn núi. Lúc này thì trời quang, dưới ánh trăng Sư huynh Bôn có thể nhìn rõ con Ba Ry chạy trước dẫn đường. Trong đêm tối, ông cố lần theo dấu chân con chó in trên tuyết vì nó đi dễ dàng bằng bốn chân trên tuyết và nhanh hơn ông. Người và vật đều cảm thấy công việc này rất quan trọng vì phải cố tìm để kịp cứu cấp một lữ hành đáng thương đang hấp hối dưới lớp tuyết phủ càng sớm chừng nào hay chừng ấy.

Người lữ hành này là một người nhà quê mộc mạc xa làng đã lâu rồi, đêm nay quay trở về nhà cũ nơi bên kia sườn núi. Đã hai ngày qua, hắn cố lê đôi chân mệt mỏi và tê buốt trên mặt tuyết để lần bước với niềm vui rộn ràng trong tim vì sắp mặt được gia đình thân mến mà hắn phải cách xa từ lâu vì công việc làm ăn. Ngày đầu trôi qua êm ả, qua ngày thứ hai, về gần trưa thời tiết bỗng nhiên trở lạnh, từng đám mây đen kéo bao phủ khắp bầu trời, hắn vội dục bước. "Ta có thể đi trong lạnh nếu một lát nữa tuyết hãy rơi" Hắn nghĩ thầm, nhưng tuyết không chờ như ý hắn muốn và bắt đầu rơi phủ trắng lối đi và sườn núi, che kín thế giới khỏi tầm mắt. Người nhà quê không nhìn thấy con đường mòn trước mặt, nhưng hắn vẫn cố gắng lần mò bước đi. Cho đến khi toàn thân tê cóng, hắn đã bị lạc đường như bao nhiêu kẻ khác trước hắn. Lúc này trời đã tối, bão tuyết vẫn tiếp tục, hắn cố lần bước trong đêm tối dưới làn mưa tuyết, thực sự hắn chỉ muốn được nằm dài và nhắm mắt ngủ. Sau lời kêu cứu yếu ớt cuối cùng, hắn gục xuống bất tỉnh để rồi không còn nghe thấy tiếng gió rít bên tai, không còn cảm thấy lạnh buốt nữa, hắn đã được ngủ và là giấc ngủ của một kẻ hấp hối đang gần kề cái chết, họa may ra có ai đến cứu hắn kịp thời...

Rồi thì may mắn đã đến với hắn, sự may đem lại bởi một con chó lông xù đã đánh hơi tìm thấy nơi hắn nằm, bới tuyết lên để lộ hắn ra và nằm ủ lên hắn...
 

Dần dần hắn tỉnh lại, mở mắt hắn thấy con chó đang thè lưỡi mềm và nóng hổi liếm vào mặt lạnh buốt của hắn. "Chắc là con chó của tu viện Thánh Bẹc Na" hắn nghĩ, rồi hắn với túi thức ăn và thùng rượu nhỏ buộc nơi cổ con chó. Chờ cho hắn ăn và uống xong, con Ba ry mới quay trở lại về phía Sư huynh Bôn cách đó không xa. Vị tu sĩ đến gần chỗ hắn nằm, cởi chiếc áo choàng ra đắp cho hắn, rồi trong khi con Ba Ry chạy về tu viện kêu thêm mấy vị tu sĩ khác đến giúp sức, Sư huynh Bôn chà khắp thân thể hắn cho nóng. Một chặp sau, hắn có thể tự ngồi dậy.

"Đừng có nói" ông dịu dàng nói với hắn khi hắn định mở mồm ngỏ lời cám ơn. "Ông cần giữ sức để tĩnh dưỡng vì mới thoát chết". Rồi hắn được đưa về tu viện, bên bếp sưởi ấm cúng, thức ăn nóng và rượu nóng đang sẵn sàng đợi hắn. Sau khi ăn no và sưởi ấm, hắn lên giường nằm vùi dưới lớp chăn len êm ấm, tự nhiên hắn ứa đôi hàng giọt lệ nơi khóe mắt vì cảm động...

Sau vài ngày nghỉ ngơi dưỡng sức, hắn kiếu từ, rời tu viện để lên đường trở về nhà. Sư huynh Bôn và con chó Ba Ry đưa tiễn hắn đến bìa rừng thì dừng lại, tại đây chỉ có tuyết rơi nhẹ, 1 con đường mòn dốc lộ ra ven bìa rừng. "Bây giờ ông không còn cần sự trợ giúp của chúng tôi nữa, con đường về nhà nằm rõ ràng ngay trước mặt ông". Sư huynh Bôn nói.

"Xin ông vui lòng nhận cho món tiền nhỏ mọn này, nó tuy ít ỏi nhưng tôi dâng ông với tất cả tấm lòng thành kính tri ân của tôi" người nhà quê nói và hắn moi mấy đồng bạc trong cái ví rách cũ của hắn kính cẩn trao cho Sư huynh Bôn. Sư huynh lắc đầu từ chối và nói: "Ông hãy cất tiền đi, sự cứu giúp những người hoạn nạn là bổn phận của chúng tôi, đó là một bổn phận đã có từ lâu, từ ngày Thánh Bẹc Na còn sống. Hơn nữa ngoài tôi ra ông còn mắc nợ con chó Ba Ry này mà nó lại không biết tiêu tiền". Người nhà quê cảm động quỳ xuống để nhận phép lành của Sư huynh Bôn ban cho rồi hắn lên đường trở về quê cũ. Sư huynh Bôn và Ba Ry đứng nhìn cho đến khi bóng hắn khuất xa. Ông quay trở lại nói với Ba Ry: "Mày đã làm được 1 việc phi thường, Ba Ry!... Thôi chúng ta hãy quay trở về tu viện".

Thời gian trôi qua, vị tu sĩ đáng kính nói trên trở về già và chết, rồi có người khác đến để tiếp tục sứ mệnh của ông, nhưng chuyện con chó Ba Ry đã cứu sống hơn 40 người lâm nạn trên đỉnh núi Alpes vẫn còn được lưu truyền mãi mãi, và vẫn được nhắc tới bên đống lửa ấm cúng của tu viện. Để kết luận câu chuyện, vị tu sĩ gập quyển nhật ký lại và nói: "Giống chó Bẹc Na thật là phi thường, nhưng con chó phi thường và dũng cảm nhất vẫn là con Ba Ry".


Văn Việt                           
(Phỏng dịch theo truyện "The Great Dog BARRY"
của Alice Gale và Fleming Crew.)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 41, ra ngày 4-6-1972)

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2023

Hùng Tâm Tráng Sĩ

 Hồi đó, chẳng biết rõ vào thế kỷ nào, có một vương quốc, trong ngót 400 năm được các vị vua chúa kế tiếp nhau trị vì có lòng thương dân và biết chăm lo việc nước, nên dân gian sống trong cảnh thanh bình an lạc.

Nhưng từ khi câu truyện này xảy ra thì tình thế đã đổi khác. Dân chúng bắt đầu ta thán về thuế má mỗi ngày một nặng, quân lính nhà vua chểnh mảng việc canh phòng bờ cõi, để cho các nước láng giềng uy hiếp, cướp bóc nổi lên và cảnh đói khổ, cơ cực đang đe dọa toàn dân trong nước. Lời đồn thổi: "Nhà vua bị bệnh..." "Nhà vua phát khùng..." "Nhà vua đã băng hà..." lan truyền đi, càng gieo rắc hoang mang trong lòng mọi người. Vào thời ấy, dân còn trong vòng sơ khai, dốt nát, nên ít người được gặp Vua, và chẳng biết vị Vua đang cầm quyền cai trị là người thế nào? Có người cho rằng Đức Vua đương kim là một "hài nhi mới sinh..." Người thì lại bảo "Nhà Vua là một người lẩm cẩm"!

Trước tình trạng ấy, có vị sứ quân, một hôm đã can đảm nói rõ sự thật ra trước dân chúng: "Đức Vua không bị bệnh hoạn, cũng không điên khùng chi hết. Ngài chỉ không cẩm quyền vì mọi quyền hành đã được trao phó cho một ông quan nhất phẩm triều đình: Tể tướng Kim Cang. Nhưng Kim Cang là một gian thần, dối vua hại nước, nên vị sứ quân can đảm kia lại lên tiếng hô hào:

- Đả đảo Tể tướng! Vạn tuế Đức Vua!

Vị sứ quân ấy tên là Lăng Nghiêm, cai quản một phần đất quan trọng của Vương quốc. Ông liền bị Tể tướng sai quân tới bắt đem về kinh hạ ngục. Trước khi bị quân lính giải đi, Lăng Nghiêm gạt nước mắt bảo con gái:

- Như Mai con, cha có mỗi mình con là lớn. Mẹ con mất rồi, hai em trai con còn nhỏ dại. Nay cha gặp nạn vì kẻ lộng thần hãm hại, con hãy thay cha, trông nom săn sóc các em, và luôn luôn giữ vững can đảm hòng đối phó với mọi bất trắc. Thôi, cha vĩnh biệt các con!

Như Mai cố ngăn cảm xúc trước mặt cha, nhưng khi cha bị giải đi rồi, nghĩ mình là phận gái mới có 15, 16 tuổi đầu, lại thêm hai em trai: đứa 12, đứa 8 tuổi, còn nhỏ dại cả, nên nàng cảm thấy khổ sở vô cùng.

Lăng Ngoạn, cậu em lớn, và Lăng Dũng, cậu em út, đều mếu máo hỏi chị:

- Chị Như Mai ơi, biết tính làm sao bây giờ?

Như Mai càng rối ruột, chưa biết tính ra sao cả. Ba chị em đành ôm nhau khóc như mưa. Cuối cùng Như Mai nhớ lại lời cha căn dặn trước khi từ biệt: "Con phải thay cha... Can đảm đối phó!..." Và nàng nhìn em, thở dài rồi cả quyết đứng lên:

- Chúng ta hãy đi gặp nhà Vua!

*

Sau nhiều ngày lặn lội, ba chị em mới tới kinh đô. Cả ba đều bỡ ngỡ trước cảnh lạ và không khỏi sợ sệt khi đến trước tường thành hùng vĩ của cung điện nhà Vua. Ngoài cổng thành có lính gác, gươm giáo sáng ngời.
 

Như Mai dẫn em lại gần một người lính hỏi thăm. Người lính dọa dẫm quát:

- Đức Vua không có ở đây! Đi, đi!

Như Mai nhìn thẳng vào mặt người lính, đòi gặp viên Đội trưởng.

Viên võ tướng chỉ huy quân lính gác thành bước ra xua tay nạt nộ:

- Chỉ có Tể tướng mới biết hiện Đức Vua ở đâu!

Nhưng Như Mai vội vã nài xin gặp Tể tướng. Nàng nghĩ rằng: Tể tướng thù ghét cha nàng, nhưng không biết chị em nàng là ai.

Nàng được dẫn vào một hành lang lộng lẫy, ngồi chờ.

Đợi suốt cả buổi, nàng mới thấy ở chính điện bước ra một người.

Trước mặt người ấy mọi người đều kính cẩn cúi rạp mình xuống. Như Mai đoán ngay vị đó là quan Nhất phẩm triều đình, nên đánh liều ngăn ông ta lại. Quả nhiên đó là Tể tướng Kim Cang.

- Đức Vua đi săn!

Rồi ông truyền lệnh:

- Quân bay đuổi mấy đứa nhỏ này đi!

*

Lính đuổi ba chị em ra ngoài thành. Như Mai dắt các em đi lang thang khắp kinh kỳ, phân vân không biết làm cách nào để tìm gặp được nhà Vua. Cuối cùng, vì mỏi mệt, ba chị em đành ngồi nghỉ chân bên vệ đường. Người qua kẻ lại, không ai bận tâm đến chị em Như Mai cả. Ba chị em lại ôm nhau ngồi khóc. Chợt có tiếng hỏi ôn tồn:

- Tại sao các cháu ngồi khóc ở đây?

Ngửng lên, Như Mai thấy một ông lão. Cặp mắt nhìn đầy vẻ nhân hậu của ông, khiến Như Mai đem lòng tin cậy. Nàng thuật rõ đầu đuôi.

Nghe xong, ông lão gật gù:

- Lão Tể tướng là một tên gian nịnh. Nhưng hắn nói thực đấy. Nhà Vua đang đi săn.

Lăng Ngoạn hỏi:

- Ngài săn ở đâu?

Lão đáp:

- Không ai biết rõ được Ngài săn ở khu rừng nào. Nhưng...

Ông lão tỏ vẻ lưỡng lự, rồi hạ thấp giọng tiếp:

- Chỉ có mình lão biết. Nếu tiểu thư và các công tử muốn tìm đến Ngài, xin cứ ngồi yên đây. Lão vào thành chốc lát, khi trở ra sẽ đưa đến tận nơi.

Chừng tiếng đồng hồ, ông lão trở lại, ngồi trên một chiếc xe có hai ngựa kéo, ra dấu cho chị em Như Mai lên rồi quất ngựa chạy thẳng. Xe ra khỏi kinh thành, ông lão mới nói:

- Lão tên là Tôn. Người quen thường gọi lão như thế. Lão làm nghề đánh xe ngựa, và thường được vào chở các vật dụng cần thiết cho nhà Vua. Mọi khi lão thường chở các thực phẩm, vải vóc. Hôm nay, trong cung chỉ giao cho mang đi một chiếc rương lớn, đựng thanh gươm báu có chạm trổ tước hiệu của nhà Vua.

Như Mai vội hỏi:

- Như vậy, chắc ta biết Đức Vua hiện ở đâu vì thanh gươm này đưa tới Ngài?

Lão Tôn gật đầu:

- Phải, ở lâu đài Tây hạ: tòa lâu đài lớn nhất của nhà Vua.

Cuộc lộ trình vất vả suốt ngày đêm và mãi chiều hôm sau, lão Tôn mới dừng ngựa chỉ tay phía mặt trời đang lặn:

- Kia là rừng Tây hạ!

Theo tay của lão Tôn, chị em Như Mai thấy xa xa, trên một triền núi cao, có tòa lâu đài đột khởi trên nền trời ửng tím. Dưới ánh tà dương, những mái cong, tháp nhọn của tòa lâu đài như vươn cao lên, nổi bật giữa núi rừng trùng điệp nom vừa trang nghiêm cổ kính lại vừa có vẻ huyền bí lạ lùng. Trong lúc chị em Như Mai mải ngắm tòa lâu đài, thì lão Tôn để ý tìm một chỗ nghỉ chân. Lão nói:

- Từ đây đến đó còn phải leo dốc một quãng đường dài. Người lẫn ngựa đều mệt cả. Đợi sáng mai chúng ta sẽ tiếp tục...

Như chợt lão vểnh tai nghe ngóng. Có tiếng vó ngựa rồn rập ở sau lưng, rồi một đoàn kỵ mã phóng tới, cát bụi bay ngợp trời.

Ngang qua lão Tôn, họ thốt vội vài lời vắn tắt rồi phóng thẳng lên phía lâu đài. Lão Tôn biến sắc mặt. Lăng Ngoạn vội hỏi:

- Họ nói gì thế lão Tôn?

Lão Tôn thở dài:

- Nguy rồi! Lời họ nói chẳng biết có thực hay không?!

- Như họ nói gì chứ?

Lão Tôn cúi mặt rầu rĩ:

- Họ nói: "Nhà Vua bị truất ngôi rồi!"

Đêm ấy, lão Tôn dừng xe nghỉ lại ở ven rừng. Cả đêm không ai ngủ được vì những biến chuyển đột ngột của tình thế. Dọc con đường từ trên lâu đài đi xuống, luôn luôn có những bóng người di động, trốn lủi, mang xách nhiều gói nặng, họp thành từng đoàn nối đuôi nhau như những bóng ma quái kỳ dị. Thêm vào đó, có nhiều tiếng gọi thất thanh, tiếng vó ngựa nện xuống mặt đường nghe vội vã cấp bách vang vọng trong đêm tối càng làm cho chị em Như Mai bàng hoàng lo sợ.

Tảng sáng hôm sau chỉ còn thưa thớt mấy người đàn bà chậm chạp đang gò mình với những bao nặng đi xuống. Lão Tôn đón hỏi, họ nói:

- Chúng tôi là những nữ tỳ trên lâu đài. Trên đó không còn ai cả. Tể tướng Kim Cang đã chiếm ngôi Vua và nay mai quân lính của ông sẽ tới chiếm lâu đài. Chúng tôi phải bỏ trốn.

- Các bà mang những bao gì nặng thế?

- Của cải trên lâu đài, mạnh ai người đó lấy...

- Còn Đức Vua?

- Quân lính của Tể tướng đang lùng kiếm Ngài trong rừng. Hình như Ngài bị chúng giết chết rồi.

Giữa lúc ấy một bọn lính canh lâu đài chệnh choạng bước tới. Họ say bí tỉ, trên tay ôm từng chồng bát đĩa bằng bạc và nhiều bó gấm vóc đắt tiền. Vừa thấy lão Tôn với chiếc xe ngựa, họ reo lên:

- Có chiếc xe ngựa! Thực là trời giúp chúng ta! Lão già kia, mau đánh xe cho chúng ta đi!...

Lão Tôn muốn phản kháng, nhưng bị một tên lính dí mũi giáo nhọn vào ngực, đành thúc thủ nghe theo. Lão đưa mắt nhìn chị em Mai như có ý hỏi. Như Mai cho biết ý kiến: Nàng sẽ đi thẳng lên lâu đài. Nghe biết ý định của Như Mai, bọn lính cười nghiêng ngả:

- Cô bé này điên rồi! Còn ai ở trên đó nữa đâu. Thôi kệ cô ta, dông xe đi lão già!

Chiếc xe của lão Tôn chở bọn lính vừa khuất sau lùm cây rậm, Lăng Ngoạn đã ngước đôi mắt lo âu lên nhìn chị:

- Làm sao bây giờ chị Như Mai?

Như Mai đứng lặng nghe bánh xe ngựa chở bọn lính nghiến trên đường mỗi lúc một xa, rồi với một giọng quả quyết mà chính nàng cũng không ngờ, Như Mai bảo em:

- Chúng ta cứ lên lâu đài!

Ba chị em lên tới lâu đài vào khoảng sẫm chiều. Chim chóc đã bắt đầu im tiếng trên các cành cây. Tòa lâu đài với những bức tường cao chót vót, như đang thiếp dần trong giấc ngủ triền miên.

Như Mai dẫn hai em qua cửa. Trong sân lâu đài, không còn một bóng người. Đồ đạc vứt bỏ ngổn ngang trông thật điêu tàn hoang phế. Một con cú bị kinh động bởi những bước chân của chị em Mai, kêu lên thê thảm làm hoảng sợ đàn dơi tung bay rối loạn. Mưa lất phất rơi.

- Chị Như Mai!
  
Như Mai cũng sợ như hai em. Nước mắt nàng dâng lên muốn trào trên gò má. Những lời dặn dò của cha già khi lâm nạn vẫn còn văng vẳng bên tai: " Con hãy can đảm... thay cha..." Cô bé 15 tuổi liền thu hết nghị lực, gạt nước mắt, mỉm cười bảo các em:

- Đừng sợ gì cả, các em ạ. Chị em chúng mình sẽ ngủ lại đây đêm nay.

Nói rồi, Như Mai tìm chỗ khuất, tìm cách đốt lửa cho các em ngồi sưởi. Ánh lửa giúp họ đỡ sợ... Chợt có tiếng động chân, và một giọng nói mệt mỏi cất lên:

- Các người làm gì ở đây?

Ba chị em giật mình ngước nhìn vào đêm tối.
 

Giọng nói tiếp:

- Đừng sợ, ta không làm hại các em đâu...

Và một bóng người trong tối tiến ra. Người lạ là một thanh niên, y phục tầm thường như một thợ săn, nhưng dáng dấp đường bệ, cử chỉ thanh nhã như một nhà quí phái. Thanh niên - vai đeo cung tên, ngang thắt lưng có giắt lưỡi dao nhọn - hỏi lại câu hỏi khi nãy:

- Các em làm gì ở đây?

Như Mai qua cơn hoảng hốt, đánh bạo nói:

- Chúng tôi đi tìm đức Vua.

Thanh niên chợt phác một cử chỉ trong bóng tối, và sau một lát im lặng, chàng buồn rầu nói:

- Không còn Vua nữa.

- Hình như nhà Vua bị giết chết rồi?

- Phải.

Thanh niên tiến lại gần đống lửa. Bên ánh lửa chập chờn, gương mặt thanh tú của chàng có vương một nỗi buồn sâu đậm. Chàng ném xuống đất vài con gà rừng, rút lưỡi dao bên thắt lưng ra, lẳng lặng ngồi nướng con thịt trên lửa, và mỉm cười nói:

- Bữa ăn tối của các em đây!

Một làn gió đêm thoảng đến, len lỏi rì rào trên ngọn cây.

Chàng tiếp:

- Ăn xong, các em vào trong nhà mà ngủ.

Mấy chị em Như Mai đều mỏi mệt muốn đi nằm. Bữa thịt nướng lạ miệng vừa xong, hai anh em Lăng Ngoạn nằm lăn trên ổ rơm mà Như Mai đã dọn tạm làm chỗ nằm, thiu thiu ngủ.

Thanh niên ngập ngừng lui bước. Trước khi bỏ đi, chàng dặn:

- Đêm hôm có sợ, các em cứ gọi. Tôi nằm nghỉ ngay gian kế bên.

Như Mai nói:

- Xin cám ơn tráng sĩ, nhưng xin cho biết người là ai?

Bóng chàng thanh niên đã lẫn vào đêm tối, im lặng khá lâu mới có tiếng trả lời:

- Tôi là Hùng Tâm, chuyên nghề săn bắn.

*

Mình minh trở lại, tràn ngập ánh dương vàng phá tan cảnh buồn thảm trên lâu đài Tây hạ. Chị em Như Mai ra sân lâu đài múc nước rửa mặt. Hùng Tâm, chàng thanh niên giúp họ kéo từng gáo nước mát lạnh dưới giếng sâu lên. Nét mặt trang nghiêm của chàng đã hết vẻ mệt mỏi của chiều hôm trước. Chàng nhìn Như Mai, hỏi:

- Như Mai, cô cần gặp nhà Vua có chuyện gì?

Như Mai kể mọi nguồn cơn: nào cha già bị bắt, vận nước suy vi, dân tình đói khổ... Hùng Tâm mở rộng đôi mắt, ngạc nhiên:

- Nhưng nhà Vua dù còn sống, cũng làm gì được!?... Việc cai trị trong nước đã có Tể tướng đảm nhiệm cả mà!

- Tráng sĩ cũng nghĩ vậy sao?

Hùng Tâm gật đầu:

- Tôi vẫn tưởng như vậy.

Như Mai thốt lên:

- Như vậy là nhầm! Chính nhà Vua phải cầm quyền cai trị. Nếu nhà Vua để mặc cho người khác lộng hành, làm khổ dân, tức là Vua có lỗi!

- Ồ, thật vậy sao Như Mai?... Tôi chỉ là một kẻ tầm thường, không hiểu gì ngoài việc săn bắn trong rừng sâu... Phiền cô cho biết rõ những điều đã xảy ra...

Như Mai liền kể thêm những cảnh khổ dân phải gánh chịu, đói rách... tù đày... một cách tỉ mỉ.

Hùng Tâm lắng nghe, nét mặt biến đổi từ cảm thương, sửng sốt, đến tức giận.

Khi Như Mai dứt lời, chàng thong thả đứng lên, đưa tầm mắt nhìn xuống phía núi đồi bát ngát trải rộng dưới chân mây và nghiến răng lẩm bẩm:

- Lão Tể tướng Kim Cang thực là một tên khốn nạn!

*

Ngày hôm ấy trôi qua êm đếm, vui vẻ. Đối với anh em Lăng Ngoạn thì không gì thích thú bằng được chạy nhảy thỏa thuê trong một tòa lâu đài rộng lớn không người cản trở.

Như Mai, dưới ánh nắng hồng ấm áp của buổi mai còn phảng phất hơi sương đã có dịp trò chuyện với Hùng Tâm. Nàng còn gặp chàng vào bữa ăn thô đạm buổi trưa, và buổi chiều cùng với các em quây quần bên đống lửa.

Trọn một ngày trôi qua giữa sự hồn nhiên của tuổi trẻ đã khiến họ gần như quên hết mọi lo âu và nguy biến có thể xảy ra. Nhưng sáng hôm sau khi trở dậy, Như Mai đã thấy Hùng Tâm đứng lặng trên mặt thành ngó xuống con đường phía dưới lâu đài. Chàng quay lại nói:

- Quân lính của Kim Cang đang kéo tới. Họ sắp chiếm lâu đài rồi!

Như Mai cuống cuồng lo sợ:

- Tráng sĩ tính làm sao bây giờ?

Hùng Tâm thản nhiên đáp:

- Đánh thức các em cô dậy! Tôi đã có cách phòng vệ.

Như Mai chạy vào gọi hai em. Trước hết, họ tìm cách đóng cửa lâu đài. Nhưng cánh cửa quá nặng không lay chuyển dưới sức đẩy của mấy cánh tay yếu ớt. Mồ hôi nhỏ giọt trên trán, Hùng Tâm nói:

- Thôi chúng mình chỉ phí sức vô ích. Mọi khi cánh cửa này phải năm người lính lực lưỡng mới đóng nổi.

Đoàn lính của Kim Cang đã vượt khỏi chân núi, đang hăm hở tiến lên.

Như Mai run rẩy:

- Nguy rồi, họ sẽ giết chúng ta!

Nhìn bọn trẻ tê dại đi vì lo sợ, Hùng Tâm im lặng suy nghĩ. Nét mặt của chàng hơi tái, nhưng rồi mỉm cười, chàng nói:

- Đừng sợ, chúng không làm gì được ta đâu. Cứ theo tôi!

Nói đoạn, Hùng Tâm đưa chị em Như Mai chạy vào lâu đài. Qua nhiều hành lang Hùng Tâm tiến vào một căn phòng tối, chàng rút lưỡi dao mò mẫm đưa lần mũi nhọn trên vách tường. Mũi dao bỗng thọc sâu vào kẽ đá. Như Mai chợt nghe có tiếng chuyển động răng rắc, rồi bức tường lộ ra một cửa hầm bí mật.

Hùng Tâm nói:

- Chúng ta thoát bằng lối này.

Như Mai lưỡng lự:

- Tại sao tráng sĩ biết lối đi này?

Hùng Tâm đáp:

- Hồi nhỏ, tôi vẫn chơi nghịch trong lâu đài này nên biết lối. Nhưng hãy mau chân lên, quân nghịch sắp tới nơi rồi!

Và không để cho Như Mai thắc mắc thêm, Hùng Tâm quay lại đóng kín cửa hầm.

- Lối này đưa chúng ta đi đâu, tráng sĩ?

- Đến miền tự do!

Cả bọn men theo con đường hầm tối om và dài hầu như vô tận.

Sau cùng họ chui ra bằng một cửa bí mật khác che giấu trong túp lều nhỏ ẩn kín trong rừng sâu.

Như Mai hỏi:

- Tráng sĩ vẫn ở đây ư?

- Cũng một đôi khi. Nhưng các em không thể ở đây được. Ta sẽ đưa các em ra khỏi khu rừng này và chỉ lối cho các em trở về chốn cũ.

- Trở về nhà em ư? - Lăng Ngoạn hỏi.

- Phải, và hãy bình tâm chờ đợi. Thế nào thân phụ của các em cũng sẽ trở về.

- Còn anh đi đâu, anh Hùng tâm?

- Anh còn một sứ mạng phải hoàn thành.

Như Mai ngậm ngùi:

- Liệu chúng tôi còn gặp lại tráng sĩ nữa không?

- Chúng ta sẽ gặp lại, cô Như Mai ạ. Và ngày đó, tôi mong sẽ dành cho cô một sự ngạc nhiên thích thú...

- Tráng sĩ thật là một con người bí mật!

Thanh niên không trả lời, im lặng nhìn về phía lâu đài Tây hạ. Rồi chàng nói:

- Thôi, chúng ta khởi hành.

*

Dân chúng tiếp tục sống dưới ách thống trị tàn bạo của Kim Cang. Lời ta thán thường xuyên của họ nói lên những nỗi đau khổ mà họ phải chịu.

Nhưng một hôm có tin đồn từ người này sang người khác loan truyền đi khắp hang cùng ngõ hẻm:

- Đức Vua chưa chết!

- Ngài đang chiêu mộ binh mã!

- Ngài sắp tiến quân về triều!

- Ngài sẽ bắt tội Kim Cang!

- Vạn tuế Đức Vua!

Lời đồn thổi đó mỗi lúc một vang lên mãnh liệt đến nỗi lọt cả vào trong cung điện, đến tai loạn thần Kim Cang.

Hắn đâm ra lo ngại, giận dữ khiển trách các bộ hạ:

- Lũ các ngươi toàn là đồ bỏ! Ta đã hạ lệnh cho các ngươi phải giết được nhà Vua, vậy mà các ngươi đã để cho y trốn thoát. Nay các ngươi lại chạy dài trước những dàn quân ô hợp...

Giữa lúc Kim Cang còn đang điên cuồng phẫn nộ thì lại có tin cấp báo:

- Nhà Vua đã kéo quân về tới ngoại thành.

Kim Cang xanh mặt, vội vàng hối thúc các tướng đem quân canh giữ.

Một võ tướng cao niên nhất bọn lắc đầu:

- Thưa ngài, những chiến công của tôi từ trước đến nay chứng tỏ rằng tôi không phải là một võ tướng bất tài. Hơn nữa, tôi biết rõ quân lính của tôi. Họ không muốn tuân lệnh nữa!

Kim Cang gầm lên:

- Các ngươi thật là hèn nhát! Quân lính còn tuân lệnh sao được khi chính các ngươi cũng muốn phản bội?

Có tiếng huyên náo ở bên ngoài và bỗng hai cánh cửa chính điện mở tung.

- Còn nhà ngươi, Kim Cang, nhà ngươi có phản bội không?

Người vừa nói câu đó là một thanh niên y phục giản dị gọn ghẽ theo kiểu miền núi, đứng chắn ngay giữa cửa. Đưa tay ngăn các chiến sĩ theo sau đứng lại, thanh niên tiến lên vài bước. Kim Cang hét:

- Bắt lấy hắn! Giết hắn đi!

Giọng hét của Kim Cang lạc vào trong sự im lặng hoàn toàn. Chàng thanh niên bình thản tiếp:

- Phải, trước hết ngươi đã... phản bội lòng tin cậy của ta! Trong bao năm, lợi dụng sự thơ ngây của thiếu quân, nhà ngươi đã lộng quyền và phản bội lại dân chúng.

Chính ngươi, Kim Cang, ngươi đã lừa dối ta rằng mọi sự đều tốt đẹp cả, và Hoàng đế không còn việc gì khác là ăn chơi săn bắn. Khi ta hỏi đến việc nước, ngươi toàn đưa ra những bằng chứng sai lạc man trá để lừa dối ta.

Các võ tướng đứng im như những pho tượng đá, lắng nghe lời nói dõng dạc của thanh niên.

- ... Và khi thấy ta đến tuổi trưởng thành, sợ rằng địa vị sẽ lung lay, ngươi đã vội tính chuyện thoán nghịch phản bội ta. Nhưng điều đó chưa quan trọng...

Thanh niên tiếp bằng một giọng thật đanh thép:

- ... Điều quan trọng hơn cả là ngươi đã phản bội toàn dân, những người dân lành chỉ mong có một vị anh quân thì lại gặp phải một tên bạo ngược.

Bên ngoài tiếng huyên náo mỗi lúc một rõ, cùng với tiếng lách cách của khí giới.

Thanh niên tiếp:

- ... Tể tướng thấy không, khi sức mạnh đi đôi với tàn ác thử hỏi có bao giờ bền vững? Bởi vì nhân hậu luôn thắng bạo tàn. Thế mà ngươi đã quên mất điều ấy thì nay ngươi phải hứng chịu lấy mọi hậu quả.

Đoạn quay sang hai bên tả hữu, thanh niên lớn tiếng:

- Các tướng, ta truyền lệnh cho các ngươi bắt tên bạo ngược này!

Không chút lưỡng lự, các võ tướng liền vây quanh lấy Kim Cang... Và trong lúc tên loạn thần bị giải đi thì tất cả mọi người đều đồng thanh hô lớn:

- Đức Vua vạn tuế!

*

Như Mai mải mê suy nghĩ ở trong phòng. Tin tức rồn rập mà hai em trai vừa cho nàng biết làm nàng vui mừng khôn xiết. Tin cho biết nhà Vua đã về triều. Kim Cang tể tướng đã bị hạ ngục. Như vậy, sứ quân Lăng Nghiêm, cha nàng cũng sắp được trở về.

Lăng Ngoạn chợt từ ngoài nhảy vào:

- Chị Như Mai ơi, em vừa được tin chiều nay cha về!

Như Mai thầm nghĩ sẽ đưa hai em đi nghênh đón cha thì Lăng Dũng đã lại chạy vào:

- Chị Như Mai, anh Lăng Ngoạn... Ra mà xem này! Ngoài kia, có một đạo quân đẹp lắm!

Như Mai cùng các em tới bên cửa sổ nhìn ra. Một đoàn kỵ mã mang phù hiệu của nhà Vua đang tiến đến. Đi đầu đoàn quân có hai người. Nhìn rõ cả hai người ấy, cả ba chị em đều reo:

- Cha!

- Hùng Tâm tráng sĩ!

*

Sứ quân Lăng Nghiêm xuống ngựa chạy lại ôm lấy các con... Cha con mừng tủi... trong lúc Hùng Tâm đứng riêng một chỗ mỉm cười cảm động.
 

Cơn cảm xúc vừa qua, sứ quân Lăng Nghiêm như chợt nhớ ra vội quay lại Hùng tâm và kính cẩn nói:

- Tâu Hoàng thượng...

Nhưng Hùng tâm đã tươi cười tiến đến bên chị em Như Mai nói:

- Ta có hứa ở lâu đài Tây hạ là sẽ gặp lại nhau các em nhỉ? Các em còn nhớ Hùng Tâm này chứ?

Sứ quân Lăng Nghiêm vội đỡ lời ; giới thiệu với các con:

- Hùng Tâm là tên húy của Đức Vua... Ngài đã hồi triều và thân hành đưa cha về để gặp các con...

Nghe cha nói, Như Mai liền cúi mình cung kính:

- Xin kính chào bệ hạ!

Trong lúc hai anh em Lăng Ngoạn, Lăng Dũng vẫn hồn nhiên sung sướng nắm vạt áo của Vua reo:

- Anh Hùng tâm! Anh Hùng Tâm!

*
 
Câu chuyện đáng lý còn dài hơn nữa. Nhưng người kể chuyện muốn ngừng lại ở đây vì nghĩ rằng như thế cũng đủ, để tùy người đọc tha hồ tưởng tượng đoạn tiếp.

XUÂN VŨ       

(Trích từ tập truyện ngắn Con Búp Bê Đẹp Nhất)

Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2023

Hãy Vươn Lên

 
 
Các bạn đã từng sống trong căn nhà nhỏ bé. Các bạn đã từng yêu đời, đã từng trổ hết tài nghệ ra cho mọi người xem. Các bạn đã từng sùng đạo, đã từng đi chùa lạy Phật, xin xăm, đã từng đi nhà thờ lạy Chúa. Các bạn đã viết thư cho bạn bè, người thân. Bạn đã làm văn thơ gởi báo chí. Bạn đã tìm những môn học ích lợi như thể dục, võ thuật, sinh ngữ, đàn.

Nhưng, có lúc bạn chợt chán nản và bỏ tất cả. Vì bạn đã sai lầm một bước đường khá lớn. Đó là những công việc hàng ngày nhỏ nhặt từ tính tình bạn mà suy ra những sự chán nản lớn.

Rồi một ngày kia bạn không trọng người lớn tuổi. Bạn buồn vì một mối tình cảm nhỏ nhen. Bạn trổ hết tài năng trước mặt mọi người nhưng chẳng ai để ý. Bạn lo sợ khi nói ra một cảm nghĩ. Bạn lầm lì, ít nói. Tự nhiên bạn giận mình một cách vô cớ, tự gây nên sầu tủi. Rồi giải sầu bằng những phương tiện hư người. Bạn lao mình vào những cuộc vui chơi bậy bạ để quên hết nỗi buồn. Lúc đó bạn có tật tự cao, rất dễ buồn dễ giận. Người khác ghét các bạn, các bạn lại lo rình để ý người khác. Bạn muốn tìm một người an ủi, rồi lại đi chơi đó đây, xi nê, cà phê, kiếm hiệp. Các bạn đã hư rồi đây!

Các bạn hãy kính trọng người lớn, dù lớn hơn mình một tuổi cũng vậy. Họ sẽ hết lòng chỉ bảo cho bạn, khiến bạn yêu đời hơn lên. Bạn buồn vì người chung quanh? Không, bạn hãy tự nhiên yêu đời. Có như thế mới gây lại mối cảm hòa giữa người và người. Muốn nói gì bạn cứ tự nhiên nói ra đừng sợ sệt gì hết, miễn là đừng hỗn láo, xâm phạm đời tư kẻ khác. Nói trong sự tự nhiên. Đừng nói trong lúc lòng quá khích. Lúc buồn hoặc giận quá, hãy tìm nơi vắng vẻ đọc sách vì lúc đó sẽ nói phạm kẻ khác. Đừng bao giờ lầm lì, nói ra mà sợ kẻ khác. Tư tưởng đông tây có câu:

"Im lặng là chấp nhận một nửa rồi."

Bạn đừng im lặng, hãy nói vì:

" Thà chịu mòn chớ không để han rỉ" Diderot.

và: "Kẻ nào không biết suy luận là ngu, kẻ nào không muốn suy luận là nô lệ" H. Drummomd.

hoặc: "Nói điều sai tệ hơn là im lặng". J. Ruskin.

Và bạn hãy tự kềm chế lời nói theo câu sau:

"Người khôn nghĩ trước khi nói, kẻ ngu mới nói rồi mới nghĩ đến điều vừa nói." French - Proverb.

Bạn tự hối hận là đúng. Nhưng tự giận mình đôi khi quá đáng. Vì như thế, lúc nào mình cũng mặc cảm mình thấp kém nên không phát biểu ý kiến, cử chỉ rụt rè. Đó là một cớ khiến bạn tự giận mình. Và bạn đừng bao giờ đi chơi bậy bạ như xi nê, cà phê, hút thuốc mà nên coi những sách như là sách của Nguyễn Hiến Lê... các loại sách học làm người, sách thể dục, sách nói về đạo đức và luân lý, nó sẽ đưa bạn về nẻo sống mới. Bạn muốn có một người bạn lý tưởng để chia vui xẻ buồn cũng được. Nhưng tốt hơn hết là bạn hãy tự tạo niềm vui, hãy đứng dậy, ngẩng cao đầu lên cũng như bác nông phu và vua Ô-Ma trong truyện "Chiếc áo của người sung sướng" do bác Nguyễn Hùng Trương kể trong T.N. số 86.

- "Hạnh phúc là ở nơi mình" Boèce.
 
- "Hạnh phúc là ở nơi gia đình anh, đừng đi tìm nó trong khu vườn của những người xa lạ." D.W. Jerrold.

Bạn luôn luôn tự tìm việc làm, tìm sách có ích mà coi. Đừng coi nhảm nhí như kiếp hiệp, gián điệp, ma quái v.v... Nếu rảnh rỗi, bạn hãy làm sống dậy hồn thơ văn của bạn. Hãy vươn lên, và vươn lên mãi mãi...


HOÀI-NHẬT-VŨ       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 91, ra ngày 27-5-1973)
 


Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2023

Trang Nhật Ký

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Gió, sao gió vẫn thổi
Về qua cánh rèm thưa
Gió lại đùa phất phơ
Lật vài trang nhật ký

Đây giọt nước mắt lem
Trang giấy nhòa phai tên
Thời gian làm hoen ố
Nước mắt sầu sao quên

Cánh hoa giòn dễ vỡ
Xưa tim tím mỏng manh
Ép trong trang giấy xanh
Bao mộng tình lỡ dở

Ngoài khơi gió rì rào
Sóng bạc đầu lao xao
Thùy dương buồn rũ tóc
Trong ráng chiều hư hao

Con ốc buồn lặng câm
Chặn trang giấy âm thầm
Rót vào hồn thinh lặng
Vẫn vỗ về ăn năn

Ngắt thêm cành hoa tím
Ép vào cõi mông mênh
Mai sau còn ai nhớ
Nhật ký nào ghi tên...

Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>