Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Những Món Quà


Mấy tháng nghỉ hè thế là sắp dứt hẳn rồi đó! Ngày giờ thật nhanh chóng lạ thường. Mới hôm nào bãi trường, bây giờ đã gần đến ngày nhập học. Mới hôm nào mình "lót tót" về đây, bây giờ lại sửa soạn trở ra tỉnh.

Cứ nghĩ như vậy, lòng Ngọc lại rộn lên những tiếc tiếc, mừng mừng, lo lo. Ngày mai phải rời làng quê, những buổi đi câu, những lần bơi thuyền, và bao cuộc vui khác nữa đâu còn được, cậu luyến tiếc là phải. Tuy nhiên, khi tưởng tượng ra cảnh vào trường họp mặt cùng thầy cũ bạn cũ, cậu cũng thấy vui vui. Nhất là được gặp lại Hùng, bạn học thân nhứt của cậu. Cậu đang có cả khối chuyện dành nói với nó. Hẳn nó cũng thế. Và rồi như mọi năm, hai đứa lại sẽ tranh đua nhau học, giành chiếm những hạng cao trong lớp. Đội banh lớp cậu sẽ hoạt động lại, cũng với cặp "bài trùng" Hùng Ngọc sẽ làm các đội khác trong trường nể mặt, chịu nhường chức vô địch như năm rồi cho coi.

Nhưng, xen giữa niềm vui, Ngọc cũng thấy lo lắng băn khoăn chút ít : Chà, năm nay mình lên lớp nhứt rồi, lớp thi, chẳng biết bài vở có khó không nữa? Không rõ ông thầy nào sẽ dạy lớp mình đây? Vái gặp ông Sách, ông Ngộ hay ông Khiết thì đỡ. Ba ông nầy có tiếng là khó, song dạy hay. Năm nào học trò của mấy ổng cũng thi đậu vào trường trung học nhiều. À, phải chi thầy Nghiệp, thầy cũ của lớp mình lên dạy cũng được. Mình khoái ổng nhứt. Nhưng chắc ổng phải dạy lớp nhì luôn đa...

Sắp soạn đồ đạc xong để sáng mai đi sớm, Ngọc bắt đầu đi từ giã các bạn quê. Thằng Bi ở phía trên, thằng Bền ở ngoài mé sông, thằng Mạnh ở phía dưới, cậu chỉ cần đánh một vòng là qua đủ nhà tụi nó.

Ngọc thích  ba đứa bạn nầy lắm. Chính chúng đã giúp cậu tìm thấy nhiều thú vui trong những ngày hè. Thằng Bi, con bác Tư làm vườn, đã từng cùng cậu đi câu cá, bắn chim, tìm tổ ong ruồi, chặt dừa nước, ăn với nhau. Thằng Bền, con chú Hai "đóng đáy", thường rủ cậu bơi thuyền hái bần, bơi lội đuổi bắt rất vui. Thằng Minh, con dượng tám làm ruộng, đã giúp cậu biết rất nhiều về công việc nhà nông, như cày, bừa, trục, cấy, gặt... ra sao, lúc nào chẳng hạn. Từ trước, Ngọc vẫn sợ con trâu. Trông thân hình đồ sộ, cái đầu to với đôi mắt lầm lầm, Cái mũi thở phì phì, cặp sừng nhọn hoắt cứ đưa qua đưa lại, cùng dáng đi nghinh ngang của con vật, cậu khiếp quá. Nhưng sau nhờ Mạnh giải thích cậu mới rõ trâu hiền và khôn còn hơn chó. Con trâu nào cũng có tên riêng : Con Cò, con Pháo, con Đầm... Gọi tên nó biết chạy lại gần, nhất là lúc cho ăn. Khi kéo cày, bừa hay trục, nó biết nghe hiệu lệnh của người điều khiển, và tuân theo răm rắp. Hễ hô "ví" nó quẹo sang bên trái, hô "thá" nó quay về bên phải. Trâu chỉ dữ vào mùa nắng. Bấy giờ ai tinh nghịch kêu "du... du..." lên, lập tức chúng xáp lại chém lộn nhau liền.

Có bận Mạnh rủ Ngọc sang nhà cô nó, thuộc miệt giồng. Ở đây đất cao và toàn cát, rất sạch nhưng hiếm nước. Giếng đào thật sâu mới có ít nước xài. Người ta trồng nhiều bắp, dưa cải, đậu phọng, mãng cầu ta, nhãn bông lài. Đặc biệt trong các giồng dưa thường có lắm rùa, qui. Có con to bằng bàn tay xòe, cũng có con nhỏ bằng trái cam. Thứ bọ rầy mà trẻ nhỏ châu thành mua năm cắc, đồng bạc một con thổi bay xè xè, gặp mùa, vùng nầy không thiếu. Mạnh đã dẫn Ngọc đi giũ các tàu lá chuối khô để bắt. Ban ngày chúng bám trong ấy ngủ, bị giũ rơi lộp bộp như sung rụng. Mỗi tàu có ít nhất là hai ba con.

Thành ra nhờ ba đứa bạn quê, Ngọc đã được hưởng một kỳ hè khá đầy đủ. Chúng đã sẵn sàng dẫn dắt cậu trong các cuộc vui, vì mến cậu nhiều. Ngọc là cháu nội bà Hội đồng Ba, lại là dân ở thành, chúng xem hơn chúng một bực, nhưng cậu không tỏ vẻ gì phân cách nên được chúng quí mến : chúng nhảy mương, cậu cũng phóng đại. Chúng trèo, cậu cũng thót lên cây. Chúng lội sình cậu cũng không ngại giẫm bước. Bởi vậy bốn đứa thường họp chơi với nhau vui vẻ "hết mình".

Giờ đây, tiện đường Ngọc đến từ giã thằng Bi trước. Gặp nó đang ngồi lúi húi, đập, bổ một gốc dừa tơ, Ngọc lại gần lên tiếng:

- Ê, làm cái gì vậy? Phá hoại hả?

Nó quay lại cười:

- Tao bắt đuôn. Mầy coi nè, cây dừa công trình trồng mấy năm trời, nó đục trong thân ăn muốn chết thấy hôn? Ghét lắm, cứ trồng mười cây là nó ăn hết năm rồi hà!

- Vậy làm sao trừ?

- Thì bổ ra bắt chứ sao. Nhưng cũng không hết, mình tức làm bậy vậy mà...

Ngọc cầm một mảnh dừa Bi đẽo ra ngắm nghía. Một con đuôn to bằng ngón tay, trắng ngà ngà, thun ra thun vào trong một lỗ nhỏ chẳng khác một con sâu to, trông ghê quá. Cậu đặt mảnh dừa xuống:

- Giống đuôn chà là hén. Ăn được hôn Bi?

- Được, ngon lắm. Mầy có ăn đuôn lần nào không?

- Không. Ăn cái gì chứ đuôn thì tao hổng dám rớ... À, tao lại cho mầy hay, mai tao về tỉnh rồi. Mầy ở lại mạnh giỏi nha.

- Ủa, vậy sao? Tới ngày nhập học rồi à?

- Ừ.

- Tao nghe nói quận mình năm nay có lập trường trung học rồi. Thôi mầy xin học ở đây luôn đi Ngọc.

Ngọc mỉm cười lắc đầu:

- Không được đâu, lâu lâu tao về nội chơi vậy thôi. Chứ ba má tao ở tỉnh, tao ở đây sao tiện?

- Ờ há!

- Thôi tao lại cho mầy hay rồi còn qua thằng Bền, thằng Mạnh nữa.

Bi đứng lên:

- Khoan, vào đây cho tao gởi cái nầy.

Nói đoạn nó kéo Ngọc ra sau vườn nhà, hái cho cậu nào mận, nào ổi... đựng một bọc, làm quà đưa tiễn.

Rời nhà Bi, Ngọc sang nhà Bền. Vừa tới cổng, cậu nghe có tiếng reo quen thuộc:

- A, Ngọc, vô mau coi, tới hồi "cụp lạc" rồi nè!

Nhìn vào, Ngọc thấy thằng Bền và cả thằng Mạnh ngồi kề bên nhau trên bộ ván, cười toe toét. Cậu vừa bước vào vừa hỏi:

- Cái gì đó?

- Đá cá lia thia. Cá tao đá với cá thằng Mạnh.

Vào tới trong nhà, Ngọc chăm chú nhìn chiếc ve keo đặt giữa bàn, trong đựng hai con cá lia thia ta đang "đá" nhau kịch liệt. Con nào cũng mun đen, vẩy lấp lánh xanh, mang phùng, kỳ đuôi xòe rộng, quạt lia lịa. Chúng lội qua, lội lại rình cắn nhau làm rung động cả mặt nước.


Mạnh nói:

- Đá nãy giờ lâu ghê mà chưa phân thắng bại. Coi kìa Ngọc, con cá "kỳ điển" của tao đó, "ngon" hôn?

Bền xen vào:

- Con cá "mang xanh" của tao cũng đâu có kém. Hôm trước có thằng nọ trả tao năm đồng mà tao không bán.

Chợt nhìn thấy bọc trái cây của Ngọc, Mạnh hỏi:

- Mầy xách cái gì đó Ngọc?

Cậu đáp:

- Mận ổi của thằng Bi cho đem về tỉnh.

- Ủa, chừng nào mầy về?

- Mai. Tao lại cho tụi bây hay đây.

Mạnh dàu dàu:

- Mầy đi rồi chắc buồn lắm. Mấy ngày hè sao tao coi mau quá mạng.

Lặng thinh nhìn cặp cá một lúc, Bền bỗng nói:

- Tao có ý nầy Mạnh. Mình hãy đem cặp cá lia thia nầy tặng Ngọc.

Mạnh vỗ tay:

- Hay đó! Nhận hôn Ngọc?

Ngọc ngần ngừ:

- Tụi bây có lòng tốt tao cám ơn lắm. Nhưng cho tao rồi tụi bây lấy gì chơi?

- Ối, lo gì, tụi tao sẽ đi hớt con khác. Miễn mầy nhận là tụi tao mừng rồi hà. Phải chi mầy cho tụi tao hay sớm để tụi tao kiếm vài món quà đặc biệt hơn nữa tặng làm kỷ niệm.

Bền nói:

- Thôi vớt cá ra đi. Để chúng đá một hồi có ăn thua đem cho coi sao được.

Vậy là Ngọc lại được thêm một món quà nữa. Trước tình luyến mến chân thật của các bạn quê, cậu rất cảm động.

Trò chuyện, dặn dò một lúc lâu, Ngọc chia tay Bền, Mạnh ra về. Tới nhà nghĩ đến chuyện tặng quà bạn, Ngọc sực nhớ đến Hùng:

- À, tại sao mình không tìm một món quà tặng cho nó, nhân ngày nhập học?

Định thế, song cậu phân vân chẳng biết chọn vật chi bây giờ. Một trái xoài? Một quả ổi?... Không, những thứ đó dễ kiếm quá, và cũng không phải của chính mình vì muốn có, Ngọc chỉ biết xin hay mua lại của người khác, không như Bi. Phải tìm vật gì tiêu biểu cho miền quê mình sống trong mấy tháng hè, và do chính mình tạo ra hoặc tìm ra mới hay chứ!

Nặn óc nghĩ hằng giờ, Ngọc vụt nảy ra một ý. Lập tức cậu "nhảy chân sáo" ra ruộng, miệng huýt gió, vẻ mặt hớn hở ra chiều đắc ý lắm.


Sáng nay Ngọc dậy thật sớm, dùng điểm tâm xong, sửa soạn đi học. Ngày khai trường, bắt đầu một niên học mới, theo đó cái gì cũng mới cả : Tóc cậu mới hớt hôm qua, chải gỡ gọn gàng. Mình cậu mặc một bộ đồ mới còn thơm mùi vải. Tay cậu xách chiếc cặp da mới còn nực mùi da, mùi xi ra. Cậu hãnh diện nhất với nó. Không phải vì nó đẹp, mà vì đó chính là phần thưởng cậu lãnh được vào cuối niên khóa rồi. Trong cặp có chứa những quyển vở còn trắng tinh những cây viết cây thước chưa bẩn mực, cục gôm chưa mòn tí nào. Bề ngoài của cậu, vật dụng của cậu đều mới, chính thật bên trong tâm hồn của cậu cũng hiện diện một sự mới mẻ. Đó là, một niềm vui mới, một băn khoăn mới.

Sửa soạn xong, Ngọc thưa ba má đi. Hai ông bà mỗi người dặn con một câu rồi nhìn nó bước, lòng lâng lâng sung sướng. Bỗng nhiên, những hình ảnh đẹp đẽ tương tự trong  tuổi hoa niên vụt hiện về, hai người lớn cùng cảm thấy nuối tiếc vu vơ.

Ra đến cổng, sực nhớ còn quên mang theo một vật, Ngọc vội quay vào. Vật đó được bọc giấy kỹ lưỡng đặt trên bàn học. Cậu lại lấy đi, trách thầm cho "cái" quên của mình, thiếu chút nữa thì làm lỡ đi một dự định.

Ra ngoài đường, Ngọc thấy không riêng gì mình, các học sinh khác cũng quần áo mới, cặp sách mới đang lũ lượt kéo nhau đến trường. Đường phố sau mấy tháng vắng bóng học trò, buồn buồn vì mất đi một nét tươi trẻ, sáng nay bỗng bừng vui hẳn lên. Trong nắng ấm, bóng dáng mấy cô, mấy cậu học trò tung tăng bước đi trông sáng đẹp lạ! Tiếng chúng chuyện trò, réo gọi nhau nghe vui tai lạ! Những người không có con nhỏ, và cả những người vô tâm nhứt cũng phải nhận ra một sự thay đổi ngồ ngộ. Chú xích lô hỏi chị hàng rong:

- Hình như hôm nay là ngày nhập học thì phải?

- Vậy chứ còn gì nữa?

- Hà, học trò đi học mấy chị bán đắt đấy!

Đến trường, Ngọc lẫn trong cái nhộn nhàng quen thuộc. Khắp sân, học trò chạy nhảy, đi tới đi lui thật rối mắt. Tiếng cười cười nói nói thật inh tai. Gần đến lớp cũ, Ngọc bỗng giật mình vì một bàn tay vỗ mạnh lên vai:

- Ngọc!

Cậu quay lại:

- A, Hùng!

Hai bạn thân gặp nhau, mừng vô hạn.

Hùng hỏi:

- Chà, trông mầy lớn và đen. Nghỉ hè đi đổi gió ở đâu?

- Ở miệt quê. Còn mầy, tìm vui chốn nào? Mầy cũng cao hơn và nám ra chứ thua ai?

- Tao nghỉ hè ở miền biển... À, tao có đem món nầy tặng mầy, còn để trong cặp.

Ngọc vui vẻ đưa gói giấy vẫn cầm cẩn thận trong tay ra:

- Tao cũng đem cái nầy tặng mầy nè.

- Cái gì thế?

- Bí mật, giờ về sẽ biết.

- Ờ, nếu vậy tao cũng giữ bí mật món quà của tao luôn, để giờ về mình trao nhau vậy.

Vừa đến cửa lớp hai đứa nghe các bạn reo mừng vang:

- Ê, thằng Hùng, thằng Ngọc vô! Mạnh giỏi hả hai bồ!

Đôi bạn vốn học giỏi lại hiền nên rất được anh em mến chuộng. Chúng vây quanh han hỏi, cả hai trả lời không kịp thôi.

Chuông rung đến giờ vào lớp, tất cả cùng ngồi vào bàn, chờ thấy mới đến đọc danh sách học sinh lên lớp và ở lại, dẫn sang lớp khác. Bàn ghế bỏ trống đã lâu, bụi bặm đóng cả lớp đứa nào đứa nấy vừa bịt mũi, vừa phủi quét, la ó om sòm. Xong, tạm yên một lúc, tất cả hồi hộp ngồi chờ. Nhất là mấy cậu học dở cứ phập phồng sợ bị "ở lại" thôi.

Ngọc và Hùng ngồi kế nhau. Ngọc hỏi:

- Sao thầy cũ mình chưa thấy tới?

Hùng đáp phóng chừng:

- Có lẽ ổng còn ở trên văn phòng một lát thế nào cũng lại với tụi mình chứ!

Nhưng mãi đến lúc có thầy mới đến gọi học sinh lên lớp dĩ nhiên trong số đó có Hùng và Ngọc hai đứa vẫn không thấy thầy dạy năm rồi đâu. Ngọc đánh bạo hỏi ông thầy mới:

- Thưa thầy, ông thầy Nghiệp, thầy cũ của tụi con đâu rồi ạ?

Ông đáp:

- Các em không hay gì sao? Thầy nhập ngũ rồi!

- Ồ!...

Thầy đi lính rồi sao? Dẫu biết thầy mình ra đi vì nhiệm vụ người trai thời chiến, song những học trò mến thầy cũng thấy buồn buồn trong dạ, vì từ nay vắng hẳn bóng dáng kính yêu của thầy trong sân trường rồi. Ngồi xuống băng, Ngọc lặng thinh hình dung gương mặt của thầy. Tiếng nói trầm ấm của thầy như còn văng vẳng bên tai cậu.

Hôm nay là ngày đầu tiên nên không có học gì. Thầy mới chỉ dặn sơ học trò mới về thời khóa biểu, số tập dùng, rồi để mặc chúng tự do "tâm sự" với nhau. Lớp học lại ồn lên như lúc mới vào.

Cũng như các đôi bạn khác, Ngọc và Hùng hỏi thăm và kể cho nhau nghe những thú vui trong lúc nghỉ hè, thỉnh thoảng cùng phá lên cười, vui thích. Nhắc đến quà tặng, đứa nào cũng mong chóng đến giờ về để biết rõ bạn mình tặng mình vật chi. Ai bảo hai đứa "giữ bí mật" làm chi rồi nôn nóng? Nhưng, trong sự nôn nóng ấy, có cái gì thích thích.

Rồi giờ tan học cũng tới. Trên đường về, Hùng, Ngọc song bước bên nhau. Cả hai lặng thinh, thử đoán món quà mình sẽ nhận : Một trái cây? Một món đồ chơi?... Khó tưởng quá!

Đến ngã rẽ, hai đứa dừng lại. Hùng mở cặp lấy ra một gói giấy trao cho Ngọc. Ngọc cũng đưa gói giấy nằng nặng của cậu cho Hùng. Hai đứa đâu lưng, bóc giấy ra xem.

- Ồ!

- A!

Hai tiếng reo cùng phát một lượt. Hai  đứa cùng quay mặt lại. Trên tay Ngọc: một vỏ ốc to lởm chởm gai, rất đẹp. Trên tay Hùng : một pho tượng nhỏ bằng đất, nắn hình "mục đồng ngồi trâu thổi sáo", rất khéo. Ngắm nghía một lúc, Hùng vui vẻ hỏi:

- Của mầy nắn đây hả? Xinh quá!

Ngọc gật đầu:

- Tao nắn đó đa. Còn vỏ ốc nầy ở đâu mà lạ quá vậy?

- Tao lượm được trên bãi biển đấy. Biết mầy thích vật lạ nên tao để dành cho mầy.

Đôi bạn xiết chặt tay nhau. Chưa bao giờ tình bằng hữu đẹp như lúc nầy!


DẠ NHẤT PHƯƠNG  


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 51, ra ngày 15-8-1966)

Nguồn : nhasachducme.com


Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Thương Về Quê Ngoại














Lâu lắm... không về thăm quê ngoại
Nghe lòng chạnh nhớ một niềm thương
Xa lắm nhưng bây giờ vẫn nhớ
Hồi tưởng quê trong trí một lần

Ôi những ngày thơ miền quê ngoại
Xa rồi còn nhớ mãi hương xưa
Thuở vừa lên bảy chơi đùa mãi
Quên hết dăm ba chữ i... tờ

Nhà ngoại trước có giàn hoa bí
Hoa tươi ngoại nấu với cua đồng
Thành canh ngọt lịm con húp chán
Rồi chạy ra chơi giữa đồng không

Em nhớ hồi đó... em nghịch lắm!
Trốn học một hôm ngoại khóc buồn
Em bèn xin lỗi "con xin hứa,
Học hành chăm chỉ để ngoại thương"

Ao nhà chắc bèo xanh vẫn nở
Kỷ niệm ngày xưa ấm lòng em 
Em vớt cho vịt ăn, vịt lớn
Rồi em xa ngoại, với xa nguồn

Ngoại ở quê nhà, em lên tỉnh
Nước mắt rưng rưng khóc xa em
Ngoại tiễn em ra bờ đò máy
Rồi trở về không khóc buồn buồn...

Tuy mấy năm rồi em vẫn nhớ
Ao nhà bèo ấy vẫn còn xanh
Tóc ngoại giờ chắc thay màu trắng
Hồn em nhuốm cát bụi thị thành

Lâu lắm không về thăm quê cũ
Thăm ngoại ngày xưa với mái nghèo
Thăm lối về làng hoa tím nở
Kỷ niệm xưa rồi em vẫn theo.

                                              THƠ THƠ
                                             (Hoa Nắng)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 52, ra ngày 20-8-1972)

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Tôi và Blao Nhiên


Buổi trưa tôi nằm coi sách trên bộ ván trước hiên nhà. Không gian chìm vào yên lặng. Gió xạc xào thổi từ những cánh đồng xa mát rợi, làm rơi lác đác vài cánh hoa vàng của hàng muồng trước sân. Đàn chim bồ câu thảnh thơi bay lượn trên trời xanh, đáp xuống hè đường nhặt thóc. Trên nụ ổi trắng muốt ngoài vườn có đàn ong vo ve hút mật. Tiếng ve sầu rền rền ở xa, làm tôi nhớ đến bây giờ là vào hạ. Tôi khoái mùa hạ! Mùa hạ được bố mẹ thả lỏng ngoài đồng. Mùa hạ rực rỡ nao nức như con diều no gió. Mùa hạ thật tuyệt vời!

Tôi thích trưa hạ nằm coi sách bên hiên nhà. Hôm nay, hình ảnh lớp học theo cơn gió lại đến với tôi. Tôi ôn lại những khuôn mặt quen thuộc của bạn bè. Hình ảnh từng đứa bạn lần lượt hiện ra trong ký ức tôi như một đoạn phim quay chậm. Hiện rõ như lúc còn rong chơi trên sân trường. Tôi chợt dừng lại trước khuôn mặt có nước da ngăm đen. Blao Nhiên! Thằng này thuộc dân tộc thiểu số, người Thượng xuống núi học cùng lớp tôi. Nó tên Blao Nhiên, nhưng bọn tôi gọi gọn là Nhiên. Đứa nào muốn chọc nó, gọi Trà Blao, nó cũng quay lại như thường. Bản tính Blao Nhiên dễ dãi và mộc mạc như rừng như núi. Nói gì nó cũng toét miệng ta cười thật ngô nghê. Trong lớp, Blao Nhiên ngồi sau tôi một bàn, nhưng hai đứa rất thân nhau. Blao Nhiên trọ học ở nhà người quen, nó nói với tôi là nhà nó xa lắm, tuốt ở trong núi. Tôi bảo nó hôm nào mày dẫn tao đến chơi. Blao Nhiên hẹn đến cuối năm. Về học vấn, Blao Nhiên thua tôi xa, nhưng khá chăm. Có lần tôi hỏi nó học để làm gì? Blao Nhiên nói rằng nó cố gắng học để lớn lên làm ông chúa làng. Tôi hy vọng vậy! Blao Nhiên sẽ đem ánh sáng văn minh về cho núi rừng. Học vấn Blao Nhiên thua tôi xa, nhưng về sức mạnh thì ăn đứt cả lớp. Blao Nhiên được bầu làm trưởng ban thể thao. Nó khoái lắm! Trong các trận đá banh nó tung hoành nhanh nhẹn như một con cọp nhỏ nên bao giờ cũng đem chiến thắng về cho lớp tôi cả. Xem ra Blao Nhiên yêu quê hương Việt Nam rất tha thiết.

Thằng Blao Nhiên thân với tôi. Nó còn "khoái" tôi qua tài đâm trích nữa. Con trích to bằng con gà rừng, thường đậu trên các cành tre. Đâm xuống, nướng lên, bỏ vào mồm thì tuyệt cú mèo. Những buổi trưa rảnh rỗi, Blao Nhiên thường rủ tôi đi đâm trích. Mỗi lần như vậy, tôi lại phải chạy sang nhà bác Hương mượn cây độc. Cây độc làm bằng trúc dài y như cái cần câu vậy, chỉ khác ở đầu lại là một cây sắt nhọn, có ngạnh. Cây độc trét đầy dầu rái cho trơn tuột để phóng. Thường thường tôi và thằng Blao Nhiên ra cái bầu nước sau đình làng mà đâm. Đứng từ cái bầu nước có thể nhìn thấy mái đình cong cong phủ rêu xanh ẩm ướt. Trên nóc có hai con rồng châu đầu vào trái châu xanh. Nhưng trái châu đã bị chiến tranh xin mất. Còn cái bầu thì vào mùa sen mọc, tụi tôi đi hái trộm khoái chết được. Chung quanh bầu có mấy bụi tre to bao bọc. Vì vậy mấy chú trích thường đậu trên cành, nghếch cổ về phía ngọn gió mà mơ màng. Người ta gọi là "Say Nam" tức là say gió Nam. Tôi và thằng Blao Nhiên cứ đi lom khom dưới mấy bụi tre mà tìm. Gặp được một chú là tôi len cây độc theo mấy cành tre, nhắm kỹ và phóng vút đi. Cam đoan không trật chú nào. Khi bị đâm trúng, chú trích nhà ta la quang quác dẫy dụa rồi nằm im. Có khi bị đâm rồi, cây độc lẫn chú trích vướng trên ngọn tre hay rơi tòm ra giữa bầu. Công việc đó đã có thằng Blao Nhiên. Nó bơi ra đem vào hoặc leo lên đem xuống. Blao Nhiên chỉ là kẻ học nghề. Một đôi lần tôi đưa Blao Nhiên phóng thử, thì y như lần đó chú trích thoát nạn. Còn Blao Nhiên thì nhăn răng ra cười với tôi. Mỗi lần như vậy tôi lại đau bụng cười muốn chết. Cái khuôn mặt với nụ cười có hàm răng trắng hếu, không thua gì ông Hynos trên hộp kem đánh răng.

Đó là cái thú về mùa hạ, còn về mùa mưa thì lại là một chuyện khác. Các cánh đồng ngập nước thật thú vị không thua gì mùa nắng.

Nhưng tôi nhớ mãi Blao Nhiên vào những ngày tan trường nghỉ hè. Buổi đó học trò được ra về sớm hơn thường lệ. Bọn học trò trường làng từ đây sẽ bắt đầu bay nhảy thỏa thích trên những bãi vắng mùa hè với đủ loại diều và để lại những con ve ngập ngừng kêu ran trong sân trường thưa vắng. Mùa hè đến với tôi thật bất ngờ. Tôi ngỡ ngàng nhìn hàng phượng trổ bông đỏ thắm. Tuổi học trò vào mùa hè như hoa nở và đẹp như con nắng trải dài trên đường về làng mỗi sáng. Lòng tôi hoang mang với những cảm nghĩ về mùa hè. Rồi đây, tôi sẽ làm gì với khoảng trời cao xanh của mùa hạ. Tháng ngày rảnh rỗi là niềm vui mênh mang và cũng là thời gian để xếp một niên học vào ký ức. Những ngày vui đi qua để lại bao kỷ niệm. Kỷ niệm bao giờ cũng đẹp, mà mỗi lần hồi tưởng như một giấc mơ. Một niên học vừa qua hứa hẹn một niên học sắp tới. Tuổi học trò cứ thế trôi đi. Ngày đó thằng Blao Nhiên nắm chặt tay tôi:

- Hè này tao về buôn, Khoa ạ! Mày có thích lên nhà tao chơi không?

Tôi ngờ ngợ trước câu nói của Blao Nhiên. Nó chỉ tay về phía xa xa nói:

- Đó! Buôn tao ở trên núi đó, gần lắm, độ hai, ba chục cây số chớ mấy.

Tôi nhìn theo ngón tay của Blao Nhiên, chỉ thấy một chân trời xanh thẳm với núi rừng còn thiếp ngủ muộn màng.

- Làm sao mình đi được?

Thằng Blao Nhiên cả quyết:

- Đuọc chứ! Mày có cái xe đạp đó, đưa tao chở cho. Tao đạp vài cái là tới ngay.

- Lên núi mà đi xe đạp à?

- Đi chứ! Lên đèo thì mình dắt bộ. Mà mày có dám đi không?

Tôi nổi tính anh hùng cá nhân, đáp thẳng:

- Dám chứ! Mai mình đi nhé.

- Ừ! Mai tao tới sớm đấy.

Bây giờ, mùa hè lại đến với tôi bằng những cơn mơ viễn xứ. Ngày mai tôi sẽ có chuyến đi giang hồ vặt. Tôi chợt nhớ câu tục ngữ "Đi cho biết đó, biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn". Lớn lên tôi sẽ đi đó, đi đây. Tôi sẽ bỏ một đời để phiêu lãng giang hồ. Bây giờ, còn nhỏ, thì tôi làm những chuyến giang hồ vặt. Tôi thích sôi nổi hơn êm đềm. Tôi ước mơ mình như một loài chim di trú, soải cánh chim phiêu du cùng gió và mỗi nơi đậu lại là một địa danh khác nhau. Tôi phải thoát khỏi không khí làng tôi. Ngày mai tôi lên núi rừng tìm sắc thái mới. Ngày mai kiêu hùng vẽ trong trí tôi với hình ảnh núi rừng mộng mơ. Rừng núi về mùa đông có chim thiên di bay về hội ngộ. Ngày mai tôi sẽ làm tên du tử với chí tang bồng hò thỉ. Lửa tang bồng cháy ngùn ngụt trong tôi. Cháy lên thắp sáng một vùng trời quê hương rừng núi.

Sớm mai, sương khói mờ nhạt bàng bạc khắp nơi. Khí trời gây gây lạnh. Bình minh rực rỡ và tiếng chim hót líu lo của ngày nắng mới. Hai đứa : tôi và Blao Nhiên đèo nhau trên chiếc xe đạp. Tôi ngồi sau yên, thằng Blao chở tôi. Chiếc xe đạp kiểu đàn ông của bác Hương tôi. Ngày trước, bác tôi là một tay đua hữu hạng. Chiếc xe đạp mang về chó bác tôi mấy chiếc cúp sáng chói, ghi dấu một thời vang bóng. Sau này, bố tôi xin về, lắp thêm cái yên sau cho tôi đi học hay... đi giang hồ.

Thằng Blao Nhiên chở tôi chạy phăng phăng trên quốc lộ. Có lúc hai đứa phải nhảy xuống dắt xe qua đèo cao. Cột cây số đã chỉ hai mươi bốn cây số ngàn. Trên cây số hai mươi lăm, thằng Blao Nhiên quẹo vào một con đường mòn đầy ổ gà. Tôi hỏi Blao Nhiên về con đường mòn, nó nói con đường đưa tới buôn nó. Con đường đất trải dài khuất khúc và gập ghềnh.

Tới nơi, cảnh sinh hoạt của một buôn Thượng hiện ra trước mắt tôi. Những mái nhà sàn chạy dài theo triền núi với những nương rẫy xanh mướt. Những khuôn mặt bình thản trầm lặng nhìn tôi lạ lùng. Blao Nhiên dắt tôi vào nhà. Tôi bỡ ngỡ đặt những bước chân lên những bậc thang của nhà thằng Blao Nhiên. Gia đình nó đi làm rẫy cả. Blao Nhiên lấy cái nỏ, ống tên và xuống dưới dắt hai con ngựa ra khỏi buôn. Blao Nhiên hỏi tôi:

- Mày biết đi ngựa không?

Tôi chưa bao giờ cỡi ngựa nhưng cũng nói:

- Biết.

- Vậy chúng mình đi chơi.

Nói rồi Blao Nhiên nhảy lên ngựa chạy trước. Tôi cũng thót lên lưng ngựa. Lấy hai dây cương dựt đến, dựt đại, nhưng con ngựa vẫn đứng ỳ tại chỗ không nhúc nhích. Tôi tức mình, lấy chân thúc vào hông nó, nhưng cũng vậy, nó không bước một bước. Thằng Blao Nhiên quày ngựa trở lại, nhìn tôi phì cười, nó hỏi:

- Mày không biết cỡi ngựa hả?

- Ừ!

- Sao lúc nãy mày nói biết?

- Tao thấy dễ quá, tao nói đại. Bây giờ mày tập tao nghen.

- Ừ!

Thằng Blao Nhiên chỉ cho tôi kỹ thuật cỡi ngựa. Một lát tôi điều khiển lành nghề như một kỵ sĩ. Hai đứa tôi dong ngựa lên đồi. Đồi cao và gió mát như dìu tôi vào cõi mộng. Lòng tôi mở rộng đón thiên nhiên bao la hùng vĩ. Chung quanh tôi, một vùng đồi núi xanh thẳm trùng điệp. Quê hương mở rộng trước mắt tôi thật tuyệt vời. Vẻ tuyệt vời ấy khiến tôi lịm mình trong mấy phút. Đây là những triền núi thoai thoải với hoa lấm tấm nở tươi trên vách đá. Kia là thung lũng cỏ xanh tươi đã tan sương mù, còn lại ánh nắng chan hòa. Kia nữa là đồng bằng bao la với những thửa ruộng ngang dọc màu xanh lá mạ. Và xa hơn nữa là những thung lũng, những đồi núi chập chùng nối tiếp và cuối cùng, ở đường chân trời, là một khoảng tối thẳm mù khơi hòa nhập với đường chân trời. Tôi ngước lên trời hít thở hương thơm của hoa lá. Tôi nghe một niềm rung động dịu dàng trước tạo vật. Bất chợt, trong giây phút ấy tôi nhận thấy linh hồn của cây cối, đất đai thật tuyệt vời. Tuyệt vời đến độ tôi muốn ôm trọn cả vũ trụ, thiên nhiên và những buổi sáng trên đồi có gió thì thào mãn thiên, như buổi sáng hôm nay.

Rồi, tôi và Blao Nhiên xuống đồi, vào rừng. Những thân cây mọc chằng chịt. Mùi lá ẩm mục ngai ngái. Nắng loang loáng trên màu xanh lá cây. Suối chảy róc rách. Tiếng chim rừng ríu rít, càng làm cho khung cảnh rừng rú thêm hoang sơ man dại. Thằng Blao Nhiên dẫn tôi tung những vó ngựa qua các nẻo đường rừng. Tôi liên tưởng tới những chàng tráng sĩ rừng xanh trong truyện "Tiêu Sơn tráng sĩ". Tôi mơ làm người tráng sĩ lỡ độ đường giữa núi mùa xuân, chứ không như Phạm Thái ngồi thất tình bên bờ sông với chiếc cần câu và vò rượu...

Thằng Blao Nhiên rủ tôi đi bắn gà rừng và các con thú nho nhỏ. Blao Nhiên sử dụng nỏ, nó đại diện cho bọn trẻ Thượng. Tôi dùng ná cao su, thay mặt cho bọn học trò dưới làng. Hai đứa tranh nhau bắn các con thú, nhưng phần nhiều Blao Nhiên được nhiều hơn tôi, vì dù sao cái nỏ cũng ngon hơn cái ná cao su. Đến trưa, hai đứa tôi dừng lại bên con suối ăn trưa. Tôi hưởng được cái thú ăn cơm lam với thịt gà rừng, ngon tuyệt. Có lúc tôi gặp một vài người Thượng đi đốn củi hoặc săn thú. Tay họ cầm lăm lăm dao phay. Lẩn vào đó, những khuôn mặt mùa xuân đặc biệt sáng lên bởi những cặp mắt to và trong suốt. Bóng họ chập chờn ẩn hiện trong bóng rừng thẳm và mỗi bước chân gieo xuống, làm sống lại nỗi u kín ngày xưa. Ngày xưa với từng đạo ngựa reo vang, từng tiếng gió thì thào của một thời vàng son...

Ban trưa, hai đứa tôi nằm thọc chân xuống suối nói chuyện. Thằng Blao Nhiên cho tôi coi cái tù và. Cái tù và có mấy sợi dây ngũ sắc bao quanh. Thằng Blao Nhiên thổi cho tôi nghe. Tiếng tù và rúc lên xa vắng và triền miên như tiếng nói của rừng già muôn thuở. Một nỗi buồn gợn lên xâm chiếm linh hồn làm tôi xúc động tha thiết.

Tôi bắt Blao Nhiên kể chuyện đường rừng. Những câu chuyện hoang đường về rừng thiêng nước độc được Blao Nhiên kể lại thật ghê rợn. Tôi kể trả lại nó một câu chuyện thần thoại. Câu chuyện thần thoại về một người đàn bà Thượng trong cơn đau lảo đảo ra đứng chờ chồng về từ đầu non. Người chồng đã bỏ rừng núi xuống đồng bằng. Thằng Blao Nhiên có vẻ cảm động lắm, nó nói sẽ về kể chuyện này lại cho gia đình nó nghe.

Bây giờ tất cả đã qua như cơn mộng về sáng. Mùa hè đã trôi qua được mấy ngày. Thằng Blao Nhiên ở lại núi rừng hiu quạnh. Tôi về đồng bằng tiếp tục có những trưa hè buồn tênh, nằm dưới hiên nhà nhìn đàn chim câu thảnh thơi nhặt thóc bình yên.

Đã mấy ngày rồi, trên buôn Blao Nhiên đánh lớn. Đứng từ nhà, tôi có thể thấy những cột khói phía đó bốc lên cao. Đêm đêm, tiếng súng giao tranh mơ hồ vẳng lại... Tôi cũng thoáng thấy một vài người Thượng di tản xuống đồng bằng với ánh mắt đăm đăm. Không biết Blao Nhiên ra sao? Tôi mong  Blao Nhiên bình an để tiếp tục niên học tới. Blao Nhiên ơi!


ĐOÀN THỤY  
(Nha Trang)    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 105, ra ngày 31-8-1973)

Bìa của Vi Vi : Một ngày làm việc xã hội

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Một em nhỏ đáng làm gương cho người lớn


NGUYỄN HIẾN LÊ tuyển dịch 
Tôi được biết em Larry hồi tôi dạy học ở một trường ngoại ô Minneapolis. Mới tựu trường được mấy bữa, chiều hôm đó tôi ngồi lại trong lớp khi trẻ đã về hết lớp học suốt buổi ồn ào như chợ lúc đó tĩnh mịch một cách không tưởng tượng được. Tôi bỗng nghe thấy tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Rồi một thiếu phụ duyên dáng hiện ra ở bực cửa, rụt rè nói với tôi:

- Ông hiệu trưởng khuyên tôi lại kiếm cô. Ông có báo trước cho tôi biết rằng lớp II của cô đông, cô bận rộn lắm nên tôi không lại thăm cô ngay từ buổi đầu. Tôi nghĩ nên đợi ít bữa cho cô có thì giờ tổ chức lớp học đã.

Bà ta ngắm nghía những bàn đánh bóng loáng, những chiếc ghế dựa xinh xinh, những cuốn sách bìa dày màu rực rỡ, những hình vẽ của các em treo ở tường, có vẻ thèm thuồng lắm, nói nho nhỏ:

- Ước gì cháu Larry được đi học.

Tôi hỏi:

- Larry nào?

- Cháu trai của tôi. Cháu đủ tuổi rồi. Từ tháng sáu vừa rồi, cháu được sáu tuổi. Nhưng cháu đi không được mà tay cử động cũng vụng về. Cháu mới vừa biết nói. Nhưng cháu có thể bò mà lết đi được. Tóm lại, mặc dầu cháu bị bệnh tê liệt giật giật, cháu cũng có thể làm được nhiều chuyện.

Bỗng bà ta nhìn thẳng vào mặt tôi, vẻ chăm chú tuyệt vọng:

- Ông hiệu trưởng bảo để tùy cô quyết định. Tôi sẽ cố gắng hết sức để cho công việc của cô được dễ dàng. Giờ ra chơi, tôi sẽ lại đây đưa cháu đi cầu và dắt cháu ra sân chơi. Tới trưa, tôi sẽ lại cho cháu ăn. Đi đâu tôi cũng dắt cháu theo, tôi đặt cháu ngồi vào chiếc xe nhỏ của cháu. Cháu suốt ngày ngồi một mình, ít có cơ hội gặp các trẻ khác, mà cháu thích có bạn, yêu bạn lắm!

Tôi rất bực mình nghe bà ta biện hộ cho con như vậy để xin một chỗ học. Tôi bảo bà ta rằng tôi sẽ vui vẻ nhận em Larry, với lại em có quyền đi học như mọi trẻ khác. Không  bao giờ tôi quên được vẻ mừng rỡ, ngạc nhiên và hoài nghi của bà ta.

Bà ta về rồi, tôi mới sực nhớ rằng tôi đã phải điều khiển một bọn sáu chục em nhỏ nghịch ngợm, phá phách và la hét đinh tai. Mà bây giờ lại còn nhận thêm một em tật nguyền nữa! Nghĩ lại, bắt nó sống trong cái thế giới quỉ sứ này có tội cho nó không?

Thân mẫu em Larry sáng hôm sau dắt con lại. Nó ngồi trong chiếc xe nhỏ, một hộp bút chì màu, một tập vở và một hộp bút đặt trên đùi. Em nhỏ thật ngộ : mắt lớn và xanh dương, tóc vàng rủ xuống, bao một khuôn mặt tròn trĩnh. Khi tôi hỏi em, em mỉm cười, má lúm đồng tiền, nhưng rồi nét mặt em lại nghiêm trang, không vui mà không buồn, không chấp nhận mà cũng không từ chối.

Thân mẫu em khoe:

- Cháu ngồi vững lắm rồi.

Tôi gật đầu. Larry y hệt các trẻ khác, chỉ trừ lâu lâu đầu lại giật giật. Thân mẫu em bồng em ra khỏi xe, đặt em ngồi lên một chiếc ghế dựa, trước một cái bàn thấp.

Tôi đề nghị:

- Chúng mình nên để em ngồi một mình như mọi trẻ khác lần đầu tiên tới trường.

Bà ta bằng lòng và bước ra ngoài.

Em Larry ngồi yên, rất ngoan ngoãn, trong khi các trẻ khác lần lượt vô lớp. Cặp mắt em ghi nhận hết thảy. Em chăm chú ngó các bạn cho tới khi tôi phát giấy vẽ và bảo chúng lấy hộp bút chì màu ra.

Tôi đứng bên cạnh em khi mở hộp bút chì màu. Em đương lấy ra một cây thì bỗng cánh tay em giật giật, em không làm chủ được cử động và tất cả các cây viết lăn xuống đất.

Các em khác cười rộ lên, mà người lớn thì cũng vậy khi có một việc gì bất ngờ xảy ra. Em Larry ngồi yên, lúng túng. Em cũng muốn góp vui với các bạn, nhưng ngỡ ngàng, không hiểu sao các bạn lại cười như vậy.

Tôi đợi cho các trẻ khác hết cười rồi mới ung dung bảo:

- Việc mới xảy ra không có gì ngộ nghĩnh, bí mật cả.

Tôi giảng vắn tắt cho chúng hiểu bệnh tê liệt giật giật và bảo trước cho chúng biết rằng những chuyện như vậy sẽ còn xảy ra thường. Rồi tôi quay về phía Larry, không kịp suy nghĩ gì cả, bảo em:

- Larry, con phải lượm bút chì lên chứ.

Larry trườn xuống, té xóng xoài trên đất, rồi bíu lấy chân bàn. Em quì lên được. Em lượm được một cây viết, cẩn thận đặt lên bàn. Rồi em bò tới kiếm một cây khác, vừa mới chụp được thì nó lăn ra xa. Em bò tới, đuổi theo, chụp được thì nó lại lăn ra xa. Em bò tới, đuổi theo, chụp được nó nữa và trở lại bàn.

Em tiếp tục lượm như vậy, một cách chậm chạp, khó nhọc, không ngừng mà cũng không ngước mắt lên. Mấy lần, cứ đưa tay ra chụp thì viết chì lại lăn đi, em lại đuổi theo, khó nhọc và siêng năng, chuyên tâm vô cùng. Lượm hết rồi, em bò trở về chỗ, bíu lấy chân bàn, leo lên rồi ngồi phịch xuống ghế. Lúc đó em mới nhìn tôi khẽ mỉm cười thích thú.

Lúc đó tôi mới bỗng nhận thấy rằng bọn trẻ bao vây chúng tôi và đứng ngó cảnh đó, hoàn toàn kinh ngạc. Nét mặt tôi chắc cũng kinh ngạc như nét mặt chúng. Chúng tôi đều thán phục em Larry, thật là một nhân cách cao, có tính cương cường làm những việc khó khăn nhất mà không khi nào chịu nhờ người khác tiếp tay với mình cho việc được dễ dàng.

Tới giờ ra chơi, tôi ra lệnh cho các em xếp hàng. Larry không do dự, trườn xuống đất bò ra cửa. Gom hết sinh lực, em bám chặt vào chân các bàn, lết tới bằng đầu gối, thân mình thẳng thắn. Thân mẫu em đứng đợi ở cửa lớp với chiếc xe. Tất cả các em khác đòi được đẩy xe. Từ đó, em nào được đẩy xe thì mừng rỡ như được một đặc ân.

Sau buổi học đầu tiên đó, tôi biết rằng em Larry có một nghị lực phi thường, không gì lay chuyển nổi. Bất kì làm công việc gì em cũng theo cái lối lượm bút chì đó. Khi em viết hoặc vẽ, cánh tay em giật giật, run run, có lúc cây bút chì chạy vọt ra ngoài trang giấy thành một nét bậy bạ, nhưng em vẫn kiên nhẫn. Larry vẽ hình những em bé, nét run run, nhưng không bỏ dở.

Tới lúc tập đọc, em trườn xuống đất, lết tới phía trước lớp học. Em chú ý lắm, hết sức đọc cho trúng. Em nói được nhưng rất khó khăn, cơ thể em phải chiến đấu dữ dội mới phát ra được một tiếng. Cánh tay, vai em run bần bật, mặt em đỏ tía lên, trán nhớp mồ hôi. Nhưng em vui vẻ, theo các bài tập đọc, tràn trề hi vọng. Chiến đấu cực khổ bao nhiêu, em không nề hà, em chỉ nghĩ tới công việc em đương làm thôi.

Và tôi hiểu thêm ngay rằng lòng ham sống của em cũng mãnh liệt không kém nghị lực của em. Ở trong lớp cũng như ở ngoài sân, em không bỏ qua một cơ hội nào cả. Các trẻ khác bày các trò chơi để em có thể dự được và em luôn luôn vui vẻ dự. Nếu một trò chơi nào mạnh quá, em không dự được thì ngồi một chỗ mà ngó, nhưng ít khi em ngồi một mình vì thường có bạn lại bên cạnh, bảo:

- Tôi lại ngồi với Larry cho Larry có bạn.

Các bạn em giúp đỡ em trong việc học, tự cho là được một đặc ân khi đuổi theo chụp một cây viết chì hoặc lượm một vật gì khác đem lại trả em. Larry không than thân, mà cũng không bao giờ tỏ vẻ lúng túng khi có người giúp đỡ. Dĩ nhiên em không bao giờ ngờ rằng chính em, em cũng giúp lại được cho các bạn. Nhờ có em mà các bạn em tập chia xẻ gánh nặng của người khác, đó là một kinh nghiệm làm cho tâm hồn các em phong phú lên.

Mùa xuân năm sau tôi phải rời thị trấn và trước khi đi, tôi lại thăm Larry tại nhà. Tôi thấy em đương đi đi lại lại giữa hai thanh ngang (để tập thể thao) mà thân phụ em dựng cho em. Em đưa tay chào tôi. Thân mẫu em bảo tôi:

- Cháu đã bắt đầu tập dùng nạng, cô biết tính cháu cương quyết lắm.

Phải, tôi biết rõ tính Larry rồi. Nếu có thể đi được thì em sẽ rán đi cho được ; nếu không được thì em cũng không buồn. Không khi nào em ngừng lại để tự hỏi xem công việc có khó nhọc hay không, không bao giờ em do dự, suy tính hoài về công việc em phải làm, em chỉ nghĩ tới một điều là hoạt động.

Rồi sau em Larry ra sao? Em lên trung học và học giỏi. Em đã chống nạng mà đi lại khắp nơi được. Nhờ nghị lực em vượt được mọi khó khăn mà bây giờ nói được như mọi người. Thật là một thiếu niên thông minh, quả quyết, hăng hái. Ngay từ hồi nhỏ đã vậy rồi.


VIRGINIA GORDON  
(Trong Ý Cao Tình Đẹp)


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 104, ra ngày 24-8-1973)

Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Một Năm Làm Việc Ở Tòa Soạn Thiếu Nhi


Thấm thoát Thiếu Nhi đã ra được 51 số. Một năm trời trôi qua với đủ nỗi buồn vui, nhiều khi say mê, hăng hái ; đôi lúc mệt mỏi, chán chường ; được khen ngợi khuyến khích cũng nhiều, mà bị chỉ trích, xuyên tạc đã lắm! Hôm nay ngồi viết những dòng chữ này, nhân dịp kỷ niệm đệ nhất chu niên tuần báo TN, tôi muốn gửi tới các em độc giả thân mến một số kỷ niệm những buồn vui mà tôi đã thâu lượm được trong suốt một năm làm việc ở tòa soạn.


KHỞI ĐI VỚI NHIỀU KHÍCH LỆ QUÝ BÁU

Trong thời gian sửa soạn cho số ra mắt của tờ báo, phải thành thực mà công nhận là chúng tôi (Nguyễn Hùng Trương và Nhật Tiến) đã nhận được rất nhiều sự yểm trợ tinh thần của các bậc phụ huynh, các nhà giáo, và anh chị em văn nghệ sĩ. Anh Lê Tất Điều, dưới bút hiệu Kiều Phong viết một loạt bài trên 4, 5 nhật báo, báo động sự xâm nhập đáng ngại của các sách báo nhảm nhí trong lãnh vực tuổi thơ để hỗ trợ tinh thần cho tòa soạn. Anh Hồ Nam trên báo Hòa Bình dành nguyên một kỳ văn nghệ cuối tuần để viết một bài dành riêng cho Thiếu Nhi số ra mắt. Hầu hết anh chị em văn nghệ sĩ trong Trung tâm Văn Bút VN đều gửi đến chúng tôi những lời thăm hỏi, khích lệ và bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề sách báo của Thiếu Nhi. Ở lãnh vực giáo dục, chúng tôi nhận được của ông Giám Đốc Nha Trung Học Tư Thục một lá thư đặc biệt giới thiệu tới tất cả các trường học trên toàn quốc cho phép phổ biến Thiếu Nhi, đây là một biệt lệ ít có. Tại Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục, vấn đề sách báo cho Thiếu Nhi được Linh mục Thanh Lãng, chủ tịch Trung Tâm Văn Bút VN và Trưởng ban Nhân Văn Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục đề cập tới và giới thiệu đặc biệt riêng tờ Thiếu Nhi. Tại Thượng Nghị Viện, nghị sĩ Hoàng Thế Phiệt gửi thư riêng cho tòa soạn ca ngợi thiện chí của tờ báo và hứa sẽ vận động các bạn đồng viện chú trọng, nâng đỡ để phổ biến một tờ báo lành mạnh, hữu ích như Thiếu Nhi.

Còn thật nhiều khích lệ nữa kể sao cho siết, cho nên hành trang tinh thần của Thiếu Nhi lúc khởi hành thật dồi dào, phong phú, đem lại cho tòa soạn thật nhiều hứng khởi để hoạt động.

Nhân đây, thay mặt cho toàn thể tòa soạn, chúng tôi xin chân thành cảm tạ tất cả quí vị đã dành cho TN sự yểm trợ tinh thần trong suốt một năm qua.


CÓ NHẬN QUẢNG CÁO HAY KHÔNG?

Thiếu Nhi ra được 2 số thì tòa soạn nhận được một văn thư của ông Giám đốc một hãng Hàng Không đề nghị dành cho TN 1 trang quảng cáo ở bìa sau, với hảo ý giúp TN thêm phương tiện vật chất để có thể duy trì được lâu dài. Tòa soạn hội ý với nhau rồi đi tới quyết định đành phải khước từ. Đăng một trang quảng cáo là mất đi một trang bài vở cho các em. Bìa sau lại có nhiều mầu sắc rực rỡ, lấy đi sẽ làm các em thiệt thòi. Từ chối thì tiếc thật, nhưng đành, vì tất cả dành cho các em Thiếu Nhi là chủ trương của tòa soạn.


TẤT CẢ CHO CÁC EM

Thật đúng vậy. Tất cả là cho các em TN. Bởi thế, vấn đề chính là phải làm sao cho TN tới được tay các em để mọi nỗ lực của tòa soạn không bị uổng phí. Mặc dầu việc quảng cáo cho tờ báo đã tổ chức rầm rộ, nhưng Thiếu Nhi vẫn còn nhiều người chưa biết tới. Một loạt bích chương nhiều mầu được in ra và tòa soạn đã mở một cuộc xuống đường tự tay đi dán bích chương khắp mọi đường phố. Trước hết ở Saigon. Rồi từ Saigon tòa soạn đổ xuống mấy tỉnh miền Nam. Dưới nắng gắt buổi trưa, trong cơn mưa tầm tã của buổi chiều, trước trường học, trong công viên, trên đường phố, ở Bình Chánh, ở Gò Đen, ở Long An, ở Mỹ Tho, ở Kiến Hòa... Nhân viên tòa soạn, kể cả chú nhiệm đã leo lên cây, lên tường, dán những tấm bích chương rực rỡ. Mồ hôi hòa lẫn nước mưa. Niềm vui trong cơn mệt nhọc. Vất vả thật, nhưng hy vọng tờ báo tới được tay các em, một vấn đề cần thiết để ngăn chận ảnh hưởng của biết báo sách báo nhảm nhí đang lan tràn...



BÁO KHÔ, BÁO NẶNG, COI CHỪNG SẬP TIỆM

Hai mươi lăm tuần lễ trôi qua, hai mươi lăm số báo đã trình diện độc giả. Tòa soạn bắt mạch dư luận qua những ý kiến trực tiếp cũng như qua thư từ. Một kết luận chung được rút ra là tòa soạn đầy mặc cảm mô phạm, tinh thần giáo dục theo kiểu học đường đã thể hiện đầy dẫy trên các bài vở. Nói khác đi, nội dung các bài đều tốt, bổ túc hữu hiệu cho kiến thức học đường, nhưng hầu hết đều thiếu một yếu tố quan trọng lôi cuốn các em. Đó là yếu tố linh động. Bởi một tờ báo không phải một học đường thuần túy. Nó phải uyển chuyển hơn, nhẹ nhàng hơn, kiến thức xâm nhập vào các em không ở sự bó buộc mà là sự thích thú, tự nguyện. Nhưng biết dễ, làm khó. Bởi viết hay dịch một bài khảo cứu, sưu tầm thì chỉ cần một số vốn sinh ngữ, nhưng biến bài khảo cứu khô khan thành linh động, tươi vui mà vẫn chuyên chở hết được nội dung là cả một vấn đề không phải ai cũng làm được. Nhưng dẫu sao, tòa soạn cũng rút tỉa được một bài học nghe thì thật tầm thường nhưng rất quí giá : đó là báo khô, báo nặng, coi chừng sập tiệm! Đường lối mới của tòa soạn đề nghị với các anh chị em cộng tác là tránh các lối dịch nguyên văn, tránh cách trình bày một bài theo lối sưu khảo thuần túy, càng đem được tinh thần dí dỏm tươi vui vào bài báo càng tốt. Sau đó, nhiều bài đã dịch xong phải xếp lại, một số bài sắp chữ sẵn ngay từ những số đầu còn đọng lại nay cũng bị gác luôn. Một vài loạt bài đang đăng giở phải cúp ngang xương. Quyết định này gây sứt mẻ không ít đối với một số anh em cộng tác. Một trong những phản ứng làm tôi buồn thấm thía là được trả lời trong một lần đi hỏi bài : "Chừng nào đăng hết bài cũ rồi mới lấy bài mới chứ. Viết mà không đăng thì lấy bài làm chi". Tôi biết đấy là một lời trách móc do lỗi ở phần tôi. tôi không buồn vì không xin được bài, nhưng buồn vì chuyện bài vở đã gây nên sự sứt mẻ đáng tiếc. Tôi có thể hàn gắn lại dễ dàng bằng cách đem bài ra xếp chữ. Nhưng tôi không thể làm thế. Vấn đề sống còn của tờ báo thì sao?


MỘT CHUYÊN VIÊN ĐÁNG GHÉT

Qua thư từ của các em độc giả, thì tôi là một chuyên viên ném bài vô sọt rác. Lời trách móc đó chỉ đúng có một nửa. Loại bài của các em đi thì có, nhưng ném vô sọt rác thì không.. Tòa soạn có một tủ riêng để lưu trữ những bài bị loại. Lưu trữ để làm gì, tôi không biết nhưng để đó còn hơn là thủ tiêu cho biệt tích. Vấn đề chính mà các em thắc mắc là tại sao bài của các em bị loại. Có tiêu chuẩn nào để lựa đăng bài của các em không? Nếu muốn được đăng thì các em phải viết thế nào? Tiện đây, tôi xin trả lời chung về những thắc mắc ấy:

Trước tiên là như các em đã thấy, trang báo của TN chỉ có hạn. Bài dành cho phần sáng tác của các em vì thế cũng phải hạn chế. Tờ báo không phải một tuyển tập văn nghệ sáng tác mà phải dung hòa giữa 2 loại đơc5 giả : phần đông các em gái thích đọc truyện nhiều hơn, trong khi phần đông các em trai lại đòi tăng thêm phần tìm tòi, khoa học. Tráng báo đã hạn chế, bài vở của các em lại gửi về thật nhiều, từ đó phải có sự tuyển lựa. Tiêu chuẩn tuyển lựa là nội dung bài viết phải đừng quá tầm thường, đừng nhai lại những gì người khác đã viết. Phần đông các bài viết của các em tôi thấy mắc phải cái khuyết điểm này. Chẳng hạn các em thấy trên báo có bài đăng về ngày sinh nhật, thế là tuần sau ùn ùn các em gửi bài về viết toàn chuyện sinh nhật. Thử hỏi nếu đăng hết lên thì độc giả sẽ chán chường đến thế nào khi phải nhai hết bài này đến bài kia toàn một đề tài na ná nhau. Một thí dụ khác, trên báo có bài được chọn đăng viết về gia đình. Gia đình nào chẳng thông thường chia làm 2 phe : phe ba, phe má. Phe ba gồm các anh nghịch ngợm, phe má gồm các cô gái hay dỗi hay hờn, hay ăn quà vặt, và có chung một đứa em út có nhiều điều ngộ nghĩnh tức cười. Thế là tổng số các bài viết về nội dung đó, tòa soạn nhận được tới ba mươi bẩy bài. Các em thử nghĩ nếu đăng cả 37 bài này lên báo thì có khác gì phải ăn hoài 1 món ăn trong suốt một tháng liền không? Vậy vấn đề chính là các em phải chịu tìm tòi, suy nghĩ. Các em hãy tự hỏi điều mình viết ra có na ná những bài mà người khác đã viết rồi không? Nếu đúng vậy, tốt hơn các em nên tìm một đề tài khác. Các em sẽ cho là nếu đòi hỏi như vậy chắc sẽ chẳng có điều gì mà người khác chưa viết cả. Không phải như vậy đâu. Một nhà văn Pháp, ông Gustave Flaubert đã nói câu này : "Trong mỗi vật dù quen thuộc đến đâu cũng có một cái lạ mà chưa ai khám phá" Vấn đề là suy nghĩ, tìm tòi. Các em hãy cố gắng tập được cái thói quen đó.

Ngoài khía cạnh nội dung, về hình thức trình bày các em cũng cần chú ý tới nữa. Văn nên gọn gàng, mạch lạc, đừng nôm na quá nhưng cũng chẳng nên sáo quá. Cần nhất là tác phẩm phải có chi tiết. Chi tiết có được là nhờ sự quan sát, óc tinh tế. Thiếu chi tiết tác phẩm trở nên thẳng đuột như người kể chuyện thiếu thông minh. Thí dụ các em viết một bài về "Ngày chủ nhật của em" - Nếu các em kể : buổi sáng ngủ dậy đánh răng, rồi ăn sáng, rồi chơi với con mèo, rồi đọc truyện, buổi trưa ăn cơm rồi ngủ trưa... v.v... như vậy là các em đã kể một câu chuyện tầm thường, ai cũng biết rồi, chẳng có chi đặc sắc. Nhưng nếu em biết cho vào câu chuyện những chi tiết mới thì lại khác. Cái cảm giác lúc em mở mắt dậy vào buổi sáng chủ nhật, buổi sáng an nhàn, rũ bỏ mọi lo toan về bài vở ; buổi sáng yên tĩnh, trầm lặng khác hẳn những buổi sáng vội vã, hối hả của ngày hôm kia... phải cắp sách đến trường ; buổi sáng mà khi mở mắt dậy các em có thì giờ ngắm lên đỉnh màn nhìn thấy vài chỗ sứt chỉ, mấy con muỗi mọng còn bay chập chờn ; buổi sáng mà các em nghe thấy được các tiếng động ở trên mái ngói, đằng sau nhà, trong xóm nhỏ... v.v...Như thế chỉ cần tả lại riêng cái cảm giác lúc thức dậy vào ngày chủ nhật các em cũng đã có một bài văn đặc sắc, không tương tự ai với những chi tiết thật tầm thường mà mới lạ như vết rách trên đỉnh màn, con muỗi mọng bay vo ve, tiếng mái ngói cựa mình trong nắng sớm... v.v... Vậy các em hãy cố gắng đi, trong cái tầm thường thế nào cũng có những điều mà không ai nói tới. Nhờ tìm tòi, suy nghĩ các em sẽ viết khá hơn, và chừng hiểu được điều đó chắc các em sẽ chẳng có ý nghĩ như một em đã viết tới 14 trang thư về tòa soạn, trong có đoạn : ... "Hy vọng chú cũng nên đáp lại tình thương chân thành đó bằng cách hết lòng dang tay thu nhận tất cả mọi bài vở của các anh chị bốn phương mà không kể đến văn hay chữ dở gì nữa cả. Chú nhớ kỹ giùm nhé! Anh chị phương xa gửi bài về tham dự trên tuần báo TN ắt hẳn là ai chẳng mong bài mình sẽ được đăng lên mặt báo để rõ tài mình với thiên hạ. Vậy chú phải sắp xếp bài vở mỗi tuần làm sao để các bài của anh chị phương xa được đăng đều lên mặt báo TN tuần đó là được. Sở dĩ V. viết những trang giấy này cũng là vì các bạn V. và anh em V. vì yêu mến TN nên cũng hết lòng mang bài vở tham dự gửi về. Nhưng tức ơi là tức, ai đời gửi bài về trên dưới hơn cả tháng nay, bỏ công chờ đợi mà chẳng thấy đăng gì. Chú xử sự với các anh em và bạn của V. quý hóa quá chú nhỉ?"

Rồi ở một đoạn khác : "Mục thơ bướm trong vườn của chú nên trả lại cái tài tuyển lựa thơ văn cho chị ĐPK vì tâm lý chú là đàn ông làm sao hiểu rành thơ văn của các anh chị bằng chị Khanh là đàn bà được. Hơn nữa mục Vườn Hồng là do chị Khanh làm chủ mà. Việc gì chú lại mó tay vào làm, chỉ thêm mệt người mà thôi. Còn dư thì giờ chú để dành đi đánh xì phé".

Trách khéo lắm, mà đuổi khéo cũng khéo lắm. Nhắn riêng với V. rằng chú rất khoái khi đọc xong thư của V. Không làm báo T.N thì không bao giờ được đọc những trang thư tràn đầy thương mến và trách móc tương tự. Nhưng chú phải cái có tính lì. Một mai chú vẫn mó tay vào để không có dư thời giờ đánh xì phé. Đánh xì phé sao bằng làm báo T.N. Làm báo T.N vui hơn nhiều.


TÒA SOẠN... CÀ CHỚN!

Đấy là lời nhận xét của các em đã cất công tới thăm tòa soạn mà đi rồi lại về không. Trước hết đường Thiệu Trị là một con đường hiểm hóc không kém đường Nguyễn thông ở Sàigòn. Nó khởi đi từ mé hẻm Chuồng bò bên Cư Xá Kiến Thiết, băng qua Trương Minh Ký rồi vào Nghĩa Địa xuyên qua đường tầu đến Trương Tấn Bửu rồi tận cùng ở mãi bên gần Phú Nhuận. Biết thì kiếm dễ, không biết, có người đi cả buổi rồi lại về không.

Mướt mồ hôi kiếm được tòa soạn rồi thì chẳng có ai đón tiếp. Từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, tuyệt nhiên tòa soạn không có cái vẻ gì gọi là bận rộn công việc của một tờ báo trừ cái biển lớn gắn ngoài cổng số nhà 159... Thế thì cà chớn thiệt ấy chớ. Nhưng thật ra tòa soạn Thiếu Nhi, không giống ai, chỉ làm việc vào buổi... tối! Kể từ 8 giờ sau khi cơm nước xong, mọi người mới tụ tập lại. Chị ĐPK tới cắt thư trong ngày rồi ngồi trả lời hay viết bài. Những người khác sửa bản in, làm thẻ gia đình, tham khảo tài liệu, viết bài, hay thảo luận công việc. Họa Sĩ Vi Vi ngồi minh họa. Chú Bách Khoa đánh vật với ba bộ Bách Khoa Tự Điển, thỉnh thoảng lầu bầu những gì, những gì không ai nghe rõ, nhưng hình như là suốt buổi không mấy khi thấy chú ta nhếch miệng cười. Gần tới giờ giới nghiêm, tất cả chia tay vội vã, để sáng hôm sau tòa soạn lại trở về với cái vẻ phẳng lặng mọi ngày. Sở dĩ mọi người phải làm việc theo lối "vạc đi ăn đêm" như vậy là vì ban ngày ai cũng bận. Hầu hết nhân viên đều là nhà giáo hay quân nhân. Nhà giáo phải bận công việc ở học đường. Còn quân nhân thì lại kẹt hơn nữa. Như Họa Sĩ Vi Vi, từ ngày có lệnh cấm trại, chỉ ghé tòa soạn được mỗi tuần đúng một lần. Trong tình trạng ấy, chỉ có buổi tối là có nhiều cơ hội nhất để gặp nhau. Đó cũng là lý do để các em thấy tại sao Thư Viện T.N. chỉ mở cửa hàng tuần có mỗi một buổi sáng chủ nhật!

Chuyện vui buồn một năm qua thì có kể ra đến trọn cả số báo cũng không hết. Muốn viết thật nhiều nhưng phải dành chỗ cho bài vở khác.

Bước qua một năm mới, hy vọng T.N. sẽ được phổ biến nhiều hơn, và qua sang năm, hẳn khi viết bài tổng kết sẽ có nhiều cái thật vui để hàn huyên cùng các em thân mến.


NHẬT TIẾN    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 51, ra ngày 13-8-1972)

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Mùa Hoa Phượng


Em và con Thanh ra bờ sông. Hai đứa ngồi gọn lỏn ở băng đá. Gió từ bờ sông thổi vào, tung mái tóc dài dễ thương của con Thanh. Hoa phượng nở nhiều và nắng hè thêm gay gắt. Em và Thanh cứ cầu mong cho hoa phượng rơi nhiều. Cái màu đỏ chói của hoa phượng sao mà xinh thế! Cứ nhìn cành phượng đầy hoa đỏ chói, lưa thưa mấy cánh lá nhỏ và xinh, cành xây bàn thang giữa từng không là hai đứa cũng đủ mê đi rồi. Có một cánh hoa phượng bị gió sông thổi rơi, bay xuống bãi phù sa, cùng một loạt em, rồi con Thanh chạy như bay ra, nhỏ Thanh giành của em, em định giành lại, nhưng rồi nghĩ sao, em lại thôi. Vẻ mặt thật là vui, và hồng hào, Thanh hồn nhiên tự gài vào chiếc kẹp trên tóc nó, mặt nó rạng rỡ lấm tấm mồ hôi vì nắng gắt. Trông thật là xinh! Em hơi buồn buồn, mới có cánh hoa phượng rơi lần đầu tiên hẳn chắc là đầu tiên mà Thanh lại giành mất rồi. Nhưng không sao, chắc rồi hai, ba ngày, nó lại rơi ngay đấy mà, em nhủ thầm như vậy. Trời xanh, và nắng gắt, tuy rằng gió ngoài sông vẫn lồng lộng thổi vào.

*

Mưa rơi, thổi tạt về qua bãi vắng. Ở trong nhà, em cứ lo, mà ngồi lặt rau cũng không xong, lẩm bẩm "hoa nó bị mưa làm dập thì tội nghiệp, rồi còn hoa đâu mà mình chưng, mình cắm? Rồi hoa để ép nữa chứ?" Chị Thu ngồi bóc vỏ trứng luộc nhìn em cười mủm mỉm. Chắc em nói to quá. Mưa vừa tạnh, em múc nước rửa rau, gác lên thành phi, xách nón lá, chạy qua nhà con Thanh, rủ nó đi. Hai đứa lần ra bờ sông, đúng như em nghĩ, hoa phượng rơi nhiều ghê cơ! Em và con Thanh tranh nhau nhặt những đóa hoa phượng bị mưa tạt ướt, đẫm những hạt nước trong. Những cánh hoa tuy hơi dính bùn, nhưng không sao, về nhà em rửa đi thì sạch ngay đấy mà! Hoa rơi nhiều ghê cơ, hai đứa lúi húi thật lâu mà chưa nhặt hết. Nhưng trên cành hãy còn nhiều. Em và con Thanh ra đứng vẩn vơ ở bãi phù sa. Hôm nay nước lớn, nhất là mới mưa xong sông động mạnh, lúc bình trôi ra xa hết, không còn một chòm nào ở gần bờ nữa. Em với con Thanh đứng cười vu vơ.

- Thanh à! Mày ôn lại bài chưa? Sắp hết hè rồi đó.

- Chưa! Chỉ mới đọc vui mồm mấy bài ám đọc thôi.

- Chị Thu dạy mày thêm toán phải không?

- Ừ, sao mày biết?

- Con Hiền nói.

- A! Cái con ấy lẻo mép nhỉ? Nhưng mày muốn học không? Tao nói chị ấy cho mày học, lên lớp nhì thì tha hồ hai đứa mình giỏi.

- Sợ mẹ tao không cho, tao còn mắc luộc khoai cho mẹ tao đem ra chợ.

- Ừ nhỉ, nhưng rồi mày cũng rán qua nhé! Được ngày nào hay ngày nấy, Thanh ạ!

- Trời tối rồi, về thôi Hương ơi!

- Ừ.

Hai cánh áo len trắng, nâu của hai đứa em in giữa triền con đường mấp mô. Vài cánh diều lộng gió giữa bầu trời xanh thẳm. Ễnh ương kêu ran ngoài ao ruộng. Em vội đi về nhà. Trời tối thêm, làm em sợ ma ghê.

*

Càng ngày càng gần ngày nhập học, hai đứa em lo lắng ghê lắm! Không biết lên lớp nhì có học giỏi như lớp ba không? Bài ám đọc có vẽ hình đẹp đẹp không? Nhưng không hôm nào là hai đứa em không rủ nhau ra sông chơi, lượm hoa phượng làm bánh phở, để ép, và để cắm hoa nữa cơ. Hoa phượng càng ngày càng rơi nhiều, chắc là để kịp qua mùa thu, bù lại những hôm đầu mùa hè rơi chậm, ít. Hoa rơi có lúc có cả cành nữa cơ, em đem tặng chị Thu. Chị cười hiền:

- Chắc cô bé "hối lộ" chị để dạy thêm toán chứ gì? Chết nhá cô bé! Hư lắm cơ đấy và rồi thêm một câu tặng hoa để vòi lại kẹo chứ gì?

Em ngúng nguẩy...

Con Thanh hỏi một câu làm em giật mình:

- Hoa rơi nhiều quá mày ạ! Ép cho tụi nó ngày tựu trường nhé! Chắc tụi nó không có hoa đẹp như mình đâu.

Em như mơ màng, chặc chặc lưỡi:

- Hoa rơi nhiều quá! Rơi nhiều đem về vất đi uổng.

Gió sông lồng lộng thổi vào. Hai đứa vừa nhặt hoa vừa reo.


TRẦN THỊ PHƯƠNG LAN   


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 154, ra ngày 1-8-1971)

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Nhân gặp tai nạn, xin cảm ơn Thượng Đế, cảm ơn đời và cảm ơn người.


Kỳ này, chị kể lại với các em một câu chuyện đã xẩy ra cho chính chị. Câu chuyện chung quanh một tai nạn.

Tai nạn này thật là quá nhỏ bé, không đáng kể, so với biết bao tai nạn to lớn  khác của nhân loại, của đồng bào chúng ta.

Chuyện xẩy ra cho chị thì lại càng không đáng kể, để khỏi phạm phải tội mù quáng, cứ tưởng cái "tôi" là quan trọng.

Nhưng sở dĩ chị kể cho các em nghe, vì chị muốn nói với các em rằng: "Các em ơi, Thượng Đế còn cho chị được sống mà nhỏ to tâm sự với các em, đời còn quá đẹp với bao nhiêu công việc tốt đẹp, với bao nhiêu tấm gương tốt đẹp, và người còn đầy dẫy những tấm lòng nhân ái yêu thương. Cho nên, chúng ta đừng vội chán đời. Và chị mong các em sẽ cảm thông cùng chị nỗi niềm yêu thương dào dạt với đời."

Chuyến xe chở chú Nhật Tiến và chị bị xe lửa đụng phải. Nhưng một sự may mắn không ngờ đã xui khiến cho chú Nhật Tiến và chị kịp thoát ra khỏi xe, trước khi chiếc xe bị lôi đi gần trăm thước đến nát bấy. Chú N.T. vô sự, chị bị thương nhẹ.

Ngay sau khi tai nạn xẩy ra, tất cả bà con quanh vùng đều ùa lại hốt hoảng hỏi han rối rít, người nâng chị lên, người đi tìm dầu, tìm thuốc, người lo dìu vào ghế, biết bao ánh mắt xót xa thương cảm. Rồi mọi người xúm nhau nhặt nhạnh giúp chị từng món đồ nhỏ nhặt văng khắp đường. Bà con góp nhặt cho chị đầy đủ. Cả đến những mảnh xe hơi vương vãi khắp nơi cũng được bà con gom góp nhét vào xe để: "Nếu mai mốt có sửa xe thì cũng đỡ được đồng nào hay đồng nấy!"

Ôi! Cảm ơn tấm lòng chu đáo thiết tha của những bà con dù xa lạ biết là bao!

Bạn bè thân tộc nghe tin đổ xô đến, rồi lớp thì lặn lội tìm thầy chạy thuốc, lớp thì lo lắng săn sóc chị thật vô cùng ân cần. Chị quên làm sao được những giọt nước mắt mừng tủi, những lời ngọt ngào an ủi của bạn hữu, thân tộc, của các em đến thăm mừng cho chị đã thoát chết.

Tạ ơn Thượng Đế, tạ ơn đời và tạ ơn người.

Chị muốn nói với các em rằng trong một số thư các em gửi tới chị, các em đã tỏ ý bi quan, chán đời. Trong một số lời tâm sự với chị, các em có nói về những người xấu, việc xấu trong xã hội. Thì hôm nay đây, chị muốn nói rằng không phải trên đời chỉ có toàn người xấu, mà trái lại có quá nhiều người tốt, nhưng chúng ta đã không lưu ý tới hoặc không có dịp để chúng ta biết tới. Một rừng hoa thơm ngào ngạt, chỉ vì một con chuột chết xông mùi lên làm át hết hương thơm. Đem xác con chuột đi, hương thơm lại ngào ngạt. Đời cũng thế. Một vài phần tử xấu, quấy đảo lung tung, tạo cho chúng ta ấn tượng rằng cả xã hội đều xấu. Nhưng thực tế, cả xã hội không xấu, các em ạ.

Trái lại, hầu hết mọi người trong xã hội đều tốt lành, nhân ái, vô vị lợi.

Suy trong việc xẩy ra riêng cho chị, chị thấy những điều mọi người làm cho chị, đều vô vị lợi, đều chỉ vì chị mà thôi. Những ánh mắt băn khoăn ưu tư thương cảm ấy chiếu tới chị vì nghĩ tới chị. Dĩ nhiên rằng như chị đã nói cũng có những ánh mắt giá băng chỉ nhìn chị vì tò mò, nhưng không bao giờ chúng ta căn cứ vào thiểu số để xét đoán tấm lòng cả mọi người, phải không các em.

Cho nên, xin các em nghe chị đi, đời vẫn đẹp và người vẫn tốt. Hãy tin tưởng và yêu đời.

Đời như tấm gương trong vắt. Hãy cười lên, đời sẽ cười với các em.

Hãy giơ tay ra, đời sẽ đầy âu yếm với các em. Đừng nghi kỵ, thắc mắc và xa lánh. Làm như thế là chúng ta đã tự rào một vòng kẽm gai quanh mình. Rồi ở trong đó, chúng ta vùng vẫy than khóc đau đớn một mình, than rằng đã bị cô đơn!


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 126, ra ngày 1-7-1974) 

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Hạ Sơn


NHÂN VẬT

- Tráng sĩ......trạc 30 tuổi
- Thần Đá......ngoài 80
- Người Máy

Y phục : Tráng sĩ bận quần áo võ sinh, chít khăn đầu rìu thắt lưng bỏ múi, tay cầm kiếm, vai đeo tay nải.

              – Thần Đá bận áo Đạo Sĩ, râu tóc bạc, tay cầm chòm lông bạc gắn trên đầu một cây gậy ngắn.

Thời gian : Đêm trăng của một ngày thuộc hậu bán thế kỷ 20.

Không gian : Cảnh rừng núi u tịch.

Trang trí : Vài phông cảnh rừng núi. Sân khấu trống trơn. Mé bên trái, bên cạnh bụi cây là một tảng đá.


LỚP I

Tráng Sĩ rồi Thần Đá

Tráng sĩ : (Ở trong bước ra, nhìn trời quanh quẩn rồi hạ tay nải xuống) Trời đã về khuya. Đêm trăng lại sáng vằng vặc. Cảnh trí đẹp tuyệt vời. Ta nghỉ chân ở đây rồi mai đi sớm (lại gần tảng đá, xách tay nải để bên cạnh. Trở lại giữa sân khấu, rút kiếm ra khỏi vỏ ngắm nghía rồi cất giọng ngâm):

Trời đất ngủ, nhưng lòng ta không ngủ
Ba mươi năm chờ đợi phút này đây
Ba mươi năm mang nặng nghĩa ơn Thầy
Xin ghi tạc, thề một lòng báo đáp
(lại phiến đá mài kiếm rồi giơ kiếm lên)
Hồn Kiếm ơi, ba mươi năm rằng rặc
Ta cùng mi bầu bạn giữa non cao
Trong rừng sâu, nung nấu chí anh hào
Hồn Kiếm với hồn ta hòa một điệu
Khi thong dong giữa đêm dài huyền diệu
Khi sục sôi giữa gió núi mưa rừng
Khi cô đơn, khi thánh thót vui mừng
Lòng khắc khoải, chờ mong ngày Nhập thế
Ngoài Đại Nghĩa đâu còn gì đáng kể
Kiếm đã reo trên cổ lũ hung tàn...
(có tiếng cười ròn rã ở phía đằng sau, tráng sĩ giật mình quay lại)

Thần Đá : (xuất hiện phía đằng sau tráng sĩ, nhại lại):

Kiếm đã reo trên cổ lũ hung tàn
(lại cất tiếng cười ngạo nghễ)

Tráng Sĩ : Người là ai? Tại hạ có gì thất thố để khiến người riễu cợt?

Thần Đá : (chỉ vào tảng đá) Ta là Thần Đá. Hóa thân của ta là tảng đá. Tráng Sĩ không làm điều gì thất thố cả, nhưng ta cười vì lời tâm sự tráng sĩ vừa thổ lộ đó.

Tráng Sĩ : Tại hạ không hiểu.

Thần Đá : Tráng sĩ hiểu làm sao được sau 30 năm miệt mài tu luyện trên non cao. Phải 30 năm không?

Tráng Sĩ : Vâng. Tại hạ sinh ra mồ côi cả cha lẫn mẹ, được sư phụ nuôi nấng từ thuở lọt lòng. Sau 30 năm dầy công tu luyện, bây giờ sư phụ cho phép hạ sơn nhập thế giúp đời.

Thần Đá : Giúp đời! Hừ... tài năng của tráng sĩ có gì xuất sắc mà muốn hạ sơn giúp đời!

Tráng Sĩ : Tài mọn tuy không thấm vào đâu với những bậc cao minh, tuyệt thế, nhưng ắt cũng không làm hổ danh sư phụ.

Thần Đá : (Cất tiếng cười dài)

Tráng Sĩ : (quắc mắt) Lão Trượng không tin! Lão Trượng chưa bao giờ nghe danh môn phái trên Vô Vi Cốc?

Thần Đá : Vô Vi! Vô Vi!... Hừ, tất cả đã lùi sâu vào dĩ vãng mịt mù của dòng tiến hóa...

Tráng Sĩ : Lão Trượng nói thế có ngụ ý gì?

Thần Đá : Lão thành thực khuyên tráng sĩ hãy trở về đi. Tài năng của tráng sĩ chỉ còn là bóng mờ trước triều sóng cao vòi vọi của Văn Minh Kỹ Thuật.

Tráng Sĩ : Văn Minh Kỹ Thuật? Môn phái nào vậy mà tại hạ chưa bao giờ được nghe nói đến.

Thần Đá : (cười ha hả) Làm sao tráng sĩ nghe nói đến được khi mà tráng sĩ chôn vùi tuổi thanh xuân suốt 30 năm ròng nơi thâm sơn cùng cốc. Cuộc đời cuồn cuộn trôi xuôi, vạn vật sinh hóa vô cùng. Không ra khỏi vỏ ốc, con ốc làm sao nhìn thấy đại dương!

Tráng Sĩ : Không có đạo nào huyền diệu hơn Vô Vi... Không có võ công nào qua được cửa Vô Vi Cốc...

Thần Đá : Thật không?

Tráng Sĩ : (vung gươm lên, hét lớn) Hãy nhìn coi (một ánh kiếm xoẹt lên, tráng sĩ kiêu hãnh, hất hàm) Lão Trượng có nghe thấy gì không?

Thần Đá : Nghe thấy chứ. lão nghe thấy tiếng một con chim cú vừa rơi từ trên cành xuống đất  cách đây hai mươi trượng!

Tráng Sĩ : (mỉm cười kiêu hãnh) Đó là Cách Không Kiếm, một võ công thượng đẳng của Vô Vi Cốc.

Thần Đá : (rút ở bọc ra một khẩu súng) Nhưng còn thua cái này!

Tráng Sĩ : Cái gì vậy?

Thần Đá : Đây là khẩu súng.

Tráng Sĩ : Súng! Súng là cái gì?

Thần Đá : Một võ khí sơ đẳng của hậu bán thế kỷ hai mươi.

Tráng Sĩ : Khả năng của nó thế nào ?

Thần Đá : Nó có thể hạ địch thủ chớp mắt trong vòng 100 trượng.

Tráng Sĩ : (ngạc nhiên) 100 trượng?

Thần Đá : Đó là tầm xa tối thiểu. Cùng loại với nó, còn nhiều khẩu có tác dụng mãnh liệt hơn và xa hơn.

Tráng Sĩ : Những ai sử dụng được ám khí này?

Thần Đá : Tất cả bàn dân thiên hạ. Từ một đứa bé lên sáu đến một cụ già 80, miễn là được chỉ dẫn sơ qua trong vòng nửa khắc.

Tráng Sĩ : Nửa khắc?

Thần Đá : Phải, chỉ nửa khắc thôi cũng đủ chế ngự Cách Không Kiếm mà tráng sĩ phải dầy công tu luyện trong gần 20 năm. Tráng sĩ còn tài ba gì nữa?

Tráng Sĩ : (xuống tấn, nhìn thẳng vào mắt Thần Đá) Xin lão trượng coi kỹ rồi hãy nói lão trượng đã nhìn gì?

Thần Đá : A! Vô Vi Nhỡn, Vô Vi Nhỡn!...

Tráng Sĩ : Biết được Vô Vi Nhỡn thì kiến thức võ công của Lão Trượng quả là uyên thâm.

Thần Đá : Làm sao mà ta không biết được võ công đã thất truyền đó. Kẻ sử dụng Vô Vi Nhỡn có thể phóng hào quang từ mắt mình ra để soi sáng cảnh vật trong vòng 10 trượng.

Tráng Sĩ : Tại hạ thú thật mới chỉ luyện được tới mức 5 trượng thôi. Phải thượng thừa như sư phụ tại hạ thì mới soi sáng được 10 trượng.

Thần Đá : Nếu vậy tráng sĩ coi đây. (móc túi lấy ra một cái đèn pin, bấm sáng lòa).

Tráng Sĩ : (che mắt) Ối cha chả... Lão Trượng dùng ma thuật gì thế?

Thần Đá : (cười ha hả) Có ma thuật gì đâu. Người trần thế gọi cái này là cái đèn pin vì nó chạy bằng pin. Cũng gọi là cái đèn bấm vì chỉ cần bấm một cái là hào quang phóng ra tới 20 trượng.

Tráng Sĩ : Những ai có được bửu bối này?

Thần Đá : Ối chà... nó được bầy bán hà rầm ở kẻ chợ... ai mua cũng được, muốn mua bao nhiêu cũng có, lại giá rẻ không hơn giá một con gà... Lão trượng xin tặng tráng sĩ một cái xài chơi... (đưa đèn pin ra).

Tráng Sĩ : (ngắm nghía bấm thử vài lần rồi cất giọng buồn rầu) Thế là bao công phu luyện tập của tại hạ trong 30 năm đều tan tành ra mây khói. Tại hạ không thích nghi với đời sống của thiên hạ thời nay.

Thần Đá : Chính vì thế mà ta muốn nhắc tráng sĩ hãy thận trọng hơn khi nhập thế...

Tráng Sĩ : Không... tại hạ sẽ quay về... tại hạ đành xin rập đầu tạ lỗi cùng sư phụ...

Thần Đá : Sao?... Đã vội gì. Tráng sĩ còn tài năng gì nữa xin phô ra nốt cho lão được chứng kiến...

Tráng Sĩ : Thôi! Tại hạ đã thấy thế nào là Văn Minh Kỹ Thuật rồi. Võ công của tại hạ không qua nổi trào lưu tiến hóa ấy đâu.

Thần Đá : Đừng vội nản lòng (móc túi lấy ra một viên đá nhỏ ) Tráng sĩ bóp vỡ được hòn đá này chăng?

Tráng Sĩ : Chắc lão trượng muốn riễu cợt tại hạ có phải không?

Thần Đá : Không, ta không rỡn. Ta hỏi tráng sĩ thật đó.

Tráng Sĩ : Đây là trò trẻ... tại hạ có thể làm hơn thế nữa (cầm lấy hòn đá bóp mạnh... hòn đá trong tay tráng sĩ chảy nước).

Thần Đá : (kêu lên) Hỏa Tâm Lực!

Tráng Sĩ : Vâng! Đấy là Hỏa Tâm Lực. Tại hạ sử dụng lửa của trái tim để làm chẩy đá thành nước. Văn Minh Kỹ Thuật có làm hơn thế được chăng?

Thần Đá : Không! Văn Minh Kỹ Thuật không có tim. Văn Minh Kỹ Thuật bóp chết sự rung động trong trái tim mọi người. Văn Minh Kỹ Thuật không có tâm hồn. Nó làm tâm hồn người ta băng giá, nguội lạnh. Văn Minh Kỹ Thuật cũng không có lòng dạ. Nó làm lòng dạ người ta xa rời nhân bản, xa rời ý nghĩa đích thực của con người.

Tráng Sĩ : (vui mừng) Vậy tại hạ có thể làm được gì cho người trần thế?

Thần Đá : Hãy đi truyền thông ngọn lửa nhiệt thành. Hãy làm sống dậy sự rung động của tâm hồn mọi người trước Chân, Thiện, Mỹ. hãy hâm nóng tấm lòng của thiên hạ đang trở thành băng giá trước triền sóng dồn dập của Văn Minh Kỹ Thuật. Phải khuất phục Văn Minh Kỹ Thuật bằng chính Hỏa Tâm Lực (Có tiếng cười ghê rợn xuất phát từ hậu trường Cả hai cùng im bặt, lắng tai nghe Lại một tràng cười nữa cất lên).

Thần Đá : Văn Minh Kỹ Thuật!

Tráng Sĩ : (lùi lại, giơ kiếm lên, nhìn quanh).

Thần Đá : Hãy thử lửa đi! Nếu tráng sĩ thất bại, lão không còn lý do gì kìm giữ tráng sĩ trong ý định trở về Vô Vi Cốc tạ tội với sư phụ và tiêu dao cho hết tuổi thanh xuân.

Tráng sĩ : Tại hạ xin cố gắng.


LỚP II

Thêm người máy

Người Máy : (Khật khưỡng bước ra, vừa đi vừa cười ngạo nghễ) Khuất phục Văn Minh Kỹ Thuật bằng Hỏa Tâm Lực... Hà... hà... Thật là một tham vọng ngông cuồng. Từ xưa tới nay không có một mãnh lực nào có thể khuất phục được sức mạnh vô song của Văn Minh Kỹ Thuật.

Tráng Sĩ : Ngươi đừng lớn lối. Từ xưa tới nay cũng chưa có mãnh lực nào khuất phục được ý chí của con người.

Người Máy : Ý chí là cái gì?

Tráng Sĩ : Là tất cả. Là sức mạnh của tâm hồn, là sự khôn ngoan, là lòng hy sinh, là sự quả cảm, là bền bỉ, là nhẫn nại. Nó được nuôi dưỡng bằng yêu thương rung động.

Người Máy : (ngơ ngác) Ngần ấy thứ có giúp con người lên được mặt trăng không?

Tráng Sĩ : Đi xa hơn nữa. Nó giúp con người hòa đồng vào tận cùng của vũ trụ.

Người Máy : Văn Minh Kỹ Thuật rồi cũng sẽ có ngày đi vào tận cùng của Vũ Trụ.

Thần Đá : Thôi, cãi nhau làm gì mất công. Hãy làm một cuộc so tài.

Người Máy : Phải đó! Hãy làm một cuộc so tài.

Thần Đá : Người Máy! Mi có biết làm tính không?

Người Máy : (cười ha hả) Đó là sở trường của ta.

Thần Đá : Vậy cuộc so tài thứ nhất là giải một bài toán. Mi có phản đối gì không?

Người Máy : Tôi ký cả hai tay!

Thần Đá : Vậy hãy nghe đề thi thứ nhất : "Hai lực lượng chiến đấu chống nhau. Bên xâm lăng là 50 vạn quân tinh nhuệ với võ khí hùng hậu. Bên tự vệ là 1 vạn quân ô hợp với võ khí thô sơ. Bên nào thắng?

Người Máy : Bên 50 vạn quân thắng!

Tráng Sĩ : Không! Bên 1 vạn quân thắng.

Thần Đá : Người Máy! Ngươi thua keo đầu rồi!

Người Máy : Vô lý! Theo sự tính toán của ta thì...

Thần Đá : Mi đã tính toán sai. bài tính của mi thiếu một giả thuyết. Đó là lòng yêu nước!

Người Máy : Hừ! Lòng yêu nước là cái gì?...

Thần Đá : Nếu chưa biết thì mi giở lại hộc ký ức của ngươi coi. Vào năm 1282, năm mươi vạn hùng binh của Vua nhà Nguyên dưới quyền điều khiển của Thái Tử Thoát Hoan qua xâm lăng Việt Nam...

Người Máy : Ta thấy rồi! 50 vạn hùng binh của quân Nguyên tan nát như lá tre trên sông Bạch Đằng. Ta chịu thua keo đầu!

Thần Đá : (vuốt râu) Bây giờ làm một con tính khác.

Người Máy : Dẹp lối tính toán kỳ cục ấy đi! Phải đổi môn thi thì mới gọi là công bình.

Thần Đá : Mi muốn thi cái gì?

Người Máy : Ta muốn đấu sức!

Thần Đá : Được lắm! Đó là ý muốn của ngươi... Nhưng nếu đấu sức nữa mà cũng thua thì mi phải đền bù cái gì?

Người Máy : Tôi sẽ làm nô lệ cho các người đời đời...

Thần Đá : Được lắm! Bây giờ cả hai bên nghe cho rõ bài thi đấu sức đây. Ta có hai tảng đá. Mỗi bên phải giơ tảng đá lên cao khỏi đầu và giơ thế mãi. Bên nào làm rớt đá trước thì thua!

Người Máy : Dễ ợt mà! Ta sẽ cho các ngươi biết cường lực của Văn Minh Kỹ Thuật. Nào, bê lên (cầm tảng đá lên bằng một tay) hì... hì... nó nhẹ như lông hồng.

Thần Đá : Bỏ xuống đã! Chờ hiệu lệnh đàng hoàng kẻo sau này kiện cáo mất công. Nào, cả hai bên nghe ta đếm đây! Một! Hai! Ba!

(Tráng Sĩ và Người Máy cùng nhấc tảng đá lên khỏi đầu).


THỜI GIAN TRÔI QUA

(Nếu là lửa trại mọi người có thể hát một bản đồng ca Nếu là sân khấu, âm nhạc sẽ dồn dập)

Thần Đá : Người Máy, mi sắp thua rồi!

Người Máy : (run run tay rồi rung động cả thân mình).

Thần Đá : Ráng lên! Nếu không mi sẽ chịu cảnh nô lệ đời đời...

Người Máy : (loạng choạng toàn thân, rên rỉ) Ôi! Ta chịu hết nổi rồi... cho ngừng cuộc thi đến ngày mai...

Thần Đá : (cười ròn rã) Ngừng sao được!... Nếu ngươi làm rớt hòn đá là mi thua.

Người Máy : Ta cần mặt trời... Ta cần ánh nắng để nạp vào tế bào quang điện... (loạng choạng suýt té).

Thần Đá : Mặt trời!... Đêm mới về khuya. Trời lại vần vũ chuyển mưa. Ngày mai cũng sẽ không có mặt trời...

Người Máy : (rên rỉ) Ta thua mất... ta sắp quị rồi... (loạng choạng ôm hòn đá đi, mặt ngơ ngác) Mặt trời... Ta cần mặt trời... (Té khụy xuống, tảng đá văng ra xa Nằm bất động).

Tráng Sĩ : Người Máy! Mi thua rồi.

Thần Đá : (vuốt râu) Nói với nó bây giờ vô ích. Nó có còn hiểu gì đâu. Nó không còn khả năng gì nữa. (tiến lại người máy lôi xềnh xệch) Bây giờ nó chỉ là đống sắt vụn vô tri... (đi vào).

Tráng Sĩ : (sửng sốt ngó, rồi cũng đi theo).


MÀN HẠ


NHẬT TIẾN   
11-7-1973     


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 100, ra ngày 29-7-1973)



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>