Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Con Chồn Quỷ Quyệt


Ngày xưa, có một bà bồ câu nọ làm tổ trên một cành cây cao ở ngoài bìa rừng. Cái tổ của bà xinh xắn và êm ái vô cùng nên bà ta rất hãnh diện về công trình của mình.

Trong cái tổ ấy, bà bồ câu đã sinh hạ được bốn đứa con kháu khỉnh. Ôi chao! Cái lũ bồ câu con mới dễ thương và đáng yêu biết bao! Chúng nó đứa nào cũng khoác trên mình một bộ áo bằng lông tơ trắng mượt và mịn màng. Bốn đôi mắt lúc nào cũng mở tròn xoe và ngơ ngác nhìn ra xung quanh bằng một vẻ ngây dại. Và nhất là bốn cái mỏ nho nhỏ, xinh xinh lúc nào cũng há to và kêu chim chip như thể muốn đòi ăn.

Riêng về phần bà bồ câu, sau khi sinh nở xong, bà ta có được nghỉ ngơi hay rảnh rang một chút nào đâu: bà ta bận bịu suốt ngày vì phải lo kiếm mồi đem vế mớm nuôi cho lũ con thơ dại. Ấy thế mà chẳng bao giờ bà chịu hé mỏ than van lấy một câu. Trái lại, bà luôn luôn tỏ ra vui vẻ và thường âu yếm nâng niu, săn sóc đám con của mình. Bà quả là một người mẹ hiền đảm đang và đáng kính trên đời này vậy. Và có lẽ trời xanh kia cũng chẳng nỡ phụ lòng mong ước của bà mẹ hiền ấy nên bốn đứa con của bà lúc nào cũng ngoan ngoãn, hòa thuận và thương yêu lẫn nhau. Mỗi khi nhìn thấy đàn con ríu rít hát ca bên nhau, bà bồ câu lại cảm thấy trong lòng tràn ngập hạnh phúc.

Song… sự đời thường có lắm nỗi éo le. Một việc chẳng may đã xảy đến khiến cho bà phải ân hận suốt đời chỉ vì thiếu bình tĩnh để suy xét điều hơn, lẽ thiệt…

Một buổi sáng nọ, có một gã chồn đi thất thểu ngoài bìa rừng gần nơi mẹ con bà bồ câu đang trú ngụ. Gã đã già yếu nên vẻ nhanh nhẹn đã bớt đi nhiều. Đó cũng là nguyên do tại sao mấy hôm nay gã chẳng có tí gì trong bụng: không nhanh nhẹn thì làm sao mà đuổi bắt thú rừng cho được chứ? Thế nên chả trách gì bây giờ gã đói vô cùng. Phải! Gã đói, đói… khốc liệt, đói thật sự chứ chẳng phải chuyện đùa. Chao ôi! Tội nghiệp cho cái thân già của gã quá! Giờ này cái “thằng” bao tử trong bụng gã cũng đang lồng lộn, gào thét đòi… “quyền sống” một cách khổ sở. Cái đói đã làm cho gã đi không vững, bước cao, bước thấp, chuệnh choạng như người say rượu. Gã đưa đôi mắt lờ đờ nhìn lên bầu trời xanh. Ô! Trời hôm nay xanh thực, xanh ngắt, không một vẩn mây. Nhưng… trời xanh thì mặc trời xanh! Gã đang đói thì còn hơi sức đâu mà ngắm nhìn trời xanh chứ. Chẳng phải gã ngắm trời xanh đâu mà là gã đang ngắm… mấy mẹ con bà bồ câu trên một cái tổ cao.

Ôi chao! Ước gì gã tóm được một mạng nhỉ? Chỉ một mạng thôi! Một mạng cũng đủ “dẹp tan” cuộc “nổi dậy” của cái tên bao tử khốn nạn trong bụng gã. Gã mải ngẫm nghĩ, suy tính mà không hay nước rãi đã trào ra hai bên mép tự bao giờ.

Chợt… hai mắt gã sáng lên: trong đầu óc gã bỗng nảy ra một mưu kế sâu độc. Thế là người gã tỉnh như sáo sậu. Gã chạy đến gần gốc cây nơi mẹ con bà bồ câu đang làm tổ trên một cành cao và cất giọng ồm ồm:

- Ớ này mụ bồ câu kia! Khôn hồn thì hãy thẩy xuống đây một thằng nhóc nếu không ta sẽ leo lên cây… xơi tái hết mấy mẹ con mụ bây giờ!

Đang mớm mồi cho con, bà bồ câu bỗng giật nẩy mình vì những lời lẽ hăm dọa của gã chồn. Thôi khổ đến nơi rồi! Biết tính làm sao bây giờ? Nếu gã leo lên cây thì bà có thể bay thoát đi nơi khác nhưng còn mấy đứa con của bà… Chúng nó hãy còn non nớt, chưa ra ràng thì làm sao bay theo bà được? Đang bối rối chẳng biết suy tính ra sao thì bà lại thót người vì tiếng thúc giục của gã chồn:

- Này! Mụ có nghe ta nói không? Grừừ… Được lắm! Nếu mụ không nghe lời ta thì ta sẽ leo lên cây giết hết mẹ con mụ ngay lập tức!

Và để phụ họa cho lời nói, gã chồn nhổm người, bám hai chân trước vào thân cây, ra vẻ là gã sắp leo lên thực. Thấy thế, bà bồ câu rụng rời “tay chân”. Thôi thì đành phải hy sinh một đứa để cứu ba đứa kia vậy.

Và với hai hàng lệ trào ra hai bên khóe mắt, bà bồ câu run rẩy lấy mỏ quắp lấy một đứa con thân yêu và thả xuống dưới đất. Gã chồn cười rú lên vì khoái trá và nhoài người chộp lấy… Con bồ câu non há mỏm kêu la thảm thiết vì sợ hãi. Nhưng gã chồn không thèm lý đến điều đó. Gã nhẹ nhàng ngoạm lấy con vật non nớt và chạy thẳng vào rừng. Trong khi đó, trên cái tổ cao, bà mẹ đáng thương cũng bắt đầu khóc sướt mướt vì mất con.


  
 Tình cờ lúc ấy, có một bà hạc bay ngang qua tổ của bà bồ câu. Thấy bà bồ câu khóc lóc thảm thiết, bà hạc mới động lòng, bay sát lại gần tổ và cất tiếng hỏi:

- Này, chị bồ câu! Sao chị khóc thế? Có chuyện gì vậy? Kể cho tôi nghe nào, may ra tôi có thể giúp ích được gì cho chị chăng?

Bà bồ câu mếu máo:

- Khổ lắm bác ơi! Hu hu!

Rồi bà bắt đầu kể lại đầu đuôi câu chuyện cho bà hạc nghe. Loài hạc vốn thông mình nhất và hiểu biết sự đời nhiều nhất trong số các loài chim trên đời nên sau khi bà bồ câu kể xong, bà hạc lên tiếng trách:

- Ồ! Sao chị lại ngớ ngẩn thế? Tự đời nào đến giờ, loài chồn đâu có biết leo cây. Chị đã bị gã chốn lừa một vố rồi đấy!

Lúc ấy, bà bồ câu mới giật mình và kêu lên:

- Ờ nhỉ! Loài chồn đâu có biết leo cây! (Và bà… thở dài) Chao ôi! Em thực ngu dại quá! Nếu lúc đó em giữ được bình tĩnh thì đâu có xảy ra cớ sự như vậy!

Rồi bà lại tu tu lên khóc. Bà hạc bèn an ủi:

- Thôi chị đừng buồn! Chuyện gì đã qua thì cho nó qua luôn. Đừng nghĩ ngợi làm chi mà có hại cho sức khỏe. À mà tôi dặn chị này! Lần sau nếu gã chồn có trở lại thì chị cứ thách thức gã leo cây. Tôi cam đoan chị sẽ làm cho gã tức điên lên cho mà xem! Chị nhớ nhé! Thôi tôi đi đây.

Bà bồ câu nói:

- Vâng, cám ơn bác. Em nguyện sẽ nghe lới bác.

□ 

 Hôm sau, quả nhiên… quen hơi bén mùi ăn mãi… gã chồn trở lại định “giở mửng cũ” để bắt thêm một chú bồ câu con “làm thịt”. Nhưng gã chưa kịp mở lời thì bà bồ câu từ trên cành cây cao đã hét vọng xuống:

- Quân lưu manh! Mày định bắt con của bà nữa đấy hả? Được! Có ngon thì leo lên đây bắt, không thì xéo đi ngay, bà đây chẳng công đâu mà dâng con cho mày!

Gã chồn chết điếng người, gã há hốc mồm ra vì kinh ngạc. Gã không ngờ chỉ mới một ngày mà bà bồ câu lại tỏ ra khôn ngoan như vậy. Hừm! Hẳn là có đứa nào mách nước cho con mụ đây mà! Chứ cái thứ đần độn, ngu dốt như mụ ấy thì làm sao biết được mưu kế của gã.

Gã chồn tức lắm song bề ngoài vẫn giả vờ thản nhiên. Gã cười hềnh hệch và cất tiếng hỏi:

- Khá lắm đấy! Mụ dám lớn lối với ta như vậy thì kể ra cũng to gan thật. Nhưng này! Ta muốn biết đứa nào đã dạy khôn cho mụ. Mụ đừng hòng qua mặt được ta. Hừ! Cái mã của mụ thì chỉ…

Gã chồn chưa kịp dứt lời thì bà bồ câu lại hét lên:

- Thôi! Câm mốm lại đi! Đừng có giả vờ lên mặt nữa. Ta đây cũng chẳng cần giấu giếm làm gì! Ừ đấy! Bà hạc chỉ vẽ cho ta đấy! Mi có tức thì đi kiếm bà ta mà gây sự. Hừ! Ta dám chắc thể nào bà ấy cũng sẽ dạy cho mi một bài học đích đáng!

Nghe bà bồ câu nói, gã chồn tức muốn lộn ruột. Nhưng gã cố dằn nén cơn giận, chỉ hừ một tiếng nhỏ và lầm bẩm:

- Được lắm! Để rồi xem ai sẽ dạy ai cho biết!

Và chẳng cần bà bồ câu lên tiếng đuổi xua, gã chồn đã tự động lủi đi nơi khác. Trên cây cao, bà bồ câu thở phào: bà ta vừa đuổi được gã chồn quỉ quyệt, gã đã từng gieo tai họa cho bà một lần.

□ 

 Phải mất công lùng kiếm khá lâu, gã chồn mới tìm thấy bà hạc. Bà ta đang đứng suy tư bên bờ đầm.

Bỗng nhiên, gã chồn chợt cảm thấy tưng tức. Gớm! Lúc nào con mụ ấy cũng ra vẻ ta đây là nhà hiền triết cả. Hừ! Phen này ta phải làm cho mụ sáng mắt ra mới được.

Riêng phần bà hạc thì bà ta đã trông thấy gã chồn khi gã hãy còn ở xa. Trong lòng bà cảm thấy thích thú và hãnh diện vô ngần.

Hì hì! Chắc là gã chồn định kiếm ta để gây sự về chuyện ta giúp mưu cho mẹ con bà bồ câu đây! À mà phải thế chứ! Bề gì ta cũng là một kẻ khôn ngoan, không lẽ lại chẳng biết mưu của cái tên chồn khốn kiếp đó sao?

Tuy thấy khoan thai trong lòng, song bà hạc vẫn đứng yên, giả vờ như không hay biết gì và chờ cho gã chồn đến gần. Gã cất giọng hỏi thăm bà ta:

- A! Chào bà hạc! Sao bà lại đứng đây? Độ rày bà ra sao?

Lúc đó, bà hạc mới quay đầu lại và mỉm một nụ cười như muốn chế diễu, nửa như để xã giao. Bà nói:

- Chú chồn đấy à? Cám ơn chú. Độ rày tôi vẫn bình thường. Sao? Gió nào mang chú tới đây thế?

Nghe giọng lưỡi của bà hạc, gã chồn càng thêm cay cú. Gã trả lời ỡm ờ:

- Dạ thưa gió bắc đưa em tới đấy ạ! À mà bà hạc này! Nếu như bà đang đứng trên một quãng đồng trống mà gió bắc bỗng thổi tới ào ạt thì bà sẽ quay đầu về hướng nào để tránh gió nhỉ?

Bà hạc mỉm cười, đáp:

- Chú thật khéo hỏi lôi thôi. Dĩ nhiên là lúc ấy, tôi sẽ quay đầu về hướng nam chứ sao?

- Thế gió thổi từ hướng đông thì…

- Tôi sẽ quay đầu về hướng tây chứ còn hướng nào nữa! – Bà hạc ngắt lời gã chồn.

- Bà khôn ngoan thật. Em xin phục bà sát đất. Thế nhưng… ngộ gió thổi từ mọi hướng tới thì sao?

Nghe gã chồn khôn, bà hạc cao hứng đáp:

- À, lúc đó tôi sẽ rúc đầu vào cánh như thế này này…

Vừa nói, bà hạc vừa ra dáng cho gã chồn thấy. Nhưng… lập tức, gã chồn phóng tới, vồ lấy bà hạc. Những móng chân của gã bấu chặt vào mình bà ta khiến cho bà không tài nào trốn thoát được.

Gã chồn đắc chí cười vàng. Gã cất giọng mỉa mai:

- Thưa bà hạc! Bà vẫn thường tự phụ rằng bà là một kẻ khôn ngoan. Nhưng giờ đây chắc bà cũng đã rõ giữa hai ta, ai là người khôn ngoan nhất rồi chứ?

Và gã chợt đổi giọng:

- Ha ha! Đúng là “việc người thì sáng, việc mình thì quáng”. Lúc trước mụ đã từng mách nước cho mụ bồ câu khiến mụ ta cứu thoát ba đứa con còn lại ra khỏi tròng mưu kế của ta. Nhưng lúc này… hà hà… tiếc quá, mụ lại không thể làm cách gì để cứu chính bản thân của mụ nữa.

Hỡi ơi! Chỉ vì một phút sơ suất, mải lo hoang, mà giờ đây bà hạc – một kẻ khôn ngoan – đã lọt vào vòng kiềm tỏa của gã chồn hiểm độc. Nếu bà ta có tỉnh ngộ thì cũng đã quá muộn.

Và… bằng hàm răng bén nhọn, gã chồn cắn vào cái cổ dài mềm mại của bà hạc một miếng thật sâu, thật… ngọt.


TAM ANH      


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 230, ra ngày 1-1-1975)

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

CHƯƠNG IX_TƯỚNG CƯỚP BIỂN


CHƯƠNG IX


Tàu cập bến Manila vào lúc sẩm tối. Có mấy chiếc xe hơi chờ sẵn. Nhân viên phụ trách mời A Lịch và Ly Kim lên một chiếc, đưa về nha An ninh. Một lát sau, Ba Đôn mới dẫn ông bà Mạc Cư và Cát Tiên xuống bến, lên xe. Tự tay chàng lái xe đưa ông và gia đình về một biệt thự yên tĩnh ở vùng ngoại ô thành phố. Hơn một giờ sau, chàng mới trở lại nha An ninh.

Trong phòng chờ đợi, A Lịch ngồi thừ trên ghế dựa. Chàng không chuyện vãn gì với Ly Kim, mặc dầu hơn một ngày nay, chàng không gặp nàng. Bởi vì chàng đang lo lắng không biết chốc nữa về nhà, chàng có gặp được Mai Liên nữa hay không! Cái tin Ba Đôn cho chàng biết về Mai Liên mất tích, đột nhiên lại hiện đến trong tâm trí chàng, khiến chàng áy náy không yên.

Chàng chỉ mong gặp được ông Giám đốc An Ninh để trình bày về công việc của chàng, và để hỏi thăm ông về tin tức Mai Liên. Nhưng đã hơn một giờ ngồi đợi, chàng vẫn chưa thấy ai ra mời.

Phần Ly Kim khi thấy nét mặt đưa đám của A Lịch, nàng có vẻ như giận dỗi, không thèm lên tiếng trước. Nàng cũng ngồi lặng lẽ trong một góc phòng.

Bỗng cửa phòng ông Giám đốc mở rộng và có tiếng nói vọng ra :

- Mời bác sĩ A Lịch và cô Ly Kim vào!

Cả hai bật dậy, phủi áo, bước vào. Nhưng cả hai đều ngạc nhiên, sửng sốt vì anh chàng Ba Đôn đang ngồi lù lù trước mặt ông Giám đốc An Ninh, nét mặt hắn ta lại có vẻ đắc chí lắm!

Ly Kim cúi đầu chào ông Giám đốc, rồi nóng nảy chỉ tay về phía Ba Đôn, hỏi ông Giám đốc :

- Thưa ông, tại sao ông chưa ra lệnh bắt giam ông này lại, mà còn để ông ta ở đây?


Ông Giám đốc mỉm cười, chỉ hai ghế để sẵn đối diện với Ba Đôn :

- Mời bác sĩ và cô ngồi, tôi sẽ trình bày cho bác sĩ và cô rõ!

Ba Đôn thấy Ly Kim đối với chàng có vẻ giận dữ, chàng vội đứng dậy, xun xoe, bộ sợ sệt :

- Thưa cô, tôi có tội tình gì mà cô lại nỡ tâm bảo ông Giám đốc bắt giam tôi?

Ly Kim quắc mắt :

- Tội gì thì ông biết chứ! Hơn một tháng nay, ông làm gì ngoài đảo kia?

Ba Đôn cười :

- Tôi đôn đốc trai tráng trong đảo phòng thủ, để có ai định trốn thoát khỏi đảo, thì bắt ngay!

Ly Kim lớn tiếng :

- Ông lấy quyền gì mà bắt người ta?

Thấy hai người đấu khẩu nhau, sắp đi đến chỗ gay gắt, ông Giám đốc xua tay dàn hòa và nói một câu rất mập mờ :

- Cô Ly Kim ơi, bây giờ cô còn hiểu lầm ông Ba Đôn, nên cô giận ông ta, chứ chốc nữa, cô biết sự thật, cô lại xin lỗi rối rít lên cho mà xem!

Nào, để tôi hỏi thăm bác sĩ A Lịch một tí trước đã!

Nói rồi, ông quay sang A Lịch :

- Chắc bác sĩ lo lắng muốn biết tin tức cô Mai Liên, phải không?

A Lịch mừng rỡ :

- Thưa ông, phải! Tôi đang nóng lòng muốn biết tin tức Mai Liên, bởi vì... bởi vì... hôm trước ông Ba Đôn đây cho tôi biết là Mai Liên đã bỏ nhà đi biệt tích. Có phải vậy không ông?

Ông Giám đốc tươi cười gật đầu :

- Đúng thế! Ông Ba Đôn nói sự thật đó, bác sĩ ạ! Nhưng để tôi làm phép mầu gọi cô Mai Liên về đây cho ông ngay bây giờ!

Đoạn ông giơ hai bàn tay làm như vẽ bùa, rồi ông nói như ra lệnh :

- Cô Ly Kim! Cô Ly Kim! Cô còn đợi gì mà không hiện nguyên hình Mai Liên ra?

Ly Kim thong thả bới tóc lên và một tiếng "soạt", chiếc mặt giả rơi xuống, để lộ ra một Mai Liên kiều diễm, dịu dàng!

A Lịch sững sờ như từ cung trăng đến, chàng chết đứng một giây, rồi nhào tới, ôm chầm lấy Mai Liên, nghẹn ngào sung sướng :

- Trời ơi! Ly Kim chính là em Mai Liên sao? Em Mai Liên! Em đã mạo hiểm liều chết, vượt trùng dương để cứu anh sao?

Mai Liên cũng rạt rào nước mắt, nức nở :

- Bởi vì em không thể sống mà không có anh!

A Lịch nhìn sâu vào mắt người yêu, trách móc :

- Vậy mà em giấu anh mãi! Ở ngoài đảo, thì em giấu anh là phải, chứ hồi nãy ngoài phòng đợi, em vẫn không chịu cho anh hay! Em biết: từ hồi chiều đến giờ, anh cứ lo về nhà mà không gặp được em, anh buồn muốn chết... thế mà em cứ trơ trơ, em ác lắm nghe!

Mai Liên lấy ngón tay chỉ vào trán người yêu, tươi cười :

- Thì tại anh chứ! Anh ngồi thừ trên ghế, mặt xìu như người đi đưa đám ma, không thèm nói với em một nửa lời, còn đòi gì nữa?

Ông Giám đốc và Ba Đôn mỉm cười lặng lẽ kính trọng giây phút thiêng liêng của đôi trai tài gái sắc, hàn huyên hội ngộ sau những ngày gian khổ cách xa.

Sực nhớ ra điều gì, Mai Liên gỡ tay người yêu, ngồi xuống ghế, chăm chăm nhìn Ba Đôn :

- Như vậy, ông không phải là Ba Đôn thật, có phải ông là ông Huy Sinh không?

Ba Đôn cười, giơ tay lần vào đầu tóc rối, gỡ tấm mặt giả ra :

- Cô đoán đúng, tôi là Huy Sinh đây!

A Lịch đứng lên bắt tay Huy Sinh :

- Hân hạnh được gặp anh! Từ lâu, chúng tôi đã nghe tên anh, nhưng chưa hề biết mặt. Chúng tôi xin hết lòng cám ơn anh đã giải thoát cho chúng tôi!

Huy Sinh cười, nhã nhặn :

- Đó là bổn phận của tôi. Tôi cũng xin lỗi anh chị vì hôm trước đã đánh lừa anh chị một bữa hết hồn.

Mai Liên trách :

- Anh ác lắm nghe! Hôm đó mà không có anh A Lịch an ủi, chắc tôi sợ mà chết được! Nhưng không hiểu tại sao anh lại đánh lừa chúng tôi như thế?

Huy Sinh cúi đầu, trầm ngâm :

- Bởi vì tôi muốn làm cho ông Mạc Cư tin tưởng tôi hơn, và tôi cũng muốn tạo một niềm vui cho ông bà và các người trong đảo trước khi tôi thi hành đại sự...

Rồi chàng ngẩng đầu nhìn Mai Liên, mỉm cười :

- Với lại, tôi cũng muốn làm vậy để trả thù chị một chút chơi!

Mai Liên ngạc nhiên, tròn đôi mắt :

- Để trả thù tôi? Tôi làm gì mà anh trả thù tôi?

Huy Sinh cười, nhìn ông Giám đốc rồi quay lại trả lời :

- Chị biết, chúng tôi vừa tìm được manh mối về anh A Lịch. Tôi chuẩn bị mọi sự xong xuôi thì ra đảo ngay. Vậy mà khi tôi đến nơi, đã thấy chị thay hình đổi dạng, lù lù ở đó rồi! Tôi ức hết sức! Chị làm sao mà lọt vào đó được sớm thế?

Mai Liên nhìn lên trần nhà, bâng khuâng nghĩ lại những ngày gian khổ vừa qua :

- Khi anh A Lịch vừa bị bắt cóc, tôi buồn bã thất vọng kinh khủng. Nhưng vài hôm sau, tôi được tin là trong đêm hôm đó, nhà chức trách vây bắt Ba Đôn. Tôi lân la dò xét và biết được dần dần tất cả bí ẩn về vụ bắt cóc này. Điều may mắn là tôi được một ông lão làm công cho tàu đánh cá Kha Lâm, hiểu rõ hoàn cảnh đau khổ của tôi, ông đã tiết lộ cho tôi biết sự thật. Tôi nài nỉ xin ông cho tôi theo tàu ra hải đảo ấy, nhưng ông ta chỉ thuận ý đưa tôi ra đảo gần đó thôi. Tôi đành liều, đến đâu hay đó. Đến đảo bên cạnh được ít hôm, nhân một hôm trời bão tố, tôi thuê một chiếc thuyền máy chở tôi đến gần hải đảo, tôi nhảy xuống biển lội vào bờ, giả cách bị đắm tàu trôi dạt vào...

Cả ông Giám đốc và Huy Sinh đều gật gù tấm tắc khen :

- Chị thật gan dạ hiếm có! Quả thật tình yêu mạnh hơn sự chết!

A Lịch cảm động, nắm lấy tay Mai Liên. Hai người trìu mến nhìn nhau, A Lịch quay lại hỏi ông Giám đốc :

- Thưa ông, ông có thể cho chúng tôi biết số phận gia đình ông Mạc Cư sẽ ra sao, được không?

Ông Giám đốc tươi cười, giơ tay chỉ Huy Sinh :

- Được lắm chứ! Nhưng tôi xin ông con rể tương lai của ông Mạc Cư trình bày để anh chị hiểu rõ ràng hơn.

A Lịch và Mai Liên ngạc nhiên, mở tròn đôi mắt nhìn Huy Sinh. Huy Sinh có vẻ mắc cỡ, nhưng cũng tươi cười trả lời :

- Nguyên sau khi thẩm vấn Ba Đôn, chúng tôi biết việc bắt cóc anh A Lịch là do bà Mạc Cư chủ mưu... Từ lâu nay, không ai rõ ông Mạc Cư lưu vong ở đâu, nay biết được như thế, chúng tôi liền bí mật trình lên Tổng thống và Tổng thống vui mừng ra lệnh cho tôi tìm hết mọi phương thế khéo léo để triệu hồi ông về tham chánh.

Tôi cho Ba Đôn biết ý định của Tổng thống. Ba Đôn cũng rất tán thành việc đó, cho nên suốt ba tuần lễ, anh ta chỉ cho tôi mọi bí mật trong đảo. Tôi phải học thuộc lòng tất cả bộ điệu, lời ăn tiếng nói của Ba Đôn nữa, đồng thời chế tạo một cái mặt giả để cải trang thành Ba Đôn. Muốn cho khỏi lộ chân tướng, tôi phải làm bộ đi cà nhắc như bị thương v.v...

Khi tôi theo tàu Kha Lâm ra đến đảo, thì quả thật, tôi nhận thấy mọi sự đúng y như Ba Đôn đã chỉ vẽ cho tôi... Nhờ đó, sứ mạng tôi đã hoàn toàn thành công như ý định...

Ngừng một lúc, Huy Sinh mỉm cười tiếp :

- Và có lẽ còn hơn ý định nữa là sau một thời gian sống chung trong nhà ông bà Mạc Cư tôi cảm thấy yêu cô Cát Tiên tha thiết. Cát Tiên thật là một cô gái trong trắng, ngây thơ, có nhiều đức tính...

Mai Liên gật đầu :

- Phải, anh nhận xét đúng! Chị Cát Tiên quả thật là một thiếu nữ hiếm có trên đời này!

A Lịch đứng dậy bắt tay Huy Sinh :

- Xin mừng anh chọn được người bạn đường thật xứng đáng!

Huy Sinh cảm động :

- Cám ơn anh chị. Sáng nay, trên tàu, tôi đã ngỏ ý và ông Mạc Cư cùng cô Cát Tiên đã chấp thuận mối tình của tôi.

Có lẽ vài hôm nữa, ông Mạc Cư sẽ chính thức nhận chức vụ Tổng trưởng Quốc phòng. Sau đó ít lâu, chúng tôi muốn mời anh chị: chúng ta cùng làm lễ thành hôn với nhau trong một ngày cho vui vẻ, trọng thể. Không biết anh chị có bằng lòng không?

A Lịch và Mai Liên cùng reo lên hoan hỉ :

- Bằng lòng mạnh đi chứ! đó là một vinh dự lớn lao cho chúng tôi mà!

Ông Giám đốc xua tay :

- Không được! Không được! Hai đám cưới trong một ngày là không được! Như vậy là tôi chỉ được uống rượu một bữa mà thôi ư?

Huy Sinh cười :

- Ông đừng lo! Chúng tôi sẽ tổ chức tiệc tùng suốt một tuần, ông mặc sức mà uống rượu!

Ông Giám đốc gục gặc đầu, cười hề hề :

- Vậy thì được!

Huy Sinh nói với A Lịch và Mai Liên :

- Ông bà Mạc Cư cũng nhờ tôi bàn trước với anh chị là sau ngày cưới ở đây, chúng ta sẽ đi với ông bà ra thăm đảo. Ông bà sẽ thu xếp mọi việc cho anh em ở đó và đồng thời cũng để chúng ta liên hoan với họ, như đã dự tính trước đây!

A Lịch và Mai Liên mừng rỡ :

- Như vậy thì tuyệt quá! Chúng tôi xin tán thành cả hai tay! Nhờ anh thưa lại với ông bà và cô Cát Tiên giúp chúng tôi!

Ông Giám đốc đứng lên tươi cười :

- Thôi, chúng ta tạm biệt nhau để anh chị A Lịch, Mai Liên về cho gia đình vui mừng đã. Các việc khác sẽ tính sau.

A Lịch và Mai Liên cùng đứng lên bắt tay từ giã ông Giám đốc. Huy Sinh nắm chặt lấy tay A Lịch và Mai Liên dặn dò :

- Anh chị nhớ trình bày sự việc thế nào cho ông bà nhạc tôi khỏi mang tiếng nghe!

A Lịch cười :

- Anh không dặn, chúng tôi cũng phải biết phải nói thế nào rồi! Xin anh chuyển lời chúng tôi kính chào ông bà và cô Cát Tiên. Ngày mai, chúng tôi kéo nhau đến thăm ông bà và anh chị.

A Lịch và Mai Liên dìu nhau ra cửa.

Trăng hạ tuần đã lên. Bóng hai người đổ dài trên đường nhựa, chụm lại thành một. A Lịch khẽ bảo Mai Liên :

- Mọi việc kết thúc một cách thật êm đẹp, phải không em?

Mai Liên không trả lời. Nàng nghiêm trang chấp tay, nhìn lên trời cao, giọng tha thiết :

- Lạy Chúa, chúng con đã trông cậy Chúa và Chúa đã không bỏ chúng con! Xin cảm tạ Chúa! Xin cảm tạ Chúa muôn đời!


Saigon Thu 1970     
NGUYỄN HÒA GIANG

CHƯƠNG VIII_TƯỚNG CƯỚP BIỂN


CHƯƠNG VIII


Ba Đôn đi về phía hội trường và ra lệnh tập họp các người đàn ông trong đảo. Chỉ trong một tiếng đồng hồ, mọi người đã tề tựu đông đủ. Tất cả đều tỏ vẻ ngạc nhiên, lo âu vì cuộc tập họp bất ngờ này.

Ba Đôn mời mọi người ngồi, đoạn lên tiếng :

- Thưa anh em, nước nhà mới thâu hồi độc lập, cần nhiều nhân tài ra giúp nước, vì thế Tổng thống triệu hồi ông Mạc Cư về Manila để trọng dụng. Việc quá khẩn cấp, ông Mạc Cư và gia đình rời khỏi đảo này mà không kịp từ giã anh em. Ông xin tôi chuyển lời tạm biệt anh em và khuyên dặn anh em cứ yên trí, tạm thời quản trị lấy mọi sinh hoạt trong đảo. Chừng một tháng sau, ông Mạc Cư sẽ trở lại đây để sắp đặt mọi việc cho anh em. Khi ấy, ai muốn trở về Manila hoặc ở lại đây sinh sống tùy ý.

Rồi Ba Đôn cười, nói tiếp :

- Những thứ anh em đã mua sắm để mừng lễ cưới chúng tôi, xin cứ giữ lại đó. Một tháng nữa, chúng tôi sẽ trở lại đây, để cùng toàn thể anh chị em liên hoan ngày vui của chúng tôi! Bây giờ, chúng tôi xin tạm biệt anh chị em!

Tin xảy đến bất ngờ, mọi người sửng sốt một lúc, đoạn nhao nhao lên hỏi :

- Ông có chắc là ông Mạc Cư được Tổng thống triệu hồi về để trọng dụng không, hay là để bắt tội?

Ba Đôn nghiêm nghị giơ tay trấn an mọi người :

- Tôi xin lấy danh dự mà đoan chắc với anh em là ông Mạc Cư, người anh cả chúng ta, được triệu hồi để trọng dụng, chứ không có tội tình gì hết. Anh em biết, nước nhà chúng ta đã được trao trả cho người Phi Luật Tân chúng ta cai trị, vậy thì, những người trước đây vì yêu nước mà chống đối với thực dân đều là kẻ có công với quốc gia, chứ đâu phải là kẻ có tội? Không những ông Mạc Cư, mà hết thảy anh em đây đều là những nhà ái quốc, những kẻ có công với quốc gia!

Mọi người đều nhận ra lẽ phải, vui vẻ trở về nhà. Tuy nhiên, công việc xảy ra quá đột ngột, khiến một số người thắc mắc, không yên tâm.

*

Hai nhân viên phụ trách dẫn bà Mạc Cư và cô Cát Tiên đến phòng ông Mạc Cư. Vừa bước vào phòng, thấy ông ngồi ủ rũ trên ghế, bà vội chạy lại hỏi dồn dập :

- Chú Ba bảo mình bị thương nơi chân, nặng nhẹ thế nào mình?

Ông Mạc Cư cười nhạt, duỗi hai chân lành lặn cho vợ con xem :

- Ba Đôn bảo mình thế à?

Bà Mạc Cư sửng sốt vì thấy mình bị Ba Đôn đánh lừa :

- Thế là thế nào, mình? Làm sao chú ấy lại chạy về đưa tin thất thiệt thế này?

Thấy vợ hốt hoảng lo lắng, ông Mạc Cư cầm lấy tay bà, dịu dàng :

- Mình và con ngồi xuống dây, đừng hốt hoảng, để từ từ tôi kể trước sau cho mình nghe!

Bà Mạc Cư và cô con gái vâng lời, ngồi xuống ghế, đối diện với ông. Ông Mạc Cư giọng buồn rầu :

- Khi tôi và Ba Đôn theo đường tắt chạy ra đến bến, dưới tàn cây rậm, tôi thấy có ba, bốn người đang đứng chờ tại đó. Trời tối quá, tôi không nhận ra ai, tưởng là mấy anh em trong đảo đi tuần phòng. Tôi hỏi họ :

- Có chuyện gì thế, các chú?

Một người trả lời :

- Thưa ông, chúng tôi gác ở đây, thấy có chiếc tàu lạ đậu ngoài khơi, sau đó lại nghe tiếng thuyền máy chạy vào, một lúc thì máy tắt. Chúng tôi tìm mãi không thấy bóng chiếc thuyền đâu cả.

Tôi cố nhìn ra khơi: sóng biển bạc đầu đập ì ầm, không thấy gì rõ ràng cả. Tôi quay lại hỏi :

- Ai có ống dòm đó không? Cho tôi mượn một chút!

Một người đưa cho tôi, tôi đưa ống dòm lên mắt điều chỉnh. Chiếc tàu hiện rõ trước mắt, tôi lẩm bẩm :

- Không phải tàu đánh cá của Kha Lâm!

Bỗng một tiếng người đứng gần tôi, trả lời rõ ràng, đĩnh đạc :

- Phải! Không phải tàu đánh cá của Kha Lâm mà là tàu của chính phủ!


Tôi ngạc nhiên, hạ ống dòm xuống, đứng dậy định hỏi, thì đột nhiên hai bóng người xáp đến nắm chặt lấy hai cánh tay tôi và tước luôn cây súng lục trong bọc áo tôi. Người thứ ba tiến đến trước mặt tôi, cúi đầu chào và nói :

- Trình ông Mạc Cư, chúng tôi được lệnh Tổng thống đem tàu đến mời ông về Manila, có việc cần. Vì lệnh trên không muốn làm náo động mọi người trong đảo, mong ông vui lòng thông cảm cho cử chỉ đường đột vô lễ của chúng tôi!

Tôi sửng sốt, ngạc nhiên hết sức. Một lúc sau mới định thần laị được, tôi bình tĩnh hỏi :

- Té ra Ba Đôn phản bội ta hay sao? Ba Đôn đâu?

Tôi không nghe tiếng Ba Đôn trả lời, chỉ nghe tiếng một người khác :

- Thưa ông, ông Ba Đôn đã chạy về đưa bà và cô Cát Tiên về Manila với ông luôn. Xin ông yên trí, tuy chúng tôi được lệnh ép buộc ông bà trở về Manila, nhưng chắc chắn sẽ không có gì nguy hiểm xảy đến cho ông bà và gia đình đâu. Ông bà về Manila rồi sẽ thấy sự thật như chúng tôi vừa nói.

Một người bấm đèn ra khơi làm hiệu, tức thì nghe tiếng máy nổ và chỉ mấy phút sau, một chiếc thuyền máy tiến vào đậu ngay trước mặt. Người nói với tôi lúc nãy có lẽ là viên chỉ huy bảo hai người đang giữ tôi :

- Thôi, hai chú mời ông lên thuyền ra tàu đi!

Dù muốn dù không, tôi cũng phải bước theo họ xuống thuyền. Máy thuyền nổ và từ từ trở đầu ra khơi... và họ đưa tôi lên phòng này!

Bà Mạc Cư chưng hửng :

- Thế mà Ba Đôn hốt hoảng chạy về bảo tôi là ông bắn nhau với bọn tàu cướp, bị thương ở chân, đang nằm trên tàu của Kha Lâm. Ba Đôn giục tôi đem Cát Tiên và Ly Kim ra đây với ông. Hắn cũng đi gọi A Lịch đem thuốc ra băng bó cho ông nữa.

- Thế A Lịch và Ly Kim đâu?

- Hồi nãy, cả hai đứa cùng đi thuyền máy ra đây một lượt với tôi, nhưng khi lên tàu, thì có người dẫn hai đứa đi chỗ khác, không cho đi theo tôi.

- Thế Ba Đôn đâu?

- Khi hắn đưa mẹ con tôi lên thuyền máy, thì hắn nói, hắn còn ở lại thu xếp mấy việc cần kíp, rồi sẽ lên tàu sau.

Ông Mạc Cư thở dài :

- Như vậy là hắn làm phản rồi! Chắc chính hắn dẫn đường chỉ lối cho nhân viên chính phủ chớ tụi đó làm sao biết được đường vào bến. Bà biết con đường ngoài biển vô đảo ngoắt ngoéo, mà đi trệch đường là đụng thủy lôi tan xác ngay!

Bà Mạc Cư lo lắng :

- Họ bảo là Tổng thống triệu hồi mình về Manila có việc cần và cam kết không có gì nguy hiểm, nhưng biết họ nói thật hay là nói bịa vậy để mình không chống cự?

Ông Mạc Cư ngửa đầu nhìn lên trần tàu :

- Thì họ nói vậy, mình nghe vậy, chứ thật hư ra sao, mình đâu biết được?

Cát Tiên, từ khi có trí khôn đến nay, chưa hề gặp trường hợp nào đột ngột, kinh hoàng như thế này, nàng òa lên khóc :

- Ba má ơi, con sợ lắm!

Bà Mạc Cư ôm choàng lấy con, an ủi :

- Con đừng sợ! Có ba má ở cạnh con luôn, mà con lo sợ gì? Chắc họ nói thật đó con à!

.....................................

Chiếc tàu như chuyển động, sóng vỗ vào hai bên hông tàu mạnh hơn. Ông Mạc Cư bảo vợ con :

- Hình như tàu đã bắt đầu chạy rồi. Thôi, mình và con đi ngủ đi. Rán ngủ một chút cho khỏe, lo lắng cũng chẳng được ích gì? Việc đến đâu hay đó, chúng ta hãy phú mặc ý Chúa!

Gia đình ông Mạc Cư thì ủ rũ buồn rầu, vì tai họa xảy đến bất ngờ. Còn A Lịch và Ly Kim, tuy mỗi người ở riêng biệt, không liên lạc được với nhau, nhưng cả hai cùng có một ý nghĩ: đây chính là lúc họ được giải thoát như lời Huy Sinh đã báo trước. A Lịch muốn bước ra sàn tàu, tìm mấy thủy thủ để hỏi chuyện, nhưng thấy có người vẫn đi qua lại canh phòng trước cửa, nên chàng không dám.

Nhìn ra cửa phòng, A Lịch thấy trời sáng mờ mờ, tiếng sóng vỗ ì ầm vào hông tàu, nhưng tuyệt nhiên không nghe một tiếng người, chàng mỉm cười tự bảo :

- Đây chính là một chiếc tàu ma!

*

Đêm tàn, ngày tới. Mặt trời mọc lên chiếu ánh sáng rực rỡ xuống mặt biển mênh mông, lóng lánh như muôn ngàn con rắn bạc đùa giỡn trên sóng nước. Chim hải âu bay liệng qua lại trên tàu...

Sau một đêm trằn trọc, ánh sáng mặt trời đến làm cho không khí trên tàu bớt vẻ cô quạnh. Các thủy thủ bơm nước rửa tàu, nói cười huyên náo. Trong các phòng ông bà Mạc Cư, A Lịch và Ly Kim đều có người bưng điểm tâm tới, nhưng không ai hỏi thăm họ được điều gì.

Ông Mạc Cư tin chắc là Ba Đôn có mặt trong chiếc tàu này, nên rất trông mong được gặp ông ta, nhưng không biết làm thế nào mà nhắn hỏi. Cuối cùng ông nghĩ ra một kế, ông bàn với bà, bảo Cát Tiên giả bộ đau ngất xỉu... và ông viết mấy chữ gởi cho Ba Đôn:

   Chú Ba thân mến,


Con Cát Tiên nhà tôi nó lo sợ quá, nên bị ngất xỉu, xin chú cho bác sĩ tới ngay, kẻo nó nguy mất!

MẠC CƯ             

Một lúc sau, người hầu tới bưng khay đi dọn rửa, ông Mạc Cư trao lá thư cho anh ta. Quả thật, chỉ mấy phút sau, Ba Đôn và bác sĩ của tàu đến. Sau khi bác sĩ chích cho Cát Tiên một mũi thuốc an thần, Ba Đôn đưa bác sĩ ra cửa rồi trở vào đóng cửa lại.

Chẳng biết Ba Đôn đã nói chuyện gì với ông bà Mạc Cư, mà mãi tới gần trưa, ông mới bước ra khỏi phòng. Nét mặt ông hoan hỉ, miệng nở nụ cười rạng rỡ. Còn ông bà Mạc Cư cũng tươi vui hẳn lên, khác hẳn hồi sáng. Riêng về phần Cát Tiên, mặt nàng ửng đỏ, có vẻ e lệ thẹn thùng. Bà Mạc Cư mỉm cười, nét mặt lộ vẻ thỏa mãn, bà ôm con gái vào lòng, thì thầm vào tai nàng. Ông Mạc Cư âu yếm nhìn vợ, nhìn con, tươi cười. Hình như trong lòng ông bà đang có điều gì vừa ý lắm!

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IX
 

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

CHƯƠNG VII_TƯỚNG CƯỚP BIỂN


CHƯƠNG VII


Tuy có A Lịch an ủi, nâng đỡ tinh thần, nhưng Ly Kim vẫn nơm nớp lo sợ không yên. Nàng chỉ sợ Ba Đôn vì quá si tình nàng mà ông bà Mạc Cư phải làm áp lực để ép duyên nàng. Nếu như thế, thì đời nàng sẽ đi về đâu? Lời ước hẹn với người yêu năm xưa, sẽ tan như mây khói hay sao? Nhiều đêm, nàng thao thức mãi vì những ý nghĩ đó, có đêm nàng chỉ chợp mắt được vài giờ thì trời đã sáng.

Đêm nay cũng thế, nàng không ngủ được, vì hồi chiều, lúc nàng vừa xách "gà-mên" đồ ăn ra khỏi cửa đá, thì chợt gặp Ba Đôn đi làm về. Nàng cúi đầu chào, nhưng Ba Đôn lại đăm đăm nhìn nàng một cách rất buồn bã. Vì cái nhìn ấy, nàng đâm lo sợ nuốt không trôi bữa cơm chiều. Nỗi lo lắng xâm nhập tâm tư nàng, khiến nàng hồi hộp chờ đợi tai nạn xẩy tới.

Nằm lặng nghe gió thổi rì rào, lá khô rơi xào xạc trước cửa hang và sóng biển đập ì ầm xa xa, nàng ứa nước mắt khóc thương số phận hẩm hiu của mình vô phương giải cứu!

Vừa chợp mắt được một lúc, thì nàng bỗng choàng đậy, vì có tiếng A Lịch vừa gọi nho nhỏ, vừa gõ "cạch cạch" nơi tấm cửa tò vò :

- Cô Ly Kim! Cô Ly Kim! Cô dậy chưa?

Ly Kim đằng hắng lên tiếng trả lời. Nàng đứng dậy đi rửa mặt vội vàng, rồi chạy lại mở cửa, hỏi vọng sang :

- Ông A Lịch, có việc gì vậy ông?

A Lịch đã đứng sẵn bên kia, tay cầm một lá thư chìa sang cho nàng, nói nhỏ :

- Có lá thư này lạ lắm! Sáng nay tôi dậy, thấy ai cột vào một cục đá quăng vào phòng tôi từ hồi nào không rõ. Có lẽ lúc quá nửa đêm chăng?

Ly Kim run run giơ tay cầm lấy lá thư. Trời đã sáng hẳn, nàng có thể đứng đó mà đọc:

Cùng ông A Lịch và cô Ly Kim.


Trước hết tôi xin tự giới thiệu: tôi là Huy Sinh, nhân viên an ninh quốc gia ở Manila.


Từ ngày ông bị bắt cóc, tôi được lệnh dò xét, điều tra công việc. Ít lâu sau, tôi đã tìm được dấu vết... Hiện nay, tôi đã có mặt trên đảo này. Hoàn cảnh ông và cô Ly Kim tôi đã rõ hết.


Tôi xin ông và cô yên tâm chờ đợi. Chỉ trong vài hôm nữa tôi sẽ có cách để giải thoát ông và cô ra khỏi đây bình an. Trong lúc chờ đợi, xin ông và cô tuyệt đối giữ bí mật. Nếu bại lộ thì tính mạng của ông và cô chắc bị nguy!


Đây là lá thư đầu tiên, tôi trình bày để ông và cô tin tưởng. Vài hôm nữa, khi có quyết định mới, tôi sẽ thông báo sau.

HUY SINH       

Ly Kim đọc xong, reo lên :

- Ồ! Ông Huy Sinh!

A Lịch ngạc nhiên :

- Cô cũng biết ông Huy Sinh à?

Ly Kim đưa lá thư lại cho A Lịch, lắc đầu :

- Không! Em không biết ông ta, em vừa định hỏi ông xem ông Huy Sinh là ai?

A Lịch cẩn thận châm lửa đốt bức thư, rồi bảo Ly Kim :

- Ông Huy Sinh là một nhà thám tử đại tài ở Manila. Ông đã khám phá được nhiều vụ án rất tài tình. Tôi chỉ nghe tên chứ chưa hề biết mặt ông ta.

Ly Kim nhìn A Lịch, phân vân :

- Bức thư này có đáng tin không ông?

A Lịch mỉm cười nhìn Ly Kim :

- Không biết cô nghĩ thế nào, chứ tôi thì tôi tin chắc là thư của ông Huy Sinh thật. Vì tôi đã nghe danh ông ta: tài trí, gan dạ, mạo hiểm. Chắc chắn là ông ta đang có mặt ở đây!

Ly Kim tươi nét mặt :

- Nếu ông tin, thì em cũng tin!

Rồi nàng chấp tay trước ngực, nhìn lên cao cầu khẩn :

- Lạy Chúa, xin cho chúng con được thoát khỏi nơi này bình an!

*

Từ hôm được lá thư bí mật của Huy Sinh, A Lịch và Ly Kim phập phồng chờ đợi. Bề ngoài, họ cố giữ nét mặt bình thường, nhưng trong lòng họ vui sướng như người bị tù đày sắp đến ngày mãn hạn. Họ mong ngày mong đêm qua mau cho chóng đến ngày được giải thoát.

Và cũng từ hôm đó, sáng nào Ly Kim cũng thức dậy sớm, vừa rửa mặt xong, nàng vội vàng mở cửa tò vò hỏi thăm A Lịch xem đêm vừa qua, có tin gì của Huy Sinh bí mật đưa vào không.

Sáng nay, như thường lệ, nàng vừa mở cửa nhìn sang, đã thấy A Lịch tươi cười đứng sẵn đó, tay cầm một bức thư và một gói giấy lớn. Ly Kim cầm lấy lá thư đọc vội vàng:

Cùng ông A Lịch và cô Ly Kim,


Nửa đêm ngày 15 sắp tới sẽ có một chiếc tàu của chính phủ, bí mật cập bến đảo này. Bến đó, ông và cô đã biết rồi. Vậy vào khoảng 11 giờ đêm hôm đó, ông và cô giả dạng bà Mạc Cư và cô Cát Tiên, hai mẹ con đi dạo mát ra bờ biển, rồi đi lần về phía bến, sẽ có người đưa ông và cô lên tàu.


Lúc đi đường, nếu có ai hỏi, cô Ly Kim sẽ trả lời: "Đêm nay trăng rằm đẹp quá, mẹ con ta đi dạo mát một vòng cho vui".


Nhớ đừng nói chuyện lớn tiếng, kẻo lộ hình tích. Đây tôi gởi ông và cô, hai tấm mặt giả của bà Mạc Cư và cô Cát Tiên cùng với áo xống của họ. Hãy đợi đến đêm mới nên mở gói này ra mang thử vào cho quen.


Xin nhắc lại: ngày 15, lúc 11 giờ đêm. Nếu không nhớ ngày 15 là ngày nào, cô Ly Kim hãy xem lịch treo trong nhà ông Mạc Cư cho chắc.



Xin y lời.    
HUY SINH    

Ly Kim đọc xong, sung sướng đến ứa nước mắt, nàng nhìn cái gói trong tay A Lịch :

- Có phải cái gói đó không ông?

A Lịch giơ cao lên cho Ly Kim xem :

- Chắc phải, nhưng tôi chưa dám mở ra, vì ông ta dặn phải đến đêm mới được.

Ly Kim gật đầu :

- Phải, mình chưa nên mở ra xem lúc này. Ông hãy giấu kỹ đi, tối hãy hay. Có điều không biết mấy cái mặt giả có giống bà Mạc Cư và cô Cát Tiên không?

A Lịch trao cái gói cho Ly Kim :

- Nếu cô muốn biết cho rõ, cô hãy mở xem một tí, để tôi canh chừng cho.

Ly Kim khoát tay :

- Thôi, thôi, em nói vậy, chứ xem bây giờ lỡ có chuyện chi thì hỏng hết mọi việc!

A Lịch cúi xuống nhét lá thư vào đế giày, rồi đứng lên hỏi Ly Kim :

- Cô có nhớ hôm nay là ngày mấy không? Từ lúc tôi ra đây đến giờ, một hai khi tôi chỉ nhớ thứ mấy trong tuần, chứ không nhớ ngày tháng gì hết!

Ly Kim bật cười :

- Em cũng chả nhớ nữa, mặc dầu ngày nào cũng chính tay em bóc một tờ lịch. Để tí nữa em vào xem rồi trưa em cho ông hay.

*

Trưa hôm ấy, Ly Kim đi làm về nói với A Lịch :

- Em xem lịch rồi: hôm nay là thứ tư, ngày 12.

A Lịch ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi lại :

- Hôm nay là thứ tư à? Tôi nhớ như là thứ ba sao mà? Mới chủ nhật đây mà nay đã thứ tư rồi sao?

- Ngày nào em cũng đi làm hết, em đâu có nhớ ngày nào là chủ nhật? Hồi nãy em có ý cho chắc chuyện, em hỏi cô Cát Tiên, cô cũng bảo em hôm nay là thứ tư.

A Lịch gật đầu :

- Như vậy chắc là đúng rồi, có lẽ tôi nhớ sai!

Rồi chàng lẩm nhẩm tính :

- Hôm nay thứ tư, 12. 15 tức là thứ bảy. Vậy là còn ba ngày nữa!

Ly Kim phụ họa :

- Vâng, còn ba ngày nữa!

Tối đến, cơm nước xong, A Lịch trông chừng cho Ly Kim mở gói. Nàng ngạc nhiên vì đúng là áo mặc thường ngày của bà Mạc Cư và cô Cát Tiên mà nàng vẫn giặt ủi, và hai mặt giả thì giống bà Mạc Cư và cô Cát Tiên như đúc. Cô vội gọi A Lịch :

- Ông A Lịch ơi, vào xem!

A Lịch nhìn hai bên cửa, chắc không có ai rình mò, chàng mới bước vào xem. Thấy đúng mọi sự như lời dặn trong thư, chàng mừng rỡ cầm lấy mặt giả bà Mạc Cư và áo xống của bà, rồi giao phần kia cho Ly Kim :

- Thôi, bây giờ chúng ta ai phần nấy, mặc vào thử xem. Cô nhớ vặn đèn nhỏ và che cửa lại nghe!

Rồi chàng tươi cười :

- Đối với cô, trá hình thành cô Cát Tiên thì quá dễ, chứ tôi là đàn ông mà trá hình thành bà Mạc Cư, chắc phải tập dượt lâu lâu mới được. Nào là dáng đi phải uyển chuyển dịu dàng, khoan thai thướt tha. Chân bước đi phải nhẹ nhàng chứ không được đi "độp độp" như lính...

Ly Kim nhăn mặt cười :

- Thôi, xin ông! Ông tả dáng đi của đàn bà nghe hay quá!

A Lịch lấy giấy che cửa, vặn nhỏ ngọn đèn, rồi lấy mặt giả ra mang vào. Chàng lấy áo mặc và lấy khăn trùm đầu lại. Soi vào gương, chàng suýt bật cười, ngạc nhiên: quả thật là bà Mạc Cư hiện hình! Chàng nhẹ nhàng đi lại trong phòng. Một lát sau, chàng gõ cửa nhè nhẹ gọi Ly Kim. Cửa bật mở, một cô Cát Tiên hiện ra. Vừa thấy A Lịch trong bộ mặt bà Mạc Cư, nàng mở tròn đôi mắt, hai tay ôm lấy ngực :

- Hú vía, nếu em không nhớ ra thì em cứ tưởng là bà Mạc Cư thật!

A Lịch cười, nói đùa :

- Tôi cũng vậy, cứ ngỡ là cô Cát Tiên sang chơi đó chứ!

Chàng ngắm nghía Ly Kim một lúc rồi bảo :

- Được lắm, cô Ly Kim ạ! Bây giờ cô xếp dọn cất kỹ để đi ngủ. Tôi tập thêm một lúc cho quen dần.

Đêm đó, cả hai đều không ngủ được vì lòng họ tràn ngập vui sướng!

*

Thứ năm, thứ sáu rồi đến thứ bảy... Hai người đều cảm thấy hồi hộp, vừa lo, vừa trông đợi. Trưa thứ bảy, đi làm về, Ly Kim nói với A Lịch :

- Tối nay, chúng ta thoát khỏi nơi này rồi, em không luyến tiếc gì hết. Có điều, ra đi mà không để lại một vài chữ giã biệt ông bà Mạc Cư và cô Cát Tiên, em thấy bất lịch sự và vô ơn quá! Dầu sao, em cũng đã mang ơn ông bà và cô Cát Tiên rất nhiều. Không biết ông nghĩ sao?

A Lịch gật đầu :

- Tôi cũng đang định bàn chuyện với cô đây. Tôi nghĩ chúng ta mỗi người viết một lá thư, đại ý nói, mình vì hoàn cảnh phải trốn thoát nơi đây, nhưng mình hứa sẽ không bao giờ tiết lộ bí mật dù phải chết. Đàng khác mình cũng hết lòng cám ơn ông bà đã đối xử rất độ lượng với mình v.v...

Ly Kim thắc mắc :

- Ý ông định viết như vậy, phải lắm. Nhưng em sợ là nay mai đây, nếu chính phủ quyết định việc gì liên can đến đảo này thì sao? Mình có mang tiếng là đã tiết lộ bí mật ra không?

A Lịch lắc đầu :

- Mình cứ giữ đúng theo lời hứa của mình thôi. Còn việc cơ quan an ninh của chính phủ khám phá ra thì mặc họ chứ, đâu phải tại mình tiết lộ? Việc phải đến sẽ đến, chắc khi ấy ông bà cũng sẽ rõ là không phải tại tụi mình khai báo.

Thôi, cô cứ yên tâm viết thư đi. Tối nay, trước khi đi, chúng ta sẽ để lá thư ấy lại trên bàn.

Hai người chia tay nhau đi viết thư. A Lịch viết vắn tắt mấy hàng:

Kính Ông Bà và Cô,

Cháu đột ngột trốn khỏi nơi này mà không dám cáo biệt ông bà và cô, mong ông bà và cô thông cảm hoàn cảnh éo le của cháu mà thứ lỗi cho cháu. Tuy vậy, cháu xin lấy danh dự mà hứa với ông bà và cô là cháu sẽ không bao giờ tiết lộ những điều mà cháu đã nghe thấy ở đây và ngay tên đảo này, cháu cũng sẽ không đả động tới. Xin ông bà và cô tin lời cháu.


Kính thư,   
A LỊCH      

Bức thư của Ly Kim viết dài hơn:

Kính thưa Ông Bà,


Cháu không may bị lưu lạc vào đây, được ông bà thương yêu như đứa con. Ơn ấy cháu đời đời ghi tâm khắc cốt và không biết lấy gì đền đáp được. Cháu hằng cầu xin Chúa ban nhiều ơn lành cho ông bà, để trả ơn ấy thay cho cháu.


Nay cháu từ biệt nơi đây mà không dám nói sự thật cho ông bà hay biết, cháu thật có lỗi lớn, cháu mong ông bà thông cảm mà tha thứ cho cháu.


Cháu xin cam kết với ông bà là cháu sẽ tuyệt đối giữ bí mật tất cả mọi sự về đảo này. Cháu hứa chắc như thế, nếu có phải chết, để giữ trọn lời hứa đó thì cháu cũng sẽ vui lòng. Cháu cầu mong ông bà hiểu lòng cháu và tha thứ cho cháu.


LY KIM       


Chị Cát Tiên yêu quý,

Em muốn viết vài hàng riêng để từ giã chị. Em ra đi, không có một lời nói với chị, thật là có lỗi. Từ ngày em lưu lạc vào đây, được chị thương yêu như một đứa em, em rất lấy làm cảm kích, không biết lấy gì tỏ lòng biết ơn chị cho hết được. Mong chị thấu rõ hoàn cảnh của em mà tha thứ và cầu nguyện cho em. Phần em, ngày đêm, em vẫn không bao giờ quên người chị mà em yêu kính suốt đời.

Em cầu chúc chị được mọi điều an vui, hạnh phúc.

Em của chị.     

 LY KIM         

*

Cơm tối xong, cả hai tắt đèn, giả bộ đi ngủ sớm, để cải trang. Ly Kim trao lá thư của nàng cho A Lịch bỏ chung trên bàn trong phòng chàng.

Ngoài trời, trăng đã lên cao, chiếu ánh sáng mờ nhạt xuống trên núi đồi, cỏ cây. Gió thổi nhè nhẹ từ biển vào nghe lành lạnh. Lá khô rơi xào xạc trước cửa hang. Nhìn ra ngoài, không một bóng người qua lại. Vạn vật như đắm chìm trong giấc ngủ, chỉ còn nghe tiếng côn trùng rỉ rả một bài ca vô tận.

Hai người hồi hộp, chờ đợi giờ quyết định đến. Chốc chốc, A Lịch lại xem đồng hồ đeo nơi tay, rồi báo cho Ly Kim biết: 10 giờ...10 giờ 15... 10 giờ 30... 10 giờ 45... rồi 11 giờ! Cả hai hồi hộp ra gần cửa nhìn hai bên, thấy không có một bóng người nào, họ mới yên trí nhè nhẹ xô cửa bước ra. Họ đứng nhìn nhau một lúc: đúng là hai mẹ con bà Mạc Cư! Cả hai thong thả rảo bước vế phía bờ biển. Họ đi sát vào nhau, không ai dám nói với ai một lời. Đi được một quãng khá xa, thấy mọi vật yên tĩnh, không có gì khả nghi, Ly Kim mới khẽ bảo A Lịch :

- Em lo quá!

A Lịch trấn an :

- Cô cứ yên trí, mọi sự sẽ êm thuận mà! Nếu cô thiếu bình tĩnh thì nguy lắm. Lỡ có ai hỏi, làm sao cô trả lời được? Cô cứ tập trung ý chí, thở từng hơi dài, là hết sợ ngay!

Ly Kim vâng lời thi hành liền. Một lúc sau, cả hai đi vào dưới tàn cây rậm rạp, chỗ có con đường bí mật từ ngoài biển ăn thông vào đảo. Họ nhìn ra khơi: không thấy tàu bè nào đậu ngoài khơi cả. Nhìn chung quanh, cũng chỉ thấy cây cối um tùm, chứ không thấy gì lạ. Cả hai ngạc nhiên, phân vân không hiểu nguyên do làm sao. Bỗng một tiếng "đằng hắng" nổi lên, cả hai giật mình sợ hãi sửng tóc gáy... mắt chăm chăm nhìn về phía có tiếng đằng hắng vừa rồi. Từ sau một thân cây, một bóng người bước ra. Cả hai sựng lại, Ly Kim run rẩy, hai chân nàng chực quỵ xuống. A Lịch vội vàng đỡ lấy nàng. Bóng người đến gần... một ánh lửa lóe lên, Ly Kim thảng thốt kêu :

- Trời! Chú Ba Đôn!

Bóng đen lạnh lùng :

- Phải! Ba Đôn đây! Cô cậu định trốn thoát khỏi đảo này phải không? Tôi biết cô cậu trá hình thành mẹ con bà Mạc Cư, ra đây rồi có tàu bí mật đến đón...Nhưng làm sao mà lọt qua mắt tôi được? Cô cậu phải biết: tình báo của tôi "nhậy cảm" lắm mà!

Rồi ông ta ra lệnh :

- Bây giờ cả hai người tháo mặt giả ra đưa cho tôi. Còn ông A Lịch cởi luôn chiếc áo đàn bà ra và mặc áo này vào!

Vừa nói, ông ta quăng sang cho A Lịch một chiếc áo đàn ông. Cả hai riu ríu y theo lệnh Ba Đôn. Ba Đôn cầm lấy tang vật xếp gọn lại, gật gù :

- Đây là bằng chứng, tôi sẽ đưa về trình với ông bà Mạc Cư!

A Lịch năn nỉ :

- Chúng tôi xin ông đừng đem chuyện này nói cho ông bà Mạc Cư hay.

Ba Đôn quắc mắt nhìn hai người :

- Tại sao lại đừng nói? Trừ phi cô cậu chấp thuận điều kiện tôi đưa ra!

Bây giờ, Ly Kim mới lấy lại được bình tĩnh, nàng rụt rè hỏi :

- Thưa ông, điều kiện gì?

Ba Đôn cười hề hề :

- Điều kiện gì thì cô cậu đã biết rồi! Nhưng thôi, để tôi nhắc lại rõ ràng hơn: Điều kiện là ông A Lịch phải chấp thuận đề nghị của ông bà Mạc Cư. Còn cô Ly Kim thì phải chấp thuận lời cầu hôn của Ba Đôn này!

Ly Kim hốt hoảng nắm chặt lấy tay A Lịch như cầu cứu! A Lịch dùng kế hoãn binh :

- Thưa ông, lúc này chúng tôi đang xúc động quá. Xin ông để cho chúng tôi vài ngày nữa sẽ trả lời.

Ba Đôn ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu :

- Vài ngày thì không được đâu! Tôi chỉ để cho cô cậu đến trưa mai, phải trả lời cho tôi trước 12 giờ!

Rồi ông ta nói như dọa :

- Nếu cô cậu không chấp thuận điều kiện tôi vừa nói, thì nội chiều mai, tôi sẽ đưa câu chuyện và tang vật này ra, không những cho ông bà Mạc Cư biết, mà còn cho cả toàn dân trong đảo này biết nữa, để họ quyết định về việc làm của hai người!

Thôi, bây giờ hai người trở về phòng ngủ đi. Nhớ đừng nói chuyện gì với nhau dọc đường, nghe!

A Lịch và Ly Kim lủi thủi quay trở về. A Lịch còn giữ được bình tĩnh, chứ Ly Kim thì khóc rấm rứt. Cả trời hy vọng sụp đổ trong lòng nàng! Nàng bước thấp bước cao, thỉnh thoảng lại té quỵ xuống, báo hại A Lịch phải dìu nàng từng bước. Về đến trước cửa hang, Ly Kim ngồi bệt xuống, òa lên khóc :

- Ông A Lịch ơi! Bây giờ biết làm thế nào hở ông? Nếu phải chịu điều kiện của Ba Đôn thì em chết mất!

A Lịch trong ruột cũng đang rối như tơ vò, nhưng thấy vẻ tuyệt vọng của cô bạn, chàng cố an ủi :

- Cô đừng vội ngã lòng, biết đâu đêm nay ông Huy Sinh thấy chúng ta lỡ việc, sẽ tìm kế khác giúp chúng ta!

Nghe nhắc đến tên Huy Sinh, Ly Kim lại thấy lóe lên một tia hy vọng yếu ớt. Nàng lau nước mắt, nhưng miệng vẫn mếu máo :

- Nhưng tại sao ông ta hẹn chúng ta 11 giờ đêm ngày 15 thì ra bến, mà chúng ta ra đó lại chẳng thấy gì như ông ta đã báo, chỉ thấy Ba Đôn, nghĩa là sao?

A Lịch trầm ngâm :

- Tôi nghĩ là có khi mình tính sai ngày chăng? Hôm trước, cô nói là thứ tư, mà tôi thì cứ đinh ninh là thứ ba.

Ly Kim cãi :

- Thì em xem lịch chớ em có biết đâu! Tấm lịch đó, trước thì cô Cát Tiên lo bóc mỗi ngày, về sau, cô giao cho em lo.

A Lịch cắt ngang :

- Đó là tôi đoán mò vậy. Có khi biết đâu, Ba Đôn dò được bí mật của chúng ta, đã xé trước đi 1 tờ, để bắt chúng ta tại trận!

Thôi, việc đã lỡ rồi, phàn nàn cũng vô ích. Hiện giờ, chúng ta đang rối trí, bàn qua bàn lại cũng chẳng tìm được giải pháp nào giúp chúng ta qua cơn bế tắc. Tôi nghĩ rằng: chúng ta nên về phòng nằm nghỉ một tí cho lại sức, sáng mai hãy hay!

Ly Kim vâng lời... nhưng suốt đêm, nàng chỉ khóc sụt sùi. Đến gần sáng, mệt quá, nàng thiếp đi được một lúc, bỗng nghe A Lịch gõ cửa. Nàng hồi hộp chạy lại mở cửa. A Lịch đưa cho nàng một mảnh giấy. Ly Kim vồ lấy đọc ngấu nghiến:

Cùng ông A Lịch và cô Ly Kim,


Ông và cô đã tính sai ngày! Chính hôm nay mới là ngày 15 và tối nay, tàu chính phủ mới tới. Khi ông và cô ra đến gần bến, tôi mới biết, nên không cản lại kịp, buộc lòng phải báo cho Ba Đôn bắt. Chắc ông và cô lo sợ và phiền trách tôi lắm. Việc đã lỡ, tôi phải thông báo ngay cho tàu đừng vào bến tối nay nữa, vì thế nào Ba Đôn cũng tăng cường canh phòng chặt chẽ.


Tuy nhiên, tôi xin ông và cô đừng vội ngã lòng. Tôi đã có kế hoạch khác, chỉ tuần sau là xong xuôi hết. Lần này, nhất định thành công một trăm phần trăm. Tôi xin lấy danh dự mà hứa chắc với ông và cô như thế. Vì muốn để cho họ yên trí mà không đề phòng, tôi xin ông và cô chấp thuận điều kiện của Ba Đôn đưa ra. Đây là một giải pháp tạm thời, để che mắt mọi người, chứ không phải là sẽ trở thành sự thật như vậy đâu, ông và cô đừng quá lo lắng về điều ấy.


Vì, nếu ông và cô chấp thuận điều kiện thì cũng cuối tháng này, hay đầu tháng sau mới tổ chức đám cưới, chứ đâu phải chấp thuận rồi làm ngay... Mà theo chương trình của tôi, thì chỉ nội tuần sau đây là ông và cô đã rời khỏi đảo này rồi!


Bởi thế, tôi xin nhắc lại một lần nữa là: để khỏi lỡ đại cuộc, xin ông và cô chấp thuận điều kiện Ba Đôn trước 12 giờ hôm nay và phải cố tạo nét mặt tươi cười vui vẻ.


Các việc khác đã có tôi lo chu toàn.

HUY SINH        

Ly Kim buồn bã ngước mắt nhìn A Lịch :

- Ông Huy Sinh bảo như vậy, ông tính sao?

A Lịch trả lời, giọng vững chắc :

- Tôi nghĩ phải theo đề nghị của ông ta, vì ông ta đã hứa danh dự với mình rồi!

Ly Kim càu nhàu :

- Nhưng biết có thành công như ông ta hứa không, hay là rồi lại hỏng việc như đêm vừa qua?

A Lịch bực tức :

- Đêm vừa qua là tại mình tính sai ngày, chứ đâu phải tại ông ta? Lần này, ông ta hứa có vẻ chắc chằn lắm, tôi nghĩ thế nào cũng được việc!

Ly Kim ngoe nguẩy, rồi òa lên khóc :

- Ừ, nhưng mà lần này có thất bại nữa, thì ông vẫn được lợi như thường. Được cô Cát Tiên thì nhất rồi còn gì nữa. Chỉ tội nghiệp cho em phải kết hôn với Ba Đôn!

A Lịch bị chạm tự ái, đâm cáu :

- Cô đừng nói thế, nếu tôi không vì Mai Liên thì tôi chỉ ừ một tiếng là được Cát Tiên ngay, cần gì phải đợi đến bây giờ!

Thấy mình lỡ lời làm phật ý bạn, Ly Kim nhỏ nhẹ :

- Tâm hồn em đang bối rối bất định, nên em đã nói quá lời, xin ông thứ lỗi cho em!

A Lịch thương hại :

- Không, tôi hiểu cô, nên tôi không buồn giận gì cô đâu. Có điều là tôi thấy kế hoạch ông Huy Sinh trình bày là hợp lý và có lẽ cũng là giải pháp duy nhất để cứu chúng ta, cho nên tôi xin cô bình tĩnh chấp thuận để kéo dài thêm ít ngày nữa. Tôi đoan chắc với cô là nếu cùng thế thì tôi sẽ cứu cô thoát khỏi tay Ba Đôn được. Cô biết mọi người trong đảo này mến tôi hơn Ba Đôn nhiều.

Ly Kim nắm chặt tay A Lịch :

- Vâng, em tin ông!

*

Mọi người trong đảo hoan hỉ tiếp nhận một lúc hai tin vui:

Tin vui bác sĩ A Lịch và cô Cát Tiên cùng tin vui ông Ba Đôn và cô Ly Kim sẽ làm lễ thành hôn trong một ngày trọng thể vào đầu tháng tới.

Từ lâu, họ mong ước câu chuyện đó thành sự thật, vì họ mến cô Cát Tiên, đứa con duy nhất của ông bà Mạc Cư, người anh chị cả của họ, đã hy sinh cả cuộc đời vì hạnh phúc của họ.

Và họ cũng biết ơn bác sĩ A Lịch đã chăm sóc sức khỏe họ và cả gia đình họ. Họ ước mong đôi trai tài gái sắc đó kết hợp với nhau, để cho nhịp sống trong đảo tưng bừng, vững chãi thêm lên.

Các người tai mắt trong đảo hội họp riêng với nhau, để bàn định việc tổ chức đám cưới cho hết sức linh đình trọng thể. Họ cắt đặt người về Manila mua sắm đồ cưới.

Tin vui làm náo nhiệt toàn đảo: người lớn, trẻ con, gặp nhau đều nói đến chuyện đám cưới nay mai của cặp A Lịch, Cát Tiên và Ba Đôn, Ly Kim.

Riêng A Lịch và Ly Kim, từ lúc nén lòng chấp thuận điều kiện, cả hai đều lo buồn nát ruột, nhưng bề ngoài phải tỏ vẻ niềm nở, tươi cười với mọi người thăm hỏi, chúc mừng.

Ly Kim vào ở lại với Cát Tiên, còn A Lịch xin tạm ở riêng cho đến ngày cưới. Họ làm theo lời khuyên của Huy Sinh để cho ông bà Mạc Cư và Ba Đôn tin tưởng hơn.

Tối hôm Ly Kim vào ngủ chung với Cát Tiên, Cát Tiên vui vẻ hết sức. Nàng tươi cười, chuyện vãn luôn miệng như được gặp bạn tâm giao đi xa mới về. Ly Kim hỏi dò :

- Chị Cát Tiên ơi, anh A Lịch đổi ý, ưng thuận ở lại luôn với chị, chắc chị vui lắm nhỉ?

Cát Tiên cau mặt :

- Em đừng nghĩ thế! Việc anh A Lịch đổi ý là tùy anh ấy. Còn phần chị, trước đây chị đã nói với em là chị không có quan niệm về tình yêu rõ rệt như em đâu. Chị sinh ra và lớn lên dưới sự bảo bọc, dẫn dắt của ba má chị. Ba má chị muốn sao, chị cũng muốn vậy, chứ không có ý kiến gì khác. Về vấn đề gia đình, chị đã học hỏi phần lớn trong cuộc đời má chị. Ba chị nhiều lúc tù túng, sinh ra nóng nảy, gắt gỏng, nhưng má chị lúc nào cũng dịu dàng nhẫn nại, nâng đỡ ý chí ba chị, vì thế trong gia đình ba má chị lúc nào cũng êm đẹp... bây giờ chị có chồng,chị cũng sẽ học theo gương ấy mà sống, thế thôi!

Điều chị vui mừng nhất là được em ở lại với chị: Chị mến em lắm, không muốn rời xa em. Nay em ưng thuận làm bạn với chú Ba, tức là em bằng lòng ở lại đây, điều này làm cho chị an ủi hơn hết. Nhưng tại sao em thay đổi ý kiến, trước đây, chị thấy em cương quyết lắm mà?

Ly Kim thấy tâm hồn Cát Tiên thật ngây thơ, trong trắng, nàng đành phải nói dối :

- Thì cũng tại em mến chị quá, em không muốn xa chị. Vả lại, em nghĩ, em mất tích đã khá lâu, biết người ta còn tưởng nhớ đến em nữa không, hay là thuyền đã ghé bến khác. Vì thế, em quyết định ở lại đây luôn.

Cát Tiên cầm chặt tay Ly Kim :

- Em nghĩ vậy rất phải. Từ nay, chị em ta sống chết có nhau, nghe em!

Trong lúc đó, ở phòng ngoài, ông bà Mạc Cư tươi cười hỏi Ba Đôn :

- Chú nói thật cho anh chị hay, chú đã làm gì mà cả hai đứa đều thuận tình vậy? Chú không dọa nạt chứ?

Ba Đôn lắc đầu, cười hề hề :

- Không đâu, em không dọa nạt, cũng không cưỡng ép gì hết! Em chỉ trình bày cho A Lịch các điều hơn thiệt thôi. Một khi A Lịch chấp thuận, thì Ly Kim cũng theo, vì lâu nay Ly Kim cương quyết là nhờ gương A Lịch. Nay A Lịch xiêu thì cô nàng cũng ngã luôn! Phận gái 12 bến nước biết đâu mà chờ mà đợi? Tính toán như cô ta mà khôn ngoan đáo để, anh chị ạ!

Bà Mạc Cư cười :

- Thôi chú, chưa chi mà chú đã khen lấy khen để cô nàng rồi!

Ba Đôn lại cười hề hề, có vẻ khoái chí lắm!

 * 

Cơm tối gần xong, bỗng có tiếng mật hiệu gọi, Ba Đôn vội vàng chạy vào phòng liên lạc. Một chốc, ông ta bước ra cho ông Mạc Cư hay: Quân tuần phòng thấy có chiếc tàu lạ thả neo cách bến bí mật độ hơn một hải lý. Ông Mạc Cư và Ba Đôn thay áo, nai nịt gọn gàng, bỏ súng lục vào bọc rồi tất tả ra đi. Ông Mạc Cư quay lại bảo vợ con :

- Mình và con yên trí, dọn dẹp xong rồi đi ngủ đi, chắc không có chuyện chi lạ đâu!

................................

Từ lúc ông Mạc Cư và Ba Đôn đi ra bến, bà Mạc Cư và Cát Tiên thấp thỏm ngồi chờ đợi ông về. Bà lo lắng chạy ra chạy vào, vì cả hai ra đi đã hơn một giờ rồi, mà không thấy ông thông báo gì về hết. Từ trước tới nay, chưa có lúc nào xảy ra chuyện báo động như thế này!

Bỗng Ba Đôn hốt hoảng chạy về, ông ta chưa kịp nói gì hết, thì bà Mạc Cư đã lên tiếng trước :

- Có chuyện chi thế chú? Anh đâu rồi?

Ba Đôn vừa thở, vừa trả lời :

- Anh bị thương nơi chân trong lúc bắn nhau với một tàu cướp. Hiện giờ, quân cướp đã rút lui xa rồi, còn anh thì đang nằm trong tàu đánh cá của Kha Lâm đậu gần bến. Xin chị và cháu Cát Tiên đi ra ngay với anh. Chị cho Ly Kim đi theo với. Để em đi gọi bác sĩ A Lịch đem thuốc ra băng bó cho anh!

Bà Mạc Cư sững sờ, run rẩy :

- Anh bị thương có nặng lắm không?

Ba Đôn lắc đầu :

- Không, anh bị đạn trúng chân, nhưng chỉ xước thịt tí chút thôi, chứ không trúng xương đâu! Thôi, chị và cháu dọn nhanh lên mà đi. Nhớ mang thêm áo ấm vào kẻo ngoài trời lạnh lắm. Chị ra ngoài cửa đợi em và bác sĩ A Lịch cùng đi luôn.


Khi bà Mạc Cư, Cát Tiên và Ly Kim ra đến cửa thì Ba Đôn và A Lịch cũng vừa tới. Năm người theo đường tắt đi nhanh ra bến. Một chiếc thuyền máy đã đậu sẵn đó. Ba Đôn nói với bà Mạc Cư :

- Bây giờ chị và cháu cùng ông A Lịch và cô Ly Kim lên thuyền để ra tàu ông Kha Lâm đậu ngoài kia trước, em sắp đặt công việc một lát, rồi sẽ ra sau!

___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VIII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>