Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Con Chồn Quỷ Quyệt


Ngày xưa, có một bà bồ câu nọ làm tổ trên một cành cây cao ở ngoài bìa rừng. Cái tổ của bà xinh xắn và êm ái vô cùng nên bà ta rất hãnh diện về công trình của mình.

Trong cái tổ ấy, bà bồ câu đã sinh hạ được bốn đứa con kháu khỉnh. Ôi chao! Cái lũ bồ câu con mới dễ thương và đáng yêu biết bao! Chúng nó đứa nào cũng khoác trên mình một bộ áo bằng lông tơ trắng mượt và mịn màng. Bốn đôi mắt lúc nào cũng mở tròn xoe và ngơ ngác nhìn ra xung quanh bằng một vẻ ngây dại. Và nhất là bốn cái mỏ nho nhỏ, xinh xinh lúc nào cũng há to và kêu chim chip như thể muốn đòi ăn.

Riêng về phần bà bồ câu, sau khi sinh nở xong, bà ta có được nghỉ ngơi hay rảnh rang một chút nào đâu: bà ta bận bịu suốt ngày vì phải lo kiếm mồi đem vế mớm nuôi cho lũ con thơ dại. Ấy thế mà chẳng bao giờ bà chịu hé mỏ than van lấy một câu. Trái lại, bà luôn luôn tỏ ra vui vẻ và thường âu yếm nâng niu, săn sóc đám con của mình. Bà quả là một người mẹ hiền đảm đang và đáng kính trên đời này vậy. Và có lẽ trời xanh kia cũng chẳng nỡ phụ lòng mong ước của bà mẹ hiền ấy nên bốn đứa con của bà lúc nào cũng ngoan ngoãn, hòa thuận và thương yêu lẫn nhau. Mỗi khi nhìn thấy đàn con ríu rít hát ca bên nhau, bà bồ câu lại cảm thấy trong lòng tràn ngập hạnh phúc.

Song… sự đời thường có lắm nỗi éo le. Một việc chẳng may đã xảy đến khiến cho bà phải ân hận suốt đời chỉ vì thiếu bình tĩnh để suy xét điều hơn, lẽ thiệt…

Một buổi sáng nọ, có một gã chồn đi thất thểu ngoài bìa rừng gần nơi mẹ con bà bồ câu đang trú ngụ. Gã đã già yếu nên vẻ nhanh nhẹn đã bớt đi nhiều. Đó cũng là nguyên do tại sao mấy hôm nay gã chẳng có tí gì trong bụng: không nhanh nhẹn thì làm sao mà đuổi bắt thú rừng cho được chứ? Thế nên chả trách gì bây giờ gã đói vô cùng. Phải! Gã đói, đói… khốc liệt, đói thật sự chứ chẳng phải chuyện đùa. Chao ôi! Tội nghiệp cho cái thân già của gã quá! Giờ này cái “thằng” bao tử trong bụng gã cũng đang lồng lộn, gào thét đòi… “quyền sống” một cách khổ sở. Cái đói đã làm cho gã đi không vững, bước cao, bước thấp, chuệnh choạng như người say rượu. Gã đưa đôi mắt lờ đờ nhìn lên bầu trời xanh. Ô! Trời hôm nay xanh thực, xanh ngắt, không một vẩn mây. Nhưng… trời xanh thì mặc trời xanh! Gã đang đói thì còn hơi sức đâu mà ngắm nhìn trời xanh chứ. Chẳng phải gã ngắm trời xanh đâu mà là gã đang ngắm… mấy mẹ con bà bồ câu trên một cái tổ cao.

Ôi chao! Ước gì gã tóm được một mạng nhỉ? Chỉ một mạng thôi! Một mạng cũng đủ “dẹp tan” cuộc “nổi dậy” của cái tên bao tử khốn nạn trong bụng gã. Gã mải ngẫm nghĩ, suy tính mà không hay nước rãi đã trào ra hai bên mép tự bao giờ.

Chợt… hai mắt gã sáng lên: trong đầu óc gã bỗng nảy ra một mưu kế sâu độc. Thế là người gã tỉnh như sáo sậu. Gã chạy đến gần gốc cây nơi mẹ con bà bồ câu đang làm tổ trên một cành cao và cất giọng ồm ồm:

- Ớ này mụ bồ câu kia! Khôn hồn thì hãy thẩy xuống đây một thằng nhóc nếu không ta sẽ leo lên cây… xơi tái hết mấy mẹ con mụ bây giờ!

Đang mớm mồi cho con, bà bồ câu bỗng giật nẩy mình vì những lời lẽ hăm dọa của gã chồn. Thôi khổ đến nơi rồi! Biết tính làm sao bây giờ? Nếu gã leo lên cây thì bà có thể bay thoát đi nơi khác nhưng còn mấy đứa con của bà… Chúng nó hãy còn non nớt, chưa ra ràng thì làm sao bay theo bà được? Đang bối rối chẳng biết suy tính ra sao thì bà lại thót người vì tiếng thúc giục của gã chồn:

- Này! Mụ có nghe ta nói không? Grừừ… Được lắm! Nếu mụ không nghe lời ta thì ta sẽ leo lên cây giết hết mẹ con mụ ngay lập tức!

Và để phụ họa cho lời nói, gã chồn nhổm người, bám hai chân trước vào thân cây, ra vẻ là gã sắp leo lên thực. Thấy thế, bà bồ câu rụng rời “tay chân”. Thôi thì đành phải hy sinh một đứa để cứu ba đứa kia vậy.

Và với hai hàng lệ trào ra hai bên khóe mắt, bà bồ câu run rẩy lấy mỏ quắp lấy một đứa con thân yêu và thả xuống dưới đất. Gã chồn cười rú lên vì khoái trá và nhoài người chộp lấy… Con bồ câu non há mỏm kêu la thảm thiết vì sợ hãi. Nhưng gã chồn không thèm lý đến điều đó. Gã nhẹ nhàng ngoạm lấy con vật non nớt và chạy thẳng vào rừng. Trong khi đó, trên cái tổ cao, bà mẹ đáng thương cũng bắt đầu khóc sướt mướt vì mất con.


  
 Tình cờ lúc ấy, có một bà hạc bay ngang qua tổ của bà bồ câu. Thấy bà bồ câu khóc lóc thảm thiết, bà hạc mới động lòng, bay sát lại gần tổ và cất tiếng hỏi:

- Này, chị bồ câu! Sao chị khóc thế? Có chuyện gì vậy? Kể cho tôi nghe nào, may ra tôi có thể giúp ích được gì cho chị chăng?

Bà bồ câu mếu máo:

- Khổ lắm bác ơi! Hu hu!

Rồi bà bắt đầu kể lại đầu đuôi câu chuyện cho bà hạc nghe. Loài hạc vốn thông mình nhất và hiểu biết sự đời nhiều nhất trong số các loài chim trên đời nên sau khi bà bồ câu kể xong, bà hạc lên tiếng trách:

- Ồ! Sao chị lại ngớ ngẩn thế? Tự đời nào đến giờ, loài chồn đâu có biết leo cây. Chị đã bị gã chốn lừa một vố rồi đấy!

Lúc ấy, bà bồ câu mới giật mình và kêu lên:

- Ờ nhỉ! Loài chồn đâu có biết leo cây! (Và bà… thở dài) Chao ôi! Em thực ngu dại quá! Nếu lúc đó em giữ được bình tĩnh thì đâu có xảy ra cớ sự như vậy!

Rồi bà lại tu tu lên khóc. Bà hạc bèn an ủi:

- Thôi chị đừng buồn! Chuyện gì đã qua thì cho nó qua luôn. Đừng nghĩ ngợi làm chi mà có hại cho sức khỏe. À mà tôi dặn chị này! Lần sau nếu gã chồn có trở lại thì chị cứ thách thức gã leo cây. Tôi cam đoan chị sẽ làm cho gã tức điên lên cho mà xem! Chị nhớ nhé! Thôi tôi đi đây.

Bà bồ câu nói:

- Vâng, cám ơn bác. Em nguyện sẽ nghe lới bác.

□ 

 Hôm sau, quả nhiên… quen hơi bén mùi ăn mãi… gã chồn trở lại định “giở mửng cũ” để bắt thêm một chú bồ câu con “làm thịt”. Nhưng gã chưa kịp mở lời thì bà bồ câu từ trên cành cây cao đã hét vọng xuống:

- Quân lưu manh! Mày định bắt con của bà nữa đấy hả? Được! Có ngon thì leo lên đây bắt, không thì xéo đi ngay, bà đây chẳng công đâu mà dâng con cho mày!

Gã chồn chết điếng người, gã há hốc mồm ra vì kinh ngạc. Gã không ngờ chỉ mới một ngày mà bà bồ câu lại tỏ ra khôn ngoan như vậy. Hừm! Hẳn là có đứa nào mách nước cho con mụ đây mà! Chứ cái thứ đần độn, ngu dốt như mụ ấy thì làm sao biết được mưu kế của gã.

Gã chồn tức lắm song bề ngoài vẫn giả vờ thản nhiên. Gã cười hềnh hệch và cất tiếng hỏi:

- Khá lắm đấy! Mụ dám lớn lối với ta như vậy thì kể ra cũng to gan thật. Nhưng này! Ta muốn biết đứa nào đã dạy khôn cho mụ. Mụ đừng hòng qua mặt được ta. Hừ! Cái mã của mụ thì chỉ…

Gã chồn chưa kịp dứt lời thì bà bồ câu lại hét lên:

- Thôi! Câm mốm lại đi! Đừng có giả vờ lên mặt nữa. Ta đây cũng chẳng cần giấu giếm làm gì! Ừ đấy! Bà hạc chỉ vẽ cho ta đấy! Mi có tức thì đi kiếm bà ta mà gây sự. Hừ! Ta dám chắc thể nào bà ấy cũng sẽ dạy cho mi một bài học đích đáng!

Nghe bà bồ câu nói, gã chồn tức muốn lộn ruột. Nhưng gã cố dằn nén cơn giận, chỉ hừ một tiếng nhỏ và lầm bẩm:

- Được lắm! Để rồi xem ai sẽ dạy ai cho biết!

Và chẳng cần bà bồ câu lên tiếng đuổi xua, gã chồn đã tự động lủi đi nơi khác. Trên cây cao, bà bồ câu thở phào: bà ta vừa đuổi được gã chồn quỉ quyệt, gã đã từng gieo tai họa cho bà một lần.

□ 

 Phải mất công lùng kiếm khá lâu, gã chồn mới tìm thấy bà hạc. Bà ta đang đứng suy tư bên bờ đầm.

Bỗng nhiên, gã chồn chợt cảm thấy tưng tức. Gớm! Lúc nào con mụ ấy cũng ra vẻ ta đây là nhà hiền triết cả. Hừ! Phen này ta phải làm cho mụ sáng mắt ra mới được.

Riêng phần bà hạc thì bà ta đã trông thấy gã chồn khi gã hãy còn ở xa. Trong lòng bà cảm thấy thích thú và hãnh diện vô ngần.

Hì hì! Chắc là gã chồn định kiếm ta để gây sự về chuyện ta giúp mưu cho mẹ con bà bồ câu đây! À mà phải thế chứ! Bề gì ta cũng là một kẻ khôn ngoan, không lẽ lại chẳng biết mưu của cái tên chồn khốn kiếp đó sao?

Tuy thấy khoan thai trong lòng, song bà hạc vẫn đứng yên, giả vờ như không hay biết gì và chờ cho gã chồn đến gần. Gã cất giọng hỏi thăm bà ta:

- A! Chào bà hạc! Sao bà lại đứng đây? Độ rày bà ra sao?

Lúc đó, bà hạc mới quay đầu lại và mỉm một nụ cười như muốn chế diễu, nửa như để xã giao. Bà nói:

- Chú chồn đấy à? Cám ơn chú. Độ rày tôi vẫn bình thường. Sao? Gió nào mang chú tới đây thế?

Nghe giọng lưỡi của bà hạc, gã chồn càng thêm cay cú. Gã trả lời ỡm ờ:

- Dạ thưa gió bắc đưa em tới đấy ạ! À mà bà hạc này! Nếu như bà đang đứng trên một quãng đồng trống mà gió bắc bỗng thổi tới ào ạt thì bà sẽ quay đầu về hướng nào để tránh gió nhỉ?

Bà hạc mỉm cười, đáp:

- Chú thật khéo hỏi lôi thôi. Dĩ nhiên là lúc ấy, tôi sẽ quay đầu về hướng nam chứ sao?

- Thế gió thổi từ hướng đông thì…

- Tôi sẽ quay đầu về hướng tây chứ còn hướng nào nữa! – Bà hạc ngắt lời gã chồn.

- Bà khôn ngoan thật. Em xin phục bà sát đất. Thế nhưng… ngộ gió thổi từ mọi hướng tới thì sao?

Nghe gã chồn khôn, bà hạc cao hứng đáp:

- À, lúc đó tôi sẽ rúc đầu vào cánh như thế này này…

Vừa nói, bà hạc vừa ra dáng cho gã chồn thấy. Nhưng… lập tức, gã chồn phóng tới, vồ lấy bà hạc. Những móng chân của gã bấu chặt vào mình bà ta khiến cho bà không tài nào trốn thoát được.

Gã chồn đắc chí cười vàng. Gã cất giọng mỉa mai:

- Thưa bà hạc! Bà vẫn thường tự phụ rằng bà là một kẻ khôn ngoan. Nhưng giờ đây chắc bà cũng đã rõ giữa hai ta, ai là người khôn ngoan nhất rồi chứ?

Và gã chợt đổi giọng:

- Ha ha! Đúng là “việc người thì sáng, việc mình thì quáng”. Lúc trước mụ đã từng mách nước cho mụ bồ câu khiến mụ ta cứu thoát ba đứa con còn lại ra khỏi tròng mưu kế của ta. Nhưng lúc này… hà hà… tiếc quá, mụ lại không thể làm cách gì để cứu chính bản thân của mụ nữa.

Hỡi ơi! Chỉ vì một phút sơ suất, mải lo hoang, mà giờ đây bà hạc – một kẻ khôn ngoan – đã lọt vào vòng kiềm tỏa của gã chồn hiểm độc. Nếu bà ta có tỉnh ngộ thì cũng đã quá muộn.

Và… bằng hàm răng bén nhọn, gã chồn cắn vào cái cổ dài mềm mại của bà hạc một miếng thật sâu, thật… ngọt.


TAM ANH      


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 230, ra ngày 1-1-1975)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>