Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

CHƯƠNG II_TƯỚNG CƯỚP BIỂN


CHƯƠNG II


Sau một giấc ngủ dài, A Lịch chợt tỉnh dậy. Chàng chống tay định ngồi lên, nhưng chàng bỗng kêu một tiếng đau đớn và vội vàng nằm xuống, hai tay chàng ôm lấy đầu: đầu chàng nặng nề và đau nhức như búa bổ! Chàng nhắm mắt, định thần một lúc, rồi mở mắt nhìn quanh. Chàng ngạc nhiên hết sức, vì thấy mình đang nằm trong một hang đá đục sâu vào núi, thành một căn phòng khá rộng, có giường nệm và tủ bàn lịch sự, nhưng ngoài cửa hang đóng bằng một cửa song sắt, không khác gì nhà tù. Chàng tự hỏi :

- Mình đang ở đâu đây?

Chàng cố nhớ lại những việc đã xảy ra... Chàng đang khiêu vũ với Mai Liên. Hai người đang thì thầm bàn bạc với nhau về dự tính ngày mai... thì một bà sang trọng, nét mặt đẹp đẽ, quý phái, bước tới xin lỗi để được tiếp chuyện riêng với chàng. Mai Liên giữ lịch sự, tạm từ giã chàng để đi mua mấy món đồ cần thiết và hẹn sẽ trở lại ngay. Bà sang trọng niềm nở chúc mừng chàng đã thành đạt và hỏi thăm chàng định mở phòng mạch nơi nào. Chàng vui vẻ cảm ơn và cho bà biết sơ qua dự tính của chàng. Bà ấy mở "xắc" lấy bao thuốc lá thơm mời chàng hút. Bà tự tay bật lửa cho chàng. Khói thuốc lá làm chàng ngây ngất... Thế rồi, chàng chẳng nhớ mình đã làm gì nữa, cho đến bây giờ, tỉnh lại, thấy mình đang nằm nơi đây...

Chàng nghĩ :

- Hay là mình bị bắt cóc? Tại sao mình bị bắt cóc? Họ bắt mình làm gì nhỉ? Mình có gây thù oán với ai không?

Những câu hỏi không lời giải đáp ấy, làm chàng thêm nhức đầu. Chàng bồn chồn lo lắng :

- Không biết Mai Liên thế nào? Chắc nàng rất đau khổ khi biết mình bị bắt cóc! Còn ba má và các em nữa: niềm vui vừa mới hưởng được một chút, thì đại họa đã ụp xuống trên đầu! Chắc ba má buồn bã lắm!

Tất cả những ý nghĩ ấy như tụ lại đổ dồn một lúc vào đầu óc chàng, khiến chàng quay cuồng, khổ sở. Nhưng bản tính chàng vốn bình tĩnh, chàng tự dặn mình :

- Cứ từ từ tìm hiểu. Việc phải đến sẽ đến, phải nhẫn nại để đối phó với mọi bất trắc! Lo lắng quá chỉ làm cho mình thất bại!

Nghĩ thế rồi, chàng ngồi dậy, xếp dọn mùng mền, bỗng chàng thoáng thấy có bóng người thập thò ngoài cửa hang. Chàng liền bước ra thì một cậu bé trạc độ 13, 14 tuổi, cúi đầu chào chàng một cách rất lễ phép :

- Thưa bác sĩ, bác sĩ tỉnh dậy rồi à? Chắc bác sĩ còn bị nhức đầu, nên ông chủ cháu bảo đưa mấy viên thuốc để bác sĩ uống cho chóng đỡ. Chốc nữa, cháu sẽ bưng điểm tâm đến cho bác sĩ dùng.

Nói rồi, nó kính cẩn đưa qua chấn song một cái hộp. A Lịch cầm lấy, chàng tỏ vẻ thân mật hỏi cậu bé :

- Cám ơn cậu em. À, mà cậu em có thể cho tôi biết đây là đâu không? Tại sao tôi lại nằm đây? Ai bắt tôi đến đây?

Cậu bé lắc đầu :

- Thưa bác sĩ, cháu không được biết. Ông chủ bảo cháu thưa với bác sĩ như vậy thôi!

A Lịch còn muốn hỏi thêm cậu bé một câu, nhưng nó đã biến mất dạng. Chàng coi kỹ nhãn hộp thuốc: đó là một loại thuốc giải độc. Chàng đoán mình đã bị trúng độc thật, vội vào bàn lấy nước uống luôn hai viên. Khi cậu bé đem điểm tâm tới thì chàng đã thấy trong người khỏe khoắn hơn. Cũng như lần trước, nó đưa qua chấn song cho chàng một cái khay có bánh mì, bơ, một hộp sữa mở sẵn, và một bình cà-phê nóng. Biết có hỏi thêm gì, nó cũng chẳng trả lời, nên A Lịch chỉ mỉm cười nhìn nó và nhận lấy cái khay. Thằng bé đứng một lát rồi rụt rè thưa :

- Thưa bác sĩ, ở trong phòng này có đủ mọi tiện nghi. Cháu đã để sẵn đồ dùng cho bác sĩ rồi. Chốc nữa ông chủ cháu sẽ đến thăm bác sĩ.

A Lịch vừa ăn điểm tâm vừa suy nghĩ... Chàng chắc chắn là mình đã bị bắt cóc, nhưng chưa rõ bị bắt vì cớ gì. Điểm tâm xong, chàng thấy mình sảng khoái, đầu óc bình thản, minh mẫn. Chàng vào phòng tắm thay áo xống để đợi ông chủ đến, như lời thằng bé đã báo. Bây giờ chàng mới nhận thấy rõ, bên kia hang đá chàng đang ở, còn một cái hang khác, ăn thông sang chỗ chàng bằng một cửa tò vò, vừa lọt một cái đầu. Chàng ló đầu qua xem, hang này cũng có bàn ghế tiện nghi như bên này, nhưng không có ai ở. Bỗng chàng nghe tiếng mở khóa "lách cách", ông chủ bước vào tươi cười chào chàng :

- Chào bác sĩ, chắc bác sĩ lấy làm bực bội vì phải ở trong hang hốc tối tăm như thế này?

A Lịch nét mặt bình tĩnh, đứng dậy mỉm cười bắt tay ông chủ :

- Vâng, quả thật cháu đang phân vân không hiểu tại sao ông lại bắt cháu về đây?

Ông chủ kéo ghế ngồi và mời A Lịch :

- Thưa bác sĩ...

A Lịch vội vàng cướp lời :

- Xin ông cứ gọi cháu bằng cậu. Cháu cũng như con cháu của ông mà...

Ông chủ tỏ vẻ hài lòng :

- Vâng, cậu cho phép. Câu chuyện này dài dòng lắm, để thư thả rồi tôi sẽ kể hết cho cậu nghe. Tôi mong rằng, sau khi cậu hiểu rõ hoàn cảnh của tôi, cậu sẽ thông cảm và không phiền trách tôi đã làm lỡ chương trình cậu dự tính...

A Lịch vừa lắng nghe vừa nhận xét nét mặt ông chủ lạ. Chàng ngạc nhiên vì diện mạo ông nghiêm trang, quắc thước, không có vẻ gì là dữ tợn độc ác như trí chàng đã tưởng tượng. Giọng nói ông trầm trầm, đĩnh đạc, tỏ ra người tư cách lịch sự, nhưng có vẻ hơi độc tài...

Ông chủ nhìn đồng hồ, rồi nhìn ra ngoài trời, bảo chàng :

- Bây giờ đã hơn 10 giờ rồi mà cậu vừa mới điểm tâm xong, chúng ta hãy đi dạo chơi một lúc, rồi mời cậu đến dùng cơm trưa với gia đình tôi luôn.

A Lịch đầu óc rối bời vì lời nói úp mở đầy bí mật của ông chủ. Chàng nhận thấy cự tuyệt là hỏng việc, có khi còn gây tai họa cho chàng là đàng khác, nên chàng làm bộ vui vẻ nhận lời :

- Vâng, tùy ý ông chủ!

Hai người bước ra khỏi cửa hang. Trời nắng dìu dịu vì có gió mát. Đường đá ngoằn ngoèo, dốc thoai thoải, hai bên có nhiều cây loại cây đặc biệt mọc rêu trên đá, rễ nó bò rất xa, bám sâu vào các hốc đá có rêu có nước, để sống. Bây giờ A Lịch mới nhận ra, cái hang chàng ở, đục sâu vào một chân núi. Ra khỏi hang có đường đi dọc theo chân núi và cũng có đường đi xuống thung lũng. Xa xa, chàng thấy biển cả.

Thấy A Lịch nhìn quanh, quan sát, ông chủ đứng lại chỉ tay về phía biển, bảo chàng :

- Cậu đi thêm một quãng nữa, đến chỗ có mấy ghế đá đằng kia, tôi sẽ cắt nghĩa cho hiểu, đây là đâu...

A Lịch lầm lũi bước đi theo ông. Đến chỗ có mấy chiếc ghế đá dưới bóng cây, hai người cùng ngồi xuống. Gió thổi từ biển vào nghe man mát. Ông chủ trầm ngâm một lúc rồi mở lời :

- Chắc cậu nóng lòng muốn biết thân thế của tôi và nơi đây là đâu. Tôi xin nói hết để cậu rõ: Tôi là Đề đốc Mạc Cư...

A Lịch giật mình, buột miệng hỏi :

- Ông là Đề đốc Mạc Cư?


Ông nhìn chàng buồn bã :

- Phải, tôi chính là Đề đốc Mạc Cư. Cách đây hơn 15 năm, vì chống đối thực dân Tây Ban Nha và chính phủ bù nhìn của nước ta, mà tôi và một số đồng chí, phải đem gia đình ra trốn ở đây!

Đây là một núi đá cô độc, nổi lên giữa biển khơi, cách thành phố Manila hơn 800 hải lý và cách đảo gần nhất 100 hải lý. Bờ đảo có nhiều đá ngầm lởm chởm, nên không có tàu nào dám đi đến gần. Ngày trước, khi tôi còn làm Tư Lệnh Hải Quân, tôi đã ở đảo này, nên tôi biết rõ lắm. Có thể nói, đảo này là một vị trí chiến lược quan trọng.... Hải Quân đã đào một con đường bí mật từ ngoài biển vào đảo. Hiện giờ chúng tôi dùng con đường ấy để cất giấu chiếc tàu nhỏ và các thuyền đánh cá.

Lúc đầu mới đến ở đây, chúng tôi phải chật vật khổ sở đủ điều. Vì đói quá, chúng tôi phải tổ chức đi cướp một vài lần các tàu buôn qua lại gần đây để tạm sống. Vì thế, chúng tôi bị gán tên là bọn cướp biển. Nhưng chúng tôi không hể làm thiệt hại một nhân mạng nào...

Về sau, nhờ nguồn lợi cá chúng tôi giải quyết dần dần được vấn đề lương thực, Bây giờ thì mọi sự đã tiến triển khả quan hơn...

Rồi ông chỉ tay về dãy núi đá, bảo chàng :

- Ở xa nhìn vào, cậu chỉ thấy núi đá có nhiều chỗ lồi lõm và cây cối; hình như không có người sinh sống ở đây. Nhưng đến gần, cậu sẽ thấy trong mỗi hốc đá, là một cái hang rộng và sâu, có cái ăn thông bên này sang bên kia. Mỗi hang có một gia đình ở. Họ ở rải rác, có gia đình ở trên đỉnh núi, có gia đình ở ngang sườn núi, có gia đình ở dưới chân núi. Nhưng tất cả đều có đường đi lại thông thương với nhau. Các nhà lộ thiên, chúng tôi xây mái tròn bằng xi-măng cốt sắt, trông tựa như núi đá vậy.

Hệ thống tình báo ở trong đảo cũng rất tinh vi. Một con vật hay một người nào lọt vào đảo, dù ở vị trí nào, chúng tôi cũng biết ngay để đối phó. Và dù ở rải rác xa nhau, chúng tôi cũng liên lạc với nhau rất dễ dàng. Có việc khẩn cấp phải tập họp, thì chỉ trong vòng hơn nửa giờ là mọi người có mặt đông đủ.

Ở đây, chúng tôi có cả thảy 50 gia đình thương yêu và đùm bọc nhau chẳng khác gì anh em ruột thịt. Các vật dụng cần thiết của mỗi gia đình thì có Hợp Tác Xã phân phối. Gia đình nào muốn mua sắm cái gì cũng có. Nếu không sẵn, hay đã hết, thì chỉ trong vòng hơn tuần lễ, sẽ có những chuyến tàu đánh cá vào Manila mua đưa ra.

Trẻ con ở đây cũng được học hành đàng hoàng. Có trường học, có thầy giáo, nhưng tiếc một điều là chưa có những lớp cao. Sau này, em nào có chí, chúng tôi sẽ liệu cho về Manila học tiếp. Chúng tôi không có bác sĩ, nhưng có mấy y tá khá lành nghề. Các chứng bệnh thông thường, họ đều chữa được. Ai bịnh quá nặng, chúng tôi phải đưa về nhà thương Manila.

Cách tổ chức ở đây như một đại gia đình nhưng vì muốn cho mỗi người, mỗi gia đình được sống thoải mái tự do theo ý mình, cho nên gia đình nào cũng được quyền có của cải riêng. Công việc đánh cá, tuy làm chung, nhưng khi bán xong, sẽ được chia đều. Các công tác công cộng khác, như làm đường, sửa ống nước v.v. thì có quỹ chung đài thọ...

Ông trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp :

- Mục đích, chúng tôi bắt ép cậu ra đây, tôi chưa dám nói hết. Tôi mong rằng nó cũng sẽ hữu ích cho cậu về sau, mà cũng giúp đỡ nhiều cho riêng tôi và mọi người trong đảo. Vì thế, tôi mong ước coi cậu như là một vị thượng khách chứ không phải là kẻ bị bắt cóc...

Hiện giờ, chúng tôi còn nhiều chương trình làm việc để cải thiện mực sống vật chất và tinh thần cho anh em ở đây. Ngày mai, tôi sẽ dẫn cậy đi xem mọi nơi trong đảo. Nhân thể cũng nhờ cậu khám bịnh cho một ít người. Cần phải có thuốc gì, cậu cứ biên toa, chúng tôi sẽ liệu mua...

Ông đang nói, bỗng nghe ba tiếng chim kêu văng vẳng, ông liền đứng dậy bảo chàng :

- Thôi, chúng ta về dùng cơm trưa. Mấy tiếng chim vừa kêu đó, là dấu hiệu nhà tôi muốn tìm tôi!

Hai người quay về lối cũ, lặng lẽ đi bên nhau. Đầu óc A Lịch lúc này sáng sủa hơn hồi nãy. Chàng không dè Đề đốc Mạc Cư, nhà ái quốc tên tuổi mà dân chúng Phi Luật Tân thường kính trọng nhắc nhở đến, nhưng không ai biết ông biệt tích nơi nào, thì nay, ông ta đang đi bên cạnh chàng đây! Từ chỗ phẫn uất vì bị bắt cóc, chàng đâm ra có thiện cảm với con người kỳ lạ này! Chàng buột miệng nói :

- Thưa Đề đốc...

Ông Mạc Cư quay lại nhìn chàng, cười :

- Sao cậu còn gọi tôi là Đề đốc?

A Lịch cũng cười :

- Cháu xin lỗi ông! Tại vì từ ngày cháu 14, 15 tuổi đến nay, cháu thường nghe dân chúng nhắc nhở đến tên Đề đốc Mạc Cư, nhưng cháu chưa hề biết mặt, nay được gặp ông, nên cháu quên...

Ông Mạc Cư nét mặt tự nhiên tươi vui lên, nhưng chỉ một chốc lại đăm chiêu như cũ :

- Vừa rồi cậu định nói gì nhỉ?

- Thưa, cháu định hỏi ông: Trước đây, ông bỏ đi vì không chịu sống với thực dân, nhưng nay nước nhà đã thu hồi độc lập, tại sao ông không trở về giúp nước?

Ông Mạc Cư nhìn lên trời thở dài :

- Nói thiệt với cậu, nhiều lúc nhớ quê hương, tôi cũng muốn trở về, nhưng tôi đã lỡ tạo ra hoàn cảnh này và càng ngày càng đi sâu vào. Các anh em cùng chí hướng đặt hết hy vọng vào tôi. Chúng tôi ở đây hòa thuận thương yêu nhau như anh em ruột thịt: khổ sở có nhau, sung sướng có nhau. Tất cả đều không ai muốn về, vì họ cho rằng: không có nơi nào hạnh phúc hơn ở đây. Có lẽ sống biệt cư như thế này là hơi ích kỷ, nhưng nếu khắp mọi nơi, mọi người đều sống thương yêu nhau như thế này, thì đâu còn hận thù, còn chiến tranh? Phần tôi, tuy chí hướng tôi còn muốn vượt cao hơn nữa, nhưng tôi không đành bỏ họ!

Hai người đi song song về đến gần một tảng đá bên đường, ông Mạc Cư tiến lên trước, lấy tay sờ vào một bên hông tảng đá. Tảng đá tự nhiên từ từ xê dịch qua một bên, để lộ một con đường hầm. Đi qua con đường hầm ngắn ấy là một cái sân nhỏ, rồi đến một cái hang rộng chia thành nhiều ngăn, không khác gì một ngôi nhà có nhiều phòng. Trong hang, có nhiều chỗ lộ thiên, che bằng kiếng, ánh sáng chiếu vào sáng rực. A Lịch thầm phục cách tổ chức chu đáo của ông Mạc Cư.

Người đầu tiên ra đón hai người là bà Mạc Cư. Vừa trông thấy bà, A Lịch nhận ra ngay chính bà là người đã giả dạng vị phu nhân sang trọng đến nói chuyện với chàng bữa dạ hội, tuy bây giờ ăn mặc khác. Bà Mạc Cư mỉm cười nhìn chàng, nét mặt bà có vẻ thiếu tự nhiên. Theo sau bà là một thiếu nữ xinh đẹp độ 17,18 tuổi, nét mặt giống bà Mạc Cư. A Lịch đoán chắc là con gái của ông bà. Ông Mạc Cư tươi cười giới thiệu với chàng :

- Đây là nhà tôi, chắc cậu biết rồi. Còn đây là Cát Tiên, con gái duy nhất của vợ chồng tôi!

A Lịch khẽ cúi đầu chào hai người. Cát Tiên e lệ ngước mắt, lí nhí chào A Lịch, rồi lại vội cúi xuống, hai má nàng đỏ hồng. Ông Mạc Cư hỏi vợ :

- Nè mình! Cơm nước sẵn sàng chưa, để chúng ta mời vị thượng khách dùng bữa!

- Dạ, sẵn sàng cả rồi!

Bữa cơm có nhiều hải vị A Lịch chưa hề thấy. Chàng được đặt ngồi đối diện với Cát Tiên, khiến cô nàng ăn uống ngượng nghịu. Phần A Lịch, có lẽ mấy ngày không được ăn hay sao mà chàng cảm thấy đói lắm, nên chàng ăn rất ngon. Suốt bữa ăn, ông bà Mạc Cư chỉ nói chuyện về công việc đã làm và những dự tính trong đảo cho chàng nghe, chứ không đả động gì đến việc khác.

Gần cuối bữa, ông Mạc Cư quay sang nói với chàng :

- Chiều nay, cậu cứ nghỉ cho khỏe. Chúng tôi đã dọn sẵn một căn phòng để cậu ở luôn đây với chúng tôi cho vui. Chốc nữa, tôi sẽ dẫn cậu đi xem cho biết hết mọi nơi trong nhà này. Khi cậu muốn nghiên cứu sách vở, mời cậu sang thư viện của tôi, có đủ loại sách mới xuất bản. Còn cậu muốn thể thao một chút, như đánh bóng bàn chẳng hạn, thì có cô bé Cát Tiên đó, nó chơi bóng bàn cũng đỡ lắm!

Cát Tiên nghe cha nói đến mình, nũng nịu ngước mắt nhìn lên, trông thật dễ yêu!

*

Sau bữa cơm trưa, A Lịch ngủ một giấc thật lâu. Thức dậy, chàng đã thấy để trên bàn, khăn tắm, xà-phòng và các thứ cần dùng. Chàng đi tắm, rồi thay áo, đi dạo một vòng. Ông Mạc Cư đã chỉ cho chàng mật hiệu để mở cửa đá.

Vì chưa quen, chàng không đi xa và không dám vào một nhà nào cả. Vả lại, chàng cũng sợ ông Mạc Cư nghi chàng tìm cách trốn thoát, nên đi quanh quẩn một lúc, chàng trở về. Bà Mạc Cư đón chàng trước cửa, bà mời chàng ngồi xuống ghế đá rồi bà gọi Cát Tiên lấy nước cho chàng uống. Bà nói chuyện với chàng, giọng bà thanh tao dịu dàng :

- Chắc cậu oán trách tôi lắm nhỉ? Ông nhà tôi đã kể cho cậu rõ hoàn cảnh chúng tôi ở đây, mong cậu thông cảm mà đừng phiền trách. Tuy chúng tôi chưa nói hết lý do khi mời cậu ra đây, nhưng dần dà rồi cậu sẽ biết...

A Lịch cảm thấy có một điều gì bí ẩn trong việc bắt cóc chàng ra đây mà cả hai ông bà đều chưa chịu nói. Chàng bực tức :

- Thưa bà, cháu xin bà cứ thẳng thắn cho cháu biết lý do khi bắt cháu ra đây, vì cháu nóng lòng muốn biết ngay. Nếu chấp thuận được, cháu sẽ chấp thuận liền. Bằng ngược lại, thì dù phải chết, cháu cũng vui lòng chết, chứ không có gì lay chuyển được cháu đâu! Như vậy kéo dài cũng vô ích thôi!

Bà Mạc Cư buồn rầu nhìn chàng :

- Sở dĩ chúng tôi chưa nói hết ý định ấy, chỉ vì chưa tiện đó thôi. Cậu cứ yên trí, chúng tôi không có ý làm hại gì cậu đâu...

Câu chuyện đến đây thì ông Mạc Cư đi làm về. Bữa cơm chiều hôm ấy có vẻ tẻ nhạt. Ăn cơm xong, A Lịch lấy cớ bị mệt, xin phép đi nằm ngay. Cát Tiên cũng về phòng riêng. Ông Mạc Cư hỏi nhỏ vợ :

- Thế nào? Mình xem tình ý cậu ấy ra sao?

Bà Mạc Cư nhìn chồng, buồn bã :

- Xem ra cậu ấy rất nóng lòng muốn biết ý định mình bắt cậu ấy ra đây làm gì?

Ông Mạc Cư gõ tay nhè nhẹ xuống mặt bàn đá :

- Không thể cho cậu ấy biết ngay được... vì như vậy đường đột quá! Thôi, bà cứ để đó mặc tôi. Ngày mai, tôi sẽ dẫn cậu ấy đi xem các công việc trong đảo, tôi sẽ xin cậu ấy khám bệnh, phát thuốc và tham gia vài công tác khác. Việc làm sẽ giúp cậu ấy khuây khỏa dần...

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>