Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Mùa Thu Đông















Thôi con sông nhỏ trôi rồi

Sao mai khuất bóng xa vời trí bay

 Mùa thu đông: mùa chưa đầy

Trăm năm duyên cũ chờ ngày gần nhau

Thu chờ đông chín hồn đau

Lá khô nằm chết đầu cầu bơ vơ

Đông chờ thu đến bao giờ

Đếm từng sợi nhớ thành tơ kết tình

Trông chờ chút nắng bình minh

Mùa đông tuyết giá bóng hình mờ phai

Đông buồn thương nhớ chăng ai

Khi thu đưa lá rơi dài trên sông

Mùa đông vắng vẻ bóng hồng

Vì thu đi mãi nên đông lại về

Tiễn đưa ướt át lê thê

Mưa rơi nặng hạt bốn bề phủ vây

Sương giăng buổi sáng ngất ngây

Như là giọt lệ rơi đầy mắt ai ?


                                                 Nhã Uyên

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Đò Tam Bản














Con đò tam bản
Khoang chất đầy dừa,
Đi trong rạch nhỏ
Với tiếng hò... ơ...

Người mẹ ngồi ở nơi đầu mũi,
Tay khua dầm miệng hát ru con.
Đứa con nằm lim dim trong mền vải,
Nở nụ cười trong giấc ngủ ngon

Đò tam bản lướt êm trong nước lặng,
Giữa rặng bần, lau sậy, rạch miền Nam.
Người mẹ chở dừa khô ra chợ bán
Tay khua dầm miệng hát ru con.

Biết nói làm sao,
Cho đầy nghĩa mẹ.
Biết nói thế nào,
Cho hết ý ca dao.

Mẹ suốt đời sống trong khổ cực,
Để nuôi con cho được nên người
Đổi bao khổ cực để cười
Khi con bập bẹ "Mẹ ơi" trong mồm.

Bây giờ con đã lớn khôn,
Xác thân thành phố tâm hồn nhà quê

Mẹ dạy con tính tình lương thiện
Nên giờ con làm đủ qua ngày
Tuy nhiên vẫn nở nụ cười,
Giữa đời lừa lọc trọn lời mẹ khuyên

Bây giờ mẹ đã ngủ yên,
Ơn cao muốn đáp biết tìm nơi đâu.

Mỗi lần nhìn con đò tam bản
Giữa rặng bần lau sậy, rạch miền Nam
Con vẫn nhớ năm nào hình ảnh
Mẹ khua dầm miệng hát ru con.

                                           LÂM VIÊN
                           (bút nhóm Song Hành, Bình Tuy)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 141, ra ngày 15-11-1970)

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Trên Đỉnh Cao


Lớp học im phăng phắc, gần trăm cặp mắt ngây thơ mở rộng nhìn về phía thầy giáo. Bên con trai thỉnh thoảng một cậu réo lên "a!"! Bên con gái chỉ có Huyền thỉnh thoảng lại kêu "khó quá". Lớp học thật hiền lành, học trò ngoan ngoãn, thầy giáo hăng say giảng. Xong bài học thầy quay xuống:

- Sao? Các con hiểu cả chứ?

Vài người trả lời nho nhỏ, thầy hỏi lại:

- Các con hiểu không?


Một vài tiếng nhao nhao "thưa hiểu". Rồi cả lớp "thưa hiểu". Mắt Đào sáng long lanh, cô bé cười xinh tươi nhìn khắp lớp. Chợt mặt cô bé u buồn, mắt thoáng ưu sầu rồi như chưa hiểu điều gì Đào giơ tay:

- Thưa thầy con chưa hiểu.

- Chưa hiểu chỗ nào con?

Đào lựa những chỗ dễ nhất bài nhưng là căn bản của bài:

- Thưa thầy câu đầu.

Vài học sinh cười ồ, rồi hầu như cả lớp. Giọng cười nửa khinh, nửa chế riễu. Mấy đứa bạn thân của Đào thì cho là Đào giỡn vì Đào thông minh mà những điều đó lại quá dễ.

- Hiểu chưa con?

- Dạ hiểu. Nhưng phần b của câu giữa con chưa hiểu.

Thầy rút khăn lau mồ hôi trong lúc cả lớp lại cười ồ. Thầy rầy:

- Các con đừng cười bạn mình chứ.

Xong thầy giảng tiếp:

- Còn chỗ nào nữa không con?

- Thưa thầy phần a của câu cuối.

Nhiều học sinh lại cười, thầy quay xuống:

- Thầy phạt bây giờ. Muốn không?

Mọi người im lặng chỉ còn Thủy, Hoa, Hiên không sao im được. Giảng xong, thầy gọi ba cô bé đứng dậy:

- Lúc nãy các con có nghe thầy bảo gì không? Các con giỏi nhưng bạn các con không hiểu, phải để nó hỏi. Các con làm vậy lần sau ai dám hỏi nữa. Lên đây.

Nước mắt chạy dài trên ba khuôn mặt. Thủy mếu máo nói:

- Thưa thầy con không dám cười Đào dốt nhưng con cười vì Đào giỡn. Ban sáng tụi con không hiểu bài đó, chính Đào đã giảng rành mạch cho tụi con.

- Có phải vậy không Đào?

Đào cúi mặt đứng im. Mặt thầy tím lại:

- Như vậy con giỡn thật phải không Đào?

Đào ấp úng:

- Thưa thầy con không dám giỡn nhưng con hỏi vì tại...

- Ban sáng con có giảng bài này cho Thủy, Hoa, Hiên không?

Đào đáp thật nhỏ:

- Dạ có.

Thầy mệt mỏi buông người xuống ghế:

- Không bao giờ thầy ngờ được việc này có thể xảy ra. Thầy đã đến đây với thiện chí giúp đỡ các con, xây dựng các con thành người hữu dụng. Thế mà có người lại muốn thầy làm trò cười, muốn thầy tốn hơi mệt sức làm những việc không đâu để mình vui thú trong sự mệt lả vô ích của thầy, cười trong sự hăng say vô ích của thầy. Thật thầy không biết còn sự phản bội nào trắng trợn hơn. Thầy không chấp nhận được sự hỗn láo ấy trong lớp học. Tôi không chấp nhận nghe không Đào?

Đào nức nở khóc, tay mân mê tà áo, mặt nhễ nhại nước mắt. Thầy giáo nhìn qua những khuôn mặt trong sáng của lũ học trò, nghe lòng dịu lại. Dù sao thầy cũng còn được bao nhiêu là học trò kính trọng, thương yêu. Một vài người phá phách, nghịch hỗn nào có nghĩa gì. Rồi nhìn vào khuôn mặt thơ ngây của Đào thầy nghe lòng thương mến rạt rào. Dù sao nó cũng còn nhỏ quá. Thầy nhỏ nhẹ bảo Đào:

- Đào, con không biết việc làm của con là ác độc, là hỗn hào. Từ rày về sau con đừng đùa vô ý thức vậy nữa nghe. Vô tình con đã làm thầy buồn và mất lòng tin sẵn có nơi học trò của thầy. Thầy phạt con quì quay mặt vô vách để suy nghĩ về việc làm của mình.

Đào quì, úp mặt vào vách khóc rưng rức. Vừa khóc cô bé vừa cầu nguyện:

- "Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ cho con, con đã làm buồn lòng thầy con, con hứa với Chúa lần sau làm việc gì con sẽ suy nghĩ kỹ hơn. Con tin Chúa tha tội cho con vì Chúa hiểu con. Con không dám phá thầy con nhưng con biết lắm bạn con nhiều người không hiểu mà không dám hỏi, bạn trai thì sợ bạn gái cười, bạn gái thì sợ bạn trai cười. Hơn nữa vì mặc cảm học dở nên bạn con quen thói thụ động học không dám hỏi lại những đoạn khó hiểu. Con không muốn bạn con không hiểu bài, con muốn giúp đỡ bạn con bằng cách chứng tỏ mình dốt không phải là một tội, và chỉ để bạn con hiểu rõ bài học hôm nay. Lạy Chúa, con tin Chúa hiểu và tha thứ cho con."


TUYỀN ANH     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 189, ra ngày 15-11-1972)

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Sóng Thần


Qua nhiều thời đại, thỉnh thoảng biển cả lại có sóng thần. Chúng hoàn toàn quét sạch làng mạc trên những bờ biển thấp và gây thiệt hại đến hàng trăm nghìn nhân mạng. Ngày xưa, bì tàu bè ngoài khơi không thể phát hiện được nên chúng đến mà như không hề báo trước. Kế đó, người ta biết được rằng sóng thần có liên hệ một phần với những cơn động đất ngầm dưới đáy bể. Sau cùng, nhờ ở những tin tức được cung cấp và nhờ có những máy móc tối tân, con người đã biết tự bảo vệ trước những hiểm họa ấy.

Cuộc thảo luận trong phòng họp sôi nổi đến tột độ. Hôm ấy, một buổi chiều oi bức ở Honolulu vào năm 1946. Cử tọa đều mỏi mệt sau nhiều giờ bàn cãi về lượn sóng thần đã tàn phá vịnh Hilo, ở Hawai vào ngày 1 tháng 4 dương lịch.

Hôm đó, 173 nạn nhân đã bị lượn sóng khổng lồ ấy cuốn đi và dìm cả xuống đáy bể. Báo chí địa phương đều bày tỏ sự phẫn uất của quần chúng và đặt câu hỏi tại sao không có lấy một sự báo động nào cả.

Một viên chức Hải quân cao cấp quay ngoắt người hướng về Thiếu tá Patterson, một nhân viên của Survey (1) đặc trách tại Honolulu:

- Thiếu tá phải chịu trách nhiệm về việc này. Trong văn phòng của ông có một máy địa chấn ký. Nó hẳn có ghi trước giờ có thể xảy ra động đất. Tại sao Thiếu tá không cho báo động kia chứ?

Một lần nữa, Patterson lại phải giải thích rằng cơn động đất này đã xảy ra trong đêm, lúc tất cả nhân viên đều về nhà nghỉ ngơi. Đến bữa điểm tâm sáng hôm sau, khi nước đã tràn vào và bàn ghế trôi lĩnh nghĩnh đầy nhà, họ mới hay là sóng thần đã đến viếng.

Vị sĩ quan đấm mạnh xuống bàn:

- Nghe được lắm đấy! Nhưng cơn động đất được cho biết sớm hơn từ nhiều giờ trước kia mà!

- Kìa, thưa quý vị Patterson lập lại tôi đã bảo rồi, máy ghi địa chấn dùng một loại giấy đặc biệt lắm cơ. Phải mất một lúc mới lấy ra được. Các ông không thể hiểu cho như vậy được sao? Sóng thần đến ngay lúc tôi sửa soạn lấy giấy ra khỏi máy. Tôi nào có thể làm gì khác hơn được kia chứ?

- Tại sao không cho trang bị thêm một bộ phận chuông báo động?

Buổi họp vẫn tiếp tục và mọi người cũng không còn nhớ đến đề nghị ấy nữa ; nhưng Patterson cứ quanh quẩn mãi trong đầu ý tưởng nho nhỏ đó. Tại sao không thể có chuông báo động nhỉ?

Patterson cho gửi ngay về thượng cấp của ông là Trung tá Ray ở Washington một bản phúc trình dài bày tỏ mối bất bình của mình và báo thêm là nên cho trang bị các máy ghi địa chấn một hệ thống báo động trong trường hợp khẩn cấp. Trung tá Ray là viên chỉ huy mới của ban vật lý học của Survey. Bản phúc trình của Thiếu tá Patterson khiến ông phải chú ý rất nhiều. Tại sao lại không dùng một loại chuông báo động nhỉ? Song, còn quá nhiều việc phải giải quyết ngay kìa.

Ít hôm sau, Ray phải đến dự một phiên họp hội đồng của cơ quan được triệu tập ra về việc này. Một hội viên cũng bằng một câu hỏi cùng với báo xuất bản ở Hawai, chất vấn:

- Trung tá có máy ghi địa chấn, tại sao tình trạng báo động không được ban hành, thưa Trung tá?

Ray giải thích và nhắc lại sự tháo cuốn giấy đặc biệt của địa chấn ký ra nhưng người này đã vội ngắt lời:

- Chúng ta có thể cải thiện nó bằng cách cho lắp thêm một hệ thống chuông báo động chứ?

- Vâng, có thể được. Song không có tài chính để thực hiện điều ấy.

- Không thể hỏi xin ở đâu cả à, thưa Trung tá?

- Vâng, ngân sách xin dùng vào việc chỉnh trang lại máy móc đã bị từ chối nhiều lần rồi...

Người hội viên gợi ra một ý:

- Mình lại xin thêm lần nữa xem sao? Có vẻ đầy hứa hẹn lắm đấy chứ.

Trung tá Ray trở lại văn phòng. Đã quyết định rồi và phải hành động ngay cấp tốc. Ông bắt đầu công việc bằng cách đọc lại những chi tiết về sóng thần. Kế đó, ông cho điều tra tỉ mỉ về những biến cố xảy ra trong buổi sáng khủng khiếp ngày 1 tháng 4 dương lịch ấy. 


Sâu khoảng 3600 mét, mặt đáy lởm chởm những đá của Thái bình dương không thể chịu đựng nổi những dồn nén gây nên bởi sự xếp nếp của vỏ quả đất. Sự tạo sơn này đã bị gián đoạn ở gần Alaska. Cơn chấn động của sự đứt quãng ấy đã được phát hiện khắp nơi trên địa cầu và đã được các máy địa chấn ký ghi nhận.

Hàng trăm kilômét vuông nước bể đã được nâng cao từ một đến hai mét so với mực bể lúc bình thường. Thế là chính biển cả lại dâng nước lên. Thình lình, hàng khối nước khổng lồ đó lại được ném tung lên rồi lại đổ ập xuống. Sức ép của chúng lại tạo ra một dãy sóng nhảy vọt trên mặt bể. Dưới sâu, vô số những lượn sóng to tiếp nối di chuyển nhanh đến 100 kilômét một giờ. Vì chúng liên tục di chuyển cách từng 15 phút một nên những ngọn sóng cũng cách khoảng nhau hàng trăm kilômét bề dài. Sức mạnh khủng khiếp của chúng không thể nào tính được. Khi đến gần bờ bể một miền, chúng chậm dần lại và vươn cao mãi cho đến khi va vào bờ, và nhờ đó, sóng dội nẩy lên cao đến hàng 15 mét hay hơn thế nữa.

Ở Honolulu, những người thợ siêng năng nhất đã bắt tay vào việc. Ở Alaska, đáy bể bị đứt quãng đã được bốn giờ 30 phút đồng hồ trước đó rồi. Qua khung cửa sổ, Thiếu tá Patterson nhìn ra bể xa gần như cạn cả. Vịnh khô ráo và những chú cá mắc cạn trên cát còn đang ngoi ngóp. Bỗng Patterson nghe thấy một tiếng gầm thét dữ dội. Ông trông được một ngọn sóng bạc trắng ngoài vịnh kia. Nó ào đến thật nhanh. Nó lan tràn khắp vịnh và bắt đầu tiến về đất liền. Nhà cửa bị lay chuyển và tràn ngập những nước. Những mái nhà khác sắp sửa bị cuốn trôi đi. Sóng thần đã đến thăm Hawai kia rồi!

Trước 7 giờ đúng, thủy triều đã rút khỏi vịnh Hilo. Trẻ con đổ xô đến để xem cá bị mắc cạn. Những cửa hàng nho nhỏ được mở ra ngay trên bờ bể. Thình lình, như vũ bão, sóng ập đến và vươn lên thật cao lúc đến gần. Sóng dìm tất cả vào trong một âm thanh gầm thét dữ dội. Sóng cuốn theo những trẻ con, dân chài, bạn hàng tổng cộng 173 người. Khi rút xuống bể, nó còn phá hủy nhiều nhà cửa nữa.

Hôm sau, quá nửa đêm một tý, ở Valparaiso thuộc xứ Chilo, cách Alaska 13 000 kilômét và sau đó 13 giờ có sóng thần, nước dâng cao đến 1,50 mét rồi đổ ập xuống, và lại vươn lên và lại đổ ập xuống để dần dần dịu bớt. Tất cả các máy triều ký ở Thái bình dương đều ghi nhận được tất cả những sự chuyển động dữ dội ấy của biển cả.

Sau khi đã nghiên cứu xong mọi điều, Ray cho triệu tập các nhân viên trong ban địa vật lý học để trình bày về việc hiệu chỉnh máy ghi địa chấn bằng một hệ thống báo động.

Họ bảo:

- Trước tiên cần phải có một loại máy ghi địa chấn mới và người ta có thể đọc liền khi ấy.

Người khác, có vẻ khách quan hơn:

- Không dễ dàng gì đâu nhé, bởi vì máy địa chấn ký là một dụng cụ rất tinh tế.

Một vài người khác ở Pasadena và Pittsburg cũng phát biểu ý kiến nhưng cũng không thêm được gì hơn.

Ray ra lệnh:

- Sắp đặt kế hoạch trước đã. Sau đó, hẳn bắt tay vào việc.

Một trong những nhân viên nói:

- Chúng tôi sẽ nghiên cứu tất cả mọi chuyện, mọi điều. Trong vòng một tháng nữa, hy vọng, chúng tôi sẽ mang lại đây một vài thành quả nho nhỏ nào đó.

Ray dò dẫm:

- Không cần phải canh chừng bên suốt đêm chứ?

- Không quá dung dị lắm đâu. Chỉ cần một tế bào quang điện (cellule photo - électrique) Một "mắt điện tử". Mỗi khi động đất được ghi nhận, nó sẽ cho chuông reo lên ở đầu giường nằm.

- Được lắm đấy! Chúng ta sẽ cho trang bị tai Tueson, Sitka và Gairbanks. Một vài đài địa chấn ký của Đại học đường California có thể nhận trông chừng hộ mình những cơn động đất ngầm dưới đáy bể. Và, dĩ nhiên, trung ương của hệ thống sẽ là Honolulu. Tất cả các đài địa chấn ký đều cần có những máy móc mới.

- Nhưng thế cũng chưa đủ đâu Norwood, một nhà địa chấn học, nói Chưa chắc những sự động đất ngầm dưới đáy bể đã là nguyên nhân gây ra sóng thần.

- Dĩ nhiên phải thế rồi Ray trả lời Phải tìm cho ra mọi phương cách khả dĩ biết được rằng địa chấn có đúng là nguyên nhân gây ra sóng thần hay không chứ.

- Phải dùng thêm các máy triều ký mới được. Mình có thể nói chuyện với Trung tá Green, chỉ huy ban thủy triều và hải lưu ấy.

Ngay khi rõ chuyện, Trung tá Green liền chấp thuận cho các cơ quan sát viên các máy ghi thủy triều được tham dự vào chương trình nói trên. Nếu ở nơi nào có động đất và lại có những dấu hiệu cho thấy sóng thần có thể xảy ra, người ta lập tức báo ngay cho Honolulu. Chính đài trung ương này sẽ báo động. Green cũng nhận cho vài bản đồ ghi rõ vận tốc và sự di chuyển của các lượn sóng thần dưới những chiều sâu khác nhau trong Thái bình dương. Như thế, Honolulu sẽ biết được giờ và nơi chốn mà sóng thần có thể đến viếng. Một hệ thống vô tuyến liên lạc nhanh chóng cũng vừa được thiết lập xong.

Trung tá Green làm đủ mọi cách, trong phạm vi và khả năng của ông, để có thể thực hiện một cuộc báo động chỉ trong vòng 15 phút đồng hồ. Một dụng cụ đặc biệt được thả xuống nước gần một máy ghi thủy triều và máy này sẽ truyền đi một dấu hiệu mỗi khi có sóng thần xảy ra. Chuông sẽ được cho reo lên để báo động với các quan sát viên.

Tất cả đều được thực hiện tùy từng kế hoạch một. Những máy ghi địa chấn mới đã được gửi đến các đài địa chấn ký thuộc hệ thống mới và sẽ sẵn sàng hoạt động trong vài tuần nữa. Người ta cho sử dụng cả đến các máy vô tuyến điện quân sự để loan truyền những tin tức có liên quan đến những trận động đất và các ngọn sóng thần ưu tiên đối với những tin tức khác. Các bản đồ định vận tốc và sự vận chuyển của sóng thần cũng đã được hoàn tất.

Họ cũng thực tập và trắc nghiệm luôn để khi hữu sự công việc sẽ chuyển vận điều hòa. Bất cứ lúc nào tất cả cũng phải sẵn sàng. Norwood vẫn lo ngại sóng thần có thể đến một nơi nào đó mà không hay biết gì cả vì những lý do trục trặc kỹ thuật: ước tính lầm nơi đến hay bỏ sót vì hư hỏng. Song Trung tá Ray thì rất mực tin tưởng.

Nhiều năm trôi qua. Mặc dù không gặp các lượn đại sóng thần song hệ thống phòng bị vẫn báo hiệu thường xuyên mỗi khi có các ngọn sóng thần nho nhỏ. Hiện giờ, Ray đang là thuyền trưởng một con tàu to.

Ngày 9 tháng 3 năm 1957, thình lình, tất cả các đài ghi địa chấn trên toàn thế giới đều trở nên náo nhiệt lạ thường. Một trận động đất dữ dội vừa xảy ra ở gần Alaska. Quả đất như muốn vỡ tung ra. Hệ thống báo động sóng thần bắt đầu hoạt động.

Vào lúx 4 giờ 40 phút, trong một sáng bình minh âm u, còi báo động vang rền ở Honolulu. Như thường lệ, các nhân viên bật ngay dậy và phóng tới đài quan sát. Trong vòng 23 phút đồng hồ, họ đã gửi điện tín đến năm đài địa chấn ký khác của Hợp chủng quốc và yêu cầu cho biết ngay về tin tức của trận động đất được ghi nhận ở các nơi. Tại Alaska, quan sát viên các máy triều ký đã phát hiện được bước đầu của sóng thần, qua báo cáo gửi về Honolulu 2 giờ 24 phút sau cơn địa chấn ngầm dưới đáy bể, Honolulu đã ban hành lệnh báo động và cho biết một lượn sóng thần đang di chuyển. Nó đã lên đường trước khi kịp báo động chỉ vừa có 1 giờ 50 phút đồng hồ.

Còi rú lên, tàu bè rời ngay khỏi bến. Máy vô tuyến vẫn tiếp tục loan đi những tin tức mới nhất. Trên bờ Hawai, mọi hoạt động diễn ra rất nhanh chóng. Dân chúng lìa xa các nhà ở ven bở bể và tràn cả lên đồi. Những hòn đảo khác trong Thái bình dương về phía Tây Hợp chủng quốc cũng được báo động.

Sau cơn địa chấn 4 giờ 30 phút đồng hồ, lúc 9 giờ sáng, mệt ngất, các nhân viên của đài quan sát mới bắt đầu nghe thấy và phân biệt được những tiếng động của lượn sóng khổng lồ ấy vang dội ngoài bờ bể. Sự thiệt hại về vật chất rất nặng nề nhưng không có ai bị thiệt mạng cả. Tàu bè thảy đều thoát nạn. Một lần nữa, hệ thống đã hoạt động rất hữu hiệu và hoàn hảo!

Bộ chỉ huy Hải quân Hoa kỳ tại Thái bình dương gửi ngay về Washington một điện tín báo cáo đã hoàn tất xong nhiệm vụ. Ray thở hắt ra. Ông rất hài lòng Norwood không có ở đấy, cạnh bên ông. Ông ấy đã đến tuổi hồi hưu rồi và không còn làm việc nữa.


(Nguyên tác "Des sommels aux 
 fonds des mers" của Elliott B.  
Roberts, Nouveaux Horizons 1966)
NGUYỄN THIỆN HÙNG    
(nhóm Hoài Bão)            

--------------------- 
(1) Coast and Geodetic Survey : Cơ quan Thống kê Duyên Hải và Trắc địa.


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 188, ra ngày 1-11-1972) 

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Vị Tiểu Anh Hùng Thành Hạt-Lem


Cách nơi đây xa lắm, xa thật là xa, ở tận bên xứ Hòa Lan diệu vợi, gần Bắc Hải mênh mông, đất thấp hơn mực nước biển thay vì cao hơn như các miền khác. Lẽ dĩ nhiên, sóng biển sẽ xâm chiếm còn tràn ngập tất cả các thành phố tân kỳ và các xóm làng ấm cúng màu sắc quê hương nếu không có cái gì ngăn chận chúng lại. Nhưng "cái gì" đã có, các kỹ sư Hòa Lan đã xây những bức tường, những bức tường thật cao và thật rộng tại tất cả những nơi có thể bị sóng thần tàn phá đầu tiên, và các bức tường này đã thành công giữa biển ở vị trí "hiền hòa".

Chắc các em đã hiểu sự quan trọng của các bức tường này: mùa màng nông trại, cả mạng sống của dân chúng nữa đều tùy thuộc vào chúng. Quan trọng đến nỗi những em bé tí ti cũng biết là một lỗ hở nhỏ ở tường đủ đưa đến một sự tàn phá kinh khủng của biển cả mênh mông. Mặt tường rộng thực sự y như một con đường, vì thế người ta thường gọi là đường đê. Chắc các em đã từng biết Vạn Lý Trường Thành bên Trung Hoa, các em cứ tưởng tượng đây là một Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ.

Gần thành phố Hạt Lem, một thành phố nổi danh về cây uất-kim-hương xinh đẹp có một đứa bé trai tên Hanh. Một bữa nọ, Hanh dẫn em đi dạo chơi theo vách các đường đê. Hai anh em đi xa lắm, xa thật xa, xa đến nỗi đến một nơi không còn nhà cửa, không còn nông trại, không cả những cánh đồng đầy lúa mạch và hoa dại nữa.

Hanh mệt nhoài ; Hanh leo lên đê và ngồi trên đó nghỉ mệt. Em của Hanh vẫn còn ở dưới để tìm hái các hoa tím xinh xinh.

Thình lình, em Hanh la lên:

- Anh Hanh! Xuống đây xem! Một cái lỗ thật tức cười! Xì xì y như bọt xà bông.

Giật mình, Hanh hỏi:

- Một cái lỗ à? Ở đâu vậy?

- Ngay ở đây này, trong bức tường. Nước đi qua đó - Em Hanh trả lời.

Hoảng hốt, Hanh la lên:

- Cái gì?

Hanh nhảy ngay xuống đất, và quan sát.

Một cái lỗ nhỏ. Một cái lỗ thật nhỏ có một giọt nước trở thành bọt khép kín.

Hanh lo sợ:

- Đây là một cái lỗ trong đê! Chúng ta phải làm gì bây giờ? Nguy hiểm lắm!

Hanh ngó bên phải, không thấy người nào, bên trái, không thấy người nào, cả phía trước, phía sau hút tầm mắt, vẫn không thấy người nào.

Và thành phố thì xa quá! Xa quá! Về không kịp!

Hanh ngó lại cái lỗ. Những giọt nước nhỏ chảy qua đó: tốp, tốp tốp!

Hanh biết nước sẽ làm rộng dần cái lỗ đó ra, nếu không bịt kín kịp thời lại, thì... Làm thế nào bây giờ? Chạy về thành? Tất cả mọi người đều đi câu cá ; nếu báo tin được và trở lại đây thì có kịp hay không? Hiện giờ, những giọt nước đã thay đổi thành một dòng nước nhỏ chảy đều hòa ; và chung quanh lỗ, tường đã trở nên ẩm một cách đáng sợ. Thình lình, Hanh nghĩ đến một kế, Hanh mím môi quyết định. Hanh thọt ngón tay trỏ vào lỗ (ngón tay trỏ của Hanh vừa khít cái lỗ) rồi nói với em:


- Hùng! Em chạy thật nhanh về thành báo cho mọi người biết có một cái lỗ ở đê. Nói với họ là anh đang dùng ngón tay khép kín lỗ đó chờ khi họ đến.

Nhìn cặp mắt của anh, đứa bé hiểu đây là một việc hết sức quan trọng ; nó bèn chạy thật nhanh, thật nhanh hết sức mà đôi chân bé nhỏ của nó có thể có được. Hanh quỳ trước bức tường với ngón tay trong lỗ ngó em trai mình xa dần, xa dần.

Đến lúc em Hanh bé như con gà con, kế đó nhỏ như một chấm đen rồi không thấy gì nữa thì Hanh chỉ còn lại một mình với ngón tay trong đó.

Hanh có thể nghe được nước kêu "glu! glu!" ở phía bên kia. Thỉnh thoảng, một con sóng biển dâng lên thật cao và rưới nhiều giọt nước vào mái tóc xanh bé nhỏ của Hanh.

Bàn tay có ngón tay của Hanh trong lỗ dần dần trở nên cứng đờ ; Hanh thử dùng bàn tay còn lại chà xát lên nhưng vẫn không thay đổi được, trái lại còn trở nên lạnh và cứng thêm. Hanh ngó con đường dài hun hút dẫn về thành phố. Không thấy một người nào cả. Cái lạnh bắt đầu xâm nhập vào cổ tay, rồi cả cánh tay, rồi đến vai. Ôi chao! Lạnh quá! Kế đó, tay Hanh bị co rút lại, Hanh run cầm cập. Dường như em của Hanh đã đi được hàng giờ rồi. Còn gì cô đơn và mệt nhọc cho bằng! Con đường vẫn vắng tanh, vắng tận hút tầm mắt. Hanh tựa đầu trên vách tường để nghỉ. Bây giờ, dường như Hanh nghe được giọng nói to rổn rảng của biển cả:

- Ta là Đại Dương đây! Không một người nào có thể chống cự ta được. Mày là ai, đứa bé kia? Sao dám cản đường ta đi? Hãy coi chừng mất mạng!!!

Và nước vẫn vỗ đều trên vách tường, dường như nước đang thì thầm với Hanh:

- Tao sẽ đi qua, sẽ đi qua! Mày sẽ chết chìm, chết chìm, chết chìm! Mày hãy trốn mau trước khi tao đến!

Hanh chán nản muốn bỏ cuộc. Hanh muốn rút ngón tay ra khỏi lỗ. Nhưng Hanh sợ! Sợ cái gì? Nếu lỗ trở nên lớn và làm vỡ đê thì...! Hanh nghiến răng và ấn ngón tay vào sâu hơn nữa. Hanh lẩm bẩm:

- Biển cả ơi! Tôi không trốn đâu! Biển cả sẽ không bao giờ qua nơi đây được!

Lúc đó, giữa lúc Hanh đang đến hồi kiệt lực, nửa mê, nửa tỉnh, nhiều tiếng gọi xa xôi vọng vào tai Hanh. Hanh cố giương to mắt. Ở đằng xa, thật xa, dường như ở cuối đường, Hanh thấy một đám bụi... và kế đó một khối đen đang tiến dần về phía Hanh. Đúng rồi! Hanh mừng rỡ, đó chính là những người ở thành phố. Hanh thấy rõ ba Hanh và các bác ở cạnh nhà. Tất cả đều cầm bay và giỏ chạy nhanh đến Hanh. Họ vừa chạy vừa là:

- Can đảm lên! Cố gắng Hanh ơi! Các bác đến đây!

Một lúc sau họ đã đến. Và khi họ thấy Hanh xanh lè xanh lét với ngón tay bị siết chặt trong đó, tất cả đều la lên: "Trời ơi!" Ba Hanh bồng Hanh trên tay, ông chà xát cánh tay cứng đờ của Hanh. Mọi người đều nói Hanh là một vị anh hùng đích thực, một vị tiểu anh hùng đã cứu nguy thành phố khỏi bị tàn phá bởi biển cả bạo tàn.

Khi đê được sửa chữa xong, tất cả ca khúc khải hoàn công kênh Hanh trở về thành phố. Các em hãy tưởng tượng người ta tiếp rước Hanh trọng thể như thế nào!

Ngày hôm nay, dân chúng ở đó, ở thành Hạt Lem có uất-kim-hương danh tiếng, vẫn còn thuật lại câu chuyện của đứa bé trai anh hùng tên Hanh đã cứu nguy thành phố.


ANH CA             
(theo Trents belles histoires)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 80, ra ngày 1-11-1967) 

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Ổ Chim Sáo


Đằng sau nhà tôi có một miếng vườn rộng, cây cối đủ loại ; có những cây phượng to lớn không biết ba tôi trồng từ bao giờ cứ mỗi lần hè đến, hoa phượng rụng đỏ ối đầy vườn... Chim chóc kéo đến làm tổ ở vườn ấy rất đông. Thằng Hòa, đứa em thứ ba của tôi rất thích bắn chim sẻ, suốt ngày thơ thẩn ngoài vườn, cái mặt cứ hếch lên nhìn vào các bụi cây, tay lăm lăm cầm giàn thun, nạp sẵn viên đạn đất. Nó mải mê với những chú chim sẻ mà lảng lơ với việc học hành, ba tôi vẫn rầy nó luôn, nhưng vẫn chứng nào tật nấy... hễ vắng mặt ba tôi ở nhà là nó lật đật chạy ra vườn với cái giàn thun với hai cái túi đựng đầy đạn đất.

Một hôm, tôi trông thấy thằng Tâm cứ ngồi ở dưới gốc cây phượng, mắt láo liên nhìn lên ngọn cây như để ý một vật gì... Tôi ngạc nhiên đến gần tò mò hỏi nó:

- Gì vậy?

- Kệ em... Kìa! Xích ra chỗ khác... kệ em mà!...

Tôi ngạc nhiên:

- Em kiếm cái gì ở trên cây phượng vậy? 

Tâm tảng lờ đáp:

- Đâu có! Chị ra chỗ khác chơi đi!...

Tôi đưa mắt nhìn lên ngọn cây, cố ý tìm xem cái gì mà thằng Tâm mê say dữ vậy... Nhưng chẳng thấy gì lạ ngoài tiếng chim ríu rít hót chào mừng buổi ban mai tươi đẹp... Cụt hứng, tôi bước vào nhà, sửa soạn đi học.

*

Suốt mấy ngày liền, thằng Tâm cứ lẩn quẩn chung quanh gốc cây phượng vĩ, nét mặt đăm chiêu, cứ thỉnh thoảng lại liếc chừng lên ngọn cây. Tôi liền theo dõi từng hành động của nó xem chuyện gì. Cứ lần nào tôi gạn hỏi thì thằng Tâm chỉ ậm ừ qua loa rồi rốt cuộc tôi chẳng tìm được thêm chi tiết nào. Mấy hôm sau, không biết thằng Tâm lấy ở đâu ra một cái lồng chim đan bằng tre, nó hí hửng treo cái lồng không ở ngoài vườn, chỗ kín nhứt kẻo ba tôi trông thấy thì ốm... đòn. Ngạc nhiên, tôi càng để ý từng cử chỉ của thằng Tâm không bỏ sót cái gì. Hình như nó biết tôi theo dõi nên luôn luôn tránh mặt tôi trừ bữa cơm và buổi tối học bài nó mà trông thấy dạng tôi là lẻn ra chỗ khác ngay.

Một hôm tôi đi học về, chưa kịp cơm nước gì thì thằng Hải, đứa em út, chạy lại khoe với tôi:

- Chị Ngọc ơi!... Anh Tâm cho em một con chim sáo đẹp lắm!

- Đâu? Đưa chị xem nào!

- Anh ấy bảo nuôi hộ em đó! Bốn con to của anh ấy, con nhỏ của em. Ảnh bỏ vô lồng treo ở cành phượng đó! 

Tôi nhìn ra vườn, ánh nắng chiều đã tắt lịm, chỉ còn vài tia nắng yếu ớt cố bấu víu trên cành cây xanh lá. Chim chóc gọi nhau về tổ ; ngoài tiếng chim ríu rít quen thuộc tôi còn nghe rõ ràng một giọng gào thét não nề của một con chim mẹ nào đó, bị mất con. Tôi chợt hiểu và vùng chạy ra vườn.

Bên cạnh gốc cây phượng, một chiếc lồng đựng 5 con chim sáo bé nhỏ, cố đập đôi cánh non vùng vẫy thoát ra ngoài với tiếng gọi thảm thiết của mẹ chúng nhưng vô ích, cửa lồng đã đóng chặt. Thằng Tâm thích chí cười vang. Tôi cự nó:

- Mày làm gì vậy? Bắt chim còn non quá, thả ra đi... để lớn rồi bắt... Tội nghiệp! Mẹ nó gào dữ quá...

Thằng Tâm trợn mắt nhìn tôi:

- Ham lắm! Bắt khó lắm chớ bộ... chim sáo mà... Hứ! Ham lắm mà đòi thả... chị này kỳ hông! Mắc mớ chi tới chị?

Thằng Hải le te đi tới, miệng líu lo:

- Con nhỏ nhất định của em nha, anh Tâm! Chu choa! Đẹp ghê luôn! À, anh bắt luôn con mẹ đi anh Tâm!

- Mẹ nó khôn lắm, bắt hỏng được...

Tôi nhìn con chim mẹ mà cảm thấy thương hại. Tội nghiệp! Quá thương con nên lông lá nó xù ra, miệng gào thét đau đớn... Con chim mẹ lượn vòng chung quanh cây phượng một hồi rồi mệt mỏi đậu trên nhánh cây gần chiếc lồng nhốt con nó mà gào to lên... Bên trong lồng, năm con chim con cố gắng vẫy vùng mong thoát ra khỏi chiếc lồng tre giam giữ sự tự do của chúng mà về sum họp với mẹ... Đôi cánh non đã rướm máu, lông rụng xác xơ, cặp mắt nhòa lệ, năm con chim bé bỏng giờ đây đã mất hẳn tình mẫu tử thiêng liêng... và con chim mẹ âu sầu bay lượn quanh chiếc lồng nhốt đàn con thơ dại mà lòng đau đớn thốt ra những tiếng gào thảm não... Còn gì đau đớn hơn!... Mỏ ngậm mồi đem về đút cho con nhưng... con đâu!! Con chim mẹ thét lên những tiếng bi ai như oán trách kẻ làm cho mẹ con nó phải lìa nhau...

Thằng Tâm lấy cơm đút cho chim ăn nhưng chúng vẫy vùng đòi thức ăn của mẹ chúng đút cho thường ngày... Nhưng biết bao giờ có nữa... từ đây mẹ con chúng phải lìa nhau vĩnh viễn.

Đã hai ngày rồi, con chim mẹ suốt ngày đêm cất tiếng thét não nùng gọi con... Tôi tức bực chạy đi tìm em:

- Tâm! Mày có thả năm con chim sáo ra không? Để mẹ nó gào ầm cả lên! Ba mà biết thì mày chết đòn nha!...

Tâm cự nự:

- Để em chơi mà! Bộ chị mách ba?

- Không! Nhưng tao bảo mày...

- Gì?

Tôi giảng giải:

- Mày... thí dụ nhá... nếu mày... mất mẹ... mày có đau đớn không?

- Có chớ! Đau khổ lắm!... Vì có dì ghẻ... em ghét dì ghẻ lắm cơ!

- Nói bậy!... Tao thí dụ thôi!

Tôi quay ra vườn chỉ con chim mẹ đậu trên nhánh cây đang gào thét gọi con:

- Mày không thương con chim mẹ à?

- Không! Em đang định đánh bẫy nó cho mẹ nướng lên ăn đây!

Tôi cố gắng nói thêm:

- Mày còn nhớ bài học đức dục hôm qua không?...

- Nhớ chớ!

- Nhớ sao mày không thực hành đi?

- Cái gì?... bộ...

- Phải, bài đức dục dạy phải thương yêu loài vật ; nó cũng có giác quan như mình, cũng đau khổ khi con mất mẹ, mẹ mất con...

Thằng Tâm chạy ra chỗ lồng chim, tôi chạy theo nói:

- Thôi! Thả ra đi!...

Bên trong lồng, năm con chim bé rũ rượi miệng kêu "chim chíp" gọi mẹ... Tôi nói:

- Mày thả ra đi, để vậy nó chỉ sống độ vài ngày là cùng.

Thằng Tâm nhìn sững vào năm chú chim non, mắt rớm lệ, nửa muốn thả, nửa không. Tôi thương em, dịu dàng nói:

- Tùy ý!... Mày muốn thả thì thả...

Thấy có người đứng bên chiếc lồng nhốt con, chim mẹ đập cánh liên hồi đảo quanh cây phượng, miệng gào thét não nề. Đột nhiên thằng Tâm mím môi, đưa tay kéo phăng cánh cửa lồng ra... Chim mẹ hét lên sung sướng. Năm con chim nhỏ yếu ớt đập cánh bay ra với mẹ. Chúng tôi sung sướng nhìn chim mẹ dẫn đàn con bay đi nơi khác mà lòng dâng lên một tình thương tha thiết... Thằng Hải lật đật chạy lại, nó sửng sốt nhìn chiếc lồng trống không... Thằng Tâm thản nhiên bảo:

- Anh thả chim ra rồi!


CHÂU HÀ   

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 34, ra ngày 25-11-1965)

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

Xuôi Dòng


Dưới thung lũng, ánh nắng hầu như tắt hẳn. Mặt trời xuống thấp chiếu tỏa ánh sáng hồng lên các sườn đồi. Cụm rừng ở thung lũng đang im lìm, lặng lẽ bỗng trở nên náo động bởi những tiếng ríu rít, vội vã của các chim nhỏ từ phương trời xa bay về tổ. Âm thanh ồn ào nhưng lảnh lót ấy lui dần dần như để nhường cho tiếng kêu nức nở, cô đơn của loài côn trùng hay tiếng gầm thét dữ dội thỉnh thoảng vang lên của các mãnh thú.

Sự sợ hãi tràn chiếm hồn Nguyễn. Nó ngồi xuống tảng đá cạnh dòng suối, tay ôm lấy đầu để trốn lánh các tiếng nước chảy róc rách trong khung cảnh vắng vẻ, mơ hồ này thật trầm lặng, trầm như nốt nhạc thấp nhất của tiếng dương cầm khiến cảm thấy đơn độc, sợ hãi hơn.

Độ vài phút sau, nhận thấy không thể ngồi lì mãi ở đây, Nguyễn vụt đứng dậy, khoác chiếc ba lô lên vai bước vội, hy vọng tìm ra được làng mạc nào đó để trú đỡ đêm nay ; mới dợm bước, nó chợt dừng lại, ngả ba lô xuống lấy cái đèn pin để soi lối đi và rút con dao găm đeo bên hông hờm sẵn nơi tay rồi tiến vào lần theo hướng trước mặt.

Đi được khoảng một giờ, ánh đèn chiếu ra chỉ còn tới thân cây phía trước  cách Nguyễn vài bước. Dạ thần cũng vừa buông trùm. Mồ hôi Nguyễn toát ta dầm dã trong khi gió rừng thổi mạnh cuốn những chiếc lá khô bay tấp vào mình nó. Lưỡi dao nó đang cầm trên tay không chĩa thẳng như trước nữa.

- A! Còn cây đuốc của thằng Minh gởi đây.

Nguyễn vui mừng kêu lên khe khẽ khi dầu từ trong ba lô nhỏ xuống chân. Đoạn nó rút cây đuốc ra. Dầu trong đuốc đã đổ ra phân nửa.

- Cũng còn dùng được.

Nó quạt cái đèn pin xuống đất tìm đá bên bờ suối để đánh lửa đốt ngọn đuốc. Ánh lửa bùng lên, chập chờn theo bước đi của nó.

Nguyễn vừa đi vừa nép mình sau từng thân cây, giơ cao ngọn đuốc ra phía trước, đề phòng sự tấn công của thú dữ. Nước mắt ràn rụa hai bên má, nếu gặp ba mẹ và anh chị lúc này, có lẽ nó nhảy tới ôm chầm từng người rồi khóc thật nhiều, thật to. Nó tự trách mình khờ dại, giàu tự ái mà nên nông nỗi. Lúc ngọn lửa trên đuốc hạ dần, Nguyễn vui mừng đến cực độ:

- Ồ! Có nhà...

Một hàng rào bằng tre, cao, chắn ngang lối đi Nguyễn. Bên trong có đốm lửa nhỏ phát ra từ ngôi nhà sàn.

Không chần chờ, Nguyễn đẩy ba lô vào trong lỗ trống khá lớn ở chân rào, đoạn chui vô.

- Hộộc... hộộc.

Nguyễn rú lên khi thấy bóng con thú lớn giơ cái mõm dài với hai cái răng nanh nhỏ mọc ngược quay về phía mình. Nguyễn vụt chạy nhưng chẳng mấy chốc bị vướng dây leo, vấp ngã. Con vật kêu lên mấy tiếng "hộc, hộc" và chồm tới...

*

Qua ánh sáng yếu ớt từ mấy cục than đỏ trong bếp phát ra, một cậu bé có mái tóc xõa dài tới ót đang ngồi lùi khoai, chú chó nằm lim dim bên cạnh. Chợt nó gầm gừ rồi phóng mình ra cửa sủa ầm ĩ. Cậu bé đưa mắt nhìn phía ngoài: một ánh đuốc di chuyển dọc theo cuối rẫy.

- Í, ạ! Thằng nào dám vào rẫy mình ăn trộm hà.

Dứt lời, cậu bé đứng dậy, chống tay nơi khung cửa quan sát.

- Được rồi, tao sẽ cho mầy chết.

Cậu bé trở vào nhà rút bó tên và cây nỏ treo trên vách phên rồi huýt gió gọi con chó đi theo.

Băng mình qua đám rẫy, khi gần tới ánh đuốc, cậu bé lắp hai cây tên vào chiếc nỏ, dè dặt tiến bước, con chó sột soạt phóng mình đi trước, đến gần kề mục tiêu cậu ngạc nhiên thấy bóng con thú đang rượt đuổi người bé nhỏ cầm đuốc. Lúc cái bóng phía trước ngã sóng sượt, cậu bé chĩa nỏ thẳng vào con thú lẩy cò.

- Phập, phập.

Trúng nhược điểm, con thú hét lên ghê rợn quay mình về phía cậu bé ; không chậm trễ cậu lắp thêm tên bắn ra phát nữa: con thú ngã vật xuống dẫy đành đạch trước khi nằm bất động. Cậu bé nhặt cây đuốc giơ cao:

- Ồ! Một người kinh.

Nguyễn Người kinh ấy gắng chống tay gượng dậy, nhưng vừa chống lên, hai khuỷu tay lại quỵ xuống. Cậu bé cúi xuống đỡ Nguyễn và giơ ngọn đuốc về xác con vật: con heo rừng lãnh bốn mũi tên, máu me chan hòa.


Cậu bé dìu Nguyễn vòng lại chỗ lỗ trống lấy đồ đạc. Dưới ánh sáng của ngọn đuốc, đám dây khoai bị ủi trốc lên một vùng khá lớn. Cậu bé lẩm bẩm:

- Hừ, phá hết trơn của người ta. Xẻ thịt mầy cũng là đáng lắm.

Đoạn cậu bé tròng dây vào mình con heo hì hục kéo về. Nguyễn lững thững theo sau. Đến nhà, Nguyễn mệt lả nằm dựa vách, thở dốc. Cậu bé đem đồ của Nguyễn đi cất, rồi vào bếp bươi mấy củ khoai trao cho Nguyễn. Nguyễn tiếp lấy nhưng khẽ nhíu mày: khoai củ sống củ cháy. Song đói quá Nguyễn ăn nhầu. Cậu bé xoa tay, yên lặng nhìn thật lâu vào Nguyễn như dò xét. Đợi Nguyễn ăn xong, cậu hỏi:

- Mầy đi lạc hở? Mà cái tên của mầy là gì?

Nguyễn ngạc nhiên vì cậu bé nói tiếng Việt khá sành sỏi. Nó trả lời:

- Vâng, tôi đi chơi bị lạc. Tên tôi là Nguyễn.

- Nghiễn?

- Không, Nguyễn cơ (Nó cố kéo dài chữ Nguyễn cho thằng bé hiểu).

Sau vài câu thăm dò, cậu bé bắt đầu thân mật:

- Chắc mầy ăn khoai không được há, tại tao đi nên không coi được đó mầy à. Nhưng mầy đừng có lo cái bụng. Lát nữa ba tao đi trên "cái" làng về "nó" sẽ làm thịt con heo cho mầy ăn.

- Ba của...

Cậu bé ngắt lời:

- Tao tên Ysor.

- Ừ. Ba của Ysor đi đâu?

- Ba tao đi làm lễ tạ ơn thần linh đã giúp cho lúa chín. À, tí nữa tao dẫn mầy đi. Có lửa vui lắm.

Ysor có đôi mắt to  như mắt thỏ, mầu nâu và khuôn mặt đen, bầu bầu trông hiền lành, dễ thương nên Nguyễn cảm thấy mến thằng bé ngay. Nó nói:

- Ysor nói tiếng Việt giỏi quá, chắc Ysor xuống dưới chợ nhiều lắm. Hôm nào bồ xuống tớ dẫn bồ về nhà tớ chơi. Nhà tớ ở gần chợ.

- Ừ, nhưng tao sợ...

- Ồ, không sợ gì cả, tớ sẽ nói với ba me và anh chị tớ Ysor là ân nhân, là người cứu tớ thoát chết.

Ysor nheo một con mắt, miệng nở nụ cười dễ dãi để trả lời câu nói của Nguyễn.

Có tiếng chân người đang leo lên khúc cây dựng làm cầu thang. Giây lát, một ông già tóc hoa râm, tay cầm mác xuất hiện ở cửa.

Nguyễn lo âu đưa mắt nhìn Ysor, Ysor cười:

- Ba tao đó mầy ạ.

Ông già dùng ngôn ngữ của mình hỏi con, Ysor đáp lại. Hai cha con nói bi bô với nhau khiến Nguyễn không hiểu gì cả. Ông già đưa mắt đầy thiện cảm nhìn Nguyễn, nhoẻn miệng cười. Nguyễn nở nụ cười đáp lại. Ông khoát tay ra dấu bảo Nguyễn ở chơi, rồi lặng lẽ vào trong nhà. Ysor nói:

- Mầy khỏe chưa? Có muốn đi nhảy lửa với tao không?

Nguyễn gật đầu.

Ysor lấy một cái thanh la nhỏ, và một cái giỏ gần giống với cái nơm cá. Nguyễn ngạc nhiên thấy Ysor cầm giỏ nhưng không dám hỏi. Nó cũng muốn trổ tài của mình nên rút trong ba lô cái ống sáo. Đoạn cả hai cùng bước đi.

Tới nơi, chung quanh đống lửa được đốt cao, dân làng tụ tập đông đảo. Họ vừa nhảy múa vừa cất tiếng hát nhịp nhàng theo tiếng thanh la lớn nhỏ, tiếng đờn ống, đờn "trái bầu" của ban nhạc quây quần trong ánh lửa. Ysor gõ lớn thanh la một tiếng rồi nhập cùng ban nhạc. Không ai để ý tới Nguyễn cho tới khi khúc nhạc dứt. Ysor chỉ Nguyễn giới thiệu với mọi người. Rồi cậu lại nói nhỏ với Nguyễn:

- Ra đi. Mầy là người kinh, chắc mầy cũng làm được nhiều "cái" vui.

Hình như Nguyễn cũng say mê đám đông nên mạnh dạn bước ra. Mọi cặp mắt dán chặt lấy Nguyễn. Nguyễn đưa sáo lên môi thổi khúc nhạc quen thuộc. Mọi người im lặng lắng tai nghe. Sáo vừa buông xuống thì tiếng vỗ tay, tiếng hò hét vang lên. Hứng chí, Nguyễn cất giọng ca:

- Anh em ta, cùng mẹ cha... Nhớ chuyện cũ, nhớ tích xưa. Khi thế gian còn mù mờ...

Âm điệu quen thuộc với người sơn cước. Nên lập tức ban nhạc tiến ra, trong đó có Ysor vừa đàn, vừa hợp cùng đám đông, cùng Nguyễn hát vang, nhưng với tiếng mẹ đẻ của họ...

Nguyễn chợt hiểu ra và cười nôn ruột khi Ysor một mình biểu diễn vũ điệu "Nhảy giỏ". "Chàng ta" ưỡn trước, ưỡn sau theo tiếng "chập" giỏ, trông không thể nhịn cười được.

Cuộc vui tàn theo ánh lửa. Mọi người rút về nhà. Riêng Nguyễn khoan khoái vì đã sống trọn một đêm trong thế giới xa lạ...

*

Tờ mờ sáng, Ysor đưa Nguyễn về chợ. Chiếc bè xuôi dòng trôi phăng phăng. Mặt Ysor trầm tĩnh, thoáng chút buồn còn Nguyễn mải say mê nhìn cảnh vật. Chú sóc trong hốc cây ló cái đuôi màu sữa điểm chấm đen chọc con chim họa mi đang líu lo trên cành cây cạnh đấy. Con cánh cam phơi cái lưng đủ mầu sắc đang vươn mình lên để hút giọt sương mai... khiến Nguyễn quên khuấy người bạn bên cạnh.

Đến chừng, bè vượt khỏi thung lũng tới ngang mấy lều trại của Nguyễn đóng. Ysor cho bè rẽ vào bờ. Đàng xa các bạn Nguyễn thấy bóng dáng Nguyễn hò hét chạy tới. Nguyễn mới buồn rầu nhìn Ysor, Ysor mím môi quay đi. Nguyễn nghẹn ngào:

- Cám ơn Ysor nhiều lắm. Hy vọng còn gặp lại Ysor... Tôi có vật này tặng Ysor làm kỷ niệm. Mong Ysor đừng từ chối nhé.

Nguyễn đưa con dao găm cho Ysor. Ysor lưỡng lự đôi phút, nở nụ cười gượng gạo rồi cầm lấy dao.

- Thôi chào "Nghiễn". Chào nhé!

Ysor cho bè ra giữa dòng. Hai cánh tay của đôi bạn trẻ mới quen nhau vẫy vẫy, quyến luyến không muốn rời nhau.

- Ồ! May quá, Nguyễn đã về.

- Thằng Nguyễn làm tụi tao hết hồn.

- Nguyễn tha lỗi cho Dũng nhé. Dũng vô tình làm chạm tự ái Nguyễn khiến xảy ra điều không may này...

Tiếng các bạn vang lên. Nhưng Nguyễn có nghe gì đâu. Nguyễn còn dõi mắt nhìn bóng cái bè chở người bạn thân yêu khuất sau mấy rặng cây. Trong tâm tư, Nguyễn mang hai kỷ niệm: ngược dòng với bao nhiêu hiểm nghèo, xuôi dòng với nhiều luyến tiếc, mến thương.


Nguyễn Ngọc Anh     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 80, ra ngày 1-11-1967)

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

Tiếng Nhớ













Có một lần khi chiều về gọi nắng
Hàng cây già im lặng đứng ngẩn ngơ
Là xa dần từng khép nép đợi chờ
Là bơ vơ mấy bờ dâng nước lũ

Có một lần khi hoa buồn ủ rũ
Dáng nghiêng mềm thêm búp nụ xanh xao
Là nhạc buồn dâng ngất mãi lên cao
Là đánh mất ngọt ngào yêu thương cũ

Em mong lắm màu hoa xưa vừa nhú
Lớn dần như niềm ấp ủ trong tay
Thà lỡ rồi nên một sớm một ngày
Nụ hoa xưa như áng mây phiêu lãng

Mùa mưa sa thêm nỗi buồn mang máng
Tin sầu nào làm vỡ dáng kiêu sa
Nên bây giờ gởi gió tuổi ngọc ngà
Em bước đi phôi pha từng kỷ niệm

Khung trời xưa có một lần êm tiếng
Em còn gì lời oanh yến trên môi
Khi xa dần từng dấu cũ bồi hồi
Từ giã vội làm lơi vòng tay nhỏ

Thành phố đó sau lưng em từ bỏ
Vùng sương mù miền đất đỏ đơn sơ
Môi mím buồn nhìn từng bước bơ vơ
Nghe tiếng nhớ làm thẫn thờ ý nhạc

                                             HỒNG LIÊN
                                                  (B.M.T)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 117, ra ngày 1-11-1969)

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

Gởi Hoàng












 Cho H.T.V.

đó trời còn mưa không Hoàng
Chùng lòng ta đếm những ngày sang
Có phải ra đi là bỏ lại
Hoàng và kỷ niệm ở Nha Trang

Hoàng làm gì nhớ những ngày xưa
Cùng về trên lối lá me mưa
Sách vở đầy tay chừng cũng nặng
Dõi mắt Hoàng theo những bụi mưa

Ta biết ta đi Hoàng sẽ quên
(và đó là điều rất dĩ nhiên)
Nhưng nếu ta về Hoàng có nhớ
Một thời xưa đã rất thân quen

Ở đó biển còn xanh không Hoàng
Đêm, trời có vỡ những sao băng
Gởi Hoàng một chút hồn ta đó
Cơ hồ xa cách đến trăm năm…

                             TÔN NỮ THU DUNG

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 214, ra ngày 1-12-1973)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>