Tuyên vừa đi khỏi nhà một lát, tới con đường lá me đã thấy nhỏ hôm qua đi sẵn từ bao giờ. Bước thật nhẹ, thật đều, nhỏ ấy cắp cặp đi nép dưới những hàng me cao vút, bóng áo trắng nhè nhẹ bay trong gió buổi sáng trên con đường vắng ; tự nhiên Tuyên thấy mến cái dáng người nho nhỏ ấy quá.
Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày, cả một tuần lễ sáng nào cũng vậy, ra khỏi cửa đến con đường lá me là Tuyên thấy bóng nhỏ ấy đi trước mặt, cứ như thế trở thành một thông lệ, Tuyên thấy vui vui mỗi lần gặp nhỏ, dáng be bé dễ thương, cắp cặp một mình đi thật nhẹ đàng trước mặt. Hôm nào nhỏ ấy nghỉ học hoặc đi sớm hay trễ hơn Tuyên, Tuyên thấy nhơ nhớ lạ. Hôm nay cũng vậy, đi ra tới con đường "me" Tuyên không gặp nhỏ, Tuyên buồn buồn bước đến trường, hôm qua con đường dễ thương bao nhiêu, hôm nay nó khó thương chi lạ. Đến hôm sau rồi hôm sau nữa cũng không thấy, Tuyên cố căn đi đúng giờ mà chẳng được, bao nhiêu câu hỏi được đặt ra: Nhỏ ấy đi sớm hoặc trễ hơn hay... nhỏ ấy ốm? Ý nghĩ này làm Tuyên lại buồn hơn. Một tuần lễ ngày nào đi học cũng không gặp nhỏ ấy, đúng nhỏ ốm rồi, nặng nữa là đằng khác, những một tuần qua, con đường không có nhỏ ấy làm như nó cũng buồn, chẳng có tí gió nào, cũng chẳng có những trận mưa lá me mỗi khi gió lướt qua nữa, chả lẽ bác gió cũng ốm hay sao? Và Tuyên, Tuyên cũng muốn ốm để ở nhà, nó chán đi học quá, ngày nào cũng... làm sao ấy học chẳng vô. Tuyên quyết nhỏ ấy đi học lại phải hỏi cho ra lẽ mới được... Quyết như vậy, đến hôm nhỏ đi, thấy cái dáng Tuyên đã mừng nhưng nó không dám hỏi, bao nhiêu hùng khí của con trai bay đi đâu hết sạch! Tuyên rụt rè cứ tiến gần định hỏi lại không dám. Nhỏ cứ đi và Tuyên cứ lẽo đẽo theo sau. Chợt gió từ phía sau thổi thốc lên, thật nhanh như muốn đẩy Tuyên tiến tới, những sợi tóc bay về phía trước cả. Tuyên vừa đi thật nhanh vừa giữ tóc lại trong khi nhỏ ấy bước chậm gần như đứng hẳn, để vén những sợi tóc phất phới tấp vào mặt và để giữ áo, gió vẫn thổi, Tuyên đã ngang hàng với nhỏ, nó ngập ngừng:
- Sao... sao một tuần rồi không đi học?
Nhỏ ngạc nhiên, đứng dừng hẳn lại, đôi mắt mở tròn, tóc rẽ làm hai bên phất vào mặt và trên đầu nhỏ, một tay không đủ, nhỏ đưa cả tay cầm cặp lên để giữ tóc, thật nhanh, chiếc cặp rơi bịch xuống đất và tự nhiên Tuyên cũng cúi xuống nhặt cặp giữ giùm nhỏ luôn. Những chiếc lá me rơi vùn vụt trước và sau hai đứa trong cơn gió, gió làm cành lá chạm vào nhau kêu xào xào hòa với tiếng rơi nhẹ, nhanh của những chiếc lá đỏ vàng. Lúc này Tuyên đã bình tĩnh lắm, nó hỏi lại lần nữa, bấy giờ nhỏ mới lên tiếng:
- Ấy... ấy hỏi hả?
- Ừ.
- Thư ốm.
- Ốm hả? Tên Thư hả?
- Anh Thư.
- ...
- Sao... ấy biết Thư nghỉ học?
Tuyên hiên ngang:
- Sáng nào cũng đi đàng sau anh Thư hết á.
Chúng nó vừa đi vừa nói chuyện. Anh Thư mải giữ tóc còn Tuyên vui ngơ ngẩn. Hết con đường dài hai đứa mới nhớ ra, Anh Thư nói:
- Cái cặp của Thư?
- Đây.
- Cám ơn nhé! Ơ, mà... ấy tên gì nhỉ?
Tuyên chu miệng nói thật rõ:
- Tu... uyên...
Anh Thư nhại lại:
- "Tú-Uyên" hả?
- ... Ừ.
- Ngày mai "Tú-Uyên" có đi học không?
- Có chứ, đi đúng giờ nhé?
Thư nghiêng đầu:
- Dĩ nhiên.
Thế là chúng nó quen nhau, sáng nào hai đứa cũng trò chuyện suốt quãng đường dài có những cây me cao và rậm. Anh Thư không sợ gió nữa, đã có "Tú-Uyên" cầm cặp hộ và Tuyên, Tuyên đã thấy thích thú, hứng khởi để chăm đi học và chăm học bài vì có một đổi thay lớn trong tình cảm của nó là: Cô bạn thật nhỏ bé và cũng thật dễ thương mỗi buổi sáng đi bên cạnh Tuyên.
ĐƠN-NÊ
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 14, ra ngày 20-11-1971)