Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

Danh Ngôn 223


Kẻ nào không biết giận là một đứa ngốc. Người nào không muốn giận là một ông thánh.
Tục Ngữ ANH

Giận là một cơn điên ngắn.
HORACE

Trải qua một đêm giận dữ còn tốt hơn là trải qua một đêm hối hận.
TARGUI

Hành động trong cơn giận khác nào ra khơi giữa cơn giông bão?
POSDSLUY

Kẻ hờn dỗi có hai điều mệt nhọc: mệt nhọc vì hờn dỗi và mệt nhọc để giải tỏa hờn dỗi.
F. SAUVÉ

Cái tay giận dỗi không đánh nổi cái mặt tươi cười.
Tục ngữ TRUNG HOA

Khi con gà phùng lông, lông nó lại càng dễ nhổ.
Tục ngữ MIẾN ĐIỆN


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 223, ra ngày 1-6-1974)

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Bước Chân Về Dĩ Vãng





















Em về qua phố cũ
Con ngõ vắng im lìm
Bước chân người vội vã
Dẫm nát buổi chiều êm

Em về qua ngã tư
Bức tường rêu hững hờ
In dấu hằn năm tháng
Dưới giàn bông giấy xưa

Em về qua phố vắng
Cổng nhà ai hoa vàng
Nắng cuối chiều đã tắt
Chỉ còn gió đi hoang

Em về qua phố dài
Vọng tiếng cười đâu đây
Một lần xa là mất
Còn lại gì trong tay

Em về qua phố đêm
Đèn đường đứng im lìm
Nhà ai khung cửa mở
Nghe gió lạnh lùng thêm

Em về qua phố trưa
Làn mây trắng ơ thờ
Chân người xa khuất nẻo
Tàn cả một trời thơ....

                 Trần Thị Phương Lan
                  (Bút nhóm Hoa Nắng)

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Giọt Nước Mắt Đợi Chờ


Buổi sáng ở đây thật êm ả, ánh nắng dịu dàng làm tan loãng hơi sương trên những đọt cây. Nhà em ở chênh vênh trên sườn đồi nhìn xuống thung lũng sâu, xanh ngắt mùi cỏ thơm và con đường ngoằn ngoèo dẫn xuống đồi vắng ngắt, hiếm lắm mới thấy một bóng người. Không khí thật yên tĩnh, ít khi có những tiếng động ồn ào của thành phố nên em mãi đắm chìm trong cái dịu dàng buổi sáng, cái im lặng buổi trưa và cái êm đềm của tối, ngoài tiếng lá, tiếng gió, tiếng chim. Em cứ ngỡ đây là cái thế giới thần thánh của em, của một người bệnh. Em ngồi vơ vẩn ngoài vườn, chẳng biết làm gì trong buổi sáng này. Nhớ lại những ngày em mới đến đây, suốt ngày em ở ngoài vườn, xới lại những luống cây, nâng niu từng cánh hoa, tưới nước mỗi sáng mỗi chiều, nhặt hết lá úa. Em quét hết lá vàng lại góc vườn, em quên cả ăn cơm, cứ tưởng như vườn hoa là bạn bè thắm thiết chẳng thể rời xa. U già bảo em nếu ở đây lâu có thể trở thành một người làm vườn siêng năng cần mẫn. Em phụng phịu "ơ... cháu là bạn của hoa mờ". U già lại cười "gớm vài hôm nữa cô lại không chán ngấy cho xem". Em nhất định cãi lại là em chả bao giờ chán hoa, để u xem. Thế mà vài tuần sau em đã thấy chán nản công việc của "bác làm vườn" cần cù mỗi ngày. Em chả buồn quét dọn làm khu vườn đầy lá úa, trông thật tội nghiệp. Em bảo u già mắc cho em cái võng ngoài vườn và suốt ngày em nằm ở võng với quyển sách. Lúc đọc sách, lúc mơ màng và có lúc em ngủ quên suýt lăn tòm xuống đất. Đọc sách mãi cũng chán, bây giờ em chẳng biết làm gì, mỗi buổi sáng em ngồi ở vườn nghĩ vẩn vơ, em nhớ nhà kinh khủng, em nhớ cả bạn bè nữa. Em lại ước ao, giá có đôi cánh mà bỏ lại khu vườn, bỏ cái võng bay về thăm bố mẹ, thăm bạn bè, thăm trường lớp, thăm hết con đường hốc hẻm của thành phố. Ừ, giá có đôi cánh em về thăm một tí cũng được, rồi em sẽ trở lại đây với nhà ngủ yên, với cơn bệnh mệt nhoài, em muốn khóc. Em thèm đọc lá thư của mẹ, của bố, của bạn bè. Em lục lại những thư cũ ra đọc... vẫn chưa hết ngày. Em lại ngồi chờ đợi bác đưa thư. Đã hai ngày nay bác chưa đi qua nhà em nên chả có cái thư nào. Em chờ đợi. Chờ đợi đến đỏ cả mắt cũng chả thấy bác đưa thư. Buổi tối em nằm khóc rấm rứt. Chắc mẹ quên em rồi, bạn bè quên em rồi... Ừ em chỉ là người bệnh bị bỏ rơi, lạc loài đến tận đây, ngẩn ngơ trong những tháng ngày. Em khóc to, khóc nức nở. U già dỗ dành càng làm em tủi thân, em khóc cả buổi tối rồi em ngủ quên khi nước mắt còn đọng hững hờ trên mắt. Sáng mai khi thức dậy em thấy mắt mình sưng húp, xấu xí tệ. Lòng nhủ lòng sẽ không thèm khóc nữa. Em lại ngồi ở bậc thềm, lại chờ đợi. Một ngày qua đi, ôi! Mong chờ! Em kêu lên khi đêm xuống, khi mà em biết chắc bác đưa thư đã về nhà. Thôi, chờ ngày mai vậy, em tự an ủi khi trở vào nhà. Rồi buổi sáng, em lại đợi chờ... ôi chao, chờ đợi thời gian bò như con rùa, em đếm từng phút ở chiếc đồng hồ... Em thèm xuống đồi, xuống phố chơi một tí. Khổ nỗi u già cứ sợ gió máy, sợ em yếu đuối, để em đi một mình u không yên tâm. Em biết u già lo lắng khi thấy em không vui. U hỏi em có thích hoa lạ nữa không? U đi mua cây giống cho. Em lắc đầu, em chỉ muốn đi khỏi nhà mỗi buổi sáng để khỏi chờ đợi, khỏi phải nhìn thời gian qua đi buồn rầu. Mấy hôm rồi em quyết không thèm khóc, không thèm đợi. Mỗi ngày em nằm rũ trong phòng. Nằm nghĩ vẩn vơ chán thì ngủ. Ngủ dậy lại ngồi nhìn ra vườn cho hết ngày. Em không thèm viết thư cho ai nữa. Em nhớ những bài toán đại, toán hình mà ngày xưa em ghét ghê gớm. Em mỉm cười "ừ, giá có quyển sách toán ở đây thì vui biết mấy"... Mãi rồi u già sợ em ốm, u dẫn em đi chơi cho khuây khỏa. U cho em đi sang ngọn đồi bên cạnh một mình. Ban ngày em đi chơi quên tuốt luốt. Nhưng tối về nhà lại nhớ khủng khiếp. Nhớ bố, nhớ mẹ... nhớ những cánh thư và em khóc.

Em dắt chiếc xe ra khỏi nhà. U già gọi giật lại, u bảo em ở nhà làm bánh với u, đi chơi hoài coi chừng ốm. Em lắc đầu ngẫm nghĩ: "Làm bánh chán òm, u khen cháu, cháu khen u. Bánh làm rồi chả ai muốn ăn". Em chào u rồi dắt nhanh chiếc xe xuống đồi, em nghe u thở dài rất nhẹ. Đến chân đồi em đi lòng vòng ra phố. Hôm nay là Chủ nhật thảo nào phố đông người ghê gớm. Ở đây rảnh rỗi em quên cả ngày tháng. Càng đi em càng lạc lõng trong rừng người. Ngang qua nhà Bưu điện, hôm nay Bưu điện đóng cửa, em dựng xe lại vào ngồi ở bậc đá Bưu điện. Giá em có phép mầu đi qua được cửa gương em sẽ vào tìm cái thư nào của bố gửi cho em, của bạn bè... Em sẽ ngồi lục lọi trong muôn ngàn bức thư một bức thư thương yêu. Em dán mắt vào cửa kính, chỉ có những chiếc quầy trống trơn lặng lẽ. Em muốn hóa đá ở đây để bố, để mẹ... biết em trông thư đến chừng nào... ôi chao! Em sắp khóc, giọt nóng sắp vỡ òa trong mắt. Em chớp chớp đôi mắt và giọt nước mắt lăn dài. Em nhắm mắt lại, những giọt nước mắt rơi nhanh trên áo, trên tay. Khi em mở bừng mắt em cứ ngỡ có mẹ đứng trước mặt dỗ dành em, mà chẳng có ai cả. Em đứng bật dậy đi về. Em giận B.Đ, giận mẹ... giận luôn u già. Em dắt chiếc xe vào nhà, dựng vội vàng ở gốc cây. Em đi về phòng, nằm vật trên giường, em khóc ngon lành...

Khi em thức dậy trời đang mưa, cơn mưa dịu dàng lất phất giăng bụi lên hàng cây ngoài vườn. U già tưởng em đau, u bảo tại đi chơi hoài. U mang thuốc vào cho em. Em chán ngấy mỗi ngày ba lần uống thuốc đều đặn. Em ghét những viên thuốc đã giam em ở xó xỉnh cao nguyên này. Mà thôi, em nhắm mắt uống hết những viên thuốc trên tay u già cho u yên tâm và để em nằm yên.

U già đi rồi, cơn mưa vẫn nhỏ hạt. Nằm nghe tiếng chân u xa dần em buồn bã lạ lùng. Em kêu lên "buồn ơi! buồn". Em đi lại tủ sách kéo ngăn tủ kiếm quyển vở và cây viết, ngăn kéo mà cả tuần rồi em không buồn mở ra. A! Em hét lên. Cái thư! Ba cái thư nằm rất ngoan ngoãn trong ngăn tủ. Em nhìn ngẩn ngơ và thở phào. Bố đây rồi, mẹ đây rồi, bạn bè đây rồi. U già ác ghê, thư đến từ bao giờ mà chẳng bảo em, chắc u quên. Em mỉm cười miên man...


NHƯ NGUYỆN    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 44, ra ngày 25-6-1972)

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Mưa Trên Tờ Giấy Nháp

Em ngồi nơi bàn học
Tập vở xếp xếp đầy
Ngoài kia, trời bật khóc
Em cắn khẽ ngón tay.

Còn nhớ lời mẹ bảo:
"Dạo này thường hay mưa.
"Con cẩn thận nhé Thảo
"Kẻo lại ốm bây giờ!?

Rồi mẹ xem lại áo
(Chiếc áo mưa màu xanh)
Mẹ cất vào trong cặp 
Thêm cái nón rộng vành.

Nhưng hôm qua mưa lớn
Chẳng buồn như hôm nay
Em về quên mặc áo
Lạnh tím cả mặt mày.

Mẹ buồn lo, mẹ mắng
Em lặng lẽ một mình.
Nhìn mưa qua dậu trúc
Mưa trên lá cây xanh.

Mưa về làm em nhớ
Chuyện em và một người
(Chả khi nào em nói
Riêng mình em biết thôi).

Bỗng gió tung màn cửa
Nước bắn li ti vào
Em rụt vai, thè lưỡi:
"Gớm nước lạnh làm sao!"

Chả biết trời bên ấy
Mưa có buồn lắm không
Đàn guitare ai khẩy,
Réo rắt nhạc "mưa hồng"

Nay vắng nhau rồi nhé
Chắc mưa chẳng còn vui
Đôi môi mím thật khẽ
Con tim thoáng bồi hồi.

Chợt nhìn tờ giấy nháp,
Ô hay!... em làm thơ.
Có giọt mưa lấm tấm,
Là thi sĩ bao giờ?

               LÊ NGUYỄN MAI TRẮNG

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 28, ra ngày 20-6-1972)

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

Ma Túy và Học Đường


Nạn nghiện ma túy đang là mối quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia trên thế giới. Phải nói đây là một thảm họa, vì người nghiện ma túy không những cá nhân họ đã thành thân tàn ma dại, vô dụng, thừa thãi đối với sinh hoạt chung của dân tộc, họ còn là thứ ký sinh trùng sống bám, làm tê liệt, ung thối xã hội, vì một khi cơn nghiện dày vò thân xác, họ sẵn sàng nhúng tay vào bất cứ tội phạm và tội ác nào.

Tại VN, cuộc chiến tranh đau thương phi lý vừa có cơ tàn lụi thì nạn ghiền ma túy cũng đã trở thành mối đe dọa, nhất là đối với giới trẻ.

Theo một tiết lộ mới đây của ông Quản đốc đài phát thanh Đà Nẵng, riêng tại trường Trung học CMT hiện có 37 học sinh nghiện Sì ke (tiếng lóng để chỉ bạch phiến) đang được điều trị tại Bệnh viện cùng với một giáo sư. Vị GS này đã "cai" được, và tình nguyện đứng ra làm Trưởng Ban bài trừ... hút sì ke tại địa phương (Theo Phương Thúy, Chính Luận ngày 17-5). Đà Nẵng là nơi trước đây, khi chiến tranh còn "phồn thịnh", có rất đông quân đội đồng minh đóng quân, vãng lai. Đó chỉ mới một trường, và trường CMT chỉ có 37 học sinh nghiện ma túy, hay chỉ mới 37 học sinh được khám phá để chữa trị? Không biết. Nhưng nếp sống học đường, nơi từ khi có chữ nghĩa, chỉ để đào tạo nhân tài, đã bị đe dọa.

Bộ Giáo Dục đầu tháng Năm vừa qua đã chính thức triệu tập một phiên họp liên Bộ, gồm các viên chức cao cấp cá Bộ, Phủ, Tổng Nha v.v... liên hệ trong nội các, để tìm biện pháp ngăn chặn và bài trừ ma túy tại học đường. Phiên họp đã phân tích sâu rộng vấn đề trên 3 phương diện: nguồn cung cấp ma túy, phương pháp truy tầm (người nghiện) để chữa trị, và các biện pháp ngăn ngừa.

Các viên chức đã xét thấy rằng yếu tố căn bản để bài trừ tệ đoan ma túy là cần phải thực thi một cách liên tục mọi hình thức, giải thích để giáo dục quần chúng khiến cho mọi người ý thức được tầm mức nguy hại do ma túy gây ra cùng các ảnh hưởng lâu dài của nó về sau. Mọi người cần được hướng dẫn thường xuyên để có một quan niệm rõ ràng và dứt khoát rằng ma túy là một độc dược cực kỳ tai hại, không được sử dụng.

Riêng các người nghiện ma túy cần phải được chữa trị đến nơi đến chốn và đặc biệt lưu tâm đến bình diện tâm lý của căn bệnh.

Ngoài ra, cần phải tổ chức và vận động các giới trẻ tham gia vào sinh hoạt thanh niên lành mạnh để ma túy không còn môi trường nẩy nở.

*

Theo người "trong cuộc", nghĩa là người đã nghiện và đã may mắn tìm lại được cuộc sống bình thường, lúc đầu chỉ vì tò mò của tuổi trẻ. Trong một cuộc "sinh hoạt" thiếu lành mạnh nào đó, một anh bạn xấu đưa ra một điếu thuốc có tẩm chất ma túy dụ dỗ, rủ rê "để tìm một cảm giác lạ". Chính cái "cảm giác lạ" đó, sau lần "thử" thứ hai, đã đưa đương sự vào thảm họa vậy.


T.Th.   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 202, ra ngày 1-6-1973)
 

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Những Ngày Thơ Ấu


Hồi còn nhỏ, tôi có tính nhút nhát, rất sợ ma. Tuy chưa biết ma là gì cả, nhưng với trí óc non nớt của tôi hồi đó, tôi cứ tưởng tượng nó là cả một cái gì bí mật và ghê sợ.

Tuy nhát như thỏ đế, nhưng mỗi khi có ai kể chuyện ma, là tôi đều có mặt ở đó cả. Dạo đó nhà tôi rời khỏi chỗ cũ dọn nhà đến ở một nơi vắng vẻ, đồng không mông quạnh. Nhà cửa ở đó thưa thớt. Vườn nhà nào cũng trồng cây cối um tùm mọc bao phủ chung quanh. Căn nhà chúng tôi thuê cũng giồng cây rậm rạp như mọi nhà khác, mà đặc biệt đàng sau vườn có bãi tha ma. Những ngôi mộ mọc lên như nấm, bên trên xiêu vẹo những cây thánh giá bằng gỗ, trông thê lương làm sao! Cảnh âm u ở căn nhà mới cũng đủ cho những người nhát gan như tôi sởn tóc gáy. Vì thế, hôm dọn nhà về đây, tôi buồn bã như kẻ mất hồn. Chị tôi vừa thu dọn đồ đạc vừa nháy tôi cười:

- Con Thanh hôm nay sao buồn thế, chốc nữa ra đằng sau vườn hái hoa dâm bụt làm pháo chị dẫn đi. Ở đấy hoa mọc đỏ ối, nhưng cao quá phải đứng lên trên gò mả cao mới hái được cơ.

Nghe chị nói tôi bắt rùng mình, quay lại nguýt chị:

- Ghét chị Như quá hà! Chỉ được cái trêu người ta là không ai bằng, em về mách thầy cho coi.

Chị tôi nhe răng cười, trông thật phát ghét. Trong nhà có chị Như là người hay trêu tôi nhất. Chị năm nay mười lăm tuổi, tinh nghịch hơn con trai. Ở nhà, chúng tôi ai cũng ngán chị, mà khổ nỗi là chị biết tôi nhút nhát nên lại càng trêu dữ. Chị hay đem chuyện ma quỉ ra nhát tôi. Đến tối ăn cơm xong, ra rửa bát ngoài giếng, thế nào chị cũng sai tôi đi cầm đèn. Cái giếng ở ngay giữa vườn, cây cối um tùm, ban đêm trông xa chỉ là một khối đen ngòm. Mỗi lần nghe tiếng chị gọi, tôi muốn run lên nhưng cũng phải đi, không đi chị mách thầy tôi thì cũng chết.

- Cầm đèn thì phải đi trước chứ, đi nhanh lên nào, nhát như cáy ấy bộ ra ngoài ma nó bắt đâu mà sợ.

Tôi đành liều mạng đi trước. Lúc ấy tôi tự cho mình là một tráng sĩ cầm gươm đi đánh giặc. Cái vườn cây chi chít đen ngòm là bãi chiến trường. Quân thù là những chàng ma trơi, nàng ma cà rồng, đang quanh quẩn đâu đây xông ra bắt tôi lúc nào không hay. Ra đến giếng, đứng chờ chị tôi rửa bát xong lòng như lửa đốt. Tôi đứng đó mà mắt đảo lia lịa nhìn quanh quẩn, chị tôi thì chần chờ chưa muốn rửa cho.

Chị có vẻ thích thú:

- Cứ yên tâm Thanh ơi! Bây giờ ma đi ngủ hết rồi.

Nói xong chị cười lên sặc sụa, làm tôi nổi da gà. Trông chị lúc đó như mụ phù thủy ma quái trong những chuyện thần thoại mà tôi đã đọc.

Đến khi rửa xong chị mau mau cắp rổ chạy trước, tôi chạy sau hết tốc lực muốn hụt hơi, có lần vướng vào cây, cái đèn trên tay tôi rơi xuống vỡ tan tành. Tôi ù té chạy, mặc dầu tôi biết về sẽ bị trận đòn của mẹ tôi.


Chị Như biết tâm lý tôi tuy nhút nhát như cáy nhưng lại rất nghiện chuyện ma. Tối tối chị lại tụ họp năm bẩy đứa trong đó có tôi ngồi nghe chị kể chuyện ma. Nào là chuyện ma cây gạo, ma ru con, ma thắt cổ... Chuyện nào cũng hấp dẫn cả, chúng tôi ngồi nghe miệng cứ há hốc ra, trợn cả mắt lên, tay bấm mãi vào nhau để trấn áp cơn sợ. Đến những chỗ gay cấn như: "Con ma thắt cổ thè lưỡi đỏ lòm đi từ từ... chiếc dây thừng thắt ở cổ kéo lết phết dưới đất"... Chúng tôi ngồi nghe muốn ngừng thở, tim muốn tung ra khỏi lồng ngực. Người sợ nhất trong đó là tôi, giá lúc đó ai ở sau ôm chầm lấy tôi, cũng đủ làm tôi chết giấc. Lúc đó chị ngừng kể làm bộ như nghe ngóng động tĩnh.

Chị cướp tinh thần chúng tôi bằng những câu:

- Này! Nghe như có tiếng chân người bước nhè nhẹ... ghê quá!

Rồi chị vùng lên chạy trước. Thế là chúng tôi mỗi đứa chạy một ngả. Tôi ba chân bốn cẳng chạy bay lên giường, lấm chăn chùm kín, người run lên như sốt rét. Mấy ngày sau cũng chưa hết sợ.

Tối hôm ấy thầy mẹ tôi sang ăn giỗ ở nhà bác Cả, đến tối cũng chưa về. Chị em tôi sau khi cơm nước xong thì trời tối mịt. Sợ bác tôi giữ thầy mẹ tôi ngủ bên đó cũng nên, chúng tôi đóng cổng ngủ sớm hơn thường lệ.

Nhân cơ hội này, chị Như tụ họp mấy đứa ngồi nghe chị kể chuyện: "Hồn ma hiện về đòi mạng".

Căn nhà vắng vẻ không tiếng động, chỉ có tiếng chị tôi... "Hồn ma Xã Cử hiện về đứng ở đầu giường... Sáng hôm sau bà Ấn chỉ còn cái xác không hồn... trên cổ bà Ấn in những nốt bầm tím... về sau..." Chị tôi kể cho đến hết, chứ không nửa chừng như mọi khi.

Sau đó chúng tôi tắt đèn đi ngủ, lên giường lấy chăn chùm kín cả đầu. Tôi trằn trọc mãi không ngủ được, câu chuyện cứ ám ảnh tôi mãi không thôi: "Hồn mà Xã Cử hiện về đầu giường"... Tôi lấy hai tay bịt chặt lấy mặt, co người lại như con mèo. Trời nóng mà tôi chùm kín chăn bức quá, nhưng không dám bỏ ra, mồ hôi toát ra như tắm. Tôi yên lặng lắng nghe bên ngoài không thấy gì cả, ngoài tiếng ngáy đều đều vang lên. Xa xa tiếng chó sủa rời rạc... Tiếng lá rơi xào xạc... Tôi yên chí hơn khi nghe tiếng ho của em tôi cất lên xù xụ. Tôi khe khẽ nâng chiếc chăn ra. Chiếc chăn từ từ rời khỏi đầu... rồi trán. Bỗng tôi hoa mắt lên, tôi vừa trông thấy vật gì trắng toát ở đầu giường. Trời! Ma! Con ma xõa tóc, quần áo trắng toát. Nó từ từ tiến lại phía tôi, hai tay quờ quạng trong không khí. Tôi hét lên! Vùng dậy nhẩy xuống giường ù té chạy. Tiếng chân chạy theo thật gấp, tôi càng cố chạy bán sống bán chết, cắm đầu chạy mãi trong bóng tối, mà không biết mình chạy đi đâu, miễn là thoát được khỏi tay con ma đó. Cành cây, gai góc cào cả mặt, móc rách cả áo, mặc kệ tôi cứ chạy không biết giời đất gì hết. Tôi chạy mãi, chạy mãi mà vẫn nghe tiếng chân đuổi theo. Trời! Hình như nó sắp tới. Và hình như nó đang giơ tay ôm lấy tôi, cái miệng nó đỏ như máu. Tôi rú lên:


- Trời ơi!

Chân tôi vấp phải mô đất khá cao, người ngã vật xuống. Tôi ngất đi không biết gì nữa.

*

Khi tôi mở mắt tỉnh dậy, thấy đau đau ở chân. Tôi nhìn xuống chân thì thấy hai chân bị băng từ hồi nào. Tôi còn đang ngơ ngác, mẹ tôi bước vào hỏi:

- Con còn đau không? Sao đang đêm tối con đi ra ngoài bãi tha ma làm gì? Đến nỗi ngã chết giấc đi, may mà chị mày nó biết, nó cõng về, chứ có phải chết không.

Tôi sợ hãi kêu lên:

- Trời! Con ra bãi tha ma sao mẹ? Kỳ lạ thật!

Tôi sực nhớ tôi bị con ma áo trắng đuổi. Tôi thuật lại cho mẹ tôi nghe:

- Ghê quá mẹ ạ! Con bị con ma áo trắng, xõa tóc đuổi con. Con sợ quá, cứ cắm cổ chạy miết, không biết mình chạy đâu. Con bị con ma đuổi kịp, con hét lên và không biết gì nữa. Con cứ tưởng bị con ma bắt rồi chứ, không ngờ con lại chạy ra bãi tha ma, lạ quá.

Tôi kể cho mẹ tôi nghe xong, mắt lấm lét nhìn quanh xem có phải nhà tôi thật không hay là chỗ âm ty nào.

Nghe tôi kể xong, mẹ tôi cười:

- Cha bố con Như, chứ ma quỉ gì. Dọa em để nó sợ chết khiếp như thế này. Con Như đâu? Lên tao bảo!

Chị như dụt dè đi lên, mặt tái xanh như tàu lá:

- Dạ... nó bị ma đuổi thật, chứ con có trêu nó đâu...

- Mày nhận tao còn tha cho, chứ mày mà chối, thì chết đòn với tao. Có phải mày làm ma dọa nó không? Khôn hồn thì nhận đi.

Chị Như ấp úng:

- Dạ... dạ con ma áo trắng chính là con đó!... Con dọa nó chơi, ai ngờ nó xỉu đi, làm con cũng hết hồn.

Cả nhà cười ồ. Mẹ tôi cốc vào đầu chị Như mấy cái nghe cốp cốp:

- Lần sau chết với tao nhé.

Chị kêu lên:

- Chu choa! Đau quá.

Rồi chị chuồn mất.

Sau đêm kinh hoàng đó, tôi bị chị Như và mấy em tôi chế riễu.

Chị Như sờ vào chỗ chân đau của tôi cười lớn:

- Con Thanh thế mà ghê thật chúng mày nhỉ! Tối dám lần ra bãi tha ma ngủ, bị ma nó cào, chẩy máu cả chân. May mà có ma giả là tao đến cứu, không thì nó cũng bị ma thật bắt đi rồi.

Bây giờ, mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn chưa hết sợ. Cái tính đùa dai của bà chị tinh nghịch thật đáng ghét!


Hà-Thương     
Bút đoàn Dạ Vũ  

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 29, ra ngày 25-6-1965)


Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

Mồng Năm Tháng Năm


 







 


 
Tờ mờ sương hôm nay
Nắng lên hồng một ngày
Cho mồng năm rạng rỡ
Cho mắt buồn thêm cay

Chày ai khua ban mai
Lá cây nhà thật đầy
Hơi lên nồi bánh ít
Bốc hương mùi lá gai

Trời dần cao mây xanh
Giọt mồ hôi rơi nhanh
Chợ đông người chen chân
Em buồn - không muốn bước

Đường phố trưa nắng gắt
Lòng em buồn rưng rưng
Đâu còn như năm trước
Mười hai giờ chuông rung

Má hái lá mồng năm
Ba đẵn cây làm thuốc
Em theo kết rễ xông
Vấp dây rừng té xuống

Ôi lụt lội mùa màng
Thêm chiến tranh tràn lan
Thân em giờ côi cút
Nơi đầu chợ cuối làng

Ngày tháng năm dài sao
Bóng mát hàng cây cao
Em ghé chân ngồi nghỉ
Nghe gió về lao xao

Vẩy trúc mềm mong manh
Sợi mây trắng đan thành
Em nhớ nhiều đến má
Nước mắt buồn rơi nhanh

                     NGUYỄN THỊ THANH
                                   (An Khê)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 200, ra ngày 1-5-1973)

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Bên Cầu Tưởng Nhớ


















 
Em nhớ mãi khung trời xanh cổ tích
Những ngày xưa áo trắng tuyệt vời bay
Những ngày xưa trên mái tóc vương dài
Đường hoa nắng bước ai về rộn rã.

Trường em có lũy tre vàng óng ả
Những bầy chim trong gió sớm reo ca
Anh thấy không qua hàng đậu la đà
Em đứng ngó tuổi hồng em lãng mạn

Xin anh đón chỗ em thường đợi nhé
Bởi chiều nay em nghĩ ngợi vu vơ
Anh thấy không trong đôi mắt lệ mờ
Em đứng gọi những vàng son xưa cũ

Em chả muốn một mai thành cô Tú
Vì anh ơi đời sớm để mau già
Mà em đâu tìm một thoáng hương hoa
Em mà khóc, anh sẽ buồn ghê lắm

Nghe như thấy xa vời trong nỗi nhớ
Chuỗi ngày vui như chắp cánh bay xa
Buổi bình minh hay nắng rợp chiều tà
Em vẫn thế nghĩa là em hồn hậu

Cho em đến dưới ngôi trường yêu dấu
Nghe bờ lau vang tiếng trẻ ngây thơ
Em ngồi im trong một dáng đợi chờ
Trang sách cũ bài thơ em đã học

Em lên chuyến xe đò về quê nhé
Bên kia cầu ngọn tháp vút lên cao
Em chắp tay thầm mơ ước nguyện cầu
Hoa nở trắng bên cầu anh đứng đợi.

                                                 Sâm Thương

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 2, ra ngày 20-5-1971)

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

Tình Cha


Trên mặt nước trong veo, đàn cá bạc đua nhau đớp nước. Chúng lần lượt nhô lên, lướt xuống, đồng thời, vô số bong bóng nhỏ tỏa ra liên tiếp, nhịp nhàng trong yên lặng... Bỗng vài chiếc lá vàng sẽ rơi làm xao động mặt nước, vẽ thành những chiếc vòng lan rộng ra, kế tiếp mãi không ngừng. Bầy cá nghe động lẩn vào trong để lại sự tiếc ngơ, tiếc ngẩn của một chú chim bói cá xanh biếc đang đậu trên một nhánh cây lả cành trên làn nước...

Từ trưa đến giờ, bói cá cha chính nó vẫn kiên nhẫn rình mồi. Bói cá cha vừa đến đây thì đàn cá cũng vừa xuất hiện ; chúng đùa giỡn trong làn nước trong vắt, có vài con nghiêng mình để lộ mảnh bụng đầy vẩy bạc lấp loáng. Tuy thế chúng cũng rất khôn ngoan, chỉ đùa trong làn nước và ít khi ngoi mình lên trên. Có nhiều lúc chúng nhô lên, bói cá cha định ra tay thì chúng lại chúi xuống, êm như nhung làm bói cá cha ức lắm...

... Bị phá đám bất ngờ, bói cá cha hậm hực mãi nhưng cũng kiên nhẫn rình mồi. Chú nhủ thầm: "Thà kiên nhẫn ngồi đây mà có thức ăn đem về cho con còn hơn là bỏ về để nhìn lũ con đói khát".

Nhắc đến con, bói cá cha thấy cảm động. Một niềm thương len vào hồn làm tim chú se thắt lại. Bốn đứa con thơ : bốn đứa con mất mẹ!... Tội nghiệp! Chúng còn bé quá chưa có thể kiếm được thức ăn. Ngày ngày chú phải đơn thân đi kiếm mồi và có khi chú ra về với tấm thân rã rời để nhìn đàn con gào lên vì đói. Trời ơi! Chú có bao giờ ngờ rằng mình có thể bất lực như thế nầy đâu "Phải chi giờ nầy mẹ lũ trẻ lại về!" bói cá cha lẩm bẩm. Chú con nhớ khi mới gặp thím bói cá duyên dáng trong màu lông xanh biêng biếc, cái màu thu hồn chú vào trong... Rồi chú và thím trở thành vợ chồng và kết quả là bốn đứa bé ra đời...

Hồi đó gia đình chú sống trong dư dả và êm ấm. Vợ chú tỏ ra đảm đang ; hằng ngày hai vợ chồng chú chia tay nhau đi kiếm mồi, đến trưa thì lại đoàn tụ trong chiếc tổ lót trên đám sậy. Đời sống gia đình chú cứ trôi qua như nước chảy qua cầu: đều đều và bình thản.

Rồi một sáng kia, vợ chú ra đi và chẳng bao giờ về với chú nữa! Hôm đó, vừa chia tay vợ được một lúc, chú bỗng nghe tiếng rú đau thương mà âm thanh thì quen thuộc lắm. "Có lẽ nào?" chú không dám nghĩ tiếp và quạt cánh bay về hướng có tiếng kêu.

Chú bỗng thét lên một tiếng kinh hoàng khi vừa nhìn thấy vợ chú mình bê bết máu đang dẫy dụa trong tay một thằng bé con. Vợ chú vùng vẫy mong thoát ra khỏi nắm tay rắn chắc của thằng bé, mồm cầu cứu bằng những tràng dài thê lương... Trong giây phút ấy, máu thù hận sôi bùng lên, chú không cần biết trời đất là gì nữa, chú xông thẳng vào thằng bé để cứu vợ ra. Nhưng thằng bé đã nhanh nhẹn buông tay, viên sỏi theo đà ná vèo đến phía chú. Hoảng hốt, chú nhảy tránh ra xa, buông một tia nhìn căm hờn trong khi thằng bé phá lên cười:

- Ha... ha... ha...! Ngon nhào vô lãnh kẹo đi mậy! Thứ chim như mầy mà rô ti đi thì khỏi chê! Ha ha...!

Vừa buông chuỗi cười ngạo nghễ vừa nắm chặt vợ chú bước đi, mặt thằng bé tươi tỉnh vì được món bở. Vợ chú thì rên rỉ không ngừng làm chú bối rối không biết tính sao... Chú chỉ biết bay theo thằng bé và cất tiếng than thảm não. Vợ chú quay lại nhìn chú với đôi mắt lờ đờ như cầu cứu. Chú như kẻ mất hồn định xông đến mổ vào đôi mắt kẻ thù thì giọng vợ chú yếu ớt cất lên như chẳng còn một chút sinh lực:

- Mình đừng lo gì về em cả... Tai ương chẳng qua số mạng... Mình hãy về lo cho lũ con và nhớ bảo trọng lấy thân... Bây giờ nếu mình cố theo em thì chỉ tổ phí công vô ích!!!

Ừ! Có lẽ mọi cố gắng đều vô ích bói cá cha tự nhủ việc xảy ra đã không cứu vãn được thì tốt hơn là nên quay về, than khóc hay liều lĩnh bây giờ chỉ bằng thừa... Nếu mình có bề nào thì lũ con sẽ ra sao?...

Với ý nghĩ đó, chú buồn nản quay về trong khi thằng bé vừa khuất sau những thân tre xanh um.

... Và từ đó, chú đơn thân đi tìm mồi với cõi lòng nguội lạnh, bơ vơ. Chú đi kiếm ăn cho lũ con chứ thân mình, chú đâu có kể đói no: chú sống chỉ vì con!...

Ngoài kia, ánh tà dương sắp tắt. Như người vừa tỉnh cơn mơ, chú vỗ cánh bay đi: "Không thể để cho con ta đói nữa!... Phải tìm cho ra mồi trước khi trời tối hẳn!..."

*

Trên bãi, cạnh một lùm sậy um tùm đang uốn mình trước làn gió biển, bốn con chim bói cá đang nhảy nhót. Trong lúc nầy giữa cảnh hoàng hôn bóng xanh linh động của chúng nổi bật lên giữa màu tro của nước và vàng của bãi cát.

Đó là bốn đứa con của chú chim bói cá đáng thương. Gia đình bói cá ở trong một chiếc tổ xinh xắn, lót trong bụi rậm. Lúc còn ở trong tổ, mấy con bói cá còn non nầy gào khóc vì cả ngày nay, chúng chẳng có một miếng nào lót dạ. Bói cá anh thấy thề liền dỗ em và dẫn chúng ra bãi chạy chơi cho đỡ đói.

Trước sáng kiến của anh, lũ bói cá em vừa gào vừa chạy làm bầu không khí nhộn hẳn lên, phá ta sự yên lặng cố hữu của bãi biển lúc hoàng hôn. Nhưng chỉ được một lúc, bói cá con nhỏ nhất ngồi bệt xuống bãi cát, mếu máo:

- Em không chơi nữa đâu... em đói quá!...

Bói cá anh dùng mỏ đỡ em dậy và dỗ dành:

- Nín đi em... chỉ một lát nữa ba về là có thức ăn ngon. Đứng dậy đi em, chạy chơi vui lắm mà. Này một... hai... ba!

- A! Ba đã về rồi anh cả ơi!...

Tiếng lũ bói cá em đột nhiên reo lên.

Rồi như một cơn lốc, chúng tranh nhau chạy đến bãi cát khi cha chúng đang từ từ đáp xuống. Chưa đến nơi chúng đã giục:

- Chia thức ăn cho chúng con đi ba! Chúng con đói lắm rồi!...

Trước sự vui mừng của con, bói cá cha cảm thấy lòng mình như tê dại hẳn đi. Cả một buổi chiều như hôm nay, bói cá cha đã qua bao nhiêu con sông, bao nhiêu đồng ruộng mà chẳng tìm thấy được một tí thức ăn nào cho lũ con. Bói cá cha thở dài, lặng lẽ đếm những bước chậm chạp lên một cái gò đất.

Trong thứ ánh sáng lờ mờ của buổi tối, bóng đen của bói cá cha in đậm nét trên chiếc gò cao. Bói cá cha thờ thẫn ngước nhìn trời với đôi mắt buồn bã...

Thời gian như ngừng lại trong cái yên lặng đến rợn người nầy. Bói cá cha từ từ quay mặt xuống, ngắm lũ con rất lâu. Rồi chừng như đã quyết định, bói cá cha dang rộng đôi chân, dùng chiếc mỏ bén thay gươm, chú nghiến chặt mỏ vạch một đường và banh rộng hai làn da bụng... Máu tươi trào ra như suối nhuộm đỏ cả ngực trước, làm hồng cả bộ lòng vương vãi ra ngoài...

Hình như chỉ chờ có thế ; cơn đói đã làm cho lũ bói cá con quên tất cả, trước mắt chúng chỉ còn là một miếng mồi béo bổ. Chúng dùng mỏ lục lọi, đứa giành bộ lòng, đứa giật tim gan... Rồi chúng nhai nhồm nhoàm, nuốt vội vã, máu me vương đầy mặt...

Trong một tâm hồn cao thượng, trong tình cha con thắm thiết, bói cá cha quên hẳn cả đau. Bói cá cha hết nhìn máu mình đổ ra lại ngắm đàn con thỏa thê ăn uống với đôi mắt âu yếm. Rồi không một tiếng kêu, tấm thân đồ sộ của bói cá cha lảo đảo, cuối cùng thì gục ngã và lăn từ gò cao xuống làn nước biển đen ngòm...

Trơi ơi! Tình cha con là cái gì mà thiêng liêng thế? Bói cá cha sau một buổi hoài công đã hiến cả thân mình cho lũ con đói khát! Chính bói cá cha đã lấy cái chết để đổi một bữa tiệc cuối cùng: buổi tiệc mang tình thương vô bờ của một người cha khốn khổ...

Ngoài kia, mặt nước đen ngòm hình như cau mặt lại, và trên không, muôn vì tinh tú như ngừng hẳn tiếng ca để chớp mau đôi mắt ướt...


HUYẾT PHƯỢNG TÂM       
(cảm tác theo "Le Pélican"       
của thi sĩ A. de Mosset)       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 40, ra ngày 1-3-1966)

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

Nơi Này


(cho Long và những
mơ ước của bố mai sau)

Thứ hai ngày... tháng... 1969,

Long không thương bố nữa đâu! Ai bảo sáng nay bố đi công tác sớm thế! Long để đồng hồ đúng 6g30 để tiễn bố ra ngõ, còn "đón ngõ" nữa chứ! Con giai mà "đón ngõ" thì nhất bố nhỉ! Con giai số một nữa chứ!...

Long nhớ mỗi lần trước, bố cũng đi công tác sớm lắm! Trời còn lạnh mà sương cũng thật nhiều, me dẫn Long, choàng thêm áo ấm chạy theo bá chân bố ra ngõ. Bố cúi xuống hỏi Long:

- Thế Long có đi với bố không nào?

Long cười, nhe hai răng cửa bị "sất" ngọng nghịu:

- Đi đâu "đế" bố?

Bố chỉ tay lên vòm trời cao mà mây và sương mù buổi sáng không thể che lấp khoảng nền xanh ngăn ngắt, lờ mờ ánh sao mai:

- Bố đi lên đó! Thôi! Long ở nhà ăn no ngủ kỹ nhé! Nhưng nhớ đừng quên bố đấy. À này! Chủ nhật nhớ nhắc me dẫn ra phố trồng răng đi. Con giai mà răng "sất" con gái nó chê lắm con ạ! Nhớ đấy! Bố đi con nhé!...

Bố quay sang nhìn me thật lâu, me cúi xuống cầm tay Long. Long ngẩng nhìn bóng bố lỗ chỗ gập ghềnh trong nền sương sớm ẩm lạnh. Mắt me thật buồn, thỉnh thoảng rơi trên má Long giọt nước âm ấm...

Thứ tư ngày... tháng... 1969,

Long định quên bố luôn rồi đấy nhưng... mới có vài ngày mà không chịu nổi bố ạ! Mấy sáng nay Long phải đi học một mình chả dám than phiền với ai cả. Bố có thương cho Long được nhờ không? Hay bố lại chế Long:

- Cho đáng "Cu sất" nhé! Làm nũng bố quen rồi mà...


Chả là trước kia, mỗi sáng đi học là Long nằng nặc đòi bố chở bằng "Suzuki" cơ! Long nép đầu sau lưng bố. Nhưng cũng lạnh ghê là!... Gió thổi vù vù mà bố thì cứ "hết tốc lực" làm Long thấy như mình đang "đua xe đạp" í! Thích quá bố nhỉ? Có hôm Long bị bay mất cái mũ "Honda" xuống hồ Xuân Hương đấy! Long cứ lặng im để bố chạy. Mãi đến trường bố hỏi đến mũ, Long cười khì:

- Nó xuống thủy cung rồi bố ạ! Tại bố chứ ai? Bố chả chịu mua mũ "Suzuki" cho con. Đi "Suzuki" mà độ mũ "Honda" sao được! Cái xe nó ghen đấy!

Bố cười vỗ vai Long:

- Thế sao lúc rơi con không gọi bố? Chết nhé! Bố con mình đồng lõa "hết tốc lực". Mẹ mà biết thì chết đấy! Thôi! Vào đây!... 

Bố dẫn Long vào hàng chú "Woóng" mua một khúc bánh mì thật dài, Long gói lại, cất vào cặp. Bố nhìn xong, hóm hỉnh:

- Ăn đi nhé :Cu sất". Không có trưa nay bố đón về lại xả "hết tốc lực" thì... con đói bụng đấy!

Long chả vừa:

- Con mách me cho xem!

Nói xong Long chạy vù vào trường trong tiếng máy xe nổ ròn rã của bố ngoài cổng...

*

Buổi trưa trời nắng gắt ghê đi! Long phải đội cặp lên đầu len lén đi dưới hàng thông cho mát để về nhà. Lúc này nhớ bố nhất đấy vì đói bụng quá, lại về bộ nữa. Hai chân Long đã tê, mỏi rừ, mồ hôi thấm ướt cả làn "vớ", ẩm ướt hết mặt trong đôi "Bata" trắng tinh bố mới mua cho hôm về phép. Con đường "Yersin" thẳng dài, ngợp nắng, mấy cây thông rã rượi che đỡ tia oi nồng của buổi trưa. Tiếng ve, dế rên rỉ rả. Nhớ hôm dẫn Long đi trên con đường này, đến trường bố bảo:

- Đi xa, bố nhớ mãi Đà Lạt, nhất là nơi này. Vì đây chính là chứng tích của bao sự âu lo, hồi hộp, mong ước... của ngày đầu tiên bố dẫn con đi học. Bố lo âu nghĩ thấy con mình còn quá bé nhỏ trước biển học mênh mông. Bố hồi hộp như nhịp thở hồi hộp bởi ngày đầu tiên con cắp sách đến trường. Còn điều mong ước...

Nói đến đây bố dừng lại nhìn sâu vào mắt Long tìm kiếm:

- ... Con sẽ tìm thấy khi con bước lên từng nấc thang trong sự học.

Tuy bây giờ con chưa thấu đáo nổi điều mong ước của bố nhưng con đã hiểu được phần nào trong cái mong ước bao la của bố. Trong bố, hình ảnh con lúc nào cũng yên lành với thời gian này, không gian này, và cũng chính nơi này mai sau con của bố sẽ là một Công Dân Việt Nam cầu tiến, quyết là một viên gạch trong hàng trăm triệu viên gạch đang cố gắng xây dựng lên một bức thành trì Việt Nam Dân chủ Hòa bình. Trên đó lá cờ Việt Nam sẽ vươn cao, hòa đồng trong mọi màu cờ khác...

Có phải ước mơ của bố là thế không hở bố?


THY BÚP   


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 136, ra ngày 1-9-1970)


Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

Lòng Cha


Tuấn ơi,

Ba ngồi hút hết mấy điếu thuốc mà ba vẫn lấy làm bực dọc. Chịu hết nổi, ba nhè nhẹ bước vào phòng con. Nghe tiếng con ngáy đều, ba hơi yên tâm. Ngồi xuống bên con, ba nhè nhẹ quạt cho con mát. Lúc con ngủ nét mặt con trông hiền từ quá. Ý nghĩ con còn trong trắng như tờ giấy chưa viết, như giọt nước trong xanh, đã phảng phất trong lúc con ngủ trên nét mặt vô tội của con ba. Kìa con lại mếu nữa. Ba biết trong lúc ngủ con còn đem theo ý nghĩ buồn bã là ba đã giận con. Lúc ngồi ăn cơm con có lấm lét nhìn ba, cũng như lúc mẹ nhắc con đi ngủ, nét mặt con vẫn âu sầu quá. Con tự hỏi: Mình đến hỏi ba giúp bài toán cộng, mà ba cũng la, đuổi mình đi ra xa. Mọi lúc chơi với ba còn kéo lỗ tai, vuốt mũi mà ba chẳng nói gì?

Con băn khoăn là phải, con có biết đâu hôm nay ba đem theo ở sở về bao nỗi bực mình, nên khi ba đọc báo mà ba có để ý gì đâu. Con đến hỏi ba lúc đó, trong một phút bực mình, ba đã gắt với con. Sau đó, nhìn nét mặt con méo xẹo và buồn xo ba đâm ra hối hận vô cùng. Con biết chăng là lúc nào ba cũng thương con lắm. Khi con ăn cơm, thấy con thỉnh thoảng liếc lên, ba nuốt cơm không xuống, ba muốn ôm ngay con vào lòng để xóa tan những vết buồn trên mặt con. Nhưng, ba biết làm thế là làm hư con. Ba muốn con trai ba không có những tình cảm ủy mị như con gái, sau nầy ra đời con phải mạnh bạo, đủ can đảm để sống không bằng tình cảm mà bằng lý trí để trên.

Ba đã ngồi nhìn con rất lâu, ba nhìn hơi thở con phập phồng trên tấm ngực nhỏ bé, thỉnh thoảng lại nấc lên một cái: có lẽ ngay trong giấc mơ con đã tủi hổ vì bị ba ghét bỏ con, ba lại muốn ôm con vào lòng, nhưng ba phải bỏ ngay ý định đó, vì dù sao phá giấc ngủ của con là có hại cho sức khỏe con.

Con bỗng buông tiếng thở dài, mép khẽ xệ xuống, rồi lăn mình qua bên phải. Con sẽ hiểu ba sau này và con sẽ không giận ba, chừ thì ba không làm sao giải thích cho con được.

*

Tuấn bỗng tự nhiên mở mắt nhìn, quơ tay nắm lấy bàn tay ba, ôm vào lòng rồi từ từ nhắm mắt ngủ, trên môi nở một nụ cười thỏa mãn. Tuấn có bao giờ giận ba, vì Tuấn biết ba vẫn yêu Tuấn lắm.


 VĂN THIÊN    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 56, ra ngày 1-11-1966)

Xuân Đường



















Con buồn ngắm sợi tóc cha
Như sương buổi sớm phôi pha một đời

Hồn cha thở hết mây trôi
Chia trăm ngõ nhỏ đường trời cho con

Còn cha nhân dáng héo hon
Nuôi con khôn lớn vuông tròn ngày hoa

Cha cười mắt lệ xót xa
Giấu trong tim lạnh tuổi già chia phôi

Nuốt trên tay, tóc con côi
Khi cành huyên đỏ gãy đôi bao giờ

Thương cha mùa xuân xa xôi
Cay giòng nước mắt mặn môi ngọc ngà

Con buồn ngắm sợi tóc cha
Như sương buổi sớm phôi pha một đời

                                 TRẦN THỊ VĨNH THANH
                                  (viết tặng ĐỖ MỸ LOAN)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 188, ra ngày 1-11-1973)

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

Những Chiếc Lá Mạ


Thằng bé nhìn qua bên kia bờ sông. Vài ngọn cau gầy xơ xác vươn lên khỏi cái đám lá um tùm của những cây ăn trái. Thằng bé thấy hình như chúng bất động và thiếp ngủ dưới nắng gay gắt của ban trưa. Có tiếng gà gáy đâu đây thật buồn. Buổi trưa ở đây buồn tênh và êm đềm quá! Hôm nay là ngày giỗ của ông nội nó, bố nó nói tối mới cúng. Nó thắc mắc, bố nó bảo ông nội bảo thế. Nó cũng chẳng biết ông nó ra sao. Ông nội nó tạ thế trước khi nó sinh. Đó là một điều đáng buồn cho nó. Nhưng thằng bé học rất giỏi và mơ được bố nó làm cho nó một con diều để nó thả. Có tiếng gọi của bố nó:

- Tạo ơi! Tạo.

Thằng bé rời khỏi gốc cây nhãn chạy vào nhà. Nó thấy bố nó vận đồ nhà binh với mẹ nó đội nón xách giỏ. Nó ngơ ngác:

- Ơ! Bố mẹ đi đâu đấy? Cho con đi với.

Người cha cúi xuống bế nó lên hôn vào trán rồi cười hồn hậu:

- Con ở nhà với em bé nhé! Bố mẹ đi mua đồ cúng về giỗ ông nội.

Thằng Tạo tụt xuống, nó phụng phịu làm nũng:

- Hông, bố cho con đi với.

Người cha lại phải vuốt đầu nó dỗ dành:

- Nghe lời bố thương, ở nhà coi nhà cho bố với coi em bé luôn, ngoan bố về làm diều cho.

Mắt thằng bé sáng lên:

- Làm diều thiệt hở bố?

- Ừ! Bố làm diều nếu con ngoan.

- Làm diều gì hở bố?

- Diều cánh thoi!

Tạo thả tay bố nó ra:

- Thôi bố chở mẹ đi chợ đi.

Thằng bé đứng tựa cửa nhìn bố nó đạp chiếc Honda chở mẹ nó đi chợ chạy ra khỏi cổng. Và có những cơn gió hiu hiu thổi từ lòng sông lên mát lạnh. Tạo vào trong nhà, một niềm vui nho nhỏ len vào lòng nó. Mộng ước của nó sắp thành tựu. Bố nó đi hành quân hoài, không ai làm diều cho nó. Tạo nhìn em bé ngủ trên võng, nó chợt thấy thương em. Tạo đưa nhẹ chiếc võng và thằng bé lại trở ra nhìn sòng sông hững hờ trôi và phản chiếu ánh nắng gay gắt. Thằng bé chợt mơ mộng, nó thả hồn theo những đám mây bay. Ở phía xa từ một triền núi nào bên kia cánh đồng có tiếng còi lảnh lót vang lên lãng đãng xa xôi.

Thằng bé ngồi vào lòng bố nó, nhìn những ngọn nến lung linh nghiêng ngả. Ánh sáng của ngọn nến hắt ra chung quanh cái bàn thờ một màu dìu dịu. Khói hương bốc lên nghi ngút. Thằng bé nói:

- Nến reo bố à!

Bố thằng bé vẫn lặng lẽ hút thuốc, khói trắng vươn lên cao rồi loãng dần. Gió từ lòng sông thổi lên lành lạnh. Thằng bé rúc vào lòng bố nó, đưa tay lên sờ cằm bố nó rồi rụt tay lại, nói:

- Râu bố nhiều quá!

Bố nó cười vuốt đầu nó:

- Thua râu ông nội.

- Râu ông nội dài lắm hở bố?

- Ừ! Dài tới ngực.

Thằng bé nhìn lại bàn thờ. Nó nhìn cái khung cảnh mờ chập chờn theo mấy ngọn nến. Mùi thơm của trầm thật thanh thoát.

- Bố kể chuyện ông nội đi bố.

- Ông nội chì lắm!

- Chì là sao hở bố?

- Chì là anh hùng! Ông nội con theo kháng chiến chống Pháp, lúc ấy bố mới bằng con, ông nội con cũng mang súng như bố vậy.

- Sao nữa bố?

- Ông nội còn dạy bố hát nữa.

- Hát bài gì hở bố? Bố hát đi bố.

Người cha nhìn lên trời, một vài vì sao lờ đờ trên bầu trời thăm thẳm mênh mang. Rít một hơi thuốc dài và khẽ phà ra từng cụm như để nhớ đến một lần xưa đã chết, người cha khẽ nói:

- Để bố hát con nghe "Mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng, núi cây rừng..."

Tiếng hát trầm trầm mang một mối cảm xúc vô vàn của người cha vang lên trong đêm tịch liêu. Tạo đập khẽ vào ngực bố:

- Thôi bố! Đừng hát nữa buồn lắm. Bố kể tiếp đi bố.

Bố thằng bé chìu con, ngưng tiếng hát và kể tiếp:

- Ông nội con lưu lạc, lênh  đênh khắp nơi. Đó là cuộc đời đầy hào hùng và sôi nổi của người trai Việt yêu nước. Lâu lâu, có khi đến nửa năm ông nội mới về thăm bố và bà nội một lần rồi lại đi ngay...

- Như bố bây giờ vậy hở bố?

- Ừ!

- Mai bố có đi không bố?

- Có! Mai bố lên Chupao lại.

Thằng bé ngạc nhiên:

- Sao bố nói ngưng bắn rồi?

- Ừ! Ngưng bắn nhưng bố phải lên, lấy đồ của bố về, bố giải ngũ, bố về ở luôn với con và mẹ.

- Bố đi bao lâu hở bố?

- Bố đi vài tháng vậy!

- Thôi bỏ đồ ở trên đó luôn đi bố.

Người cha vuốt đầu con hiền hòa:

- Để bố lên lãnh lương về dẫn con đi lên nhà dì Năm ở trên tỉnh chơi.

Thằng bé dẫy nẩy:

- Con không thích lên nhà dì Năm đâu. Ở đó có con bé Hồng, nó chọc con là thỏ đế.

Bố thằng bé cười và trêu:

- Lêu lêu! Con trai mà sợ con gái.

Thằng bé cãi:

- Con đâu có sợ. Con đánh nó ngã liền. Con chì, con chì như bố, như ông nội vậy.

- Bố đâu có chì.

- Sao hồi bố nói bố bị hỏa tiễn phái trúng hầm mà bố chẳng sao?

- Ừ! Thôi bố chì!

Thằng bé nhìn ra dòng sông, nhưng nó chỉ thấy đen tối, mùi phù sa bốc lên và nó nghe có tiếng sóng vỗ nhẹ bờ êm như lời ru con. Nó để mặc dòng sông tha thiết chảy, nó quay lại câu chuyện:

- Bố ơi, bố! Con thấy xe lửa chạy rồi bố à.

- Ừ! Cái ga ấy hết đìu hiu rồi con ạ.

- Bố! Bố nói hòa bình bố cho mẹ và con ra Bắc mà bố.

Mắt bố nó long lanh. Kỷ niệm xưa kéo về. Lòng thương con vô bờ. Người cha bỗng thấy đời binh nghiệp thanh thản và êm ả hơn bao giờ hết.

- Hòa bình bố cho con và mẹ ra thăm Hà Nội, thăm làng quê nội và đi chơi khắp ba mươi sáu phố phường, chịu không?

- Chịu! Bố, nãy giờ sao không thấy mẹ cúng hở bố?

- Mẹ ru em bé.

- Sao con không nghe tiếng ru?

- Mẹ ru nho nhỏ. Bố đố con mẹ ru em bằng gì?

Thằng bé reo:

- Con biết rồi, thày giáo có nói, ru em bằng ca dao Việt Nam.

Bố nó cười hồn hậu:

- Trật lất! Mẹ ru em bé bằng miệng.

Thằng bé đập vào ngực ba nó thùm thụp:

- Bố xạo con nhé! Bố xạo nhé.

Nhưng nó chợt khựng lại, mai bố nó đi hành quân lại ai làm diều cho nó, còn ai để chiều chiều ra cánh đồng chơi diều. Mắt nó đượm buồn, long lanh.

- Mai bố đi rồi ai làm diều cho con.

- Chờ bố thu xếp đồ, bố về bố làm cho.

Thằng bé khóc thật sự khi nó biết mộng ước của nó vẫn bị những đám mây mù che khuất. Những ngày tháng ngắm nhìn những con diều bay nhẹ nhàng trên cánh đồng, nó nao nức, nó chờ mong bố nó về. Và chính bố nó làm cho nó một con diều. Nhưng bố nó về rồi lại đi ngay và mãi mãi mộng ước bình thường của nó vẫn chưa được thực hiện. Nó khóc rấm rức:

- Hông, con không chịu đâu, bố đi hoài. Con bắt đền bố đấy, con bắt đền bố đấy.

Người cha vuốt nhẹ mái tóc con và hát lên những bài ca nho nhỏ. Trong đêm, ánh sáng của ngọn nến làm hiện rõ trên nét mặt người cha, một thoáng buồn.

Và rồi mãi mãi, thằng bé không bao giờ được chính tay bố nó làm cho con diều nữa. Những ước mơ của nó, những ngày đoàn tụ của nó và những ngày hòa bình của nó cũng không còn nữa. Vì bố nó, sau một trận đánh ở quốc lộ đã bỏ mình trên quê hương điêu tàn. Thằng bé thì một chút hãnh diện, một chút ngậm ngùi cho bố nó, và từ đấy sẽ có những áng mây buồn trôi về trên đôi mắt của thằng bé nhiều mộng ước.


MAI LĨNH              
(Cho một mùa xuân phôi pha)
GĐTN - Nha Trang   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 88, ra ngày 6-5-1973)


Niềm Vui Của Em



















*Riêng Ba thương yêu của con

trường thi ra, đi nhanh về
lòng em rộn rã nỗi vui ghê
kết quả kỳ thi… ơi thích quá!
em đã đậu rồi… tưởng như mê…

Về nhà chị Nguyện và anh Nguyên
đùa đùa cười bảo: “Bảng quên tên
của cô em bé rồi có phải…???”
em chẳng nói gì, chỉ lặng yên

(Chút nữa ba về mới nói cơ
em muốn dành cho ba bất ngờ
người hằng mong đợi bao ngày tháng
ba ơi! con đã đạt ước mơ…)

Có tiếng còi xe ngoài đầu ngõ
em đoán ngay là ba đó thôi
ba dựng xe xong, em nói nhỏ:
“ba ơi ba! con đã… đậu rồi…”

Em thấy ba cười tươi vô cùng
và ba mi lên trán con cưng
– chiều nay đi phố ba sẽ thưởng
“công chúa hay nhè” có chịu không?

                                    Trần Thị Nguyệt Mai

                                                   1972

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

Đối Thoại Với Bố


Ngày... tháng...

Bố đáng kính!

Chiều nay mưa đầu mùa lất phất rơi nghe quen tai lạ bố ạ! Mùi đất bị mưa ướt xông lên nghe nực nội khó chịu, cây phượng già ngay cổng trường lác đác hoa rơi đỏ cả gốc cây làm con nhớ bố ghê! Còn vài ngày nữa bố nhỉ? Còn vài ngày nữa là con lại được bố đến rước về để được thưởng thức một mùa hè cạnh bố, để nằm gọn trong vòng tay ấm áp âu yếm của bố, mà nghe tim mình như tràn ngập trong hương yêu của tình phụ tử. Bố ạ! Chắc bố buồn con lắm nhỉ? Bố buồn vì thằng con đã biết suy tư, đã biết ngồi hàng giờ để vạch định cho tương lai những việc mà không cần biết có làm được hay không. Bố buồn vì thằng con duy nhất còn lại với bố trong cuộc loạn ly, sớm mang u buồn không còn hồn nhiên sống trong sự ngây thơ của tuổi trẻ như ngày xưa bố đã sống. Bố buồn vì thằng con xa lạ, nằng nặc đòi đi học nội trú để được hằng giờ ngồi bên cửa sổ một mình cắn móng tay, rồi ngắm từng con chim bay cao trong bầu trời xanh biếc, hay vài con bướm nhởn nhơ trong vườn mà nghe hồn mình lạc thiên thai.

Bố ạ! Bố đừng buồn nhá! Thằng con bố xa bố nhưng không vì thế mà xao lãng học hành, xấc xược hay nhất là hổng thương bố nữa.

Không bố ạ! Không bao giờ con quên được những buổi chiều nghỉ việc bố dẫn con đi chơi trong công viên, để dạy con, kể cho con nghe những vui buồn mà bố đã trải qua... Nhưng con biết tuổi thơ ngây của con đã mất từ lâu mặc dù con còn đang sống trong lứa tuổi hồng đẹp. Bố ơi con không thể nào giả dối sống mãi như thế. Bố hiểu cho con?!...

Mưa vẫn rơi đều ướt đẫm cả sân trường báo hiệu cho những ngày mưa dài lầy lội sắp xảy đến! Buồn ghê bố nhỉ?

Thôi bố nhé! Con còn phải đi học bài nữa chứ, không bị đòn chết. Hẹn sẽ kể chuyện  bố nghe nhiều hơn bố nhá.
Hôn bố                   
con của bố                
PHAN TRẦN HÙNG PHONG     


Ngày... tháng...

Bố thương!

Hôm qua Frère giám học cho con mượn đọc một tập truyện về tuổi thơ hay ghê bố ạ! Bố biết của ai không? Của bố đấy...

Bố!

Bố viết văn hay quá! Bố kể chuyện chăn trâu, hái chè hay lội sông bắt cá nướng trui. Ngày xưa của bố thật hùng, thật đẹp bố ạ! Con tiếc không viết được như bố để cho mình được sống lại trong kỷ niệm như bố. Thế có đáng đánh đòn không bố? Có lần con tức mình mở cửa sổ nhìn vài cụm mây trắng lờ lững trôi để cho hồn mình lạc lõng mong tìm ra được nguồn cảm hứng mà viết một tí, cho khỏi hổ danh là con của văn sĩ. Nhưng than ôi bố ạ! Cố gắng hết sức mà nó cứ làm sao ấy! Viết không được... kỳ ghê!... Bố thấy con đáng đánh đòn không nhỉ?

Bố thương! 

Hôm nay phượng rơi đều lắm bố ạ! Con có nhặt được một ít ép tập rồi. Để bữa nào cho bố xem, con không dám ép nhiều đâu. Tụi bạn nó mà bắt được thì con bị chê là con gái liền, mất hết nam nhi tính, bố nhỉ?

À! Còn cái này con quên bảo cho bố mừng. Đố bố biết cái gì đó? Số là con vừa chiếm được hạng nhất trong lớp! Chì ghê chưa? Bố phải thưởng con mới được đấy. Bố ơi! Hôm nay con thấy hơi mệt, bố đừng lo, "Ẹc-kinh" hổng có bịnh đâu bố ạ. Chúc bố ngủ ngon.

Con: HÙNG PHONG    


Ngày... tháng...

Bố mến!

Hôm nay con bệnh thật rồi đấy! Nằm trong phòng bệnh buồn ghê bố ạ! Buồn lại làm con nhớ bố nhiều hơn. Chắc giờ này bố đang bận rộn vì công việc quá nhiều phải không? Hay là bố lại ngồi cắn bút suy tư mong tìm được đề tài để viết hầu trả nợ áo cơm cho con chứ gì? Tội nghiệp bố quá nhỉ? Con hứa sẽ học thật giỏi để sau này làm lớn thật là lớn. Bố sẽ không phải đi làm nữa, con sẽ mua và xây cho bố một căn nhà thật đẹp. Căn nhà cổ trên hồ sen mát dịu mà bố hằng ao ước đó! Để bố có thể hưởng già và rồi cùng an nghỉ ở đó bố nhỉ? Bằng lòng không bố? Chịu nhé?...

Bố ạ!

Frère giám đốc bảo con lận đận ở tương lai lắm đấy, đúng không bố nhỉ? Mà không sao đâu bố ơi. "Ẹc-kinh" sẽ vật ngã để tiến đến vinh quang cho bố xem. Mà bố ơi! Tự nhiên tới đây cái con mắc cỡ à! Bố biết tại sao không? "Ẹc-kinh" bệnh rồi đấy... Thôi, hổng thèm nói chuyện với bố nữa đâu...

Con của bố       
HÙNG PHONG   


Ngày... tháng 06 năm 1971.

Bố đáng kính!

Bố! Bây giờ thì con đã lớn, con đã bước ra khỏi cái trường nội trú thân yêu để ra đời. Nhưng, nhưng con không làm được lớn để cho bố yên vui hưởng nhàn mà con vẫn là một trong những hạt cát ngoài sa mạc...

Bố!

"Ẹc-kinh" đã thất trận, thằng Phan Trần Hùng Phong đã phải lận đận ở tương lai như Frère giám đốc đã nói rồi đấy.

Nhưng bố ơi... 

Con đang sống, và dám hãnh diện với mình là đang sống. Sống đúng với người công dân nước Việt và đáng làm con của bố. Bố bằng lòng chứ?

Thôi! Con chào bố, hẹn với bố ở ngày thành công.

HÙNG PHONG      


DUYÊN TRẦM ANH     

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 5, ra ngày 5-7-1971)

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

Con Chim Xanh


Mặt trời chói chang rọi những tia nắng nhảy múa trên mái hoàng cung lợp đá đen. Trong đường phố, đám dông dân chúng cười đùa, ca hát, bày tỏ niềm vui sướng. Có tin vừa loan truyền là Hoàng tử Giai Duyên sắp tới kinh đô. Đó là vị Hoàng tử dễ thương nhất đời và thiên hạ đồn là Hoàng tử đến để hỏi cưới con gái đức vua.

- Nhưng mà cô nào nhỉ? Dân chúng hỏi lẫn nhau.

Bởi vì, trước đó, đức vua chỉ có một cô con gái, thật xinh đẹp và dịu hiền, tên gọi Ái Hoa. Hoàng hậu qua đời khi Ái Hoa mới lên 15 tuổi. Không bao lâu sau, đức vua tục huyền với một góa phụ. Bà này có một cô con gái riêng, người thật xấu xí, thường được gọi là Hương Ngư, vì mặt cô ta lốm đốm thật nhiều mụn giống như cái lưng con cá hương... Bà Hoàng mới chỉ yêu thương con gái riêng, sinh lòng ghen ghét Ái Hoa và tìm cách làm cho đức vua xa rời Ái Hoa. Vì vậy, khi đức vua nghĩ tới việc gả một cô gái cho Hoàng tử Giai Duyên, bà Hoàng hậu bèn nổi cơn thịnh nộ:

- Con Hương Ngư nhiều tuổi hơn và dễ thương hơn, nó phải được gả chồng trước và tôi sẽ không nhượng bộ gì đâu!

Đức vua vốn không ưa cãi cọ. Chính ông là người nhượng bộ! Đó là điều mà thiên hạ xầm xì...

Lúc bấy giờ kèn trống vang rền, đoàn ngự lâm quân diễn hành tay giương cao ngọn kích. Nổi bật trong toán quân hộ tống, Hoàng tử Giai Duyên cưỡi con bạch mã, vẻ mặt tươi cười rạng rỡ. Sau đó, trong hoàng cung, người ta đem Công chúa Hương Ngư ra giới thiệu với Hoàng tử. Cô ta được trang hoàng như một nữ thần, nhưng càng đeo nhiều đồ trang sức trông cô lại càng thêm xấu xí. Mặc dù e thẹn, Hoàng tử Giai Duyên cũng không để cho mình bị lợi dụng.

- Tôi nghe nói còn một Công chúa thứ hai, khôn ngoan và xinh đẹp, tên là Ái Hoa. Vậy chứ nàng đâu?

- Ồ! Thưa ngài Hương Ngư kêu lên và giơ tay trỏ vào Ái Hoa nó nấp trốn bởi vì nó mặc áo quần xấu xí và đâu có xứng đáng với ngài.

Hoàng tử nhận ra Ái Hoa là thiếu  nữ mà người ta chỉ cho mặc một tấm áo tầm thường. Nàng e lệ đến đỏ au cả mặt và vì thế nàng càng trở nên xinh đẹp khiến cho Hoàng tử phải ngất ngây. Hoàng tử cúi thấp người xuống chào nàng, bỏ rơi Hương Ngư và nói chuyện với nàng Ái Hoa xinh đẹp trong ba tiếng đồng hồ liền.

Hương Ngư khóc lóc, bà Hoàng Hậu kêu than oán trách khiến cho đức vua phiền muộn và phải chịu để cho bà vợ đem giam Ái Hoa trong cái tháp cao nhất của lâu đài. Hoàng tử trông đợi hoài nàng Công chúa xinh đẹp mà vẫn không thấy bóng dáng nàng đâu. Những buổi tiệc tùng ngày càng trở nên buồn bã và Hương Ngư ngày càng trở nên khó chịu. Nhưng rồi, nhờ ở tên hề đồng trung thành, Hoàng tử Giai Duyên tìm hiểu được số phận nàng Ái Hoa. Chàng vô cùng bực tức, nhưng che giấu được cơn hờn giận và quyết định phải hành động thật gấp. Có những Hoàng thân trẻ tuổi đi theo Hoàng tử và một người trong bọn thật khéo léo. Hoàng tử nhờ anh ta và được một mệnh phụ trong triều tiết lộ là Công chúa Ái Hoa sẽ đứng bên một khung cửa sổ  nhỏ thấp mở ra hoa viên: như vậy Hoàng tử sẽ có thể đến đó nói chuyện với nàng trong chốc lát.

Màn đêm buông xuống. Hoàng tử lẩn vào trong vườn, trông thấy một bóng người hiện trong khung cửa sổ và chàng lách mình tới.

- Nàng Ái Hoa xinh đẹp ơi, tôi xin cúi dâng nàng tâm hồn tôi và ngôi báu của tôi. Tới ngày nào nàng chọn, tôi se tới đón nàng trong một kỷ vật do một người bạn ảo thuật gia tặng tôi, một chiếc xe bay do mấy con nhái có cánh kéo đi. Tôi sẽ đưa nàng trốn xa khỏi gia đình tàn ác của nàng và tôi sẽ thành hôn cùng nàng!

Hoàng tử Giai Duyên lùa chiếc nhẫn vào ngón tay mà cái bóng nhẹ nhàng chìa ra, đoạn chàng lại lẩn về, trong lòng tưng bừng hớn hở.

Đến ngày hẹn, những con nhái dễ bảo bay tới, dây cương cột vào chiếc xe bay xinh đẹp. Bóng đêm đen đặc ; nàng Công chúa bí mật ra khỏi lâu đài. Hoàng tử Giai Duyên thề nguyền trọn đời chung thủy với nàng và để nàng tự ý chọn nơi chốn làm lễ cưới.

- Em có bà mẹ đỡ đầu là tiên nữ Sao Hôm Công chúa trả lời với giọng xúc động Bà đang chờ đợi chúng ta trong lâu đài của bà.

Giai Duyên ra dấu, những con nhái đưa hai người lên vòm trời đầy sao. Hoàng tử lấy làm ngạc nhiên khi thấy Ái Hoa đeo mạng che mặt. Nhưng chuyến đi thật mau. Chẳng mấy chốc cả hai đã tới bên bà tiên Sao Hôm. Công chúa gieo mình vào vòng tay bà mẹ đỡ đầu và dìu bà đi. Hoàng tử thất vọng. Tới lượt chàng, Hoàng tử bước qua ngưỡng cửa và trông thấy, trong một căn phòng có các bức tường xây bằng kim cương sáng chói, bà tiên Sao Hôm và... Hương Ngư đang nói chuyện ồn ào.

- Sao? Hoàng tử nói ta bị phản bội rồi chăng?

Bà tiên Sao Hôm và Hương Ngư tới ngay trước mặt chàng.

- Hoàng tử Giai Duyên ơi bà tiên nói nàng Công chúa Hương Ngư đây là người mà Hoàng tử đã đính ước. Nàng là con gái đỡ đầu của ta và ta mong là Hoàng tử sẽ giữ lời mà kết hôn cùng nàng.

Hương Ngư cười và giải thích là chính nàng được bà mệnh phụ xấu bụng nọ báo cho biết trước, đã ra đứng nơi cửa sổ. Bóng đêm bữa đó đen đặc tới nỗi Hoàng tử Giai Duyên đã chẳng thể nhận ra được sự tráo trở này...

- Chẳng bao giờ ta chịu cưới Hương Ngư làm vợ đâu! Hoàng tử trả lời Này, các chú nhái, chúng ta hãy về ngay lập tức.

Nhưng bà tiên Sao Hôm đã lấy đũa thần đập nhẹ lên người Hoàng tử. Chân chàng bị dính chặt xuống đất.

- Này Hoàng tử Giai Duyên, ngươi hãy chọn: hoặc là ngươi chịu cưới con gái ta làm vợ, hoặc là ngươi sẽ bị bẩy năm tù khổ ải!

- Không bao giờ!

- Được rồi! Sao Hôm hét lên Vậy ngươi hãy bay ra qua khung cửa sổ này, bởi vì ngươi sẽ là Chim Xanh trong bẩy năm tù tội!

Thế là Hoàng tử hóa thân thành con chim có bộ lông xanh mầu da trời và cái mỏ bằng ngà. Trên đầu chim có một chòm lông mao trắng. Kêu lên một tiếng não nùng, chim vỗ cánh bay đi!

*

Hương Ngư trở về hoàng cung, thất vọng tràn trề. Hoàng hậu nổi khùng lên và số phận của Ái Hoa càng ngày càng trở nên khó thở. Một đêm nọ, khi nàng ngồi than thở bên khung cửa sổ, bỗng nghe một giọng nói dịu dàng:

- Nàng Ái Hoa dễ thương ơi, nỗi đau thương của nàng không hẳn là vô phương cứu chữa đâu.

Hổn hển, Ái Hoa cúi người xuống:

- Ai mà lại an ủi ta cách dịu dàng như vậy?

Một con chim xanh thật đẹp bay đến khung cửa sổ.

- Một Hoàng tử đau khổ đây chim nói là người mãi mãi chỉ yêu thương có mỗi mình nàng.

Thoạt tiên, nàng Ái Hoa sợ hãi lắm, nhưng những lời nói dịu dàng và bộ lông chim thật đẹp làm nàng an tâm.

- Sao? Vị Hoàng tử oai nghi nhất trần gian mà lại là con chim bé nhỏ này sao?

- Hỡi ôi! Ái Hoa nàng hỡi, đó lại đúng sự thật...

Và chim kể lại chuyện bất hạnh của mình. Ánh nắng ban mai hiện đến: Chim Xanh và nàng Công chúa vẫn còn thủ thỉ bên nhau. Khi Hoàng tử bay đi, nàng Ái Hoa thật hớn hở trong lòng.

*

Vậy là đêm đêm chim lại tới thăm, và mỗi lần tới, Hoàng tử lại đem tặng người yêu dấu một món quà lộng lẫy. Một bữa kia, ráng sức bay về tới tận kinh đô vương quốc của mình, chàng bay vào trong cung và lấy một viên bảo ngọc vô song. Mai nữa, chàng lấy những đôi bông tai nhận hột xoàn, rồi những vòng cẩm thạch, những đồ trang sức trong của kho vô tận. Hai năm trôi qua như thế mà nàng Ái Hoa không hề than thở một lời về sự nàng bị giam lỏng. Trong lúc đó, Hương Ngư chẳng tìm đâu ra được tấm chồng, còn nàng Công chúa bị cấm cung thì lại thường được rất nhiều người tới xin cưới hỏi. Căm tức, bà Hoàng và con gái riêng của bà quyết định sẽ thủ tiêu nàng Ái Hoa cho rồi.

*

Một đêm, cả hai cùng mò vào trong tháp. Họ rình ngoài cửa phòng nàng Ái Hoa, lắng nghe thấy tiếng hát trong phòng! Bất chợt, họ tông cửa vào. Nàng Công chúa bị giam đang đứng bên cửa sổ, người đeo đầy những nữ trang quý giá, bên cạnh con Chim Xanh!

Bà Hoàng độc ác lại nổi sùng lên, kết tội nàng Ái Hoa âm mưu phản quốc để đổi lấy các đồ châu báu... Bà tìm cách giấu vào trong lò sưởi những giấy tờ giả tạo cốt ý để làm hại Ái Hoa.

Nhưng Chim Xanh canh chừng. Chim kêu lên:

- Ái Hoa ơi, em hãy coi chừng, kẻ thù của em lại tìm cách hại em đó!

Kinh hoàng, bà Hoàng và Hương Ngư bỏ trốn, người run lên vì sợ hãi và vì tức giận.

*

Họ không còn dám quay trở lại vọng lâu nữa nhưng lại phái tới đó một ả gián điệp, một cô gái độc ác, dòm chừng suốt đêm ngày. Trong khi đó thì Chim Xanh tìm được chỗ ẩn trốn trong hốc một cây trắc bá mọc gần lâu đài, luôn luôn được thấy Công chúa và trò chuyện cùng nàng.

Ả gián điệp rồi cũng khám phá ra điều bí mật đó và tới báo cho bà Hoàng biết. Bà này lập tức tính kế trả thù. Bà cho gọi viên quan cận vệ tới, ra lệnh cho y đem đao kiếm và dao gài nơi chỗ ẩn của Chim Xanh... Cánh chim bất hạnh đâu có hay biết chi, nên khi sa xuống vòm cây liền bị gươm dao cắt nơi cánh và chân. Thật may là khi đó, nhà ảo thuật bạn chàng lại đi ngang cây trắc bá, bèn đem chàng về giấu trong nhà và săn sóc các vết thương. Trong khi đó, nàng Ái Hoa thật vô tình thất vọng vì không còn thấy bóng dáng chim đâu nữa, cả ngày lẫn đêm nàng ngong ngóng bên khuôn cửa sổ trông chờ.

Thế rồi, bất ngờ nhà vua già nua, cha nàng công chúa, qua đời. Nhân dân vốn ghét mụ Hoàng độc ác và ả Hương Ngư, con riêng của mụ, bèn nổi dậy, tống cổ cả hai ra khỏi hoàng cung rồi tôn Ái Hoa lên ngôi trị vì trăm họ. Nàng Công chúa xinh đẹp thật bụng vui mừng, nhưng nàng vẫn không ngừng tìm kiếm dấu vết cánh chim xanh xinh đẹp của riêng nàng. Một bữa, sau khi đã chỉ định một hội đồng nhiếp chính, nàng dời Hoàng cung, cải trang thành một thiếu nữ khoác một túi vải trên lưng. Nhưng có điều nàng không được biết là cùng lúc đó, nhà ảo thuật, bạn và ân nhân của Hoàng tử Giai Duyên, tìm tới Sao Hôm, cốt để khuất phục bà tiên độc ác, nhưng lại không đủ tài phép để phá tan bùa ngải trù ếm của mụ.

*

Vẫn giả trang là một thôn nữ, nàng Ái Hoa hiền dịu tiếp tục cuộc hành trình đi tìm cánh chim biệt dạng. Một bữa, nàng ngồi khóc bên bờ giếng. Một bà già nhỏ bé, lưng còng gập xuống, đi tới bên nàng và bảo:

- Nữ Hoàng Ái Hoa xinh đẹp ơi! Chàng Hoàng tử mà Nữ Hoàng đi tìm không còn là chim nữa đâu. Mụ Sao Hôm đã hóa phép cho chàng trở lại hình người nhưng đặt nhiều điều kiện. Đây ta cho con ba quả trứng, khi nào cần ước điều chi, con hãy đập vỏ trứng ra và con sẽ được thỏa lời nguyện ước...

Bà già nhỏ bé biến đi. Ái Hoa bỏ trứng vào trong túi vải rồi lên đường tìm tới vương quốc của Hoàng tử Giai Duyên. Nàng đi ròng rã mất bốn ngày thì tới chân một trái núi bằng ngà, thật bóng láng và thật trơn trượt. Nàng đập vỡ một quả trứng, thấy bên trong có những cái mấu sắt nhỏ, nàng bèn lấy ra mang vào chân, đoạn trèo lên ngọn núi không chút khó khăn. Lên tới đỉnh, nàng lại bối rối vì triền núi dốc đứng cũng như bên phía vừa leo lên. Nàng đập một quả trứng khác, có mấy con chim bồ câu rực rỡ bay ra kéo theo một cái xe cứ mỗi lúc một lớn dần lên. Ái Hoa leo vào trong xe và cỗ xe mau chóng đưa nàng tới cửa Hoàng cung...

Thế rồi, Ái Hoa đâm buồn bực muốn chết khi hay tin là Hoàng tử, lúc đó vẫn bị bùa ngải của ba tiên Sao Hôm trù ếm, chán nản quá, đã chịu khuất phục mà bằng lòng cưới Hương Ngư làm vợ! Nhưng nàng vội phản ứng, tìm cách xin vào trong cung làm bếp. Nàng còn nhớ là trong cung có một căn phòng kỳ lạ căn phòng của những tiếng vang mà Hoàng tử đã nói cho nàng biết khi xưa. Từ căn phòng đó, người ta có thể nói cho Hoàng tử nghe tiếng trong lúc Hoàng tử lại ở phòng riêng của ngài!

Ái Hoa đập vỡ vỏ quả trứng cuối cùng và tìm thấy trong trứng cái chìa khóa mở cửa căn phòng kỳ lạ nọ. Nàng vội vàng vào phòng, báo cho Hoàng tử biết tin là nàng đã tới, và trách móc chàng đã quên lời thề ước mà hỏi cưới Hương Ngư! Rồi Hoàng tử Giai Duyên tới gặp nàng. Cà hai cùng òa khóc vì sung sướng và cùng thề nguyền là sẽ không bao giờ rời xa nhau nữa!

Nhà ảo thuật và bà già nhỏ bé lưng còng vốn là một bà tiên cùng hợp sức đối phó với bà tiên Sao Hôm và đã thắng được mụ. Về phần Hương Ngư, bị hóa thân thành cá hương, vội trườn mình xuống một dòng thác và từ đó không ai gặp nàng ta đâu nữa.


PHONG LAN    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 95, ra ngày 24-6-1973)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>