Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Ngày Xưa...

Ảnh T. Lộc

Khi xưa đi học em dốt toán
Mắc cỡ với cô, với bạn bè
Em thấy buồn buồn,em lo lắng
Làm sao phải giỏi toán mới nghe...

Ba thì đi lính trận miền xa
Lâu thật lâu mới về thăm nhà
Còn me tần tảo lo buôn bán
Gánh hàng lên tận chợ đường xa

Nên anh thay ba làm thầy giáo
Mỗi tối bên đèn dạy kèm em
Em nhớ lời anh thường khuyên bảo
"Làm toán nhiều em sẽ giỏi thêm..."

Mấy tháng học hành em tấn tới
Có bảng mầu hồng đem khoe anh
Khoe me, me khen rằng con giỏi
Em thưa: "Đó là nhờ công anh"

Me thưởng anh em mình hai chục
Mình mua me ngào với bánh đa
Còn tiền chiều đến ra chị Thục
Chén chè mè đen vị đậm đà

Bây giờ em đã xa tuổi nhỏ
Anh nối gót ba chí hải hồ
Nhưng có bao giờ anh còn nhớ
Thiên đường mật ngọt thuở ấu thơ?

                                   Trần thị Nguyệt Mai

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 226, ra ngày 1-9-1974)

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Đàn Hạc


tặng anh HÀ TĨNH

Khi tôi rời mắt khỏi tờ báo để ngước lên nhìn trời ban mai xanh ngắt và thơm dịu mùi thiên lý, thì ngoài hàng rào có những tiếng cười khúc khích. Phượng, Thúy, Yến, Linh, Lộc, Thể lấp ló ngoài đó. Phượng lên tiếng:  

- Chào ông Hồng Hà. Chúng em không làm phiền ông đấy chứ?

Tôi đứng dậy khỏi chiếc ghế xích đu, đáp lời đám nữ sinh nhỏ bằng một nụ cười:

- Không hề gì cả. Các em có rảnh cứ vào chơi.

Không đợi tôi nói đến lần thứ hai, sáu cái áo dài trắng đã tự mở cổng mà ùa vào. Thiếu cái áo trắng thứ bảy như mọi khi, “thất tiểu nương” vẫn thường đi chung với nhau. Tôi chưa kịp nêu thắc mắc về sự vắng mặt của em gái thứ bảy, Thể đã liến thoắng:

- Chắc ông đang dệt mấy vần thơ?

Thúy cãi bạn:

- Khỉ ngu! Ông Hồng Hà là nhà văn chứ bộ thi sĩ sao mà làm thơ?

Thể chu miệng:

- Úi, không biết thì dựa cột mà nghe đi cho xong chuyện. Ông Hồng Hà trước khi là văn sĩ đã từng làm thơ cả một thời gian dài rồi... Phải thế không thưa ông?

Tôi gật đầu, tuy nhiên vẫn nói thêm để đỡ lời cho em Thúy:

- Chính thế. Nhưng hiện tại, tôi đã từ giã nàng thơ rồi còn gì.

Thể bảo Thúy:

- Thấy chưa? Ông Hồng Hà vừa xác nhận rằng ông có làm thơ đó.

Thúy vin vào câu nói của tôi:

- Nhưng ông ấy cũng xác nhận rằng hiện thời ông đâu còn làm thơ nữa...

Yến chen vào:

- Thôi, cho tao xin hai con quỷ nhỏ đi. Bộ chúng mày quên mục đích của tụi mình rồi sao?

Tôi tròn vo miệng ra dáng ngạc nhiên:

- Ôi chao, té ra hôm nay các em ghé lại đây là có mục đích rõ ràng đấy à? Có quan trọng lắm không?

Phượng leo lên ghế xích đu, đong đưa qua lại vừa cười nói:

- Nhưng trước hết ông để cho tụi em được ngồi đã chứ. Đứng mãi gẫy chân còn gì...

Tôi cười xòa:

- Xin lỗi các em nhé. Tôi quên bẵng đi, các em cứ tự nhiên.

Chúng tôi ngồi chen chúc nhau trên chiếc ghế xích đu và trên băng đá cạnh bồn bông móng tay đủ màu rộ nở. Em Phượng như thường lệ, hỏi thăm “bà Hồng Hà” và “cháu Hồng Phi” trước tiên. Tôi trả lời bà Hồng Hà đi chợ chưa về, cháu Hồng Phi đã đến vườn trẻ. Em Linh là chuyên viên thăm hỏi tôi đã ăn sáng chưa, và ăn sáng những gì? Tôi đáp như mọi khi, đã, và một miếng bánh mì pa tê nhỏ với ly cà phê đá. Lộc hỏi truyện Đàn Hạc đến đoạn nào rồi? Tôi kể tiếp đoạn đã kể cho các em nghe lần gặp trước, rằng bé Quỳnh đi chơi với các bạn về thì bị cảm. Phượng reo lên:

- Nhỏ Quỳnh bị cảm thật đó ông Hồng Hà ạ...

Thúy nói:

- Hình như nãy giờ ông quên bẵng nhỏ Quỳnh rồi thì phải. 



- Đâu có, tại các em nói đủ thứ chuyện làm tôi không có dịp hỏi đấy chứ. Em Quỳnh bệnh thật à? Thế mà hay nhỉ, trùng hợp với truyện...

Thể:

- Nhưng thôi, bỏ chuyện nhỏ Quỳnh qua một bên đi. Mình nói đến chuyện hiện tại...

- Phải rồi, các em cho tôi biết mục đích của các em trong lần ghé thăm tôi này coi nào.

Mấy cô bé nữ sinh nhìn nhau dò ý. Em Phượng nhìn em Thúy mỉm cười, em Thể lấy tay đẩy em Lộc. Em Linh huých vai em Yến. Cuối cùng, em Thúy đại diện nói:

- Tụi em sắp làm một bài thuyết trình về ông...

Tôi kêu lên:

- Hai tháng trước các em đã thuyết trình về tôi rồi mà...?

- Vâng. Và lần này nữa không được sao cơ?

- Ờ... thì... được chớ sao không. nhưng hơi kỳ... Lần trước các em nói là tự các em chọn, vậy lần này cũng là tự các em chọn chứ?

Phượng đáp nhanh:

- Không, lần này thì cô quốc văn của tụi em chỉ định.

Thể nheo mắt:

- Cô quốc văn của tụi em có cảm tình với ông lắm đấy.

Lộc nhéo bạn:

- Con quỷ, mày nói vậy không sợ ông Hồng Hà phải đi nhà thương vá mũi sao?

Yến thêm:

- ... và bà Hồng Hà sẽ nhéo ông ấy hàng trăm ngàn cái sao?

Cả bảy người cùng cười vui. Tôi nói:

- Các em đừng nói xấu người vắng mặt. Bà Hồng Hà của tôi xem thế chứ hiền lắm...

Phượng:

- Chính vì thế lần này, tụi em định sẽ phỏng vấn cả bà Hồng Hà nữa đó. Tụi em cũng phỏng vấn luôn cháu Hồng Phi.

- Ghê gớm thế!

- Chứ sao! Bởi tụi em muốn bài thuyết trình của tụi em sẽ là một bài thuyết trình công phu và độc đáo nhất.

- Đâu nào, em thử cho tôi biết vài câu phỏng vấn được chứ?

- Sao lại không. Tỉ như tụi em sẽ phỏng vấn bà Hồng Hà như thế này: “Lúc ông viết văn, bà nhận xét gương mặt của ông ra sao? Có nhăn nhó hay vui vẻ như các nhân vật trong truyện ông đang viết hay không?”, “Ông có bao giờ nhõng nhẽo với bà không?”...

Thúy tiếp:

- Với cháu Hồng Phi tụi em sẽ hỏi: “Có bao giờ ba cháu giành ăn kẹo với cháu không?”, “Cháu yêu ba cháu hay yêu mẹ cháu hơn?”...

Tôi lắc đầu:

- Tôi chịu các em rồi đấy! Còn phần tôi, các em muốn hành hạ gì thì cứ ra tay đi...

Thúy:

- Ông nói quá chứ! Phần ông thì tụi em chỉ xin ông dành cho một đặc biệt mà thôi...

- Đặc biệt thế nào?

- Tụi em sẽ ra một đề luận và xin ông cho tụi em một bài làm...

- Ôi chao! Các em bắt tôi tả luận?

- Vâng! Để tụi em trình với cô và các bạn trong lớp một sáng tác độc đáo của ông, văn sĩ Hồng Hà.

Sáu cô bé áo dài trắng quả là quá quắt. Tôi nhớ lại truyện Đàn Hạc mình đang viết, trong đó tả lại những câu chuyện quanh bảy cô bé lớp tám mà tôi nhắm thẳng và lấy tên của chính các em Phượng, Thúy, Yến, Linh, Lộc, Thể, Quỳnh. Tôi đã viết nhiều về tính nghịch ngợm của các nhân vật, nhưng so với các cô bé bằng xương bằng thịt trước mắt tôi đây, có lẽ các nhân vật của tôi còn thua xa. Tôi cứ lắc đầu quầy quậy:

- Chịu các em rồi! Chịu các em rồi! Nào! Sáu cô giáo muốn ra đề luận thế nào thì học trò này sẵn sàng nghe theo...

Phượng lấy ra một tờ giấy đôi trắng, kê trên một cuốn tập giấy dày, loay hoay sửa soạn viết. Em nói:

- Ông nhớ đọc chầm chậm cho em viết nghe. Mà bài luận cũng chỉ nên dài bốn trang học trò là cùng thôi đấy!

- Được rồi.

- Vậy thì đề luận như thế này: Em hãy tả cảnh giờ tan học ở một trường làng...

Tôi chắc lưỡi nói nhỏ một mình, nhưng cũng đủ để cho các em gái nhỏ nghe thấy: “Mình thế này mà bị gọi là em. Mắc cỡ!”.

Thể lấy cây thước đập cạch cạch vào thành ghế xích đu, nói như ra lệnh:

- Im lặng. Im lặng. Hãy cố gắng làm bài...

Tôi gật đầu nói: “Thưa vâng ạ” để hòa mình với các em gái nhỏ trong trò chơi ngộ nghĩnh. Tôi nghĩ cách nhập đề bài luận. Em Phượng ngước nhìn tôi chăm chăm như chờ đợi từng câu văn thốt ra từ miệng tôi. Trong trí tôi bỗng nảy ra câu hỏi: “Mình đang làm văn hay làm luận? Mình đang dự một trò vui trẻ hay đang là học trò bị phạt?”. 

*

Các em Phượng, Thúy, Yến, Linh. Lộc, Thể hôm đó đã quên không phỏng vấn bà Hồng Hà khi đi chợ về. vừa đúng lúc tôi hoàn thành xong bài luận bốn trang tả cảnh tan học. Các em từ chối luôn lời mời dùng xương xâm của nhà tôi. Và rồi, các em cũng chẳng nhớ đến lời hẹn sẽ trở lại vào ngày hôm sau để phỏng vấn cháu Hồng Phi. Tự dưng tôi phải ngưng ngang truyện Đàn Hạc vì không tìm thêm được ý nào mới cả. Đúng một tuần lễ, các em trở lại. Lần này cũng vào buổi sáng, nhưng khác là lúc ấy tôi đang ngồi nơi ghế xích đu với vợ con, và trong các em, có thêm em Quỳnh đã khỏi bệnh.

Tiếng của Phượng lanh lảnh ngoài hàng rào:

- Chào ông bà Hồng Hà và cháu Hồng Phi! Tụi em vào được chứ?

Tôi gật đầu:

- Mời các em cứ tự nhiên...

Bảy cô bé bước vào xinh như đàn hạc trắng. Vợ tôi hỏi:

- Sao không thấy các em ghé lại phỏng vấn như đã nói?

Em Phượng:

- Thưa bà, tụi em đã nghĩ lại nên không làm rộn bà và cháu Hồng Phi nữa.

- Thế còn bài thuyết trình, các em thành công chứ? Các em được 17 điểm như lần trước không?

Quỳnh cười:

- Thưa bà, chỉ có 13 thôi ạ.

Tôi tròn mắt:

- Sao tệ thế? Các em bị bạn bè hỏi “bí” à? Hay là tại “bài luận” của tôi không hay?

Thúy nhìn các bạn, rồi cả bảy em cùng cười khúc khích với nhau. Thúy nói:

- Thưa ông Hồng Hà, có lẽ tại bài luận của ông không hay đấy. Bài luận ấy, cô quốc văn của tụi em chấm có 13 điểm thôi...

- Tại sao lại chấm điểm bài luận ấy? Đó là một sáng tác đặc biệt để thêm phần độc đáo cho bài thuyết trình kia mà?

Quỳnh lấy trong cặp ra một tờ giấy. Em chỉ tay vào ô vuông có đề “lời phê của giáo sư” và nói:

- Đây là bài luận ông làm. Cô quốc văn tụi em phê là: “Cú pháp vững, nhưng có vẻ một bài văn hơn một bài luận. Cố gắng sẽ có thể trở thành một nhà văn”.

Lộc hỏi:

- Ông thấy sao về lời phê đó?

Linh:

- Bà có thấy cô quốc văn của tụi em rất có mắt tinh đời không?

Tôi kêu lên:

- Thôi, cho xin mấy cô tiên nhỏ nghịch ngợm của tôi đi. Tôi hết hiểu chuyện gì đã xảy ra rồi...

Vợ tôi cũng nói:

- Các em kể đầu đuôi câu chuyện đi. Tôi cũng bắt đầu thấy rối trí rồi đó.

Bấy giờ Thúy mới chịu nói:

- Chẳng là tuần trước tụi em phải góp luận về nhà làm. Cô quốc văn cho tụi em đề luận là “Tả cảnh tan học tại một trường làng”. Nhỏ Quỳnh chẳng may bị bệnh phải nghỉ học, lại chưa làm luận kịp nên không có bài góp. Tụi em bèn bàn tính nhau và đã nói dối ông rằng cần một sáng tác độc đáo cho bài thuyết trình về ông để ông làm giùm nhỏ Quỳnh bài luận. Kết quả bài luận ấy được 13 điểm, về nhì...

Em Quỳnh giơ bài luận cho tôi xem. Tôi liếc sơ những hàng chữ bên dưới. Đúng là nét chữ của em Phượng và lời văn của tôi. Nhưng phía trên tờ giấy có đề tên “Nguyễn Thúy Quỳnh”. Con số 13 màu đỏ với hàng chữ phê của nữ giáo sư quốc văn của các em nổi bật hẳn lên.

Tôi ngước nhìn “đàn hạc trắng” đang đứng bên nhau. Bảy nụ cười như thiên thần chợt nở cùng một lúc. Phượng nói:

- Chắc ông chẳng giận tụi em...

Quỳnh:

- Mà có khi ông còn cảm ơn tụi em nữa. Vì biết đâu nhờ trò tinh nghịch của tụi em mà ông có thêm vài ý tưởng cho câu truyện Đàn Hạc...

Rồi em quay sang nhà tôi:

- Chắc bà cũng nghĩ như thế, bà nhỉ?

Vợ tôi không đáp mà hỏi tôi:

- Phải thế không anh?

Tôi cúi xuống, ôm Hồng Phi vào lòng, hỏi con:

- Phải thế không con?

Hồng Phi ngơ ngác, đưa mắt nhìn quanh rồi đáp:

- Không phải!

Cả chín người chúng tôi cùng phá lên cười.

Mùi hoa thiên lý trên giàn thoảng ngát hương thơm. Gió mai nhẹ như mơn man cảnh vật và “đàn hạc” của tôi, bảy em nữ sinh nhỏ, tượng trưng của tinh khiết, của hồn nhiên, của vui tươi... vẫn mang mang những vỗ về cho tâm hồn tôi, một người đã đi qua tuổi nhỏ quá xa.

Tôi bỗng muốn reo lên như tuổi nhỏ.


NGUYỄN THÁI HẢI
1973           

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 208, ra ngày 1-9-1973)

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Ánh Trăng Sáng Ngà...


Cả thế giới xúc động. Con người vừa đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng. Câu chuyện thần thoại hoang đường về những chuyến du hành nguyệt điện đã được thực hiên một cách toàn hảo. Không có Hằng Nga, không cả chú Cuội. Mặt trăng chỉ toàn là những hố sâu, lồi lõm, những miệng núi lửa tròn. Mặt trăng là một hành tinh chết. Hai phi hành gia Hoa Kỳ đã diễn tả khung cảnh trên mặt trăng giống như bãi sa mạc hoang vu nhưng hùng vĩ và tuyệt đẹp… “
 
Mai thờ thẫn xếp tờ báo cũ lại. Một chút nuối tiếc nào vương vương trong lồng ngực. Mai cảm thấy buồn. Chả còn mấy ngày nữa là đến rằm Trung Thu. Mặt trăng sẽ tròn vành vạnh như một chiếc mâm vàng óng. Bánh nướng thơm ngon (Mai không thích ăn bánh dẻo cho lắm). Chiếc lồng đèn mặt trăng cười cợt trong tay. Ba sẽ kể cho Mai câu chuyện cổ tích về Hằng Nga, chú thỏ ngọc xinh xinh, chú Cuội già lếu láo. Nhưng hiện tại, Mai đang ngồi buồn bã. Hết lồng đèn, hết chuyện cổ tích, hết ngắm trăng trong. Không phải Mai không được má mua cho lồng đèn, không có bánh thơm đâu nhé. Cũng không phải các chú Ba Tàu trên phố không làm lồng đèn, không nướng bánh Trung Thu. Bởi… Bởi trước mặt Mai là chiếc lồng đèn mặt trăng vĩ đại như cái nong gạo sau bếp, và trong tủ chè, trên bàn thờ những hộp bánh ngon nằm ngả ngớn một cách trịnh trọng chờ đợi. Vâng, Mai buồn vì Mai không thấy thích thú khi ngắm đèn hoặc chờ bánh. Mai Nghĩ, còn trăng đâu, còn Trung Thu đâu nữa mà mong mà đợi. Người ta đã lên trên ấy rồi. Họ không thấy chú Cuội, Hằng Nga, cây đa, thỏ ngọc. Ôi, Mai thất vọng quá chừng! Chắc chắn mặt trăng sẽ xấu ghê lắm, sẽ đen khiếp, méo mó, vặn vẹo khó coi. Người ta lên trăng, người ta đuổi mất chị Hằng, thỏ ngọc trốn vào hang đá, lấy ai mà chiếu ánh ngọc cho đêm Trung Thu. Chú Cuội bỏ đi rồi, ai sẽ nghe tiếng hát của Mai nhắn nhủ chú Cuội già. Mấy hôm nay, Mai muốn nhìn lại trăng xem nó ra sao. Nhưng ác thay, mây che kín thật kín cả trời. Sương mờ mờ lạnh. Má bảo đến khuya trăng mới tỏ. Mai chờ. Và lần nào Mai cũng ngủ gục trên ghế ở hiên nhà trước khi mây tan. Tức ôi là tức. Má thì chắc chắn trăng vẫn tỏ như xưa. Song Mai vẫn không tin, gặng hỏi má:
 
- Má ơi mặt trăng có xám xì không má, có méo không má?
 
Hỏi hoài má bực mình gắt:
 
- Con này hỏi nghe lạ, trăng 12, 13 thì làm sao tròn được. Phải rằm mới tròn và tỏ chứ.
 
Thế là hết, mặt trăng đã méo rồi. Mai không tin luận cứ của má là trăng non thì méo. Mai nhớ hình như năm ngoái, trăng đã tròn và sáng lắm kia mà. Chắc chắn rồi. Trăng đang méo, rồi trăng sẽ hư đen như quả chôm chôm bị tay người rờ mó vào.
 
Người lớn cứ ca tụng mãi ba ông phi hành gia lên mặt trăng mà họ không thèm biết gì đến nỗi buồn bã, sự mất mát lớn lao của Mai cả. Mai tức quá. Ước gì Mai là ông Tổng Thống Huê Kỳ nhỉ? Mai sẽ không cho ai lên mặt trăng. Ừ mà tại sao Mai không là Tổng Thống Huê Kỳ nhỉ?
 
- Mai ơi, có đi chợ Tết Trung Thu không con?
 
Ý nghĩ tại sao mình không là Tổng Thống Mỹ để có quyền ngăn cản người đổ bộ lên mặt trăng xinh đẹp của Mai, khiến Mai hết ham đi theo má. Nhưng má đã ra gần tới chỗ Mai ngồi rồi. Giọng má mời mọc:
 
- Đi xem chợ Trung Thu thế nào con. Mua thêm ít trái cây về để các anh chị em nhà mầy phá cỗ. (Ý má muốn nói đến chị Lan, anh Hòa, em Cúc, em Thu nhà bác Ngọc và dì Lam đó mà)
 
Tiếng guốc của má nghe lạo xạo. Mai thấy nôn nao. Thôi dẹp lại đã. Đi với má kẻo má buồn (?)
 
*
 
Chợ Trung Thu cũng không khác gì mấy năm cho lắm. Đi đến đâu mùi bánh thơm, mứt dẻo tràn ngập hai cánh mũi. Mai nghĩ:
 
- Quái nhỉ, sao người ta không lo gì cả, còn Trung Thu nữa đâu mà bán nhiều thế này?
 
Mặc ý nghĩ của Mai, chỉ mình Mai biết, cả phố chợ vẫn đông đúc tấp nập. Lẵng chợ của bà nào cũng đầy ắp. Đàn ông tay cắp, tay mang, gói lớn gói nhỏ. Trẻ con mặt mũi cứ tươi lên, tay vung văng thận trọng chiếc lồng đèn xanh đỏ đủ cỡ, đủ loại. Thôi thì lồng đèn tràn ngập. Đèn treo trên hiên, đèn chất đầy trong quầy hàng. Lấp ló đâu đó, là những chồng đầu lân với chùm râu trắng phơ phơ nằm vô duyên một mình, miệng cứ nhăn ra cười cợt khách qua đường. Tuy vô duyên vậy chứ tụi nhỏ khoái bằng thích. Nơi nào có bán lân y như là có con nít. Mai tự cho mình là chín chắn vì chả thích đầu lân chút nào.Mua cái đầu lân úp kín đầu, Mai thấy ngột ngạt là. Nhưng xem múa lân thì lại là chuyện khác. Vui thật là vui. Tiếng trống bập bùng, ánh đuốc loang loáng. Ông địa tươi cười phơi cái bụng bự, tay cầm quạt mo phe phẩy, lúc nào cũng phởn phơ chất phác như củ khoai. Mai khoái nhất là lúc lân chờn vờn cái đầu để lấy cho được cái phần thưởng to lớn, bị chú bé nhà chủ quái ác treo tuốt lên cao. Cả khúc đuôi rùng rùng quẫy lộn, đầu lân há to, ngậm lại như cá gặp cạn. Ngó bề không xong, ba bốn thanh niên lực lưỡng đi theo nối chân lân cho cao, một ánh loáng đao phớt thật nhanh, gói quà rơi gọn vào miệng lân. Mai say mê, chạy theo đoàn múa lân cho đến khuya mới về nhà. Có bữa bị ba má la quá xá, nhưng Mai thích không chịu được. Hôm sau, đoàn múa lân đi qua nhà, Mai lại len lén đi xem.
 
- Mai ơi, con có thích ăn ổi không, mua về để làm cỗ nhé.
 
Trời ơi, những trái ổi bóng bẩy, mọng mọng trông thèm chảy nước miếng! Dĩ nhiên Mai cám ơn má rối rít.
 
Nhưng đến hàng trái cây thì Mai lại thích mua những trái khác, má chìu Mai mua thêm na và bưởi. Ở nhà đã có sẵn vài thứ trái cây tốt, tất cả sắp được một mâm là ít. Trung Thu này má định cho cả nhà ăn Tết Trung Thu thật to đó mà. Má và ba bảo ăn Tết Trung Thu đặc biệt mừng ngày loài người đặt chân lên một hành tinh khác. Nghĩ đến đây Mai thấy hết cả thèm. Sao mọi người, kể cả ba nữa lại dửng dưng trước chuyện xâm phạm bất hợp pháp của mấy ông phi hành nhiều chuyện kia chứ? Mai hỏi dò má:
 
- Má này, sang năm mình có còn ăn Trung Thu nữa không má?
 
Má đang lựa mua thêm mấy chiếc bánh nướng, nghe Mai hỏi ngẩng đầu ngạc nhiên:
 
- Ủa, sao con hỏi gì lạ vậy, thì năm nào nhà mình chả mừng Trung Thu?
 
- Nhưng chắc sang năm hết ăn rồi má à.
 
Má cười:
 
- Sao vậy, ba má tuy không dư dả gì cho lắm, nhưng ba má luôn luôn chú ý đến những ngày vui của các con, không khi nào ba má quên đâu, đừng có lo mà.
 
Không, Mai không sợ điều đó. Má chả hiểu gì câu hỏi của Mai cả. Mai muốn nói là Trăng đã mất đẹp rồi, câu chuyện cổ tích về huyền thoại tiên cung không còn hấp dẫn được trẻ con nữa. Trung Thu chấm dứt từ đó. Mai kéo áo má:
 
- Má mua xong chưa má?
 
- Ừ xong rồi đây. Để má trả tiền đã… Bao nhiêu đây bà hàng?
 
Đã trưa rồi, má không đi chợ trong. Cả hai mẹ con đi xích lô đạp về nhà. Mai vẫn cố diễn tả ý nghĩa câu hỏi vừa rồi của mình:
 
- Má ơi, con hỏi má câu này nhé, sang năm ăn Tết Trung Thu, mà có còn Trung Thu nữa đâu nào.
 
Ma chợt hiểu cười khì:
 
- A, cô này sợ mất trăng đây mà. Nhưng thôi, để ba giải thích cho con nghe. Câu chuyện cổ tích hằng năm về chú Cuội, Hằng Nga, chắc ba không kể nữa. Để bù vào, năm nay, ba sẽ kể với con một câu chuyện.
 
- Chuyện gì vậy má? Con không tin là hay bằng chuyện Trung Thu đâu. Mà câu chuyện đó có ăn thua gì đến trăng của con đâu?
 
- Ừ, thì không dính dáng gì hết, nhưng lại mật thiết rất nhiều. Má với ba cùng bàn nhau về câu chuyện để kể cho con nghe đó.
 
- Má bật mí tí chút đi!
 
Má thong thả:
 
- Sao được, mà dù má có kể trước cũng không ích lợi gì. Phải có trăng, có bánh, có cỗ, câu chuyện mới nhiều ý nghĩa.
 
Mai nằn nì:
 
- Chút xíu thôi má.
 
- Má nói không phải lúc mà. Con chỉ được biết là, nhờ câu chuyện đó, những ý nghĩ của con mấy tháng nay sẽ tiêu tan và thay mới hết. Cái đó mới lạ chứ.
 
Cái đó lạ thiệt. Mai nghĩ mãi vẫn không ra. Mọi năm, những đêm rằm Trung Thu là ba kể chuyện. Chuyện năm này, không giống chuyện năm kia. Khác nhau và lý thú lắm, mặc dù cốt chuyện chỉ xoay quanh các nhân vật trên cung Quảng. Đã có lần Mai biết ba đặt bày câu chuyện, đó là lần ba nói rằng Hằng Nga mặc áo dài, đi guốc cao gót. Nhưng câu chuyện hay và cảm động quá nên Mai mê luôn, không lý đến chi tiết có vẻ cuội kia. Còn lần này, ba sẽ kể câu chuyện gì hà. Khó đoán thật. Mai nóng ruột, đứng ngồi không yên. Chiếc xích lô cứ chậm rãi lăn bánh trong cái nắng dìu dịu, êm ả buổi trung thu.
 
*
 
Hôm nay là Trung Thu. Chiều xuống êm như ru. Trời xanh ngắt, không gợn một giải mây. Vắng cả bóng diều lượn. Vắng cả bóng chim bay. Tất cả bầu trời như đón chờ giờ kỳ diệu. Mặt trăng chưa lên sớm đâu. Thường thường, Hằng Nga còn phải trau chuốt hình dáng, vóc ngọc, chú Cuội quét bớt những chiếc lá đa khô, để ánh trăng xanh hơn, óng hơn. Trong khi ấy, ngoài sân, ngoài ngõ, khắp xóm, tiếng trẻ con reo hò cười cợt vang vang. Đâu đó, đã thấy lấp loáng ánh đèn lồng đủ màu. Bữa cơm chiều nhà Mai sớm hơn ngày thường. Má vẫn còn dọn dẹp sau bếp. Ba và Mai bắc ghế ngồi trước sân nhà. Đó đây vang vang tiếng trống bập bùng của các đoàn múa lân. Khung cảnh, màu sắc, âm thanh vẫn giống như những mùa Trung Thu trước. Nhưng Mai không để ý gì hết. Chiếc bánh nướng hờ hững trên tay, Mai dõi mắt về phía xa, nơi những chòm cây in hình sẫm tối lên nền trời hơi ửng xanh. Có một chút sáng trong nào đó ở chân trời phía đông. Qua kẽ lá chập chờn, hình như màu sáng đó càng lúc càng xanh hơn, trong hơn. Mai hy vọng rồi ngờ vực. Có thể là ánh đèn từ dưới phố hắt lên. Mai quay nhìn ba. Ba cũng đang chờ đợi, mắt cũng trông về phía chòm cây xa. Mai xích lại gần ba. Hai bố con im lặng chờ đợi… Ô kìa, Mai như nghẹt thở, giữa hai chảng cây, một mảnh vàng rực rỡ lấp ló. Một cơn gió thoảng qua, cành cây lay động, mảnh vàng biến mất. Nhưng chòm cây lại óng ánh và sáng hơn lên. Chung quanh Mai và trên một khoảng trời, cái gì khoảng khoát và êm êm, thật trong, thật dịu dàng thuần khiết.
 
- Trăng bắt đầu mọc rồi đấy.
 
Tiếng ba tươi vui như giòng nước chảy tràn. Mắt Mai long lanh nhìn bố.
 
- Đẹp quá ba ạ.
 
- A, con biết là trăng vẫn đẹp chứ. Bây giờ thì ba sẽ nói với con gái của ba điều này trong khi chờ trăng lên cao.
 
Mai gật đầu. Chiếc bánh nướng bỗng thơm tho, hấp dẫn. Mai đưa bánh lên miệng đồng lúc với ánh trăng đầu tiên dội lên tóc Mai bóng mướt.
 
- Như con biết đó, từ ngàn xưa loài người đã thường ca tụng trăng thu. Đêm sẽ bí hiểm, độc ác và xấu xa nếu không có trăng. Bởi vì trăng đẹp. Ánh sáng đẹp, hình thức đẹp. Và nhất là cái vẻ dịu dàng, nên thơ và mát tươi của trăng.
 
- Ba, chứ không phải trăng đẹp là nhờ Hằng Nga, nhờ thỏ ngọc, nhờ cây đa quí à?
 
- Con lầm rồi, chú Cuội, chị Hằng, gốc đa chỉ là những tưởng tượng của con người sau khi đã nhìn thấy mặt trăng. Vì trăng quá đẹp, quá dịu dàng, nên con người muốn tô đậm thêm cái giá trị sẵn có của trăng bằng những chuyện thần thoại hoang đường. Lẽ tất nhiên, đó phải là những câu chuyện hay nhất, tuyệt diệu nhất. Lâu ngày, câu chuyện ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, rồi ai cũng cứ ngỡ là thật. Giả thử, ba nói tỷ dụ như mặt trăng có Hằng Nga, có nguyệt điện thật, nhưng đứng ở dưới đất trông lên lại chỉ thấy loang lỗ xấu xí, đen đủi, thì thử hỏi, những thi nhân dưới đất có còn tưởng tượng được bao nhiêu điều hay đẹp không. Ba chắc chắn là không. Nhất định, họ sẽ đi tìm cái khác đẹp hơn để mà ca tụng. Con hiểu ý ba nói chứ?
 
Mai nhanh nhẩu gật đầu:
 
- Con hiểu rồi ba ạ. Ý ba muốn con hãy nhìn vào sự thật, hãy nhận được chân giá trị của một vật. Làm một người trông nhìn về một vật ở xa, chứ đừng đứng trên một vật mà lại dùng ý nghĩ của một người ở xa nhìn đến. Bằng cớ là bây giờ mặt trăng vẫn đẹp, mãi mãi vẫn đẹp vẫn tròn và sáng rỡ trong đêm trung thu năm nay.
 
Ba kêu lên:
 
- Trời ơi, con gái ba thông minh quá! Con nói đúng. Dù ai có lên mặt trăng, có nhìn thấy sự thực phũ phàng, đánh ngã tất cả huyền thoại về mặt trăng, thì nguyên thủy mặt trăng vẫn đẹp, vẫn dịu dàng như xưa. Chúng ta lại có những giấc mơ khác, tiến bộ hơn, khoa học hơn, mà nét mỹ thuật vẫn không mất được.
 
Mai quay lại nhìn mặt trăng. Hình dáng tròn xoay, sáng rỡ mát tươi hằn vài đốm sẫm trông như tàn xòe của cây đa. Một ý nghĩ vụt đến, Mai bật cười hóm hỉnh nhìn bố:
 
- Ba ơi, con có thể tin một cách khác được không?
 
Mai nói luôn một hơi không kịp để bố trả lời:
 
- Đôi khi có Hằng Nga, chú Cuội thật trên cung trăng ba à. Nhưng họ không thèm ra mặt đó thôi. Hằng Nga có phép biến hóa. Cho nên khi các phi hành gia lên mặt trăng, tất cả đều biến đi và hóa cảnh trên mặt trăng thành hoang vu, kỳ bí.
 
Ba bật cười to:
 
- Trời ơi, lại tưởng tượng rồi. Đó con thấy không, trí tưởng tượng của con người thật kỳ diệu. Mất huyền thoại này, họ bày ra huyền thoại khác. Trước cái đẹp rõ ràng, có ai lại nỡ nhìn và nghĩ những điều trái ngược đâu. Trăng đẹp thì muôn đời trăng cứ đẹp, làm gì trăng cũng tuyệt đẹp.
 
Ba nhìn mặt trăng vàng óng, nhìn những bóng cây như mọng nước, rồi chép miệng:
 
- Đẹp thật con à.
 
Mà đẹp thật, từng suối ánh trăng chan hòa khắp nơi, nhuộm xanh không gian, làm mờ những vì sao lấp lánh chung quanh. Thỏ Ngọc đã rủ mình đứng trước cửa Nguyệt Cung. Hằng Nga xõa tóc múa khúc Nghê Thường. Chú Cuội già đang cười cợt theo câu hát của lũ trẻ con đầu xóm:
 
Ánh trăng sáng ngà,
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ, ôm một mối mơ.
Cuội ơi ta nói Cuội nghe…
 
 
KIM HÀI   
(Sóng Vàng)
 
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 208, ra ngày 1-9-1973)

Bìa của Vi Vi : Trăng Thu
 

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Trên Đỉnh Hy Vọng


Con Bông nằm im trong lòng mẹ, mắt lim dim mơ màng. Bà Năm ôm chặt con, hôn nhẹ lên mái tóc con bé. Cạnh đó, trên chiếc chõng tre, thằng Thiệt nằm ngủ ngon lành, co quắp như con tôm. Chợt Bông nắm tay mẹ, nói:

- Chiều nay cô giáo cho đề luận hay lắm má ơi.

- Đề luận ra sao đâu?

- Cô bảo tụi con kể lại cuộc vui đêm Trung Thu…

- Rồi con làm được không?

- Được chớ sao không, má. Con kể rằng cứ mỗi lần Trung Thu, má đều mua đèn, bánh cho con và thằng Thiệt. Rồi tới đêm đó, tụi con đi rước đèn…

Bà Năm cười gượng gạo:

- Con khéo tưởng tượng quá, Bông à…

Giọng con Bông nghe bắt tội nghiệp:

- Chớ má nghĩ coi, có năm nào tụi con được chơi đèn đâu. Con phải tả tưởng tượng cho hả lòng chớ…

Có tiếng chép miệng của bà Năm. Tiếng chép miệng như nỗi khổ đau chất chứa thật lâu mới có cơ hội bày tỏ. Bốn năm dư rồi, hai đứa nhỏ không biết đến Trung Thu. Tội nghiệp chúng, con nhà nghèo sớm hiểu biết, không khi nào hé môi đòi đèn bánh. Con Bông vừa kể chuyện làm luận, bà Năm biết nó mượn cớ để nhắc khéo.

- Bông à, con có để ý đến những đêm Trung Thu đã qua có điểm gì đặc biệt không?

- Có gì má?

- Trời mưa đó con. Tháng tám là tháng mưa ở xứ ta, con nhớ lại coi, có năm nào đêm Trung Thu trời không mưa đâu. Bọn nhỏ chơi đèn ướt như chuột lột…

Đến phiên con Bông hiểu ý má. Câu chuyện trời mưa của má nó như một an ủi không hơn không kém. Bông muốn hỏi má : “Thì trời mưa không chơi rước đèn được, vậy còn bánh thì sao? Ăn bánh đâu có cần phải trời tạnh?”. Nhưng rồi, Bông im lặng vì nó hiểu dù có nói gì đi nữa, má nó cũng chẳng đào đâu ra tiền mà mua đồ chơi, quà bánh cho chị em nó. Bông liếc qua bên thằng Thiệt, em nó ngủ ngon lành quá đi, dễ thương vô cùng.

- Má, mấy bữa nay con thấy thằng Thiệt ít nói. Chắc nó buồn vì không còn gì chơi Trung Thu đó má à.

- Má biết chớ sao không, con. Nhưng má không làm sao hơn được. Bông à, con thương em con không?

Bông hơi tròn mắt, không hiểu tại sao má nó lại hỏi câu đó. Có chuyện gì không, hay chỉ là một câu hỏi tình cờ?

- Sao con không trả lời má?

- Dạ… có…

- Để má nói cho con nghe điều này, hồi trưa nay, cô Tư con ông Cả từ trên Sàigòn về quê chơi, con có biết không?

- Dạ, biết.

- Cô Tư muốn xin má cho con lên Sàigòn phụ việc nhà cho cô ấy đó Bông à.

Con Bông giật nẩy mình, ngồi nhỏm dậy. Nó nhìn bà Năm trân trối.

- Ý con ra sao Bông?

- Con không đi đâu má. Xa má, xa thằng Thiệt, làm sao con chịu được, má.

- Nhưng lên trên đó con sẽ được sung sướng. Cô Tư tính tình ra sao chắc con đã biết. Cổ hiền lành, thương người, má tin rằng con sẽ được cổ chăm sóc. Cổ còn hứa sẽ cho con đi học lại nếu con ngoan ngoãn…

- Dù thế nào con cũng không đi đâu má…

- Vậy mà hồi nãy con nói con thương thằng Thiệt…

- Thì con thương nó chớ sao không má.

- Con thương nó thì con phải nhận lời đi Sàigòn. Má sẽ dùng tiền công cô Tư cho con để lo cho thằng Thiệt ăn học.

Bông khô nước mắt. Nó tròn mắt, đôi mắt của loài nai, ngu ngơ, dễ thương mà đầy tội nghiệp. Bà Năm như đoán hiểu tâm trạng của Bông, vỗ về nó:

- Thôi con, để đó rồi mai mốt tính lại. Đêm mai là Trung Thu rồi, con thử đoán với má xem là trời mưa  hay tạnh?

Bông mau buồn mà cũng mau vui, dù sao, nó cũng chỉ là một đứa trẻ mười ba, mười bốn. Chỉ cần một câu nói của bà Năm, Bông đã quên hẳn câu chuyện đi làm. Trong trí nó, hình ảnh Trung thu chao qua chao lại. Nó mỉm cười:

- Chắc lại trời mưa rồi má à…

- Tại sao con lại đoán như vậy?

- Tại vì con vẫn chưa có đèn chơi nên con ao ước trời mưa cho đỡ… tức mà má.

- Má cũng đoán trời mưa. Nhưng má đoán như vậy là vì má muốn được ngồi kể chuyện cổ tích cho con và thằng Thiệt nghe như mọi năm. Má thích cái cảnh êm ấm đó, Bông à. Con có thích không?

- Có chớ sao không má.

Bông đáp rồi, dụi đầu vào hai tay, nhắm mắt lại. Nó hí một chút để nhìn thằng Thiệt, sau đó, nó muốn ngủ như em. Để chờ ngày mai trời mưa và để chờ nghe chuyện cổ tích má nó kể. Nó vẫn thường khoe với bạn bè : “Má tao có cả một kho tàng cổ tích đó tụi bay”.


Thằng Thiệt đứng nhìn chiếc đèn con cá của con Hồng không chớp. Nhà giàu có khác, đèn thiệt là đẹp. Vậy mà con Hồng còn chê. Thiệt liếm mép, phải chi con Hồng chê riết rồi đem cái đèn quăng ra sân, chắc Thiệt sẽ lượm lên liền.

- Thiệt, xuống nói coi!

Tiếng của con Bông làm Thiệt hết mơ mộng. Nó bước vội xuống bếp. Con Bông đang cầm trong tay cuốn tập của nó đã cũ mèm nhưng bìa còn mới tinh. Thiệt hoảng hồn.

- Giấy bóng bao tập của mày đâu rồi, hả Thiệt?

Thiệt ấp úng:

- Dạ… em… em gỡ ra rồi…

Bông hạch sách em:

- Gỡ ra làm gì?

- …

- Tao hỏi sao không nói? Gỡ giấy bao tập ra làm gì?

- Em…

- Muốn tao méc má không?

- … Không…

- Thì nói!

- … em… em làm đèn…

Con Bông bỗng dịu hẳn ánh mắt. Nó tần ngần đứng nhìn thằng Thiệt một lúc rồi buông một tiếng thở dài. Sau đó, con nhỏ quay đi. Thiệt không hiểu gì hết, vội chạy theo, níu tay con Bông lại:

- Em mới mở ra chứ chưa có dán vào đèn, để em bao lại nghe chị…

Bông đứng khựng lại. Thiệt thấy mắt chị đỏ hoe.

- Mà mày làm đèn gì vậy?

- Đèn ngôi sao.

- Làm rồi chưa?

- Rồi, chỉ còn thiếu giấy bóng dán bên ngoài…

- Một mình mày làm hả?

- Dạ.

- Láo!

- Thiệt, thằng Tèo chỉ em mà. Nó cho tre để em tự làm lấy.

Bỗng nhiên, Bông cười. Con nhỏ nổi tính tò mò, muốn xem cái đèn, công trình của thằng Thiệt.

- Mày coi vậy mà hay há. Cho tao coi cái đèn một chút được không?

- Chị đừng cười em nghe…

- Ờ…

Bông đáp như vậy, nhưng rồi khi Thiệt đưa nó xuống một xó bếp, lôi ra một cái đèn cho nó coi, con nhỏ cười hí hí. Đèn ngôi sao gì mà xẹp lép. Đèn không có bụng thì lấy chỗ đâu để thắp đèn? Thiệt đỏ mặt:

- Chị hứa không cười em rồi mà. Bộ đèn không đẹp sao?

- Đẹp lắm chớ, nhưng thiếu cái bụng.

- Cái bụng gì?

- Phải có năm cây chống, đèn mới phình ra để mày thắp đèn chớ.

- Cây chống phải làm ra sao?

Con Bông khum xuống, luồn tay vào giữa hai khung sao năm cánh kéo rời ra hai phần. Chiếc đèn phình rộng ở giữa. Thiệt vỗ tay reo:

- Đẹp quá. Chị dạy em làm cây chống đi…

Con Bông muốn ừ, nhưng nó chợt nhớ ra nó cũng đâu biết làm cây chống. Những gì nó nói với thằng Thiệt nãy giờ chỉ là những điều nó đọc được trong một bài báo dạy làm đèn ngôi sao. Bông nhớ như in một câu trong bài đó : “Cột cây chống vào thân đèn là một việc tương đối khó khăn nhất”.

- Tao đâu biết làm Thiệt…

Thiệt tiu nghỉu:

- Rồi làm sao em có đèn chơi?

Bông nhìn gương mặt thất vọng của em mà muốn khóc. Nó muốn nói mà nghẹn lời : “Chị biết làm sao đây?”.


Đêm Trung Thu năm nay, trời lại mưa đúng như con Bông nghĩ. Cảnh vẫn như những năm nào. Má nó ngồi trên chõng và Bông, Thiệt nằm đợi nghe chuyện. Có hai điểm khác là bên cạnh chị em Bông có một chiếc bánh Trung Thu, chiếc bánh cô Tư cho chị em nó, và nơi cửa bếp có treo một chiếc đèn ngôi sao, dán bằng giấy bóng bao tập. Nhưng không phải giấy bao tập của thằng Thiệt, mà của con Bông. Con nhỏ chưa quyết định dứt khoát có theo cô Tư lên Sàigòn làm hay không, nhưng nó mới được nhà trường thông báo phải đóng học phí, nếu không, hai chị em nó phải nghỉ học. Tờ giấy thông báo đó, Bông còn giữ kín, chưa đưa cho má nó xem. Nó đang nghĩ đến chuyện nghỉ học.

Bà Năm cắt bánh ra làm hai, chia cho mỗi đứa một nửa. Thiệt đưa lên miệng cắn ăn ngon lành. Bông còn chần chừ, rồi nó ngắt một nửa phần bánh của mình đưa cho má.

- Má ăn với con cho vui má.

Thằng Thiệt thấy vậy cũng bắt chước, ngắt một miếng đưa cho má. Bà Năm lắc đầu, giọng cảm động nói:

- Má không ăn đâu, hai con ăn đi. Má thích ngồi kể chuyện cho hai con nghe hơn là ăn bánh.

Thiệt reo lên:

- Má kể chuyện đi má.

- Con nóng lòng nghe lắm phải không Thiệt?

Thiệt cười ngỏn nghẻn.


“Ngày xưa có một gia đình nghèo, nghèo lắm. Hai vợ chồng nhà đó chỉ có một đứa con trai. Khi cha mẹ chết đi, thằng bé phải lang thang khắp nơi kiếm sống. Lâu lắm, sau những ngày vất vưởng, nó mới được một nhà giàu nọ nhận làm công. Ban ngày nó phải chăn trâu, ban đêm về bửa củi, giặt giũ đồ đạc, sáng thức sớm đun nước, pha trà.

Thằng nhỏ rất ham học. Nó lén chủ, bỏ mặc trâu ăn cỏ ngoài đồng để lén đến trường học. Nhiều lần, chủ nó bắt gặp, đánh, mà nó vẫn không chừa. Hôm đó, thằng nhỏ lại bỏ trâu ngoài ruộng để đi đến trường. Khi trở về, nó thấy đàn trâu thiếu mất một con. Sợ quá, nó đi khắp nơi tìm kiếm nhưng vẫn hoài công. Cuối cùng, thằng nhỏ phải bỏ trốn vì không dám về nhà chủ, sợ sẽ bị đánh đòn. Nó lại trở về cuộc sống lang thang khi xưa.

Một buổi tối, trong lúc đang mơ màng ngủ dưới một gốc cây ven rừng, nó chợt nghe có tiếng động. Thằng nhỏ mở choàng mắt ra và gặp một bà tiên xinh đẹp, tay cầm đũa phép hiền từ. Bà tiên hỏi nó:

- Tại sao con lại ngủ nơi đây?

- Thưa bà tiên, tại con nghèo quá.

- Con nghèo, sao con không đi làm lụng kiếm sống?

- Con có đi làm, nhưng con sợ chủ đánh đòn.

- Tại sao con lại sợ chủ đánh đòn?

- Tại con đánh mất trâu.

- Tại sao con để mất trâu? Con bỏ đi chơi phải không?

- Thưa bà tiên không, con đến trường học…

- Con đến đó làm gì?

- Con xem thầy đồ dạy học…

- Con có học được gì không?

- Thưa bà tiên không, vì thầy đồ không dạy con, mà con cũng không dám hỏi xin nữa, con chỉ dám đứng nhìn thôi…

- Con hiếu học lắm, ta sẽ giúp đỡ con. Nhưng trước hết, con phải giúp ta một việc.

- Thưa bà tiên, xin bà cứ dạy.

- Được lắm. Ta nhờ con lên đỉnh núi Hy Vọng tìm cho ta một cuốn sách. Ta sẽ chỉ đường cho con đến núi đó.

Thằng nhỏ theo lời chỉ dẫn của bà tiên đi tìm đỉnh Hy Vọng ngay sau khi ấy. Trải qua bao khổ cực, gian nan, nó mới tìm được đến chân núi. Mừng rỡ, nó hái trái cây ăn, tìm nước suối trong uống cho no nê để lấy sức rồi lại hối hả leo lên núi. Núi thật cao, dưới là vực thẳm nguy hiểm nhưng chí thằng nhỏ quyết không lùi. Nó bất chấp, chỉ do lòng cầu học mà ra. Hôm đó là đêm Trung Thu, thằng nhỏ gần kiệt lực mà đỉnh núi vẫn còn cao ngất. Nó mệt lả, nằm nghỉ nơi một hốc đá.

Chợt từ xa một người sang trọng tiến đến. Người này hỏi nó:

- Sao con lại đến đây?

- Thưa ông, con đi tìm một cuốn sách trên đỉnh núi.

- Đỉnh Hy Vọng rất cao, con có biết điều đó không?

- Thưa ông, con biết.

- Con tìm cuốn sách trên đỉnh núi để làm gì?

- Thưa ông, nếu tìm được cuốn sách đó, con sẽ được đi học.

- Con thích học lắm sao?

- Thưa ông, vâng.

- Nếu học thành tài, con sẽ làm gì?

- Thưa ông, con sẽ thi ra làm quan để giúp dân, giúp nước.

- Nếu ta giúp con làm quan mà không cần học, con có bằng lòng không?

Thằng bé phân vân. Nó chưa biết chọn bên nào, một đằng là gian nan khổ nhọc, một bên chẳng chút phí sức lại được sung sướng ngay. Cuối cùng, chí cầu học đã thắng. Nó đáp lời người kia:

- Thưa ông, dù sao con vẫn muốn học hơn. Vì con nghĩ, chỉ có sự học mới giúp con mở mang trí óc.

Vừa dứt lời, thằng nhỏ đã thấy người lạ mặt biến mất, thay vào đó, bà Tiên hiện ra. Bà giơ đũa phép nói với nó:

- Con quả là đứa trẻ hiếu học. Ta rất hài lòng. Để giữ đúng lời hứa, ta sẽ dạy cho con tất cả những gì con muốn biết. Thêm vào đó, ta còn ban cho con một trí thông minh hiếm có trên đời.


Truyện hết thì ngoài trời, mưa cũng vừa tạnh. Con Bông còn năm yên bên mẹ, nhưng thằng Thiệt đã ngủ. Ngọn đèn cầy nhỏ trong chiếc đèn ngôi sao dán bằng giấy bao tập còn có chút xíu, le lói. Bà Năm lay con hỏi:

- Con ngủ chưa Bông?

- Chưa đâu má.

- Coi cái thằng Thiệt kìa, mới đó mà đã ngủ khò. Tội nghiệp. Cái bánh còn một mẩu nhỏ ngắt cho má, nó vẫn không chịu ăn.

Bông ngước nhìn má:

- Má à…

- Gì con?

- Thầy Hiệu trưởng mới gởi cho má lá thư…

- Vậy hả?

- Nhưng má khỏi đọc cũng được. Con đọc rồi.

- Thẩy nói gì trong đó?

- Thầy Hiệu trưởng hối má đóng tiền học cho con và thằng Thiệt, nếu không, tháng tới tụi con phải nghỉ học.

- Chết rồi…

- Không sao đâu má… Thằng Thiệt sẽ vẫn được tiếp tục học…

- Con…?

- Con đã nghĩ kỹ rồi má. Con sẽ nghỉ học đi làm cho cô Tư.

Bà Năm ôm lấy con Bông mà nghe nghẹn ngào khôn xiết. Bông hỏi má:

- Má à…

- Gì con?

- Có đỉnh núi Hy Vọng thiệt không hả má?

- Có chớ sao không con… Có trong truyện cổ tích đó…

- Nhưng con hỏi có thiệt không kia. Ngoài đời đó.

- Ngoài đời thì… không. Mà con hỏi chi vậy?

Bông nhắm mắt lại. Nó muốn nói với má nó rằng nó tin chính ngay ngoài đời, ngay cuộc đời thực này cũng có đỉnh Hy Vọng nữa. Đỉnh Hy Vọng đó, em nó, thằng Thiệt, sẽ leo tới, với sự giúp đỡ của một bà Tiên, bà Tiên Bông.

Chứ bộ nó chẳng phải là một bà Tiên đó sao? Nó đã hy sinh cho em được tiếp tục học hành, có khác nào bà Tiên trong truyện cổ tích giúp thằng nhỏ đi trọn đường học vấn.

Tiếng của bà Năm vang lên:

- Bông ơi, Bông à, con ngủ rồi hả con?

Bông chưa ngủ. Nhưng con nhỏ không đáp lời má. Nó đang nghĩ lại câu chuyện cổ tích vừa được nghe. Nó vui sướng với vai trò bà Tiên của mình. Ánh lửa leo lét nơi chiếc đèn ngôi sao chợt tắt. Ngọn đèn cầy đã lụn tàn. Bông chợt mở choàng mắt ra, nói với má:

- Má, má thắp thêm cây đèn cầy nữa đi má.

Bà Năm ngạc nhiên:

- Ủa, con chưa ngủ sao? Mà đêm cũng khuya rồi, thắp đèn làm chi nữa…

- Mặc con. Má chiều con đi má…

Bà Năm gắn ngọn đèn mới. Lửa cháy lòe. Đèn sáng trưng như hồn con Bông đang nở hoa.. Con nhỏ nhìn qua thằng Thiệt. Nó nhẩm trong trí : “Chị sẽ giúp em lên tận đỉnh Hy Vọng. Nghe Thiệt!”

Ngoài trời, trăng thu tròn, sáng. Chị Hằng cười.


NGUYỄN THÁI HẢI   


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 227, ra ngày 1-10-1974)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>