Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Trên Đỉnh Hy Vọng


Con Bông nằm im trong lòng mẹ, mắt lim dim mơ màng. Bà Năm ôm chặt con, hôn nhẹ lên mái tóc con bé. Cạnh đó, trên chiếc chõng tre, thằng Thiệt nằm ngủ ngon lành, co quắp như con tôm. Chợt Bông nắm tay mẹ, nói:

- Chiều nay cô giáo cho đề luận hay lắm má ơi.

- Đề luận ra sao đâu?

- Cô bảo tụi con kể lại cuộc vui đêm Trung Thu…

- Rồi con làm được không?

- Được chớ sao không, má. Con kể rằng cứ mỗi lần Trung Thu, má đều mua đèn, bánh cho con và thằng Thiệt. Rồi tới đêm đó, tụi con đi rước đèn…

Bà Năm cười gượng gạo:

- Con khéo tưởng tượng quá, Bông à…

Giọng con Bông nghe bắt tội nghiệp:

- Chớ má nghĩ coi, có năm nào tụi con được chơi đèn đâu. Con phải tả tưởng tượng cho hả lòng chớ…

Có tiếng chép miệng của bà Năm. Tiếng chép miệng như nỗi khổ đau chất chứa thật lâu mới có cơ hội bày tỏ. Bốn năm dư rồi, hai đứa nhỏ không biết đến Trung Thu. Tội nghiệp chúng, con nhà nghèo sớm hiểu biết, không khi nào hé môi đòi đèn bánh. Con Bông vừa kể chuyện làm luận, bà Năm biết nó mượn cớ để nhắc khéo.

- Bông à, con có để ý đến những đêm Trung Thu đã qua có điểm gì đặc biệt không?

- Có gì má?

- Trời mưa đó con. Tháng tám là tháng mưa ở xứ ta, con nhớ lại coi, có năm nào đêm Trung Thu trời không mưa đâu. Bọn nhỏ chơi đèn ướt như chuột lột…

Đến phiên con Bông hiểu ý má. Câu chuyện trời mưa của má nó như một an ủi không hơn không kém. Bông muốn hỏi má : “Thì trời mưa không chơi rước đèn được, vậy còn bánh thì sao? Ăn bánh đâu có cần phải trời tạnh?”. Nhưng rồi, Bông im lặng vì nó hiểu dù có nói gì đi nữa, má nó cũng chẳng đào đâu ra tiền mà mua đồ chơi, quà bánh cho chị em nó. Bông liếc qua bên thằng Thiệt, em nó ngủ ngon lành quá đi, dễ thương vô cùng.

- Má, mấy bữa nay con thấy thằng Thiệt ít nói. Chắc nó buồn vì không còn gì chơi Trung Thu đó má à.

- Má biết chớ sao không, con. Nhưng má không làm sao hơn được. Bông à, con thương em con không?

Bông hơi tròn mắt, không hiểu tại sao má nó lại hỏi câu đó. Có chuyện gì không, hay chỉ là một câu hỏi tình cờ?

- Sao con không trả lời má?

- Dạ… có…

- Để má nói cho con nghe điều này, hồi trưa nay, cô Tư con ông Cả từ trên Sàigòn về quê chơi, con có biết không?

- Dạ, biết.

- Cô Tư muốn xin má cho con lên Sàigòn phụ việc nhà cho cô ấy đó Bông à.

Con Bông giật nẩy mình, ngồi nhỏm dậy. Nó nhìn bà Năm trân trối.

- Ý con ra sao Bông?

- Con không đi đâu má. Xa má, xa thằng Thiệt, làm sao con chịu được, má.

- Nhưng lên trên đó con sẽ được sung sướng. Cô Tư tính tình ra sao chắc con đã biết. Cổ hiền lành, thương người, má tin rằng con sẽ được cổ chăm sóc. Cổ còn hứa sẽ cho con đi học lại nếu con ngoan ngoãn…

- Dù thế nào con cũng không đi đâu má…

- Vậy mà hồi nãy con nói con thương thằng Thiệt…

- Thì con thương nó chớ sao không má.

- Con thương nó thì con phải nhận lời đi Sàigòn. Má sẽ dùng tiền công cô Tư cho con để lo cho thằng Thiệt ăn học.

Bông khô nước mắt. Nó tròn mắt, đôi mắt của loài nai, ngu ngơ, dễ thương mà đầy tội nghiệp. Bà Năm như đoán hiểu tâm trạng của Bông, vỗ về nó:

- Thôi con, để đó rồi mai mốt tính lại. Đêm mai là Trung Thu rồi, con thử đoán với má xem là trời mưa  hay tạnh?

Bông mau buồn mà cũng mau vui, dù sao, nó cũng chỉ là một đứa trẻ mười ba, mười bốn. Chỉ cần một câu nói của bà Năm, Bông đã quên hẳn câu chuyện đi làm. Trong trí nó, hình ảnh Trung thu chao qua chao lại. Nó mỉm cười:

- Chắc lại trời mưa rồi má à…

- Tại sao con lại đoán như vậy?

- Tại vì con vẫn chưa có đèn chơi nên con ao ước trời mưa cho đỡ… tức mà má.

- Má cũng đoán trời mưa. Nhưng má đoán như vậy là vì má muốn được ngồi kể chuyện cổ tích cho con và thằng Thiệt nghe như mọi năm. Má thích cái cảnh êm ấm đó, Bông à. Con có thích không?

- Có chớ sao không má.

Bông đáp rồi, dụi đầu vào hai tay, nhắm mắt lại. Nó hí một chút để nhìn thằng Thiệt, sau đó, nó muốn ngủ như em. Để chờ ngày mai trời mưa và để chờ nghe chuyện cổ tích má nó kể. Nó vẫn thường khoe với bạn bè : “Má tao có cả một kho tàng cổ tích đó tụi bay”.


Thằng Thiệt đứng nhìn chiếc đèn con cá của con Hồng không chớp. Nhà giàu có khác, đèn thiệt là đẹp. Vậy mà con Hồng còn chê. Thiệt liếm mép, phải chi con Hồng chê riết rồi đem cái đèn quăng ra sân, chắc Thiệt sẽ lượm lên liền.

- Thiệt, xuống nói coi!

Tiếng của con Bông làm Thiệt hết mơ mộng. Nó bước vội xuống bếp. Con Bông đang cầm trong tay cuốn tập của nó đã cũ mèm nhưng bìa còn mới tinh. Thiệt hoảng hồn.

- Giấy bóng bao tập của mày đâu rồi, hả Thiệt?

Thiệt ấp úng:

- Dạ… em… em gỡ ra rồi…

Bông hạch sách em:

- Gỡ ra làm gì?

- …

- Tao hỏi sao không nói? Gỡ giấy bao tập ra làm gì?

- Em…

- Muốn tao méc má không?

- … Không…

- Thì nói!

- … em… em làm đèn…

Con Bông bỗng dịu hẳn ánh mắt. Nó tần ngần đứng nhìn thằng Thiệt một lúc rồi buông một tiếng thở dài. Sau đó, con nhỏ quay đi. Thiệt không hiểu gì hết, vội chạy theo, níu tay con Bông lại:

- Em mới mở ra chứ chưa có dán vào đèn, để em bao lại nghe chị…

Bông đứng khựng lại. Thiệt thấy mắt chị đỏ hoe.

- Mà mày làm đèn gì vậy?

- Đèn ngôi sao.

- Làm rồi chưa?

- Rồi, chỉ còn thiếu giấy bóng dán bên ngoài…

- Một mình mày làm hả?

- Dạ.

- Láo!

- Thiệt, thằng Tèo chỉ em mà. Nó cho tre để em tự làm lấy.

Bỗng nhiên, Bông cười. Con nhỏ nổi tính tò mò, muốn xem cái đèn, công trình của thằng Thiệt.

- Mày coi vậy mà hay há. Cho tao coi cái đèn một chút được không?

- Chị đừng cười em nghe…

- Ờ…

Bông đáp như vậy, nhưng rồi khi Thiệt đưa nó xuống một xó bếp, lôi ra một cái đèn cho nó coi, con nhỏ cười hí hí. Đèn ngôi sao gì mà xẹp lép. Đèn không có bụng thì lấy chỗ đâu để thắp đèn? Thiệt đỏ mặt:

- Chị hứa không cười em rồi mà. Bộ đèn không đẹp sao?

- Đẹp lắm chớ, nhưng thiếu cái bụng.

- Cái bụng gì?

- Phải có năm cây chống, đèn mới phình ra để mày thắp đèn chớ.

- Cây chống phải làm ra sao?

Con Bông khum xuống, luồn tay vào giữa hai khung sao năm cánh kéo rời ra hai phần. Chiếc đèn phình rộng ở giữa. Thiệt vỗ tay reo:

- Đẹp quá. Chị dạy em làm cây chống đi…

Con Bông muốn ừ, nhưng nó chợt nhớ ra nó cũng đâu biết làm cây chống. Những gì nó nói với thằng Thiệt nãy giờ chỉ là những điều nó đọc được trong một bài báo dạy làm đèn ngôi sao. Bông nhớ như in một câu trong bài đó : “Cột cây chống vào thân đèn là một việc tương đối khó khăn nhất”.

- Tao đâu biết làm Thiệt…

Thiệt tiu nghỉu:

- Rồi làm sao em có đèn chơi?

Bông nhìn gương mặt thất vọng của em mà muốn khóc. Nó muốn nói mà nghẹn lời : “Chị biết làm sao đây?”.


Đêm Trung Thu năm nay, trời lại mưa đúng như con Bông nghĩ. Cảnh vẫn như những năm nào. Má nó ngồi trên chõng và Bông, Thiệt nằm đợi nghe chuyện. Có hai điểm khác là bên cạnh chị em Bông có một chiếc bánh Trung Thu, chiếc bánh cô Tư cho chị em nó, và nơi cửa bếp có treo một chiếc đèn ngôi sao, dán bằng giấy bóng bao tập. Nhưng không phải giấy bao tập của thằng Thiệt, mà của con Bông. Con nhỏ chưa quyết định dứt khoát có theo cô Tư lên Sàigòn làm hay không, nhưng nó mới được nhà trường thông báo phải đóng học phí, nếu không, hai chị em nó phải nghỉ học. Tờ giấy thông báo đó, Bông còn giữ kín, chưa đưa cho má nó xem. Nó đang nghĩ đến chuyện nghỉ học.

Bà Năm cắt bánh ra làm hai, chia cho mỗi đứa một nửa. Thiệt đưa lên miệng cắn ăn ngon lành. Bông còn chần chừ, rồi nó ngắt một nửa phần bánh của mình đưa cho má.

- Má ăn với con cho vui má.

Thằng Thiệt thấy vậy cũng bắt chước, ngắt một miếng đưa cho má. Bà Năm lắc đầu, giọng cảm động nói:

- Má không ăn đâu, hai con ăn đi. Má thích ngồi kể chuyện cho hai con nghe hơn là ăn bánh.

Thiệt reo lên:

- Má kể chuyện đi má.

- Con nóng lòng nghe lắm phải không Thiệt?

Thiệt cười ngỏn nghẻn.


“Ngày xưa có một gia đình nghèo, nghèo lắm. Hai vợ chồng nhà đó chỉ có một đứa con trai. Khi cha mẹ chết đi, thằng bé phải lang thang khắp nơi kiếm sống. Lâu lắm, sau những ngày vất vưởng, nó mới được một nhà giàu nọ nhận làm công. Ban ngày nó phải chăn trâu, ban đêm về bửa củi, giặt giũ đồ đạc, sáng thức sớm đun nước, pha trà.

Thằng nhỏ rất ham học. Nó lén chủ, bỏ mặc trâu ăn cỏ ngoài đồng để lén đến trường học. Nhiều lần, chủ nó bắt gặp, đánh, mà nó vẫn không chừa. Hôm đó, thằng nhỏ lại bỏ trâu ngoài ruộng để đi đến trường. Khi trở về, nó thấy đàn trâu thiếu mất một con. Sợ quá, nó đi khắp nơi tìm kiếm nhưng vẫn hoài công. Cuối cùng, thằng nhỏ phải bỏ trốn vì không dám về nhà chủ, sợ sẽ bị đánh đòn. Nó lại trở về cuộc sống lang thang khi xưa.

Một buổi tối, trong lúc đang mơ màng ngủ dưới một gốc cây ven rừng, nó chợt nghe có tiếng động. Thằng nhỏ mở choàng mắt ra và gặp một bà tiên xinh đẹp, tay cầm đũa phép hiền từ. Bà tiên hỏi nó:

- Tại sao con lại ngủ nơi đây?

- Thưa bà tiên, tại con nghèo quá.

- Con nghèo, sao con không đi làm lụng kiếm sống?

- Con có đi làm, nhưng con sợ chủ đánh đòn.

- Tại sao con lại sợ chủ đánh đòn?

- Tại con đánh mất trâu.

- Tại sao con để mất trâu? Con bỏ đi chơi phải không?

- Thưa bà tiên không, con đến trường học…

- Con đến đó làm gì?

- Con xem thầy đồ dạy học…

- Con có học được gì không?

- Thưa bà tiên không, vì thầy đồ không dạy con, mà con cũng không dám hỏi xin nữa, con chỉ dám đứng nhìn thôi…

- Con hiếu học lắm, ta sẽ giúp đỡ con. Nhưng trước hết, con phải giúp ta một việc.

- Thưa bà tiên, xin bà cứ dạy.

- Được lắm. Ta nhờ con lên đỉnh núi Hy Vọng tìm cho ta một cuốn sách. Ta sẽ chỉ đường cho con đến núi đó.

Thằng nhỏ theo lời chỉ dẫn của bà tiên đi tìm đỉnh Hy Vọng ngay sau khi ấy. Trải qua bao khổ cực, gian nan, nó mới tìm được đến chân núi. Mừng rỡ, nó hái trái cây ăn, tìm nước suối trong uống cho no nê để lấy sức rồi lại hối hả leo lên núi. Núi thật cao, dưới là vực thẳm nguy hiểm nhưng chí thằng nhỏ quyết không lùi. Nó bất chấp, chỉ do lòng cầu học mà ra. Hôm đó là đêm Trung Thu, thằng nhỏ gần kiệt lực mà đỉnh núi vẫn còn cao ngất. Nó mệt lả, nằm nghỉ nơi một hốc đá.

Chợt từ xa một người sang trọng tiến đến. Người này hỏi nó:

- Sao con lại đến đây?

- Thưa ông, con đi tìm một cuốn sách trên đỉnh núi.

- Đỉnh Hy Vọng rất cao, con có biết điều đó không?

- Thưa ông, con biết.

- Con tìm cuốn sách trên đỉnh núi để làm gì?

- Thưa ông, nếu tìm được cuốn sách đó, con sẽ được đi học.

- Con thích học lắm sao?

- Thưa ông, vâng.

- Nếu học thành tài, con sẽ làm gì?

- Thưa ông, con sẽ thi ra làm quan để giúp dân, giúp nước.

- Nếu ta giúp con làm quan mà không cần học, con có bằng lòng không?

Thằng bé phân vân. Nó chưa biết chọn bên nào, một đằng là gian nan khổ nhọc, một bên chẳng chút phí sức lại được sung sướng ngay. Cuối cùng, chí cầu học đã thắng. Nó đáp lời người kia:

- Thưa ông, dù sao con vẫn muốn học hơn. Vì con nghĩ, chỉ có sự học mới giúp con mở mang trí óc.

Vừa dứt lời, thằng nhỏ đã thấy người lạ mặt biến mất, thay vào đó, bà Tiên hiện ra. Bà giơ đũa phép nói với nó:

- Con quả là đứa trẻ hiếu học. Ta rất hài lòng. Để giữ đúng lời hứa, ta sẽ dạy cho con tất cả những gì con muốn biết. Thêm vào đó, ta còn ban cho con một trí thông minh hiếm có trên đời.


Truyện hết thì ngoài trời, mưa cũng vừa tạnh. Con Bông còn năm yên bên mẹ, nhưng thằng Thiệt đã ngủ. Ngọn đèn cầy nhỏ trong chiếc đèn ngôi sao dán bằng giấy bao tập còn có chút xíu, le lói. Bà Năm lay con hỏi:

- Con ngủ chưa Bông?

- Chưa đâu má.

- Coi cái thằng Thiệt kìa, mới đó mà đã ngủ khò. Tội nghiệp. Cái bánh còn một mẩu nhỏ ngắt cho má, nó vẫn không chịu ăn.

Bông ngước nhìn má:

- Má à…

- Gì con?

- Thầy Hiệu trưởng mới gởi cho má lá thư…

- Vậy hả?

- Nhưng má khỏi đọc cũng được. Con đọc rồi.

- Thẩy nói gì trong đó?

- Thầy Hiệu trưởng hối má đóng tiền học cho con và thằng Thiệt, nếu không, tháng tới tụi con phải nghỉ học.

- Chết rồi…

- Không sao đâu má… Thằng Thiệt sẽ vẫn được tiếp tục học…

- Con…?

- Con đã nghĩ kỹ rồi má. Con sẽ nghỉ học đi làm cho cô Tư.

Bà Năm ôm lấy con Bông mà nghe nghẹn ngào khôn xiết. Bông hỏi má:

- Má à…

- Gì con?

- Có đỉnh núi Hy Vọng thiệt không hả má?

- Có chớ sao không con… Có trong truyện cổ tích đó…

- Nhưng con hỏi có thiệt không kia. Ngoài đời đó.

- Ngoài đời thì… không. Mà con hỏi chi vậy?

Bông nhắm mắt lại. Nó muốn nói với má nó rằng nó tin chính ngay ngoài đời, ngay cuộc đời thực này cũng có đỉnh Hy Vọng nữa. Đỉnh Hy Vọng đó, em nó, thằng Thiệt, sẽ leo tới, với sự giúp đỡ của một bà Tiên, bà Tiên Bông.

Chứ bộ nó chẳng phải là một bà Tiên đó sao? Nó đã hy sinh cho em được tiếp tục học hành, có khác nào bà Tiên trong truyện cổ tích giúp thằng nhỏ đi trọn đường học vấn.

Tiếng của bà Năm vang lên:

- Bông ơi, Bông à, con ngủ rồi hả con?

Bông chưa ngủ. Nhưng con nhỏ không đáp lời má. Nó đang nghĩ lại câu chuyện cổ tích vừa được nghe. Nó vui sướng với vai trò bà Tiên của mình. Ánh lửa leo lét nơi chiếc đèn ngôi sao chợt tắt. Ngọn đèn cầy đã lụn tàn. Bông chợt mở choàng mắt ra, nói với má:

- Má, má thắp thêm cây đèn cầy nữa đi má.

Bà Năm ngạc nhiên:

- Ủa, con chưa ngủ sao? Mà đêm cũng khuya rồi, thắp đèn làm chi nữa…

- Mặc con. Má chiều con đi má…

Bà Năm gắn ngọn đèn mới. Lửa cháy lòe. Đèn sáng trưng như hồn con Bông đang nở hoa.. Con nhỏ nhìn qua thằng Thiệt. Nó nhẩm trong trí : “Chị sẽ giúp em lên tận đỉnh Hy Vọng. Nghe Thiệt!”

Ngoài trời, trăng thu tròn, sáng. Chị Hằng cười.


NGUYỄN THÁI HẢI   


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 227, ra ngày 1-10-1974)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>