Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Con Rạch Ranh Vườn


Cu ơi, ra chỉ nầy coi nè!

Theo hướng có tiếng gọi, Minh bước ra vườn: Anh Quang đang ngồi trên một gốc cây mục, bên phải, cây chĩa dừa cắm thẳng xuống đất, bên trái, con Vện nằm le lưỡi thở như mệt gần đứt hơi. Đến trước mặt anh, Minh càu nhàu:

– Cứ gọi người ta cái tên đó hoài, kỳ cục ghê! Người ta lớn rồi chứ bộ!

Quang cười:

– Xin lỗi, quên nghen! Người ta lớn rồi cần phải bỏ cái tên xấu ấy đi, gọi cái tên thật cho đẹp phải hôn? Minh, chú Minh của anh. Bằng lòng chứ?

Minh gật gù:

– Ít nhất cũng phải như vậy! À, anh kêu em ra làm cái gì đây?

Quang:

– Chưa cho biết vội! Bây giờ chú Minh của anh hãy khoanh tay lại…

– Ý cha, anh muốn làm vua, bắt em khoanh tay hầu hả? Có con Vện hầu anh rồi kìa.

– Anh chưa nói hết chú đã vội ngắt lời! Không phải chú khoanh tay hầu anh, mà khoanh tay bước tới cám ơn thám tử chó Vện.

– Thám tử chó Vện? Tại sao em phải cám ơn nó?

– Cứ làm đi rồi anh sẽ giải thích.

– Nếu em không làm?

– Anh sẽ không cho chú biết một khám phá của con Vện, một khám phá đáng cho chú hoan nghinh, cám ơn nó.

– Thôi đi, anh xí gạt bắt em làm cái trò dị hợm đó đặng cười chơi chứ gì?

– Bậy nà, người lớn không bao giờ xí gạt em bé.

Quang nói câu đó chẳng phải thậm xưng. Tuy là hai anh em ruột, nhưng anh đã hai mươi mấy tuổi, trong khi Minh mới mười mấy tuổi. Ông bà Hai Đức, ba má hai anh em, có Quang là con đầu lòng, những con kế sanh ra lại không nuôi được, mãi đến Cu Minh, chú út này mới chịu lớn mạnh cho. Số tuổi chênh lệch giữa hai anh em là do lẽ đó.

Quang hiện là giáo viên trường tiểu học quận nhà. Minh đang theo học lớp 8 trường trung học quận. Hôm nay ngày nghỉ, rỗi rảnh Quang xách chĩa đi vườn lượm dừa rụng, Minh cũng vừa chơi nhà bạn về, nghe anh réo gọi vội ra đây.

Trước câu nói nửa ra vẻ đứng đắn nửa hóm hỉnh của anh, Minh ngần ngừ một chút rồi vâng theo. Cậu khoanh tay, bước lại trước mặt con Vện, cúi gập người:

– Cám ơn bạn Vện thân mến!… Cám ơn, chẳng biết cám ơn cái gì, tức cười thiệt.

Con chó chẳng hiểu chi, tưởng cậu út giỡn với mình, ngoắc đuôi nhảy chồm lên, kêu ử ử. Minh vỗ đầu nó, quay hỏi anh:

– Rồi, có chuyện chi anh nói phứt em nghe coi.

Quang cười:

– Chú làm coi được. Học trò học dè cần phải lễ phép như vậy, ngay cả với con chó!… Bây giờ anh hỏi chú nghe, chú đã tìm gặp con gà mái tre cưng quí của chú chưa?

– Thì như anh biết đó, hổm rày nó biến mất tiêu, em kiếm cùng hổng thấy. Em nghĩ nó bị chồn cáo ăn thịt hay ăn trộm bắt mất quá.

– Chú nghĩ sai, sự thật con gà vẫn sống nhăn và ở trong vườn nhà mình. Chỉ tại chú không có tài trinh thám để tầm “kẻ mất tích”. Con Vện lại có tài đó, nên anh mới gọi nó là thám tử. Nó vừa mới tìm ra con gà.

Minh sáng mắt:

– Thiệt hả anh? Con gà ở đâu?

– Chú đã học cơ bản thao diễn?

– Anh nầy hay hỏi lạc đề quá. Thì rồi!

– Vậy chú nghe đây: Nghiêm!

Minh vẫn đứng vẹo người, trố mắt nhìn anh. Quang quát:

– Ta bảo nghiêm!

Minh nhăn mặt làm theo. Quang hô tiếp:

– Đằng sau, quay! Đằng trước, bước! Một, hai, ba, bốn… Ngang phải, bước! Đứng lại, đứng! Ngồi xuống, ngồi! Chui vô, chui!

Trước mặt Minh bây giờ là một bụi rậm. Cậu khom người vạch cỏ thử chui đầu vào xem. Có tiếng gà ré lên, kêu cục cục. Cậu quay ra, hớn hở:

– Con gà của em thiệt! Nó đang ấp hả anh?

– Chứ còn gì nữa!

– Hèn chi lâu nay em không thấy nó đẻ. Ai dè nó làm ổ trong bụi nầy, rồi hổm rày nằm ấp luôn. Bây giờ cứ để nó đó hay sao?

– Không được đâu. Để vậy mưa xuống nó bị ướt tội nghiệp, trứng lại có thể hư. Chú hãy vào nhà dọn một cái ổ, đem trứng, bắt nó vào!

Minh cất giò toan chạy đi làm ngay. Bỗng ngoài mé rạch có tiếng ông Hai Đức nói lớn:

– Anh Tư à, anh làm vầy coi không được chút nào hết.

Tiếng một người đàn ông lớn tuổi gay gắt đáp lại:

– Tại sao không được?

Ông Hai Đức:

– Anh còn hỏi ngược lại nữa à? Anh cho anh làm như vầy là được sao?

Quang nhíu mày, bảo em:

– Ba với bác Tư Kiệm cãi vã chuyện gì kìa, mình ra ngoải coi Minh.

Hai anh em tiến ra mé rạch. Con Vện lon ton chạy theo.

Con rạch nhỏ từ ngoài sông chảy sâu vô vườn. Nước ròng, rạch trơ bãi sình lầy lội, chỉ còn một dòng nước nhỏ đục ngầu róc rách chảy ra. Mấy con cá thòi lòi trố mắt giương kỳ, nhảy len qua các bập dừa nước. Mấy con còng thập thò, động đậy đôi càng đỏ trong hang. Một bầy vịt kêu càm cạp xục xạo tìm mồi.

Ở một chỗ rạch uốn khúc, ông Hai Đức đứng bên nầy bờ, ông Tư Kiệm đứng bên kia bờ, dưới rạch, một người đàn ông thứ ba mình trần trùi trụi, lấm láp, chỉ vận một chiếc quần đùi đen hết bùn. Hai ông già trên bờ mặt đều có vẻ hầm hầm. Người đàn ông dưới rạch đứng dạng chân trong nước, hai tay chống một cái xẻng, mặt ngẩn ra. Trước mặt người nầy, một khoảng bãi rạch bị đào lấy đất tạo thành một cái hố nho nhỏ ăn sát bờ ông Hai Đức. Bên kia bờ, một lớp đất bùn mới đắp, còn ướt lầy, mùi bùn hăng hắc xông lên.

Quang bước tới hỏi:

– Chuyện chi đó ba?

Ông Hai Đức quay lại:

– Con lại đây mà coi! Bác Tư con hành động không đẹp. Có con rạch lớn chẳng bao nhiêu, lâu nay bác cứ tấn cây đắp đất cố bồi thêm bên bờ bác, làm rạch cứ hẹp dần. Vậy thôi mình cũng chẳng nói làm gì. Bữa nay bác lại mướn chú Sáu Biền móc đất bên mình bỏ sang bờ bên bác nữa.

Ông Tư Kiệm:

– Anh đừng có nói quá lố! Tôi nhờ thằng Sáu nó lấy đất ở dưới rạch bồi lên bờ tôi, chứ có lấy đất trên bờ của anh đâu?

– Anh không lấy đất trên bờ tôi, nhưng anh cho móc đất dưới chân bờ, làm bờ dễ lở, vậy là quá cha rồi! Hơn nữa, rạch là của chung hai vườn, anh muốn làm gì cũng phải nói trước, hoặc nghĩ tới tụi tôi một chút chứ!

– Anh nói sao, rạch nầy là của chung hai vườn? Xin lỗi anh, tôi có sổ bộ đàng hoàng, trọn con rạch nầy thuộc về phần đất của tôi nha anh Hai.

– Anh đừng nói càn không được! Con rạch nầy dùng làm ranh giữa hai vườn. Vậy thì nó không thuộc quyền riêng của bên nào hết.

Quang thấy cần phải làm giảm bớt sự căng thẳng. Anh từ tốn xen vào:

– Xin ba và bác Tư bớt nóng! Mình gây gổ với nhau chẳng ích gì, lại mất cả tình quen thân. Bây giờ con xin đề nghị thế nầy: Xin bác Tư tạm ngưng công việc nầy lại, thủng thẳng tiếp tục sau, chắc cũng chẳng muộn chi phải không bác Tư? Xong rồi mình sẽ xem lại sổ bộ, hoặc cùng lắm là mời kinh lý đo lại đất đai, thử coi con rạch nầy thuộc về phần đất của nhà nào. Nếu nó nằm trong phạm vi đất cát của bác Tư, bác trọn quyền làm chi thì làm, ba con không được nói. Nếu nó là một cái ranh của chung hai vườn thì mong bác Tư dành cho gia đình con một chút nhân nhường, nghe bác Tư! Chuyện chẳng đáng chi, xin ba và bác Tư nghĩ lại, dàn xếp êm đẹp, cho có sự hòa thuận vui vẻ với nhau.

Ông Tư Kiệm:

– Được rồi, tôi chấp mấy người coi lại sổ bộ hay đo đạc gì đó! Tôi nói con rạch nầy thuộc đất vườn tôi là chẳng sai chạy. Sáu Biền, thôi lên đi, lại đằng nầy tôi nhờ chú làm chuyện khác, mai mốt trở lại tiếp tục.

Nói đoạn ông bỏ đi về phía nhà. Sáu Biền xách xẻng trèo lên bờ, trước khi đi còn quay nói với ông Hai Đức và Quang:

– Ông Hai, thầy Hai, tôi chỉ làm mướn cho ông Tư, ổng sai đâu tôi làm đó, vụ nầy chẳng ăn thua chi tới tôi nghen ông Hai, thầy Hai.

Quang tươi cười:

– Ba tôi và tôi cũng biết như vậy, chẳng phiền chi chú đâu chú Sáu!

Sáu Biền đi rồi, ông Hai Đức vẫn chưa hết giận. Ông ngồi xuống nhìn theo con rạch hằn học bảo:

– Cha già Tư nầy thiệt dễ ghét! Chắc có ngày ba phải “thí võ” với thằng chả.

Minh vung tay:

– Phải đó ba, mình không nhịn hoài được! Không phải mình ba “thí võ”, mà cả nhà mình kéo rốc qua “thí võ” với gia đình bác Tư. Ba sẽ quần với bác Tư trai, má quần với bác Tư gái, anh Quang so tài với chị Phượng, con một mình chấp hai đứa con nhỏ của bác Tư, đại chiến một phen cho long trời lở đất.

Quang nạt:

– Đừng nói xàm! Anh chỉ muốn ba xử hòa vụ nầy, làm um sùm chỉ khiến thiên hạ cười thôi. Thật ra bác Tư không phải là người xấu, chỉ tại bác có tánh hay nhặt nhạnh, hay làm chuyện không đáng gì như vậy. Nhưng rồi bác vẫn biết suy nghĩ. Vả lại, trong gia đình bác Tư, trừ bác ra, còn thì bác gái, các con bác, người nào cũng rất tốt.

Minh cười, nói với cha:

– Ba thấy hôn, ảnh cứ chuyên binh vực người ngoài, nhất là đối với gia đình bác Tư. Ba coi chừng nghe, ảnh là nội tuyến của bác Tư đó.

Ông Hai Đức:

– Tao biết, nhà mình thì có anh Hai mầy, nhà bên lão Tư thì có con Phượng, ở nhà nầy mà hướng về nhà kia. Bữa hổm có vụ heo quéo phá phách, suýt sanh chuyện cãi vã giữa hai nhà, con Phượng chạy qua xin lỗi tao với má mầy, cứ hết lời nhận lỗi về mình, làm tao cũng tức cười thầm!

Minh nheo mắt nhìn anh:

– Hai người hợp tình hợp ý như vậy, nên nghe con xếp ảnh đấu võ với chị Phượng ảnh cự liền. Ảnh sức mấy mà dám đụng tới chị Phượng.

Quang cú đầu em:

– Vừa thôi chú Minh! Anh đá chú văng xuống rạch bây giờ.

Minh né người tránh khỏi, vừa chạy thụt lùi vừa lêu lêu:

– Mắc cỡ ê! Nghe người ta nói trúng tim đen rồi làm bộ nổi sùng!

Nhìn hai con đùa cợt, ông Hai Đức cũng nguôi bực tức. Ông đứng dậy:

– Thôi, gác chuyện nầy lại một bên. Bây giờ vào nhà coi má bây đã làm cơm xong chưa. Tao đã nghe kiến cắn bụng rồi đây.


Bà Hai Đức đâu từ đằng xóm hơ hãi chạy về. Bước vào nhà, bà vừa thở vừa bảo:

– Dọn đồ, dọn đồ! Gấp lắm rồi, gấp lắm!

Ông Hai Đức đang nằm trên võng đọc báo, bật dậy:

– Cái gì đó?

Bà Hai Đức khoát khoát hai tay:

– Ta nói dọn đồ, dọn đồ! Gấp lắm!

Bà kêu như thế, nhưng rồi cứ chạy tới chạy lui, quýnh quáng, chẳng làm được gì. Ông Hai Đức bực mình nạt:

– Bình tĩnh lại, cái bà nầy! Có chuyện gì nói rõ nghe coi.

Bấy giờ bà Hai Đức mới bước lại gần chồng, thì thào tiết lộ cái tin làm bà hoảng hốt. Quang và Minh ở nhà dưới cũng chạy lên, vây quanh nghe. Bốn gương mặt già trẻ đều lộ vẻ nghiêm trọng. Ông Hai Đức hỏi:

– Có thật những người ở quanh mình đều tản cư hết không?

– Thì chính tôi gặp họ đùm túm nhau đi, hỏi thăm mới biết, lật đật chạy về nhà đây.

Quang hỏi:

– Còn gia đình bác Tư Kiệm?

Bà Hai Đức:

– Ai mà biết, chắc ở bển chưa hay tin nầy đâu!… Thôi, ba nó lo phụ với tôi dọn đồ. Còn thằng Quang với thằng Minh, hai đứa đẩy xuồng xuống rạch, gắn máy đuôi tôm vào, mau lên!… Ôi, lạy trời cho còn kịp.

Tiếng thì thào bàn bạc đã im, bốn người chia nhau làm việc. Không ai nói với ai điều gì nữa, nhưng người nào cũng nghe rõ tiếng tim đập mạnh trong lồng ngực. Bà Hai Đức cứ cầu nguyện luôn mồm. Bà thu dọn quần áo đồ đạc dồn vào cái bao bồng bột. Món nào bà cũng muốn mang đi, nhưng dồn vào một lúc các bao túi đã nghẹt cứng, bà phải bỏ ra bớt các món không cần thiết. Ông Hai Đức thì như chỉ chú ý đến mấy cuốn sách thuốc. Ông cột kỹ sách lại thành một gói lớn, bỏ vào túi xách, quảy lên vai.

Một lúc sau, hai ông bà bước ra khỏi nhà, khóa trái cửa lại. Mỗi người lớp mang lớp xách mấy bao túi cồng kềnh nặng trĩu.

Vụ lánh nạn hôm nay chỉ vì một tin nghe lầm? Mọi người có tản cư một hai bữa rồi cũng trở về, thấy lại nhà cửa, mọi vật nguyên vẹn cả? Ông bà Hai Đức bây giờ chỉ biết van vái sao được như vậy.

Ngoài rạch, chiếc xuồng tam bản khá to đã được anh em Quang đẩy xuống, lắp máy vào. Nhưng chỉ có Minh ngồi trên xuồng, Quang đâu không thấy. Rạch nước ròng sát, xuồng nằm trơ trên bãi lầy như một con cá mắc cạn.

Ông Hai Đức bấm chân, lần theo cây cầu dừa trơn trợt mang đồ đạc xuống xuồng. Bà Hai đức theo sau. Bà hỏi Minh:

– Anh Hai mầy đâu rồi?

Cậu trai vừa tiếp lấy túi đồ trên tay cha, vừa đáp:

– Ảnh mới chạy qua nhà bác Tư.

– Cái thằng thiệt!…

Đồ đạc vừa sắp lên xuồng xong, Quang cũng vừa từ bờ bên kia lội xuống. Ông Hai Đức hỏi:

– Bển có đi không?

– Bác gái và Phượng muốn đi nhưng bác trai còn dụ dự.

– Thôi, đẩy xuồng ra sông.

– Ba má lên xuồng ngồi, để con với thằng Minh đẩy.

Tiếng chân lội sình bì bõm, tiếng xuồng lướt đi sột soạt, vang rõ trong tĩnh mịch của chiều quê. Thấy động, một con gà nước trong bụi mái dầm vỗ cánh bay vụt. Xa xa có tiếng chó sủa dồn như thúc dục, làm những người tản cư thêm rờn rợn trong lòng.

Xuồng đẩy ra tới sông, Quang và Minh quậy chân trong nước cho trôi sạch bùn, rồi trèo lên xuồng, kẻ kềm người giựt máy cho chạy. Tiếng máy nổ giòn, dội trên mặt sông. Quang hỏi:

– Xuống chợ hay đi đâu, ba má?

Ông Hai Đức:

– Băng qua cù lao vô chùa ở đỡ xem động tịnh ra sao rồi sẽ tính.

Quang quay cây láp máy, nhúng chân vịt xuống nước. Nước văng tóe, chiếc xuồng từ từ hướng mũi ra giữa sông. Gió êm, sóng nhẹ vỗ bập bềnh.

Đây là sông Tiên Thủy, một phần của sông Hàm Luông. Bên nầy là ấp Tiên Tây Thượng, bên kia là cù lao Khánh Hội vừa rộng vừa dài, gồm cả một xã lớn.

Sông nhỏ, xuồng máy đi chẳng bao lâu đã sang tới cù lao. Ngôi chùa ông Hai Đức nói nằm gần mé bãi. Mái ngói cong cong rêu mốc đã hiện rõ sau mấy hàng cây xanh.

Quang tắt máy đuôi tôm, dùng mái dầm cặp xuồng vào cây cầu dừa bắc trước chùa. Minh nhảy lên cột dây xuồng vào một cọc gỗ. Bốn người già trẻ lần lượt khuân đồ đạc tản cư lên bờ.

Bỗng Minh trỏ tay về phía bờ bên kia, chếch lên chỗ đầu con rạch nhà mình:

– Kìa, hình như gia đình bác Tư cũng đi.

Ông bà Hai Đức và Quang cùng quay nhìn theo tay cậu: Từ trong rạch, một chiếc xuồng ba lá cũng vừa đẩy ra. Đúng ông Tư Kiệm và gia quyến ông. Quang nheo mắt ước lượng: Chiếc xuồng của ông Tư Kiệm hơi bé, chở năm người lớn nhỏ, thêm đồ đạc, chắc phải khẳm nhiều, không chừng phải đi hai chuyến.

Bà Tư Kiệm đã bỏ một chân lên xuồng. Phượng kềm be xuồng cho mẹ trèo lên.

Thình lình, một loạt súng nổ dội phía trong vườn. Bà Tư Kiệm hoảng kinh nhảy đại lên xuồng. Chiếc xuồng chao đi, lật úp, hất bà ngã nhào xuống nước. Ông Tư Kiệm và các con hoảng hốt chạy lại kéo bà lên. Cả người bà Tư Kiệm ướt loi ngoi. Bà ho sặc sụa. Vừa lạnh vừa sợ, bà vuốt mặt cho ráo nước, người run lên bần bật.

Súng tiếp tục nổ dữ. Trận đánh mà gia đình ông Hai Đức nghe tin tiên liệu, bỏ chạy trước, chắc đã mở màn.

Ở bên nầy cù lao, thấy cảnh bấn rối của gia đình người hàng xóm, ông bà Hai Đức và hai con không khỏi lo hộ, nhất là Quang. Anh vụt bảo:

– Nguy quá, con phải qua rước đám bác Tư mới được.

Bà Hai Đức khoát tay:

– Không được! Súng nổ như vậy trở qua bển nguy hiểm lắm.

– Không sao đâu má, mình ở dưới sóng thấp hơn trên bờ chẳng có gì phải ngại.

Nói đoạn anh chạy ngay xuống xuồng, mở dây, giật máy, cho xuồng quay mũi.

Ông Hai Đức lắc đầu:

– Cái thằng liều quá!

Minh cười:

– Ba má cản ảnh vô ích, ảnh không bỏ đám bác Tư được đâu, nhất là… hi hi!

Sang tới chỗ ông bà Tư Kiệm và mấy đứa con đang loay hoay hì hục lật xuồng lại, mò nhặt các túi đồ, Quang hét lớn:

– Cô Phượng, lên xuồng tôi giữ máy giùm, nói hai bác và mấy em lên luôn! Để chiếc ba lá cho tôi.

Phượng làm theo, trèo lên chiếc tam bản của anh, giữ lấy cần máy đuôi tôm. Quang nhảy đại xuống nước, lội tới bên chiếc ba lá chìm. Anh nắm lấy một bên be xuồng, lắc tới lắc lui thật mạnh. Nước ngập trong khoang sánh ra ngoài dần dần, chiếc xuồng nổi lên. Quay lại thấy ông bà Tư Kiệm và hai đứa con nhỏ còn đứng dưới nước ngẩn ra nhìn mình, Quang thúc:

– Hai bác và các em lên xuồng kia đi, mình băng qua sông gấp. Ở đây nguy hiểm lắm. Cố giữ cho chiếc tam bản khỏi trôi ra bờ.

Phượng tiếp lời:

– Lên đi ba má, Mai, Hoàng! Anh Quang đã có lòng tốt trở qua giúp, mình còn ngại cái chi?

Một tiếng súng lớn nổ át câu nói của cô. Ông bà Tư Kiệm chẳng còn trù trừ gì, bỏ mấy bịch đồ ướt lên chiếc tam bản, cùng hai đứa nhỏ trèo lên. Quang cũng leo lên chiếc ba lá. Mái dầm đã trôi mất, anh dùng hai tay bơi lại cặp nó vào chiếc tam bản.

– Cho xuồng qua sông đi cô Phượng.

Phượng bình tĩnh làm theo ngay. Chiếc tam bản cặp thêm chiếc ba lá một bên, tiến chậm, nhưng cũng xa dần bờ đất đang chìm trong lửa đạn hung hiểm.

Ông Tư Kiệm nhìn Quang, rồi nhìn đám ông Hai Đức ở bên kia cù lao, vầng trán ông nhăn lại. Dường như không nghe tiếng súng, ông mải nghĩ đến chuyện xích mích giữa mình và ông bạn Hai Đức về con rạch ranh vườn, mới xảy ra hôm qua hôm kia.


Minh ngồi trên một mỏm đất gie ra sông, dưới tàn một cây bần to. Tay trái đặt hờ lên quai xách của cái thùng khá lớn, tay phải kềm cần câu trúc đưa thẳng ra phía ngoài, mắt cậu chăm chú nhìn sợi nhợ bị dòng nước chảy kéo xuôi về một phía. Nước đục ngầu phù sa, chẳng cho thấy gì đoạn nhợ chìm sâu trong nước, nhưng Minh cũng tưởng tượng ra được cục mồi trùn mắc ở đầu lưỡi câu, lay động như một con vật sống. Cậu tưởng tượng ra cả những con cá lội nhởn nhơ, và chờ đợi một con dại dột đớp mồi.

Dọc theo mé bãi, lục bình tụ lại thành từng đám xanh rì những lá. Có khóm trổ hoa. Hoa lục bình tim tím, kết bởi nhiều đóa nhỏ xinh xinh, không rực rỡ nổi bật, nhưng cũng điểm cho dòng sông những nét ưa nhìn.

Trời lắm mây, nắng chiều như được lọc bớt, lại xuyên qua tàng bần, rớt xuống chỗ Minh ngồi chỉ còn là những đốm nhỏ ấm áp, lung linh trên lá cỏ, trên vai áo cậu. Gió lâu lâu thổi qua, lá bần khô vàng, nhụy hoa bần trắng, lả tả rụng, vướng cả trên tóc Minh.

Có tiếng chân bước nhẹ phía sau, Minh quay lại:

– Mới đi dạy về hả anh Hai?

Quang bước lại ngồi xuống bên em:

– Ừ. Cha, bộ câu được nhiều cá lắm sao mà xách cái thùng lớn vậy?

– Anh dòm vô thùng coi thì biết!

– Ha ha!… Chưa có con nào!… Bộ mới ra câu hả?

– Cả buổi rồi!

– Vậy thì chú có tay câu lắm!

– Ngạo làm chi anh Hai! Em đâu cố tình kiếm cá. Em như Khương Thượng, ngồi thả cần câu bên sông Vị chờ thời.

– Mẹt ơi, chú Minh của anh nói nghe hay quá! Nhưng rất tiếc đây chỉ là sông Tiên Thủy, và chú lại chưa có râu. Khương Thượng ngày xửa ngày xưa xài cần câu không có lưỡi, chú bây giờ lại đã cẩn thận cột ở đầu sợi nhợ cái lưỡi câu có ngạnh bén nhọn còn hơn gai quít già!

– Khương Thượng thời nguyên tử mà anh.

Im lặng một lúc, Minh hỏi:

– Lộn xộn phải chạy tản cư, sao anh không xin nghỉ dạy vài ngày?

Quang:

– Anh thấy nghỉ ở không ngồi bó gối trong chùa cũng chẳng ích gì. Vả lại anh mà nghỉ là cả bao nhiêu đứa trẻ phải chịu thiệt.

– Ông thầy giáo nầy có lương tâm chức nghiệp dữ!

– Vậy chứ sao!

Nhìn qua Tân Tây Thượng, chỗ có nhà mình, Quang thấy bùi ngùi. Hôm qua trận đánh diễn ra ngay ở đó, không biết rồi nhà cửa vườn tược nhà anh ra sao? Hôm nay tiếng súng đã im, nhưng chưa ai dám trở về. Chỉ cách có một con sông nhỏ mà Quang thấy nhà mình như đã lùi xa thật xa!

Minh lên tiếng, cắt ngang dòng suy tưởng của anh:

– À, có chuyện nầy hay lắm anh Hai.

– Chuyện gì?

– Ba với bác Tư Kiệm vừa kéo nhau lại quán bà Chín Hò nhậu rượu.

– Ủa, hai ông thuận rồi sao?

– Thuận từ hồi tối lận. Hồi tối lúc súng nổ dữ, mọi người nhào xuống sàn. Ba với bác Tư tình cờ ngồi gần nhau, em cũng ở cạnh đó. Em nghe bác Tư xin lỗi ba về chuyện con rạch hôm trước. Bác nói bác nghĩ bác bậy lắm. Lúc bình yên bác giành nhau từng con rạch, từng cục đất với ba, rồi bây giờ còn gì để mà giành?

Quang vụt nghe khoan khoái. Anh tươi cười vỗ vai em:

– Thấy chưa, anh nói bác Tư là người biết nghĩ lắm mà! Bác nói thật có lý, phải hôn?

Minh cười:

– Sau chuyện đó em còn nghe hai ông già bàn nhau một chuyện đáng mừng khác.

– Chuyện gì nữa?

– Chuyện anh với chị Phượng.

Quang nhéo tai em:

– Lại nói xàm!

Minh cù vào hông anh:

– Thôi đi anh Hai ơi! Tới bây giờ mà anh còn làm bộ làm tịch nữa sao? Sửa soạn cho em gặm giò heo đi thì vừa!

Nguyễn văn Nghệ  


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 196, ra ngày 1-3-1973)

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Trong Đống Gạch Vụn


(phỏng dịch “Nachts schlafen die
   Ratten doch” của W. Borchert)  

… “Bầu trời thật quang đãng, bỗng trên không tiếng ì ầm vang dội của động cơ rõ dần, và rồi… tất cả chỉ còn lại những gì điêu tàn, đổ nát – Giờ đây đã ba hôm mà đống gạch vụn bao quanh tôi vẫn còn ngút khói – … Tất cả chỉ còn là một đống gạch vụn! Một trái bom có thể tàn phá cả một ngôi làng trù phú như vầy sao?!...”

Cậu bé mệt mỏi với những ý nghĩ trong đầu. Cậu mơ màng, trước mắt cậu hiện ra cảnh sân trường với hàng phượng vĩ, với những buổi đá banh cùng chúng bạn… cậu mỉm cười kiêu hãnh.

“Ồ, hôm đó mình có những cú “sút” hay tuyệt!”

Cậu bé thích quá cười to và mở hẳn mắt ra… mặt cậu bỗng nhiên buồn hẳn lại – Giờ đây còn đâu những buổi đá bóng!... Cậu gục đầu bên thềm cửa mà cậu đoán chừng đó là nhà cậu khi xưa – Căn nhà thân yêu của cậu bé!

- Này em… sao lại ở đây?

Cậu bé ngồi choàng dậy, tay thủ ngay khúc cây đã đặt sẵn bên mình – … mắt cậu dịu lại khi trông rõ vẻ hiền lành hiện trên gương mặt người bộ hành đứng tuổi.

- Em làm gì ở đây? Sao lại ở đây?

Cậu bé nhìn người khách đầy vẻ nghi ngại, đảo mắt nhìn quanh, tay nắm chặt thêm cây gậy, phác một cử chỉ bâng quơ:

- À,… tôi canh chừng – … mà ông đừng hỏi, không nói được đâu.

- Canh chừng gì mới được chứ?

- Chuột!... Ông thấy đó, nơi đây đầy chuột.

Ông khách ngạc nhiên:

- Chuột hả? Kệ nó chứ, nơi đây có ai ở đâu, kệ nó chứ.

Cậu bé lại lắc đầu quầy quậy:

- Không được đâu ông ơi, nơi đây đầy chuột mà “nó” thì nhỏ xíu hà. Mà… không nói được đâu ông ơi!

Cậu cương quyết hơn, quyết liệt hẳn, cặp mắt sáng quắc ánh trên gương mặt trẻ thơ của cậu.

- Tôi đã bảo là không nói được mà. Tôi không nói đâu ông ơi – Không nói được đâu!...

Ông khách cười dễ dãi, xoa đầu cậu bé:

- Thôi được… Tên em là gì? Cái này nói được chứ?

- Jurgến, 9 tuổi – Tôi học trường làng bên cạnh, ngôi trường có nóc đo đỏ ấy. Còn trường của chúng tôi bị dội bom sập hết rồi ông ơi! Buồn ghê đi!

Ông khách quỳ xuống trước mặt cậu bé, nét mặt hiền dịu.

- Tôi đố Jurgến nhé; vậy chứ 9 lần 3 là mấy?

- Ư… 9 lần 3 hả?... 9 lần 3 là mấy hả?... 9 lần 3 là… 27 chứ mấy! 9 lần 3 là 27, tôi biết ngay mà.

- Jurgến giỏi thật – ông khách cả cười – mà Jurgến có biết tôi đi đâu không?

Cậu bé nhìn người khách đầy vẻ thân thiện.

- Ông mua rau cải cho súc vật ăn chứ gì, dễ ợt!

- Hay quá!... Nhưng sao em biết?

Người khách ngạc nhiên thật sự, nhưng lại phì cười khi chợt nhìn xuống chiếc giỏ đầy cải dưới tay.

- Em tinh lắm! Em biết đó, tôi có rất nhiều thỏ, mà em có muốn xem không?

Mắt Jurgến sáng ngời:

- Muốn chứ, tôi thích lắm chứ!

Nhưng cậu bé bỗng buồn hẳn đi khi nhìn xuống chiếc gậy trong tay.

- “Nó” cũng thích thỏ lắm – Cậu bé ngước nhìn người khách – … Tôi thích thỏ của ông lắm, nhưng không được, tôi bận đuổi chuột. “Nó” thì nhỏ xíu mà ông thấy đó, chuột nhiều quá đi!

- Nhưng cái gì nhỏ xíu mới được chứ?

Cậu bé nhăn mặt khổ sở.

- Không được đâu ông ơi. “Nó” nhỏ xíu hà! Tôi cũng thích thỏ của ông lắm, thích ghê lắm… mà đi không được đâu – Tôi đã bảo là nói không được đâu, ông đừng có hỏi nữa.

Ông khách dợm bước.

- Thôi được, em cứ ở lại với các bí mật của em. Tôi về cho thỏ tôi ăn đây. Nếu thích thì em theo tôi.

Cậu bé hốt hoảng:

- Ý, ông ơi… khoan đã…

- Gì thế em?

Nhưng… cậu cúi đầu, ngập ngừng:

- Tôi nói cái này… mà ông phải hứa là không được thuật lại với ai cả nhé – Cậu nhìn ông khách với vẻ dò xét – … Tôi muốn nói… Chuột nó ăn xác chết ấy mà.

Ông khách nhăn mặt:

- Bậy nào! Đừng ăn nói vậy chứ!

- Thật mà, thầy tôi bảo vậy đó.

Cậu bé cãi với đầy vẻ suy nghĩ.

- Ông biết không, hôm làng mình bị dội bom ấy, em tôi chạy không kịp, nó bị đè bẹp dưới hầm. Đến bây giờ người ta vẫn chưa đem nó lên được. Nó nhỏ xíu hà, ông ơi! Nó mới 2 tuổi hà… Nó nhỏ hơn tôi nhiều lắm! – … Thật mà, thầy giáo tôi bảo : Chuột ăn thịt người chết. Ở đây chuột nhiều ghê đi mà em tôi thì nhỏ xíu! – Ông biết không, ngoài giờ cơm, giờ học, là tôi chạy ngay ra đây. Tôi canh chừng hai ngày rồi, mệt quá, tôi vừa thiếp ngủ thì ông đến – … Em tôi nhỏ xíu hà ông ơi! Nhỏ hơn tôi nhiều lắm…

Cậu bé nghẹn ngào, nước mắt long lanh trên mắt cậu. Người khách quỳ xuống, dịu dàng ôm cậu bé vào lòng.

- Trời sắp tối, chuột ngủ rồi, em về đi, em mệt lắm rồi đấy.

- Không có đâu ông ơi, thầy tôi đâu bảo vậy.

Ông khách vẫn dịu dàng:

- Thật mà, ban đêm chuột nó ngủ – Em không tin tôi sao? Tôi là người lớn mà, tôi lớn hơn thầy em mà. Vả lại, ông thầy khùng ấy không nói với em là ban đêm chuột nó ngủ sao?

Cậu bé nghi ngờ:

- Ông không gạt tôi chớ?

- Em không tin tôi sao? Điểm ấy thật quan trọng mà thầy em lại quên – Em về đi nhé – Trời sắp tối rồi, cứ độ năm, sáu giờ chiều là chuột đã bắt đầu ngủ say. Còn em của em thì nó… đang an giấc lắm, không sao đâu.

Cậu bé có vẻ xiêu lòng, yên lặng nhìn ông khách.

- Hay em theo tôi về nhà vậy nhé. Tôi cho thỏ ăn xong thì đưa em về – Em thích thỏ lắm hả? – Tôi sẽ tặng em một con nhá.

Cậu bé tươi hẳn nét mặt:

- Ông cho tôi một con thật hả? – Mà thỏ ông mắt đỏ hay đen? – Tôi không có chuồng làm sao nuôi… ba tôi nghèo ghê lắm!

Ông khách xoa đầu cậu:

- Dễ mà, em nhặt những mảnh ván nầy nhé, tôi sẽ chỉ cho ba em đóng chuồng. Dễ lắm mà.

Ông khách tươi cười:

- Mà thôi, em cứ ở đây nhặt ván đợi tôi nhé. Đừng đi đâu đấy. Tôi về nhà và mang một chú thỏ đến cho em. Chúng mình sẽ cùng về nhà em để đóng chuồng. Nhớ đừng đi đâu đó nghe.

Cậu bé tươi tắn gật đầu. Người khách đứng lên và chiếc giỏ trong tay lắc đều theo nhịp bước vội vàng. Ông khuất dần, khuất dần… và từ xa vẫn còn cố đưa tay ra dấu bảo cậu bé chờ đấy – Em cậu đã ngủ rất bình yên – Hãy an tâm – Bên cậu giờ đây chỉ còn có Tình Thương và Tình Người –


THĂNG LONG  


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 127, ra ngày 15-4-1970)

Bìa của Vi Vi : Có bầu có bạn có túi cơm khô

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

CHƯƠNG IX_NGÀY THÁNG NÀO


CHƯƠNG CUỐI CÙNG


Định mệnh đã dành cho em những gì, Hoàng Ngâu thương mến! Đóa hoa nhỏ tung hết hương phấn xuống đời rồi an nhiên về cõi khác. Buổi tối điện thoại Ấu Sơn từ Huế gọi vào hỏi han, cả nhà mới hay Hoàng Ngâu lên xe từ sáng sớm. Giọng nói anh lạc hẳn:

- Hoàng Ngâu chưa về.

Lúc ấy là 10 giờ tối. Xe Honda cho Diễm mượn lên nhà bạn, anh đành lấy chiếc mini của Hoàng Ngâu phóng đi. Xe chi mà chậm còn hơn là đi bộ; anh bực mình liệng nó vào nhà tên bạn và mượn vespa. Anh phóng như bay trên con đường dài, sao mọi hôm đưa Hoàng Ngâu đi ăn chè Đà Lạt anh thấy nó ngắn như nằm trong lòng bàn tay. Người ta nói rằng có một chuyến xe không bao giờ về nữa, người bán vé đưa cho anh tấm danh sách với giọng nói rời rạc, buồn thiu:

- Hy vọng là không có người nhà của cậu.

Nhưng Hoàng Ngâu, tên em nằm gần cuối, sáng rực trong mắt anh.

- Họ đang ở đâu ?

- Bệnh viện Toàn Khoa, bị ở Ninh Hòa, và có xe chở về ngay.

Không cần nghe lời phân trần, không cần nói gì thêm nữa. Anh cắn chặt môi, Hoàng Ngâu, em đã thấy tai hại như thế nào chưa? Cái tính bướng bỉnh của em sao nhiều khi ngu quá vậy. Bây giờ giữa đám người xa lạ, em sẽ ra sao? Một vết thương đâu đó cộng với chứng bệnh tim trầm kha. Trời ơi, tội nghiệp cho con bé vốn dễ tủi thân hay nhõng nhẽo. Đừng khóc nghe bé, mọi người sẽ đến với bé, ngay tức khắc. Anh chạy đến trung ương gọi bố, không dám hé môi với mẹ điều gì cả. Bố kêu điện thoại nhắn tối nay không về nhà. 11 giờ đêm, chiếc xe Jeep nhà binh phóng vùn vụt trên con đường không sợ những bất trắc rình chờ. Bố với hai tay còn đầy phấn bảng, anh với những dòng mồ hôi ướt đẫm cả lưng.

Giới nghiêm, người ta chận lại ở trạm kiểm soát hỏi han lôi thôi. Nhưng khi chiếu đèn Pin thấy đôi mắt đỏ ngầu của Bố và ba chiếc hoa mai bạc – cũng may mà bố chưa kịp thay quân phục – người lính xin lỗi và cho đi. Ánh đèn pha loang loáng trên mặt đường nhựa bóng.

Trung tâm Y Tế Toàn Khoa Nha Trang, người ta đưa bố và anh và một nơi xa lạ quá, cô y tá sốt sắng chỉ phòng và rút lui. “Phòng hồi sinh”, anh hơi khựng lại trên khung cửa. Người y sĩ giải thích:

- Vết thương nhẹ nhưng không cầm máu được, bệnh huyết hữu, hémophilie... máu không đông.

Bố cắt ngang:

- Thế thì...

Bố không nói hết những ý nghĩ của mình, người y sĩ cắn môi thở dài. Anh quay mặt đi, Hoàng Ngâu bé nhỏ của anh, một loài chim dễ thương, một loài hoa rực rỡ. Em sẽ hết còn bướng bỉnh với anh: “Định mệnh là cái gì mà Ngâu có thể vo tròn bóp méo”. Thôi đi cô nhỏ ngạo nghễ cô nhỏ ngông nghênh. Em đã thấy chưa, định mệnh tàn nhẫn như thế đó, – không phải với em – mà là với những người thân thuộc. Mùa hoa vàng đã chấm dứt ở thành phố này vì công chúa hoa vàng đã an nhiên bay về cõi khác. Bố quay qua anh:

- Con nhỏ chỉ làm nhiều điều dại dột phải không anh Tiên ?

Anh cúi đầu không dám trả lời. Ơi Hoàng Ngâu, em dại quá và bướng quá. Anh muốn cốc đầu em ba bốn cái. Em ngu lắm Ngâu ơi, ai cũng cưng quý em mà em đành đoạn bỏ đi.

Thôi rồi, em đã không còn trong cõi đời này ngông nghênh, phiêu bạt...

Tấm hình em để trên bàn phòng khách:

Nghinh nghinh vốn sẵn tính trời.

Miệng em cười tươi tắn dễ thương. Em đã dành hết vui vẻ của những người chung quanh rồi đó biết không? Anh ngồi đọc những tờ thư phân ưu, những tờ điện tín chia buồn từ khắp nơi gởi về. Trời ơi, sao Hoàng Ngâu lắm bạn bè như thế hở? Anh chạy lên gác lấy tấm phiếu báo danh của Hoàng Ngâu, số ký danh 43-0264. Anh tưởng chừng có tiếng reo của Hoàng Ngâu: “A, chín nút. Chắc năm nay em hên lắm, anh Tiên hở?” Diễm ngồi bó gối trong một góc salon, rũ rượi. Anh chọn riêng những lá thư, những tờ điện tín, tất cả đều đề tên Diễm, tên bố. Thôi rồi, sẽ không còn ai ân cần nhắc nhở đến Trần Thị Hoàng Ngâu yêu mến của anh. Anh lục tung đống thư, đây rồi, có một lá ghi tên em, anh vội vàng mở ra.

Hoa vàng ơi, Hoa vàng.

... Sẽ quên hết quá khứ... Vũ Phượng Hoàng sẽ nói lại lời đầu tiên thành khẩn nhất, sẽ về trước ngày thi của em và đưa em đi thi. Gật đầu đi, đừng nói một cách... tình thế bắt buộc là "thôi cũng đành..." nữa nhé.

Cái gì thế này? Anh ngạc nhiên ghê gớm, em nhỏ của anh đã làm thêm điều gì dại dột nữa sao? Anh nhìn Diễm, cô bé đang xếp những lá thư gọn ghẽ.

- Diễm!

- Gì đó anh ?

Anh ném lá thư về phía Diễm:

- Thư của Hoàng gửi cho Ngâu.

- Em không có quyền đọc.

Anh dịu dàng:

- Em biết tất cả!

Cô bé gật đầu:

- Vâng, em đọc những tờ thư trong sắc của Hoàng Ngâu.

Anh cầm tờ điện tín trắng lên:

- Rồi Diễm nghĩ sao ?

- Hoàng Ngâu cao thượng, nó bỏ đi để quên tất cả.

Anh mơ hồ lắc đầu, không hẳn thế, chẳng ai hiểu được Hoàng Ngâu: “Thứ ba 25-6, H. về ”. Anh ngẩng lên:

- Diễm nghe anh không?

- Dạ nghe.

- Lấy xe ra bến đón Hoàng!

Đôi mắt Diễm ngơ ngác thật tội nghiệp:

- Ngay bây giờ ?

- Ừ, em chờ nửa tiếng, xe Sàigòn về lúc 2 giờ rưỡi.

Diễm bỏ lên gác, anh nói theo:

- Và đưa Hoàng ra mộ Ngâu, nói rằng cô bé dấu yêu của chúng ta sẽ không làm bất cứ điều gì dại dột thêm nữa cả.

Diễm quay lại, thảng thốt:

- Anh Tiên, điều ấy có cần thiết lắm không?

Anh cương quyết:

- Khá cần, em phải làm vì Hoàng Ngâu.

Diễm đi lên:

- Vâng, vì Hoàng Ngâu!

Anh cầm tấm hình của Hoàng Ngâu trong tay nhìn chăm chăm. Cô bé ngẩng lên cười toét miệng, em vẫn có cái cười dễ dãi đáng yêu như thế. Cười đi Hoàng Ngâu, rồi sẽ không ai quên em khi mùa hoa vàng lại về trên phố biển.

Hãy ngẩng lên ngạo nghễ và vui cười cô nhỏ dấu yêu ơi !!
05-06-1974         
TÔN NỮ THU DUNG 
Nhà Trắng          

CHƯƠNG VIII_NGÀY THÁNG NÀO


CHƯƠNG VIII


Về đây em nhận vô số là thư từ Nha Trang, của mẹ, của chị Diễm, anh Tiên và các bạn... thư mẹ khi nào cũng làm em khóc được: sữa uống hết chưa, thuốc còn bao nhiêu, cần cái chi thì viết thư nói mẹ. Chúa ơi! Mẹ làm như em ở đây suốt kiếp; thư chị Diễm ngọt ngào, dỗ dành; thư anh Tiên vừa nghiêm khắc vừa thương mến: “Con chim trắng bây giờ ra sao, đã ngậm môi cười hay im tiếng hót? Này cô nhỏ bướng bỉnh dại dột, cô có làm cái chi chi đi nữa thì cũng không cứu vãn được gì. Anh mong ngày về nhỏ em của anh sẽ lớn hơn chút nữa, khôn hơn chút nữa...” Cả lá thư của Kha, anh chàng tập làm thi sĩ hồi nào em cũng chẳng hay:

“Kha khẽ gọi tên Kha
Thầm như lời nhắc nhở
Hoa Vàng đã bay xa
Bằng ngàn đôi cánh nhớ.”

Những tờ thư thân ái của bạn bè làm em nguôi ngoai quên một thân tình ở xa. Nhưng thật thì trong thâm tâm, dầu bỏ đi, dầu trốn chạy, em vẫn mong được một tờ thư của Hoàng, một lần nữa và em sẽ không tham lam đòi hỏi điều gì nữa cả dầu rằng một lần vẫn còn quá thiếu, quá ít ỏi chóng quên. Em không hề hỏi chị Diễm về Hoàng, về mối tình đã bắt đầu tan vỡ. Em cố tránh hết sức để khỏi nhắc đến những gì đã làm buốt trái tim em. Có lẽ em ích kỷ, nhưng có phải là đó như một nỗi đau chung. Chúng ta sẽ phải gánh chịu cùng nhau, dầu rằng nơi mỗi người nỗi đau mang một tên gọi khác nhau.

Nhưng định mệnh cũng còn chìu đãi em thêm một lần nữa, như một ủi an trong hình phạt chung thân. Bối rối biết mấy, xót xa biết mấy khi nhận được tờ thư quí giá mà mình hằng mong đợi. Hoàng gởi về Nha Trang và chị Diễm gởi ra cho em. Thời gian có lẽ quá dài cho một sự chờ đợi bất cứ của ai ai. Em đọc vội tờ thư quên đề ngày tháng

“Hoa Vàng yêu dấu

Cho anh gọi như thế, một lần cuối cùng rồi thôi. Vì anh đã nhận thức, đã cảm thấy qua cái thái độ im lặng bấy lâu của Hoàng Ngâu thân quý. Anh đọc lại tờ thư của Ngâu: Bản tính: kiêu hãnh, tàn nhẫn, dễ quên... và anh biết rằng mình không còn một hy vọng nào dù nhỏ nhoi.

Hoàng Ngâu! Thật là lố bịch khi đi nài nẳng van xin một thứ mà người ta không sẵn lòng trao tặng. Tự ái của anh đâu? Thôi rồi, tự ái của loài chim thênh thang biển Bắc, ngạo nghễ núi Đông đã bị vứt lìa khỏi trái tim. Từ nay tôi sống trong đời chết. Chỉ là cõi tạm tất cả, nhưng cõi tạm của tôi sao dai dẳng và bi thảm thế này ?

Hoa Vàng ơi, Hoa Vàng. Rồi sẽ ra sao nếu đời mình chỉ còn một bóng lẻ loi đơn độc. Em thì không thế. Chúc em thênh thang đường dài. Có gì đâu khi quay lưng, môi em đã quen với những âm thanh khác, hồn em đã mờ những hình ảnh cũ xưa thì còn bàn tay nào vẫy gọi tôi ở cuối con đường xa lạ ?

Hoàng Ngâu, nếu mà tôi nói rằng tôi yêu em, chỉ vô ích mà thôi hả Ngâu? Nhưng tôi cứ nói để an ủi rằng mình vẫn còn tình yêu để hy vọng sống sót về để nhìn em xa lạ mà tưởng chừng như quen thuộc. Và nói để tin rằng có một chút gì đáng sống trên cõi đời này..."

Em ôm đầu, nhức nhối khó chịu. Mình nghĩ sao, Hoàng Ngâu? Từ chối hay chấp nhận? Từ chối để Hoàng tiếp tục những ngày như thế, để ta lơ ngơ suốt cõi đời này. Hay chấp nhận để cả hai cùng sa chung một chốn không hẳn là thiên đàng hay địa ngục! Rồi sẽ ra sao? Không có ai cho em kể lể. Xa quá rồi. Hơn 500 cây số đường dài, sao không có anh Tiên để em bắt nghe em nói, đòi những lời khuyên bảo chân thành để rồi không bao giờ nghe theo.

Chung quanh em, sách vở, hoa và những trang ảnh vô tri vô giác. Đời sống chi mà quái đản, chúng ta cứ xoay quanh những yêu thương thù hận, trốn chạy và đuổi bắt, để làm cái quái gì vậy hở anh Tiên? – Đó mới đúng là đời sống, nếu hoàn toàn hạnh phúc thì chính là thiên đàng, hoàn toàn đau khổ thì gọi là địa ngục – nghe như tiếng anh Tiên hôm nào trên sân thượng. Thôi, chắc em đành chấp nhận đời sống này, cố mà chấp nhận một cách vui vẻ vì tất cả chúng ta đều có một nỗi đau chung.

*

- Mai chị về, Ấu Sơn!

Sơn ngước lên:

- Nhanh vậy, khi nào thi ?

- Còn 10 ngày, về lấy phiếu báo danh. Có nhờ chị Diễm nhưng tự nhiên cảm thấy... bất ổn.

Ấu Sơn gấp quyển sách:

- Chứ không phải vì một lý do nào khác.

Em nhăn mặt:

- Lý do nào ? Ấu Sơn hơi nhiều chuyện.

Chú nhỏ cũng nhăn mặt chọc:

- Lá thư bảo đảm, rồi tờ điện tín, chẳng hạn.

Hôm kia, em nhờ Ấu Sơn đánh cho Hoàng mấy chữ: “Thôi cũng đành” và chú nhỏ cứ theo thắc mắc hỏi han, nhưng em không giải thích. Chú nhỏ còn quá ngây thơ để hiểu những rắc rối tơ vò như thế. Đâu có gì hay để chú nhỏ tìm hiểu mất công, chú nhỏ có vẻ không bằng lòng.

- Hơn người ta có một tuổi mấy tháng mà cũng làm tàng.

Em đã cười vui vẻ:

- Cho dầu bằng tuổi chị, Ấu Sơn cũng không cảm nhận được những gì như chị đâu.

Ấu Sơn kêu lên:

- Chị ngông nghênh quá vậy ?

Em không trả lời, chắc Ấu Sơn có đọc câu phụ đề... Việt ngữ dưới tấm ảnh đặt trên bàn học.

- Ông Diệp buồn chết mất.

- Nói bậy.

- Thật đó, dám ổng đi theo chị lắm à.

- Theo tới chân trời góc biển chứ ?

Ấu Sơn gật đầu:

- Ai thì không chứ ông ấy dám lắm.

Em kêu lên:

- Thôi mà, Ấu Sơn chỉ nói bậy là giỏi, bộ ổng khùng sao ?

Ấu Sơn đưa hai tay lên trời:

- Không, em xin đính chính, ổng chỉ mad nặng thôi, chưa khùng.

Em bật cười:

- Chị không thích người mad, khó ưa lắm.

Ấu Sơn hất hàm:

- Để mình chị độc quyền mad hở ?

Em gật đầu:

- Chứ sao.

*

Diệp và Ấu Sơn đưa em ra bến xe, trời còn mờ sương, khói đêm la đà trên những ngọn cây và mù lan trên mặt nước. Ngồi gọn vào chỗ, Diệp hạ dùm em kính xe, nói qua khung cửa:

- Tôi ở lại giữ chỗ trong công viên chờ ngày về của em nhỏ nhé!

Ấu Sơn khoát tay:

- Thôi ông ơi, chị tôi đi tìm hạnh phúc và chắc không bao giờ trở lại nữa đâu.

Em mỉm cười:

- Sẽ trở lại chứ, khi nào có dịp.

- Dịp may rất hiếm có trên đời này.

- Nghĩa là cũng có, còn đòi gì hơn?

Diệp chống tay trên thành cửa:

- Em nhỏ đi tìm hạnh phúc?

Em bối rối:

- Ông nghe chi lời nhỏ Sơn?

Ấu Sơn lên tiếng:

- Thật đó ông, nhưng không hẳn là đi tìm, nghĩa là đã có và trở về để gặp lại.

Lâu lâu nghe chú nhỏ nói một câu người lớn ghê, em nheo mắt:

- Rành quá nhỉ ?

Ấu Sơn nghinh nghinh chọc tức. Diệp thả những vòng thuốc thơm:

- Hạnh phúc là cái bóng thôi, em nhỏ. Khó lòng tìm thấy.

Em im lặng mỉm cười. Ô nỗi vui mừng trở về chốn cũ xôn xao trong tim làm em bỏ quên những câu đối đáp chan chát vào valise khóa kín.

- Tôi cũng chưa biết hạnh phúc xanh đỏ thế nào, nhưng tôi chúc em nhỏ may mắn bắt gặp nhé! Và kể lại cho tôi nghe để rút kinh nghiệm. Thôi chúc vui vẻ.

Ấu Sơn đưa tay vẫy em:

- Vui vẻ, may mắn và bình an nghe.

Chuyến xe lăn đi, ở lại nghe Huế. Em không buồn như hôm nào rời phố biển mà trái lại một nỗi vui ăm ắp ngập hồn. Em sẽ sà vào lòng mẹ để nghe hương bồ kết ngai ngái từ mớ tóc dài phết gót, sẽ chạy nhanh trên những bậc thang về căn phòng yêu dấu, sẽ phóng xe ra đường đi long rong thăm hết bạn bè xưa, từ những chú dã tràng lăng quăng trên biển đến hàng lim xẹt mướt xanh trên những con đường im vắng, từ rừng Khuynh Diệp đến những ánh sao nhấp nháy từng đêm. Hai tháng ở Huế không tắm biển, không bị nắng quái đốt da, hình như em trắng hơn một chút, không còn là nàng sirène hoang dã của biển cả dấu yêu. Anh Tiên chắc sẽ ngâm nga trêu chọc:

“Trăng rằm mười sáu trăng treo
Anh đóng giường Lèo cưới vợ Nha Trang"

Ôi ông anh quái đản, nhưng chắc anh sẽ hài lòng vì em ngoan hơn một chút, cái gì cũng một chút thôi nhưng đó là cả một sự ngạc nhiên lớn cho những người thân. Em không còn bướng bỉnh cãi lời, ngoan cố quyết định một mình bất cứ chuyện gì từ những đâu đâu tới. Không ai quên em hết, có phải thế không? Bạn bè còn đó vây quanh ríu rít, em cũng còn là Hoàng Ngâu thân mến của bạn bè. Và em là Hoa Vàng rực rỡ, sẽ tiếp tục rải xuống nghìn cánh mỏng, tung đầy bụi phấn xuống từng bờ vai thân yêu.

Người đàn bà ngồi bên cạnh nói xin lỗi và choàng tay qua khép cửa kính. Gió ngược thổi tóc em bay rát cả má và hai vai. Chiếc áo len choàng trên lưng ghế, em cầm lên tay mân mê. Đứa bé ngồi trên lòng người đàn bà chong đôi mắt ngó, miệng nhóp nhép nhai, chiếc đồng tiền nhỏ xíu ẩn hiện bên má phải. Em muốn chọc cho chú bé cười để coi thử có răng khểnh không? Ô, em lại vẩn vơ quá, răng chú bé là răng sữa, trắng muôn muốt và đều như những hạt bắp non làm sao có được chiếc răng khoé nhọn. Mai mốt chú bé “ráng” có răng khểnh nha. Anh Tiên vẫn chê em:

- Nhỏ đi mỹ viện khoét đồng tiền đi, có răng khểnh mà không có đồng tiền trông vô duyên tệ.

- Sao vậy ?

- Vì nó làm nụ cười tươi mà không vui.

Em cắt ngang, bướng bỉnh:

- Như thế ai có đồng tiền thì phải đi nha sĩ trồng răng khểnh hở anh?

Anh Tiên bí, dọa cốc đầu. Ui chao chao, làm quái gì có một chiếc răng khểnh trong phòng răng để mà trồng đã chứ.

Em cúi xuống tìm phong chocolate cho chú bé. Bất ngờ lôi ra quyển sách nhỏ bìa bao giấy hoa sặc sỡ; em hơi ngạc nhiên, chú nhỏ Ấu Sơn bỏ vào lúc nào em không chú ý. Quyển “Tristant et Iseult” nguyên tác. Ô như thế này chắc em phải “vật lộn” với quyển tự điển để mà đọc cho xong. Dòng chữ đề tặng dí dỏm: “Hãy dong buồm trắng mà trở về, chị Ngâu Ấu Sơn”. Em lật lật vài trang, bỗng chú ý tới một câu, cái vốn Pháp văn sinh ngữ phụ chỉ cho phép em diễn nôm một cách ẩu xị là: “kẻ nào không biết thế nào là tình yêu sẽ không biết thế nào là đau khổ”. Em mỉm cười, gấp sách; chú bé nhìn thấy bìa sặc sỡ chồm qua đòi. Em đưa tay bế và lôi phong chocolate ra:

- Bé tên gì ?

- Sô cô la.

Em bật cười:

- Tên gì ? Nói rồi chị cho.

Chú bé nói giọng ngọng nghịu làm em không nghe rõ, người mẹ tiếp lời:

- Cháu tên Nhương Sao.

Cái tên lạ lùng làm em nhớ đến câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “Hồn sa mạc tựa ngôi đền Nhương Sao”. Chú bé ôm tay em thân thiết. Người mẹ cúi xuống âu yếm:

- Ai đó con?

Chú bé lúc lắc mớ tóc ánh vàng xinh xinh, mẩu chocolate còn dính bên môi trông dễ thương như con mèo uống sữa.

Xe ngừng ở bến xe Đà Nẵng, người đàn bà xách hành lý trao xuống cho người nhà và hỏi em:

- Em về đâu ?

- Thưa Nha Trang ạ!

Là dân Huế, nhưng đôi lúc em vẫn bắt chước những cô bạn nói giọng Bắc cho vui, cũng “âm hưởng Hà Nội” như ai. Người đàn bà tròn mắt:

- Xa vậy mà em dám đi một mình ?

Em mỉm cười không đáp. Em về chứ em đâu có đi, chữ về nghe yêu dấu gấp triệu lần chữ đi dễ ghét. Người đàn bà bảo chú bé:

- Nhương Sao mi chị rồi xuống với bố.

Chú bé chồm lên má em, chắc chocolate bôi lem trên đó. Em ôm chú bé hôn lên mái tóc vàng óng ánh, người đàn bà nhỏ nhẹ:

- Thôi tôi xuống, em đi bình an và vui vẻ nghe.

Em đáp:

- Vâng, cám ơn bà nhiều.

Chú bé toét miệng cười ngô nghê. Chiếc xe lăn bánh tiếp tục con đường dài. Những chỗ ngồi trống rỗng nửa xe trên đã được thay thế. Ở dãy ghế giữa này vắng hoe, em nhấc cái sắc Pan-Am để lên chiếc ghế bên cạnh và duỗi chân thoải mái. Còn những nửa ngày ngồi trên xe.

Mẹ chắc đang mong em gởi thư, mẹ đâu ngờ rằng em đang ở trên con đường dài này và từng phút qua là cảm thấy gần kề thêm chút nữa. Em muốn ngủ một giấc dài, khi thức dậy thấy tấm bảng “thị xã Nha Trang chào mừng quý vị du khách”. Chao ơi, chắc sẽ có những giọt nước mắt mừng vui. Sẽ thấy lại Nha Trang hay Nhà Trắng. Ở đó, cái gì cũng trắng, tinh anh và bệnh hoạn. Nắng trắng, mây trắng và cát trắng, còn biển thì xanh rợn người; đẹp chưa từng thấy ở đâu. Chắc bây giờ phượng đã thắm, hoa vàng đã rực trên những con đường xanh, màu sắc hòa hợp và rực rỡ, có lẽ vì thế mà những dòng sông ở khắp nơi đều chọn biển để trở về.

Em dựa lưng vào thành ghế, nhắm mắt. Tiếng gió ru em ngủ, tiếng lúa rì rào bên tai như lời gọi trở về của những người thân thuộc.

Em đang trở về, có ai biết không?


Hình như chiếc xe chao đi, hình như có tiếng nổ, tất cả đều mơ hồ thoáng qua trong trí tưởng, em cố khép mắt tìm giấc ngủ, có cảm tưởng như tiếng máy chạy rì rào trong phòng lạnh mà em được đưa vào trong những cơn kích ngất. Chắc căn bịnh tim đã trở về sau những ngày mỏi mệt. Em không lo nghĩ thêm gì cả, chắc mẹ, bố và những ai ai đó đang ngồi ngoài phòng đợi, đôi mắt mẹ xót xa, trìu mến, đôi mắt bố an ủi, mến thương. Trong cơn bệnh, em không bị bỏ rơi. Điều đó khiến em mãn nguyện.

Hình như có tiếng gió reo, hình như... em cố ngẩng lên, choáng váng, chỉ kịp thấy một ruộng lúa chín vàng mênh mông và chiếc xe đổ nát. Cả thân thể em phiêu bồng đâu đó, nhẹ nhõm hơn cả khi nằm duỗi người trên mặt biển, thoải mái nghe sóng vỗ về chung quanh...

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG IX

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

CHƯƠNG VII_NGÀY THÁNG NÀO


CHƯƠNG VII


Đã mất hết những tháng ngày xưa cũ

Trên đường bay mỏi cánh chim buồn thiu

Mây có về giữa âm thầm giấc ngủ

Chim hoàng hôn khóc ngất ở trong chiều...

Dòng chữ gởi bạn yêu dấu của Ngâu làm anh cảm động. Ngâu viết cho anh đó có phải không? Đúng rồi, Vũ Phượng Hoàng là tên anh, tên một loài chim. Nhưng không bao giờ là một loài chim quý hiếm. Anh chỉ là chim hoàng hôn, loài chim Karaouan phiền muộn, khắc khoải gọi ngày trong đêm sa mạc. Taha Husein đã viết gì về loài chim đó hở Ngâu? Bạn thân của cô bé lẻ loi, bạn thân của cô đơn cùng cực. Ôi, Karaouan Karaouan... Phượng Hoàng khi còn chờ giông gió thì cũng giống như loài Karaouan bé nhỏ.

Hoàng Ngâu, xỉ vả anh đi, khinh bỉ anh đi, nhưng đừng trốn tránh, đừng im lặng. Anh chỉ nói như thầm nhủ rằng anh yêu Ngâu... Mà thầm nhủ thì mong gì ai nghe hở Hoa Vàng yêu dấu? Anh đã lầm lẫn quá lớn lao khi nói những gì gì với Diễm. Có nhòa có phai không hở Ngâu ? Gội dùm anh đi, xóa dùm anh đi. Chúa ơi, anh đã hành động như một tên cuồng ngông mất trí. Anh bằng lòng đánh đổi hết tất cả để được nhìn tờ thư thân mến của Ngâu, những chữ ngông nghênh nối nhau đùa cợt, vui cười. Đời là giấc mộng lớn hở Ngâu, thế thì những gì xảy ra lâu nay chỉ là những giấc mộng nhỏ, không có một tuần ở Nha Trang, không có một đêm sinh nhật, không có một Trần thị Hoàng Ngâu nào cả trên cõi đời này... Ngâu ơi và Ngâu ơi !

Tại sao Ngâu không nhắc nhở dùm anh rằng anh đã lầm lẫn khi cố tình lôi kéo Diễm vào đời sống? Ngâu có vẻ tán thành và bằng lòng. Ngâu không nhắc nhở, không cản ngăn, không an ủi. Ngâu dửng dưng tất cả mọi chuyện, tất cả mọi điều.

Như tối nay, anh oán ghét Ngâu, thầm nhủ rằng hay mình yêu Diễm cho xong, cô bé dịu dàng ấy sẽ giúp mình lãng quên tất cả. Nhưng trái tim anh không cho phép. Và thật là ấu trĩ khi anh giở trò bốc thăm, lá thứ nhất: Hoàng Diễm, anh giận dữ xé vụn thành chục mảnh. Lá thứ hai cũng Hoàng Diễm... Ngâu ơi em trốn đâu mất biệt. Đừng trốn tránh, anh đáng xa lánh lắm sao? Ngâu, hãy cho anh một hy vọng như ngày nào để anh còn chút gì bám víu, để sống sót sau cuộc chiến. Ngâu là nụ cười, là tin yêu, là ánh sáng. Ngâu ơi và Ngâu ơi !

Ngâu, anh muốn điên lên vì bị dằn vặt. Buổi hành quân khuya anh bước như mơ, tưởng chừng mình là tên lãng tử. Hỏa châu sáng rỡ trên trời soi rõ bóng anh nghênh ngang cao thấp:

Ngựa dừng bên suối vắng 

Người giặt lụa xưa đâu

Trăng đầu non soi sáng

Vóc hạc đã qua cầu

Ngựa dừng bên suối vắng

Ngâm vài câu đường thi

Rượu nồng sao bỗng đắng

Đời trăm năm hề chi...

Bạn anh phải nhắc: cẩn thận chút đi nếu còn muốn về nhà nhìn má... sao không có viên đạn nào vô tình bay lạc. Súng đạn thường vô tình lắm mà. Nhưng rồi anh đã bình an trở về, viết cho Ngâu, bàng hoàng vì cái chết đã buông tha mình, bàng hoàng vì tại sao mình còn sót lại những bồng bột của thời tuổi nhỏ.

Ngâu, đột nhiên thèm những viên Arsenic, đột nhiên thèm bay vù ra khỏi cõi tạm này. Có gì giữ mình đâu và có gì vui đâu để mà lưu luyến Ngâu, tình yêu không phải do van xin hay lòng thương hại. Nhưng thôi, anh bỏ hết tự ái để nói với Ngâu rằng: anh yêu Ngâu”.

Lá thư còn dài nhưng em không thể nào đọc tiếp. Em ôm ngực, trái tim đau nhói lên, lọ Coramine trên bàn học là bạn thân, sẵn sàng giúp em chống lại những cơn kích ngất thường xuyên những khi xúc động. Chúa ơi! Tại sao lại có tờ thư này trong lúc tâm trí em đã trở lại những ngày thanh thản, đã bình an mà chấp nhận tất cả mọi điều. Tờ thư đã làm bàng hoàng sống lại những kỷ niệm xưa nhỏ nhặt. Hình sương bóng khói những đâu đâu bỗng hiện về đầy rẫy. Và em có lỗi gì không khi đã để cho lòng chùng chùng yếu đuối. Hoàng, những bóng ma quá khứ đã ám ảnh chúng ta, hiện tại và tương lai xa ngút. Hãy nói với em đi chị Diễm. Em có tội gì không trong cái luẩn quẩn loanh quanh rối trí? Em đã làm gì và sẽ làm gì ?

Anh Tiên, hãy mắng em dại dột, hãy la em bướng bỉnh. Nhỏ Hoàng Ngâu đã không giữ lời hứa hôm nào. Cho em yếu đuối thêm một lần này nữa. Nhỏ em thân mến của anh đã làm vô số điều dại dột thì bây giờ làm thêm một điều nữa đâu có hề chi hở anh.

Em có thể nói gì với chị Diễm... hôm qua, chị còn khoe em nhận được thư Hoàng, còn ngồi tỉ mỉ đan foulard cho Hoàng, còn kể cho em nghe những ước mơ đơn giản. Chị Diễm, em không còn là cô em nhỏ dại của ai nữa rồi. Em là một thứ yêu ma tàn phá hạnh phúc chị, một trở ngại lớn lao trên đường chị đi.

Hoàng Ngâu, em nhìn mình trong tấm gương soi mặt lớn. Trời ơi, em đó, Trần thị Hoàng Ngâu kiêu hãnh, kênh kênh, ích kỹ... có cái gì đâu mà yêu em, hở Hoàng? hở Kiên? Em đưa tay quẹt những giọt nước mắt ngân ngấn trên mi. Không thèm đè nén cảm xúc của mình, không thèm cắn môi ngạo nghễ, Hoàng Ngâu không là cái gì hết, phải không anh Tiên? Làm sao Hoàng Ngâu có thể ngạo nghễ khi đã phản bội lòng tin của những người thân mến.

Như một phản xạ vô ý thức, em cầm tờ thư Hoàng đọc tiếp: “Những tiếng nổ gần quá, úp chụp xuống đâu đây. Anh bỗng lãng mạn nghĩ rằng ước chi mình chết với bóng hình Hoàng Ngâu ăm ắp, Hoa Vàng yêu dấu xa xôi! Nhưng anh không thể chết, cái chết không khi nào đến với những người hằng mong đợi, anh phải sống.

Hoàng Ngâu, Hoàng Ngâu, Hoàng Ngâu... anh tưởng mình gọi vang tên Ngâu trong đêm sâu thẳm át hẳn tiếng đạn tiếng bom, bay đến một vùng biển xanh cát trắng. Nhưng không, anh chỉ thầm thầm gọi trong tâm trí, anh thử gọi Hoàng Diễm, xa lạ quá, không có cái âm quen thuộc nào nhắc nhở... Thế mà anh đã dại dột đi nói những gì gì... Ngâu, nếu anh chết, thiên hạ sẽ đem lá thư này đến cho Ngâu, Trần thị Hoàng Ngâu, 49 L.Đ.H. Ngâu sẽ nghĩ gì ? Xót thương, tiếc nuối, ngậm ngùi...??

Đừng Ngâu, hãy bắt những giọt lệ mặn lăn giữa tim mình thay vì lăn dài trên má xót xa, Hoàng Ngâu kiêu hãnh chắc cũng hằng tâm niệm điều đó. Hãy can đảm, Ngâu! Quá khứ anh đã lỗi lầm thì hiện tại anh phải nhận lãnh hình phạt và hình phạt hình như đã vượt khỏi mọi tội lỗi xa xăm.

Ngâu, anh nói một lần này nữa... Ngâu cao thượng sẽ khuyên anh yêu Diễm như đã và đang khuyên, nhưng giữa hạnh phúc sẽ là Ngâu, hình bóng Ngâu qua Diễm, chị Diễm của Ngâu có thể nào chịu những hình phạt sỉ nhục như vậy không? Và chị Diễm có lỗi lầm gì để phải hứng nhận những hình phạt ấy ?

Ngâu có thản nhiên khi nhìn những người thân của mình lao đao? Anh biết Ngâu sẽ thản nhiên. Thản nhiên, anh thù hai chữ đó... Ngâu thương quí, hãy trả lời anh đi. Có phải Ngâu sẽ tha thứ, Ngâu sẽ coi đó là một giấc mơ qua. Chúng ta sẽ bắt đầu, tất cả, Vũ Phượng Hoàng sẽ gửi cho cô bé thi sĩ một tờ thư làm quen ngô nghê vụng dại để nôn nao chờ đợi những giòng chữ hồi âm. Ngâu, sẽ làm lại từ đầu, và lần này anh hứa sẽ không lầm lẫn điều gì nữa cả...”

*

Chuyến xe 5 giờ rời thành phố, nhìn quanh ta chỉ một mình. Thôi nha kỷ niệm, ngủ yên và ngủ ngon, những bạn những bè rồi sẽ chỉ là những bóng mây bay, xa mù tít tắp. Khóc đi Hoàng Ngâu, cho một cuộc ra đi không chờ không đợi. Khóc đi Hoàng Ngâu, cho nguôi những thân tình bỗng mất mát, lãng quên. Nước mắt đã chảy ngược về tim rưng rưng buồn bã như tối nào ôm vai mẹ van xin:

- Nghỉ học hai tháng mới thi, mẹ cho Ngâu về dì Nguyện.

- Thôi, thi xong hãy đi, còn có bao ngày.

Em cương quyết:

- Ngâu muốn về đó học, mát mẻ và yên tĩnh. Ở đây, ngột ngạt khó chịu, Ngâu ghét.

Và em dọa:

- Ở đây, Ngâu... thi rớt cho coi.

Mẹ chìu em và ba cũng đồng ý cho em về Huế khoảng thời gian hai tháng, coi như một đền bù để em chịu học ở Đại học Duyên Hải nơi đây. Chị Diễm, Tích Hương, Hạnh Nhân, Ngự Đàn thắc mắc hỏi han, và em không nói rõ lý do. Nói làm gì khi chính em không muốn nhìn rõ vào sự thật, khi chính em cố dỗ trái tim mình bằng những viên thuốc lãng quên. Đừng nói em trốn tránh, chữ quá nặng đó đừng gán cho em...

Buổi tối Kha đến, nghe nói mai em đi Huế, Kha kêu lên:

- Vậy là Hoàng Ngâu cố tình lánh Kha đó nghe.

Em cười (để ngăn mình khỏi khóc):

- Tại sao Ngâu lại tránh Kha đã chứ ?

- Vì Kha không tốt.

- Sao Kha lại không tốt ?

Em vẫn không chừa cái lối hỏi han dai dẳng như... móc họng người khác như thế, Kha nhăn mặt:

- Giả bộ nữa, lâu nay thiên hạ đồn tùm lum về Kha, Hoàng Ngâu vô tình hay cố ý không biết ?

- À, chuyện Kha với mấy người bạn trong ban Holy Heart đó hở ?

- Ừ, thiên hạ đồn tụi Kha... trao đổi bạch phiến với bọn Phi Luật Tân ở Nautique Club. Hoàng Ngâu nghĩ sao ?

Em ôm vai, cười nhỏ:

- Chỉ toàn là đồn đãi với đồn đãi không à.

- Ngâu tin chuyện đó ?

Em lắc đầu:

- Ngâu không tin Kha làm điều đó.

- Tại sao Ngâu lại không tin?

- Vì Kha là bạn Ngâu.

Kha im lặng, em tháo sợi dây cột tóc cầm tay:

- Thiên hạ còn đồn nhiều chuyện gớm ghê hơn nữa là Kha hút đó.

Kha cười:

- Tin không?

- Không, vì Kha đâu có biết hút thuốc.

Kha nhún vai:

- Thiên hạ ác nhỉ, may mà Hoàng Ngâu thông cảm dùm, cám ơn nghe...

- Với lại những người nghiện sợ nước kinh khủng mà chủ nhật nào Ngâu cũng thấy Kha đi tắm biển cả, đó là ba lý do khiến Ngâu không tin.

- Suy ra Ngâu không tin chuyện kia ?

- Ừ.

- Ngâu nghĩ sao ?

- Về cái gì ?

- Những lời đồn.

- Trời ơi, Ngâu đã nói Ngâu bất cần thiên hạ sự. Kha có giống Ngâu đâu ?

Kha nhìn em:

- Bỏ qua chuyện đó, Ngâu hứa là sẽ trở về nghe !

Em gật đầu:

- Ngâu thi và học ở đây cơ mà. Nhưng ghét học ở đây.

Kha nheo mắt chọc:

- Ở đây Ngâu khó lòng chọn lựa, phải không ? Dân Đại Học Nha Trang không ra gì hở ?

Em chu môi:

- Ờ, Kha nói chơi mà đúng quá.

- Nhưng sang năm có một lớp ngon lắm...

- Lớp nào ? Chắc lớp Ngâu.

Kha cười thích thú:

- Không lớp Kha, Lý Hóa hai. Toàn là dân học giỏi, đẹp trai cả...

Em chọc:

- Nhưng không biết Kha có lên nổi Lý Hóa hai không? Năm nay Kha sẽ rớt và sang năm học lại Lý Hóa 1 cơ mà.

Kha kêu lên:

- Trời đất, sao Hoàng Ngâu ăn nói độc địa vậy. Kha rớt sẽ leo lên GMC vào Đồng Đế còn gì.

Em cười:

- Cho đáng kiếp. Ai biểu cả ngày cứ nhảy nhót, đàn hát làm chi.

Rồi Hạnh Nhân nữa, nhỏ chê em yếu đuối, cố tình trốn tránh kỷ niệm, nhỏ nói vu vơ:

- Tưởng Hoàng Ngâu cứng lắm nào ngờ cũng như ai.

Tự ái như bị đè nén, em mím môi cố giữ lòng kiêu hãnh, vẻ ngông nghênh lại riêng mình:

- Sợ gì ta phải trốn và trốn ai ?

- Mi sợ kỷ niệm, kỷ niệm là cái quái gì ?

- Ừ, kỷ niệm là cái quái gì ?

Không là cái quái gì cả nhưng vẫn làm ta bàng hoàng khi nhớ lại. Hoàng Ngâu! Ta có còn là Hoàng Ngâu với những vẻ riêng, dáng riêng gì gì đó nữa đâu, giữa ngàn người ta bị đồng hóa chìm lắng nhỏ nhoi tội nghiệp. Xe ngang qua nhà thờ núi lúc hồi chuông đổ, réo rắc âm vang, nhoài người ra cửa xe nhìn thêm lần nữa: Adieu Nha Trang, Thánh Tâm xưa vẫn còn khép kín đôi mắt, bức tượng trắng đưa tay tiễn cô học trò nhỏ cũng khuất lấp, mù sương...

Sao không khóc đi, Hoàng Ngâu, như ban sáng xách valise chờ xe trước cửa, như buổi tối ôm cây Mandoline dạo khúc Trúc Đào Ca tặng vườn Trúc Đào yêu dấu. Đôi mắt cay cay vì gió lộng và lòng em chùng xuống, dửng dưng. Này thôi hết những thân yêu ràng buộc, mất vai mẹ để tựa đầu kể lể, mất đôi mắt bố thương xót bao dung, không còn vai bạn để tựa đầu ngủ gật trong những đêm lửa trại vui nghiêng trời, lệch đất, hết tiếng đàn của anh Tiên, hết giọng hát dỗ dành, đùa cợt: hãy cứ vui như mọi ngày dầu ngày mai không ai qua đây, hỏi thăm ta một lời... Thành phố biển sẽ quên em, phải không? Tuổi nhỏ thân yêu gởi lại cho Nhà Trắng. Nhà Trắng, Nhà Trắng em gọi cái tên yêu dấu ấy trên môi. Rồi thiên hạ sẽ đâu còn gọi em là cô bé Nhà Trắng nữa. Cái danh xưng dễ thương ấy sẽ phôi phai, sẽ tiềm ẩn giữa những trái tim xưa cũ …

Trần Thị Hoàng Ngâu sẽ không là gì hết, ra đi là mất mát, là lãng quên. Bằng lòng tất cả hở Ngâu, một thời trung học được phố biển ân cần yêu quý, chỉ một thời nào đó rồi sẽ qua đi, một cô bé khác, kiêu kỳ hơn, xinh xắn hơn, ngông nghênh hơn thay thế. Có ai còn nhớ ta không? Bạn bè sẽ bay về những chốn xa xăm, thất lạc hết những tình thân xưa cũ, có bao giờ tìm thấy lại giữa đời này thênh thang.

Em tựa đầu vào thành ghế, khép mắt, bài tình ca quen thuộc âm thầm qua môi: ...Đôi khi ta lắng nghe ta, nghe dòng âm u dội vào đời buốt giá hồn ta ra sao phù du bay về...Còn thấy gì giá mai đây đôi ta còn bạn bè...

Còn bạn bè, đâu có, rồi em sẽ mất hết, từng mẩu tình cảm lâu nay vẫn bỏ quên đâu đó bây giờ cảm thấy cần thiết vô ngần...

Thôi kỷ niệm, ngủ yên đi và ngủ ngoan đi...

*

Căn phòng Ấu Sơn nhường lại cho em là một căn phòng đẹp, trang hoàng bừa bãi một cách dễ thương. Có đàn, có sáo, tranh ảnh và trăm thứ lặt vặt khéo tay mà hướng đạo đã dạy cho chú nhỏ. Sách vở Ấu Sơn được dọn lên gác, hôm mới đến, chú nhỏ nói với em:

- Chị Hoàng Ngâu được hưởng quyền ưu tiên thượng khách.

Chiếc bàn viết của chú nhỏ cũng được em trưng dụng, chú nhỏ cười rất kênh kênh:

- Biết đâu nhờ dựa hơi Ấu Sơn, chị sẽ thi đậu. Ấu Sơn học gồ ghề lắm.

Em cười, khi dọn dùm những món đồ để trên bàn viết, tấm hình em khoanh tay, ngẩng mặt trên ghềnh đá cao chót vót ở Bích Đầm mà Tích Hương chụp hôm nào và dòng chữ... phụ đề Việt ngữ của nhỏ còn ghi rõ nét: Nghinh nghinh vốn sẵn tính trời.

Ấu Sơn xoa hai tay khi em lôi chiếc bình hoa bằng vỏ ốc ra để trên bàn, nheo mắt chọc:

- Có vẻ con gái lắm, nhưng chưa có vẻ gì là... Nhà Trắng.

Em lục tung valise tìm chiếc thuyền kết bằng vỏ sò, ốc và điệp ra:

- Có vẻ Nhà Trắng chưa ?

Chú nhỏ mân mê chiếc thuyền:

- Đẹp, của ai cho chị ?

- Ô, hỏi gì mà chạm tự ái quá chừng chừng, chị làm chứ ai cho ?

- Vậy hở, cho Ấu Sơn.

Em định lắc đầu, đó là món quà duy nhất định gởi Hoàng khi nghe Hoàng nói ở đó không một thứ gì có thể gợi lại Nhà Trắng thân yêu. Những vỏ ốc nhặt ở Đại Lãnh, bãi Thiên Thai, rừng Khuynh Diệp, đồi Tuyệt Vọng và trên biển trong những trưa nắng hanh hao. Nhưng có phải bỏ đi là em đã từ chối một tình thân xa cách, thì còn gì để mà nâng niu gìn giữ những kỷ niệm làm chùng chùng trái tim yếu đuối. Vất bỏ hết đi, nguôi ngoai hết đi, đốt xé hết đi, kỷ niệm là cái quái gì khi nó làm đau lòng ta quá đỗi, những gì làm vướng bận tâm trí, làm ta vùi xóa lòng tự kiêu, tự ái, làm ta chìm lắng mất như hạt cát trong muôn nghìn hạt cát, như giọt nước nhỏ nhoi giữa trùng trùng biển khơi. Em gật đầu không chút ngần ngại:

- Ừ, cho Ấu Sơn đó.

Chú nhỏ cười:

- Mà... Ấu Sơn không thích là cái giỏ rác nghe!

Em kêu lên:

- Chúa ơi! Nghĩ vậy hở, không khéo mà đúng đó.

Ấu Sơn nhíu mày:

- Nhưng Ấu Sơn sẵn lòng làm cái giỏ rác để chị tùy nghi sử dụng... vất bỏ hết những nỗi buồn chán, thất vọng gì gì ở đâu đó.

Em cảm động nhưng cố giấu những cảm xúc của mình với Ấu Sơn 16 tuổi, chỉ là một chú nhỏ thôi, chú nhỏ thì biết cái quái gì về nỗi buồn nỗi đau, sự trốn chạy và hạnh phúc... Ấu Sơn nhỏ quá để em nói được những gì mình ấp ủ trong hồn, còn giấu giếm và thèm một lần bày tỏ với ai ai...

Mà thôi, ta cần gì phải nói, cần gì phải phơi bày những ý nghĩ mình, những phần hồn mình. Để làm gì khi tất cả mọi sự đều không như ý muốn. Có thể gọi đó là định mệnh được chưa. Thế thì em đâu có được cuộc đời ưu đãi như em thường nghĩ và thiên hạ thường nói. Em đã đầu hàng định mệnh, chịu thua và trốn chạy. Rồi đời ai cũng có những ngã rẽ buồn đau. Có quá sức em lắm không khi em ở trong trường hợp chỉ có một con đường duy nhất phải chọn. Không đứng yên, không tiến thêm một bước, chỉ quay lưng và trốn chạy. Rồi tất cả sẽ qua, thời gian xóa mờ bao vết thương, nhưng còn dấu tích? Em không thể bướng bỉnh như lần nào đã bướng với anh Tiên: “dấu tích, dấu tích là cái gì ? Vết hằn nhỏ xíu đâu có làm khuôn mặt dễ thương trở thành xấu xí. Vết sẹo nhỏ biết đâu sẽ là chút duyên thầm...” vì em đã biết, đã cảm nhận rằng một hạt cát nhỏ nhoi cũng vương vướng khó chịu, một hạt bụi cũng làm em rơi nước mắt. Thế thì một dấu tích, dù khiêm tốn nhỏ nhoi cũng sẽ làm ta đau đớn, một phần đời hoặc đời đời không nguôi.

Buổi tối định viết thư về Nha Trang, nhưng khi nghe Ấu Sơn đàn ngoài hiên, em gấp vở ra theo. Nhà dì Nguyện có những cây sứ trắng lêu nghêu cao ốm làm em nhớ đến sân Trúc Đào và những gốc hoa vàng quá đỗi. Nhớ cả những chiếc kén đẹp như mạ vàng, mạ bạc loang loáng ánh trăng nằm chờ ngày hóa bướm. Nhớ căn nhà rộng, nhớ mẹ rưng rưng. Tiếng hát Ấu Sơn lây lất quanh không khí, trầm ấm như lời ru giấc cuối. Hát nữa đi Ấu Sơn: “từng người tình bỏ ta đi như những giòng sông nhỏ, ôi những giòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa...” Hát nữa đi chú nhỏ thân yêu “Đôi khi ta lắng nghe ta, nghe dòng âm u dội vào đời buốt giá, hồn ta ra sao phù du bay về...” Phải đó Ấu Sơn, bây giờ thì chỉ còn ta lắng nghe ta mà thôi... nghe từng hơi thở ấm nồng qua môi nhỏ, nghe từng tiếng nói mà ngày xưa đã được yêu dấu gọi là nhõng nhẽo nhất Nha Trang bây giờ lẻ loi cô đơn hơn hết. Nghe từng tiếng hát muộn phiền thoát ra từ môi khô, chỉ còn lại tiếng ta ru ta rất đỗi ngậm ngùi rất đỗi trìu mến thiết tha...

Ấu Sơn chuyển qua một điệu nhạc khác rộn ràng tươi vui, em nhăn mặt:

- Dở ẹt!

- Chê nữa, Ấu Sơn là tay đàn nổi tiếng của Quốc Học, chị biết gì!

- Không phải chê đàn dở, chê Ấu Sơn chuyển mạch dở ẹt, làm luận chắc ăn dê rô.

Dì Nguyện bước ra, mắng nhẹ:

- Ấu Sơn không để chị Ngâu học gì cả. Về đây dọn thi chớ phải về đây nghỉ hè đâu.

Ấu Sơn nhăn mặt nhìn em, chú nhỏ đùa:

- Có chị Ngâu mẹ hất hủi con ra mặt.

Em cầm cây đàn giúp Ấu Sơn khi chú nhỏ đứng dậy:

- Chị vào nhà nghe, cất dùm luôn.

Em hỏi:

- Đi đâu ?

- Tới nhà bạn.

- Chở đi với.

Chú nhỏ lắc đầu:

- Học đi, đừng làm Sơn bị mắng nữa.

Em theo dì Nguyện vào nhà, ngồi ở bàn học em dì Nguyện hỏi vu vơ những chuyện ở Nha Trang. Dì Nguyện nhắc em uống thuốc làm em nhớ mẹ quay quắt, buổi tối ở đây không dám uống một ly sữa lớn vì sợ Ấu Sơn cười, buổi sáng không có tách sữa thơm chocolate mà chỉ có những món bánh gì gì đó. Hộp sữa mẹ xếp theo valise hôm nọ bị Ấu Sơn bắt gặp em phải chống chế rằng để chị cắm nến học những tối cúp điện.

Em tưởng là mình đã lớn khi xuống phố một mình sắm những món đồ mà ngày ở Nha Trang chỉ vòi mẹ sắm cho, không biết giá nên cứ lơ ngơ mua hớ.

Nhưng những buổi tối như đêm nay, thèm ôm mẹ kể lể, thèm một bàn tay vuốt tóc, thèm những săn sóc mà hồi đó em vẫn từ chối. Mẹ ơi, mẹ ơi! Như vậy em vẫn còn nhỏ lắm, ít nhất là hai người biết điều đó, là em và mẹ. Phải không?

Thôi chắc Trần thị Hoàng Ngâu bướng bỉnh sẽ trở về, sà vào lòng mẹ khóc vùi vì đã trót mải mê theo những đường bay chim lạ. Hoa vàng chỉ rụng êm ái trên một con đường xanh nào đó. Xa con đường, hoa vàng sẽ bay mãi, tản lạc muôn phương và khóc vùi vì không tìm ra đường cũ. Hoàng Ngâu là Hoa Vàng kiêu sa nhưng lẻ loi tội nghiệp biết chừng nào khi bơ vơ trong những môi trường xa lạ.

*

- Cô bé trông xinh tệ !

Em cúi xuống để giấu nụ cười, xinh và tệ, hiểu theo một cái nghĩa rất... Hoàng Ngâu như thế để cười cho vui

- Có vẻ như là một người lạ nào đến đây, phải không?

Em không trả lời và cũng không nhìn người đối diện. Trông hắn ra sao nhỉ? Em tò mò nhưng không ngước lên. Buổi chiều tắt nắng ra đây học, công viên xác xơ ngay trước mặt nhà mà Ấu Sơn đã gọi một cách thơ mộng là công viên Hoàng Hôn, chú nhỏ nói rằng rất mê nhìn bóng mặt trời rơi qua những tàn cây, em cũng đã nhìn, thấy thua xa lắc xa lơ buổi chiều trong rừng Khuynh Diệp ngắm mặt trời đỏ rực chìm dần qua lá nhỏ đan nhau. Bất cứ cái gì Ấu Sơn yêu thích đều bị em chê sát đất. Chú nhỏ hận lắm, bĩu môi chanh chua:

- Làm như chị là dân Nha Trang chính cống.

Cái bóng đứng án trước mặt làm tối trang vở bỗng dạt qua một bên, cũng giọng nói cũ vang lên:

- Ai lạ đến thành phố này tôi đều biết!

Em lật qua trang khác, vờ như không nghe.

- Sự bất quá tam, thôi từ giã cô bé.

Chợt thấy như có bóng bước đi và tiếng chân dời chỗ, em bỗng gấp quyển vở gọi lớn lên:

- Ê...

Và ngước lên – Hắn, ô, phải gọi là ông ta chứ – ông ta vẫn còn đứng đó trong cái tư thế nghênh ngang:

- Tưởng rằng tượng đá không biết nói ?

- Tôi giống tượng đá lắm sao ?

Ông ta gật đầu:

- Kha khá giống vì lá rơi trên vai mà không thèm nhặt.

Em đưa tay lên vai, hất ngọn lá vàng.

- Cô bé từ đâu tới ? Đà Lạt, Sàigòn, Nha Trang...

Em cười:

- Ông nghĩ là từ đâu ?

Ông ta đáp không ngại ngần:

- Đà Lạt.

- Sao thế ?

- Vì cô bé da trắng, má hồng, môi đỏ.

Em đưa tay lên má hây hây nóng vì những giọt nắng chiều rơi lại, nắng ở đây làm khô úa môi thế mà ông ta lại cho rằng ngộ nghĩnh.

- Sao, đúng không?

- Không, ở một nơi ngược với Đà Lạt, bên rừng bên biển...

Ông ta reo lên:

- Nha Trang, sao bỏ đó về đây ngược ngạo, mùa hè mà!

- Thích như thế!

Ông ta ngồi xuống gốc cây bên cạnh, hỏi:

- Học bài gì đó ?

- Học thi.

- Giỏi quá!

Em hơi bực mình, cúi xuống với bài học mình:

- Thôi ông đi chơi cho tôi học.

- Đuổi hở ?

Em mím môi:

- Không dám đuổi, mời đi thôi.

Ông ta đứng lên:

- Mời thì đi, đuổi thì ở lại, cám ơn đã cho tôi những phút vui.

- Không có chi, chào ông!

Ông ta lắc đầu:

- Nói như đuổi vậy mà bảo mời. Chào cô nhỏ !

Ông ta hạ em xuống một bậc nữa, từ cô bé xuống em nhỏ. Tưởng nói chuyện vài phút vậy là thân quen rồi sao. Em không trả lời …

- À, tên em nhỏ ?

- Hoa Vàng.

Người đàn ông cười vui thú:

- Thế thì tôi là Lá Tím. Dễ thương ghê, thôi tôi đi để em nhỏ học bài nghe.

Em gật đầu, Lá Tím... Làm quái gì có một thứ lá nào màu tím, chắc ông ta diễn nôm từ Tử Diệp, sao không là Lá Chết nghe âu sầu buồn bã hơn? Em nghĩ lan man về cái tên kỳ dị. Ừ chắc ông ta cao ngạo đòi làm một thứ Lá Tím kiêu sa trong tiệm Kim Hoàn chứ không thèm là một thứ lá úa chết dẵm dưới chân ai. Còn em, ông ta có biết em là Hoàng Ngâu không nhỉ? Chắc là không, có thâm nho lắm ông ta cũng chỉ dịch là Hoàng Hoa thôi. Vì Hoa Ngâu Vàng đâu có trong thành phố này, thành phố cổ kính chỉ toàn là hoa Sầu Đông phơn phớt tím hương bay nhẹ nhàng trong đêm, đâu có loài hoa kiêu sa mà không thoáng một chút hương nồng. Thôi, em là Hoàng Ngâu; chỉ tung phấn hương ở một nơi nào khác. Ở đây phố lạ người xa, thì hỡi em tội nghiệp đừng nhắc đến một kỷ niệm nào trót đã chìm giữa tiềm thức tối tăm.

Em đứng lên, mặt trời khuất sau dáng núi. Nhà đã lên đèn; trên căn gác nhỏ, Ấu Sơn rọi đèn pin đánh Morse cho em “Hoa Vàng về gấp!”. Ô, chú nhỏ tinh nghịch, ôm sách vở em chạy về nhà, sỏi đau đau dưới chân.

*

Ấu Sơn đi chơi về, thấy em ngồi học bên cửa sổ, chú nhỏ dựng xe cười mỉm:

- A, chị Hoàng Ngâu danh tiếng lẫy lừng kinh khủng.

Em ngạc nhiên ngẩng lên:

- Cái gì, tán chị đó hở ?

- Không, Sơn đâu dám hỗn với... người khác.

Em bĩu môi:

- Vòng vo tam quốc mãi. Nói lẹ lên cho tui học.

Ấu Sơn kêu lên:

- Ghê gớm ơi là ghê gớm, sợ nói ra điều này chị không học được nữa đó chớ.

Em lắc đầu, đùa:

- Không bất cứ gì làm ta vui, không bất cứ gì làm ta buồn, dửng dưng vô cảm lâu rồi.

- Nhưng điều này làm chị cảm động khóc ngất được.

Em dậm chân:

- Trời đất ơi, em út gì mà ác đức. Nói đi!

Ấu Sơn ngồi xuống chiếc ghế cạnh đó, chú nhỏ vẫn từ tốn một cách thản nhiên chọc tức, đưa cái gói nhỏ ra trước mặt, cười:

- Đố chị cái gì ?

- Không biết.

- Không biết mới đố, đoán đi, cái này là món ruột của chị.

Em hơi háo hức:

- Ăn được không?

- Còn tùy, nhưng chắc được.

- Ô mai ?

- Sai.

- Kẹo đỏ ?

- Trật lất, chị tham ăn quá trời.

Em chán nản:

- Không thèm đoán nữa, mà cái đó của Sơn hay của ai ?

- Của ông bạn.

- Cái gì mà quái đản vậy ? Ông bạn nào ?

- Bạn lớn của Sơn, bạn mới của chị.

Em lắc đầu:

- Ở đây, chị không có ai là bạn cả.

Ấu Sơn tròn mắt:

- Đùa, vất Trần Tử Diệp vào cái xó nào rồi.

A, Trần Tử Diệp, tức là Lá Tím một chiều nào trong công viên Hoàng Hôn, nhưng sao Ấu Sơn biết, chú nhỏ giao thiệp rộng ghê. Em cười:

- Ừ, quên mất. Nhưng ông ta đâu phải là bạn chị.

- Chứ là gì ?

- Một người lạ “người cũng chỉ như muôn ngàn kẻ khác”.

- Thế thôi à ?

- Ừ, tóm lại ông ta không là cái chi chi của chị cả.

Ấu Sơn không tin mấy, chú nhỏ tròn mắt:

- Thế sao ổng hỏi Hoa Vàng?

- Chị nói.

Ấu Sơn kêu lên:

- Như vậy tức là quen rồi đó chị Ngâu ơi.

- Thôi quen cũng được. Rồi ông ta gởi cái gì vậy ?

Ấu Sơn đưa cho em:

- Không biết, chị mở ra coi, hy vọng Ấu Sơn có phần trong đó.

Em cầm lấy, chiếc hộp nhẹ hẫng như không có gì.

- Đừng cảm động quá nghe chị Ngâu.

Em cười, mở ra thấy một chiếc xương lá mỏng manh như tơ nhện có ẩn chữ Hoa Vàng thật đẹp. Đưa Ấu Sơn coi, em nói:

- Nhỏ không có phần rồi, hận không?

Ấu Sơn nhún vai:

- Không chút nào, lại càng mừng vì có bà chị ngon lành hơn ai.

Em chồm qua cốc đầu Ấu Sơn:

- Gì mà ngon lành, nói nghe dễ sợ.

- Thật mà, ổng “tàn khốc” lắm, mad hạng nặng đó nghe. Mấy cô nhỏ ở đây mến phục và cũng ngán ổng lắm.

Em mỉm cười định đọc câu triết lý lẩm cẩm cho Ấu Sơn nghe nhưng không có hứng. Ô, mad gặp mad hai cái cụng nhau sẽ cùng dội ra hay cùng vỡ nát, nào có ăn thua gì. Em đùa:

- Ừ, để chị xẻo trái tim của ông ta ném xuống cửa Thuận An cho thiên hạ nguôi hận nhé!

Ấu Sơn vươn vai:

- Cám ơn chị trước, ở đây không ai trị được ổng, gàn gàn bướng bướng dễ sợ.

Em cũng thấy vui vui trong trò đùa mới:

- Chị bỏ Nha Trang về đây trị ổng nghe.

Ấu Sơn tròn mắt:

- Hứa đi.

Em lắc đầu. Ô chẳng bao giờ em bỏ được Nha Trang, chỉ một tháng xa mà quay quắt nhớ điên cuồng mong. Mẹ ơi! Nói với em rằng em đã lầm lẫn lớn khi cố tình trốn chạy. Có ích gì đâu khi bỏ đi mà lòng vẫn mang mang tiếc nuối; từ một phương mà bùi ngùi nhớ một phương. Ấu Sơn vào nhà trong, em bỏ bàn học chạy ra vườn. Nắng rơi rớt bên kia hàng cây. Chắc giờ này mẹ đang làm cơm, bố đang đọc báo và chị Diễm quanh quẩn đâu đó trong nhà. Tích Hương, Ngự Đàn, Hạnh Nhân đang bận bịu với những bài vở. Chỉ có em lơ ngơ chẳng làm việc gì xong cả. Bài vở còn đầy trên bàn và trí óc thì trống rỗng. Năm thi của em phải không? Sao em chẳng hề quan tâm đến. Em hái một đóa hồng trắng để thay thế cành Ngọc Anh vừa héo trên bàn học, bỗng dưng nhớ Hoàng mang mang, Hoàng đang làm gì đó? Ô cái xứ bùn lầy quanh năm có thể nào Hoàng ngờ rằng em đã bỏ xa thành phố cũ, thành phố có những thân yêu ràng buộc đời đời kiếp kiếp. Hoàng sẽ không bao giờ ngờ điều ấy có phải thế không?

_______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VIII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>