Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Nỗi Nhớ Xuôi Dòng













Khi những chiều hôm lắng bùi ngùi
Cây ôm lá xếp giấc đầy vơi
Hồn theo bầy én bay xa mãi
Nghe hết hồn nhiên mắt trong rồi

Thành cũ đường xanh lá bao ngày
Nửa chừng tóc xõa ở lưng vai
Cho bao nhiêu bướm vời ngơ ngẩn
Mây vẫn vô tình một đời bay

Có những con đường gánh bụi xe
Giam mãi đời nhau mỗi khi về
Hôm nao mưa gió vờ se sẽ
Một chút lời ho gửi nhau nghe

Trong những buổi chiều nắng ngút hơi
Nửa hồn tha thẩn lạc phương trời
Một đời cặp vở trên những ngón
Còn thắm lời ca buổi xanh thời

Con sáo đời ta bỗng ngất ngơ
Thương sợi tóc bung rối hững hờ
Tuần lễ bảy ngày thay nhau tới
Chúa nhật rồi qua giữa cuộc chờ

Dù ngẫu nhiên lá rớt thật thà
Theo kẻ về trong cát bụi xa
Thì vẫn chênh vênh trong mắt nhớ
Xe đạp dừng mau trước hiên nhà

Để mỗi sương về bọc hoàng hôn
Thấm sợi tóc non ướt cây hồn
Cao hơn những nóc nhà chim đậu
Thấy đỉnh cây chiều khói mênh mông

Là mỗi khi trăm chiếc lá xanh
Xếp lại dùm ta ngủ trên cành
Gió có về song chừng rất vội
Đưa loài dơi tối lượn chao lanh

Chút khoảng nhớ riêng mới lên mầu
Giữa trời mây trắng ngất trăng sao
Hồn chim nho nhỏ về lối cũ
Nghe rất mặn dầy ở môi khâu.

                                HẢI YẾN LINH THY

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 173, ra ngày 15-3-1972)

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Một Thời Lưu Luyến


(Cho những chiều ở Hoàng Diệu)

Chiều nghiêng nắng nhạt khi tan học
Áo trắng tung bay ngập cổng trường
Lả lơi bên nón : xanh bờ tóc
Và trong biêng biếc : mắt tơ vương!

Nhởn nhơ, lũ lượt... như đàn bướm
Từng lớp người đi ôi thướt tha
Áo trắng trinh nguyên còn bay lượn
Tuổi học sinh còn đẹp gấm hoa

Bước chân khua nhẹ trên mặt sỏi
Cười nói huyên thuyên tựa hội hè
Đường không cây lá nên trơ trọi
Nhưng áo trắng hiền vẫn ấp e...

Đếm chuỗi thời gian bằng cung nhạc
Êm êm, khe khẽ... thổi qua hồn
Bài thơ mộng mị đem ru hát
Áo trắng hồn nhiên chưa cô đơn

Nghe như tuổi ngọc cao vời vợi
Nếu lỡ mai này gió cuốn đi
Kỷ niệm đôi lần xin nhớ tới
Ta cùng ca lại khúc sầu bi...

                                   TẠ LỆ VÂN

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 31, ra ngày 26-3-1972)

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Tiếng Thét Kinh Hoàng


Đứng xoạc chân giữa sân mé sau nhà, mình trần để lộ một thân hình nở nang, Hoàng chăm chú bửa củi trong dáng điệu vui vẻ. Nụ cười thắm đôi môi, nét mặt Hoàng tươi sáng hơn cả ánh bình minh đang le lói phía chân trời. Cứ mỗi lần Hoàng giơ cao búa lên, bổ mạnh xuống, những bắp thịt trong đôi cánh tay rắn chắc lại nổi lên cuồn cuộn như cái sức sống tươi trẻ được ấp ủ trong người Hoàng bị dồn ép quá mạnh muốn tung ra ngoài vậy.

Bửa xong một mớ củi khá nhiều, Hoàng quăng búa, ngồi nghỉ, để tai lắng nghe tiếng chim ríu rít ca hót trên các tàng cây rậm lá, nhạc khúc quen thuộc mà Hoàng rất thích yêu. Một con chim trao trảo bay đáp trên nhánh cam la đà gần đấy, kêu lên, giọng ròn rã như những tiếng cười. Nghe Hoàng huýt gió, nó ngơ ngác nhìn quanh rồi vụt bay đi.

Sáng nào Hoàng cũng tự tìm một công việc hoạt động như thế, nếu không bửa củi thì lại xách nước tưới rau cải, kiểng hoa. Hoàng cho đó là cách tập thể dục hay nhất: vừa luyện sức khỏe, vừa thâu lượm được kết quả tốt của công việc mình làm. Ngoài ra cũng bởi tính Hoàng ưa làm việc. Tuy con nhà khá giả nhưng những lúc rảnh rang, Hoàng luôn tìm cách giúp đỡ ba má.

- Anh Hoàng giỏi quá ta!

- Chớ đâu phải như con!

Nghe tiếng Dũng và má sau lưng, Hoàng quay lại mỉm cười:

- Má đừng chê nó, nó làm nhiều việc cũng hay lắm chứ!

Dũng nhìn anh, cám ơn bằng ánh mắt, rồi hỏi:

- Hôm qua anh nói sáng nay anh đi tranh giải điền kinh thiếu niên do nhà trường tổ chức, sao tới bây giờ vẫn chưa đi?

- Còn sớm chán.

- Coi vậy chứ không sớm lắm đâu.

Thực vậy, ở vùng xa châu thành, lẩn khuất trong những đám cây xanh mát nầy, trời tối rất mau mà sáng cũng rất trễ. Mặt trời đã lên, nhưng ngày vẫn còn dật dựa, cố rúc mãi trong bóng đêm đến lúc thức hẳn lại lặng lẽ mơ màng, cảnh vật lúc nào cũng như muốn thiếp ngủ.

Nghe Dũng nói, má bảo Hoàng:

- Thôi con sửa soạn đi, để củi thằng Dũng ôm vô nhà.

- Để con bửa thêm vài khúc nữa. Nhà bếp hết củi rồi má ạ.

- Bao nhiêu đây cũng đủ nấu nướng vài hôm, nghỉ đi con. À này, có thi thố gì cũng phải lượng sức nghe. Đừng rán quá không nên.

- Dạ.

Dũng hỏi:

- Anh dự tranh môn nào?

- Môn nhảy cao.

- Được đa, em chắc thế nào anh cũng đoạt giải. Mấy cây kiểng cao trước nhà anh nhảy qua như chơi mà.

Má xen vào:

- Chưa chắc, ở nhà cho thế là hay, nhưng ra ngoài còn gặp biết bao người hay hơn nữa. Má khuyên Hoàng dự thi chỉ để xem tài sức mình tới đâu thôi, chớ quá mong đến sự đoạt giải, khi thất bại lại buồn nhiều.

*

Hoàng tắm rửa xong, chải đầu, mặc nhanh chiếc quần "sọt" và chiếc áo sơ mi tay ngắn, mang vội đôi giày bố, rồi thưa ba má, đi ngay. Hoàng phải gấp rút vì đã đến giờ cuộc tranh giải bắt đầu mà mình hãy còn ở đây.

Con đường trải đá nằm dài trước cổng nhà chờ đón. Hoàng ra đến thót lên xe, đạp nhanh vào châu thành.

Gần đến biệt thự Thanh Mai, Hoàng cho xe chậm lại, để khi lướt qua liếc nhìn vào. Thấy cửa biệt thự đóng kín, Hoàng lẩm bẩm:

- Chắc mọi người đi khỏi. Châu cũng đi trước mình rồi đa.

Châu là con cả của ông Thanh, chủ nhân của biệt thự nầy. Hoàng không quen với anh, bởi học khác lớp, nhưng hai người biết nhau vì vẫn luôn gặp và nghe tiếng lẫn nhau. Cả hai đều là học trò giỏi, và cũng xuất sắc về môn nhảy cao. Hoàng nghe đâu trong kỳ đại hội điền kinh thiếu niên nầy, Châu cũng có ghi tên dự thi môn thể thao mình đắc ý ấy.

Hoàng sắp sửa nhấn mạnh bàn đạp, bỗng nghe một tiếng kêu thét mơ hồ từ biệt thự vọng ra, giọng của một đứa trẻ. Tiếng thét dồn dập kéo dài làm Hoàng chú ý. Một đứa trẻ bị đòn? Chắc chắn không phải, vì đây không là tiếng khóc ré, mà đúng là tiếng thét, một tiếng thét kinh hoàng, chứa đựng cả một sự sợ hãi ghê gớm. Hoàng lấy làm lạ: Rõ ràng mình trông thấy cửa tòa nhà đóng kín, sao lại có tiếng người? Hoàng thắng xe dừng lại, lắng tai nghe. Tiếng kêu thét vừa im bặt lại vang lên nữa:

- Ô ô ô ô... A a a a...

Nó như réo gọi sự cứu giúp của Hoàng. Một đứa trẻ sắp bị chết đuối, phỏng lửa, hay bị rắn cắn?

Hoàng muốn trở lại tìm hiểu nguyên do, nhưng đã đi trễ bây giờ còn quay lại thì kể như bỏ cuộc tranh giải mà Hoàng có rất nhiều hy vọng đoạt được chiếc cúp lộng lẫy với chức vô địch nhảy cao.

Song nghĩ kỹ, Hoàng thấy đó chỉ là một phần thưởng nhỏ đâu quí bằng sinh mạng người, nên sau cùng nhứt quyết quành xe trở lại.

Tiếng kêu thét quả xuất phát từ trong biệt thự. Hoàng dựng xe ở một thân cây núp bên đường, tìm lối vào. Nhưng cửa rào sắt cao ngất khóa kín. Hoàng ngó quanh quất. Chỉ còn cách nhảy qua hàng rào dâm bụt kia thôi. Mé sau biệt thự chắc có ngõ vào nhưng Hoàng đâu có thì giờ để đi tìm khi bên trong vừa nổi lên những tiếng kêu lạc giọng:

- Ba ơi... má ơi... cứu hai con!

Hoàng lùi ra lộ lấy trớn. Rào khá cao, nhưng cứ thử xem nào.

Hoàng chạy tới gần sát hàng rào, phóng vụt qua. Hai chân Hoàng co lại, cả người nghiêng đảo về bên trái, lướt trên ngọn dâm bụt... vượt khỏi! Rớt vào trong, Hoàng không kịp nghỉ, đi nhanh về phía tòa nhà. Cửa cái đóng kín, Hoàng bước qua bên hông, nơi có tiếng gọi thất thanh, và bắt gặp một cậu bé đứng bên trong cửa sổ, hai tay bấu song sắt, úp mặt vào song gào to:

- Ba ơi, má ơi!...

Thấy Hoàng, cậu mừng rỡ kêu lên:

- Anh ơi, anh cứu giùm chị Nga em với.

Hoàng chạy lại.

- Việc gì thế?

- Chú Mốc nổi khùng vác dao rượt em với chị Nga.

- Chị Nga em đâu?

- Đang bị rượt trên lầu.

- Còn ba má?

- Đi khỏi.

- Mở cửa tôi vô xem sao?

- Má khóa hết rồi.

- Chết chưa! Làm sao?... Thôi rán chống cự hay núp vào nơi nào ấy. Tôi đi tìm coi có chỗ nào vô được không...

- Dạ!

Cậu bé biến vào trong. Hoàng bảo thầm:

- Thằng nhỏ bình tĩnh khôn ngoan lạ!

Hoàng đi gần hết một vòng quanh nhà, từ bên mặt lần qua bên trái, nhìn tứ phía vẫn không thấy một lối nào vào trong được. Có tiếng đổ vỡ trên lầu, Hoàng thấy nóng ruột: Chậm trễ thế nầy chị em thằng bé nguy mất. Hoàng trở ra mé trước, càng gần khởi điểm lòng càng thất vọng.

Chợt Hoàng chú ý đến cây phượng vĩ đứng nghiêng bên góc trái mé trước biệt thự. Có một nhánh phượng khá lớn de vào sân thượng, như một cánh tay cố vói lấy bao lơn, nhưng vẫn còn cách xa một khoảng ngắn. Có lẽ trước kia nhánh đó chạm hẳn vào tòa nhà, rồi bị cưa đi một đoạn.

Hoàng chạy ra xa, nhìn lên thấy cửa ra sân thượng mở rộng liền quay lại gốc phượng, cởi giày leo lên, lần sang nhánh phượng đưa thẳng vào tòa nhà. Một làn gió lướt qua, nhánh phượng đong đưa ngàn lá xạc xào run rẩy. Hoàng vẫn tiến ra ngoài chót nhánh không mảy may khiếp sợ. Hoàng đã quen nhiều với công việc leo trèo nầy.

Không mấy chốc, Hoàng tới chót nhánh. Nhờ nhánh dài bị cưa đi, nên tuy là đầu chót, thân nhánh hãy còn to và cứng chắc.

Khoảng cách giữa Hoàng với ngôi nhà không bao xa, nhưng rất khó phóng qua bên ấy, vì không như dưới đất có thể lấy trớn được, trên nầy Hoàng phải đứng một chỗ mà nhảy, nhảy không khéo tán mạng ngay.

Hoàng cố trấn tĩnh, từ từ đứng lên, rồi thình lình nhoài người qua ôm chặt lấy bao lơn, rút người lên quăng mình vào sân thượng.

Bây giờ đã vào được trong nhà, Hoàng mới chợt nhớ ra mình chưa nghĩ trước phải làm thế nào chống cự với gã điên. "Chú Mốc" hẳn là một người cao lớn, lại có trong tay con dao nữa, Hoàng đâu đủ sức đàn áp chú. Mà khi đối địch, nhất định Hoàng phải nắm chắc phần thắng, vì có như thế mới mong cứu hai chị em đứa bé kia được.

- Khó thật! Nhưng đã quyết lòng vào đây, giờ trở ra hay sao? Hay là... à à... phải rồi, chỉ còn cách ấy.

Hoàng nghĩ thầm, đoạn bước vào lầu. Lầu vắng, chỉ thấy bàn ghế xô lệch. Đồng thời có tiếng la hét bên dưới. Hoàng đoán chừng gã Mốc đã rượt cô bé chạy xuống đấy rồi. Hoàng nhìn quanh, không thấy vật gì khả dĩ làm khí giới được, liền nhấc đại chiếc ghế đẩu, vội vàng tìm đến cầu thang. Vừa khi ấy, một cô bé từ dưới chạy lên. Thấy Hoàng, cô dừng lại tròn mắt ngạc nhiên.

- Tôi được một cậu bé trong nhà nầy kêu cứu nên vào đây. Có chuyện gì chăng?

Nghe Hoàng nói, cô bé lộ vẻ mừng rỡ:

- Anh theo em đi!

Và quay trở xuống, Hoàng chạy theo. Tiếng chân nện lên cầu thang vang rầm rầm. Xuống tới dưới tiếng la hét nghe rõ lắm. Hoàng bảo cô bé bước thật nhẹ, và giơ cao ghế sẵn sàng bổ xuống. Hoàng định len lén đến sau lưng gã điên, thình lình cho lên đầu gã cả chiếc ghế. Phải cố đánh cho mạnh mới mong gã bất tỉnh được.

Cô bé vừa dẫn Hoàng sang phòng khách thì đụng ngay cậu em chạy vụt ra.

- Ái! Ối!


Hai chị em chạm nhau ngã lăn ra gạch. Hoàng nhảy lại toan đỡ, bỗng thấy một bóng đen nhỏ bé, cũng từ phòng khách, cầm dao sáng loáng xông đến. Hoàng vội vã hươi ghế đập vào đầu bóng đen ấy.

- Bốp!... Chét, khẹt khẹt!

Con dao văng ra đánh xoảng, bóng đen ngã vật xuống nằm im. Hai đứa bé lồm cồm ngồi dậy, vừa xoa trán vừa reo:

- A! Chú Mốc nhào rồi!

Hoàng xem kỹ lại, rồi ngạc nhiên hỏi:

- Chú Mốc nào đâu?

- Đó anh.

- Con khỉ? Sao gọi chú Mốc?

- Tại tụi em đặt tên gọi mãi thành quen miệng.

- À ra thế!... Con khỉ nầy ở nhà nuôi? Sao không xiềng để nó rượt hai em vậy?

- Dạ, có xiềng đàng hoàng chứ, tại chú nổi điên nên bứt xiềng xách dao chém tụi em đó.

- Giống nầy rất nhanh nhẹn, hai em chống cự dằng dai được cho tôi đủ thì giờ tìm nơi vô nhà, thật hay lắm!

- À, nhờ có sợi dây xích còn ở cổ chú bị vướng luôn, với lại hễ em bị rượt quá nguy thì thằng Ngọc chọc cho chú giận quay lại rượt nó đặng em nghỉ mệt...

Hoàng gật gù thầm khen hai đứa bé, rồi hỏi:

- Hai em sao bị nhốt trong nầy? Ba má đâu?

Cô bé trả lời:

- Ba đi thăm ai đó. Má đi chợ. Anh Châu em đi vào trường. Thím Tư về quê hôm qua. Nhà không còn ai hết nên má nhốt tụi em trong nầy, vì sợ tụi em chạy bậy té mương. Còn anh, anh làm sao biết vô cứu tụi em?

Cậu em đáp thay Hoàng:

- Em kêu ảnh đấy chứ.

- Ngọc không cho chị hay làm lúc lên lầu kiếm khúc cây gặp ảnh, chị...

Bé Ngọc cầm tay Hoàng:

- Anh tài quá! Nhà anh ở đâu?

Hoàng mỉm cười:

- Nhà tôi ở xa lắm. Thôi tôi về nhé!

- Cửa đóng hết rồi. Ở chơi, đợi ba má em mà anh.

- Tôi ra bằng chỗ vào lúc nãy cũng được.

- Nhứt định hổng cho anh về.

Hoàng bật cười:

- Thôi thì ở. Nhưng hai người hãy đem con khỉ, ấy quên đem chú Mốc xuống nhà dưới, và rửa tay rửa mặt đi chứ!

- Còn anh ra phòng khách ngồi chơi nghen.

Đợi hai chị em khệ nệ khiêng con vật đi khuất, Hoàng vội trở lên lầu, bước ra sân thượng. Rồi như một con sóc, Hoàng nhẹ nhàng leo lên bao lơn, phóng mình sang nhánh phượng, lần xuống đất.

Đặt chân trên mặt cát, Hoàng thở phào nhẹ nhõm. Mặt trời đã lên cao, không gian chói lọi nắng vàng. Đã trưa, Hoàng đành bỏ cuộc tranh giải điền kinh vậy. Hoàng chỉ hơi tiếc mà không buồn, vì trong lòng đã có một niềm vui hiện đến an ủi.

Hoàng mang giày xong, nhìn ra lộ. Cổng nhà đã mở tự lúc nào. Bên vệ đường, một chiếc xe nhà nằm chễm chệ. Hoàng bảo thầm:

- Chủ nhân đã về kia. Mình gặp  họ thế nào cũng "bị" cám ơn thêm rộn ràng. Chi bằng kiếm ngõ khác đi ra cho xong.

Hoàng toan bước đi, bỗng một giọng nói gắt gỏng vang lên:

- Đứng lại!

Hoàng giật mình quay lại. Một người đàn ông núp sau chậu bông to lớn trước nhà bước ra:

- Lại đây!

Hoàng bước tới:

- Thưa ông, việc chi ạ?

- Đừng giả vờ. Cậu tính leo lên lầu ăn cắp cái gì?

Hoàng ngả người ra sau, miệng há hốc, mắt mở to. Lần đầu tiên Hoàng nghe một người hỏi mình câu đó. Mặt Hoàng nóng bừng:

- Ông nói chi lạ vậy?

Không đáp câu hỏi, người đàn ông cười mỉa mai:

- Chà, trông sáng sủa sạch sẽ thế mà cũng đi ăn trộm được à?

- Xin ông chớ vội hiểu lầm, để tôi nói rõ nguyên do...

- Thôi im, tôi biết, cậu leo lên bắt chim chứ gì?

Hoàng tức mình hết sức. Thật là "làm ơn mắc oán".

- Việc chi đó ba? Ồ, anh Hoàng!

Châu vừa về đến, tay anh ôm một chiếc cúp to.

- Con cũng quen với thằng ăn trộm nầy nữa sao?

- Ủa, ba nói chi?

- Ba vừa về tới nhà, ở ngoài đường trông vào thấy thằng nầy từ trên lầu leo xuống. Ba đoán chắc nó định lên ăn trộm, chừng thấy ba về nó lật đật trở xuống.

- Có lý nào như vậy. Con nghe anh Hoàng là con nhà gia giáo khá giả mà ba.

- Không ăn trộm chứ lên đó làm chi, và lúc thấy ba sao lại lẩn tránh?

Vừa khi ấy có tiếng reo trên lầu. Ba người ngước lên. Trên kia hai đứa trẻ đứng dựa bao lơn nhìn xuống. Ngọc chỉ Hoàng, la lên:

- Anh trốn tụi em hén!

Nga nũng nịu:

- Ba ơi, chú Mốc nổi khùng bứt xích xách dao rượt hai con may nhờ anh đứng bên ba đó vào cứu, không thì...

Ông Thanh, người đàn ông chợt hiểu, vỗ vai Hoàng:

- Bậy quá! Tôi vội nghĩ quấy cho em. Xin em tha lỗi cho.

Hoàng thấy phiền giận tiêu tan trước nét mặt thẹn thùa của ông. Hoàng mỉm cười, nhỏ nhẹ:

- Dạ không có chi, chỉ tại ông hiểu lầm... Giờ xin ông cho cháu về.

- Ấy, vô nhà chơi tí đã.

Ông Thanh vội lấy chìa khóa riêng mở cửa để Châu kéo Hoàng vào nhà.

*

Nghe xong câu chuyện "mạo hiểm" của Hoàng, Châu đem chiếc cúp bạc mới đoạt được, để trước mặt người bạn mới và nói:

- So chiều cao tôi lập được để đoạt giải với chiều cao hàng rào anh nhảy qua, tôi thật không xứng đáng với chức vô địch chút nào vì thế tôi xin nhường lại anh chiếc cúp...


Thấy Hoàng toan từ chối, Châu tiếp:

- Không phải tôi muốn đền ơn anh cứu em tôi, tôi nhường đây vì nghĩ tài mình còn non kém, thế thôi.

Ông Thanh cũng phụ với con nài ép:

- Cháu phải nhận mới đúng, vì nếu không mắc vụ nầy cháu đã tới kịp để đoạt giải rồi.

Nhưng Hoàng một mực từ chối.

Giữa lúc ấy, có tiếng cười nói ngoài sân. Châu bước ra:

- Ồ! Thưa thầy, chào các bạn.

Có tiếng hỏi:

- Ba má em có ở nhà không?

- Dạ có, ba em đang ở phòng khách. Mời thầy và các bạn vào nhà.

Mấy người khách bước vào. Hoàng nhận ra giáo sư Hùng tay ôm một đôi giầy, và một nhóm học sinh bạn Châu. Sau khi chào hỏi an vị xong, giáo sư Hùng nói với ông Thanh:

- Thưa ông, tôi là giáo viên thể dục của trường Nguyễn Đình Chiểu. Qua đại hội điền kinh ban sáng, tôi rất mến tài nhảy cao của em Châu nên nhờ các bạn em dẫn đến đây tặng thêm em một phần thưởng nhỏ của riêng tôi. Ông vui lòng cho phép em nhận chứ?

- Cám ơn ông đã chiếu cố đến con tôi. Nhưng tài nghệ nó có gì đặc sắc. Tôi được biết một cậu còn hay hơn nó nhiều. Ông thấy cái hàng rào trước nhà tôi chứ? Ấy, cao như thế mà cậu nhỏ nhảy qua như chơi.

- Ồ! Ai giỏi thế, thưa ông?

Ông Thanh tươi cười trỏ Hoàng:

- Đây tôi xin giới thiệu cùng ông: em Hoàng, cậu học sinh tài ba đó.

- A! Hình như em nầy có ghi tên dự thi, nhưng sao giờ chót lại vắng mặt?

- Tôi sẽ kể rõ nguyên do ông tường. Giờ tôi có ý nầy: Phần thưởng của ông, con tôi xin nhận lãnh ; còn chiếc cúp vô địch nó nhường lại cho em Hoàng, vì nó nghĩ rằng nó không xứng đáng. Ông xem như vậy có được không?

- Em Châu đã bằng lòng thế, tôi cũng đồng ý.

- Còn các cháu, bạn thằng Châu?

- Dạ tụi cháu cũng vậy. Anh Hoàng vẫn có tiếng lâu nay.

Ông Thanh quay sang Hoàng:

- Cho cháu Hoàng hết từ chối nhé! À Châu con hãy trao cúp cho nhà vô địch coi nào!

Châu ôm cúp trao cho Hoàng, vui vẻ nói:

- Có thế chứ, nếu không tôi cũng chẳng bao giờ được hãnh diện với chiếc cúp nầy anh ạ.

Hoàng cảm động đứng lên tiếp lấy:

- Cám ơn anh!

Mọi người vỗ tay hoan hô. Niềm vui tràn ngập cả gian phòng to rộng.


SA BIỆT LƯU      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 14, ra ngày 25-2-1966)
 

 
 

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Những Ngày Chủ Nhật


 (Viết tặng VT2 và TN)

Chiều nay tôi bỗng dưng thấy buồn và cô đơn lạ. Một nỗi buồn và cô đơn thật nhẹ nhàng mà thấm thía. Từ nỗi buồn và cô đơn đó, tự nhiên tôi cảm thấy yêu những ngày chủ nhật lạ thường và thấy nhung nhớ một cái gì bâng khuâng.

Những ngày chủ nhật trước đây đối với tôi là cả một cái gì nhạt nhẽo chán chường. Suốt ngày chỉ đọc sách hay ca hát lảm nhảm đỡ buồn hoặc lang bang dạo phố. Nhưng đọc sách hoài nhức đầu, ca hát hoài mỏi mép, lang bang ngoài phố hoài chỉ tổ phải tránh xe, ngửi xăng khói cay nồng. Vì thế, chủ nhật đối với tôi là một ngày vô vị nhất trong tuần!

Nhưng, bây giờ ngày chủ nhật lại là ngày tôi có cảm tình hơn tất cả mọi ngày khác. Nó là ngày thật vui, ngày đầy thi vị, đến nỗi tôi cứ nhẩm tính từng ngày và mong cho chóng tới chủ nhật, đến nỗi tôi cảm thấy thời gian như dài ra, lâu lăng lắc... Những ngày chủ nhật bây giờ là những phút giải trí tuyệt vời, là những giây vui tươi, thoải mái, là những ngày giúp tôi cảm thấy yêu đời hơn, qua các cuộc sinh hoạt bên anh em bạn bè ở tòa soạn Thiếu Nhi.

Thật không còn gì thích thú bằng khi nhìn những khuôn mặt thơ ngây rạng rỡ ; đôi môi mở rộng nụ cười thương yêu, bật ra những bài ca vui tươi, hào hùng, thốt ra những lời thành thật, mến thương. Thật không còn gì xúc động cho bằng khi thấy những ánh mắt long lanh rạng ngời ; những bàn tay vỗ lên nhịp nhàng, vươn cao hăng hái. Tất cả đã hòa hợp với nhau, dâng cao niềm vui bát ngát chân thành trong sáng, chan chứa tình thương. Tất cả đã khiến tôi tan mọi chán chường, tan mọi lười biếng, uể oải. Thay vào đó là tất cả thoải mái, vui tươi, đầm ấm, thương yêu...

Thế rồi những chủ nhật cứ tiếp nối, những ngày vui cứ dâng cao. Tôi cảm thấy yêu tuổi thơ hơn bao giờ. Tôi hòa mình với anh em, bày trò với anh em, ca hát với bè bạn, cốt để thấy vẻ đẹp hồn nhiên của thiếu nhi, trong sáng của tuổi thơ. Có những lần bị phạt trong các trò chơi, tôi bị lò cò, hoặc bị hít đất... giữa những tiếng reo hò của mọi người. Người mệt lả, mồ hôi nhễ nhại song tôi vẫn thấy vui tươi thích thú lạ khi tai nghe những tiếng cười trìu mến, thương yêu ; khi mắt trông những gương mặt trong sáng, rạng ngời. Tôi đã cố công tìm tòi các bài ca, trò chơi để cùng sinh hoạt vui vẻ với anh em ; tôi đã cố công gói từng món đồ để bày trò với bè bạn... Những lần như thế tôi mệt nhọc nhiều, mồ hôi đổ nhiều và chịu nóng bức nhiều. Nhưng niềm vui bát ngát, tình thương vời vợi, làm mệt nhọc tan biến, làm mồ hôi thành những giọt nước mát lịm thấm vào hồn tôi khoan khoái, đậm đà, tha thiết. Tôi không mong gì hơn là được hưởng hoài những niềm vui trong sáng, ngát hương THÂN ÁI đó.

Có một vài anh bạn khuyên tôi nên lâu lâu mới tới T-N một lần, có như thế người ta mới thấy nhớ mình và khi mình đến họ mới vồn vã hơn. Cũng có bạn khuyên tôi nên bỏ T-N về mặt sinh hoạt hàng tuần đi, chỉ tổ tốn mồ hôi, phí sức, chẳng được cái giải rút gì cả. Những lần như thế tôi chỉ cười nói có một câu: "tâm tính, quan niệm mỗi người một khác" rồi thôi.

Tôi không khoái cái vẻ bên ngoài, tôi muốn được vui vẻ, yêu đời, nên tôi vẫn tới T-N hoài. Dẫu anh em chẳng vồn vã với tôi ; cái đó cũng chẳng có gì là đáng buồn. Bởi anh em quen thân tôi rồi, cần chi phải giữ ý tứ nữa, cứ thân thiện cư xử với nhau cho dễ dàng thông cảm, vui tươi hơn. Và lúc đó hẳn tình THÂN ÁI càng thêm khắng khít, sự học hỏi bên nhau, ca hát bên nhau, tâm sự cho nhau càng thêm cởi mở, đậm đà.

Tôi còn nhớ, có một sáng đang trên đường đến trường bỗng nghe có tiếng gọi sau lưng, tôi quay lại thấy một bé trai chừng bảy tám tuổi. Bé cười thật tươi: "Anh đi học ạ!" Tôi ngơ ngác, chẳng hiểu gì cả, bé trai này hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Tôi ngạc nhiên hỏi "Bé là ai? Sao lại biết anh?" Cậu bé liến thoắng: "Ý, bé là độc giả Thiếu Nhi nè, chủ nhật nào bé cũng tới tòa soạn cả. Anh không nhớ hở?" Tôi vỡ lẽ, phì cười: "À! Thế hở, đông quá làm sao anh nhớ nổi" Cậu bé cũng cười theo, chào tôi đi mất, sau khi để lại lời nhắn nhủ "Chủ nhật này ráng nhớ bé nhé". Tôi bỗng thấy thích thú, vui vui nhẹ, em bé này thật dễ thương. Tới T-N kể cũng lắm chuyện vui, buồn cười thật.

Lại một lần nữa, hôm khác, trên đường về sau khi đã mua xong vài quyển sách. Tôi gặp một bé gái độ chín, mười tuổi, thấy tôi em mừng rỡ gọi tên tôi thật to. Tôi thoáng vẻ bỡ ngỡ, nhưng kinh nghiệm gặp gỡ lần trước khiến tôi làm ra vẻ tự nhiên như đã quen biết cười lại: "À em! Đi đâu đấy?" Cô bé lễ phép: "Dạ! Bé đi tới nhà nhỏ bạn mượn sách" Tôi xoa đầu em cười: "Chăm thế cơ à?" Cô bé cười theo, dáng mắc cỡ, vài phút sau mới ngẩng đầu lên hỏi tôi: "Chủ nhật này anh có tới T-N không?" Tôi cười lắc đầu: "Không bé ạ!" Cô bé xịu mặt, thoáng buồn, giọng nhỏ lại: "Không có anh buồn chết!" Tôi phì cười: "Còn mấy anh lớn nữa chi?" Cô bé mân mê quyển sách trên tay, giọng buồn buồn: "Nhưng bé khoái đầy đủ cả cơ. Nhà chỉ có mỗi mình bé, ngày thường chả ai chơi buồn lắm. Bởi vậy bé thích tới T-N chơi lắm, ở đó có nhiều bạn bè, nhiều anh chị lớn nè, vui ghê. Bé mong ngày nào cũng là chủ nhật cả thì vui lắm anh nhỉ" Tôi thoáng cảm động, xoa đầu em: "Anh nói đùa đấy. Chủ nhật nào mà anh chẳng tới" Cô bé tròn mắt, mặt rạng rỡ hẳn lên vì vui mừng: "Thật hả anh? Anh nói thật nha" Tôi gật đầu cười, em cười theo. Ôi nụ cười hồn nhiên, thơ ngây biết bao, đáng yêu biết bao.

Lúc ra về lòng tôi cứ nao nao, cảm xúc về nụ cười trong sáng, vui tươi ấy, trìu mến ấy.

Làm sao tôi có thể bỏ hoặc lâu lâu mới tới T-N được khi mà nơi đó có những tâm hồn trong sáng, những nụ cười tin yêu, những lời nói chân thành, những ánh mắt nai tơ, những bài ca hiền lành... họp lại tạo thành một niềm vui bát ngát, chan chứa thương yêu. Những ngày chủ nhật còn, là tôi còn tới T-N hoài, tới để được chung vui với tuổi thơ ; tới để được trông những nụ hoa nở rộn, thơm lành ; tới để tạo niềm vui, tình THÂN ÁI cho T-N, cho chính tôi.

Những ngày chủ nhật T-N là những ngày vui vẻ, tình thương tỏa rộng, gắn bó với nhau thật THÂN ÁI, đậm đà. Để mãi mãi tình thương là dòng suối mát nuôi sức sống, để mãi mãi tuổi thơ còn hoài những ngày hồn nhiên vui vẻ ; để mãi đau thương, phiền não không còn ngự trị trong tâm hồn trong sạch, ngây thơ của T-N ; để mãi mãi tình anh em bền chặt, tình người thắm thiết, để còn hoài TRÁI TIM HỒNG VIỆT NAM chứa đầy TÌNH THƯƠNG. Tôi mong ước lắm thay!


- MAI HOẠT -            
(Chiều mơ ước trên quê hương)
(3-3-73)                  

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 82, ra ngày 25-3-1973)

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

Bâng Khuâng Chiều Tháng Ba















Gió xạc xào thôn xóm
Khẽ trôi, khóm lục bình
Người ngồi sao lặng lẽ
Nghe gió thổi qua mành

Xuân đi mất còn đâu
Cho tháng ba âu sầu
Lúa chưa vàng đám ruộng
Mưa chưa hắt trên đầu

Lũ trẻ nằm phơi rốn
Tháng ba, con nước ròng
Chiều hây hây nắng nhạt
Cho ai nhiều bâng khuâng

Mây lũ lượt trôi xa
Vương mắt ai lệ nhòa
Mặt trời chưa lịm tắt
Bên thềm phai sắc hoa

Vẳng tiếng sáo trên đê
Bầy trâu lững thững về
Hoàng hôn chưa vội xuống
Chim tung cánh não nề

Ngắt hoa tím giậu thưa
Chiều tháng ba thẫn thờ
Người ngồi ôn kỷ niệm
Thương một mùa xuân xưa...

Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019

Hoa Học Trò Của Bé


Chiều đang ngã màu sẫm của đêm. Bầu trời nặng những mây chì. Qua khung cửa, cô bé lơ đãng ngắm mấy cành hoa ngả nghiêng theo chiều gió. Đôi môi đỏ hơi chu, nhẹ cắn quản bút. Trước tập giấy trắng ngoan ngoãn chờ đợi, cô bé đang tìm nguồn cảm hứng.

Cơn mưa ào đến, mang theo luồng khí gây gây lạnh. Mấy phút trôi hờ hững. Trán cô bé nhíu mấy nếp nhăn. Thôi cắn bút, cô bé gục xuống lòng giấy vẫn còn nguyên màu trắng... Nắm tay lỏng dần, cây bút lăn tròn, lạc lõng cạnh mép bàn...

Gió ùa vào phòng qua khung cửa sổ, lượn nhẹ mấy vòng, nghiêng nhìn khuôn mặt xinh của cô bé chìm sâu trong giấc ngủ say. Quyển sách trên bàn lật đi mấy trang. Một cánh hoa tím khô rơi từ trang sách, đảo nhẹ theo làn gió, là đà rơi xuống mặt đá hoa...

*

Nằm trên sàn đá lạnh, tôi chăm chú ngắm khuôn mặt chìm trong giấc ngủ của cô bé. Hàng mi ngắn che đôi mắt to đen, đôi mắt ngày nào gợi trong tôi niềm mến tiếc xa xưa...

Ngày ấy, vạn vật tưng bừng đón mừng ngày tựu trường của các cô cậu nhỏ. Trên con đường mòn dẫn đến ngôi trường tiểu học xứ ngàn thông, một cô bé níu tay mẹ, rụt rè trong từng bước đến trường: hôm nay ngày đầu tiên trong cuộc đời học sinh của cô bé. Ngôi trường dần hiện rõ trong tầm mắt. Lòng cô bé reo vui, chen lẫn nhiều lo sợ. Tầm mắt chuyển dần xuống cặp sách nặng chĩu trên tay, cô bé bắt gặp một cành hoa tím. Cô bé níu nhẹ tay mẹ ngưng lại, toan với ngắt cánh hoa. Nhưng mẹ cô đã âu yếm: "Chóng ngoan mẹ thương nào. Con muốn làm cho ba mẹ buồn sao?". Cô bé bước đi, bỏ lại ánh mắt nhiều lưu luyến. Rồi từ đó, ngày nào con đường nhỏ cũng vang bước chân reo vui của cô bé mỗi buổi đến trường. Tuần lễ đầu, có mẹ đến đón, cô bé ríu rít những mẩu chuyện vui ở trường. Hôm nay, "Mẹ! Con có bạn mới." Hôm mai, lại "Mẹ! Cô giáo con hiền ghê là." Hôm kia, "Mẹ! Cô giáo vừa khen con."...

Rồi khi bước chân chim ríu rít đến trường một mình cô bé mới chợt nhớ đến tôi, đến cánh hoa tím vẫn trông chờ những mẩu chuyện vui của cô bé từ ngôi trường nhỏ mỗi buổi đi về. Bàn tay nhỏ nâng niu tôi mỗi bận về học. Liến thoắng kể tôi nghe chuyện trường và chuyện nhà. Đôi mắt bé lắm hôm lại đẫm lệ, vì vừa giận cô bạn thân. Bé vừa thuật chuyện, vừa sụt sùi, khiến lòng tôi cũng nao nao. Tựa làn gió, tôi âu yếm vuốt nhẹ má, lau những hạt châu tròn hộ bé. Tuổi trẻ vui buồn bất chợt, ngày sau đã thấy bé khoe làm lành cùng cô bạn nhỏ.

Từ ngày đó, tôi theo bé về căn nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố. Căn nhà vẫn ríu rít tiếng chim non mỗi lần bé về học. Nhưng tôi, người bạn thân thuở nào của bé, đang đi lần vào bóng tối lãng quên, khô dần trong lòng sách cũ.

Cô bé ơi! Đã quên rồi những ngày thân mật xa xưa, bên tiếng thông thì thầm theo hơi gió! Ngày đó, nếu bé đừng mang tôi theo, tình cảm mình vẫn đẹp như thuở ban đầu! Tôi không oán hờn gì bé! Chỉ mong bé hãy để yên tôi trong cái lạnh ngút ngàn của xứ có ngàn hoa đào nở. Để đời tôi giữ mãi khuôn mặt ngây thơ, đôi mắt tròn ngơ ngác ngày đầu niên học.

Tôi thở dài, run rẩy trong làn gió lạnh của cơn mưa. Cuộc đời tôi rồi sẽ ra sao? Giờ nằm trên sàn đá lạnh... tầm mắt tôi chạm "bác giỏ giấy" trong góc phòng... Tôi rùng mình, lắc nhẹ đầu, xua tan những ám ảnh về một tương lai đen tối...

*

"Phấn ơi! Anh có quà cho bé nè!" Cô bé choàng tỉnh trong chuỗi tiếng động ồn ào gây nên bởi chiếc xe. Bé reo thầm: "A! Anh Thông đã về". Đôi môi phác nụ cười xinh, cô bé chớp nhẹ hàng mi, nghĩ đến những gói kẹo nho nhỏ...

Trong niềm vui lâng lâng, bé khép nhẹ cửa, rời bàn, tung tăng bước chân chim. Chợt, tầm mắt cô bé ngừng lại ở cánh hoa tím khô. Chuỗi dĩ vãng lại thi nhau vẽ vời trong tâm não. Thoáng một phút bâng khuâng, bé cúi xuống, nâng nhẹ cánh hoa tim tím đã dần phai màu thắm! "Hoa cho bé xin lỗi nghen! Muôn đời hoa vẫn là hoa học trò của bé!" Cô bé đặt cánh hoa khô trang trọng trong lòng giấy mới.

Đối với bé, hoa phượng không gợi được một kỷ niệm nào, ngoài những ngày hè vô vị, buồn nản vì xa bạn, xa cô. Cánh hoa tím không tên kia, mới chính là loài hoa tiêu biểu trọn đời học sinh của bé. Cánh hoa ghi bao kỷ niệm đẹp ngày đầu tiên bé cắp sách đến trường.


PHẤN THÔNG    
ĐÀ LẠT           

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 81, ra ngày 18-3-1973)

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

Thiên Đường Ấu Thơ


Màu xanh của trời rực lên, trong vắt không một gợn mây, nắng ban mai tươi vui nhảy nhót qua bóng lá trên mặt đường, trong tiếng hót của chim sẻ bên cành thông. Cha đã đi làm, bây giờ có lẽ cha đang ngồi trong chiếc xe hơi màu xanh nhạt nói chuyện với bác tài xế. Mẹ đã dọn dẹp nhà cửa và bây giờ mẹ đang tưới nước cho vườn hoa. Buổi sáng cao nguyên thật lạnh dù có nắng. Vy thích nằm trong chăn mãi hoài để nghe chim hót trên cây và đếm đi đếm lại những sợi nắng từ cửa sổ len vào phòng. Trong im lặng miên man ấy, mẹ bỗng hỏi vọng vào:

- Vy không đi học à?

Vy vươn tay ra khỏi chăn, ngáp dài và đáp lời mẹ:

- Hôm nay thứ năm, mẹ quên rồi sao?

Không có tiếng mẹ, Vy nhắm mắt lại nhưng anh Tâm đã chạy vào phòng, đã đứng bên giường Vy, vén màn, kéo chăn của Vy:

- Dậy đi. Vy ngủ muộn ghê là, hôm nay ra rừng chơi Vy ạ.

Vy ngồi ngay dậy hỏi rối rít:

- Ra rừng thông cạnh trường ấy hả?

- Ừ.

- Mẹ cho không?

- Anh xin mẹ rồi. Mẹ bảo đó yên lắm nhưng không được ra đường lớn, mẹ sợ xe.

Vy xỏ chân vào dép:

- Mình đi trong con đường mòn như mọi lần đi học à? Thích ghê nhỉ.

Mẩu bánh mì cuối cùng Vy nuốt vội vã. Mẹ bảo nắng hai anh em phải đội mũ vào, mẹ bảo lạnh phải mang thêm áo ấm.

Con đường nhỏ, dài hun hút chẽ ba trong rừng thông, lá khô kết dày làm đường êm êm dưới chân như tấm thảm lót ở nhà Vy Im bóng thế này mà mẹ bắt đội mũ. Anh Tâm gỡ chiếc ná mang trong cổ ra nhìn quanh. Vy níu tay anh:

- Đừng bắn chim, mẹ la anh à nhen. Mẹ đã cấm anh không được giết chim, anh quên hả?

- Mà anh thích!

Vy hét lên:

- Nhưng mẹ không thích.

Anh Tâm mang ná trở lại cổ, hai tay anh đong đưa vòng tròn.

- Thế bây giờ làm gì? À này, đem lá thông khô về cho mẹ đốt nhé, lấy cả nhựa thông về chơi nhé!

Vy cứ gật đầu mãi. Hai anh em chơi mãi đến gần trưa mới về. Vy chợt hỏi:

- Sao anh không đem truyện vào ngồi nơi đó đọc cho Vy nghe?

Anh Tâm ngừng lại:

- Ừ nhỉ, anh quên Vy mới biết đánh vần thôi.

Và lại tiếp tục đi. Vy ôm lá thông khô trước ngực, nghe mùi khô ngai ngái hay hay. Mẹ đứng chờ ở cổng rối rít:

- Đi đâu mà lâu thế? Cha sắp về rồi nhé. Ấy, đem về lại xả nhà ấy à?

Vy cười bỏ lá thông khô xuống đất, bá vào cổ mẹ để được mẹ nhấc bổng lên đi vào nhà.

*

Cha đi làm sớm hơn thường lệ, trước khi đi cha dặn:

- Chốc nữa mẹ dẫn hai đứa đi học đó nhé. Trưa đi làm về, cha ghé xe đón về.

Vy lắc đầu:

- Không, mẹ đến đón ba mẹ phải chờ dưới chân đồi nhà thờ như mọi lần kia.

Mẹ cười chúm chím. Cặp vở mẹ đã sửa soạn cho hẳn hoi rồi, Vy và anh Tâm chỉ việc choàng quai cặp lên vai rồi theo mẹ đến trường. Mẹ dắt hai đứa hai bên. Con đường mòn đầy lá thông và bóng cây mỗi lần mẹ dẫn đi học vẫn ngang đây, mẹ dặn phải đi trong này để tránh nắng, tránh xe ; nhưng đi với mẹ Vy đâu có sợ. Những gốc thông đầy vẩy màu sẫm nứt nẻ, thân cao vời vợi không cho Vy nhìn thấy được đỉnh đầu nó, lá thông đan vào nhau trong rừng thường che khuất màu xanh của trời hay màu trắng của mây. Vy thích con đường này chi lạ. Có những lần cùng anh Tâm vào trong đây chơi, gặp những đứa bé người thượng ở ngã rẽ bên kia cũng trong rừng thông đi đến con đường này ; Vy thấy thích thích, những bộ mặt, cánh tay, thân hình đen thui. Những đôi mắt ngỡ ngàng nhìn Vy với anh Tâm đầy xa lạ nhưng không làm cho Vy sợ bởi trong đó có nhiều nét hiền lành êm ái. Vy về nhà hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, người thượng biết hiểu tiếng mình không?

Mẹ và cha cười.

- Không, cũng như con không hiểu tiếng họ.

- Thế làm sao mình kêu họ được hở mẹ?

Mẹ đùa:

- Cứ đưa  tay lên miệng "hú" dài, họ đến ngay.

Thế là qua ngày hôm sau, lúc hai anh em học về, mẹ đã không đến đón như mọi khi. Anh em Vy đã gặp những đứa bé thượng trên con đường này từ bên đường rẽ kia đi lại. Vy và anh Tâm đã đi qua mặt họ, Vy quay lưng lại, đưa tay lên miệng hét to. Những đứa bé kia nhìn lui rồi xoay người đi đến phía Vy và anh Tâm. Vy đã hoảng hốt chạy như bay bỏ lại đằng sau những câu nói không cùng ngôn ngữ. Chao ơi! Sợ chi là sợ.

Trước khi quay về, mẹ còn dặn dò:

- Nhớ không được ăn quà, nhớ học cho ngoan nhé, trưa mẹ đến đón.

Bây giờ anh Tâm dắt Vy Vào học đã một tháng rồi mà Vy vẫn còn xa lạ, lạc lõng, Vy có thật ít bạn. Đã có những lần ra chơi Vy muốn chạy đến làm quen những đứa học cùng lớp để xin chơi nhảy dây, lò cò, để chơi đánh chuyền, rải danh. Nhưng mẹ lại thường dặn không chơi nhảy dây vì sẽ té, không chơi rải danh, đánh chuyền vì sẽ cãi cọ lôi thôi Vy đành đứng yên nhìn người khác chơi, tại sao mẹ lại dặn dò nhiều thứ thế? Mẹ lại còn dặn Vy không được nhặt những hột phượng khô rơi trên đất Vy biết đập hột phượng ra, trong ấy có hột vàng và béo, ăn ngon ngon, nhưng Vy không dám vì bao giờ Vy cũng yêu mẹ nhất đời. Anh Tâm choàng vai Vy đứng giữa sân trường. Một ông thầy dòng mặc áo đen đến vuốt tóc Vy, cúi xuống thật gần để hỏi Vy:

- Tại sao con không đến chơi cùng bạn?

Vy đưa tay lên miệng cắn không dám trả lời.

- Hử? Sao hai anh em đứng đây mà không chơi?

Tay ông thầy choàng kín hai anh em. Vy mân mê cặp vở. Anh Tâm trả lời:

- Con sợ lắm.

Nụ cười vỡ ra cùng với câu nói:

- Đã có gì đáng sợ đâu? Cứ chơi đùa như chúng bạn đi chứ ngoan lên nào.

Và ông thầy bỏ đi. Vy bỗng có một hãnh diện ngầm là được ông thầy dòng nói chuyện với.

Rồi khi tan học, Vy bị sắp xếp vào hàng ngũ lớp mình, phải theo thầy dòng băng qua đường vào nhà thờ để đọc kinh cầu nguyện trước khi ra về. Vy nhìn thấy mẹ đứng dưới đồi, bóng mẹ nhỏ nhắn, áo dài bay bay Vy nhoài người kêu:

- Mẹ! Mẹ!

Và Vy bỏ hàng chạy xuống. Nhưng Vy bị giữ lại:

- Nào. phải vào đọc kinh, chào Chúa đã chứ, mẹ vẫn đợi kia mà.

Vy nhìn ông thầy nôn nóng. Vy chỉ thuộc kinh lạy cha, kinh mừng sáng danh thôi. Anh Tâm thuộc nhiều. Khi ra khỏi nhà thờ Vy đã thấy anh Tâm đứng đó. Hai anh em dắt nhau xuống chân đồi, chạy bay đến mẹ, Vy tung tăng từng bước chân nhỏ bé bên mẹ, khoe mẹ chuyện hồi sáng được thầy dòng đưa tay xoa đầu. Và Vy lại vui vô cùng khi mẹ dẫn vào trong con đường đầy bóng thông.

*

Vì hôm nay trời không nắng nên mẹ không bắt hai anh em đội mũ nữa, vì không nắng nên rừng thông âm u hẳn đi. Dấu mực xanh đổ nhạt nhòa trên đường mòn phủ đầy lá thông vẫn còn đây. Nhớ chiều kia đi học trễ, Vy và anh Tâm đã chạy như bay Anh Tâm bắt Vy phải cầm bình mực cho anh, Vy chạy theo anh để cùng bắt kịp thời gian đến trường bởi thế nên Vy đã té nhào, bình mực tung nắp đổ tung tóe, mặt mày, áo quần của Vy bẩn cả mực, Vy khóc thét lên, vừa đau, vừa sợ mẹ, sợ cha, sợ thầy. Chiều đó nghỉ học vì anh Tâm phải đưa Vy về nhà. Mẹ đã mắng và dặn dò nhiều điều hơn nữa, sáng mai lại mẹ phải dẫn hai anh em đến trường, xin phép thầy cho hai anh em.

Anh Tâm dựa lưng vào gốc cây thông, Vy ngồi cạnh anh, anh Tâm đọc thật chậm chuyện hay trong quyển quốc văn giáo khoa thư Vy yên lặng nghe. Con chim sẻ trên cành cây đã ngừng hót, đang chuyền sang cành cao hơn vì ở đó có bạn bè. Anh Tâm bỗng ngừng đọc chuyện, nhìn lên cây, nói:

- Vy đừng mách mẹ, anh bắn con chim sẻ này nghe.

Vy lắc đầu:

- Không, Vy mách mẹ à, anh không nhớ lời mẹ dặn à?

- Nhưng anh thích, anh bắn nhiều con, nướng roti ăn nghe.

- Không, mẹ cấm không được giết loài vật, mẹ dặn không được ghét ai này, mẹ dặn Vy phải thương anh, thương hết cả này...

Vy đưa hai tay khoát thành vòng tròn:

- Mẹ không thích anh ở ác, Vy mách mẹ ngay à.

Anh Tâm giận dỗi:

- Vậy thôi, về!

- Không về, anh đọc truyện cho Vy nghe.

- Không đọc, đi về!

- Không về!

- Về.

- Không về.

- Bảo về, không về ở lại một mình, ông kẹ ổng bắt ráng chịu.

Vy bướng bỉnh sắp khóc:

- Không về!

- Về!

- Không về... hu hu... mách mẹ cho xem... Hu hu...

- Nín đi, khóc ta không thèm chơi à. Ngày mai đi học ăn cà rem ta mách mẹ à.

Vy nín ngay, chổi dậy để anh Tâm dắt về. Mẹ đã đứng ở cổng như mọi lần để đón hai anh em, và mẹ lại nói:

- Cha sắp về rồi, chơi gì muộn thế?

Mẹ cúi xuống Vy ôm cổ mẹ, mẹ nâng cả người Vy lên, đi thẳng vào nhà...


HOÀI HƯƠNG  

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 173, ra ngày 15-3-1972)

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

Quê Hương Lục Bát




















Vẫn còn bé như chiêm bao
Trong đêm mẹ hát ca dao rượi buồn

Vẫn còn thơm ngát môi thơm
Đọc vang lịch sử cội nguồn Phong Châu

Mắt còn đen nhánh bồ câu
Ngẩng nhìn trời thắm hồng cao vọng này

Vườn thôn bóng tối sâu dày
Vẫn tay bụ bẫm bên cày cuốc xưa

Nên chuồng có tiếng nghé đưa
Chân hồng nội cỏ sớm trưa yên bình

Còn trăng sáng hội bên đình
Còn chày giã gạo đưa tình quê hương.

                                              NAM THIÊN

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 197, ra ngày 15-3-1973)

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

Con Sói Miền Trung Sơn


Một ngày kia, người ta nghe thấy ngoài đường đầy tiếng lao xao, huyên náo, đó là quan tể tướng họ Chu lên đường đi săn trong vùng Trung Sơn. Hộ tống quan tể tướng có một đoàn thợ săn chuyên nghiệp, trang bị gươm và cung tên, hàng chục chó săn, ngoài ra ngài còn mang theo hai con chim ưng đã được huấn luyện kỹ càng về săn bắn.

Khi gần đến một vùng núi âm u, quan tể tướng chợt nhìn thấy một con sói từ đàng xa đang ngồi trên đường đi, con vật rất lạ lùng, nó chỉ ngồi trên hai chân sau, miệng tru lên những tiếng ghê rợn, làm chú ý mọi người. Đó là một cái đích thật tuyệt, quan tể tướng lắp cung và bắn, con sói bị thương, nhưng nó còn sức để chạy vuột đi. . Đoàn thợ săn đuổi theo, cuộc rượt bắt xảy ra huyên náo, giữa tiếng ngựa hí, người la và bụi mù. Con sói hình như đã lẩn trốn được.

Cùng lúc đó, một vị tăng sĩ cũng đang trên đường lên núi Giang Nam. Ông cưỡi trên lưng một con lừa gầy đét, lắc lư hai bên hông lừa hai gói nhỏ đựng sách và quần áo của ông. Ông là người theo đạo "Mặc Tử", một tôn giáo rất thịnh hành thời đó. Đặc tính của tôn giáo này là coi nhẹ thân mình nhưng sẵn sàng hy sinh và sốt sắng giúp đỡ những người khác, nhất là những người hoạn nạn. Ông thường đi đó đây để thuyết giáo kêu gọi yêu thương đồng loại, tham vọng chính yếu của đạo là thúc dục mọi người từ vua, quan đến các giai cấp cùng đinh cùng nhau từ bỏ các tham vọng riêng tư để gia nhập đạo "Mặc Tử". Thày cũng như các tăng sĩ trong đạo đều có một đời sống nghèo khó, thường hy sinh chính thân mình để giúp đỡ người khác và tìm cách làm cho mọi người sung sướng hơn.

Thày tăng bỗng nghe tiếng huyên náo từ xa. Một con sói bị thương đang vội vã chạy về phía ông trong khi những người thợ săn đang ráo riết đuổi theo. Khi con sói nhìn thấy một tăng sĩ phái Mặc gia, nó mừng rỡ đến bên ông hổn hển xin ông cứu giúp. Vị tăng sĩ động lòng từ tâm khi nhìn thấy vết thương do mũi tên gây ra còn rướm máu trên lưng con sói khốn nạn.

Ông ôn tồn nói với con sói:

- Đừng sợ sói ơi, hãy để ta băng bó vết thương lại đã.

- Ôi! Thưa ông tăng sĩ, ông thực là người tốt nhất trần gian, nhưng ông có thấy bọn thợ săn kia họ đang đòi xé xác tôi không? Xin ông làm ơn giấu tôi trong cái bọc vải kia đi. Nếu ông cứu sống, tôi sẽ ghi ơn ông muôn đời.

- Này chú sói ơi, đừng bận tâm như thế, chú thực sự thiếu khôn ngoan, thôi hãy chui vào cái bao này mau đi, đừng nói chuyện ơn nghĩa nữa, tôi rất sẵn lòng giúp chú.

Người tăng sĩ đổ hết mọi vật ra khỏi bao vải và bắt đầu nhét con sói vào đó, nhưng con sói thuộc loại già mà cái bao quá nhỏ nên khi cho đầu vào trước thì hai chân con sói lại ló ra ngoài, nếu cho đuôi vào trước thì mũi và tai lại ló ra, ông cố gắng mấy lần nhưng hầu như tuyệt vọng.

Con sói vội kêu lên:

- Gấp lên, thày tăng ơi, ông hãy cột bốn chân tôi lại đi.

Thế rồi con sói gấp cong người trên đất, để thày tăng sĩ cột chặt bốn chân lại với thân mình, cuối cùng cố hết sức ông đã đặt gọn con sói vào bao rồi đeo lên lưng lừa, nhưng ông kinh hoàng khi thấy những giọt máu từ trong bao nhỏ ra, tay ông cũng dính đầy máu, ông vội vã lau tay, xóa những vết máu và quay lưng con lừa lại để không ai chú ý.

Khi đoàn thợ săn đuổi đến, quan tể tướng dừng ngựa và hỏi người tăng sĩ:

- Này anh kia, anh có thấy con sói nào mới chạy qua đây không?

Thày tăng sĩ đứng bên lề đường trả lời:

- Thưa không, con sói già ấy chẳng dại gì chạy trên đường cái đâu ; chắc nó trốn trong rừng rồi.

Quan tể tướng rút phắt lưỡi kiếm ra, chỉ vào viên tăng sĩ hăm dọa:

- Này anh kia, nếu cố tình giấu con sói đó thì đừng trách ta độc ác đấy.

Thày tăng sĩ leo lên lưng lừa giả bộ bỏ đi, vừa vẫy tay:

- Quan tể tướng tin tôi đi, nếu trông thấy tôi sẽ chỉ cho ngài.

Khi  tiếng chân ngựa đã chạy xa, con sói từ trong bao la lên:

- Mau lên, cho tôi ra, tôi chết ngạt đến nơi rồi!

Thày tăng vội vàng mở nút và giúp con sói ra khỏi bao, cởi dây và lau chùi vết thương cho nó.

- Này chú sói ơi, chú có đau lắm không?

- Không sao, chỉ sây sát xoàng thôi. Thày tăng ơi, thày mới cứu sống tôi, tôi đội ơn vô cùng, nhưng thày có thể ban cho tôi một ân huệ nữa không?

Thày tăng trả lời ngay chẳng cần suy nghĩ:

- Tôi rất sẵn lòng giúp anh bất cứ điều gì vừa sức của tôi. Tôi là một tăng già của đạo "Mặc Tử" mà. Chú biết không, chỉ có yêu thương mới cứu vãn được trần gian này. Nào bây giờ chú cần gì? tôi sẵn sàng đây.

- Thưa thày, tôi đói ghê lắm...

- Rồi sao?

- Chỉ có thày mới giúp tôi được, ba hôm nay tôi chẳng ăn uống gì cả, nếu đêm nay tôi chết, thì cái công thày vừa cứu tôi thành ra vô ích. Thày có thể cho tôi ăn một miếng thịt của thày, tôi chỉ đòi hỏi có thế thôi.

Thày tăng hoàn toàn sững sờ, trong khi con sói nhảy chồm tới, ông run rẩy vừa lo chạy trốn bên cạnh con lừa, vừa lo sợ cho số phận của mình.

Con sói lý luận:

- Này, thày tăng, đừng làm vậy cho mệt hơi. Thày không biết rằng thượng đế sinh ra con người là để làm mồi cho sói hay sao? Thày không tin hả, nếu thế bây giờ chúng ta đi kiếm một người nào cao kiến hơn để hỏi, nếu họ cho tôi có lý thì tôi được phép ăn thịt thày chứ?

Cả hai kéo ra đường cái, đợi người qua lại để hỏi ý kiến, nhưng họ chờ mãi chẳng thấy một bóng người, vì lúc đó trời đã tối. Con sói sốt ruột:

- Thôi tôi đói quá rồi, tôi không thể chờ lâu được nữa.

Con sói chỉ một cây cổ thụ bên đường và nói:

- Đó, thày thử hỏi cây cổ thụ coi tôi có lý hay thày có lý.

- Nhưng đó là cây cổ thụ, làm sao biết nói?

- Thày cứ hỏi đi, nó sẽ trả lời cho thày xem.

Thày tăng bám vào cây cổ thụ và kể lại công trình của ông đã cứu sống con sói trong lúc nguy nan nhất. Cuối cùng ông hỏi:

- Này cây ơi, cho ta biết ý kiến đi, con sói có quyền ăn thịt ta không?

Cây cổ thụ vặn mình và chậm rãi lên tiếng:

- Thưa thày tăng, tôi hiểu thày đã nói gì rồi, thày đã nói về ân nghĩa, vậy để tôi thuật chuyện đời tôi cho thày nghe. Tôi là một cây mơ, khi người làm vườn trồng, tôi chỉ là một hạt nhỏ nảy mầm và lớn lên. Một năm sau tôi trổ bông, ba năm tôi có trái, năm năm thân của tôi lớn vừa bằng cánh tay, mười năm thì một cậu bé ôm vừa. Bây giờ tôi đã hai mươi tuổi. Bấy lâu nay tôi đã cung cấp cho gia đình bác làm vườn biết bao nhiêu trái, chẳng những thế, bác ấy còn cho bạn bè và đôi khi còn mang ra chợ để bán. Thế mà đến nay, khi thấy tôi đã già, bác ấy hái hết lá của tôi, bẻ cành và cưa rễ của tôi ra làm củi. Còn hơn thế nữa, mới đây bác ta đã kêu gã bán củi lại và đã thuận giá cả với nhau rồi. Đó, thày tăng ơi, đời là thế đó, vậy thì con sói có ăn thịt thày cũng chẳng đáng ân hận gì!

- Đó, thày tăng thấy chưa, đó là những lời khôn ngoan nhất đời.

Nói rồi sói lại chồm tới định nuốt sống ngay vị tăng sĩ già. Thày tăng vội la lên:

- Này chú sói, ta cần phải lấy ý kiến của hai người nữa cơ mà.

- Được rồi, hai thì hai, chẳng sao, nhưng tôi thấy da thịt thày thơm tho lắm rồi đấy nhé.

Đi được một quãng dài nữa, họ trông thấy một con trâu đang đứng bên bờ rào trông có vẻ mệt nhọc lắm. Con sói nêu ý kiến:

- Ta thử hỏi ông bạn này xem sao, trông ông ta có vẻ già đời lắm.

Vị tăng sĩ già kể lại câu chuyện từ đầu và yêu cầu chú Trâu giải quyết dùm. Con vật suy nghĩ giây lát rồi chặc lưỡi góp ý: 


- Đúng lắm thày tăng sĩ ạ, cây mơ già nói có lý lắm. Thày hãy nhìn tôi mà xem, già nua và ốm giơ xương đây này, lại sắp đến ngày tàn rồi. Chả bù cho lúc tôi còn trai trẻ, khi người nông phu mua từ chợ về để giúp việc đồng áng, thay thế chú bò già, bác nông phu nói rất sung sướng có tôi giúp việc. Từ đó tôi ra sức cày, bừa, mùa gặt thì đạp lúa, mùa đông thì cán mì. Tôi luôn làm bằng ba sức người. Nhờ đó, người nông dân càng ngày càng giầu có, nuôi con cái lớn khôn, học hành trường tỉnh, lấy vợ cho con, cháu chắt đầy nhà, chẳng bù cho lúc tôi mới đến, cả gia đình còn phải bốc cơm ăn. Thế nhưng công lao của tôi cũng như công lao của bác cứu giúp con sói này? Hàng đêm tôi phải ngủ ngoài trời đầy gió lạnh, mỗi ngày một nắm rơm khô. Vài hôm nữa thì tên đồ tể lại tới bắt tôi đi, tôi đã được bán với một giá rẻ mạt dù trước đó người ta còn nói đưa đẩy nào là thịt tôi còn thơm lắm, da tôi tốt lắm và cặp sừng của tôi nữa, thật đẹp. Đó, đời là thế đó, và thày chẳng có cớ gì để từ chối ước muốn của con sói này đâu.

Con sói một lần nữa chồm tới nhe răng tính làm thịt cho xong, nhưng thày tăng vẫn bình tĩnh:

- Chú sói ơi, chỉ cần một ý kiến nữa thôi, lúc đó mi ăn thịt ta không muộn đâu.

Họ bỗng thấy một cụ già tóc bạc phơ, chống gậy trúc đi về phía họ, trông cụ như một tiên ông. Thày tăng mừng rỡ vì có người đồng loại, ông chạy vội lại và xin giải quyết chuyện trắc trở giữa sói và người:

- Một lời nói của ngài sẽ cứu giúp đời tôi, xin ngài cứu giúp.

Cụ già nghe xong câu chuyện, tóc cụ dựng đứng lên, đôi mắt sáng quắc giận dữ nhìn con sói:

- Con sói vô ơn kia, mi không biết rằng gieo gió thì gặt bão sao? Kẻ nào vô ơn sẽ chịu hậu quả khi về già là đứa con vô ơn của hắn. Một ngày gần đây mi cũng sẽ có một đứa con tàn nhẫn và độc ác với mi dù rằng mi đã nuôi dưỡng nó. Hãy đi đi, hay muốn ta giết mi cho rồi.

Con sói vội phân giải:

- Này cụ già ơi, cụ không thấy cảnh tượng khổ sở của tôi, khi thày tăng này nhét tôi vô cái túi nhỏ kia, tôi đã đau đớn cùng mình.

- Thật là khó xử cho ta quá cụ già nói mi có lỗi, mi nói thày tăng này có lỗi. Thôi bây giờ để ta tin hơn, mi thử chui vào cái bao kia để ta xem mi đau đớn chừng nào?

- Đây cụ xem này.

Nói rồi sói chui tọt vào bao vải. Cụ già thì thầm hỏi thày tăng sĩ:

- Sao, có mang dao theo không?

- Thưa có.

- Tốt lắm, đưa đây.

- Thế cụ định giết con sói sao?

Cụ già mỉm cười:

- Này thày tăng, bây giờ thày muốn con sói sẽ chết hay thày muốn chết. Đừng đạo đức giả như thế nữa.

Nói rồi cụ già đẩy tay vị tăng sĩ đâm lưỡi dao qua bao vải. Thế là giải quyết xong cuộc cãi vã.


TRƯỜNG KỲ dịch.    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 79, ra ngày 4-3-1973)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>