Dạo này má chỉ thích nói chuyện về hội họa, chuyện hội họa của má làm ba muốn phì cười, nhưng ba cứ phải làm bộ nghiêm trang gật gật cái đầu. Má mà biết trong đầu óc ba đang nghĩ cái gì có lẽ má sẽ nổi cơn tam bành lục tặc. Mỗi lần má giận dữ chuyện gì cả nhà, nhất là ba và hai cậu con trai lo sợ nghĩ đến bữa ăn, mà lo sợ cũng phải vì thế nào sau cơn giận dữ má sẽ cho cả nhà ăn rau muống chấm tương. Má là đầu bếp thành ra ai cũng sợ, sợ phải ăn chay với lý do giản dị: hết tiền. Bây giờ ba mới thấy mình thật là hố, số là hôm đó má giận ba, buổi tối má không thèm nói với ba một câu nào. Má ngồi hí hoáy một mình với cây viết, ba nghĩ đến bữa cơm trưa mai nên ba đến cạnh má nhìn vào tờ giấy má đang vẽ chép miệng một cái.
- Chà...
Má ngửng đầu lên gay gắt hỏi:
- Chà cái gì?
Ba gật gù cái đầu:
- Anh không ngờ mình có tài như vậy.
Câu nịnh đầm mới công hiệu làm sao! Má tươi ngay nét mặt:
- Tài gì đâu hở anh?
Có lẽ lúc đó nét mặt ba khôi hài ghê lắm, ba tiếp tục hòa đàm:
- Đến bây giờ anh mới khám phá ra cái tài của mình, mình có tài hội họa đấy mình biết không?
Má lập lại:
- Tài hội họa... Thật không mình?
Thế là chiến tranh chấm dứt, nhưng rồi cứ lúc nào rảnh là má bắt ba phải nghe má nói chuyện hội với họa. Chuyện hội họa của má chỉ quanh quẩn với mấy cái mầu này sắc nọ. Hết nói về mầu xanh thiên thanh của bầu trời lại quay qua mầu trắng tinh khiết của mây bay lững lờ. Ba phải lấy hết cố gắng để ngồi nghe, nhưng nếu má tinh ý sẽ thấy ba thở dài não ruột sau cái ngáp thật dài.
Càng ngày má càng say mê hội họa, khắp nhà chỗ nào cũng đầy dẫy những bức tranh vẽ nhăng vẽ cuội của má. Mỗi lần nhìn thấy một bức tranh ba cười như mếu, ba nhìn quanh xem có má ở gần đó không rồi ba thè lưỡi trợn mắt như để dọa bức tranh. Mấy bức tranh quỉ quái này làm ba mất khối tiền để má mua giấy mua mực. Có lần ba dại mồm dại miệng than thở:
- Giấy với mực dạo này đắt quá phải không mình?
Má gân cổ lên cãi:
- Đắt gì đâu nào, đâu có đắt bằng thuốc lá của anh.
Ba ngập ngừng:
- Nhưng... anh thấy em vẽ chẳng có lợi gì cả.
Má bĩu môi:
- Con người anh chỉ ham lợi, lẽ ra như người khác anh phải khuyến khích em mới phải, đây chưa chi anh đã than đắt với rẻ. Sao anh không chịu nhìn xa một chút nào, anh không nghĩ rằng biết đâu một ngày kia em sẽ nổi tiếng sao?
Ba bật cười ha hả:
- Nổi tiếng?
Tiếng cười của ba làm má tái cả mặt, má không nói một tiếng nào đi một mạch vào phòng. Má không nói một tiếng nào tức là má giận ghê lắm rồi, ba lo sợ nhìn má. Quả nhiên đến chiều má ốm nằm vùi trong phòng, bếp núc lạnh lẽo. Ba đi làm, hai cậu con đi học. Đến chiều ba đi làm về, bụng đói meo, vào trong phòng thấy má vẫn nằm im lìm, ba tái cả mặt nhảy ba bước xuống bếp xem có cái gì không. Thế là ba phải xoay trần ra nấu cơm. Đến bữa cơm chỉ có ba người ăn, nhưng cơm nuốt không nổi. Hai cậu con cứ rên rỉ:
- Trời ơi! Ba nấu cơm kỳ quá.
Ba cười như mếu:
- Thì ba có nấu bao giờ đâu mà bảo ba nấu cho ngon được.
- Má bị đau hở ba? Sao má nằm như chết vậy ba?
- Má tụi bay giận ba đó mà.
Hai cậu con vỗ tay reo ầm lên:
- A! Má giận ba cái vụ hội họa phải không ba?
- Ờ.
Má trong phòng nghe hai tiếng thân yêu "hội họa" vội lò dò đi ra:
- Ba con tụi bay cười gì má đó?
Cậu con lớn cười nói:
- Đâu có má. Tụi con đang cười ba đó má.
- Sao lại cười ba?
- Má biết ba nói gì không má?
- Nói gì?
- Ba cứ thắc mắc không hiểu sao má lại giận ba. Ba nói ba phục cái tài hội họa của má ghê lắm, hồi trưa má nói má sẽ nổi tiếng làm ba khoái quá ba cười to lên để tán thưởng vậy mà má lại giận ba...
Nét mặt má rạng rỡ hẳn lên, má cắt ngang:
- Vậy hả? Thế mà má lại hiểu lầm.
Ba còn nói thêm:
- Mình sao hay giận quá, làm anh không hiểu gì cả.
- Thôi hết giận rồi. Trời ơi! Cơm nước thế này làm sao mà ăn. Bây giờ để xin lỗi mình em khao cả nhà một bữa cơm tiệm.
Ba mạng đàn ông vỗ tay đôm đốp. Ba nói thầm "đàn bà chỉ khoái nịnh".
Lần đó ba được ăn một bữa ngon lành, nhưng rồi càng ngày má càng "đi sâu" vào ngành hội họa. Má bắt ba ngồi làm mẫu, người mẫu cứ nhăn nhó như khỉ ăn ớt, má biết ba không mấy ưa thích cái nghề làm mẫu nên má nịnh ba:
- Cái dáng ngồi của mình hay ghê! Mình để tóc như vậy có vẻ giống Paul Newman quá.
Má biết ba ưa nhất là tài tử Mỹ Paul Newman, nhưng không ngờ ba đang cáu nên xổ cho một câu:
- Hay cái gì mà hay. Mũi tẹt thế này mà giống bôn với biếc cái gì, mình chỉ hay bày đặt.
Lần này sao má dễ tính thế, má cười cười giảng hòa:
- Không, em nói thật đấy chứ, thôi mình chịu khó ngồi vài lần nữa là xong nghe mình!
Ba biết có chống cự cũng không xong, đành ngồi im lặng không thèm nói gì cả. Cái số của ba thật là khổ, vừa mất công làm người mẫu vừa phải bỏ tiền ra cho "họa sĩ" mua giấy. Mà mỗi lần làm mẫu đâu có mau chóng gì, có khi ba phải ngồi cả tiếng đồng hồ mà nhìn vào bức tranh chỉ thấy thêm được mỗi cái tai. Ba phải ngồi mẫu đúng 41 lần thì bức tranh của "nữ họa sĩ" mới hoàn thành. Nhìn mình trong bức tranh ba muốn rợn cả tóc gáy, người ngợm gì mà như con ma. Ba mỉa má một câu:
- Mình có lối vẽ giống Picasso.
Má tròn mắt:
- Picasso là ai hở anh?
- Là họa sĩ chứ là ai?
Má tươi cười hớn hở:
- Thật hả mình? Trời ơi! Mình làm em sung sướng quá.
Rồi má hỏi tiếp:
- Mình thấy em có thể tiến hơn nữa không?
Ba gật đầu cho xong chuyện:
- Tiến chứ.
Rồi ba đi vào phòng nằm vật xuống giường. Ba lẩm bẩm:
- Mẫu miếc gì mà chẳng có một xu, chán ơi là chán!
Bức tranh được má treo lên thật cao, mỗi lần đi ngang qua bức tranh má ngắm nghía trông đến hay. Còn ba, ba ghét bức tranh thậm tệ, nó bêu xấu ba quá mà. Ba cứ nghĩ thầm trong bụng "mình đâu đến nỗi xí trai mà sao bà ấy vẽ mình cứ như là ma le trông phát khiếp".
Dần dần má có vẻ chán cái nghề họa sĩ của mình, má ít nói đến hội họa. Cho đến một hôm, ba mới quen một ông bạn họa sĩ, ba mời về nhà chơi. Lúc giới thiệu ông bạn với má, ba khai ngay cái nghề họa sĩ, mắt má sáng lên, má bám sát ông họa sĩ. Và máu nghệ sĩ lại nổi lên khi ông họa sĩ vì lịch sự phải khen bức tranh má vẽ. Má lại hý hoáy với mực và giấy, má bắt hai cậu con làm mẫu, hết đứng lại ngồi, hết ngồi lại nằm, thôi thì đủ trò đủ kiểu. Má phải mất mỗi giờ 50 đồng cho hai cậu con mỗi lần làm mẫu. Má xót tiền nên những bức tranh sau này má vẽ có vẻ nhanh hơn bức tranh đầu tiên. Ba cũng xót tiền quá nhưng đành chịu không biết làm sao cho má dừng cái nghề họa sĩ nửa vời.
Tranh của má được gần 10 bức, má có vẻ tự đắc với kỳ công của mình ghê lắm. Ba ghét mấy bức tranh quá trời quá đất nhưng vẫn phải khen lấy khen để hầu được ăn ngon. Nói đến tài nấu ăn của má thì khỏi chê, một tay má có thể làm một bữa tiệc 2, 3 chục người như chơi. Má có tài nấu ăn nên ông họa sĩ cứ được mời ăn cơm hoài, má mời ông họa sĩ để hỏi ý kiến về màu này sắc nọ. Hồi đầu ông họa sĩ khoái ăn ngon nên chịu khó đến lắm, nhưng rồi ông họa sĩ cũng chán má luôn, ông không thèm đến nữa, chỉ thỉnh thoảng khi nào má mời quá lắm thì ông mới đến. Ông họa sĩ đến để phê bình giúp má về mấy bức tranh người nằm, người ngồi, người đứng cạnh con Tô Tô v.v... Ông vẫn lịch sự, ga lăng như xưa nên tranh của má vẫn được khen đẹp khen hay. Má phấn khởi quá càng hăng hái vẽ hơn nữa. Bây giờ trong phòng đầy dẫy tranh nọ ảnh kia, nó làm ba nhức cả đầu, và xót cả ruột. Ba thấy đã đến lúc phải cắt đứt cái dòng máu nghệ sĩ của má, nhưng ba nghĩ mãi chưa ra cách, làm sao để khuyên răn má đây? Đã lỡ khen rồi, bây giờ lại chê thì người ta đâu có thèm nghe. Ba cứ chần chừ mãi chưa thực hiện được ý định của mình thì một hôm má tuyên bố một quyết định động trời:
- Mình nè, em vẽ cũng gần được 50 bức tranh rồi đó mình, mình thấy em có nên tổ chức một cuộc triển lãm không?
Ba há hốc miệng:
- Triển lãm hả? Trời ơi!
Má thản nhiên gật đầu:
- Vâng triển lãm, có sao đâu mình. Em đã nói là em làm. Mình sao lúc nào cũng yên phận không chịu tiến lên gì cả. Em triển lãm tranh rồi sẽ có người mua tranh của em chứ.
- Mình... mình có điên không?
- Không điên. Chiều nay em sẽ mời ông họa sĩ đến để hỏi ý kiến về việc này.
Ba biết có nói gì cũng không xong, đành im lặng tìm phương kế cuối cùng. Buổi trưa ba đến nhà ông họa sĩ, ông họa sĩ mở cửa với vẻ ngạc nhiên hết sức:
- Ủa! Anh đến có chuyện gì vậy?
Ba than thở:
- Tôi khổ quá anh ạ!
- Sao khổ?
- "Bà họa sĩ" đòi triển lãm tranh.
- Trời đất ơi! Thảo nào bả mời tôi chiều nay đến nhà cho được. Chắc để nói chuyện đó phải không?
- Vì thế tôi mới phải đến anh đây.
- Để làm gì hở anh?
- Bây giờ chỉ có anh may ra mới cản bả được, nhất định bả sẽ giận anh ghê lắm nhưng cần gì. Chiều nay anh cứ đến nói toạc móng heo cho bả nghe, không cần giấu giếm gì nữa cả, chứ bả đòi triển lãm tranh thì ai mà chịu cho nổi.
Buổi chiều ông họa sĩ đến, má lăng xăng pha trà rót nước, rồi đề cập ngay đến chuyện triển lãm.
- Anh thấy tôi có nên triển lãm tranh không?
Ba hồi hộp nhìn ông họa sĩ. Ông họa sĩ từ từ lắc đầu:
- Nói ra sợ chị giận chứ thật ra tôi khuyên chị không nên tiếp tục vẽ nữa.
- Sao? Anh bảo sao?
- Dạ tôi khuyên chị không nên vẽ nữa, vì... lối vẽ của chị không hợp với bây giờ nữa rồi.
- Sao? Sao lại không hợp?
- Vì chị chưa biết pha màu.
Mặt má tái hẳn đi, ba thương hại nhìn má. Má gượng cười nói:
- Tôi hiểu rồi.
Nói xong má bỏ vào phòng. Mộng họa sĩ tan vỡ. Ba nhìn ông họa sĩ thầm cám ơn.
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 196, ra ngày 1-3-1973)
- Mình nè, em vẽ cũng gần được 50 bức tranh rồi đó mình, mình thấy em có nên tổ chức một cuộc triển lãm không?
Ba há hốc miệng:
- Triển lãm hả? Trời ơi!
Má thản nhiên gật đầu:
- Vâng triển lãm, có sao đâu mình. Em đã nói là em làm. Mình sao lúc nào cũng yên phận không chịu tiến lên gì cả. Em triển lãm tranh rồi sẽ có người mua tranh của em chứ.
- Mình... mình có điên không?
- Không điên. Chiều nay em sẽ mời ông họa sĩ đến để hỏi ý kiến về việc này.
Ba biết có nói gì cũng không xong, đành im lặng tìm phương kế cuối cùng. Buổi trưa ba đến nhà ông họa sĩ, ông họa sĩ mở cửa với vẻ ngạc nhiên hết sức:
- Ủa! Anh đến có chuyện gì vậy?
Ba than thở:
- Tôi khổ quá anh ạ!
- Sao khổ?
- "Bà họa sĩ" đòi triển lãm tranh.
- Trời đất ơi! Thảo nào bả mời tôi chiều nay đến nhà cho được. Chắc để nói chuyện đó phải không?
- Vì thế tôi mới phải đến anh đây.
- Để làm gì hở anh?
- Bây giờ chỉ có anh may ra mới cản bả được, nhất định bả sẽ giận anh ghê lắm nhưng cần gì. Chiều nay anh cứ đến nói toạc móng heo cho bả nghe, không cần giấu giếm gì nữa cả, chứ bả đòi triển lãm tranh thì ai mà chịu cho nổi.
Buổi chiều ông họa sĩ đến, má lăng xăng pha trà rót nước, rồi đề cập ngay đến chuyện triển lãm.
- Anh thấy tôi có nên triển lãm tranh không?
Ba hồi hộp nhìn ông họa sĩ. Ông họa sĩ từ từ lắc đầu:
- Nói ra sợ chị giận chứ thật ra tôi khuyên chị không nên tiếp tục vẽ nữa.
- Sao? Anh bảo sao?
- Dạ tôi khuyên chị không nên vẽ nữa, vì... lối vẽ của chị không hợp với bây giờ nữa rồi.
- Sao? Sao lại không hợp?
- Vì chị chưa biết pha màu.
Mặt má tái hẳn đi, ba thương hại nhìn má. Má gượng cười nói:
- Tôi hiểu rồi.
Nói xong má bỏ vào phòng. Mộng họa sĩ tan vỡ. Ba nhìn ông họa sĩ thầm cám ơn.
LINH VI
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 196, ra ngày 1-3-1973)