Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019

Khi Hổ Ăn Chay


Dân bộ lạc Ông Thê vào thời xưa vẫn tin tưởng rằng tất cả mọi vật trong trời đất thuộc loài người đều có một linh hồn như người vậy. Chẳng hạn đối với họ núi đá là một sơn nhân, gấu là một người vùng hoang đảo, cá là một người ở thủy cung, còn cây là một người rừng...

Vào thời xa xưa đó, có hai anh em, anh tên là Sâm Lâm và em tên là Di Lâm. Họ sống thuận hòa dưới mái nhà song thân. Tuy hai người tính nết không giống nhau song rất thương nhau.

Một ngày kia, cha già của họ lâm trọng bịnh. Anh em dốc tấm chạy chữa nhưng ngày tháng qua bệnh cha già vẫn không lui. Tuy vậy, người cha không tỏ vẻ buồn rầu, gọi hai con lại bên giường mà dặn:

- Các con chớ bận tâm. Ta biết mệnh ta. Người già phải chết, đó là luật tạo hóa, chống chọi vô ích. Ta chỉ mong các con phải nhớ lời ta lúc lâm chung này mà cư xử với nhau cho phải đạo. Được như vậy, dưới  tuyền đài ta mới yên tâm. Trong khi săn bắn, trong lúc vui chơi, lúc nào hai con cũng nhớ đừng rời nhau nửa phút. Có như thế, đứa kia gặp nạn, đứa này mới có thể tiếp cứu kịp thời. Cả hai đứa phải nhìn cùng một hướng. Nhất là Di Lâm, con có tính bất nhất, bông lông, đừng bao giờ quên lời cha dặn.

Cả hai anh em đều phục xuống giường cha, cùng khóc và cùng hứa xin tuân lời trăn trối cuối cùng. Người cha lấy làm mãn nguyện, tắt thở trong một nụ cười sung sướng.

Sâm Lâm và Di Lâm xé khăn trắng quấn lên đầu để tang cha. Họ tự tay khâm liệm và đặt cha trong một áo quan do chính họ đẵn gỗ và đóng lấy. Họ cũng từ chối sự giúp đỡ của mọi người, thân hành mang xác cha ra một cánh đồng, đào huyệt chôn cha ; họ còn cẩn thận đặt chân cha quay về hướng đông để ông có thể thấy mặt trời.

Rồi liên tiếp trong ba tháng như thế, ngày nào hai anh em cũng mang thức ăn đến huyệt để nuôi dưỡng linh hồn người quá cố đúng như tập thục.

Sau đó, họ phải trở về, chuẩn bị lên đường săn bắn để phụng dưỡng mẹ già.

*

Sâm Lâm đi trước, Di Lâm theo sau. Tuy cha đã dặn: cả hai hãy nhìn về một hướng để dễ dàng tiếp cứu cho nhau, nhưng chỉ mình Sâm Lâm tuân lời dặn mà thôi. Di Lâm thì quay sang phải, quay sang trái, nhìn trước chán lại đảo mắt qua sau vai, thật y như anh chàng chưa từng nghe lời cha dặn bao giờ.

Bỗng, soạt một tiếng, Di Lâm giật mình nhìn trước mặt, thì: chao ôi! Một con cọp to lớn từ bụi rậm nhảy ra phóng thẳng đến trước mặt Sâm Lâm. Sâm Lâm không kịp rút dao ra, cũng không có thì giờ đưa lao lên đỡ. Di Lâm phía sau có thể tiếp cứu anh, nếu hắn bình tĩnh. Song tim Di Lâm đập mạnh trong lồng ngực vì sợ hãi. Bởi cãi lời cha nên tim hắn đã hóa thành tim thỏ mất rồi. Một con thỏ không bao giờ biết chiến đấu, nên trong tình trạng nguy ngập đó, Di Lâm chỉ còn có một cách hèn hạ nhất mà người trong bộ lạc hắn không bao giờ tha thứ là quì xuống xin cọp dung tha sinh mạng anh mình. Mắt nhắm kín, toàn thân run lên bần bật, Di Lâm thành khẩn van nài cọp dữ như van nài một linh thần.

Di Lâm quì như thế rất lâu, và khi nó ngẩng đầu lên, mở mắt ra thì chao ơi! Kỳ quái làm sao: cả cọp dữ lẫn anh nó đều biến mất, không còn một chút dấu vết gì, không dấu chân, không vết máu...

Di Lâm lo lắng, gọi to:

- Anh Sâm... Lâm...m! Anh Sâ...m Lâ... m!

Mặc cho nó khản cổ gào, rừng già vẫn im lặng, không một tiếng trả lời, ngoài tiếng dội của bức thành bằng đá như mỉa mai, chế diễu tên hèn nhát, bỏ anh trong cơn nguy hiểm.

Di Lâm nức nở khóc. Không có anh mình, mình sẽ ra sao? Bộ lạc sẽ nghĩ thế nào khi mình trở về đơn lẻ một mình? Làm sao mình trả lời họ? Làm sao xóa sạch nhục nhã này?

Đó là chưa kể từ nay, Di Lâm phải thay anh nuôi em và nuôi mẹ, một mình, không ai giúp đỡ trong khi nguy hiểm, khuyến khích lúc gặp khó khăn. Nghĩ đến đó, Di Lâm lau nước mắt vì nhớ ra mẹ và em đang đợi ở nhà. (Trong ba tháng lo thờ phụng cha thực phẩm trong nhà cạn sạch) Di Lâm phải gánh lấy bổn phận, từ đây.

Di Lâm bèn gượng đứng lên, quay lui để xem xét các bẫy do anh em nó đặt trước khi anh nó bị mất tích. Trong một cái khuất sau bụi rậm, Di Lâm mừng rỡ thấy có một con sóc mắc chân vào đó. Dù sao, con sóc đó cũng đủ cho mẹ và em trong một bữa... Di Lâm yên tâm lắm, nhẹ nhàng đến gần con vật, toan tháo bẫy, bắt nó.

Ghê sợ làm sao: vừa thoạt thấy Di Lâm, con sóc kêu lên, khinh bỉ:

- Tên hèn nhát, đừng hòng động đến lông ta! Mày đã để mất anh! Đi đi! Đi cho khuất mắt! Ta không muốn thấy mặt kẻ hèn đâu! Thà chết còn hơn!

Và trước khi Di Lâm hành động như ý muốn, con sóc đã dùng răng, cắn đứt ngang chỗ chân kẹt trong bẫy, khập khiễng chạy vào rừng già ; không để cho bàn tay kẻ hèn động đến mình đúng như lời nó nói.

Di Lâm lẳng lặng tháo gỡ cái chân bầy nhầy máu thịt vứt ra xa, lòng tràn ngập nỗi buồn, vì ngay đến con vật nhỏ bé cũng khinh mình hèn nhát.

Di Lâm lại đến quan sát mấy chiếc lưới mà hai anh em đã giăng trước khi anh mình bị cọp vồ mất tích. Lòng mừng khấp khởi, Di Lâm nhận ra một con chồn hôi vướng lưới đang vùng vẫy một cách vô vọng. Di Lâm nhanh chân chạy đến, nhưng lạ thay: nhận thấy bóng Di Lâm, con chồn ranh hét lên:

- Tên hèn nhát đã để mất anh! Đừng hòng bắt được ta, không bao giờ ta để sa vào tay mi đâu! Thà ta xuống vũng bùn còn hơn!

Và nó cố gắng phi thường cắn cho đứt lưới trước khi Di Lâm hành động như ý muốn.

Di Lâm vừa xấu hổ vừa đau đớn, ngồi phệch xuống bưng đầu suy nghĩ. Nỗi hối hận giày vò lòng hắn. Hắn không biết làm cách gì để rửa cái nhục để mất anh.

Một con ngỗng rừng chợt bay ngang. Lập tức Di Lâm lắp mũi tên vào và giương cung lên. Mũi tên ghim đúng dưới nách con vật làm nó mất thăng bằng, lảo đảo sắp rơi xuống đất. Di Lâm mừng rỡ, vội  vàng chạy đến đón nhặt.

Di Lâm vẫn không được như ý muốn vì khi nhác thấy bóng Di Lâm, con ngỗng rừng đang quằn quại trên bụi cỏ bỗng kêu lên:

- Chớ! Chớ lại gần ta! Ta không làm mồi cho quân hèn nhát, để mất anh!

Nó dùng mỏ nhổ mũi tên khỏi cánh một cách khó nhọc, đau đớn, rồi trong lúc Di Lâm sững sờ chết lặng, nó cố gắng vỗ cánh bay lên... Nó bay đến giữa dòng sông rồi kiệt lực buông mình xuống nước, chìm dần... Di Lâm quá đỗi kinh hoàng, hắn dụi mắt hai ba bận để xem mình mê hay tỉnh. Khi nhìn lại thảm cỏ còn giây máu con vật ngay trước mắt, Di Lâm đành công nhận điều này: cả chim muông lẫn thú vật đã và sẽ không bao giờ hạ mình để lọt vào tay một kẻ thợ săn hèn nhát như mình!

Trong lúc đang nghiền ngẫm suy nghĩ, Di Lâm chợt nghe có tiếng hót lanh lảnh trên cành gần đó. Di Lâm ngẩng đầu lên thì vừa vặn đôi chim cũng nhìn thấy mình. Chim trống bảo vợ:

- Chúng ta đi nơi khác. Đừng hót nữa! Đừng để tiếng hót êm dịu lọt vào tay kẻ hèn nhát, bỏ anh cho cọp dữ vồ...

- Phải! Chúng ta đi, rừng già không thiếu chỗ...

Nỗi khổ nhục đè nặng trong lòng Di Lâm. Hắn ngồi yên không cử động và quên cả đói. "Ta đã để mất anh. Khi người ta mất cái ống điếu người ta phải tìm thấy người ta mới yên lòng. Thế mà ta, ta làm mất anh mình. Phải tìm ra anh ấy, nếu không dù ta chết, nỗi khổ nhục vẫn theo ta. Linh hồn ta sẽ sa vào hỏa ngục đời đời" Di Lâm nghĩ và nước mắt lại tuôn dài xuống má.

Sau cùng, hắn quả quyết trở về thú thật mọi chuyện với mẹ già, xem ý kiến mẹ thế nào. Chỉ có cách đó, may ra...

*

Mẹ Di Lâm ngồi lặng yên, nghe con kể chuyện xảy ra, bà không quát mắng, la lối tiếng nào. Một tay bà vuốt mái tóc bạc phơ lòa xòa trong gió, tay kia vuốt tóc con trai. Di Lâm vẫn giữ tư thế quì bên cạnh mẹ, khóc nức rằng:

- Tim con đã hóa thành tim thỏ rồi, thưa mẹ! Con phải làm sao? Tại sao lại thế?

Người mẹ cúi xuống, hôn vào trán con, vào đôi mắt đẫm ướt, ôn tồn:

- Không có gì khó hiểu: chỉ tại con cãi lời cha không nhìn thẳng trước mặt như lời người trăn trối vì vậy con bị trừng phạt. Chỉ có một cách để con lấy lại quả tim người, là gấp tìm lại anh con!

- Nhưng con biết tìm anh ấy ở đâu bây giờ đây?

- Điều đó chính mẹ cũng không biết được. Mẹ chỉ biết rõ một điều: nếu sự sợ hãi của con đã làm mất anh con thì chính sự can đảm của con sẽ giúp con tìm thấy nó.

- Con nghe lời mẹ. Con sẽ tìm thấy anh con! Xin mẹ tin con.

Di Lâm dõng dạc trả lời mẹ, đầu ngẩng cao, lưng thẳng, giọng cương quyết. Mẹ Di Lâm vui vẻ giúp con chuẩn bị hành trang: ống điếu, dao rừng, cung tên, bùi nhùi, bật lửa v.v...

Không biết mình nên đi đâu, song Di Lâm không cần chuyện đó, hắn ta hôn từ biệt mẹ rồi cứ nhắm hướng tây, hướng mà hắn đã để anh mất tích, tiến lên.

Thoạt tiên, Di Lâm gặp một con rắn nước, liền hỏi thăm xem mình nên tìm anh ở chỗ nào. Con vật nhỏ bé khinh khỉnh nói:

- Anh mi không phải là đứa trẻ, còn ta, ta cũng không phải vú già, làm sao ta lại phải biết hơn mi về chỗ ở của chính anh mi?

Di Lâm không thèm tức giận con vật khó tính kia, tiếp tục đi.

Lần này hắn gặp một con chuột nhắt, lại hỏi thăm xem chuột có thể chỉ chỗ trú của anh mình. Chuột nhắt cười khẩy:

- Anh khờ lắm, anh muốn biết chỗ trú của Sâm Lâm, anh phải hỏi những con vật ở trên cao, vì những con vật đó mới nhìn thấy những gì xảy ra dưới đất. Ai lại ngu dại đi hỏi loài thú ở dưới thấp lè tè, chúng làm sao thấy được? Đáng lẽ, ta không thèm chỉ vẽ điều này, vì anh hèn đã để mất anh, nhưng ta thấy anh thành tâm nên cũng động lòng. Hãy nghe ta tìm những con vật ở cao mà hỏi, thế nào cũng biết tin tức của Sâm Lâm.

- Cảm ơn chuột! Cảm ơn chuột đã có lòng tốt đối với kẻ hèn!

Không chút phật ý vì lời chuột, Di Lâm vội vàng cảm ơn và tiến tới, tuy nhiên Di Lâm không hẳn tin lời chuột, nên lần này lại hỏi một con ếch trên bờ đầm về tin tức anh mình. Ếch giương mắt nhìn Di Lâm bằng cái nhìn miệt thị rồi nhảy phóc vào bụi rậm, như tuồng Di Lâm không xứng đáng cho nó trả lời câu hỏi. (Kỳ thật nó không biết tin tức Sâm Lâm, song ếch là loài tự phụ, không bao giờ muốn cho bất cứ ai biết rõ nhược điểm của mình).

Không nản lòng, Di Lâm hỏi đàn cá trên sông, đàn cá nguẩy đuôi bơi ra giòng sâu không đáp. Di Lâm suy nghĩ một chốc rồi chạy đến gần chỗ con chim tước đang đậu hỏi tin anh, rồi lại hỏi thăm con hạc nữa. Chẳng con nào biết tin tức Sâm Lâm song riêng con hạc, nó thương hại Di Lâm nên giúp một lời khuyên đáng quí:

- Anh hãy hỏi thăm chim Đại bàng. Vì Đại bàng bay cao nhất, mắt nó tinh nhất, việc gì nó cũng tỏ tường... Hiện nó đang nghỉ ở trên cây cổ thụ kia, hãy mau chân đến đó mà hỏi nó.

Tuy vội vàng, Di Lâm cũng nhớ cảm ơn chim hạc rồi ba chân bốn cẳng hướng về phía chim hạc chỉ cho mình.

Quả nhiên, Di Lâm gặp Đại bàng. Bằng giọng nhỏ nhẹ, Di Lâm hỏi thăm tin tức anh mình. Đại bàng đáp:

- Phải! Ta biết chỗ trú của anh ngươi. Anh ngươi không chết, nhưng ngươi phải nghe ta và chịu nhiều vất vả mới gặp được anh ngươi. Ngươi có nghe ta không?

- Tôi xin tuân lời chim...

- Thế thì tốt lắm. Nhưng ta bảo trước, không được cãi lời ta, ta bảo sao nghe vậy, không được kêu ca, không được sợ hãi, không được lùi lại bất cứ trong trường hợp nào. Nếu ngươi vượt qua bảy lần như thế, ngươi sẽ thấy anh ngươi! Hãy hứa với ta, ta sẽ chỉ đường cho ngươi.

- Tôi xin hứa! Tôi hứa đi đến cùng!

Đại  bàng gật đầu  và nhổ một cái lông cánh của mình vứt xuống cho Di Lâm và bảo:

- Ta bận việc, không thể đi với ngươi, chiếc lông này sẽ thay ta chỉ đường rất chính xác. Thôi đi đi, chúc ngươi thành công, nhá?

Cái lông bay về hướng mặt trời lặn. Di Lâm chỉ kịp thốt lên hai tiếng cảm ơn chim rồi vội băng mình cho kịp cái lông kia.

*

Di Lâm vừa chạy vừa đi, chạy mỏi, anh ta đi, đi thấy không kịp cái lông lại chạy. Di Lâm vượt qua ba giòng suối cạn, chiếc lông chim cứ là là bay phía trước dẫn đường. Luôn luôn, Di Lâm nhìn thẳng theo lời cha căn dặn. Rồi đến một giòng sông rộng mênh mông. Chiếc lông Đại bàng bay qua sông một cách nhanh chóng và đợi Di Lâm bên kia bờ, không bay nữa.

Di Lâm lập tức rút rìu mang theo bên mình ra hạ một cây to, đục thủng ruột cây để làm thuyền vượt qua sông. Công việc này đối với Di Lâm không mấy khó, song khi thuyền vừa hạ thủy, giòng sông bỗng nhiên sôi sục lên như một cái nồi nước sôi vĩ đại, hơi nước tỏa lên mù mịt và lạ lùng thay: chiếc thuyền biến dạng dúm dó lại trong một thoáng chốc và chìm lỉm giữa giòng. Bao nhiêu cá chết dưới nước nổi lềnh bềnh, phơi những cái bụng căng tròn, mắt lồi trắng dã! Hơi nước sôi càng lúc càng tốc lên cuồn cuộn, bao phủ cả khu rừng. Di Lâm kinh hoàng, toan lùi lại nhưng sực nhớ đến lời hứa với mẹ, với Đại bàng nên không chút do dự: hắn gác cây cung giữa hai thân cây to, căng dây móc vào cành nhỏ và lắp tên vào. Đoạn một tay nắm mũi tên, tay kia bẻ gãy cành cây, dây cung bật lại kêu lên một tiếng soạt phóng vút ra, bay ngang giòng sông đang sôi sục. Hơi nước làm mờ mắt Di Lâm nhưng hắn không nao núng, vẫn nắm cứng mũi tên. Toàn thân Di Lâm như nhẹ hẫng, hắn cùng bay với mũi tên. Mặc dù bị phỏng chút ít, hắn vẫn sang được bên kia bờ một cách yên lành. Vừa đặt chân được xuống đất, Di Lâm chưa kịp thở cho lại sức thì phía trước chiếc lông đã bay đi, làm hắn phải đi theo, vừa hổn hển thở, mồ hôi tuôn như tắm.

Cứ thế, lông bay trước, người theo sau, luôn luôn giữ một khoảng cách không xa lắm. Đôi bên trèo núi thêm ba lần, đi suốt đêm không ngủ. Kỳ diệu thay ban đêm chiếc lông sáng rực như ánh sao soi đường cho Di Lâm bước tới.

Di Lâm lẩm bẩm:

- Chắc qua khỏi ba quả núi này là... đến chỗ anh mình?

Và anh ta thấy phấn khởi lên, xăm xăm bước tới. Một chốc sau, Di Lâm thấy phía trước mặt một vùng cao nguyên lởm chởm đá, và để qua đến đó, cái lông là là bay trên một con đường mòn độc nhất được trải bằng xương người ; đủ thứ xương: xương sườn cong tròn như những cái lồng chim, xương ống dài như những cái chày giã nhỏ, xương sọ tròn tròn với đôi hốc mắt sâu hoắm, đen ngòm, xương cánh tay và bàn tay như những cái cành mùa đông khẳng khiu, giơ ra như chực tóm lấy Di Lâm. Chao ơi là sợ! Sợ không biết để đâu cho hết! Tuy nhiên nhớ lời hứa với mẹ và Đại bàng, Di Lâm nghiến răng bước tới, không thèm nhìn trái nhìn phải, cũng chẳng nhìn lui. Vừa đến cuối đường, thì lù lù một bầy cọp đói đông như kiến, đông đến nỗi mầu lông của cọp che khuất cả mầu đá trên cao nguyên kia. Bầy ác thú gầm gừ, xô lấn nhau, quần nhau chí tử. Cái lông vẫn bay là là trên bầy hổ. Chúng sẽ nhai xương ta mất thôi! Di Lâm thầm nghĩ. Để đỡ sợ, Di Lâm trì hoãn bằng cách nép về một bên, lôi thuốc ra châm hút. Bỗng một ý kiến lóe sáng trong đầu Di Lâm. Hắn bèn lấy cỏ khô quấn thành một cái mão thật to đội lên đầu và hai cây đuốc cũng to không kém cầm ở hai tay. Đoạn, Di Lâm châm lửa cho cháy cả ba lên, mão đội lên đầu, hai cây đuốc cầm chắc ở hai tay, vừa quát vừa chạy tới. Cỏ khô cháy rực trên đầu Di Lâm, hai cây đuốc thì cháy rực trên hai tay Di Lâm làm cho bầy hổ bị chói mắt bởi con vật kỳ dị: đầu và tay đều bằng lửa đỏ, tức thì ùa nhau chạy trốn! Chúng gầm lên chuyển động cả một vùng, đuôi quật xuống đất, mõm há rộng oạc và đỏ ối... Di Lâm nhắm mắt lại cho đỡ sợ, hai tay vẫn khư khư hai cây đuốc rực lửa, đầu vẫn ngay ngắn cái mão lửa, chạy tràn.

Sau lưng Di Lâm tiếng gầm thét xa dần, xa dẩn và tắt hẳn. Di Lâm hoàn hồn dừng lại thở. Là là phía trước, giữ một khoảng cách trung bình, cái lông chim bay, bay mãi... Di Lâm không dám kêu ca một tiếng, lầm lũi theo sau.

Bây giờ là một khu rừng già, cây san sát chen nhau, cao vòi vọi, không một tia nắng nhỏ lọt vào. Khi Di Lâm đến khu rừng này thì mặt trời ngoài bìa rừng chiếu cái bóng Di Lâm thẳng đứng thế mà vào trong, bóng tối che dày. Dây leo và rễ phụ quấn quít lấy thân cây, vô số cành tua tủa chìa ra như những cánh tay ma quái... Di Lâm gợn rợn sợ, nghĩ thầm: "Có lý nào đây là loại cây ăn..."!

Mà đúng như vậy: đó là khu rừng cây ăn thịt, chỉ có loài thú nhỏ, thấp mới vượt qua được mà thôi vì cây không cúi thấp được. Trong bóng tối, cái lông chim rực sáng soi đường cho chàng trai và cũng nhờ ánh sáng đó, Di Lâm thấy vô số những bộ xương người treo lủng lẳng trên cành.

Di Lâm kinh hoàng tột độ, tay chân run rẩy, tim đập thình thình trong lồng ngực. Song thu hết nghị lực, Di Lâm bụng bảo dạ rằng:

- Không việc gì mà sợ. Ta là người, sao lại sợ thứ... cây rừng? Ta sẽ vượt qua đây như cái lông chim trước mặt!

Di Lâm dừng lại, nhìn quanh, nghĩ kế. Chợt hắn trông thấy một con chồn hôi nhỏ đi lại gần mình, tức thì, Di Lâm rút dao ra đâm vào ngay giữa cuống họng con vật. Một giòng máu từ cổ con vật tuôn ra ướt đẫm tay Di Lâm. Di Lâm lau vội vào bộ lông con vật và nhanh nhẹn dùng dao cắt thịt nó ra từng mảnh nhỏ, cắm vào đầu nhọn của cái lao. Di Lâm giơ cao ngọn lao, mạnh dạn tiến sâu giữa những thân cây khát máu. Các cây này đánh hơi mùi máu thịt tươi, chồm lại, vươn tới cây lao, các cành có vuốt nhọn đưa ra tranh nhau ngọn lau cắm đầy những thịt.

Quang cảnh đó làm Di Lâm rởn gáy, nhưng Di Lâm vẫn can đảm bước, cứ mỗi cái vuốt cây chồm lại, Di Lâm đưa cho nó một miếng thịt rồi giật lao đi nếu không nó sẽ tóm hết Cành nào được miếng thịt, chưa kịp rụt lại thì bị các cây khác tranh giành, cây nọ đập cây kia, lá rơi ngập đất, chúng đánh nhau dữ dội cho đến nỗi không những chỉ có lá lìa cành mà vỏ cây cũng bị xây xát, bắn tứ tung.

Di Lâm không ngừng lại nửa giây: cứ bước tới, vừa đi vừa đút thịt cho những cây trước mặt. Khu rừng hỗn loạn, cành lá quất nhau, rít lên nghe lạnh người. Thừa dịp, Di Lâm chạy thật nhanh, không quên nhặt nhạnh lấy những cành rơi rụng hết nguy hiểm để phòng khi có cần sưởi ấm về sau.

Một lát sau, Di Lâm ra khỏi khu rừng, chiếc lông chim đợi hắn bên bờ suối, hai tay Di Lâm đầy những cành khô.

*

Bây giờ Di Lâm đến một cái hồ sâu. Di Lâm ghép những cành cây lại, thả lên mặt hồ, định vượt qua hồ bằng cách bước lên cái bè nho nhỏ ấy. Một số cành cây lún xuống, mặt hồ sủi bọt lên, Di Lâm lại lấy những cành còn lại kết thêm cái bè nữa để thay nhau, bước tới. Đến giữa hồ, Di Lâm kinh ngạc thấy một gã đàn ông lùn tịt và có cái gù to tướng sau lưng chặn ngang trước mặt mình. Gã ta chỉ có một cánh tay và một chân thôi. Mặt gã sần sùi, mắt lồi lên trông thật dễ sợ, mũi hếch lên như mũi loài heo, răng chĩa ra ngoài như nanh loài thú dữ. Mặc dù chưa bao giờ giáp mặt gã, nhưng Di Lâm đã nghe danh: đó là Bôkô, một gã độc ác, chuyên môn dụ hoặc làm lạc lối những thợ săn can đảm nhất rồi đưa ra giữa hồ, dìm cho chết làm trò vui.

Bôkô lên tiếng, giọng gã rè rè như chuông vỡ:

- Nhóc con! Đến chỗ này làm gì? Mày định dọ thám tao chăng? Muốn tao dìm xuống hồ chăng?

- Không! Tôi đến tìm ông có chuyện...

Giọng Di Lâm thách đố, khiêu khích. Bôkô gầm lên:

- Gan to dữ há? Tìm tao? Có chuyện? Chuyện gì? Nói nghe coi?

- Người ta nói chuyện rằng cái chân độc nhất của ông mạnh bằng hai chân nguyên vẹn của một người thường, nhưng tôi, tôi không tin như vậy. Hai chân vẫn mạnh và vững hơn một chân. Chúng tôi cá nhau, đến xem thử có thật như vậy không! Và ai đến đây thì được thưởng một con gà gô, tụi bạn chết nhát của tôi không đứa nào dám đi. Tôi thì tôi không sợ, tôi không tin là ông nhảy cao hơn tôi. Trong bộ lạc, tôi nhảy cao nhất, tin cho ông biết trước. Ông dám nhảy thi với tôi không?

- Tao mà thua thằng nhóc hay sao? Đừng có nói dóc. Tao thi với mày, đồng ý. Mày nhảy trước tao coi!

Di Lâm nhảy liền. Hắn chụm hai chân lại, lấy đà phóng lên thật cao rồi từ từ để rơi mình xuống, gần tới mặt hồ, Di Lâm dang hai chân ra để sức nặng bớt đi, và nhắm kỹ để được đứng trên hai cái bè nhỏ của mình. Tuy thế, Di Lâm cũng bị lún đến lưng quần, song không bị chìm hẳn, nhờ hai bè cây đỡ cho.

Bôkô cười khùng khục:

- Vậy mà cũng học đòi! Mở mắt to coi đây!

Dứt lời, gã lấy đà, ngồi thụp xuống rồi nhún một cái, nhảy cao gần đụng mây xanh. Trong lúc gã còn thích thú với tài nghệ tuyệt vời của mình, lộn quanh mấy vòng trên không trung, quên quay đầu lại, đâm thẳng đầu xuống hồ, thay vì xuống bằng chân trước, Di Lâm thừa dịp chuồn gấp qua bên kia bờ. Đằng này, Bôkô đâm đầu vào bùn, hoảng hồn vội cố ngoi lên, dụi mắt, vuốt mặt, cạy bùn trong mũi ra... quên phắt thằng nhóc táo gan...

*

Di Lâm đã theo lông chim vượt qua nhiều chặng đường nguy hiểm: lội suối, trèo đèo, leo núi, qua hồ, sang sông v.v... Chân rướm máu vì đạp đá, những viên đá nhọn lởm chởm đã đâm lủng giày anh. Nhưng chưa hết, lần này nỗi kinh hoàng của Di Lâm thật ngoài sức tưởng tượng của anh: trên lối đi, những viên đá nom như những sinh vật kỳ lạ, chúng ngọ nguậy, rì rào như trò chuyện bằng thứ ngôn ngữ riêng của loài đá vậy! Di Lâm cực kỳ sợ hãi, toan tìm lối khác nhưng trước mắt anh, cái lông chim vẫn thẳng đường, lướt bay trên những viên đá quái gở ấy. Di Lâm mím môi, cả quyết bước tới, không ngừng.

Đột nhiên, một sinh vật ghê gớm xuất hiện giữa những viên đá ghê gớm đó: ngón tay nhọn hoắt, hai chân xoắn vào nhau như hai sợi dây thừng xe chập làm một, thân hình cao lêu khêu đến nỗi Di Lâm phải ngẩng cổ lên mới thấy rõ mặt. Tuy chưa từng gặp mặt nhưng Di Lâm cũng đã biết danh, đó là Hà Man, kẻ độc ác nhất trong số những kẻ độc ác. Tên khổng lồ ghê gớm cất giọng ồ ồ:


- Đi đâu đó? Ai cho phép mày léo hánh đến đây?

- Hai chân tôi bảo tôi đến đây Di Lâm dõng dạc trả lời chân tôi nó bảo: đến coi ông Hà Man mạnh đến mức nào? Làm sao ông mạnh được, vì hai chân ông xoắn tròn lại, kia mà? Có đúng thế không?

Hà Man rất khó chịu mỗi khi nghe ai nhắc đến hai chân kỳ cục của mình. Hắn gầm lên:

- Hai chân tao thì can dự gì đến mày? Sức mạnh đâu ở hai chân? Hãy mở to mắt ếch mày ra mà xem: thấy những viên đá lúc nhúc dưới chân tao đó không? Chúng toàn là người cả đấy, nhãi ranh ạ! Tao biến chúng thành đá đấy! Mày muốn thành đá không, hở? Sao mày dám trêu vào tay tao? Xem đây...

Di Lâm chưa kịp ứng đối thì Hà Man đã cúi xuống, mấy cái móng nhọn hoắt của hắn khẽ vuốt lên vai Di Lâm một cái. Tức thì, trong một chớp mắt, Di Lâm trở thành một viên đá y như các viên đá xung quanh. Sợ gần ngất lịm đi, nhưng Di Lâm vẫn cố gắng thự chủ, giọng anh ta chững chạc:

- Tưởng gì! Ông nội tôi còn hơn ông nữa kia! Khi ổng giận ai, người đó tức thì thành đá, nhưng ông nội tôi chết rồi...

- Như vậy Hà Man vênh váo còn ai hơn tao nữa, chỉ xem?

- Không! Không còn ai, tôi phục ông lắm. Nhưng ông Hà Man ạ! Ông nội tôi tài hơn ông: ông chỉ hóa người thành đá, còn ông nội tôi hóa đá thành người được nữa kia.

- Ta không có mắc lừa mi, ta hoàn mi lại thành người để mi chạy trốn hả? Không đâu!

- Ông lầm rồi, tôi thề là không thèm chạy trốn, trái lại, tôi còn bắt ông cúi xuống... cúi sát gần tôi để nghe tôi nói một điều...

- Cúi xuống? Để nghe mày? Mày có điều gì hay ho đến mức tao phải hạ mình cúi xuống nghe?

- Ông không tin hẳn? Thì thôi vậy. Tôi chỉ làm điều ông nội tôi trăn trối: tìm ra ông và nói nhỏ vào tai ông (không cho lọt ra ngoài) điều bí mật đó, vì ông nội tôi bảo rằng ông đáng được biết điều này. Tại vì cha tôi chết sớm, nếu không thì...

Hà Man thích quá, hấp tấp hỏi dồn:

- Điều gì? Mày nói cho tao nghe ngay đi rồi tao sẽ tha mày...

- Ông làm sao cúi xuống sát đất được? Tôi thấp tè thế này này! Ông hoàn tôi thành người trước đã...

Nghe Di Lâm nói có lý, Hà Man thổi phù một cái lên viên đá nghĩa là Di Lâm tức thì Di Lâm hiện nguyên lại thành người như cũ. Di Lâm bảo hắn:

- Bây giờ ông cúi xuống đây, lắng tai nghe cho kỹ!

Hà Man gập người lại, vểnh tai lên. Di Lâm nhón gót vẫn chưa đặt miệng gần tai hắn được. Di Lâm lại bảo:

- Cúi xuống thêm tí nữa, tôi không muốn điều bí mật ấy lọt ra ngoài, gió có thể mang đi.

Hà Man lại cúi xuống chút nữa. Di Lâm nói vào tai Hà Man:

- Ông cao quá, thật đúng như lời ông nội tôi nó: không ai hơn ông, cao lớn, tài giỏi, trừ ông nội tôi, ông là người có quyền phép bậc nhất, ông đáng được làm Vua muôn loài... Tôi nhớ...

Tên khổng lồ thích quá, cười tít cả mắt, đôi cánh mũi phập phồng theo nhịp thở. Tức thì, Di Lâm nhồi hết số thuốc mang theo thành hai viên thực lớn và nhét vào hai lỗ mũi Hà Man. Thuốc hăng nồng quá làm Hà Man nhẩy mũi liên hồi, nước mắt nước mũi tuôn ra như nước suối. Bao nhiêu sức mạnh của Hà Man phút chốc tan theo nước mắt và nước mũi.

Thừa dịp tên khổng lồ yếu đuối, Di Lâm phóng thẳng về trước mặt, theo hướng lông chim.

*

Qua một con suối cạn nữa, Di Lâm thấy mình đối diện với một bức tường cao, dài vô tận. Chân Di Lâm bấy giờ đã mòn lên đến mắt cá, làm sao trèo qua khỏi bức tường? Di Lâm nhìn theo cái lông Đại Bàng: tường cao quá nên cái lông cũng khó vượt qua. Bỗng Di Lâm kinh ngạc dụi mắt mấy lần tiếp vì quang cảnh quái lạ vừa diễn trước mắt mình: cái lông chim đụng vào bức tường và tan biến thành một thứ bụi mỏng, rơi lả tả xuống đất! Sờ thử vào bức tường, cháy cả hai tay!

Nhìn lại thân mình càng thảm hại: chân mòn đến mắt cá, mặt mày rát bỏng, quần áo rách tả tơi, bụng dính vào lưng vì quá đói Di Lâm rút dao săn, quỳ xuống, rưng rưng nước mắt, thì thầm với chính mình:

- Ta đã cố gắng hết sức, ta không sợ chút nào và đã vượt qua nhiều thử thách nhưng bây giờ mọi cố gắng đều vô ích. Mặt mũi nào quay lại thấy bộ lạc và mẹ già? Chết đi cho rảnh... Ta xin đền tội!

Và nhắm mắt, đâm mạnh mũi dao vào ngực. Kỳ diệu làm sao: có tiếng một sức mạnh vô hình ngăn cản hành động của Di Lâm và tiếp đó, một giọng nói oai nghiêm cất lên:

- Hỡi Di Lâm! Quả tim người đã trở lại với con! Anh con đang đợi! Mở mắt ra mà xem! Gõ mạnh vào bức tường kia! Đừng ngại!

Di Lâm tức thì mở mắt, gõ mạnh vào tường: bức tường như nứt làm đôi, vừa đủ để Di Lâm lách mình vào.

Rồi thì bức tường biến mất, quanh Di Lâm hoa dại nở đỏ ối, chim hót líu lo. Sâm Lâm hiện ra, tay đang nắm tay một người con gái đẹp tuyệt vời, cả hai cùng cười với Di Lâm  một cái cười thân mật. Di Lâm đứng chôn chân tại đó nhìn sững người con gái: mắt nàng sáng như mặt trời, miệng tươi như đóa hồng và răng trắng như những miếng ngà voi đánh bóng. Nàng mặc cái áo nhung vàng có vằn đen như làm bằng da... cọp.

Sâm Lâm ôm chặt em trai:

- Em đã quá khổ nhọc vì anh! Em thật đáng khen! Đây là chị của em! Nàng vốn là con gái của Thần Hổ rừng này...

- Vì yêu anh cậu, tôi đã bắt cóc anh ấy. Nay cậu đã đến đây, hãy vào trình diện với cha tôi. Tôi chắc là ngài yêu cậu lắm! Cậu sẽ sung sướng mà ở đây!

Cô gái hổ tiếp lời Sâm Lâm. Di Lâm ngơ ngác hồi lâu mới lấy lại bình tĩnh, trả lời:

- Cảm ơn cô! Nhưng tôi đến đây mục đích đưa anh tôi về cùng mẹ già và bộ lạc. Tôi không có thì giờ tiếp kiến Thần Hổ...

Cô gái hổ cau mặt lại, trách:

- Cậu không nên nói thế, cha tôi mà nghe được thì nguy cho tánh mạng cậu...

- Em phải lựa lời, đừng làm phật ý Thần Hổ. Ở đây, ngài là chúa tể...

Di Lâm rất bực mình. Anh không ngờ anh mình bây giờ... hèn thế. Anh cau có nói:

- Em không phải lấy lòng ai cả. Em không làm gì tội lỗi, không phải quị lụy ai. Em cũng không cần an nhàn sung sướng. Mẹ và bộ lạc đang đợi chúng ta!

Sâm Lâm rất đỗi ngạc nhiên: thằng em tim thỏ của mình hách ra trò! Nhưng nó còn dại quá, không biết gì cả. Sâm Lâm dịu giọng bảo em:

- Mặt mày em cháy nám, tay chân sây sát thế kia, em hãy nghỉ lại đây cho khỏe rồi hẵng tính sau...

- Em chẳng cần nghỉ ngơi chi cả. Anh có về ngay không thì bảo?

Di Lâm gay gắt hỏi. Sâm Lâm tránh mắt người yêu, vẫn dịu dàng nói với em:

- Sao lại không về? Em đừng nghĩ nhầm! Nhưng thong thả, anh chưa về ngay được. Thần Hổ không có con trai...

- À! Có con trai hay không thì mặc xác ông ấy. Anh đừng quên mẹ đợi anh em ta!

- Cậu Di Lâm ơi! Cậu chưa biết gì cả! Cô gái hổ cũng dịu dàng không kém cậu đừng nóng nảy. Cha tôi muốn anh cậu gửi rể tại đây. Cha tôi chỉ có mình tôi, ông không muốn xa con gái. Vả lại, vợ chồng tôi sẽ cai trị muôn loài... về bộ lạc thì anh em cậu làm gì được như ở đây? Cậu mà thuận ở lại, cậu cũng được sung sướng như vợ chồng tôi vậy. Tôi là vợ anh cậu, tôi cũng thương cậu như anh Sâm Lâm. Ở đây, cậu sẽ không vất vả tấm thân, khỏi săn bắn, không lưới bẫy, hái củi, đốt than, nhất nhất đều có kẻ hầu người hạ...

- Nhưng mẹ tôi ở nhà và em tôi đang đói...

Di Lâm cố nén khóc trả lời. Sâm Lâm lại dỗ em:

- Ta sẽ đón mẹ và em đến đây chung hưởng phú quí...

- Lại còn bộ lạc ta? Còn mồ mả ông cha ta? Thôi, em chả bao giờ bạc bẽo ham phú quí đâu, đừng hòng cám dỗ.

Cô gái hổ tức giận lắm. Cô quen được tuân lệnh, nay thấy Di Lâm cứng cổ cãi trả, cô rất phật lòng. Nhưng cô nhớ lại: lúc Sâm Lâm bị cô bắt cũng tỏ thái độ y như em vậy, song ít lâu sau anh ta xiêu lòng... Tuy nhiên, cô làm bộ nhũn nhặn:

- Dù sao, cậu nên gặp cha tôi. Cậu xin phép ông, chắc ông nể cậu. Nếu ông bằng lòng, thì tôi cũng theo cậu về luôn.

- Phải đó! Em nên gặp Thần Hổ, và nhớ lễ phép, nghe không? Ngài hay nổi nóng lắm đó, đừng có dại dột mà khổ thân.

*

Thần Hổ ngự trên cái ngai vàng, nệm bọc bằng da báo. Trên đầu, ông ta đội một cái mão sáng lóng lánh ý chừng giát bằng ánh sáng loài đom đóm? cặm thêm vô số lông chim chia chĩa, nhọn hoắt và bóng ngời. Quanh hang động tường, trần bằng đá, được phủ kín bằng da nai và hươu sao. Nhiều vật dụng như bình trà, cốc nước v.v... đều được làm bằng xương súc vật, to có nhỏ có, dùi trống là một cái xương ống thật to của trâu hay bò rừng chi đó. Mặt bàn khảm bằng nanh heo rừng, ghế ngồi là những khúc xương ghép lại. Cạnh Thần Hổ, một cuốn sổ dày bằng gang tay, bọc da hươu cẩn thận đang mở ngỏ, ống bút là một cái xương ống được cưa ngắn Gớm! Xương loài thú gì mà to thế và cặm rất nhiều bút bằng lông gà gô, lông chim trĩ và cả lông công. Chà! Rõ là vị Thần Hổ này khá hiếu học. Di Lâm tự nhủ. Quá về phía phải trên bàn một cái dĩa bằng xương đựng rất nhiều trái rừng: dâu, mận, thơm, cam v.v...

Thần Hổ vừa dùng xong món điểm tâm chay. Ngài có vẻ bằng lòng, nét mặt tươi tỉnh hơn sau khi ăn mặn. Ngài đang dùng nước suối pha với mật ong. Dạo này Ngài hiền lành khác trước nhiều. Không phải bỗng dưng mà Ngài đổi tính. Số là Ngài mệt nặng, thuốc thang mãi không khỏi, có kẻ hiến kế nên nhờ đến một vị thầy thuốc dưới đồng bằng. Thần Hổ cười mà rằng:

- Bọn người vô dụng làm sao trị được bệnh ta? Chúng há không thường đánh cắp xương ta để làm thuốc trường sinh đó ư?

Nhưng mãi, bệnh ngài vẫn không thuyên giảm. Chồn hương, tên quỉ quyệt nhất trong đám bộ hạ của Thần Hổ, lại xui:

- Xin Ngài cho rước thầy thuốc loài Người lên chữa bệnh, khỏi thì tốt, bằng không, trị tội hắn cũng chẳng thiệt thòi gì, một công đôi việc.

Thần Hổ vô kế khả thi đành phải nghe lời.

Vị lương y này ở thung lũng sát chân núi. Ông ta sống thanh  bạch trong một cái chòi tranh. Đã 90 hơn mà  nom vẫn còn tráng kiện. Chồn hương vị sứ giả của Thần Hổ thoạt đầu giở giọng hống hách bảo ông:

- Thần Hổ đau nặng, Ngài cần lão lên chữa bệnh cho Ngài. Coi sửa soạn thuốc men đầy đủ, theo ta, chớ có chần chờ mà bỏ mạng!

- Tên Chồn hương điêu trá kia! Thần Hổ của mi không biết dạy mi lễ phép hay sao? Muốn mời thầy thuốc mà giở giọng đó ra thì còn lâu ta mới theo mi. Đừng tưởng ta sợ chết, nếu ta hèn như mi tưởng làm sao ta dám ở chốn hẻo lánh một mình như thế này? Hãy trở về tìm thầy thuốc khác!

Chồn hương đành xuống nước năn nỉ cùng ông. Ông dịu giọng bảo:

- Được, vì đức hiếu sinh, ta sẽ lên tận trên ấy bốc thuốc cho chủ mi. Nhưng loài chồn xưa nay vẫn là loài man trá không tin được. Ta biết đâu rằng Thần Hổ bệnh hay mi lùa ta để bán cho ác thú trong rừng? Nếu quả Thần Hổ vời ta, phải có thư mời cẩn thận, ta mới đi.

Chồn hương tiu nghỉu. Hắn không ngờ đến việc này, cứ ngỡ nghe lệnh đòi là người ta tức thì cúi đầu tuân lệnh. Hắn lại xuống nước nài nỉ, nhưng vị lương y nhất quyết đòi có thư mời mới đi. Sau cùng hắn cung cúc trở về mang bằng cớ đến. Hắn thêm thắt nhiều câu làm Thần Hổ rất căm vị lương y, nhưng thói thường, "đau chân há miệng", đành làm theo lời đòi hỏi.

Quả nhiên, được thư triệu mời vị lương y chuẩn bị đủ mọi thứ cần dùng, theo chồn lên núi.

Sau khi bắt mạch kỹ càng cho Thần Hổ, vị lương y đuổi hết tả hữu ra ngoài, đoạn nói riêng với Thần Hổ:

- Bệnh ngài nặng lắm, ngài phải gấp tìm người kế vị kẻo trở tay không kịp! Xưa nay tôi đã trị nhiều người, không ai bị bệnh nặng như Ngài...

Thần Hổ hốt hoảng, cố van nài:

- Xin ông thương tìm thuốc chữa lành cho tôi, ông muốn gì tôi cũng không tiếc...

- Kể ra, cũng không hẳn là tuyệt vọng, có điều nếu ngài tuân lời tôi đừng cãi thì tôi mới cố cứu Ngài.

- Tôi xin hứa, tôi xin hứa!

- Thế thì được. Nhưng hễ ngài làm ngược lời hứa một lần tức thì bệnh ngài tái phát, mà sẽ nặng hơn, tôi xin báo trước.

- Không! Tôi xin thề, không bao giờ tôi trái lời ông... Xin ông chữa cho...

- Trước hết, kể từ nay ngài không được xơi thịt nữa. Bất cứ thịt con thú gì...

- Hả? (Thần Hổ tưởng mình nghe lầm, nhảy nhổm lên, hỏi lại) ông nói...

Vị lương y gằn từng tiếng:

- Tôi bảo Ngài đừng xơi thịt nữa, một rẻo cũng không. Nhưng tôi không ép, nếu ngài thấy không thể được, thì tùy ngài, tôi xin từ giã!

Thần Hổ trù trừ một giây rồi ủ rũ nói:

- Thôi đành vậy, miễn sao cho lành bệnh là quí, nhưng rồi tôi sẽ ăn gì thay thịt?

- Kể từ nay, ngài chỉ được dùng mật ong, nước suối, và trái cây, tất cả trái cây, không cữ loại nào.

Thần Hổ rền rĩ:

- Khổ thân ta! Ăn thế ta ốm mất thôi! Chịu làm sao nổi?

- Xin Ngài đừng thắc mắc. Xem như tôi đây, tôi ăn toàn trái cây mà có ốm đau chi đâu, chẳng qua do thói quen mà ra. Rồi ngài xem, nhiều thứ trái cây lại còn ngon hơn thịt ấy chứ!

- Ông nói thế thì tôi hãy cứ nghe thế, chứ tôi không thể tin rằng trái cây ngọt hơn máu đâu...

- Chưa hết vị lương y ngắt lời không chỉ mình ngài chay lạt như vậy mà đủ, tất cả những kẻ ra vào trực dịch ở đây đều phải dùng thực phẩm như Ngài, sự giết chóc phải xảy ra cách đây trăm dặm mỗi chiều, có như vậy, thuốc tôi mới công hiệu, bằng không vô ích. Và điều kỵ nhất là không được giết người.

Bọn bộ hạ Thần Hổ nghe thế căm tức lắm, nhưng không dám nho nhoe phản đối nửa lời. Vì quả như vị lương y tiên đoán: Thần Hổ bình phục dần dần sau khi nghe lời khuyên nhủ của ông.

Kể từ ấy Thần Hổ ăn chay. Cũng nhờ thế mà Sâm Lâm toàn mạng. Và cảm sắc đẹp của con gái Thần Hổ, anh ta đã quên phắt mẹ, em, quên cả bộ lạc đang ngóng trông, yên vui trong rừng với con gái Thần Hổ. Bọn bộ hạ Thần Hổ và con gái cũng như Sâm Lâm nếu muốn xơi thịt thú phải đi trăm dặm. Vì lẽ đó, họ không biết Thần đổi tính, cứ ngỡ vẫn nóng nảy như trước nay.

Con gái Thần Hổ đưa Di Lâm đến ra mắt ông để cậu trai này ngán mà thuận ở lại và không đòi đưa anh về.

Nhác thấy người con trai dũng cảm, cháy nám chân tay, xác xơ quần áo, Thần Hổ đã sinh lòng mến phục. Lại nghe con gái kể cuộc hành trình muôn ngàn nguy hiểm của Di Lâm, ông càng mến phục hơn. Ông nhìn Di Lâm bằng đôi mắt hiền lành, âu yếm:

- Chưa nghe kể, ta cũng đoán ra nỗi nhọc nhằn của tráng sĩ rồi. Bây giờ, tráng sĩ muốn gì cứ nói lên đừng ngại. Ta sẽ giúp cho tráng sĩ được vừa lòng.

Di Lâm khấp khởi mừng thầm nhưng chưa kịp mở miệng, con gái Thần Hổ đã tranh nói trước:

- Thưa cha, con chắc cha sẽ vui lòng mời Di Lâm ở lại với ta, chú Di Lâm là em ruột của chồng con đấy!

- Thế thì còn gì bằng. Ta lấy làm vui mà lưu tráng sĩ lại đây...

- Ô không! (Di Lâm kêu to lên) Tôi không muốn ở lại, tôi sẽ về ngay.

- Tráng sĩ chê giang sơn ta chăng? Hay là tráng sĩ không thể ăn chay? Nếu chỉ có thế thì tráng sĩ đừng ngại: tráng sĩ có thể săn giết miễn cách giang sơn ta trăm dặm mỗi chiều là được. Ta không hẹp lượng đâu...

- Em nên nhận lời Thần đi, em không thấy Ngài quí mến em đó hay sao?

Sâm Lâm chen vào một câu làm Di Lâm nghẹn cứng cổ, hoa cả mắt vì giận anh. Trong lúc đó, Thần Hổ và con gái mỗi người miên man một ý nghĩ riêng. Cô gái thì mong cha giữ Di Lâm lại để Sâm Lâm khỏi phải về với mẹ, với em, Thần Hổ thì mong Di Lâm ở lại để ông nuôi làm dưỡng tử. Có một đứa con nuôi như thế, giang sơn sẽ vững vàng hơn nhiều (tuy là loài hổ, ông ta cũng tiêm nhiễm tập tục của người: trọng nam khinh nữ). Ông không trông cậy vào con gái, càng không trông cậy vào Sâm Lâm: hai người không bao giờ nhìn đến ông, họ bận đi săn và họ bận nhìn nhau, quên phắt cha già bệnh hoạn.

Di Lâm cắn môi suy nghĩ rồi chậm rãi trả lời:

- Tôi hết sức cảm tạ lòng tốt của Ngài, nhưng tôi không thể ham sung sướng nơi này mà quên mẹ, quên em. Nếu anh tôi đã bỏ sau lưng quê hương, chủng tộc thì tôi cũng cam cắt đứt thâm tình, trở lại một mình.

- Tráng sĩ sẽ gặp nhiều trở ngại.

- Tôi coi thường trở ngại, san phẳng nhiều chướng ngại vật để đến đây, và tôi sẽ lại trở về như thế.

- Ta có lời khen tráng sĩ nhưng đời sống ở quê hương tráng sĩ có gì đáng kể, đáng ham? Một chuỗi dài những nhọc nhằn vất vả, kia mà?

- Phải! Không có gì đáng ham, đáng chuộng ở xứ sở tôi, nhưng con người vốn có nguồn, có gốc. Người ta không thể quên cái gốc của mình... Tôi xin phép được lui ra, Ngài không hiểu được tôi đâu...

- Nếu ta không cho tráng sĩ về? Nếu ta giữ lại?

- Thì tôi quyết chết tại đây!

Di Lâm rút dao ra toan tự sát, vội vàng, Sâm Lâm ngăn em lại. Di Lâm rất đỗi giận anh, người con trai quay lưng lại không thèm nhìn Sâm Lâm nữa. Thần Hổ dịu giọng:

- Ta thử tráng sĩ đấy thôi. Hãy để tráng sĩ về. Ta sẽ cho bộ hạ đưa tráng sĩ đi bình yên và mau chóng.

Thần Hổ ngoắc chân một cái, tức thì chồn hương bước lại gần, cúi đầu chờ lệnh. Chỉ chớp mắt, một cái võng bằng dây gai được mang ra, hai bên phủ bằng hai cánh rèm da hươu, bốn con đười ươi được lệnh thay nhau khiêng Di Lâm xuống núi. Đằng trước cái đám rước đặc biệt nầy chồn hương và khỉ xách theo một xách trái cây tươi và nước suối pha lẫn mật ong để tráng sĩ giải lao.

Di Lâm yên tâm ngủ kỹ. Anh không thèm chào chị dâu, cũng chẳng chào anh. Di Lâm chỉ thủ lễ với Thần Hổ mà thôi.

Người ta đoán rằng nhờ ăn chay nên Thần Hổ thuần tính, nếu không, Di Lâm khó toàn mạng trở về.

Và can đảm của Di Lâm về sau được truyền miệng từ người này qua người khác, liên tục, không ngừng...


MINH QUÂN    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 149, ra ngày 15-3-1971)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>