Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

CHƯƠNG SÁU_NGÁT TRÊN LƯNG ĐỒI


sáu

Cuộc hành trình lần này, tôi đi giữa mùa mưa sũng ướt. Hành khách co ro với những ý nghĩ riêng, chỉ có tiếng reo ào ạt của nước xối xả bên thành xe. Mưa đón chúng tôi từ Liên Khương và sướt mướt kéo dài mãi. Cây cỏ hai bên đường trắng xóa như sương. Những bông hoa quì nghiêng ngả, điểm vàng đây đó, khiến cho cảnh vật buồn mà linh động vô cùng.

Xe vẫn lao về trước, vào khoảng đường mờ mịt trên cao. Con dốc hiện ra và đường vòng núi càng trở nên đe dọa, dốc đá dựng ngược, thung lũng sâu thăm thẳm ngàn thông, con đường nhựa nước ào ào đổ một bên như thác lũ, núi rừng thâm nghiêm mà vô cùng sinh động.

Lúc xe vào đến thị xã, tôi nằm nghỉ trên ghế, mắt nhắm nghiền, miên man nghĩ tới những dự định cho một lần gặp gỡ. Tôi muốn gây một bất ngờ thích thú cho Trân nên không hề báo trước. Kỳ thi tú tài một vừa hoàn tất hôm qua, chắc chắn Trân không thể vắng mặt. Vả lại, không có sự di chuyển quan trọng nào của Trân mà chị Hoàng không cho tôi biết. Tôi tưởng tượng đến sự tiếp đón nồng hậu của chị Hoàng, đến gương mặt rạng rỡ, vui mừng của Trân khi gặp và nghe tin tôi thi đậu. Những tia nhìn quấn quít vào nhau, những tâm sự kể lể hết nỗi nhớ nhung, những dự tính huy hoàng cho tương lai sắp tới… và còn nhiều nữa. Tôi sẽ tặng cho Trân những vần thơ tuyệt tác, dệt bằng yêu thương, thành hình trong những ngày tháng học trò yêu dấu nhất. Trân sẽ đọc từng lời, từng câu trong ấy rồi chợt mỉm cười, nụ cười say đắm vì thoáng nhận ra bóng dáng mình…

*

Nhưng những giờ phút ấy không bao giờ đến với tôi nữa, vì Trân đã đi rồi. Phải, Huyền Trân đã đi thật xa rồi.

Trời vẫn còn mưa chiều khá muộn, tôi đội áo, đeo “sắc” đi lần lên con dốc lưng đồi. Căn nhà trắng hiện ra chìm đắm như đang say ngủ, bốn bề vắng lặng.

Tôi đẩy cửa bước vào. Nhà vắng. chị Hoàng đang đến bên bếp sưởi. Ánh lửa bập bùng soi trên vách và plafon những hình bóng kỳ dị. Vừa thấy tôi, chị Hoàng đứng vội lên, chạy đến nắm lấy vai tôi.

- Ồ, Linh mới lên.

- Vâng. Em trở lên lần nữa đây. Chị vẫn khỏe chứ?

- Cám ơn em, chị vẫn khỏe, chỉ lo cho em thôi. Đường lên đây về mùa mưa rất xấu.

- Nhưng không sao chị ạ. Em đậu rồi.

Chị Hoàng vẻ quyết chắc nhưng ánh mắt lạ nhìn tôi, nói:

- Chị biết em phải đậu…

Giây phút đầu vồn vã đã qua, chúng tôi chợt im lặng.

Tôi cởi áo mưa và “sắc” đeo vai để vào góc nhà. Căn phòng không có gì thay đổi. Bộ salon đỏ, chiếc bàn ăn dạo Noel năm trước, cây đàn guitare treo bên đó, những bức tranh trên tường và lò sưởi… Tôi vẫn yêu lò sưởi hơn cả. Tôi nói với chị Hoàng:

- Tất cả đều như cũ.

Chị Hoàng không nói gì. Đến khi tôi hỏi về Trân, chị bảo:

- Em đi thay quần áo cho khỏe đã.

Tôi chợt thấy có một cái gì khác lạ trong thái độ và tia nhìn của chị Hoàng. Sự mừng rỡ lúc ban đầu không còn nữa. Không khí nặng nề. Tôi liền hỏi:

- Chị thấy em thay đổi nhiều không?

Chị Hoàng ngồi lại bên lò sưởi, cầm chiếc áo len vừa đan vừa nói:

- Chỉ có thời tiết ở đây thay đổi thôi Linh ạ.

Linh cảm báo cho tôi biết có việc gì xảy ra rất quan trọng, liền để nguyên quần áo đi đường ngồi xuống manh chiếu, đối diện với chị Hoàng. Tôi nhìn chị bảo:

- Em có cảm tưởng như chị đang có một tâm sự sâu kín mà giấu giếm không cho em biết.

Chị Hoàng nói giọng buồn:

- Phải. Chị giấu em đã lâu. Nhưng hôm nay đến lúc em phải biết, dù đã muộn rồi.

Tôi nôn nóng bảo:

- Em đang chờ chị.

Chị Hoàng sửa lại thế ngồi, dựa lưng vào bức tường đằng sau, vẻ mặt buồn và ưu tư. Chị nhìn tôi hồi lâu rồi mới nói, thật dài:

- Những tháng vừa qua, chị đã sống trong nỗi niềm băn khoăn khôn tả. Lời hứa với em chị vẫn giữ, mà sự thực thì trái ngược hẳn với những dự đoán trước kia. Đứa em gái mà chị vẫn nghĩ là bé bỏng nay đã lớn rồi. Trong tình cảm, chị vẫn biết Trân là đứa con gái lãng mạn, như chị đã từng nói với em, nhưng tình cảm của Trân đối với em chị đã đo lường sai cả.

Hôm ở Huế về, ngay buổi tối Trân ngồi tâm sự với chị rất khuya cũng bên lò sưởi này. Trân hỏi ý kiến của chị về em. Chị bảo, Linh là một thanh niên tốt và biết lo cho tương lai. Trân bảo, em cũng nghĩ thế. Rồi cô bé thành thật cho chị biết sự săn sóc của em đối với Trân, nhất là việc em tặng quà. Sợi dây chuyền mặt trái tim chính là lời tỏ tình gián tiếp. Trân hỏi chị bây giờ phải trả lời Linh thế nào? Chị cười bảo, em bắt chị trả lời thay cho lòng em sao, đây chình là việc do em quyết định.

Chị Hoàng ngưng nói, cho thêm củi thông vào lò, còn tôi thì toàn thân gần như tê liệt. Tôi đã biết việc gì sắp xảy đến cho mình, chỉ chờ xem nó thế nào thôi. Chị Hoàng nói tiếp:

-… Nghe chị nói thế, Trân mỉm cười, nhưng rồi vẻ băn khoăn hiện rõ trên nét mặt. Trân bảo, em không ngờ có lúc phải làm cho anh Linh đau khổ. Thú thật với chị, anh Linh là một người đáng cho em yêu quí, nhưng dù thế nào em vẫn chỉ xem Linh như một người anh với nhiều đức tính, biết an ủi và hay giúp đỡ em trong mọi lúc mà thôi. Bây giờ, em mới thấy hối hận, vô tình và hồn nhiên quá trong những lúc sống gần Linh, để đến nỗi gây phiền lụy cho người ta.

Chính khi đó chị mới hiểu thêm về Trân. Trân sống là để mong mọi người được mến thương và chiều chuộng, bù đắp vào tình thương yêu gia đình gần như đã mất. Sự khao khát tình thương hợp với tính lãng mạn sẵn có nơi Trân, đã tạo cho cô bé những nét làm say đắm kẻ khác… Tâm hồn mỗi người thực phức tạp vô cùng.

Tôi ngồi dựa vào thành lò sưởi lúc nào không biết. Lửa nóng sát bên cạnh nhưng tôi vẫn thấy lòng mình cô quạnh, trí óc quay cuồng biết bao tư tưởng, trong khi giọng chị Hoàng vẫn nối tiếp:

- Những ngày sau đó, chị tìm gặp Thiên Hương và được biết rằng Trân đã có một hình bóng để mơ tưởng. Người ấy tên Ngọc, cũng trong nghiệp lính, đóng ở Ban Mê Thuột. Chị đã gặp Ngọc hai lần cách đây khá lâu, những bạn của Trân đông, chị cũng vô tình không để ý. Những lần khác về Đalat, Ngọc thường lại nhà, chị không biết vì gặp lúc đi dạy học.

Chính Trân đã xác nhận với chị những điều này khiến chị không biết nói gì hơn. Chị thắc mắc tại sao Trân lại quá kín đáo với chị như thế. Trân chỉ khẽ nói, em cũng không hiểu nữa.

Tôi hỏi chị Hoàng:

- Chị biết Ngọc là người thế nào?

- Thực ra khi nghe Hương nói chị mới bàng hoàng, mới nhớ lại nhưng vẫn không thể tưởng tượng ra con người ấy. Hương bảo, chàng là trung úy bộ binh, gia đình ở Bảo Lộc khá giàu, học ở đại học khoa học Saigon nửa chừng thì đi lính. Theo Hương thì Ngọc có dáng trầm tĩnh, tính khéo và tốt.

Tôi ngồi ngước mắt lên trần nhà, nhìn ánh lửa đang soi mình trên ấy, chờn vờn. Niềm đau buốt nhói trong tim. Tiếng chị Hoàng nghe mơ hồ bên tai:

- Ban sáng, Ngọc mới lại đây và xin phép được đưa Trân về Bảo Lộc thăm gia đình. Ngọc vui tính lắm, hai người có lẽ cũng gần về.

Tai tôi ù đi và không còn nghe thấy gì nữa. căn phòng trở nên tối tăm, hoang lạnh. Lửa trong lò không làm tan nổi băng giá đang cuồn cuộn trong tôi.

Bỗng một bàn tay đặt nhẹ trên vai tôi và có tiếng chị Hoàng:

- Những lá thư Trân gửi cho em đều do ý kiến của chị. Chị biết em đau buồn lắm, nhưng thực tình, chị không biết làm sao hơn. Chị không muốn em hỏng việc thi cử.

Tôi ngước mắt nhìn chị, nói nhỏ:

- Chị làm thế rất phải. Chị Hoàng…

Bàn tay chị Hoàng giữ chặt lấy vai tôi như một xoa dịu ân tình, làm tăng thêm sinh lực, tôi nghĩ phải ra đi ngay trước khi Trân trở về, liền bảo:

- Xin phép chị để em viết cho Trân vài hàng.

Chị Hoàng đưa giấy bút cho, đầu óc tôi đặc sệt vô số ý tưởng nhưng ngồi một lúc lâu mới giãi bày ra được.

Đalat 1971

Trân yêu thương,

Anh lên thăm nhưng Trân không có ở đây. Trân đã đi rồi. Kỳ thi này, Trân làm bài được chứ? Hy vọng mọi việc đối với Trân đều tốt đẹp.

Trân không có nhà, nhưng chị Hoàng đã cho anh biết cả, không phải về anh hay về Trân mà về một chuyện tình hoang dại nở và tàn trong tiếng nói cô đơn, đi và về bằng những bước chân âm thầm nhất. Anh là kẻ đứng gọi tình yêu giữa lòng thung lũng rộng, chờ một tiếng vang đáp lại của núi đồi nhưng không bao giờ nghe thấy, bởi vì đó chỉ là những việc xảy ra trong mơ, làm gì có thật?

Lần trước, những ngày Trân ở Huế, anh đã đi thăm thung lũng tình yêu rồi, đi một mình. Buổi chiều ở thung lũng thật đẹp nhưng buồn, đó là hình ảnh tình yêu hay sao Trân? Cũng chính ở đó, anh đã làm những vần thơ tình đầu cho Trân, những tiếng nói say đắm nhất để rồi không bao giờ có nữa…

Trân yêu thương,

Sống là để tìm cho mình một bến bờ yêu thương, và nếu Trân đã tìm thấy rồi, anh đâu có quyền làm bận lòng thêm nữa? Anh chỉ mong Trân xem qua một lần bài thơ trên thung lũng, và những bài kế tiếp trong thời gian xa cách nhau, xem để biết chứng tích cho nhau, xem đi rồi quên như bao bài thơ đăng báo. Trân hãy chiều anh, sau đó, quăng chúng vào lò sưởi, cả tặng vật anh trao dạo mùa xuân nào, cả lá thư này nữa, tất cả. Anh vẫn yêu bếp lửa đêm đông, đến muôn đời, yêu mãi ánh lửa hồng lên trong mắt…

Mùa mưa ở Đalat sao tàn tạ quá? Anh sẽ từ một lưng đồi mà xuống, theo con dốc mà về, chiêm nghiệm mãi hình ảnh của tình yêu và con dốc…

LINH

Viết xong thư mà tôi còn ngồi mãi, tâm tư thất vọng, chán chường. Những giòng chữ thô thiển, xa lạ. chợt một quyết định hiện đến, tôi lại góc nhà mở “sắc” lấy tập thơ ra vò nát, chung với bức thư mới viết. Chị Hoàng chưa kịp phản ứng gì thì bó giấy đã nằm sâu trong lò sưởi, lửa cháy bừng bừng ở đó và trong lòng tôi thiêu rụi tất cả, toàn thân tôi tê dại đi một phút, rồi bình thản trở về. Tôi nhìn ánh mắt sửng sốt của chị Hoàng, bảo nhỏ:

- Em không có gì để lại cho Trân cả. Những lời nói bây giờ đều vô nghĩa.

Rồi tôi lặng lẽ khoác hành trang đi ra phía cửa, trong sự im lặng đầy bối rối của chị Hoàng. Cánh cửa mở. Gió lạnh và bụi nước ùa vào, cái lạnh bây giờ trở nên quái ác. Chị Hoàng đã đến bên, nắm lấy vai tôi. Tôi nói với chị, rất khẽ như chỉ để cho mình nghe thôi:

- Trời vẫn mưa.

- Nhưng rồi sẽ tạnh. Em cần ở đây Linh ạ.

- Để gặp Trân?

- Không. Để Trân gặp em. Chị biết chắc Trân muốn như vậy.

“Để Trân gặp em”. Tôi âm thầm nhắc lại câu nói một lần nữa rồi chợt nhìn chị Hoàng hỏi:

- Chị Hoàng, em có lỗi gì không?

- Không. Em vẫn sống trọn vẹn cho tình yêu.

Tôi bước ra khỏi khung cửa, áo mưa khoác trên người, quay lại bảo:

- Em ở lại không ích gì. Chị hãy tha thứ cho em về những hành động của em chiều nay. Em đã làm bận rộn mọi người quá.

Chị Hoàng băn khoăn:

- Em đi đâu?

Tôi không nói gì thêm, mắt nhìn ra khung trời xám ngắt, những sợi mưa rơi thật nhanh và buồn. Tôi đi thẳng ra đấy. Đến đầu con đường dốc tôi quay vào lại nói với chị Hoàng, vẫn còn đứng ở chỗ cũ nhìn theo, câu nói tắc nghẹn:

- Chị hãy kể cho Trân nghe câu chuyện về lò sưởi…

Chị Hoàng gật đầu, và im lặng vẫy tay chào. Còn tôi trở gót đi lần xuống cuối đồi, theo con đường dốc, đầu óc quay cuồng như trong một cơn say.

Dĩ vãng của những chuyến đi hiện về miên man nuối tiếc. Đâu rồi niềm vui khi mùa đông chất ngất, đã mất rồi những rộn ràng trong đáy mắt nhìn nhau. Cảnh vật trước mặt và quanh tôi trở nên mờ tối, bước chân rất vội nhưng chẳng biết về đâu. Tôi đi như chạy trốn, đi cho khuất mắt mọi người, đi cho mất căn nhà trên lưng đồi yêu dấu. Không còn gì ở đây nữa, ngoài cái giá buốt băng tím tâm hồn, trong đó hình ảnh của Trân nhạt nhòa mà rõ nét, với ánh mắt mơ hồ và dòng tóc đam mê. Ở đời, người ta có thể chết lịm vì một hình bóng, vỡ nát niềm vui sau một lúc say mê. Tôi nghĩ đến những ý tưởng của Thành, một đêm đông tâm sự : “Tình yêu đầu nào cũng kiều diễm, đam mê, nhưng nó cũng thường mong manh lắm, như giọt sương gội nắng, như dấu cây ban chiều… “

Cơn gió chà sát cái lạnh vào da thịt, hồ Xuân Hương mênh mang dâng nước. Tôi không rẽ về thành phố nhưng vòng về phia chân đồi, đi men theo bờ nước. Mặt hồ soi cả một vùng trời sụp thấp bóng mây đen. Mưa bây giờ chỉ còn bay nhẹ, nhưng trông ra xa càng buồn vô tả. Bên kia bờ, đồi thông sau màn mưa như khoác áo tang trắng u sầu, màu trắng hư vô… Tôi vẫn đi miệt mài về phía trước, chân rã rời trên lầy lội, không biết để mê muội tìm thú vui trong dài cơn đau đớn hay cố tình bóp nát trái tim mình.

Giữa lúc tình yêu và cơn đau dâng ngút, hơi thở và nỗi chết trộn lẫn, thì bỗng tôi nghe có tiếng gọi tên mình, êm đềm mà thảng thốt:

- Linh. Cậu Linh.

Tôi dừng chân, nhướng cặp mắt về nơi có tiếng gọi. Qua ánh mắt mờ nhòa và màu trời chiều muộn, tôi chỉ nhận ra một bóng người đang giơ tay vẫy gọi, không biết ai. Người đứng trước cánh cổng khép hờ của vườn hoa Bích Câu. Một hình ảnh trong dĩ vãng hiện về, “bác Sáu”. Tôi còn đang băn khoăn về thái độ phải có của mình thì bác Sáu lại vẫy tay nồng nhiệt hơn trước. Không kịp nghĩ ngợi, tôi bỏ bờ hồ đi lần về phía đó. Bác Sáu đầu đội nón lá, tay cầm chiếc khóa và sợi dây xích dài. Thấy tôi bác mừng rỡ, trên gương mặt già nua nở nụ cười chào đón:

- Cậu Linh nhớ tôi không? Đi đâu mà lặn lội giữa trời mưa thế này?

Tôi bàng hoàng, tỉnh táo đôi chút vì câu hỏi và nụ cười của bác.

- Bác Sáu… Vườn hoa của bác vẫn tươi chứ?

Bác Sáu vỗ vai tôi:

- Cậu Linh, hoa thì vẫn nở đều. Nhưng mùa mưa vắng khách quá. Buồn tình, tôi đang định ra khóa cổng rồi vào nhà lai rai chén rượu thì gặp cậu.

Bác ngừng một lát rồi nhìn tôi bảo:

- Tôi biết cậu đang gặp chuyện gì buồn. Buồn mà đi lang thang như vậy lại càng buồn thêm. Vào đây tâm sự cho tôi nghe với. Tôi thích nghe tâm sự buồn để tự an ủi mình. Và nếu có thể được, cậu cho phép tôi an ủi…

Tôi thấy lòng dịu lại đôi phần khi nghe những lời chân thành, cởi mở của bác Sáu, một người mang nhiều tâm trạng cô đơn và buồn khổ mà tôi đã mến ngay khi gặp lần đầu tiên. Tôi hỏi:

- Cháu cám ơn và không dám làm phiền bác nhiều, cháu chỉ xin bác một bông hồng trong vườn…

Bác Sáu không nói gì, khép cổng lại và nắm tay tôi dẫn vào ngồi nơi hiên nhà, căn nhà gỗ có rặng hồng thơm ngát trước đó. Bác để tôi ngồi bên chiếc bàn nhỏ rồi lẳng lặng vào nhà trong xách ra chai rượu đế và hai cái ly nhỏ. Bác cử động thật nghiêm trọng. Tôi để ý đến khuôn mặt không có gì thay đổi của bác, vẫn tia nhìn tinh, vẫn nụ cười già mà thân thiện. Bác ngồi xuống đối diện với tôi và ôn tồn bảo:

- Lúc cô đơn, tôi chỉ biết uống rượu. Cậu bảo tôi phải làm gì khi đêm xuống trong cảnh già cô độc này? Rượu không làm hết buồn, nhưng giúp ta quên đi một lúc. Tôi không khuyên cậu uống rượu đâu, tuổi trẻ còn nhiều cái để làm. Uống rượu nhiều như tôi có hại lắm, nhưng tuổi già không sợ tai hại nào cả, miễn được quên buồn. Xin lỗi cậu Linh, tôi đã lầm lỗi. Việc tâm sự nên để cho cậu thì đúng hơn. Tuy nhiên, trước đó đặc biệt hôm nay, cậu nên nghe tôi nhắp một hớp rượu, cậu sẽ thấy lòng mình ấm lại, một chút thôi. Trong cơn lạnh, hãy sưởi ấm lòng mình bằng cách này hay cách khác.

Bác Sáu nói một hơi dài, xong rót rượu cho tôi một cách tự nhiên, không những tôi không thấy khó chịu vì sự nhiều lời của bác mà trái lại như bị thu hút bởi thái độ ấy. Tôi hành động như cái máy, cùng bác nâng chén. Vị cay đắng của rượu làm tê lưỡi, tôi buông xuống vội vàng, trong khi bác Sáu chưa uống, chỉ nhìn tôi với dáng điệu chăm sóc. Tôi bỗng thấy bác như một người thân yêu nhất, gặp nhau là để bày giãi tâm tư. Biên cương xa lạ giữa người già và tuổi trẻ tan biến, tôi ân cần thuật lại cho bác những gì đã xảy đến cho mình. Những tin yêu nồng thắm, những đổ vỡ chán chường… Bác Sáu ngồi nghe rất chăm chú, hai tay nắm chặt ly rượu trên bàn, ly rượu còn nguyên. Trân thì nào có xa lạ gì với bác? Nghe xong, bác uống một hớp rượu dài, gật gù nói nhỏ, giọng ấm như hơi men:

- Chuyện tình của cậu đẹp thật, chỉ tiếc quá vội vàng. Ban nãy nghe cậu xin một bông hồng, tôi đã đoán được việc gì xảy ra. Cậu nên biết Đalat là vườn hoa muôn sắc, Trân là bông hoa quí trong vườn, còn cậu là kẻ coi sóc vườn hoa. Kẻ trông nom lại bỏ vườn mà đi thì làm sao giữ nổi? Dẫu cậu có đến sớm hơn cũng thế. Cậu không thấy tôi sống ngay ở đây để bảo vệ hoa mầu hay sao? Nhưng thôi, đó chính là tiếng nói của định mệnh. Những lần đi thung lũng bất thành, là những dấu hiệu báo trước mà trong khi hăng say chiến đấu ta không thể nào nhận ra nó. Càng già tôi càng tin có định mệnh. Bây giờ, cậu có thể thực hiện ý định của mình.

Không chờ bác Sáu nói thêm lời nào, khóm hồng ngay trước hiên, tôi ra đó chọn một bông thật đẹp. Khi tôi đã ngồi vào bàn, bác Sáu bảo:

- Tôi giữ vườn nổi tiếng là cẩn thận. Nếu hoàn cảnh khác, cậu sẽ không được hái một bông hoa nhỏ nào.

Tôi mỉm cười cám ơn bác. Hương thơm hoa hồng dâng lên nhè nhẹ, quyến rũ. Tự nhiên tôi đưa bông hồng lên môi, lòng xúc động mạnh. Một cử động vô ý thức khiến tôi hé răng nhấm cánh hoa hồng nõn. Hương thơm quyến rũ không còn mà bây giờ tôi chỉ thấy vị chát đắng của cánh hoa. Hương vị tình yêu là thế đó, rất nồng nàn nhưng chua chát vô cùng. Tôi vội vàng xin phép bác để tiếp tục ra đi. Cái chua chát làm cho ta đau nhưng cũng làm ta tỉnh táo và trưởng thành. Bác Sáu nhìn tôi nói:

- Cậu đòi đi tôi không dám cản. Nhưng hãy đi bằng nỗi lòng rộng mở, phía trước còn nhiều cái để chứa đựng.

- Bác muốn nói hãy quên đi tất cả?

- Không. Không thể quên được. Đó là vốn liếng một đời người. Về già ta sẽ sống cô đơn, nhưng không sao, còn những vốn liếng ấy. Cậu Linh hiểu ý tôi chứ?

- Cám ơn bác. Cháu hiểu.

- Cậu sẽ rõ hơn khi biết trở về.

- Cám ơn bác. Kỷ niệm bao giờ cũng đẹp. Bạn cháu, Thành, nó cũng nói với cháu điều ấy… Nhưng không thể giá trị và sâu sắc bằng bác được.

Rồi tôi khoác áo ra đi, âm thầm mà sáng suốt. Trời vẫn còn mưa nhỏ. Bác Sáu đứng ở cổng vẫy tay nói với:

- Nếu cần, đêm nay cậu có thể đến gọi tôi ở cổng.

Tôi giơ tay chào lại bác và đi trở về lối cũ. Nhìn lên những cánh đồi cuồn cuộn trên kia, tôi thấy một bông hồng vươn lên từ bát ngát lưng chừng triền dốc, nụ hồng rất mơ hồ và dĩ nhiên tuyệt đẹp, bông hồng không dập nát cánh nào như bông hồng trên tay tôi. Chính nơi đó chúng tôi đã hơn một lần nằm dài tâm sự, bắt đầu cho một dấu hiệu nhiệm mầu, nơi tôi được quyến rũ bởi một Thung lũng Tình Yêu tuyệt diệu. Tôi lại thấy căn nhà màu trắng, căn nhà kỷ niệm. Tự nhiên, tôi mỉm cười, nụ cười nở trên nỗi buồn và nhớ thương càng thấm thía. Tôi nghĩ đến Thành và những lời hắn nói. Hai đứa sẽ gặp nhau ở Saigon chiều mai và sẽ nhìn nhau cười cay đắng. “Thành ạ, chúng mình đúng chỉ là những ông thầy thật dở. Chúng mình không ai giúp ai được việc gì đáng kể và những người được ta thương, chính họ đem đến cho ta sự trống vắng”.


thái bắc        
tháng cuối năm Tân Hợi

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

CHƯƠNG NĂM_NGÁT TRÊN LƯNG ĐỒI


năm

Về Saigon, tôi sống những ngày trông chờ và hy vọng. Sáng mùng hai tết, tôi lại chúc tết gia đình Thành tại một căn nhà có sân rộng ở vùng Tân Định. Ông Tạo cũng vừa lái xe hơi ra đến cổng, tôi cúi đầu chào và gửi ông những lời chúc tụng đầu năm. Ông bắt tay tôi và vui vẻ chúc lại tôi sẽ đạt được kết quả tốt đẹp trong kỳ thi sắp tới. rồi ông nhìn tôi bảo:

- Còn thằng Thành bác lo ngại quá. Hai anh em chơi thân với nhau, cháu cố giúp nó chăm chỉ trong việc học, bác rất cám ơn.

Tôi bảo:

- Thưa bác, việc học chung của chúng con có lợi cho cả hai đứa, Thành sáng trí hơn con nhiều.

Đột nhiên ông tươi cười, vồn vã bảo tôi:

- Bác phải đi thăm mấy người bạn. Ngày mai, nếu không trở ngại cháu đi Cấp chơi vài hôm với gia đình bác, công việc cuối năm bề bộn, nhưng các em nó làm áp lực quá, bác cũng phải chiều ý.

Tôi nghĩ việc ấy không thuận tiện, nhưng vẫn cảm ơn và bảo sẽ về xin phép gia đình. Nghĩ đến câu nói của ông Tạo “Nhưng các em làm áp lực quá” tự nhiên tôi thấy buồn cười và mừng thầm cho Thành. Tôi biết áp lực ấy, là do chính hắn chủ mưu.

Sau tết tôi thấy bồn chồn cùng cực. Có lẽ ngày giờ này Trân trở về Đalat rồi vì các trường đều đã mở cửa. Cả chị Hoàng cũng không có tin tức gì. Địa chỉ tôi đã ghi rõ trong hai tấm thiệp chúc tết… nỗi băn khoăn khiến tôi không được vui và đôi lúc thẫn thờ trước bàn học. Tôi hỏi ý kiến Thành thì hắn cũng chỉ bảo:

- Chúng ta không thể nói gì cho đến khi nhận được thư của hai người.

Nhờ câu nói của Thành, tôi bình tĩnh hơn.

Trung tuần tháng giêng âm lịch, tôi vui mừng và hồi hộp biết bao khi nhận được cả hai lá thư, gửi cách nhau vài ngày. Thư Trân đến trước. Cô bé hỏi thăm tôi về những ngày ăn tết ở Saigon và cho biết, xa nhà thì nhớ mà đến lúc trở về thì tủi thân cho hoàn cảnh, nên ăn tết năm nay ở Huế thật buồn và cô đơn. Đến cuối thư, có đoạn Trân viết thế này, ý tưởng kín đáo và mơ hồ:

“Trong đời sống, Trân đã gặp nhiều tâm hồn đáng quí trọng và thương yêu Trân hết sức. Anh là một trong những tâm hồn ấy. Những cảm tình của anh dành cho Trân khiến Trân cảm động vô cùng. Trân là một đứa con gái bé nhỏ, cho đến bây giờ vẫn phải sống bám vào nhiều người thân về cả vật chất lẫn tinh thần, biết đến ngày nào, Trân mới đền đáp được? Điều ước mong lớn nhất của Trân hiện tại là không bao giờ làm buồn lòng người thân, dù ai cũng vậy. Trân luôn luôn yếu đuối và hay lầm lỡ… “

Lá thư của Trân không những không đem lại cho tôi một chút tin tưởng nào, trái lại đã gieo thêm niềm hoang mang mới. Thư của chị Hoàng thì có vẻ lạc quan hơn, chị hồn nhiển kể lại những ngày vui bên người chồng yêu dấu, anh Hùng về trưa hôm 28 tết, nghĩa là rất đúng hẹn. Thời giờ không kịp để hai người đi Huế nhưng cũng chính vì thế mà họ được rảnh rang cùng nhau đi thăm cảnh đẹp những vùng lân cận. Chị bảo có giới thiệu Linh với anh Hùng, anh tỏ ý vui khi có một người em mới, giống mình ở nhiều điểm, anh hy vọng anh em sẽ được gặp nhau một ngày gần đây.

Trong thư, chị cũng cho biết mọi việc chưa đi đến chỗ mong muốn, nhưng chưa có gì ngăn trở. Trân bây giờ vẫn như con chim non, đang hồn nhiên về tình cảm cũng như đang có hiều ước vọng, ai đem đến cho Trân niềm tin yêu trong lúc này, kẻ ấy sẽ được Trân đến đáp xứng đáng. Chị Hoàng viết tiếp:

“Điểm yếu của Trân là hoàn cảnh cô độc, cần được an ủi và có nguồn vui. Là gái và cũng là kẻ sống đồng cảnh ngộ, chị hiểu rõ tâm trạng của Trân hơn ai hết. Em hãy đem đến cho Trân những món ăn tinh thần ấy một cách khéo léo, tế nhị. Em cũng biết cái lãng mạn kín đáo, nhưng không thiếu mãnh liệt trong Tâm hồn Trân, hãy giúp người em thương yêu những gì mà nàng mơ ước.

Về món quà em tặng, chị chưa có dịp hỏi cảm tưởng của Trân thế nào. Dù sao em hãy an tâm học tập. Chỉ còn bốn tháng nữa đến kỳ thi. Kết quả tốt đẹp trong những ngày sắp tới , chính là món quà giá trị và ý nghĩa nhất của em dành cho Trân”.

Dù chị Hoàng đã giúp tôi bớt lo âu, mỗi khi đọc lại lá thư của Trân, tôi lại thấy có một cái gì bí ẩn, không mấy tự nhiên.

Tôi do dự mãi, rồi cũng cho Thành đọc trọn hai bức thư trên. Buổi chiều sau giờ học mệt mỏi trên phòng thư viện Đắc Lộ, tôi và Thành kéo nhau xuống sân ngồi nghỉ dưới những tàn cây bóng mát. Đọc thư, Thành không nói gì, dáng lặng lẽ. Đến khi tôi hỏi ý kiến và bày tỏ sự nghi nan của mình, hắn mới khẽ nhận xét:

- Chị Hoàng cẩn thận và đáng tin cậy lắm, cậu có thể yên tâm.

Những ngày sau đó, tôi bắt đầu quay vào bổn phận, đối với mình, với gia đình và cũng là đối với Trân nữa. Tôi nghĩ lời chị Hoàng nói phải, rớt kỳ này, biết bao tai họa sẽ xảy đến, mà Trân chắc chắn cũng không vui gì.

Thời gian sau tôi có gởi thư cho Trân một lần nữa, nội dung hỏi han tình trạng gia đình, học hành của Trân, cũng như mong sẽ được gặp nhau một ngày rất gần đây.

Trân hồi âm rất sớm và ngụ ý bảo hai anh em hãy cùng nhau lo cho kỳ thi năm nay. Đậu rồi chúng ta sẽ làm được nhiều việc.

Niềm hy vọng tưởng chừng tiêu tan này phục hồi. Tôi mong cho việc thi cử mau tới để chấm dứt những ngày tháng mong đợi.Những trang nhật ký viết về đêm đầy hứng thú. Những vần thơ thành hình trên con đường có bóng mát và ghi vội lúc đến trường… Tất cả góp lại thành một thứ kỷ vật vô giá cho nhau, kỷ vật kết bằng tim óc mà tôi sẽ tặng cho Trân sau này.

*

Ngày tháng qua đi và mọi việc đều tới. Ngày đi xem bảng, tôi đậu còn Thành bị rớt. Hắn có vẻ xúc động mạnh, lần đầu tiên tôi thấy thế. Năm nay điểm thi chấm gắt, thí sinh nhiều người trở về với vẻ mặt thảm hại. Nữ sinh khóc như mưa trước cổng trường.

Việc mình đã xong, nhưng tôi thấy đau xót cho bạn. Những tháng gần đây Thành chăm chỉ khác thường, tưởng hai đứa sẽ cùng nhau tiếp tục con đường học vấn, nào ngờ thực tế quá khắt khe. Buổi chiều coi bảng về hai đứa im lặng đi bên nhau khắp các ngả đường, cho tới tối mới trở về nhà.

Những ngày kế tiếp tôi và Thành thường rủ nhau đi chơi đây đó cho khuây khỏa. Một hôm Thành hỏi tôi:

- Những người mình thương yêu là ai Linh nhỉ?

Tôi ngạc nhiên về câu hỏi ấy nhưng cũng trả lời:

- Là những người sẽ đem đến cho mình hạnh phúc và nguồn vui.

Thành mỉm cười, nụ cười buồn:

- Không. Họ là những người đem đến cho ta sự trống vắng.

Tôi im lặng và không hiểu Thành muốn nói gì.

Một hôm tôi lại nhà thì Thành đi vắng. Ông Tạo đang ngồi đọc sách ở phòng khách. Ông tỏ vẻ mừng rỡ, bảo người nhà rót nước mời tôi và hỏi:

- Cháu có dự định thi vào đâu chưa?

- Thưa bác, con rất thích học kiến trúc nhưng không biết thi cử ra sao? Các ngành học chỗ nào cũng khó vào.

Ông Tạo buồn rầu bảo:

Thằng Thành nó bị thua thiệt hơn cháu nhiều. Nó buồn khiến bác cũng buồn lây, không biết khuyên giải cách nào.

Tôi thành thật nói:

- Thưa bác, anh Thành quả thật là thiếu may mắn. Những ngày học thi, Thành chăm chỉ hơn con và các bạn nhiều lắm.

Ông Tạo nhắp ngụm nước trà nóng ôn tồn bảo:

- Bác cũng nhận thấy điều đó. Dạo này nó thường ở nhà và chăm chỉ việc học hành. Là bạn thân, cháu có biết nguyên do nào thúc đẩy nó thay đổi đời sống không?

Tôi chợt buồn cho Thành và thông cảm với gia đình bạn. Tôi nhìn ông trả lời:

- Thưa bác, Thành từ xưa vẫn biết lo lắng cho gia đình.

- Cám ơn cháu. Câu trả lời khiến bác cảm động. Bấy lâu nay sống bên cạnh con mà bác chẳng hiểu gì về con cả.

Ông nhắp một ngụm trà nữa rồi nói tiếp:

- Mới đây, nếu không nhờ thái độ thành thật bày tỏ của nó, thì bác vẫn hiểu lầm… nó chính là đứa biết lo cho hạnh phúc gia đình một cách đặc biệt.

Giọng ông trở nên sầu não và ân hận:

- Nó thi rớt, gia đình bác chịu trách nhiệm nhiều.

Bây giờ tôi mới hiểu câu nói của Thành và càng thương bạn hơn.

Tiếng ông Tạo vẫn rõ bên tai tôi:

- Bác không xấu hổ khi cho cháu biết điều ấy. Thành vẫn bảo cháu là “người bạn hiền” cùa nó.

- Cám ơn bác.

Tôi chưa kịp nói thêm điều gì thì ông Tạo nói:

- Thời kỳ ở học đường giúp ta tìm được nhiều bạn bè nhất. Sau này ra đời mỗi người mỗi ngả, nhưng đi đâu cũng cần có bạn, và nếu gặp được bạn thân cũ thì không có gì sung sướng hơn.

Tôi trở về nhà lòng buồn man mác, nhưng lại mừng cho gia đình bạn đã tìm được sự thông cảm nhau. Đó là nguồn hạnh phúc.

Riêng tôi, trái mong chờ đã chín. Mỗi ngày qua là mỗi ngày thao thức. Nghĩ đến giờ phút gặp Trân lòng tôi run lên vui sướng.

Ngày đi đã định. Ba má tôi cho phép dễ dàng nhưng cũng nhận thấy ở tôi một đời sống lạ. Ông bà bảo nhau:

- Đalat có cái gì mà dạo này nó đi luôn vậy?

Tôi cười thầm nói:

- Dạ, ba má cũng biết khí hậu ở trên ấy tốt. Nhờ thế mà mỗi lần đi về con ăn học khỏe hơn đấy.

*

Buổi tối trước hôm thực hiện chuyến đi lịch sử, tôi đến rủ  Thành đi ciné, cốt để được tâm sự với nhau. Lúc về, trời mưa tầm tã. Chúng tôi kéo nhau về quán Thu Hương gần nhà Thành uống café.

Quán vắng. Hai đứa ngồi ở một bàn nhỏ trong góc tối. Ngoài trời, mưa vẫn rơi nặng hạt. Mưa đêm thật buồn và lạnh, những ngụm café nóng càng thêm ý nghĩa.

Tôi chợt bảo Thành:

- Cậu nghĩ gì về chuyến đi nhập ngũ này?

Thành trả lời ngay, mắt vẫn không rời đêm mưa ở ngoài hiên:

- Thì cũng như một chuyến đi xa vậy thôi… xa nhất từ xưa đến nay. Có lẽ chính vì thế mà mình hơi xúc động quá chăng?

Rồi hắn nói tiếp, giọng trầm mà rắn rỏi:

- Việc ở lại gia đình, ba mình có thể lo được, nhưng điều đó không chứng tỏ được điều gì chính đáng cả. Cha mẹ thì lúc nào cũng lo cho con cái… Nhưng ở đời cũng nên đi xa một lần cho biết.

Tôi thấy cần đem đến cho Thành một chút tư tưởng êm đềm bèn bảo:

- Mình đã gặp bác và mọi sự hình như tốt đẹp cả.

Thành không nói gì chỉ khẽ gật gù. Tôi đổi câu chuyện hỏi:

- Đáng lẽ cậu phải đi Đalat với mình mới phải.

Thành cười:

- Tại sao?

- Cậu ở Saigon làm gì trong những ngày này?

- Cũng chẳng biết. Nhưng “moa” đi có lợi gì cho cậu đâu? Bây giờ thì mọi người đều đã có bạn đồng hành cả rồi.

Tôi hỏi:

- Cậu quên Thiên Hương, bông Hồng Nhung của cậu rồi sao?

Thành nhắp giọng bằng một ngụm café rồi nói:

- Mới nhận được thư hồi đầu tuần, cô bé thi đậu và có lẽ sẽ đính hôn với đại úy Chính.

Tôi sửng sốt. Thành gật gù bảo:

- Có gì lạ đâu. Một đứa con gái như Hương làm thế là phải.

Tôi thấy một chút khác lạ trong thái độ của Thành liền hỏi:

- Đối với cậu, Thiên Hương đã đi luôn rồi chứ?

Thành bảo:

- Cậu muốn nghĩ sao cũng được…

Rồi hắn lấy ngón tay chấm nước mưa đọng bên hiên nhà, vẽ những khoanh tròn, những số không to tướng trên mặt bàn. Hai đứa im lặng. Trời hình như mưa nặng hạt thêm. Một lúc sau tôi bảo:

- Xin lỗi cậu về câu hỏi vừa rồi… Mình có cảm tưởng những lúc gần đây, biết bao biến cố đã xảy đến cho cậu.

Thành nói, tay vẫn vẽ những vòng tròn trên bàn nhưng vết nước mờ dần:

- Mọi vấn đề đều rắc rối, cho đến khi mình không còn ở lại nữa.

- Không có gì quá đáng đâu Thành, chính cậu, có lần đã khuyên tôi điều đó.

Thành im lặng một lát rồi gật gù bảo:

- Ừ. Chỉ có kỷ niệm là đáng kể thôi.

Sau đó, chúng tôi ra về. Trời đã ngớt mưa đôi chút. Thành chúc tôi vui vẻ trong chuyến đi ngày mai và sống những phút êm đẹp nhất đời. Thành rẽ vào nhà để lại mình tôi phóng xe giữa phố đêm. Đầu óc tôi lan man bao hình ảnh và ý tưởng. Gương mặt của Thành với những nét ưu tư thấy rõ, những tiếng nói thật buồn sầu và nghe xa lạ… Một lúc nào đó mọi người đều sẽ thế trước những biến cố trong đời mình?

Tôi nghĩ đến Trân, đến rạo rực cuộc vui sắp đến, đến ánh mắt, nụ cười ngự trị giữa hồn say… Giờ đây, cơn mưa đã dứt hẳn. Mặt nhựa loang loáng ánh điện đường, muôn hình muôn bóng hỗn độn vào nhau, và tôi chợt thấy cuộc đời hiện ra trong tâm trí.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG SÁU

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

CHƯƠNG BỐN_NGÁT TRÊN LƯNG ĐỒI


bốn

Cuối năm, Sàigòn chuyển mình rầm rộ. Mùa Xuân đang lẩn quất đâu đây, bàng bạc trong từng giọt nắng hanh vàng hay vương vương giữa những bước đi xao động của ngày tháng. Mùa Xuân thực sự chưa về, nhưng chỉ chờ một thời khắc sẽ tức thì vươn dậy.

Cuối năm, ngày của những chuyến tâm tư tìm về dĩ vãng : làm một bài tính kết toán đoạn đường vừa đi ; nhưng cuối năm cũng là ngày của những sửa soạn ân cần cho mùa sống mới.

Không như mọi hôm, một xôn xao bỗng đến làm rung chuyển tâm hồn tôi, như cái vuốt nhẹ của bàn tay người dấu ái, như nụ cười mềm làm sảng khoái tin yêu. Bầu trời xanh và cửa lòng mở lớn. Tôi rời bỏ thư viện sớm hơn giờ thường lệ vòng xe về phía trung tâm thành phố, nơi một rừng người đang sánh bước và lớp lớp những cánh thiệp mừng xuân.

Từ ngày rời Đàlạt, tôi trở về cuộc sống bình thường tại đây, nhưng luôn luôn với niềm hăng say mới. Những buổi sáng đi học lòng run lên với màu sắc trong lành của gió sớm. Những cuộc chơi dông dài không còn nữa, nhường lại cho một quyết tâm xây dựng đời mình.

Tôi thấy việc học đầy hứng khởi và mùa thi sắp tới sẽ là mùa rực rỡ nhất. Thời gian đi rất chậm nhưng đẹp, vì xa đằng kia, hình bóng hạnh phúc vẫn đợi chờ. Trong hơi thở, tôi thường thấy một thứ âm nhạc xa lạ nào, chợt đến rồi chợt đi, ẩn hiện như niềm vui chưa rõ, để cho tâm tư phải mê mải tìm kiếm, cuộc tìm kiếm rất tuyệt vời. Cuộc đời thường đưa ta đi sâu thẳm vào những hệ lụy đam mê đầy hứng thú, bằng những nguyên do ngoại tại và tiếp nối không cùng!

Trong đám đông bên kia đường tôi thoáng thấy Thành đang đi cùng một cô bạn gái. Hình như hắn đang trổ tài ăn nói. Tự nhiên tôi bật cười và đặt nghi ngờ cho những lần hắn “xin phép” tôi rời thư viện sớm “đi có chút việc”. Rồi đây kỳ thi tới, hắn sẽ làm được gì với những chuyến ra về quá sớm ấy?

*

Sáng hôm nay, giáo sư toán nghỉ dạy hai giờ cuối, tôi kéo Thành ra ngồi ở một quán giải khát gần trường, dưới những hàng cây bóng mát. Lâu nay, nhất là từ cái đêm kết trao tình sư đệ cho nhau ở Đàlạt, tôi và Thành quyết chí giúp nhau sống đẹp. Chiều nào, hai đứa cũng dắt díu nhau vào thư viện học bài. Việc học của Thành không mấy khả quan, tôi lại phải mang thêm gánh nặng chỉ dẫn hắn một đôi lúc. Một lần Thành nói đùa : “Tương lai tớ nằm trong tay cậu”. Tôi cười. Dù sao, tuổi nhập ngũ đã gần kề, nếu rớt, cuối năm nay chúng tôi phải hành trang lên đường ngay. Chúng tôi đều có ý nghĩ “đi hay ở không thành vấn đề, nhưng nếu con đường chia đôi cho mỗi đứa mỗi ngả thì không gì buồn hơn”. Riêng tôi, tôi có cảm tưởng đây là giai đoạn sống nhiều tin tưởng nhất, ở tương lai và ở chính mình. Niềm tin tưởng thứ hai chính là do Thành đã đem đến cho. Lối sống và cách đối xử của hắn khiến tôi luôn luôn thấy mình có giá trị, không hão huyền, không tự mãn, nhưng biết nhìn thẳng để đi tới. Từ đó hắn tạo được một lòng mến phục sâu xa nơi kẻ đối diện. Có lần tôi thành thật biểu lộ những ý nghĩ riêng tư này và mong hắn chỉ cho bí quyết thực hiện lối sống đó. Hắn cười và bảo : “Mỗi người có một cách tạo uy thế khác nhau, chẳng hạn lối sống chân thành, khiêm nhượng của cậu làm cho tôi và mọi người đều mến chuộng. Cậu hỏi cũng chính là tự trả lời vì đứng trước cách đối xử của cậu, người khác cũng tìm thấy một niềm vui nào đó vào cuộc đời và lương tâm con người”. Tôi bảo : “Nghe to tát quá”. Hắn trả lời : “Sự thực nào cũng to tát mà cũng rất bình thường”.

Hai đứa đã vào quán, tôi hỏi Thành về kế hoạch gây hạnh phúc gia đình đã tiến triển đến đâu. Hắn bảo:

- Dĩ nhiên kết quả chưa thể trông thấy rõ rệt, vì kế hoạch mới phát động nhưng có nhiều điều thuận lợi lắm. Mình phải tự gạt bỏ một số cuộc vui không cần thiết. Ông cụ mình đã bắt đầu chú ý đến sự thay đổi này, chỉ chờ một dịp thuận tiện mình sẽ thẳng thắn trình bày lập trường của mình.

- Nếu lúc đó cụ vẫn đi theo con đường cũ, vẫn mải mê kinh doanh thì sao? Việc đó có thể xảy ra vì gia đình là một việc mà sự nghiệp là một việc khác.

Thành uống một hớp nước rồi chậm rãi nói:

- Cậu có lý lắm. Nhưng mình vẫn tin tưởng ở những lý lẽ thuyết phục và nhất là thiện chí của mình. Hy vọng rằng con người cũ, sáng suốt và dào dạt tình cảm gia đình nơi ông vẫn còn lẩn khuất…

Sau câu nói chúng tôi đều yên lặng. Tôi chợt nghĩ đến chuyến đi Đàlạt vào dịp tết bèn bảo:

- Nếu thế, tết này cậu có đi Đàlạt không?

Thành nhìn tôi trả lời:

- Trước đây thì có nhưng bây giờ trong không khí này của gia đình, bỏ đi mình thấy băn khoăn quá. Cậu nghĩ thế nào?

Tôi bảo:

- Kể cũng khó thật. Đi chơi mà làm hỏng việc lớn thì không nên. Nhưng nếu không có cậu, mình sẽ mất lý do chính đáng để xin phép gia đình.

Tôi nhìn bạn cười, không biết nói gì thêm nữa, Thành thì dáng trầm ngâm. Dự định của hai đứa tưởng chừng đã xong, nhưng hình như sự tính toán ban đầu, trường hợp nào cũng không thể hoàn hảo đến phút chót. Một học sinh như tôi, cảnh sống gia đình vừa đủ, tự nhiên xin cha mẹ đi nghỉ ở Đalat vài ngày vào dịp cuối năm là một điều khó thành tựu. Ba má không thể biết những ước ao của tôi lúc này không có có gì tội lỗi nhưng đối với bậc cha mẹ thì không hợp thời chút nào. Ông bà vẫn bảo : “Với mày, việc học phải là việc chính. Rớt một cái là hỏng cả… “ Hai chữ hỏng cả đầy ý nghĩa. Tôi chợt nghĩ đến Trân, đến con dốc ngoằn ngoèo dẫn lên cao và đồi thông đắm đuối, thơ mộng… Những hình ảnh ấy sao bây giờ xa xôi quá. Nhìn những giọt nước màu nâu vàng buồn bã đọng ở đáy ly, tôi bảo Thành:

- Mình chưa báo gì cho chị Hoàng và Trân biết về cuộc viếng thăm bất ngờ này. Nhưng bây giờ thì sự bất ngờ ấy sẽ không bao giờ đến.

Thành yên lặng giây lát, rồi nhìn tôi với tia nhìn sáng, tôi biết hắn sắp nói điều gì quan trọng.

- Nếu cần, chúng mình thi hành một kế mới.

Với kế này, Thành vẫn đến xin ba má cho tôi được theo hắn lên Đalat vài ngày chơi, tiện dịp hắn đi lo ít việc cho gia đình. Lần trước, ba má tôi đã tin tưởng ở Thành rồi thì bây giờ việc đó không khó. Ba má tôi sẽ không thể ngờ rằng tôi chỉ đi một mình. Duy có điều bất ổn là đi đúng vào ngày 25 tết, tuy đã nghỉ học nhưng công việc bề bộn… Chúng tôi bàn đi tính lại mãi để tìm ra một lối thoát ổn thỏa. Tôi nghĩ nên làm một việc gì để chuyến đi có lợi cho gia đình, và bỗng nẩy ra ý tưởng mua sắm một ít thực phẩm tươi cho cả nhà dùng trong ba ngày tết. Rau và trái cây Đalat thì ai không thích. Nghe xong ý kiến ấy, Thành reo lên:

- Xong rồi đấy Linh ạ. Không thiệt ai mà trái lại ích lợi cho mọi người.

Tôi vui mừng thật sự, bảo:

- Chỉ phạm tội nói dối thôi.

*

Và mọi việc xảy ra gần đúng như chúng tôi mong muốn, nghĩa là tôi vẫn được ba má chấp thuận cho đi, nhưng không mấy dễ dàng. Dù sao bây giờ thì tôi không còn nghĩ ngợi gì về điều ấy nữa. Những lo âu, hồi hộp đã qua, hiện tại của tôi là đang ngồi chờ một chuyến đi về sáng cạnh túi hành trang nặng trĩu cơn vui. Có lẽ giờ này, Thành cũng đang nghĩ đến tôi, đến một chuyến đi mà hắn đã hơn một lần cất bước.

Tối qua, tôi ở nhà Thành rất muộn. Hai đứa lại ngồi tâm sự với nhau, lưu luyến như đứng trước một cuộc chia ly vô hạn. Chúng tôi hứa với nhau sẽ dốc tâm học hành sau khi ăn tết. Thành bảo : “Việc học đối với tuổi trẻ chúng mình sao nặng nề quá. Những buổi chơi dông dài thì không bao giờ áy náy mà ngồi vào bàn học một ngày đã lấy làm nhiều”. Lúc ra về tôi chúc Thành ở lại vui vẻ và đạt được những điều như ước nguyện – Tôi muốn nói đến ước nguyện của Thành đối với gia đình. Tôi chợt thấy chuyến đi vương chút buồn cô độc. Thành gửi tôi chiếc chìa khóa căn nhà trên đó, phòng khi cần đến. Hắn cũng đưa cho tôi tấm thiệp mừng xuân và bảo “Dù cậu sẽ về Saigon trước mùng một Tết, nhưng mùa xuân bây giờ đã tới… “ Tôi bỏ ngay tấm thiệp vào ngực áo. Đến khi về nhà mở ra xem thì thấy có câu, “Chúc Linh một mùa Xuân tràn đầy thương yêu. Bạn rất thân, Thành”.

Chiếc xe đò bắt đầu chuyển bánh. Mặt trời hừng lên ở phía đông. Tôi nghĩ đến những chuyến đi về sáng, những bánh xe lăn lúc đầu ngày. Thời khắc ấy bao giờ cũng rộn rã, nồng nàn như ngày đầu mộng ước, như tiếng hát mới vào nghề.

Con đường ngoại thành quen thuộc dẫn tôi đi. Vẫn những mái nhà ném lại phía sau, nếp sống thị thành nhường chỗ cho cây cỏ. Tôi đi qua những rừng cao su kéo dài như vô tận, hôm qua nhuộm màu xanh lá, nhưng hôm nay xơ xác cây cành. Vào mùa nầy, rừng cao su phủ ngập lá vàng, cánh rừng mang dáng dấp của một mùa thu huyền thoại nào, u hoài mà thắm thiết. Mắt tôi chạm vào những dốc đá dựng dưới chân, những sườn đồi cuồn cuộn đầy ắp nương chè. Cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp khiến tôi say mê nhìn ngắm. Tuổi trẻ lồng lên, tôi càng thấy yêu cuộc đời lãng tử, một cuộc đời chỉ biết những cái mới và đất trời cao rộng.

Con đường dài sâu hun hút về phía chân trời. Tôi không biết ngoài chân mây kia là gì nhưng ở đây màu xanh lấp kín. Màu xanh của trời, của cây cỏ từng hàng, của núi non trùng điệp… Màu xanh tiếp nối màu xanh, nhuộm thắm vạn vật và hình như cả lòng người. Và khi những rừng thông xuất hiện, tôi ngả người trên ghế mong tìm một chút bình lặng cho tâm hồn. Ngoài kia, những đoạn đường đèo thu ngắn dần. Tôi nhắm mắt mà nghĩ đến Trân, đến thung lũng tình yêu đang chờ đón.

Khí lạnh trời hồ Xuân Hương vỗ tới làm tôi tỉnh dậy và thoáng thấy những cánh hoa anh đào trỗi hồng bên dặm cây xanh ngắt, dấu hiệu của mùa xuân đến…

Căn nhà của Thành hiện ra, giàn hoa trước ngõ nở đầy hoa, nhuộm tím cả một vùng. Tiết xuân ở Đalat, chỗ nào cũng có sự hiện diện của những cánh hoa muôn màu. Tôi vội vã đi tắm rửa cho tỉnh người và trút những lớp bụi đỏ bám trên thân thể. Trong một thoáng tôi nghĩ đến Thành, đến những kỷ niệm ngày đầu tiên hai đưa tôi đến đây, và tôi chợt nhận thấy rõ cái huyền diệu của ngày tháng.

Trước khi trở lại căn nhà màu trắng trên lưng đồi, tôi không quên mang theo gói quà nhỏ tặng Trân và thiệp chúc tết. Nhà vắng, chỉ có chị Hoàng đang lui cui dưới bếp. Nhận ra tôi, chị reo lên mừng rỡ:

- Ồ! Linh lên hồi nào?

Tôi cũng vui không kém:

- Thưa chị, em vừa lên thì lại đây ngay. Chị trông khỏe và vẫn đẹp.

Chị Hoàng vẫn giữ nụ cười tươi nắm tay kéo tôi lên nhà trên. Tôi không ngờ tình cảm giữa chúng tôi lại thân đến thế. Chị Hoàng hỏi thăm tôi về Thành, về gia đình và về mục đích chuyến đi này. Tôi bảo:

- Chị ngạc nhiên cũng phải. Nhưng lý do rất đơn giản. Em lên đây chỉ vì nhớ Đalat. Thăm một lần mà em đã yêu Đalat rồi chị ạ.

Chị Hoàng nhìn tôi cười trong ánh mắt rồi đi lấy nước trà nóng và mứt sen mời tôi. Không khí trong nhà thật ấm cúng. Khi tôi hỏi về Trân, chị Hoàng bảo:

- Trân đang lo tổ chức nhạc hội mừng xuân ở trường, sắp về bây giờ. May quá, tối nay Linh sẽ được nghe Trân hát trên sân khấu nhà trường.

Chị Hoàng vừa sửa lại những bông hoa cẩm chướng để trên bàn, vừa nói tiếp:

- Nếu không vì nhạc hội này Trân nó đã về Huế từ mấy hôm trước rồi. Linh biết về gia dình Trân chưa?

Tôi trả lời:

- Thưa chị, em có nghe Thiên Hương nói sơ. Kể cũng tội. Nhưng bao giờ Trân khởi hành hả chị?

- Sáng mai. Trân đi chuyến máy bay đầu, khoảng 9g cất cánh.

Một nỗi buồn mang mang đổ tới làm cho tôi không biết nói gì thêm. Dù sao vẫn còn may mắn.

Vừa lúc ấy thì Huyền Trân mở cửa bước vào, dáng hơi mệt nhưng vui tươi, có cả mấy người bạn cùng lớp.

Chúng tôi gặp nhau mừng rỡ. Trân giới thiệu các bạn với tôi và bảo tôi là anh của Trân. Cô bé không có gì thay đổi, vẫn tia nhìn và nụ cười dễ yêu ấy, hình như cô nàng liến thoắng hơn một chút.

Chị Hoàng sửa soạn bữa cơm chiều thật mau cho mọi người để kịp giờ đến trường dự nhạc hội.

Trong bữa cơm tôi vui vẻ nhưng ít nói. Hai người bạn của Trân rất tự nhiên, họ kể lại những công việc ở trường, những tiết mục văn nghệ tối nay và đoán trước những anh chàng nào ở trường bạn sẽ nổi nhất trong nhạc hội. Tôi kể cho mọi người nghe về tình hình thiên hạ ăn Tết ở Saigon, những nhà hàng chất đống thực phẩm, những phố xá chen chúc người và hàng hóa… và tôi bày tỏ tấm lòng ưu ái đối với Đalat, đời sống không xô bồ mà thời tiết lại trong lành.

*

Trường Bùi thị Xuân đêm nay bừng lên ánh sáng cùng tiếng nhạc. Tôi và chị Hoàng được chọn vào hàng quan khách, còn Trân thì phải thường trực ở hậu trường. Khi văn nghệ đã trình diễn hai ba màn đầu, Trân có ghé xin lỗi chúng tôi về sự vắng mặt, cô bé phải giúp ban tổ chức trong việc giới thiệu các tiết mục văn nghệ. Tôi ngồi xem nhưng tâm trí không được bình thản. Những sự kiện xảy đến từ chiều chưa có gì thuận lợi, tôi chưa kịp nói với Trân một lời nào đáng nói. Những nhung nhớ ngập kín trong lòng chưa một lần được tỏ lộ.

Đến lượt mình, Trân trình bày một bản nhạc buồn và cũ, bài “Đêm tàn bến Ngự” của Dương Thiệu Tước. Trân hát hoàn toàn giọng Huế khác hẳn hằng ngày, giọng hát truyền cảm gieo sầu vào cả ngàn tâm hồn đang thưởng thức. Tôi đoán biết lý do Trân chọn bài hát ấy nên càng cảm động hơn, lòng tôi dâng lên niềm thương mến vô cùng… Bài hát dứt, bầu không khí yên lặng còn kéo dài một tích tắc rồi tiếp theo là những tràng pháo tay tán thưởng ròn rã.

Khoảng 9g30 nhạc hội chấm dứt, quan khách ra về nhưng các nữ sinh còn tíu tít với nhau và những bạn bè, hẹn hò và chúc tụng. Sau nửa tiếng đồng hồ gặp gỡ các bạn, Trân ra trước sân trường đã có tôi và chị Hoàng đứng đón.

Tôi đề nghị mọi người ra phố dùng một cái gì cho đỡ đói, chủ ý để được dạo phố với Trân một lần nếu Trân không mệt. Cô bé bảo:

- Hồi nãy đã thất lỗi với anh, bây giờ Trân xin chuộc lỗi bằng cách chiều ý anh.

Tôi buột miệng khen:

- Trân nói chuyện thật duyên dáng.

Đường khá xa và trời lạnh, tôi đưa đôi găng tay của tôi cho Trân và xin phép dắt nàng trên những quãng đường dốc. Tôi và chị Hoàng ngỏ ý khen Trân hát bài Đêm Tàn Bến Ngự hay quá.

- Tại sao Trân không hát thêm bài thứ hai như các bạn trong khi khán giả tán thưởng nồng nhiệt? Tôi hỏi.

Trân cười:

- Anh và chị Hoàng biết không, lúc ấy Trân xúc động quá vì đã lột hết tinh thần để trình diễn. Nếu hát bài nữa Trân sẽ bị nghẹn nửa chừng. Thật tình trong khi trình diễn Trân cũng không biết mình hát như thế nào nữa.

Ngồi ở tiệm ăn tôi sực nhớ và hỏi đến Thiên Hương. Trân bảo, Hương đã theo mẹ xuống Bảo Lộc thăm mấy người bà con, không thể đi dự nhạc hội được. Chúng tôi cũng nói chuyện với nhau về chuyến đi của Trân sáng mai, những dự tính của Trân trong chuỗi ngày sắp tới. Tôi hỏi:

- Có khi nào Trân dự định về Huế hẳn không?

- Trân về thăm mẹ và Huế rồi sẽ trở lên đây sau tết… Trân còn phải học và thi cử nữa chứ. Dù sao, Trân ở đây là tốt đẹp hơn cả. Chính mẹ cũng muốn thế.

Trân nói với tôi, giọng buồn và kể lể tự nhiên, làm như tôi là người đã hiểu rõ hoàn cảnh của Trân lắm rồi. Sự thực tôi chỉ mới biết Trân qua lời người khác, còn hai đứa chưa một lần tâm sự. Có lẽ một tâm hồn cô đơn luôn luôn muốn trải rộng. Chị Hoàng từ nãy ít nói. Trân cho tôi xem bức ảnh của mẹ hồi bà còn trẻ. Bà có nét đẹp đôn hậu hiện rõ trên gương mặt, nhưng buồn. Trân giống mẹ ở đôi mắt trong mà có cái nhìn u ẩn.

Tự nhiên tôi thấy thời gian chùng hẳn xuống, nặng nề. Chị Hoàng đề nghị đêm nay tôi ở lại với chị và Huyền Trân để mai kịp tiễn Trân ra trụ sở hàng không. Thực tình từ nãy tôi vẫn băn khoăn về việc này.

Khi trở về nhà thì đêm đã khuya lắm, khí trời lạnh buốt. Những chiếc áo len dày không đủ ấm và ai nấy đều đã mệt. Chị Hoàng đốt vội lò sưởi, còn tôi thì giúp Trân sửa soạn hành lý ngày mai.

Công việc đã xong, chúng tôi ngồi bên bếp sưởi uống tách trà nóng cuối cùng trong ngày. Mọi người ít nói từ lúc ở phố về, nhưng hình như vẫn ngầm hiểu những tình cảm thương mến nơi nhau. Mỗi người một tâm sự trước lúc chia ly. Tôi hiểu rõ tâm trạng chị Hoàng, một thiếu phụ trẻ, rất trẻ, cuộc đời cô độc như một loài hoa nở trơ vơ trên đồi vắng, như con suối lành hiu hắt dưới lũng sâu, có một người thân yêu nhất thì sống mất hút, đi về như chiếc bóng. Cho đến khi có một đứa con yêu quí, tôi nghĩ rằng niềm an ủi của hai người tựa hồ chỉ đặt vào nỗi nhớ thương nhau, vào những lá thư từ xa gửi đến.

Tôi nghĩ về Trân, người tôi thương mến, người con gái đầu tiên đem đến cho tôi niềm vui và nghĩa sống. Hoàn cảnh của Trân cũng đáng thương và buồn như quê hương nàng… Hai người con gái sống và cố giúp nhau quên đi dĩ vãng buồn thảm của mình. Nhưng thật tình, hiện tại và tương lai vẫn chưa có gì sáng sủa cả.

Chỗ ngủ của tôi là căn phòng học của Trân được thu dọn và kê thêm chiếc giường sắt nhỏ. Nằm quấn trong chăn, tôi trằn trọc mãi, dù sau một cuộc hành trình dài, thường tôi rất dễ tìm giấc ngủ. Từ một vị trí trên đồi cao tôi mới thấy rõ cái tê tái, hiu quạnh của một đêm Đalat, gió thổi len qua cây rừng, làm như tiếng rên rỉ của đêm trường, tiếng thông reo hò ở phía xa nghe như từng cơn sóng vỗ… tôi chợt thấy hồn dâng lên một nỗi buồn sầu, cô độc đến lặng người. Nhưng cũng từ đó, tôi thấy yêu Đalat hơn. Ở đây, dù đêm hay ngày, dù huy hoàng hay hiu quạnh, Đalat cũng có một cái gì thu hút lòng người, làm ngẩn ngơ trong ý nghĩ. Rồi đây, xa Đalat, không ai là không mang theo một hình ảnh nào đã in sâu trong trí.

Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy sớm nhưng vẫn nằm trên giường. Bầu trời sáng dần ở khung cửa kính mờ. Bên ngoài nhà có tiếng động, có lẽ chị Hoàng và Trân đã dậy cả. Tôi lười biếng thu dọn chăn gối và đi ra cửa sau thì gặp chị Hoàng đang đun nước ở nhà bếp, chúng tôi trao nhau câu chào hỏi đầu ngày.

Nhà có sẵn bánh mì và đồ hộp, ba chúng tôi ăn sáng qua loa rồi sửa soạn xuống phố. Đến tuần trà, chị Hoàng dọn ra bàn đĩa mứt sen và kẹo lạc, chị bảo Trân:

- Đây là bữa ăn cuối cùng, cô phải nếm hương vị tết với chị.

Chị Hoàng cười nhưng giọng nói có vẻ xúc động. Tôi nói một câu nửa đùa nửa thật mong được an ủi chị:

- Nếu là gái, em sẽ ở đây với chị.

Trân hỏi chị Hoàng:

- Thư anh Hùng hẹn bao giờ về hả chị?

- Hai hôm nữa. Nhưng mùng hai tết lại phải đi ngay.

Tôi nói như reo lên trong nỗi vui của chính mình:

- Hôm nay 26, đáng lẽ mai em về Saigon, nhưng em sẽ lưu lại đây thêm một ngày nữa cho có chị có em. Nếu không có gì bất tiện, chị chỉ ra lệnh một tiếng, em sẽ thi hành ngay. Ban ngày em ở đây và tối về nhà Thành. Sáng 28 ra xe cũng chưa muộn.

Chị Hoàng cười:

- Linh thật chu đáo. Chị ra lệnh đó.

Không khí tự nhiên vui hẳn lên. Giờ còn rộng tôi ngỏ ý mời Trân đi dạo một vòng trên sườn đồi chung quanh nhà, Trân vui vẻ nhận.

Buổi sáng không khí trong suốt tưởng chừng khi gõ vào sẽ vang lên tiếng vỡ. Dặm cỏ xanh ở trước nhà hãy còn ướt sương, chúng tôi cùng sánh những bước mềm trên đấy. Chợt tôi bảo:

- Trân có muốn đời mình xanh êm như bãi cỏ này không?

Trân trả lời, tiếng nói xa xôi:

- Trân nghĩ, ai cũng muốn có một đời hạnh phúc, nhưng hình như định mệnh không bao giờ đồng ý với mình. Cũng như đám cỏ xanh này không hề mong những bước chân dẫm nát của chúng ta.

Tôi bàng hoàng trước câu trả lời rắn rỏi và mạch lạc ấy. Đằng sau cái dáng dấp khép nép, bé bỏng của Trân có sẵn một tiềm lực sống động.

Hai đứa đã đến bên một gốc cây mimosa, hoa vàng nở thắm từng chùm cạnh những nhánh lá xanh. Tôi chợt bảo:

- Hoa mimosa vàng và dễ thương như màu áo của Trân hôm nay vậy.

Trân cười nhẹ:

- Đây là loài hoa mà Trân thích nhất. Màu tươi mà không sặc sỡ quá, mỗi bông hoa đều nhỏ có dáng dấp khiêm nhượng.

Bên cạnh đó có mấy tảng đá lớn vuông vức, không ai bảo ai chúng tôi cùng ngồi xuống. Một luồng gió thổi vút qua làm nhẹ bay chiếc foulard ở cổ Trân. Trời rét run. Tôi mạnh dạn ngỏ ý muốn được sưởi ấm đôi tay cho bạn. Sau một chút do dự, Trân bằng lòng. Nắm đôi bàn tay mềm mại của người bạn yêu dấu, tôi thấy lòng dâng lên niềm vui sướng lẫn tin tưởng. Tôi yên lặng trong giây lát như để tận hưởng bông hoa hạnh phúc tuyệt vời mà Trân đã đem đến cho… Tôi cũng muốn bày tỏ tất cả nỗi lòng thương yêu của mình đối với bạn, nhưng chợt thấy giờ phút quá vội vàng lại thôi. Có tiếng động cơ hắt lên từ con đường nhựa cuối chân đồi, tôi chợt nhớ tới Vallée d’amour, liền bảo Trân:

- Vế Huế, hình ảnh nào ở đây sẽ làm cho Trân nhớ nhất?

Trân trả lời sau giây lát suy nghĩ:

- Có lẽ là chị Hoàng. Trân vẫn coi chị như một người mẹ thứ hai của Trân vậy. Nếu không có chị chắc Trân sẽ phải sống những ngày tháng rất khổ tâm, dù được ở gần mẹ.

Tôi nắm lấy đôi tay bạn:

- Anh vẫn mong làm được một cái gì để giúp Trân sống an vui, quên đi những chuyện buồn trong đời. Mỗi người đều có một hoàn cảnh, nhưng cũng không ai thoát khỏi những nỗi khổ tâm riêng mình. Người sống vui là người đã tìm quên được những khổ tâm ấy.

Trân bảo:

- Có lẽ anh nói đúng. Những khi không suy tư gì, Trân sống hồn nhiên ghê gớm, nhưng mỗi lúc bị hoàn cảnh khơi động, Trân thấy đời mình bất hạnh vô cùng.

- Anh hy vọng sẽ được Trân coi như một trong những người thân yêu nhất. Chúng mình sẽ an ủi nhau trong những lúc cô đơn.

Trân nhìn tôi, đôi mắt long lanh, buồn vời vợi:

- Cám ơn anh…

Tôi lấy trong ngực áo chiếc hộp nhỏ đựng sợi dây chuyền bạch kim, mặt là một trái tim xinh xắn. Hộp quà được gói kín, tôi đưa cho Trân và bảo:

- Đây là món quà tết của anh, mong Trân nhận lấy.

Trân run run nhận chiếc hộp nhỏ trong sự yên lặng. Tôi dặn dò:

- Về Huế, Trân sẽ biết vật gì ở trong này.

Trân nói giọng chân tình:

- Anh thương Trân quá…

Vừa lúc ấy, chị Hoàng mở cửa bước ra sân.

Tôi nhìn đồng hồ thì thấy đã 8 giờ, vội vàng dìu Trân đứng dậy. Cả ba chúng tôi sau khi mang theo những hành lý cần thiết cho Trân liền dắt díu nhau xuống phố đón Taxi ra trụ sở hãng hàng không. Ở đó có xe bus chở mọi người ra phi trường.

*

Những ngày ở lại Đalat, tôi thấy buồn ghê gớm. Ban ngày có khi hai chị em ngồi chuyện trò với nhau suốt buổi trong phòng hoặc dưới gốc những cây thông già thân cao ngút. Chị Hoàng biết rõ tình cảm của tôi đối với Trân, chị biết tôi buồn nên rủ tôi đi chơi đây đó cho khuây khỏa. Chị luôn luôn tỏ ra là một người chị dễ mến và biết chiều chuộng. Tôi nghĩ sống gần chị, anh Hùng sẽ được hạnh phúc.

Dù sao, nỗi trống vắng trong tôi chỉ tan đi mỗi lúc mà không bao giờ dứt. Cảnh vật ở Đalat như càng dệt thêm mối u sầu. Những dốc phố hiu hiu nắng chiều, cảnh bờ hồ những buổi trưa hoang vắng… Nhất là những buổi tối thì lại càng buồn hơn. Chị Hoàng giam mình trong căn phòng đóng kín với sách báo và thú đan len, còn tôi đi lang thang khắp phố, tay thọc sâu trong túi, lầm lũi đi nép dưới những mái hiên nhà, len lỏi qua từng con ngõ tối vắng, vì mọi người đã ngủ cả; lại có khi đốt điếu thuốc ấm trên môi thả bộ bên hàng thông ủ rũ, dưới ánh điện vàng héo úa mà mang tâm trạng một lữ khách cô đơn.

Có lần tôi đang thơ thẩn ở khu Hòa Bình thì gặp Thiên Hương đi dạo phố với một quân nhân trẻ, đeo lon đại úy vàng chói. Hai người có vẻ thân mật lắm. Có lẽ đây là người mà Thành đã nói với tôi. Hương vẫn nổi bật với chiếc manteau đỏ. Chúng tôi chào và hỏi thăm nhau trong giây lát. Tôi cho Hương biết sơ qua lý do Thành không lên đây và việc Trân mới đi Huế. Hương tỏ ra rất ân hận vì bận việc ở Bảo Lộc không về kịp để tiễn chào bạn. Hai người có mời tôi vào quán uống tách café nóng, nhưng tôi từ chối vì thấy bất tiện. Trước khi từ giã, tôi chúc Thiên Hương và Chính, ông đại úy trẻ hưởng một cái tết vui vẻ và đạt được mọi sự như ý.

Buổi sáng cuối cùng ở Đalat, tôi theo chị Hoàng vào chợ mua quà và thực phẩm về Saigon như lời đã hứa với gia đình. Trên đường đi tôi hỏi chị:

- Chị nghĩ gì về những tình cảm của em đối với Trân?

Chị Hoàng trả lời ngay:

- Chị thấy tình yêu của em thật đẹp và chân thành.

- Cám ơn chị, theo chị thì Trân đối với em thế nào?

- Trân mến em lắm. Lần trước, khi Linh về Saigon cô bé đã nói với chị điều đó. Dù sao bản tính của Trân cũng rất kín đáo. Chị thiết tưởng chính em phải tìm hiểu thêm mới được.

- Chị bảo em phải làm gì bây giờ?

Chị Hoàng trầm ngâm một lúc rồi hỏi tôi:

- Em đã bày tỏ tình cảm của em cho Trân biết đến đâu rồi?

Tôi trả lời thành thực:

- Thú thực lần trước em rất bối rối trong việc này, chỉ sợ nói sớm quá, trong khi Trân chưa hiểu rõ về mình thì việc chắc chắn sẽ hỏng. Chị xem đã có lần nào chúng em được tâm sự lâu với nhau đâu. Còn không nói thì lòng lúc nào cũng thấy hoang mang, trống vắng. Buổi sáng hôm Trân đi Huế, em có tặng Trân một sợi dây chuyền. Có lẽ bây giờ thì với món quà đó, Trân đã biết được lòng em rồi.

Chị Hoàng im lặng không nói gì. Lúc gần vào phố tôi bảo chị, giọng khẩn thiết:

- Em chỉ ngại đường xá xa xôi mà tâm hồn Trân lại cần nhiều an ủi. Những ngày bận học thi ở Saigon, em mong chị sẽ giúp em phần nào trong việc tìm hiểu và nâng đỡ tinh thần Trân, làm cho chúng em gần nhau hơn… công việc thật nặng nề và phiền toái, nhưng em tin tưởng được chị nhận lời.

Nghe xong những lời chân thành của tôi, chị Hoàng bảo:

- Chị thương Linh cũng như Trân vậy. Tình cảm của Trân thế nào chị chưa rõ lắm nên không dám quyết chắc. Nhưng chị hứa sẽ hết lòng với hai em trong việc này. Về Saigon nếu có được tin tức của Trân, em cần cho chị biết ngay. Thư cứ đề tên chị và gửi về trường Couvent. Chị hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp.

Tôi vui sướng cảm ơn chị rối rít. Lòng mơ tưởng đến một ngày tươi sáng, thi đậu và lên đây gặp Trân bằng niềm tin yêu mở lớn.

Buổi chiều, trời quang và mát, tôi một mình xuống Đa Thiện thăm thung lũng tình yêu để thực hiện sự ao ước bấy lâu nay của mình. Thung lũng đẹp thật, cảnh bao la mà thơ mộng. Từ trên đồi cao, tôi say mê ngắm con suối nhỏ nằm vắt mình dưới thung lũng hữu tình và lẩn khuất dưới bóng thông xanh đang xao xác tiếng thầm. Bóng chiều dương trải một màu vàng đằm thắm, phản chiếu trên khắp lá cây rừng khiến cho tôi có cảm tưởng như núi đồi đang nở hoa chào đón. Và xa đằng kia, màu xanh cây cỏ tiếp giáp nền trời, xa xôi mờ ảo như một tương lai đầy quyến rũ.

Xúc cảnh sinh tình, tôi đã làm được một vần thơ ca tụng tình yêu tuyệt diệu, định sẽ gửi cho Trân trong những ngày sắp tới. Trong thơ tôi nói tới một thứ tình yêu đắm đuối, mê say nhưng trong suốt như pha lê, tinh khôi không khác nào sương mai còn lả sợi. Tình yêu đến nhẹ như hơi thở con tim và cũng cấp thiết như nó. Để rồi không ai là không tìm cho mình một nguồn sống mãnh liệt, không ai sống mà không cần tình yêu cả…

Cánh chim nhỏ bay vút về phía trời xa. Tôi ngồi dựa vào gốc thông già, nơi tôi đoán rằng Trân đã chụp bức ảnh đẹp, cho đến khi bóng nắng đã khuất, ngọn núi thấy đã mờ tôi mới trở về thị xã, băng qua những đồi cỏ trụi.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG NĂM
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>