Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

CHƯƠNG VII_TRÊN ĐƯỜNG TÌM NGỌC


CHƯƠNG VII


Không có gì đáng kể mấy ngày kế đó. Mùa đông mà trời vẫn nóng ghê, được cái tối lại, trời mát mẻ. Một đêm kia chúng tìm ra một chỗ ngủ khá tốt ở bìa làng. Nằm trên cái chiếu độc nhất, đắp chung cái chăn đơn duy nhất, chúng ôm nhau, ngủ.

Hốt nhiên, giữa khuya chúng chợt thức tỉnh với cái cảm giác mơ hồ là có ai rình rập chi đây. Lai giữ thế thủ. Im lặng rợn người. Trong bóng đêm dày, một đôi mắt sáng quắc làm nó hốt hoảng, vơ ngay cái nồi ném mạnh về phía đó. Cái nồi kêu "xoảng" lên một tiếng vỡ tan tành và đôi mắt biến mất luôn.

Lai lặng đi một lúc, tự hỏi đó là con sói hay con chó đói? Và rồi nó rùng mình khi nghĩ rằng kể từ nay ban đêm chúng không được bảo vệ do con chó khôn ngoan.

Trưa hôm sau, anh em Lai đến một cổng xe lửa, cổng đóng chặt để chờ một chuyến tàu đến trễ. Một hàng dài xe hơi, xe vận tải, lừa, xe đạp và bộ hành kiên nhẫn chờ trước cổng. Hành khách xúm xít cạnh xe. Trên khoảng đường không bóng cây này, nắng gay gắt tợn.

Vài người bán chim gánh từng chồng lồng chim chen giữa đám đông mời mua. Lũ khỉ nhảy ra làm trò và thỉnh thoảng chủ chúng được thưởng vài trinh. Anh chàng dụ rắn gánh hai giỏ đi qua, anh moi trong giỏ ra hai con rắn nom lờ đờ quấn quanh cổ như cái khăn quàng, song con hổ mang nguy hiểm thì được cột kỹ nắp giỏ. Tàu hỏa có thể lao vút tới bất ngờ anh dám mất toi không được trả đồng nào... Nhưng tàu chưa đến.

Hai anh em Lai ngồi nhai cá khô, chờ đợi. Đói và mệt lử chúng không thiết ngó ngàng đến những trò này, vả chăng chúng đã coi nhiều lần trong những ngày qua. Mai đột ngột nói:

- Anh ơi! Phải chi đừng bán con Cam!

- Im đi! Lai mắng em Mày chỉ được cái...

- Em nói thật mà: nó có thể làm trò như mấy con khỉ kia, thua gì? Mình sẽ có vài rúpi...

- Cam chỉ làm trò khi nào nó thích thôi, đừng nói ngu. Mà mày biết đó: tao đâu muốn bán nó?

- Em thương nó lắm...

- Còn tao ghét hở? Thôi, mày im đi! Tao không muốn nhắc đến nó...

- Anh làm như nó chết rồi không bằng.

- Tao bảo mày im!

- Anh mua cá khô mốc xì...

- Mày mốc thì có!

Giận dỗi, Lai ngồi quay lưng lại phía em. Tàu vẫn chưa đến. Một nhân viên gác cổng xe hỏa mặc đồng phục ka-ki đủng đỉnh bước ra khỏi trạm đi dọc theo hàng xe quan sát từng cái một, rồi ông dừng lại trước hai đứa nhỏ. Ngắm nghía cái túi vải tồi tàn của Mai, ông ta hỏi chúng đi một mình hay với người lớn. Lai đáp chúng chỉ có hai anh em. Nghe xong, gã bỏ đi song chỉ lát sau trở lại nhìn chúng có vẻ khả nghi. Tàu cũng vừa đến. Một chiếc tàu dài gồm nhiều toa như mọi con tàu hỏa khác, chở đầy nhóc người, ngồi la liệt cả lối đi đến nỗi người ta khó mà cử động.

Phải khá lâu sau đoàn tàu mới qua hết. Và tận lúc tàu băng ngang cánh đồng rồi, cổng vẫn chưa được cất lên. Còi xe thúc giục, chuông xe đạp lanh canh, nhiều tiếng la lên tuồng như phản đối sự chậm chạp phi lý của gã gác cổng. Thay vì mở cổng, gã ta lại nhảy qua rào, tay phất lá cờ đỏ:

- Quý vị giữ yên lặng! (Chờ cho mọi người im gã mới nói tiếp) có quân bất lương trà trộn giữa các người...

Một tài xế thò đầu ra cửa xe, hét dựng lên:

- Mở cổng. Bộ định bắt tụi tôi chờ suốt buổi vì thằng trộm nào đó ư? Đừng giỡn chớ! Đừng chọc tức thằng này à!

- Tôi bảo im lặng! tay vẫn phân phất lá cờ, gã gác cổng nói Người mất của hứa cho 100 rúpi thưởng người bắt được tên trộm. Tôi quyết lãnh số tiền này! Và tôi được lệnh cảnh sát cho phép lục soát bất cứ ai...

Mọi người hết kiên nhẫn và gã ta biết thế nên tiếp luôn:

- Tôi cho tất cả xe qua đây! Nhưng tôi chỉ cho xe qua thôi. Những người đi bộ phải đứng lại chờ tôi lục xét đã. Có kẻ trộm lẫn lộn trong các người.

Cổng mở ra, lần lượt các xe lớn nhỏ, và lừa đi qua, xe chạy mau bỏ lại một loạt bụi mịt mù, cả hai chiều xe đều lao vút tới. Đứng dạng chân ra giữa đường, gã cao giọng ra lệnh trong khi đám hành khất lo sợ:

- Lại đây, nào! Tất cả người lớn được đi qua!

Bọn hành khất chen chúc nhau, vừa chạy vừa đi, có người khập khiễng, qua cổng hẹp. Họ hồi hộp quá: gã nhân viên nhà nước dám đổi ý giữ họ lại lắm à! Kế đến là những đứa con nít đi theo người lớn. Sau cùng anh em Mai bị chặn lại, gã nhìn Mai với hai mắt cú vọ, giọng thích thú:

- Quần lam áo đỏ, mắt xanh! Đúng mày rồi! (và quay sang Lai, giọng đắc ý) còn mày thì đúng là thằng anh, dù mày không mặc sơ mi, đừng hòng qua mắt ông!

Lai tối tăm mặt mũi như vừa bị giáng cú mạnh vào đầu! Gã nắm tay hai đứa lôi tuồn tuột vào một căn chòi đất màu xám, mái lá. Bên trong là một phòng rộng, trống trơn với cái đồng hồ treo trên tường. Dưới đất, một phụ nữ đang bới cơm vào chén. Gã đẩy Mai tới trước mặt người đàn bà bảo:

- Lục kỹ trong mình con bé này, coi! Nó ăn cắp cái nhẫn kim cương của vợ một địa chủ làng Cát Hoa đấy!

Lai khựng lại. Thì ra đó là lý do khiến cảnh sát truy nã chúng nhiều ngày. Bà ấy mất nhẫn quý! Lai nhớ là mình có trông thấy cái sa-ri đỏ và vài món nữ trang trên cái ghế nhỏ, trong gian phòng, song vì mải chú ý đến cái hộp có phát ra tiếng nói nên không nhìn kỹ mấy vật này. Lai uất nghẹn. Nó la lên:

- Chúng tôi không ăn trộm. Ông cứ xét đi!

- Ậy! Ta sắp làm điều đó đây! Khôn thần hồn thì khai ra, mau. Thiệt đúng quá mà: mắt xanh, áo đỏ, quần lam...

- Ông nói đúng, nhưng đâu phải mắt xanh là kẻ gian? Anh em tôi con nhà lương thiện.

- Thôi đủ rồi! Đừng có lắm miệng.

Lai biết nói thêm vô ích, đành im lặng nhìn em bị soát: người đàn bà lột quần áo con bé, giũ cẩn thận từng cái, tháo tung mớ tóc được thắt bím ra nắn kỹ khắp cùng. Mai oà khóc thảm thiết. Vật duy nhất mụ tìm ra là cái túi vải đựng sỏi và mảnh sành. Bà ta xẵng giọng:

- Không có cóc gì hết, coi đi!

Bà quẳng cho chồng cái túi, gã đổ dốc ra đất và thất vọng sau khi xem xét kỹ:

- Toàn đồ bậy bạ! Thôi, coi chừng chúng đó, tôi ra đón tàu hàng đã, rồi hay.

- Bận áo, vô, mày! Còn thằng kia nhặt ba cái quỉ vô túi đi. Đừng có làm bộ.

Lai mở miệng túi và nhanh nhẩu nhặt sỏi với mảnh sành cho vào. Vừa làm nó vừa nghĩ đến món tiền 6 rúpi của mình: nếu lão thấy lão dám ngờ là mình bán nhẫn lắm. Thế là nhanh như cắt, nó moi thắt lưng lấy chỗ tiền cho luôn vào túi. Bà vợ gã gác cổng không thấy gì cả. Rồi nó đưa cho em gái:

- Đây, cất đi!

Mai ngoan ngoãn cầm cái túi, dù có hơi ngạc nhiên vì cái túi có vẻ nặng hơn lúc nãy nhưng nó biết ý anh, không hỏi han chi cả, e thêm lôi thôi ra.

Chuyến tàu hàng vừa chạy qua sầm sập, rung chuyển cả căn chòi đất.

Lần này thò đầu vào chòi gã đàn ông giục Lai cởi áo quần ra rồi thân hành khám xét. Bàn tay thô bạo của lão sờ soạng từ nếp gấp, đường may, đoạn gã còn tháo chiếu ra khám nữa... Gã không thấy gì ngoài khúc dây cột con Cam và lóng mía ăn dở. Gã gằn giọng

- Hay là mày cất cái nhẫn quí trong miệng? Há ra tao coi!

Lai uất hết sức mà vẫn phải tuân lời gã. Gã thọc cả mấy ngón tay bẩn thỉu vào ngoáy trong miệng thằng bé... Lần này gã lại hỏi:

- Hay là mày nuốt rồi?

- Tôi không nuốt, có lấy đâu mà nuốt?

- Câm! Tao biểu câm!

Gã tức lồng lên. Hừ! 100 rúpi chớ ít ỏi chi? Dễ dàng nhỉ? Gã gầm lên:

- Được! Rồi sẽ tính! Nhưng cứ theo lời mô tả thì đúng là tụi bay, đứa 13, đứa 7 tuổi lang thang trên quốc lộ như hai đứa ăn mày, mắt xanh, áo đỏ... Tao sẽ giam hai đứa bay nếu từ giờ đến sáng mà bay không trả cái nhẫn. Rồi biết tao! Tao sẽ tống khứ bay về A-la-ba-ha.

Lai lặng lẽ thu dọn quần áo, nó tuyệt vọng rồi: họ sẽ giải anh em nó về chỗ cũ? Trời ơi! Nó đã cực khổ biết ngần nào mới đến được nơi này.

Trời tối sập khi gã này dắt hai đứa vào chuồng bò. Con vật bị cột giữa chuồng và cạnh nó, con lừa nhỏ thì đang nhá rơm đặt trên cửa tò vò mà nó thò mõm kéo xuống. Đẩy hai đứa vào đó, gã gài chốt cửa cẩn thận, rồi quay ra. Còn lại hai anh em, chúng ngồi phệch xuống đất, dáng tức tối. Mai đập nắm tay xuống nền đất:

- Em mà gặp mụ Ất-Vi hả, em sẽ giật tóc mụ cho coi, em giật cho tới chừng mụ hét lên. Em mà thèm đụng đến cái nhẫn sao? Đồ phù thủy bất nhân! (Chợt nhớ lại, nó thấp giọng hỏi anh) Này, anh bỏ tiền vô túi đồ chơi của em hở? Em thấy nó nặng ghê vậy à? Anh khôn ghê, anh Lai hả?

Lai nằm soài xuống, nó cảm thấy mệt mỏi cùng độ, tuy nhiên nó cũng trả lời:

- Thì khôn chớ sao. Tao là anh mày mà! Nhưng (giọng nó buồn bã) cũng vô ích thôi: rồi cảnh sát ở A-la-ba-ha sẽ lấy hết của mình cho coi. Mai ơi! Mọi người cùng ăn cắp... Mọi người, trừ chúng ta.

Mai vẫn đắc ý:

- Anh khôn lắm, khôn hơn bà nội à, nếu anh mà dở dở thì lão gác đã lấy tiền hết rồi.

Sự khâm phục của em làm Lai cảm thấy vui, mắt quen dần với bóng tối và đã nhìn rõ con bò bình thản nhai rơm, cảnh tượng đó làm Lai dịu lại. Và rồi, chúng ngủ mà không ngờ nổi buồn quá! Làm sao ngủ nổi? Chúng tưởng thế, rồi ngủ say luôn!

Nửa đêm, chuyến tàu tốc hành chạy qua sầm sầm đánh thức chúng, chúng nghe cả tiếng cổng đóng vào và tiếng cầu nhầu giận dữ của người đàn bà, chắc bà ta gác ban đêm. Trong bóng tối, nước mắt nóng lăn dài trên má Lai. Chúng thất bại chỉ vì một vật bé nhỏ, vô tri, vô ích. Mà nào chúng ăn cắp cho cam? Lai biết rằng mình không còn can đảm để làm lại cuộc hành trình lần nữa. Mai sẽ cam phận mù lòa và anh em nó sẽ dốt nát cho tới chết! Lai tưởng em đã ngủ nên không cầm giữ nữa, khóc to lên. Mai hỏi:

- Anh khóc đó hở?

Lai chối biến:

- Đâu có, mũi anh dính đầy bụi rơm...

- Em thù mụ Ất-Vi quá, anh Lai ơi!

- Thù mụ ấy cũng vậy thôi, lợi gì đâu?

Rạng đông. Một ánh hồng xuyên qua cửa tò vò rọi vào mái chuồng. Lai tỉnh dậy thấy em ngồi nhìn lên nóc:

- Anh ơi, anh có thấy cái lỗ kia không? Anh liệu mình chui lọt qua không?

- Dạo này anh em mình ăn thiếu, ốm nhom, coi chừng được à.

Lai đứng lên xem xét một lúc:

- Cao lắm mà lỗ lại nhỏ lắm, không được đâu.

- Anh cứ đứng trên lưng con lừa đỡ em lên coi. Hễ em cố chui qua được em sẽ mở cửa cho anh ra. Cái chốt cũng giống chốt nhà mình...

- À, thử coi, cũng chẳng hại gì. Phải đó, Mai!

Lai vuốt ve con lừa, thì thầm với nó y như với con Xích-mi nhà mình. Con vật coi như không vừa ý mấy, nhưng mặc kệ Lai cứ leo lên lưng nó và từ từ đứng lên, đoạn kéo em theo. Con lừa cứng cổ này không thèm nhúc nhích từ đầu nó đã quyết không thèm nhúc nhích rồi Thật ra đôi khi cứng cổ cũng có lợi đấy!

- Vịn em cho kỹ, em xoay nghiêng chui lọt thì may lắm...

Lai nắm chặt cặp chân ốm tong như hai cái que của em, lòng tràn lo sợ: nếu nó kẹt cứng trên đó không chui lọt ra mà cũng không rút vào được cho tới khi gã gác cổng thò mặt vô chuồng thì sẽ ra sao? Trong lúc thằng anh toát mồ hôi vì lo sợ thì con em y như con ốc sên chui ra khỏi vỏ một nửa thân mình, cái chuồng trở thành tối om om vì thân hình Mai chặn ngang cái lỗ trống trên mái. Trong chuồng yên lặng đến nỗi nghe cả tiếng thở đều đặn của con vật đang ngủ. Mai kêu lên nho nhỏ:

- Nắm chặt em!

Lai thở hổn hển đáp lại:

- Được, tao giữ chặt mà!

Lần này nó lo thêm: rủi em nó ngã từ trên cao xuống thì không chết cũng đến gãy xương sườn! Đột nhiên Lai thấy mái chuồng sáng ra và cùng lúc Mai bảo anh:

- Thôi, thả em ra!

Tuy em bảo vậy, nỗi lo lắng làm cho Lai đờ người không cử động nổi. Mai lại giục:

- Kìa, thả em ra! Mau không có người tới kìa!

Lai vừa buông tay thì con lừa giở chứng đá hậu một cái làm Lai ngã lăn xuống đất. Một chốc sau, có tiếng lách cách ở chỗ cửa song. Mai loay hoay mãi vẫn không mở được. Lai chạy tới, bên ngoài em nó đang cầu nhầu. Lai biết rằng chậm một giây, nguy thêm một chút nên lùi lại kéo mạnh cánh cửa về phía trong, cái chốt bật ra làm Lai ngã sóng soài lần nữa...

Chỉ một phút sau, hai anh em nó đã được tự do. Chúng nức lên cười vì sung sướng quá. Rồi Lai chạy ù vào chuồng vơ hết đồ đạc của mình không sót thứ nào. Một con bò chợt thức giấc, rống lên như chào từ biệt. Không có thì giờ để tỏ cảm tình như đối với bầy gia súc nhà mình, hai đứa khom mình xuống men theo tường băng qua đường sắt. Ở trụ đèn, ngọn đèn xanh vẫn còn nhấp nháy.

Chúng chạy như thể bị ma đuổi trên đường đến A-rát trong lúc trời sáng dần. Mồ hôi tuôn như tắm, lâu lâu chúng lại quay ra sau, coi thử có ai đuổi theo không. Khi mặt trời đã xua tan hết bóng đêm, chúng chui vào trốn trong bụi tre, cách đường lớn một thôi, đọc kinh sáng và coi có động tĩnh chi không?

Từ xa, lão gác đạp xe lao vút tới, tay lão ấn chuông kêu lên reng reng một cách giục giã làm những người đi đường phải giạt cả sang hai bên tránh lối.

- Ta không thể đi xa trong ngày nay. Tìm không thấy mình, lão sẽ trở lại...

- Ủa, vậy thì anh muốn sao đây? Nấp đây cả ngày sao?

- Không được, coi chừng lại gặp rắn... Nhưng hiện giờ thì cứ phải ngồi yên.

Nắng cao dần, xuyên qua các cành lá nhảy nhót trên đầu hai đứa. Lai thở dài:

- Cha sẽ ra sao khi biết cảnh binh lùng bắt mình? Mụ phù thủy bất nhân!

- Mụ ác lắm, chồng mụ cũng vậy à! Bà nội nói với em là lão cướp hết đất ruộng của dân làng nếu không trả nợ nổi đó, anh ơi!

Gã gác cổng quay lại, mặt mày thiểu não không thua chi chúng. Mai cười bảo anh:

- Cha! Em tiếc không nhìn được rõ cái mặt lão ra sao khi vô chuồng thấy mất tụi mình!

- Giờ đi được đó, Mai!

Mai sóng bước bên anh, nó hát líu lo như con chim non vô tư lự. Chà! làm sao không vui: chính nó có sáng kiến mà. Lai vẫn đăm chiêu, nhìn con đường trải qua dài như vô tận, không một bóng cây trước mặt, bâng khuâng nghĩ: "Nếu con đường độc đạo đó thay vì đưa anh em nó đến bệnh viện lại dắt vào nhà tù thì sao đây?" Hay tệ hại hơn: họ đợi chúng đến A-rát rồi mới tóm cổ?

Hiện chúng còn đủ tiền mua vé trở về nhà, chần chờ làm chi nữa chớ?

Lai suy nghĩ hoài mà không tìm ra lối thoát, chán nản đến nỗi vấp ngã sấp xuống mặt đường. Qua lớp sơ mi, da nó rát bỏng. Trong khi ngồi ăn dưới bụi tre, Lai cảm thấy mùi hôi hám, do những ngón tay gã gác cổng thấm vào vị giác, hừ: gã coi bọn Lai như bọn trộm cắp bất lương! Lai nghẹn thở vì uất ức.

Một con tàu uốn mình xuyên qua cánh đồng xa tận chân trời. Hay là nên trở về? Trở về để... Mai ngưng hát, hỏi anh:

- Anh ơi! Anh có thấy lão toát mồ hôi không?

Đối với con bé thì mọi lo ngại đã được xua tan khi ra khỏi chuồng bò, song anh nó không nghĩ thế:

- Thôi đừng hí hửng nữa. Ta phải trở về ngay!

- Đừng giỡn chớ! Bộ anh muốn lọt vào tay lão lần nữa hay sao?

Mai tròn xoe mắt, cãi.

- Không, mình đi tàu hỏa mà!

- Đi tàu lửa trở về? Tiêu hết tiền, mắt em thì không chữa được, con Cam cũng mất tiêu.

- Đồ ngốc, mày có im đi không? Trở về bằng tàu lửa, hay chờ cho họ tóm cổ họ lấy hết tiền đi, cái nào hơn? Mày ưng đi ăn mày hẳn? Mạng sống quí hay đôi mắt quí, tao hỏi mày đó?

- Thôi, tùy ý anh.

Mai đáp xuôi xị. Làm sao nó dám nuôi hy vọng khi mà anh nó tuyệt vọng rồi?

Nó lại gần anh, vụng về vuốt ve cánh tay anh:

- Mình phải đi tàu lửa, anh Lai hả?

- Phải, mình đến trạm gần nhất.

Lai cau có nói, tay xách bọc hành lý tong tả đi trước. Lai hỏi thăm một đứa chăn dê để tìm đến nhà ga gần nhất. Nó được biết chúng sẽ đến ga vào lúc mặt trời lặn. Thế là anh trước em sau, chúng lầm lũi bước mau đến nhà ga.

Thấy hàng cây phía trước bên kia đường, hai đứa băng qua ngay để được hưởng bóng mát. Giữa lúc chúng nhìn sau trước coi chừng xe thì một cái bóng xám lao đến, chồm lên mình Lai cùng với tiếng rít lên mừng rỡ: con Cam xuất hiện! Nó liếm mặt, liếm tay Lai, kêu lên ăng ẳng như muốn kể lể nỗi nhớ nhung: nó muốn nói rằng suốt thời gian ở trong lâu đài nó không thèm ăn, không thèm nhảy múa, không chịu làm trò. Nó chỉ giật, giật mãi cho kỳ đứt xích và chạy đi tìm tiểu chủ. Nó gầy hơn, bẩn thỉu hơn và cũng sung sướng hơn bao giờ cả. Mai vừa mừng vừa tủi, vuốt ve con vật, cảm động nói:

- Cam ơi! Anh em tao cũng nhớ mày biết chừng nào!

- Ý chà! Trông mày không khác chi hồi còn ở với kẻ nghèo. Sao mày có thể bỏ rơi ông Hoàng tử tế như thế được, hả Cam?

Lai nói, bồi hồi xúc động nhìn con vật thân yêu bằng đôi mắt hãnh diện như nhìn con voi sang trọng của ông Hoàng. Thế là chúng đổi hướng, lại đi lên. Qua khỏi ga, chúng mua 3 cái bánh tráng to để ăn mừng cuộc hạnh ngộ đáng kể này. Chúng tìm đến một góc yên tĩnh, xanh và mát rượi dưới tàng cây, cạnh ao nước có nhiều trâu đang đầm mình. Mặt trời xuyên qua kẽ lá nhảy nhót theo làn gió nhẹ rọi xuống mấy viên đá do Mai sắp thành hình dưới đất.

Dĩ nhiên, chúng có thể lại bị tóm và đoạn đường đến A-rát không ngắn hơn, song hiện thì chúng hy vọng tràn trề, phần lớn là do Cam đem lại và cũng do khung cảnh tĩnh mịch êm ả nơi này. Chúng không còn biết sợ và chán nản nữa. Con Cam khôn ngoan quả đã đến đúng lúc để tiếp sức cho anh em chúng.

Một làn gió nhẹ mơn man hai đứa trẻ, chúng cho là Nữ thần Từ bi đã gửi gió đến ve vuốt chúng. Gác đầu lên chân nhưng không ngủ, đôi tai vểnh cao, Cam lắng nghe từng tiếng động nhỏ, canh chừng động tĩnh cho hai tiểu chủ. Và hai đứa vững lòng vì có con vật trung thành làm hộ vệ, ngủ rất ngon lành.

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VIII

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>