Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Thuở Còn Ở Tiểu Học




Một kỷ niệm xa xưa bé nhỏ nhưng nó không thể mờ đi trong tâm trí tôi được. Thứ kỷ niệm của ngày tôi còn học ở bậc tiểu học, tôi cứ tưởng mới ngày hôm qua đây mà. Nhưng không, nó đã cách xa tôi lâu lắm rồi, bảy năm rồi đâu có ít.

Năm ấy tôi lên tám tuổi, học lớp ba ở ngôi trường đầu làng. Tuy học lớp ba, nhưng tôi còn kém thua những đứa bé học lớp năm nữa kia. Đã sút kém như thế, tôi còn mắc phải cái bệnh lười nữa. Mẹ tôi thường cho tôi ăn đòn mỗi khi tôi trốn học và bà còn dẫn đến cô giáo nhờ cô giáo phạt tôi nữa. Còn ba tôi thì trái hẳn với mẹ tôi, ông không rầy, không đánh tôi, ông chỉ bảo:

- Con trai không lo học gì thì ngày sau khổ cực đấy!

Và ông quyết định đuổi tôi ra khỏi nhà nếu tôi không đến trường thường xuyên. Sự quyết định đó như có một sức lực mạnh mẽ và thúc đẩy tôi, nó làm tôi lo sợ nên tôi đành phải đến trường chuyên cần hơn. Rồi cũng từ ngày ấy, mỗi chiều thứ bảy ba tôi kiểm soát tất cả sách vở của tôi. Nếu như thiếu một bài là tôi phải quỳ đối diện với cái tủ kính của mẹ tôi, vì ba tôi bảo:

- Quỳ ở đấy cho nó thấy rõ cái mặt của nó, cái mặt đẹp đẽ sáng sủa thế mà lười biếng, không biết xấu hổ.

Luật lệ đó được áp dụng một thời gian ngắn rồi bỏ, vì tôi đã siêng năng, không kể mưa gió cứ ôm cặp đến trường. Ba tôi thì hớn hở ra mặt, nhưng ông lại phải than van khi mỗi chiều thứ bảy xem vở của tôi. Chiếc kính trệ xuống sống mũi, miệng ông há hốc ra:

- Trời ơi! Viết chính tả gì mà đến mười mấy lỗi thế này?

Tôi đứng cạnh ông không nói năng gì, lo sợ ông bắt quỳ thì "dị" chết. Con bé Trang, ở nhà bên cạnh, nó hay dòm sang lắm cơ. Thời gian như ngừng lại, nhưng rất may là ba tôi lấy quyển vở khác. Tôi lại hết hồn, vì ba tôi lôi quyển toán ra, mới khi chiều bị con zéro to tướng. Không hiểu sao tôi lại dốt đến thế, học lớp ba mà tính cộng còn sai.

- 9 với 8 là mấy hở Lộc? Mày thua cả thằng Tân nữa đó, nó học lớp năm chứ nó dạy mày được đa.

Tiếng ba tôi lôi tôi về thực tại, tôi lặng yên khi mẹ tôi trách mắng:

- Thằng gì mà ngu hết sức. Con Trang bên đó, tao thấy tháng nào nó cũng mang bảng danh dự không thì bằng khen thưởng về hết... chứ còn mày, tháng nào cũng đội sổ. Thật tao chán quá Lộc ạ.

Tôi cúi đầu yên lặng. Ba tôi lấy quyển tập làm văn ra. Tôi mừng mừng vì quyển này không có gì để sợ cả. Ba tôi đọc to lên cho cả nhà nghe:

- Con gà trống nhà em có hai cánh thật là to, hai chân thật là dài, cái mồng màu đỏ, cái mỏ dài ra và nhọn như cái ngòi bút... Em thương gà nhà em lắm vì nó cho trứng và thịt rất ngon.

Mẹ tôi bật cười thật to:

- Gà trống của mày cho mày trứng to bằng cái hũ không? Sao không nói nó hay đánh bi với bạn nó nữa?

Tôi không nói gì, ba tôi giảng giải:

- Lộc à, con tả con gà cũng hay đấy! Nhưng có điểm này không đúng: Gà trống làm sao cho trứng được, chỉ có gà mái, gà mái thôi. Con nghe rõ không?

Tôi dạ nhỏ và khẽ gật đầu. Ba tôi nói tiếp:

- Trước khi nói cái gì hay làm việc gì con phải nghĩ xem nó có đúng không đã. Còn việc học hành con thua kém bạn và cả em con nữa thì ba không trách con, vì sức con chỉ có thế. Nhưng con hãy cố gắng thử xem, chứ đừng để Tân nó chê mình. Con cũng lớn rồi, phải làm cho em nó nể và sợ con chứ!

Phải rồi, ba tôi nói đúng, tôi phải hơn con Trang, hơn em Tân. Bây giờ tôi mới nhận thấy còn gì xấu hổ khi học thua em mình! Tôi nhất định học chăm, học giỏi để không ai cười tôi nữa. Nhưng ý nghĩ đó tan ngay, khi tôi dự chơi những cuộc đánh bi, cuộc đá bóng ngoài sân cỏ... với thằng Tuyên, thằng Bảo. Ý nghĩ ấy chết hẳn trong óc tôi khi sáng sớm hôm sau, mẹ tôi gọi tôi dậy để học lại bài. Tôi cố nằm lì trên giường, nhưng tiếng ba tôi nói ở đâu vang lên: "... con cũng lớn rồi, phải làm cho em nó nể và sợ con chứ!". Thế là tôi vùng dậy ngay và buổi học hôm ấy tôi được con số mười to tướng nằm gọn trong quyển vở.

Nhờ câu nói của ba tôi, mà tôi biết rằng tôi phải hơn em Tân (điều đó phải là hiển nhiên), hơn con Trang, để em tôi gọi tôi bằng anh mà tôi không xấu hổ, để con Trang làm thân với tôi chứ không xa lánh hay nhăn mặt khi gặp tôi. Sau một tháng học, tôi đã tiến bộ hẳn. Cô giáo tôi khen mãi:

- Lộc, tháng này em tiến bộ lắm!

Tôi phồng mũi to lên, khi cô giáo khen tôi trước tụi bạn, nhưng có con Trang là tôi lại đỏ mặt, làm bộ tự nhiên. Tôi cũng chả hiểu tại sao vậy nữa. Rồi, tôi cũng chú ý mấy hôm nay con Trang giả vờ hay qua nhà tôi mượn cái này, cái kia và nhất là nó hay hỏi chuyện với tôi. Không vì thế mà tôi lên mặt nó đâu, tôi vẫn mong được làm thân với Trang lắm mà.

Tôi nhớ mãi hôm phát Thông tín bạ và bảng danh dự. Cô giáo gọi từng đứa lên bảng.

- Trần Diễm Tiên, đứng nhất.

Con Tiên bước lên (nó vẫn giữ hạng nhất mãi). Qua vài câu khen ngợi, cô giáo gọi tiếp:

- Nguyễn Minh Lộc, đứng nhì.

Tôi giật mình và ngạc nhiên vô cùng, tôi không hiểu sao tôi lại tiến bộ thế. Tôi bước lên nhận lãnh trong khi cô giáo luôn mồm khen:

- Lộc đã cố gắng vượt từ hạng thấp nhất lên đến hạng nhì, đó là một cố gắng ít ai đạt được. Cô có lời khen và mong em mãi mãi như thế nhé!

Tôi cúi đầu thật thấp, miệng lắp bắp không được tiếng nào, run run cầm cái bảng danh dự màu vàng giữa tiếng vỗ tay ròn rã của tụi bạn. Tôi bước nhanh về chỗ, liếc thấy con Trang với gương mặt ngạc nhiên và lo âu. Tôi than thầm: tội nghiệp con bé ấy quá.

Giọng cô giáo vẫn bình thường:

- Lê thị Ngọc Trang, đứng ba.

Trang đang buồn bã, chợt nghe tên mình vội tiến lên bục gỗ. Hai chùm tóc được thắt lại bằng hai cái nơ màu hồng nhún nhảy theo nhịp đi. Khi bước xuống, tôi nhận thấy Trang liếc nhanh về phía tôi và mỉm cười. Bỗng dưng trong lòng tôi cảm thấy vui vui làm sao ấy.

Thế rồi giờ học cũng chấm dứt, tôi về cùng đường với Trang. Trang hỏi chuyện:

- Tháng này Lộc tiến bộ ghê, sao mấy tháng trước Lộc đứng chót mãi thế?

- Ờ... tại... ngày trước Lộc... không thích đứng cao.

- Thế à! Bây giờ Lộc thích rồi phải không?

Tôi gật đầu, tôi biết mình vừa nói dối. Tại sao tôi không nói thật, tôi không nói là ngày trước tôi ngu, dốt? Tại sao tôi lại nói câu ấy nhỉ? À! Tại tôi muốn ai cũng nể phục tôi hết mà...

- Chắc về nhà Lộc được thưởng nhiều quà?

Tôi gật đầu. Chúng tôi chia nhau gói kẹo, vừa đi vừa nhai. Bây giờ tôi mới chú ý đến cảnh vật: Hai bên đường lá me rụng đầy, từng khóm trúc rì rào trong gió, vài chú chim sâu lượn từ cành này sang cành khác... tất cả những gì chung quanh tôi, đối với tôi bây giờ rất đẹp. Tôi hỏi Trang:

- Thế đứa nào đứng tư vậy?

- À! Con Hoàng Mi ấy mà, đứng năm thì "ông" Phúc, đứa nào cũng buồn ghê ấy.

- Chắc nó sụt hạng rồi nó buồn chứ gì?

Trang mỉm cười lườm tôi. Tôi biết thế nào ba tôi cũng thưởng mà, ba tôi sẽ hài lòng vì không uổng công khuyên bảo tôi. Còn mẹ tôi, bà sẽ không bao giờ mắng tôi: "mày ngu lắm, mày thua con Trang", bà sẽ ôm tôi vào lòng... Tưởng tượng đến đấy, tôi muốn chạy nhanh về nhà.

- Đi gì nhanh vậy?

Tiếng Trang làm tôi dừng lại và biết là tôi đang về cùng với cô bạn. Đến khi gần vào nhà, Trang nói nhỏ:

- Mai sang rủ Trang đi với nha, nếu có quà phải chia đấy!

Tôi gật đầu:

- Trang cũng thế!

Rồi từ đó, chúng tôi chơi thân với nhau. Mãi đến năm cuối lớp nhất Trang theo gia đình lên Đà Lạt, còn tôi vẫn ở lại tỉnh lỵ nầy. Tuy đã bảy năm rồi nhưng tôi vẫn không quên cô bạn bé nhỏ của ngày thơ ấu và thuở còn bé của tôi.


VIỄN LỘC      


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 123, ra ngày 15-2-1970)

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Những Mũi Tên Trưởng Thành




Tất cả nến trong phòng đều sáng. Ngay đến những mẩu nến nằm trong góc kẹt, bụi bám đầy, cũng lăn ra giữa phòng cười thật tươi với ngọn lửa hồng mịn màng.

Họ nhà nến thì thầm với nhau:

- Chúng ta sẽ rực rỡ, vui chơi cho đến giọt sáp cuối cùng.

Anh Đèn Ống, vật máy móc và có vẻ ích kỷ nhất, cố gắng góp một chút ánh sáng trắng mờ. Nhưng anh ta chỉ tạo nổi vệt sáng màu ngà trên trần.

Cụ Sách bảo:

- Như thế lại hay, căn phòng hôm nay chỉ cần một thứ ánh sáng ấm cúng và một bầu không khí trang trọng.

Hàng ngàn sợi dây nhỏ, kết bằng giấy bóng đủ mầu, chăng kín tường và rủ xuống, lung linh tha thướt như mưa nhẹ trong một bầu trời còn gió, còn sót nhiều tia nắng bâng khuâng vàng.

Giấy màu vây quanh từng ngọn nến xoay tròn, đùa nghịch một cách kỷ luật như đoàn Hướng đạo sinh xoay quanh lửa trại. Chúng in màu trên tường pha trộn vào nhau, biến đổi vô cùng tựa lòng kính vạn hoa.

Chú quay Sừng nôn nao vì sắc màu, chú không thể nằm yên. Chú xoay tít chạy quanh nhà, chân đinh của chú sáng loáng. Thân Sừng óng ánh. Bông Hoa phê bình:

- Chú giống hệt một viên kim cương khổng lồ.

Chú va vào chân ghế, dội ra, chú chạm nhẹ vào chân bàn, giả vờ lảo đảo. Chú chạy vụt vào gầm tủ, rồi vòng ra, đuổi theo chị Bóng bay.

Bác Đinh già nhận xét:

- Lúc này Quay Sừng đang đóng vai một viên kim cương say rượu.

Chị Rèm cửa mỏng manh thướt tha giăng mình đầy khung cửa sổ và cất lời cáo lỗi:

- Xin bác Gió đừng giận, xin ánh trăng đừng buồn nhé! Bữa nay chúng tôi tổ chức lễ, trong phạm vi thân mật. Mong quí vị trở lại đêm mai.

Rèm cửa biết dư rằng Nến không ưa Trăng. Họ nhà nến vẫn chê ánh trăng nhạt mờ, ngoài tính cách trang trí không còn dùng được vào việc gì. Bác Gió thì làm hại sức khoẻ nến. Tốt hơn hết Rèm cửa chặn họ lại ở ngoài khung cửa sổ.

Tuy nhiên thỉnh thoảng có chút gió tò mò, đẩy nhẹ chị Rèm, lọt vào phòng. Họ hàng nhà nến xôn xao, hàng ngàn sợi dây màu uốn mình, bốn phía tường như có hàng ngàn bông hoa muôn sắc lướt qua.

Cụ Sách trầm tư xét lại những dòng chữ trong lòng mình, cụ muốn tìm những câu chúc tụng văn hoa bay bướm nhất.

Chiếc xe hoả móp đầu, năm chiếc xe hơi nhựa nối đuôi nhau chạy khắp phòng. Chú con Quay vui đùa hỏi:

- Các bạn đi đâu cho tôi quá giang với?

Đoàn xe đáp:

- Rất tiếc chúng tôi thuộc loại xe chuyên chở nhẹ. Xe chở đầy ắp niềm vui rồi. Chú con Quay cảm phiền nhé.

Anh Chổi lông gà, suốt đêm trước lo quét bụi cho mọi vật trong phòng bây giờ mệt còn ngủ say. Nhưng anh đã cẩn thận căn dặn Giỏ rác:

- Nhớ đánh thức tôi vào lúc nửa đêm nghe.

Giỏ rác cố thu mình vào góc phòng với những vật đã bị loại ra khỏi cuộc đời.

Chị Tranh vô cùng kiêu hãnh. Trong ánh sáng muôn màu chị được mặc cái áo mới chắc chưa từng có trên thế gian. Khung cảnh cánh đồng nơi chị màu xanh nhạt đổi qua màu tím sậm rồi màu vàng, màu hồng, màu ngọc thạch….Đôi lúc những màu ấy chen lấn xô đẩy nhau. Chị Tranh tưởng rằng mình vừa được ban chiếc áo thần của một bà tiên tính tình bất nhất, chỉ thích đổi thay.

Cây đàn nằm trên góc tủ so lại dây. Chàng sẽ dành cho đêm nay một tấu khúc tuyệt diệu, một tấu khúc vui tươi, hân hoan không thua gì những nụ cười của họ hàng nhà nến.

Suốt từ tối tới giờ ông Bàn, vật khó tính nhất trong phòng, không càu nhàu một tiếng. Chỉ thỉnh thoảng ông nhắc khẽ bình hoa:

- Này! nhớ giữ cho bông hồng thật tươi đấy. Đêm nay là đêm trọng đại.

Chỉ có bé Đinh ốc chẳng hiểu gì, đang thắc mắc. Bác Đinh già phải giải thích:

- Đêm nay mọi vật tổ chức mừng thọ ông Cung tên.

Biết bao thế hệ lịch, những vật có đời sống kéo dài đúng một năm trời đã qua đi, ông Cung tên vẫn vững bền khoẻ mạnh. Thân thể ông thuộc loại gỗ quí. Da ông đen bóng như sừng, thời gian không tạo một nổi vết nứt. Ông nói:

- Ngay lúc này ném tôi ra giữa trận tiền, tôi vẫn có thể chiến đấu mạnh mẽ như một trăm năm trước.

Mọi vật mừng thọ ông, mừng vị anh hùng đã chống cự bền bỉ với kẻ thù nguy hiểm, lạnh lùng nhất: thời gian.

Khi bác Đồng hồ điểm lên mười hai tiếng đều đặn trong veo, cụ Sách đại diện cả phòng cất lời chúc tụng.

Anh Chổi lông gà được đánh thức giật mình, tung cả bụi lên, nhưng những hạt bụi cũng óng ánh muôn màu.

Ông Bàn tiếp lời cụ Sách:

- Đáng lẽ tôi phải giữ mặt thật sạch sẽ để mừng thọ ông Cung tên. Nhưng ông biết đấy, lũ ranh con ở nhờ trên mặt tôi không bao giờ giữ vệ sinh chung. Vác bộ mặt nhem nhuốc này ra mừng ông, thật tôi xấu hổ quá. Tôi có bông hồng nhỏ còn tươi, xin tặng ông. Mong ông không từ chối món quà tầm thường của lão già thô lỗ này.

Nhà quí phái Cung tên vô cùng cảm kích.

Ông hiểu rằng quà tặng ông không phải riêng có lời chúc tụng của cụ Sách, bông hồng tươi của ông Bàn. Tất cả những sắc màu rực rỡ, hân hoan của mọi vật trong phòng đều dành riêng cho ông. Ông Bàn khỏi cần bày đặt tặng hoa. Một ngày không càu nhàu, lại chịu khó giữ khuôn mặt thật sạch sẽ của ông cũng là một món quà vô giá, khiến ông Cung tên có thể kiêu hãnh.

Ông Cung tên cám ơn mọi vật, ông ngập ngừng nói rằng không biết kể sao cho hết lòng mến thương tất cả. Ông đã sống quá lâu, đã thấy hàng trăm thế hệ lịch từ tường rơi xuống, nhưng ông không mệt mỏi, ông còn muốn sống lâu nữa vì mọi vật cũng thương mến ông….

Tất cả những ngọn nến trong phòng rực sáng thêm. Anh Đèn ống reo lách tách. Chiếc xe lửa và mấy cái xe hơi nhựa, đoàn xe chuyên chở niềm vui, tăng tốc độ. Chú quay Sừng vướng chân vào sợi chỉ buộc chị Bóng bay. Chú ngã chúi vào góc nhà. Nhưng chú vùng dậy ngay, đuổi theo mấy chiếc xe hơi. Chú vẫn giống một viên kim cương lóng lánh.

Cây đàn bắt đầu tham dự cuộc vui. Chàng nghệ sĩ ồn ào nhất phòng này tung ra hàng ngàn nốt nhạc nhỏ xíu. Chúng ca hát, bay tung tăng khắp phòng, chúng lướt qua những ngọn nến, khiến tất cả những ngọn lửa trong phòng đổi từ màu da cam sang màu vàng rực. Những nốt nhạc rơi xuống như trận mưa mà tất cả những giọt nước đều hồng.

Gió tò mò, chịu không nổi, xô nhẹ chị Rèm, tràn vào. Những sợi tơ giấy đủ màu uốn mình xao xác. Gió bắt cóc hàng trăm nốt nhạc, đẩy ra ngoài khung cửa sổ, bay vút lên cao.

Bông Hồng trong bình nở tung, một bông hồng lạ kỳ, đổi màu theo từng cơn xao động của dây giấy bóng và ánh nến.

Chị Bóng bay lăn vào gầm tủ thủ thỉ với bác Đinh già:

- Tôi đã từng dự những cuộc lễ lớn. Họ hàng nhà tôi biết bao kẻ đã được bay cùng hàng ngàn con chim câu trên một nơi người đông như biển. Nhưng tôi chưa từng thấy có cuộc mừng lễ nào vui tươi như đêm nay.

Khi chàng đàn trình diễn, ông Cung nói:

- Quí vị làm tôi nhớ tới cái đêm mình tổ chức lễ tiễn đưa mấy cháu nhỏ nhà tôi lên đường. Cũng căn phòng này….

Cụ Sách biết ngay là ông Cung nhắc tới đêm những cậu tên trưởng thành.

Cụ Sách nói:

- Hồi ấy, căn phòng này còn hẹp hơn, bốn phía là vách ván không phải tường gạch.

Ông Cung tên hỏi:

- Khi đó ông Bàn về đây chưa nhỉ?

Ông Bàn đáp:

- Rồi! Hồi ấy tôi trẻ măng, da dẻ nâu sẫm, nhẵn bóng chứ đâu có như bây giờ, mặt đầy sẹo ngang dọc, lem luốc.

Để các vật trẻ trung trong phòng hiểu rõ về kỷ niệm mình vừa nhắc tới. Ông Cung tên bắt đầu kể:

Ông Cung có năm con. Đêm ấy cả năm cậu Tên đều đến tuổi trưởng thành nghĩa là được bay đi khắp bốn phương trời.

Mũi tên nhọn hoắt, thân tên thẳng tắp, cả năm đều đã đủ điều kiện để làm nhiệm vụ giang hồ.

Vì mến ông Cung, các vật trong phòng tổ chức lễ tiễn đưa thật long trọng. Vả lại đây cũng là dịp các cậu Tên vĩnh biệt tất cả để sống một đời sống khác hẳn, họ hoàn tất cái sứ mạng đầy ý nghĩa họ mang từ lúc chào đời.

Tình cờ, đêm lễ mừng trưởng thành của năm cậu gần ngày Trung thu nên trong phòng có đủ loại đèn. Tất cả những ngọn nến đều tìm được nơi trú ngụ đầy màu sắc cả căn phòng cũng sáng muôn màu.

Cụ Sách đọc một bài thơ giã từ, lời lẽ ngậm ngùi, quyến luyến nhưng rất hào hùng.

Các chú đèn con Cá, đèn Thiềm thừ, đèn con Thỏ chia nhau đứng ở các góc phòng. Bác đèn ông Sao đứng chính giữa, nơi các màu sắc trộn lẫn với nhau.

Ông Bàn cho phép chú Ngăn kéo hé ra một chút để tất cả những vật trong lòng chú được dự lễ.

Anh Diều giấy nói:

- Chà! Mấy cậu Tên sẽ bay cao lắm đấy nhé. Tôi phải có hai cuộn chỉ mới bay cao bằng các cậu.

Cậu Tên anh cả khiêm tốn:

- Nếu chúng em bay cao xa được là cũng nhờ sức của cha em.

Cụ Sách nói:

- Đúng vậy, ông Cung còn mạnh lắm. Ông sẽ đẩy các cháu bay xa không thua bất cứ một mũi tên nào.

Ông Cung vội nói:

- Quí vị có lòng thương nói vậy chứ thật ra hồi này chúng tôi cũng sa sút lắm.

Cậu Tên anh cả rất điềm đạm, bình tĩnh, trái lại cậu hai cậu ba thì nôn nao lắm, cả hai nói nhỏ với nhau, chỉ mong những nghi lễ rườm rà sớm chấm dứt để chúng được lên đường. Chúng đã nghe tiếng gọi của thinh không.

Đúng giờ mấy cậu Tên khởi hành, bên ngoài khung cửa sổ rộng mời mưa lất phất. Cụ Sách tỏ ý lo lắng:

- Thời tiết xấu, hay chúng ta dời chuyến bay của các cậu Tên lại.

Bác Ô đen trấn an:

- Không sao, mưa nhỏ mà. Bay nhanh như các cậu ấy thì không thể nào ướt được.

Anh Diều giấy vẫn ngần ngại:

- Trời gió to không?

Chị Rèm cửa đáp:

- Gió rất nhẹ.

Ông Cung cảm ơn sự lo lắng của mọi vật, nhưng cho biết tên bay bất kể thời tiết. Tên bay trong nắng gay gắt hoặc trong giông bão. Chuyến bay càng cam go thì đời của Tên càng có ý nghĩa.

Cậu anh cả, thay mặt các em, hỏi ông Cung câu cuối cùng:

- Thưa cha! Cha còn dạy chúng con điều chi nữa không?

Ông Cung nghiêm trang:

- Cha chỉ có một lời khuyên, cha nhắc lại: Phải kiêu hãnh và bay cho thật thẳng.

Mũi tên đầu phóng đi như một lằn chớp.

Mọi vật quá chú ý vào đường bay của từng mũi tên đến nỗi, sau khi mũi thứ tư lên đường, mới khám phá ra mũi tên thứ năm; cậu Út đã trốn đâu mất tiêu.

Ông Cung hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra, ông cố cứu vãn bằng cách nói nhẹ nhàng:

- Thằng Út đâu rồi? Sửa soạn chậm quá vậy?

Mọi vật im phăng phắc chờ đợi. Không có tiếng trả lời.

Ông Cung sẵng giọng:

- Út!

Vốn là một nhà quí phái, ông Cung luôn luôn tỏ ra điềm đạm bình tĩnh. Khi giọng ông gay gắt như thế là ông đã giận lắm.

Tất cả đèn trong phòng rực sáng thêm một lần để tìm kiếm. Bỗng có tiếng cậu Út càu nhàu:

- Con muốn ở nhà, con chẳng đi đâu hết.

Hoá ra cậu Út trốn dưới gầm ông Tủ.

Ông Cung lịm đi, không nói gì. Ông giận quá và có lẽ hơi xấu hổ với mọi vật vì tình trạng bất ngờ này.

Anh Diều giấy nói nhỏ:

- Cậu làm vậy cha cậu sẽ buồn lòng lắm.

Cậu Út nói to:

- Cha tôi giận, tôi chịu. Nhưng tôi không đi đâu hết, tôi ở trong phòng này quen rồi. Bây giờ phải bỏ đi, tôi chịu không nổi.

Ông Bàn lên tiếng:

- Các anh của cậu đi cả rồi đấy.

- Mấy anh ấy khoái giang hồ. Tôi khác, tôi nhất định không đi đâu hết. Tại sao ông Bàn, ông Tủ, anh Diều được ở đây mãi mãi? Như cái bọn Giầy Dép, bác Ô đen thì ra đi rồi cũng lại trở về? Tại sao tôi phải bỏ nơi này?

Ông Bàn nói:

- Tại vì chú thuộc loài Tên. Nếu chôn chân vĩnh viễn ở đây thì chú có bốn cẳng nặng chịch như bọn Bàn chúng tôi, chớ đầu chú nhọn hoắt làm chi.

Cụ Sách cũng nghiêm khắc:

- Còn một lý do nữa: chú sanh ra là con của ông Cung. Đừng để mọi vật nghĩ rằng chú không xứng đáng được có một ông cha như thế.

Cậu Út lặng thinh. Ông Cung vẫn chưa chịu nói gì.

Bông Hoa giầu tình cảm, rất hiểu nỗi khổ của cậu Út, hoa ngậm ngùi héo mất một cành.

Một lát sau, cậu Út nói nhỏ như một tiếng thở dài:

- Nhà chỉ có năm anh em tôi, chúng tôi bỏ đi cả, cha tôi sẽ buồn và cô đơn.

Cụ Sách nói:

- Nếu cậu nhất định không đi, làm buổi lễ tiễn hành, làm chính cuộc đời cậu mất hết ý nghĩa, cha cậu sẽ đau khổ gấp ngàn lần.

Ngoài khung cửa mưa đã tạnh. Một chút ánh trăng tò mò nhìn vào phòng, cậu Út nói:

- Xin quí vị tha lỗi cho, thật tôi làm phiền quí vị quá.

Cậu trở lại với ông Cung, ngoan ngoãn đặt mình trong vị trí khởi hành.

- Con xin lỗi cha. Con thương mến căn phòng này và con cũng sợ năm anh em con đi hết thì cha cô đơn.

Mọi vật trong phòng rực rỡ, vui tươi trở lại, tất cả đã tha thứ cho cậu Út. Ông Cung vẫn lặng thinh, nhưng sự im tiếng của ông không còn vì buồn giận.

Khi cậu Út hướng cái mũi nhọn lên trời cao ngoài khung cửa sổ, ông Cung mới nói:

- Nhớ kiêu hãnh và bay cho thật thẳng. Đừng bao giờ để mọi vật lầm tưởng con là một mũi tên mềm.

Cậu Út cũng phòng vụt đi như một lằn chớp.

Bấy giờ ông Cung mới ngậm ngùi nói:

- Xin quí vị tha lỗi cho thằng cháu Út, nó giầu tình cảm quá. Nó nói cũng không sai. Quả thực, năm anh em nó đi hết tôi cô đơn và buồn, nhưng hạnh phúc của chúng nó là quan trọng.

Đúng như lời ông Cung nói. Khi đó, cậu Út đang hưởng cái sung sướng tuyệt vời của một mũi tên bay.

Những đám mây kéo nhau về phía chân trời, trăng vằng vặc, đầy ấp thinh không bao la. Cậu lên cao, lên cao hoài, cậu hân hoan reo một tiếng thật dài. Giữa cõi mênh mông, cậu kiêu hãnh, ngất ngây với đường bay xuyên gió.


LÊ TẤT ĐIỀU    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Nhâm Tý, 1972

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Đóa Hoa Hồng Đỏ


Ngày xưa có một con chim họa mi đi chu du khắp bốn phương trời để học hỏi những điều hữu ích. Một hôm, họa mi bay qua một ngôi nhà thì nghe trước sân có tiếng cành lá đang xì xào bàn tán. Tò mò muốn biết chuyện gì, họa mi bay đến đậu trên một cành cây hỏi:

- Có chuyện gì vậy các chị?

Một chiếc lá đáp:

- Họa mi không biết à! Trong nhà có một người đang lâm trọng bệnh.

Chiếc lá khác tiếp lời:

- Chứng bệnh đó phải cần cho ngửi một đóa hoa hồng đỏ mới khỏi được mà đứa con của người ấy tìm mãi không ra. Vậy anh có cách gì tìm ra đóa hoa hồng đỏ không?

Họa mi đáp lời:

- Không! Nhưng tôi sẽ cố gắng đi tìm cho được. Thôi xin tạm biệt các chị tôi đi nhé!

- Chúc anh may mắn!

Họa mi bay đến nơi đứa bé đang ngồi buồn rầu nói:

- Cậu bé đừng buồn! Cậu là một người con có hiếu đáng khen. Tôi sẽ cố gắng đi tìm đóa hoa hồng đỏ đem về cho cậu.

Đứa bé vui mừng cám ơn rối rít. Họa mi từ giã đứa bé rồi bay đi. Bay đến một khu vườn, họa mi hỏi người giữ vườn:

- Thưa bác, vườn của bác có trồng hoa nào màu hồng đỏ không?

- Không! Vườn tôi chỉ có hoa màu trắng thôi.

Họa mi lại bay đến một khu vườn khác hỏi:

- Vườn bác có trồng hoa hồng đỏ không hả bác?

Người giữ vườn trả lời:

- Không! Vườn tôi chỉ có hoa màu vàng.

Đã hai lần không có, nhưng họa mi không thất vọng và lại bay đến một khu vườn khác nữa hỏi:

- Vườn bác có trồng hoa hồng đỏ không bác?

Người giữ vườn trả lời:

- Không! Vườn tôi chỉ có hoa hồng, nhưng tôi có cách để tạo nên đóa hoa hồng đỏ.

Họa mi mừng quá hỏi ngay:

- Cách nào vậy bác?

- Phải có một người đâm tay vào gai hồng, nhưng mất nhiều máu lắm! Khi đủ số lượng máu thì sẽ có một đóa hoa hồng đỏ bất cứ nơi nào theo ý muốn.

Nói xong người giữ vườn quay đi. Họa mi nghĩ thầm "mình không thể bay đi nổi nữa, mà chậm trễ thì mẹ cậu bé có thể chết. Thôi đành vậy!" Nghĩ xong họa mi bay đến một cây hồng và đưa mình ra cho gai đâm vào. Gai hồng càng đâm sâu vào mình họa mi đáng thương. Họa mi đau đớn nhưng vẫn cố gắng chịu đựng. Một lát thì gai đã đâm tới tim, họa mi lịm dần... lịm dần...

Ở nhà, đứa bé bỗng thấy một đóa hoa hồng đỏ rực rỡ trước sân. Đứa bé mừng quá hái vội đóa hoa đem vào cho mẹ ngửi. Một mùi hương thơm ngát tỏa ra, người mẹ ngửi được mùi hương ấy liền hết bệnh, khỏe mạnh như thường.

Còn họa mi, khi chết hồn được bay lên cõi thiên đàng. Trong lòng họa mi thơ thới vì đã làm được một việc tốt.


QUANG VÕ   


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 120, ra ngày 1-2-1974)

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

Chim Én Nhỏ và Lời Hẹn Đầu Năm











Chiều qua đó nhớ môi cười
em chim én nhỏ quên lời hẹn xưa

bay về trên những đường mưa
khẽ ru ta những âm mùa tàn đông

ru ta chút nhớ nhung thầm
lẻ loi những bóng cây nằm hắt hiu

sầu ta rơi xuống trong chiều
bâng khuâng một bóng quạnh hiu ta về

chim ơi quên hết hẹn thề
ngón tay vụng dại sắt se giọt đàn

buồn buồn ngóng những mùa sang.

                                     TÔN NỮ THU DUNG

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 220, ra ngày 1-3-1974)

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

Đầu Xuân Xem Bói


Ly Na xuýt xoa cho tay vào túi áo:

– Chu choa lạnh ghê Trâm hỉ, thấu xương luôn tề.

Trâm cười:

– Chuyện, cuối năm mà, không lạnh răng được hỉ, Tết phải lạnh mới vui chứ bộ.

Hai cô bé tung tăng đến trường. Xuống một con dốc đá lăn, hai bên đường hoa anh đào nở hồng đường phố. Những cánh hoa nhỏ rung nhẹ trong gió Xuân. Buổi sáng trời cao, lơ lửng vài cụm mây lênh đênh trôi dạt. Đôi bạn đi qua bờ hồ. Sương còn lãng đãng phủ mờ mặt nước êm đềm như mơ. Những bông hoa bèo tây tím nhạt, dật dờ trên mặt nước lành lạnh. Trâm kéo tay Ly Na:

– Ngó kìa, đẹp chi lạ Na hỉ. Răng Trâm mê màu tím hoa bèo ghê.

Ly Na gục gặc cái đầu xinh xinh, có mái tóc đen mướt cài cánh nơ hồng như màu hồng trên đôi má cô bé.

– Ờ… dễ thương hỉ. Nè Trâm biết không, ở nhà Na mới có chuyện ni ly kỳ rùng rợn lắm! Trâm muốn nghe không?

Trâm sáng rực đôi mắt xanh màu trời:

– Rứa hả? Chuyện chi rứa? Ly kỳ lắm hả?

Ly Na chúm môi, ngón tay trỏ giơ ra nghiêm trang nói:

– Chứ răng, ly kỳ một cây nhá, bồ đoán tui coi nào.

Trâm có vẻ suy nghĩ:

– À… chắc quà Tết ba bồ gửi bên Mỹ về chớ gì? Đúng không?

Ly Na cười như nắc nẻ:

– Sời ơi, vậy mà ly kỳ gì. Ba tui gửi quà về luôn chứ lạ chi mô – quà ba tui thì phải nói là chuyện vui chứ. Bồ quê một cục.

Trâm giận hờn quay đi:

– Thì thôi, tui quê bồ chơi với tui mần chi, bồ rủ tui đi học mần chi hỉ.

Ly Na nắm tay bạn:

– Thôi mờ… xin lỗi hỉ! Răng hay giận rứa, đùa tí mà cưng.

Trâm cười:

– Ờ… Rứa chuyện chi rùng rợn bồ kể tui nghe coi.

Ly Na cười nụ, đôi lúm đồng tiền tươi trên má hồng căng sữa.

– Chuyện thày bói nhá! Răng, ly kỳ hôn bồ?

Trâm nhìn Ly Na đăm đăm:

– Thày bói à… ly kỳ đó hỉ?

– Này nhá, má Ly bị mất cắp Trâm biết không? Mất cái nhẫn kim cương của ba tặng hồi đám cưới. Má quí lắm quí kinh khủng luôn. Ba Na đi Mỹ học. Má càng quí nó thêm. Vậy mà mất tiêu. Rứa Trâm nghĩ có tức không?

– Ừ… tức chứ, rứa má Na có khóc không?

Ly Na cười ngỏn nghẻn:

– Sời ơi, má Na chứ đồ bỏ như con nít sao mà khóc. Má Na kiếm cùng nhà, quét nhà nè, kê tủ, kê bàn, kê giường lại hết nè. Vét ống cống nữa hỉ. Chao ơi loạn hết cả nhà lên đó bồ. Suốt một chiều thứ bảy, mà không ra. Má Na mệt hung mặt đỏ bừng, nằm thở trên giường.

Trâm hấp tấp nói:

– Uổng hỉ? Rứa là mất tiêu chứ gì?

Ly Na láu lỉnh:

– Mất chứ răng nữa. Nhưng châu về hợp phố mà bồ. Nhẫn của ba tặng mà răng mất được. Vất xuống biển cũng mò được ấy chứ.

Trâm lắc đầu:

– Không tin… bồ xạo nha, vất xuống biển còn mò nỗi chi?

Ly Na nói:

– Thật mà, một tuần sau người ta trả cho má Na đó tề.

– Chi kỳ rứa, một tuần sau họ trả à?

– Ờ… nhờ thày bói đó, ông ta giỏi kinh khủng luôn, nói đâu trúng đó, trúng phong phóc, má Na hoảng luôn. Trời! Bồ biết hông? Ông nói như thần ấy. Má còn phải phục lăn ra đó. Má mua trái cây biếu ông đó. Ghê hông?

Trâm bị câu chuyện mê hoặc thật:

– Bồ kể từ từ nào! Tui có ô mai nè, ô mai thượng hạng cơ.

Trâm mở cặp lôi gói ô mai ra.

– Cha… muốn nhỏ rãi rồi. Ô mai cam thảo ngon tuyệt đó, ở mô ra đó bồ?

– Tận Sài gòn gửi lên đó, hổng tuyệt răng được.

Hai cô bé nhấm nháp ô mai chua chua ngọt ngọt, nồng nàn như mộng mị tuổi thơ.

Ly Na nói tiếp:

– Người ta mách má đi xem bói. Biết thày bói nói chi không?

– Răng, ông nói chi rứa bồ?

– Ông phán thế này nè: “Nhà bà có một cô con gái tóc dài, con gái chớ không phải con nít, cũng không phải đàn bà – chính cô đó lấy, nội trong một tuần, tôi sẽ làm cô con gái đem trả cho bà – nếu không trả tôi sẽ thư cho cô con gái to bụng cho bà coi.”

Trâm ngơ ngác:

– Ghê hỉ? Răng ông tài rứa Na hỉ, rồi răng họ trả nhẫn cho má Na đó?

Ly Na láu lỉnh:

– Đưa thêm ô mai đây Na mới kể tiếp được, Na khô miệng rồi nè.

Trâm cười đưa cả gói ô mai cho bạn.

– Má Na về nhà nghĩ đi nghĩ lại má biết ngay là chị Ba lấy. Trong nhà chỉ có chị Ba tóc dài và là con gái còn bác tài thì là đàn ông. Má nói với chị Ba “lời phán” của thày bói. Chị Ba run rẩy như lên cơn sốt – Bụng chị đã bự chừ mà to nữa có nước chết hỉ? Chị sợ quá, nhưng vẫn chưa nhận tội mô. Một ngày, hai ngày, ba ngày trôi qua. Lạ lùng làm sao bụng chị bự thêm thật – Thế là chị thú nhận, khóc lóc xin lỗi má và trả nhẫn nữa. Má Na phải dẫn chị ấy sắm lễ đến xin thày bói, kẻo bụng chị bự như cái trống thì chết…

Chữ “chết” bé Ly Na kéo dài ra. Trâm gật gật mái tóc tơ vàng có vẻ phục ông thày bói sát đất.

Cổng trường hiện ra, bên cạnh ngôi thánh đường cổ kính, mái ngói đỏ đậm màu thời gian. Tháp chuông cao vút trên nền trời xanh cao.

Cuối năm sân trường có vẻ nhộn nhịp lạ… Học trò mặc áo mới nhiều hơn – cả thày lẫn trò đều bừng vui nụ cười. Trường Trí Đức năm nay mới xây lại to và oai oai là. Hai cô bé tung tăng theo bạn bè ùa vào sân trường, bước chân ríu rít như bầy chim sẻ đang bay liệng đón nắng ấm đầu Xuân quanh nóc nhà thờ cao tít trên kia.

Trâm dặc dặc tay bạn:

– Gần Tết may ra cô cho chơi Na hỉ? Chút nữa tụi mình xin cô chơi đi, sắp liên hoan toàn trường rồi mà.

Na gật đầu:

– Sợ cô không chịu mô, cô mình vui nhưng mà nghiêm lắm – Bữa ni còn bắt học thì cũng chán lắm hỉ!

Vừa lúc đó chuông rung vào lớp, bầy học trò như ong bay vào tổ. Hôm nay cô mặc áo hồng, màu hồng ôm dáng cô cao cao. Trâm thấy cô xinh xinh là. Cô dạy Việt văn nên cả lớp hay nhõng nhẽo cô lắm, lý do dễ hiểu môn cô dạy có vẻ nhiều chất văn nghệ nhất.

– Chơi cô ơi! Tết đến nơi rồi cô ơi.

– Hát đi cô! Học nhiều quá rồi cô.

– Ngâm thơ Xuân có bánh kẹo cô ơi.

Cả lớp nhao nhao lên, cô nghiêm mặt đứng im nhưng hình như cô cười tủm tỉm, mắt cô long lanh sáng.

– Các em học ngoan một giờ đầu, giờ sau cô cho sinh hoạt văn nghệ. Lấy vở, lấy bút ra học đã chứ.

Trâm sịu mặt xuống, Ly Na thì chúm môi háy Trâm, ra cái điều nó đã đoán đúng, bà giáo này vẫn hắc búa như bao giờ. Cả lớp đành sột soạt lôi sách lôi bút ra bày trên mặt bàn. Trâm khoanh tay lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ. Thung lũng xanh rì những rặng thông dưới kia. Xa xa dãy núi đậm màu có mây trắng quyện bay trên đỉnh núi cao. Trâm nghe rì rào lá thông nhỏ to tâm sự những lời tình thương mến, mà cô bé chỉ có thể cảm thấy nhưng ngàn đời không thể hiểu được những âm thanh vời vợi xa xăm đó.

– Trâm!

Trâm giật mình nghĩ thầm “bà ni tinh thật, khiếp! Bắt học hoài. Bắt mệt đừ.”

Ly Na dúi một mảnh giấy con, Trâm đưa mắt nhìn lên bảng nhưng tay giở giấy, vừa lúc cô nhìn chỗ khác, liếc nhanh “Con khỉ, ngậm ô mai kín đáo đấy, mắt cô không cận thị mô.”

Một giờ cổ văn cũng qua đi. Giữ đúng lời hứa cô bắt đầu cho cả lớp hát hò: ư ử chán lại rống lên như bò. Đứa nào mặt cũng căng đầy niềm vui. Bất ngờ nhất là cô có kẹo bánh, có hạt dưa để sẵn trong sắc. Cô dạy cả lớp hát dân ca. Những bài dân ca ươm đầy tình dân tộc, thiết tha như tình quê chứa chan mộng đầu đời, và ngọt như bánh kẹo đầu Xuân cô chia cho từng đứa. Những chiếc miệng xinh thơm mùi bánh, đỏ thắm mầu hạt dưa mấp máy hát dân ca:

Yêu nhau cởi nón ôi à cho nhau
Về nhà dối rằng cha dối mẹ a à á a
Rằng a ối a qua cầu rằng a ối a qua cầu
Tình tình tình gió bay
Tình tình tình gió bay
 
*
 
Yêu nhau cởi áo ối à cho nhau
Về nhà dối rằng cha dối mẹ a à á a
Rằng a ối a qua cầu rằng a ối a qua cầu
Tình tình tình gió bay
Tình tình tình gió bay
……………………….

Một giờ vui qua mau… mau như mây bay ngoài khung trời mùa Xuân có vài cánh én rủ nhau bay về.
Ly Na kéo tay Trâm ùa ra sân chơi – Nó cần kể lể với bạn nhiều thứ lắm – Con búp bê thật đẹp ba nó mới gửi về nè – bức thư dài ba nó gửi riêng cho nó nè. Còn Trâm cũng vậy, nó muốn khoe với bạn cánh hoa rừng màu tím ba nó gửi từ tiền đồn về cho nó – một món đồ chơi lạ bằng tre nứa, tự tay ba nó làm, bộ sa lông nhỏ xíu ấy mà, xinh ơi là xinh nhé. Chưa hết đâu, Tết này thế nào ba Trâm cũng về, ba lô đầy quà. Những món quà lạ không ai mua được – Trời ơi! Thích ghê, vài ngày nữa vui phải biết hỉ! Tết mà lị.

Hai đứa bé xinh xắn tranh nhau yêu thương ba má chúng, tranh nhau thần tượng thầy cô chúng.

Chuông lại rung rồi đó. Bây giờ là giờ Toán của sơ Uyên. Hai đứa hơi ngán ngán. Môn Toán khô khan khó khăn như bà sơ áo đen ấy thôi.

Ly Na tái mặt thì thào:

– Chết cha rồi Trâm ơi! Cây bút Na mất rồi. Trâm biết mô không? Trâm giấu hả?

Trâm nhìn bạn lắc đầu:

– Mô có, ai giấu bút Na làm chi, hỏi chi lạ rứa.

Ly Na nhìn xoáy vào mắt bạn, cô bé biết bạn nói thật, Ly Na nghẹn ngào:

– Mô hè, mới đó còn mà. Bút của ba Na gửi từ Mỹ về Na cưng nó lắm – Răng chừ Trâm ơi!

Sơ Uyên đập thước lên bàn:

– Các em lấy giấy ra làm toán, sơ sẽ lấy điểm cho tháng đầu năm mới đó.

Ly Na loay hoay moi ngăn cặp, bàn tay nhỏ run run mò từng khe cặp. Cô bé lôi hẳn cái cặp ra cúi đầu nhòm hộc bàn: “không có”, khom lưng nhìn nền nhà cũng không nốt – Mỗi bàn hai người ngồi – Bên cạnh Ly Na là Trâm – Trâm nói nhỏ:

– Lúc ra chơi Na để mô nhớ không?

Na nói giọng ướt sũng:

– Để ở bàn, răng kỳ lạ chưa? Mất chi không mất nhè cây bút ba cho Na mới khổ chứ!

Sơ Uyên có tiếng là nghiêm khắc, Ly Na hỏng dám loay hoay nhiều. Cô bé rưng rưng nước mắt ngồi thừ ra mà nhớ ba. “Ba xa xăm quá, con buồn quá ba ơi, quà sinh nhật ba cho, con làm mất rồi. Sao ba bỏ con đi xa hoài vậy ba, con buồn chi lạ ba ơi.”

Trâm nói khe khẽ:

– Lấy đỡ bút nguyên tử Trâm làm bài đi, cuối giờ rồi tính. Sơ phạt chết chừ đó.

Ly Na lấm lét nhìn sơ, quả thật sơ đang lừ mắt nhìn Na.

Ly Na thiểu não viết tên trên góc giấy để làm bài kiểm “Vũ Ly Na” nét mực nguyên tử thô lệch và bẩn lạ. Na nhớ cây bút xinh xinh của bé quá! Na nhớ đôi mắt ba nồng nàn ấp ủ lúc đi chọn bút gửi về cho Na ghê. Bao nhiêu yêu thương bao nhiêu trìu mến bây chứ Na làm mất quà kỷ niệm của ba. Na giận mình quá, giận khóc lên được.

Bài toán tối mò, Na nát óc tính mãi không ra. Sự thật đầu Na lù mù mất rồi, tính toán chi được nữa, bí là phải. Lúc trước không sao, bây giờ cây bút không cánh bay đi mất, Na mới thấy quí nó. Nó vừa đẹp vừa gọn vừa lạ mắt. Nhất là nó nhắc nhở tình cha con sâu đậm, dù xa cách mấy lần đại dương bao la. Na vẫn tin rằng ba không quên bé một phút nào, như bé vẫn mãi mãi nhớ thương ba từng giây từng phút.

– Ôi chao tức ơi là tức cây bút của Na ai mà ác ôn rứa không biết. Tiền nào mua được cây bút ân tình hả ba?

Nước mắt âm thầm ứa ra, Ly Na lén chùi vội vào tay áo. “Bữa ni mà kiếm được nó Na sẽ không rời nó phút nào nữa mô”.

Trâm thương hại nhìn bạn:

– Làm ra bài đại số chưa? Hình học chứng minh xong chưa hỉ?

Ly Na buồn bã lắc đầu, Trâm đưa mắt nhìn Sơ lom lom mặt ngẩng cao, chống tay có vẻ suy nghĩ dữ lắm. Cô bé láu táu chuồi tờ giấy nháp cho Na.

Na thầm cám ơn bằng một cái nhìn rồi đưa lại trả bạn tờ giấy nháp, ghi thêm vài hàng “Cảm ơn Trâm, nhưng Na không muốn gian lận. Ba Na sẽ buồn nếu ba linh cảm Na gian lận thế này. Thôi Na bị zéro cũng được. Trâm nờ”

Trâm hiểu tính bạn từ lâu, nên đành ngồi im. Na ân hận vì nhớ ba. Cô bé bặm môi nhất định không hậm hực nữa, loay hoay làm toán, mò mãi rồi cũng ra, Na chép vào giấy vừa lúc đến giờ nộp bài cho sơ.

Cả lớp ào ra sân, ai cũng muốn nhanh chân về nhà. Đà Lạt càng tạnh ráo càng lạnh và càng mau đói bụng.

Trâm ở lại với Ly Na để tìm cây bút. Cây bút có nắp màu trắng bạc nhã nhặn bên màu xanh đậm như nước biển. Nét nhỏ, vừa vặn bàn tay xinh của Na, chừ biến mô mất tiêu.

– Thôi về đi Na ạ, không có mô mà tìm chi cho mệt.

Ly Na uể oải theo bạn ra về. Bụng đói nhưng Na chỉ thấy mệt chứ không háo hức về mau để ăn cơm như mọi ngày.

– Na tức ghê Trâm nờ. Người mô ác ôn lấy cây bút của Trâm, Trâm ghét luôn đó.

– Ờ, Trâm cũng thích cây bút đó, xinh và lạ nhất trường đó nha. Mấy chị đệ nhị cũng khen đó Na.

– Na không biết nói răng cho má hiểu chừ – Xui xẻo chi lạ, Tết đến nơi còn mất đồ, buồn không?

Trâm nói như reo:

– Ờ… Ngu quá. Sao Na không đi xem bói để thầy bói tìm dùm cho như má Na đó nờ, có rứa mà nghĩ không ra!

– Ờ hỉ, mai đi nghe, a, chiều ni vậy, mai có liên hoan ở trường bỏ bánh kẹo ai ăn cho hỉ?

– Tham ăn! Lêu lêu! Đang buồn rứa mà vẫn nhớ ăn, xấu quá ta.

– Chớ răng, để Trâm ăn hết hỉ, sức mấy bồ? Ờ, mà mần răng đi được, phải có tiền… Tiền quẻ đó Trâm, rồi làm sao xin phép má đây. Má không cho mô. Mình con nít không ai cho đi xem bói mô.

Trâm đắn đo rồi nói:

– Xin phép chắc không được mô, hay là mình lén đi một bữa đi.

– Đành vậy chứ răng chừ, rứa Trâm đi với Na nhé. Ờ, hông được mô, đi mà không xin phép Na thấy răng răng ấy. Na sợ lắm. Ờ may quá, có cách rồi, chiều ni má Na đến tiệm vải Na xin dì út vậy, dì út chiều Na lắm, thế nào dì cũng cho. Rứa Trâm xin phép đi được không?

Trâm do dự nói:

– Chắc được, Na đến xin phép cho Trâm, má Trâm quí Na lắm đó.

*

Theo lời chị Ba dặn, Ly Na dắt Trâm xuống một con dốc nhỏ len trong hai hàng cây. Đi một quãng, con đường nhỏ cỏ mọc um tùm cao hơn cả hai bé. Đà Lạt buổi chiều về thật sớm, chưa chi trời đã mù mù ủ đầy màn sương. Ngôi nhà hiện ra giữa vùng cây cao. Những cây long não cao vút lào xào trong gió, và trơ thân trên nền trời xám nhạt, trông buồn như lạc trong rừng vắng. Ngôi nhà có vẻ hoang dại thiếu vắng tiếng người. Xa xa, nghĩa trang mờ mờ bia mộ trắng xám san sát bên nhau khắp sườn đồi. Trâm hơi run nói:

– Răng vắng rứa, sợ sợ là Na ơi.

– Ừ, Na cũng run chi lạ Trâm nờ.

Vừa lúc đó một người đi ra, áo dài đen lù lù tiến đến. Hai cô bé lặng người đứng im. Ông ta không già cũng không trẻ.

– Hai cô bé đi đâu đó?

Giọng ông trầm đục và xa xăm lạ.

– Chúng cháu… chúng cháu tìm thầy Huỳnh Chiêm ạ.

Ông ta nhìn đăm đăm hai bé, mắt ông ta sáng như hai vì sao, ông bình thản nói:

– Tôi là Huỳnh Chiêm đây. Chuyện gì đó?

– Chúng cháu đi xem bói.

Ông ta cười khan. Nghĩ sao vẫy tay gọi:

– Được, vào đây ta coi giúp, thi cử phải không?

Ly Na và Trâm líu ríu đi vào nhà. Căn phòng nhỏ có bàn có ghế, đặc biệt trang hoàng bằng hai màu đen trắng. Những tấm màn nhung đen rũ xuống chìm nặng như đêm tối. Một cái bàn thắp nến, lạ lùng lại nến đen màu sáng nhỏ yếu ớt le lói nhảy múa trên tấm màn nhung đen. Trâm nghe tim đập thình thịch, muốn bỏ chạy nhưng lại tò mò đứng im.

– Một em vào đây.

Ly Na run rẩy đi vào ngồi trước bàn.

– Nào, chuyện gì đây?

– Cháu! Cháu mất cây bút thày tìm dùm, bút ba cháu cho. Cháu muốn biết sang năm cháu thi đậu không ạ.

Ông ta thắp nhang, lầm bầm một mình, lúc sau nói:

– Cây bút nhỏ xinh đó.

Ly Na tươi nét mặt, “tài thật, thầy biết bút mình nhỏ và xinh rồi”.

– Cây bút đó một cô gái nhỏ lấy. Cô bé đó có đôi mắt xanh – tóc tơ mềm hơi quăn – chuyện thi cử cháu không đậu – sang năm mới đậu.

Ly Na kêu lên:

– Thưa thày sang năm cháu rớt ạ, thật không?

Ông ta lạnh lùng:

– Cấm hỏi thêm, đủ rồi. Và ba má cô bé đang xa nhau.

Ly Na đành đứng lên. Đến lượt Trâm vào, chả hiểu thày nói gì, Trâm có vẻ vui.

Hai cô bé cúi đầu e ấp đưa ra một bì thơ:

– Thưa thày tiền quẻ ạ.

Ông ta cười:

– Ồ… bé con! Bác tặng lại ăn quà. Thôi về đi ta bận việc lắm.

Hai cô bé đi như chạy ra khỏi căn nhà huyền thoại. Đến đường cái Ly Na dừng lại thở.

– Mai đến lớp Na sẽ biết ai lấy cây bút Trâm nờ – thày nói rồi. Còn Trâm răng?

– Thày nói sang năm ba Trâm sẽ ở nhà luôn không đi đánh nhau nữa. Nhà Trâm sẽ giàu ơi là giàu và Trâm thi đỗ nữa. Má Trâm hết buồn hết đau còn Trâm sẽ có em bé để bồng. Chao ơi, vui chi lạ Na ơi.

Na vụt nói:

– Chết, tối rồi Na phải về ngay – Má Na la chết. Trâm vào đi, Na chạy cho kịp về nhà đây.

Trâm tần ngần nhìn bóng dáng Na bé bỏng chạy vụt lên dốc – cô bé cười tủm tỉm đi vào nhà. Ngày mai liên hoan ở trường, tiếc rằng cô Hà giáo sư Việt văn sẽ vắng mặt vì phải đáp máy bay về Sài gòn ăn Tết với gia đình. Đêm đó Trâm nằm ôm gối ngủ, mơ đến vùng đồi cao có ba của bé nét mặt đăm chiêu sau khói thuốc. Nhà Trâm nghèo vách ván nên gió lùa lạnh cắt da, Trâm co ro mơ mộng. Nhà Ly Na ở trên cao đó, tòa lâu đài sang trọng chiếm cả ngọn đồi. Ánh đèn tỏa ra hắt xuống thung lũng. Ly Na ngủ vùi trong chăn hồng êm ấm. Ôm búp bê mà nhớ ba quay quắt. Ba hứa Tết này sẽ gửi quà cho Na và cho cả Trâm nữa…

Buổi sáng Na mặc áo mới rủ Trâm đến trường ăn liên hoan. Nụ cười nở hoài trên môi hồng hai bé. Hai bé sẽ đồng ca một bản nhạc Xuân thày dạy nhạc đã dượt cho hai bé lâu rồi.

Lúc quây quần quanh giáo sư cố vấn Na sực nhớ vụ xem bói, bé quan sát từng người. Trong lớp có năm người mắt xanh, ai lấy cây bút hè. À… tóc tơ quăn dợn sóng nữa. Một vòng quan sát nữa. Trâm ngồi canh Na đang cười hớn hở. Mặt Na sịu xuống. Cô bé đỏ bừng hai má nghĩ thầm “Đúng là Trâm rồi, mắt xanh tóc tơ vàng hơi quăn. Còn ai vào đây nữa, con Trâm ác ôn quá, mình có tức hắn cái chi mô, hắn lại ăn cắp bút của mình, xin mình cho đỡ tức hơn.

Lúc phải hát chung với Trâm, Na không thèm nhìn Trâm, không thèm cười, tức anh ách trong bụng chứ ở đó mà cười. Cả buổi sáng Na lạnh lùng nhìn Trâm. Một con ăn cắp “đồ giả dối, ăn cắp bút còn vờ ngọt ngào nữa chứ. Người chi mà dơ dáy rứa.”


Buổi vui mất ý nghĩa. Ly Na chịu không nổi cơn hậm hực. Trâm dò hỏi:


– Răng sáng ni Na lạ rứa, lầm lì hoài vậy?

– Kệ tui, can chi đến o mà hỏi, tui sợ o lắm rồi đừng hỏi tui nữa phiền lắm đi.

Trâm sửng sốt:

– Đùa chi lạ rứa Na. Giận Trâm cái chi đó?

– Ai dám giận Trâm. Đáng giá chi mà giận hỉ.

Trâm đỏ mặt:

– Đừng có phách nghe Na. Ai đáng hay không đáng. Có giỏi cứ nói thẳng đây nghe nào, quanh co mần chi, tui ghét những hạng người làm bộ như cô lắm.

Na vùng vằng bĩu môi:

– Sời ơi… tui làm bộ nhưng tui không thèm ăn cắp khi mô cả. Làm như người ta mù ấy.

Trâm đứng vùng dậy mặt tái đi, run run hai tay:

– Na nói chi… ăn cắp – Na muốn nói chi rứa?

– Tui nói cô ăn cắp, cô nghe rõ chưa?

Rồi Na bỏ đi một nước, không thèm nhìn lại. Trâm ngẩn ngơ trông theo, nước mắt ứa ra nóng hổi. Trâm cúi đầu buồn bã đi về. Con đường sao dài rứa, mênh mông làm sao cánh hồ gờn gợn sóng mây xanh. Trâm về một mình. “Mình ăn cắp” Trâm biết mình nghèo lắm, chơi thân với Na đã có nhiều đứa xầm xi, ai ngờ ngày nay chính Na nhục mạ mình. Vậy là hết, từ nay Trâm lẩn trốn Na. Trâm con nhà nghèo bị chửi là ăn cắp là đáng rồi.

*

Na quay đi khinh bỉ.

“Con ăn cắp mà tiếc nuối làm chi, thiếu chi bạn hỉ, thày bói nói đúng, nó vẫn thích cây bút của mình, có vậy mà mình không biết kẻ cắp ngay sau lưng mình. Thứ đồ nhà nghèo dơ dáy, bực cả mình. Cây bút có đáng bao nhiêu mô mà hắn ăn cắp, mình tức ghê đi. Cả lớp chỉ mình cô ả có tóc tơ vàng quăn quăn lại có đôi mắt xanh lơ màu chiều, hứ đẹp dữ”.

Lũ bạn tò mò nhìn Na:

– Ủa Trâm mô? Răng Na về một mình lạ rứa, đôi chim liền cánh mà!

Na bĩu môi:

Ối thứ con gái cái mặt đẹp đẽ xinh nhất lớp mà bần tiện, tau không thèm chơi với nó nữa mô, đồ bẩn.

Vừa lúc đó má Na lái xe trờ đến:

– Trâm mô con? Gọi Trâm má đưa cả hai đứa đi chơi phố sắm đồ Tết đi cưng.

Na ngập ngừng:

– Thưa má… Trâm bận nên về trước rồi.

– Rứa hả, thôi mai rủ Trâm vậy nhé.

Mấy ngày Tết Trâm thui thủi một mình – đầu óc cứ bị mảnh giấy có 3 chữ “đồ ăn cắp” của Na nhờ chị bếp đem đến ám ảnh hoài. Trâm chỉ mong có bà tiên nào đem trả cho Na cây bút đó – Má Trâm đau và ba Trâm chưa thấy về, nhà vắng hiu buồn ghê là. Trâm đem những món quà Ly Na tặng dần cho mình gói lại cẩn thận, leo dốc đến nhà Na.

Trâm thập thò trước cổng biệt thự, cô bé sợ con chó sồ ra lắm. May quá Na đã thấy Trâm. Cô ta quay đi bĩu môi dài dài, nghĩ sao lại chạy ra.

– Chào Trâm.

– Cho Trâm trả Na những cái này.

Na đỏ mặt giận dỗi:

– Làm bộ quá ta, nghèo mà ham hỉ.

Trâm nghẹn ngào:

– Vì nghèo nên Trâm bị chửi là ăn cắp. Trâm có chối mô. Trâm có dám nhận mình nhà giàu khi mô, cám ơn lòng tốt của Na nhé. Trâm sợ bọn nhà giàu kệch cỡm rồi. Trâm thèm vào chơi với Na. Để xem Na chơi với ai.

– Đừng dài lời như bà già, ai thèm chơi với bọn ăn cắp vặt. Xí, đẹp mặt lắm đó, đeo mo vô che chưa hết mô – đồ giả dối – đưa đồ đây o.

Trâm ném gói giấy về phía Na rồi chạy như bay xuống đồi – Na cười khinh khỉnh nói vọng theo:

– Hứ làm bộ rứa o! Vừa đánh trống vừa ăn cướp hỉ? Hỏng có thày bói tui cũng không ngờ là o đâu.

*

Lật bật mười ngày nghỉ Tết đã qua. Na đi xe đến trường – giận Trâm nhưng Na vẫn không quên được cô bạn thân đó phút nào. Càng giận càng nhớ bạn thêm –

Thoáng bóng Trâm ở một góc sân trường, thấy Na Trâm quay đi cười với người khác Na nghe đau nhói trong ngực – “Ác ôn thật, lấy cây bút của mình còn làm tàng, đồ ăn cắp răng mình cứ khổ vì nó kìa”

Trâm lầm lì ngồi trong lớp chờ giáo sư đến. Còn Na ôm cặp đổi chỗ với Đào Ngọc nhất định không ngồi bên “kẻ cắp” nữa, Trâm vẫn tỉnh như không. Cả lớp xì xào bàn tán về cặp Na Trâm dữ lắm.

Trong lúc đó, cô giáo Việt văn đang đi dọc hành lang tiến đến lớp Na. Cô vẫn như năm ngoái, vẫn màu áo trắng đơn sơ vờn trong gió.

Cả lớp đứng lên chào cô giáo – Những mái đầu cao hơn năm ngoái tí ti, những ánh mắt tinh quái láu lỉnh thêm – Cô giáo giơ tay cho học trò ngồi xuống, giọng cô dịu dàng cất lên:

– Chào các em, chúng ta bước qua năm mới chỉ vài tháng nữa thi rồi. Cô mong các em chăm chỉ hơn nữa, thành công hay thất bại là do các em quyết định ngay từ bây giờ. Trước khi tiếp tục chương trình cô cần nói một chuyện, hôm tất niên cô mượn một cây bút ở bàn đầu hình như ở trong lớp này. Cô đem về nhà ăn Tết luôn vậy hôm nay xin trả lại cho khổ chủ.

Cô quay lên mở sắc tay. Một chị bàn cuối đứng lên:

– Thưa cô em nhớ rồi ạ, hôm đó ra chơi cô chấm vở tại lớp, em là người cuối cùng ở trong lớp, chính em tận tay lấy bút đưa cô mượn ạ – bàn đầu bên phải thưa cô –

Cô giơ cao cây bút. Na đứng lên nhận bút, lòng rối bời, mắt len lén nhìn Trâm run run không nói được nửa lời.

Trâm nhìn Na thật nhanh rồi cúi đầu ngồi im, mắt buồn nhìn đăm đăm cánh chim bay cô đơn trên nền trời ngoài khung cửa lớp học.

Ly Na nghẹn ngào ngồi xuống – đầu óc choáng váng như người say rượu. Mắt Na chớp nhẹ, hai hàng mi run run nhỏ xuống đôi dòng nước mắt ăn năn.

Cả lớp chăm chú nghe giảng – không ai để ý đến Ly Na. Cô bé gục xuống bàn cắn chặt bờ môi hồng xinh xắn. “Trâm ơi tha thứ cho Na”.

Vừa lúc cô mải chép một câu thơ lên bảng, Na hấp tấp ôm cặp leo lên bàn đầu đẩy Ngọc ra thật lẹ.

Nhỏ Ngọc nhăn mặt khó chịu, rồi lủi về chỗ cũ.

Na nắm tay Trâm lắc thật mạnh:

– Trâm!

Trâm cười – Na cũng cười, nụ cười con vương nước mắt mờ mờ trông dễ thương chi lạ.

Na dúi vào tay Trâm gói ô mai cam thảo rồi cười tủm tỉm – ngoài kia nắng vừa lên, màu vàng nhảy múa trên sân trường như niềm vui nhảy múa trong lòng hai cô bé.


Lệ Hằng    


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 147, ra ngày 15-2-1971)

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Không Lệ Thuộc Xăng


Tết nhất đến bên lưng, mọi năm vào những ngày này thì chúng tôi háo hức ghê gớm, nhưng năm nay, ảnh hưởng dây chuyền vì giá xăng tăng thập bội, mọi người nhất là quí vị thuộc giới trẻ chúng tôi buồn rầu trông thấy. Tôi vẫn nghe giới người lớn kêu ca từ lâu về vụ vật giá gia tăng, nhưng chúng tôi thì có gì phải bận tâm? Tôi thuộc giới trẻ, nền kinh tế, tài chánh còn bị lệ thuộc vào người lớn, mà lệ thuộc thì đồng thời cũng là được bảo trợ, cho nên mức tiêu thụ quả có bị hạn chế ít nhiều ; tuy nhiên, hạn chế không có nghĩa là bị cúp viện trợ, thành ra chúng tôi chỉ phàn nàn, kêu ca tí chút thôi.

Song hiện nay thì khác hẳn, chúng tôi bị đe dọa thật sự... đe dọa thẳng thừng. Điều làm tôi bất mãn nhất là cái vẻ tươi tắn vượt bực của mẹ tôi. Ý chà! Tôi mà nói ngoa đó nghe, tôi xin rút lui khỏi gia đình Thiếu Nhi tức khắc: bà tươi tắn lắm, và cái nguyên nhân khiến bà tươi tắn thoạt nghe qua, giới trẻ chúng tôi có thể tròn xoe mắt lên mà kinh ngạc, vì vô lý quá: giá xăng tăng!

Vâng, giá xăng tăng làm sức khỏe tinh thần cũng như sức khỏe thể chất của mẹ tôi đều tăng lên cao độ. Cứ mỗi bữa ăn, ngồi vào bàn, mẹ tôi lại dõng dạc tuyên bố với cái giọng của vị tướng hành quân vừa toàn thắng như thế này đây:

- Anh thấy sao? Tôi thì tôi khỏe ghê, xăng tăng giá, mình đỡ đau tim, đường sá ít khói xe, lũ nhóc con khỏi xách xe lạng bậy. Tốt! Hoan hô tăng giá xăng!

- Nói vậy mà nghe được! Ba chưa thấy ai trái khoáy như mẹ mày!

Ba tôi lườm mẹ một cái, lên tiếng. Chị cả tôi tiếp theo lời ba:

- Thưa ba, tháng này ba cho con thêm tiền mua xăng, xăng lên giá... nên...

- Ủa, mới cho con 800 đ hôm đầu tháng đó mà hết rồi sao?

- Thưa ba, hết mấy ngày nay lận đó, ba ơi!

- Chà, tụi bay đi đâu mà tốn nhiều xăng vậy?

- Đâu phải mình con đi? Con Hà, thằng Vũ cũng đi nữa mà.

- Con Hà thằng Vũ đi đâu? Tụi nó đi học bằng xe trường mà?

- Dạ, mà cứ cách một ngày lại đi tập thể dục một lần, đứa thì đi học ở Hội Việt Mỹ, ba quên là đi học hai chỗ đó không có xe trường sao? Ngày nào tụi nó lấy xe Suzuki thì con đi xe Cady, tại vậy mà tốn nhiều xăng chớ mình con, con chở em Bé đến Gia Long rồi đi học cũng gần đó, đâu tốn bao nhiêu...

Mẹ tôi chen vào:

- Tụi con bây giờ bày đặt, chớ hồi mẹ đi học toàn đi bộ, ở chỗ nhà quê, cát lún làm gì có xe mà đi, xe đạp cũng không nữa chớ đừng bàn chi đến xe gắn máy. Đời bây giờ tụi bay không biết sử dụng hai chân và không đi đúng nghĩa với tiếng đi, mẹ thấy...

- Ối, hồi thời mẹ là thơi Tây còn đô hộ mà kể gì?

- Ngon lành dữ há? Lên giọng thầy đời, vậy bây giờ Tây hết đô hộ rồi, tụi bay tiến bộ những gì kể mẹ nghe coi?

Và nói xong, không đợi cho chúng tôi có dịp giải thích lập trường, mẹ quay sang ba tôi, đề nghị một cách sốt sắng, bất ngờ:

- Này anh, tôi đang tính mua một cái xe đạp đó nghe!

- Sướng quá! Em Bé và Cu Minh cùng đồng thanh vỗ tay, reo lên Mẹ mua xe đạp Mỹ! Mẹ mua...

- Ai nói với tụi bay mẹ mua xe đạp Mỹ? Đừng nói tầm phơ mà có đòn. Nghe đây, mẹ tính mua cái xe đạp thường đặng dùng, biết chưa, không có Mỹ miếc gì hết, hiểu không.

Ba tôi chậm rãi hỏi:

- Mà mợ mua xe đạp làm chi, ai đi? Tôi đi được không?

- Con đi nữa, thưa ba!

- Thôi! Dẹp tụi bay lại! Mẹ có cho tụi bay đi không mà dám hứng lên?

- Sao không cho? Mẹ hứa rồi, mẹ sẽ cho tụi em đi, mấy người đừng ích kỷ, mấy người đi Suzuki, đi Cady thì phải để người ta đi xe đạp chớ!

- Đừng hỗn! Con Hà gắt Tui bay kêu ai bằng mấy người? Sao dám xưng người ta với tao? Hả?

- Thôi, mẹ nhức đầu đây nghe! Để tao bàn với ba coi... Quay sang ba tôi Này, anh cho tôi xin ba chục ngàn đi, đặng tôi mua cái xe đạp...

- Khỏi! Tôi làm gì có tiền mà xin? Mà làm gì xin tới ba chục ngàn? Tôi cắt cổ ai ra tiền cho mợ? Tôi có đồng nào mẹ con mợ lột sạch hết...

- Anh không cho tôi cũng cứ mua, tôi quyết định mua xe đạp.

- Không! Tôi không bằng lòng mợ mua xe đạp, choán chỗ, garage chật rồi. Mua để mốc hở?

- Sao lại mốc? Tôi mua tôi đi mà!

- Mợ đi xe đạp? Đi đâu chớ?

- Sao không đi đâu, tôi tới tòa báo Thiếu Nhi này, tôi ra nhà in này, tôi đến Tuổi Hoa này, tôi đi chợ này, thiếu gì chỗ đi. Tôi không muốn nhờ cha con anh nữa, chán lắm. Cả tháng không đụng tới thì thôi, mà hễ có thì đứa này đạp xe không nổ, đứa kia kêu hết xăng. Tụi con anh làm tiền quá, tôi chịu hết nổi. Phần tôi, tôi đoán rồi giờ đây, xăng sẽ hoàn toàn biến mất trên thị trường...

- Mợ đoán hơi... hấp tấp đó nghe, cái gì khiến mợ đoán mò kiểu đó? Làm sao lại xăng hoàn toàn biến mất?

- Thì mình không có mỏ, không có tiền, lại không đến lúc đó à?

- Mợ ưng như vậy lắm hở?

- Phải! Tôi ao ước một thành phố đi toàn... xe đạp và đi bộ, thành phố sẽ yên tĩnh, sạch sẽ, bầu không khí không bị ô nhiễm... tốt lắm. Riêng phần tôi, lũ nhỏ không còn đi xe gắn máy, tôi có thì giờ để tu bổ trái tim suy yếu vì hồi hộp mỗi lần chúng dắt xe ra...

Cứ mỗi bữa ăn, chuyện mua xe đạp lại được mẹ tôi và hai đứa út lôi ra và cũng luôn luôn bị ba tôi và ba đứa lớn gạt đi, không đồng ý.

Tôi sực nhớ cái dạo mà ba tôi và tụi lớn chúng tôi chuẩn bị tinh thần mẹ để mua xe Suzuki và Cady, ôi chao, lâu lắc là dường nào, khó nhọc là dường nào: mỗi lần đều bị mẹ tôi gạt đi, gạt phăng một cách cương quyết chớ phải gạt nhè nhẹ đâu? Nghĩ tới mà còn ngán...

Ba tôi, giờ đây không hiểu có phải ông muốn trả thù rửa hận cho tụi tôi không mà giọng ông chắc nịch:

- Tôi nói đừng mua là nên nghe tôi, đừng mua. Người ta không thể trở lại thời xưa được. Thành phố Sài gòn này không thể dùng xe đạp nổi đâu, mợ cãi tôi, mợ ho lao giờ...

- Tôi có đi xe đua đâu mà ho lao? Tôi chỉ đi chầm chậm, gần gần và tôi sẽ chở con Bé đi học ở Gia Long, từ nhà mình đi đến Gia Long có một đường thẳng thôi, anh biết mà...

- Rồi lúc về?

- Thì tôi chịu khó dắt bộ đến Bà Huyện Thanh Quan rồi lên xe đạp thẳng ra Phan Đình Phùng trở về...

- Nhưng không lẽ mợ chỉ đi lui đi tới Gia Long thôi?

- Sao lại Gia Long thôi? Tôi sẽ đi đây đi kia chút chút...

- ... Rồi tới ngã ba, ngã tư mợ lại xuống xe, dắt bộ qua đường phải không? Như hồi mợ chưa sinh con Bé út đó chớ gì? Mợ nên nhớ, hồi đó mà mợ đã phải xuống xe, dắt bộ qua huống là bây giờ, từ đó đến nay bao nhiêu năm, mợ biết không? Hiện giờ con Bé út của mình đã vào Trung Học rồi, mợ phải nhớ điều này.

- Anh đừng ngăn tôi vô ích. Tôi sẽ chở con út tôi đi học bằng xe đạp, tôi được vững bụng hơn.

- Và đi chợ nữa?

- Không, đi chợ thì có xe anh, xe gắn máy của mấy đứa lớn... mà thôi, không bàn cãi lôi thôi, anh thay quần áo chở mẹ con tôi đi chợ tết cái đã, rồi tính sau.

Quay sang hai đứa nhỏ, mẹ tôi nói bằng giọng đắc thắng:

- Các con cứ tin đi: tết này, mẹ con mình sẽ đi chơi bằng xe đạp, không lệ thuộc xăng.

- Ngon lắm! Mẹ sẽ chở tụi con bằng xe đạp, xe đạp sướng lắm!

- Chì quá! Không lệ thuộc xăng? Vậy sao bây giờ mẹ con mợ không đi xe đạp, lệ thuộc xăng làm chi vậy?

- Bây giờ hả? Thôi, khỏi có khích tôi, tôi gọi điện thoại nhờ chị C. hôm thứ ba rồi, để tôi nhắc lại coi.

Và mẹ tôi nhấc ống điện thoại lên quay cho bác C. Chúng tôi chong mắt đứng chung quanh mẹ chờ kết quả, với hai tâm trạng khác nhau: ba đứa lớn thì bực mình còn hai nhỏ thích thú. Sau vài câu qua lại, mẹ tôi la lên:

- Cái gì? Sao lại bốn mươi hai? Mới hôm thứ ba chị nói họ bán có ba chục ngàn mà? Lên giá gì kỳ vậy... à, à... tại sao chị biết không? Tại cha con ông ấy cản hoài, làm sao mua liền?... Trời ơi! Lên giá thật rồi sao? Thật tức mình quá đi... tại cha con ông ấy hết mà!... Thôi, cảm ơn chị, thế nào cũng mua chớ, số tiền sai biệt, tôi sẽ bắt cha con ông ấy bù vào, ai bảo cản tôi chi.


MINH QUÂN     


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 120, ra ngày 1-2-1974)

Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

Mùa Xuân Hoa Nở


Mỗi chiều, vào lúc tan học, có một lũ trẻ thường rủ nhau vào nô đùa trong căn vườn của gã khổng lồ.

Khu vườn rộng rãi và đẹp lắm. Những thảm cỏ xanh mướt trải dài dưới đất như khu vườn được phủ một lượt nhung. Điểm vào tấm thảm xanh đó là những khóm hoa mọc lên rải rác khắp đó đây, mọi màu, và nhiều như sao trên trời. Trong vườn còn có mười hai cây đào. Vào mỗi độ Xuân về, chúng trổ hoa thơm ngát khắp vùng. Những nụ hoa phơn phớt hồng hay trắng ngần phủ kín cành. Đến mùa Thu chúng kết trái, chĩu chịt những quả chín mòng mọng thơm ngon. Chim chóc từ các nơi bay về, đậu trên cành líu lo buông xuống những điệu nhạc vui tươi. Nhiều lúc bọn trẻ phải ngưng cuộc chơi, tất cả đều lắng nghe lũ chim ríu rít trên cành... Chúng thì thầm: "Chúng mình chơi ở đây sung sướng quá".

Nhưng một ngày kia gã khổng lồ đã trở về. Gã đi thăm một người bạn và ở chơi với bạn gã vừa đúng bảy năm. Bảy năm sống với bạn, gã đã nói hết những điều gã muốn nói. Và gã quyết định phải trở về lâu đài của gã.

Về đến nhà, gã trông thấy lũ trẻ đang nô đùa trong vườn. Gã cục cằn quát:

- Chúng mầy phá gì của ông đó, lũ ranh!

Chúng bỏ chạy tán loạn. Gã lầu bầu trong miệng: "Vườn tao là của riêng tao. Không đứa nào được chơi trong đó, trừ tao ra" Rồi lão xây một bức tường cao chung quanh khu vườn. Xong gã treo một tấm bảng lớn "KẺ NÀO XÂM PHẠM SẼ BỊ TRUY TỐ"

Gã là một tên khổng lồ quá ích kỷ. Lũ trẻ đáng thương không có chỗ để chơi nữa. Chúng thử chơi ngoài lộ, nhưng ở đó bẩn quá, lại đầy những đá cứng khiến chúng không chơi được. Học bài xong, chúng thường thơ thẩn bên bờ tường cao vọi. Chúng bảo nhau với giọng luyến tiếc: "Ngày trước chúng ta chơi trong nầy vui biết bao!"

Rồi mùa Xuân đến khắp đất nước. Cây cỏ bắt đầu trổ hoa. Chim muông bắt đầu kéo nhau về miền ấm áp...

Riêng khu vườn của gã Khổng lồ ích kỷ, mùa đông vẫn còn ngự trị. Chim chóc ở đó không buồn ca hát, vì đã vắng lũ trẻ, và cây cỏ u buồn quên cả trổ hoa. Một lần, một bông hoa đẹp ló đầu lên khỏi thảm cỏ, nhưng khi nhìn thấy tấm bảng to, hoa lại buồn rầu thương cho lũ trẻ, và vội vàng chun xuống đất trở lại, đi ngủ.


Kẻ duy nhất vui mừng là Tuyết và Băng Giá. Chúng vui sướng bảo nhau: Mùa Xuân đã quên khu vườn này, chúng ta có thể sống ở đây trọn năm! Tuyết phủ một lớp dầy trên cỏ như tấm áo choàng trắng lớn, Băng Giá ủ trắng xóa trên cây. Rồi chúng mời Gió Bấc về sống với chúng. Ngọn gió rét ẩm ướt đã về. Chúng quanh quẩn và gầm thét suốt ngày trong vườn. Chúng kéo đổ cột ống khói và vài cánh cửa sổ. Chúng có vẻ rất thú vị trong việc đó. Một ngày, chúng bàn nhau: "Ta phải mời Mưa Đá đến nữa mới được!" Và Mưa Đá đến thật! Mỗi ngày chúng tuôn đá xuống hàng mấy giờ liền. Chúng ném lộp độp trên mái ngói tòa lâu đài. Chúng kéo theo xuống tất cả những vẻ lộng lẫy của ngôi nhà. Chúng lăn lóc, xô đẩy nhau chạy khắp vườn. Chúng làm u xám cả khu vườn, hơi lạnh toát ra không kém gì băng giá...

- Ta không hiểu tại sao Xuân đến trễ quá như vậy!

Gã khổng lồ lẩm bẩm. Gã ngồi ở cửa sổ nhìn ra khu vườn trắng xóa giá lạnh ngoài kia. Gã cằn nhằn:

- Lạ quá! Ta hy vọng thời tiết sẽ thay đổi đi chứ!

Nhưng mùa Xuân chẳng bao giờ tới. Ngay đến mùa Hạ cũng chẳng thấy. Ở những khu vườn khác, mùa Thu đã về mang theo những trái chín vàng ối. Còn vườn của Gã Khổng Lồ vẫn chẳng có gì. "Gã này ích kỷ quá". Mùa Thu bảo thế. Và trong vườn gã vẫn là mùa đông rét mướt mãi. Gió Bấc, mưa Đá và Băng tuyết vần vũ quay cuồng trên cây vườn của gã.

Một buổi sáng kia, gã đang nằm thượt trên giường sau một đêm dài lạnh lẽo, bỗng gã ngồi chồm dậy. Gã vừa nghe vài nốt nhạc êm đềm từ đâu vẳng tới. Âm thanh trầm bổng, êm dịu và du dương quá, làm gã mê mẩn lắng nghe. Gã tưởng đoàn nhạc công của Vua đi qua nhà gã...

Nhưng sự thực, phía ngoài cửa sổ kia, một con chim Hồng Tước nhỏ bé đang cao giọng hót. Vì đã quá lâu gã không nghe tiếng chim nào trong vườn, nên gã thấy âm thanh như một bản ca bất hủ mà gã chưa từng được nghe bao giờ trên đời. Gã chợt nhận biết Mưa Đá không còn rơi trên mái ngói nữa. Gió Bấc đã ngưng gào thét ngoài cây... Và một hương thơm ngào ngạt tràn vào cửa sổ tới chỗ gã ngồi.

- "Ta tính là mùa Xuân đã trở về". Gã Khổng lồ nói xong nhảy xuống khỏi vườn và nhìn ra ngoài. Gã trông thấy gì? Một khung cảnh ngoạn mục nhất đang hiện ra trước mắt gã. Lũ trẻ đã bước vào vườn gã do một lỗ hổng ở chân tường, và chúng đang ngồi trên các cành cây. Mỗi cây mà gã trông thấy đều có một trẻ nhỏ trên cành. Cả đám cây hình như cũng vui mừng vì lũ trẻ trở lại, đã trổ hoa che phủ hết cành lá, chúng nhè nhẹ phe phẩy trên đầu lũ trẻ. Đàn chim bay lượn chung quanh ríu rít, hân hoan, và từng đóa hoa lần lượt nhú lên khỏi thảm cỏ xanh và nhoẻn miệng cười...

Nên thơ ngoạn mục quá! Nhưng sao ở góc vườn kia, hình như hãy còn mùa Đông? Đó là một góc xa nhất của khu vườn. Và một cậu bé đang đứng đó, dưới gốc cây. Em thấp quá nên không với được tới cành. Em cứ chạy quanh gốc cây khóc thảm thiết. Thân cây đáng thương còn bị phủ đầy băng tuyết, cơn gió Bấc vẫn còn lay chuyển gầm thét trên đầu...

- "Rán trèo lên đi em bé!"

Thân cây vừa nói vừa cố hết sức mình nghiêng mấy cành cây xuống. Nhưng em bé không thế nào với tới được...

Gã Khổng lồ đứng trong này nhìn thấy, lòng gã bỗng xúc động. Gã thốt lên:

- Trời ơi... Ta đã ích kỷ quá lắm! Đến bây giờ ta mới hiểu tại sao Mùa Xuân đã có thể không tới ở đây với ta. Ta phải đặt Em Bé đáng thương kia lên trên ngọn cây rồi ta sẽ phá hủy ngay bức tường rào, và khu vườn của ta sẽ mãi mãi là nơi nô đùa của trẻ nhỏ!

Gã hối hận về những việc gã đã làm trước đây với lũ trẻ.

Gã bước xuống thang gác và gã nhẹ nhàng mở cánh cổng rồi thận trọng bước ra vườn.

Nhưng lũ trẻ vội vàng bỏ chạy khi trông thấy gã Khổng lồ. Và, mùa Đông lại đến với khu vườn.
Chỉ có Em Bé kia là không chạy trốn, vì mắt Bé đầy lệ nên không trông thấy gã Khổng lồ tiến tới.

Gã bước đến sau lưng Bé và nhẹ nhàng nhấc Bé lên trong tay. Gã đặt Bé lên trên ngọn cây.

Và kỳ diệu thay, cây Đào đột nhiên trổ nụ và nở hoa trắng xóa khắp cây cành. Một vài, rồi từng đàn từng lũ chim kéo về bay nhảy réo rắt vang dội cả khu vườn. Bé dang rộng đôi cánh tay bá ngang cổ gã Khổng lồ mà hôn lên đó...

Đám trẻ kia khi thấy gã không còn hung dữ nữa, đã chạy trở vào. Cùng với những bước chân rộn rịp của bọn trẻ là MÙA XUÂN, Mùa Xuân về tràn trề trong khu vườn của Gã Khổng lồ...


Nguyên tác Anh văn,
"The Selfish Giant" 
của OSCA WILDE 
HÀ TĨNH n.h.t.   


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 14, ra ngày 25-2-1964)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>