Thứ Năm, 15 tháng 2, 2018

Giao Thừa... Em Có Biết?



Con Sáu ngồi bệt xuống vỉa hè, giương đôi mắt ngơ ngác trông ra đường. Đêm đã xuống từ lâu. Những cột đèn chạy dài đem ánh sáng yếu ớt cho khu phố. Nó ngồi đấy không biết tự bao giờ, khi tôi ra cửa sổ ngó xuống thì bắt gặp cái thân thể gầy còm ấy co ro như lạnh giá. Bây giờ gần Tết rồi, ai nấy đều phải vui mừng mới đúng. Từ hăm bốn, hăm lăm, nhiều nhà đã sửa soạn đón xuân. Trải qua mấy ngày, bộ mặt khu phố hoàn toàn đổi mới. Nhà cửa được sơn quét lại đẹp đẽ, đôi khi còn được điểm tô bằng những chậu lan, cây mai hay các loại hoa sặc sỡ. Trẻ con cũng bớt đánh lộn, nghịch bẩn như mọi ngày. Nhiều đứa lấy quần áo mới ra mặc, thay cho chiếc quần thủng đít hay chiếc áo rách tay thường ngày.

Trong khi mọi người rộn ràng như thế, thì lẻ loi, cô độc, con Sáu âm thầm chịu khổ cực. Tôi có cảm tình với con bé chính vì cái bộ mặt dễ thương kia. Sự nghèo khổ không làm gương mặt nó mất đi vẻ thơ ngây.

Một buổi sáng khi đi qua ngôi miếu gần đấy, tôi trông thấy con Sáu. Đôi mắt ướt át đen láy làm tôi chú ý đến nó ngay. Nó ngồi phệt trên hè, bên cạnh, một cái rổ thủng nhiều chỗ, những lá hoa sặc sỡ. Nó đang chơi bán hàng thì phải. Con bé thầm thì nói chuyện một mình. Thỉnh thoảng, nó lại gom lá bỏ vào rổ, rồi lát sau, trút hết lá để cho hoa vào. Nó lẩn quẩn chơi một mình cho đến khi chợt bắt gặp đôi mắt ngạc nhiên của tôi đang nhìn nó chăm chú. Con Sáu ngượng nghịu cười đáng yêu. Nó thu hết lá hoa vào rổ, toan đứng dậy, nhưng một chiếc xe chạy vụt qua làm nước bẩn gần hè bắn tung tóe. Rổ hoa của con Sáu dính đất bùn. Nó mếu máo muốn khóc. Thấy tội nghiệp, tôi lại gần con bé an ủi:

- Thôi em. Mấy thứ này dơ rồi mà.

Nó không nói gì. Tôi tìm cách gợi chuyện:

- Nhà em ở đâu?

Con Sáu lí nhí:

- Dạ, ở kia.

Nó chỉ tay về phía một căn nhà lụp xụp. Căn nhà thật tồi tàn, ước chừng chứa được hai người là cùng. Cửa gỗ độc nhất đóng kín như muốn xua đuổi ánh sáng. Tôi vuốt vai nó:

- Hình như em thích hoa lắm hả?

- Dạ.

- Bao giờ lại nhà chị chơi, tha hồ mà hái. Nhà chị kia kìa.

Con bé nhìn theo hướng tay tôi chỉ. Nó tấm tắc:

- Nhà chị nhiều hoa quá.

- Em mới tới ở đây?

- Dạ.

- Em ở với ai?

- Em ở với bà cô. Nhưng vẫn quen miệng gọi là má.

Tôi thấy ở con Sáu một vẻ gì hồn nhiên, tươi tắn khác thường. Đôi mắt như gợi cảm tình với người ngoài...

Tôi quen với nó từ đấy. Dần dà, còn biết được nhiều điều về con Sáu hơn. Nó sống với bà cô, người trong xóm gọi là bà Tư. Bà đã già, da mặt nhăn nheo, tóc điểm hai mầu. Bán hàng rong là nghề độc nhất của bà. Nghề này kiếm ăn khó khăn nên chả nuôi đủ hai miệng người. Sống chật vật, lại hay đánh cờ bạc, bà đâm ra khó tính hơn người. Thật ít khi thấy con Sáu hớn hở, vui mừng. Nỗi buồn là bạn nó. Chỉ những lúc bà Tư say ngủ hay mải bán hàng, nó mới được thảnh thơi đôi chút. Lúc ấy con Sáu chả biết chơi gì. Có lúc tôi thấy nó lê la nghịch cỏ hàng giờ, miệng líu lo ca những bài hát không tên.

Gánh nước, giặt là hai công việc thường xuyên của con Sáu. Một đứa bé lên sáu tuổi, dại dột như nó làm sao lãnh được nhiệm vụ ấy. Nhiều lúc mệt quá, ngưng làm việc để nghỉ ngơi lại bị bà Tư mắng mỏ, có khi còn đánh đập...

Con Sáu vẫn ngồi đó. Vẻ mặt buồn rười rượi. Ánh đèn lộ làm tôi đoán không sai. Thật xui cho nó! Chắc lại bị đánh đòn. Tôi thấy cần phải xuống với con bé. Lưỡng lự một chút, tôi đi ra cửa. Cửa mở nhẹ nhàng, tôi bước thật nhanh ra ngoài. Bầu trời mát mẻ, không gian dường như nhuốm đen. Con Sáu không hay biết, nó ngồi quay lưng lại.

Gió lạnh thổi thật nhiều. Một đêm ít sao mà trời không đổ mưa. Những đêm như thế này, ngày còn bé, tôi thường nép mình bên bà tôi nghe người kể chuyện cổ tích truyền đời. Sao con Sáu phải chịu lẻ loi, cô độc? Tôi tiến lại gần nó. Con bé giật mình quay ngoắt lại. Nhìn thấy tôi, nó đứng bật dậy:

- A, chị!

Tôi hỏi chiếu lệ:

- Sao em ra đây ngồi làm chi?

Con bé lí nhí:

- Dạ, em bị đánh.

- Sao mà bị đánh?

- Em không đi gánh nước được.

Con bé nấc lên. Lại chuyện gánh nước! Tôi vuốt nhẹ mớ tóc của con Sáu. Một sự nao nao lạ kỳ làm cổ họng tôi tắc nghẹn. Nhỏ như thế này làm sao gánh được nước. Gió khuya đua nhau thổi về. Trước mặt là con đường chạy dài thăm thẳm. Xe cộ nối đuôi nhau, quét ánh đèn chói lóa mắt. Mọi người đi lại đông đảo. Quán nước huyên náo, tiệm ăn chật người. Ở đây, chỉ có tôi với con Sáu. Tôi cảm thấy đơn lạnh quá. 

- Sao em không về đi?

- Em sợ má la.

- À này!

Con Sáu ngạc nhiên:

- Gì chị?

- Tết này chắc em buồn lắm?

- Dạ!

- Em có áo mới, có được lì xì không?

- Dạ đâu có. Đây là bộ quần áo độc nhất của em đó. Còn mừng tuổi thì mấy khi em được. Lại nữa họ hàng em ít lắm. Má em còn bảo... hư như mày thì đừng hòng được gì.

Con Sáu khổ thế mà vẫn âm thầm chịu đựng. Nó không kêu ca, giận dỗi mà chỉ khóc. Một ý nghĩ chợt nảy trong đầu óc tôi: món quà xuân. Phải rồi, tôi sẽ đem cho con Sáu một món quà vào ba mươi, một ngày rất gần với năm mới. Như thế càng làm nó thêm bất ngờ, sung sướng. Những món quà tôi dành cho nó hàng ngày có lẽ không làm con bé thích thú bằng một món quà xuân.

Tôi khẽ hỏi:

- Bây giờ em thích gì nhất?

- Em thích có quần áo mới.

Tôi sẽ cho nó một bộ quần áo. Ý nghĩ ấy làm lòng tôi vui vui. Tôi nắm khẽ tay nó:

- Thôi em về đi. Tối rồi, coi chừng ma bắt à.

Con Sáu vâng lời cất bước. Bóng tối bao trùm ngõ hẻm. Lá cây trên cao reo vang âm thầm. Tôi cũng trở vào nhà.

*

Con Sáu đứng nhìn lũ trẻ chơi "rượt bắt dính chùm". Đôi mắt nó thoáng vẻ thèm muốn, ước ao, một sự ước ao được nhập bọn. Nhưng bọn trẻ vẫn lờ đi, coi như không có nó ở đây. Bọn trẻ không thích chơi với con bé, có đứa lại tỏ vẻ xa lánh nữa. Mỗi lần lỡ va chạm phải con Sáu, miệng lại "sùy", "sùy" như ghê tởm. 

Chính nhiều khi nghĩ đến sự lẻ loi, cô độc của con Sáu, tôi lại càng thương nó. Có hôm tôi rủ nó vào nhà, lấy nồi niêu, bếp đất ra nấu nướng. Trò chơi này con Sáu thích lắm. Nó lăng xăng phụ giúp, miệng liến láu ba hoa. Khi cơm chín, thức ăn được nấu xong và dọn ra bát đĩa đồ chơi, con Sáu ăn uống thật trịnh trọng. Gắp một miếng, nó lại kèm theo một câu khen: nào cơm này dẻo quá, canh này ngon quá. Thấy nó vui mừng, tôi cũng lây cái vui ấy. Con bé sướng lắm thì phải.

Có lần vào vườn hoa, con Sáu xin tôi mấy thứ hoa màu sắc rực rỡ. Lúc được tôi chấp thuận, nó mừng lắm. Nó hứa chăm sóc thật kỹ, cắm vào ống lon đựng nước để gần chỗ ngủ. Nhưng hôm sau, tới nhà tôi chơi, nó buồn thiu bảo rằng bà Tư đã vứt hết mấy cành hoa ấy rồi. Bà bảo giữ bừa nhà, mất công chăm nom. Tôi an ủi con bé vài lời dịu ngọt, nó nhoẻn miệng cười quên đi buồn tủi.

Người trong nhà, từ ba má đến anh chị tôi, ai nấy đều có cảm tình với nó. Con Sáu dễ thương quá. Cảm tình của tôi dành cho nó có lẽ sâu đậm nhất. Tôi không có em, chơi với nó, tôi có cảm tưởng như đang chơi với em mình...

Con Sáu cứ đứng dòm như thế. Mãi một lúc sau, nó mới cả gan lên tiếng:

- Các bồ cho tôi chơi với.

Một con bé cắt tóc Nhật, mặt béo tròn nguýt dài:

- Ai mà chơi với mày.

Dường như ái ngại cho con Sáu, tiếng một đứa:

- Cho nó chơi đi tụi mày.

Con Sáu cũng nói thêm:

- Các bồ cho tôi chơi nhá. Tôi bị cho.

- Ừa! Cho mày chơi đó.

Con Sáu được nhập bọn và phải bị bắt. Nó hấp tấp rượt theo mấy đứa kia. Tiếng reo hò của tụi trẻ, những tấm áo mầu lấp loáng, thoăn thoắt, những đôi chân nhỏ díu vào nhau. Ánh ban mai lồng xuống chiếm trọn ngõ hẻm. Tiếng reo cười của tụi nhỏ vang vang.

Ngay lúc ấy, bà Tư xuất hiện. Mắt bà đỏ ngầu, mớ tóc bà lòa xòa xuống trán. Bà tiến lại gần chỗ bọn trẻ đang nô đùa, cất giọng khàn khàn:

- Con Sáu đâu ra tao biểu.

Bọn trẻ trông thấy bà Tư vừa reo hò vừa bỏ chạy tứ tán. Con Sáu sợ hãi lại gần. Bà Tư nắm chặt tay nó, kéo sền sệt về nhà, miệng quát tháo ầm ĩ:

- Ai cho mày đi chơi hồi nào. Tao đánh mày chết. Gọi mày rát cả cổ mà mày không về hả?

Con Sáu ngơ ngác. Nó không nghe thấy tiếng gọi của bà Tư, cả tôi cũng vậy. Người đàn bà say kéo tay con bé vùn vụt như máy.

*

Hôm nay ba mươi rồi. Một tiếng pháo bâng quơ nổ ngoài ngõ nhiều khi làm tôi thót giật mình. Cỏ hoa ngật ngưỡng theo cơn gió nhẹ như sẵn sàng đón xuân. Trước thềm, chậu mai nở hoa sớm lác đác vàng. Ánh nắng nhạt đổ dài trên hiên, in hình những cột chống, hình bóng linh hoạt của cây lá. Buổi chiều ba mươi thật êm đềm.

- Đi chơi con.

Tiếng ba tôi gọi, tôi chợt nhớ mình sắp đi chơi. Một nỗi vui mừng rộn ràng. Dạ một tiếng nhỏ, tôi đứng dậy theo ba ra cổng. Anh chị tôi đang đợi trước nhà. 

Tôi sực nghĩ đến con Sáu. Giờ này không biết nó đang chơi ở đâu. Càng nghĩ đến con Sáu, tôi càng thương nó. Đứa bé ấy, không ít thì nhiều cũng là niềm vui cho tôi. Những lúc nhà vắng người, bài làm dở, gặp nó tôi như trút được nỗi buồn.

- Gì mà ngây người ra thế kia em?

Tiếng chị tôi hỏi.Tôi ngượng nghịu đỏ mặt:

- Chị chọc em hoài.

Tôi đánh nhẹ vào tay chị rồi theo mọi người ra đường. Tôi vẫn nghĩ đến con Sáu, đến bộ quần áo tôi sắp đem cho nó. Chắc bộ quần áo ấy làm con Sáu vui mừng lắm. Đối với nó, có lẽ là cả một món quà xuân to tát. Tôi muốn làm cho nó vui lên, không coi mùa xuân như những ngày thường, những ngày tăm tối.

Bộ quần áo của tôi vừa mua mầu sắc sặc sỡ gợi cho trẻ con một nỗi thích thú. Khi mua tôi cũng lưỡng lự không biết bộ quần áo có đúng với khổ người con Sáu. Đắn đo mãi, tôi mới chọn được một bộ. Chắc khổ cũng không sai lệch nhiều lắm.

Tôi muốn dành cho nó một sự bất ngờ đến phút chót. Vì thế, đến ba mươi tôi mới tính tặng nó. Dự định của tôi, cả nhà đều không hay trừ một mình chị Kim. Chị vẫn nổi tiếng giữ kín được mọi câu chuyện. Khi hay tôi có ý định ấy, chị còn khen tôi lia lịa. Trước sau gì cả nhà cũng biết, nhưng tôi muốn nhà biết khi đã cho xong con Sáu món quà.

Mải nghĩ ngợi miên man, tôi qua nhà con bé lúc nào. Tôi không thấy nó đâu cả. Có lẽ con bé đã chạy đi chơi rồi. Trong căn nhà tối om đó, một sự đè nén như không cho dạng vui mừng, rộn rã của mùa xuân len lén đến. Khi đi chơi về, tôi sẽ lại nhà nó...

*

Khi tôi choàng tỉnh dậy, màn đêm đã lên rồi. Trong nhà rộn rịp tiếng cười nói. Tôi nhớ mang máng mình đi chơi với nhà, trở về ăn cơm rồi mệt quá ngủ luôn một giấc dài. Mùi hương thoảng đưa đến mũi thơm ngát. Giao thừa chưa tới nhưng tôi cảm thấy hồi hộp đến rộn ràng. Qua cửa sổ, màu trời đen không điểm một vì sao. Thỉnh thoảng, vài gợn gió. Ngoài đường người đi lác đác. Chắc đã có người ở miếu xin quẻ hoặc hái lộc rồi. Nhìn màu trời, bao nhiêu ý tưởng về ma quỷ thuở còn bé lại hiện ra trong trí tôi.Kể ra, ngày còn nhỏ, tôi cũng dễ tin thật. Đã nhát lại ưa nghe chuyện ma. Cơn gió nhẹ kéo dạt mấy khóm cây cao lêu nghêu trong vườn. Một sự im lặng ngoài đường khó diễn tả, chỉ có tiếng guốc nhỏ nhẹ, tiếng cười nói lao xao mơ hồ. Không biết ở nhà tôi, ai đi hái lộc xông đất đây?

Tôi chợt nghĩ đến bộ quần áo... Ức quá! Chỉ vì lúc đi chơi về, tôi quân mang cho con Sáu. Loay hoay nghĩ ngợi, tôi thấy cho nó lúc này chắc còn kịp. Lanh lẹn, tôi quơ vội gói quà, choàng chiếc ruy băng lam vào đầu rồi ra khỏi nhà.

Ra đến cổng, tôi mới thấy mình quả thực táo bạo. Ban đêm, chưa bao giờ tôi lại đơn độc đi trên quãng đường dài như quãng từ nhà mình tới nhà con Sáu. Tôi rảo bước thật nhanh. Gió đêm thổi nhiều, ngửa mặt lên trời, tôi chỉ nhận diện được một mầu đen duy nhất. Có tiếng chim kêu bi ai đâu đây nghe rởn tóc gáy. Ngôi nhà con Sáu đã hiện ra, cô độc bên cạnh miếu. Về mùa mưa, nhất là những đêm mưa to gió lớn, căn nhà run lên bần bật. Đến nơi, tôi dừng lại gõ cửa. Cánh cửa mở, một người đàn bà đầu bù tóc rối hiện ra. Ánh đèn lộ qua cửa soi tỏ, tôi nhận ra bà Tư. Bà ta nhìn tôi lạnh lùng:

- Cô hỏi ai?

- Cháu hỏi em Sáu ạ.

Bà vuốt lại đầu tóc, chậm rãi:

- Nó đi rồi! Đi luôn...

Tôi ngạc nhiên:

- Thưa, nó bỏ nhà đi?

- Không! Tôi tống cổ con nhỏ ấy về ngoại nó rồi. Ở đây nó quấy hoài, khó chịu quá.

Tôi sững sờ đến bần người. Một luồng gió mát tạt vào má làm mớ tóc cắt ngắn dật dờ. Tôi phải nắm chặt tay để đè nén cơn xúc động. Bất ngờ quá!

- Cô hỏi nó làm gì?

- À, cháu muốn hỏi em Sáu cái này nhưng bây giờ thì thôi. Cháu về bác ạ.

Tôi nói luôn một tràng rồi cúi đầu chào bà Tư. Bà nói vài câu xã giao qua quýt rồi trở vào nhà. Ngôi miếu nượp người. Người ta đi hái lộc xin quẻ tấp nập. Có người lững thững trở về, tay cầm những  cành lộc xanh tốt tươi. Chỗ ngôi miếu sáng ngời, lửa từ chiếc lư lên cao ngút nổi bật một màu vàng đỏ.

Tôi bước đi thật nhanh như đuổi theo thời gian càng nhanh càng tốt. Sắp đến giao thừa rồi. Vài tiếng pháo nổ như thúc dục tôi đi mau hơn. Thấm thoát, nhà tôi đã hiện ra qua những lùm cây đen sậm. Tôi đẩy cửa, bước vội vào phòng khách.

Vừa đặt chân, tôi đã giật mình: ba má, anh chị tôi đều tụ tập ở đây. Thấy tôi vào, ba tôi đứng ngay dậy:

- Con đi đâu thế?

Tôi thú thật:

- Con tới nhà con Sáu.

- Tới nhà con Sáu? Mà tới để làm gì?

Ba tôi trố mắt ngạc nhiên. Tôi chưa kịp trả lời, chị Kim đã lên tiếng:

- À! Có phải em tới cho nó quà?

Tôi dạ một tiếng sẽ. Thấy mọi người đều nhìn vào gói quần áo cầm ở tay, tôi đành nói rõ tất cả.

Nghe xong, ai nấy đều ái ngại cho con Sáu, nhất là mẹ tôi. Nhả một làn khói thuốc, ba tôi gật gù:

- Nhưng lỡ về bên ngoại nó còn sướng hơn thì sao? Riêng ba, ba thấy con khá lắm. Đáng khen!

Tiếng má tôi:

- Thì lì xì cho nó nhiều vào!

Mọi người vỗ tay đôm đốp tán đồng ý kiến ấy. Như thoát được ngõ bí, tôi thảnh thơi ra cửa sổ đứng, không để ý đến lời cười nói của mọi người.

Xa xa, lác đác vài người hái lộc muộn trở về thật nhanh. Nhưng không kịp rồi, pháo giao thừa nổ vang. Những đốm xanh đỏ thi nhau vụt ngang lưng trời như tô điểm cho giao thừa thêm phần khởi sắc. Giữa sự rộn ràng, hồi hộp của giờ phút thiêng liêng ấy, tôi bỗng chạnh nghĩ đến một đứa trẻ. Không biết nó có hay giao thừa đã đến, hoặc với nó, vẫn chỉ là những ngày dài trong tủi hờn và nước mắt?


HOÀNG ĐẠI      


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 100, Xuân Kỷ Dậu, ra ngày 1-2-1969)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>