Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2018

Năm Tuất Nói Chuyện Chó


Thấm thoát mà đã đến mùa Xuân mới. Trong 12 con giáp có lẽ năm nay, năm con chó ít được người ta ưa chuộng nhất. Năm con chó! Nghe chả văn vẻ lấy một ly nào hết, lại còn làm mình như ngưa ngứa lỗ tai găn gắt trong cổ, buồn buồn làm sao ấy! Nhưng biết sao được? Đâu phải loài chó chúng tự dưng mà muốn nổi tiếng, muốn xuất đầu lộ diện cho công chúng chiêm ngưỡng, ca ngợi như... ai? Chẳng qua là cổ nhân đã đặt để ra như vậy và người đời họ theo truyền thống cũ truyền thống của đa số các dân tộc đông phương mà theo như vậy đó thôi.

Song gần đây, hình như có sự thay đổi: vẫn giữ theo lề lối cũ, chưa tàn năm cũ, nhà buôn đã chưng lịch mới tràn ra khắp các vỉa hè ; nhưng khác mọi năm, phần đông trên đầu tờ lịch, họ làm như quên rằng năm nay do loài chó đứng tên ; họ không thèm để cả hai chữ: canh tuất chứ đừng nói chi chuyện vẽ hình, tranh loài chó! Thật là một bất công! Nếu tôi nhớ không lầm thì năm rồi Tranh Gà được thiên hạ tranh nhau khai thác, trên bìa lịch, trên bìa báo xuân vô số Gà được ăn trên, ngồi trước một cách rất ngạo nghễ, kiêu hãnh: gà cồ, gà mái, gà giò, gà ấp, gà nòi, gà con, gà mẹ... thậm chí gà đá cũng được đề cao! Trang nhã đơn sơ có, rực rỡ rườm rà có, lòe loẹt diêm dúa có, thực là muôn mầu nghìn vẻ. Ấy thế mà đến năm nay, thiên hạ lờ đi, bỏ rơi loài Chó, không do một nguyên nhân chính đáng nào ngoài có mỗi cái định kiến sai lầm là loài Chó không có gì đáng đề cao, không có gì thanh lịch!

Phải! Đối với loài người thì Gà đáng quí hơn, vì Gà cung cấp cho họ thịt béo, trứng ngon, còn loài Chó chỉ được có tài mọn là giữ nhà! Khốn nỗi, ở trên giải đất chữ S ngày hôm nay, nhất là tại đô thị Sài Gòn này, người ta vất vả quanh năm, vắt mũi đút miệng còn e rằng chưa đủ ăn đây, có đâu hòng nuôi chó? Có gì quí giá đáng kể đâu mà hòng dám toan tính đến chuyện nuôi chó giữ nhà? Nuôi chó giữ nhà? Đó là chuyện thời xưa, đời thái bình thịnh trị kia, bạn ạ!

Tôi thấy có người ghét chó kinh khủng, nhất là loại chó nhập cảng từ ngoại bang, ở trong mấy cái biệt thự rộng thênh thang, xung quanh có vô số bồn hoa bãi cỏ, lối đi thì lát sỏi trắng ngà ; mỗi khi có kẻ ra người vào tiếng giày guốc chạm lên sỏi kêu nghe sào sạo thật khó chịu cái lỗ tai! Mấy người này hình như có tinh thần bài ngoại triệt để, cho rằng chủ mấy ngôi biệt thự kia có lỗi với chó nội hóa: chúng làm sao mà chê chúng? Lại đi mời chó xứ lạ về nuôi cho tốn kém, hao hụt ngân quĩ quốc gia vì chó xứ ngoài kén ăn, bữa nào thiếu thịt thì chê ỷ, chê ôi, chứ không dễ tính như chó xứ mình đó là chưa kể trong lúc này, biết bao nhiêu đồng bào nghèo, mắm rau qua quít, quí hồ đầy bụng, làm gì có thịt? Họ có lý riêng của họ, tôi không muốn phê bình cả hai bên vì tôi muốn giữ đúng vai trò trung lập, không thiên vị bên nào cả.

Thật thà mà nói, tôi không ghét bỏ chi mấy chú chó nhà sang, dù rằng mấy chú cũng lây cái khí thế của chủ nhân, vênh váo ra trò mỗi khi thấy bóng ai thấp thoáng ngoài cổng chính. Không những muốn giữ đúng vai trò trung lập mà tôi còn muốn cho ai nấy cũng biết rằng tôi cũng rất công bình nữa kia, thưa bạn! Và một người công bình, không bao giờ lại đi trút cái giận vu vơ một cách xằng bậy bằng sự lên án chung cả một loài vật đáng yêu, loài chó bao giờ.

Nay, nhân dịp Gà đi, Chó đến, mà Chó lại không được đón tiếp lịch sự, nồng hậu, làm tôi thấy bất bình, nên có vài lời thô thiển biện hộ cho Chó xem sao!

Truy nguyên ra thì từ ngàn xưa, chó đã là bạn của loài người, bạn thân kia đấy. Thôn quê ta không mấy nhà là không có chó. Ban đêm, chó là kẻ gác cửa, giữ nhà đáng tin cẩn ơn bất cứ một người tỉnh ngủ nào.

Thuở nhỏ, tại quê tôi, tôi từng thấy nhiều nhà nghèo quá, cùng quẫn cho đến nỗi họ phải bấm bụng bán chó đi hay đổi gạo ; có người không đến mức khổ thế, song vì nể quí họ hàng em út, cháu chắt chi đó, cho không. Cảnh tượng thật đáng cười... ra nước mắt: con vật được xích kỹ, chủ mới ỳ ạch lôi đi nếu chủ mới là đứa trẻ thì càng khó khăn, vất vả con chó trì lại, kêu ăng ẳng, một mực phản đối cách đối xử bất công hoặc rền rĩ van nài nghe thật não lòng.

Trong lúc đó, trẻ con nhà chủ cũ đứa thì ngồi phệch xuống đất khóc ti tỉ, đứa nằm vạ ngay giữa nhà đòi chó, đứa lại ôm cứng cột nhà, dậm chân thình thình xuống nền đất thó tưởng như có thể làm lủng đất đi, và vừa dậm như thế vừa gào khan cả cổ. Đừng có ai dại dột mà nghĩ rằng mình đủ oai quyền để đàn áp cơn phẫn nộ chính đáng của chúng, dỗ dành cũng vô hiệu, cứ mặc chúng, rồi chúng gào khản, khóc mỏi chúng sẽ nguôi dần.

Không khí trong nhà lặng lẽ, buồn thảm như thế cỡ vài ngày, có khi ba, bốn hay hơn nữa. Rồi thình lình, lũ trẻ reo vui lên vì chó đột nhiên xuất hiện ra nó đã bứt xích trở về người lớn thì thào bàn tán... và không bao lâu cảnh cũ tái diễn, có khi tái diễn đến vài lần!

Có kẻ vô tâm thốt lên một câu đáng ghét:

- Thứ chó ngu! Ở nhà sang không ở...

Bên Trung Hoa không biết trẻ con có thân với chó đến mức đó không mà trong sách vở thơ phú không thấy đả động đến "bạn bốn chân của loài người"? Chắc cái nước rộng lớn và tự hào là có một nền văn minh kỳ cựu đó cũng chê chó bẩn, không đáng kể? Đặc biệt các thi hào Trung Quốc ưa ca tụng chim, bướmnai.

Làm sao họ có thể vô tâm cho đến nỗi không biết rằng ba loài này không được cái hân hạnh đứng chung danh sách trong 12 con Giáp?

Tôi lại có cảm tưởng xấu về các họa sĩ, có lý nào từ thuở bé cho đến trưởng thành họ không từng nhìn đến chó đôi lần? Vậy mà trong các phòng triển lãm tại đô thành đã nhiều năm qua, tôi không được thấy tranh chó trưng bày lấy một bận xem sao. Buồn cười nhất là có nhà danh họa Trung Quốc lại Trung Quốc, thật là ngộ nghĩnh đã triển lãm cả một phòng tranh không, phải nói là một rừng tranh mới đúng phải, nhà danh họa này đã triển lãm cả một rừng tranh chật ních toàn Cọp với cọp, không có đề tài nào xen vô cả. Cọp ngồi, đứng, nằm, ngủ, vươn mình xốc tới, nhe nanh dữ tợn tựa sắp vồ mồi, lim dim mắt trong bóng râm của rừng già, dáng bộ đang suy tư như nhà hiền triết, sóng đôi với tri kỷ xuống thung lũng v.v... thật là đủ tư thế... đủ cả! Chúa sơn lâm không chỉ ngự trị trong rừng xanh mà còn ngự ngay giữa nơi văn minh đô hội! (Tôi cam đoan điều này: tình cờ mà nha danh họa tài hoa kia gặp chúa sơn lâm, chắc chắn trăm phần trăm chúa sơn lâm không vị tình kẻ đã đề cao mình mà buông tha đâu trời xanh ạ! Đừng hòng mua chuộc cảm tình kẻ mạnh làm chi)

Ngoài Cọp ra, Ngựa cũng là con vật quí, các họa sĩ cũng ưa vẽ ngựa, ngựa còn được tạc tượng, được đứng trong đền thờ. Ngựa của Quan Vân Trường, con Xích Thố trong truyện Tam Quốc, được liệt vào hàng ngựa thần kia đấy!

Song được trọng vọng nhất, ta phải kể đến Rồng. Chắc không ai cho là tôi nói ngoa: mỗi năm đến phiên Rồng ra mắt thì, ôi thôi! Rồng được in tràn trên bìa lịch, trên các báo xuân, to có, nhỏ có, đủ mầu ; hình này Rồng đang bay giữa không trung, hình kia Rồng lẫn vào trong mây hết một nửa, Rồng đang uốn lượn nhởn nhơ, Rồng giận dữ gây giông tố, gió mưa, sấm sét...

Ngay những khi không đúng vào lúc Rồng xuất đầu lộ diện, chường mặt với đời, thiên hạ vẫn mượn uy danh Rồng để chỉ đến, nhắc nhở đến cái gì vĩ đại, phi thường, tốt đẹp nhất: mạnh như Rồng, nét chữ tợ Rồng bay, Rồng mây gặp hội v.v... Đặc biệt hơn nữa, Rồng còn được lôi tuột ra để kề cận bên đức vua hơi hướm của vua lẫn lộn với Rồng khó mà phân biệt sân chầu thì gọi là sân Rồng, thuyền vua dùng thì gọi là thuyền Rồng, mặt vua thì kêu là mặt Rồng (long nhan). Vua váng đầu sổ mũi, cần vời đến quan ngự y ư? Ấy là mình Rồng không yên (long thể bất an).

Đền đài, lăng tẩm, miếu mạo, chùa chiền không nơi nào thiếu hình ảnh Rồng ngự trị: Rồng quấn quanh cột trụ, uốn khúc ngoài cửa tam quan, ngự ngay trên bệ thờ, chầu bốn góc sân, nằm dọc theo mái ngói. Bảo tàng viện mà thiếu bóng Rồng ư? Coi còn ra cái thể thống gì? Trên mão, trên áo, trên hia các nhà quí tộc, đại thần và đức vua cũng có thêu hình Rồng. Có Rồng, sự tôn nghiêm chừng như được tăng kích thước? Thậm chí chén bát mà có vẽ Rồng cũng quí hơn vẽ hoa, bướm, cỏ, cây!

Tôi có bà chị họ, mỗi bận khách đến nhà là một lần chị dài lời gọi gia nhân bằng giọng trang trọng:

- Pha nước, bay! Lấy bộ tách con Rồng ấy...

Và khi có khách dùng bữa, giọng chị trang trọng hơn chút nữa:

- Soạn sẵn mấy cái tô con Rồng để múc xúp nghe?

Tô con Rồng (là một thứ vật dụng có tính cách quí phái Á Đông) dùng đựng "xúp" là món thực phẩm thuộc về loài canh (của tây phương) thật là Á Âu hỗn hợp, bạn thấy không? Một người như vậy, không trách chi đã thâm niên công vụ trong một cơ sở mang cái tên bằng ba thứ tiếng Anh Việt Pháp là phải!

Nhưng chị này vẫn thua cô em gái tôi, cô lúc nào cũng nhắc nhở cho tôi biết rằng cô có tinh thần khoa học, vậy mà lại méo mó cho đến nỗi mỗi khi tôi nói:

- Rồng chỉ là con vật do tưởng tượng mà thôi.

Tức thì cô hùng hổ phản đối ngay. Lúc nào cô em tôi cũng có cái mặc cảm tự tôn kỳ quặc, cho là mình cao hơn một số người khác. nguyên do chỉ vì cô... mang tuổi con Rồng! Thỉnh thoảng, cô bảo tôi:

- Kỳ ghê chị ạ! Tuổi Rồng như em mà lại vất vả hoài, không nhàn nhã lấy đôi chút xem sao! Trong lúc đó, con bạn cùng sở với em lúc nào cũng ung dung...

- Cô ấy tuổi Rồng hẳn?

Tôi ngắt lời em tôi. Em tôi trừng mắt:

- Phải tuổi Rồng thì em còn nói làm gì? Nó tuổi con... heo chớ!

Giọng em tôi đã hết văn vẻ, nó lộ nguyên hình là một người bình dân miền Nam mỗi khi cáu kỉnh. Nếu thường thì nó đã uốn lưỡi mà rằng: con lợn chứ cho ra người chữ nghĩa. Tôi cười sặc sụa vì cái nhận xét trên. Tiếng cười của tôi làm em tôi phật ý, cô gặng:

- Chị cười cái gì? Có gì vui đâu? Cười gì em?

Tôi phỉnh nó một câu:

- Không, chị không cười em, chị cười cô bạn con heo kia! Nhưng em cũng không nên suy bì làm chi. Con heo nó sung sướng nhàn nhã là phải, vậy chớ người ta có dùng heo trong việc coi nhà được đâu? Mục đích chỉ là chờ cho lớn mập rồi ăn thịt mà! Em ưng cuộc đời kết thúc cách đó sao?

Ủa, chết chửa! Tôi lan man ngoài đề chi vậy kìa, tôi chỉ muốn biện hộ cho chó mà sao dài dòng chuyện khác? Tôi xin trở lại: người mình mỗi lần muốn tỏ ý khinh miệt ai, mắng nhiếc ai vẫn dùng cái câu cửa miệng:

- Ngu như chó!

Hay:

- Đồ thứ chó!

Song sự thật chó có ngu đâu? Nó là con vật trung thành và thông minh bậc nhất so với các gia súc khác. Hay là ta chịu ảnh hưởng người Tàu? Chứ tây phương họ công bình với chó hơn: Chúng được đi xe hơi, nằm trên nệm, ăn bằng dĩa, thực đơn không khác chi người dĩ nhiên đó là chó nhà sang Chó nhà sang bên ấy làm người nghèo bên ấy tủi thân hơn xứ ta nhiều. Các tiểu thư chó được chủ đưa đến mỹ viện cắt xén, sửa sang bộ lông mỗi tuần cho thêm mỹ miều, xinh đẹp không khác chi các tiều thư người săn sóc đầu tóc và sắc đẹp!

Trên màn ảnh, có khi chó là vai chính trong một phim mầu được rất đông khán giả yêu chuộng, say mê. Khỏi nhắc đến loại chó săn, tài ba không kém chi người!

Trở về xứ ta, Cao Bá Quát, trong khi ngồi dạy học ở phủ Quốc Oai đã mang chó vào bồ chữ của ông "Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái" Phải chăng ông là vị nho sĩ thứ nhất làm cách mạng văn thơ trước khi hành động?

Thời tiền chiến cũng có đôi nhà văn đưa chó vào tác phẩm, đưa vào và nói đến bằng giọng thương yêu, trong niềm thông cảm chứ không phải bằng giọng mai mỉa làm chó tủi thân như kiểu ông Nguyễn Vỹ: "Nhà văn An nam khổ như chó" đâu, bạn ạ!

Nhưng mà thôi, nói chi chuyện xa xôi hay xưa cũ, ngay trong Tủ Sách Tuổi Hoa của chúng ta đây, ấn hành trên dưới hai chục cuốn, thì trong số đó Chó có hân hạnh chiếm ngự trên ba cuốn rồi. Có khi, chó là vai chính, ra, vào, lên, xuống, trò chuyện, tâm tình cùng độc giả như "Đường Vào Hang Cọp" của Hà Châu, có khi là vai phụ song có những hành động can đảm đáng khen như con Vện trong "Con Tàu Bí Mật" của Nguyễn Trường Sơn ; lại có lúc không được nhắc nhở nhiều, song cũng gây sự chú ý cho độc giả: mấy con chó có lông mướt như được tẩm dầu, hách xì xằng với người nghèo... giống chủ, hay ốm đói còm nhom đến nỗi thấy người lạ không đủ sức vồ lên làm dữ khi nhân vật chính của truyện "Máu Đào Nước Lã" đi ngang!

Tôi sợ mang tiếng là bép xép, nhưng có bất công không, nếu không kể đến con Bốp phi thường sắp ra mắt quí bạn trên Tuổi Hoa kể từ số Xuân năm nay trong thiên truyện phiêu lưu "Ngục Thất Giữa Rừng Già"? Mà thôi, kể ra e quá sớm, hãy để các bạn từ từ thưởng thức, thú vị hơn.

Tuy nhiên, bài thơ "Bán Chó, Dặn Chó" dưới đây mới thật là một bài thơ đặc sắc và nếu loài chó có văn tự, có lịch sử thì bài này rất đáng được mang tàng trữ vào Viện Bảo Tàng (bên ngoài không quên có Rồng canh gác), sau khi phổ biến khắp nơi để giòng họ nhà Chó ghi tâm khắc cốt. Ui chao! Bài thơ của ai? Dài ngắn thế nào? Hình thức ra sao? Có gì bên trong mà ca ngợi ghê gớm vậy? (các bạn vội vàng hỏi).

Xin thưa rõ, tôi không bao giờ dám nói ngoa, và cách tốt nhất làm vừa lòng các bạn độc giả là ghi trọn lên dây để các bạn cùng thưởng thức với cái hy vọng các bạn cũng cảm nghĩ như tôi. Tôi không e ngại chút nào vì bài thơ ấy không phải của tôi, cái gì không phải của mình, mình có quyền khen nếu thấy hay, nhất là mình chưa hề được quen biết, chưa thấy mặt mũi tác giả ra sao, nên càng... yên chí.

BÁN CHÓ, DẶN CHÓ

Nhà tao trộm chẳng thèm vào
Nuôi mày, cắn trộm, tao nào có vui?
Để mày đói, tội với giời,
Cơm tao, tao phải để nuôi người nhà

Trông mày xương bọc lần da
"Chó gầy hổ mặt" người ta rông quàng.
Dù bông, dù đốm, dù khoang,
Đã thân chó ghẻ cũng xoàng, chó ơi!

Nhà tao không vú, không bồi,
Tắm thời đã ít, dắt chơi không rồi,
Gần người, người đuổi vì hôi,
Còn ai dám để đứng ngồi ở bên?

Có mày tao chịu thêm hèn,
Nhà sang, chó mực lông đen mực tầu.
Mày thì xám bụng, xoăn râu
Thay lông, sao bấy nhiêu lâu không dài?

Bán mày tao cũng ngậm ngùi
Vì mày xấu xí còn ai nuôi mày?
Thân mày hổ tiếng con cầy
Đến khi gần chết còn đầy đọa sao?

Nhưng mày xét chút tình tao
Mày hiểu các món thu vào, tiêu ra.
Đồng bạc giấy, gió thổi qua
Mỏng manh nó chẳng ở nhà ta lâu!

Chắc mày thấu nỗi nông sâu
Hay mày là chó biết đâu nỗi này!
Người còn đang thiếu ăn đây,
Nhiều hôm vì thiếu để mày liếm quanh.

Tao đành ngoảnh mặt làm thinh...
Thôi! Mày đành để người khênh ngược mày.
Chó ơi, hóa kiếp là hay
Làm con chim phượng mà bay tung trời!

Cũng đừng cầu cạnh làm người
Thương, lo, sầu, tủi một đời ích chi!
Lại còn học thói sân si
Tranh nhau từng miếng khác gì chó đâu?

*

Chó nghe chủ bấy nhiêu câu
Lọt tai, chó cũng gượng sầu làm tươi,
Vẫy đuôi nhìn chủ ngùi ngùi...

Đằng Liễn

Ngày tết ngày nhất mà bài thơ đọc nghe thảm quá, khốn nỗi, tôi đâu dám múa rìu qua mắt thợ, sửa lại cho thơ có vẻ vui hơn? Và nghĩ rằng để chuộc lỗi với các bạn độc giả Tuổi Hoa, tôi cố gắng làm mấy câu thơ tạ tội:

Rằng hay thì quả có hay,
Đọc lên nghe não lòng người quá thôi!
Ước mong các bạn của tôi
Đừng ai lâm cảnh của người trong thơ!

Bênh vực cho chó như thế kể cũng tận tình. Song nếu có ai đặt câu hỏi:

- Như thế chắc nhà chị ít nhất cũng có nuôi vài con chó? Chị cảm tình với chó quá mà?

Thì câu trả lời thật thà, dứt khoát của tôi đây:

- Không! Không một mống! Thì giờ đâu săn sóc chúng? Không có thì giờ săn sóc lũ con đây...


MINH QUÂN    


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 122, Xuân Canh Tuất, ra ngày 15-1 và 1-2-1970)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>