Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

Ngọn Cờ Núi Lam


NHÂN VẬT :

LÊ LỢI : Áo lụa đỏ, quần đen thắt lưng xanh, giầy đen.

NGUYỄN TRÃI : Áo the đen, quần trắng, đi hài đen, cầm quạt lông.

TRỊNH KHẢ :

LÊ VĂN LINH : Áo võ sinh nâu hay đen, thắt lưng xanh, đỏ, tím, đeo kiếm.

TRẦN NGUYÊN HÃN :

BÔ LÃO : Chít khăn đen, quần trắng, áo thụng xanh, râu bạc, chống gậy.

2 LÍNH : Chít khăn, áo thường dân nâu, chân quấn xà cạp, cầm dáo.


Cảnh Đại Sảnh Đường của LÊ LỢI ở Chí Linh. Trên tường giữa treo 1 ngọn cờ vuông, trên có 4 chữ ĐẠI THIÊN HÀNH HÓA, bên trái là một thanh trường kiếm, bên phải là 1 bộ cung tên. Góc nhà bên trái đặt 1 cái đôn gỗ, trên đặt 1 vạc chạm trổ đựng dầu, bấc đang cháy leo lét. Góc bên phải là 1 bộ bát bửu kê chếch, trên đặt gươm, đao, kích, thương v.v...

Giữa sân khấu là một bàn dài trên phủ khăn gấm. Sau bàn là một chiếc ghế bành phủ da cọp. Phía trước bàn có 2 hàng ghế mỗi bên 2 chiếc. Lùi ra sát sân khấu, phía bên trái có một cái giá lớn, trên gắn bản đồ hành quân ghi các vị trí chiến lược trong mặt trận kháng chiến chống quân Minh.

Mở màn LÊ LỢI đang ngồi ở bàn xem xét giấy má. Xa xa tiếng trống điểm sang canh. Một lát, một lính hầu bước vào.


LỚP I
Lính hầu I LÊ LỢI

LÍNH HẦU I: Khải trình Đại Vương đã quá giờ Ngự thiện. Xin Đại Vương rời gót nghỉ ngơi...

LÊ LỢI: Đã qua giờ gì rồi?

LÍNH HẦU I: Khải trình Đại Vương, đã quá giờ Dậu...

LÊ LỢI: (Bồn chồn) Quái nhỉ. Đã sang Dậu rồi, sao chư tướng chưa tề tựu?

LÍNH HẦU I: Khải trình Đại Vương chư tướng đã tới đủ. Nhưng Hàn Lâm Thừa Chỉ Đại Học Sĩ chưa để cho vào vì Đại Vương chưa ngự thiện.

LÊ LỢI: Không ăn uống gì hết cả, truyền chư tướng vô đây.

(NGUYỄN TRÃI bước vào theo sau là LÍNH HẦU 2 bưng một khay vuông đồ ăn)

LỚP II
Thêm Nguyễn Trãi và Lính Hầu II

NGUYỄN TRÃI: (phe phẩy quạt lông) Đại Vương hao tổn sức lực nhiều quá không nên. Sự nghiệp kháng Minh còn lâu dài, không thể vì nỗi lo âu mà bỏ ăn, bỏ ngủ được. Bay đâu, đem rượu thịt để lên bàn, Đại Vương ngự thiện rồi sẽ bàn tính công việc sau.

LÊ LỢI: (Tiến lại mâm cơm ngắm rồi giật giọng) Thừa Chỉ Học Sĩ. Sao người dám trái lệnh ta! Ai cho thịnh soạn thế này? Ta đã hứa cùng ba quân chia xẻ đói no, nằm gai nếm mật...

NGUYỄN TRÃI: Trình Đại Vương, tấm lòng son sắt của Đại Vương, thần không bao giờ quên lãng. Nhưng xin Đại Vương bớt giận, đấy là theo lời khuyến cáo của Trần ngự y, nếu Đại Vương cứ tiếp tục ăn củ mài để chia xẻ gian khổ với ba quân thì chỉ một thời gian ngắn nữa, ba quân sẽ còn lo lắng hơn bởi vì long thể sẽ bất an. Phàm lo đại sự, thì không nên chấp nê những cái tiểu tiết. Lòng thương yêu  binh sĩ của Đại Vương thế nào, ba quân cũng đã thấy sáng vằng vặc rồi... hà tất...

LÊ LỢI: Ông nói thế không được! Ta đã hứa chia xẻ gian khổ với ba quân thì bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào cũng thế mà thôi. Vả cái khó khăn mới như vậy, có chi đáng kể so với cuộc kháng chiến trường kỳ mà toàn thể quân dân phải chịu đựng. Thôi ta cám ơn tấm lòng của Đại Học Sĩ. Nhưng truyền cho dẹp ngay đi và nhớ lần sau đừng tái diễn cảnh này...

(Hai lính hầu bưng khay ra)


LỚP III:
LÊ LỢI, NGUYỄN TRÃI.

LÊ LỢI: Chư Tướng đến đủ chưa?

NGUYỄN TRÃI: Khải trình Đại Vương đủ cả, Trần, Lê, Trịnh tướng quân đều đã có mặt.

LÊ LỢI: Mời cả vào họp!

NGUYỄN TRÃI: (Giơ tay) Khoan đã, xin Đại Vương cho thần nói riêng trước ít lời. Tin tức mới nhất vừa cho hay Lê Thạch đã từ trần ở Ba Lậm.

LÊ LỢI: (Dậm chân) Thôi, thế thì trời hại thêm ta rồi! (nghiến răng). Khá giận thay quân phản phúc, từ nay ta hết còn tin cậy ở viện binh Lào quốc nữa.

NGUYỄN TRÃI: Bẩm chính như vậy. Sự đời, thiên hạ chỉ phù thịnh chứ ít phù suy. Như thế ta càng rảnh để tự lo liệu lấy đại sự cho mình. Chỉ tiếc Lê Tướng Quân đã ngã ngựa bởi những mũi tên ám toán hèn nhát...

LÊ LỢI: Truyền binh sĩ để tang ba ngày tưởng nhớ Lê Tráng Sĩ. Truyền ban sắc phong Lê Tráng Sĩ làm Kiêu Dũng Phục Quốc Đại Tướng Quân.

NGUYỄN TRÃI: - Xin vâng lệnh.

LÊ LỢI: (đi lại trầm ngâm một lát). Tâm trạng ba quân ra sao?

NGUYỄN TRÃI: Khải trình Đại Vương, sau trận thất bại ở Ba Lậm, tinh thần ba quân rất sa sút. Lại nghe tin cấp báo địch ùn ùn tăng viện ở đồn Khôi Sách sửa soạn một mặt trận tấn công mới, nên sự hoang mang giao động càng thêm mức độ trầm trọng.

LÊ LỢI: (Phất tay) Truyền chư tướng vào họp bàn phương cách đối phó.


LỚP IV:
Thêm Lê văn Linh, Trịnh Khả, Trần Nguyên Hãn.

CHƯ TƯỚNG: Đại Vương vạn tuế... vạn vạn tuế.

LÊ LỢI: Chư tướng ăn vị. (Mỗi người về chỗ ngồi). Tình hình quân quốc đại sự mỗi ngày một thêm nghiêm trọng. Sở dĩ có cuộc gặp gỡ hôm nay là để chư tướng trình bày cặn kẽ tình hình và đưa ra các biện pháp đề nghị đối phó. Lê Tướng Quân! Tình hình lương thực khí giới ra sao?

LÊ VĂN LINH: Khải trình Đại Vương, tình hình rất nguy khốn. Lương thực dự trữ không còn đầy ba vạn hộc, biện pháp đào củ mài ăn thay cơm chỉ kéo dài được trong thời gian ngắn. Trong hàng ngũ ba quân, đã thấy xuất hiện chứng bệnh phù thủng vì thiếu gạo. Bởi vậy, thần e rằng đã đến l1uc phải mở kho lương dự trữ...

LÊ LỢI: (Đập bàn) Không được! Sự nghiệp kháng chiến còn lâu dài, nếu mới chỉ gian khổ có vậy mà đã thoái chí thì làm sao hy vọng có vinh quang. Lương dự trữ còn cần phải gấp trăm ngàn lần hơn nữa, để sửa soạn cho ngày Tổng phản công. Chẳng những thế, kế hoạch tiết kiệm của Thừa Chỉ Đại Học Sĩ bắt buộc vẫn phải thi hành.

LÊ VĂN LINH: Trình Đại Vương thần e rằng Thừa Chỉ Đại Học Sĩ không ra đến ngoài, không nhìn thấy hoàn cảnh thực tế...

NGUYỄN TRÃI: (Phe phẩy quạt lông, cười mỉm). Hoàn cảnh thực tế... Hừ... Hoàn cảnh thực tế ra sao, xin tướng quân cho biết.

LÊ VĂN LINH: Ngài ra lệnh thì dễ, nhưng bắt tay vào thi hành mới thấy muôn ngàn khó khăn, trở ngại. Binh sĩ cơm không có mà ăn, làm sao mỗi đơn vị có thể tiết kiệm để chuyển về kho lương một ngàn hộc cứ mỗi tuần trăng theo lệnh của ngài...

NGUYỄN TRÃI: Tướng quân nên nhớ trận giặc mà chúng ta theo đuổi, không phải chỉ có một công tác trọng đại là giết giặc Minh, nhưng phải là muôn mặt. Lo giết giặc Minh mà không lo sản xuất, không lo kinh tế, không lo nâng cao tinh thần binh sĩ, không lo thu phục lòng dân, thì trọn đời không bao giờ ta có thể tiêu diệt xâm lăng được.

LÊ VĂN LINH: Tinh thần binh sĩ! Đúng lắm, nhưng trong tình thế này, nếu không giải quyết được lương thực thì không có cách gì giữ vững được họ cả. Có thực mới vực được đạo, câu nói nôm na ấy vậy mà đúng. Nay bắt họ nhịn đói ăn củ mài, vì yêu nước, họ gắng chịu! Nhưng họ lấy đâu ra lương thực để cung ứng cho kho tiết kiệm theo lệnh của ngài.

NGUYỄN TRÃI: Dân chúng! Vận động dân chúng để thu hút lương thực.

TRỊNH KHẢI: (chen vào) Tôi đồng ý là dân chúng có khả năng sản xuất ra lúa gạo. Nhưng ích gì đâu. Bây giờ ta đang rơi vào vòng lẩn quẩn. Vì thiếu gạo, nên dấu hiệu bất thường trong hàng ngũ binh sĩ đã xuất hiện. Nhiều đơn vị đã buông lỏng để binh sĩ lấy càn hoa màu của thường dân... Lòng dân vì thế càng xa cách...

LÊ LỢI: (đập bàn) Ở đâu vậy? Nơi nào mà càn rỡ vậy? Chém! Những quân nhân như vậy phải chém mới giữ được kỷ cương.

TRẦN NGUYÊN HÃN: Khải trình Đại Vương, tình hình nguy khốn lắm, nếu làm mạnh, chém mạnh, binh sĩ tất sẽ xôn xao, bởi tình trạng lén lút xâm phạm hoa màu của dân chúng không phải chỉ là một số ít. Theo phúc trình của các địa phương thì không ngày nào là không xảy ra một vụ khiếu nại, nếu chém phải chém cả ngàn người...

LÊ LỢI: Chém một ngàn người chớ chém một vạn người, ta cũng chém! Quân cần ít mà chọn lọc chứ không cần đông mà ô hợp. Nghe chưa!

MỘT TRONG BA TƯỚNG: (đứng dậy) Cúi xin Đại Vương xét kỹ tình hình. Việc chém đầu rất dễ nhưng không phải là biện pháp giải quyết đến tận cùng của gốc rễ.

LÊ LỢI: (đứng bật dậy, đi đi lại lại, bực tức).

NGUYỄN TRÃI: (Phe phẩy quạt lông, tiến lại bản đồ ngắm nghía, trầm ngâm rồi một lát) Lệnh của Đại Vương ban ra là đúng. Phàm cầm quân, mà để quân dưới trướng làm bậy là mầm suy tàn lực lượng nằm ở chỗ đó. Tôi muốn xin chém 100 cái đầu để làm gương!

LÊ VĂN LINH: (Đập bàn) Chém đầu lính mà không thấy khó khăn của lính thì thà chém đầu tôi trước còn hơn.

CHƯ TƯỚNG: (Đứng dậy) Tôi cũng vậy, tôi cũng vậy...

NGUYỄN TRÃI: Ai bảo chư tướng quân rằng tôi không thấy cái khó khăn của lính. Họ làm càn vì họ đói. Nhưng lính mà đói chỉ làm càn là thứ lính không được chỉ huy một cách nghiêm chỉnh, không được dạy dỗ đến nơi đến chốn (dằn giọng) Lỗi đầu tiên là ở các ông!...

TRẦN NGUYÊN HÃN: Tiên sinh trách chúng tôi như vậy thì tiên sinh hãy cho chúng tôi một lời chỉ giáo. Chúng tôi phải làm gì và làm thế nào trong khi tình cảnh đơn vị hết sức là bi đát.

NGUYỄN TRÃI: Phàm là cấp chỉ huy, nắm vận mạng của hàng ngàn binh sĩ, không thể ta chỉ có một cái nhìn vào cái khó khăn của mỗi một phía. Chư tướng quân lo lắng cái khó khăn này mà bỏ rơi những cái khó khăn khác là chưa đạt được tới nghệ thuật chỉ huy. Bởi thế, trước khó khăn nào cũng cần phải có biện pháp giải quyết. Tôi xin hỏi việc binh sĩ làm càn có phương hại đến Đại Nghĩa hay không? (im lặng). Vậy tôi xin chém đầu một số làm gương là để ngăn chặn sự sụp đổ của ngọn cờ ĐẠI THIÊN HÀNH HÓA mà chúng ta đã tốn bao xương máu để gây dựng thanh danh.

TRỊNH KHẢI: Nhưng chém đầu trong tình trạng thiếu thốn này sẽ còn phải chém mãi... chém hoài... rồi lấy quân đâu mà đánh giặc!

NGUYỄN TRÃI: Thì đấy mới là biện pháp để giải quyết cho cái khó khăn thứ nhất. Kể từ nay, tôi muốn rằng dù trong hoàn cảnh đói khổ thế nào, người binh sĩ cũng phải giữ gìn tác phong để thu phục lòng tin cậy của dân chúng.

LÊ VĂN LINH: Còn cái khó khăn thứ hai? Cái khó khăn trọng đại bắt nguồn cho những khó khăn khác...

NGUYỄN TRÃI: Tướng quân muốn nói đến vấn đề lương thực thiếu thốn phải không?

LÊ VĂN LINH: Chính phải!

NGUYỄN TRÃI: Thì nhân dân đã có, nhân dân đã sản xuất, thay vì lấy càn của mọi người, tại sao ta không đặt vấn đề làm cho nhân dân tự nguyện đóng góp. Trong cuộc kháng chiến này, nếu không có sự đóng góp công lao, xương máu của toàn dân thì không bao giờ ta có thể thành công được.

TRẦN NGUYÊN HÃN: Nói thì dễ, nhưng làm mới khó. Làm thế nào cho nhân dân tự nguyện đóng góp. Sự thất bại liên tục của ta từ ngày phất cờ Đại Nghĩa đã khiến cho khí thế LAM SƠN bị lu mờ!

NGUYỄN TRÃI: Lu mờ!... Lu mờ không có nghĩa là tuyệt vọng. Bởi luôn luôn ta có chính nghĩa. Phát huy được chính nghĩa là chiến thắng được lòng dân. Có được lòng dân thì không khó khăn nào ta không vượt qua được.

LÊ VĂN LINH: Tiên sinh nói thì đúng lắm, nhưng làm thế nào lấy được lòng dân đây...

NGUYỄN TRÃI: (Mỉm cười bí hiểm nhìn Lê Lợi)

LÊ LỢI: Điều đó Hàn Lâm Thừa Chỉ Đại Học Sĩ đã lo lắng từ lâu và đã có kế hoạch thực hiện. Chư tướng quân hãy ráng chờ kết quả...


LỚP V
Thêm lính hầu I

LÍNH HẦU I: Khải trình Đại Vương có một Bô Lão ở tận trấn Phú Liệt đòi xin vào yết kiến!

LÊ LỢI: (đưa mắt nhìn Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi khẽ gật đầu) Truyền cho vào.

(Lính hầu I ra)


LỚP VI
Bớt lính, thêm Bô Lão

BÔ LÃO: (Phủ phục) Thánh Thượng vạn tuế! Vạn vạn tuế!...


LÊ LỢI: Xin mời Lão ông an tọa, và đừng xử sự theo lễ nghi tiếp kiến Thiên Tử ta... ta mới chỉ là Bình Định Vương.

BÔ LÃO: Muôn tâu Thánh Thượng thần đã thấy trước ý trời. Trước sau gì thánh thượng cũng lên Ngôi Cửu Ngũ.

LÊ LỢI: Lão căn cứ vào đâu mà nói như vậy?

BÔ LÃO: (Mở túi đeo vai) Muôn tâu Thánh Thượng, thần đã đi qua một giải đường từ Trấn Thượng Hồng về tới Chí Linh, hiện nay không đâu là dân chúng không xôn xao vì tin đồn Thiên Tử xuất hiện. Bằng cớ là đây. (hai tay dâng lên một chiếc lá lớn).

NGUYỄN TRÃI: Ủa! Chiếc lá này có chi lạ?


BÔ LÃO: Sao không lạ? Tiên sinh thử nhìn coi, đọc kỹ coi. Bình sinh lão đây sống trọn 80 năm mà chưa bao giờ trông thấy hiện tượng kỳ dị như thế này. Trải khắp 4 đạo, 15 trấn, từ Thái Nguyên xuống Thiên Trường, từ Tam Giang qua đến Hạ Hồng, Thượng Sách không nơi nào là không thấy lá rụng đầy khe, ngập suối. Mà chiếc nào cũng hiện rõ 4 câu rành rành "LÊ LỢI VI QUÂN, NGUYỄN TRÃI VI THẦN". Vậy đấy có phải là do ý trời đã định vậy hay không?

NGUYỄN TRÃI: (Đón xem, rồi lẩm bẩm) Kỳ dị! Thực là kỳ dị!

LÊ LỢI: Đưa ta coi!

NGUYỄN TRÃI: (Kính cẩn dâng lên)

LÊ LỢI: (Ngắm nghía, lật qua lật lại) Hừ! Kỳ dị... thực là kỳ dị (đưa cho NGUYỄN TRÃI). Hàn Lâm Thừa Chỉ Đại Học Sĩ nghĩ sao?

NGUYỄN TRÃI: (Quỳ xuống) Muôn tâu Thánh Thượng, thật không còn nghi ngờ gì nữa, xin Thánh Thượng hãy thuận theo ý trời lên ngôi Cửu Ngũ để chăm dắt trăm họ ra khỏi ách lầm than, nô lệ...

LÊ LỢI: (Xua tay, lùi lại) Chớ hiểu lầm ý ta. Bình sinh ta cầm quân dựng cờ khởi nghĩa, ấy chỉ vì muôn dân đang rên xiết dưới gót giày tàn bạo của ngoại bang. Đừng buộc ta sánh ngang hàng với phường ham danh, chuộng lợi...

BÔ LÃO: (Quỳ xuống) Lòng Thánh Thượng như sao băng, chí anh hùng ngất cao như núi, oai danh của Thánh thượng đã vượt khỏi non Lam, bao trùm khắp tứ dân thiên hạ. Nếu Thánh Thượng có lên ngôi Cửu Ngũ ấy cũng chỉ vì vâng mệnh trời mà chăm dắt trăm họ.

CHƯ TƯỚNG: (Quỳ xuống) Xin Thánh Thượng hãy nghĩ đến lê dân đang khổ ải mà nhận lãnh trách nhiệm do ý trời đã định.

LÊ LỢI: (Xua tay) Xin chư vị hãy đứng dậy. Nếu chu vị có yêu thương LỢI này thì đừng dồn LỢI Này vào cái thế của phường nhỏ mọn. Trước anh linh tiên liệt, LỢI này xin thề nếu không hoàn tất được sự nghiệp kháng Minh thì quyết không bao giờ nghĩ đến việc lên ngôi trị vì trăm họ. Ý ta đã quyết, xin đừng ép buộc... Bây giờ công cuộc đại sự còn bộn bề, chư tướng quân và lão ông hãy lùi về yên nghỉ để ta còn bàn việc quân cơ với Thừa Chỉ Đại Học Sĩ.

(Chư tướng, bô lão vái chào rồi đi giật lùi trở ra)


LỚP VII
NGUYỄN TRÃI - LÊ LỢI

LÊ LỢI: (Mỉm cười) Thế là kế hoạch của Tiên Sinh đã hoàn thành mỹ mãn. Nay lòng dân ta đã có, ta lo gì không đạt tới thành công.

NGUYỄN TRÃI: (Đứng dậy) Kế mọn đâu làm nên đại sự. Đấy chẳng qua là nhờ hồng phúc của Đại Vương, vả lại cái thành công tuyên truyền ấy mới chỉ là chuyện nhất thời. Việc duy trì và phát triển được thực lực mới là yếu tố quyết định thành bại.

LÊ LỢI: Phải lắm! Đấy là mối bận tâm chính yếu của ta hiện nay. Tình hình quân sự mấy lúc này tuy khả quan nhưng chưa được phát động toàn diện để phô trương thanh thế. Nay nhân đã gây được tín nhiệm trong lòng dân, ta muốn mở cuộc phản công toàn diện để lôi cuốn sự nức lòng của trăm họ, tiên sinh nghĩ có nên chăng?

NGUYỄN TRÃI: (Chỉ vào bản đồ) Không nên, không nên. Xin Đại Vương hãy nhìn lên cuộc cờ hiện tại. Hiện nay thế giặc đang khôi phục lừng lẫy. Trận thất bại của Phương Chính ở Đông Quan chỉ là một bước lùi để triều đình Minh có cơ hội nhảy vọt. 5 vạn quân của Vương Thông đã vào tới Cổ Sở. Phương Chính lại dàn trận ở Sa Thôi. Dọc bờ Nhuệ Giang, quân của Tham Tướng Mã Kỳ trải dài đồn ải tới trên 10 dặm. Như vậy, rõ ra là Mã Kỳ có khả năng quân sự, biết phối hợp hiệu lệnh hành quân để thống nhất hành động. Thế giặc như vậy, nếu ta mù quáng lao vào, lấy sức đấu sức, tôi e rằng mình sẽ nắm trước lấy phần thất bại.

LÊ LỢI: Vậy trước tình thế ấy Tiên Sinh có cao kiến gì không?

NGUYỄN TRÃI: Thần đã suy nghĩ từ nhiều ngày nay. Cái thế của ta hiện nay chưa phải là cái thế chiến đấu trực diện. Bởi vậy, đem lực lượng chủ chốt ra mà đối đầu với địch là tự ý làm tiêu hao lực lượng nòng cốt.

LÊ LỢI: Quân bất năng dụng, tinh thần sẽ bạc nhược, yếu hèn. Vả lại, nếu cứ cố thủ hoài như thế, thanh danh ngọc cờ ĐẠI THIÊN HÀNH HÓA sẽ chẳng mấy chốc mà tiêu mòn.

NGUYỄN TRÃI: Xin Đại Vương đừng nóng nảy. Biết mình biết người trăm trận trăm thắng. Ta đã thấy trước cái thế còn non yếu của quân ta mà đẩy họ vào cuộc phản công toàn diện là mua lấy cái thất bại rõ ràng trước mắt. Nay lòng dân đã bừng bừng nổi dậy, ta nhân đó mà tổ chức thành những lục lượng địa phương rồi sử dụng họ trong nhiệm vụ phá rối và tiêu mòn lực lượng địch. Quân Minh phải chiến đấu xa nhà, địa thế lại không rành rẽ, sẽ chẳng mấy chốc chúng bị bạc nhược rồi mất đi sự bình tĩnh sáng suốt cần yếu của con nhà võ. Chừng đó ta xuất toàn lực lượng chuyển sang cuộc phản công toàn diện thì làm gì mà không nắm lấy phần thắng trong tay.

LÊ LỢI: (Vỗ tay) Cao kiến! Cao kiến! LỢI này nếu dựng được nghiệp lớn thì ấy là nhờ ở công lớn của Tiên Sinh.

NGUYỄN TRÃI: Xin Đại Vương chớ quá lời, thần cảm thấy không xứng đáng với lời khen của Đại Vương. Nếu Đại Vương chấp thuận đường lối của thần, thì xin cho được vạch kế hoạch kháng chiến trường kỳ...

LÊ LỢI: Tiên Sinh cứ trình bày.

NGUYỄN TRÃI: Khải trình Đại Vương, đất Chí Linh là nơi địa linh nhân kiệt. Đã hai lần ta động thủ, hai lần ta phải rút về ẩn náu. Núi ở đây hùng vĩ, rừng ở đây rậm rạp, bốn bề lại có sông sâu án ngữ, thật không có nơi nào tốt hơn để dung dưỡng thực lục.

LÊ LỢI: Ta cũng có ý ấy!

NGUYỄN TRÃI: Mục tiêu hành động của ta cũng phải nhắm vào ba yếu tố, nòng cốt: Đối với nhân dân, nương theo đà tuyên truyền đang ảnh hưởng mạnh mẽ, xin Đại Vương tung đi khắp tứ xứ những tráng sĩ trung kiên để xây dựng những đơn vị hạ tầng, xúc tác nhân tâm, phát động thế du kích để tiêu mòn lục lượng địch.

LÊ LỢI: Ta lĩnh ý!

NGUYỄN TRÃI: - Đối với quân đội chủ lực, phải tổ chức cơ ngũ chặt chẽ hơn, vừa huấn luyện quân sự vừa huấn luyện chính trị, tiêu diệt tư tưởng ỷ lại, sợ khổ, sợ khó, đem lại cho đơn vị một không khí nức lòng vui vẻ, cho họ quên đi những vướng bận thê nhi thường tình.

LÊ LỢI: Ta xin lĩnh ý!

NGUYỄN TRÃI: Còn nhìn sang phía địch, ta không thể chỉ trông vào lực lượng trứng nước của nhân dân mà tin rằng họ làm nên đại cuộc. Phải yểm trợ tích cực cho nhân dân bằng những hoạt động tuyên truyền liên tục, gieo vào lòng địch cái tâm lý rùng rợn, sợ hãi thường trực qua các hoạt động cảm tử khủng bố, cướp phá xe lương, đột kích lẻ tẻ, đồng thời cũng phủ dụ họ buông khí giới để tôn trọng chủ quyền của người nước Nam... Đấy mới là kế hoạch khởi đầu trong nghiệp lớn, nay mai tình thế đổi khác tại hạ sẽ bàn thêm sách lược mới.

LÊ LỢI: Lĩnh ý! Ta xin lĩnh ý!... Những lời của Tiên Sinh đã khiến ta thấy rõ những tai hại trong sự nóng nảy ngông cuồng. (Có tiếng ồn ào ở bên ngoài) Ủa! Không biết có chuyện gì dưới trướng mà ba quân ồn ào quá thế. (Lính I cầm đuốc chạy vào)


LỚP VIII
Thêm lính I

LÍNH I: (Quỳ xuống) Khải trình Đại Vương các Bô Lão thuộc 4 trấn kéo tới càng ngày càng đông, đòi xin yết kiến bằng được Đại Vương.

LÊ LỢI: (Đưa mắt nhìn Nguyễn Trãi).

NGUYỄN TRÃI: Khải trình Đại Vương, lòng dân đang cực kỳ sôi nổi. Xin Đại Vương lên tiếng mấy lời để mọi người thêm nức lòng, hăng chí. (Rút trong tay áo ra một cuộn giấy viết đầy chữ nho) Thần đã thảo sẵn ít lời Hiệu Triệu định trình xin Đại Vương phủ chính rồi phổ biến khắp nhân gian. Tiện đây xin Đại Vương duyệt xét lại rồi cho truyền đọc... (trao giấy cho Lê Lợi rồi quay lại đón lấy đuốc của lính I)

LÊ LỢI: (Cầm cuộn giấy) Truyền chư tướng mời hết Bô Lão vào Đại Nghĩa đường.

LÍNH I: Xin tuân lệnh! (lui ra) (chiêng trống bắt đầu nổi dậy từng hồi, tiếng hò reo mỗi lúc một thêm ồn ào)

LÊ LỢI: (Chậm rãi bước ra gần mé ngoài sân khấu, một chân ghếch lên chiếc đôn quì ở cạnh bản đồ, hai tay trải rộng cuốn giấy trước mặt, mắt nghếch lên đầy vẻ kiêu dũng).

NGUYỄN TRÃI: (Cầm đuốc giơ cao, đứng kề bên)

Sân khấu biến thành một hoạt cảnh trình bày hai nhân vật quan trọng nhất trong thời kỳ kháng Minh đứng cạnh nhau như hai bức tượng oai nghi lẫm liệt biểu dương ý chí đoàn kết, dũng cảm. Trong hậu trường bắt đầu vang lên lời tuyên đọc một đoạn của Bình Ngô Đại Cáo:

Họ Hồ ngang ngược
Lòng người căm hờn.
Quân Minh thừa dịp hại dân
Đảng ngụy manh lòng đem bán nước
Hơ lũ đầu đen trên lửa bỏng
Đẩy phường con đỏ xuống hang sâu.
Dối trời, hại dân gian xảo đủ muôn ngàn lối
Gây binh nhóm loạn trải hai mươi năm
Ta phát tích từ núi Lam Sơn
Náu mình nơi hoang dã
Trước thù lớn làm ngơ không thể
Cùng giặc giã chung sống được sao...

Trong suốt lúc hậu trường lên tiếng đọc thì màn từ từ khép chậm.


NHẬT TIẾN     
1-10-71          

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 14, ra ngày 14-11-1971)

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Vì Nghĩa Cả Quên Mình















Lê Lai cứu chúa Chí Linh
Vì dân vì chúa bỏ mình giải vây

Hoàng bào mặc vội ra ngay
Xông ra giữa giặc một tay mở đường

Một tay cầm kiếm múa thương
Làm cho bọn giặc hết đường bao vây

Thừa cơ vị tướng ra tay
Chúa, tôi kịp chạy xa bay chốn nào

Lê Lai giữa chốn tên đao
Binh thua tướng ít  phải vào tay lang

Hùng thay vị tướng trời nam
Đã vì nghiệp lớn chẳng màng đến thân

                                                       VY-TY

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 107, ra ngày 14-9-1973)

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Vật Chất Mầu Nhiệm



VẬT CHẤT : Theo Việt Nam Tân tự điển của Thanh Nghị, vật chất là chất có thể phân tích cân lượng được và có đủ mọi hình thức (chất lỏng, hơi...)

Hôm nay, cả nhà đi vắng, chỉ còn chú Ba và bé Long thủ trại. Hai chú cháu phải tự túc lo vấn đề ăn uống buổi trưa. Bé Long nói với chú Ba:

- Trưa nay chú cháu mình ra tiệm cơm ăn mì nhe chú?

Chú Ba muốn dạy cho cháu mình bài học cụ thể về "dân tộc tính":

- Đâu được! Chú và Long sẽ ra chợ mua đồ về nấu. Mình nấu lấy, ăn mới ngon! Vả lại, Long phải tập nấu cơm chứ! Đời nay trai gái bình đẳng, con trai cũng phải biết nấu cơm!

Biết tính chú Ba cương quyết, bé Long không dám cãi nhưng vẫn hít hà, cố gỡ được chút nào hay chút nấy:

- Thế thì mua cái gì ăn ngon nghe chú!

Chú Ba cười:

- Ừ! Thôi vào bếp lấy giỏ, chú cháu mình đi chợ!

Bé Long tưởng chú Ba mua gà mua vịt, nào ngờ chú chỉ mua một bó rau muống năm đồng, hai trăm gam cá khô và nửa ký khoai lang.

Thấy bé Long có vẻ buồn, chú Ba vỗ đầu bé Long:

- Ăn như vầy thì ngon số một nghe cháu! Rau muống là món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc mình đấy, hơn nửa đây là món ăn rẻ tiền nhứt và theo các nhà y học, rau muống là một loại rau có nhiều chất bổ nhứt. Nước luộc rau muống mà vắt chanh hay dằm tỏi cà chua thì tuyệt diệu nhứt! Ngọt bùi hơn cả nước phở nữa! Và do đó rau muống là món ăn ngon nhứt!

Bé Long chưa thỏa mãn:

- Chú cái gì cũng nhứt, nhứt... nhứt hết! Giống cậu Năm Đồng Thời (1) quá! Coi chừng cháu đặt tên chú là chú Ba Nhứt bây giờ à!

- Cháu có biết không?! Ở bên Pháp, đồng bào mình ai mà nhận được một bó rau muống còn tươi hay một chai nước mắm gởi bằng phi cơ từ Việt Nam sang thì quí hơn vàng đó! Đó là hương vị của quê hương yêu dấu! Bữa ăn nào có rau muống và nước mắm là bữa đại tiệc đấy! Thôi Long nhúm lửa đi, chú đặt cá khô chiên trước. Nhớ lấy than nhiều nhiều nhá! Mình còn nướng khoai lang. Ăn khoai lang bùi ngon lắm!

Bé Long tính háu ăn nhưng biết phục thiện, bé vui vẻ làm theo lời chú Ba.

Chú Ba chiên cá khô, mỡ xèo xèo, mùi thơm bay lên nồng nặc. Bé Long hít hít cái mũi:

- Thơm quá!

Chú Ba cười:

- Ngon không!? Vậy mà hồi nãy chê!

Bé Long mắc cỡ:

- Cháu chê hồi nào đâu? À... tại sao ta ngửi thấy mùi thơm chú?

Biết cháu mình bắt đầu "tìm hiểu", chú Ba chọc bé Long:

- Thì tại cá khô thơm, tại chú chiên khéo. Cháu biết! Chú nấu ăn có bằng cấp đấy nha!

- Không! Cháu muốn chú giải thích theo khoa học mà! Nguyên nhân nào ta ngửi thấy mùi thơm từ cá chiên bay ra? Theo cháu nghĩ ngoài vai trò của Khứu giác, có lẽ còn nguyên nhân khoa học khác nữa!

Chú Ba lấy bó rau muống ra:

- Cháu lặt rau đi! Vừa lặt vừa nghe chú giảng! Trước khi trả lời câu hỏi của cháu, chú hỏi cháu câu này: Cháu có nhớ phân tử là gì không?

- Thưa chú, phân tử là phần nhỏ nhất của một chất nhưng vẫn còn giữ được tính chất của chất đó.

- Đúng! Vật chất được cấu tạo bởi hàng tỉ tỉ phân tử. Người ta không thể nào dùng kính hiển vi dù mạnh nhứt để nhìn thấy 1 phân tử. Cháu nên biết rằng chỉ trong một cái chấm mức ở đầu chữ i có tới một triệu (1.000.000) phân tử mực hoặc nếu 1 phân tử nước được biến to bằng một hạt cát, thì tất cả phân tử ở trong hai lít nước sẽ biến thành 1 đống cát vĩ đại như bãi sa mạc lớn nhứt thế giới ở Phi Châu: Sahara. Ngoài ra, theo nhà bác học người Anh tên F.W. Aston, nếu cứ điều hòa trong một giây đồng hồ cho vào một bóng đèn điện được một triệu phân tử khí, thì phải mất một trăm triệu năm mới làm đầy phân tử khí trong bóng đèn điện đó được!

Đôi mắt bé Long sáng rực:

- Phân tử nhỏ như vậy, làm sao người ta thấy được?

- Đây! Giả sử chú có 1 ly cà phê. Cháu hãy bỏ một miếng đường vào, đừng động đậy gì hết. Cháu sẽ thấy gì?

- Đường tan dần dần và cà phê ngọt.

- Cái gì đã xảy ra? Phải chăng chính cháu đã bỏ từ chút đường vào và xếp đặt một cách đúng như toán học để cà phê ngọt đều?
 
- Thưa chú không!

- Cháu không xếp đặt nhưng cà phê vẫn ngọt đều! Tại sao vậy? Làm thế nào mà đường có thể tự tan dần và tự tỏa đều trong ly cà phê trong thời gian quá ngắn như thế?

Bé Long dừng tay lặt rau, trố mắt nhìn chú Ba:

- Người ta có thể giải thích hiện tượng trên như thế này: Mỗi phân tử đường bị xô đẩy bởi một số phân tử nào đó của chất lỏng và tất cả khối phân tử đường bị đặt trong tình trạng xoáy tròn trong ly cà phê. Đây là một trong những thí dụ chứng tỏ có sự hiện hữu của phân tử. Người đầu tiên quan sát dao động phân tử là nhà vạn vật học Robert Brown. Ông ta không thấy phân tử, chỉ thấy chuyển động của phân tử. Ông Brown thực hiện thí nghiệm nầy năm 1827. Ông treo những bào tử rêu trong một lọ nước yên lặng.

- Bào tử là gì chú?

- Bào tử là một danh từ chuyên môn trong vạn vật học. Đó là tên chỉ các đơn bào của các thực vật như rêu, rong, nấm... Ông Brown quan sát các bào tử trên qua kính hiển vi và ông rất ngạc nhiên khi thấy các bào tử chuyển động cháu nên nhớ nước trong lọ yên lặng các bào tử chuyển động rất nhanh, rất tự do và theo hình chữ chi, dường như có một lực vô hình nào đó thúc đẩy, lôi kéo, húc vào, chạm vào chúng từ nơi này đến nơi khác trong lọ. Chuyển động này nhất định không do chuyển động của khối nước vì cả khối nước yên lặng. Ông Brown không thể nào phân biệt được tính chất lực trên, nhưng ông chắc chắn lực này có và nước chứa lực này. Bắt đầu từ đó, trong thế giới khoa học, người ta biết tới dao động phân tử. Và vì là người đầu tiên tìm ra nên tên ông được dùng làm tên chuyển động đó: chuyển động Brown.

Bé Long cười:

- Ngộ quá! Nếu có kính hiển vi cháu có thể thực hiện thí nghiệm trên không chú?

- Tại sao lại không? Có thể được chứ, nếu cháu có một kính hiển vi mạnh. Sở dĩ chú phải nói lòng dòng là vì chú muốn cháu hiểu rõ phân tử là gì? Vì có hiểu rõ phân tử thì mới có thể hiểu được các vấn đề khoa học. Lẽ dĩ nhiên còn vấn đề nguyên tử cũng vô cùng quan trọng.

- Chú giảng cho cháu nghe luôn đi chú?!

Đến đây hai chú cháu vừa lặt rau xong, chú Ba đứng dậy, đi rửa rau, còn bé Long lấy một cái son nhôm đổ nước vào để lên bếp.

- Vấn đề nguyên tử bữa nào rảnh chú nói cho nghe! Vấn đề này rộng lắm, nó liên quan đến tất cả những phát minh lớn lao nhứt của loài người hiện đại. Bây giờ nói sợ không đủ thì giờ!

- Dạ! Thế chú có thể giảng thắc mắc tại sao ta ngửi thấy mùi thơm chưa chú?

- Ta có thể ngửi được mùi thơm là nhờ hiện tượng bốc hơi. Nếu không có hiện tượng bốc hơi, có thể chắc chắn chúng ta không thể nào cảm thấy mùi vị. Mặc dầu là một cơ quan hết sức phức tạp, khứu giác chúng ta tùy thuộc vào sự hiện diện của các phân tử trong không khí. Các chất lỏng khi bốc hơi tạo thành những phân tử này. Phân tử không khí mang phân tử của những chất có mùi thơm đến mũi của chúng ta và thần kinh khứu giác của chúng ta ghi nhận sự hiện diện của chúng.

Đến đây, nước trong nồi sôi lên sùng sục, chú Ba lấy rau muống bỏ vào. Hơi trong nồi bốc lên nghi ngút. Chú Ba chỉ bé Long:

- Đó! Cháu thấy không! Đây là thí dụ cụ thể về sự bốc hơi.

- Thưa chú! Sự bốc hơi có thể ở hai trạng thái khác nhau: sự sôi và sự bay hơi?

- Phải! Sự sôi là sự bốc hơi của một chất lỏng dưới dạng thức những bọt hơi xuất hiện từ các thành bình và ở một nhiệt độ nhứt định. Còn sự bay hơi là sự bốc hơi của một chất lỏng từ mặt thoáng của chất đó.

Rau muống vừa chín tới, chú Ba vớt ra để vào một cái rổ cho ráo nước.

- Long! Cháu đưa chú khoai lang để chú nướng! 

Bé Long đưa chú Ba rổ khoai lang. Chú vùi hai củ vào dưới những lớp than đỏ rực.

- Một lỗ mũi trung bình có thể chỉ nhờ một cái hít vào là kiểm soát một phần tỉ gam của một chất cực thơm.

- Ít quá! Cháu phải hít nhiều mới được!

- Cháu đừng có khinh thường! Mặc dầu nhỏ bé, lượng một phần tỉ gam này chưa tới ba chục triệu triệu phân tử!

Bé Long dùng hai cái đũa bếp trở củ khoai lang và hỏi:

- Thế tại sao có chất có mùi, có chất không mùi?

- Cháu hỏi rất khó trả lời mặc dầu bề ngoài, câu hỏi đó hết sức tầm thường! Cũng như hỏi tại sao hai cộng với hai là bốn vậy?!

Bé Long tinh quái:

- Chú trả lời nổi không chú?

Chú Ba ký đầu bé Long một cái cốp. Bé Long nhăn mặt.

- Sức mấy mà chú trả lời không nổi? Còn lâu mới bắt bí chú nổi!

- Thì chú trả lời đi!

- Hiện tượng này chưa hoàn toàn được các nhà bác học cắt nghĩa đầy đủ nhưng có một điều chắc chắn là chúng ta chỉ có thể cảm giác được nhờ sự trung gian của phân tử khí. Nếu chúng ta nhận thấy mùi vị của một chất dắn hay một chất lỏng, đó là chúng ta đã hít những phân tử của chất này vào phổi.

Khoai lang bắt đầu chín. Bé Long lấy 1 củ bóc vỏ ăn, màu vàng ngậy hơi thơm bốc lên nghi ngút. Vì cố ăn, bé Long tọng vào họng một miếng khoai thật to. Vừa nóng vừa nghẹn, nhả ra thì kỳ mà nuốt thì nuốt không vô, mặt mày bé Long đỏ rần, miệng bé Long phùng to thật là bự. Chú Ba cố nhịn cười:

- Cháu làm gì đó?

Bé Long cố chữa thẹn, nói tầm xàm:

- Chú ơi! Ngon quá! Khoai lang lùi tro, ăn no té...!

Chú Ba nạt:

- Nè, bắt đầu nói bậy đó nghe! Chú Ba không thích vậy đâu!

- Đâu! Cháu đâu có nói bậy! Cháu tính nói khoai lang lùi tro ăn no té khói mà!

Và để cho chú Ba quên lỗi của mình, bé Long tiếp:

- À! Chú ơi! Cháu có một đứa bạn học ở trường Truyền tin, thằng Quận đầu trọc đó, chú nhớ không?

- Sao? Chuyện gì đó? Phải thằng Quận học đệ Tứ không?

- Thưa chú Phải! Nó nhờ cháu hỏi dùm chú, nhờ chú giải thích dùm!

- Nó hỏi làm sao?


- Thưa chú nó hỏi như thế này: tại sao khi tắm người ta ướttại sao khi ướt người ta có thể lau khô ngay bằng khăn lông?

- Câu hỏi đó rất thú vị! Đây nghe chú giảng và cháu rán nhớ thuật lại cho thằng Quận nghe!
Bé Long bỏ củ khoai nướng xuống, lắng nghe chú Ba giảng, mặt mũi bé Long tèm lem, dính đầy lọ nghẹ.

- Cháu nên nhớ rằng trong vật chất, tất cả phân tử đều ở trạng thái vĩnh viễn chuyển động và hút lẫn nhau. Chúng càng gần bao nhiêu thì hút mạnh nhau bấy nhiêu. Sức hút giữa các phân tử cùng loại gọi là sức kết hợp. Sức kết hợp càng mạnh nếu các phân tử càng gần. Trong một chất dắn, sức kết hợp rất mạnh nên các phân tử bị ép rất gần nhau và chuyển động của chúng rất bị giới hạn. Nói như thế nghĩa là các phân tử của một chất dắn chỉ có thể nhúc nhích trong một không gian vô cùng nhỏ bé, nhỏ bé đến nỗi chỉ bằng một phần triệu centimét và vì lý do chúng không thể đổi chỗ dễ dàng cho nhau nên các chất dắn "cứng" và luôn luôn giữ hình dạng của mình.

Trong một vài chất dắn, các phân tử không được chồng đống một cách mạch lạc và sức kết hợp không mạnh. Chính vì cách bố trí, mặc dầu phức tạp, của các phân tử này đã làm chất dắn trở nên mềm và dễ cán mỏng. Theo định luật đại cương, những chất dắn này có những điểm nóng chảy thấp bởi vì cách cấu tạo các phân tử của chúng gần như cách cấu tạo của một chất lỏng: các phân tử rất cách xa nhau. Ta chỉ cần cho một chút nhiệt lượng vào là các chất dắn này thay đổi trạng thái ngay.

- Thưa chú! Các chất dắn loại này là... chẳng hạn như bơ, parafin, phải không chú?!

- Phải!... Trái lại, trong một chất lỏng, các phân tử ở xa nhau hơn các phân tử của một chất dắn. Chúng có chỗ để chuyển động và nhún nhảy. Hàng tỉ tỉ phân tử trong chất lỏng chạm nhau hàng triệu lần trong một giây đồng hồ làm cho chất lỏng ở trạng thái "chảy" và "lỏng". Sức kết hợp trong chất lỏng rất kém nên ở nhiệt độ thường ta không thể nào chồng đống nước như chồng đống các tảng đá được.

Trong các chất khí, sức kết hợp không còn nữa, các phân tử tự do muốn làm gì thì làm. Chúng dạo chơi du ngoạn trong tất cả không gian theo ý thích của chúng. Nè Long! Nếu giả sử cháu đập bể một quả trứng thối trong bếp nầy, cháu sẽ tức khắc nhận thấy gì?

- Thưa chú! Thối tùm lum cả nhà! Có thể lan ra cả hàng xóm nữa!

- Đó là thí dụ xác thực về cách bố trí các phân tử của một chất khí. Nói tóm lại, về phương diện đại cương, chất dắn, chất lỏng, chất khí đều là vật chất nghĩa là chúng chỉ khác nhau về cách bố trí của phân tử. À! Chú hỏi cháu: người ta có thể ráp dính hai thanh kim loại mềm như chì chẳng hạn thành một thanh độc nhứt. Tại sao vậy cháu?

- Thưa chú! Đó là vì dưới áp lực cao, các phân tử của hai thanh chì đó ở gần nhau quá nên hút lẫn nhau.

Bé Long dừng nói, dường như suy nghĩ một điều gì và tiếp:

- Lúc nãy chú nói các phân tử của vật chất chuyển động vĩnh viễn. Theo như cháu nhớ không lầm thì không bao giờ có chuyển động vĩnh viễn cả. Tại sao kỳ vậy chú?

- Cháu nói đúng! Không bao giờ có chuyển động vĩnh viễn cả. Nhưng các phân tử bị khích lệ bởi một chuyển động không ngừng. Các phân tử không bao giờ ngừng, và có lẽ chúng chuyển động trong hàng triệu năm. Tại sao vậy? Cái gì làm cho phân tử vĩnh viễn chuyển động? Lẽ dĩ nhiên đâu có ai o bế chúng, nuôi nấng chúng và thúc đẩy chúng chuyển động. Vậy ở đâu cho chúng cái năng lực chuyển động hoài như vậy?

- Ở đâu vậy chú?

- Chắc có lẽ cháu đã biết ảnh hưởng của nhiệt, tức là ảnh hưởng của sức nóng trên chuyển động của các phân tử. Nếu nhiệt độ càng tăng, phân tử động đậy càng nhanh, trái lại nếu nhiệt độ giảm, chuyển động của phân tử sẽ chậm lại.

Các nhà bác học đã chứng nhận rằng nếu nhiệt độ giảm tới 273º dưới số không ( 273º C) tất cả chuyển động sẽ ngừng lại. Nhân loại không thể nào tìm thấy nhiệt độ này được. Nhiệt độ thấp nhất được ghi nhận trên địa cầu là 75º dưới số không ( 75º C). Ở 273º C, phân tử của tất cả các nguyên tố đều qua trạng thái dắn ; bấy giờ vật chất "chết", tất cả chuyển động đều ngừng, chỉ chuyển động trở lại khi nào có tăng nhiệt độ.

Chú giảng rõ cho cháu nghe thêm về khái niệm vật chất "chết"!

- Vật chất "chết" là vật chất mà trong đó các phân tử đều ngừng chuyển động. Cháu nên nhớ trong tất cả vật chất, từ trạng thái dắn qua trạng thái lỏng, đến trạng thái hơi, các phân tử đều có chuyển động ít hay nhiều.

- Nếu vậy nhiệt độ 273º C là nhiệt độ lý tưởng, người ta không thể nào tìm tới được!

- Phải! Nhiệt độ 273º C được gọi là số không tuyệt đối. Chính nhiệt của mặt trời đã giúp chúng ta khỏi bị lạnh đến số không tuyệt đối ; trên quả đất cũng như trên các hành tinh khác cũng vậy.

- Thưa chú! Phải khi mặt trời tắt để trở thành một hành tinh lạnh lẽo như mặt trăng, thì số không tuyệt đối sẽ hiện diện trên quả đất.

- Phải!

- Ghê quá! Lỡ mặt trời tắt thì nguy! Tất cả sẽ bị chết cứng?

- Cháu đừng lo! Theo các nhà bác học, bảy chục triệu hay tám chục triệu năm nữa, mặt trời mới có thể tắt.

- Nhưng người ta có làm thí nghiệm để tìm tới số không tuyệt đối không chú?

- Có! Trong vài chục năm trở lại đây, các nhà bác học đã cố gắng nhưng chỉ tìm được đến 0,6º tuyệt đối mà thôi. Còn nhiệt độ 273º C không thể nào xâm phạm được.

- Thưa chú! Nếu thế thì chuyển động giả vĩnh viễn trong vật chất hoàn toàn lệ thuộc vào hành động của mặt trời. Nếu mặt trời còn chiếu ánh sáng thì phân tử sẽ còn chuyển động!

- Đúng! Cháu suy xét rất giỏi! Nè chú thưởng cho cháu củ khoai lang nữa!

Bé Long cầm củ khoai lang ăn ngấu nghiến.

Chú Ba nói tiếp:

- Bây giờ chú trả lời thắc mắc của thằng Quận: "Tại sao khi tắm ta ướt! Tại sao khi ướt ta lau khô ngay bằng khăn?" Tất cả chúng ta đều biết rằng khi một người vừa trong nước ra thì ướt như chuột lột nhưng không ai biết tại sao! Sự thật thì rất giản dị, đó là bởi vì các phân tử lỏng bị các phân tử dắn hút mạnh hơn các phân tử cùng loại. Các phân tử lỏng này có khuynh hướng bám vào chất dắn và làm chất dắn "ướt", Sức hút giữa các phân tử khác gọi là sức dính ; chất lỏng dính vào chất dắn hay nói khác ra, chất lỏng bám vào chất dắn. Vài chất lỏng như chất keo chẳng hạn, có tính chất dính quan trọng ai cũng biết. Khi hai phân tử khác loại (lỏng và dắn) bám vào nhau, người ta gọi là sự dính, trái lại sự kết hợp có giá trị thấp hơn chỉ xảy ra giữa các phân tử cùng loại.

- Thưa chú! Giọt mưa dính vào các cửa kính ; trong những ngày nắng gắt, chúng ta đổ mồ hôi vào quần áo dính vào da chúng ta. Phải chăng đó là các thí dụ về sự dính?

- Phải! Theo định luật đại cương nếu chất lỏng càng dày thì càng dính vào chất dắn mạnh hơn. Vì thế nên xi rô và mật ong dính vào muỗng cà phê nhiều hơn các chất lỏng khác như nước chẳng hạn.

Chú Ba ngừng một chút rồi tiếp:

- Cái gì xảy ra khi chúng ta bị nước mưa làm ướt?

Bé Long chưa biết trả lời ra sao thì chú Ba tiếp luôn:

- Trong trường hợp này, nước bị các sợi chỉ vải hay len của quần áo ta hấp thụ, y như trường hợp của một khăn lông. Khăn lông hoặc giấy thấm làm khô nước và mực ngay tức khắc bởi tác dụng mao dẫn.

- Thưa chú! Tác dụng mao dẫn là gì?

- Tác dụng mao dẫn là tác dụng mà các chất lỏng không đếm xỉa gì tới trọng lực nên có thể tự dâng cao trong một ống cực nhỏ.

- Cháu chưa hiểu rõ!

- Cháu lấy cho chú một cái ly!

Bé Long lấy ly đưa cho chú Ba. Chú Ba rót nước vào gần đầy ly. Chú Ba đưa ly lên để mực nước trong ly ngang tầm mắt bé Long.

- Cháu nhận thấy có gì đặc biệt ở mực nước trong ly này không?

Bé Long ngắm nghía, nheo mắt ngó kỹ một hồi lâu:

- Thưa chú! Dường như diện tích mặt thoáng uốn cong nhẹ lên phía trên ở nơi chất lỏng chạm vào ly.

- Đúng! Đó là do sự dính giữa phân tử nước và phân tử ly. Tất cả các chất lỏng đều có tính chất uốn cong lên như thế, chỉ trừ một chất... đố cháu biết chất gì?

- Có lẽ thủy ngân! Vì trong các bài học vật lý mỗi lần vẽ một chậu đựng thủy ngân là người ta vẽ lõm xuống ở hai bên.

- Giỏi! Cháu nhớ thêm điều này: nếu diện tích mặt thoáng càng rộng thì sự uốn cong càng kém, trái lại nếu diện tích này nhỏ thì sự uốn cong lên càng mạnh. Thay vì dùng một cái ly, chúng ta dùng một ống thon dài để đựng chất lỏng, trong trường hợp này, số phân tử chất lỏng chạm vào vách ống rất quan trọng ; vì thế trọng khối của toàn thể chất lỏng tương đối kém và do đó chất lỏng sẽ dâng thật cao theo vách ống. Nếu chúng ta dựng những ống nhỏ dần, nhỏ dần mãi đến khi ống có một đường kính cực nhỏ, đó là trường hợp của một khăn lông hay một giấy chậm được tạo thành bởi hàng triệu sợi rỗng có đường kính như trên. Trong thực tế, ở trường hợp này, không còn lực nào chống lại mao dẫn. Vì thế khăn lông có thể hấp thụ toàn thể mỗi giọt nước.

Bé Long thích chí:

- Hay quá!

- Chúng ta có thể lấy thí dụ khác về tác dụng mao dẫn: mọi người đều biết nhiệt của ngọn lửa làm chảy pa-ra-fin của đèn cầy. Nhờ tác dụng mao dẫn, tim đèn chiếm lấy ngay pa-ra-fin lỏng để cháy trong ngọn lửa. Tim đèn của một cây đèn dầu cũng theo nguyên tắc như trên.

Bé Long coi bộ đã đói bụng:

- Dọn cơm ăn đi nhe chú! Cháu đói quá!

Chú Ba vỗ đầu bé Long:

- Khoan đã! Nhân thể giảng cho cháu nghe vài điều thắc mắc lúc nãy chú nghĩ đến một vấn đề hết sức đơn giản nhưng rất đặc biệt. Cháu có muốn nghe không?

Mặc dầu đói meo và mệt óc vì đã nghe giảng khá nhiều, bé Long vẫn còn thích tìm hiểu:

- Muốn! Mau mau lên chú!

- Thủng thẳng đã nào! Càng đói ăn cơm càng ngon. Tại cháu cứ hỏi "Tại sao? Tại sao?", nên chú nghĩ tại sao cháu không hỏi chú câu này: "Tại sao chất dắn hóa lỏng, chất lỏng hóa dắn, chất lỏng hóa hơi?"

- À! Cháu quên! Chú mà không nhắc, bỏ câu đó uổng quá! Tại sao vậy chú?

Óc hiếu kỳ trỗi dậy, bé Long quên cả đói, chờ chú Ba trả lời.

Chú Ba trịnh trọng sửa lại mắt kính và nói một hơi:

- Khi một chất khí chứa trong một bình, các phân tử chuyển động không những đụng chạm lẫn nhau mà còn đụng cả thành bình. Sự đụng chạm này xảy ra cả triệu lần trong một giây. Vận tốc trung bình của các phân tử này là 1Km trong một giây nghĩa là 3.600 Km trong một giờ gần bằng vận tốc của phi thuyền bay lên cung trăng. Chính sự bắn phá vĩnh viễn này là nguyên nhân và tính chất của áp lực tác dụng lên thành bình. Nếu thể tích giảm đi phân nửa, không gian tự do cũng giảm đi một nửa, như thế đụng chạm sẽ hai lần nhiều hơn, đó là nguyên nhân áp lực tăng. Nếu còn tăng áp lực bên ngoài, người ta còn có thể giảm thể tích hơi bên trong. Và nếu áp lực đầy đủ, thể tích trở nên nhỏ đến nỗi các phân tử phải chạm lẫn nhau vì thiếu chỗ: lúc bấy giờ chất hơi hóa lỏng. Phần đông các chất hơi hóa lỏng dưới áp lực và ở nhiệt độ thấp.

Nhiệt kích thích dao động phân tử trong ba trạng thái vật chất, làm các phân tử chuyển động càng ngày càng nhanh tùy theo nhiệt ít hay nhiều. Nếu một kim loại như sắt bị nung, các phân tử lúc đầu chỉ động dậy ít (như chúng bị nối nhau bởi các lò so) sẽ động đậy càng ngày càng nhanh hơn và cách nhau càng ngày càng xa, do đó sắt bị nở. Nếu người ta tiếp tục đốt hoài, sẽ đến lúc "lò so tưởng tượng" gãy và lúc bấy giờ các phân tử sẽ chuyển động tự do hơn: sắt qua trạng thái lỏng và bắt đầu chảy nhẹ nhàng. Điểm nóng chảy tương ứng với lúc các phân tử mất tính kết hợp và phân cách nhau để vào trạng thái lỏng.

Nhiệt độ dâng cao biến rất nhiều chất dắn thành lỏng, chất lỏng thành hơi. Sự nung một chất lỏng làm tăng độ tự do của các phân tử và khi lực hấp dẫn bị triệt tiêu bởi khoảng cách thì các phân tử vội vã bay tự do trong không gian để tạo thành một chất khí. Nếu nhiệt độ bị hạ thấp thì sẽ có tác dụng ngược lại. Sự lạnh biến phần đông các chất khí thành lỏng và các chất lỏng thành dắn. Vì dao động phân tử giảm nên các phân tử "tập hợp" lại và khi đó chất khí thành chất lỏng, chất lỏng thành chất dắn.

Nếu nhiệt độ làm tăng chuyển động của phân tử, thì ngược lại chuyển động của phân tử sẽ tạo ra nhiệt. Nếu cháu chà xát một ngón tay trên một trang giấy ba chục hay bốn chục lần thật nhanh, ngón tay của cháu và trang giấy sẽ nóng lên: Khi cháu chà xát hai vật thể với nhau cả hai đều nóng. Đó là vì cháu làm các phân tử ở hai mặt chạm nhau của hai vật thể đó chuyển động.

- Thôi! Dọn cơm ăn!

- Ngon quá he chú!

- Sao lúc nãy chê rau muống, cá khô? Thấy không, cần gì bơ sữa, đồ hộp mới ngon! Vả lại, ông bà mình ngày xưa có biết đồ hộp là cái quái gì, chỉ ăn rau muống, tương, cà mà vẫn giữ đến ngày nay!

- Nhưng ăn bơ sữa vẫn ngon hơn!

- Đành vậy! Nhưng nếu đó là do mồ hôi nước mắt của mình tạo ra chứ nếu vì miếng ăn mà phải mất nhân phẩm của mình, nếu vì miếng ăn mà mất nước thì nhục quá, không phải là người Việt Nam nữa! Vả lại:

   "Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn"


Hoàng Đăng Cấp     

------------------------
(1) Tên một nhân vật cải lương, thứ năm trong gia đình và ưa nói chữ "đồng thời" khi phát biểu một ý kiến gì. Các bạn hay nghe cải lương ở ra đi ô đều biết. Vai trò Cậu Năm Đồng Thời do Hữu Phước đoàn Thanh Minh Thanh Nga đóng.


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 5354, ra ngày 15-9 và 1-10-1966)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>