Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Chiếc Lồng Đèn Xếp


Dũng ôm chiếc cặp tồi tàn lê những bước nặng nề trên lề phố. Gọi là cặp cho có danh từ để chỉ vật dùng đựng sách vở của học sinh, chứ đó chỉ là vang bóng một thời của chiếc cặp mà thôi. Màu da đã biến thành màu đen sẫm. Những đường chỉ may cặp đã đứt từng khoảng, mà nó đã dùng vài sợi dây kẽm để "vá" lại. Quai xách bên trên đã đứt để lộ hai dấu vết đã khâu chiếc quai ấy cùng với những lỗ chỉ như bức họa Picasso. Cái khóa cặp cũng đã biến mất. Hai cái dây gài cũng biến mất theo. Tóm lại những gì khâu bằng chỉ trên cặp Dũng đều được thời gian làm biến mất. Và chiếc cặp của nó lỗ chỗ dấu vết của những gì đã mất trông như bức họa lập thể. Những hôm nào trời mưa, Dũng phải vất vả lắm mới giữ được tập vở bên trong khỏi thấm nước. 

Dũng vừa đi, vừa nhìn chiếc cặp để nhớ hoàn cảnh gia đình. Nhà nó nghèo lắm ở trong một xóm lao động xa trường đến 2 cây số. Hàng ngày nó phải đi về 4 cây số trên con đường nóng bỏng vì nhựa đường dưới sức nóng của ánh mặt trời, bằng phương pháp di chuyển từ thời thượng cổ: "lô ca chân"! Con đường từ nhà nó đến trường chỉ được che bằng những mái nhà tôn nhỏ hẹp, chiếm một tỉ lệ nhỏ nhất dưới bóng nắng của mặt trời. Vì thế, nó rất vất vả trong sự di chuyển đến trường. Mẹ nó mất năm nó lên sáu, ba nó hàng ngày đạp xích lô để nuôi gia đình gồm: ba nó, em nó và nó. Nhờ học khá nên sau 5 năm tiểu học, nó thi đậu đệ thất. Đó là niềm vui duy nhất của ba nó từ khi mẹ nó mất. Mấy tháng nay, nó vẫn đi học với sự vui vẻ. Nhưng chiều nay, lời cô giáo vẽ đã làm nó lo âu:

- Gần đến Trung Thu, mỗi em làm một chiếc lồng đèn xếp.

Nó ra về với một nỗi lo âu trong lòng, bước đi những bước nặng nề trên lề phố sặc sỡ đèn con cá, tàu thủy, xe tăng, các chiếc lồng đèn xếp nho nhỏ xinh xinh v.v... Những vật mà hàng ngày, trên đường về nó dừng lại một chút để ngắm. Nhưng hôm nay, nó không buồn đứng lại vì mối lo trong lòng. Từ bé đến giờ nó có biết làm lồng đèn xếp đâu. Nó chỉ biết làm đèn ông sao. Mà đèn ông sao nó làm "tuyệt cú mèo". Bằng cớ là mỗi năm đến Trung Thu em nó đều có một chiếc lồng đèn ông sao tuyệt đẹp đi rước đèn với lũ trẻ trong xóm. Ban chiều cô giáo viết đến chữ lồng đèn, nó hy vọng là ông sao, nhưng éo le thay chữ xếp đã làm nó tiêu tan hy vọng đang dâng tràn. Trong khi các bạn reo hò vì "trúng tủ", nó lại lo lắng và cảm thấy bực bội trước sự vui mừng của các bạn. Nó thầm nghĩ:

- Nếu làm đèn ông sao, tao chấp hết tụi mày, đừng có mừng.

Dũng chợt nhớ đến ba nó. Nó nhớ lại ngày xưa khi nó còn nhỏ. Những dịp Trung Thu ba nó làm ít nhất là ba cái lồng đèn xếp, phòng khi nó đi rước đèn bị cháy. Vì vậy, khi còn nhỏ, nó mong đến Trung Thu để được xách lồng đèn chơi với lũ trẻ trong xóm. Những ngày đó Dũng thấy ngây thơ và êm đẹp quá. Rồi từ khi mẹ nó mất, cha nó phải vất vả vì công việc. Và nó cũng đã lớn lên vào những dịp Trung Thu, nó không còn thú vui cầm đèn chạy tung tăng với lũ trẻ trong xóm. Nó nghĩ:

- À! Phải rồi, mình nói với ba chỉ cách làm lồng đèn xếp.

Nhưng sự vui vẻ của nó cũng biến đi bất ngờ như khi đến. Vì nó vừa nghĩ đến nỗi vất vả của ba nó. Ngày đi làm đến khuya lơ, khuya lắc, thật vất vả với gia đình. Nó không muốn ba nó phải vất vả thêm vì nó. Mải lo lắng, Dũng đã về đến nhà lúc nào không biết.

Dũng cặm cụi bên đống giấy báo và hộp hồ từ sáng đến giờ. Nó đã làm hơn chục cái nhưng không có cái nào hoàn mỹ cả, vì chưa quen tay, vì chỉ biết mập mờ về cách làm. Nhưng nó vẫn kiên nhẫn. Chiều hôm qua, nó đã hỏi Đức bạn cùng lớp về "phương pháp" làm. Đức chỉ cho nó một cách mập mờ về cách làm. Nó cố gắng nhớ và sáng hôm nay nó lục chồng giấy báo cũ để làm thử. Nhưng đã tốn công khá nhiều mà nó vẫn chưa hoàn thành được, lại gần đến giờ đi học. Dũng chán nản đem "công trình" của mình xếp lại một xó sửa soạn đi học. Nó đóng cửa lại, gửi chìa khóa bên hàng xóm rồi đi đến trường. Nó vừa đi, vừa nghĩ đến ngày mai: ngày nộp chiếc lồng đèn xếp. Vì cô giáo ra hạn có một tuần, mà hết ba ngày nó phải vất vả với bài tập toán lý-hóa, Anh văn, trừ ngày ra đề và ngày nộp còn hai ngày. Mà hai ngày nay nó đã cố gắng làm nhiều lần, nhưng vẫn không xong. Đang nghĩ vẩn vơ, Dũng chợt nghe:

- Dũng! Dũng!

Dũng quay lại:

- À! Đức.

Đức dừng chiếc xe mới toanh lại, mời:

- Bồ lên đây tôi chở đi.

Dũng không ngần ngại lên yên sau ngồi. Đức thong thả đạp, hỏi:

- Bồ làm cái lồng đèn xếp xong chưa?

Dũng ngượng nghịu đáp:

- Chưa. Làm hoài mà vẫn không được!

- Cái của tôi đẹp lắm. Mai tôi đem vô cho xem.

Dũng nghe bạn nói, thấy ngường ngượng trong lòng.

*

Chú Tám đẩy chiếc xích lô vào xóm. Chú ngạc nhiên thấy nhà còn để đèn. Nhà chú cũng như bao căn khác trong xóm lao động này. Khoảng 9 giờ mọi người đều ngủ sau những giờ làm việc mệt mỏi, để lấy lại sức làm việc ngày hôm sau. Trễ lắm là 10 giờ nhà nhà đều tắt đèn. Khu xóm không thấp thoáng ánh đèn, nên trông rất âm u. Thỉnh thoảng mới có một người đi làm về khuya như chú Tám, anh Tư khuân vác v.v... mở cửa tạo nên một âm thanh khô khan, ngoài ra không có một âm thanh nào khác tạo cho vẻ âm u của xóm có không khí tịch mịch. Dũng cũng như mọi người trong xóm đều ngủ theo giờ tối đa đã ấn định: 22 giờ, cái giờ mà đài phát thanh "yêu cầu quí vị sử dụng máy thu thanh vặn vừa đủ nghe, để khỏi làm phiền lòng hàng xóm đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi..." . Nhưng đêm nay sao Dũng thức khuya thế? Vầng trăng đã xế gần đến đỉnh đầu, chứng tỏ lúc này khoảng 11 giờ. Chú Tám dừng lại nơi cửa sổ nhìn vào. Chú thấy Dũng đang ngồi cặm cụi dưới đất cạnh chiếc đèn dầu. Chung quanh Dũng bừa bãi giấy báo và một hộp hồ đã cạn gần phân nửa. Lúc đầu chú Tám hơi ngạc nhiên chẳng biết Dũng làm gì. Nhưng nhìn cử động của tờ giấy và bàn tay của Dũng chú biết ngay. Chú "à" một tiếng:

- À! Nó làm chiếc lồng đèn xếp.

Chú nhớ lại ngón "nghề" của mình. Chú khẽ đẩy cửa bước vào, cười:

- Dũng! Con làm gì mà thức khuya quá vậy?

Dũng ngẩng lên:

- Dạ! Ba mới về. Con làm cái lồng đèn xếp.

Chú Tám cất chiếc xích lô xong. Chú trở ra cầm chiếc lồng đèn xếp của Dũng vừa làm xong. Chú cười:

- Con làm như vầy không bao giờ cái lồng đèn của con xong. Con phải biết cách làm mới được.

Chú ngồi xuống cạnh Dũng hỏi:

- Ai chỉ con làm vậy?

- Dạ mấy đứa bạn.

- Nó chỉ hơi sai. Mình phải xếp mấy đường răng cho đều thì đèn mới đẹp. Mà muốn vậy lần xếp đầu tiên phải xếp cho ngay.

Nói xong, chú Tám lấy tờ báo bên cạnh Dũng xếp từng nếp nhỏ. Dũng chăm chú xem. Xong chú xếp mấy đường răng. Xong rồi chú dán hai mép lại. Tờ báo vô dụng trở nên chiếc lồng đèn xếp tuy không đẹp lắm vì làm bằng giấy báo mà, nhưng khá hơn cái của Dũng. Đắc ý, chú Tám xếp lại và mở ra cho Dũng xem.

Vốn sáng trí, nên Dũng nhớ lại từng chi tiết. Dũng lấy tờ giấy báo kế bên làm lại. Một lát, Dũng đã có chiếc lồng đèn xếp như chiếc lồng đèn của chú Tám. Để chắc chắn, Dũng làm lại thêm một, rồi hai cái. Dũng kêu lê vui mừng:

- Xong rồi.

Chú Tám cười với con:

- Bây giờ con có thể làm bằng giấy trắng rồi đó.

Dũng rút tờ giấy đôi giữa tập để làm chiếc lồng đèn xếp. Dũng chợt nảy ra ý nghĩ: vẽ cái hình trên lồng đèn xếp. Dũng liền phác hình cậu học trò xách cặp đi học trên tờ giấy trước khi xếp. Mười phút sau, Dũng có chiếc lồng đèn xếp với hình cậu học trò vẽ ở trên thật đẹp. Chỉ còn dán đáy dưới và vành trên nữa là xong. Dũng cắt tờ bìa tập làm đáy dưới và vành trên. Dũng có chiếc lồng đèn xếp nho nhỏ xinh xắn. Dũng nghĩ đến ngày mai nó cũng có một chiếc lồng đèn xếp khỏi sợ thua sút các bạn. Và rồi mỗi Trung Thu, em Dũng sẽ có một chiếc lồng đèn ông sao và vài chiếc lồng đèn xếp, để rước đèn với lũ trẻ trong xóm. Dũng nhìn cha mỉm cười thầm cám ơn. Chú Tám cũng mỉm cười, nhìn kết quả do chú dạy. Hai nụ cười nở trên môi đầu bạc, đầu xanh...


Trúc Giang     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 54, ra ngày 1-10-1966)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>