Một lần nữa, mùa thu lại về cùng chúng ta bé nhỉ. Mùa khai trường cũng bắt đầu, nhìn các bé tung tăng xách cặp đi học chị lại nhớ đến những năm bé thơ của chị. Chị cũng mừng được gặp thầy, gặp bạn như bé bây giờ vậy. Nhưng chị còn mong một ngày vui khác nữa cũng trong mùa tháng tám này đây: ngày tết Trung Thu hay ngày rằm tháng 8 cũng vậy. Và về sau này nó còn được chọn làm ngày Tết Nhi Đồng khác với ngày Tết Nguyên Đán "hình như" để dành riêng cho người lớn.
Năm nay Tết của các bé lại đến, bé mơ gì nào? Bé háo hức chờ đón những gì? Cho chị đoán được không bé? Này nhé: có phải bé mơ một mâm cỗ thật to, đầy bánh trái với những con chó bông làm bằng bưởi, những con giống bằng bột xanh đỏ, rồi những chiếc lồng đèn lộng lẫy, những chiếc đèn xinh xinh. Bé ạ, mâm cỗ bé mơ ước ấy chị không tặng cho bé được, nhưng chị có một câu chuyện muốn gửi đến các em bé. Bé bằng lòng nghe chị kể không? Đây là một câu chuyện xưa thật là xưa. Và cũng như các chuyện lâu đời khác, nó cũng được bắt đầu bằng hai tiếng:
"Ngày xưa... Ở trên một đỉnh núi cao thật là cao kia, có ba chú thỏ xinh xinh vui sống. Đó là các chú thỏ Nâu, Đen và Trắng.
Nhưng rồi một năm kia, trời làm lạnh lẽo không cùng: tuyết phủ kín mặt đất, tuyết rơi suốt ngày. Ba chú thỏ vì thế không kiếm ăn được. Mà làm sao cỏ non có thể mọc được với lớp tuyết phủ càng ngày càng dầy kia... Các thức ăn dự trữ cũng đã gần hết mà trời vẫn làm lạnh mãi không thôi. Củi khô để sưởi cũng đã gần hết rồi. Ba chú lo lắng quá. Nếu trời cứ lạnh mãi như thế này...
Đêm tối đã xuống từ lâu, chú thỏ Nâu đang ngồi sưởi bên cạnh những gốc than hồng, bỗng chú nghe những tiếng gõ cửa. Chú tự hỏi:
- Đêm khuya lạnh lẽo như thế này ai mà lại đến gõ cửa nhà ta thế.
Tuy nhiên chú vẫn đi ra cửa. Cửa mở, một ông lão rách rưới, run rẩy đứng lom khom:
- Lão lỡ độ đường, xin chú thương cho lão vào trú tạm, qua cơn bão rồi lão đi.
- Không sao, mời cụ vào đây sưởi cho ấm.
Chú thỏ Nâu dắt ông lão vào ngồi cạnh bếp lửa xong chú ra sau lấy lên vài củ khoai lang. Khoai nướng, bốc hơi thơm ngào ngạt. Chú bóc ra và mời ông cụ dùng. Lát sau ông cụ có vẻ lại sức thì mưa cũng bớt hột. Ông lão đứng lên ngỏ lời cảm ơn và xin từ giã ra đi đến nhà chú thỏ Đen. Chú thỏ Đen cũng tốt bụng như chú thỏ Nâu vậy, chú mời ông lão ăn súp và còn tiễn ông lão một thôi đường. Và bây giờ ông lão đến căn lều chót: Lều của chú thỏ Bạch. Chú thỏ Bạch đang buồn lắm, vì trưa chú đã phải ăn đến củ khoai dự trữ cuối cùng rồi, và hiện trong nhà chỉ còn vài que củi nhỏ, chú không dám đốt nhiều vì sợ sẽ không còn đủ cho qua đêm.
Chợt có tiếng gõ cửa, chú đi ra và cũng như những chú thỏ Nâu và Đen, người gõ cửa không ai khác hơn ông lão nghèo. Chú vội mời ông cụ vào bên cạnh nhúm than đã gần tàn, và chú ra sau để ôm nốt những que củi cuối cùng lên.
- Tội nghiệp quá, chắc ông cụ đói và lạnh lắm đây, nhưng ta biết làm gì để mời cụ bây giờ?
Chú suy nghĩ mãi và chú đã quyết định cho hết vào đống lửa, chú thổi cho lửa bén củi cháy bùng lên. Lửa hồng rực rỡ, reo vui tí tách. Chú ra sau mang lên một cái đĩa to cùng với muỗng nĩa đặt trước mặt ông lão.
- Cháu chắc cụ đi đường xa đói lắm. Vậy cháu có một món ăn muốn xin mời cụ. Mong cụ dùng tạm cho!
Dứt lời chú nhẩy ngay vào đống lửa. Ông lão, đó là vị tiên cải trang để thử lòng dạ các chú thỏ, đưa chiếc gậy ra đỡ, không cho chú thỏ Bạch phải chết cháy.
- Con thật có lòng thương người bao la, từ nay ta sẽ đưa con lên cung Quảng sống đời đời hạnh phúc.
Và cũng từ ấy, trên cung Hằng có thêm một chú thỏ trắng, thường được gọi là thỏ Ngọc..."
Các bé của chị,
Chắc có nhiều bé đã biết chuyện này rồi phải không bé? Nhưng bé ơi! Khi kể lại cho bé nghe câu chuyện này, chị không mong các bé phải hy sinh đến như thỏ Ngọc đâu, chị chỉ mơ rằng:
Bé ơi! Hẳn các bé đều thương bố mẹ lắm phải không? Vậy bé ạ, bé hãy giống như chú thỏ Ngọc bằng cách đừng vòi vĩnh bố mẹ nhân dịp Trung Thu bé nhé. Bố mẹ dạo này phải vất vả nhiều mới đủ lo cho các bé. Bây giờ lại phải thêm một món tiền lớn cho ngày Tết này, bố mẹ sẽ lo lắng đến đâu. Bé hãy vui nhận những gì bố mẹ có thể lo cho bé ngày ấy: có thể, bé cũng đã là một chú thỏ Ngọc của Tuổi Hoa rồi đó.
Chúc các bé vui và mong gặp lại các bé.
UYÊN THU
(Trích từ Trang Tóc Dài, tạp chí Tuổi Hoa số 227, ra ngày 1-10-1974)