Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

Đầu Năm... Khai Bút

 

 - Anh ơi! Đầu năm khai bút là thế nào anh?

- Là cầm bút viết lần đầu tiên trong năm mới.

- Viết mở đầu trong năm thì có chi lạ đâu anh.

- Không có chi lạ, em à. Vì em vốn học sẵn đã biết viết rồi. Khai bút với chúng ta, tuy không có những ý nghĩa đầy mê tín như có khai bút giờ tốt, thì cả năm mới học giỏi, nhưng ta cũng nên khai bút.

- Để làm chi, anh?

- Để khỏi quên đi cái vui chơi, chứ sao. Ngày tết là ngày vui, là ngày đánh Tam Cúc, nhưng đừng có quên rằng chúng ta phải chăm lo việc học, và coi việc học cũng vui như những cái vui ngày Tết.

- Nhưng ngày thường em vẫn học đều.

- Thì có sao! Ngày Tết em cứ vui đi, vui đều đi, nhưng em bỏ ra nửa giờ, một giờ để tỏ ý tượng trưng cho cố gắng của ta sẽ có trong năm mới. Khi mà trong lòng em hân hoan trong khói nhang, xác pháo, em sẽ thấy lúc khai bút thú vị lạ thường, và việc học sẽ vui như một trò chơi. Khai bút là tượng trưng cho ý chí quyết học và học vui đấy em ạ. Và không những em khai bút mà còn nên xem xét em còn thiếu những gì thì em kiểm điểm lại để làm cho trọn.

- Em chẳng còn thiếu chi đâu anh ơi!

- Ấy là em tưởng thế đấy, chứ chắc em còn thiếu. Em thường than rằng em học mau quên mà.

- Thế em phải làm chi?

- Bây giờ, em ngồi em vẽ cái bản đồ thân yêu nước Việt của chúng mình, rồi em ghi các danh từ địa lý lên trên, đem tô màu cho đẹp và dán ở trước bàn học của em. Em vừa làm đẹp bàn học, vừa được hãnh diện, vừa được trọn năm vui vẻ mà nhớ lại công trình ngày Tết, lại vừa được có sẵn bản đồ trước mặt thì em còn quên bài học sao được.

- Được rồi, em sẽ... khai bút vẽ.

- Em xét lại các bài học đi, rồi em cố đọc các bài học trong những bảng ghi tóm tắt, hoặc viết ra các công thức toán, viết cho lớn ra rồi cũng đem treo ở trước bàn học. Em sẽ được lợi, vì được đọc đến luôn, tất nhiên sẽ mau nhớ.

- Rồi! Em sẽ nghe theo lời anh.

- Anh còn muốn bảo em vẽ vài cành hoa xanh đỏ lên bảng công thức, để cho đỡ khô khan...

- Em vẽ le lắm, em sẽ làm anh coi.

- Anh lại còn muốn em khai bút trong lòng nữa cà.

- Khai bút trong lòng là thế nào hở anh?

- Là tự viết ra ở lòng mình những lời nguyền không bao giờ phai mờ. Em hãy kiểm điểm xem trong năm mới, em đã có những lỗi lầm nào, những thiếu sót nào. Rồi em thấy lỗi ở đâu thì em nguyện sửa đổi.

- Khó ghê!

- Không khó đâu, em. Này nhé! Anh chỉ dẫn em vài câu hỏi, em cứ thành thật trả lời.

1. Năm ngoái em có lười không?

2. Em học khá không? Hạng mấy? Tại sao? Kém về môn gì? Không chịu học hay sao?

3. Hạnh kiểm có tốt không? Thầy yêu em không? Bạn mến em không? Ba má yêu em không? Đối với anh chị em có lỗi gì không?

4. Em có tật xấu gì không?

Đó, nếu em thành thật trả lời, thì em có thể viết vào trong lòng em những lời nguyện đầu năm như:

Năm nay ta nhất định chăm học.

Ta nhất định luyện thêm Toán, Sinh ngữ và Việt văn.

Ta nhất định làm vui lòng thầy và cha mẹ. Kính anh chị và nhường bạn bè.

Ta không nhát sợ nữa.

Như thế là khai... lòng đấy. Và cam doan em sẽ thấy cái Têt vui hơn, ý nghĩa hơn.


NGỌC BÌNH         
(nhóm Viễn Du)      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Giáp Dần, 1974)
 

Giao Mùa

 


 

 

 

 

 

 

Bỗng dưng nắng trải lối mòn

Bao tia ấm áp vây hồn cỏ hoa

Chim về mở hội hót ca

Khúc tình trỗi dậy vang ca khắp vườn

Im nghe mộng ước bình thường

Trỗi trong tháng lạ mùa sương mới về
 
Đây mùa xuân của say mê...

                                  HOA CHÂU THỔ

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Giáp Dần, 1974)

Chúc Tết

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 Vòng tay bé chúc cho anh
 
Năm mới gặp mọi sự lành, yên vui
 
Học hành thành đạt nên người
 
Đền ơn cha mẹ một đời lắng lo...
 
                               Trần thị Nguyệt Mai 
 

Bé Đi Lễ Mùa Xuân


 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tết đi tết lại về 
Gió qua cành hoa lê 
Khóm mai vàng hé nụ
Nắng trải lụa đường quê

Áo dài em đi lễ
Hoa nắng rải lung linh
Em qua cầu nghiêng nón
Đóa môi hồng xinh xinh

Có đôi chim be bé
Trên cành hót líu lo
Hỏi thăm bầy bướm trắng
Biết xuân về hay chưa

Dưới cầu nước xanh trong
Đàn cá quẫy đuôi mừng
Dáng cầu in nước biếc
Lẫn bao cành rêu rong

Mái chùa sao uy nghiêm
Xanh xanh khóm liễu mềm
Bầy trẻ con xúng xính
Quì lạy bên mẹ hiền

Hồi chuông thánh thót ngân
Trong mờ ảo hương trầm
Cúi đầu em nguyện ước
Cầu mẹ sống trăm năm.....

                               Thơ Thơ 
                    (Bút nhóm Hoa Nắng)

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Giao Thừa Nhiều Nước Mắt

 

- Bé ơi! Có nhạc hay lắm.

Bé vội uống ngụm nước rồi bay lên nhà trên. Nhưng thay vì lên xem tivi, bé lại hốt hoảng vào phòng, bởi cây kẹo cao su đã theo nước trôi xuống bao tử. Nước mắt tuôn trào, bé cố bặm môi để khỏi phát thành tiếng. "Mình sắp chết", ba tiếng ấy đã gieo vào óc bé với nỗi sợ hãi lo âu. Không lúc nào mà bé thấy thiết tha với sự sống bằng giờ phút nầy. Nhất là mai lại là ngày Tết.

Bé thẫn thờ nhìn quanh phòng, nhìn cái bàn học, chiếc áo đầm mới... và tự nhủ: "Mình sắp xa hẳn rồi". Bé thấy mình vô phước nhất đời. Chết mà nhè ngày Tết mà chết, thật là vô phước. Nhưng cũng tại bé cả, ai biểu nuốt làm gì. Bỗng dưng, bé khóc to lên, song chả có ai hay cả. Bé càng buồn tủi hơn. Người ta vẫn dửng dưng trước cái chết của bé mà. Người ta mải nghe nhạc nên nào có hay bé sắp chết. Mà những "người ta" đó lại là những người thân yêu nhất của bé.

Đôi lần bé muốn chạy ngay ra nói với me, để me chở bé đi nhà thương, vì cái kẹo nó đang quấn chặt bao tử bé như lời chị Hòa thường nói. Nhưng lại thôi, vì người ta đã không thèm biết tại sao bé khóc mà. Bỗng có tiếng dép lẹp xẹp vào phòng. Bé quay mặt vào tường, vờ ngủ.

- Thảo, không thức đi hái lộc với me à?

Vẫn nằm im, bé đáp:

- Không thèm đi đâu. Chắc gì còn sống mà đi.

- Ơ hay! Bé mơ đấy à?

Bé chịu không nổi nữa, vùng dậy ôm lấy chị Hòa khóc lớn:

- Bé nuốt kẹo cao su... hu... hu... Bé sắp chết hu... hu...

Chị Hòa mỉm cười "à" một tiếng, rồi gỡ tay bé ra:

- Chết! Sao bé lại nuốt, bé không nghe chị nói mấy lần rồi sao?

- Bé đâu có muốn vậy. Bé uống nước rồi nó chạy theo đó chứ. Làm sao lấy ra hả chị Hòa?

- Bác sĩ lấy cũng không ra nữa chứ mình.

Bé càng khóc to hơn:

- Thôi, bé biết chị đâu có thương bé. Hồi đó me đưa anh Hải đi nhà thương để bác sĩ lấy hột long não ra thì sao?

- Ở mũi thì họ lấy ra dễ, còn bé thì phải mổ bụng...

Hết hy vọng, bé ngồi xuống giường chán nản. Bé cảm thấy khó thở. Chắc là sắp chết rồi. Bé thầm nghĩ, nước mắt càng tuôn thêm. Đồng hồ vừa điểm 11 giờ. Gần bước sang năm mới rồi, bé thầm mong chị Hòa xí gạt bé như lần nuốt hột ô mai. Lần đó bé cũng khóc ghê ghê là. Cũng tại chị Hòa bảo ô mai sẽ mọc cây trong bụng bé. Lúc ấy bé quên hết những bài cách trí mà cô giáo đã dạy. Bé khóc lóc gọi me rối rít. Me cho chị Hòa một cây chổi lông gà và nhỏ nhẹ nói với bé: "chị gạt bé đấy!"

Bé giật mình vì có nhiều tiếng guốc dép bước vào phòng. Bé nhỏm dậy thì anh Hải đã bước vào, nói:

- Đấy! Cái mặt nhăn như thế thì hẳn trong bụng đang đến thời kỳ... gây cấn lắm.

Trời ơi! Chả có ai lo cho bé cả mà. Anh Thông còn nói:

- Mai là Tết, mà chết thì uổng đời lắm.

Eo ơi, bé sắp chết. Mấy người ác lắm mà. Bé mà chết thì mấy người liệu hồn nha, bé về bé bóp cổ hết trơn hà. Từ nãy đến giờ, bé chờ ba me mà chẳng thấy. Bé liền hỏi thì anh Hải nói ngay:

- Ba me ấy à. Ba me đang sửa soạn đón giao thừa, mà bé hỏi làm gì thế?

Anh Thông hớt ngay:

- Còn phải hỏi, để giối giăng phải không bé?

- À! Cứ nói anh sẽ chuyển lời lại cho.

Bé òa khóc, thì ra người ta vẫn mong bé chết. Người ta không chút cảm động trước giây phút cuối cùng của một người tha thiết sống. Bé nhận thấy mình bơ vơ quá. Còn gì khổ hơn khi sống với những người thân yêu, mà chẳng hưởng được một tí ti sung sướng. Bé nghẹn ngào, trong khi các anh chị đang cười nói với nhau. Bỗng nhiên, bé muốn chết ngay để khỏi thấy những người dễ ghét ấy. Bé nhắm nghiền mắt lại, nhưng tai bé nghe tiếng me vọng vào:

- Làm gì thế?

Chị Thảo đáp nhanh:

- Bé sắp chết me à.

Ba me vội chạy vào, me luýnh quýnh hỏi:

- Làm sao? Làm sao hả?

Bé thấy anh Hải (qua màn lệ) ghé vào tai me nói nhỏ một lúc lâu. Mặt me từ màu xanh sang màu đỏ rồi nhạt dần. Me nạt to:

- Chúng mày quá lắm!

Ba vẫn đứng cười cười không nói. Chị Hòa, anh Hải, anh Thông mỉm cười nhìn bé. Duy chỉ có me, mặt me hầm hầm, nhưng đến gần bé thì me lại cười ngay:

- Thôi nín đi, anh chị chọc đấy mà. Chả sao đâu, bé đi thay đồ rồi đón giao thừa với me. Kìa! Gần 12 giờ rồi đấy.

Bây giờ, bé đã hiểu. Chị Hòa ác thật. Mấy lần trước chị cũng bảo là đứa nào mà nuốt kẹo cao su thì "tới số". Còn lần chị ấy bắt sâu đo rồi bảo: "Đứa nào mà bị nó đo từ trên đầu xuống chân là chết". Cũng vì thế mà mỗi lần bé đi học, bé phải chăm chú nhìn cho kỹ, không khéo thì sâu nó mắc lên đầu, khi đi qua những cây phượng.

Me lau nước mắt cho bé. Chị Hòa rón rén lại gần:

- Bé cưng! Sao nhát thế?

- Nếu như chị thì chị cũng sợ chết nữa chứ bé.

Bé nguýt một cái thật dài, trong khi tiếng anh Hải vang lên:

- Ai chả sợ chết. Người ta biết... nên mới chọc bé cho vui đấy chứ!

- Cho vui?! Bước sang năm mới anh coi chừng...

Bé định bảo anh coi chừng bé trả thù, nhưng lại thôi vì bé áp dụng câu cô giáo dạy: "lấy tình thương xóa hận thù" mà lỵ. Có tiếng ba chen vào:

- Thôi chứ! Sửa soạn áo quần đi (nhìn đồng hồ) còn năm phút nữa là giao thừa rồi.

Me tiếp ngay:

- Ờ! Rồi me mừng tuổi nữa.

Bé ôm chầm lấy me:

- Me phải mừng tuổi cho con nhiều nhiều nha me!


MINH THU       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 122, Xuân Canh Tuất, ra ngày 15-1 và 1-2-1970)

Quà Tặng Đêm Giao Thừa

 

Tính tới tính lui thì vẫn còn thiếu những ba chục nghìn. Lòng dạ Ngoan cứ mỗi lúc một nóng như lửa đốt. Nó hối hả nhìn lên những nóc nhà cao. Vạt nắng chói lọi trên từng mảng tôn sáng lóa cứ mỗi lúc một nhạt dần, trước nhìn còn thấy chói mắt, sau rồi cứ lịm dần đi, nó nhìn vào đấy chăm chăm mà chẳng còn thấy nhức nhối.

Quá chiều ba mươi rồi!

Chẳng còn mấy tiếng nữa là tới giao thừa. Lòng Ngoan quặn thắt lại. Dòng người quanh nó vẫn đang tiếp tục cuồn cuộn, xô đẩy với đủ loại âm thanh ồn ào, chát chúa, nhưng hầu như chẳng ai đoái hoài tới cái mẹt bánh rán nó đã cắp mỏi cả tay từ hồi sáng tới giờ. Ở bên túi trái của nó, cuộn giấy bạc nằm gọn dưới lớp kim băng vẫn còn ngoan ngoãn lắc lư theo nhịp bước bồn chồn, hối hả. Đi đâu bây giờ và kiếm đâu cho ra cái món ba chục nghìn mà nó đã tính chắc là còn thiếu đó. Chợt nó đứng sững lại ngẩn ngơ! In như có tiếng ai gọi nó ở đằng sau lưng:

– Bánh rán. Này con bé bán bánh rán ơi!

Ngoan quay phắt lại nhìn. Nó thấy rõ một bà to béo đang đứng ở một bực cửa vừa giơ tay, vừa réo gọi. Ngoan vội vã quay gót trở lại. Nó chìa cái mẹt ra với niềm vui rộn rã trong lòng. Bà ta mua luôn một lúc tới năm cái bánh. Lúc trả tiền, bà ta bỗng nhiên hỏi nó một câu:

– Mày có biết trèo không?

Ngoan ngơ ngác:

– Trèo lên đâu hả bà?

Bà chủ giơ một ngón tay múp míp và trắng nõn như ngó cần rõ ra là hạng người quanh năm chỉ ăn trên ngồi trốc, chỉ lên nóc nhà cao và nói:

– Lên đó đó. Kiếm cho tao cái xác con mèo. Nó bị điện giật chết đêm hôm qua, mà điều không biết nó rúc vào cái xó nào, tao chỉ nghe tiếng nó gào toáng lên hồi đêm qua rồi im luôn.

Ngoan ngước mắt lên, nhìn theo ngón tay chỉ của bà ta. Tòa nhà cao dễ tới bốn tầng. Ở tít trên cao đó, nó nhìn thấy chằng chịt những cây, những sào, những cột ăng ten và những búi dây điện nhằng nhịt. Thốt nhiên nó rùng mình:

– Ui chao, lên đó lớ quớ dây điện nó giật chết.

Giọng người đàn bà chợt cong cớn hẳn lên:

– Điện ở đâu ra mà sẵn sàng giật chết con người ta thế. Mấy cái búi dây đó, thợ điện đã gom tém vô một góc rồi. Mày chỉ cần chui dưới mấy cái máng xối thôi. Tao chắc con mèo chẳng chạy đi đâu ra ngoài mấy chỗ đó.

Cái Ngoan lý sự:

– Bà nói dây điện đã tém gọn rồi sao con mèo còn bị giật chết?

Lần này thì người đàn bà không còn kìm được vẻ giận dữ nữa. Bà lớn giọng tác xác như để trấn áp câu hỏi hữu lý của con bé:

– Tổ cha nhà mày, trứng còn đòi khôn hơn rận. Con mèo cái xác có bao nhiêu đó, nó chui rúc cho lắm vào thì làm chi mà chẳng đụng dây điện. Còn mày, mày ốm nhóc ốm nheo như thế có lòn nổi vô cái ngách có dây nối công-tơ không mà nói chuyện giật với không giật. Thôi, tao khoán hai chục nghìn, ưng hay không thì nói quách đi cho tao nhờ. Tổ cha cái thằng Tư đi biến đâu từ sáng tới giờ, nếu có nó ở nhà thì chẳng tới cái lượt mày.

Ngoan ngập ngừng:

– Thôi, hay bà chờ ảnh về đi.

Người đàn bà nhăn nhó:

– Chờ nó thì biết đến khi nào. Để qua đêm, giao thừa có mèo chết trên nóc, xui tận mạng cả năm!

Ngoan lại tần ngần thêm một vài giây nữa trước sự phát hiện ra cái cơn xui xẻo của người đàn bà. Ừ, nếu không phải giao thừa thì sức mấy bà ta phải nhờ tới mình. Bỗng nhớ tới cái món tiền đang cần tới, cái Ngoan tự nhiên bật ra một câu:

– Cho cháu ba chục đi. Ba chục thì cháu cũng liều.

– Mày cắt cổ tao sao mà đòi mắc dữ vậy! Nhà có cầu thang lên tới nóc, mày chỉ việc chèo lên mái có chút xíu thôi mà tính ăn những ba chục.

Ngoan nhún vai:

– Mà điều đâu phải mò lên tới đó là thấy ngay con mèo. Ngộ nó nằm chết rúi ở đâu đó, có mà kiếm hụt hơi.

Nghe nó nói có lý, người đàn bà dịu giọng xuống và không quên một lời mặc cả:

– Thôi được, tao chịu trả ba chục đó, mà điều lên đó điện điếc có làm sao, tao không chịu trách nhiệm đó nghe chưa.

Nhìn bầu trời đang ngả bóng chiều, đêm giao thừa cũng chẳng còn mấy chốc sẽ ụp tới, cái Ngoan đặt ngay mẹt bánh xuống sàn rồi xăng xái đi vào trong:

– Bà chỉ cho cháu. Cầu thang leo lên ở chỗ nào.

Người đàn bà đi theo bén gót nó:

– Được rồi, theo tao. Lên tới tầng chót thì có cái thang để trèo lên sân thượng. Tao chẳng biết trên đó có những cái gì nhưng cùng lắm cũng chỉ linh tinh vài thứ, đứng dưới này ngó lên cũng thấy.

Cái Ngoan ngước nhìn lên những bậc cầu thang cẩn bằng những viên gạch vuông có in hình hoa văn sặc sỡ chạy vòng theo cái tay vịn bằng gỗ cẩm lai được đánh bóng lộn. Lúc đặt chân lên bực thang đầu tiên, Ngoan chợt nhác thấy bóng một người đàn ông đang ngồi ruỗi dài trên một cái ghế xích đu ở căn phòng bên trong, trên tay đang cầm ly rượu. Hình như ông ta cũng đang liếc nhìn về phía con bé. Khuôn mặt của ông cũng mỡ màng, mầu nâu bóng, hai bên má hum húp đầy thịt, tuy nhiên cũng vẫn để lộ rõ hai con mắt thì sắc lẻm đến độ chỉ thoáng nhìn mà Ngoan cũng đã phát khiếp. Nó vội vàng bước vội lên thang lầu. Phía sau nó, bà chủ nhà đã đứng lại và dặn với:

– Cẩn thận đó nghe mày. Chỉ kiếm con mèo thôi, mấy cái đồ linh tinh thì chớ có táy máy, điện đóm thời buổi này, ai mà biết được!

Chỉ trong chốc lát, Ngoan đã len lỏi qua những cái linh tinh ấy trên mặt bằng của sân thượng. Đó là những cái thùng nhựa, thùng tôn chứa nước, những chậu trồng hoa bỏ không chất ngổn ngang đây đó, và nhất là những sào những cột mắc dây phơi chẳng hiểu ở đâu ra mà lắm thế, cả đám cứ tua tủa bao quanh những bờ tường đã ngả mầu rêu xám của những bồn chứa, cái thì để hứng nước từ ống giếng dưới nhà bơm lên, cái thì chứa nước mưa có đủ thứ máng xối quy tụ vào, lại có cả những cái bồn mà giam ở bên trong là những cái quạt thông hơi của đủ thứ máy lạnh, chắc là mỗi tầng lầu có một cái máy quạt như thế. Con mèo chết dúi ở đâu không thấy, nội chỉ có việc cúi gập người chui qua những lằn đây điện bắt ngang bắt dọc chẳng ra hàng ra lối gì hết cũng đủ làm cho con bé mệt đứt hơi. Mắt nó thao láo dòm săm soi đủ mọi ngõ ngách, hai tay thỉnh thoảng lại bám vào một cái xà gỗ sù sì bắt ngang một khoảng trống mà nhìn sâu xuống dưới, Ngoan chỉ thấy một khoảng không lọt thỏm, càng nhìn càng thấy sâu hun hút. Mới chỉ trong khoảnh khắc tìm tòi mà con bé đã vã mồ hôi hột, mặt đỏ bừng, đầu nó choáng váng, còn hai bên tai của nó thì có đủ thứ âm thanh của những nhà hàng xóm từ dưới vọng lên. Có chỗ thì đang chặt xương, băm thịt rộn rã. Có chỗ thì nghe tiếng nước xối rửa nhà, rửa cửa dội lên ùm ùm. Lại có chỗ thì mấy tay bợm nhậu đang bắt đầu ngà ngà, cả đám thi nhau to tiếng, người thì văng tục chửi thề, người thì cười nói oang oang như ống lệnh vỡ, và xen giữa những âm thanh ồn ào chát chúa ấy là những tiếng bát đũa lách cách cùng với những tiếng mời chào, thách thức nhau uống: “Dô! Dô!” nghe nhức cả đầu cả óc.

Chỉ riêng có mùi thịt chiên xào bốc lên là làm cho cái Ngoan thấy dễ chịu. Nó hít hà những hơi thật dài để nghe những mùi vị thơm thơm, bùi bùi, ngậy ngậy thấm sâu vào tận thớ phổi. Nó nhớ ra là từ trưa tới giờ chưa có hột gì vào bụng. Không phải nó tần tiện gì, nhưng mải mê với mọi sự tính toán trong một buổi chiều cuối năm, nó quên bẵng cả ăn.

Bỗng nhớ tới cái lo thắt ruột lúc chiều, thiếu những ba chục nghìn, cái Ngoan chợt thấy lòng thư thái hẳn lên. Bây giờ nó chỉ cần kiếm ra con mèo là mọi sự sẽ êm xuôi. Mà quái, cái con mèo xấu số chết tiệt này không biết trước khi nó nhắm mắt lìa đời thì nó đã chui rúc vào đâu. Theo bà chủ nhà thì nó bị điện giật. Mà săm soi chán vào đủ các thứ mối dây chằng chịt ở trên này, Ngoan đâu có thấy bóng dáng của nó. Cũng có thể sau khi bị điện giật thì nó chui vào cái ngách đâu đó để hấp hối. Nếu quả như vậy thì cũng thật là phiền đây. Trên cái khoảnh xi măng nằm chót vót trên bốn tầng lầu này, coi bộ cũng có đủ thứ lỗ hóc hiểm chứ chẳng phải chuyện chơi. Nhất là ở những khoảng nối từ tường nhà này qua tường nhà kia, từ chỗ tiếp giáp giữa tầng nhà ngoài với tầng nhà trong, đâu đâu cũng có thể có một khoảng trống vừa đủ cho một con mèo chui vào.

Ngoan lại mất thêm một số thời gian mệt bở hơi tai nữa để dùng một cái que củi nhỏ lùa vào mọi chỗ mong tìm cho ra tung tích của con mèo xấu số. Toàn thân Ngoan bây giờ cũng đã bê bết những vệt đất, vệt bùn, lại thêm cả những mảng rêu xanh dính nhếch nháp trên mặt, trên tóc của nó nữa. Trong làn hơi nóng phả lên từ nền xi măng đã được nung nấu từ sáng tới giờ, Ngoan đã vã hết cả mồ hôi để lần tìm không bỏ sót một khoảnh nhỏ nào ở đây, kể cả một cái chòi nhỏ bằng gỗ thùng được dựng lên một cách sơ sài mà hình như từ lâu đã không được dùng đến, bên trong còn sót lại cái gối và cái mền đã có vẻ mủn ra vì đóng nhiều mảng ẩm mốc. Vẫn chẳng thấy con mèo chui rúc vào cái xó xỉnh nào.

Trời đã nhập nhoạng tối xuống rồi. Nó mà không nhanh tay tìm cho ra thì mọi cố gắng đều trở thành xôi hỏng bỏng không. Chẳng lẽ đã vất vả xuôi ngược cả năm, đến khi năm hết tết đến, nó lại còn bị xui tận mạng nữa sao đây. Bỗng cái Ngoan sáng hẳn mắt lên khi nhìn thấy những lốt chân mèo in rõ trên một khoảnh gần cái cột gỗ chằng chịt dây điện. Đúng là cu cậu bị điện giật ở cái đùm dây đang chẩy võng xuống ngay gần mặt sàn. Rồi thì cu cậu bị hất văng lên cao và rơi tõm xuống một khoảng xi măng đã bám nhiều rêu xanh. Những lốt chân mèo vương tứ tung chẳng có hàng có lối gì hết ráo chứng tỏ nó đã giẫy giụa, vật mình vật mẩy dữ! Rồi thì dấu chân mất hút ở ngay bên thành cái bể hứng nước mưa! Ngoan đoán ngay ra là con mèo đã leo lên bể nước. Nó vội vàng xà mình lại thành bể và nhoài cả người xuống để nhìn vào bên trong. Ngoan mừng như vừa bắt được của. Xác con mèo với bộ lông mầu hung hung óng lên giữa ánh sáng lập lờ nhấp nháy ánh sáng phản chiếu của những tia nắng chiều còn yếu ớt sót lại.

Thế là Ngoan vội vã đi kiếm một cây sào. Công việc bây giờ của nó chẳng khác nào cái công việc của mấy năm trước thọc sào xuống vớt những đám bèo trôi lềnh bềnh trên mặt nước ao phẳng lặng để đem băm và trộn trong nồi cám heo. Đồng quê sau mấy trận thiên tai đã nghèo lại càng thêm xơ xác đến nỗi cả gia đình nhà nó phải bồng bế nhau lên tỉnh. Bố đi làm phu khuân vác ngoài bến xe, hay nơi cổng chợ. Mẹ đi làm phu hồ cho những công trình xây cất. Thành phố cứ thay da đổi thịt, buyn đinh, nhà lầu, biệt thự thi nhau mọc lên nhan nhản với tốc độ chóng mặt, nhưng đồng thời sức khỏe của mẹ nó, bố nó cũng cứ theo thời gian mà tàn lụi. Ai giầu sang, ăn nên làm ra ở đâu không biết, chứ cái thứ khố rách áo ôm như gia đình nhà nó thì quanh năm chạy mửa mật mà có lúc cũng không đủ cái ăn. Nhà có ba chị em. Ngoan lớn nhất nên tuy mới mười lăm tuổi mà đã cực kỳ vất vả. Một tay nó phải đôn đáo để bù đắp những cơn thiếu thốn trong gia đình mỗi khi bố ốm nằm liệt giường hay mẹ chầu chực cả buổi không có việc làm, tay xách nón cố che khuôn mặt méo xệu để cun cút bước vào nhà với tâm trạng của một kẻ tội đồ vì không lo được bữa gạo nấu cơm chiều. Bố nó thì lúc nào cũng lầm lì, sống u uất như một cái bóng trong nhà. Cho đến một hôm ông ngã gục dưới cơn mưa tầm tã ngay cổng chợ, trên đầu còn đội một sọt cải bắp nặng trĩu. Cái chết của ông được nhà thương xác nhận là trúng gió.

Lần đó mẹ của Ngoan phải đi bán máu để có tiền chôn cất. Sức khỏe của bà cũng suy sụp hẳn từ ngày ấy và trách nhiệm gia đình lại càng đè lên đôi vai còm cõi của Ngoan thêm nặng nề hơn. Nhưng nó là một đứa con gái đảm đang. Nhờ bà con chòm xóm mách bảo, người chỉ cho nó buôn cái này, kẻ mách cho nó làm cái khác. Thế là sáng đi bán xôi, trưa làm gánh chè, chiều tối có khi còn đèo thêm một mẹt bánh rán, hoặc thúng khoai chiên. Nó vẫn thường tự hào: hai đứa em chưa bữa nào bị đói. Chỉ nội cái thành tích ấy cũng đủ làm cho cái Ngoan lúc nào cũng nhoẻn được nụ cười.

Cuộc tính toán của Ngoan trong suốt mấy ngày cuối năm tuy không lớn lao gì nhưng đối với nó lại hết sức trọng đại. Con bé em phải có một cái váy đầm. Bởi mỗi khi Ngoan nhìn vào đôi mắt của nó khi nó thấy lũ con nhà ông Tư đầu ngõ mỗi khi lũ lượt đi qua, Ngoan cũng đủ thấy nó thèm thuồng cái váy biết là bao nhiêu. Còn thằng cu lớn phải có một một bộ đồ mới và một cái cặp da để mang đi học, chứ nhìn cái cảnh nó nhét mớ sách vở vào cái túi vải vừa nhớp nhúa vừa nhẽo nhèo, nom không ra dáng con nhà học trò chút nào. Chắc thằng bé cũng biết rõ điều ấy nên lúc nào nó cũng cúi gằm cái mặt xuống cả lúc đi cũng như lúc ở trường về. Ngoan còn cả gan dự tính giúp mẹ nó thực hiện ước mơ duy nhất trong cuộc đời của bà, đó là dành đủ tiền bốc được cái mộ của bố nó để đem về quê. Nhưng đó là chuyện ra giêng ngày rộng tháng dài. Nội hai món quà cho hai đứa nhỏ, sau cả tuần lễ rạc cẳng lang thang ngoài đường phố với gánh chè và rổ khoai mà nó vẫn còn thiếu tới ba chục nghìn. Vừa may, con mèo run rủi giúp nó vào đúng cái lúc năm cùng tháng tận, chẳng biết đào ở đâu ở giữa cái chốn người khôn của khó này.

Ngoan khoắng cái xào xuống nước một cách thiện nghệ và chẳng mấy chốc nó quơ được xác con mèo lại sát phía mình. Rồi chỉ cần nhoài người xuống một chút, roãi cho thẳng cánh tay là nó túm được một mớ lông ướt nhèo. Xác con mèo được vớt ra khỏi bể nước mưa, mình nó cứng như một khúc gỗ và nó để lại trên sàn xi măng một bãi nước lõng bõng mầu nhờ nhờ. Ngoan thì thào như nói với nó:

– Mày ráng leo lên thiên đàng nghe. Đừng có trở lại đây. Làm mèo hay làm người thì cũng thế thôi!

Khi mang cái xác mèo xuống tới đầu cầu thang, Ngoan reo to lên:

– Bà chủ ơi. Cháu tìm thấy rồi.

Giọng bà chủ nhà vừa mừng vừa sợ:

– Đừng có mang nó xuống vội. Để tao kiếm cái bao bố cái đã.

Một lát sau, con mèo được yên vị trong một cái bao tải nhỏ và bà chủ tay cầm túi, chân le te đi trước. Ngoan mệt mỏi rời rã theo sau, nhưng nó củng cố nhắc một câu:

– Bà phải thay cái bể nước mưa nhé. Cháu vớt nó ở trỏng đấy.

Bà chủ nhà vừa trao tiền cho nó vừa xuýt xoa:

– May quá. Suýt nữa thì tao lấy nước mưa để nấu trà cúng ông bà lúc giao thừa. Thôi năm nay cúng bằng nước suối “La vi”, có khi các cụ lại còn cho là theo kịp với thời mở cửa nữa kìa.

Nói rồi bà tự khen thưởng câu nói đùa có duyên bằng một chuỗi cười làm rung cả hai bên má nung núc những mỡ. Nụ cười của bà bỗng tịt ngẳng ngay lại khi con bé tiếp lời:

– Còn cái chòi nữa. Cháu thấy mục hết rồi, coi chừng sắp biến thành ổ chuột.

Mắt bà chủ chợt long lên:

– Của ổng ngồi luyện tắc luyện phép gì đó, mà điều kệ xác. Khi không ổng bỏ nhà biến đi, ai biết đâu mà tìm…

Ngoan chợt nhớ đến người đàn ông ngồi uống rượu trên ghế xích đu, nó buột mồm:

– Ủa, cháu tưởng ông chủ còn đang ngồi ở dưới nhà.

Bây giờ thì bà chủ nhà không còn nén được cơn giận dữ nữa. Bà củng lên đầu con bé một cái nên thân rồi nói giọng rít lên qua hai hàm răng:

– Nhãi con biết gì! Tao cấm mày bép xép cái mồm. Thôi cầm tiền rồi cuốn xéo ngay đi.

Ngoan sợ hãi, nhận mấy tờ giấy bạc trên tay bà chủ rồi xách cái mẹt bánh rán đi ra gần như chạy.

Chỉ gần ba mươi phút sau, nó đã mò tới được gian hàng của bà Năm ở phía sau một ngôi chợ gần nhà. Trời bây giờ đã tối hẳn, nhưng hình như thiên hạ đổ ra đường còn đông nghẹt hơn cả hồi chiều. Lý do là ai cũng chờ để đi mua của vét trong các chợ chiều cuối năm. Đông đúc nhất là ở khu chợ bán hoa. Hoa cứ theo bầu trời tối sập xuống mà hạ giá. Đến tám giờ tối thì giá hoa chỉ còn một nửa so với lúc ban ngày. Nếu ai chịu nhín chút nữa thì có thể còn mua được giá hạ hơn. Đến áp phút giao thừa thì chủ các xe hoa bỏ của chạy lấy người. Họ quăng hàng đống các sọt hoa héo vào một góc chợ mà ở đó xem ra cũng có nhiều đám dân ùa vào, chen lấn, vừa chọn lựa vừa giẫm đạp lên hoa để mong tìm được một giò hoa cũng gọi là đem trưng trong vài ba ngày tết cho có với người ta.

Riêng cửa hàng của bà Năm thì lúc ấy cũng hãy còn đông khách. Bà ta bán đủ thứ linh tinh từ quần áo, vải vóc cho đến bánh kẹo hay những loại đồ khô nấu nướng. Vừa thấy Ngoan, bà đã cất miệng mắng yêu:

– Mày đi chết giẫm ở đâu mà bây giờ mới vác mặt tới? Xém chút nữa thì tao bán luôn cả mấy thứ mày dặn rỗi.

Ngoan nhoẻn một nụ cười thật tươi rồi móc ở túi ra một cọc tiền. Nó hớn hở nói:

– Cháu có đủ trả cho bà đây. Đêm nay giao thừa, hai đứa nhỏ mà có mấy thứ này thì chúng nó vui phải biết.

Tuy đã mệt nhược hẳn người ra rồi, nhưng đến lúc bà Năm đặt vào tay nó một bọc giấy thơm phức trong có mấy món đồ đã dặn mua thì nó thấy người như tỉnh táo hẳn ra. Nó cám ơn bà rối rít và đi như muốn chạy như bay về nhà. Mẹ nó đang đứng chờ ở cửa với vẻ mặt đầy lo lắng. Ngoan vít cổ mẹ xuống, thì thào:

– Mẹ đừng mở ra cho chúng nó thấy vội. Cũng sắp giao thừa rồi. Để đến đúng giao thừa thì hãy mở. Coi như tiền lì xì, nghe mẹ.

Bà mẹ vừa ôm cái bọc vừa ghì con gái vào lòng, nước mắt rưng rưng:

– Ừ. Thôi đi tắm rửa và nằm nghỉ chút cho khỏe đi. Đến giao thừa làm lễ cúng, tao gọi dậy.

Sau một ngày mệt nhọc, nhất là những giờ phút lom khom vất vả dưới những cây sào chằng chịt dây điện, toàn thân của Ngoan như rũ liệt, rã rời. Nó chẳng còn đủ sức làm gì hơn là nằm vật xuống một cái chõng tre kê ở một góc rồi trong khoảnh khắc, nó đã thiếp đi lúc nào không hay.

Rồi thì những âm thanh đặc biệt của phút giao thừa bỗng vang lên rộn rã, tiếng người gọi nhau chào mừng í ới, tiếng ồn ào từ đài truyền hình bên hàng xóm oang oang lời chúc tết đầu năm, xa xa cũng có cả vài tiếng đì đẹt của nhà ai đó dám cưỡng lệnh nhà nước đem pháo ra đốt càn. Mẹ của Ngoan ngồi sụp xuống đất bên cạnh cái chõng tre. Nước mắt bà rưng rưng nhìn đứa con gái đang chìm trong giấc ngủ mệt nhọc. Trên khuôn mặt vêu vao của nó vẫn còn vương mấy cọng rêu ranh. Bà muốn đánh thức nó dậy để mở quà cho hai đứa nhỏ, nhưng thấy nó ngủ ngon lành quá nên bà cứ tần ngần. Bà cũng ngăn không cho hai đứa nhỏ làm rộn giấc ngủ của chị. Ít có thời gian nào trong một ngày, khuôn mặt thơ ngây của nó có được vẻ bình an như lúc này. Có thể nó đã tìm thấy sự bình an khi biết chắc hai em của nó sẽ có những món quà đúng như dự định. Còn về phần nó thì có cái gì? Chắc nụ cười sung sướng của hai đứa cũng thừa đủ là quà tặng của nó trong một đêm giao thừa.

  
NHẬT TIẾN         
(Tháng 12-2002)     
 
 

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

Mùa Xuân Con Sáo Sang Sông

 

1.
Trời đã bừng sáng. Những đám mây hồng phương Đông, bị mặt trời mới lớn xô đuổi, đã tản mát trên vòm trời xanh. Những cơn gió dịu nhẹ hắt cái lạnh còn sót lại của buổi sớm mai vào nhà. Tần vơ chiếc mền quấn ngang mình nằm lơ mơ trong giấc ngủ "nướng" êm ả. Bầu không khí vẫn dịu nhẹ và thanh thản, chỉ vang lên vài tiếng gọi nhau, một đứa bé "túc" gà và xa xa tiếng nghé ơ lạc lõng. Cả không gian đang lặng mình trong bình minh bỗng vỡ òa theo tiếng trống. Tiếng trống nghe dồn dập, dồn dập dội lên, vang vang qua những hàng cây xanh, những luống cải, những vồng rau, len vào những mái tranh, lay dậy những cơn ngủ mê mải. Tần choàng thức dậy trong tiếng trống trường đang dòn dã, tung mền ngồi phắt lên. Tần chợt nhớ, hôm nay thứ hai. Tiếng trống còn vang vang ngoài kia nhắc nhở. Tần gấp rút lo thủ tục quen thuộc của buổi sáng, xong ôm tập bước ra. Con đường ướt sương nằm chang chói trước mặt. Trên cây xoài ven đườn,g một tiếng chim nào vừa vút lên. Tần cũng cất tiếng hát khe khẽ, nghe tâm hồn hòa dịu trong cái thanh thoát của một buổi sáng thôn quê.

Vào đến sân trường, giáp mặt với những nụ cười thân thuộc, Tần thấy lòng ấm lại. Khung cảnh sân chơi bao giờ cũng vậy và thời nào cũng thế, cũng với những cô học trò tụ năm tụ ba, với những cậu bé đuổi nhau la hét: chơi u, bắn bi, đánh đáo... Để không gian rộn ràng lên sức tươi trè. Để thời gian vang cười với lứa tuổi hoa niên. Tần chạy vù vào lớp cất cặp và nhập bọn. Câu chuyện nổ vang và Tần bỗng như to lớn hẳn ra, như một anh hùng, oai nghi với hào quang chiến thắng.

... Tần đương nhiên đứng vào vị thế chỉ huy, với vóc vạc to lớn, với sự bạo dạn sẵn có và nhất là với giọng nói thật to, đủ to để đàn áp kẻ đối thoại, Tần lại có thêm những tính toán thật lý thú và hào hứng. Không một ai nghĩ tới việc phản đối, hơn nữa, sự nao nức về trận đánh sắp tới thúc giục họ đi vào kế hoạch, nguyên do chính của buổi tụ tập dưới gốc cây thị bên trường sáng thứ bảy ấy. "Họ" gồm toàn các anh lớn, lớp nhất lớp nhì và vài gương mặt lớp ba, kẻ đứng người ngồi đều hướng về Tần. Không dằn nổi sự rộn rực trong lòng, Tần nói không cần một cung cách kiểu cọ nào cả:

- Tụi Xóm Làng hẹn chiều mai ở bãi đất trống bên nhà thằng Vị. Lâu nay tụi nó sang sông hoài, giờ tới phiên tụi mình. Mình lợi thế hơn, thắng mãi, Giờ cố làm sao đừng thua. Mấy bồ có kế hoạch gì đem ra anh em bàn định.

Bụi nóng nảy:

- Thì bồ có ý kiến gì, cứ nói ra cho rồi...

- Trước hết nghe ý kiến mấy bồ đã chứ. Có như vậy kế hoạch mới toàn hảo.

- Bồ làm như ý kiến của bồ đã được chấp nhận.

- Thôi bỏ qua chuyện đó đi - Nhược lên tiếng - cãi nhau hoài hết giờ đó. Theo tôi nghĩ, mình phải làm sao tiêu hao lực lượng tụi nó trước, nhất là mấy thằng lớn xác.

Thường, anh chàng thư sinh nhất bọn, chậm rãi lên tiếng:

- Thì cái đó đã hẳn. Nghĩa là mình phải tìm cách đột kích bọn nó...

Cuộc bàn cãi đi vào sôi nổi với những chi tiết được vẽ vời. Những tiếng cười tiếng nói rộn ràng. Những khuôn mặt Long, Trịnh, Hoan, Thạch... bừng bừng hăng say. Cây lá trên cành cũng xôn xao, xào xạc mãi cho tới khi tiếng trống vào học đã tàn.

Bờ sông Phong Lệ chói chang trong ánh nắng gay gắt của ban trưa. Sóng nước lười biếng gợn nhẹ. Vài cụm bèo Nhật Bản dật dờ trôi. Khung cảnh chừng như vắng lặng bỗng vang lên những bước chân. Những bước chân tiến dồn dập rồi ngừng bặt bên bụi dứa dại ven sông. Những tiếng nói thì thào. Những chiếc áo bạc màu bị vất nằm lăn trên cỏ. Chợt tiếng Trịnh vang lên:

- Giờ đứa nào ở lại giữ áo quần?

Những ánh mắt ngơ ngác nhìn nhau. Không ai muốn mình đứng ngoài cuộc chiến cả. Lòng háo hức mang ra đi, chẳng lẽ lại trói buộc nơi bờ sông bên này sao. Nhược có vẻ nghĩ ngợi rồi bảo:

- Được, để tui tính cho.

Rồi vụt chạy ngược lối vào thôn. Lát sau anh chàng đã trở ra với một thằng bé. Thoáng nhìn, tất cả reo lên:

- Ồ, thằng Chiến.

Cậu bé trông nhỏ nhắn và xanh xao. Đôi mắt trông tinh anh nhưng vẻ mặt luôn trầm mặc. Chiến học lớp Ba và cũng thuộc những tay toán cừ. Nhưng rất ít tham gia các trò chơi mạnh và hình như cậu thấy an phận trong sự chiều chuộng của các đàn anh. Sự xuất hiện của Chiến gây một ngạc nhiên trong lòng đám trẻ. Vì má Chiến săn sóc Chiến rất cẩn thận. Như giọt sương đầu cành. Như bông hoa ban sớm. Ngại gió máy, sợ sông nước. Nghĩa là trong vòng tay của má, Chiến cơ hồ như bọt nước. Sống ở đồng quê mà chưa tận hưởng được sự hoạt động hào hứng nơi đó. Bây giờ, Chiến xuất hiện, giữa ban trưa nắng đổ, bên bờ sông nước mênh mang. Tiếng cười của Nhược vang lên:

- Hôm nay bác đi vắng. Dỗ mãi cu cậu mới chịu đi cho. Cu cậu còn phải năn nỉ bà chị về đừng mách má...

- Nào xong rồi, bây giờ sửa soạn xuất quân nhé. Chiến ngồi đây chơi, lát nữa mấy anh về mang quà cho. Coi hộ quần áo nha.

Chiến cười nụ cười dễ dãi, và thầm nghĩ:

"Quà gì? Mấy anh đi đâu tôi biết cả mà. Còn vờ vịt nữa".

Ba thân chuối được thả xuống nước. Những chiến sĩ cũng lao mình xuống dòng sông. Con sông phút chốc tung tóe những bọt sóng trắng. Chiến ngồi tựa lưng vào gốc dứa, nhìn những thân hình nhịp nhàng vội vã trong làn nước xanh, lòng nghe rộn lên một niềm vui nhẹ. Giấc mơ Hoa Lư như nở bừng theo những bè bạn đang băng mình qua những dòng sông, đi dựng một chiến tích. Gió phất nhẹ, hơi nước bốc lên mát rượi. Bến sông lại trở về với sắc thái yên lặng mơ màng.

Dẫm chân lên bãi cát Xóm Làng, Tần khoát tay cho các bạn nép vào bóng tre. Ba thân chuối được giấu một cách khéo léo bên bờ. Tần nói khẽ, như sợ tiếng mình sẽ vang động đến những "kẻ thù" đang rình rập:

- Theo đúng kế hoạch, Nhược, Long, Châu, Thược, Trịnh vào nằm ở khoảng đường gần nhà thằng Rô. Mấy bồ rán bắn phủ đầu tụi nó, rồi rút nhanh về chiến trường nhé. Còn bao nhiêu theo tôi. Cứ hai tên đi chung với nhau, cách đều năm bước. Xong rồi nhé, lẩn cho nhanh.

Năm cảm tử quân đã khuất nhanh trên con đường làng đất xám rợp mát bóng tre. Toán còn lại thong dong đi trên lối khác, tiến bước một cách tự tin. Qua khúc rẽ, vừa nhìn thấy bãi đất phơi mình trong nắng, Tần nghe tiếng còi lá dứa ré lên sát bên mình. Rồi những bóng người từ trên cây, từ trong bụi, ào ra như cơn lốc. Những tiếng thét, tiếng kêu, tiếng chân tay vang lên bình bịch, tiếng người ngã, tiếng thở hỗn độn. Bóng cây nghiêng mình né tránh cho mặt trời ghé mắt nhìn đám trẻ quần thảo mịt mờ bụi. Tiếng Tần la choi chói:

- Ê chơi xấu hả? Ăn gian hả Xóm Làng?

Thằng Quang Trâu, đầu độc tụi trẻ đối địch, vang lên tiếng cười khặc khặc:

- Ăn gian gì, binh bất yểm trá mà. Mà tụi xóm Rừng bây tốt lành gì đó. Hẹn 4 giờ mà giờ này đã vác mặt qua rồi. Bộ âm mưu...

Tiếng nói bị cắt đứt bởi những trái đấm, những cú đá trúng đích. Bên xóm Rừng tuy ít hơn nhưng toàn những "chiến sĩ" mạnh khỏe và khá to xác, nên trận đánh vẫn cầm đồng nghiêng ngửa. Nơi này, Thường đang vất vả với hai thằng nhãi đen như cột nhà cháy, nhỏ con nhưng mạnh như bò. Đằng kia, Quang trâu đang hung hăng dồn Bụi vào đám trúc, chỗ thì từng cặp vật lăn trên nền đất xám, chỗ thì những nắm tay "hội chợ" đập bừa vào mặt mũi kẻ thù lẫn người quen. Chiến trường đang sôi động bỗng vang tiếng chó sủa, tiếng sủa dồn dập của bốn năm con hợp lực. Và rồi những bước chân hốt hoảng, những gương mặt tái xanh thi nhau băng tới. Tần thoáng nhận ra Trịnh, một thằng bé lạ mặt, rồi Hượt, Long, Nhược... và những cái mõm hung hăng của bầy chó vừa hộc, vừa băng băng chạy tới. Một thằng trong bọn trẻ Xóm Làng hét lên:

- Chó ông Cả...

Không hẹn, những đối thủ buông nhau ra, vùng chạy tứ tán. Chó ông Cả, cũng trứ danh như chó ông Lang ở xóm Rừng, hục hặc đằng sau lưng những kẻ đào tẩu. Và rồi ngơ ngác ở ngả rẽ, chúng đứng lại sủa hắt theo bóng bụi mờ phân hai. Tiếng chó vang vọng như hối thúc những gót chân. Và Tần đã nhìn thấy bờ sông. Một hai thân hình đã phóng vào làn nước dập dồn. Tần khoát tay:

- Khoan đã, kiểm điểm quân số xem.

- Thiếu Châu!

- ... Mà còn dư thằng nào đây.

Cậu bé duy nhất có mặc áo, đứng ngơ ngác và giương mắt sợ hãi. Cậu lùi bước định chạy nhưng:

- Bắt nó, bắt làm tù binh anh em.

Đám trẻ ùa như chớp vây lấy cậu bé.

- Ái, mày. Tao không biết đâu. Tao đâu có đánh nhau với tụi mày. Thả tao ra. Tao mới ở Đà Nẵng về mà. Hu hu, tao mách mẹ tao cho xem.

Mặc, tên tù binh bị bắt và bị trói nghiến bằng chính chiếc áo của y. Những cây chuối được đẩy ra, Tần đẩy thằng bé xuống nước cặp vào một thân chuối. "Phe ta" những kẻ bị trặc chân trong chiến trận được bám theo thân chuối để bè bạn đẩy về. Khúc sông lại vang lên tiếng sóng vỡ.

Đám trẻ ồn ào kéo lên bờ. Thằng bé xanh lét mặt mày vẫn còn đang thút thít khóc. Bọn trẻ bao quanh lấy, xôn xao về cách xử trí:

- Đánh bỏ xừ nó.

- Xẻo tai nó làm kỷ niệm.

- Lột hết áo quần phơi nắng nó.

- Nhận nước cho uống sình bụng nó.

Tiếng khóc bật thét lên. Chiến, nhìn những giọt nước mắt chạy dài trên má, nghe lòng xúc động. Thằng bé coi mặt cũng trắng trẻo như mình. Kiểu "công tử bột" đây mà. Tần đưa tay ngắn những nắm đấm hung hăng trước mặt thằng bé, bảo:

- Khoan, tụi bồ kể sơ tui nghe mặt trận phía đó coi. Sao lại để chó ông Cả rượt vậy?

- Tụi này núp sẵn bên đường như dự định và chờ đợi. Chờ mãi mới thấy một tốp thằng nhãi, tron g đó có thằng này nữa nè, đến. Còn đại quân của tụi nó chắc đã ra chờ sẵn tụi bồ rồi đó. Vừa trong tầm đạn là tụi này khai pháo liền. Bọn nó la hoảng và định tẩu thoát. Tụi tui liền ùa ra tấn công. Rồi có tiếng người suỵt chó từ trong nhà ông Cả...

- Mà còn thằng Châu đâu?

- Làm sao biết được. Mạnh ai nấy chạy chứ làm sao lo cho ai được. Không bị chó táp là may.

- Được rồi, còn thằng tù binh này, có gì đổi thằng Châu. Bây giờ đứa nào chịu làm sứ giả qua điều đình...

- Thằng tính gì dại vậy, qua cho tụi nó bắt luôn à.

Tiếng nói chợt bặt. Đứa nào cũng đầy vẻ lo nghĩ. Vừa lúc đó bên kia sông, bọn Xóm Làng xuất hiện. Một thằng đứng ra đưa tay làm loa nói vọng sang:

- Ê có thằng em tao bên đó không?

Thằng bé vụt kêu lên, ngào nghẹn, rồi bật khóc:

- Anh Tùng...

- Ê tụi mày hành hạ nó lắm hả? Bên mày cũng bị bắt một thằng đây nghe không?

Bên này nhìn thấy rõ Châu đang bị hai thằng nắm hai cánh tay đẩy ra khỏi đám đông. Tần cũng bắt "loa" hỏi vọng:

- Mày có sao không Châu?

- Bị té sước đầu gối. Và tụi nó đánh... ự... ự... đau... ự...

Thằng bé tù binh không kịp tránh né gì cả. Những cái cú đầu, cái ngắt véo đến quá nhanh. Nó lại khóc thét lên. Cuộc điều đình may mắn kết thúc chóng vánh, nếu không có lẽ hai tù binh còn "hốc hác" hơn nữa. Thằng bé được đẩy xuống bờ sông nhưng nó vẫn dẫy nẩy:

- Tao bơi không rành, sông rộng quá làm sao. Thằng nào phải đưa tao về.

- Sướng quá ta. Ông lại thoi cho mấy quả nữa chứ đưa với đón.

- Thôi cho nó một cây chuối ôm về đi. Về lè lẹ không chúng ông lại khện cho một trận mẻ xương bây giờ.

Dòng sông chứng kiến cảnh trở về của những kẻ không may. Châu bơi ngang qua thằng bé không quên quay lại đánh gắng vài cú. Tụi Xóm Làng la ó, tiếng la dội trên khúc sông vắng buổi trưa vang đầy phẫn nộ. Bên Xóm Rừng cũng lớn tiếng hoan hô, tiếng vang trộn vào tiếng la, ngùn ngụt đưa lên, lên cao như ánh phản chiếu trên sông, át hẳn tiếng rập rình của nước, át hẳn tiếng tre vặn mình trong cơn gió thoảng nhẹ. Âm thanh vang lên vang mãi như dội lại từ nghìn xưa, và như muốn kéo dài cho đến tận ngàn sau. Âm thanh xô động bầu không khí nhưng sông Phong Lệ vẫn nhẹ trôi, con nước bắt đầu ròng, những cụm bèo Nhật Bản xanh điểm vài cọng hoa tìm dật dờ trôi như còn say ánh nắng trưa.

2.
Ngôi trường làng không phải đã được an vị ở đó từ lâu. Nó đã thay  nơi đổi chỗ nhiều lần và ông giáo hiện tại không phải là ông giáo duy nhất. Từ tôi biết cắp sách đến trường, thuở lên năm với ông giáo Lượng, ngôi trường là căn nhà của ông ở Xóm Trên. Những buổi sáng cùng chị Lan và người anh họ, trạc tuổi và học cùng lớp, ôm tập đi trên con đường đầy cỏ may đến trường. Nhà tôi ở Xóm Giữa nên phải băng ngang qua quốc lộ và thiết lộ. Nhìn chiếc cầu đứng sững trên nền trời, bao giờ chúng tôi cũng có cảm giác rờn rợn. Bởi vì cầu Đỏ - tên của chiếc cầu sơn màu đen tăm tối đó - là nơi gục xuống của rất nhiều người thời kháng Pháp. Xác họ rơi xuống dòng nước, những dân lành vô tội và những chiến sĩ vô danh. Ấn tượng ghê rợn còn truyền đời trong những câu chuyện của dân làng.
 
Trong đầu óc non dại của chúng tôi chỉ nghĩ đến những bóng hình ngỡ còn ẩn hiện. Nên có những lần đua nhau chạy đến vỡ cả lọ mực. Con đường cỏ may lởm chởm đá đỏ, qua một con rạch nhỏ, dẫn chúng tôi đến ngôi trường nhỏ hẹp. Năm sáu chiếc bàn ghế dài đóng vội, những học trò hỗn độn đủ mọi lớp và mọi lứa tuổi. Ông giáo với chiếc roi mây dài ngoằng nhịp mạnh trên bàn cũng không làm lớp học bớt náo loạn. Nhưng lớp học vẫn tiến bộ và riêng tôi, tiến mạnh nhờ căn bản của những ngày thụ giáo tại nhà với Ba. Chừng một năm, không biết lý do gì, ông giáo Lượng bỏ nghề, quay lại với vườn ruộng. Nương sắn vồng khoai mọc lên thay cho trường học. Tôi rời trường với một chút lưu luyến, nhưng không mấy thắc mắc. Tiếp tục học, tôi thụ giáo với ông Quảng, một người ông trong họ ngay tại nhà bác Hương, cách nhà tôi một sân gạch, vẫn với ngày tháng đều trôi bên sách vở. Tiếng cười tiếng nói âm vang trong hồn tôi niềm vui chan chứa. Trong thời gian này, Ba tôi bỏ vào Saigon tìm việc. Ở nhà má con vẫn âm thầm sống bên nhau, giữa họ hàng không lấy gì làm thân thiết. Ngôi trường vẫn đơn sơ như ngôi trường đầu tiên, có khác chăng là những giờ chơi tôi có quyền về nhà uống bát nước chè tươi nóng, hay với bè bạn vụt chạy ra bờ sông đón những chuyến ca nô từ Đà Nẵng về Túy Loan. Ở đó, tôi nghe quá quen thuộc, không bị ai hà hiếp nhưng cũng không kênh kiệu để phải mang tiếng chó ỷ gần nhà. Tâm hồn đơn sơ bình dị chỉ biết sống đẹp cho mình và cho người. Nguồn vui chan chứa là môi cười là tiếng hát bạn bè. Thế thôi. Ngày tháng vô tư dần qua và tôi vẫn tuần tự tiến trên con đường học hành. Lên lớp Ba, ngôi trường lại thêm lần đổi chỗ. Ông Quảng không muốn làm phiền (!) bác tôi nên dời về ngay ở nhà ngang của mình. Chính ở nơi này, tôi mới biết tình bạn, lần đầu tiên: Vạn. Vạn nhà nghèo, nghèo hơn tôi rất nhiều. Nhà Vạn ở mãi tận gần  núi. Đường xa và sự thiếu thốn không ngăn được bước chân của kẻ hiếu học. Vạn học thật giỏi, nhất là chữ viết rất tốt. Quản bút của Vạn là một ống trúc màu ngà ngà, ngòi bút lá tre như tôi. Tôi và Vạn nói chuyện với nhau rất nhiều, dầu chỉ toàn chuyện vớ vẩn trẻ con. Trong  niềm cảm thông sâu xa, tôi ao ước được giúp Vạn. Dù một quản bút, dù một tờ giấy thấm. Nhưng cơm nhà quà vườn làm gì tôi có tiền để giúp. Thiếu món gì đã cò Má. Tôi cũng đâu dám xin Má tiền, dù với lý do đó, Má rất sẵn lòng. Vạn đối với tôi rất tốt. Củ khoai nướng hay trái sim dại cũng đều chia. Con toán khó hay bài luận hay đều góp ý cùng giải. Tình bạn ngây thơ đơn thuần và chân thành là đó. Như vết son chói đỏ hồn tôi trong trắng. Nhớ đời, Vạn ơi.

Được khoảng nửa năm, học trò lại xôn xao. Ông Giáo Quảng nhường chỗ cho anh Sáu Tân, một huynh trưởng thật trẻ và vui tính. Trước khi tiếp nối sự dạy dỗ, anh muốn biết khả năng học trò. Một kỳ thi sắp hạng được anh tổ chức. Lòng học trò nghe náo nức và hồi hộp. Sáng hôm thi, học trò kéo về rất sớm. Cả những anh ở Xóm Đùng, Xóm Hến, Xóm Ngoài Ga cũng hớn hở tụ tập với chút lo âu phớt trên gương mặt rám nắng. Phần lớn các anh đều là con nhà nông, nhọc nhằn với công việc ruộng vườn. Tuy không hẳn là lớn tuổi, nhưng con nhà nghèo có đời nào được rảnh rang ăn học đâu. Tôi may mắn hơn, Má tần tảo cũng đủ ngày hai bữa nên tôi không phải nhọc nhằn. Hôm đó, tôi hân hoan với bút mới mực mới và nhất là cây thước nhựa màu vàng. Trông duyên dáng và khả ái làm sao. Nhìn lại, thấy có anh quên mang thước vội vàng đẽo gọt một cành cây rồi lấy lá chuối khô đánh cho nhẵn.

Anh nhìn bạn bè cười bảo:

- Cũng tốt chán!

Tôi nhìn nụ cười mà thấy lòng chợt se lại.

Buổi thi dần xong. Tôi làm bài trôi chảy nên ra sớm. Gặp ông Quảng hỏi bài, tôi nói rõ. Về bài toán đố thứ nhì, ông bảo tôi sai và chỉ dẫn cách làm. Thầy dạy mình làm gì mà chả đúng, tôi vội vàng vào xin sửa lại. Anh Sáu, vì buổi thi hầu tàn, lại có khách nên không ngăn cản. Tôi cắm cúi làm lại bài thi. Kết quả: tất cả lớp ba hôm đó đều làm sai. Trừ tôi, nhưng... Được xếp đồng hạng nhất với Viên, anh họ và cô Biền, con ông Quảng. Lần đầu tôi nghe niềm hận tủi dâng lên. Giọt lệ rơm rớm chờ cơn đau chín tới. Lần vấp ngã đầu đời đọng mãi vị chua chát trong hồn tôi. Tôi không còn cười nổi với những giai thoại trong trường thi. Lớp nhì, đặt câu với chữ an. Chị Hoa, nghe loáng thoáng lời bàn bạc chung quanh, đã đặt bút viết một câu trứ danh: Đói ăn than, đau uống thuốc. Cu Ty, trong giờ chính tả, đã hỏi: 

- Thầy, nhìn những phần thưởng trên bàn, em cảm thấy thuồng luồng, rồi sao nữa ạ?

Cả lớp cười ồ lên vì chữ thèm thuồng nhầm lẫn tai hại đó. Ôi, những nụ cười mộc mạc và đơn sơ. Tôi không được hưởng cho tròn đầy tuổi ấu thơ. Đã có một vệt mây đen trên nền trời ngát xanh: mầm nghi ngờ đang manh nha trong trí tưởng.

Rồi thôi. Ngôi trường đã đổi chỗ và tôi vẫn còn tiếp tục sách đèn. Lớp học cộng đồng bao giờ cũng rộn rịp. Vài dãy bàn đầu là lớp Nhất, bên tay phải là lớp Nhì. Sau lớp Nhất là lớp Ba và sau lớp Nhì là lớp Tư. Cái chái bên hè là lớp năm đã có thêm anh Tại phụ trách. Anh Sáu Tân cho bài lớp này, giảng bài cho lớp kia suốt 8 tiếng một ngày (Trường làng ngày xưa của tôi bao giờ cũng học hai buổi). Ở ngôi trường cuối cùng nơi thôn làng yêu dấu đó, tôi mới thấy lớn mạnh trong tôi tình bằng hữu. Những Thường những Long đầy ganh đua, những Bụi đầy bao dung, những Nhược liến thoắng vui vẻ. Tôi lặng yên nghe ngày tháng băng đi trong sự trìu mến của Má, trong nỗi mong chờ Ba, trong tình thương mến của thầy bạn. Vui làm sao những buổi anh Sáu dắt cả trường đi tắm sông. Thương làm sao những cành lá thuộc bài ép khô trong vở. Lo làm sao những giờ khám vệ sinh - có lẽ chỉ ở nơi đây mới có giờ này trong thời khóa biểu. Cứ đến hôm đó học trò phải sạch sẽ toàn vẹn. Bất cứ vết bẩn ở đâu, trên má, trên cổ, trên tay chân đều bị bôi phẩm đỏ. Mặc dù đã tắm táp cẩn thận, vẫn có anh chị về nhà với tang chứng ở bẩn, lo mà vui. Sợ mà vẫn thương vẫn kính thầy. Huy hoàng thay, thời bình nên hồn người không rối loạn. Cao đẹp thay, đời sống bình dị nên tâm tính người không nhiễm ô trọc. Đó là những ngày tháng đẹp ngọt ngào nhất của tuổi hoa niên. Tuổi vừa chớm biết và vòng tay đời thật thanh khiết, thuần lương. Tâm hồn tôi trong sáng và giữ vẹn vẻ ngây thơ với thời gian.

Niên học hết, tôi bàng hoàng nghe Má gởi xuống Đà Nẵng trọ học. Cách nhau chỉ mười cây số mà sao nghe xa lạ. Chỉ có hai chị em là quen mặt, còn xa lạ, xa lạ tất cả. Thanh sắc trần gian choáng ngợp lấy đôi mắt nai tơ. Thành phố với tiếng động không dứt gây cho tôi phiền não. Như con nai lìa rừng, nhung nhớ từng ngọn cỏ, dòng suối, từng ánh trăng và cả tiếng gầm thét của rừng thiêng. Tôi sống, rất ít tiếp xúc với bộ mặt đa dạng của đời phố thị, ngoài giờ học chỉ quanh quẩn quanh chùa, nơi tôi trọ học. Sự thanh tịnh của chốn trang nghiêm hợp với tâm hồn phẳng lặng của tôi hơn. Tôi học vẫn tiến bộ nhưng sức khỏe ngày càng sa sút. Như con nai vàng ngày ngẩn ngơ trong chiếc chuồng chật hẹp với không khí ô nhiễm, nghe bắp thịt tiêu hao dần dù thanh xuân vẫn còn đó. Má bắt tôi bỏ học để trở về nhà tịnh dưỡng. Tôi sống những ngày trống rỗng nhưng không vô vị. Gặp lại bạn bè cũ, nghe thân mật nhiều dù chỉ mới xa vài tháng. Tôi đùa trong nắng gió của đồng quê. Tôi tận hưởng những bình minh hồng, những đêm trăng vàng, những ngày mùa rộn ràng, những đêm đông rét lạnh. Tôi vẫn còn ngây thơ, quá dư thừa thơ ngây để chỉ thấy bão lụt là nửa mảnh vườn bị khuất trong nước bạc, là những buổi sáng nhìn mông về chiếc cầu sắp ngập, là những con dế lăn bột béo ngậy, là những hoa quả thừa mứa vì chợt rụng đêm qua. Tôi chưa nhận ra bên kia, Xóm Làng những mái nhà đang rung chuyển, như lòng dạ rối bời của những người đang ngồi trên ấy, tôi chưa nghe tiếng kêu tắt nghẹn của kẻ bị cuốn mình trong dòng nước xoáy, chưa kịp nghĩ về mùa màng sẽ thất bát nay mai. Cặp mắt màu hồng của tôi, chưa vướng bụi phồn hoa phai nhòa. Nên tôi thấy vui thú đầy ắp nơi thôn dã, trong bóng tre xanh, với tháng ngày nặng oằn vai tần tảo.

Mùa đông tàn. Ba nghỉ phép về thăm nhà. Nửa đêm nghe tiếng lao xao, tôi choàng tỉnh giấc. Trên sân nhà bác Hương rộn tiếng nói cười. Chị Lan nắm tay tôi:

- Ba về.

Hai chị em vụt chạy lên. Đêm nay trời nóng, các anh đem giường chõng ra sân ngủ. Và Ba về chuyến tàu tối đã đánh thức các anh dậy. Tôi sà vào lòng Ba. Nụ hôn nhẹ trên tóc, tôi nghe lòng vui sướng vô biên. Đêm nghe thật sáng dù chỉ có ánh sao. Tiếng vọng ruộng đồng nghe sao êm đềm, không thê lương như những đêm khác. Quê nhà bỗng ấm vì Ba về. Ba như thái dương bừng mọc trong những ngày đông tàn thật lẹ. Để mùa xuân về trên lá trên hoa, trên những "dưa món", mứt phơi xanh đỏ giữa sân. Mùa xuân về trên những tàu lá chuối được ngã xuống gói bánh, trên những con heo bắt đầu thét lên tiếng cuối cuộc đời. Ba về đó và mùa xuân cũng về đó. Vòng tay Ba nồng thắm tình thương ôm chặt bầy con bao ngày xa cách. Đôi mắt Ba xa xót nhìn vợ hiền bao thuở nhọc nhắn thay chồng chăm sóc con. Gót chân Ba gõ nhịp reo vui trên những giồng đất quen thuộc, bên những cây trái xanh xanh lá. Từ Ba toát ra tất cả niềm thương mến và quyến luyến quê hương. Từ Ba toát ra tất cả bao dung và lo lắng cho gia đình. Nhưng tầm tay Ba ngắn nên Ba còn đi. Nhưng trái tim Ba còn nồng đượm tình đệ huynh nên Ba đành xa cách làng thôn. Ba còn đi và Ba còn xa cách, dù hồn  Ba chan chứa lệ.

3.
Con tàu đã chuyển bánh. Nghĩa là chú nai bắt đầu lao thân vào cuộc viễn hành. Tôi rời quê hương nghe chưa luyến lưu nhiều. Vì viễn ảnh rực rỡ ở cuối đoạn đường. Quyết định của Ba thật đột ngột và chúng tôi đón nhận một cách hăng say. Thôi giã từ Phong Bắc, thôi giã từ chú bác, anh em. Hỡi bè bạn cho ta gửi lời chào. Một mai đừng ngơ ngác nhìn nhau và hỏi:

- Sao không thấy Chiến đâu?

Mùa xuân đang nồng thắm trên cỏ cây nhưng cây cỏ đã vắng tôi. Nhưng hãy tiếp tục vui và hãy nhớ. Khuôn cảnh cũ còn là bóng hình tôi còn hiển hiện.

Đã sang sông rồi, tiếng còi tàu vụt xé không gian của ban mai. Bàn tay Ba còn vẫy xa vời.

Thôi, Xóm Rừng, yêu dấu chào mi.

4.
Mười năm rồi. Mười năm người đi chưa trở lại. Mười năm lăn thân giữa chốn phồn hoa. Cát bụi đã phủ đầy trên kỷ niệm. Dâu bể cuộc đời cũng bao độ đẩy đưa. Nhưng còn đó ngày xưa. Nhưng còn đó hương ngát dâng của hồn thơ. Người dẫu cho chìm khuất đi trong bóng tối xa hoa, người dẫu cho đuổi theo ảo vọng mê cuồng, dầu gót chân có hằn rỗ gai đời, dầu thân thể xác xơ qua những lần vấp ngã, người còn đây với một mặt trời mới mọc. Mặt trời ngày xưa vẫn hồng thắm má ngây thơ, mặt trời ngày xưa vẫn xanh biếc hồn thơm. Mặt trời tiếp tục soi sáng những tâm hồn thuần khiết đơn sơ. Những tinh anh của cuộc đời lớn lên ở đó, trong tia nắng ấm yêu thương, trong tia nắng đốt tan mầm vị kỷ. Người ra đi còn chưa về nhưng những lần đối mặt hư vô, có bao giờ người nhìn rõ được tuổi thơ hồng ngọc? Có bao giờ người nghe rét trong tim khi nhìn những dối gian của tuổi thơ nơi phố thị? Có bao giờ niềm đau trổi dậy trong hồn khi người chợt thoáng nghĩ về tương lai đàn con?
 
Xóm Rừng ơi, ta đang nghe đây. Trong đêm thăm thẳm, ta nghe rõ tiếng mi dội qua muôn sông nghìn núi. Ta muốn vỡ toang cả lồng ngực vì tiếng mi thổn thức. Ta nghe đây, Xóm Rừng! Ta đón nhận bằng cả tâm hồn tan nát. Vì ngày xưa con sáo tuổi thơ sang sông nên bây giờ ta chỉ còn là chiếc lồng hoang trống đọng đầy di ảnh ngày xưa. Dẫm chân lên lớp bụi phồn hoa ta mới tiếc nhớ về cánh đồng xanh cỏ. Lỡ bước nên ta đành tiếp tục bước, hướng về tương lai, nhưng với ước vọng vô vàn. Ta mơ một ngày của quê hương thanh bình, ta mơ một ngày của người người sum họp. Và ta và mi và cả lứa tuổi ngày nay ngồi ôn lại những ngày tháng đẹp đẽ đã băng đi. Không phải là ngày những Trịnh, những Long vấp ngã, chổi dậy và vấp ngã trên con đường sống. Không phải là ngày của ta lang thang nơi xứ lạ. Không phải là ngày của những ông giáo phải bỏ nghề khoác lên manh áo trận. Không phải là ngày của em thơ sợ hãi trong hầm. Không phải là ngày của những dối gian cài trên mắt trên môi bé bỏng. Những ngày như thế phải thật xa và phải được vùi chôn thật sâu. Không những trong lòng đất mà cả trong lòng thời gian và trong lòng người. Ta muốn dựng lên một cuộc sống thanh thản cho tuổi thơ giữa cánh đồng Bao Dung, bên bờ suối Hiền Hòa và trong bầu trời ngọc bích Thứ Tha. Cây trái Vô Tư sẽ trồng khắp mọi nơi và điệu nhạc vàng chân thật sẽ trổi cùng khắp. Ta không cầu một chiếc đũa thần nào cả. Hành trang ta sẽ là ngày thơ của mình và ý chí ta được un đúc bằng nước mắt. Lệ ta đang dâng trào, Xóm Rừng ơi, có thấy hay không.

Ngày xưa khi ta ra đi, mi đang khoác chiếc áo mùa xuân. Một mùa xuân thật xanh và ngập tràn hy vọng. Ta đã tự hứa sẽ trở về trong vài năm nữa. Vài năm, vài năm đã trôi qua. Ta đã mười Xuân nhìn sắc màu giả tạo nơi đây. Ta đã mười Xuân nghe quê hương đau đớn, điêu tàn. Những đứa con ngày xưa vẫn chưa về, không hay tóc mẹ đã bạc phơ, bạc phơ như nỗi sầu trắng đêm màu châu hiu hắt. Những cây trái ngày xưa đang tàn rụi không ai chăm sóc. Những con sáo tuổi thơ vụt bay đã không về cho dòng sông ngày xưa đợi chờ khắc khoải. Sóng nước vẫn rập rình nhưng những tuổi trẻ không còn dựng lên được cuộc chiến nào hiền dịu như ngày xưa nữa. Cuộc chiến không một ánh mắt hận thù, không vang - dù âm thầm - một chút sắt máu trong tâm. Ôi thương sao là những "thỏa hiệp" đơn sơ tình người.

Mới đó mà đã mười năm, Xóm Rừng nhỉ. Mười năm cách xa và mười năm biến đổi. Tuổi thơ, một ngày cũng có thể lịm chết huống hồ mười năm. Nhưng dòng đời làm sao xóa được bóng hình của nhớ thương tưởng tiếc? Trong ta mãi mãi khôn nguôi tháng ngày yên ấm cũ trong vòng tay của Xóm Rừng. Dù nơi đây ánh điện muôn màu, thú vui muôn vẻ, ta vẫn yêu những trò chơi ngây dại ban đầu. Ta vẫn còn háo hức đi tìm màu xanh của cánh rừng mùa xuân cũ. Gót chân nai phải một ngày trở về dù với chút già cỗi trên thân xác. Còn tâm hồn ta, Xóm Rừng ơi, muôn đời còn ngát thơm màu tuổi trẻ.


NAM THIÊN       

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Quý Sửu, 1973)
 

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

Xuân Ấm Hương Học Trò



 

 

 

 

 

 

Hoa nắng còn thơm nỗi nhớ nhung
Mùa thu lá xếp độ bao tầng
Em đi qua mấy mùa hoang lạnh
Có gió Đông sang vướng ngại ngùng

Em đón mùa xuân, hoa tháng giêng
Bàn tay hạnh phúc có bình yên
Sách hồng mực thắm sang màu mới
E ấp bờ vai tóc chớm duyên

Vẫn đó từng ngày em đến trường
Sợi hồng ánh nắng trải tơ vương
Trong hồn là cỏ lên xanh ngát
Và ý như tà áo vấn vương

Nghe tuổi trong em nhạc kết thơ
Của tình bè bạn, ý ngu ngơ
Vui cười tay nắm giờ ngà ngọc
Cô giáo nhìn ra nhớ tuổi mơ

Mùa xuân em ngời trong mắt nai
Vẫn nhớ cuộc vui lúc học bài
Vẫn buông tiếng hát tìm ánh nắng
Về sưởi tóc ngời chưa chấm vai

Giấc mơ có dáng ngủ yên ngoan
Chim én về quanh đậu đỉnh màn
Thần thoại ngày xưa vời cổ tích
Thiên đường có một lối đi sang

Một lối đi sang gọi bốn mùa
Về đây theo nhịp guốc em đưa
Em đan trọn vẹn mười hai tháng
Thành một mùa xuân mưa nắng thưa...

                                                 N. Đ. DIỄN
                                                 Don Bosco
                                            T-V-Đ Việt Nam

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Quý Sửu, 1973)


Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Tết Xóm Nghèo

 

Bà Tư khẽ thở dài khi nhìn ra bầu trời tối mù mịt của đêm 29 tết. Trong nhà, đèn bật sáng choang, hoa trái, mứt kẹo đầy ắp trên chiếc bàn thờ kê giữa nhà. Bà Tư buồn, không phải vì thiếu đồ ăn tết, hay vì một lẽ gì khác, thật ra, mấy người con trai lớn của bà cũng không hiểu rõ nỗi buồn của bà, một quả phụ giầu có, ăn mặc đầy đủ.

Ngồi nhìn ra ngoài một lúc lâu, bà Tư quay đầu vào bảo mấy người con trai:

- Tụi bây cứ để mặc tao nghe! Đến giao thừa thì cứ lễ bái rồi đem ra ăn trước đi.

Dặn xong, bà kéo chiếc ghế vải ra ngoài hiên. Nằm trên tấm vải dầy, ấm áp, bà lơ đãng ngó quanh quẩn trong xóm.

Xóm bà Tư ở là một xóm của dân lao động, họ sống âm thầm trong những căn nhà mái dừa xiêu vẹo. Con cái của những người quanh năm đầu tắt mặt tối này là những đứa trẻ xanh xao, gầy còm, suốt ngày chui rúc trong hang cùng ngõ hẻm của xóm để nô đùa hoặc nhặt nhạnh các thứ thừa thãi ở những căn nhà lầu to lớn vứt ra.

Hồi bà Tư mới về xóm này, dân ở đây còn thưa vắng lắm, chung quanh chỗ bà Tư cất nhà, toàn là những ao tù, nước đọng, ruồi nhặng bay tứ tung. Sau khi căn nhà lầu hai tầng của bà Tư được cất lên, bà Tư đã nghĩ ngay đến việc lấp mấy cái vũng sản xuất vi trùng đó. Thế là, chỉ bỏ có hơn hai trăm bạc tiền đất, bà Tư đã biến thành kẻ được kính trọng nhất xóm. Bà Tư lại nhân từ, hay cho quà bánh các đứa trẻ con trong xóm. Bà làm việc này là để khuây khỏa nỗi buồn từ lâu đã có sẵn trong lòng bà, đó là việc bà không có đứa con nào nhỏ cả.

Từ ngày ông Tư mất đi, để lại cho bà Tư một gia tài đồ sộ sau bao năm gây dựng, mấy người con trai lớn của bà đã lập gia đình cả rồi, mỗi người ở một nơi, nhưng hầu hết là xa bà Tư. Tết này, chỉ có hai người về ăn tết với mẹ, để rồi mai mốt lại vội vã ra đi. Bởi vậy, tuy đầy đủ về vật chất mà bà Tư vẫn thiếu thốn về tinh thần, bà mong mỏi có một đứa trẻ để an ủi những lúc buồn rầu đơn chiếc.

Có tiếng trẻ con ré lên làm bà Tư giật mình, nhìn ra ngoài ngõ, bà thấy thằng Tâm - con bác Hai bán cháo - đang từ trong nhà vụt chạy ra, vừa khóc ré lên từng hồi. Sau thằng Tâm là bác Hai, tay cầm một cái roi tre dài đang lăm lăm đuổi theo, miệng hét:

- Tâm! Có về không? Tao mà cáu lên thì mày dừ xương đấy! Gớm, có con cái nhà ai mà hư như thế hả trời?!

Bà Tư ngạc nhiên, mọi ngày bà vẫn thấy thằng Tâm ngoan lắm cơ mà, chẳng lẽ hôm nay nó lại láo với mẹ nó đến thế? Còn đang nghĩ ngợi bà Tư đã thấy thằng Tâm chạy thốc vào, hai cánh tay bé bỏng của nó ôm chặt lấy lưng bà, mồm nó van xin:

- Bà Tư ơi! Bà cứu cháu với! Mẹ cháu đánh cháu đau lắm... hu... hu... hu...

Bà Tư nhìn thằng bé đôi mắt còn đang ướt nước mắt, nhẹ lấy chiếc khăn tay chùi cho nó, bà bảo:

- Được rồi, cháu cứ nín đi, để bà xin mẹ cháu tha cho.

Được hứa hẹn che chở, thằng bé nín khóc, nhìn bà Tư bằng cặp mắt biết ơn. Cùng lúc ấy, bác Hai chạy đến, thấy Tâm ôm chặt lấy bà Tư, bác hét:

- Tâm! Có bỏ bà ra không nào? Mày làm bẩn hết áo của bà rồi! Lần này thì đừng van xin nữa nhé, tao quật cho sưng đít thì thôi!

Thằng Tâm nghe mẹ nói thế, hoảng quá, mặt tái mét, nhưng nó lại càng ôm chặt lấy bà Tư hơn, như cầu xin một sự che chở hữu hiệu.

Bà Tư hỏi bác Hai:

- Có gì mà bác giận quá thế! Nói đi, tôi sẽ dỗ cháu Tâm cho, nó ngoan lắm mà, phải không Tâm?

Tâm gật đầu nhưng nước mắt vẫn chạy quanh. Bác Hai nghe bà Tư hỏi, vội vàng hạ cây roi xuống trả lời:

- Dạ thưa bà, không có gì cả ạ! Nó hư cháu đánh nó đó thôi! Xin bà tha lỗi cho cháu bé, nó còn nhỏ dại chẳng may làm bẩn áo... của... bà...

Những tiếng cuối cùng, bác Hai cúi đầu, giọng lí nhí.

Bà Tư vui vẻ bảo:

- Không sao đâu, nhưng tại sao bác lại đánh cháu Tâm? Mọi hôm tôi thấy nó ngoan lắm cơ mà! Cháu biết vâng lời ba má nữa, phải không Tâm...?

Bé Tâm lại gật đầu, đưa bàn tay nhỏ xíu lên chùi nước mắt.

Bác Hai ngập ngừng:

- Dạ không! Cháu bé nó không dám cãi lại tôi, nhưng...

Bà Tư lại giục:

- Bác cứ nói đi, việc gì mà ngại, tôi với bác bà con trong xóm cả mà...

Bác Hai đành thú thật:

- Thưa bà, không phải cháu hỗn mà tôi đánh chau. Chẳng qua là tại vì hôm qua, nó xin tôi may cho nó bộ quần áo để ăn tết, tôi cũng muốn may cho nó với con chị nó, mỗi đứa một bộ, nhưng khốn nỗi, nhà nghèo không đủ ăn, tiền đâu mà may mặc thêm cho chúng. Lại thêm hôm nay nữa, con cháu Thu chẳng may bị nóng lạnh, có trăm bạc để dành may áo cho thằng Tâm và chị nó phải đem mua thuốc cả rồi...

Thế mà chiều nay, nó cứ lải nhải đòi quần với áo mãi, tôi nóng giận quá mắng nó, nó khóc tỉ tê từ chiều đến giờ nên cực lòng tôi mới phải đánh đuổi nó...
 
 Bà Tư chăm chú nghe bác Hai nói từ đầu đến cuối. Sau khi bác Hai dứt lời, bà đã nói ngay:

- Ối chào! Có thế thì việc gì phải đánh nó, cứ lại vay tôi có được không? Tôi cũng đủ ăn, đủ mặc, vậy nếu bác có thiếu gì, cứ lại đằng tôi mà vay mượn, bà con trong xóm cả mà...

Nói xong bà thò tay vào túi móc luôn hai tờ giấy một trăm đưa cho bác Hai. Bác Hai dụt dè đưa tay đón lấy, nhưng vẫn còn ngập ngừng, vì bác biết rằng bà Tư nói là cho vay để bác dễ nhận, chứ thực ra, chẳng bao giờ bà Tư đòi cả. Dù có muốn góp lại để trả, hầu hết dân trong xóm, chưa ai góp nổi số tiền mà bà Tư đã nói là cho họ "vay" cả.

Đưa tiền cho bác Hai xong, bà Tư quay vào trong nhà lấy thêm vài quả bưởi, ít cam và một nải chuối đưa cho bé Tâm và bác Hai. Bác Hai bối rối  từ chối:

- Xin bà đừng cho cháu nữa, chúng nó có đủ rồi ạ...

Bà Tư cười xòa:

- Ồ, có rồi thì cũng cứ cầm về đi, tôi với bác cũng như hai chị em mà, mình giúp đỡ nhau là thường...

Nói rồi, bà ấn các thứ vào tay bác Hai và bé Tâm. Không từ chối được, bác Hai đành cám ơn rồi vội vã dắt bé Tâm trở về căn nhà lụp xụp cuối xóm.

Bà Tư nhìn theo, thở dài khoan khoái, và tự bằng lòng với việc làm của mình.

Quay trở vào nhà, bà Tư dặn dò hai con và người giúp việc những điều cần thiết, rồi vào thẳng buồng trong, bà lấy ra một cái làn to. Đem ra phòng ngoài, bà để các thứ hoa quả vào chật làn rồi xách ra ngoài cửa.

Người con trai lớn của bà ngạc nhiên, hỏi vọng:

- Má mang mấy thứ đó đi dâu giờ này? Bộ má tính đem cho hả? Mà cho ai mới được chứ?

Bà Tư khép cánh cửa lớn lại, nói nhỏ với con:

- Tao đem cho mấy người hàng xóm nghèo!

Thông hiểu hành động của mẹ, người con trai quay vào, mặt hân hoan vui vẻ.
 
Nhìn con đường gồ ghề, tối om trong xóm, bà Tư thấy hơi ngại. Nhưng sau bà cũng chặc lưỡi xách chiếc làn đi mò mẫm trong đêm tối.

Căn nhà đầu tiên mà bà Tư gõ cửa là nhà chú Sinh, người đàn ông rượu chè be bét suốt ngày, lại hay đánh đập người con gái lớn chăm chỉ làm việc là cô Lan.

Nghe tiếng gõ cửa, cô Lan ra mở, bà Tư đưa mấy trái bưởi và cam cho cô rồi sẽ nói:

- Cháu cứ cầm lấy, tôi có ít bưởi đem biếu ba cháu và các em cháu đấy, thôi tôi về đây.

Trước khi cô Lan kịp mở lời cám ơn, bà Tư đã giả bộ bước về nhà. Nhìn thấy cánh cửa nhà cô Lan đã đóng kín rồi, bà Tư mới quay trở lại, xách chiếc làn còn nặng chĩu hoa quả đi đến các nhà lụp xụp cuối xóm. Mỗi nhà, bà phân phát ít quà kèm theo đôi lời an ủi thân mật. Nhà nào, bà cũng nhận được những lời cám ơn chân thành, cảm động. Sau khi chiếc làn đã vợi nhẹ các thứ, bà Tư mới quay trở về nhà. Xách chiếc làn nhẹ bổng trên tay, bà mỉm cười sung sướng khi nghĩ rằng nhờ ít trái cây, kẹo bánh mà bà tặng cho, mỗi nhà sẽ hưởng một cái tết nghèo, nhưng vui vẻ. Con đường tối om trước mặt, bỗng trở nên rạng rỡ, sáng sủa hơn khi nào hết.
 
 
VĂN HƯƠNG     
 
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Quý Mão, 1963)



Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Từng Giọt Nắng Xuân

 

Em thấy loài cây bắt đầu trổ lá. Những chiếc lá non mượt mà dễ yêu. Hôm qua ra vườn thăm khóm hoa hồng, em mừng ghê đi, những cây hồng đã có từng búp nụ be bé, xinh xinh. Vài ngày nữa vườn hồng của em tha hồ mà bướm múa lượn. Chả bù những ngày mùa đông vừa qua, eo ơi những cây trông gầy rộc cả đi, ngôi vườn buồn hiu.

Con đường đến trường sáng hôm nay trông ấm áp lạ. Hai bên đường hoa mười giờ nở đỏ tím, em bước đi nhè nhẹ nhìn chúng và cảm thấy tất cả lạ hẳn đi. Không gian chả buồn vắng và lạnh lẽo như những ngày qua. Em thấy yêu ghê những bóng nắng mỏng manh nhảy nhót trên đường, trên bờ cỏ mơn mởn, trên hoa tím mười giờ, trên bước chân em đến trường.

Mùa xuân đến rồi! Buổi sớm em nghe tiếng ríu ra ríu rít của những chú chim sẻ trên cành cây bồ cạp. Chúng cũng vui vẻ như em. Em đứng bên khung cửa để trông chúng trao nhau lời mật ngọt của yêu thương. Những chú chim nho nhỏ trông đến là vô tư, cứ mải tranh nhau mổ những miếng mồi. Em muốn gọi chim đến đây với em để cùng trò chuyện, nhất là chú chim đang đứng lẻ loi mơ mộng gì ở cành đằng kia.

Hôm nay thì cây anh đào nhà em nở cả rồi. Em muốn ra bẻ vài nhánh vào cắm bình. Cái bàn học của em lâu nay ủ dột vì thiếu lọ hoa trắng. Nhưng thôi em không muốn cây anh đào buồn và xấu đi đâu. Chúng đang mặc áo mới đón xuân, đang thân ái tựa đầu với nhau ru hồn theo tiếng réo rắt của bác gió nồng ấm. Thôi nhé. Cho bàn học của em nó ủ dột vậy.

Buổi chiều im vắng em thả bộ trên con đường rộng thênh thang. Em không đội nón cho những hạt mưa li ti bám đầy đầu. Mưa xuân thì chắc không phải cảm rồi, em có thể tự do "đội mưa" mà đi hết con đường dài này chứ. Chao ơi, thích thích làm sao. Em mỉm cười. Những viên sỏi xám lăn lóc dưới chân em, hình như chúng đang mở lớn mắt mà nhìn nụ cười he hé của một con bé đang đi lang thang trên đường. À chắc chúng ngạc nhiên lắm đấy.

Bây giờ lại là ngày cuối của một năm. Em nghe buồn. Sao đấy nhỉ? Em thấy mông lung quá khi phải tả nỗi buồn mà em chợt thấy rất gần đây. Em đã biết mình khác hẳn mọi năm khi nhìn chiếc áo tết Mẹ vừa may cho. Em không vui để náo nức nghĩ đến phong bì đỏ tiền lì xì của Nội vào ngày đầu năm. Buổi trưa nhìn cây mai vàng trước nhà, em trông từng cánh hoa run rẩy như muốn kéo một cái gì sắp vuột mất. Ngày cuối cùng của một năm. Em biết mình sắp lớn, năm tháng sau lưng tưởng chừng là cơn vui thoáng nhẹ rồi vội vã bay đi để em đong đưa từng kỷ niệm chuốt chau và gìn giữ...

Đã mười một giờ khuya. Đêm giao thừa trời tối đen. Bên cửa sổ cô bé đã ngủ gục tự hồi nào... Cô bé hãy còn bé bỏng lắm...


PHONG HẰNG      
(Xuân 72)          

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông Xuân Nhâm Tý, 1972)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>