Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Lung Linh Màu Nắng Hạ














 Phượng vỹ phô màu rực lửa
Đầu cành lá thắm tươi xanh
Giã từ thầy yêu bạn mến
Là xong thi cử, học hành

Hạ về trời cao mây trắng
Lũ ve hợp tấu tưng bừng
Tu hú tìm màu quả chín
Cổng trường khép lại sau lưng

Hạ làm trái tim rỉ máu
Chín mươi ngày bỗng quá dài
Chẳng còn đến trường hai buổi
Rộn ràng ai thấy dáng ai

Khung trời hạ hồng lưu luyến
Bâng khuâng theo nắng hanh vàng
Rồi đây có ai còn nhớ
Sân trường phượng đỏ mênh mang

Nhớ sáng đạp xe đến lớp
Nhớ chiều đi trễ giảng đường
Nhớ ai đợi ai thềm vắng
Nụ cười e ấp vấn vương

Hạ ơi trôi nhanh đi nhé
Tâm hồn rộn rã ngây thơ
Dù hạ lung linh màu nắng
Cũng làm xao xuyến tim mơ…

                             Trần Thị Phương Lan
                             (Bút nhóm Hoa Nắng)

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Trên Hành Lang Ngày Cuối Năm








Đứng nhìn áo trắng tung bay
Chỉ còn lần cuối cùng này nữa thôi
 
Ngày mai vĩnh viễn xa rồi
Ngôi trường nhỏ bé một thời dễ thương
 

Bảy năm còn học ở trường
Bảy năm hạnh phúc ngát hương dịu dàng
 
Mai này xa cách dặm ngàn
Tìm đâu lại được thời vàng son qua 


Hết rồi ngày tháng bướm hoa
Trên hành lang giọt lệ ngà nhẹ rơi…

                                       Trần thị Nguyệt Mai

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 202, ra ngày 1 tháng 6 năm 1973)

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

Chú Bé và Một Năm Học


Ngày... tháng... năm...

Hôm nay tôi đi học. Hai quyển vở mới kẹp cẩn thận vào nách, bút thước trên tay, vừa bước từng bước cẩn thận trên đôi guốc gỗ láng sơn tôi vừa lẩn thẩn nghĩ đến mấy thằng bạn đã trên 3 tháng rồi tôi chưa gặp (mấy thằng ở trên chợ kia, chứ mấy thằng dưới xóm thì đi chơi với tôi ngày một). Nghĩ đến văn phòng thấp lè tè sát bên cạnh văn phòng mà lớp nhì 1 lớp tôi sẽ học. Lẩn thẩn nghĩ đến cái sân trường nhớp nhúa đầy cả bùn sau mỗi trận mưa, đến cái thân cây khẳng khiu dùng làm trụ cờ. Nghĩ đến ông hiệu trưởng trẻ măng với đôi kính trắng kỳ cục và cả đến ông coi trường già nhăn nhó, khó chịu nữa.

Tôi bỗng thấy lo lo và bớt háo hức khi nghĩ đến thầy Bảy, ông thầy có bộ mặt nghiêm nghiêm dưới hàm ria cứng ngắc sẽ dạy tôi năm này. Nhất là vì thằng Bảo, học hơn tôi một lớp, đi bên cạnh cứ luôn miệng hù: Học thầy Bảy mà dở như mày là chết Yên à! Ổng dữ lắm lận! Không thuộc bài lần thứ nhứt là ổng nắm tai mày kéo ra, vô, lên, xuống đủ 4 bận rồi ông bắt quì cả buổi. Lần thứ nhì là mày tha hồ đếm lằn trên lưng. Còn lần thứ ba là ổng đuổi mày về đi chăn bò liền. Mà bài lớp nhì khó chớ đâu phải dễ. Có khi có cả chữ Tây như Ri Vi E nề, đủ thứ hết...

Thằng Bảo càng nói, bụng tôi càng thót lại. Mồ hôi rịn ra chẳng biết vì nắng, vì đi xa hay vì sợ, bò nhột nhạt trên mặt, thấm ướt cả chiếc áo ủi hồ. Còn đôi guốc xuồng tai quái này nữa chớ. Lúc nãy tôi hãnh diện bao nhiêu thì lúc này lại khổ vì nó bấy nhiêu, chứ trật lên, trật xuống làm tôi xuýt té mấy lần. Cuối cùng tôi làm theo kiểu thằng Bảo là xách tuốt lên, hai tay hai chiếc.

Tôi chợt nhớ đến mẹ tôi. Giờ này chắc bà đang cặm cụi bên luống cải hoa vàng, đang tưới nước bên giàn bí, đang xem cây đu đủ mới nở hoa. Hôm qua, giờ này tôi còn đang ở nhà, tưới nước, bắt sâu... Tôi bỗng muốn vất hết sách vở, chạy ù một mạch về nhà.

... "Hàng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nôn nao nhớ đến..." Bài chính tả đầu tiên  thầy Bảy đọc chậm rãi nên đứa nào viết cũng được cả. Thằng Tới mới đầu năm mà cũng không nhịn được cái tính dắn mắt. Thầy vừa đọc xong bài chính tả, xoay lưng đi lên là dưới này nó đã "phóng tác" ngay: "Hàng năm cứ vào cuối thu, chó ngoài đường chạy nhiều và trên không có những đám mây lồng lộn, lòng tôi lại..." Và thế là thầy tóm ngay tai cu cậu, và dầu mới kéo ra, vô, (chứ chưa đủ ra, vô, lên, xuống như thằng Bảo tả) cu cậu đã méo xệch cái mồm kêu đau. Cả lớp ngồi im thin thít, không dám cười một tiếng...

Vừa tan học tôi đã kẹp vở vào nách, hai tay cầm hai chiếc guốc, chạy ù một mạch về nhà, mặc cho thằng Bảo ơi ới gọi ở đằng sau...

Ngày... tháng... năm...

Dạo này trời cứ mưa dầm dề luôn. Mà con đường đất đỏ từ nhà tôi đến trường mới thật là kỳ cục. Mùa nắng thì cứ đầy cả bụi lên mà bây giờ thì nhầy nhụa những bùn và trơn như mỡ. Mấy bờ ruộng dọc theo con đường bây giờ lõng bõng những bùn non, trông thật kinh.

Đầu đội chiếc nón cũ mèm (mẹ tôi đã phải vác roi ra đe không thì còn lâu tôi mới chịu đội), sách vở nhét vào bụng, guốc dép vất hết ở nhà, tôi phải bấm chặt mấy đầu ngón chân vào bùn bước cẩn thận mà vẫn bị trợt té lia lịa. Trời mưa được 1 tuần thì tôi đã phải chạy về nhà thay quần áo đến hai lượt. Quần áo, sách vở, tóc tai bê bết những bùn trông thật thảm. Mấy thằng đi cùng đường với tôi thì khoái chí lắm. Chúng nó ôm nhau mà cười nghiêng cười ngửa. Cả lũ, nhất là thằng Bảo, cứ bô bô cái mồm:

- Chà, thằng này cẩn thận quá sức! Làm đường họ đo rồi mà nó còn đo đi, đo lại nữa chớ!

- Chắc nhiều ếch lắm hả Yên? Tao thấy mày chụp hoài...

Ngày... tháng... năm...

Vậy là gần tới tết rồi. Thầy Bảy vừa mới nói đến trại tết là cả lớp đã nhao nhao cả lên. Thằng thì đòi đóng trại ở trên chùa, thằng thì đòi xuống Vực Lở, thằng Tới lại là thằng Tới nhất quyết đòi đi qua soi ông Thắm. Cả lũ cười bò cả ra bàn, soi ông Thắm cách trường tôi năm cây số là ít.

Sau cùng thầy nói là đóng ngay trong trường, lớp nào đóng trước sân lớp đó. Cả lớp xì lên một tiếng và xìu như bánh xe xẹp. Tưởng đi đâu chứ ở trong trường thì vui vẻ cái nỗi gì. Nhưng ngay sau đó lại nhao nháo cả lên. Nào là chia đội, chia toán. Thằng thì đem lều, đem gậy. Thằng thì đem chén, đem bát... Ồn cứ như là vỡ chợ. Roi mây, quì, xoắn tai... bây giờ hình như chẳng có công hiệu gì cả. Thầy Bảy ngồi trên bàn chỉ còn nước lắc đầu, cười.

Vừa tan học tôi đã kẹp sách vở chạy ù về nhà. Mẹ tôi đang xào nấu đồ ăn trong bếp. Tôi hét thật to từ ngoài cửa: Mẹ! Mẹ! Thầy con nói còn có hai tuần nữa là tết. Có cắm trại nữa đó. Mẹ may cho con bộ đồ mới nghe!

Ngày... tháng... năm...

Trời nắng khủng khiếp. Nắng làm khô queo cả mấy cây ổi con con trồng đằng sau sân trường. Hơi nóng hầm hập hắt từ mái tôn xuống làm lớp học hừng hực khó chịu. Thầy Bảy vừa quệt mồ hôi vừa nhăn nhó giảng bài trên bục. Tụi tôi thằng thì ngủ gục, thằng thì lấy vở quạt phành phạch, thằng thì lơ đãng ngó ra dòm cửa sổ. Chẳng có đứa nào chăm chú nghe thầy giảng cả. Thằng Bách giờ chắc đang mơ đến Đà Nẵng rồi, ba nó hứa cho đi tới ba tuần lận. Thằng Toàn, thằng Thu thì được vô tỉnh. Thằng Mẫn khoèo khoèo tay tôi:

- Yên nè, ít bữa nghỉ cái tao với mày lên Đồng Xoài hái sim nghe. Ba tao dẫn đi!

Tôi gật gật đầu, gì chứ sim ở Đồng Xoài thì khỏi nói đi. Trái nào trái nấy to bằng ngón tay cái là ít.

Thầy Bảy vừa giảng xong bài toán cuối cùng trong chương trình. Vừa xoa tay thầy vừa hỏi:

- Còn em nào hỏi điều gì không?

Thằng Thành, chắc vừa mới ngủ dậy, mắt nhắm mắt mở hỏi:

- Thưa thầy bao giờ nghỉ hè thầy?

Cả lớp cười bò ra bàn. Thầy Bảy vừa cười vừa lắc đầu:

- Nghỉ hè hả? Được rồi tôi cho trò nghỉ hè!

Thế là cu Thành bị tống ra hè ngồi cho đến hết giờ.

Nhìn qua khung cửa sổ, tôi thấy cây phượng cỗi lấm tấm hoa đỏ, thấy mấy con diều bay cao tít. Thằng Mẫn khoèo tay tôi:

- Vậy là gần nghỉ hè rồi. Yên hỉ.

Tôi mỉm cười:

- Ai hổng biết! Còn một tuần ba ngày nữa là nghỉ...


ĐÔNG YÊN      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 91, ra ngày 27-5-1973)

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Con Ve Sầu


ẤP Ủ TRONG LÒNG ĐẤT TỪ 13 ĐẾN 17 NĂM RÒNG RÃ
MỚI TRỞ THÀNH VE SẦU

NHƯNG CHỈ CA HÁT VỎN VẸN TRONG 3 THÁNG RỒI CHẾT!

Cứ mỗi năm, khi hoa phượng bắt đầu khoe sắc đỏ thắm dưới ánh nắng gay gắt như thiêu như đốt, ve sầu trên những cành cây cao, rậm rạp lại kêu vang triền miên bất tận làm tăng thêm vẻ oi ả nóng nực khó chịu ngày hè.

Tuy cùng thuộc loại "côn trùng nghệ sĩ", nhưng nếu dế còn biết nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng và chỉ gáy từ chập tối cho tới sáng, thì ve sầu, bất luận ngày, đêm, lúc nào cũng rả rích một điệu buồn tẻ tựa hồ than van cho số kiếp ngắn ngủi của mình.

Dài khoảng ba tới ngót sáu phân tùy loại, đầu lại nhỏ với hai sợi râu ngắn, ve sầu rất tinh nên khó bắt nhờ ở hai mắt tổng hợp lớn quan sát được mọi phía, ấy là chưa kể tới ba mắt đơn tí xíu, xếp theo hình tam giác ngay giữa đỉnh đầu. Toàn lưng mang mầu xám, đen, nâu hoặc xanh tuyền kèm những vệt vàng hay trắng, ve có thể dễ dàng bay từ cành này sang cành khác nhờ hai cánh dài bên trên và hai cánh nhỏ bên dưới, trong suốt với những đường gân chạy dọc vòng vèo. Khi đậu, các cánh ve không xếp chồng lên nhau như loài dế mà trái lại, gập xuống, ép sát vào chân nghiêng nghiêng tựa mái nhà. Dưới mình nó mầu vàng nhạt gồm một vòi cử động theo chiều ngang, đủ cứng để chọc thủng lớp vỏ cây hầu hút chất nhựa bên trong hay hút sương đọng trên lá cành. Kế tiếp là những vòng bụng. Riêng con cái còn có thêm ngòi ở phần chót. Ngòi này hơi dài, cũng khá cứng giúp nó đào những hốc nhỏ trong thân cây rồi đẻ từ bốn tới mười hai trứng. Sau đó, trứng sẽ rơi xuống đất và chìm sâu khoảng bẩy, tám tấc hầu tránh giá lạnh hai mùa thu đông. Chờ một thời gian, trứng nở thành ấu trùng. Những ấu trùng này sống nhờ chất ngọt trong rễ cây mãi cho đến khi hóa thành kén, lại tiếp tục đợi thêm một số ngày nào đó mới chui lên khỏi mặt đất rồi bám vào thân cây đoạn lột xác để chính thức là ve sầu.

Theo lý thuyết thì chu kỳ biến hóa này có vẻ nhanh chóng và đơn giản, nhưng thực ra cuộc đời loài ve rất ngắn ngủi, trái hẳn với lúc còn ở dưới đất. Chắc các bạn không ngờ con ve hiện thấy hôm nay không phải mới sinh từ năm ngoái, năm kia đâu. Nó đã được ấp ủ trong lòng đất từ mười ba tới mười bẩy năm trời đằng đẳng, để chỉ rong chơi, ca hát cả ngày suốt ba tháng rồi chết sau khi gieo giống. Thường thì vào quãng đầu thu, người ta ít còn thấy bóng dáng chúng nữa.

Chẳng khác gì loài dế, ve sầu cái ngoài nhiệm vụ sinh sản, không thể "kêu" hay "ca hát", vì thân hình nó nhỏ nhắn, tròn trịa chứ đâu có to nhưng dẹt như con đực chứa đựng những cơ quan phát âm mà tạo hóa dành riêng cho nó. Nếu để ý, bạn sẽ thấy dọc theo hai bên sườn con đực là hai miếng sụn nhỏ, mỏng nhưng cứng: đó là cái mỏ. Mỏ này chia ra hai phần được coi như hộp âm vang và lưỡi gà với nhiệm vụ thu nhận những chấn động do lớp màng bụng rung lên giữa khoảng chân không vì bị các bắp thịt bên trong co thắt gây nên. Những chấn động đó đập vào mặt bên trong mỏ qua phần lưỡi gà cho chúng ta âm thanh. Tùy theo sự co giãn của các bắp thịt tiếng kêu sẽ nhanh hay chậm, trầm hoặc bổng. Như vậy, dù cũng có môi trên, môi dưới nhưng quá bé lại kết thành vòi nhỏ thì làm sao ve có thể ca hát được?

Tiếng kêu loài ve hơi chát chúa vậy mà trẻ em thảng hoặc cả người lớn rất thích chơi ve bằng cách dùng gậy nhỏ, dài, một đầu có bôi nhựa mít hay cao su. Các em rình con ve nào vô ý là tìm cách ấn phần dính vào chính giữa hai cánh là con vật khốn nạn chỉ còn biết kêu "ọ... ọ" để phản đối trước khi bị nhốt vào lồng. Ngoài ra, các em cũng đi lùng bắt ve, ngay khi chúng mới từ dưới đất nhoi lên trước khi lột xác, đem về thả vào hộp xây lưới kín rồi treo lên dây "để chúng ăn sương mới "kêu" được". Dù săn sóc cẩn thận đến mấy, ve chỉ sống vài ngày là cùng nên rất khó nuôi. Mỗi lần mang ve ra khoe, các em lại dặn nhau "Hễ lớp phấn trắng bao phủ trên mỏ nó nhạt dần là ve sắp chết đấy".

Ngoài tiếng kêu não ruột, ve sầu là loại côn trùng vô thưởng, vô phạt. Đối với đông y, xác ve sầu là một loại thuốc chữa bệnh rất tốt.

Người ta chia ve sầu ra làm nhiều thứ, nhưng chỉ có hai loại chính thường gặp sau đây:

- Loại nhỏ bé màu xanh biết, dài chừng hai, ba phân với tiếng kêu rất trong, cao vút gọi là ve sầu kim. Loại này có hai mỏ hình tròn nằm ôm lên nhau hay sống ở miền quê.

- Loại lớn màu xám hoặc đen hay nâu dài tới năm phân rưỡi. Tiếng kêu của nó ở mức độ trung bình. Trái với ve sầu kim, bụng của nó mang hai mỏ không tròn mà lại dài dài, thon thon dọc theo sườn. Loại này năng gặp nhất và đông hơn cả.


ĐẶNG HOÀNG (sưu tầm)     

(Trích  tuần báo Thiếu Nhi số 35, ra ngày 23-4-1972)

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

Buổi Học Cuối























Rồi cũng đến kỳ họp mặt lần cuối
Trải bao ngày đem tiếc nuối trong ai
Hè lại về thay đổi những tương lai
Gây xáo trộn kiếp miệt mài ăn học.

Còn đâu nữa những giờ ta bực dọc
Hay vui đùa nghịch ngợm phí tuổi thơ?
Gió vẫn bay, lật hộ vở từng tờ
Thời gian bước không đợi chờ thế hệ

Buổi học chót sao nghẹn ngào trí tuệ
Bảng, ghế, bàn, tường... ngập bụi mà thôi
Tiếng ve sầu nghe nức nở chơi vơi
Điệp khúc ấy muôn đời mang chia cách.

Bạn bè thân, sơ... làu tên, nhớ mặt
Thầy khó, hiền... từng nét dễ nào quên
Chuyện buồn đau, những kỷ niệm êm đềm
Huyết phượng vẫn thắm con tim người nhặt.

Không là gái nên không thèm ép sách
Trút tâm tư không trách, thứ tha thôi
Buồn rụng rơi tận đáy vực hồn tôi
Với gãy đổ khi lìa trường tạm nghỉ

Tâm sự vội hỡi những ai tri kỷ
Mai đường trần đi cho chí người ơi
Trên cành ve mãi trầm giọng ru hời
Buổi họp mặt nghẹn lời, ôi! lần cuối

                                       THÁI LYNH LĂNG

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 83, ra ngày 1-4-1973)


Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Một Thoáng Mây Hồng


Khanh học ở một Tư thục cách xa nhà tới hơn 3 cây số vì thế Khanh phải di chuyển bằng xe lam. Khanh nghĩ con trai mà đi xe lam thì yếu xịu, nhưng thân hình "vạm vỡ" đáng đại diện cho hãng tăm tre V.N. của Khanh đâu cho phép Khanh cuốc bộ trên quãng đường dài đầy gió bụi. Ngày hai chuyến xe lam giam mình cứng ngắc giữa những người và người mà phần đông là các cô học cùng trường, Khanh thấy quê thế nào ấy. Cho đến một hôm. Tan học, như thường lệ, Khanh leo lên chiếc xe lam đậu trước cổng trường. Trên xe đầy nhóc người duy còn một chỗ phía trong cùng. Khanh khom lưng len vào giữa hai hàng... chân người ; tới nơi Khanh ngồi phịch xuống thở phào. Xe chuyển bánh chạy bon bon. Đến đầu đường, đèn đỏ bật lên, xe thắng gấp, cô bạn đồng hành ngã chúi vào vai Khanh. Đau điếng. Trong một thoáng Khanh ngửi thấy mùi tóc. Cô ta nhìn Khanh bẽn lẽn, cúi đầu cười như để chữa thẹn và xin lỗi. Khanh lại thấy chiếc răng khểnh duyên dáng của cô ta. Tự nhiên Khanh đâm ra lúng túng, hai bàn tay chẳng biết để đâu. Khanh cười khẽ đáp lễ rồi quay đi. Trên đường về nhà có một chút gì êm ái len nhẹ vào hồn. Khanh nghĩ đến cô ấy suốt ngày, nhắm mắt lại là Khanh hình dung ra ngay khuôn mặt cô ta. Mái tóc cắt ngắn này, đôi mắt to... nhưng không đen và điểm mà Khanh nhớ nhất là chiếc răng khểnh xinh xinh. Lạ thật, từ trước đến giờ Khanh vẫn có bạn gái, những Thuận, Vi, Nguyệt... học cùng lớp thường gặp nhau nói chuyện vui vẻ. Nhưng có bao giờ Khanh thấy "kỳ kỳ" như lần gặp gỡ này đâu. Và Khanh cảm thấy yêu đời hết sức. Thằng bé chạy ra nghịch cái tivi Khanh cũng không cốc đầu nó như mọi khi. Khanh nhớ đến những lần nói chuyện với bạn bè, tụi nó hay nhắc tới danh từ "cú đờ phút" ; Khanh chỉ hiểu lờ mờ là hai người khác phái gặp nhau, bỗng dưng người này sinh lòng cảm mến người kia. Cái bỗng dưng là cú đờ phút đấy. Khanh cũng ở trong trường hợp ấy chăng? Nghĩ đến đây Khanh nóng bừng cả hai tai. Luống cuống thế nào mà cái tách cầm trong tay rơi xuống vỡ tan. Khanh nghe mẹ nói với chị Hương:

- Thằng quái sao hôm nay ngớ ngẩn tệ. Hay là nó ốm?

Chị Hương nhìn Khanh hóm hỉnh:

- Chắc thằng quái ốm tương tư đấy mẹ ơi!

Khanh tròn xoe mắt ngó chị Hương. Trời ơi, chị ấy nói cứ như đi guốc trong bụng Khanh ấy thôi. Khanh ra sân đứng nhìn trời. Muôn ngàn ngôi sao lấp lánh rực rỡ như muốn chia vui với Khanh. Mà vui gì Khanh cũng không biết nữa. Khó hiểu ghê đi ấy. Khanh lại nhớ đến nụ cười của cô ban sáng, chiếc răng khểnh trông ngồ ngộ hay hay. Ngày mai đi học phải tìm cách gặp lại mới được, rồi phải tìm cách biết tên, lớp và sau chót là... làm quen. Chắc cô ta nói chuyện có "ruyên" lắm nhỉ? Nhất định phải quen bằng được, cho chị Hương khỏi bảo Khanh: "nhóc con mà biết kí quái gì". Cho chị Hương phải mở to mắt la: "Á à thằng này ghê quá!". Và Khanh đi ngủ với những ý tưởng vui vui trong đầu.

Hôm sau, vừa bước vào trường Khanh đã thấy cô ấy đứng bá vai bạn bên hàng bánh ngọt. Dù trước khi đến trường Khanh đã "ních" một gói xôi to tướng ; nhưng Khanh cũng cố chen chân đứng cạnh cô ta vờ mua một miếng bánh. Đó là cái cớ để được gần cô ta í mà. Bỗng Khanh nghe tiếng gọi: "Hồng Vân ơi!". Rồi cô ấy quay ra trả lời, giọng Bắc kỳ nghe dễ thương tệ: "Gì hở Phụng?" Nghe bao nhiêu đó thôi mà thấy sung sướng rồi. Thì ra tên nàng là Hồng Vân, một áng mây hồng xinh xinh. Không những biết tên, Khanh còn biết cả lớp, cả chỗ ngồi của Vân nữa vì lớp Vân bên kia lầu, đối diện với lớp Khanh. Ngồi học, nhưng Khanh cứ thả hồn bay sang bên nớ mãi. Khanh tưởng tượng Vân đang chăm chú nghe giảng bài. Tay chống cằm, mắt mở to, đầu nghiêng nghiêng. Chả biết Vân có hay đưa ngón tay cấu ngầm cô bạn bên cạnh hay đá "hậu" kí cô ngồi đằng sau như mấy cô ở lớp Khanh không? Khanh phì cười với ý nghĩ này. Giờ chơi Khanh đứng ở hành lang bên ni ngó sang bên nớ xem Vân đùa giỡn với bạn bè. Khanh thấy Vân tung tăng chạy nhảy như con chim non ríu rít bên mẹ. Tà áo trắng phất phơ. Trông cô nàng có vẻ hồn nhiên ghê, pha lẫn một tí nghịch ngợm phá phách. Thật đúng là học trò. Khanh không biết làm thế nào để quen được với Vân bây giờ. Khanh dân ban B mờ, có biết viết thư đâu, chẳng lẽ lại gửi cho Vân lá thư làm quen: "Vân ạ, lòng Khanh đang điện giải??" Quê chết! Thôi, để lúc về, đi cùng đường Khanh làm bộ hỏi giờ rồi nói chuyện luôn là hay nhất, và bây giờ phải cất chiếc đồng hồ này đã, cho danh chính ngôn thuận chứ lỵ!

Chuông vừa reng Khanh đã thu xếp sách vở chạy một mạch xuống sân trường đợi Vân. Vừa thấy Vân xuất hiện ở cầu thang, lòng Khanh hồi hộp nao nao thế nào í. Lúc lên xe lam, may mắn sao Khanh lại ngồi cạnh Vân. Thực là cơ hội bằng vàng và Khanh nhất định... Nhưng (Khanh ghét chữ nhưng này quá) hễ mỗi khi Khanh định quay sang hỏi thì y như rằng Khanh bị nghẹn lời, tim đập thình thình nghe rõ mồn một, mặt thì đỏ bừng một cách tai hại. Bao nhiêu "uy dũng" của đấng nam nhi lúc đầu tiêu tan hết. Còn Vân, cô nàng vẫn thản nhiên "đường ta ta cứ đi", không thèm biết đến những gì xẩy ra cho ông bạn đồng hành.

Rồi cứ thế, ngày này qua ngày khác, hôm nào Khanh cũng tự nhủ mình phải nhất định, cương quyết... Vậy mà đến nay, gần nghỉ hè, Khanh vẫn chưa dám hỏi giờ. Khanh tức mình quá, chả hiểu tại sao mình lại nhát như cáy vậy? Khanh bỏ lỡ thật nhiều cơ hội, thậm chí có hôm Vân đánh rơi cây bút, Khanh cũng không đủ can đảm nhặt lên hộ nữa. Con cháu Lạc Long Quân chẳng lẽ lại thua con cháu bà Âu Cơ sao? Nhưng lần nào cũng vậy, hễ Khanh đối diện với đôi mắt tinh nghịch, với chiếc răng khểnh be bé là Khanh mất hết can đảm, Khanh trở thành "phái yếu".

Bây giờ sắp nghỉ hè rồi. Cây phượng trường Khanh nở hoa đỏ rực. Đứng bên này hành lang nhìn sang, Khanh thấy Vân vẫn dễ thương như lần đầu gặp gỡ và vẫn liến thoắng với bạn bè. Tuy nhiên Vân có vẻ hơi để ý đến Khanh rồi đó. Có thế chứ, đi cùng đường này, cùng chuyến xe lam này, rồi giờ chơi nào cũng ra trồng cây si này, những yếu tố đó ít ra cũng làm cho Vân biết đến Khanh nhiều hơn chứ. Như hôm nay Vân nhìn Khanh tới ba lần. Khanh thấy như mọi vật bỗng dưng vui tươi rực rỡ lạ lùng. Khanh đánh liều giơ tay vẫy Vân. Thì kìa... Khanh có hoa mắt không nhỉ? Vân cũng vừa đưa tay vẫy lại. Một cơn gió mát rượi thổi vào hồn. Khanh muốn la lên sung sướng. Khanh muốn bắc loa hét to: Vân ơi! Để nghe tiếng Vân theo gió thoảng vọng đến tai Khanh. Lần nay uy dũng của đấng nam nhi đã lấy lại bằng cái vẫy tay. Hoan nghênh hành động bất thường của Khanh vô cùng. Khanh nghĩ đến con đường Chi Lăng dài hun hút, từ đây Khanh sẽ "không thèm" lủi thủi đi sau "người ta" nữa rồi. Sẽ đi song đôi hoặc đi trước... vài bước, thế mới anh hùng chứ. Khanh nhìn lên trời, tưởng chừng những áng mây trắng hóa thành mây hồng bay tới bên Khanh. Chỉ một cái vẫy tay mà hứa hẹn những ngày thật vui tươi và Khanh thấy mùa hè này thật đẹp, đẹp như kí tên Hồng Vân của cô nàng răng khểnh.


PHI HÀNH    
(T.Q.K.G.)     

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 13, ra ngày 5-11-1971)

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

Trao Nhau Kỷ Niệm

















Hờ hững trao nhau cánh phượng tàn,
Dáng chiều bóng nhỏ bước lang thang.
Mai đây lối cũ buồn vắng bạn,
Lưu bút chừ đây viết mấy hàng.

Chỉ mấy hàng thơ để gọi là,
Kỷ niệm thời gian có thoáng qua.
Bức ảnh ngây thơ của mình đó,
Bốn năm chung học nay cách xa.

(Bạn trở về quê tắm nắng hè)
Tôi ra thành thị học sửa xe.
Trường xưa yêu dấu đành tạm biệt,
Hành lang thương nhớ một xác ve.

                                               VIỆT TUẤN
                                           (Tuy Hòa - Phú Yên)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 90, ra ngày 20-5-1973)

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

Lần Đầu Đi Xa


1

Những giọt nắng trong như thủy tinh vờn lung linh trên đôi mắt Tuấn, đánh thức một cơn mê dài. Buổi sáng dịu nhẹ êm ả như giòng nước sông mùa hạ. Không khí tẩm đầy hương mật ngọt từ những ruộng mía đầu làng. Gió xôn xao vọng lời chim se sẻ hót vang đâu đó ngoài bờ dậu, chắc chúng đang rủ nhau đánh chén mớ kê khô mà mẹ Tuấn đã phơi từ mấy hôm nay. Lứa kê sót lại sau ngày Tết Đoan Ngọ, tháng năm vừa qua. Phải đuổi chúng đi mới được, nếu không chúng sẽ ăn hết kê. Có lẽ mẹ đã đi chợ.

Tuấn nhỏm dậy thật nhanh, mở toang cánh cửa sổ. Nắng tràn vào phòng từng luồng lớn. Cây thông đầu xa treo mặt trời tháng bảy trên đỉnh như một ngọn đèn hoa đăng. Tuấn thấy mẹ đang đứng ở bờ dậu thưa nói chuyện với bà Ba hàng xóm. Một thoáng nhớ trở lại, Tuấn kêu lên không thành tiếng:

- A...

Lòng Tuấn rưng rưng. Sáng nay, phải, sáng nay Tuấn phải đi Huế đây. Nhưng lại đi một mình. Nghĩ đến việc đi Huế thăm bà Nội, cô chú, Tuấn thấy thinh thích, nhưng lại vừa buồn vừa sợ. Buồn vì phải xa mẹ cả mấy tuần lễ. Còn sợ vì đây là lần đầu tiên Tuấn phải đi xa một mình. Không biết có gì khó khăn không. Mỗi lần nghĩ đến việc phải ngồi trên một chuyến tàu đầy người lạ mặt, Tuấn lại ngại ngần vô kể. Nhưng vé đã mua xong, 11 giờ chuyến tàu tốc hành Sàigòn - Huế sẽ đi ngang ga Hà Lam. Không biết mẹ đã sửa soạn quần áo cho Tuấn chưa nhỉ? Tuấn kêu khẽ:

- Mẹ...

Bà Tú quay lại, thấy con, bà cười vui. Vẫn đứng lại bờ dậu, bà nói với vào:

- Tuấn đã dậy rồi à. Đánh răng rửa mặt đi rồi còn ăn sớm. Nhớ thay cả áo mới, mẹ để sẵn trên phản nhà ngoài đó.

- Còn va li của con, mẹ...

- Xong rồi, mẹ sắp sẵn rồi, yên chí và sửa soạn nhanh lên kẻo trễ giờ.

Xong, bà quay sang phân bua với bà Ba, lúc ấy đang ngước mắt nhìn bà, vẻ dò hỏi.

- Cháu nó sắp đi Huế bây giờ để thăm bà Nội và mấy cô chú. Chả là từ khi nhà tôi mất đến nay, tôi chưa có dịp nào về quê nội thăm bà con. Vả lại, bác thấy đó, nhà tôi đơn chiếc chỉ có một mẹ, một con, lại bao nhiêu công việc phải làm, sẩy đi đâu một tí cũng không được. Tháng trước, cô nó về thăm có mời hai mẹ con ra Huế chơi, sẵn dịp giỗ ông Nội thằng Tuấn luôn. Bữa nay, tôi cho Tuấn đi thế, cháu nó chưa đi xa bao giờ, nhưng dù sao cháu cũng lớn bộn rồi, có thể một mình cáng đáng mọi việc. Vả lại, bà cháu sẽ ra đón ở sân ga.

Bà Ba mỉm cười gật đầu:

- Tuấn nó cũng lớn rồi mà bác lo chi. Với lại chỉ ngồi một chỗ trên xe lửa, vù một chút là tới liền. Mấy thằng con tui cứ trốn đi Đà Nẵng chơi hoài. Thằng Tuấn vậy mà hiền lành đó. À, mà chị vô sửa soạn cho cháu đi chớ, tui cũng ra ruộng mía bây giờ.

Bà Tú đi vội vào nhà. Tuấn đã mặc quần áo tươm tất và sắp ngồi vào bàn ăn. Trên mâm, một đĩa thịt kho tàu và một đĩa đầy dưa giá. Tuấn ngạc nhiên hỏi mẹ:

- Ăn cơm phải không mẹ?

Thường thì buổi sáng, Tuấn ăn xôi hoặc bánh mì. Hôm nào cơm nguội nhiều, bà Tú đem chiên nóng với xì dầu vàng lườm. Sáng hôm nay, cơm nóng sốt vừa nấu.

Bà Tú vừa xới cơm ra chén vừa nói:

- Ừ, ăn cơm. Con rán ăn chớ trưa ăn bánh mì trên tàu xót bụng lắm. Mẹ mua sẵn bánh mì cất vào giỏ cho con rồi.

Nhắc đến việc đi, lòng Tuấn lại buồn buồn. Một nỗi buồn lạ lùng, không sâu mà tràn lan khắp người. Nhưng cũng không thể nói là Tuấn  buồn được. Bởi trong thâm tâm, Tuấn cũng muốn được nhìn cảnh lạ. Nhất là ngày xưa, ba Tuấn vẫn thường nhắc đến thành phố Huế, chốn đế đô ngàn năm xinh đẹp. Với nỗi buồn lạ lùng đó, Tuấn thấy mình như không thích gì cả. Bụng no đầy, và khẩu vị lười biếng.

- Ăn đi con...

Tuấn cúi xuống nhìn chén cơm rồi bắt đầu ăn. Một miếng, hai miếng. Dạ dày được đánh thức vùng lên. Tuấn quân cả nỗi buồn, ăn ngon lành, mà lại ăn nhiều hơn thường ngày nữa. Nhìn đĩa cơm hết nhẵn, và nghe ngóng sự thỏa mãn tràn ngập lòng mình, Tuấn xấu hổ với mẹ quá và thấy hơi hơi hối hận vì đã ăn quá ngon lành trước khi xa mẹ.


Nhưng bà Tú hầu như không để ý đến tiểu tiết đó, bà căn dặn Tuấn:

- Nhớ khi tới nơi, viết thư ngay về cho mẹ nhé.

- Vâng ạ.

- Nói mẹ gửi lời thăm bà Nội, cô Vân và thằng Nhân. Nhớ nghe con. Hãy tỏ ra ngoan ngoãn với tất cả mọi người. Đừng để cho ai phải chê là con của mẹ vô lễ, lì lợm. Mẹ nghe được thì buồn lắm.

Tuấn bấu vào chéo áo của mẹ, giọng chắc chắn:

- Con hứa với mẹ.

Bà Tú quay vào nhà trong, chỉ một lát, bà đem ra một xấp bạc toàn giấy 1000 đồng. Vừa đếm bà vừa nói:

- Con đem số tiền này ra biếu Nội cho mẹ. Bảy nghìn đồng tất cả. Đây nhé, một, hai, ba... có bảy tờ. Mẹ bỏ sẵn trong bao thư kèm một lá thư của mẹ gửi cho bà. Nhưng con cũng nói thêm là sở dĩ mẹ gửi biếu nội hơi chậm vì dạo nầy hàng họ hơi ế ẩm. Còn đây, mẹ cho con một nghìn bạc lẻ để đi đường, ăn tiêu và mua vé tàu trở về. Đừng để nội mua nghe con vì nội cũng thanh bạch như mẹ con mình, nội lại hay đau yếu luôn...

Bà Tú đưa tiền cho Tuấn, Tuấn đón lấy và bối rối không biết phải cất vào đâu.

- Con cất ở trong ví con được không mẹ?

Bà Tú xây lưng con lại, nhìn vào hai cái túi sau của Tuấn, gật đầu.

- Được lắm, túi có nút và khi ngồi thì ép xuống ghế. Được lắm.

Tuấn lấy ví ra, nhưng chiếc ví của Tuấn quá nhỏ không thể nhét tất cả vào mà không làm nát bì thư. Tuấn đề nghị:

- Thôi để con cất vào túi bên nầy. Hơi trái tay một tí nhưng cũng bảo đảm.

- Đừng có khoe với ai trên tàu là con có mang theo nhiều tiền nhé.

- Mẹ đừng lo, dĩ nhiên là không rồi.

Bảy tám ngàn bạc đối với người khác là một số tiền nhỏ. Nhưng đối với mẹ con Tuấn muốn có chừng đó tiền phải để dành cả nửa năm.

Từ Sơn Tây, gia đình Tuấn phải dời vào đất Quảng Nam vì ba Tuấn được tuyển dụng vào làm ở xưởng đường mía. Sau khi ba Tuấn mất, mẹ con Tuấn cũng không muốn rời xa mảnh đất đầy mía xanh ngắt nầy nữa, Họ đã quen quá rồi mùi mật mía, tiếng máy ép mía, lẫn tiếng bò rống từ những nhóm làm mật mía theo lối cổ điển. Nhất là, nguyên nhân chính yếu nhất giữ bà Tú ở lại ngôi làng cổ kính nầy, dù gia đình bên Nội dời vào Huế, có mời mẹ con bà về Huế ở với họ, là mộ của ông Tú được an táng tại nghĩa địa làng.

Vì vậy đời sống của hai mẹ con cũng không dư dật gì. Với gánh hàng nhỏ, bà Tú phải đầu tắt mặt tối để lo tiền ăn tiêu, chợ búa, mua sắm áo quần, sách vở, tiền học hành cho con cái cùng trả nợ món tiền bà đã vay để xây mộ cho ông Tú. Tuấn tuy còn nhỏ, nhưng đã hiểu rõ tình cảnh gia đình mình. Tuấn không bao giờ dám se sua đua đòi với bạn bè. Tuấn quý đồng tiền mồ hôi nước mắt của mẹ và vì thế Tuấn không ngớt băn khoăn và nghĩ ngợi đến số tiền quá lớn mà Tuấn giữ nhiệm vụ mang trong người suốt một chặng đường dài.

- Đây là va li của con. Chiếc giỏ mây nhỏ nầy, mẹ sắp sẵn trong đó ổ bánh mì cho con ăn trưa. Cái gói nhỏ đó... đó... đúng rồi... Gói lớn nầy là gói đường phổi, biếu cô Vân.

Đưa giỏ cho con, bà Tú quay sang đóng kín cửa sổ, cửa dưới và nói vội vã:

- Có lẽ đã trễ rồi đấy, mình ra đón xe lam ra ga là vừa. Mẹ đưa con ra ga... Đóng giúp mẹ cánh cửa bên này. Gài chặt vào.

Gian nhà tối hẳn lại. Mọi đồ đạc như buồn rầu hẳn đi để tỏ tình quyến luyến. Tuấn nghe nao nao trong dạ. Bước chân của mẹ lạo xao, vội vàng. Tiếng cửa đóng lập sập khiến Tuấn có cái cảm giác như mình sắp xa lìa vĩnh viễn nơi nấy. Bất giác, Tuấn muốn quẳng va li xin mẹ được ở lại, không đi đâu nữa. Nhưng... Tuấn lẩm bẩm:

- Hai tuần nữa mình về rồi mà.

Ý nghĩ đó làm Tuấn thấy yên tâm hơn. Tuấn bước ra ngoài sân để mẹ đóng cửa chính. Trời nắng tốt. Những đám mây nhẹ trôi lãng đãng trên đỉnh đầu. Bầy chim sẻ nhảy múa trên sàn kê khô. Tuấn đưa tay, không phải để đuổi chúng mà là để tạm biệt khung cảnh thân yêu. Bầy chim ríu rít bốc lên cao reo những tiếng trong và ấm như chào mừng cậu học trò nhỏ lần đầu tiên đi xa.

 2

Xuống xe lam, hai mẹ con Tuấn phải đi bộ thêm một đoạn đường nữa mới đến nhà ga. Quận lỵ quen thuộc trải dài trước mắt Tuấn. Đây là trường học, nơi Tuấn, học sinh đậu hạng ba khi thi vào Đệ Thất, học qua một năm đầu tiên của bậc Trung học. Sang niên khóa mới, Tuấn lên đệ lục và sẽ được học lớp ở trên lầu. Tuấn đi hơi chậm lại để quan sát trường mình. Những cánh cửa lớp đóng kín, im lìm. Mấy cây sầu đông nở trái và hoa chen lẫn. Trái xanh, hoa màu tím nhạt đong đưa. Hai cây bàng xanh lá đứng oai nghi trước văn phòng Hiệu Trưởng. Nơi đó, là căn phòng độc nhất cửa mở. Trường im ngủ vùi sau một năm học để chờ mùa thu đến. Một niên học mới rộn ràng hơn, chững chạc hơn.

Nhà ga đã rộn rịp những người. Quán ăn, gánh hàng rong, hành khách quây quần trong một chu vi một mẫu tây. Đằng trước là một khoảng sân rộng trồng đầy cỏ và hoa. Đấy là công trường độc nhất của quận lỵ. Giữa công trường, , một bức tượng Nguyễn Huệ Quang Trung cưỡi voi, thét gươm chỉ về phương Bắc. Bức tượng có những bậc thang nhỏ dẫn lên bệ để người ta có thể lau chùi bộ áo giáp bằng đồng vàng loáng được luôn luôn sáng đẹp. Đi ngang qua công trường Tuấn đưa mắt kín đáo nhìn lên như sợ người ta bắt gặp ý nghĩ của mình. Bức tượng đồng đen với chiếc mũi trắng trông ngộ nghĩnh khôi hài. Bất giác Tuấn bật cười:

- Cái gì vậy Tuấn?

Tuấn làm thinh, cúi đầu. Nhớ lại sự tinh nghịch dại dột của mình. Tuấn vừa lo vừa buồn cười. Chả là chiều hôm qua, tụi thằng Trí, thằng Nhâm, thằng Liêm rủ Tuấn lên quận xem đá banh. Nghĩ đến việc xa lũ bạn thân đến hai tuần lễ, Tuấn muốn nhân cơ hội nầy đãi tụi nó một chầu kem cây ở chợ quận. Xem đá banh xong, cả bọn rủ nhau đến công trường nhà ga chơi. Lợi dụng lúc ga vắng người, thằng Liêm men theo mấy bực thang leo lên đỉnh tượng, ngồi vắt vẻo trên lưng voi cạnh đức Quang Trung. Thấy vui, cả mấy đứa đều trèo lên một lượt. Thằng Nhân lấy cái mũ lưỡi trai của mình đội lên đầu Vua Quang Trung. Thằng Nhâm buộc một nhúm cỏ vào lưỡi kiếm. Còn Trí và Tuấn lấy được một lon sơn của người giữ công trường bỏ quên bên hàng rào, hai đứa thi nhau phẹt vào chiếc mũi đen sì của bức tượng. Chúng còn định quệt vào má vào miệng thì bỗng thằng Liêm trụt vội xuống và la lên:

- Chết cha, ông Cảnh Sát tụi bây...

Hoảng hồn, Tuấn quẳng lọ sơn đang cầm ở tay xuống thảm cỏ và cả bọn chen nhau leo xuống đất rồi co giò bỏ chạy trước khi người Cảnh Sát bắt được một trong bọn. Nhưng chắc chắn là ông Cảnh Sát đã nhận biết tụi nó là ai rồi. Bộ đồng phục mặc chỉ định rõ ràng là học sinh trường Trần Quốc Tuấn. Bữa cơm hôm đó, Tuấn không làm sao nuốt được vì lo sợ người Cảnh Sát sẽ tìm đến ông Hiệu Trưởng và mách mọi việc, trước sau gì cũng lộ ra mấy đứa. Tội nghịch phá công trường có thể vô tù như chơi. Tuy nhiên, chuyến đi đã làm Tuấn quên bẵng đi những lo âu, cho đến bây giờ...

Tuấn lại len lén ngoái nhìn lên bức tượng. Nhưng... kìa... một ông Cảnh Sát đang tiến đến chỗ hai mẹ con ngồi.

Tuấn nhìn kỹ ông Cảnh Sát. Đúng là ông Cảnh Sát chiều hôm qua. Không sai được. Bộ ria mép đen và chiếc mũi lớn. Đúng rồi. Tuấn run lên. Ông đã nhận ra Tuấn. Ông sẽ bắt Tuấn vào bót để trả lời tội phá hoại hình tượng của công. Tuấn cúi gằm mặt xuống không dám nhìn về phía trước. Trời ơi, giá có một phép lạ làm Tuấn tàng hình được. Trong khi đó, viên Cảnh Sát vẫn đều đều tiến tới chỗ hai mẹ con Tuấn.

- Chào ông...

Mẹ Tuấn đon đả chào viên Cảnh Sát. Tuấn run lên chờ đợi cơn thịnh nộ của ông ta. Nhưng viên Cảnh Sát dường như chưa nhận ra Tuấn, ông ta dừng lại bên mẹ Tuấn và hỏi:

- Bà và cháu đi đâu đây?

- Da, tôi đưa cháu ra ga đi Huế ạ.

Tuấn cố giấu mặt một bên vai của mẹ. Nhưng viên Cảnh Sát lại quay sang Tuấn:

- Cháu học trường Trần Quốc Tuấn?

Thôi rồi, Tuấn kêu thầm. Ông ta đã nhận ra mình. Làm sao bây giờ. Tuấn len lén đưa mắt nhìn viên Cảnh Sát lúc đó đang chăm chú nhìn Tuấn.

Nhưng lúc đó, tiếng còi xe lửa hú vang từ xa. Mọi người trong ga đều nhốn nháo cả lên. Bà Tú dắt tay Tuấn đi lần ra cửa đợi. Tuấn quay lại. Viên Cảnh Sát vẫn nhìn theo hai người chăm chú. Tuấn muốn mình có cánh bay bổng ra sân ga. Nếu bây giờ ông ấy kêu mình lại và còng hai tay mình, như có lần Tuấn gặp một ông Cảnh Sát bắt hai tên trộm ở chợ. Chỉ nghĩ đến cũng đủ rùng mình.

May thay, hai mẹ con Tuấn đã vượt được cánh cửa ra sân ga. Bóng viên Cảnh Sát khuất sau bức tường dày. Tuấn thở phào thoát nạn.

- Chả nhẽ ông ấy không nhận ra mình. Hay vì quen với mẹ nên ông để mình đi về mới bắt.

Tuấn lẩm bẩm một mình. Nỗi lo không giải quyết được và cũng không dám tỏ bày với ai làm Tuấn như người đau.

Thấy con rầu rầu, bà Tú cứ ngỡ Tuấn buồn vì sắp ra đi một mình, bà an ủi:

- Chả có gì đáng lo hết. Con cứ ngồi trên toa xe, đến chiều thì tới nơi ngay, đừng có lo. Hai tuần sau lại về nhà ấy mà. Con trai lớn rồi đi cho biết đó biết đây ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.

Tuấn gượng cười:

- Con thích lắm chứ mẹ.

Khi xe lửa hụ đến hồi còi thứ hai, bà Tú căn dặn Tuấn lần cuối:

- Nhớ đừng để quên cái gì ở tàu nghe con. Nhờ ai mang va li vào toa chứa hàng dùm, nhớ ăn nói lễ độ và cám ơn khi xong việc nhé.


Tuấn nhấc quai va li lên nhịp nhịp mấy lần và nói với mẹ:

- Con có thể xách va li một mình được mà mẹ. Con lớn rồi mà.

- Ừ, con đã lớn rồi. À, mà nhớ khi đến Huế, con xuống tàu và ra cửa bên phải. Nội chờ con ở đấy. Đừng ra cửa bên trái, cửa đó chỉ dành cho hành khách buôn bán.. Nhớ tìm nội chứ đừng đi một mình lạc đường chết nghe con.

- Vâng, con sẽ tìm nội mẹ à.

- Ăn xong, đừng có ném giấy xuống sàn tàu con nhé, và cũng đừng làm mất tiền.

Tuấn đập nhè nhẹ vào túi quần mình và cười mỉm với mẹ:

- Chắc chắn lắm rồi mẹ.

Hành khách xuống ga Hà Lam không bao người. Viên xếp ga ra hiệu cho hành khách từ Hà Lam đi lên tàu. Tuấn chào mẹ rồi leo lên toa. Bà Tú đưa chiếc giỏ cho Tuấn và dặn với theo. Tiếng bà lẫn trong tiếng còi hụ giục giã:

- Tuấn, tới nơi nhớ viết thư cho mẹ ngay nhé.

- Vâng ạ. Thưa mẹ con đi.

Tàu chuyển bánh. Bà Tú vẫy tay một hồi lâu. Bóng nhòa dần. Tuấn thấy mắt mình cay cay.


KIM HÀI            
(Trong "Thám Tử Tí Hon" 
sắp xuất bản)  

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 200, ra ngày 1-5-1973)

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

Niềm Vui Tuổi Nhỏ


Lên ba tuổi, tôi đã phải xuống Châu Đốc ở với gia đình bác trai. Lúc đó tuy còn rất nhỏ, nhưng hình như tôi đã sớm biết thân phận "ăn nhờ ở đậu" của mình, nên tôi đã chẳng dám hó hé gì: buồn riêng mình biết, vui chẳng ai hay, mặc dù gia đình bác cũng chẳng có ai cay nghiệt gì với tôi. Lẽ ra tôi chẳng nên có cái mặc cảm đó, nếu tôi biết , như khi đã lớn lên, rằng gia đình bác và gia đình tôi đã nhờ vả, trao đổi con cho nhau, vì mấy chị lớn con bác gái trước đều lên Sài Gòn ở trọ trong gia đình tôi. Vậy là huề!

Ngoài giờ đi học ở trường và học thêm ở nhà, tôi tương đối được tự do chơi đùa trong xóm. Tôi dùng chữ "tương đối" ở đây vì muốn nhấn mạnh ý nghĩa "được tự do trong khuôn khổ". Vì có lần tôi và chị Tâm lén bác trai chạy qua đường để tới công viên ngang chùa Bồ Đề chơi và bị bác trai bắt gặp, hai đứa tụi tôi đã bị rầy một trận và phải chịu phạt, mặc dù hình phạt là gì thì tôi lại không nhớ. May là đường xá dưới Châu Đốc lúc đó cứ gọi là vắng tanh như chùa bà Đanh, chớ nếu đông đúc như Hòn Ngọc Viễn Đông thì chẳng biết hình phạt sẽ tới đâu.

Là con gái, lại thêm cái tính tình nhút nhát, ít nói, không giống như chị Tâm, tôi chẳng bao giờ là người khởi xướng bất kỳ một trò chơi nào. Ai dẫn đâu tôi đi đó. Chiều tối cơm nước xong, chị San thường dắt chị Tâm và tôi tới nhà chị Lệ bạn thân của chị. Cả bốn người sẽ ghé uống rau má hoặc sinh tố mãng cầu, trước khi ra cầu tàu ngoài bờ sông hóng gió. Chị San trước khi yên vị để nhỏ to tâm sự với chị Lệ, bao giờ cũng căn dặn tụi tôi phải cẩn thận kẻo té xuống sông. Nói thật chớ khỏi cần phải nhắc nhở thì tôi cũng biết là không nên lại gần mép nước, vì sợ "ma da" kéo giò, nên chỉ cần nhìn xuống  nước sông đen thui dưới cầu tàu, hai chân của tôi cũng đã cảm thấy bủn rủn rồi. Tôi cứ ngồi đó, nhìn về bên kia sông là Tân Châu, với những ánh đèn vàng phản chiếu lung linh trên mặt nước mênh mông, tận hưởng những làn gió lồng lộng mát rượi như ướp nước đá. Chẳng hiểu lúc ngồi hóng mát ở đó, trong đầu tôi đã suy nghĩ  về điều gì, vì tôi sớm biết mình là đứa đa sầu đa cảm, lại hay mít ướt. Nhưng lúc ấy có lẽ tôi chẳng cả nghĩ như khi lớn lên, đơn giản chỉ vì còn nhỏ quá. Nhưng mỗi khi hoài niệm về tuổi thơ ở Châu Đốc, tôi thường nhớ đến hình ảnh mình ngồi đón gió ở cầu tàu tối đen bên bờ sông.

Cũng có hôm chị Tâm và tôi lôi ở đâu ra được cuốn nhạc đóng bìa da của chị San, và cứ thay phiên nhau nghêu ngao hết bài này tới bài khác, mặc dù chẳng quen thuộc bài nào, nghĩa là hát phịa! Nhưng chỉ được một lát, chị San khám phá ra được tội của tụi tôi đã lục đồ chị, nên chị la mắng chúng tôi rằng từ rầy về sau không được hát nhạc "người lớn" nữa, mặc dù vì lúc đó còn rất nhỏ, nên chúng tôi nào đã hiểu ý nghĩa mấy bài hát đó đâu. Nhưng tôi vẫn còn nhớ mài mại tên vài bài, như bài Yêu của Trần Thiện Thanh, bài Ảo Ảnh của Y Vân, bài Hai Phương Trời Cách Biệt của Hoàng Trọng... Đúng là toàn nhạc dành cho người lớn thiệt!

Trong xóm chúng tôi, trẻ em trai rất nhiều, và chúng thường rủ nhau chơi đủ thứ trò, nhưng vì toàn là trò dành riêng cho con trai, nên tôi chẳng bao giờ được tham gia, nên đành làm khán giả vậy.  Tối tối nhất là về mùa hè, nếu ở trong nhà thì không có ngay cả quạt máy, nên người ta thường ra hàng ba hay sân trước nhà  ngồi hóng mát, nói chuyện vãn, ăn quà vặt, và trẻ em thì chạy nhảy chơi đùa quanh người lớn. Nhiều trò cho tới bây giờ tôi cũng không biết chơi, như chơi u, chơi tạt lon, chơi bắn bi, chơi đá cầu, đá dế... May ra thì tới bây giờ, tôi có thể thành thạo một trò, đó là quay bông vụ, nhưng không phải thứ bông vụ hồi xưa lơ xưa lắc làm bằng gỗ nặng trịch, và trẻ em trai dùng một sợi dây gai quấn suốt thân bông vụ để điều khiển, mà là cái bông vụ làm bằng mủ đủ màu sắc và nhẹ bưng. Thằng cháu tôi chỉ cần "dạy" tôi  chưa đầy hai giây đồng hồ là tôi có thể khiến cái bông vụ xoay tít, trông y như đĩa bay trong phim khoa học giả tưởng. Chẳng hiểu là do nó khéo bày, hay do tôi sáng dạ bất ngờ!

Lũ con trai còn có một trò chơi mà tôi rất thích, mặc dù chưa bao giờ dám thử lấy một lần. Hơn nữa, sau này trò chơi đó đã hoàn toàn bị thất truyền, đó là trò bắn pháo dây bằng súng. Thuốc pháo được chứa trong những khoanh tròn, nằm cộm lên trên một sợi dây bằng giấy  hồng điều, bề ngang bằng một cọng hẹ. Nhét nó vào súng rồi bóp cò, pháo  sẽ nổ và phát ra tia lửa  tuy nhỏ nhưng cũng vui tai vui mắt. Lúc ấy, ta sẽ kéo sợi dây pháo tới đúng vị trí pháo chưa nổ, và tiếp tục chơi cho đến cuối dây pháo.

Trung thu, lũ con gái tụi tôi thường lấy đèn cầy dùng để đốt đèn ra chơi trò Đổ Bánh Khọt. Nghiêng cây đèn cầy đang cháy trên một ca nước để tạo ra những cái "bánh khọt" bằng nến tròn tròn xinh xinh đủ màu nổi bập bềnh trên mặt nước, trông như những chiếc đèn hoa đăng lung linh được thả trên bến Hàn Giang.

Thỉnh thoảng khi thức dậy vào ban sáng, bác gái đôi lúc trao cho tôi những món quà và bảo rằng đó là của má tôi gởi xuống cho. Khi tôi hỏi thế má tôi đâu thì bác lại nói rằng "người ta"  mang giùm. Bao giờ quà cũng gồm hai món, cho tôi và cả chị Tâm nữa, vì hai đứa bằng tuổi nhau, chắc bà sợ nếu chỉ mua cho tôi thì chị Tâm vì không vui sẽ ganh tị chăng Cầm quà trong tay, nước mắt của tôi bao giờ cũng tuôn như suối, vì còn nhỏ đã phải xa nhà, xa mẹ. Bao giờ tôi cũng được lựa trước, khi là bộ quần áo hàng hiệu, (có thêu một khóm bông đàng trước. Tôi thường chọn bông tím, vì má tôi thích màu tím!), khi thì là một ve dầu thơm hiệu Reina của Khiêm Tín Hãng, có lúc lại là một cái làn đồ chơi làm bằng mủ. Tôi cứ căn vặn bác gái mãi, rằng người mang quà đến hồi nào, sao tôi không thấy họ, và má tôi có nhắn gì không... Rồi suốt ngày hôm đó, và cả nhiều hôm sau nữa, đừng hòng thấy tôi rời khỏi món quà đó, dù chỉ một giây. 

Thỉnh thoảng tôi cũng thấy bác gái bọc hàng trăm trái mãng cầu dai vào những mảnh giấy nhựt trình, xếp cẩn thận chúng vào những cái làn bằng mây cho tới khi đầy hụ, và lại giao cho nhà xe mang lên Sài Gòn biếu gia đình tôi. Thì ra từ hồi xửa hồi xưa, nhà xe cũng đã có dịch vụ vận chuyển,  giao hàng rồi.

Anh Chính anh họ của tôi rất đẹp trai, nhưng hơi mập. Anh đã chơi đủ thứ môn thể thao, uống nước chanh... để bớt mập. Đôi khi anh Chính sai chị Tâm và tôi cứ "đi bộ" lên lên xuống xuống từ chân lên tới vai anh,  chắc để anh giãn gân giãn cốt, sau giờ tập thể dục hay chơi thể thao. Thế là hai đứa chúng tôi cứ hết lên lại xuống dẵm lên khắp người anh, rất êm vì nhiều thịt! Tôi thích nhất lúc đứng trên hai mông của anh Chính, và cứ bị tuột xuống vì trơn, khiến chị Tâm và tôi cứ phá lên cười khúc khích. 

Thi thoảng anh Chính sẽ tham gia vào trò chơi  của chúng tôi, với vai trò cố vấn, cũng dễ hiểu thôi, vì anh vừa lớn tuổi nhất  lại vừa to xác nên nếu chơi cùng tụi tôi sẽ không thích hợp chút nào, nhưng hễ anh cố vấn cho ai thì bảo đảm đứa đó chẳng bao giờ thua! Có lần chơi năm mười, anh Chính bế tôi lên giấu sau cửa sổ, ngồi trên chiếc ghế bố đã xếp lại ngoài hàng ba, và tôi đã trở thành người chiến thắng, vì không một đứa nào đã có thể nghĩ ra chỗ nấp tuy hở nhưng kín như vậy.

Anh Chính rất sợ bác trai, điều này tôi chỉ biết khi lớn lên. Lúc đến nhà tôi trên Sài Gòn chơi, anh Chính nói chuyện rất to, tới nỗi khách bộ hành ngang qua nhà tôi đều phải ngoái đầu nhìn vô nhà! Nhưng khi ở nhà mình, anh Chính lại nói nhỏ xíu, vì sợ bác trai la rầy! Thầy tướng nói rằng đàn ông ăn nói oang oang thường làm lớn, hèn chi anh Chính mới  hăm ba tuổi đã làm Trưởng Ty. Nhưng những lúc đi chợ, tôi lại thường hay tự hỏi mấy anh chàng rao hàng ồn ào cả chợ  sao cứ mãi là những người bán hàng rong quèn!

Ông Tụng lục sự, láng giềng của chúng tôi ở Châu Đốc, là một người rất vui tính. Tối tối sau khi cơm nước xong, lũ trẻ chúng tôi, và cả người lớn nữa, thường hay tụ tập ở hàng ba nhà ông Tụng để nói chuyện phiếm. Ông Tụng hay kể chuyện vui, hoặc pha trò bằng những câu nói vui có cùng một vần, hay những bài nhạc chế, khiến lũ trẻ chúng tôi cứ gọi là cười như nắc nẻ, như, Đêm đông đại đội đốt đèn đi đâu đó? Đêm đông đại đội đốt đèn đi đ.. đây! Hoặc, Bụng cô to như cái thùng nấu phở, rốn cô lồi như cái quả cà chua!...

Đôi khi, vô tình, tôi cũng là người mang lại những tiếng cười vui ấy, dù chỉ họa hoằn.  Có lần ngủ thiếp đi bất thường, lúc tỉnh dậy thì trời đã tối, và nhìn quanh trong nhà chẳng thấy ai, tôi đã chạy sang nhà ông Tụng để tìm. Thấy tôi ông Tụng bèn hỏi, bé Lan ngủ có ngon không? Tôi xí xọn nói, ăn mới ngon chớ ngủ sao mà ngon được!  Hoặc ông Tụng nói, nước Việt mình chia làm ba phần gọi là Bắc kì, Trung kì, và Nam kì, thì tôi lại  một cách vô cùng ngây thơ cắc cớ hỏi, sao không có Huế kì?

Những niềm vui thuở nhỏ, những câu nói đùa vô bổ như thế, nhưng lại sống rất dai, và luôn luôn làm cho lòng tôi ngậm ngùi, se thắt, mỗi khi nhớ về những năm tháng yên ả tôi được sống nơi tỉnh lỵ êm đềm nên thơ đó. Những ngày xưa thân ái, tôi trả lại cho ai!

Trần Thị Phương Lan   
(Bút nhóm Hoa Nắng) 
 

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Ngày Tháng Giao Mùa


Mầm chán nản chớ len vào niên thiếu,
Chớ len vào sớm quá, tội em mà!
Em nghe như trời ấy vẫn còn xa,
Em chầm chậm để mong còn xa mãi.
Hãy là hoa xin hãy khoan là trái,
Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua.

- TÔN NỮ THU HỒNG -

*

Cơn mưa đầu mùa đến thật nhẹ nhàng. Tiếng mưa trầm ấm ru hàng thông thiêm thiếp giấc ngủ. Từng sợi mưa mong manh giăng mắc phủ kín khung trời cao nguyên. Cuối chân mây xa tít tắp, dãy núi Bà im lìm trong dáng dấp trầm tư.

Mưa Đà Lạt thật buồn, làm em nhớ đến Ban mê thuột nhiều ghê cơ! Mưa trên đó cũng đìu hiu và lặng lẽ như ở đây vậy. Nhắc đến Ban mê thuột em càng thêm nuối tiếc tuổi nhỏ dại khờ trên miền Thượng heo hút xa xăm ấy. Ngày tháng bé bỏng bình thường bên cạnh những khuôn mặt ngô nghê, những nụ cười thật thà dễ thương, những trò chơi đơn sơ mộc mạc, những buổi tung tăng trên nương rẫy mênh mông ngút ngàn...

Ngày xưa thân yêu của em êm đềm như nhịp mưa rơi đều đặn. Đã chẳng bao giờ em nghĩ một ngày nào đó, ấu thời sẽ thanh thản từ giã ra đi. Thanh thản như trời Xuân Hạ giao mùa. Thanh thản như phấn thông vàng rơi ngập con đường mòn trên sườn đồi. Trong khoảng khắc, hình như có một cảm giác bâng khuâng, nhớ nhung mơ hồ len lén vào trong hồn. Bao nhiêu kỷ niệm thân yêu hiện về, rộn ràng trong ký ức.

Tuổi thơ của em vẫn còn đây, vẫn còn hiện diện nơi em. Được đánh dấu bởi ngày hai buổi sáng, trưa cắp sách đến trường. Bởi đôi mắt nai hớn hở pha nét tinh nghịch trong lớp học. Bởi điệu chim vành khuyên rộn rã mỗi lần tan trường. Bởi nụ cười rạng rỡ trên môi. Bởi những viên ô mai cất đầy trong ngăn cặp. Bởi những cánh hoa rừng hoang dại ép thật cẩn thận trong trang vở. Và nhất là bởi em hãy còn sống trong vùng yêu thương tràn trề của ba mẹ. Còn sống trong ánh mắt bao dung của ba, trong vòng tay chở che ấp ủ của mẹ. Hãy còn phụng phịu khi nghe gọi bằng những tên quen thuộc, là "chó con", là "bé tí"...

Những ngõ ngách trong hồn em vẫn xanh ngát cỏ non. Vẫn ríu rít lời chim hót đầu ngày. Vẫn được kết bằng những phiến mây mùa hạ. Vẫn ươm những ước mơ thiên đường ngây thơ. Vẫn tin tưởng, say sưa với câu chuyện cổ tích thần tiên. Tuổi hoa mộng của em chưa mất. Chưa tàn tạ. Chưa là tia nắng lắt lay trong hoàng hôn diệu vợi. Chưa là giọt sương long lanh sắp tan loãng vào miền không gian vắng lặng... Mà sao em như có linh cảm rằng một mai này tuổi thơ sắp vĩnh viễn xa em. Tuổi thơ ơi! Em còn nghe gần gũi lắm mà! Xin tuổi thơ đừng là quả bong bóng vuột khỏi tầm tay. Để em đừng bồi hồi, ngẩn ngơ trông theo bóng dáng trên trời cao vời vợi.

Ở lại với em tuổi hoa ngà ngọc,
Đẹp như câu chuyện thần thoại hoang đường
Đừng cho hồn em hãi hùng gió lốc. 
Đừng gieo hồn em phiền muộn chán chường

Những điều em nghĩ, những lời em nói, tất cả đều chỉ là nguyện xin. Em yếu đuối, bỡ ngỡ hướng nhìn tương lai, xót xa luyến thương quay nhìn dĩ vãng. Ấu thời thêu thùa mây ngũ sắc, rực rỡ như cầu vồng. Em nghe có cơn gió xa lạ nào chở chuyên một ít lắng lo, một ít tư lự về tặng em. Và em ngập ngừng đón nhận. Thời gian hiện tại có phải là biên giới ngăn cách hồn nhiên và ưu tư không nhỉ? Bước chân của em hẳn sẽ vô tình bước vào một thế giới xa lạ. - Xa lạ với em, với những dấu yêu thân thiết. Em đã bắt đầu biết xao xuyến nghĩ suy nghe từng giọt mưa trăn trở. Đã bắt đầu buồn vu vơ thấy chiếc lá ngàng ngỡ lìa cành. Chao ơi, nếu đem những ý tưởng hỗn độn này kể cho mẹ nghe. Thể nào mẹ cũng cười xòa và mắng yêu: "Cứ nghĩ ngợi vớ vẩn không thôi! Sao "chó cưng" của mẹ đa đoan lắm thế?". Mẹ nói vậy chứ con vẫn biết mẹ hiểu con nhiều. Vì, còn ai cảm thông con hơn mẹ? Nhất là, ngày trước mẹ cũng từng trải qua giai đoạn này. Hẳn mẹ cũng nghĩ, cũng mộng mơ, cũng đã mang trạng thái như con vậy! Phải không hở mẹ?

Trên trời, phiến mây xám còn chĩu nặng băn khoăn, và mưa vẫn hoài vần vũ. Em khe khẽ thầm thì với cơn mưa mùa hạ:

Giữ lại cho em tiếng cười rộn rã
Để hồn em chẳng bao giờ tịch liêu.
Hoa bướm ơi đừng bắt em xa lạ
Với thuở ấu thơ hoa dệt nắng thêu.

Em còn ngồi với xao xôn tư lự. Mưa hoài rơi những giọt buồn tênh muộn phiền.


PHẠM THỊ DIỄM PHÚC   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 177, ra ngày 15-5-1972)

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

Trong Trang Nhật Ký


Buổi sáng thật buồn với những hạt mưa lất phất ngoài khung cửa. Em đóng kín những mơ mộng quen xưa để vùi đầu vào đống sách đông nghẹt những chữ, cố gắng in vào đầu những công thức toán mà mọi ngày em vẫn ghét cay ghét đắng. Sáng nay trời mưa rạt rào, em lười biếng ở nhà học bài thi. Chưa bao giờ em thấy mình chăm như bây giờ - mà thật tình, em đã xin mẹ nghỉ học thật vô cớ.

Nếu hôm nay em đi học, biết Đông có đón em giờ về không nhỉ? Tự dưng em thấy nhớ đôi mắt nâu và mái tóc nghệ sĩ của Đông thật lạ kỳ. Em nhắm mắt để rơi cuốn tập, ô hay! Sao em cứ hay mơ mộng thế này.

Chiều nay thế nào em cũng xin mẹ đến rủ nhỏ Phương ghi tên học võ, nhỏ Phương mê học võ ghê cơ, thế mà bao lần hắn rủ, mấy đứa bạn đều từ chối. A! Còn cánh thư của Phương nữa chứ, màu xanh thật dịu dàng quyến rũ của một anh chị học CVA, nhờ em chuyển hộ. Em cầm lá thư tự dưng thấy mình buồn da diết. Chẳng biết đến bao giờ mới có một cánh thư như vậy cho em! Có bao giờ Đông biết viết cho em không nhỉ? Có lẽ không! Hay là còn lâu lắm, em cũng chẳng biết nữa...

Em lại mơ mộng nữa rồi. Nhưng dù có cố gắng chú tâm vào bài học, em vẫn chỉ thuộc đúng ba dòng rồi cứ ngồi lập đi lập lại như chiếc máy hát lâu ngày bị hư. Em chán nản bỏ ra khung cửa nhìn mưa, mưa bây giờ chẳng còn đẹp như lúc trước, mà tự dưng em thấy ghét mưa thậm tệ. Em đóng ầm cánh cửa sổ trông xuống vườn. Nếu ban nãy em đừng lười biếng ở nhà... Em ra nằm dài trên ghế.

- Lam ơi! Mi có nhà không?

Em nằm im, ghét nhỏ Mai bên cạnh hay qua mượn giấy viết thơ chi lạ. Tiếng hắn lại dồn dập:

- Lam ơi! Có nhà không? Cho tao vào với chứ! Có ai hỏi mi này.

Em nhắm mắt vờ ngủ, nhưng nỗi thắc mắc làm em vùng dậy, ai vậy kìa? Em ra mở cổng, người lạ đứng sững trong sân nhìn em trân trối.

- Phải Lam không, chắc là cô lầm rồi, bé Lam còn nhỏ tí cơ mà!

Em nghe giận dỗi, còn nhỏ Mai thì trợn mắt:

- Cái ông này rõ lạ! Ai dối gạt ông làm chi.

- Vậy hả! Vậy xin lỗi cô nha.

Nhỏ Mai bỏ ra về. Em thắc mắc:

- Thưa, ông hỏi Lam việc chi?

- Cô Lam hả? Lớn thế mà thôi tôi cứ ngỡ là còn bé con. À, nhỏ Ngân, em tôi ở Đà lạt nhờ mang cho Lam ít quà...

Em reo lên:

- A! Nhỏ Ngân, lâu ghê Lam không gặp!

Anh nhỏ Ngân bật cười, em cũng vừa kịp nhận ra mình sao vô duyên lạ, thật ngượng ngập, em chỉ biết cúi đầu...

- Hai bác đi vắng hả Lam? Cho tôi gửi ít quà...

Em đứng lên lấy khay, quà nhỏ Ngân gồm sáu quả bơ và một túi mận xanh thật quyến rũ.

- Ngân học Bùi thị Xuân, còn Lam vẫn ở T.V hả?

Em đáp vâng thật nhỏ. Sao bao nhiêu nghịch ngợm em để ở đâu mất rồi? Em ngồi im bối rối. Anh nhỏ Ngân cũng ngồi im nhìn mây, một lát anh bảo về.

Em theo anh nhỏ Ngân ra cửa, lúc quay vào tự dưng thấy buồn lạ lùng. Em cắn những quả mận chua ngắt trong miệng, và nhớ nhỏ Ngân với những ngày xưa xa lạ...

Buổi chiều lại nhà nhỏ Phương, hắn cho em biết: Tháng ni mi đứng thứ ba, sao hay ghê! Em nghe mà lạ lùng: Mi có lộn tao với ai không? Nhỏ Phương cương quyết: Đâu có, mình cộng điểm cho Lam mà. Em thấy mình thật vui. Sao tự dưng em lại đứng hạng cao thế nhỉ?

Ghi tên rồi, tuần sau mới bắt đầu học võ, em bảo Phương cho Lam xuống chợ T.Đ. Nhỏ Phương cố nài nỉ: Thôi mà, về với tao đi. Em lắc đầu: Ta còn mua vải nữa mà...

Em đi bộ về con lối quen thân từ ngày còn bé, bây giờ đã hết lầy lội. Em đi thật nhẹ cố đừng gây một tiếng động, cho dù thật khẽ, trên mặt hè. Phía trước mặt em, những cột điện đang sửa nằm chơ vơ vô duyên chi lạ. Bỗng nhiên em dừng lại trước cổng một ngôi nhà.

- Ồ! Em kêu lên khe khẽ. Có phải anh không T? Tự dưng em thấy thật ngập ngừng, em bước thật nhanh qua con ngõ, và tưởng như đôi mắt T vẫn còn ở mãi sau lưng...

Em về nhà, nằm dài trên băng ghế. Ôi, sao bỗng nhiên em thấy nhớ T lạ kỳ. Trái tim em bé nhỏ như đang nhảy múa, như đang ca hát một bản tình ca. Em biết nhà T rồi, thật gần, chỉ qua một con ngõ nhà em mà sao tự dưng hình ảnh T lại làm em suy nghĩ thật nhiều. Mọi khi gặp anh trong lớp, có bao giờ em biết nghĩ thế đâu.

Những buổi chiều xưa trong H.V.M, lớp học vẫn thật rộn ràng, và với em, cũng như với K. Hân, em chỉ nhìn T bằng đôi mắt thán phục: Sao anh nớ giỏi ghê nhỉ? Để rồi về nhà em cố dồn bao nhiêu từ ngữ, văn phạm... vào đầu, mà vào lớp vẫn cảm thấy mình còn kém sinh ngữ chi lạ! Nhưng thôi, em không nghĩ chuyện xưa nữa đâu, bây giờ em đang thấy buồn lạ lùng.

Em đem cất kín những lá thơ của anh Thủy anh nhỏ Ngân và của Đông. Tự dưng em thấy mình cô đơn chi lạ, mà cũng thật hiền lành. Trong lớp tụi bạn vẫn bảo về em: "Con Lam vậy chứ độc ác lắm nghe bay, ngoài mặt thì thật hiền! Ô! Mà tính hắn thế biết đâu mà chữa". Những lúc ấy em thấy ghét chúng bạn thậm tệ, em hay bỏ ra ngồi trên những băng ghế trước mặt thư viện, thật im...

Thế mà bây giờ, tự dưng em thay đổi tính tình. Có phải vì tình yêu hay không? Em cũng không rõ, vì lúc nào em cũng nghe mình buồn rã rượi.


NGÔ NGUYỄN MAI DIÊN     

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 24, ra ngày 20-4-1972)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>