Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

Mưu Gã Thợ Săn

 

Trong rừng vùng Ardennes thợ săn tài ba không phải là hiếm hoi chi. Hầu hết mọi người đều biết cầm súng săn... và đôi khi họ đi săn cả những vùng đất cấm. Vì rằng quan trọng không phải là sợ mấy bác cảnh binh chộp được, bởi sự thực thì mấy bác cảnh binh đôi khi cũng biết nhắm mắt làm ngơ nếu bọn thợ săn có chút thông minh, biết điều với họ. (cho phép người kể chuyện được mở cái dấu ngoặc ngang đây, đặng bênh vực những kẻ đại diện nhà nước vài lời dù là những kẻ đó với người kể chuyện vốn không hề quen biết nhau, không có họ hàng dây mơ rễ má gần xa chi cả. Họ ở trời Tây xa tít tắp, còn người kể chuyện thì ở phương Đông, tại một nước hình cong chữ S nhưng nay bị cắt đôi vì nạn phân qua). Tại sao tôi lại bênh vực mấy bác cảnh sát dị chủng làm chi. Bởi tôi nghĩ rằng cái việc ăn của lót không có gì lạ dưới ánh mặt trời!

Huống chi, một số đông các bạn đồng nghiệp của các bác người nào cũng được mặc những bộ đồng phục thẳng hàng, xanh ngăn ngắt đội những cái mũ viền sáng loáng, mang những đồi giày đánh bóng soi rõ mặt người ; ngày ngày bọn này chắp tay đi dạo quanh các công viên, tha hồ ngắm hoa ngắm cảnh hoặc ung dung đứng gác ở trước cửa các công thự, các tư dinh hoặc các công sở lớn, hoặc được đứng giàn chào các quan khách trong ngoại giao đoàn, hoặc được ngồi trên xe theo đoàn hộ tống mỗi khi Tổng Thống hay các nhân viên cao cấp trong chính phủ đi đây, đi đó ; hoặc đứng chỉ đường huýt còi tại các đường phố lớn ở Ba Lê. Trong khi đó thì bất công thay: các bác bị chỉ định phục vụ tại một vùng hẻo lánh quê mùa, suốt ngày lo coi giữ rừng già, làm bạn với chim muông và loài khỉ, chuyên môn kêu "khẹt, khẹt" chả ra cái thể thống chi cả!

Phải! Tiếng thì rằng chúng ta là thủy tổ của loài người mà mặt mũi nom không... được tí nào. Chưa kể đôi lúc còn phải hoảng hồn vì tiếng gầm của một loài thú dữ, hay dấu chân của một con gấu hung hăng! Đó là chưa kể phải đương đầu với một lũ thợ săn lầm lì, không thông pháp luật mà lại rất ư nóng tính, chỉ tin vào sức mạnh của đôi tay và nòng súng! Khó khăn thay! Nguy hiểm thay!

Đó, đó là nguyên cớ khiến thợ săn lậu với cảnh binh thông cảm dễ dàng! Nhưng không phải chỉ thế đâu, nếu cảnh binh dễ tính bao nhiêu thì bọn Giữ Rừng khó tính bấy nhiêu. Bọn này, những tay lão luyện giang hồ, không phải là thứ chỉ biết mang súng lục và chỉ biết bắn chỉ thiên như cảnh binh đâu. Họ có thừa can đảm sức khỏe, họ đủ sức tước súng của bọn thợ săn khi bọn này dám táo gan léo hánh đến vùng rừng cấm thuộc quyền canh giữ của họ.

Nhưng thợ săn đâu phải hạng tầm thường? Họ chỉ cần nghiên cứu kỹ các địa điểm, cần biết tránh né những vùng mà bọn giữ rừng đặc biệt lưu ý, rồi hễ đợi cho bọn giữ rừng quay lưng, chợp mắt là tức khắc họ ra tay - quên, nổ súng - ngay.

Như thế nên chuyện săn bắn đối với họ đôi khi còn là một trò hú tim đầy hứng thú.

Này! Bạn đừng tưởng, mấy bác thợ săn chịu bỏ công lén lút để chỉ hạ vài con chim lạ hay mấy chú thỏ rừng đâu. Không, họ rình rập những con mồi đáng kể kia. Thường thường là heo rừng, gấu, chó sói v.v... tóm lại họ ưa hạ những con thú rừng phá hại mùa màng và chộp cả gia súc của họ nếu họ không phòng bị. Vậy thì diệt trừ chúng là phải: vừa bảo vệ gia súc mùa màng của họ vừa có thịt ngon, da tốt để cung cấp cho dân thành phố vốn chuộng thịt rừng, ưa làm dáng! Cấm đoán cái nỗi gì? Mà cấm làm sao nổi?

Tridon, một chàng thợ săn trẻ tuổi đã nghĩ thế khi vác súng lên vai. Anh là một thanh niên sinh trưởng tại làng Villiers, một thôn trang nhỏ bé cận biên giới Bỉ quốc, không xa những khu rừng rậm là bao, giữa khoảng sông Meus và La Semoy.

Tridon chỉ được cái vui tính song việc nhà quả có hơi nhác. Anh ta cho rằng tài trai cần phải vùng vẫy trong rừng sâu hay trên bể cả, chứ ru rú với cán cày, cán cuốc thì phí cả tài đi! Mà quả như vậy, khi có cây súng trong tay, đố ai qua mặt được anh. Dân trong vùng đều đặt cho anh biệt danh "Tridon thiện xạ". Nhưng anh không lấy thế làm mãn nguyện mà ngừng sục sạo, tìm tòi.

Anh chịu khó lùng kiếm cho kỳ được những con thú thực to để hạ, bất chấp cả sương dày, đêm lạnh. Đối với anh thì hạ những con thú nhỏ cũng nhục nhã như xách súng về không.

Vốn là một anh chàng tốt bụng, ưa hoạt động và nóng tính, nhất là những khi thấm hơi men. Điều này chị Tridon hiểu rõ hơn ai cả. Ở tửu quán, khi đã chén chú, chén anh, thì thế nào Tridon cũng bắt đầu cao giọng kể lại kỳ công của mình trong rừng rậm và không thể nào tránh khỏi những cuộc đấu võ mồm, vì bạn láng giềng vẫn cho là anh thêm thắt, thêu dệt quá lố. Cũng may, không có gì đáng tiếc xảy ra sau đó. Cãi cọ xong, mỗi người đều say bí tỉ, nằm kềnh ra một góc, ngáy pho pho, hơi rượu tỏa nồng trong quán. Riêng Tridon, lúc nào cũng không rời khẩu súng, anh gối đầu lên súng hay ôm chặt vào lòng, thiêm thiếp giấc nồng!

Chị Tridon, vốn là một chị đàn bà lắm điều nhiều chuyện, vẫn mở mồm trách chồng:

- Anh chừng như quí cái súng khốn nạn đó hơn cả vợ anh?

Chị tưởng nói thế thì anh sẽ quì xuống mà xin lỗi mình, như kiểu những đàn ông khác (dĩ nhiên đàn ông ở bên trời tây) và chị sẽ sụt sùi khóc, anh sẽ lau nước mắt, y như chuyện trên màn ảnh mà chị đã có dịp coi một lần đâu đó. Ngờ đâu, Tridon nhà ta cáu sườn lên, cao giọng gắt:

- Này, đừng có giở trò! Ừ thì ta quí cái súng hơn mi đó, đã làm sao chửa?

Chị đang còn ngạc nhiên, không ngờ rằng anh có thể vũ phu đến như thế, xử tệ với mình đến như thế, thì anh đã dõng dạc thêm rằng:

- Cái súng nó không có nỏ mồm, nhọn miệng như mi, nó theo bên ta trung thành tận tụy, mỗi khi ta cần đến là nó vâng lệnh ta răm rắp. Không có nó ấy à? Mi lại không đói rã họng mi ra?

Chị vợ chỉ còn biết ấm ức bưng mặt khóc ròng, tủi thân mình không được đối xử bằng một vật vô tri.

Công bình mà nói, ai cũng nhận anh quả không hề mèo chuột lăng nhăng, ngoài giờ săn thú, anh tạt vào quán rượu nâng đôi cốc tự thưởng tài mình, rồi thì là dông thẳng về nhà với vợ.

Một chiều mùa hạ, Tridon được các bạn báo tin rằng có một chú heo rừng cực đại hiện đang phá phách ruộng rẫy ở một vùng lân cận.

À! Tuyệt lắm! Hãy để nó đó, Tridon này trị nó cho! Các anh chớ bận tâm!

Thế là Tridon nhà ta nai nịt gọn gàng, chuẩn bị đầy đủ súng đạn lên đường.

Tridon chọn một chỗ kín ở ngã tư Crète, chỗ mà chú heo tai quái thường qua lại nhiều lần.

Quả nhiên, không phải chờ đợi chi lâu, chú lù lù dẫn xác đến. Đúng như lời các bạn, đó là một chú heo rừng rất lớn, Tridon chưa từng thấy bao giờ.

Đợi cho nhịp tim trở lại bình thường, Tridon ngắm nghía cẩn thận bấm cò liền ba phát. Con vật to lớn lăn kềnh ra, máu giây đỏ cả một khoảng đất, chỗ mà nó dãy dụa hồi lâu trước khi tắt thở. Gớm cái tiếng nó hộc lên mới dễ sợ làm sao! Nếu là tay lơ mơ, không nhắm đúng chỗ nhược của nó, chỉ làm nó bị thương xoàng thì cũng đến toi mạng với nó và cả một vùng đó sẽ bị nó chà nát ngướu như tương...


Tridon nhà ta, sau phút ngạc nhiên đến khựng lại vì sự to lớn phi thường của con vật mà anh vừa hạ, cố ước lượng xem con vật nặng cỡ bao nhiêu.

- Dễ cũng trên ba trăm ký nhỉ?

Rồi anh lại tự cãi với mình:

- Ba trăm thế nào được, ít nào cũng ba trăm rưởi ấy chứ.

Tridon nở một nụ cười đắc thắng và kiêu hãnh, gác súng trên một cành cây, đoạn bằng cả hai tay và sức mạnh của toàn thân, kéo con vật đi, song chao ơi! Anh toát mồ hôi mà nó vẫn ỳ ra, không nhúc nhích, không nhúc nhích lấy một phân.

Sau hơn cả tiếng đồng hồ hì hục, loay hoay một cách vô vọng, Tridon đành chịu thua, không thể kéo xác con vật về nhà. Anh ngồi phệch xuống đất, dựa vào một gốc cây thở dốc, vừa nghĩ cách để mang con thịt ra khỏi nơi này. Tridon bụng bảo dạ: "Ồ, mình ta thì không lôi con vật đi được rồi, mà có kêu vợ mình lên cũng vô ích thôi, chỉ phí thì giờ. Gọi hàng xóm ư? Chà! Lại phải cảm ơn, chưa kể phải chia phần chia phiếc lôi thôi... Không! Không cần nhờ ai hết, thế nào ta cũng mang được con vật về kia, cho tụi nó lác mắt đi kia, ta mới hả lòng, ông cao xanh ạ!"

*

Sáng hôm sau, người ta bắt gặp Tridon ủ rũ trên đường về. Bạn láng giềng gợi chuyện:

- Chào Tridon thiện xạ! Thế nào? Anh đã trị được con ác vật chưa?

- Xui quá, chả bắn được phát nào, may mà tôi nhanh chân chứ không thì toi mạng rồi, anh ạ! Thôi đừng nhắc đến...

Và anh bỏ đi ngay, tay xuôi xị, súng lủng lẳng sau vai nom cũng buồn như chủ, đôi chân thì như muốn quị xuống vì đã chở thân hình lực lưỡng của anh chạy quá nhiều. Nom anh chàng mới thảm não làm sao. Trái với lệ thường: Tridon đi thẳng về nhà, không tạt vào quan rượu, mặc tiếng cười chế giễu đuổi tận bên lưng...

Chị Tridon là một người đàn bà tinh ý, tuy phải cái lắm mồm, nhưng rất mực yêu chồng. Nom dáng bộ thiểu não của chồng, chị rất quan tâm. Chị đỡ lấy khẩu súng, dịu giọng:

Nom anh mệt quá, phải không? Hãy đi nằm nghỉ một tị. Anh săn có được gì không?

Với tất cả vẻ buồn rầu, chán nản, Tridon lắc đầu nhìn vợ, không nói một lời.

- Chào! Hơi đâu mà buồn, đi săn bữa có bữa không là thường chứ. Nào! Em hâm cà phê cho anh nhé?

Chị tất tả đi đốt lò sưởi hâm nóng cà phê. Anh lủi thủi mang súng treo vào một góc, dáng bộ khổ sở hơn bao giờ hết. Không nén được tò mò, chị gợi chuyện:

- Anh làm sao vậy? Có điều gì khiến anh buồn đến như thế? Em nghi là chuyện quan trọng phải không?

Tridon sửng sốt trố mắt nhìn vợ, nửa như khâm phục, nửa như sợ hãi:

- Làm sao em biết? Phải, chuyện quan trọng lắm... nhưng mà...

Anh xua tay ra tuồng không tiện nói, thay vào bằng tiếng thở dài sườn sượt.

- Có chuyện gì, anh cũng không nên giấu em mới phải, chúng ta là vợ chồng với nhau. Buồn chung lo, vui chung hưởng chứ! Anh không tin em sao?

- Chúa ơi! Xin Chúa tha tội cho con! Em ơi! Anh đâu muốn giấu em nhưng anh chỉ sợ em không kín miệng! Anh chịu làm sao nổi câu chuyện ghê gớm nó đè bẹp anh ra bây giờ đây...

Và anh luôn miệng kêu "Trời", hai tay bưng mặt, ra tuồng khổ sở vô vàn.

Chị Tridon là phụ nữ mà hầu hết phụ nữ đều là con cháu bà EVA, mà bà EVA ngày xưa đã từng làm khốn đốn đức lang quân vì tính tò mò, huống chi ngoài nết tò mò thừa hưởng của Tổ Mẫu, chị còn là người đàn bà lắm chuyện, nhiều lời.

Đời nào chị chịu để anh ôm giữ điều bí mật ghê gớm gì đó trong lòng? Nàng thề thốt, nàng dỗ dành, nàng hứa hẹn, nàng dọa dẫm trăm thứ... cho đến nỗi, sau cùng Tridon như không thể chịu nổi, đành lên tiếng:

- Em nói phải, vợ chồng với nhau làm sao không thành thật với nhau, nhưng em phải thề đi, rằng em quyết giữ kín chuyện này không nói với ai, anh mới dám...

- Em xin thề, em xin thề độc!

Nàng sốt sắng giơ tay, cương quyết nói. Tridon chậm rãi kể:

- Hôm qua, khi vào rừng, anh gặp một anh bạn cũ - Anh Pierre - Ngày xưa hai đứa thân nhau lắm...

- Pierre? Em chưa hề nghe kể đến tên anh ấy bao giờ?

- À, anh ấy đi làm ăn xa, cũng làm nghề thợ săn như anh. Nhưng mà này, anh đã rối ruột thế này, em còn gặng hỏi lôi thôi, anh không kể nữa đấy nhá...

- Xin lỗi anh, thôi, em xin nghe không hỏi nữa. Nào, anh kể nốt đi! Em nóng biết...

- Phải, anh ấy với anh là chỗ bạn thân. Gặp nhau bất ngờ mừng quá. Anh định sau khi săn sẽ đưa anh ấy về nhà. Ảnh cũng nhận lời rồi. Trò chuyện một lúc, hai người gặp một chú nai tơ. Cả hai cùng bắn tranh một lúc. Con vật bị hạ nhưng không ai chịu nhường ai, anh thì thấy rằng chính tay anh hạ nó, nhưng Pierre cứ khăng khăng là con mồi thuộc về ảnh, chính tay ảnh bắn. Thú thật với em, anh không phải quí con mồi hơn bạn nhưng anh tức ở cái chỗ ảnh đã tranh... công anh. Giá dụ như ảnh nói: "Tridon, đành là mày bắn nó, nhưng thôi mày hãy cho tao" thì anh không hẹp gì, đằng này...

Tridon vụt ngưng bặt, đầu cúi thấp, hai tay che mặt, thở dài, nghẹn ngào, bối rối. Chị vợ giục:

- Rồi sao nữa?

- Lời qua tiếng lại, sinh ra ẩu đả nhau, rồi... Chúa ơi! Em ơi! Ma xui quỉ ám làm sao... súng anh nổ lên một tiếng...

Nàng há hốc mồm, run rẩy hỏi dồn:

- Anh? Chính anh giết bạn anh?

- Không! - Tridon xua tay, mặt lộ vẻ khổ đau, hối hận - Không! Em mà cũng nghi anh ư? Anh thề là không có chủ tâm giết bạn. Có điều chắc chắn là ảnh đã tắt thở ngay sau đó, xác còn nằm tại chỗ...

- Trời ơi! Lam sao đây? Khổ thân tôi! Anh...

Vợ kêu lên bằng giọng kinh hoàng. Tridon thấp giọng:

- Im! Mình định giết tôi phỏng? La lên làm chi vậy?

Hậu duệ của EVA sực tỉnh, dịu giọng:

- Phải! Em hứa phải giữ kín. Chẳng qua vì quá sợ... Nhưng bây giờ mình phải tính sao chớ không lẽ...

- Đúng! Nhưng em đừng lo: anh đã kéo xác anh ấy giấu kín một chỗ rồi vội vã chạy về. Không ai biết nếu em kín miệng, anh tin em, đừng phụ lòng anh. Nhưng sao anh vẫn lo lắng thế nào ấy.

Vợ an ủi:

- Như thế chắc không sao, anh hãy yên lòng. Hãy bình tĩnh! Đây! Anh uống một cốc café nóng rồi ngủ đi một giấc cho khỏe.

- Em có lý. Cảm ơn em. Anh cần ngủ một giấc, mệt lử đi thế này này!

Chàng đón ly café trên tay vợ nốc cạn một hơi rồi nằm vật ra giường. Và chỉ trong một nhoáng, anh chàng đã ngáy pho pho.

Chị vợ nhìn nét mặt bình thản và nghe tiếng ngáy của chồng mà phát uất. Người đâu mà vô tâm vô tứ: đã phạm tội sát nhân mà còn tỉnh như không. Làm y như vừa hạ một con vật không bằng! Mình thì lo nẫu cả gan ruột thế này... Chị đi ra, đi vào như có kiến đố trong lòng, như có kim châm vào ruột, miệng hết kêu Chúa lại kêu Trời, cuống cuồng quay quắt.

Sau cùng, không chịu nổi, chị mặc thêm áo ấm, đội khăn lên đầu, chạy bay qua nhà bạn láng giềng. Giọng chị như rên:

- Simonne ơi! Thật khổ cho em! Em đến chết mất thôi, chị ạ!

- Có việc gì thế? Việc gì đến nỗi?

- Thôi! Chuyện này thì sống để dạ, chết mang theo, em không thể tiết lộ ra đâu...

- Ái chà! Chuyện gì mà ghê gớm thế? Thằng Tridon lại có mèo chăng?

- Không đời nào! (chị chồm lên) Nếu là chuyện đó thì em bắn chết nó ngay tức thì ấy chứ, việc gì mà khổ sở? Chuyện này ghê gớm lắm chị ơi! Em khổ lắm, nhưng em không thể kể ra đâu. Em đã hứa với ảnh rồi, mà ảnh có cố tâm đâu, chẳng qua là một sự rủi ro thôi...

- Chuyện rủi ro? Nó là chuyện gì? Này chị Yvonne, chúng ta là bạn thân từ khi còn thò lò mũi xanh, chị không tin tôi ư? Hãy nói tôi nghe xem nó là chuyện gì? Biết chừng đâu tôi lại không giúp được chị? Đừng ngại...

- Nhưng biết chị có kín miệng không? Tôi chỉ lo...

- Tôi xin thề... chị em mình xưa nay lại chả hiểu nhau ư?

- Em cấm chị kể cho một người thứ hai biết, nghe không?

- Đã hẳn!

Chị Tridon dọn giọng:

- Chị có ngờ không: ảnh vừa lỡ tay giết một bạn thân. Em đã hứa không cho ai hay, nhưng chị với em là chỗ thâm giao, em không thể giấu chị. Chị biết nỗi khổ tâm của em nó to lớn là dường nào không? Xin chị kín miệng, nghe không? Nếu mà việc này đổ bể, vợ chồng em sẽ bị lôi thôi to... đến tù tội chứ không phải xoàng đâu.

- Tội nghiệp Yvonne của tôi biết ngần nào! Chuyện ghê gớm quá! Xin Chúa che chở chị. Tôi không nói với ai đâu. Chị yên lòng đi!

Trong lúc Yvonne rời nhà bạn trở về thì Simnne cũng ngừng tay làm việc. Ôi chao! Một chuyện ghê gớm đến như vậy, chịu làm sao nổi? Tridon giết người! Mà giết một bạn thân! Hừ! Thằng cha thế mà đáo để... Nơi cô thôn hẻo lánh này mà xảy ra một việc tày trời đến như thế có dễ sợ và... thú vị không? Để trong bụng nó ấm ức chịu làm sao nổi? À à...

Nhưng kể ra ư? Chợt nhớ đến lời hứa vừa rồi... lại nhớ câu của chị Tridon dặn:

- Em cấm chị kể ra cho một người thứ hai, nghe không?

Ừ, thì không kể cho một người thứ hai đâu, mình chỉ kể cho một người biết mà thôi. Chị Fanny! Đấy: thì Yvonne nó cũng chả kể cho mình biết là gì? Có sao đâu? Người ta tin mình, mình nỡ lòng nào không kín miệng, làm hại bạn cho cam tâm? Mình phải cho Fanny biết, để chị ấy hiểu nỗi khổ sở lo lắng của chị Tridon...

Thế là trong vòng nửa ngày, câu chuyện Tridon lỡ tay hạ sát bạn thân trong khi săn thú bay đi khắp làng trên, xóm dưới. Bà này sau khi kể không quên dặn dò bà kia nên kín miệng. Và kết quả là từ già chí trẻ đều biết Tridon giết người giấu xác trong rừng. Ngoài quán rượu, trong hiệu ăn, trong chợ, trong mái gia đình, tin đó đều được mọi người mổ xẻ, bàn tán, xôn xao như tin cọp về làng!

Ai cấm được tin đó lọt vào tai cảnh sát? Cảnh sát người ta chỉ có thể làm ngơ khi thợ săn giết thú, chứ không thể nhắm mắt khi thợ săn giết người. Ấy thế là họ kéo một toán trên nửa tiểu đội đi làm phạn sự. Họ trực chỉ hướng nhà Tridon.

Viên đội trưởng uy nghi lẫm liệt, xung phong đi trước, tiến lên gõ cửa nhà kẻ sát nhân:

- Tốc! Tốc! Tốc!

- Ai đó?

Vợ Tridon hồn kinh, phách lạc, run rẩy hỏi. Có tiếng dõng dạc trả lời:

- Chúng tôi đây! Đại diện pháp luật đây! Biết điều thì bảo chồng chị ra nạp mình, chính phủ sẽ khoan hồng, không nên chậm trễ!

Chị vợ lóc cóc hồi lâu, không phải cố ý trùng trình cho chồng tẩu thoát mà bởi quá sợ, run bây bẩy. Viên Đội Trưởng thị uy:
 

- Này! Có phải các người định âm mưu chi đây không? Liệu hồn! Lưới trời lồng lộng, biết điều thì...

Ông chưa dứt câu, ánh cửa bật ra, vợ Tridon đầu tóc rũ rượi, mặt mũi ủ ê, hai mắt sưng húp. Đội trưởng hỏi bằng giọng hằn học (vì ông cứ ngỡ là sẽ gặp Tridon trong dáng bộ khúm núm, sợ hãi).

- Chồng chị đâu? Sao chưa ra mặt? Hử?

Chị vợ vừa khóc vừa chỉ lên giường: Tridon nhà ta đang pho pho ngáy như một kẻ sung sướng nhất trên đời! Viên đội trưởng lồng lên:

- Như thế này là nghĩa lý gì? Khinh nhờn nhân viên nhà nước phải không? Bay đâu! Lôi cổ nó dậy! Tra còng vào tay nó ngay tức khắc, coi nó còn dám khinh nhờn người nhà nước hay không?

Lạ thay: kẻ sát nhân vẫn không nhúc nhích sau những tiếng gầm gần bằng tiếng sấm, Phải lay thật lâu anh ta mới dụi mắt choàng dậy, có vẻ ngỡ ngàng:

- Các ông làm cái gì kỳ vậy?

- Ha! Lại còn làm bộ tỉnh: đúng là quân mặt sứa gan lim! Này anh thợ săn ơi! Chúng ta biết tỏng ra rồi, khôn hồn thì khai hết đi.

- Ơ hay! Khai cái gì kia chớ? Tôi có phạm tội chi đâu? Việc gì phải khai với khẩn?

- Này đừng có cứng đầu vô ích, thiên hạ đều biết hết rồi! Phải thật thà! Anh có giết một người và con giấu xác trong rừng phải không? Hãy đưa chúng tôi đến đó làm biên bản...

- Vâng! Quả tôi giết... nhưng không phải... tôi không hề... xin để tôi...

Giọng run run, Tridon nói đứt quãng. Đội trường quát to:

- Không phải dài lời! Đi ngay! Đưa ta đến đó! Nếu không ta bắn vào sọ mày tức thì!

Tridon vô phương bào chữa, phân trần, đành phải cúi đầu tuân lệnh. Nhưng anh như kiệt sức không đi nổi, làm cho Đại Diện Nhà nước càng nóng nảy thêm lên. Một bác cảnh sát đề nghị:

- Kìa xem! Hắn đi không vững, chi bằng ta lấy xe chở hắn cho chóng.

Đề nghị được hoan nghênh liền.

Nhưng xe ở đâu có sẵn bây giờ? Sau cùng họ điều đình với lão Rémy mượn đỡ cái xe ngựa của lão ta.

Rémy là lão già keo kiệt, quí cái xe ngựa hơn cả bản thân, nhưng với người nhà nước lão không do dự. Thế là Dội Trưởng, đội viên và Tridon cùng lên xe, trực chỉ đến khu rừng gần ngã tư Crète, nơi xác nạn nhân đã bắt đầu có mùi hôi ; theo sự tưởng tượng của mọi người nhà nước, dĩ nhiên.

Quanh qua, quẹo lại trên hai tiếng đồng hồ liền, họ đến nơi. Tridon có hơi bình tĩnh lại. Anh ra hiệu cho cả bọn xuống xe. Đội trưởng nóng nảy:

- Đâu? Xác chết đâu?

Tridon nhà ta chẳng nói chẳng rằng chỉ tay vào đống lá cảnh phủ lên ùn thành một đống to tướng ngay trước mặt mọi người. Tức khắc mọi người ùa tới, vẹt phăng cành lá một bên, bới hết lá khô ra họ nhìn thấy... chao ơi! Không phải là xác người mà lá xác một con heo rừng to quá là to!

Bấy giờ, anh thợ săn ranh mãnh nhà ta mới cười lên thành tiếng:

- Đấy! Thưa quí ngài! Xác chết đấy! Rõ ràng chưa?

Trong lúc toán cảnh binh kể cả viên đội trưởng - còn đang há hốc mồm vì kinh ngạc thì Tridon ung dung cười mỉa, thêm rằng:

- Đó, quí ngài nhìn kỹ đi! Một con heo rừng to tướng như vậy, từng phá hại không biết bao nhiêu hoa mầu trong thôn ấp, tôi chịu khó ra tay trừ nó, đáng ra, quí ngài phải nên khuyến khích, đàng này đã không có một lời nào làm mát lòng người ta lại còn dựng dậy trong lúc người ta đang ngủ, la hét om sòm, còn tra còng vào tay người ta, lôi cổ đi...

- Sao anh không nói rõ?

- Tôi nói rõ cách nào? Các ông có cho tôi nói gì đâu? Từ đầu chí đuôi có phải tôi chỉ có nói được từng này lời: "Vâng! Quả tôi có giết... nhưng không phải... tôi không hề... xin để tôi..." rồi thì bị tra còng vào tay và bắt câm miệng không nào? Các ông nhớ lại đi, tôi có nói ngoa không?

Đội trưởng và cả đoàn đều hết sức bẽ bàng, ngượng nghịu. Họ lúng túng nhìn nhau, không biết ứng phó cách nào đây? Chả lẽ hạ mình xin lỗi thì... cũng khó coi, mà không nói gì thì cũng không xong.
 

Tridon vốn là anh chàng tinh quái. Anh cứ huýt sáo miệng, thỉnh thoảng lại nói:

- Bây giờ quí ngài tính sao đây? Khi không mà còng tay tôi, vu oan cho tôi, kế đó, kết tôi vào tội giết người, đâu có dễ dàng như vậy?

- Dù sao thì chuyện cũng đã rồi (Đội trưởng dịu giọng), anh hãy bỏ qua cho. Chúng tôi đâu có muốn vu oan cho anh làm gì? Anh muốn chúng tôi bồi thường thiệt hại thế nào, chúng tôi cũng xin... vâng...

- Dễ nghe chưa? Danh dự tôi tiêu ma rồi, phen này thì vợ tôi nó đòi li dị chứ chứ không chơi, mặt mũi nào mà nhìn bà con làng xóm?

- Thôi, anh Tridon thân mến! Anh hãy bỏ qua, chúng tôi hứa sẽ ra thông cáo dán tại công quán về vụ lầm lẫn đáng tiếc này...

Tridon vênh mặt lên (tuy khá hài lòng) mà rằng:

- Chưa đủ!

Đội trưởng lau mồ hôi trên trán, nài nỉ:

- Thế anh còn muốn gì nữa?

Làm bộ suy nghĩ giây lâu, anh chậm rãi ra điều kiện:

- Trước hết, quí ngài phải khiêng giúp con lợn to tổ bố kia lên xe, chở nó về tận nhà tôi...

- Ui chao! (một bác cảnh binh kêu lên) Chở nó thì tụi tôi có nước mà đi bộ. Nom nó nặng thế kia, chưa kể bẩn cả xe lão Rémy, lão bắt đền chết.

- À, quí ngài tiếc cái xe phỏng? Thì ra cái xe quí hơn danh dự con người ư? Nếu thế tôi sẽ làm to chuyện cho mà xem! Thằng Tridon đội trời đạp đất... xưa nay không để cho ai đụng đến một cái lông chân, nay bỗng không các ngài xông đến nhà tôi, còng tay tôi...

- Lỗi tại anh, anh úp mở... anh cũng muốn lừa chúng tôi một mẻ, đúng không?

Một bác cảnh binh khác, trầm tĩnh và khôn ngoan, bẻ lại. Tridon sợ già néo đứt dây, nhưng vẫn nhơn nhơn không nao núng. Anh thầm nghĩ: mình gặp đối thủ rồi đây! Và anh cao giọng hỏi dồn:

- A! Xin lỗi các ngài chứ! Đâu phải khi không, khi khổng mà tôi lôi các ngài đến đây? Ai đã đầu đơn tố cáo tôi về tội sát nhân? Hay các ngài đi nghe một lũ đàn bà rỗi việc? Ai gõ cửa nhà khi tôi đang ngủ? Ai đánh thức tôi dậy? Ai tra còng vào tay tôi? Ai bảo tôi: "Câm miệng lại"? Các ngài trả lời thông thì tôi xin để các ngài trở về liền, không làm khó dễ gì cả. Bằng không, tôi liều bỏ con mồi đáng giá này, đi tận Tối Cao Pháp Viện đầu đơn...

Các cảnh binh và đội trưởng kéo nhau ra một góc xa xa bàn tính. Sau cùng, họ thỏa thuận như sau: Tất cả đều xúm khiêng con mồi nặng chình chịch cho lên xe, chỉ mình đội trưởng và Tridon được ngồi cùng con vật. Các bác cảnh sát đành cuốc bộ về sau, nếu không cái xe đến gãy vụn dọc đường. Đội trưởng sẽ chịu một nửa tổn phí về việc rửa xe và công chuyên chở, còn một nửa thì mấy bác cảnh sát chia nhau chịu với cấp trên.

Ngoài ra, đội trưởng sẽ nhờ một người có hoa tay viết cho mười lăm cáo thị dán khắp các đường làng (chỗ nào có đông người tụ tập), dán ngoài công quán, ngoài chợ, các quán rượu và hiệu ăn, kể lại kỳ công của Tridon. Tuyệt nhiên, hai bên đều đồng ý bỏ qua vụ giết người tưởng tượng của mấy mụ đàn ba đặt điều lắm chuyện.

Tridon còn buộc đội trưởng phải cho xe về công quán trước. Mọi người ùa ra xem. Họ xiết bao ngạc nhiên khi thấy Tridon ung dung, tươi tỉnh ngồi ngang Đội Trưởng, phía sau thùng xe là con vật to sù, trong lúc ai cũng ngỡ rằng Tridon sẽ mang cái hình dáng của một phạm nhân: đầu cúi thấp, tay mang còng và bên cạnh là xác chết nạn nhân được phủ kín bằng vải thô, chơ... khám nghiệm!


MINH QUÂN     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 140, ra ngày, 1-11-1970)
 


Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

Lời Ca Buổi Sáng

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bé hát êm đềm bên sân vắng
Nghe lời ca ngọt đượm môi thơm
Khoảng sân lung linh thêu hoa nắng
Bên cành thúy cúc bướm chập chờn

Bé hát ru loài chim ngủ say
Trong khóm cây xanh - giấc mộng dài
Câu hát hồn nhiên bờ môi nhỏ
Cũng làm ngơ ngẩn vạt nắng mai.

Lời bé ngọt ngào bài ca xinh
Ngây thơ trong tuổi bé yên bình
Đôi môi hé nở muôn nhạc khúc
Dìu hồn hoa cỏ cõi vô cùng.

Buổi sáng lặng nghe lời bé hát
Bên vuông sân mướt nắng tơ vàng
Nghe thoảng qua hồn cơn gió mát
Như lời ca bé ngọt dư vang...

                                        MỘNG DU
                                   (bút nhóm QHVN)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 110, ra ngày 7-10-1973)

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

Cá Rô và Con Lươn

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Ao cá nọ giữa trời nắng gắt
Một con Rô dạo mát quanh bờ
No mồi thích chí nhởn nhơ
Bơi vào bờ cỏ, bất ngờ gặp Lươn

Mắt ti hí, lươn trườn mình tới
Miệng mỉm cười chào hỏi véo von
Rồi bàn việc nước việc non
Trề môi Lươn bảo: - "Ao con nước tù!

Họ cá Rô chẳng ngu chẳng dốt
Mà bao năm bị nhốt trong Ao
Bác ơi nghĩ lại xem nào
Bùn dơ, cỏ thối, bờ ao vây tròn

Sao nỡ để cháu con khổ cực
Chịu đời đời tù ngục âu lo?
Chẳng thà thiếu món mồi to
Còn hơn thiếu chữ tự do suốt đời!

Xin bác hãy theo tôi mau chóng
Tìm con đường giải phóng cá Rô
Bên kia có một cái hồ
Rộng thênh thang lại mồi to sẵn sàng

Thật là cảnh thiên đàng hạ giới
Nếu không tin bác tới cho tường
Nơi đây có sẵn cái mương
Tôi xin bơi trước dẫn đường bác qua

Nghe Lươn nói, Rô ta thích chí
Vội vàng theo chẳng nghĩ thấp cao
Bỏ quê hương, bỏ đồng bào
Bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ Ao... sang Hồ!

Bơi một lúc bỗng Rô chợt thấy
Một cái lờ đặt bẫy ngang mương
Ngại ngùng Rô mới hỏi Lươn
- "Bác ơi! Ai đặt giữa đường cái chi?"

Lươn rằng: - "Chẳng có gì đáng sợ
Hãy bơi mau, Hồ ở kia rồi!
Yên lòng Bác hãy theo tôi
Qua màn tre ấy là đời tự do!"

Rô không còn đắn đo sợ hãi
Theo đuôi lươn chúc đại vô lờ
Than ôi! Một phút dại khờ,
Thế là Rô bị mắc lừa con Lươn!

Vụt mốt cái Lươn trườn đi mất
Rô trong lờ hết đất bơi ra
Khóc than đỏ mắt chi mà
Nghe lời phỉnh nịnh để sa vào tù

Bấy giờ mới biết mình ngu!...

                                        QUỐC BẢO

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 14, ra ngày 14-11-1971)


Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2023

Tuổi Thơ Thật Đáng Quí

 

 Các em mến,

Vừa đây, có vài em viết thư cho chúng tôi ước ao làm người lớn. Làm người lớn sướng lắm chứ, nào được mọi thứ tự do như tự do muốn làm gì thì làm khỏi phải cha mẹ la rầy, ngăn cấm, nhất là tự do tiêu tiền. Làm chủ nhiệm, chủ bút sướng ghê!

Không đâu các em. Tuổi thơ mơ mộng của các em là thời đẹp nhất trong đời người. Các em được tự do nô đùa, không phải nghĩ đến cuộc sinh sống, các em được sống trong tình thương, trong sự trìu mến của mọi người, nhất là của gia đình. Người lớn không có mọi thứ tự do như các em tưởng đâu và trước khi được tự do tiêu tiền, người lớn cần phải làm việc nhiều, vất vả nhiều.

Tuổi thơ là tuổi đáng mến. Tương lai đầy huy hoàng đang chờ đợi các em. Khoa học mỗi ngày mỗi tiến bộ sẽ giúp ích cho các em nhiều hơn. Các em sẽ được hưởng các tiện nghi mà người lớn chúng tôi không còn thì giờ để nhìn thấy. Những ngày sắp tới, biết bao sự phát minh, tìm tòi sẽ làm cho đời sống các em được sung sướng hơn, chẳng hạn các em sẽ được du lịch khắp các nước dễ dàng như các em hiện giờ đi chợ hay đi học vậy. Các em sẽ ít bịnh tật hơn, sống lâu hơn, nếu có bịnh các em chỉ cần ngậm một viên thuốc ngọt như cục kẹo là khỏi ngay.

Vả lại, các em ngày nay thông minh hơn và lanh lợi hơn các trẻ đồng tuổi cách đây hai ba mươi năm.

Khổng Tử khi xưa cũng công nhận kẻ sinh sau thật đáng sợ.

Một hôm ngài đi dạo cùng học trò, gặp một đứa bé lấy gạch vụn xây thành cản lối đi. Ngài bảo: Cháu tránh chỗ cho xe ta qua. Đứa bé đáp: Từ xưa đến nay, xe phải tránh thành, chớ thành nào lại tránh xe. Khổng Tử nói: Cháu còn trẻ, sao ăn nói quỷ quyệt thế? Cậu bé lại đáp: Con thỏ sinh ra ba ngày biết chạy, con cá ba ngày biết lội, con người ba tuổi thì có trí khôn, sao ngài lại cho cháu là xảo trá? Khổng Tử hỏi: Hiện giờ cháu ở đâu , cháu tên gì? Cậu bé trả lời: Cháu ở nơi quê mùa, cháu tên Thác, họ Hạng. Khổng Tử liền mời: Vậy ta muốn cùng cháu đi dạo quanh nơi đây, cháu bằng lòng không? Hạng Thác thưa: Nhà cháu còn cha nghiêm cần phải thờ, có mẹ hiền cần phải nuôi, có anh lành cần phải theo, các em nhỏ cần phải dạy, có thầy sáng cần phải học, có rảnh đâu mà đi chơi rong với ngài. Khổng Tử lại tiếp: Vậy, trên xe ta có sẵn bàn cờ, ta cùng cháu đánh chơi vài bàn cho vui. Đứa bé đáp: Thưa ngài, vua ham cờ bạc thì nước loạn, chư hầu ham cờ bạc thì việc chính bế tắc, sĩ nho ham cờ bạc thì bỏ luống việc học, kẻ làm ruộng ham cờ bạc thì bỏ buổi cày... Thác này thật chẳng dám vâng lời ngài. Khổng Tử bèn nói: Ta muốn cùng cháu bàn việc bình thiên hạ, cháu vui lòng chăng? Hạng Thác lại đáp: Thiên hạ làm sao bình được mà ngài khéo hỏi: hoặc vì có núi cao, hoặc vì có biển rộng, hoặc vì có giai cấp ; bình núi cao thì chim chóc còn chỗ đâu mà ở, bình sông biển thì tôm cá chết hết còn gì, dứt hết giai cấp thì lấy ai chỉ huy, lấy ai sai khiến? Khổng Tử thấy cậu bé giỏi quá, bèn hỏi thêm nhiều câu khó khăn gấp mấy mươi lần, cậu bé đều trả lời trôi chảy cả. Ông định lên xe đi, cậu bé nói: Nãy giờ, ngài hỏi cháu bất cứ câu nào, cháu cũng trả lời đầy đủ. Giờ đây, xin ngài cho cháu hỏi lại ngài vài điều cho rộng điều hiểu biết. Cháu nhờ ngài giải thích giùm cháu con ngỗng, con vịt nhờ đâu mà nổi được, chim hồng chim nhạn nhờ đâu mà kêu được, cây tùng cây bá nhờ đâu mà xanh tươi suốt bốn mùa? Khổng Tử đáp: Ngỗng vịt nổi được là nhờ chân vuông, hồng nhạn kêu được là nhờ cổ dài, tùng bá xanh tươi luôn là nhờ ruột chắc. Cậu bé có vẻ không thỏa mãn nói: Cháu sợ không phải vậy đâu. Cá tôm đâu có chân vuông, sao cũng nổi, con muỗi nào có cổ dài, sao vẫn kêu, giống tre và trúc rỗng ruột sao vẫn xanh tươi luôn? Thôi, xin ngài cho biết trên trời có mấy ngôi sao? Khổng Tử liền nói: Chúng ta hãy bàn việc dưới đất cho dễ cháu à! Cậu bé hỏi ngay: Được! Cháu xin hỏi ngài dưới đất có bao nhiêu nhà? Khổng Tử không trả lời lại nói: Đấy là chuyện xa vời, cháu hỏi việc trước mắt đây thôi. Cậu bé đồng ý: Vâng, vậy lông mày có mấy sợi? Khổng Tử ngán quá, lật đật bước lên xe, nói với học trò: Hậu sinh khả úy.

Các em thân mến,

Các em nên tự hào đã sanh sau đẻ muộn. Bao nhiêu người, từ thượng cổ đến ngày nay, đều làm việc cho các cháu được sung sướng.

Vậy các em hãy cố gắng học hành, vâng lời cha mẹ cùng thầy dạy, ráng trở nên người hữu dụng, tương lai tốt đẹp đang chờ đón các em.


Thân mến,                   
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 11, ra ngày 24-10-1971)

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2023

Cho Mùa Thu Tuổi Thơ

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Một chút gió Thu về mơn trên lá
Một chút buồn hiu hắt vắt trong cây
Nghe mùa Thu trở lại nội trong ngày
Em khẽ hát mùa Thu mau trở lại

Kìa nắng Thu dịu mềm trăng trắng trải
Buổi mai hồng khóm cỏ óng như tơ
Có sương vàng điểm giọt lối mong chờ
Nghe những bóng chim về lo líu dậy

Em hát vang trong bình minh run rẩy
Lá mùa Thu xanh đẹp biết bao giờ
Hoa mỉm cười phô nhẹ cánh nhung tơ
Trên lối đường ngày Thu về rộn rã

Em hát trong mùa Thu vàng lạ
Bàn tay thon ấp nhẹ nỗi vui mừng
Vở học trò mới quá, ngửi thơm hương
Trong buổi sáng tự trường hoen chút nắng

Khi lũ chim trong vườn cây rỉa cánh
Cậu học trò cặp vở ngước lên trông
Một con thuyền nhè nhẹ lướt trên giòng
Và có chút tơ trời trắng muốt.

Lá xanh ngoan bỗng ngả vàng lũ lượt
Vài đài hoa nở đẹp rụng bên bờ
Rồi lá vàng xây đắp lối ươm mơ
Đón những bước chân về vui rộn rã

Em đã hay mùa Thu tàn tạ
Vành môi tươi, thơm chút nắng ban chiều
Cỏ bên đường ngủ lạnh, gió hiu hiu
Trăng vừa mới hiện trong màu thơ ấu

Có tiếng cười vỡ tan bên hàng giậu
Đám cộ đèn đông quá, lúc lân về
Trống rập rình nghe thoảng tự đêm khuya
Em khẽ hát trong niềm mơ vĩnh biệt

Em khẽ ca gọi mùa Thu thắm thiết
Em vẫn yêu, vẫn ghét, vẫn mong hoài.
Sớm mai hồng gió lướt lạnh đôi tay
Cỏ vẫn mướt trên lối về Thu mới.

Trong vườn cây xác xao lời cứu rỗi
Một loài chim xoải nhẹ cánh bay rồi
Em đi về khe khẽ hát Thu ơi...

                                       DƯƠNG ĐỨC
                                      (Phan Thiết 72)

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 35, ra ngày 5-10-1972)

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

Bài Chúc Từ Báo Hại

 
Nhìn những chùm bông đỏ ối của cây điệp trước nhà, tôi lại nhớ đến kỷ niệm khá buồn cười của cuối năm Đệ Thất trường Trung học bán công Võ Tánh.

Năm ấy theo thông lệ, còn nửa tháng đến ngày bãi trường, lớp nào lớp nấy đều bồn chồn lo lắng. Thôi thì hết bàn tán đến hoạch định chương trình này nọ lung tung. Mấy anh bạn tôi ráo riết kêu gọi đóng tiền.

Ấy! Có tiền rồi thì cái gì lại chẳng xuôi chèo mát mái. Các bạn tôi người nào cũng náo nức nên tham gia rụp rụp.

Tinh thần "xung phong tích cực" ấy đã khiến cho "ủy ban tổ chức" của chúng tôi phải hoạt động hết mình để cố gắng làm sao không thua kém lớp Đệ Lục toàn là những tay có "tinh thần tích cực", họ làm coi xôm quá xá! Nào chặt cây đủng đỉnh, dừa nước, bông nho treo la liệt từ cửa vào trong lớp, nhưng đó chỉ mới là dự tính của họ mà thôi.

Thâu được đầy đủ tiền bạc rồi chúng tôi họp lại để bàn chuyện phân công. Anh Dung đảm nhiệm trưởng ban trang hoàng lớp học. Mượn chị Loan em của anh phụ lớp mua bánh trái hộ. Anh Trương lo đôn đốc vệ sinh và trật tự. Anh Lễ cùng một số khác lo phần đãi đằng. Mọi chuyện đều suôn sẻ, duy chỉ còn cử người soạn chúc từ tạm biệt các giáo sư và các bạn thì chưa ngả về ai. Sở dĩ có chuyện như vậy là vì không ai can đảm nhận lãnh cái trong trách ấy cả.

Buổi họp hôm ấy cực kỳ sôi nổi nhằm giải tỏa vấn đề trên.

Anh Bi dõng dạc bảo:

- Theo tôi thấy thì anh Mỹ phải kiêm luôn việc này.

Tôi bảo:

- Không được! Đành rằng tôi khá về Pháp-văn thật, nhưng tôi còn phải lo nhiều việc khác.

Mấy anh có mặt nhao nhao phản đối:

- Việc gì? "Chị" chưa lãnh việc gì kia mà! "Chị" nên đặt thanh danh lớp mình lên mới được.

Tôi đỏ mặt khi các anh kêu tôi là "chị", vì lớp Đệ Thất B có chị Mỹ trùng tên với tôi nên các anh kêu tôi như thế.

Sau một hồi bàn cãi, biết không thể từ chối, tôi đành phải ưng thuận.

Suốt mấy ngày tôi nghĩ nát óc. Trời ơi! Soạn một bài chúc từ bằng Pháp-văn nào có dễ dàng gì đâu.

Thật là khó! Cha chả là khó!

Mỗi lần ngồi trước trang giấy trắng, tôi không biết nhập đề làm sao cho hay, cho cảm động. Tôi viết rồi bôi, rồi xóa hàng mấy chục tờ liên tiếp. Tôi bèn cầu cứu với anh tôi nhờ anh dàn xếp dùm, nhưng mèn ơi, cái anh sao mà ác quá, đã không gà dùm lại còn nói:

- Ái chà! Tụi bây quá xá trời đất rồi. Sao không chịu đặt bằng tiếng Việt-Nam có dễ dàng hơn không. Mình là người Việt chớ có phải là dân Gô-loa đâu mà bày đặt chớ. Thôi, tao không làm đâu.

Anh tôi nói cũng có lý lắm đấy chớ! Nhưng tôi không nghe. Tôi chạy lại nhờ Ba tôi, nhưng người phì cười bảo:

- Ba làm sao được. Anh con nói phải lắm, mình người Việt-Nam nên dùng chữ Việt hay hơn.

Cùng đường, tôi bỗng nảy ra một sáng kiến... Tôi cóp nhặt những đoạn văn trong sách Pháp kết lại làm thành một bài chúc từ, mà khi đọc lên chắc chắn toàn thể lớp học phải phục lắm.

Thực hành ý định ấy, tôi rị mọ đọc chép hơn mấy ngày trời mới thành công được. Tôi chép lại vào giấy trắng cẩn thận và tuyệt đối giữ bí mật không cho ai xem trước cả. Tôi muốn dành một sự bất ngờ mà lị.

Ngày bãi trường đã đến. Quang cảnh lớp nào cũng như lớp nào đều rộn rịp khác thường.

Tới giờ khai mạc. Mấy giáo sư ngồi nghiêm trang chờ đợi. Những lớp bên cạnh đã bắt đầu lên tiếng. Cái giọng anh đại diện lớp Đệ lục sang sảng. Ủa! Sao vậy kìa! Bên ấy sao lại đọc bài diễn văn tiếng Việt. Ái chà, đây rồi đố khỏi bên chúng tôi bị cười cho mà xem...

Tôi trịnh trọng mờ bài chúc từ ra đọc. Vừa đọc qua đoạn giáo đầu cả lớp bỗng túa lên cười ngặt nghẽo. Ngơ ngác tôi không hiểu gì cả. Tuy nhiên tôi vẫn làm gan đọc tiếp. Nhưng càng đọc tới, càng làm cho cả lớp cười rần rần thêm.
 

Một vài tiếng xì xầm:

- Ủa, ở Việt-Nam sao lại đi nghỉ mát ở Provence?

- Bộ nó điên sao chớ. Cái gì mà lại đem vua Charlemagne vô đây chi vậy?

Những lời ấy lọt vào tai tôi. Mặt tôi nóng bừng, lưỡi líu lại không đọc được nữa. Tôi vùng bỏ chạy một mạch về nhà. Sở dĩ tôi phải gánh chịu cái hậu quả ấy là vì tôi quên sửa lại tên tỉnh và người phù hợp với Việt-Nam và tôi chắp nối không được liên tục.

Phải chi tôi soạn bằng tiếng Việt thì bài chúc từ đâu có đến nỗi sang đàng như vậy... nghĩ cũng tức cười!!


NGUYỄN KIM HOÀN MỸ    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 10, ra ngày 25-10-1963)

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2023

Khai Giảng Lúc Tàn Thu

 
Còn vài hôm nữa em đi học trở lại rồi đó Tưởng. Trường của em học có những cái đặc biệt như chiếc áo dài em mặc đi học vậy đó. Nó màu xanh trời thay vì trắng. Và em nghỉ hè vào đầu mùa thu, đi học lúc cuối thu. Nói cho văn chương thì em sẽ khai giảng vào những buổi tàn thu. Trời cao nguyên bắt đầu lành lạnh. Em sẽ khoác áo len màu xám. Đường đến trường có những cỗ xe già nua cũ kỹ, có những vó khua lộc cộc buồn rầu. Hôm nào lười em hay leo đại lên một chiếc xe ngựa nào đó, đến trường ; em thích đưa tay ra hứng những chiếc lá phượng li ti rơi rớt vào lòng đường một cách nhỏ nhoi tội nghiệp, bỏ chúng vào lòng vở. À! Từ hôm nay sẽ không viết thư cho anh đều ngày một lá được đâu. Bận học chứ, năm nay toán khó quá, rắc rối lại thêm lẩm cẩm mà. Viết cho anh hoài em sẽ dốt toán. Nếu có anh em chả lo vì có thể nhờ anh giải hộ. Nhưng bây giờ em phải hì hục một mình, làm cả ngày có khi không ra em chỉ có nước khóc. Thế là anh đang cười em rồi đó, phải không? Đừng có cười, biết anh giỏi toán lắm rồi. Sao mấy hôm rồi chẳng có được cho người ta cái thư nào hết vậy? Đừng hòng em đi gởi cho cái thư hỏa tốc nếu không viết đều cho em. Ngày nào nó cũng nhịn mất mười đồng ăn sáng đi bỏ cho anh lá thư. Thỉnh thoảng còn bắt nạt em đòi hỏa tốc. Tưởng ơi! Bây giờ em gầy bằng cỡ cây tăm, sáng nhịn ăn hoài lấy đâu mà mập. Còn làm bộ nhân đạo bảo thôi, thôi! em đừng hỏa tốc nữa, thật dễ ghét cho anh. Đọc thư trước của anh gặp mấy câu "thôi thôi..." em buồn cười quá! Nói vậy chứ người ta vẫn tà tà dụ khị mấy đứa em ăn "ké" như điên, anh đừng lo. Bây giờ em chỉ sợ không rảnh viết đó thôi. Suốt ba tháng hè em đi mòn con đường T.N. Ít ra cũng vài phân. Đi bỏ thư cho anh đó mà. Mưa nắng gì em cũng có mặt trên T.N. ngày một lần, đều đặn hơn uống thuốc. Độ này tim em yếu lại rồi Tưởng ơi! Nó nhảy Tango trong lồng ngực em! Có hôm đang làm bài em chợt lảo đảo thở chả ra hơi anh ạ! Giá em được qua Đà lạt học, và nhất là khỏi học toán chắc em khá hơn. Mấy bài tón nào vật lý, toán đại lẫn hình đều dễ ghét ngang nhau. Hôm nọ thầy Đ. ở trường thấy trên trang vở đầu tiên của em có đề: Nêu ai hỏi tôi tại sao em đi học và đi học để làm gì? Tôi sẽ trả lời: bởi hai lý do: Vật chất: Trả ơn đời. Tinh thần: Quên đời.
 
Thầy Đ. nhìn em đôi mắt lạ lùng và giờ toán nào cũng "chiếu tướng" em quá trời: Cứ xách đầu em lên bảng. May mắn cho em (chắc nhờ anh khấn vái, cầu trời phù hộ cho em đó, cám ơn "lòng tốt" của anh), chưa làm sai lần nào nên lãnh điểm ngon như ăn kẹo dừa. À, em quên mất độ này em hay ăn kẹo dừa ghê, ghiền ghiền nó rồi, ăn kẹo nhớ anh lắm! Sời ơi! Đừng nhân cơ hội viết cho người ta: "Cho anh hút thuốc... lén nhé, mỗi lần hút thuốc anh nhớ Đán nhiều lắm bé ơi!". Không! Không! Đừng có ham, hút thuốc khác ăn kẹo, cấm hút thuốc. Anh ơi! Sáng nay nhỏ H. mới cho Đàn đóa hoa hồng, đóa hoa đẹp quá, mới nở hé thôi, em bỏ luôn vào thư gởi cho anh nghe. Em nhớ dạo nọ anh bảo thích hoa hồng nhung lắm phải không. Nếu lớn em mong sẽ thiết lập được một hiệu hàng hoa. Bán đủ các loại hoa, và đặc biệt ai mua hoa hồng tặng người yêu em sẽ cho không. Bán hoa chắc thú lắm hả anh? Eo ơi! Em chóng mặt quá! Chắc tại nãy giờ viết dưới ánh đèn... cầy. Cúp điện từ sáng đó anh, bây giờ phải dẹp thư vào không viết nữa đâu. Bác sĩ bảo coi chừng cận nặng lên phải đeo kính thì khổ lắm, bây giờ vừa một độ rồi đó nghe...
 
Lá thư tới đây bỗng dừng ngang. Nàng gởi tôi đóa hoa hồng cháy mất vài cánh và cái lá. Một lá thư dở nàng lăng quăng vẽ mấy cô hippy đeo kính cận thực dễ thương (giống nàng), cô bé bảo lỡ tay ngã cây đèn cầy cháy queo cả lá hồng và xém cháy thư, phía dưới là hình cô nàng le lưỡi dài ra, cổ rụt lại, tự nhiên tôi thấy thương quá, muốn bay về với nàng...
 
 
LÁ ĐA SẦU      

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 35, ra ngày 5-10-1972)
 

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

Thích Hợp Với Hoàn Cảnh

 

 Thư của em Đ.T.M.C. Biên Hòa.

... Trong SM số 52 chị trả lời cho N. ở Gò Công có đoạn : Nếu hắn nói chuyện văng nước miếng vào mình, thì em nên đứng ra xa và tự nhủ: "Còn hơn hắn văng tục  với mình". Thưa chị, chúng em có thể thêm, chẳng hạn như "Bạn nói tục với mình còn hơn hắn đánh mình" và "bạn đánh mình còn hơn hắn v.v..." Như vậy có phải chúng ta chấp nhận sự xấu.
 
Trả lời:

Chị rất vui lòng thấy em đọc và suy nghĩ kỹ càng. Chị càng vui thêm ở chỗ sau khi suy luận, em gửi thư tới bầy tỏ quan điểm của em, như thế mới có thể bàn rộng để hiểu rõ và đả phá cái quan niệm ù lì của phần đông chúng ta, cái quan niệm "mười rằm cũng ừ, mười tư cũng gật", không có ý kiến với bất cứ vấn đề gì.

Sự nhường nhịn hay dễ tính, chỉ có thể dừng ở mức vừa phải. Phần nhiều những bất đồng ý kiến đưa tới chiến tranh cũng là vì người ta không dừng lại ở mức vừa phải, mỗi người đều quyết liệt đạt bằng được ước muốn của mình theo ý mình. Chị khuyên em N. nên thích hợp với hoàn cảnh là vì sự hút thuốc cũng không có gì là quá đáng lắm, chứ nếu cứ suy luận kiểu em thì tới khi bạn giết người mình cũng chấp nhận hay sao. Nhớ rằng chỉ chấp nhận những cái gì tương đối có thể chấp nhận, bằng thái độ hòa đồng, để mình khỏi bực bội, và bạn khỏi bị khó chịu vì mất tự do. Nhưng phải giới hạn trong mức vừa phải, không vượt quá sức chịu đựng của sự hòa nhã, em ạ.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 62, ra ngày 29-10-1972)

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2023

Marry! Vô Đi Con, Vô Đi!

 

Cứ mỗi năm chúng ta lại có được thêm một mớ hồi ký và niềm vui. Chuyện tôi sắp kể đây là một chuyện vui, rất đặc biệt của tôi hồi năm ngoái, chuyện một cuộc khởi hành mới trong đời người, chuyện một thiếu nữ cài một vòng hoa trên mái tóc nâu để về nhà chồng. Tên thực của em đó không phải là Mary, tôi đã lựa tên đó vì thấy nó rất hợp.

Tôi nhớ chừng rằng đã gặp em mấy lần đầu cách đây mười bốn năm, vì lúc đó em tám tuổi.

Một buổi sáng nọ tôi nhận được một bức thư nói về một em bé bị mọi người bỏ quên, nhờ vậy mà tôi được biết em. Lúc đó em ở trong một viện nuôi các trẻ mà cha mẹ đem lại gởi tạm vì không săn sóc được. Các trẻ đó chỉ ở trong viện một thời gian thôi, nhưng riêng em Mary thì ở lại lâu. Người ta bảo các giấy tờ về em đã thất lạc mấy năm trước từ khi em được đưa vào viện. 

Không ai biết cha mẹ em là ai, em sanh ngày nào ở đâu, nhưng em có vài nét phương đông. Em không nói, vậy chắc là trì độn. Người viết thư hỏi tôi có thể lãnh em trong cơ quan nhận nghĩa tử mà tôi đã tiếp tay thành lập mấy năm trước không [1].

Bức thư không có gì đặc biệt trừ điểm này: đứa nhỏ đó không nói, nó trì độn. Tôi đáp rằng rất tiếc cơ quan của tôi là một cơ quan nghĩa tử [2] không giúp gì được nhiều cho em Mary, nhưng nếu tôi kiếm được một nơi nào nhận những trẻ như vậy thì tôi sẽ giới thiệu. Rồi tôi ráng quên em nhỏ đó mà mọi người đã bỏ quên nó.

Nhưng nửa đêm hôm đó tôi bỗng tỉnh dậy, và tôi hiểu ngay vì đâu một câu hỏi lởn vởn trong đầu óc tôi làm tôi thức giấc. Có thực là em Mary trì độn không? Tôi chưa thấy em. Nhân viên trong cơ quan đó có lòng tốt cả đấy nhưng họ bận việc quá, có lẽ chưa dò xét kỹ cá tính của em nhỏ đó chăng? Việc đó mình phải làm mới được. Tôi bèn dậy viết một bức thư ngỏ ý muốn gặp em Mary và xin người ta cho tôi giữ em vài tháng.

Ít bữa sau, một bà đã đứng tuổi, vẻ hiền từ, dắt một em gái lại kiếm tôi. Em nhỏ nhắn yếu ớt, cầm một chiếc "xắc" đỏ, thứ rẻ tiền, nhưng còn mới.

Tôi bảo em:

- Mary, vô đi con, vô đi !

Mary đứng yên trong khi bà đó cởi áo ngoài, lột nón cho em. Em không ngước mắt lên mà cứ đứng đợi, tay nắm chặt cái xắc đó, cho tới khi bà đó đẩy nhẹ để em ngồi xuống một chiếc ghế dựa. Bà ta nói với tôi:

- Nó như vậy đấy. Không bao giờ nhúc nhích, mà cũng không bao giờ nói một tiếng.

- Bà có điều gì cho tôi biết thêm về em không?

- Không. Nó như vậy đấy. Nếu không bị thúc đẩy thì nó không làm gì cả. Thế thôi.

Quả thực là em Mary không làm gì hết. Em ngồi yên mặt cúi xuống, có vẻ không nhận ra mình ở đâu nữa.

Bà nọ đứng dậy cáo biệt:

- Nếu có điều chi khó khăn, xin bà cho tôi hay.

- Chắc không có gì khó khăn đâu.

Đó câu chuyện bắt đầu như vậy. Rồi mấy tuần kế đó ra sao? Chúng tôi cứ nói chuyện với Mary, coi em như là biết nói vậy. Cũng may, trong lẫm có mấy con mèo con mới sanh và lần đầu tiên tôi thấy em cười khi chơi với chúng. Tôi để em tự do đi đi lại trong nhà tùy ý, và em tập đánh du dưới cây dẻ cổ thụ. Đi đâu em cũng kè kè ôm cái xắc đỏ, không rời một phút. Sau cùng một hôm em để nó ở trên lầu. Chúng tôi mừng, một tia hy vọng lóe ra rồi đây. Mấy ngày sau cũng vui nữa. Em chạy trên bãi cỏ. Em hết sợ bò cái và có khách tới thì em không trốn nữa vì biết rằng người ta lại không phải để bắt em đem đi.

Sau cùng, hết một tháng thì em bắt đầu nói. Chỉ để xin những vật mà em muốn: một trái cam, một con búp bê, một cái áo đẹp. Hết hai tháng, em đã nói chuyện rồi và chúng tôi quyết định cho em đi học. Chúng tôi tìm được một cô giáo có tinh thần hiểu biết, cô hứa không ép em tập đọc ngay. Trong một thời gian cô để mặc cho Mary ngồi ngó các em khác. Và Mary tập chơi trước khi tập đọc. Sau sáu tháng, thái độ của em làm cho tôi vững bụng. Tôi dắt em lại một nhà tâm lý học để ông kỹ lưỡng trắc nghiệm em. Trắc nghiệm xong ông bảo tôi:

- Không có gì đáng ngại cả. Em đó hoàn toàn bình thường, chỉ bị một xúc động tinh thần thôi.

Có thể nói, em như mất hồn. Bây giờ em đương tự tìm lại em đây. Em phải tự tìm thấy được em đã rồi người khác mới tìm ra được em.

Tới lúc chúng tôi không thể nuôi em làm con nuôi được nữa vì chúng tôi già quá rồi, không thể làm cha mẹ em được. Nhưng tôi không thể đành lòng cho em đi đâu xa quá thị trấn bên cạnh. Tôi bảo em:

- Con phải có ba và má trẻ. Còn vợ chồng tôi thì sẽ là ông bà của con. 

Một cặp vợ chồng trẻ nọ muốn nuôi em. Em làm quen với gia đình đó gồm hai đứa trẻ nữa và chịu lại đó ở. Lúc đó em đã hoàn toàn an tâm rồi. Nhưng buổi sáng cuối cùng, khi chia tay, vài giọt lệ lấp lánh trên hàng lông mi đen của em. Tôi làm bộ như không thấy, bảo em:

- Ngày mai con lại đây tắm với ông bà nhé.

Viễn cảnh đó làm em mỉm cười vì em mới tập lội được ít bữa.

Rồi mấy năm sau ra sao? Chúng tôi mừng rằng càng ngày chúng tôi càng hóa ra không cần thiết cho em nữa, như vậy là em đã vui với gia đình ba má nuôi. Thỉnh thoảng ba má em lại nhờ tôi chỉ bảo. Em tới nhà tôi lần nào là chạy ngay vô lẫm kiếm xem có mèo không.

Ba má em bảo:

- Cũng có nhiều lúc khó khăn. Cháu bình thường đấy, nhưng phải gắng sức lắm mới học được. Không biết rồi cháu sẽ học được tới đâu.

Nhưng mỗi ngày em một diễm lệ lên. Những mái tóc nâu bao khuôn mặt của em. Cặp mắt em hồi trước rầu rầu, lờ đờ có vẻ như nhìn mà không thấy, thì bây giờ sáng ngời, sắc sảo. Bóng dáng em thanh nhã, em có một cái duyên say đắm. Tôi đoán rằng Jonathan bắt đầu để ý tới em hồi ở Trung học. Em Jonathan lớn con, thông minh, mê khoa học và toán. Ba má nuôi em Mary và tôi đều lo ngại. Tôi dặn ông bà đó:

- Đừng để cho Mary mê thiếu niên đó. Cả hai còn trẻ quá. Tôi không muốn cho nó khổ. Với lại cha mẹ cậu nọ có chịu nhận Mary không? Làm sao cho ông bà ấy biết được Mary thực sự ra sao? Chỉ có thể cho họ biết hiện lúc này đây nó ra sao thôi.

Ba má Mary là những người thận trọng, coi chừng không cho Jonathan gặp Mary thường quá. Với lại Mary cũng rất bận việc: học may vá, làm bếp. Nghỉ hè, theo cha mẹ đi nghỉ mát, và gặp những thiếu niên khác. Hết Trung học, em lên lớp Dự bị Đại học. 

Sau cùng chúng tôi thấy rằng chúng tôi đã lo ngại hão. Cứ sau mỗi lần xa nhau, hai trẻ lại tìm kiếm nhau. Jonathan, thi cử nhân, đậu cao, được học bổng để chuẩn bị thi tiến sĩ. Từ hai năm rồi, Mary đã đi làm và hãng rất thỏa mãn về công việc của em. Tới lúc bọn trẻ lãnh lấy trách nhiệm. Tôi còn nhớ lần chúng lại thăm tôi. Tối đó là tối mùa đông, trước ngày Noel. Tuyết đổ. Tôi đương ngồi trước lò sưởi, đương nghe một khúc hòa tấu của Brahms. Họ nắm tay nhau, bước vào, má đỏ ửng vì lạnh.

Jonathan bảo:

- Chúng con sắp cưới nhau. 

Chúng tôi ngồi nói chuyện cho tới khi củi cháy hết, chỉ còn than. Jonathan tặng Mary một chiếc nhẫn làm quà Noel. Kế đó tôi ra nước ngoài trong vài tháng rồi về ngay để kịp dự đám cưới mà tôi không muốn bỏ lỡ vì bất kỳ một lý do gì. Lễ cưới cử hành một buổi chiều đẹp tháng sáu, trong một giáo đường nhỏ, nơi trước kia Mary đã được rửa tội. Người ta dành cho tôi một ghế ở hàng đầu. Bản hành khúc vang lên. Chúng tôi đứng dậy. Chú rể đứng đợi với cậu phù rể, nghĩa huynh của Mary.

Tôi quay lại. Đi đầu là bốn cô phù đâu (cô thứ nhất là nghĩa tỉ của Mary) bận áo bằng hàng mỏng màu xanh vỏ trái táo. Rồi tới Mary bận áo sa tanh trắng, chiếc "voan" bằng ren, tay cầm một bó hoa, khoác tay cha tiến tới, mặt tươi rói và diễm lệ. Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn còn rưng rưng nước mắt như hôm đó. Không phải khóc vì đa cảm, vì phải xa cháu đâu. Mà khóc vì vui; thế là tôi đã thỏa nguyện. Tôi nhớ lại nét mặt em nhỏ khi người ta dắt lại cho tôi, em nhỏ làm cho người ta tuyệt vọng đó thì bây giờ đây, nhờ tình thương và lòng tin đã biến đổi hẳn rồi.

Còn một chi tiết nữa làm cho ngày vui đó hoàn toàn. Khi làm lễ xong rồi, khi Mary đã thành vợ của Jonathan, và cùng nhau vui vẻ lanh lẹn bước ra khỏi giáo đường rồi, bà mẹ chồng Mary bước qua gian giữa giáo đường, tiến lại gần tôi, nắm lấy tay tôi bảo:

- Tôi muốn thưa với cụ rằng vợ chồng tôi lấy làm vinh dự được cháu Mary về làm dâu. Chúng tôi đều mến cháu.

Bây giờ thì Mary biết mình là ai rồi. Và chúng tôi cũng biết nữa.
 
 
Pearl Buck 
     
_____
[1] Tác giả, nữ sĩ Pearl Buck, được giải thưởng văn chương Nobel và giải Pulitzer, đã tận tụy cứu giúp các trẻ mồ côi, tàn tật. Bà nuôi chín người con nuôi. Năm 1949 lại thành lập một nhà tiếp nhận các trẻ mồ côi lai Mỹ Á. Gần đây bà lập thêm một hội thiện gọi là Fondation Pearl Buck (hộp thư 2.137, Philadelphie, Pennsylvanie, 19.103) để cứu vớt những con hoang của quân nhân Mỹ bị bỏ rơi bơ vơ ở nước ngoài.

[2] Cơ quan nuôi các trẻ bơ vơ, gia đình nào muốn nuôi con nuôi thì lại đó tìm lựa.
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>