Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

RIM

 - Rim ơi! Lấy giùm chị đôi giày đi cưng!

Vừa nghe chị Nương nói, Rim lun cun chạy vào buồng lấy đôi giày ra để dưới chân chị. Miệng nói: Giày đó, chị Nương phải cho em cây kẹo đó nghe.

- Chừng đó tuổi mà đòi ăn thuê rồi hả? Đánh chết bây giờ.

Chị tôi cười và mắng nó. Rim xịu mặt, nói: Thôi! Bữa sau chị đừng sai em nữa nhé, em bận lắm...

*

Rim là em út của tôi. Khi mẹ tôi mất Rim được hai tuổi. Em lớn lên trong sự thương yêu đùm bọc của ba và mấy chị em tôi. Bây giờ Rim đã lên năm và đã được đi học. Tôi còn nhớ khi tôi và các em đi xem ciné về thì nghe tin mẹ tôi vừa mới sanh em bé trai, thế rồi chúng tôi được vào nhà hộ sanh thăm mẹ và em bé. Đi đường, Sĩ, em tôi, bàn tán: Phim "Rim bô: này hay ghê chị Phúc nhỉ? Hay là... mình đặt cho em bé tên "Rim bô" đi nghe. Và rồi, khi gặp mặt em bé, Sĩ gọi ngay: A! Rim bô, Rim bô đẹp ghê anh Lực há. Rồi Sĩ âu yếm vuốt tóc, má Rim nói tiếp: Rim bô mau lớn mà đi đá banh với anh và anh Lực, nghe cưng!

Đó là một cái tên gọi đùa, còn trong khai sanh, tôi phải nài nỉ ba lắm để đặt cho nó tên: "Chí Công" đẹp ghê cơ.

Rim có cặp mắt to và đen, mỗi khi giận ai điều gì trông mặt nó thật là dữ. Ba tôi thường ngắm Rim và khen: Nó chỉ có cái mũi dọc dừa là giống mẹ nó mà thôi, còn cặp mắt thì giống bà dì, cái miệng giống bà cô v.v...

Những lúc nghe ba khen Rim như vậy tôi thích lắm. Tôi rụt rè hỏi: Ba... ba xem nó có giống con cái gì không? Ngẫm nghĩ một lát ba tôi cười nói: Rim giống con một điều là hát rất hay. Phải không?

Tôi sung sướng đỏ bừng mặt, mắt chớp chớp và... cảm động. Lát sau, chợt hiểu ra là Rim chưa biết nói, Rim chưa biết nói thì làm sao mà hát với hò được. Tôi mắc cỡ quay lại hứ ba một cái dài rồi vụt chạy. Tiếng cười chế riễu của ba văng vẳng đuổi theo tôi.

*

Từ khi biết nói, Rim hay bắt chước tôi hát những bản nhạc thật mùi mẫn. Ngoài cái tài ấy ra, nó còn có tài nhảy "tuýt" nữa. Mỗi lần nhảy mồm Rim cứ đàn "từng, từng tưng..." theo điệu nhạc. Và hay đánh lộn, mà mỗi lần cãi nhau với mấy đứa trẻ cùng xóm, nó chống tay vào sườn ra vẻ anh chị lắm, vì vậy cho nên xóm tôi gọi nó là "cao bồi con".

Rim khôn và lanh lắm. Những người quen của gia đình tôi, gặp và nói chuyện với nó một lần đều mến nó.

Một hôm, trong bữa ăn. Mọi người đều im lặng. Bầu không khí có vẻ nặng nề. Nhìn nét mặt nghiêm trang của ba và sự cau có khác thường của chị tôi, tôi đang phân vân chưa hiểu vì lẽ gì. Bỗng nhiên Rim buông đũa đứng dậy nói:

- Im hết, im hết rồi Rim kể cho mà nghe.

Cái tật của nó là vậy, một khi muốn nói điều gì là bắt mọi người phải im hết, mặc dầu lúc đó chả ai nói câu nào.

Rồi Rim đến chỗ cái bảng đen, cầm phấn vẽ cái vòng tròn, nói: Chỗ này là trường học của Rim nghe, rộng ác hén. Chỗ này là nhà chị Quận. Rồi Rim lại vẽ một cái vòng khác nhỏ hơn, nói: Còn chỗ này là sân chơi nghe... chỗ này là v.v... Cứ mỗi chỗ, Rim nói thì Rim lại vẽ một cái vòng tròn nhỏ. Tất cả mọi người đều ngừng ăn để nghe nó nói. Kể cả ba tôi. Khi ấy Rim cứ vẽ hoài một cái vòng tròn rồi ngập ngừng nói: Chỗ này là cái bãi cỏ nghe... cái bãi cỏ đây nghe... Có lẽ đang nóng lòng nghe nó nói nên chị Hương tôi gắt: Ừ! Thì bãi cỏ, kể tiếp đi, chi mà lâu rứa!

Rim cười tít lại, đến nỗi cái đồng tiền duyên bên má trái lõm sâu vào. Em nói nhỏ lại: À! Cái bãi cỏ này đây nghe... Rim thường hay lén cô ra đó để mà đi tiểu. Nghe nó kết luận xong cả nhà buông đũa cười vang, còn nó, nó tỉnh bơ như chả có chuyện gì xảy ra cả. Nó lại đến bàn, tiếp tục ăn như cũ. Đang mải mê ăn chợt thấy mọi người vẫn còn cười, nó ngẩng đầu lên nói: A! Làm cái chi mà cười dữ "dậy", cười cho đã Rim ăn hết phần thì đừng có la à nghe.

Thế là hôm ấy, nhờ câu chuyện ngộ nghĩnh của Rim mà sự vui vẻ tự nhiên đã trở lại với gia đình tôi.

Lắm lúc, những cái thông minh lạ đời của em làm tôi phân vân không hiểu vì đâu mà em khôn sớm như vậy. Mấy bà dì tôi thường ngắm em và nói: Con mồ côi mẹ có khác, con mồ côi mẹ thường khôn trước tuổi v.v...

*

Tôi thương Rim nhiều lắm. Tôi biết, tôi viết như vậy là thừa. Nhưng mà tôi cũng viết. Cái tình thương của tôi đối với em, nó chan chứa thiết tha. Tôi thương cả nết tốt lẫn xấu của Rim. Tôi không muốn ai đánh nó, mặc dầu nó có lỗi.

Trong nhà Lực hay đánh Rim nhất. Mà hễ mỗi lần như vậy, thì ruột gan tôi như cào cấu. Rồi không chịu được tôi hét lên: Nào là nó còn bé nó biết gì, da thịt mày chai đá mày không biết đau, còn nó v.v... Tôi nói dai lắm. Tôi phải công nhận như thế, tôi nói dai đến nỗi Lực phải lạy sống tôi: Thôi lạy "bà" xin "bà" tha cho, lần sau không dám đụng vào "Hoàng tử" nữa. Như thế, tôi còn chưa hả dạ. Chốc chốc tôi lại đay nghiến một câu. Tôi cho là làm như thế mới bù vào cái đau của Rim. Biết tôi hay bênh, nên mỗi khi có ai đánh nó là nó vào mách nhỏ với tôi ngay.

Tôi rất thích nghe Rim kể chuyện. Những lúc Rim ngủ dậy tôi thường hỏi: Đem nay Rim mơ thấy gì nhỉ?

Suy nghĩ lát lâu nó nói: A! Hôm nay Rim mơ thấy ở trường Rim có con bò to... chi lạ. Hai tiếng chi lạ em kéo dài nghe đến buồn cười. Có một lần Rim vừa ngủ dậy... Rim nói: Chị Phúc ơi! Hôm nay Rim mơ thấy chị cầm cây roi dài đánh Rim vào mông này này. Tôi cười: Mà chị đâu có đánh Rim. Rồi nó bá cổ tôi nũng nịu: Đúng rồi, chị đâu có đánh Rim... À! Mà chị Phúc ơi! Sao mình không có má nhỉ? Em thích có má ghê."

Nghe vậy, nước mắt tôi sắp chảy nhưng cũng làm bộ mắng:

- Thế bộ ba này, mấy chị này, mấy anh này không đủ sao Rim còn hỏi má nữa.

Thấy tôi giận, Rim nhỏ nhẹ nói:

- Dạ... thì Rim nói chơi vậy mà... Má đi Sàigòn hồi đó chị Phúc hén...

Tôi gật đầu và quay đi nơi khác để lau vội hai hàng nước mắt...

*

- Thưa chị Phúc, em đi học về!

Đang ngồi suy nghĩ nghe tiếng Rim thưa, tôi giật mình. Vẫy nó lại, tôi bế nó lên chỉ vào trang giấy viết dở nói:

- Đố Rim chị viết cái chi?

Rim nhìn hồi lâu rồi nói: Chị viết bài.

- Không phải.

- Chị viết thư...

- Không phải.

- Vậy, chị viết cái chi... em chịu...

Tôi cười: Chị viết truyện thằng Rim đó, chịu không?

Rim gật đầu nói: Thích chứ! À, chị nhớ viết là cô giáo em hôm nay mặc cái áo đầm vàng đẹp lắm nghe.

- Thế hả? Mà đẹp bằng chị không?

Nhìn tôi một lát, Rim nói: Chị đẹp hơn cô giáo em...

Á! Không, xấu hơn chứ. À! mà í... em cũng không biết "đứa" nào đẹp "đứa" nào xấu nữa.

Rồi Rim tuột xuống đất, đầu lắc qua lắc lại miệng "chặc, chặc" vài tiếng, làm như ta đây lớn rồi, không thèm nghĩ đến chuyện "trẻ con" ấy.

*

Tức cười cho chiều hôm qua, có lẽ vì trời mưa nên "anh chàng" trốn học, chui vô buồng trùm chăn ngủ kỹ. Khi khám phá ra sự bí mật ấy, tôi định bụng là chờ nó dậy sẽ khủng bố tinh thần cho anh chàng sợ chơi. Nhưng, khi vừa ngủ dậy, có lẽ đã biết lỗi mình nên "anh chàng" uốn éo vài cái thật đáng yêu. Rồi mắt nhắm mắt mở "anh chàng" nói: 

- Chà! Rim chưa bao giờ ngủ một giấc ngon như vậy, ngon chi lạ chị Phúc ơi!

Tôi phải phì cười vì cái giọng nói "ông cụ non" của nó.

Lúc ấy bao nhiêu câu nói tôi nghĩ sẵn để dọa Rim, nó chạy trốn đâu mất. Tôi chỉ thấy nó đáng yêu, đáng bế, đáng hôn mà thôi.

Có lẽ suốt ngày nghe nó kể chuyện tôi sẽ không bao giờ chán.

Tôi thương Rim, cái tình thương ấy, tôi đặt lên trên tất cả. Cả mọi công việc và mọi vấn đề.


TRẦN HỒNG PHÚC     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 42, ra ngày 1-4-1966)
 

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

PHƯỢNG

 
Quân xô cửa bước vào nhà, và tự dưng cảm thấy khó chịu trước bầu không khí quá yên tĩnh. Trừ Thanh đang ngồi chăm chỉ viết lách ở chiếc bàn bề bộn sách vở nơi góc phòng, có lẽ mọi người trong nhà đã say ngủ. Quân đến bên cậu em con chú kéo ghế ngồi:

– Viết gì thế?

Thanh ngẩng lên:

– Làm luận anh à. Còn anh, sao không làm bài, học bài chi hết, đi chơi khuya quá vậy?

– Ồ, toàn bài cũ.

Thanh nhìn mặt Quân, và nhận ngay được anh mình nói dối. Thanh bỗng nhớ đến lời cha hôm nào:

– Này con, để đáp lại phần nào sự yêu thương săn sóc của bác Hai con đối với ba ngày trước, ba đã xin bác con cho ba đem thằng Quân ra tỉnh nuôi nấng cho nó ăn học đến thành tài mới nghe. Nhưng xem ra anh con ham chơi, chẳng chịu học mấy. Ba thương nó như con đẻ, muốn dạy bảo nó mà không có thì giờ, và không được dịp gần nó lâu, vì hình như nó cứ lẩn tránh ba mãi. Chỉ có con là ở bên nó thường. Vậy ba nhờ con tìm cách khuyên nhủ nó thay ba, con nhé!…

Thanh quyết vâng theo những lời dặn dò đó, bởi chính Thanh cũng thương Quân, xem Quân như một người anh ruột thịt.

Thanh cắm cúi viết nốt một đoạn văn, rồi buông bút nhìn Quân, trách móc:

– Anh không biết lo lắng chi cả. Cuối năm nay chúng ta thi vào đệ thất, không rán học đậu thế nào được. Anh không nhớ mấy lời bác Hai khuyên bảo trong thư gửi cho anh hôm qua à?

– Sao lại không? Nhưng tôi đã nói với Thanh tối nay tôi khỏi phải học bài, toàn bài cũ kia mà.

Thanh mỉm cười rùn vai:

– Lạ nhỉ, hôm nào cũng bài cũ.

Quân bực bội đứng dậy:

– Học hay không mặc tôi. Tôi chẳng cần ai chỉ bảo chi hết.

Đoạn che miệng ngáp dài, và chậm chạp bước vào trong:

– Buồn ngủ quá! Tôi đi ngủ đây.

Thanh nhìn theo lắc đầu. Hình ảnh phúc hậu của ba má Quân chợt hiện đến trong tâm, Thanh lẩm bẩm:

– Gây sự ưu phiền cho một người cha đáng kính, một người mẹ dịu hiền như thế thật bậy lắm!

*

Một mình trong phòng ngủ, nằm thoải mái trên giường, Quân mở rộng mắt lơ đãng nhìn các bức tranh treo trên vách. Âm hưởng của cuộc vui chơi với chúng bạn mấy giờ trước hãy còn quyện trong hồn, khiến lòng Quân lâng lâng thích thú.

Bỗng nhiên Quân muốn ghi lại tất cả những cảm nghĩ đang dâng trào trong tâm tư lên mặt giấy. Ờ, phải ghi lại chứ! Ghi chép để lưu niệm mà.

Lập tức Quân trở dậy đi lấy bút mực, xong lại nằm dài ra giường, trải trước mặt một quyển vở, tay trái chống cằm tay phải nâng bút đặt lên trang giấy trắng:

– Viết theo lối nào đây? Văn xuôi? Không có gì đặc sắc. A, phải rồi mình làm thơ, thế mới hay chứ!

Quân hí hoáy viết, thỉnh thoảng lại dừng bút ngẫm nghĩ, rồi gật gù viết tiếp, bôi bôi xóa xóa đặc cả trang giấy.

Sau cùng bài thơ cũng được hoàn thành. Quân vui sướng quá, tự nhiên cảm thấy phục lăn tài mình. Thi sĩ nhà ta vừa rung đùi vừa ngâm nga sáng tác của mình một cách say sưa.

Ngâm mãi, đọc mãi đến khi thuộc lòng từng cái chấm, nét phết, Quân mới chịu thôi, và đồng thời nghĩ thầm:

– Chà! Một tác phẩm hay thế nầy mà không ai biết đến thì uổng biết mấy. Mình phải gởi đăng báo mới được.

*

Trưa nay, Quân hớn hở đem trao Thanh một tập báo thiếu nhi xinh xắn, và chỉ vào một bài thơ, tươi cười bảo:

– Xem đây này, Thanh!

Thanh nhìn lướt qua, lơ là:

– Một bài thơ. Có gì lạ?

– Hãy đọc kỹ tên tác giả đi.

Thanh liếc nhìn bên dưới bài thơ rồi ngạc nhiên:

– Hồng Quân! Bài thơ nầy của anh hả?

Quân vênh mặt:

– Chứ còn của ai nữa? Không thấy bên trên có đề : tặng Minh Thanh, đó sao?

Thanh gật gù:

– Ờ nhỉ!

Rồi hắng giọng đọc to:

– Xem nào… TUỔI HOA
 
Đẹp làm sao, lứa tuổi thơ ngây!
Trong trắng như hoa thắm nắng mai,
Tươi trẻ như đàn chim bé bỏng,
Vô tư kiếp bướm, sướng vui đầy

Nỗi buồn chưa gợn trái tim non,
Lo lắng làm chi rối mộng hồn
Bay nhảy chơi đùa cho phỉ sức,
Mặc bình minh đến, mặc hoàng hôn…
 
– Sao? Được chứ?

– Ồ, hay, hay lắm! Có thể sánh với a… với a…

Quân ngắt lời:

– Có thể sánh với mấy bài học thuộc lòng trong trường không?

– Hơn nữa chứ!

Quân sướng phổng mũi ra:

– Ngạo hoài!

– Thật mà, có thể sánh với… thơ con cóc kia lận!

– Đồ quỉ!

Quân phát vào vai Thanh. Cậu em đáng ghét cười sằng sặc.

Suốt buổi chiều hôm ấy, Quân quấn quýt mãi với tập báo, xem đi xem lại đọc đi đọc lại bài của mình cả mấy lượt không biết chán. Quân còn mua thêm một quyển nữa, về cắt bài thơ đó ra, lồng cẩn thận vào bìa một quyển vở bọc giấy kiếng màu. Quân hết sức nâng niu quí chuộng bài thơ, vì Quân đã gởi một ít hồn mình trong những câu văn, nét chữ ấy.

Cách vài hôm , bất ngờ Quân nhận được lá thư của một cô gái tự xưng là Phượng, gởi đến ngỏ lời khen phục bài thơ “Tuổi Hoa”, sau cùng xin kết bạn trao đổi thư tín với mình. Phượng còn cho biết cô cũng ở nội châu thành Mỹ Tho nầy, và sở dĩ rõ được địa chỉ của Quân là nhờ đã hỏi trên nhà báo… Khỏi phải nói, Quân vô cùng sung sướng, hãnh diện đem khoe ngay với Thanh.

– Bài thơ con cóc của tôi coi vậy mà được người ta phục sát đất nè!

Thanh tiếp lấy đọc qua, rồi nói:

– Anh đừng trả lời. Tốn tiền tem, chẳng ích lợi chi ráo.

– Thanh không đọc đoạn tái bút à? Phượng bảo có quen với bác Tám làm trong sở bưu điện, muốn gởi thư cho cô ta cứ đến nhờ bác trao lại là được. Cô ta gởi thư cho tôi cũng bằng cách đó.

– Bác Tám, bạn thân ba tôi đấy à?

– Ừ, thì bác ấy.

– Dù vậy anh cũng không nên liên lạc với cô bé làm gì, để thời giờ viết thư đó lo học bài còn hơn.

Quân cau mày:

– Nói chuyện với Thanh thật chán ngấy.

Ngay hôm sau Quân nắn bút viết cho Phượng một lá thư đáp lời.

Từ đó đôi bạn thường gởi thư cho nhau luôn. Song Quân không khỏi ngạc nhiên khi thấy bắt đầu từ lá thư thứ hai trở đi Phượng không hề đả động đến chuyện văn thơ, cũng như không hề tỏ ra thích đọc hay sáng tác thơ văn, như đã bảo trong thư đầu. Suốt mấy thư sau, Phượng chỉ nói đến việc học tập : Nào khoe mình học giỏi, nào khoe mình được cô giáo khen… toàn những lời kiêu hãnh. Quân bực Phượng ghê lắm, nhưng không thể viết thư trả lời cô ta trước, vì như thế hóa ra mình kém hơn sao?…

Mãi hôm nay, Quân mới nhận được một bức thư của Phượng nhắc lại bài thơ của mình. Nhưng chết chưa, cô bé nhắc lại để cười Quân! Lá thư đầu của Phượng làm Quân vui bao nhiêu thì lá thư nầy làm Quân giận bấy nhiêu. Quân tức nhứt là mấy lời lẽ sau đây:

– … Quân à, Phượng có một người anh rất lười, đã lớn mà còn ham chơi, không lo học hành chi hết. Xin lỗi Quân nhé, Quân có như vậy chăng? Quân đã từng bảo là rất thích được “bay nhảy chơi đùa cho phỉ sức” mặc thời gian trôi qua kia mà…

Mỗi lần nhớ lại đoạn thư trên, Quân lại cau mặt nghĩ thầm:

– Con nhỏ nầy phách lắm. Mình phải cố học thật giỏi, có bảng danh dự gởi tới nó cho nó biết tay, kẻo nó cứ tưởng nó tài dữ lắm, không ai bằng được.

Đến tối cả nhà ngạc nhiên không thấy Quân rong chơi như mọi khi mà ở nhà chăm chỉ học bài, soạn bài.

Sáng ra, Quân dậy sớm cắp sách đến trường. Vào lớp ngồi ngay ngắn chú ý nghe lời thầy giảng, Quân chợt nhận ra những lời giảng dạy đó quả bổ ích và hấp dẫn.

Ngồi bên Quân, Tạo và Quỳnh vẫn luôn đùa giỡn. Đó là hai bạn thân của Quân. Cả ba dễ thân nhau có lẽ vì đồng tâm tính: tinh nghịch và biếng học.

Tạo vừa cười vừa hỏi Quỳnh:

– Ê, mầy lấy tên của ông Cống Quỳnh mà mầy vẽ được bằng ổng không hả?

– Ổng vẽ ra sao?

– Đánh dứt một tiếng trống ổng vẽ được năm con trùn bằng cách nhúng năm ngón tay vào mực quệt lên giấy.

– Thế thì tao hơn ổng rồi. Mầy cứ đếm ba tiếng đi, tao vẽ xong đủ thứ : nhà cửa, cây cối, núi sông… cho coi…

Tạo đếm tới tiếng thứ ba, Quỳnh đã cầm bút quành xong trên giấy một vòng tròn.

– Hay chưa?

– Cái gì lạ vậy?

– Trái đất.

Tạo bụm miệng cười. Chợt thầy gọi:

– Tạo, cá nhân là gì?

– Thưa thầy, cá nhân là… là loài thủy vật nửa người nửa cá.

Cả lớp cười ồ. Thầy quát:

– Ngồi xuống. Không điểm.

Quỳnh hỏi nhỏ:

– Mầy nhớ tới quyển truyện thần thoại tao cho mầy mượn hôm qua đó hả? Có thế cũng không hiểu. Nếu tao là mầy, tao trả lời được liền.

Thầy gọi tiếp:

– Đâu thằng Quỳnh giải nghĩa coi. Giỡn mãi!

Quỳnh đứng lên, nhưng rồi cũng ngẩn ngơ như ngỗng đực. Lại hột vịt, ngồi xuống!

Tạo cười hỏi:

– Sao mầy trả lời không được?

– Tao nói nếu tao là mầy tao trả lời được, thế nhưng tao vẫn là tao mà… Ô, xem kìa, thằng Quân giơ tay!

Thật thế, Quân giơ tay xin giải đáp, và nói rất đúng, vì đã nghe rõ lời thầy giảng giải ban nãy.

Đến giờ ra chơi, Tạo mỉa mai:

– Chà, hôm nay thằng Quân siêng dữ.

Quân nghiêm nghị:

– Tao nghĩ, chúng ta nên siêng năng lại một chút. Lớn rồi, vui chơi mãi người ta chê bai, hổ chết tụi bây ơi!

Quân tưởng hai bạn mình phản đối ngay. Nhưng không, cả hai đều lặng thinh. Trầm ngâm một lúc, Quỳnh nói:

– Tạo à, có lẽ mình nên nghe lời nó. Chơi đùa hoài ba má tao rầy quá!

Tạo gật đầu:

– Có lúc tao cũng nghĩ vậy, song thấy tụi bây bỏ học tao lại bắt chước theo, vì thấy dù sao cũng có đứa lười biếng như mình…
 
Quân hỏi:

– Vậy bây giờ ba đứa mình đồng lòng chăm học chứ?

– Đồồng lòòng!

Quả vậy, bắt đầu từ hôm ấy, thầy giáo và học sinh trong lớp nhứt A đều lấy làm lạ nhận thấy bỗng dưng cả Quân, Tạo, Quỳnh đều trở nên siêng năng rất nhiều. Thầy giáo vui lòng lắm. Ông thường khuyến khích ba cậu luôn.

Vì đã lâu không chuyên cần, nay trong bước đầu chăm chỉ học lại, Quân, Tạo, Quỳnh hơi luống cuống. Tuy nhiên nhờ biết tìm học ngày đêm, cùng nhau chỉ bảo học hỏi, chẳng mấy chốc bộ ba bắt kịp các bạn khác trong lớp. Quân, Tạo, Quỳnh còn thách nhau tranh đua cố gắng được hạng cao, được thầy khen thưởng. Do đó càng ngày cả ba càng tấn tới, gây nhiều sự mến phục ở mọi người.

Đạt đến mức giỏi giắn, Quân bỗng quên hết bao nỗi ghét giận đối với Phượng trước kia, trái lại còn xem Phượng như một người ân nữa.

Cũng lạ! Trong các bức thư mới gởi cho Quân, Phượng không còn khoe khoang tài mình như trước, mà ăn nói rất mực khiêm tốn. Thỉnh thoảng Phượng cho Quân xem một bài thơ của cô, và khuyên Quân hãy sáng tác thi văn trong những lúc rảnh rang để giải trí.

Có lần Quân ngỏ ý muốn gặp Phượng. Bạn cùng ở một tỉnh mà không biết mặt thì thật tức. Nhưng Phượng từ chối! Quân quay sang dò hỏi bác Tám mong được biết nhà cô gái. Song bác chỉ lắc đầu:

– Rất tiếc, Phượng đã xin bác giữ bí mật điều ấy cháu ạ.

Cũng như Thanh và hai bạn Quỳnh, Tạo, cuối năm Quân thi đậu vào lớp đệ thất trường công dễ dàng. Như một chiếc xe đã bắt trớn, chắc rằng từ đây ở cấp bực nào Quân cũng cần mẫn học tập. Dĩ nhiên, một tương lai rực rỡ đang sẵn sàng chờ đón Quân.

*

Sáng nay Quân thức dậy thật sớm, sửa soạn lên đường về quê cũ. Tưởng tượng nét mặt hân hoan đón tiếp của ba má, Quân thấy lòng tràn ngập sướng vui, và nôn nao khi nghĩ đến những thú vui thanh thản ở miền thôn trang đồng nội.

Quân soát lại sách vở của mình để cho nốt vào chiếc va li nhỏ. Thấy thiếu mất một quyển, Quân bảo thầm:
 

– Có lẽ nó lạc trong đám sách của Thanh.

Đoạn bước lại bàn viết lục tìm.

Trong khi giơ cao một cuốn tự điển, Quân bỗng thấy một phong bì rơi ra.

– Ô hay! Sao giống bì thư mình gởi cho Phượng hôm qua thế?

Quân nhặt lên, rút thư xem:

– Đúng thư của mình viết!

Vụt hiểu, Quân quên mất công việc lục tìm quyển vở, chạy đi kiếm Thanh. Gặp cậu em, Quân tươi cười bảo:

– Thanh à, tôi cám ơn Thanh nhiều, nhiều lắm nhé!

Thanh ngạc nhiên:

– Anh nói chi?

– Thanh đã giả làm cô gái tên Phượng viết thư nói khích cho tôi rán học chứ gì. Thôi đừng chối chi Thanh ạ. Tôi đã bắt được lá thư nầy trong cuốn sách của Thanh đây. Thật không ngờ! Hèn chi tôi thấy chữ của Phượng có nét giống của Thanh.

Ngưng một chốc, Quân tiếp:

– Tôi rất cảm động trước tình thương chân thật của Thanh đối với tôi. Thanh ơi, tôi cám ơn Thanh lắm!

Thanh nhoẻn miệng cười:

– Tôi chỉ hành động theo lời dặn của ba tôi, anh ạ.

– Suốt đời, tôi sẽ luôn kính trọng chú Ba và quí mến… Phượng.

Quân siết tay em. Cả hai cảm thấy yêu thương nhau hơn bao giờ hết.

Vi Lô     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 15, ra ngày 25-3-1964)
 

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

THI VŨ: người thơ với mùa hạ học trò



 
THI VŨ: một cái tên thật lạ đối với trang thơ của TH, NGUYÊN LY đặc biệt chú ý và giới thiệu THI VŨ với các bạn thơ vì ngoài giọng thơ xuất sắc – so với số tuổi và trình độ của em, THI VŨ còn là người gởi nhiều thơ – về mùa Hạ nhất.
 
Là một nam sinh lớp 10 trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng, với lớp tuổi mười bảy tung trời lệch đất, thay vì rong chơi nghịch phá cho đúng với câu “nhất Quỷ, nhì Ma, thứ ba học trò”. Nhất là học trò trai thì Thi Vũ lại để hồn mơ mộng theo từng chiếc lá, cành hoa, đôi khi lại là một tà áo phơ phất bay ngoài lớp học, cái mơ mộng thật dễ thương của tuổi học trò, cái mơ mộng đôi khi vụng dại, bởi vụng dại nên mới đáng yêu biết mấy…

THI VŨ làm nhiều loại thơ, phần đông là lục bát, có lẽ vì em thích loại thơ này, tuy nhiên những bài lục bát đó lại không xuất sắc bằng loại thơ 5 chữ, tiếc rằng loại này em không gửi được nhiều để Tuổi Hoa có thể lựa những bài hay hơn.
 
Bây giờ NGUYÊN LY mời các bạn theo dõi “những bước chân ngập ngừng” của THI VŨ trong phần đất dành riêng cho em.
 
HẠ HỒNG
 
Hạ hồng tô thắm tình hồng,
Môi hồng em nở nụ hồng dại ngây.
 
Bây giờ mùa hạ đến đây,
Má hồng em đỏ hây hây đượm tình.
 
Nhìn em vóc dáng xinh xinh,
Vườn bông thêm đóa hoa xinh giáng trần.
 
*
 
MÙA HÈ
 
Mùa hè trời nắng chang chang,
Mùa hè gió thoảng êm vang sáo diều.
 
Mùa hè vắng vẻ buồn hiu,
Mùa hè gây cảnh cô liêu sân trường.
 
Mùa hè nhung nhớ tiếc thương,
Mùa hè bao kẻ vấn vương tình nồng.
 
Mùa hè kẻ đợi người trông,
Mùa hè e ấp cho lòng hết cô.
 
Mùa hè không sợ trễ giờ,
Mùa hè hết sợ thầy cô dò bài.
 
Mùa hè sánh bước kề vai,
Mùa hè suối tóc được cài phượng mơ.
 
Mùa hè mây chảy dật dờ,
Mùa hè em dệt bài thơ MÙA HÈ.
 
*
 
HẠ BUỒN
 
Trời vào hạ nắng soi gay gắt,
Vào hạ rồi gương mặt buồn hiu.
Làm cho hết vẻ yêu kiều,
Làm cho xa cách bạn yêu thầy hiền.
 
*
 
TA ĐƯA EM VÀO HẠ
 
Ta đưa em vào hạ,
Khi mùa xuân đã qua.
Đi trên con đường phượng,
Nghe hồn mình vui ca.
   
 
Ta đưa em vào hạ,
Trên khắp nẻo đường hồng. 
Mình nghe lòng rộn rã, 
Em hết chờ trông mong.

Ta đưa em vào hạ,
Trời hạ đẹp như mơ.
Mình nghe hơi gió thở,
Hơi thở thoang thoáng qua.

Ta đưa em vào hạ, 
Ta, em đi thư thả, 
Nghe ve mừng hát ca 
Như chào đón đôi ta.

Ta đưa em vào hạ,
Phiến nắng trải chan hòa.
Ươm tình đầy ta dệt,
Đẹp như cành phượng tươi.
 
*
 
NUỐI TIẾC
 
Khi ve cất tiếng thở than,
Cho ta cách trở đôi đàng đôi nơi.
 
Hè sang ly biệt đây rồi,
Hè sang ta đứng ta ngồi không yên.
 
Hè sang cách trở bạn hiền,
Xa luôn thầy dạy trong niên học nầy.
 
Để rồi ngày một ngày hai,
Luôn luôn tưởng nhớ hình hài ai kia.
 
Hè sang ta phải chia lìa,
Hè ơi sao nỡ phân chia đôi đường.
 
Làm cho ta phải vấn vương,
Những ngày học cũ ta thường reo vui.
 
Rồi nay chia cách bùi ngùi,
Nỗi sầu nhung nhớ không nguôi: ủ mày.
 
Hè sang quả thật buồn thay,
Phượng ơi, phượng đứng nơi này với ai (?)
 
*
 
NHỮNG ĐOẢN KHÚC MÙA HẠ

Em có hay
Khi trời vào hạ
Cho chúng mình cách trở chia ly.

• Em có hay
Khi trời vào hạ 
Ánh nắng hồng gay gắt khó thương 
Cho đôi ta đôi ngả, đôi đường, 
Cho vạn vật xót xa : màu ly cách.

• Em có hay
Khi trời vào hạ,
Cho chúng mình phải từ tạ nhau đây.
 
*
 
GIAO MÙA
 
Trên lối xưa hoa nở rồi,
Từng chùm thắm đỏ một trời thật trong.
 
Lúa đã trổ nhánh đòng đòng,
từng chùm nặng trĩu những bông lúa vàng.
 
Trên trời gió thổi thênh thang,
Nhởn nhơ uốn lượn diều đang vẫy vùng.
 
Mục đồng thong thả ung dung,
Cho trâu ăn cỏ. Ngập ngừng tiếng tiêu.
 
Trên cây ve cất tiếng kêu,
Báo cho hè đến, lòng tiêu sơ buồn.
 
Bao ngày cùng học trong trường,
Yêu thương thắm thiết tình vương tràn trề.
 
Hè sang kết chặt nẻo về,
Từ đây cách trở bạn bè muôn phương.
 
THI VŨ
 
Với một hồn thơ êm đềm, nặng về thiên nhiên, THI VŨ hẳn sẽ không dừng lại ở mức độ này, NGUYÊN LY hy vọng như vậy và cũng chúc em được như vậy. “Tuổi ta còn trẻ, đường ta còn dài” mà, phải không THI VŨ. Mong em sáng tác hăng say và tiến bộ nhiều hơn nhé!
 
 
Thân ái           
NGUYÊN LY     
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 202, ra ngày 1-6-1973)


Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Mùa Hạ và Kỷ Niệm Rêu Xanh

 Những bước chân thật buồn đưa em về con lối vàng úa lá me. Em đã cúi thật thấp bên bờ cỏ lá cũng xám vàng... Thôi nhá! Em về, giã từ ngôi trường xinh trong sương mai, rực rỡ trong nắng hồng và âm ấp dạt dào trong tâm tưởng... Em ra về, chia tay với bạn, để càng thêm da diết nhớ những kỷ niệm vui buồn dịu dàng trong lớp học.

Ngày cuối cùng lớp học thật buồn, mấy đứa bạn rủ em qua sở thú chụp ảnh. Mùa hè hoa phượng nở đỏ kín con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, thật đẹp, nhưng em vẫn không yêu bằng những sáng mùa đông đứng bên khung cửa nhìn sang khu trường nhà trắng, sương giăng thật dầy, em chỉ thấy thật mờ thấp thoáng lớp học, và cây thập tự đứng buồn hiu hắt... Ôi! Những sáng mùa đông thật dễ thương của em, đến bao giờ em mới gặp lại...

Những ngày hè sẽ qua, thật chậm, em biết, cũng như nỗi buồn sẽ dai dẳng suốt những tháng hè. Em nhớ lớp học, nhớ Cô Mỹ Yến, nhớ dạt dào... Sang năm hết còn học Cô, chắc hẳn em sẽ chán ngán, và những giờ học cũng sẽ thật buồn! Chao ơi! Những công thức toán có bao giờ tạo cho em một chút hứng khởi?

"Cô Mỹ Yến, Cô Mỹ Yến" âm thanh nghe vang dội trong em với bao nhiêu thương yêu dạt dào. Tự trong tâm hồn, em thật bé nhỏ, nhưng những ngăn tim đã thật đầy, ăm ắp những cảm mến yêu thương em dành cho Cô. Cô Mỹ Yến nổi tiếng dễ thương trong trường, em biết, và có bao nhiêu học trò Cô cũng cùng một ý nghĩ như em. Chao ơi! Có một dạo em ghen với mấy chị đệ nhị, "Lớp A4 chắc hẳn được Cô yêu nhất!" Rồi em ngồi buồn hết mấy buổi chiều...

... Tiếng gió thật trầm, âm thanh càng làm em muốn khóc... Một lần Cô báo tin đi tu nghiệp, em cũng buồn cũng muốn khóc như bây giờ! Cô ơi! Em ao ước và thèm được sống lại những ngày học ở lớp 10B2 này, với một tuần ba giờ Sử, Địa ; hai lần gặp Cô, nhìn Cô giảng, em như muốn thâu nhận tất cả yêu thương ngọt ngào, chất chứa trong tình thầy trò thiêng liêng, cao cả. "Cô Yến rất yêu học trò", em nhận thấy rõ trong lời nói, và trong chuỗi ngày sống hiền hòa, vô tư bên Cô. Cô Yến vui tính và giảng bài lôi cuốn học sinh... Chao ơi! Với em lúc nào Cô cũng hoàn toàn, mến thương và đáng kính.

... Kỷ niệm về trong em thật nhiều, giờ thi Vạn Vật đệ nhị, cô Cẩn mượn giờ Cô Mỹ Yến, em ngồi làm bài và ánh nắng chói chang, nắng chiếu rực rỡ trên khung vở em, hiền hòa, nhưng nắng làm em chói lòa cả mắt... và thật dịu dàng, Cô xuống bảo Kim Ngân khép kín cửa sổ, chao ơi, em ôm ấp kín cả niềm vui, cảm động và hạnh phúc đến suốt cả ngày.

Bao giờ em cũng quý mến nhất những giờ Sử Địa. Em sung sướng, ngỡ ngàng khi tụi bạn bảo: "Cô giảng bài riêng cho mi, Hà ạ!". Em ngượng ngùng khi nhìn Mỹ Vân, Bích Loan nháy mắt nhau, làm điệu bộ trêu chọc. Nhưng em vẫn thật tiếc nuối khi tiếng chuông tan học lạ lùng cắt đứt lời Cô. Cô ra về, em và mấy đứa bạn đi thật chậm trò chuyện. Kim Ngân nói huyên thuyên, nhưng riêng em em chỉ nhớ đến Cô Mỹ Yến trong niềm bao la thương mến.

Có một lần cô Huệ Anh văn hỏi em và Ngọc Trinh: lớn lên làm gì? Trinh cười: "em thích chọn nhà dòng". Còn em, em đi dạy học, dạy Việt văn hay Anh văn chi cũng được... (Thật buồn cười, vì em đang theo đuổi ban B). Nhưng bây giờ em thấy mình thương môn Sử Địa dạt dào (khác hẳn với những ngày Đệ Ngũ, Đệ Tứ xưa kia).

Ngày đầu năm, gặp Cô lần đầu, em đã sung sướng lặng im nhìn Cô giảng bài, hãnh diện vì được học với cô (em biết trong chín lớp Đệ Tam, Cô chỉ nhận dạy có mấy lớp). Và rồi những ngày kế tiếp, giờ học Cô em đã cố ngồi thật ngoan, mải miết với những biến cố lịch sử Cô đang giảng dạy: "Sông Linh Giang chia đất nước, cuộc nam tiến mở màn cho dân tộc xuống định cư trên lãnh thổ Thủy Chân Lạp..." Em đã thật vui khi lắng nghe những truyện khoa học, thần thoại liên quan đến môn Địa lý ; và nhớ hoài một lần cuối năm Cô hát "N.C.G.V.N.D.V" của T.C.S. Với em, kỷ niệm bỗng dưng tuyệt vời, nhưng cũng tạo cho em bao tiếc nuối.

Nhưng... bây giờ bắt đầu mùa hè, mùa hè thật xám, thật buồn và em đang giã từ ngôi trường, giã từ bạn bè thầy cô. Dấu xe lăn chi chít trên đường hãy còn in rõ. Em thẫn thờ tìm kiếm một chút dấu vết còn sót lại trên đường để nhớ mãi buổi sáng hôm nay... những bánh xe vô tình đã đưa Cô Mỹ Yến đi thật xa, thật xa dần cách khoảng với em...

Nhưng trong tâm hồn em bỗng dưng xao động rộn ràng, em biết mình đang thương nhớ Cô hơn bao giờ hết.


MINH HÀ       
(T.V)           

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 180, ra ngày 1-7-1972)
 

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

Nắng Trong Vòm Lá

 

Có tiếng chim vỗ cánh
Bay vút tận đỉnh trời
Có tiếng chim ríu rít 
Đón hạ về muôn nơi

Ngoài đồng xanh phơi phới 
Bông lúa trổ đòng đòng
Trong vườn cây trái đỏ
Bầy trẻ con reo mừng

Bìm bìm dây quấn quít
Vương vấn mái tranh nghèo
Bồng bềnh lục bình tím
Lờ lững nước trong veo

Bên hàng giậu xác xơ
Chó nằm im thẫn thờ
Đàn gà bươi giun dế
Cánh bướm vàng thẩn thơ 

Trái mồng tơi tím ngắt
Rực rỡ bông cải vàng
Phượng trên cành đỏ thắm
Mây lững lờ đi hoang 

Nắng chiếu qua vòm lá
Nhìn qua kẽ trời xanh
Cánh diều vui uốn lượn
Chào hè sang thanh bình...

                                 Thơ Thơ 
                      (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

Gọi Buồn

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 Ưu ái về Nguyễn Diệu Anh Trinh

Mùa hạ đến, em có nghe khung nhớ
Nhặt phượng hồng rơi rụng khắp lối đi
Có bồi hồi nghĩ đến lúc chia ly
Hay ngơ ngẩn đôi dòng trong lưu bút

Em nào biết viết gì qua màu mực
Cho trôi mau ngày hạ nắng rơi rơi
Nắm tay nhau, môi khẽ gọi "Bạn ơi!"
Rồi rưng lệ nghẹn cười trên mắt ướt

Và từ đây tà áo dài tha thướt
Sẽ vắng dần theo mỗi lúc ngày qua
Nhường sân trường vắng nắng hạ đậm đà
Vô tình xóa những ngày thơ kỷ niệm

Ta còn đây bạn bè còn thương mến
Hãy nói gì trong nắng hạ vừa cao
Lá bạc hà một thoáng gió lao xao
... Đi bạn nhé! Hãy cùng nhau tâm sự.

                                        Tê hát NGUYỆT THI
                                       (Nữ Trung học Đà Nẵng)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 91, ra ngày 27-5-1973)

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

Nắng Hạ



THỨ SÁU...

Sáng nay trời lạnh chi lạ! Chả muốn dậy tí nào. Ngồi bên khung cửa sổ, nhỏ Liên mải ngắm những đám mây trắng trôi lững lờ. Mây xuống thấp. Dường như có một chút nước trong màu xam xám bên cuối chân trời. A, mắt nàng mây đang đong đầy lệ. Ước gì, gió thoảng nhẹ và chọc mây giận. Nàng khóc. Giọt nước mắt trắng trong bay bay qua khung cửa. Mình với tay hứng lấy rồi xuýt xoa kêu lạnh để vòi vĩnh với mẹ: Mẹ ơi! Trời dạo này lạnh ghê. Mẹ mua áo len mới cho con chưa...

Có tiếng ai đó gọi mình. Nhỏ Liên giật lấy mảnh chăn, bảo mẹ gọi có khách. Hoảng quá tung chăn ngồi nhanh dậy, lật đật chạy lại gương soi mặt. Trông vô duyên xấu xí tệ. Chả là con gái mờ... ngủ trưa! Năn nỉ nhỏ Liên xuống xem hộ ai thế. Chừng nầy (hơn 7 giờ rồi nhỉ?!) đã vác mặt đến. Còn đang mải dùng dằng bỗng ai bịt kín đôi mắt. Nghe thoang thoáng mùi hương đã biết là nhỏ Thảo. Chao ôi! Mi có buông ta ra không. Làm chi mà đến sớm thế. Làm ta cứ rối lên. Nhỏ Thảo cười ngặt nghẽo. Công Chúa giỏi ghê nhỉ. Đã ngủ đến giờ nầy còn sợ chi ai mà rối. Để sáng nào ta rủ Nguyễn đến chơi nha.

Mình gỡ tay nhỏ Thảo. Ờ, thì Nguyễn. Đây đã biết sợ ai. Phải không, hở Huyền?!


THỨ NĂM

Sân trường đã vắng những xe gắn máy ngang dọc. Chợt nghe ngôi trường bé nhỏ nầy rộng thênh thang. Hai dãy bàn dưới chân cầu thang, nơi cả trường vẫn kéo nhau ra uống Yaours đá đó, chẳng còn ai. Tự dưng nghe mắt cay vì ý nghĩ bạn bè mất hút.

*

Chiều nay đạp xe chậm dọc theo đường Công Chúa (tên của nhỏ Thảo đặt đấy) mãi miên man về khoảng thời gian trống không trước mặt. Sao sợ chi lạ những tháng hè. Những sáng những chiều đi về thui thủi. Nhỏ Thảo vừa về quê. Xin mãi mẹ chả cho theo nhỏ chơi. Về quê, nằm dài trên rừng lá khô hát vu vơ theo tiếng đàn của những gió xạc xào trên lá cây thích lắm. Nhỏ Thảo vẫn  dụ dỗ hoài. Mình chả hưởng cái thú ấy bao giờ. Sống ở Saigon mãi không khí đầy những bụi bậm và khói xe, không biết đến bao giờ mới được dậy sớm trông mặt trời mọc. Hít thở không khí trong lành của buổi sáng đồng nội đầy những hương thơm lúa chín trong gió thoảng lại. Hương lúa chín, chẳng biết có thơm như những hơi khói bốc ra từ trong nồi cơm vừa mở nắp không nhỉ? Chắc là tương tợ vậy...

Những chiếc lá chiều nay bỗng quấn quít mình nhiều hơn. Chắc nó biết mình sắp xa nó. Tạm xa những sáng đạp xe nhịp nhàng đến trường. Nón Nàng tiên tay cầm để tóc tự do tung bay trong gió. Và để lá mơn man trên tóc trên má. Dường như lá thì thầm. Những thì thầm thật dễ yêu như dành cho riêng mình. Con đường chả là riêng mình sao?!

Một chiếc lá chập chờn trước mặt. Vừa thoáng thấy đụng mặt đất đã cất bổng mình lên. Luyến lưu nhiều đến thế! Không biết lá có hay khóc không?!


CHÚA NHỰT...

Nhỏ Liên sắp thi phần một. Tối ngày cứ ôm cuốn vạn vật dầy cộm ngâm nga. Trông đến tội. Mình bảo nhỏ đừng lo quá, thi chả rớt đâu. Đi thi khó rớt ghê chứ nhỉ, chỉ phải cái chả đậu cao được. Mà đậu cao có làm được gì đâu!

Hôm qua, "thằng nhỏ" dạy kèm nhỏ Liên đến từ giã để tạm nghỉ cho học trò có thì giờ ôn bài vở. Hắn mang theo hai chiếc nón lá (nón bài thơ xứ Huế đấy) bảo của người nhà mang vào nên đem ra tặng hai chị em. Rõ vô duyên! Ai đã quen từ bao giờ đâu mà quà với tặng. Chả biết thân còn đòi gặp "cô" Huyền. "Cô" Huyền nào có chuyện chi để nói với em đâu "cậu nhỏ".

Nghe nhỏ Liên lên phòng gọi, chỉ muốn xuống bảo hắn mang nón về. Đây chả thích nhận quà của người lạ. Người quen đây còn chưa nhận nữa là Phải không Thảo nhỉ? Nhớ hôm ăn liên hoan cuối năm không? Quê ghê vậy!). Nhưng lại sợ xuống dưới chả dám nói hết ý mình. Nhỏ Huyền thì bao giờ cũng chỉ được cái tài nói phét với... nhựt ký thôi. Có bao giờ ăn nói lại ai đâu. Bèn nhờ nhỏ Liên xuống từ chối hộ. Lại còn ác, cố dặn nhỏ bảo là chị ấy vừa được một anh bạn cũng tặng cho chiếc nón Bài thơ, nhận nữa chả sao xài hết. Cất kỹ trong rương cứ sợ hư nón "thầy".

Chiều xuống ăn cơm. Giận thật giận khi thấy hai chiếc nón vẫn nằm đó. Một đã được cởi giấy ra, một vẫn còn nguyên. Lại giấy đỏ nữa chứ. Khéo đi ăn cưới nhà ai đó. Hỏi nhỏ Liên sao hắn chẳng mang về, nhỏ bảo chị giỏi xuống nói đi. Làm sao em dám nghe chị. Nội nghe chị cáo bệnh là "ổng" đã buồn rồi. Bệnh chi mà mới thấy đi chơi về đó đã bệnh rồi.

Trở lên phòng bỗng dưng lại giận nhỏ Liên. Huyền ơi người chi lạ vậy?!


THỨ HAI

Mình tặng nhỏ Hồng cái nón. Nhỏ mừng ghê vậy. Mở gói giấy ra, cơn giận lại đùng đùng nổi dậy, vì hàng chữ của hắn viết: Mến tặng bé Huyền. Bé Huyền. Hay nhỉ, dám gọi vậy là cùng. Mách mẹ, mẹ chỉ cười. Ức đến độ phát khóc lên được. Nhỏ Hồng ngỡ ngàng nhìn mình, rồi lại nhìn chiếc nón mới. Ai hiểu cho Huyền đây?!

Nhớ hôm liên hoan cuối năm, sắp sửa đi về thì gặp Nguyễn, ông sinh viên đàn anh của mình. Những gặp gỡ thường ngày mình thấy Nguyễn cũng hay hay. Chả là gì song ai cũng nói Nguyễn là "anh" mình mà. Nhiều lần Nguyễn vẫn đến nhà. Nghe mình kể những buồn vui Hóa-Học. Chỉ dẫn một vài chuyện rồi về. Trông Nguyễn hiền và... nhát gái chi lạ.

Hôm đó, Nguyễn cầm một gói nhỏ màu trắng. Chả biết là gì. Trông anh lúng túng đến phát tội. Hỏi một vài câu vu vơ, anh chúc mình... học hay và đẹp mãi (Eo ôi!). Đoạn trao gói giấy. Liếc thật nhanh, thấy hàng chữ to xinh xắn: Mến trao bé Huyền, mình hoảng quá. Lí nhí bảo cám ơn anh, Huyền chả dám nhận. Rồi vụt bỏ chạy. Mặc Nguyễn ngẩn ngơ với quà tặng trên tay. Về nhà soi gương, vuốt lại mái tóc chợt nghe mắt cay cay. Người ta bảo những sợi khói gì vương vào mắt nhỉ? Mình đã lớn rồi sao?! Tự dưng thẹn thùa và những chữ bé Huyền dan díu mãi trong hồn. Từ dạo ấy đến nay chả gặp Nguyễn. Nhỏ Thảo cứ trêu hoài, chưa thấy ai quê như mi. Đàn anh tặng quà có chi mà phải chạy. Ừ nhỉ!

Đàn anh, "thằng nhỏ" dạy Liên có phải đàn anh mình đâu, cho dù hắn đã học bốn năm trường thuốc. Bày chuyện tặng quà còn dám gọi là "Bé Huyền" nữa chứ. Bé Huyền - Bé Huyền, phải anh dạy hắn chọc Huyền đấy không Nguyễn?


THỨ TƯ

Đọc Nội San số "ra trường" mà nghe thương thân phận đàn anh, và thương cả mình. Sao đời thật nhiều những bất công và sao mình chịu quá nhiều những bất công. Ngày mai ra trường, mình sẽ ra sao nhỉ?! Những ước mơ của con bé bỗng dưng chùng lại. Nỗi lo lắng mơ hồ và tràn ngập trong hồn. Muốn gặp một vài người quen khóa 7 mà chả gặp ai.

Ngang qua phòng Học Vụ, cô H. hỏi nhỏ đi đâu đó. Chả lẽ đáp buồn quá đi lang thang (mẹ mà biết được ý nghĩ này trong hồn chắc phải gọi lại "lên lớp" một buổi). Thấy cô cũng rảnh nên ngồi xuống chơi - Dạ, nhớ cô quá đi thăm đấy. Cô H. cười to thành tiếng. Thôi đi cô, ai dám tin mấy cô. Cô bao giờ cũng yêu đời, mình nghĩ vậy. Chả bù con bé nầy đang chán đời (eo ôi! Ghi xong hai chữ "chán đời" lại giật mình tự hỏi không biết thật hay nói phét đấy. "Chán đời" là vầy sao?!)

Hỏi thăm cô vài chuyện giả bộ bận nên đòi về. Ai đã muốn lưu mình lại đâu mà phải nói dối nhỉ. Bước xuống cầu thang, thấy phòng Ban Đại Diện bỗng dưng cười một mình. Ước gì giờ nầy có nhỏ Thảo bên cạnh. Chắc "hắn" sẽ bảo mình... Ối cô bé quê đi đâu gấp vậy...


NGUYỄN THANH DU NGỌC    
(áo trắng Hoa Học Trò)         

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 23, ra ngày 5-4-1972)

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2022

Lặng Lờ

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Chân bước nhẹ nghe từng cơn gió thoảng
Khung trời buồn  lời nắng hạ rưng rưng
Dư âm vang thoang thoảng tưng bừng
Dạo khúc nhạc nhắc từng cơn ly biệt

Lá siết tay khẽ từng lời tha thiết
Hàng cây buồn màu huyết phượng đầy sân
Đời học sinh điểm lại đã bao lần
Nghe kỷ niệm xây lên mùa nhung nhớ

Hoa soan ơi! Xin đừng vội nở
Lời ngập ngừng nức nở tiếng ve ru
Tay chia tay dù xa vắng mịt mù
Lời luyến nhớ ôm từng trang kỷ niệm

Nắng vàng thêm tâm tư càng chết lịm
Xua trũng buồn ngày tháng điểm đầy vơi
Tay chia tay chuyền lại những lời
Lời luyến nhớ thay những lời giã biệt

                                               MINH TẤN LÊ
                                            (Bồ Đề An Hải Đà Nẵng)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 40, ra ngày 28-5-1972)

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

Hương Hạ

 Một
 
Buổi trưa có những cơn nắng thật vàng, đậu thật nhẹ trên những chiếc lá sao nhỏ. Em ngồi bên chiếc dương cầm, bấm nhẹ một nốt nhạc. Âm thanh cao vút, vỡ tan trong buổi trưa im lặng, thật im lặng, chị Cung đã cốc nhẹ vào đầu em: Không để cho bố nghỉ trưa hả? Em cười, một nụ cười gượng gạo. Buồn quá chị Cung ơi! Sao em thấy buổi trưa hôm nay trống vắng lạ thường. 

Em chạy lanh chanh xuống nhà, nhón nhẹ quả ổi, thêm hai quả nho mọng nước rồi trốn lên phòng. Em cắn nhẹ, mầu tím mát lạnh của nho ngập đến chân răng, gây một cảm giác khoan khoái, giá lúc này được ngồi trong lớp nhỉ? Em có thể cúi mình xuống lượm viết chì rồi tiện tay cắn nhẹ quả ổi xanh, mềm, hay bỏ thật nhanh vào miệng quả ô mai cay cay. Những hương vị dễ yêu, những cảm giác sung sướng tràn ngập. Nhỏ Dung sẽ cười nhẹ, nhỏ Khanh thì nhai thật chậm để vị cay của ô mai làm tê đầu lưỡi, và nhiều, nhiều nữa. Lũ học trò nhìn nhau cười nhẹ. Ạ! Bàn của nhỏ Hà có kẹo, cho tao một chiếc mi. Này, có gì đổi không? Không... à có... ô mai, ổi? Ê! Ngọc Lư, soài nè, đổi cho tao ổi đi. Những mẩu chuyện nhỏ, những "hàng quà" chuyền nhau thật nhanh, thật chóng. Tiếng cười khúc khích làm bà giáo sư ngẩng đầu lên. A! Tao biết rồi, cô đang ngậm kẹo đấy. Nói nhỏ chứ, cô nghe à. Bà giáo sư tròn xoe mắt, nhìn lũ học trò "chăm chỉ" (?) làm bài... Cô đi xuống, dạo theo những dãy bàn của những cô bé có hai ruban tím. Cô vừa đi vừa ngậm kẹo, sời, nhỏ Phương làm bộ hay ghê, coi kìa... Ê! Khánh, câu hai làm sao? Tao hổng biết ợi, hỏi nhỏ Lê coi... Cô cười nhẹ, vuốt tóc nhỏ Du và bỏ nhẹ xuống bàn nó một viên kẹo chanh, à, cô cho nhỏ Du kẹo. Du đổi tao đi, tao thích kẹo chanh. Hông, cô cho tao mờ... chập chập, ngon quá Ngọc Lư! Dịch vị em làm việc một cách mau lẹ... Thôi thì ta ngậm đỡ viên xí muội, ngòn ngọt chua chua... Tiếng chuông reo vang, học sinh vội vàng xếp sách vở ra về. Mai ơi! Còn cái nầy tính sao đây. Thì đem về nhà ăn tiếp. Tao thấy ăn ở nhà không ngon bằng ở đây, cũng một viên ô mai mà tao ăn thích thú ở trong lớp và nhạt nhẽo trong căn phòng vắng của tao, phải không Bích? Dung ơi, tao khát nước quá, mày bao tao ly đậu đỏ nha. Ăn tầm ruột hông? Tao thèm quá trời. Có tiền không đã, ý quên, hổng có ơi...

Giấc ngủ ùa tới vây quanh em, mắt em nặng trĩu, gió thổi nhè nhẹ và những chiếc lá sao reo vui bên chiếc cửa sổ màu xanh...
 

Hai

Những cơn mưa nào đến vội, những thoáng buồn nào thẩn tha... Em nghiêng đầu, đôi tay luồn vào mái tóc bồng và cong cớn xoải ngang vai. Những hạt mưa nào vỡ tan trên da thịt, làm những cành ngọc lan trắng muốt rơi xuống thảm cỏ xanh. Những hạt mưa dệt thành một tấm lụa trắng bao cả phiến mây trắng chở đầy mơ ước thần tiên. Em đi một mình dưới con đường có hai cây đan lấy nhau và những hạt mưa làm môi em đắng.

Hạt mưa chảy dài từ trên bầu trời có màu xanh hy vọng làm bốn cô bé mặc áo mưa hồng nhìn nhau cười. Bốn cô bé cười thật vui, chạy lúp xúp trên những bãi cỏ ngập nước hay đứng nhìn đỉnh tháp nhà thờ cao vút mờ trong mưa, đưa tay hứng lấy hạt mưa mát lạnh, hái lén những cành trắc diệp có những hạt mưa lóng lánh hay lượm những cánh phượng đỏ ướt nước mưa. Ngọc Lư ơi, ướt tóc tao rồi nè, tí nữa vô cô la tao là mày chịu đó. Dung ơi! Áo tao ướt hết rồi, làm sao đây? Nhỏ nào có gì để đựng mấy cành trắc diệp này không? Bỏ vô cặp đó. Ướt vở tao làm sao? Khánh ơi, không biết chiều nay có mưa không nhỉ? Tao sợ mưa làm con hẻm tao dơ bẩn quá, Dung ạ! Tối nay ngủ đắp chăn mà ngoài trời có mưa thì thật thích phải không Khanh? Đêm mưa mà nghe Mai Hương hát bài Phố buồn là thú nhất. Mà mày chép cho tao bản đó nghe Khanh. Không biết mưa như vầy, bà bán tầm ruột đi bán không? Mấy bữa ni, tao thèm tầm ruột ghê "dậy" đó! Tầm ruột mà chấm mắm ruốc, sời ơi, ngon ghê! Chua chua, ngòn ngọt, nhất... à, Ngọc Lư ơi! Mày có đem kẹo chanh đi hông? Trời mưa mà ngậm kẹo chanh là nhất. Bà Cung cũng ngậm kẹo một cây, hôm nọ bà í cho con Phương một cái í...

Em yêu những mẩu chuyện nho nhỏ dưới cơn mưa và những cô bé áo trăng ôm tập vở thơm mùi giấy mới... Cơn mưa đã dứt, chỉ còn vương lại ở cành trắc diệp, hay tàn phượng đỏ thắm. Dung ơi! Khánh ơi! Khanh ơi! Tao cô đơn quá... bây giờ tụi bây có nhớ con nhỏ Ngọc Lư này không...?
 

Ba

- Ngọc Lư ơi! Xuống đây có cái này nè...

Em chạy thật nhanh trên những bậc thang mát lạnh. Chị ở đâu? Đây nè. Úi chao! Tầm ruột, ổi, soài... ở đâu vậy? Ăn được hông? Cắn miếng nhé? Từ từ đã, làm gì dữ vậy. Cho miếng đi chị Cung. Khoan đã, "bê" hộ lên lầu coi. Sẵn sàng, tuân lịnh bà Đại Tướng Ngọc Cung. Lẹ lên, má thấy bây giờ, lẹ lên...

- Ngọc Lư ơi! Qua đây... ăn khô mực hông?

- Ngọc Lư ơi! Có cái nầy nè... bánh mua ở cung Trầm đó...

- Ngọc Lư ơi!...

- Ngọc Lư...

- Ngọc...

- Lư...

Những điệp khúc quen thuộc đó, ngày nào em cũng nghe bà chị Ngọc Cung nói - hầu như thế - Đến nỗi em sợ luôn những món ăn làm dịch vị làm việc quá nhiều. Em đã sửng sốt khi thấy cây kim ở bàn cân đứng ở tiệm thuốc tây Thúy Anh nhìn em cười. Một nụ cười chế riễu ư? Em vội vã bước thật nhanh về nhà. Dọc đường, hầu như mọi người nhìn em với câu nói: Ồ! Một bà mập, thì ra tại vì em đã "làm việc" (?) quá nhiều, sáng, trưa, chiều, tối, em và bà chị Cung quí hóa đều dạo quanh các hàng quà quen mặt. Đã thế em lại còn ngủ sớm và dậy trễ, buổi trưa nào không ngủ là cả một thiếu sót to lớn, thật to lớn. Em chẳng nghĩ gì khi thức dậy sau một giấc ngủ trưa dài ba, bốn tiếng và vẫn ung dung ăn quà thật nhiều. Đến bi chừ, tình trạng báo động đó đã đến thời kỳ trầm trọng nhất. Em sợ những lời ngọt ngào của bà hàng chè, bánh canh, đu đủ... và nhiều, nhiều nữa.

Dung ơi! Hy vọng sau hè tao sẽ không bị mày và nhỏ Khanh, Khánh chọc là bà mập, Dung ơi...!
 

Bốn

Và một thoáng bỡ ngỡ nào đó, khi tức dậy buổi sáng... Ơ! Mình nghỉ hè mờ, đâu có đi học. Rồi nằm im nhìn những phiến mây hồng của buổi sáng mà nhớ đến Dung, Khánh, Phương, Hạnh và những cô bé có ruban tím thật dễ yêu. Nhớ làm sao, khi một buổi sáng thật trống vắng, tiếng giảng bài, tiếng giầy chạy lanh chanh ở dãy hành lang ngập nắng, tiếng cười, ly đậu trắng thật bùi và những giờ ăn vụng. Khánh ơi! Tao phải chờ đến hai tháng hè nữa... dài quá Khánh ơi...! Sao tao nhớ những quả ô mai hay những viên xí muội của mày đó, Hạnh ạ! Bây giờ, con nhỏ Dung còn để tóc dài rồi cột ruban không? Đêm qua tao mơ thấy bà Bích Lan cốc tao hai cái về tội không làm bài, Khánh ạ. Bây giờ tao nhớ hai cái cốc của bà Bích Lan quá...

Phượng đỏ chưa tàn, em chưa đi học... Em vẫn ở nhà ăn no, ngủ kỹ. Bỏ bạn bè, thầy cô và sách vở vào hộc tủ khóa kín và trong một thoáng nào đó, ôm tập vở trắng vào lòng để thấy mái trường ngói đỏ và tường vôi...
 
 
HOÀI HƯƠNG NGUYÊN KHANG    
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 90, ra ngày 20-5-1973)

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

Ngập Ngừng

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Em vừa qua tuổi mười ba bé dại
Thật dễ thương với ánh mắt nhung nai
Búp bê hiền ngoan ru ngủ suốt ngày
Như suối mơ tóc huyền cài hoa dại

Sáng nào đó em trở mình thức dậy
Muốn nằm hoài nghe chim hót trên cây
Thấy tóc tơ mướt như một làn mây
Và nắng mai trải dài trong ánh mắt

Bước đi qua hay còn nên đứng lại
Ngập ngừng hoài hoài trong buổi sớm mai
Mười bốn ngọn nến hồng thấp thoáng trên ngai
Em thổi tắt thôi chào mười ba tuổi

Mộng mơ nào đang theo em rong ruổi
Mắt bây giờ đã rối những sợi tơ
Tay lướt mau trên phím nhạc hững hờ
Giờ toán học nhìn ai trong trí nhớ

Những câu thơ chép đầy trong giấy vở
Và những đoản văn chứa chất mộng mơ
Em đứng bên đây ngóng mắt trông chờ
Bờ mười lăm hẳn có nhiều mới lạ

                                              THÙY NHI

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 24, ra ngày 20-4-1972)

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

Phượng Thắm





 
 
 
 
 
 
 
 
 
Hoa phượng nở thắm đầy

Bên thềm gió lung lay

Thuở ấu thơ bé dại

Vô tư theo tháng ngày


Hoa phượng nở thắm đầy

Tiếng ve sầu mê say

Bạn bè bao nhiêu đứa

Còn mất chẳng ai hay


Khi rời xa mái trường

Để sửa soạn lên đường

Đàn chim nay tản lạc

Bay đi khắp bốn phương


Khi rời xa mái trường

Bỏ lại bao nhớ thương

Bên đường rơi cánh phượng

Ngàn kỷ niệm ngát hương


Chiều xuống nhẹ bên sân

Ngày ấy bao tình thân

Phượng bên nầy tím ngắt

Chẳng đỏ mầu hân hoan


Chiều xuống nhẹ bên sân

Nắng vương vãi mất dần

Bản nhạc xưa gợi nhớ

Trong hồn ta bâng khuâng...



                                Nhã Uyên
 

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

Tà Dương

Vài điểm đỏ bắt đầu nhấp nháy. Ánh đèn sáng trưng. Tiếng nhạc vang lừng từ một quán ăn, bay lên rộn rã. Người chen chúc, xô đẩy nhau. Đi như bị tảng nam châm vĩ đại từ xa lôi cuốn tới. Mỗi người là một hòn bi. Người ta lăn dài, trên con đường đã định sẵn lằn mức. Rồi dừng lại ở một cao lâu hay một hiệu nước, một cửa hàng. Hoặc đứng trước khách sạn. Như ba và Hoàng Yến.

Bằng đôi mắt ngỡ ngàng sáng hôm qua, Yến nhìn mọi người. Từ trái sang phải. Gần đến xa. Ông già say rượu, nói lảm nhảm. Tay cầm chiếc mũ phở quờ quạng. Mắt đỏ ngầu. Thằng bé gác thanh máy. Vẫn bộ áo đồng phục cũ nát, viền trắng rộng thùng thình. Nó đứng dựa vào tường, mệt mỏi. Cũng thói quen gác hai chân lên quầy, cô thu ngân viên ngồi chuyện gẫu với người đàn bà. Bà khách ở trước cửa phòng Hoàng Yến. Và rộng lớn hơn hết thảy, úp chụp lên tất cả, là khách sạn. Căn nhà có hai tầng, lát gạch bông trơn mát. Đặt chân xuống, sàn như bôi mỡ bóng nhẫy. Tường nhám những hạt cát nhỏ, đầy dẫy. Toàn một màu nâu u tối và lạnh.

Yến mở cửa sổ, chồm người nhìn xuống đường. Xe cộ chạy dập dìu. Người qua lại đông đảo bên hè phố. Ở ngã tư, đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy thay đổi. Ba làm Yến quay lại bằng câu nói quen thuộc. Không, câu nói hôm qua. "Làm gì nhìn chăm chú thế Yến, coi chừng chóng mặt". Coi chừng chóng mặt, Yến mỉm cười. Nhớ lại lần đi trên cầu. Cầu nổi chợ Bến Thành. Eo ôi là sợ. Yến cũng nhón chân, nhìn xuống. Cảnh vật quay cuồng theo vòng tròn. Yến suýt té, may mà đã có ba kéo xuống.

- Có chắc chiều mẹ đi Saigon không ba.

- Chắc chứ con.
 
Ba lơ đãng trả lời. Chăm chú đọc báo. Yến mở hộp bánh. Những chiếc bánh tròn, kem sóng sánh đặc trên mặt. Lá xanh thơm ngát bên vài đường chỉ nâu chạy xung quanh. Paté-chaud đầy thịt, ngậy mỡ. Những lớp bánh mỏng, phồng cao và xốp.
 
Ba bỏ tờ báo trên mặt bàn, đứng dậy:
 
- Yến lấy hoa, ba cắm cho.
 
- Ba cắm được hở ba? 

Ba gật đầu. Yến hớn hở đi tìm bó hoa. Bối rối, ba cầm dao, tẻ lá. Yến nhìn ba ngập ngừng cười. Lọ hoa cẩm chướng màu cam gạch. Dịu mắt. Lá xoải dài nghiêng nghiêng. Lọ cao. Trong suốt thủy tinh.

- Thôi thế này cũng được. Để chốc nữa mẹ cắm lại.

Ba trông ra cửa sổ, chờ đợi. Tuy cầm quyển truyện trên tay, Yến không buồn đọc. Giòng chữ nhảy lung tung. Yến sốt ruột, ngồi bó chân trên ghế. Ba chai nước ngọt để trên bàn. Thêm một chai rượu cho ba. Bình hoa ở giữa. Một cái ghế trống chỗ, của mẹ. Đã đủ bánh kẹo. Đã sẵn thức ăn. Ba châm một điếu thuốc:

- Mai là thứ mấy Yến nhỉ?

- Dạ, chủ nhật.

- Chủ nhật à. Mai ba dẫn con đi xem xi-nê, chịu không?

Yến vỗ tay:

- Thích quá! Phim gì ba hở?

- Phim chưởng con nhé.

- Là sao ba?

- Là phim đánh nhau, trả thù.

Yến xịu mặt, chống cằm. Nhưng lại cười ngay:

- Cũng được ba ạ. Xem xi-nê con thích nhất rồi... Mà mẹ lâu về quá ba.

Ba thở khói lên trần nhà.

- Chắc mẹ bận gì, con à... Tí nữa mẹ về ngay đấy.

Yến lại cười. Chuyện vui và buồn như mưa và nắng.

- Mẹ về thì ở chỗ khác ba nhỉ?

- Ừ, mẹ có mua nhà rồi. Ở đây mãi sao được.

Óc Yến vẽ ra một ngôi nhà. Giọng nói háo hức:

- Vâng, con thích nhà mới. Trồng hoa hồng nhé, hoa ngâu nhé. Có cả vườn, cả xích đu nữa...
 
- Có lắm thế ba phì cười. Yến đỏ bừng mặt Này Yến, con sắp vào trường mới. Con có nhớ nhà không?
 
- Không ba.
 
Yến lắc đầu. Tỉnh lỵ buồn, nhiều mưa. Chỉ mưa ồ ạt, kéo dài mấy ngày liên tiếp. Làm lầy lội những con đường hẹp. Tỉnh nhỏ với những hồi còi tầu rít, âm thanh lặng lẽ, thê thiết. Xe lửa chạy xình xịch, khói đen thả ra đầy nghịt bầu trời.

Chiều rồi. Nắng phai trên nóc nhà, héo hắt đầu ngọn cây. Hình dung sinh nhật mẹ vào buổi chiều, Yến mặc áo đầm mầu hoa cả, mời mẹ ngồi tại chiếc ghế có hai nhánh bông hồng trước mặt. Mẹ cài lên ngực áo Yến một cành. Và mẹ thổi tắt nến sinh nhật lung linh cháy.

Yến mở tủ. Áo còn. Mẹ vẫn chưa thấy về. Tủ gương hắt bóng Yến trong đó. Soi rõ đôi mắt long lanh. Chậm rãi, ngồi xuống ghế, Yến thổi tắt giùm mẹ những ngọn nến sinh nhật.


CÚC HY          
Nhóm Hoa Tiên   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 85, ra ngày 15-4-1973)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>