Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

Đạo Phật Xưa và Nay

 

Cách đây hơn 2000 năm, dân chúng thuộc giai cấp lao động ở Ấn Độ sống trong sự khốn khổ không cùng, rên siết trong sự đói khổ về tinh thần lẫn vật chất. Điều đó cũng không lấy gì làm ngạc nhiên bởi lẽ vào thời đó mọi quyền hạn đều nằm trong tay những tu sĩ và tín đồ đạo Bà la Môn, họ có cả một thế lực to lớn khuynh đảo ngay cả triều đình. Họ quan niệm rằng chỉ có những người của đạo Bà la Môn mới được sung túc, ngoài ra những kẻ khác phải làm lụng cực khổ để cung phụng cho họ. Thêm vào đó, người đời trong xứ đương thời cho rằng chỉ những kẻ giàu sang, những kẻ địa vị cao mới có giá trị lớn, còn đám cùng dân chỉ là những sinh vật hèn mọn không thua kém thú vật, điều này đã làm cho dân chúng khổ sở về tinh thần vô cùng và họ không có một chút ý hướng vươn lên bởi mặc cảm về thân phận. Giữa cảnh đen tối đó, đạo Phật đã ra đời đánh dấu một biến cố lớn làm đảo lộn cả những quan niệm sai lầm và khai sáng một tinh thần mới cho dân tộc Ấn Độ nói chung nhất là đám dân khổ cực đã nhận thức được ánh sáng của chân lý đang lần lần xua đuổi bóng tối của mặc cảm bấy lâu nay đeo đuổi trong tâm trí họ, họ như kẻ mù lòa được nhìn ánh sáng lần đầu và ánh sáng đó như ngọn lửa nung nấu ý chí vươn lên trong họ và giá trị của họ từ đó được bảo đảm.

Vì vậy chúng ta đã thấy rõ là đạo Phật đã thành công trong việc thức tỉnh và biến cải lương tri con người.

Giáo lý và triết lý của đức Phật đã trở nên một thần dược xoa dịu những khổ não và xóa tan được những mặc cảm trong lòng họ, đức Phật trở nên một thần tượng của đạo đức và thanh khiết. Dân chúng đã trở về với linh kỳ của đức Phật đông đảo, sự trở về không phải tìm nơi ẩn náu mà là để góp tay xây dựng lại xã hội đang trong thời kỳ ruỗng nát. Họ tìm về với đức Phật không phải chỉ để công nhận một mớ lý thuyết hay, đẹp, suông mà bằng vào thái độ và hành động để cứu giúp đời. Đời sống đức Phật là bằng chứng cụ thể để chúng ta có thể tin vào đó là sự thật.

Trong khi dân chúng đang hướng về và coi nhu cầu vật chất như là mục đích của cuộc sống, như là cây thước đo giá trị con người thì ngược lại đức Phật đã dứt bỏ cung vàng điện ngọc sau lưng để đi tìm đạo giải thoát chúng sanh.

Trong lúc mọi người đang cố gắng đạt cho được địa vị cao sang trong xã hội thì đức Phật từ chối ngôi vua cao cả của vua cha truyền lại.

Rồi từ đó khi đức Phật đã chứng quả, ngài đã tình nguyện làm kẻ ăn xin đi rao giảng giáo lý và triết lý của ngài đã quán thống để khai phóng tinh thần và thức tỉnh lương tri của những người đang còn mê ngủ trong vũng tối tham vọng thấp hèn.

Từ những điểm trên chúng ta có thể hiểu: vào thời trước nhân loại gia nhập đạo Phật là vì họ được thức tỉnh và họ tình nguyện làm chiến sĩ anh dũng của đạo lý, khí giới của họ là tình thương và giúp ích đồng loại để tạo nên những tâm hồn trong sáng coi thường vật chất, địa vị và cùng vươn mình vào thế giới thanh cao, nơi đó không còn tranh giành danh lợi tiền tài, nơi đó chỉ còn những con người đối đãi nhau bằng những tình thương đồng loại.

Và bây giờ sự gia nhập Phật giáo khác hẳn ngày xưa. Đại đa số người đã gia nhập đạo Phật bây giờ không bằng ý hướng mà chúng tôi đã nêu trên, bây giờ họ trở thành Phật tử bởi những nguyên do chính sau đây:

Tổ tiên họ theo đạo Phật nên họ cũng theo đạo Phật vì truyền thống và coi đó như một sự trả hiếu.

Một số khác, sau khi nghiên cứu giáo lý và triết lý đạo Phật đã công nhận lý thuyết hợp lý và cao đẹp nên trở thành Phật tử.

Những kẻ có địa vị trong xã hội, những con buôn chính trị, thương mãi đã trở nên môn đồ của đạo Phật không phải vì công nhận triết lý của đức Phật siêu việt và không vì năng hướng giúp ích mà chỉ len mình vào cơ cấu đó để củng cố địa vị của mình, lợi dụng số tín hữu lớn lao làm hậu thuẫn.

Còn lại một số rất ít theo đúng mục đích của đạo Phật, số đứng trước thảm trạng ung thối của xã hội không thể làm ngơ, họ tình nguyện làm những thợ nề, những kiến trúc sư xây lại lâu đài của tình thương qua những cơn bão tố của những tham vọng, vị kỷ, trục lợi, phàm tục của người đời. Tuy nhiên nhân số phụng sự vẫn còn quá ít ỏi so với đa số phá vỡ, vì vậy hạnh phúc vẫn chưa đến với loài người. Nhưng chúng tôi tin lẽ phải bao giờ cũng thắng, mỗi người trong chúng ta là một điểm sàng, nhiều điểm sáng hợp lại sẽ thành nguồn sáng xua tan bóng tối. Trong tương lai thế giới này sẽ tràn ngập ánh sáng của thiên ân và nhân loại sẽ được đắm mình trong bể hạnh phúc. Tuy nhiên, ngày đó còn thật quá xa, nếu con người ngay từ giờ phút này không chịu ngồi lại với nhau, không chịu góp chung tay bằng tinh thần bất vụ lợi để xây dựng lại xã hội thì chúng tôi nghĩ cái ngày mà nhân loại sẽ được sống yên vui trên trái đất nhỏ bé này sẽ là điều không tưởng.


HUỲNH NGỌC THÀNH        
(Phan Châu Trinh - Đà Nẵng)      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 152, ra ngày 1-5-1971)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>