Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Duy Trì Cổ Tục Ngày Xuân


Ba mẹ tôi luôn luôn bất đồng ý nhau về đủ mọi thứ, mọi chuyện suốt mọi thời gian. Tôi còn nhớ có lần hai người đã đi đến chỗ đồng ý tổ chức một lễ Bạc khi đến ngày thành hôn 25 năm, đôi bên đương sự có vẻ hòa hợp được đâu một tuần lễ hay tám ngày chi đó. Chúng tôi rất mừng. Không phải vì thấy ba mẹ hòa thuận mà vì (ấy, cho phép tôi mở cái ngoặc đơn ở đây, tôi không thích giấu diếm các bạn quí mến của tôi, dù rằng nói thật ra thì con người tôi quả không được lý tưởng mấy : người gì cứ nghĩ đến chuyện ăn) vâng, tụi tôi, nhất là tôi rất mừng chỉ vì biết sắp được ăn, mà lại ăn ngon.
 
Chứ sao ! Lễ Bạc, ít ỏi gì, tầm thường gì ! Quan trọng lắm nghe các bạn ? Trên đời này thiếu gì người thành gia thất chưa được một năm tròn đã chia tay hát bản ô rờ voa nhau, ngâm câu thơ : Anh đi đường anh, tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi ? Mẹ tôi bảo thế đấy.
 
Thế đấy, nên mẹ tôi hãnh diện cũng phải. Bà ngồi cạnh ba tôi, nét mặt tươi tắn, hơi ngẩng đầu lên một chút, trịnh trọng tuyên bố bằng giọng đắc thắng của một vị tướng lãnh tài ba bách thắng ở chiến trường :
 
- Tôi toàn quyền mời quan khách ! Tôi sẽ mời (lại thú thật, tôi không nhớ rõ tên từng người mẹ tôi kể ra vì chuyện xảy ra khá lâu)… anh chỉ việc đón tiếp người ta đàng hoàng trọng thể, tươi tỉnh. Các bạn bè nhà văn của tôi đến, xin ông đừng có tuyên bố vung lên là “tôi ghét nhà báo, nhà văn, toàn bọn vô dụng, đếm chữ ăn tiền” nghe chưa ?
 
- Ai thèm nói chi cho mệt. Ta cũng là người lịch sự chớ. Mợ cứ làm như ta con nít, dặn dặn, dò dò… à, mợ có tính mời mấy bà bạn thi sĩ của mợ nữa không ? Mấy bà cụ…
 
- Sao không ? Mấy chị dễ thương lắm nghe, cho tôi ăn hoài… mấy chị khéo tay lắm…
 
- Tụi bay thấy chưa ? Mấy chị dễ thương vì cho mẹ mày ăn hoài…
 
- Đừng có xuyên tạc, tôi nói dễ thương đâu phải vì cho tôi ăn hoài, hai chuyện khác nhau mà. Anh chỉ được cái tài… Ý tôi muốn nói rằng tôi được mấy chị cho ăn hoài mà mình không có dịp mời trả lễ biết chưa ? Với lại, tôi muốn nhân dịp này, trổ tài một phen cho mấy chị biết…
 
Ba tôi ngắt lời mẹ :
 
- … Rằng thì là tôi cũng tay nội tướng tài ba…
 
- Vậy đó, rồi có sao không ? Chỉ được cái tài chế giễu người ta. Nghe tôi trình bày tiếp đây này… à, quên, phần anh, anh có mời ai không ? Phải cho tôi biết để tôi còn liệu…
 
- Mợ có hạn chế số ghế không ? Nói cho tôi biết rõ mà mời chứ, mời đến không có chỗ ngồi thì sao tiện ?
 
Nghe đến tiếng ghế, mẹ tôi à to một cái ra vẻ giật mình. Bà vỗ vỗ vào trán mấy cái :
 
- Tôi nhớ ra rồi : phải mua thêm mấy cái ghế, không, mua luôn một bộ ghế, bộ ghế nhà mình tã quá rồi. Lễ Bạc mà mời khách ngồi ghế bằng ni lông coi… kỳ quá !
 
- Kỳ gì mà kỳ ? Miễn sao nấu nướng cho ngon thì thôi, ăn thức ăn chứ ai thèm ăn ghế của mợ mà lo ?
 
- Thức ăn ngon mà ghế ngồi tệ quá thì cũng hóa dở. Vả lại, lễ Bạc của mình, tôi muốn cái gì cũng đàng hoàng.
 
- Mợ định mua ghế gì ? Nói coi ?
 
- À, ghế gỗ, có bọc nệm da, mầu hạt dẻ, tôi ưa mầu hạt dẻ, coi nhã lắm.
 
Ba tôi dẫy lên như thể người vừa dẫm chân trần lên tổ kiến lửa :
 
- Thôi ! Mợ đừng bày đặt. Tôi không ngồi ghế nệm đâu, nóng lắm, ghế đan bằng mây hay ghế đan dây ni lông còn dễ chịu hơn. Sài gòn trời nóng mà bày đặt ghế nệm làm chi ?
 
Mẹ tôi nhăn mặt :
 
- Anh mới thật là hay bày đặt : thiên hạ không ai biết nóng hết sao ? Với lại ngồi lâu la gì mà nóng? Ngồi ăn một chốc là rồi…
 
- Ngồi một chốc chớ sao, mà tôi không ưng, có sao không ?
 
- Đã định mời thì mời cho tử tế, không thì thôi.
 
- Bộ có ghế ăn bọc nệm da mới tử tế hả ? – Ba tôi gặng lại.
 
- Chớ sao ? Bộ ghế mình hư nát lâu rồi mà cứ gắng chờ hoài… Nhân dịp này anh không cho mua thì còn đợi chừng nào đây ?
 
- Tôi không cấm mợ mua, có điều tôi biểu đừng mua thứ bọc nệm da, tôi không ưa nóng, nghe rõ chưa ?
 
Mẹ tôi cũng nổi xùng lên :
 
- Tôi nghe rõ rồi, nhưng tôi cứ mua vì ngày trọng thể của mình…
 
- Mợ mua thì mợ ngồi lấy, tôi thề không ngồi, nóng tôi chịu không nổi.
 
- Nghĩa là anh nhất định không cho mua, phải không ?
 
- Ừ, tôi không ưa nệm da, đừng nói dai.
 
- Nếu anh không cho mua, thì tôi khỏi có làm lễ Bạc…
 
- Tùy ý mợ. Mợ ưng thì làm, không thì thôi. Tôi cũng cóc cần lễ Bạc hay lễ Vàng gì ráo. Thiên hạ người ta không làm, có chết ai đâu ? Mợ đừng có dọa tôi.
 
- Tôi không dọa anh, nhưng nếu anh không bằng lòng tổ chức đàng hoàng thì đừng làm.
 
- Hoài, đàng hoàng là do mình chứ do đâu ở mấy cái ghế bọc nệm…
 
- Vậy thì thôi, tôi không làm, tôi không mua ghế bàn gì hết.
 
- Càng khỏe, không cần !
 
- Tôi cũng không cần, không làm tôi khỏe hơn anh.
 
- Thì cứ khỏe đi !
 
*
 
Cũng tưởng đôi bên sẽ đình chiến, ký kết hòa đàm như trước nay, mọi sự sẽ được thu xếp ổn thỏa sau đó như trước nay. Nào ngờ đâu vì thứ tự ái xoàng đó, đôi bên giữ vững lập trường. Còn hai ngày nữa đến lễ Bạc, tôi đánh bạo hỏi mẹ sao không sắm sửa gì hết thì mẹ cắn môi, rưng rưng nước mắt :
 
- Ba mày không muốn thì thôi, làm làm chi ?
 
- Ba có nói không muốn đâu ?
 
- Thì ba mày không cho mua ghế, không thấy sao ? Không mua ghế thì tổ chức chi cho mất công, coi luộm thuộm mẹ không thích.
 
Nói sao làm vậy, mẹ tôi dẹp luôn cái lễ Bạc trọng thể chỉ… có trong tưởng tượng của chúng tôi.
 
Mất một dịp ăn uống, tụi tôi buồn đến mấy ngày. Mỗi lần vô tình có đứa nào nhắc lại là mẹ tôi lại hậm hực, tức tối và cũng không quên tỏ cho tụi tôi biết rằng bà là người rất cương quyết, rất “đuya” nói sao làm vậy, mà không hề để ý đến sự thiệt thòi của đàn con. Còn ba tôi, ông như quên bẵng mọi chuyện đi, như thể ông không hề bàn tính lễ Bạc, lễ Vàng gì cả. Ông xử sự đúng là một đàn ông, không quan tâm đến điều nhỏ nhặt, đến chuyện đã qua.
 
Hai năm sau, vào tháng 11, một bữa ông đi làm về, tươi cười bảo mẹ tôi :
 
- Này, mợ ! Tôi gặp cha Tùng sáng nay, ông hỏi chừng nào mình tổ chức lễ Bạc thì nhớ mời ông…
 
Mẹ tôi hừ một tiếng nhưng ba không để ý gì cả, thao thao tiếp :
 
- Ông đãng trí quá : chính ông làm phép cưới cho mình mà không nhớ lễ Bạc đã qua hai năm rồi. Anh nhắc ông mới nhớ và ông hẹn sẽ đến nhà mình vào lễ Vàng. Mợ nhớ đó nghe, lễ Vàng nhớ mời cha.
 
Mẹ tôi lại hừ to một tiếng tiếp và lặng thinh như cá làm ba tôi ngạc nhiên (ông vốn biết mẹ tôi rất hãnh diện về cuộc hôn nhân bền vững của mình) hỏi :
 
- Mợ làm sao vậy ? Mợ có nghe tôi nói gì không ? Mợ dự tính gì về lễ Vàng của tụi mình ? Cha Tùng…
 
- Tôi không dự tính gì cả – Giọng mẹ chua chát – tính trước bước không qua. Tôi đâu đã quên hôm lễ Bạc ?
 
- Lễ Bạc… à, lễ Bạc mình tổ chức ra sao, anh quên mất đi chớ.
 
Trước sự đãng trí của ông, mẹ tôi nổi cáu thêm. (Bà vẫn nhớ vì chuyện mấy cái ghế mà bà mất dịp khoe khoang về hôn nhân vững chắc của bà) Mẹ cau mặt :
 
- Ông mau quên quá, hèn chi ông tròn trục, trẻ măng…
 
- Còn mợ, hay sắc mắc, câu mâu từ chút nên già trước tuổi. Cho mợ hay : có người nói rồi đó…
 
Ông ngừng lại nửa chừng, kêu : “Khát quá, đứa nào pha cho ba ly nước coi, bay !” làm mẹ sôi sục lên, mẹ hỏi dồn :
 
- Hở, ông nói sao ? Có người nói sao ?
 
- À, à, họ nói – ông lại ngừng , cười đến khục một tiếng rồi mới nhẩn nha, tiếp – họ nói là… là tôi trẻ hơn mợ nhiều lắm, biết chưa ?
 
- Tưởng gì. Nhất định là tôi biết điều này. Có gì đáng ngạc nhiên đâu ? Vì ông sung sướng, trăm việc đều giao cho vợ, ông khỏe quá nên ông trẻ…
 
- Còn mợ cực lắm chắc ?
 
- Không cực lắm, nhưng cũng cực hơn anh.
 
Hai ông bà cười xòa, vui vẻ. Tôi nhân dịp tốt, nhắc mẹ vụ đổi tiền mới để lì xì tết cho mọi người (xin quí bạn hiểu mọi người đây có nghĩa là chỉ tụi tui). Ấy, tôi rất biết lo xa, còn hơn nửa tháng mới đến tết, nhưng lo trước vẫn hơn. Mẹ tôi vui vẻ :
 
- Ờ, phải đó, để mai tao ra ngân hàng bảo cậu Thùy đổi cho một ít…
 
- Mẹ đổi nhiều nhiều chớ, một ít thì ăn thua gì ?
 
- Đổi chác làm gì, bày đặt. Ba thấy dì Khanh nói nên dẹp bỏ thói quen lì xì vậy mà hay đó nghe.
 
Dì Khanh đâu phải là bậc thánh thần gì mà nêu ra khuôn vàng, thước ngọc phải theo ? Tôi thì nói cho ngay, tôi ưa dì Khanh mọi mặt, trừ có mặt này tôi chống đối thẳng tay. Mẹ tôi cũng vậy, bà nói Việt Nam mình có nhiều cổ tục hay vào những ngày tết âm lịch nhưng vì chiến tranh dai dẳng, vì ở thành phố lâu ngày các cổ tục đó lần lượt bị lãng quên, nhưng bà nhất định duy trì cổ tục lì xì tết.
 
Về phần chúng tôi, chúng tôi đồng ý không phải trăm phần trăm mà đồng ý đến cả ngàn phần trăm với mẹ tôi. Phải ! Nên duy trì cổ tục lì xì ! Hoan hô mẹ ! Hoan hô ! Tôi lên tiếng và lũ em cùng hòa âm một lượt. Ba tôi la lên :
 
- Mẹ con tụi bay ồn ào quá, chịu hết nổi. Năm nào cũng vậy, hễ gần tết là mẹ con tụi bay lộn xộn, ồn ào…
 
*
 
Kể ra, ba nói cũng không ngoa. Hễ còn cỡ một tháng nữa đến tết – khoảng sau Noel – là mẹ tôi cuống lên. Bà không ngớt thở ngắn, thở dài, bà nói với bạn bè, với tụi tôi :
 
- Tết lại đến. Chán quá, mình hết ham tết rồi, tết tới chỉ thêm lo.
 
Bà buồn rầu trông thấy rõ, nhưng đặc biệt là đến khi còn chừng nửa tháng nữa đến tết thì đột nhiên mẹ tôi trở thành hăng hái, can đảm, tươi tỉnh. Rồi thì, mặc dù ba ra lệnh là con trai chỉ được mặc kaki xanh, sơ mi trắng, con gái chỉ được áo dài trắng và quần dài trắng… và liệt hạng trai gái gì cũng mang xăng đan. Ông lý luận cứng ngắc thế này đây :
 
- Con nít phải đơn giản, đừng có mầu mè, bày vẽ, chưng diện rồi bỏ cả học hành.
 
Mẹ phản đối kịch liệt. Mẹ cương quyết chống ba đến cùng : cho con trai được mặc cái sơ mi mầu mỡ gà, mầu xám sáng, con gái được cái áo dài xanh da trời và mầu hồng phớt. Đặc biệt năm rồi con bé út còn được mang đôi hài có thêu kim tuyến lóng lánh – và dù nó tuổi mèo, đôi hài cườm lại thêu hình con rồng (Con rồng là tuổi mẹ). Nó còn mặc áo gấm nội hóa xanh ngọc, hoa trúc vàng – một hình thức ta về ta tắm ao ta của mẹ tôi đấy, thưa quí bạn.
 
Tiền lì xì thì năm nào cũng như năm nào, hễ tháng chạp đủ thì tối ba mươi, mà tháng chạp thiếu thì tối hai mươi chín là mẹ tôi đem tiền mới ra, tụi tôi tụm lại, đếm, chia, xếp thứ tự 5đ riêng, 10đ riêng, 20đ riêng, 50đ riêng, 100đ riêng, 200đ riêng. Mẹ tôi quí nhất là đồng 200đ có hình vua Quang Trung (Bà nói trong đời bà, bà phục nhất vị vua này). Phong bao lì xì đỏ chói để cả chồng bên cạnh. Bà sai con út kiểm điểm lại những tờ bạc mới tinh một loạt rồi đuổi hết tụi tôi ra. Lúc bấy giờ chỉ còn con út ngồi lại phụ với mẹ trong việc cho tiền vào bao.
 
Thú thật, trong năm mẹ tôi là người rất chặt chẽ về tiền bạc. Không bao giờ bà cho tiền tụi tôi. Bà nói :
 
- Bày đặt, con nít lấy tiền làm gì ? Ăn gì thì mẹ mua, cần gì thì mẹ sắm cho, còn lấy tiền chi nữa. Tiền bạc, nhất là bạc giấy dơ bẩn lắm, cầm lên tay mất vệ sinh, phải rửa tay. Bạc giấy là tổ chứa vi trùng. Mỗi lần sai tụi tôi đi mua gì về bà kiểm từng đồng lẻ, rồi bảo bỏ vô bao thơ và cất kỹ, sau đó là đi rửa tay và giục tụi tôi rửa tay. Ba tôi đem về cũng vậy. Ông vẫn trêu mẹ :
 
- Lúc nào cũng kêu là tiền dơ mà người ta đem về bao nhiêu cũng tóm gọn, cất kỹ, không chê.
 
- Nói nghe hay chưa ? Không cất kỹ sao được, không cất thì cha con ông nhịn đói sao ? Vì nó dơ nên người ta mới gói lại, mới bỏ vô bao thơ chớ.
 
Nếu mà có gì cần, mẹ cho tụi tôi ít tiền là tra gạn kỹ càng mua cái gì, hết bao nhiêu, còn bao nhiêu, rồi đi đến kết luận :
 
- Thôi, cất làm gì, đưa mẹ đem bỏ vô quĩ tiết kiệm cho tụi bay, để tên tụi bay. Tụi tôi đều dồng ý rằng dù tên ai cũng vô ích cho tụi tôi : tụi tôi có lãnh ra được đâu ? Thà xài phăng đi cho sướng.
 
Nhưng hễ tết tới là tụi tôi được mẹ rộng rãi lắm : mẹ cho tiền, cho nhiều nữa kia. Cũng trong ba ngày tết, tụi tôi không bị kiểm soát bao giờ. Thậm chí chơi bài cũng không bị la, thua nhẵn túi cũng không bị mắng.
 
Mồng một tết năm ngoái, sáng ra, chúng tôi tề chỉnh năm đứa đứng sắp hàng trước mặt ba mẹ. Đứa nào cũng ngon lành, chững chạc. Lần thứ nhất trong cả năm chúng tôi thấy hai ông bà cười tươi và không bất đồng ý nhau. Ba tôi liếc nhìn mầu xanh, mầu hồng, mầu lam, mầu xám sáng trên mình tụi tôi và cả mầu ngọc bích điểm cành trúc vàng, trên áo con bé út, nở nụ cười tươi, khen :
 
- Tụi con mình coi được quá đi chớ. Ăn mặc bảnh chọe, coi sáng rỡ…
 
- Nhờ ai đó ? Ngày tết mà ra lệnh là đứa nào cũng kaki với áo trắng… Ba cười khì, không cãi. Rồi thì tụi tôi tiến tới chúc tết ba mẹ bằng những lời tốt đẹp nhất. Ba rút túi ra, ông cũng lì xì – eo ơi ! ông bị ảnh hưởng mẹ từ bao giờ vậy chớ ? – cho tụi tôi như mẹ, khác cái là ông không bỏ vô phong bao đỏ chói như mẹ tôi thôi.
 
Tôi lén liếc về phía mẹ một cái, thấy bà cười mà nước mắt mọng tràn mi, chỉ chực trào ra. Vâng, mẹ tôi thế đấy, mừng vui bà cũng khóc như khi buồn khổ vậy.
 
Năm nay, cơm cao gạo kém, nhưng mẹ tôi vẫn cố gắng duy trì cổ tục lì xì. Lì xì cho con cháu, cho tất cả trẻ con hàng xóm, khi mẹ đến nhà họ xong họ đến nhà mình. Tết là dịp duy nhất mẹ vung tay trán. Lại một dịp tụi tôi chống đối dì Khanh – tiếc là không có dì đây để dì bênh vực lập trường. Nhưng trong mớ bạc mới vắng bóng đồng 5, đồng 10. Biểu hiệu gì đây ? Nền kinh tế của gia đình tôi trên đường đi lên hay đi xuống ? Tụi tôi vẫn chưa thấy băn khoăn. Bé út thì phát biểu :
 
- Năm nay tụi mình hên : mẹ không còn đồng 5, đồng 10, mình được tiền lớn.
 
- Tao không thấy giấy vua Quang Trung…
 
- Mẹ hết giấy vua Quang Trung rồi. Nhưng yên chí, mẹ không để tụi con thiệt thòi đâu. Miễn tụi bay tỏ ra xứng đáng.
 
Trời ơi ! Thì tụi tôi xứng đáng quá đi rồi, còn đòi thế nào nữa đây ? Xứng đáng ? Tôi thật tình ghét hai tiếng đó, vì nó đắt giá biết ngần nào. Nhưng tôi công nhận thiện chí của mẹ tôi : chúng tôi có áo mới và tiền lì xì ngày tết. Tôi không đòi hỏi gì hơn. Tôi bằng lòng với thứ hạnh phúc đơn giản có thể.
 
Phần mẹ tôi, tôi thấy bà duy trì mãi hai đôi dép đứt một bên quai và còn tuyên bố với giọng chém sắt chặt đinh khi con em tôi giục mẹ mua dép mới :
 
- Không, mẹ đã tự hứa trong năm nay không mua dép mới. Chờ đến sang năm… Phải giữ đúng lời hứa, cho dù là chỉ hứa với chính mình.
 
- Nhưng dép mẹ đã mòn và đứt một bên quai ?
 
- Thì mẹ sẽ đóng nó lại, kiếm cách… để mang cho qua tết.
 
Có quả thật mẹ tôi muốn giữ tròn lời hứa với mình hay còn vì nguyên do bí ẩn nào nữa đây chăng?
 
Mà sao tôi cứ lẩn thẩn, băn khoăn. Tôi còn nhỏ, còn lệ thuộc vào người lớn. Hơi đâu ? Tôi tự nhủ hãy tận hưởng những ngày xuân sắp đến, chúng đang lấp ló bên thềm cửa. Gác mọi suy tư, thắc mắc lại một bên. Mẹ tôi vẫn thế. Hễ còn mươi ngày nữa đến tết là bà tươi tỉnh, hăng hái, phấn khởi hẳn lên. Tôi là con mẹ, lại thua mẹ hay sao.
 
Tôi nôn nả chờ đến ngày kiểm tiền lì xì với mẹ. Còn có chín ngày nữa chớ bao nhiêu. Rồi đây sáng mồng một, tôi sẽ làm chủ một số tiền kha khá sau mấy câu chúc tết theo thông lệ. Một số tiền mới tinh, còn thơm mùi mực in, cạnh của mỗi tờ sắc ngọt có thể cứa đứt da tay, nhưng rất sạch sẽ cả nghĩa đen cũng như nghĩa bóng, thứ tiền không hề là tổ chứa vi trùng.
 
Ý chà ! Cái cổ tục đáng yêu làm sao chứ ! Mà cái tính cương quyết của mẹ tôi trong trường hợp này cũng đáng giá bằng vàng !
 
Ủa, mà lạ quá, tôi nao nức làm sao ấy. Hình như không phải chỉ vì số tiền lì xì sắp đến mà thôi. Cái gì vậy kìa… tôi bưng trán suy nghĩ đến mấy phút mà vẫn chịu không hiểu rõ nguyên do nào khiến tôi háo hức, mong cho mau tết.
 
Chợt đâu, một tia sáng lóe ra : lễ Vàng ! Lễ Vàng của ba mẹ tôi sắp đến. Còn có hai năm nữa chớ bao nhiêu. Ê, xin can bạn, bạn đừng cười chớ. Hai năm… thời gian thấm thoắt, mới hôm lễ Bạc hai người cãi cọ, giận dỗi đây mà đã hai năm rồi. Còn chín ngày nữa là sang năm thứ ba : năm thứ 28 sau ngày ba mẹ tôi làm lễ hôn phối. Tôi không nôn nả sao được ? Hơn nữa, tôi biết chắc rằng lần này lễ Vàng sẽ được tổ chức đàng hoàng trọng thể, vì sau hai mươi năm chung sống, ba tôi có vẻ bớt cứng rắn đi nhiều. Ông từ từ, chẫm rãi nhượng bộ mẹ tôi… từ từ… thật vậy.
 
Bạn cảm thấy gì không ? Tôi xúc động thật tình khi nhớ đến những giọt nước mắt của mẹ tôi tuôn đẫm má, đẫm gối vào lúc chúng tôi vui vẻ hay buồn bực, lành mạnh hay ốm đau, ngoan ngoãn hay trái chứng, được điểm tốt hay đem về điểm xấu từ nhà trường. Phải ! Vui buồn, giận dữ, sung sướng hay đau khổ vì lũ con bà đều khóc được. Nước mắt của mẹ tôi mới phong phú làm sao !
 
Mẹ bạn có giống như mẹ tôi không hả bạn ? Tôi đoán là bà mẹ nào cũng giống bà mẹ nào, trừ vài điểm dị biệt mà thôi.
 
Và tôi cảm phục cái ông bà nào đã nghĩ ra câu phương ngôn xuất sắc : Thượng Đế không thể có mặt được ở khắp mọi nơi, nên Ngài mới tạo ra người mẹ để thay Ngài.
 
Hay quá, phải không ? Tôi mà lớn và có tiền nhiều, tôi nhất định sẽ tìm đến mộ con người thông minh xuất chúng đó đặt lên mộ ông – hay bà – một vòng hoa tươi, thơm ngát mũi.
 
 
MINH QUÂN   
 
 
( Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 231, Tết Ất Mão, ra ngày 25-1-1975 )


Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Bánh Chưng Xanh


Năm nào cũng thế, cứ gần Tết là y như trong nhà có một cuộc bàn cãi sôi nổi. Ban đầu là em lên tiếng :
 
- Năm nay có gói bánh chưng không hả mẹ ?
 
- Để xem nào…
 
Mẹ còn đang ngần ngừ, anh Chất đã vội vàng tấn công :
 
- Gói đi mẹ. Một năm mới có một lần.
 
- Năm nay cái gì cũng đắt. Dám nồi bánh tới hơn mười nghìn đó, rồi tiền đâu ra mà gói cơ chứ ?
 
Em cong cớn phản đối, vì cứ nghĩ đến cái vụ còng lưng rửa lá, canh nồi bánh, là em đã ớn tới tận xương sống rồi. Mẹ ngẫm nghĩ, rồi thở dài :
 
- Đắt rồi có khỏi mua không ? Có năm nào bỏ bánh cho được đâu. Không gói mà đi đặt ấy à, chẳng tốn gấp mấy mà ăn chẳng ra gì. Mẹ nhớ cái năm nào đó…
 
Thôi thế là âm mưu của em bị phá vỡ rồi. Chả là vì có năm mẹ nghe người ta rủ rê thế nào, mẹ bùi tai đi đặt bánh chưng của một bà tự xưng là dân gói bánh chuyên nghiệp “ở Hàng Đường Hà nội” – Của đáng tội, năm ấy mẹ vừa ốm khỏi cũng không còn hơi sức đâu mà lo bánh với trái. Khổ một nỗi nhà ăn bánh ngon quen rồi, cái bánh phải xanh lá này, “bánh chưng tám góc” này ; gạo phải dền, đậu phải nhuyễn, miếng thịt mỡ phải to bằng hai bàn tay người lớn, để khi luộc mỡ nó chảy ra tươm vào nhân – Thử hỏi có nhà ai gói được như thế hay không ? Thành thử khi bà hàng mang bánh đến, y như có một màn la lối om sòm. Mẹ cáu quá gắt inh ỏi :
 
- Giời đất ơi, thế mà bà dám nhận là dân gói bánh Hà nội. Gớm Hàng Đường với lại chả hàng muối !
 
Quả thực nom cái bánh đến là khó ưa. Bánh chi mà đen thùi thùi, méo xèo xẹo, không ra cái thống chế gì cả. Cuối cùng, thở ngắn than dài một chập rồi mẹ cũng nhận đủ hai chục bánh vì thấy bà hàng năn nỉ quá. Chả như thế, bác Phục, nhất định dẫy lên không chịu nhận, bắt bà ấy phải mang bánh về. Đã xong cho đâu, bánh bóc ra nhìn mãi mới khám phá được miếng mỡ bé tí tẹo nằm khiêm nhường ở một góc, đậu thì rời rã cả ra. Bố khai mào, xắn lấy một miếng đưa lên miệng – Đang nhai bỗng nghe một tiếng “cốp” – Bố trợn mắt nhả vội ra. Chao ơi, cái sạn to bằng hạt đỗ !
 
- Với lại, bố đau dạ dày, ngày Tết không có bánh chưng chả lẽ bắt bố nhịn đói ư ?
 
Tiếng mẹ cất lên, khiến tư tưởng em vội ngừng ngay lại không thể tiếp tục phiêu lưu cho trọn cái đoạn đường bánh chưng khốn khổ. Em hơi buồn buồn, mà cũng hơi vui vui. Năm nào cũng thế, khi mẹ giở cái điệp khúc “bố đau bao tử” ra, là tình thế đến hồi không cứu vãn được nữa. Nói thế không có nghĩa là em ghét gói bánh chưng. Gói bánh chưng vui lắm chứ, chỉ bực là lũ con trai hô hào mạnh thế, nhưng đố mà ông nào nhúng lấy một ngón tay vào việc.
 
Mấy ngày sau đã thấy mẹ khệ nệ khuân về nào là đậu xanh, nào là gạo nếp. Và khi em ăn liên hoan tất niên ở trường về, đã thấy đống lá dong xếp lù lù trong góc phòng tắm như chờ đợi em vậy. Em thở dài đánh sượt, lên lầu thay áo. Trong bữa cơm mẹ bảo :
 
- Ăn nhanh rồi ra rửa lá đi con nhé. Chỉ mày rửa là tao ưng ý. Gớm cái năm để chị Thu chị ấy rửa, cầm tàu lá nó nhớt cả tay, mẹ đến là kinh.
 
- Vâng ạ !
 
Đấy, mẹ chính trị cao thế đấy. Cứ cho con bé uống nước đường hoài thôi. Biết là mẹ nói phỉnh, nhưng ít ra “không có lửa sao có khói ?” Em cũng hãnh diện vì mình làm ăn kỹ càng đâu ra đấy. Em đã không làm thì thôi, chứ đã ra tay thì năm trăm lá cũng xong chứ đừng nói là ba trăm. Thôi thế là vừa buông bát đũa, em đã hấp tấp bỏ ra sân sau. Lịch kịch lôi ra nào chậu lớn, chậu bé, ván giặt, giẻ màn rách, rồi cặm cụi ngồi rửa lá, kỳ sạch từng đường gân, từng phiến lá. Phải miết thật mạnh nó mới đi hết rêu rong bám đen, nhưng cũng phải lựa chiều sao cho suôn sẻ chứ không rách một cái là đi đời. Một tấm lá trị giá cả chục bạc chứ ít đâu.
 
Trong khi em rửa lá, mẹ giục chị Ba đun nước để ngâm đậu. Em thì không còn biết trời đất gì nữa, cắm đầu vào đống lá kỳ cọ như cái máy. Tay chân bắt đầu cóng vì lạnh, lưng thì muốn gãy ra vì mỏi. Đến gần tối mới xong, em phải khòm khòm một lúc lâu mới đứng thẳng dậy được.
 
Lại một bữa cơm vội vã, cả nhà bắt đầu có cái không khí bận rộn rồi đây. Mẹ trải chiếc chiếu ra sân nhà, úp cái mâm xuống để xếp lá. Mẹ đặt sấp tàu lá, gấp lại theo đường dọc, rồi gấp lại theo đường ngang, loay hoay chặt một hồi thì nó ra hình hết sức là vuông vắn. Cu Tài có nhiệm vụ nện búa vào sống dao cho mẹ mà thôi. Em cũng bắt chước lựa lá nhỏ chặt lấy ít chục để gói bánh con nít. Cứ mỗi bánh thì bốn cái lá gấp xếp lại thành hình vuông như cái hộp, với một cái lá lớn bọc ở ngoài gọi là lá áo – Khỏi cần khuôn gỗ mà cái bánh vẫn đủ tám góc vuông vức như nặn, có thế mới khéo chứ.
 
Lóc cóc mãi mà đến 1 giờ mới được đi ngủ. Khi ấy, từng chục lá đã gói lại gọn gàng, xếp trên cái sàng lớn. Mẹ phủ thêm tấm khăn để tưới nước cho lá luôn tươi và cứng thì mới dễ gói. Mẹ thì cẩn thận nhất rồi.
 
Trưa ngày hôm sau chị Ba đãi đậu. Mẹ động viên cả nhà ra ngồi nhặt, kỹ càng hơn cả người ta nấu chè. Một chút mày vỏ đen đen, một hạt sượng vàng úa, đều phải bỏ đi, có thế nhân bánh mới đẹp và ngon. Gớm hai cô em gái vừa làm vừa giỡn, vung vẩy đậu ra khắp sân. Còn mấy anh chàng con trai, mắt trước mắt sau chỉ chực mà chuồn cho lẹ. Lại một phen mẹ gào đến rát cổ họng thì đâu đấy mới yên.
 
Đến chiều thì mấy rá đậu nhặt tinh tươm, mẹ dặn dò chị Ba ở nhà lo đồ đậu rồi tất tả giục bố đưa đi chợ. Phải sẩm tối thế này người ta mới có thịt mới. Mẹ cứ đi điểm binh hết các mặt quầy : Con heo nào không quá già, không quá nhỏ, mỡ dầy dặn thì mẹ mới chịu. Mua cả tảng bì, mỡ, dính chút nạc thế là vừa ngon. Lại thịt thủ để gói giò ép nữa cơ, giò này nhậu với dưa chua và hành nén thì tuyệt.
 
Tối về hối hả lùa mấy miếng cho xong bữa thế là lại ngập đầu vào việc. Chị Ba lo cạo rửa thịt, em thì giã đậu cho mẹ nắm thành viên. Một bánh là hai nắm đậu to hơn quả bóng ten nít, mẹ đã ra cữ thế rồi, chả sợ thừa thiếu gì cả. Ấy là không kể có năm đậu tốt con dôi ra được nồi chè kho nữa chứ.
 
Xong đậu thì chị Ba bưng rổ thịt lên. Mẹ cứ quay mòng mòng như chong chóng. Bây giờ đến chầu ra thịt. Mẹ nghề lắm nhé, làm sao mà cắt miếng thịt đều đặn đến là tài. Một cái bánh là một miếng thịt to nằm chềnh ềnh gần hết bề mặt của nhân, khi nào hơi hụt thì chèn thêm tí vẻo nữa. Không miếng nào dày mỏng, to nhỏ khác nhau quá nhiều, có vậy bánh gói mới đều tay. Thịt xẻ xong được ướp muối tiêu thơm phức. Mẹ không cho hành sợ bánh chóng thiu, vì bánh nhà em có khi ăn gần trọn tháng giêng mới hết. Khi đậu, thịt được thanh toán gọn ghẽ, mẹ mới chịu đi ngủ. Em thì đã lẳng lặng rút lui có trật tự để mà chui vào chăn cho khỏe cái tấm thân. Mẹ vẫn bảo em là thứ con gái lười chẩy thây mà lại. Nhờ ăn no ngủ kỹ thế em mới cân được 48, 49 ký lô chứ đâu có còm nhom như mẹ ! Lúc em lục đục bò xuống nhà rửa mặt, thì đã thấy mẹ ngồi chễm chệ bên một chồng bánh cao ngất. Mẹ đang gói bánh. Thấy em, mẹ lườm cho một cái rồi cười rõ tươi :
 
- Nước chè hâm lại, con gái ngủ trưa… đẹp mặt quá nhỉ ! Có mau mà gói bánh con đi không, để cho lũ giặc này nó phá rồi đừng có bắt đền mẹ nghe.
 
Em giật mình. Quả ông Tài, ông Hòa đang hí hoáy cột cột gói gói. Thôi chết rồi, mấy ông ấy chọn hết lá đẹp của em rồi còn gì ? Vội vàng quên cả ăn sáng, em ngồi sụp xuống bên mẹ.
 
- Thịt bánh con đâu mẹ ?
 
- Đây này, trong cái soong nhỏ. Thịt nạc của con để riêng bên cạnh đấy nhé.
 
- Đậu bánh con đâu mẹ ?

- Trong cái rổ nhỏ ấy thôi 

- Lạt bánh con đâu mẹ ?

- Mấy cái thằng khỉ nó lôi đâu rồi. Kiếm lấy mà gói chứ hỏi gì mà hỏi lắm thế !
 
Mẹ đã phát cáu rồi. Em biết thân ngồi im thin thít. Xục xạo mãi mới thu hết được đồ lề vào một góc, em bắt đầu chăm chăm chúi chúi lo gói ít cái bánh chưng nho nhỏ. Đầu tiên là đặt cái lá áo sấp xuống này. Đặt cái lạt nằm ngang lên này. Dựng bốn cái lá gấp vào bốn góc như cái hộp này. Đong một bát gạo nhỏ, đổ đều vào trong. Bóp một nắm đậu nhỏ rải lên trên. Để miếng thịt chính giữa, lại bóp thêm một nắm đậu, đổ thêm một bát gạo. Úp theo một mảnh lá cầu đề phòng lá nó hở, rồi gấp lá đậy lại, vặn chéo sợi lạt cho chắc. Xong một chiều, xoay lại gói nốt chiều kia. Buộc thêm bốn cái lạt ra ngoài nữa là chu. Em bắt chước mẹ, vỗ bép bép lên cái bánh cho nó cân đối. Ơ kìa… sao có một góc cao mà lại một góc thấp thế nhỉ ? Em nắn mãi, vỗ mãi nó vẫn trơ trơ. Hình như thấy em loay hoay mãi, mẹ sốt ruột liếc mắt nhìn sang. Hiểu ngay tình cảnh khốn khổ của em, mẹ lên tiếng :
 
- Con phải san gạo đều ra bốn góc, chứ gói vào rồi thì còn sửa sao được nữa ?
 
- Vâng ạ.
 
Thế này gọi là “vạn sự khởi đầu nan” đây mà. Quen tay em gói liền một hơi năm cái nữa. Đó là phần của em, anh Chất, với lại của lũ bạn thân em nữa. Tí và Phượng thì lẵng nhẵng theo nài nỉ bố :
 
- Bố gói bánh nhỏ cho tụi con đi, hông có tụi con bắt đền. Chị Bình, anh Tài, anh Hòa có hết rồi kìa.
 
- Ờ, để yên bố gói cho các con mà. Mỗi đứa mấy cái ?
 
- Hai cái bố ơi.
 
Vì không biết ngồi xổm, bố phải đứng gói ở cái bàn tròn. Đứng gói thì khó lắm vì không thể lấy ngón chân mà chặn lên dây lạt được, thành ra hai con nhỏ có một chầu cứu viện cho bố. Hết chặn đầu này lại túm đầu kia, rốt cuộc bố cũng hoàn thành được bốn cái bánh. Nom có vẻ bánh chưng ra phết. Nghe tiếng bố thở phào khoan khoái, mẹ ngước lên nhìn bố. Bố nhìn lại mẹ, mắt long lanh ra chiều hãnh diện.
 
Khoảng xế trưa thì bánh đã gói xong xếp thành từng chồng cao ngất. Giờ thì bố phải lo phần việc còn lại. Bố lui cui chất mấy hòn gạch làm bếp, có năm kê bằng đá tảng, đang đun nửa chừng đá nó nứt làm hai khiến cả nhà phải một phen lên ruột. Bố thử đặt cái thùng tôn to tướng lên trên, liệu chắc chắn cân bằng rồi, là bắt đầu xếp bánh vào. Dưới đáy nồi phải lót cuống lá, phía trên cứ từng cặp đâu mặt với nhau, đủ 32 cái lớn là vừa chật. Bánh con thì để chèn thêm vào những khoảng trống xung quanh. Xong xuôi mới đổ nước nóng đun sẵn vào, đậy vung rồi nhóm lửa bếp. Tới 3 giờ chiều thì nồi bánh sôi đều, bố lấy phấn ghi giờ giấc nơi vách bếp.
 
Đến đây, vấn đề mới thật là nan giải. Năm nào cũng thế, em đều phải canh nồi bánh oặt cả xương sống xương sườn. Năm nay em ngán quá rồi nên đã ra điều kiện :
 
- Kỳ này con khỏi canh bánh chưng nghe mẹ. Năm nào cũng có mình con thức không à.
 
Mẹ lúng túng. Mẹ với chị Ba làm nhừ tử mấy ngày giáp Tết rồi, còn thức đêm thức hôm nữa thì sức đâu mà vớt bánh ? Anh Chất nghe vậy liền hăm hở :
 
- Ối chào, tưởng cái gì khó cơ chứ. Bình coi nồi bánh ban ngày, ban đêm đến phiên tụi anh coi giùm cho.
 
Mẹ hơi ngần ngừ. Liệu có thể tin tưởng vào cái lũ con trai vô tích sự không đây ? Tụi nó mà làm hấy nồi bánh thì thật toi công vất vả suốt mấy ngày. Chừng như hiểu ý mẹ, lũ Tài, Hòa nhao nhao góp ý :
 
- Được rồi mà, mẹ để tụi con coi nồi bánh đi. Tụi con chia phiên ba người canh. Mẹ mua cho tụi con một lạng cà phê là được.
 
Gì chứ cà phê là mẹ sẵn sàng cung cấp liền. Không những thế mẹ còn cứu trợ thêm cho nồi chè đậu đen nữa, miễn sao bà con tỉnh táo mà chăm chú củi lửa cho mẹ là tốt lắm rồi.
 
Em nghe anh Chất phân công rõ ràng :
 
- Từ giờ đến 9 giờ là phiên nhỏ Bình. Từ 9 giờ đến 12 giờ là phiên của anh. Từ 12 giờ đến 3 giờ là phiên nhỏ Hòa. Từ 3 giờ đến 6 giờ là phiên nhỏ Tài. 6 giờ vớt bánh phải không mẹ ?
 
- Có thể sớm hơn một chút cũng không sao.
 
Kể ra thế thì hơi bất công vì em phải canh những sáu tiếng đồng hồ, nhưng thôi khỏi phải thức khuya, với lại nếu em cằn nhằn thì không chừng phải lãnh trọn cả đêm như mọi năm. Mấy ông con trai thế là đã chứng tỏ thiện chí ghê lắm rồi.
 
Nói cho cùng, canh nồi bánh chưng thì có gì là khó ? Cứ trông cho củi lửa cháy đều ba mặt, lâu lâu lại mở vung đổ vào ít gáo nước nóng đun sẵn ngay bên cạnh. Cái khổ là khói quá đi, khói muốn lòi con ngươi ra vậy đó. Lại lạnh nữa. Trời cuối năm sương sa tê buốt cả người. Phía nào quay vào lửa thì nóng rát, phía nào quay ra ngoài thì cóng xương.
 
Em gân mình chịu đựng như vậy cho đến hơn 8 giờ. Anh Chất lần này có vẻ thủ tín, chịu khó quanh quẩn ở nhà không bỏ đi chơi. Thấy sắp đến phiên, anh trịnh trọng vào nhà khuân cái chiếu ra trải ngay xuống sân kế bên bếp lửa. Em la lên :
 
- Trời đất, ở ngoài này lạnh lắm chịu gì nổi. Anh Chất vào nhà đi chừng mười lăm phút ra coi một lần là được rồi.
 
- Thôi khỏi. Hòa vào mang cho anh cái chăn bông ra đây !
 
Anh quấn chăn sù sù ngồi án ngữ ngay chỗ cửa ra vào. Nơi ấy có mái hiên che đỡ sương phần nào, nhưng chắn mất chỗ cho củi vào lò. Mà mặc kệ anh ấy, phiên của anh ấy mà.
 
- Ui da mỏi lưng quá. Tên Tài vào lấy cho anh cái gối mau lên.
 
Em ngán ngẩm nhìn anh gối đầu, quấn chăn nằm thù lù một đống. Mới chưa đầy nửa giờ chứ mấy ? Mà thôi kệ, để xem anh ấy làm ăn ra sao !
 
Làm ăn ra sao thì biết liền. Vào nhà dọn dẹp một lát xong tính đi ngủ, em đảo qua nồi bánh xem tình hình. Trời đất ơi ! Ông anh ngáy khò khò, còn lửa bánh thì hiu hiu sắp tắt. Em lay anh :
 
- Dậy mau, dậy mau cho củi vào mau đi anh Chất.
 
- Ứ… ừ… ra chỗ khác đi, lộn xộn cái gì ?
 
Anh gắt gỏng nhăn nhó rồi lại ngủ tiếp. Em chạy bay vào lo báo cáo mẹ. Mẹ vội vàng trở ra :
 
- Cái thằng… không làm thì thôi còn nằm chướng thế này, ai mà cho củi vào bếp được hở trời !
 
Phải thêm chị Ba phụ lực nữa, mẹ mới dựng được ông con cả dậy để tống vào buồng ngủ. Mẹ thở dài. Em thông cảm, bèn trả lời xuôi xị :
 
- Thôi mẹ đi nghỉ đi vậy, để con coi đến khi nào tên Hòa ra thay.
 
Mẹ lắc đầu nhìn em rồi bỏ vào nhà. Được cái rất may là tên Hòa đã rủ thêm được một đứa bạn để thức chung cho vui. Hai thằng lục đục đi lấy ấm đun nước pha café. Phải pha sẵn uống cho ngấm, cũng gần tới phiên rồi mà. Đang hì hục cho củi vào lò, em chợt nghe tên Tâm hỏi tên Hòa :
 
- Ê Hòa, mày uống thử sao cà phê kỳ cục quá à.
 
- Ủa ! Sao nó chua chua mày nhỉ ! Thôi đúng mẹ tao mua cà phê Lễ Ký rồi.
 
Em vội vàng quay lại :
 
- Chỉ láo. Chị đi mua cà phê Moka rõ ràng. Mấy đứa pha phách ra sao lại còn chê với bai.
 
Tên Hòa nghe em cải chính, ấm ức mang bình cà phê đến cho em nếm thử. Vừa rót ra cốc, đưa lên miệng hớp một ngụm, em đã rùng mình phun phì phì, cố nén cơn buồn nôn khủng khiếp. Cà phê chi mà tanh tanh, chua chua, mằn mặn, ngòn ngọt, đắng đắng… chợt hiểu em la lên :
 
- Chết cha rồi ! Hỏng rồi ! Tên Hòa lấy nhầm lọ bột ngọt rồi !
 
Nghe em nói, Hòa và Tâm ngẩn ra nhìn nhau. Như còn chưa tin, Tâm vác “lọ đường” ra gần đèn để… nghiên cứu kỹ lưỡng. Em nghe nó lẩm bẩm :
 
- Đâu có phải đường…
 
Thế là đi đời món cà phê. Em ái ngại nhìn mấy đôi mắt nhướng lên không nổi của hai đứa, đành phải xua tụi nó đi ngủ. Thôi, nông nỗi này ta phải tự lực tự cường là hơn. Nói gì đến ông Tài, nửa đêm có mà súng cà nông bắn nó cũng chẳng thèm nhúc nhích, chẳng thà em bao thầu luôn cái vụ củi lửa còn được tiếng tử tế với đàn em.
 
6 giờ sáng em vào mời bố mẹ ra vớt bánh. Chị Ba sẵn sàng một bên đón từng tấm bánh do bố vớt lên từ nồi, nóng hổi, rửa sạch trong thau nước lạnh, đưa cho em lau khô rồi chuyền sang mẹ. Mẹ xếp đều trên tấm phản để nén bánh cho róc nước.
 
Khi mọi sự xong xuôi thì đã 8 giờ hơn. Em ngật ngưỡng lên lầu như trong cơn mộng du. Không còn cảm thấy gì ngoài nỗi mệt mỏi nặng trĩu, mênh mông… Tuy thế, trước khi chìm hẳn vào trong giấc ngủ em còn nghe tiếng lũ con trai nhốn nháo dưới sân :
 
- A, bánh vớt xong rồi hả mẹ ? Kìa có cái bánh phòi ruột, mẹ lấy ra cho tụi con ăn sáng đi mẹ. Nóng hổi vừa thổi vừa ăn mà !
 
 
Lê thị Thái Bình   
 
 
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 231, Tết Ất Mão, ra ngày 25-1-1975)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>