Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

CHƯƠNG I, II_CÔ GÁI CHÚC SƠN


CHƯƠNG I
 
BẾN ĐÒ MAI LĨNH
 
 
Mới hạ tuần tháng chín, trời chưa hẳn sang đông mà đã giá căm căm. Trên mặt sông lạnh tanh từ sáng đến trưa, con đò ngang mới chở được vài ba chuyến, mỗi chuyến lèo tèo dăm sáu người.
 
Cảnh ngược xuôi tấp nập trên đường đê rộng thênh thang lượn dài theo con sông Đáy cũng không còn nữa.
 
Trong túp lều tranh nhỏ xíu dựng nép bên đường, bà hàng tóc bạc phơ buồn bã ngó con đê vắng ngắt, giòng sông lạnh lẽo với con đò bơ vơ.
 
Ngồi co ro trong tấm áo bông cánh còn mới, bà cụ chít lại chiếc khăn vuông nâu cho thật kín và nhớ lại những ngày đông vui đã qua. Nào mấy bà người làng te tái từ dưới bến lên vào uống bát nước chè tươi cho ấm bụng, nào mấy ông khách buôn, tay nải khoác chĩu một bên vai, sà xuống ghế làm một cút (1) rượu nhắm với đĩa lòng béo ngậy…
 
Bà cụ nhớ cả những tiếng dép da trâu lẹp kẹp trên mặt đường, những tiếng nói chuyện ồn ào của những ông lái, bà lái không bao giờ ghé vào trong quán. Họ phải gồng gánh nặng và luôn luôn phải chạy gằn từng thôi (2) thẳng cho kịp giờ họp chợ.
 
Nhớ cả đám trẻ con nô đùa dức lác… Chỉ có nghịch, chỉ có phá, nhưng mà vui.
 
Còn bây giờ, nguyên cả một nồi chè đậu đãi chưa ai động đến với già nữa chõ xôi ngon thật là ngon. Cứ cái cung cách này chắc tối nay cả nhà phải ăn xôi chè trừ bữa…
 
Có tiếng vang lên cùng với tiếng chân người bước tới.
 
- Có nắng rồi !... Cũng sắp có đò nữa !
 
Hai người đàn ông hăm hở bước vào trong quán. Cả hai cùng cao lớn, vạm vỡ. Nét mặt và cử chỉ cùng lanh lợi. Và họ cùng đảo mắt xoi mói khắp nơi trong quán hẹp trước khi bóc mấy tấm bánh nếp ra ăn.
 
Họ chỉ đưa mắt cho nhau chứ không nói chuyện bằng lời và chỉ ậm ự khi bà hàng đon đả mời họ dùng thêm thứ này thứ khác.
 
Dưới sông, con đò đã gần sang tới bến.
 
Họ trả tiền, đứng dậy. Mấy chiếc lá gói bánh bay lào xào, đuổi nhau trên mặt đê. Bà hàng ngước mặt lên nhìn khách :
 
- Hai ông sang đò ?
 
- Phải !
 
Đó là tiếng nói độc nhất mà một trong hai người đã miễn cưỡng buông ra trong quán nước. Y có một bộ râu quai nón khá đẹp.
 
Họ bước xuống con đường dốc. Một tên ngoái lại nhìn thấy có ba người từ phía nam đi tới sắp bước vào trong quán.
 
Bà hàng vồn vã :
 
- Mời ba ông vào nghỉ chân sơi nước.
 
Nắng xiên khoai chiếu vào đầy quán. Cả chủ lẫn khách khoan khoái ngâm mình trong ánh vàng ấm áp.
 
Bà hàng một tay vươn ra lật ngửa mấy chiếc bát ở sát mép chõng, một tay ngoái ra đàng sau cầm cái gáo dài múc nước chè tươi rót cho khách. Hình ảnh ngộ nghĩnh y như một người đang quờ quạng bơi trong nắng. Bà suýt soa :
 
- Mới tháng chín mà trời đã rét ngọt ! Đi đường lúc này chắc vất vả lắm, thưa ba ông ?
 
- Phải !... Hàng có gì ăn không, bà cụ ?
 
Ông khách có gương mặt nho nhã nhất lên tiếng hỏi. Bà hàng ân cần đáp, vẻ mừng hiện rõ trên đôi môi ăn trầu cắn chỉ (3) :
 
- Thưa có ạ. Xôi lạc ngon lắm. Cả chè đậu đãi nữa. Xôi tôi để nguyên trong chõ, nóng hôi hổi. Để tôi cơi (4) ra đĩa, ba ông sơi thử.
 
Người cao lớn nhất ngồi ngoài cùng cười nói oang oang :
 
- Thôi, bà cụ cơi cho ông thầy tôi đây một đĩa xôi và hai chén chè là đủ. Còn bao nhiêu bà cụ cứ để đấy, hai anh em tôi lo cho.
 
Hai người lực lưỡng như hai ông hộ pháp ăn như rồng cuốn nước trước sự ngạc nhiên và mừng rỡ của bà hàng. Tuy nhiên, những gì xẩy ra chung quanh cũng không qua được tai mắt họ.
 
Dưới bến, chiếc đò ngang đã tới. Cô lái, người cao dong dỏng, cắm chiếc sào dài xuống đất cho thuyền ghé sát bờ. Khách quá giang ngưng bặt câu chuyện đang nói dở khi họ thấy hai người bịt khăn tùm hụp từ mặt đê xuống tới nơi. Họ lên bờ, lặng lẽ.
 
Tên có hàm râu quai nón nhẩy tót xuống thuyền, nhẹ như chiếc lá. Mặt y lầm lì trong khi gã bạn đồng hành nhe hàm răng trắng nhởn cười nham nhở và làm bộ quờ quạng nắm cổ tay trắng nõn của cô lái như phải có một điểm tựa mới bước được lên thuyền.
 
Sợ hãi, người con gái vội rụt tay lại và kéo theo luôn cả con sào. Mũi thuyền quay ngang hắt tên vô lễ lăn tòm xuống nước.
 
Tiếng cười khoái trá vang trên mặt đê. Cười lớn nhất là hai ông khách ăn mạnh như hùm trong quán.
 
Ông khách nho nhã vuốt chòm râu đen nhánh khen :
 
- Hà hà ! Cô bé cũng là tay đáo để đấy chứ, phải không hai chú ?
 
- Dạ. Thân thủ (5) khá lắm.
 
Người thứ hai tiếp lời :
 
- Còn phải nói ! Con gái Chúc Sơn mà !
 
- Ờ, trông cách cô bé gỡ tay rồi bước xéo chân khiến cho con thuyền tạt ngang, êm cứ như ru, cũng biết cô bé có nghệ chân truyền.
 
- Vâng. Ngón nghề cô bé vào hạng cừ khôi đó, thưa thầy.
 
Bà hàng bỗng thấy cao hứng, tươi cười nói xen vô :
 
- Con gái họ Hoàng mà, thưa ba ông. Lúc thường thì ăn nói dịu dàng, dễ thương hết sức. Nhưng lúc cần dụng võ thì, nói ba ông bỏ lỗi, con trai lực điền cũng không bằng.
 
Ông khách ngồi ngoài cùng ngó xuống mé sông, thích chí cười ha hả :
 
- Chả thế mà hai tên kia biết thân phải ngồi yên một phép !
 
- Rét mướt thế này mà tên kia ướt như chuột lột… Kìa, cu cậu phải ngồi thu hình vào một xó cho đỡ lạnh, trông thảm hại chưa !
 
- Cho thế mới đáng đời !
 
- Hai đứa cũng là tay võ nghệ, sao chúng không gây sự nhỉ ?
 
Bà hàng tươi cười giải thích :
 
- Chúng nó không dám đâu ông ơi ! Một thằng là người làng làm chó săn cho giặc. Tôi nhận ra ngay khi nó mới bước chân vào trong quán. Còn thằng kia là Tầu. Đánh nhau trên bộ không biết sao, chứ giở giỏi ra trên thuyền thì chết với cô gái.
 
- À, ra thế ! Có phải cô ấy là cô Sơn Ca không bà cụ ?
 
Bà hàng ngạc nhiên :
 
- Phải. Mà sao ông biết ?
 
- Chúng tôi nghe người ta đồn. Bà hàng nhỉ, sao từ nẫy đến giờ, không thấy cô ta hát ?
 
Nở một nụ cười cởi mở khi thấy hai ông hộ pháp đã ăn sạch nhẵn cả chõ xôi lẫn nồi chè, bà hàng kể rành rọt :
 
- “Sơn Ca” không phải là tên thật cô ấy đâu, ông thầy ạ. Tên thật cô bé ấy là Mai, con ông Hương trưởng Tùng. Ngày nhỏ, nó hay hát, hát véo von suốt ngày nên người làng gọi đùa là con Sơn Ca, lâu dần thành tên. Nhớn lên, thấy nước nhà hoạn nạn, giặc lại hay sục sạo làm điều càn rỡ, bọn con gái biết lo không cười đùa ca hát nữa. Họ theo gót cha anh tập võ. Cụ Cử Chúc Sơn khen con bé Sơn Ca giỏi vào hạng nhất nhì làng tôi đấy.
 
Ba thầy trò chưa kịp gợi chuyện thêm, bà cụ đã ướm lời hỏi trước :
 
- Tôi già nua lẫn cẫn hỏi thế này khí không phải, ba ông bỏ lỗi cho nhé. Nghe nói ở đường trong, Bình Định Vương đã đánh đến Tây Đô (6) chả biết đến bao giờ Người mới dẹp được Đông Quan (7) để cho con dân được yên ổn làm ăn ?
 
Ông khách nho nhã cười khiêm tốn đỡ lời :
 
- Ấy chết ! Sao cụ lại hỏi chúng tôi điều ấy ? Chúng tôi cũng là con nhà làm ăn buôn bán như cụ, biết đâu được những việc xa xôi.
 
- Các ông giấu già này cũng chả được. Nhác trông một cái già biết liền. Có điều già muốn nói ra hay không nói ra mà thôi. Này nhé, ba ông là người ngoài ta nhưng ở lâu trong ấy, giọng đã hơi nặng, tinh ý một chút là nhận ra ngay. Bàn tay của ông thầy trông xa cũng thấy là bàn tay cầm bút. Còn hai ông đây đúng là hai ông hổ tướng. Đố ai dám bảo các ông là người buôn bán hay làm việc thổ mộc (8) !
 
Một người tấm tắc khen :
 
- Bà cụ vậy mà cũng biết xem tướng nữa cơ đấy !
 
- Chẳng qua là thói quen đấy thôi, các ông ạ. Chả là tôi bán quán đã lâu, khách cũng đông, mỗi người một vẻ, chả ai giống ai, mà tôi nhận xét ít khi lầm lẫn.
 
Một người nói bâng quơ :
 
- Ờ ! Chả trách người ta hay lập quán ăn để dò xét những người qua lại !
 
- Chính thế đấy, ông thầy ạ. Như hai tên ở đây ra lúc nẫy đố khỏi là hai tên do thám của quân Minh. Một đứa từ lúc vào đến lúc ra chỉ nói vỏn vẹn có một tiếng “Phải !”, tôi cũng nhận ra ngay thằng Hoạt, con ông bà Cả Phục ở Chúc Sơn. Còn một đứa ngậm câm luôn, tôi đoán nó là một thằng Tầu chưa nói sõi tiếng ta nên không dám mở miệng. Chúng nó qua sông chém chết cũng không khỏi vụ dò la mấy làng Chúc Sơn hay Tụy Động, Lương Xá.
 
Ông thầy khen :
 
- Bà cụ đã có tuổi mà nhìn người cũng không sai mấy. Chả nói giấu gì cụ, tôi thực không phải là dân thương mại. Tôi làm thầy địa lý, chuyên để đất cất mộ cho người ta ấy mà, cụ. Nhờ chịu khó đi đây đi đó, hết đường trong đến đường ngoài nên cũng có được tí tiền. Cụ tính, thời buổi này, đi xa xem đất, xem cát mà không có người đi theo che chở như hai chú nó đây, có lúc chết mất mạng chứ đâu phải chuyện chơi…
 
Thấy bà cụ chưng hửng cũng hơi tội nghiệp, ông ta nói tiếp :
 
- Chúng tôi ở đường trong mới ra, cũng có biết lõm bõm chuyện đánh nhau, câu được câu chăng, kể hầu cụ nghe nhé.
 
“Bình Định Vương đã đến hồi phấn phát rồi cụ ạ. Từ khi Vương ở Lư Sơn vào đánh Nghệ An đến giờ, trận nào cũng được, thanh thế lừng lẫy, quân Minh khiếp sợ. Hiện nay, quân của Vương vây đánh thành Tây Đô rất gấp. Lại nghe đồn Người sắp thân chinh ra Bắc liệu thế đánh lấy đứt hẳn Đông Đô.”
 
“Hễ hạ được thành Đông Quan thì là yên đấy, cụ ạ.
 
- Vâng. Lạy giời cho chóng yên hàn (9). Nhưng, thưa ba ông, tôi nghe nói giặc nó còn mạnh lắm. Chúng đóng quân từ huyện Thạch Thất đến huyện Thanh Oai, đồn lũy liên tiếp hàng mấy chục dặm. Tôi sợ cả đến Chúc Sơn đây rồi cũng khó lòng yên nữa cơ đấy.
 
Cả ba thầy trò địa lý cùng giật mình, nhìn thẳng mặt người đối thoại mà họ không ngờ có một cái nhìn rộng và sâu sắc như vậy.
 
- Có thể thế lắm, thưa cụ. May còn có cái bến đò này cản đường cho cũng đỡ. Giặc có tới đây, cũng còn phải sửa soạn chán mới sang sông được. Dân làng nghe tin tạm tránh đi mươi ngày là xong…
_________________________
 (1) Cút : loại chai nhỏ dùng để đong rượu.
 
(2) Thôi : đoạn đường dài.
 
(3) Cắn chỉ : có hằn màu hồng ở môi.
 
(4) Cơi : xới, đơm.
 
(5) Thân thủ : các động tác của thân mình và chân tay.
 
(6) Tây Đô : Thanh Hoá bây giờ.
 
(7) Đông Quan hay Đông Đô : Hà Nội bây giờ.
 
(8)Thổ mộc : đất và gỗ. Việc thổ mộc : việc nặng nhọc làm bằng chân tay.
 
(9) Yên hàn : yên ổn, hết giặc giã.
 
 
CHƯƠNG II
 
ÔNG THẦY ĐỊA LÝ
 
 
Ông thầy địa lý ngoảnh nhìn hai bạn đồng hành :
 
- Ô ! Thế mà đã quá mùi (1) sang thân (2) rồi đấy. Ta liệu sang sông đi thì vừa kẻo tối.
 
Chuyến đò này vắng. Đợi một lúc không thêm được một người khách thứ tư, cô lái đành nhổ mạnh chiếc sào cho thuyền tách bến. Một mình cô lèo lái chiếc đò sấn lên trên những đợt sóng lô nhô mầu bạc lẫn mầu hồng để tiến ra giữa giòng sông. Vuông khăn mỏ quạ mầu nâu non chít thấp đã không che giấu được chút nào mà còn tôn thêm vẻ đẹp của gương mặt trái soan với đôi mắt bồ câu đen nhánh, hai gò má ửng hồng và đôi môi tươi như thoa son. Trời lạnh là thế mà cô chỉ mặc phong phanh có một chiếc áo dài nâu may đổi vai (3) che không hết tấm áo cánh cũng mầu nâu. Chiếc thắt lưng nhiễu bạc mầu không giữ được những tà áo khỏi tung bay trong gió như hai cánh bướm.
 
Những cử động nhịp nhàng của đôi tay, đôi chân, của mái chèo ăn khớp với những đợt sóng triền miên từ mạn trên cuồn cuộn tới. Con đò mảnh mai lướt đi êm thắm như, ở lưng trời, một đàn chim không vỗ cánh bay nhẹ về phía Phụng Hoàng Sơn.
 
Thuyền ra đến giữa giòng, gió thổi lồng lộng, ba ông khách giữ chặt chiếc nón che gần kín mặt. Cô lái mỉm cười ngó ngay ông khách có khuôn mặt thanh tú nhất, dạn dĩ như muốn nhận diện một người quen.
 
- Thưa ông, ông bỏ lỗi cho cháu, cháu trông ông ngờ ngợ…
 
Ông khách vuốt lại bộ râu bay phần phật trong gió, ngạc nhiên nhìn cô lái, mỉm cười :
 
- Cô lái nhầm rồi. Hôm nay tôi mới qua bến đò này là một.
 
Cô gái tò mò hỏi gặng :
 
- Chắc ông có người quen bên kia sông ?
 
- Phải.
 
Im lặng. Mặt vẫn tươi như hoa, cô gái suy nghĩ tìm cách nói chuyện cho bằng được.
 
- Đò này cháu chở đến giữa giờ dậu (4) mới cắm sào nghỉ.
 
- Thế à !
 
- Nhỡ chuyến đò sau cùng, khách phải đợi đến giờ mão (5) sáng mai đấy, thưa ông.
 
-Phải.
 
- Nếu ông cần qua sông ngay chiều nay cho được việc, ông cứ dặn, cháu đợi được đến cuối giờ dậu.
 
- Không… Giã ơn cô.
 
- Nói vậy, chiều nay ông chưa về ?
 
Con bé này đáo để thật ! Biết không ai nỡ mắng, nó cứ tọc mạch hỏi tới hoài. Chả trách người ta hay dùng con gái đẹp làm gián điệp !... Kệ ! Thử xem con nhỏ còn tò mò đến mức nào…
 
- Phải. Tôi còn ở chơi bên kia vài ba hôm.
 
Con nhỏ làm bộ ngạc nhiên :
 
- Ô ! Sao cháu không thấy ba ông mang theo hành lý nhỉ ?
 
- Nghỉ lại nhà bà con vài hôm mà hành lý nỗi gì ! Tôi xem đất cát cho người ta thì thầy trò tôi cần cái gì, nhà chủ phải chu biện (6) tất.
 
Cô gái reo lên, nụ cười hồng hé lộ hàm răng đều đặn, đen nhánh như hạt huyền :
 
- A ! Nói vậy ông là thầy địa lý ?
 
- Phải.
 
- Đúng rồi ! Cháu nghe các cụ nói ở bên Lương Xá cũng như ở mạn Phụng Hoàng Sơn có nhiều kiểu đất quý lắm. Dễ thường ba ông đi Lương Xá ?
 
- Phải.
 
Làm bộ ngây thơ, cô gái lẩm nhẩm như tự hỏi :
 
- Lạ nhỉ ! Ông thầy để đất cho ai bên ấy kìa ?
 
Đò gần đến bến, ông khách thấy đã đến lúc kết thúc trò đùa ;
 
- Tôi tìm đất cho người Tầu mà, cô.
 
Cô gái kinh ngạc hỏi giật giọng :
 
- Ngưòi Tầu ?
 
- Phải.
 
- Người Tầu nhờ ông để đất ?
 
- Không. Người Việt ta nhờ chứ.
 
- Kỳ quái không ! Người Việt ta nhờ ông tìm đất cát cho người Tầu ?
 
- Phải. Có chi là kỳ quái ?
 
- Thưa ông, cháu thấy lạ là vì chưa từng thấy thế bao giờ. Ở bên Lương Xá, cháu quen nhiều, nhưng chẳng biết ai lại thân với người Tầu đến như vậy.
 
- Thế à ?
 
- Chả dám nào…
 
- Cô cứ nói.
 
- Giá ông cho cháu biết tên, may ra cháu hay thầy cháu ở nhà có quen…
 
- Được. Người nhờ tôi họ Lê. Và tìm đất cho người họ Đại.
 
Cô gái lắc đầu chịu phép :
 
- Bên Lương Xá, có họ Trần nổi tiếng nhất. Cháu không biết có ai họ Lê hay họ Đại.
 
- Vậy hả ? Để tôi nói rõ hơn, cô đoán xem nhé.
 
- Vâng.
 
- Cái ông nhờ tôi họ Lê, tên Ta. Tên họ đầy đủ là Lê dân Ta.
 
- Lê dân Ta ?
 
- Phải. Còn đất thì để chôn người họ Đại, tên Minh. Tên họ đầy đủ của y là Đại quân Minh.
 
- Đại quân Minh ?
 
- Phải.
 
Đò vừa cặp bến. Bến vắng tanh. Cô lái cắm mạnh cây sào xuống đất, chắp tay vái ông khách :
 
- Lạy bác ạ. Cháu được lạy chào Nguyễn quân sư ở đây thật là vạn hạnh… Mới thoạt trông thấy bác, cháu đã ngờ ngợ mà nghĩ mãi không ra.
 
- Cháu đã gặp bác bao giờ đâu mà ngờ ngợ được ?
 
- Vâng, cháu chưa được gặp. Nhưng anh cháu về thăm nhà có nói.
 
- À, anh cả Trúc ?
 
- Vâng ạ. Anh cả cháu có tả rõ hình dáng của Ức Trai (7) tiên sinh cho thầy cháu nghe. Cháu nghe lỏm và ghi nhớ. Lúc nãy nghe bác nói đến “dân ta” và “quân Minh”, cháu bỗng tỉnh ngộ và nhận ra bác ngay. Cùng lúc ấy, cháu nhận luôn ra hai chú, chú Trí và chú Lực, không lúc nào rời xa bác.
 
Cô gái khúc khích cười, nhìn hai ông tướng lực lưỡng đứng sau lưng nhà nho tầm thước.
 
- Anh cháu bảo chú Trí có cặp mắt xếch rất oai là “Mã tiền Trương Bảo” còn chú Lực có bộ râu quai nón bất hủ là “Mã hậu Vương Hoành” (8) !
 
- Ờ, cháu bác cũng thông minh đấy !
 
Vị quân sư họ Nguyễn khen rồi quay bảo Trí :
 
- Chú Bẩy giao cho cháu thư nhà của Cả Trúc đi.
 
Cô gái năn nỉ :
 
- Chả mấy thuở bác và hai chú qua đây, mời bác và hai chú ghé qua nhà cháu để thầy cháu được…
 
Nguyễn Trãi vội gạt đi :
 
- Không được đâu cháu. Bác phải đi xem đất, xem cát, sắp đặt các cái nội trong một ngày cho xong. Rồi còn phải đi nơi khác… Để sau này yên hàn, bác về chơi thăm thầy cháu và cụ Cử cũng không muộn.
 
Ba ông khách nhẩy vội lên bờ. Cô gái cũng nhẩy theo, đôi gót chân son nổi bật dưới gấu chiếc quần sồi thô kệch.
 
Họ Nguyễn ân cần căn dặn :
 
- Bác đi chuyến này là để mưu một trận đánh thật to. Có thắng được là nhờ công sức của các tướng, của ba quân. Nhưng một phần phải nhờ cháu và những người như cháu. Vậy nay mai ông Trần Kiện bên Lương Xá… À, cháu biết ông Trần Kiện chứ ?
 
- Thưa bác, vâng. Chú Trần có họ gần với đẻ cháu.
 
- Thế thì tốt. Khi nào chú Trần nhờ cháu việc gì, cháu phải chịu khó giúp cho tất lực nhé. Vì đó là việc chỉ có cháu mới làm nổi.
 
Mai hớn hở :
 
- Vâng. Xin bác tin ở cháu.
 
Nàng đứng ngây người, ngước mắt rõi ba thầy trò rảo bước trên con đường chạy dài về hướng tây cho đến khi mất hút.
____________________________

 (1) Giờ Mùi : từ 1 đến 3 giờ trưa.

(2) Giờ Thân : từ 3 đến 5 giờ chiều.
 
(3) Áo đổi vai : áo thay một vai bằng vải hơi khác màu (vì tiết kiệm).
 
(4) Giờ Dậu : từ 5 đến 7 giờ tối.
 
(5) Giờ Mão : từ 5 đến 7 giờ sáng.
 
(6) Chu biện : lo đầy đủ.
 
(7) Ức Trai tiên sinh : tên hiệu của Nguyễn Trãi.
 
(8) Mã tiền Trương Bảo, Mã hậu Vương Hoành : Nhạc Phi, một danh tướng nhà Tống có 2 tướng cận vệ trung thành là Trương Bảo chạy ở trước ngựa (mã tiền) và Vương Hoành chạy ở sau ngựa (mã hậu).


______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III, IV
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>