CHƯƠNG XI
NHƯ LẤY ĐỒ TRONG TÚI
Với hai ống điếu dài truyền thống, hai tên đầu sỏ giặc Minh họp bàn riêng lần chót trước khi nhất định đánh một đòn quyết liệt.
Trên mặt bàn phủ gấm Tứ Xuyên, đã bầy sẵn một bình rượu quý bên cạnh một khay chén ngọc. Mỗi kẻ ngồi một bên đối ẩm.
Vương Thông tự tay rót rượu ra cùng bạn khề khà :
- Trông gương mặt quan Tham tán hôm nay có hỉ sắc, tôi đoán chắc mới có tin lành.
Trần Hiệp cười hể hả :
-
Quả có thế. Tôi đã thu thập được đầy đủ các tin tức. Nói cho rõ, tôi đã
kiểm soát lại tất cả các tin mật báo xem có thật đúng không.
- Có điểm nào đáng nghi ngờ không, quan Tham tán ?
-
Không, tuyệt nhiên không. Điều lợi hại thứ nhất là Nguyễn Trãi không có
mặt ở trong quân. Ta bớt hẳn được một mối lo then chốt. Điều quan trọng
thứ hai là Lê Lợi đang thao luyện quân sĩ ráo riết trong khu Tụy Động.
Họ còn xem lịch, chờ ngày tốt mới tiến đánh quân ta. Biết trước, ta làm
một mẻ lớn, phá tan sào huyệt, diệt trọn ổ, không sót một mống, thật bõ
công. Còn điều thứ ba là hai đạo quân của Đinh Lễ và Nguyễn Xí đã lục
tục chui vào rọ cùng với đạo quân của Lý Triện, Đỗ Bí rồi…
Y vỗ tay, cười sằng sặc, tiếp :
- Gọn cho ta biết chừng nào ! Cá trong đó càng nhiều, ta khoắng tay bắt càng dễ !
Khác hơn bữa họp trước, lần này đến lượt Vương Thông ngần ngại :
- Quan Tham tán à ! Họ để lộ quá nhiều sơ hở, tôi thấy như có một cái gì không được ổn. Hay là họ cố ý như vậy để lừa ta ?
- Không phải thế đâu. Xin chủ tướng chớ quá lo xa. Để tôi phân tách kỹ càng cho chủ tướng yên tâm.
“Không
phải là họ sơ hở đâu vì thực ra họ chẳng phải là một lũ vô mưu, đánh
với ta ngót mười năm, Lê Lợi và các tướng tá của y đều có kinh nghiệm
chiến trường và biết đóng quân theo đúng binh pháp.
“Hiện
giờ, họ dồn binh ở khu Tụy Động là ỷ vào hai con sông che chở cho ba
mặt Đông, Tây và Nam . Chỉ phải lo giữ có một mặt Bắc mà thôi.
- Phải. Đóng quân như vậy có thể gọi là đắc sách.
-
Vâng. Họ đắc sách nếu quân số hai bên đối địch sấp sỉ ngang nhau hoặc
không quá chênh lệch. Họ quên mất một điều tối quan trọng là quân ta
đông hơn quân họ gấp mấy chục lần. Thành thử ba mặt sông không còn là
chỗ cho chúng tựa nữa mà biến thành những cản trở khó vượt qua khi chúng
bắt buộc phải tháo lui. Đất dụng võ của chúng bỗng hoá ra đất chết. Đắc
sách hoá ra thất sách !
Sau khi tần ngần hồi lâu, họ Vương đặt chén nước xuống bàn, áy náy hỏi người đối ẩm :
-
Họ kém quân thì họ có thể mượn lửa giúp sức. Ngộ họ lừa mình vào sâu
trong hiểm địa rồi đánh hoả công như ngày xưa Gia Cát Khổng Minh đốt đồi
Bác Vọng thì sao ?
-
Tôi đã nghĩ đến điều đó và thấy chả có gì đáng bận tâm. Bây giờ là
tháng mười. Gió bấc thổi ù ù, quân ta từ mặt bắc đổ xuống, họ có điên
cách mấy cũng không dám nổi lửa để thấy chính họ bị hoả thiêu trước. Ba
mặt sông đã chẹn họ lại và không chừa ra lối nào cho họ chạy thoát kia
mà.
- Không mượn được sức lửa, họ mượn sức nước thì quan Tham tán tính sao ?
Chậm rãi nâng ly uống vài hớp rượu lấy hứng, họ Trần vuốt bộ râu dê, đắc chí hỏi ngược lại :
-
Họ có thể nghĩ đến điểm lợi hại đó. Nhưng thử hỏi họ sẽ mượn sức nước
bằng cách nào ? Lấp sông Đáy, sông Bùi cho nước tràn vào các ruộng chiêm
thì được đấy. Song ai lấp và lấp vào lúc nào ? Lấp trước khi ta xông
vào thì chính họ chết trước. Lấp sau thì không tài nào kịp !
Họ
có độ ba bốn nghìn quân. Ta kéo đi bẩy tám vạn. Trong nháy mắt, ta
khoắng tay một cái là tóm được toàn bộ không sót một tên thì lấy ai mà
ngăn sông nữa ?
“Nói cho cùng, điều ấy thật quả không đáng lo.
“Vả
lại, sống với đồng chiêm, nhà nào cũng có đôi ba chiếc thuyền thúng.
Khi cần, ta mạnh hơn, ta đoạt lấy, ta dùng. Chu ng quy, dù chúng có làm
liều tháo nước vào, ta cũng diệt chúng xong trước khi nước tràn tới…
“Trận này, ta chỉ đánh một loáng là xong à !
Đã bị hoàn toàn thuyết phục, viên tướng họ Vương vui vẻ nói theo đà viên tham tán :
- Ta đã gạt được sức nước, sức lửa thì sức người của chúng hết đáng lo. Dù có phục binh mấy mặt, chúng cũng bị quân ta đè bẹp.
-
Vâng. Đè bẹp đến nỗi trong cái túi nhỏ xíu ấy, quân ta quơ tay chỗ nào
cũng vớ được một món đồ. Nhưng rồi khối đứa sẽ chưng hửng vì đồ trong
túi quá ít trong khi tay khoắng quá nhiều !
Trước khi kéo một hơi thuốc bào cho sảng khoái, Trần Hiệp gõ mấy đầu ngón tay xuống tấm bản đồ trải rộng trên bàn và bình luận :
-
Đánh trận này, thú nhất ở chỗ cả hai bên đều cho là mình đắc sách và
lừa được đối phương. Chỉ đến lúc bị trói gô lại thành từng xâu dài,
chúng mới tỉnh ngộ thì đã muộn. Cũng như người đánh cờ mải tấn công, mãi
đến khi bị chiếu bí mới biết mình đi hớ nước.
- Thôi, được rồi ! Ta nhất định đánh một trận to, bắt cho trọn ổ. Nhưng quan Tham tán đã tính điều động…
- Đã, đã. Tôi đã tính toán đâu vào đấy cả rồi.
“Bọn
Lý Triện, Đỗ Bí bỏ Ninh Kiều về Tụy Động là phạm phải một lỗi lầm to
tát. Tôi đã cho Mã Kỳ đem quân đến đóng ở Ninh Kiều, rồi từ Ninh Kiều y
cất quân đi lẻn bằng đường thủy đến con đường cái dẫn đến bến đò sông
Tích Giang.
“Bây
giờ chắc y đã cho quân bí mật sang sông ẩn nấp vào một chỗ kín đáo và
sẵn sàng để đánh tập hậu vào quân của Lý Triện đang trấn đóng ở cửa ngõ
khu Tụy Động.
- Ta còn chờ gì mới phát pháo tấn công ?
-
Thưa, tôi và tướng Phương Chính đã sẵn sàng, chỉ còn đợi một tin tức
sau cùng của tướng Mã Kỳ là cất quân liền. Chúng tôi sẽ độ quân qua sông
Đáy ở Mai Lĩnh. Thế là hai cánh quân của ta ép chặt hai đầu con đường
cái quan nằm giữa hai khu Chúc Sơn và Tụy Động.
“Lúc nào có ám hiệu, hai cánh cùng đổ quân ra dồn bọn chúng xuống đám ruộng chiêm như người ta lùa cá vào trong một cái đó…
“Tha hồ mà chém giết. Tha hồ mà bắt sống dễ như lấy đồ trong túi !
Cả hai tên cùng cười híp mắt, tưởng như đã nắm chắc số phận họ Lê và các tướng tùy tùng ở trong tay.
Họ Vương cao hứng :
-
Ông chịu khó đi đánh trận này thật bõ công vận trù quyết sách (1). Tôi
ngồi một chỗ cũng thấy ngứa ngáy chân tay. Hay là tôi cũng dẫn một cánh
quân đóng ở bên này sông trợ chiến ?
- Thế thì còn gì hay bằng ! Sĩ tốt nghe tiếng trống thúc quân của chủ soái ắt nức lòng xả thân giết giặc.
- Có vậy khi ban sư hồi triều, chúng ta mới xứng đáng nhận lãnh những lời phủ dụ của bề trên.
Cả
hai cùng vui cười hể hả và cùng nâng ly rượu đầy ắp uống mừng ngày
thành công đã ló dạng sáng ngời như ánh nắng chúng thấy tưng bừng qua kẽ
hở giữa hai cánh màn gấm gió thổi lung lay ngoài trướng.
______________
(1) Vận trù quyết sách : lập mẹo hay.
CHƯƠNG XII
BỨC MẬT THƯ
Nắng
chiều chưa tắt hết, hai chàng trẻ tuổi bước vào một ngôi quán nhỏ ẩn
hiện sau một khóm trúc như sau một tấm bình phong khổng lồ bằng ngọc
thạch.
Người nọ giới thiệu với người kia :
- Đây là quán Trúc, anh bạn thấy thế nào ?
- Đẹp và u nhã lắm. Không phải tay “thổ công” như bạn làm sao biết được chỗ này !
Họ ngồi xuống ghế. Chàng “thổ công” hỏi cô gái nhỏ bưng trà ra mời khách :
- Các cô chủ đâu, sao không thấy cô nào ở đây nhỉ ?
- Thưa, hai cô cháu ra ngay bây giờ đấy ạ. Dạ, hôm nay các cô có món cháo ám (1) ngon đặc biệt.
Khách
lạ nâng chén trà thơm lên nhấp và bỗng nhiên cảm thấy mình như chàng
Lưu, chàng Nguyễn (2) vừa lạc vào cõi Thiên Thai. Hai dáng tiên nga vừa
xuất hiện và tha thướt lại gần, không ai khác hơn là Mai và Lãm.
Gã
ngây người ngắm nụ cười nở lặng lẽ trên cặp môi hồng. Rồi tia nhìn ngây
dại chết giấc trên mảng yếm trắng tinh nổi bật giữa hai tà áo nâu non
và múi thắt lưng màu hoa lý.
- Hai cô ngồi xuống tây chơi. Tên hai cô là gì nhỉ ?
Nàng nhỏ tuổi lẹ miệng trả lời :
- Thưa, em tên Đẹp.
- Ồ, tẹp, tẹp lắm ! Người tẹp, tên cũng tẹp !
Y quay sang cô kia, sắc sảo hơn :
- Còn em ?
- Em tên Băng Tâm.
- Păng Tâm ! Cô em tẹp như một nàng tiên vậy tó !
Hai
nàng tiên mỉm cười. Họ đã nhận ra cái giọng lơ lớ đặc biệt của những
người tuy nói tiếng ta thật sõi nhưng vẫn chẳng sớm thì muộn để thò ra
cái đuôi “khách trú”.
Họ
kín đáo liếc nhìn chàng thanh niên ngồi cạnh. Anh này ngồi lui ra đằng
sau một chút và trong thoáng giây cả hai nàng cùng bắt gặp chàng ta nheo
con mắt bên tay trái.
Đúng rồi ! Cá đã vào nơm.
Chàng trẻ tuổi hỏi nhanh, tay vỗ vai bạn đồng hành :
- Thế nào, hai cô có rượu ngon, nhắm tốt cho quý khách đây thưởng thức không ?
- Thưa, có ngay bây giờ đấy ạ.
Hai nàng vừa lăng xăng rót trà vừa khoe, thỉnh thoảng lại mỉm cười liếc nhìn hai ông khách :
-
Hàng chúng em tuy quê mùa nhưng lúc nào cũng có một bao chè ướp sen và
vài bình rượu cúc thượng hảo hạng. Còn thức nhắm thì sẵn có đàn gà mái
tơ. Hôm nay lại có mẻ cá đầm nhà vừa đánh xong, tươi roi rói.
- Thế thì quý hoá quá !
Chàng trẻ tuổi khen xong, bạn y nhe hàm răng trắng nhởn tiếp lời :
- Gà mái tơ hả ? Ngộ… à quên, tôi thích gà mái tơ lắm.
Y cười híp mắt, sướng mê tơi với những câu thăm hỏi xã giao của hai cô gái :
- Ông chủ chắc đi buôn to lắm, phải không ạ ?
- Phải zồi ! Ti Puôn to lắm ! Puôn chuyến này xong, tôi sẽ giầu to. Zồi tôi sẽ làm quan to nữa à !
-
Ồ, thế thì hân hạnh cho chúng em quá. Biết đâu chúng em chẳng có phận
nhờ… Chẳng dám nào, chúng em mong được biết quý tính cao danh, phòng sau
này có khi nhờ vả.
- Tược, tược. Tên tôi là Tĩnh. Còn ông bạn này là…
Bạn y vội đỡ lời :
- Sơn. Các cô cứ gọi tôi là Sơn.
Đúng là Sơn Nữ. Đúng là chàng. Cắc cớ, Mai nhìn người yêu, mỉm cười hỏi :
- Còn ông chủ đây, cũng đi buôn để rồi làm quan nữa, phải không ạ ?
-
Không có đâu, cô Băng Tâm à. Tôi chỉ đi giúp người ta bắt cá thôi. Lùa
cá vào nơm cho thật nhiều, rồi bắt đem về cho hai cô hàng Quán Trúc làm
món nhắm đãi khách. Vậy có được không cô ?
Mọi người cùng cười, mỗi người hiểu câu nói ỡm ờ theo một ý.
Tiệc đã bầy xong, một mâm thịnh soạn.
Hai ngọn đèn khơi cao chiếu xuống chiếc mâm đồng bóng nhoáng đựng những đĩa thức ăn đầy toả vị thơm ngon.
Băng
Tâm tự tay so hai đôi đũa son và đặt hai chiếc bát sứ Giang Tây bịt bạc
trước mặt hai người khách. Và chính tay nàng nghiêng bình rượu cúc rót
đầy hai cái chén sứ men trắng như ngọc, khuyên mời :
- Rước hai ông xơi rượu.
Hương rượu thơm phức. Tĩnh nâng chén lên định uống, nhưng Sơn kín đáo giữ tay y lại.
- Mời hai cô cùng uống với chúng tôi một chén cho vui.
Tĩnh liếc nhìn bạn, thầm phục anh chàng này thế mà cẩn thận.
- Phải zồi. Có hai cô cùng tối ẩm, tiệc rượu này mới thật là một cuộc họp mặt thần tiên chứ.
Hai nàng chỉ nhấp một chút cho ướt cặp môi hồng để hai gã phóng tâm cạn chén.
- Khà ! Rượu ngon thật !
Đêm đã về khuya, tiệc cũng gần tàn. Hai cô con gái đã gắng gượng uống hết một ly trong khi hai gã sắp cạn hết bình.
Sơn nheo mắt ra hiệu cho hai nàng, rồi trân trọng rót cho mỗi người trong tiệc một tuần rượu chót. Chàng giục bạn :
- Thôi, uống nốt đây thôi, sắp say rồi. Còn ăn cơm chứ !
Hai người cùng nâng ly, cùng nốc cạn và cùng buông một tiếng khà sảng khoái.
- Ơ kìa ! Đã say rồi sao ?
Cả hai cùng ngạc nhiên thấy hai cô quán mặt đỏ bừng, gục xuống bàn, say khướt.
Tĩnh mắt bỗng hoa lên thấy Sơn nằm vật xuống giường, bất tỉnh. Y cố trấn tĩnh, nhủ thầm, tự đắc :
- Thì ra mình vẫn là một tay giỏi rượu nhất !... Ơ kìa ! Mình cũng say chăng ? Không gượng được nữa rồi !...
Y lảo đảo, toàn thân mềm nhũn, ngã sóng soài xuống đất.
Như cái máy, Sơn nhỏm dậy cùng một lúc với hai cô gái. Chàng đích thân lục khắp người tên Tĩnh.
- Đây rồi !
Chàng khẽ reo lên, đưa bức mật thư cho Mai mang vào nhà trong trình cụ Cử.
*
Cụ Cử ung dung ngồi thưởng trà khuya với tướng quân Lý Triện.
Cụ
đã sao xong bức mật thư. Những chữ viết đài (3) ra ngoài hàng cụ cũng
bắt chước y hệt. Nhưng cả hai người cùng tần ngần chưa muốn giao bản
chính lại cho Sơn. Là vì có một điểm mà cả hai người cùng không hiểu.
Lý Triện cau mày, lẩm nhẩm đọc đi đọc lại :
“…
Mặt này, chúng tôi đã sang đò và đang phục ở một nơi kín đáo. Mặt kia,
xin kéo rốc sang ngay. Lúc nào có súng hiệu “ĐỊA LÔI PHỤC” thì hai mặt
đổ ra cùng đánh.”
Ông tướng hỏi nhà nho :
- Mấy chữ “Địa lôi phục” viết đài ra đây có dụng ý gì, thưa cụ ?
- Tôi chưa nghĩ ra. Chẳng nhẽ chúng nó chôn địa lôi trên đường cái !
- Địa lôi phục ! Vô lý nhỉ ?
Cô lái bến đò Mai Lĩnh bỗng lên tiếng hỏi :
-
Thưa, cháu chưa được nghe tiếng súng khi hai bên giáp trận bao giờ. Lý
tướng quân có thể cho cháu biết quân Tầu thường bắn súng ra làm sao
không ạ ?
-
Được. Chúng cũng như ta hay dùng súng hoả mai thay cho pháo hiệu. Chúng
bắn khi thì hai phát ngắn liền nhau, lúc thì một phát nổ rền rời rạc.
- Thế thì cháu hiểu rồi !
Nàng quay sang phía cụ Cử, chưa kịp trình thầy thì ngay lúc ấy cụ Cử nghĩ ra nhờ cô học trò gợi ý. Cụ khen :
- Con bé này thế mà sáng dạ đấy ! Mới học sơ qua mấy quẻ đã luận được ra ngay !
Rồi cụ vuốt râu, rung đùi, giải thích :
- Lý tướng quân à ! Chúng làm hiệu ngầm với nhau bằng quẻ Dịch !
- Thế à ? Xin cụ nói rõ cho nghe.
- Vâng. Chắc tướng quân đã rõ trong bát quái, có 8 quẻ, mỗi quẻ được vẽ bằng 3 nét hoặc liền hoặc đứt.
“Trong 8 quẻ ấy, có quẻ KHÔN chỉ ĐẤT (Khôn vi Địa) và quẻ CHẤN chỉ SẤM SÉT (Chấn vi Lôi).
“Quẻ KHÔN được biểu tượng bằng 3 nét đứt.
“Quẻ CHẤN được biểu tượng bằng 2 nét đứt ở trên và 1 nét liền ở dưới.
“Nếu
đem trồng quẻ KHÔN (Địa) lên trên quẻ CHẤN (Lôi) ta có một trùng quái
có tên là quẻ PHỤC. Để cho dễ nhớ, người ta gộp chung thành phần của
trùng quái vào tên của nó và gọi quẻ này là quẻ Địa Lôi Phục (Địa + Lôi :
Phục).
“Quẻ này gồm 5 nét đứt ở trên và 1 nét liền ở dưới.
“Như vậy, hiệu súng của chúng là 5 chập, mỗi chập 2 phát liền nhau, trước rồi đến 1 phát nổ rền sau cùng.
Lý Triện mừng rỡ :
-
Thế thì phải rồi. Ta sẽ lấy kế nó làm kế mình… Thôi cậu Sơn ra ngoài
quán, để trả bức mật thư vào chỗ cũ cho nó, rồi cứ mặc nguyên quần áo mà
đánh một giấc bên cạnh nó cho có bạn.
- Dạ.
Ông tướng cười hà hà dặn vói thêm :
- Nhớ đánh thức y dậy thật sớm mà đi cho được việc nhé.
Trước khi lên ngựa về doanh, họ Lý nắm tay ông bạn già, cảm tạ :
- Cụ có hai người học trò quý như hai viên ngọc. Trận này thành công, một phần nhớn nhờ cậu Sơn và cô Mai đấy, cụ ạ.
_________________
(1) Cháo ám : một thứ cháo cá.
(2)
Chàng Lưu, chàng Nguyễn lạc vào cõi thiên thai : Một chuyện thần tiên
kể rằng ngày xưa có một người họ Lưu, và một người họ Nguyễn đi chơi rồi
lạc vào động Thiên Thai, nơi tiên ở.
(3) Viết đài ra : viết trệch ra ngoài hàng.
______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XIII, XIV