Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

CHƯƠNG HAI_DƯỚI MÁI GIA ĐÌNH


hai

Ba tôi sinh trưởng ở thôn quê, giữa những đồng ruộng phì nhiêu, xanh rì ngọn mạ và bên bờ một dòng sông hiền hòa. Sau khi ông nội qua đời để lại người vợ trẻ, hai đứa con gái đầu lòng và thằng con trai ba tuổi, bà nội tôi, người đàn bà khổ hạnh nhưng có một nghị lực phi thường, quyết định đem gia đình lên thành phố với giấc mộng là tạo cho các con một địa vị quan trọng ở đời. Quả thực bà nội đã chứng minh một cách hùng hồn câu “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Hai bác gái tôi, người thì trở thành giáo sư âm nhạc lỗi lạc ở Viện Quốc Gia Âm Nhạc, người giữ chức giảng sư tại trường Đại Học Luật Khoa; riêng đứa con trai út, tức ba tôi, vẫn thường mơ ước trở thành một kỹ sư, được bà nội gửi vào trường Kỹ Thuật Cao Thắng. Nhưng khi vừa hoàn tất bậc trung học ba tôi nghĩ rằng việc tiếp tục học lên trường Cao Đẳng đòi hỏi nhiều tổn phí cho ngân quỹ gia đình và có thể làm cản trở bước tiến của hai chị, nên đã tự động nghỉ học và xin một chân phụ-thợ-hồ cho một ông thầu khoán danh tiếng ở Sàigòn. Biết tính của con trai một khi đã quyết định việc gì khó ai có thể lay chuyển, bà nội tôi chỉ còn biết khuyên nhỏ nhẹ:

- Ở đời, nghề nào cũng đáng quí, đáng trọng, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, con ạ. Hãy cố gắng trở nên một người thợ học nghề giỏi, nghe con.

Ba mỉm cười thưa lại:

- Mẹ an tâm, con sẽ cố gắng hết mình.

Nhưng, nếu bà tôi tin là đứa con trai tháo vát của mình sẽ trở nên một người thợ xuất sắc thì trái lại ông thầu khoán chỉ thấy trước mắt mình một tên học nghề tệ nhất trong suốt bốn mươi năm hành nghề. Chỉ tại ba tôi, thay vì thực hành theo lời dạy của ông thầy, lại đi sáng chế ra những phương pháp xây cất mới khiến chủ nhân thường xuyên nổi nóng đòi tống cổ ba tôi đi:

- Cậu nên nhớ là cậu tới đây để học nghề chứ không phải để dạy nghề kẻ khác.

Ba vẫn không nao núng. Ngay từ hồi còn nhỏ ba đã nghiên cứu sự tiết giảm động tác để công việc được mau chóng, nên cố gắng giải thích cho ông thầu khoán nghe:

- Thưa ông, nếu để ý ông sẽ thấy là không bao giờ hai người thợ có những động tác đặt viên gạch giống nhau. Điều đó rất quan trọng. Ông biết tại sao không?

- Tôi chỉ biết là những người thợ nào dưới quyền tôi mà mở miệng bày đặt đề nghị này nọ tôi sẽ tọng cho một viên gạch!

Ba vẫn bình tĩnh trình bày:

- Quan trọng là vì con người thường đặt tự ái không đúng chỗ nên, nếu có người thợ nào có cách đặt gạch xây riêng thì thế nào những người khác cũng sẽ làm ngược lại. Nếu ở địa vị ông, tôi sẽ quan sát người thợ nào có phương pháp hoàn hảo nhất rồi bắt các đồng nghiệp khác bắt chước y như vậy.

Ông thầu khoán giận xanh mặt, nhặt một hòn gạch giơ lên như đe dọa:

- Có lẽ tôi không đủ ma lanh để nhận ra ai là giỏi, nhưng chỉ biết tống cổ tên nào bết nhất mà cứ hay lên mặt thầy đời. Thôi, đừng làm chói tai tôi nữa nếu không tôi sẽ đính viên gạch này vào mặt cậu dù cách đó có làm vừa lòng cậu hay không!

Trong năm đó, mặc dầu có sự chê bai của ông thầu khoán, sự nghi kỵ của các đồng nghiệp, ba vẫn quyết chí thực hiện những sáng kiến của mình.

Thời gian trôi, với sự kiên trì và nghị lực, với sự nhẫn nại và tinh thần cầu tiến ba đã thành công vẻ vang trong nghề, rồi cũng trở thành một vị thầu khoán, một chủ nhân ông. Một nhóm thợ tinh nhuệ, áp dụng phương pháp tiết giảm động tác và với tài điều khiển khéo léo của ba, đã đạt được những kỷ lục độc đáo, xây nhanh, kiến trúc giỏi vào bậc nhất trong nước, không những đã kiến tạo nhà cửa, cao ốc mà còn bao thầu cả công việc xây cất cầu cống, công xưởng, làm xa lộ cho chính phủ. Nhiều cơ quan công quyền và tư nhân đã mời ba tới để thuyết giảng cũng như giúp nhân công thực hành các phương pháp làm việc của ba.

Đến 34 tuổi, ba đã mở văn phòng ở Sàigòn và một vài thành phố khác như Cần Thơ, Huế, Nha Trang… Và cũng từ thời gian đó miệng ba lúc nào cũng phì phà điếu xì gà, bụng ba tà tà… “bành trướng” cho “hợp thời trang” của một kẻ làm lớn!

*

Ba gặp mẹ năm 27 tuổi trong một cuộc nghỉ mát ở Đà Lạt và chỉ một năm sau hai người cùng “bước lên xe hoa”. Hồi đó mẹ đang theo ngành tâm lý học và nổi tiếng là một thiếu nữ hiền dịu và khéo léo.

Từ khi có con, ba đề nghị phối hợp phương pháp tiết giảm động tác của ba với những sở trường về tâm lý của mẹ trong việc giáo dục gia đình. Lúc đầu một mình mẹ cáng đáng mọi công việc nội trợ nhưng khi đàn con đã lên đến con số 12 thì mẹ mới bằng lòng để ba mượn chú Xồi và thím Xực vào giúp việc nhà.

Ba muốn chúng tôi phải làm giúp chú Xồi, thím Xực để tránh tinh thần ỷ lại. Tuy nhiên ba cũng muốn rằng sự hợp lực đó phải do sự tình nguyện và ý thức bổn phận chứ không phải do ép buộc. Ba khám phá ra rằng phương cách tốt nhất để thu được sự cộng tác phong phú của nhân công trong một cơ xưởng là thỉnh thoảng nên mở những phiên họp thân mật giữa chủ và thợ để thợ được tự do trình bày ý kiến, sau đó chủ sẽ phân phối công việc cho họ tùy theo năng lực và sở thích cá nhân. Cũng vậy, ba và mẹ thành lập ở nhà một Hội Đồng Gia Đình theo mẫu ở công ty của ba. Ba và mẹ cho rằng những gì tốt đẹp ở nhà có thể tốt đẹp ở sở làm và ngược lại. Hội Đồng Gia Đình nhóm họp mỗi sáng chủ nhật, ngay sau bữa điểm tâm.

Khởi sự buổi họp đầu tiên, ba trịnh trọng đứng lên, rót một ly nước lọc và đọc… diễn văn:

- Thưa quí vị (có tiếng cười khúc khích của chúng tôi) trong gia đình… ba (!) là người cao niên hơn cả, do đó ghế chủ tịch đương nhiên thuộc về ba. Hy vọng không có ai phản đối?... ( Ba đưa mắt đảo một vòng, thấy im lặng lại tiếp) Nhân danh chủ tịch, ba sẽ…

Bỗng chị Thuần cắt ngang:

- Thưa ông… chủ tịch…

Chị Thuần hiện học lớp đệ nhất nên thích bàn cãi và đã có kinh nghiệm phát biểu ý kiến trước đám đông, tuy nhiên chị chưa nói được gì ba đã lớn tiếng:

- Yêu cầu giữ trật tự! Chỉ có chủ tịch được quyền nói…

- Nhưng… ông chủ tịch vừa hỏi có ai phản đối không, vậy… con muốn chống…

- “Trật tự” nghĩa là “ngồi xuống đi con”! Chủ tịch nhắc lại : yêu cầu giữ trật tự!

Nói xong ba uống một hớp nước, hắng giọng rồi tiếp tục bài diễn văn:

- Mục đích của buổi họp hôm nay là để phân chia các công việc khẩn thiết ở bên trong lẫn bên ngoài nhà. Ai có ý kiến nào không?

Không có người nào giơ tay.

Ba mỉm cười và cố tạo một bầu không khí vui vẻ:

- Nào các… đồng chí trong Hội Đồng Gia Đình, hăng hái lên chứ. Chúng ta đang sống trong thời đại dân chủ, mọi người đều có tiếng nói bình đẳng. Nào quý vị muốn phân chia công tác ra sao?

Vẫn không ai có ý kiến, bởi vì có người nào lại tự nhiên đi nhận lấy gánh nặng đâu. Ba lại tiếp tục khôi hài:

- Trong một chế độ dân chủ, mọi người cần phát biểu lập trường của mình thì mới có tiến bộ. Hãy mở miệng ra, thưa quí vị!

Cử tọa bất động. Mặt ba xịu xuống khiến tôi cảm nghĩ nếu không có làn da bên ngoài chắc các khối thịt hai bên má của ba sẽ rớt xuống như những trái cây chín mùi. Thấy những lời tác động của mình không có kết quả, ba chỉ đại vào tên ngồi gần nhất:

- À, Huỳnh Sún có ý kiến!

Bị “tấn công” bất ngờ, Huỳnh Sún ngơ ngác, há hốc miệng như một kẻ vừa bị đá từ trên cung trăng xuống đất. Hắn ấp úng:

- Thưa… ba, ý quên thưa… ông chủ tịch, con đâu có…

- Huỳnh Sún, can đảm lên như ba của con đây nè. Sao, con nghĩ thế nào về việc phân chia công tác trong nhà?

“Nạn nhân bất đắc dĩ” của ba từ từ đứng lên:

- Thưa ông chủ tịch, theo con nghĩ nên để cho chú Xồi và thím Xực làm tất cả, bởi vì nhà mình đã mất tiền mướn họ…

Ba hét lên:

- Ngồi xuống! Nhân danh chủ tịch, ba bác bỏ các lời nói vô trách nhiệm vừa rồi của Huỳnh Sún.

Huỳnh Sún lại từ từ ngồi xuống giữa sự ủng hộ… ngầm của chúng tôi (trừ mẹ, vì mẹ vẫn về phe ba). Ba lại uống hớp nước, đốt điếu xì-gà rồi lấy giọng nghiêm chỉnh nói tiếp:

- Quí vị thừa biết vào thời buổi này đâu có dễ gì mướn được người giúp việc, nhất là với một gia đình đông người như nhà chúng ta đây.

Tên Huỳnh Sún như đã được chích kích thích tố, làm oai đứng dậy:

- Nếu thế nên cho họ nghỉ quách cho rồi. Họ làm tàng quá!

Hải Đầu Bò hỗ trợ cho em:

- Theo con, chú Xồi và thím Xực đã bận quá nhiều công việc…

Khuôn mặt của ba và mẹ sáng hẳn lên, hai người đều gật gù đầu như tìm được đồng chí.

Nhưng Hải Đầu Bò đã tiếp nối câu nói:

- Như vậy, theo thiển ý của con, nhà mình nên mướn thêm một người giúp việc nữa để giúp chú Xồi, thím Xực.

Ba vỗ bàn cái rầm:

- Ngồi xuống! Yêu cầu trật tự!

Có lẽ thấy chiều hướng tiến triển không khả quan chút nào, ba nháy mắt ra hiệu cho mẹ “cứu vãn tình thế”, vì biết mẹ “một cây tâm lý”:

- Chủ tịch ra lệnh cho bà phó chủ tịch phát biểu ý kiến.

Mẹ nhỏ nhẹ lên tiếng:

- Giải pháp hay nhất là chúng ta mướn thêm người làm đúng như Hải đề nghị.

Ba mở tròn xoe mắt kinh ngạc, nhưng không dám có phản ứng gì. Chúng tôi hích tay nhau, thích thú. Mẹ vẫn tỉnh bơ tiếp tục nói:

- Do đó ngân quỹ của gia đình ta sẽ phải dành ra một ngân khoản khá lớn, nhưng lấy ở đâu ra bây giờ? Hay… phó chủ tịch đề nghị thế này : nếu chúng ta bỏ mọi thứ tráng miệng sau mỗi bữa ăn, bỏ hết những chi phí cho từng cá nhân thì chúng ta có thể mướn được một chị giúp việc trong nhà; còn nếu chúng ta bỏ hết các khoản giải trí hàng tuần như xem chớp bóng, ăn cà-rem, và bỏ hết mọi việc may mặc trong vòng một năm thì có thể lấy tiền đó thuê được một ông lo việc ngoài nhà…

Mẹ chưa dứt câu, ba đã hí hửng:

- Vậy vị nào muốn “cúp” những “mục” vừa kể?

Dĩ nhiên không ai muốn, nhưng cũng không biết phải trả lời ra sao vì biết mình đã rơi vào bẫy tâm lý của vị phó chủ tịch Hội Đồng Gia Đình, tức người mẹ khôn ngoan và khéo léo tuyệt trần của chúng tôi.

Sau vài lời “khích lệ tinh thần” của ba, công tác được phân chia mau lẹ : Con trai quét sân, đốt rác rưởi; con gái quét nhà, lau bụi và rửa bát. Mọi người, trừ ba, đều phải tự động xếp dọn phòng ngủ và giường chiếu của mình. Một thắc mắc cuối cùng của Cu Bi:

- Chúng con còn bé làm sao với lên cao được mà lau bụi hay cầm nổi cái chổi?

Lại phân công lần nữa cho rõ rệt : phía con gái, người bé thì lau dưới chân đồ đạc, các hộc tủ thấp, người lớn lau cửa kính, phần trên đồ đạc và các ngăn tủ cao – phía con trai, lớn thì quét sân, nhỏ thì đổ rác, lớn tưới cây, nhỏ nhổ cỏ…

Phiên họp đầu tiên của Hội Đồng Gia Đình chấm dứt trong bầu không khí… hậm hực và trong tiếng tranh nhau xem ai lớn, ai nhỏ hầu… xí việc làm!

Tuần lễ sau, cũng vào sáng chủ nhật, Hội Đồng Gia Đình nhóm họp lần thứ hai. Chúng tôi vào chỗ ngồi với một dáng điệu chậm chạp. Ba, tức ông chủ tịch hội đồng như cảm thấy có tảng đá ngầm dưới dòng nước và ông khẽ nhăn mặt. Kể ra cũng khó khăn cho ba khi phải khai mạc phiên họp trong bầu không khí không thuận lợi.

Chị Thuần đứng lên, “khai pháo” đầu tiên:

- Xin lưu ý Hội Đồng về việc… “bà” phó chủ tịch, tức mẹ chúng ta, dự định mua một tấm thảm để trải ở phòng ăn. Tôi đề nghị Hội Đồng cần được tham khảo ý kiến về việc mua bán này.

Em Mộng giơ tay:

- Hoàn toàn đồng ý với chị Thuần.

Trong khi suy nghĩ để “phản công”, ba cố gắng giữ nét mặt thản nhiên, chỉ tay bâng quơ, nói:

- Cần bàn cãi gì nữa không?

Phía con gái liền nhao nhao lên:

- Chúng con có bổn phận lau nhà, do đó có quyền chọn lựa tấm thảm theo ý thích.

- Thảm phải có thêu đầy hoa, bởi vì nhờ có hoa người ta sẽ không nhìn rõ được những hạt cơm, vụn bánh rơi rớt, nhờ vậy chúng ta giảm bớt được biết bao động tác như đỡ phải chăm chú nhìn, đỡ phải đưa tay nhặt và nhất là đỡ phải quét và giặt tấm thảm.

- Chúng tôi muốn biết… “bà” phó chủ tịch sẽ mua loại thảm nào?

- Phía con trai chúng tôi cũng cần được biết việc mua tấm thảm này ảnh hưởng ra sao đến ngân quỹ gia đình?

Thấy các con phát biểu ý kiến hăng quá, chứ không còn thụ động như lần trước, ba luống cuống, cầu cứu tới mẹ:

- Tôi xin nhường lời cho bà phó chủ tịch… Mình ơi, mình cần lên tiếng đi chứ, chúng ta phải làm gì bây giờ?

Mẹ chậm rãi trả lời:

- Mẹ… à quên, tôi dự tính mua một tấm thảm mầu tím, trải dưới bàn ăn và giá khoảng năm ngàn bạc. Nhưng nếu các con… à quên, quí vị thấy rằng giá đó quá đắt hoặc quí vị muốn loại có bông thì mẹ cũng sẽ phục tòng đa số.

Anh Hoài đề nghị:

- Theo con, chúng ta không nên tiêu quá bốn ngàn rưỡi.

Ba nhún vai, bởi vì điều gì mẹ đã đồng ý thì đối với ba không thành vấn đề nữa:

- Có vị nào phản đối ý kiến của… đồng chí Hoài không?

Mọi người thông qua mau lẹ.

Ba hỏi thêm:

- Ai còn điều gì muốn nói nữa không?

Bình-hủ-lô vội vàng giơ tay:

- Con đề nghị lấy năm trăm đồng mà chúng ta tiết kiệm được trong việc mua chiếc thảm để… để… mua một con chó con!

- Hả? Mua gì?

- Một con chó con!

- Ba nghe không rõ, mua… con gì?

Bình-hủ-lô nói chậm lại như đánh vần từng tiếng:

- Một… con… chó… con!

- Bình, con có tỉnh trí không?

- Thưa ông chủ tịch, con, í quên tôi rất sáng suốt!

Nếu câu chuyện mua thảm trải phòng ăn gây nhiều tiếng cười đùa thì đề tài mua chó con trái lại diễn ra rất nghiêm trang. Thật ra trong anh chị em chúng tôi, đã từ lâu đứa nào cũng thích nuôi một con chó trong nhà. Riêng ba, ba lại quan niệm khác : bất cứ con vật nào mà không đẻ trứng được đều là loại xa xí phẩm! Do đó khi nghe Bình-hủ-lô đề nghị ba đã phản đối ngay. Có thể vì nghĩ rằng nếu nhượng bộ đòi hỏi này ba sẽ lâm vào những tình trạng bi đát khác. Ba kinh hoàng khi tưởng tượng trong nhà, ngoài con chó của Bình-hủ-lô, sẽ còn vô số những con vật và đồ khác nữa : nào mèo của chị Thuần, chim của anh Hoài, nào thỏ của Huỳnh Sún, nào chuột bạch của Hải-đầu bò, nào xe đạp của Cu Bi, Vélo Solex của chị Mộng, Honda của em Huyền… và rồi được voi đòi tiên, dám có thể có đưa yêu sách một bàn ping-pong, một sân vũ cầu, một hồ bơi… Và như vậy tương lai của ba sẽ là nghèo đói, là lao tù vì bị các chủ nợ thưa kiện…

Bỗng tiếng của chị Mộng nổi lên, kéo ba ra khỏi cơn… ác mộng:

- Xin tán thành ý kiến của Bình-hủ-lô!

Bình-hủ-lô được thể:

- Chắc chắn mọi người sẽ khoái và vuốt ve con chó suốt ngày, riêng tôi sẽ lãnh trách nhiệm huấn luyện nó.

Huỳnh Sún cũng tán đồng theo:

- Con chó đó sẽ là bạn của chúng ta, nó sẽ nhặt các thực phẩm dư thừa, nhờ đó chúng ta sẽ tiết giảm được một số động tác đáng kể như sẽ không phải lượm lặt các đồ ăn rơi xuống đất, không phải thu dọn chiến trường sau mỗi bữa ăn.

Trước sức tấn công như vũ bão của đàn con, ba rầu rầu nói như than vãn:

- Một con chó! Trời ơi! Đó là một thiên tai đổ xuống cho gia đình này. Chúng ta sẽ trở thành nô lệ của nó. Hãy tưởng tượng đêm ngày nó hết sủa trong nhà lại ra ngoài ngõ, nó sẽ gieo rắc bọ chó khắp nơi, nó sẽ kêu gừ gừ dưới gầm giường làm sao mà ngủ cho nổi, nó sẽ liếm vào bát đĩa… Trời ơi! Cầu sao mọi người lánh xa con vật bẩn thỉu và ghê tởm này.

Chúng tôi vẫn ngồi bất động, chai đá trước những lời ca ai oán của ba. Thấy vậy, ba lại tìm đồng minh ở mẹ:

- Mình, mình ơi, hãy mở mắt ra tí nào. Từ nẫy đến giờ mình cứ ngủ không à! Mình không thấy một tương lai đen như mực tầu đang chờ đón gia đình mình hay sao? Rồi đây nhà này sẽ đầy chó, đầy mèo, đầy súc vật… mình sẽ là nạn nhân bi thảm nhất của sự đòi hỏi vô lý đó!

- Ông chủ tịch nên bình tĩnh – mẹ trả lời ba – theo phó chủ tịch nghĩ, là bậc cha mẹ, chúng ta phải tin nơi con cái của mình. Một con chó giá năm trăm bạc không đến nỗi khủng khiếp như một quỉ sứ đâu.

Chúng tôi vỗ tay rầm rầm tán thưởng trong khi ba buông mình rơi xuống chiếc ghế bành.

Cuộc bỏ phiếu kín diễn ra sau đó. Kết quả: 12 phiếu thuận, 1 phiếu chống (của ba) và 1 phiếu trắng (của mẹ).

Thế là vài ngày sau một con chó con xuất hiện trong nhà tôi đồng thời với cái thảm trải dưới bàn ăn. Chúng tôi đặt tên cho con chó là Tiểu Vương.

Tiểu Vương lớn mau như thổi. Chỉ bốn tháng sau nó đã lập được nhiều “thành tích” đáng kể: rụng lông khắp nơi – Cắn rách chiếc thảm (vì nhặt kỹ quá các thức ăn rơi xuống) – Nhá nát năm đôi bít tất (vớ) và hai chiếc giầy của ba – Tha đi mất nào guốc, nào dép, nào áo quần của chúng tôi – Cắn chảy máu chân bốn đứa trẻ hàng xóm khiến ba phải xin lỗi cha mẹ chúng tơi bời rồi lấy xe chở chúng đi y viện Pasteur – Xơi tái ba lần cái cẳng khẳng khiu của chú phát thơ và thường xuyên rượt chú bé đưa báo chạy có cờ – Hàng đêm làm ba mất ngủ vì nó chuyên môn nằm dưới gầm giường của ba mà… nghiến răng ken két…

Ba thường ôm đầu than với mẹ:

- Mình đã thấy hậu quả của sự chiều chuộng con cái một cách vô lý của mình chưa? Đúng là con hư tại mẹ! Nghĩ lại tôi tự hãnh diện vì đã đơn phương anh dũng chống lại sự đòi hỏi kỳ cục của Hội Đồng Gia Đình. Nhưng hỡi ơi, bây giờ tôi lại phải nằm gần, ăn gần cái con vật lười biếng, bẩn thỉu, hôi thối, phá phách này… Thượng Đế hỡi, có thấu cho tình con nè! Mình! Vợ yêu quí của tôi đã thấy thảm họa chưa? Trời ơi!

Dĩ nhiên mẹ cũng thấy nhưng biết làm sao được khi mà mỗi tuần họp Hội Đồng Gia Đình số phiếu của chúng tôi, 12 đứa, vẫn chiếm đa số!

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG BA
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>