Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

CHƯƠNG XI_TRONG ĐÊM GIÔNG BÃO


Chương XI

ĐÊM MỒNG BỐN THÁNG CHÍN


Lúc đó đã mười một giờ đêm.

Thằng Phú vẫn say sưa ngủ trong vựa rơm.

Trong khi đó, bên Mương lai bản, con Liên và mẹ túc trực bên giường thằng Phan, theo dõi giấc ngủ của người ốm.

Từ quán cà phê tại Na Mân đi ra, gã đàn ông mặc măng tô da bước lên chiếc Mercédès, ngồi bên tài xế. Xe chạy một quãng, gã ra lệnh cho dừng lại giữa rừng, mở cửa xe bước xuống, khẽ nói với người lái xe:

- Cứ việc cho xe chạy thẳng tới ngã tư sẽ thấy cánh rừng rậm về phía tay phải. Giấu kín xe vào đấy. Chừng một tiếng đồng hồ nữa, trở lại đón tôi.

Chiếc xe sang trọng lao vút đi. Bách, gã đàn ông mặc áo măng tô da đúng là Bách, rảo bước tiến thẳng tới nhà Mã Thiên Bỉnh. Tới nơi, gã giơ tay gõ cửa dồn dập, miệng lẩm bẩm, môi nhếch nụ cười nham hiểm:

- Mình đến bất ngờ thế này, anh chàng Mã chắc phải ngạc nhiên lắm. À, hắn bật đèn rồi đây.

Có tới hai phút sau, cánh cửa ra vào mới hé mở. Mã Thiên Bỉnh sửng sốt:

- Ủa, ông! Xin… xin… xin mời vào! Ông… hẹn mồng năm mới tới mà.

Bỉnh cười xòa, vẻ thản nhiên:

- Tôi lầm ngày… ông bạn tha lỗi cho nhé.

Họ Mã đổ quạu, hầm hừ, nhìn thẳng mặt tên trùm buôn lậu:

- Lầm ngày!... Tôi dư biết mà! Ông đa nghi thì đúng hơn.

Tên Bách vẫn thản nhiên đến lạnh lùng:

- Ông bạn còn lạ gì, trong giới “áp phe” nhất là loại “áp phe” đặc biệt, thận trọng là một đức tính cần thiết. Phải luôn luôn cảnh giác, đề phòng ngay cả cái bóng của chính mình. Đối với ông bạn, tôi mới được biết người, biết mặt, còn lòng dạ thì… chưa.

- Lòng dạ tôi hả?... Đã nói sao thì y như vậy!

- Vâng, tôi vẫn biết thế. Nhưng dịch vụ này lớn lao quá. Bao nhiêu anh em trông vào đó. Lỡ “môi hở răng lạnh”, bọn quan thuế nghe hơi đón gió được, thì… Tôi hẹn mồng 5 nhưng lại tới ngày mồng 4. Thôi, ông bạn thông cảm, nghe.

Mã Thiên Bỉnh nhún vai, chép miệng:

- Tôi đem con chó lên chứ?

- Vâng! Ông bạn cầm cái gì trong tay đó?

- Cái rọ khóa mõm! Khi thả sẽ lấy ra! Cẩn thận vẫn hơn chứ. Sơ ý một cái là mất tay, què chân như chơi.

Dứt lời, họ Mã thắp một cây đèn cầy, rảo bước xuống hầm. Chưa đầy năm phút sau, gã đã quay lên, tay nắm chắc vòng da đai cổ con A-Giát. Con chó to lớn, lực lưỡng đã bị khóa mõm.

Tên Bách móc túi lôi ra một cái túi nhỏ bằng da cá sấu. Những viên đá quý va chạm vào nhau phát ra tiếng lanh canh. Những hòn bảo ngọc trị giá tới gần hai trăm triệu bạc đựng trong cái túi nhỏ xíu nằm gọn lỏn trong lòng bàn tay.

Trong khi họ Mã kềm giữ con chó, tên Bách cột thật chắc cái túi da vào cổ dề. Con A-Giát gầm gừ dữ dội trong cuống họng nhưng không thể làm gì được vì vướng cái rọ mõm. Gã gian phi liếc nhìn đồng hồ tay: Nửa đêm đúng. Y cất tiếng hỏi:

- Ông Mã, chừng bao lâu nó vượt khỏi biên giới?

- Chậm lắm là bốn mươi phút. Đói khát điên dại lên thế này rồi kia mà. Thả ra nghe, ông!

- Mười phút nữa!

Mười phút trôi qua, Mã Thiên Bỉnh nắm vòng da đai cổ con chó. Con A-Giát lồng lộn muốn rời bỏ nơi chốn này sớm phút nào hay phút ấy và biết rằng sắp được thả, nó kéo sểnh họ Mã ra tận cửa. Họ Mã cởi nhanh chiếc rọ mõm, vừa kịp né khỏi một cái đớp của con chó suýt trúng cổ tay.

Nhẩy vọt hai cái liền, A-Giát băng qua mặt lộ, phóng mình vào bóng đêm. Bị tù hãm hai ngày, hai đêm liền trong cái hầm hôi hám, giờ đây nó mới được hít thở không khí tự do.

Khu vực này nằm về phía đông bắc Gò Quao, có đường đi Phà Liêm, A-Giát mới đi qua có một lần, hai ngày trước đây, do tên Gà Cồ lôi sềnh sệch bằng dây thòng lọng luồn qua cái ống tre dài gần một thước.

Chạy ra khỏi nhà Mã Thiên Bỉnh chừng một trăm thước, A-Giát dừng chân trở lui ít bước, rồi lại quay đầu lên đường.

Thính giác, khứu giác tinh tế chẳng giúp được, con chó chỉ còn do bản năng tự động thúc đẩy chầm chậm bước đi, mò mẫm, mũi rà rà mặt đất, cố tìm chút ít dấu vết nào đó còn vương vất lại.

Vượt một bãi ruộng cày, mô đất lởm chởm, nó len lỏi đi vào một cánh đồng cỏ cao rậm rạp. A-Giát băng qua một thửa ruộng đầy gốc rạ, lội bì bõm trong nước. Chốc chốc đạp phải đất sét trơn, nó trượt chân té sóng soài nhưng lại nhổm dậy ngay, băng mình tiếp tục cuộc hành trình trong đêm tối.

Đất mềm thụt chân, bùn ngập đến nửa ống cẳng, bãi cỏ đầy nước, gốc rạ đứng chọc muốn thủng da bàn chân, bụi gai rừng cào da xé thịt. Bất chấp! Con chó vẫn lao mình chạy như bay.

Đây rồi, bãi đất trống… và bên kia là cánh rừng quen thuộc. A-Giát ngẩng đầu hít hơi đón gió. Linh tính của nó bén nhậy thật. Con chó có cảm giác là sắp tới quãng đường quen thuộc.

Nó lao mình như một mũi tên bật khỏi dây cung, vun vút xuống một cái đồi mọc đầy sim dại. Trong lòng như có lửa đốt, A-Giát leo phăng phăng trái đồi kế tiếp, đầy những cây trà mới đốn, cành đâm tua tủa nhọn hoắt như những mũi chông. Đường lớn đường nhỏ không khiến được nó mảy may chú ý. A-Giát, không khác một con thú rừng bị toán thợ săn, chó săn rượt đuổi, băng rừng phóng chạy, bất chấp gai góc châm chích, móc toạc cả vành tai. Những vết thương “gãi ngứa” ấy lại càng khiến nó như lửa cháy bị đổ thêm dầu.

Đây rồi, con đường đi Phà Liêm…

Con chó tinh khôn đã tìm về đúng khu vực cánh rừng giang sơn thân yêu của nó.

Tim đập như muốn vỡ tan lồng ngực, A-Giát gom hết sức còn lại chạy nốt đoạn đường chót.

Sức mạnh chất chứa, dồn ép trong hai ngày hai đêm bị giam cầm tới mức chỉ còn chút xíu khiến nó hóa điên dại, A-Giát đem ra sử dụng hết. Giòng máu man dã luân lưu trong huyết quản bừng sôi, đã khiến con chó nổi cơn hung hãn, giống hệt tổ tiên lang sói.

May mắn sao, đêm đó không một người nào, không một con vật nào vô phúc lảng vảng chạm trán với nó trên bước đường “mã hồi”.

Con đường A-Giát đã đi hằng trăm lần, từ Phà Liêm băng qua Gò Quao, lau sậy um tùm, đến cái cầu hai cây gỗ, rồi rừng Đen và tới… tới căn nhà tại thôn Phượng Mô.

Phút chốc, con chó đã vượt qua quả đồi lớn trên Gò Quao, đến con đường chia hai: một về Phượng Mô, một về Mương lai bản.

A-Giát dừng chân đứng sững.

Hai người bạn. Hai mái nhà. Về đâu?... Và đã từ đâu đến? Mọi lần, mỗi khi tới đây, bao giờ A-Giát cũng nhìn lại về hướng nó đã khởi hành trước khi phóng một mạch tới nơi nó định đến. Con chó ngó về hướng Phượng Mô trước khi qua Mương lai bản, và ngược lại, trông về Mương lai bản trước khi trở lại Phượng Mô.

Giờ đây, nó không ở nhà Phan, cũng chẳng từ nhà thằng Phú tới, mà lại thoát ra từ cái hầm hôi hám ẩm thấp tại nhà tên Mã Thiên Bỉnh. Và nơi cổ toòng teng một cái túi nhỏ, không phải thằng Phú, cũng chẳng do tay thằng Phan đeo vào cho nó một cách thật âu yếm dịu dàng.

Thằng Phú đã dạy nó cách “thân xẻ làm đôi”, một nửa cho Phượng Mô, một nửa cho Mương lai bản.

Hai người bạn! Hai mái nhà!

Sau một phút ngập ngừng do dự, A-Giát quay nhằm hướng Mương Lai trực chỉ. Từ chỗ nó đứng, một đường về Phượng Mô, một về Mương lai bản. Đường về Mương lai bản gần hơn. A-Giát chọn con đường này chắc cũng vì lý do ấy.

Qua khe cửa sổ, phòng thằng Phan vẫn còn ánh sáng le lói chiếu hắt ra.

A-Giát trèo ba bậc thang gỗ lên hàng ba. Nó nghiêng vai khẽ đẩy cánh cửa ra vào, rú rít khe khẽ trong cuống họng, rồi đưa chân gãi sồn sột vào cánh gỗ.

Lúc đó, thằng Phan vẫn chưa ngủ. Con Liên và mẹ đỡ nó ngồi dậy, cho dựa lưng vào mấy cái gối bông để tránh cơn ho có thể khiến nó nghẹt thở.

Liên đỡ anh:

- Uống muỗng thuốc ngọt này đi, anh Phan!

Thằng Phan nói như rên:

- Thôi, sợ thuốc quá! Con mệt quá mẹ ơi! Liên ơi! Mệt lắm! Ủa, Phú về rồi hả?

- Ừ, mai anh ấy lại qua mà.

- Thế còn A-Giát? A-Giát đâu? Tại sao Phú không để A-Giát ở lại bên này với anh hả Liên? Liên vừa mới nói mai Phú lại sang đây hả? Mai chủ nhật à?... Đâu phải!... Không phải chủ nhật thì Phú phải lên tỉnh đi học rồi. Tại sao Liên lại nói với anh là…

Ý nghĩ trong đầu óc thằng Phan hỗn loạn hết. Con Liên ghé sát tai anh:

- Anh Phú vẫn được nghỉ hè mà. Đừng nói nữa mệt, anh Phan! Mồ hôi ra ướt đầm đây này. Nói nhiều lại lên cơn sốt bây giờ.

- Không, không! Không sốt nữa đâu! Không sốt!

Thằng Phan nói nhiều, lại sắp sửa nổi cơn ho. Nó cố nén hơi thở. Đột nhiên, nó ngồi thẳng người, ánh mắt long lanh, giọng nói run rẩy:

- Có nghe tiếng gì không, hả Liên?

Con em gái lắng tai. Gió lay mấy tàu lá chuối ngoài vườn kêu sột soạt. Thằng Phan vẫn lẩm bẩm như người ngủ mơ:

- Hình như con A-Giát! Ờ, ờ, đúng A-Giát đó. Nó vào rừng sục sạo tìm anh không thấy, bây giờ mới quay về đấy.

Bất thình lình, Phan lạc giọng gọi thất thanh:

- A-Giát!

Bên ngoài cánh cửa đóng kín, một tiếng “ấu” vui mừng khẽ vang lên.

Thằng Phan cuống quít:

- Đúng con A-Giát rồi. Đúng rồi! Ra mở cửa cho nó đi, Liên!

Liên chạy như bay ra cửa.

- Từ từ chứ nào, A-Giát!

Con chó lao như mũi tên bắn tới tận giường thằng Phan. Thằng nhỏ dang hai tay. A-Giát chồm lên dựa vào thành giường, hai chân trước để hẳn lên tấm mền len, đặt đầu vào giữa hai cánh tay ấm áp của thằng Phan, đôi mắt lim dim, cực kỳ sung sướng. Thằng nhỏ ốm đau hôn hít mãi cái mõm con chó.

Đã từ hai ngày, hai đêm nay, không một miếng gì trong bao tử, vậy mà con vật tinh khôn vẫn quên được cái đói khủng khiếp khi nghe tiếng người bạn thân yêu cất lên dịu dàng êm ái hơn cả một cái vuốt ve.

Đôi mắt nó ngó thằng Phan chăm chú. Tia nhìn trừng trừng đặc biệt của những con vật chỉ có miệng ăn, không có miệng nói và vẫn đau khổ vì cái khuyết điểm trời sanh ấy.

Không còn gì cảm động cho bằng, hình ảnh những lời van nài khẩn thiết, nhưng hoàn toàn câm nín hiển hiện nới ánh mắt một con chó, trong một lúc nào đó, tưởng chừng như nó muốn nói:

- “Hóa phép cho tôi biết nói đi!”

Tội nghiệp! Con chó khôn nào cũng thế. Chúng cứ tưởng rằng chủ của chúng là tất cả, đủ quyền lực làm được tất cả, kể cả việc ban phép lành khiến chúng có thể cất tiếng nói được như người.

Riêng A-Giát, có hai chủ. Nó chịu tuân lời người này cũng như ngoan ngoãn nghe lệnh người kia. Hiếm thấy một con chó nào lại thuần thục đến mức ấy. Tại đây, Mương lai bản, chủ nó là thằng Phan. Ở bên Phượng Mô, là thằng Phú.

Đây và đó, hai người bạn chí thân thay phiên nhau sai khiến nó: “Lại đây! A-Giát!” hoặc “Đi đi! A-Giát”. Đối với chủ nào, nó cũng răm rắp tuân lời.

- Đã muốn về rồi hả, A-Giát?

Thằng Phan dịu dàng cất tiếng hỏi khi thấy con chó chợt quay đầu ngó đăm đăm cánh cửa còn khép hờ. Đúng lúc đó, con Liên trông thấy cái túi da cá sấu đeo toòng teng nơi cổ dề A-Giát.

Theo thường lệ, khi thằng Phú gởi một món đồ gì, hoặc một lá thư chẳng hạn, bao giờ nó cũng “thắng yên cương”, nai nịt đàng hoàng cho con chó. Tại sao bữa nay lại chỉ có cái túi da cá sấu nhỏ xíu cột vào vòng đai cổ mà thôi? Và nhất là vì lẽ gì thằng Phú lại sai con chó đi liên lạc vào lúc đêm khuya tăm tối? Từ trước đến nay chưa có lần như thế bao giờ.

Ngạc nhiên đến tột độ, con Liên đưa hai tay run rẩy cởi sợi dây dù, mở nắp túi da, đổ dốc tất cả những gì ở bên trong lên giường thằng Phan và nó rú lên:

- Trời đất!

Trên chiếc mền len màu nâu nhạt, tung tóe hàng mấy chục viên bảo thạch: hồng ngọc, bích ngọc và… kim cương. Cả một đám như sao sa tỏa hào quang lấp lánh, vàng, đỏ, xanh biếc có, xanh dương cũng không thiếu.

Thằng Phan chói mắt, bàng hoàng, không dám cả đưa tay ra mó vào đám sỏi quý rải rác trước mắt nó nữa.

Những hạt sỏi quý, chiếu sáng ngời, đúng là mớ sao được gieo rắc dưới bước chân đi của vị thần rừng trên Gò Quao. Vị thần nhân từ bác ái đã chữa khỏi mắt cho A-Giát để rồi đêm nay lại chọn đúng nó, sai khiến nó đem đến cho thằng Phan những vì sao vô cùng quý giá.

Năm chục vì sao trong đêm giông bão, món quà tuyệt hảo của vị thần Gò Quao vẫn ngoan ngoãn nằm trên giường thằng Phan, chiếu ánh sáng ngời.

Trong khi đó, con A-Giát gục đầu trên chiếc soong lớn đựng cơm trộn với khoai tây hầm thịt bò, món “súp” nấu lấy nước cho thằng Phan uống, sốc lấy sốc để. Chốc chốc nó lại đưa mắt liếc nhanh tấm da cáo, cái “giường” êm ấm một chút nữa đây nó sẽ soải mình thoải mái ngủ một giấc “trả thù” cho chuyến vượt biên gian khổ để sáng mai về Phượng Mô với thằng Phú.

Con Liên mê mải ngắm những viên hồng ngọc, bích ngọc, kim cương. Nó dùng mắt chia mớ bảo thạch thành hai phần đều nhau. Và nó mỉm cười khi nghĩ đến thằng Phú cứ hay nói đùa với anh nó câu:

“A-Giát thân xẻ làm đôi

Nửa Mương lai bản, nửa hồi Phượng Mô”.

Cũng trong khi đó, bên Phượng Mô, thằng Phú vẫn ngủ say sưa trong vựa rơm…

… Trên con đường đất pha cát vàng sẫm, hai bên lề mọc toàn giống cỏ tóc tiên, lá dài như lá lan, mềm mại, mầu xanh thẫm, điểm những bông hoa năm cánh đỏ tươi, thằng Phú đi thơ thẩn, miệng khẽ cất tiếng gọi buồn rầu: A-Giát! A-Giát!

- A-Giát!

Tiếng thằng Phan văng vẳng đâu đây khiến nó quay đầu đưa mắt nhìn ngơ ngác. Thì kìa! A-Giát bằng xương bằng thịt, mõm cắn một con gà rừng thật bự đang phi nước đại phóng tới. Dì Mai đoán điềm giải mộng thường vẫn nói với cháu: “ Chó tha mồi là điềm tốt lành lắm!” Tốt lành hay không tốt lành, chưa biết. Chỉ biết rằng khi thấy bóng con chó tinh khôn yêu quý, thằng Phú đã hét lên:

- A-Giát!

Và nó mở choàng mắt… thức tỉnh. Thì ra chỉ là một giấc mơ. Nhưng kể từ lúc đó, bao nhiêu lo lắng băn khoăn trong lòng nó về con A-Giát đều bay biến hết. Thằng Phú mỉm cười trong đêm tối, mơ màng nghĩ tới ngày mai… tại Mương lai bản.

Cũng trong khi đó, một bóng người đàn ông lùn thấp, mập mạp, tướng đi hùng hổ như dáng đi của loài gấu, lầm lũi bước trên con đường dẫn lên Gia Viễn. Trong tay, gã giữ khư khư một gói gì dài dài bao ngoài bằng miếng vải tuồn. Vừa đi, gã vừa lầu bầu nguyền rủa xen lẫn tiếng nghiến răng kèn kẹt, y hệt một võ sĩ lúc ở trên đài, để dốc toàn lực tấn công địch thủ nhưng lại chỉ đấm trúng toàn không khí.

Gã đàn ông lùn thấp ấy là Gà Cồ, và gói đồ dài dài bao vải tuồn trong tay gã là khẩu súng hai nòng không có dịp sử dụng tới, đã được tháo rời thành hai mảnh.


Saigon, 05-09-1974              
Viết theo “La Nuit des contrebandiers”.
Của RENÉ GUILLOT             
NAM QUÂN                     

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

CHƯƠNG X_TRONG ĐÊM GIÔNG BÃO


Chương X

A-GIÁT BIỆT TUNG


Sáng hôm sau, khi thằng Phú qua Mương lai bản thì chỉ có một mình bà Tư Lành ở nhà, đang khóc sướt mướt.

Ngay từ lúc rạng đông, không thấy thằng Phan đâu, cả nhà đã cuống quít chạy ngược chạy xuôi đi tìm. Liên theo cha vào rừng sục sạo trong các bờ bụi. Chắc không kết quả như ý mong muốn nên đến giờ này vẫn chưa thấy hai cha con trở lại nhà.

Trận mưa bão hồi đêm lớn quá, nên ngoài sân, trên đường đi vào rừng, nếu có dấu vết gì chắc hẳn cũng đã bị xóa mờ lẫn lộn hết.

Thằng Phú không định mà lại đặt bước đi trên con đường dẫn tới Phà Liêm. Nó vừa đi vừa chạy có tới hai cây số ngàn. Sự vận động bắp thịt khiến nó tỉnh táo hẳn ra và nhớ lại rằng, ốm yếu tàn tật như thằng Phan không thể nào chuyển dịch một khoảng đường xa như thế được. Vậy chỉ cần tìm cẩn thận trong phạm vi cánh rừng bao quanh gần nhà may ra có kết quả.

Phú liền quay trở lại. Đi rảo bước một hồi lâu, nó đi qua vệ đường nơi thằng Phan đẩy cái xe cho lăn xuống, hai bánh xe khuất lấp trong đám cỏ dại khiến Phú thiếu chút nữa là không trông thấy.

Vậy thì thằng Phan có đi tới chỗ này rồi. Thằng Phú liền đi quanh mấy lùm cây thấp, tới một khoảng quang đãng, đám cỏ bồng xanh mướt trải đều như tấm thảm dưới gốc cây bồ đào cổ thụ… và nó không kịp ngăn một tiếng la thảng thốt.

Thằng Phan ngửa mặt, nằm ngay đơ trên cỏ, áo quần ướt sũng, dán chặt vào người, mớ tóc rũ rượi xõa xuống trán, che kín cả hai tai. Bùn đất tèm lem trên khuôn mặt gầy ốm trắng nhợt như sáp ong. Hai bàn tay thằng Phan lạnh như băng giá.

Thằng Phú thấy bạn nằm thẳng cẳng, im lìm bất động, đâm ra hoảng sợ. Lòng buồn vô hạn, hai tay run bắn lên, nó cúi nhìn chăm chú.

Thằng Phan thở rất yếu, nghe kỹ lắm mới nhận ra. Quỳ hai gối trên mặt cỏ, Phú đỡ bạn cho dựa vào mình. Đầu thằng nhỏ ngoẹo sang một bên vai.

- Phan, Phan ơi! Phan!... Phú đây này, Phan!

Nước mắt ứ đầy mi, ràn rụa cả xuống má, thằng Phú vẫn kiên tâm không chịu cất tiếng gọi cầu cứu.

Thầy đội kiểm lâm Tư Lành và con gái, sau một hồi sục sạo, lục soát đám cỏ lùm cây lên mãi tận Gò Quao vẫn vô hiệu, quay về, tình cờ đi ngang gốc cây bồ đào, đúng chỗ thằng Phan nằm ngất lịm trong tay bạn. Ông Tư vội vàng ôm xốc lấy, bồng con về nhà. Được thay hết quần áo ướt, lau khô mình mẩy xong, quấn kín người trong chiếc chăn len ấm áp, nhưng mãi đến lúc thằng Phú phóng xe đi mời bác sĩ, thằng Phan vẫn chưa tỉnh.

Tới gần trưa, thằng Phú mới cùng ông bác sĩ về tới. Bác sĩ xoa nóng mình mẩy con bệnh, tiêm liền hai mũi thuốc. Chừng mười phút sau, đã thấy một chút sắc hồng tươi xuất hiện trên đôi gò má gầy ốm của thằng nhỏ. Thằng Phan máy động đôi mi, mở choàng mắt, tia nhìn ngây dại, ngơ ngác ngó mấy khuôn mặt lo âu đang xúm xít vây quanh. Khuôn mặt sát ngay bên giường, gần nhất, được nó nhận ra ngay. Và thằng Phan mệt nhọc mỉm cười với khuôn mặt ấy. Đồng thời đôi môi nhợt nhạt lắp bắp:

- Phú đó hả? Phú… ú…!

Bàn tay đặt gọn trong bàn tay bạn, nó lại từ từ nhắm mắt.

Bác sĩ khẽ ra lệnh:

- Để cho em nhỏ ngủ.

Rồi ông quay ra biên toa thuốc, đồng thời dặn dò cách thức trông nom con bệnh. Thằng Phú tiễn bác sĩ ra tới tận ngoài xe.

- Thưa bác sĩ, bác sĩ liệu chừng có cứu được bạn cháu không ạ?

- Ờ, ờ… bạn cháu yếu lắm. Nghe ngóng qua đêm nay xem thế nào đã. Ngày mai tôi sẽ coi lại. Phải có người túc trực luôn bên cạnh nghe.

Trước sắc diện khắc khoải lo âu của thằng Phú, ông dịu dàng nói tiếp:

- Cháu cứ vững tin ở số mạng. Nhiều trường hợp cơ thể yếu quá như thằng Phan đây nhưng bên trong vẫn có đủ sức để kháng bệnh. Cháu dặn mọi người rằng từ giờ đến sáng mai, nếu cơn sốt không giảm mà cứ tăng lên nữa, phải cho người lên gọi tôi ngay, bất cứ giờ nào, nhé.

Thằng Phú cầm toa, phóng xe lên Gia Viễn mua thuốc. Lúc trở về nó ghé qua nhà báo tin cho cậu Mẫn, dì Mai hay.

- Cậu Mẫn, dì Mai cho phép cháu ngủ lại bên đó săn sóc cho Phan nghe.

Dì Mai nói ngay:

- Phải thế chứ! Ông bà Tư Lành rủi ro quá. Cháu nhớ nói với ông bà ấy là cậu Mẫn, dì Mai gửi lời thăm và chúc thằng Phan mau bình phục nghe.

Thằng Phú, con Liên túc trực bên giường người ốm, không lúc nào nhắm mắt. Trong cơn mê sảng, thằng Phan lắp bắp nói toàn những chuyện không đầu không đuôi.

Mãi tới gần sáng, cơn sốt dịu bớt nó mới thiu thiu thiếp đi.

Thằng Phú khẽ gọi:

- Liên, Liên!

Không nghe tiếng trả lời. Ban ngày, trải qua những phút giây cảm xúc tột độ, lại suốt đêm không hề chợp mắt, con Liên mệt quá, gục đầu trên nệm giường anh ngủ thiếp đi.

Trong gian nhà im lặng như tờ, chỉ có tiếng mưa rơi lộp độp trên mái ngói. Niềm lo ngại về thằng Phan tạm yên được phần nào. Nhưng một mối ưu tư khác lại nhen nhúm trong lòng thằng Phú. Mối ưu tư này còn dằn vặt, ray rứt hơn tất cả cái gì hết.

Con A-Giát giờ này ở đâu?

Suốt một ngày sôi động, cuống quít vì thằng Phan, thằng Phú không được một chút nào rảnh rỗi để nghĩ tới con chó. Giờ đây, đêm đã sắp tàn, chợt nghĩ đến, nó cảm thấy bồn chồn khắc khoải vô cùng. Nhưng rồi nó lại tự trấn an: A-Giát đã quay về Phượng Mô, giờ này chắc đang ngủ một giấc ngon lành trong vựa rơm. Và chỉ nội sáng mai, thế nào nó cũng sang đây kiếm mình.

Màn đêm rút lui thật chậm, nhưng rồi bầu trời cũng sáng dần.

Con Liên chợt thức giấc, sửa soạn pha cà phê. Nó nhìn thằng Phú cười tươi:

- Anh Phú lo về con A-Giát hả?

- Ừ, không biết nó đi đâu Liên nhỉ?

- Chắc lại về bên anh chứ gì?

- Nhưng không thấy anh, chắc rồi thế nào nó cũng mò qua đây.

- Khi vào rừng, chắc anh Phan có cho A-Giát đi theo.

- Đúng đó. A-Giát đi theo Phan. Nhưng tại sao Phan ngất xỉu nó lại không ở đấy? Về đây không về mà cả bên nhà Phú cũng không nốt. Vậy thì nó đi đâu?

Thằng Phú lại sực nhớ lời ông quản Ru đã nói chuyện một chiều nọ tại nhà nó: “Chút xíu nữa con chó của cháu bị bắn chết, nếu bác không lẹ tay gạt mũi súng của ông bạn đồng nghiệp. Ông bạn này mới đổi về, thành thử cứ thoáng thấy chó bẹc-giê đeo túi vải trên lưng là nghĩ ngay chó tải hàng lậu”.

Đúng như thế! Nếu ông quản Ru không nhanh tay, chắc hẳn A-Giát đã bị bắn chết. Ý nghĩ ghê rợn ấy khiến thằng Phú ruột nóng như lửa.

- Để bác sĩ lại khám cho Phan xong, Phú về qua nhà xem sao.

Bác sĩ tới khám bệnh kê toa. Thằng Phú cầm toa thuốc chạy xe theo đường tắt để tiện ghé qua nhà.

Con chó vẫn biệt tăm.

Trong khi đó, tại nhà Mã Thiên Bỉnh, trong cái hầm tối đen như mực, A-Giát lồng lộn như một con mãnh thú bị nhốt chuồng. Suốt từ đêm qua cho tới giờ phút này, nó không được một miếng gì vào bụng. Trong góc hầm, một cái xô đựng nước lạnh chỉ đủ giúp cho A-Giát khỏi chết khát.

Chưa bao giờ con chó phải trải qua một cuộc thử thách ghê gớm tới mức này.

Mã Thiên Bỉnh nghĩ thầm: tình trạng này kéo dài, chỉ ba ngày là nó hóa dại.

Một ngày nữa lại qua đi.

Thằng Phú đi tìm ông Quản Ru. Ông này cho biết là không nghe nói có con chó nào bị bắt hoặc bị bắn chết cả.

Thằng Phan vẫn sốt li bì. Bên giường bạn, thằng Phú túc trực. Ngay cả với con Liên, nó cũng không dám đả động gì đến A-Giát.

Mãi đến tối mồng 4 tháng 9, bác sĩ mới khiến được vợ chồng ông Tư Lành yên tâm một chút.

- Bây giờ cháu Phan đã qua được cơn nguy rồi. Chỉ cần chăm sóc cẩn thận và kiên tâm.

Liên khẽ nói với Phú:

- Tối nay anh Phú về ngủ bên Phượng Mô được rồi.

- Liên thức một mình được không?

- Có má em nữa mà. Má em thức canh chừng, em sẽ ngủ bên cạnh anh Phan. Anh ấy coi bộ đã ngủ được ngon giấc đấy chứ. Thôi, anh Phú có thể yên tâm về được rồi. Sáng mai anh qua sớm, nghe!

Đêm đó, trong lòng vẫn thầm mong con A-Giát bất chợt trở về, thằng Phú không lên tầng gác lửng như mọi lần. Nó để nguyên quần áo ngoài, mò vào vựa rơm, lăn kềnh ra ngủ một giấc mê mệt.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XI

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

CHƯƠNG IX_TRONG ĐÊM GIÔNG BÃO


Chương IX

ẢO ẢNH


Mồng 2 tháng 9 nhằm đúng ngày thứ bảy. Thằng Phú qua Mương lai bản chơi với bạn suốt ngày. Thằng Phan, sau khi được chích mấy ống thuốc, cảm thấy trong người khỏe khoắn, vui mạnh hẳn lên.

Con A-Giát, từ khi được thằng Phú huấn luyện cho quen cả hai nhà, có lần cứ ở lì bên Mương lai bản bốn năm ngày liền, quấn quít đùa giỡn với thằng Phan. Trước cảnh ấy, kẻ cảm thấy vui sướng nhất vẫn là thằng Phú.

Phan khoe với bạn:

- Phú ơi! Mình dạy con A-Giát biết làm nhiều trò mới lắm kia, Phú ạ! Nó thông minh quá xá. Biết cả tên gọi của người và các con vật trong nhà nữa.

- Xạo!

- Thật mà, xạo gì. Coi đây nghe… Ê, A-Giát! A-Giát đem con Chi My tới đây. Đem Chi My tới đây. Mau!

Con chó dựng đứng hai tai, ngập ngừng một giây, đoạn nhẹ nhàng chạy tới cuối phòng, nhẩy khẽ một cái đã vớ được ngay con sóc đang nép mình lủi trốn trên kệ tủ buýp phê. Nó cầm con Chi My thật khéo léo, đem tới chỗ thằng Phan.

- A-Giát! Bây giờ đi tìm cô Liên. Cô Liên, mau!

Lập tức, con chó quay ra, đưa một chân đẩy cánh cửa ăn thông xuống bếp, đồng thời sủa khẽ lên mấy tiếng khiến cho Liên đang nấu nướng cũng phải chú ý quay lại.

- Ờ, ờ! Em lên ngay bây giờ đây, anh Phan ơi!

Thằng Phan sung sướng mỉm cười hãnh diện.

Nhưng chiều đến, đôi mắt nó lại long lanh. Triệu chứng báo trước một cơn sốt nặng thế nào cũng kéo đến vào lúc ban đêm.

Khi thằng Phú sửa soạn ra về, thằng Phan bảo bạn:

- Để A-Giát ở đây nghe, Phú!

- Ừ! Nếu Phan thích.

- Nó khoái ở bên này lắm nghe, Phú! Đố biết tại sao nào?

- Tại nó biết là Phan yêu quý nó.

- Đúng thế. Nhưng cũng tại vì ở bên này, nó được ngủ sát bên giường Phan, riêng biệt một căn phòng ấm cúng. Bên Phú, nó không thể leo thang lên ngủ cạnh Phú trên tầng gác lửng được.

*

Lúc đó đã quá nửa đêm.

Trong nhà thầy đội kiểm lâm Tư Lành, mọi người đã ngủ cả, trừ thằng Phan. Sau một hồi đọc sách khá lâu, nó tắt đèn nhắm mắt ru hồn vào cõi mộng.

Con sóc Chi My cuộn tròn thân mình dưới cái đuôi lông xù ấm áp, nép vào thành gối, cái mõm nhọn bé xíu rúc vào mớ tóc lòa xòa của chủ.

A-Giát, đặt mũi giữa hai bàn chân, soải mình thoải mái trên tấm da cáo thằng Phan vẫn dùng để chùi chân trước khi leo lên giường.

Chuông đồng hồ thong thả điểm mười hai rưỡi đêm.

Con chó chợt ngửng đầu, vểnh đôi tai.

Thằng Phan ngồi dậy, đang lặng lẽ mặc thêm áo quần trong bóng tối. Công việc làm không quen khiến nó mệt nhoài, thở hổn hển. Thường ngày, sáng nào con liên cũng vào mặc quần áo cho anh.

Nó xỏ hai chân vào đôi giầy ống cao su, khoác thêm chiếc áo dạ, đút con sóc Chi My vào một bên túi áo.

A-Giát đứng hẳn lên, uốn lưng, ngáp một cái thật dài. Nó giương mắt ngó thằng Phan. Định đi đâu trong đêm hôm khuya khoắt thế này?

Thằng Phan chống đôi nạng, nhẹ ra tới cửa. Con chó theo sát gót phía sau. Xuống tới cửa nhà ngang, Phan cột đôi nạng gỗ vào trục giữa xe lăn, chiếc xe lăn bằng hai bánh xe đạp do bàn tay khéo léo của thằng Phú chế tạo suốt buổi sáng chủ nhật để cho bạn tạm dùng di chuyển quanh nhà.

Một cái liếc nhanh lên nhà trên. Đèn đóm đã tắt hết, cảnh vật chìm trong bóng đêm. Bốn bề vắng lặng. Thằng Phan ngồi vào xe, hai tay lăn bánh qua vườn, tới con đường nhỏ dẫn thẳng vào rừng.

Bóng tối như bưng lấy mắt. Trên nền trời xám không một vì sao.

Thằng Phan lăn bánh xe chầm chậm, chốc chốc lại dừng tay nghỉ mệt để lấy hơi. Mặt hằn lên nét cương nghị, thằng nhỏ bệnh hoạn ngật ngưỡng cố lết đi trên đôi chân mềm oặt. Toàn thân nó lao về phía trước như được thúc đẩy do một sức mạnh huyền bí nào.

Trong đêm u tịch, trên con đường vắng lạnh, rừng cây được một phen mục kích những bóng hình kỳ dị diễu qua: một chú nhỏ đầu để trần, tóc tơi bời lộng gió, hai tay chống lên trục gỗ chiếc xe lăn. Thập thò nơi túi áo, cái đầu con sóc nhỏ, đôi mắt tròn vo ngơ ngác nhìn, cái mõm xinh xinh máy động. Phía sau, con chó buông thả cái đuôi dài, mũi rà rà mặt đất, hai bên hông phình ra hóp vào trông không khác một con chó sói đang sục sạo lùng săn mồi thịt.

Tới cửa rừng, bóng tối lại càng dầy đặc. Thằng Phan vớ đôi nạng, đẩy cái xe lăn xuống vệ đường thấp, rồi tì thân mình lên đôi nạng gỗ, nó hăm hở tiến vào rừng sâu.

Nó đi không xa, mà nói cho cùng, có muốn đi xa cũng không đủ sức mà đi. Vả lại, với cuộc hẹn hò thần bí chỉ riêng mình nó biết thì dưới gốc cây, bên lùm bụi nào cũng được cả, miễn kín gió thì thôi.

Trên đám cỏ bồng, dưới chân một cây bồ đào cổ thụ, thằng nhỏ tật nguyền buông mình ngồi phịch xuống. Thế rồi, con chó khôn soải mình nằm bên cạnh, toàn thân Phan run lên vì cơn sốt đã bắt đầu xâm nhập, thằng nhỏ chong mắt đợi chờ.

Sương đêm tỏa lạnh.

Gió rít từng cơn, len lỏi trong lá cành như tiếng thở dài của rừng đêm bí mật. Nhưng rồi gió cũng có lúc mỏi mệt, nhoài xuống thấp, lay động đám cỏ, hốt mớ lá khô kêu xào xạc.

Thằng Phan cảm thấy khí lạnh thấm qua cả lớp áo dầy. Đôi bàn tay tê cóng, mặt lạnh ngắt, ngây dại, nó chú mục nhìn qua những khoảng trống dưới vòm cây đen, tìm kiếm đám bụi vàng óng ánh, những đốm sao sáng lóe trên đám rêu xanh mịn như nhung, dấu hiệu tiền báo của cái nó muốn gặp: vị thần thiêng trong rừng thẳm.

Đôi mắt thằng nhỏ đã điều tiết đủ để thích hợp với bóng đêm. Tim trong lồng ngực Phan đập thình thịch khi một bóng hình thon thon như một cái gối nhỏ trôi tuồn tuột từ ngọn cây xuống… Con cầy hương! Con tiểu thú nhẩy tưng tưng trên đám rêu chỉ cách chân Phan chừng hai thước. Thằng nhỏ vội vàng đưa hai bàn tay giá lạnh ôm lấy mõm A-Giát không cho nó sủa.

Con cầy hương bé nhỏ vươn dài cần cổ, lon ton tới gần, nhưng rồi thụt lùi lại, ngỡ ngàng, rồi lại bò tới, chạy quanh hai ống giầy cao su của thằng Phan một hồi. Thoắt một cái, nó búng mình nhẩy vọt lên, rớt vào đám cỏ cao, biến mất.

Thằng Phan vui sướng, hồi hộp trong lòng. Chắc hẳn con cầy hương đến báo cho nó biết là… vị thần rừng sắp tới…

Ngồi an vị trên đám cỏ bồng, dưới gốc cây bồ đào, như một tín đồ ngoan đạo, Phan im lặng đợi chờ. Con A-Giát nằm ghếch mõm lên đùi thằng nhỏ, đôi mắt tinh nhanh, đôi tai dựng đứng, thủ thế đón chờ một cái gì, một con gì đó từ trong cánh rừng đen tối có thể nhô ra bất cứ lúc nào. Chốc chốc, nó lại ngóc đầu, hỉnh mũi đón gió. Một cành cây nhỏ gẫy khẽ rơi, một con chuột rừng bò nhẹ trên đám lá khô, cũng khiến A-Giát đánh hơi, quay đầu ngó chăm chú.

Thời khắc đều trôi, mấy tiếng đồng hồ qua thật mau…

Phần do sương đêm lạnh, phần do cơn sốt âm ỉ bên trong, thằng Phan lịm người, toàn thân chơi vơi như nhẹ bay lên cao, cao lắm. Nó cảm thấy hết cả đau đớn trong thể xác. Dựa lưng vào gốc cây bồ đào, nó ruỗi thẳng hai chân, soải hai tay nằm bất động.

Trên bầu trời xám, những cụm mây trắng trôi nhanh hồi nẫy, giờ đây đã tụ cả lại. Gió nổi lên cuồng nộ, gào thét, khiến rừng cây cũng như run sợ. Chớp lóe lên, xé rách màn đêm, nhuộm đỏ ửng cả bầu trời như một lò than khổng lổ, chợt hiện, chợt biến. Gió yếu dần, mưa đổ xuống như trút, hạt mưa thật nặng, rớt lộp độp trên lá cây như một trận mưa đá.

Người và chó ướt sũng nước. Thằng Phan mệt mỏi rã rời, ngất xỉu đến nơi. Mắt nó hoa lên…

Trong rừng đêm chợt xuất hiện không biết cơ man nào là bóng hình kỳ dị nhòa nhạt rung rinh. Chỉ một lúc sau, mới rõ dần thành những ngôi sao sáng óng ánh trong các vòm cây. Hươu, nai, hoẵng, xếp hàng một, thỏ kéo hàng đàn, riễu qua trước mặt thằng Phan. Con nào con nấy chỉ bé bằng hai ngón tay. Những chú lính bằng chì mặc quân phục đủ màu sắc cùng các người lùn quần áo đỏ, tất cả chỉ cao bằng ngón tay cái, ngồi chễm chệ trên lưng bọn hươu, nai, thỏ. Rồi cả đám sinh vật tí hon ấy quây lại thành vòng tròn, nhẩy múa tưng bừng dưới ánh sáng xanh biếc của những con đom đóm.

Một cơn gió thoảng qua. Những hình bóng xinh xắn tuyệt vời ấy, trong nháy mắt, chợt mờ tan như ảo ảnh. Một tấm màn đen vĩ đại chụp xuống. Thằng Phan ngất đi không còn biết gì nữa.

Con A-Giát rà cái mõm dài trên mặt thằng nhỏ. Không biết phải làm sao, nó chỉ cuống quít rên lên khe khẽ, bốn chân cào dưới gốc cây loạn xạ, thân mình nhấp nhổm như sắp sửa lao vọt đi. Nhưng bản năng lại muốn bảo vệ người nằm đó, A-Giát cứ đứng ngây ra, ngập ngừng, do dự.

Ngực thằng Phan nhô lên, hạ xuống từng hồi. Sắc mặt nó nhợt ra trắng bệch. Toàn thân nó nằm im bất động.

Con chó sợ run lên, thè dài lưỡi, thở hồng hộc như mới từ đâu xa lắm chạy về.

Rồi, A-Giát đi giật lùi, từng bước một, xa dần gốc cây bồ đào. Tới ngả đường chia hai, nó đứng lại, ngoảnh đầu ngó thằng Phan vẫn bằn bặt hôn mê. Một bên về Mương lai bản, một hướng về Phượng Mô… Liên? Phú? Nên chạy về gọi ai?

Một lúc sau, con chó hướng về Phượng Mô.

Khi về đến nơi, bùn lấm bết tới bụng, A-Giát ngẩng đầu ngó lên khuôn cửa sổ căn gác lửng. Nó xáp tới cánh cửa ra vào, đưa chân cào sồn sột.

Mọi người trong nhà vẫn ngủ say. Ngay cả ông Mẫn vốn thính ngủ là thế mà cũng không nghe tiếng con chó rên ư ử. A-Giát cứ đứng dưới trời mưa tầm tã mà rú rít lên nghe thật thảm thiết.

Một hồi lâu lắm không kết quả, nó lủi thủi mò vào vựa rơm. Chỗ nằm vẫn đượm hơi quen thuộc. A-Giát xoay thân mình một vòng, nằm phịch xuống.

Chưa đầy phút sau, nó đã mê mệt trong giấc ngủ say.

Bên ngoài, cơn giông bão lại bắt đầu gầm thét dữ dội. Đêm đã gần tàn.

Con chó say sưa trong giấc ngủ li bì, không nghe tiếng chân người bước tới gần. Gã đàn ông bước thật êm qua cửa vựa rơm, một tay cầm đèn bấm, tay kia, sợi dây dừa buộc thành nút thòng lọng luồn qua một cái ống tre dài gần một thước.

Ánh đèn bấm lóe lên khiến con chó chói mắt không nhìn rõ gì nữa. Nó chồm lên, nhưng không kịp. Nút dây thòng lọng đã nhanh như chớp quàng quanh cổ, đồng thời ống tre dài thọc xuống, thít chặt vòng dây khủng khiếp. Không cục cựa còn chịu được, chỉ dẫy dụa chút xíu, cái ống tre lại theo đường dây ấn mạnh vào cổ, co xiết vòng dây dai chắc khiến A-Giát như muốn nghẹt hơi thở. Bốn cẳng chân vùng lên do bản năng tự vệ, cấu xé toàn không khí. Ống tre cứng dài gần một thước vẫn giữ nguyên khoảng cách oan nghiệt giữa con vật khốn nạn với kẻ thù. Ác hại hơn nữa, Gà Cồ, tên cựu võ sĩ quyền anh hạng gà chúng ta đã biết qua trong quán cà phê tại Na Mân, quả có hai bàn tay cứng như đôi gọng kềm sắt.

Gã kéo A-Giát, lôi đi sềnh sệch. Con chó lăn lộn trên mặt đường đầy bùn nước, quẫy đạp vung vít nhưng… hoàn toàn vô hiệu quả.

Một ánh chớp chói lòa: bên hông, Gà Cồ còn giắt một đoản côn bóng loáng to bằng bắp tay con nít.

Bốn giờ sáng.

Khi tên gian phi lôi con chó về tới nhà Mã Thiên Bỉnh, tên này vẫn còn thức. Gã thợ săn lén cũng có mặt. Hắn đứng trước lò sưởi, sát gần mớ củi cháy, than hồng hừng hực, đang hong chiếc quần ẩm, hơi nước bốc lên nghi ngút.

Họ Mã liếc nhìn con chó, nói với Gà Cồ:

- Sao lâu thế, ông bạn? Đưa tôi đem nhốt nó lại. Ái chà! Vồ được con nầy cũng trầy vi tróc vẩy đây chứ không dễ đâu.

Gà Cồ nghiến răng kèn kẹt:

- Lại còn phải lôi nó đi êm như ru nữa chứ. Gặp tay khác thì còn lâu.

- Ông bạn uống gì đây?

- Rượu thuốc.

Mã Thiên Bỉnh rót đầy ba ly lớn.

Gà Cồ nốc một hơi cạn. Gã sửa soạn ra đi.

- Ông bạn vội đi thế? Có cái phòng nhỏ trên kia ngả lưng đỡ vài tiếng tốt lắm!

- Tôi cần đi gấp.

- Vậy xin cứ tùy tiện.

- Chắc ông đã rõ là đêm mồng 5 sẽ có người đến…

- Vâng! Ông Bách đã có hẹn với tôi.

- Đúng rồi. Thôi, chào ông.

Khi Gà Cồ đi khuất và cánh cửa đã đóng chặt, họ Mã lại gần gã thợ săn:

- Yên trí rồi! Chỉ còn anh và tôi.

Gã thợ săn mặt khó đăm đăm, im lìm không nói một tiếng, nghiêng bình rượu rót một ly nữa thật đầy. Vẫn tiếng Mã Thiên Bỉnh:

- Bảo đem con Truy Phong đến, sao anh không đem?

- Tại lão đốc tờ chó ấy chứ, còn sao nữa!

- Lão đốc tờ chó? Ủa, lão ấy thì ăn nhậu gì đến chuyện này?

- À, tôi cũng quên chưa nói cho anh biết là con Truy Phong bị chó của quan thuế chặn đường.

- Bị chó của quan thuế chặn đường? Rồi bị bắn hạ tiêu tùng luôn?

- Không, không bị bắn hạ! Nhưng bị con chó của quan thuế tấn kích dữ dội, con Truy Phong chống trả không lại, bị một vết cắn vào cổ nặng lắm.

- Rồi sao?

- Đem đến cho “đốc bò” điều trị chứ còn sao nữa.

- Khâu lại chưa?

- Rồi! Hôm qua tôi mò đến định đưa Truy Phong về thì bị tay đốc bò tống cổ ra khỏi cửa. Lão ta la lối nhặng lên: “Chó bị thương nặng thế mà cứ lơ là. Định để cho nó chết hả? Tôi giữ nó ở đây một tuần cho lành hẳn đã. Về đi!” Và lão đẩy tôi ra ngoài, đóng sập cửa lại.

Họ Mã chép miệng tiếc hùi hụi:

- Dịp may ngàn năm một thuở, uổng quá!

Thế là mọi việc bọn gian sắp xếp đâu đã vào đấy. Định mệnh khắc nghiệt đã an bài.

Ba ngày nữa, đúng hôm mồng 5, A-Giát sẽ phải tải hàng, đeo chắc nơi cổ dề một số lượng bảo thạch trị giá tới hàng trăm triệu bạc.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG X

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

CHƯƠNG VIII_TRONG ĐÊM GIÔNG BÃO


Chương VIII

MÓN QUÀ BẤT NGỜ


Buổi sáng hôm ấy, thằng Phú dậy thật sớm, cùng với A-Giát đi bộ lên Gia Viễn. Ngày hôm kia, khi cậu khách trọ Nguyễn Thành từ biệt mọi người để lên đường, chiếc xe máy của thằng Phú vẫn chưa sửa xong. Hôm nay, nó lên lấy xe.

Tới ngã ba đường đi Bố-Châm, Phú ngồi trên một tảng đá dưới gốc cây bên lề đường nghỉ mệt, có ý chờ đợi một chiếc xe hơi nào đó chạy ngang.

- Ê, chờ xe quá giang hả, nhỏ?

Nghe tiếng gọi quen quen, thằng Phú ngẩng lên. Một chiếc xe hơi nhỏ cỡ xe taxi chạy từ từ, đậu ngay trước mặt. Ngồi kế bên tài xế mặc sắc phục hạ sĩ quan quan thuế, một người nữa cũng bận đồ y hệt, đội mũ kết: ông quản Ru.

Người bạn thân của cậu Mẫn đưa tay mở cửa xe:

- Lên đi Phú. Xe gắn máy của cháu đâu?

- Đưa tiệm sửa, bác Ru à! Bây giờ cháu mới đi lấy đây.

- À, bác nhớ ra rồi! Cháu tông phải anh chàng chuyên viên điện ảnh bữa đó… Xuống đâu đây, Phú? Bác còn phải lên làng Mễ-Hân.

- Dạ, bác cho cháu xuống đầu ngoại ô Gia Viễn.

Mười lăm phút sau, Phú đã tới tiệm xe gắn máy. Trong một góc gian xưởng sửa xe, chiếc xe của nó nằm chèo queo, bánh trước vẫn cong veo hình số 8, tay lái vẫn vẹo một bên, y như bữa mới xẩy ra tai nạn. Buồn rầu ngơ ngác, thằng Phú nghĩ thầm: “Rõ thật là đi mất công! Chưa sửa gì cả!”.

Gần cửa ra vào, một chú thợ nhỏ đang lúi húi vá chiếc ruột xe. Thằng Phú xán đến gần, cố lấy giọng bình tĩnh cất tiếng hỏi:

- Ông chủ hứa bữa nay sửa xong và giao trả xe cho tôi mà, anh.

Chú thợ ngẩng lên:

- Xe của cậu hả? Tôi chẳng nghe ông ấy nói gì hết. Cậu chờ chút, để tôi hỏi lại coi.

Chưa đầy phút sau, ông chủ đã từ nhà trong đi ra. Thấy mặt Phú, ông ta tươi cười vui vẻ:

- Tôi chưa thấy ai có người bạn tốt như chú em đây. Xe của chú đã cũ rích cũ rác, sửa chữa, làm máy lại tốn tiền lắm. Cậu gì gây ra tai nạn đã thanh toán tiền sửa xe đâu vào đấy cả rồi. Mà lại trả rất hậu là đằng khác. Chú nhỏ theo tôi vào đây mà coi.

Ông chủ tiệm dẫn Phú đi qua gian xưởng, qua một khuôn cửa sắt, tới gian hàng bầy bán có tới hai chục chiếc xe gắn máy mới tinh hảo. Ông chỉ vào một cái sơn màu đỏ, đẹp nhất trong số năm cái đẹp nhất.

- Cậu thử ngắm chiếc SS. 50 này coi. Hai hộp sang số tự động. Hệ thống lò xo nhún đằng sau kép, đằng trước cũng kép. Đồ trang bị tối tân toàn kiểu mới hết: đồng hồ cây số, đồng hồ ghi tốc độ, còi điện, đèn đủ “pha, cốt”. Máy khỏe lắm. À, chú em đã tới mười tám tuổi chưa nhỉ?

Thằng Phú không hiểu ông chủ tiệm xe có ý định gì, hồi hộp quá, nói lắp bắp:

- Dạ chưa!

- À, vì thế cậu khách ấy mới không lấy cái xe máy dầu kia cho chú em. Thôi, trong năm cái SS. 50 này, chú em lấy một cái đi. Tôi lấy cái xe cũ của chú em. Cậu Thành đã thu xếp đâu vào đấy cả rồi. Ấy, chút xíu nữa thì quên. Cậu Thành có gởi tôi cái thơ để đưa cho chú em.

Phú đỡ chiếc phong bì, bóc lấy thơ đọc:

“Em Phú thân mến,

Tiếp được thơ này, em phải nhận ngay món quà anh gởi tặng em tại nhà ông chủ tiệm xe, nhé. Món quà đối với anh, hãy còn là quá nhỏ nếu đem so với tình bạn của em và anh, Phú ạ! Đời anh không có may mắn được hưởng hạnh phúc trong một gia đình ấm cúng. Chỉ mãi tới khi về đến Phượng Mô, được gia đình em tiếp đón, anh mới biết thế nào là tình thân mến yêu thương. Không bao giờ anh quên được tính tình chân phương mộc mạc của cậu Mẫn và dì Mai đã thương mến anh thật tình và đối đãi với anh không khác người thân ruột thịt.

Anh sẽ rời bỏ Saigon qua Phi Châu. Tại đó, một xứ sở mới, anh sẽ tạo lập một cuộc đời mới, Phú ạ. Anh cùng với mấy người bạn lập công ty khai thác lâm sản. Chắc sẽ có nhiều dịp được sống giữa thiên nhiên, làm bạn với muông thú trong rừng như Phú, như Phan vậy. Không bao giờ anh quên được sự tình cờ rất thú vị đã khiến anh gặp em, được em cho biết thế nào là một tình bạn hồn nhiên chân thật. Chúc em được vạn điều may mắn nghe, Phú.

Nguyễn Thành.”

Thằng Phú rưng rưng cảm động. Trước khi lên đường xuất ngoại, anh Thành đã để lại cho nó một món quà kỷ niệm vô giá, chưa bao giờ nó dám hy vọng có được một chiếc xe đẹp như thế. Nó chỉ mong chóng về tới nhà để khoe với cậu với dì rồi cho Phan coi cho sướng mắt.

Phóng chiếc xe mới ra tới ngoại ô Gia Viễn, thằng Phú chợt nhớ đã hứa với ông thú y sĩ sẽ ghé thăm ông, liền quẹo vào đường Lô Giang.

Trong phòng đợi, một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi, bận một bộ đồ ka ki cũ đã sờn rách ở cổ, hai khuỷu tay, ngồi trên chiếc ghế dài, tay cầm sợi dây da cột giữ một con chó bẹc giê đen vàng cũng lớn bằng con A-Giát nhưng lông không rậm mượt và không đen bằng.

Hai con chó cùng hỉnh mũi đánh hơi. Rồi hình như nhận ra cùng là một giống lai sói và không chừng cũng chung một giòng huyết mẹ, chúng cố kìm giữ tiếng gầm gừ trong cổ họng nhưng vẫn tiếp tục lừ mắt dò xét từng cử động của nhau.

Cánh cửa phòng khám bệnh chợt hé mở. Vị thú y sĩ mời người khách đến trước dắt chó tới cho ông coi. Trong khi chờ đợi, Phú mở một cuốn tạp chí trên mặt bàn ra khẽ đọc.

Tại bàn kế bên, ông thú y sĩ đang bắt mạch xem xét thương thế cho con chó bệnh. Chừng năm phút sau, ông nói với người chủ chó:

- Anh phải để con Truy Phong ở lại đây để tôi khâu vết thương cho nó. Bị làm độc rồi. Tại sao không đưa nó tới sớm hơn?

- Tôi tưởng rằng…

- … Cứ để kệ cũng lành hả? Nó cắn lộn phải không?

Người chủ chó gật đầu lúng túng đáp:

- Vâng… vâng, chắc thế.

- Chắc thế? Sao lại… “chắc”, “chắc” là thế nào? Anh không có mặt khi nó bị thương sao? Tôi thừa biết là con Truy Phong ban đêm đã bị vây hãm trong rừng. Trên lưng nó tải hàng nặng trĩu, nhưng vẫn can đảm chiến đấu, rồi bị số đông áp đảo, cắn xé tơi bời. Các nhân viên quan thuế ở đây không phải để giỡn, để làm cảnh đâu. Cứ nhớ kỹ thế đi. Quả tình, anh vẫn chứng nào tật ấy. Tiêu tùng mất hai ba con chó đẹp vì bắt nó chở hàng lậu rồi mà vẫn không chừa. Tệ quá!

Gã chủ chó lầu bầu:

- Nhưng bác sĩ nghĩ lại dùm. Dù sao thì cũng phải làm ăn để kiếm sống chứ!

- Thôi về đi! Tuần sau trở lại đây!

- Cám ơn bác sĩ!

- Khỏi cần cám ơn, tôi săn sóc chạy chữa cho con chó chứ không phải cho anh mà ơn với huệ. Tội nghiệp con Truy Phong! Có một người chủ như anh thật nó cũng vô phúc quá!

Gã đàn ông lủi thủi bước ra. Ông thú y sĩ vui vẻ gọi Phú:

- Gặp lại cháu bác sĩ mừng lắm. Để bác sĩ coi lại mắt con chó xem sao?... Ồ, khá lắm, mắt trong sáng, tốt lắm!

- Nhân dịp có việc lên Gia Viễn, cháu ghé vào chào bác sĩ và để cám ơn bác sĩ. Lúc nào cháu cũng nhớ ơn bác sĩ đã chữa mắt cho…

- Ngoan… ngoan! Cháu ngoan lắm! Con A-Giát thật tốt số. Không vô phúc như con Truy Phong kia. Cháu thấy rõ đấy chứ? Cổ bị cắn thủng một miếng lớn gần bằng bàn tay. A-Giát, Truy Phong cùng một ổ đấy. Bác sĩ săn sóc cho chúng từ lúc còn bé kia mà. Con mẹ nó đẹp lắm, lông mầu cà cuống, tên là Sa Kim.

- Thưa bác sĩ, chắc con Truy Phong bị chó của các ông  quan thuế tấn công?

- Cháu đoán đúng đấy. Lần này may mắn thoát chết. Nhưng rồi thế nào cũng có ngày ăn đạn. Tội nghiệp quá! Thôi, bây giờ cháu về được rồi.

Phú cúi chào ông thú y sĩ, gọi A-Giát cùng về. Nó cỡi chiếc xe mới, phóng thẳng một mạch về Phượng Mộ. Mới tới cửa nhà, Phú đã gọi ầm lên:

- Cậu Mẫn, dì Mai ơi! Ra coi này! Cậu Mẫn, dì Mai! Anh Thành cho cháu đây này!

Ông Mẫn lăn xe ra gần ngưỡng cửa. Ngó chiếc xe gắn máy bóng loáng, ông mừng rỡ gật đầu lia lịa.

Thằng Phú chạy xộc vào nhà mở lá thư của Nguyễn Thành lớn tiếng đọc. Ông Mẫn không ngớt lẩm bẩm:

- Trời đất! Trời đất! Món quà vĩ đại thế kia… so với mấy bữa cơm thanh đạm… Trời, trời! Cái nhà cậu Thành này thật là kỳ lạ hết sức.

Bà Mai run giọng:

- Cũng may là anh nhất định không nhận của cậu ấy một đồng nào.

Ông Mẫn gật đầu:

- Phải, cô nghĩ xem: Tiền hết thì làm việc lại có. Chứ còn tấm lòng tốt của con người ta, có tiền hồ dễ đã kiếm ra được. Hơn nữa, thằng Phú được một tuần lễ vui vẻ cứ bám riết lấy cậu ấy như cái đuôi…

Niềm hân hoan trong lòng khiến ông thợ đồng hồ tốt bụng cứ nói oang oang, thao thao bất tuyệt. Nhưng có điều ông không nói ra là những ý nghĩ nghi ngờ của quản Ru đối với chàng chuyên viên điện ảnh.

Đồng thời, khi nghĩ đến sự hiện diện của cậu khách trọ mới chỉ trong có mấy ngày mà đã khiến nhà cửa vui vẻ hẳn lên, ông Mẫn âm thầm tự nhủ:

- Bây giờ cậu ấy đi rồi! Đi thật xa để làm lại một cuộc đời chắc hẳn từ trước đến nay đã nhiều tối tăm sóng gió?

Thằng Phú vui sướng hân hoan không hề một phút nào bận tâm vì những ý nghĩ như của người lớn. Nó chỉ mong cho chóng đến ngày mai, phóng xe qua Mương lai bản để cùng thằng Phan chung hưởng niềm vui con trẻ được quà.

Sáng hôm sau, Phú cưỡi xe bon bon chạy trên con đường qua Bố-Châm, Phà-Liêm. Con A-Giát hồng hộc chạy theo.

Khi đi khỏi Phà-Liêm chừng hai cây số, đường cái lại bắt đầu xuyên vào rừng. Một chiếc xe hơi hiệu Mercédès màu đen bóng loáng chạy ngược chiều, chợt hãm thắng đậu xịch ngay ngang đầu xe gắn máy của thằng Phú. Một người đàn ông mặc áo măng tô đen bằng da, mở cửa xe bước xuống. Ông ta tươi cười hỏi Phú:

- Em nhỏ ở vùng này hả?

- Thưa, cháu ở gần đây, thôn Phượng Mô.

- A, Phượng Mô!

- Ông biết thôn Phượng Mô?

Người đàn ông vội vàng đáp:

- Không, không. Không biết! Nhưng hình như Phượng Mô thuộc địa phận Việt Nam?

- Vâng, đúng đấy ạ! Ngay sát biên giới! Còn chỗ ông đang đứng đây là đất Cao Miên.

Khách lạ cười vui vẻ:

- À, thế đấy! Tôi chạy loanh quanh thế nào lại lạc đường. Quên không đem bản đồ thành thử chẳng biết lối nào mà mò. Em nhỏ làm ơn chỉ dùm nhà ông… Mã Thiên Bỉnh.

- Mã Thiên Bỉnh?

- Phải!

- Ông đi quá rồi, phải quay trở lui. Khoảng hai cây số, quẹo tay trái, đi qua hai cây cầu xi măng, ông ngó phía tay phải, sẽ thấy một căn nhà bằng gạch có nhà để xe và một dẫy chuồng ngựa. Nhà Mã Thiên Bỉnh đó.

- Cám ơn chú em lắm nghe.

Mải nghe hỏi và trả lời, thằng Phú không nhận thấy người đàn ông luôn luôn đưa mắt ngắm nhìn con A-Giát.

- Con chó của chú em đẹp quá. Chưa bao giờ tôi được thấy con chó nào lại lực lưỡng, thuần giống chó Đức như con này. Tên nó là gì thế hả chú em?

- A-Giát!

- Tên gọi hay quá! Thôi, cám ơn chú em nghe!

- Dạ, chào ông!

Chiếc xe sang trọng lao vọt đi, hất tung một đám bụi mù về phía sau.

Phú qua tới Mương lai bản rất sớm. Thằng Phan, con Liên trầm trồ khen ngợi không tiếc lời chiếc xe gắn máy sơn đỏ mạ kền sáng loáng.

Rồi hai đứa sửa soạn một cuộc đi chơi xa lên tận Gò Dầu Hạ cách Mương lai bản tới hơn bốn chục cây số.

Cũng buổi sáng hôm ấy, khoảng mười giờ, Mã Thiên Bỉnh cùng một người nữa ngồi thảo luận, bàn cãi về việc gì đó rất náo nhiệt.

Tấm áo vét sờn cổ, chiếc quần nỉ bạc phếch, chiếc mũ kết bằng vải dầy cáu bẩn hất ngược trên đầu, đè lên mái tóc rối lòa xòa xuống trán khiến gã khách ngoài bốn chục tuổi của họ Mã có dáng dấp như một tay lang thang. Trên khuôn mặt xương xẩu, đôi má hóp, nổi bật nhất hai con mắt trũng sâu, tia nhìn loang loáng. Bộ râu mép rậm che gần kín cái miệng móm, tiếng nói phều phào vì thiếu rất nhiều răng.

Chủ nhà lại khác hẳn. Da dẻ hồng hào béo tốt, đôi mắt húp híp, tia nhìn hấp him như chìm ngập trong cái mặt béo tròn. Mã Thiên Bỉnh chắc phải cân nặng có tới trên trăm ký. Nhưng không vì thế mà cử chỉ kém đi phần nào nhanh nhẹn. Đôi bàn tay mập mạp đặt trên cái bụng bự, gã đang thảo luận náo nhiệt với khách, về giá trị của một món hàng gì đó còn cất kín trong cái bao lớn nằm chình ình giữa nhà. Mã Thiên Bỉnh rót hai ly rượu nhỏ ngâm thuốc:

- Làm ly này cho ấm bụng!

- Tốt lắm, xin anh. Đôi cẳng chân đang mỏi rời ra đây.

- Chạy dữ lắm hả?

- Có thế! Chạy mà lại vác nặng nữa.

Họ Mã giọng đùa cợt:

- Đụng độ rắc rối hả? Ai thế?

- Lão đội Tư Lành trên Mương lai bản!

- Đi đêm lắm thế nào cũng có lần gặp ma! Hôm nay có cái gì thế?

- Con hoẵng và một chục thỏ.

- Hoẵng, thỏ? Hai thứ đó hồi này khó bán thấy mồ!

- Anh lại cò kè muốn dìm giá. Lần trước đã…

Họ Mã hơi sẵng giọng:

- Đã bảo là hoẵng và thỏ hồi này khó bán lắm mà. Lấy bao nhiêu thì nói đại đi! Kể lể lôi thôi hoài!

- Riêng con hoẵng cũng đã gần bốn chục ký rồi…

Mã Thiên Bỉnh chợt cắt ngang lời khách:

- Ấy, coi chừng! Hình như có tiếng xe hơi đậu trước cửa nhà thì phải. Đem cái bao xuống ngay nhà dưới đi. Vào trong vựa rơm ấy, nghe! Chờ đó! Có hút thuốc thì cẩn thận kẻo cháy rơm đó nghe. Mau đi!

Trước khi chạy ra mở cửa cho người khách không hẹn trước nào đó, họ Mã vội lấy khăn khô lau sạch vết máu thú vật từ trong chiếc sắc lớn của tay thợ săn trộm rỉ ra đỏ lóe trên sàn nhà.

- Xin mời ông quá bộ vào trong nhà.

Họ Mã, hai bàn tay xoa xoa vào nhau, xun xoe săn đón. Hắn đã thấy rõ chiếc Mercédès sang trọng. Khách mặc áo măng tô bằng da đưa tay bắt tay Mã Thiên Bỉnh rồi tự giới thiệu:

- Tôi là Nguyễn Ngọc Bách!

- Hân hạnh được biết ông. Thưa, ông cần đến chúng tôi có việc gì ạ?

- Ông chủ thâu nhận dùm cho một khách trọ.

- Khách trọ?

- Phải, ba ngày thôi! Ông không phải lo việc ăn uống gì cả, vì lý do… sức khỏe, – Bách cười nhếch mép – khách trọ cần nhịn ăn tuyệt đối. Ông chủ hiểu ý tôi rồi chứ?

- Vâng, hiểu.

Gã nói tiếp:

- Sở dĩ tôi đến đây là do một người quen ông hiện là chủ quán cà phê tại Na-Mân.

- Ồ, ra thế! Ông cho biết ngay từ lúc đầu thì có phải… Thôi, bây giờ ta có thể nói chuyện dễ dàng. – Họ mã nở một nụ cười thân thiện – Khách trọ ông nói đó chừng nào tới?

- Tuần sau! Một người của tôi sẽ đem con chó tới. Hôm mồng 2.

- Được lắm.

- Ông sẽ nhốt kỹ nó lại.

- Phải thế chứ.

- Rồi mồng 5, đích thân tôi sẽ mang hàng tới đây. Ông nghe rõ chứ? Mồng 5!

- Vâng, nghe rõ rồi!... – Họ Mã hạ thấp giọng – “thần dược” hả ông?

- Không, đá cuội!

- Kim cương! Trời! To chuyện quá! Lỡ một cái… Vốn lớn quá!

- Tôi biết! Nhưng vì nhiều lý do khó nói, chúng tôi không có quyền kén cá chọn canh.

- Con chó ấy của ông?

- Không! Chó lài Đức của một nhà ở bên kia biên giới. Chúng tôi mượn của chủ nó.

- Ủa! Như vậy nó sẽ chở “hàng”về thẳng nhà chủ nó thì mất toi còn gì?

- Đặt người chặn đường con chó rồi “rỡ” hàng chứ. Thôi, tôi có việc cần đi gấp đây. Tối nay có hẹn tại Na-Mân. Đưa ông trước tiền phí tổn này.

Bách rút một cuộn lớn giấy bạc, đếm một xấp:

- Ông sẽ lãnh một số bằng này nữa khi “hàng” đi trót lọt. Thôi, tôi đi nghe, gặp lại sau.

Mã Thiên Bỉnh lắng nghe tiếng xe hơi chạy thật xa đã, mới quay vào đếm lại xấp bạc, đoạn thồn cả vào túi áo, sắc diện vui tươi hẳn lên.

Hắn mở cánh cửa ăn thông ra sân sau, cất tiếng gọi:

- Ê, bồ tèo! Lên đây nói chuyện, lẹ đi! Cứ để cái bao dưới đó.

Gã thợ săn trộm chạy lên ngồi tại một đầu bàn:

- Sao anh Mã?

- Thôi được! Chỗ anh với tôi, mặc cả mặc lẽ làm gì nữa. Anh tính bao nhiêu tôi trả từng đó. Tạm xong cái khoản đó nghe. Bây giờ anh nghe rõ đây này. Một “áp phe” núi của.

- Áp phe núi của? Do tôi đảm trách?

Họ Mã mỉm cười:

- Con Truy Phong của anh kìa!

- Con Truy Phong của tôi?

- Đúng thế! Cơ hội ngàn năm một thuở. Tôi nói vắn tắt cho anh dễ hiểu. Ông khách sang trọng vừa ở đây ra, băng tụi khá đông, đang sửa soạn một dịch vụ lớn lắm. Một túi hột xoàn ăn trộm, mài dũa lại, tính đem vào Việt Nam.

- Máng chắc chắn vào cổ dề một con chó?

- Anh tinh thật! Ngày mồng 2 họ sẽ đem chó tới cho tôi nhốt giữ tại đây. Đêm mồng 2, anh đem con Truy Phong tới. Mồng 5 con Truy Phong sẽ thay thế con kia tải “hàng”… về thẳng nhà anh. Rồi ở đây tôi sẽ thả con chó kia ra.

- Theo anh nghĩ thì ông khách vừa rồi có ý định đích tay máng túi hột xoàn vào cổ chó không?

- Cái đó không quan trọng. Hiện thời hắn cũng chưa biết tên con chó ấy mà. Tôi thì tôi biết rồi.

- Thật không? Tên gì?

- A-Giát!

- Anh nói lại thử coi, anh Mã? A-Giát?

- Chứ còn gì nữa! Cá một ngàn ăn một trăm đấy! Bọn này tổ chức hay lắm. Tên chuyên viên điện ảnh ở trọ trên nhà Cả Mẫn tuần trước đây cũng là người trong băng ấy đấy. Gã có nhiệm vụ tìm ra một con chó để tải hàng vượt biên.

- Nhưng liệu chừng…

Mã Thiên Bỉnh cắt ngang:

- Yên trí lớn đi. Truy Phong và A-Giát giống nhau lắm mà.

- Mới thoáng trông thôi. Nếu nhìn kỹ thì…

- Ban đêm con mèo nào chẳng màu xám. Gã khách này sẽ thấy màu vàng lửa của bốn chân con chó mà thôi. Được chưa? Còn thắc mắc gì nữa không?

- Một câu hỏi chót, anh Mã! Giả thiết con chó tải hàng là A-Giát, băng tụi này sẽ làm cách nào chặn đường, rỡ hàng trước khi nó chạy về tới Phượng Mô?

- Anh đã biết rõ có hai cách chặn đứng một con chó đang phi nước đại băng rừng lại còn vờ hỏi nữa.

- Vậy thì ra…

- Chứ còn gì nữa. Phục ở đúng địa điểm con vật vẫn qua lại hàng ngày chờ đợi. Rồi thì… “pằng”! Vậy là xong! Thôi, tiền đây, về đi! Mồng 2 tôi chờ anh và con Truy Phong đấy!

Buổi chiều cùng ngày hôm ấy, trong quán cà phê tại Na Mân, gã buôn lậu tên Bách có hẹn với một tên không biết tên thật là gì, chỉ biết tên hiện là Gà Cồ. Gà Cồ nguyên là cựu võ sĩ vô địch hạng gà, khổ người lùn tịt, bụng thon, ngực nở, đôi vai thật rộng, dáng đi lom khom như con gấu. Gã cũng là người trong băng của Bách có nhiệm vụ theo dõi Nguyễn Thành rồi báo cáo kết quả cho gã.

- Mày thấy rõ ràng thằng Thành ra phi cơ bay qua Phi Châu chứ hả?

- Rõ ràng.

Tên Bách khẽ gật đầu, nét mặt trầm ngâm:

- Đã có một thời kỳ tao làm việc với Thành “rạch mặt”. Hồi đó nó can trường lắm. Không hiểu sao bây giờ lại bết thế? Có lẽ bị một cú gì đó đau lắm thì phải.

Gã Gà Cồ cười sặc lên nghe như tiếng quạ kêu:

- Nốc ao!

- Mới gặp lại, tao đã nghi là nó có ý định rút dù. Liền mật báo ngay cho “sếp” hay. Mày biết “sếp” nói sao không? – “Phải chặn liền, không cho bất cứ một đứa nào hoàn lương nghe không? Để nó đó. Xong việc, sẽ xét”.

- Còn công việc anh định giao cho tôi là gì đây?

- Đây nhé! “Sếp” chỉ định mày thay thế Thành “rạch mặt”. Nhưng mày có thuộc đường trong vùng này không đã?

- Không!

- Đọc bản đồ được chứ?

- Nếu được chỉ dẫn cẩn thận.

Gã Bách móc túi lấy ra một tờ giấy gấp tư, mở rộng, đặt lên mặt bàn.

- Mày trông kỹ đây nhé. Đây là biên giới, đây là đường đi Bố Châm, cái nét vạch chấm chấm này.

- Thấy rồi.

- Phía trên cái lũng nhỏ, bên sườn đồi thoai thoải đây là căn nhà sàn ở cuối thôn Phượng Mô. Rõ chưa?

- Rõ!

- Phiền một điều là thằng Thành đã có thì giờ làm quen với con chó. Mày thì chưa.

- Yên trí! Tôi sẽ tùy cơ ứng biến.

- Vượt qua sườn đồi thoai thoải này, theo con đường mòn xuyên vào rừng một quãng ngắn là tới cái cầu hai cây gỗ. Mầy theo đường đó đi thẳng tới Phà Liêm. Lại xuyên rừng. Tới bìa rừng, đi chừng non nửa cây số nữa tới một căn nhà xây bằng gạch. Dễ thấy lắm, vì một khu đó chỉ có mỗi nhà của Mã Thiên Bỉnh thôi.

- Hiểu rồi!

- Giữ lấy tờ giấy vẽ sơ đồ này. Chịu khó đi thăm thú lộ trình một lần trước ngày mồng 2 nghe.

- Yên trí!

- Mồng 4…, đúng 12 giờ đêm, mày phục sẵn ở đầu cầu hai cây gỗ với khẩu súng hai nòng. Liệu chừng…

- Biết rồi. Anh cứ tin nơi tôi mà. Con chó lớn thế, trật sao được.

- À, còn điều này nữa! Kể cũng hơi tiếc! Nếu Thành rạch mặt vẫn can trường như xưa thì nó đâu có rút dù vào phút chót. Và không chừng “sếp” sẽ bị hố to.

- “Hố” thế nào?

- Nó sẽ “biến”, đồng thời ôm luôn mớ đá quý, và biết đâu anh em mình lại chẳng có phận nhờ.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IX
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>