Chương III
A-GIÁT
Mỗi sáng, trước khi đi học,
thằng Phú đều nhờ dì Mai để ý săn sóc trông nom dùm con chó. Buổi trưa nó ở lại
trường, chiều mới về.
Sáng nào cũng vậy, A-Giát
vào trong nhà, đứng sát bên ghế thằng Phú, ăn một tô lớn cháo khoai nấu lẫn với
đồ ăn còn dư từ chiều hôm trước, trong khi Phú ta ngồi ăn xôi, hoặc bánh mì,
uống sữa trước khi phóng xe đến trường. Gia Viễn ở cách nhà khoảng mười cây số.
Đường đi gồ ghề nhiều ổ gà, nhưng cũng chỉ nửa tiếng đồng hồ chạy xe là tới
nơi.
Trước khi đi, bao giờ thằng
Phú cũng nhốt A-Giát vào vựa rơm, chiều về mới thả ra. Mỗi khi chiều xuống,
đoán chừng “bạn” sắp về tới, con chó vui mừng ra mặt. Nghe tiếng xe máy nổ ròn,
nó lồng lộn rú rít nghe mà phát khiếp! Cửa mở! A-Giát phóng ra, chồm lên thằng
Phú, nhảy cẫng, kêu hộc lên vô cùng thích thú. Nó đặt hai chân lên vai thằng
nhỏ như muốn thách thức so tài. Thế là thằng Phú vật nhau với A-Giát, cả hai
lăn tròn trên bãi cỏ, biểu diễn một màn cận chiến thật gây cấn. Con chó chỉ
nhằm dằn ngửa được người. Ngược lại, thằng Phú cũng chỉ rình vật ngã A-Giát,
bắt nằm dài trên mặt đất. Chuyện ấy không dễ
gì vì con chó lực lưỡng khỏe hơn cậu chủ rất nhiều. Nhưng rồi nhờ thông minh,
ranh mãnh hơn, Phú chộp được hai chân trước A-Giát, quàng qua vai mình, giữ
chặt, đồng thời ghé lưng vào bụng con chó… cõng nó bổng hẳn lên. Thằng nhỏ reo
lớn: A-Giát thua rồi! Cả hai đều mệt nhoài. Phú ta muốn hụt hơi, còn con chó
thì thở hồng hộc, thè cái lưỡi rãi rớt nhểu dài. Lúc đó thằng Phú mới chịu về
tắm rửa, sửa soạn ăn cơm.
Cơm xong, học bài làm bài
xong đâu đấy, nó xuống nhà ngồi vào bàn với cậu, tập sửa chữa đồng hồ.
Ông Mẫn thường răn dạy cháu:
- Học vấn mở mang trí óc.
Điều đó tốt đẹp và cao quý lắm. Nhưng bên cạnh trí óc, còn có hai tay. Cậu rất
thương hại những người “không” tay.
Thằng Phú tuân theo lời cậu,
những khi rảnh rỗi, cố học cách ráp các loại đồng hồ. Bộ phận riêng rẽ do một
hãng chế tạo dưới Saigon gởi lên. Trước lạ sau
quen, dần dà nó lắp được những loại đồng hồ tối tân nhất.
Ông Mẫn là một người có lòng
vị tha. Đối với phần đông các đồng bào trong thôn xóm cũng như tại các làng xã
lân cận không có gì gọi là dư dả lắm, ông tính giá sửa chữa rất rẻ, dù phải căm
cụi làm việc suốt ngày. Ngay cả về mùa Đông lạnh lẽo, ông cũng thức rất khuya
để hoàn tất những chiếc đồng hồ cần lấy gấp.
Mỗi tuần, vào buổi chiều thứ
bảy, ông lại lôi sổ tay ra, tính toán, trả cho thằng Phú tiền công “phụ tá”,
minh bạch rạch ròi y như một ông chủ hãng trả tiền lương cho công nhân thợ
thuyền của mình vậy. Nhờ đó, Phú ta luôn luôn có sẵn một số tiền túi để chi
dùng vào những món tiêu cần thiết.
Một buổi chiều kia, nhằm
ngày thứ ba, hai cậu cháu đang cặm cụi làm việc thì ông quản Ru bước vào. Viên
hạ sĩ quan Quan thuế rất đỗi ngạc nhiên khi thấy con chó A-Giát soải mình nằm
thoải mái trên sàn nhà sát bên chân thằng Phú:
- Ủa! Bác cứ đinh ninh là
con chó thế nào cũng tìm đường quay về biệt thự ông Hội đồng Cổn và rồi ở đó
không ai nỡ nhẫn tâm xua đuổi nó lần nữa chứ. Thế ra cháu lại tìm thấy nó ở
trong rừng, rồi đem về nuôi?
- Vâng ạ!
Thằng Phú nhớ đến đám thú
vật xinh xinh bạn nó đang nuôi. Thằng Phan thường âu yếm gọi con thỏ hung đỏ:
Út Đô! Út Đô! Và con sóc què một chân: Chi My! Chi My!
Út Đô, Chi My thật tinh
khôn, mến chủ, khiến thằng Phú thấy mà phát thèm. Nó chỉ mong ước có được một
con vật riêng biệt của mình như thế. May mắn sao, chủ nhật vừa qua, con chó Lài
A-Giát lại về tay nó trong trường hợp hết sức đặc biệt.
Con chó khôn ngoan theo nó
không rời một bước, như bóng theo hình. Cậu Mẫn, dì Mai cũng quý A-Giát, “thằng
bạn rất thân” của đứa cháu cưng.
Con chó tuy bị hai mắt đui
mù nhưng vẫn thuộc chỗ các món đồ đạc kê trong nhà nhờ bản năng đặc biệt của
linh vật thiếu sót hư hỏng một giác quan. Nó đi ra đi vào, xê dịch từ chỗ này
qua chỗ kia thật dễ dàng như một con vật vẫn còn đủ hai mắt tinh tường vậy.
Hôm sau, thứ tư, vào khoảng
sáu giờ chiều, dì Mai vào vựa lấy một ít rơm trải ổ cho chó. Lúc quay ra, bà vô
tình quên không cài chốt cửa. Sực nhớ ra, quay lại, đã không thấy con chó đâu
nữa. A-Giát phóng thẳng một mạch qua đồi sim, lội qua một đám ruộng rộng mênh
mông, leo hai con đường dốc, nhắm hướng Gia Viễn, cong đuôi chạy như bay. Giờ
đó thằng Phú cũng đang cưỡi xe gắn máy, bon bon trên đường về. Qua khỏi trạm Đa
Nội chừng ba bốn trăm thước, người và chó gặp nhau. Con A-Giát đã vượt một
quãng đường dài hơn sáu cây số đi tìm tiểu chủ.
Sáng hôm sau, thứ năm, được
nghỉ hai giờ đầu, thằng Phú vẫn dậy sớm như thường lệ, xuống nhà dưới, đã thấy
cậu Mẫn lúi húi làm việc. Dì Mai đang chiên cơm trên bếp lửa. Thấy mặt cháu, bà
hỏi ngay:
- Ngủ ngon không, Phú?
- Cháu ngủ ngon lắm dì Mai.
Suốt đêm không trở mình nữa mà.
- Ngủ ngon thế chắc nằm mơ
thú lắm? Cháu mơ thấy gì nào?
Thằng Phú cố che giấu một nụ
cười. Nó biết trước là bà dì thế nào cũng hỏi nó câu đó. Dì Mai, tâm hồn chất
phác, nên luôn luôn tin tưởng vào tính chất tiền báo của các giấc mơ.
- Cháu nằm mơ thấy chim, dì
Mai ạ! Nhiều thật là nhiều chim. Nó bay… chu choa!
- À, á! Phải rồi! Nhiều chim
lắm! Chúng bay vào đầy phòng cháu ngủ, lượn quanh mình cháu xong lại đua nhau
tíu tít bay ra. Có con đâm cả đầu vào tường, đập cả mình vào thành cửa sổ. Biết
rồi! Biết rồi! Dì biết rõ giấc mơ ấy lắm. Phú ạ! Cháu có hiểu ý nghĩa giấc mơ
ấy là gì không?
- Dạ, không.
Thằng Phú yêu mến dì Mai
lắm. Nó không làm điều gì phật ý dì Mai bao giờ. Nó thấy dì khoái chuyện đoán
điềm giải mộng nên chăm chú đứng nghe cho dì nó vui lòng.
- Năm mơ thấy nhiều chim bay
như thế tức là cháu đang có một điều gì phải suy nghĩ hung lắm đó. Suy nghĩ kỹ
rồi đến khi đi đến chỗ sắp sửa quyết định thì lại đâm ra do dự ngập ngừng.
- Thật hả, dì Mai?
- Thật chớ cháu. Cái gì mình
thấy trong giấc mơ đều là điều tiền báo những việc sắp xảy ra. Trăm lần đúng cả
trăm. Rồi đó cháu coi.
Phú ta nghe lời dì Mai nói
lại đâm ra nghĩ ngợi bâng khuâng.
Đêm qua, trong giấc ngủ, quả
thật nó có suy nghĩ nhiều về một chuyện. Và rồi chuyện ấy có khiến nó băn khoăn
do dự ngập ngừng hay không thì chính Phú cũng không rõ.
Chỉ biết là: buổi sáng hôm
ấy nó đem điều đã suy nghĩ hồi đêm ra thực hiện.
Phú chạy bay xuống nhà để
xe. Rồi, trước khi đạp xe cho máy nổ, nó mở cửa vựa rơm, thả con A-Giát ra. Nó
huýt gió gọi con chó:
- Huýt! Đi, A-Giát!
- Lại cho nó đi đâu thế,
Phú?
Tiếng bà Mai nheo nhéo vang
lên phía sau. Nhưng thằng cháu cưng đã lên đến đỉnh đường dốc và con A-Giát phi
nước đại phía sau chiếc xe gắn máy nổ inh trời.
Đúng tám giờ, thằng Phú đã
tới vùng ngoại ô Gia Viễn. Nó ngừng lại, xuống xe luồn dây da vào vòng đai cổ
con chó, dắt theo, phòng hờ xe cộ qua lại như mắc cửi. Nhẩy lên xe chạy một
quãng chừng hai trăm thước, Phú và A-Giát quẹo tay mặt, đi dọc theo đường Lô
Giang. Người và vật dừng chân trước căn nhà mang số 239. Hai cánh cửa sắt lớn
ngăn lối vào một khoảng sân rộng lát đá xanh. Trong sân, một chiếc xe hơi hiệu
D.S màu xanh lá mạ đậu bên hông một căn nhà hai tầng cao rộng, tràn ngập ánh
sáng nhờ hệ thống cửa lớn, cửa sổ lắp toàn loại mặt kính lớn và dầy. Tại một
trụ cổng xây bằng đá trắng, một cái biển đồng sáng loáng lớn bằng chiếc cặp da,
trên khắc mấy hàng chữ màu đen.
Thú y sĩ
Lê Ngọc Vinh
Giải phẫu chiếu điện
Nhận nuôi gia súc. Vệ sinh hàng ngày.
Phú nhận nút chuông điện.
Một cô y tá ra mở cửa.
- Thưa cô, tôi đến xin khám
cho con chó này.
- Chú em hên quá. Bác sĩ sửa
soạn lên phố khám bệnh. Chú em đưa chó vào đi.
Bác sĩ thú y đang treo chiếc
áo choàng trắng lên mắc thì Phú dắt chó vào. Ông quay ra, chợt trông thấy con
chó đồ sộ:
- Chú em… Ủa!... Con A-Giát
đây mà!
Phú lễ phép:
- Thưa bác sĩ, đúng A-Giát
đây ạ!
- Chó trên biệt thự ông Hội
đồng Cổn. Tôi biết nó mà. Khám bệnh điều trị từ hồi nó mới bắt đầu hư đôi mắt
kia. Tôi đã nói thẳng cho ông Hội đồng biết rằng không chữa được vì bệnh làm
ngụy nhanh quá, không thuốc nào ngăn chận kịp. Bây giờ nó mù hẳn rồi còn gì. Ai
sai chú em dắt nó tới đây thế? Ông Hội đồng hả? Chú em làm việc trên đó?
- Thưa bác sĩ, không phải
thế. Con A-Giát bây giờ là của cháu.
Vừa nói, thằng Phú vừa
ngượng ngùng xoay xoay cái mũ lưỡi trai trắng trong tay. Nhận thấy ông thú y sĩ
còn đang nhướng cao cặp chân mày tỏ ý không hiểu, nó tiếp luôn:
- Cháu xin phép được nói rõ
hơn.
Thế rồi, tuy giọng nói có
đôi chút hồi hộp, Phú kể lại rất mạch lạc chuyện nó đã cứu con chó bị bỏ rơi.
Ông nhân viên quan thuế được người ta nhờ đem nó đi bắn bỏ ra sao. Và tới phút
chót, ông Quản Ru đã để cho con A-Giát tự do như thế nào.
- Và bây giờ cháu đem nó tới
đây nhờ bác sĩ…
Ông thú y sĩ cảm động, nhưng
không để lộ ra sắc mặt, chỉ tiếp lời chú nhỏ có lòng nhân từ bằng một giọng cố
làm ra vẻ khôi hài vui vẻ:
- Trông nom săn sóc nó, khám
bệnh và giải phẫu mắt cho nó. Có phải thế không? Phải giải phẫu đó chú em. Khó
khăn lắm. Hy vọng thành công chỉ có một phần trăm. Con chó to đẹp thế này… Hừ!
Lấy lại được đôi mắt để lại trông thấy mọi vật dưới ánh sáng mặt trời, đi đây
đi đó… Một việc hay lắm. Nhưng khó quá!
Rồi ông quay nhìn cô y tá
giúp việc:
- Tròng đen sưng tấy, đồng
tử không còn phản ứng gì hết. E rằng không chữa được. Lần trước tôi đã khám kỹ
rồi mà.
- Thưa bác sĩ, bác sĩ mới
nói… còn một phần trăm hy vọng thành công.
Nói xong, thằng Phú cảm thấy
lo buồn vô hạn. Khi ở nhà ra đi, nó đã khấp khởi mừng thầm đặt biết bao tin
tưởng vào tài năng của vị thú y sĩ. Giờ đây, ông từ chối không chữa. Và A-Giát
sẽ vẫn cứ bị mù mãi mãi. Nỗi buồn lo tràn ngập trong lòng khiến nó luống cuống
không còn biết tính sao, chỉ cúi gằm mặt, run giọng nói lí nhí:
- Thưa bác sĩ, cháu có tiền…
nhưng không nhiều lắm… Bác sĩ cho phép cháu được trả làm nhiều lần.
- Tiền gì? Thôi, đừng nói
đến chuyện tiền nong gì hết.
Vị thú y sĩ mỉm cười ái
ngại:
- Chú em rất ngoan. Muốn
chữa cho nó khỏi lắm hả? Chú em thương nó đến thế kia à?
- Thưa bác sĩ vâng ạ!
- Vậy thì để nó lại đây.
- Bác sĩ bằng lòng chữa?
- Được, em cứ để nó ở lại
đây.
- Trời ơi? Cháu cám ơn bác
sĩ nhiều lắm.
- Chú em nhớ lời tôi nói
nghe. Tôi sẽ cố gắng hết sức, nhưng kết quả cũng còn phải nhờ may rủi. Tôi giữ
con chó ở lại đây đúng mười ngày.
- Bác sĩ cho phép cháu thỉnh
thoảng vào thăm nó, được không ạ?
- Được chứ. Nhưng phải qua
tuần sau, thứ ba hoặc thứ tư gì đó. Tôi cần theo dõi bịnh nó từ nay đến hết
ngày chủ nhật. Thứ hai sẽ mổ.
Buổi chiều hôm đó, tan học
ra, Phú phóng xe về Phượng Mô một mình. Thấy dì
Mai ngơ ngác đưa mắt tìm con A-Giát, nó đành phải thú thực là đã đem lên Gia
Viễn nhờ bác sĩ thú y chữa mắt.
Chủ nhật đến, theo thường
lệ, Phú lại qua Mương lai bản với thằng Phan. Nó không hề đả động đến điều bí
mật thú vị chỉ riêng mình nó biết. Trong lòng nó nghĩ thế nào mà lại đi giấu
người bạn thân điều nó thích thú nhất? Không thể bảo là Phú ích kỷ được. Nó quý
bạn còn hơn cả chính mình nữa. Thực ra, nó đang lo, không hiểu bác sĩ thú y
Vinh mổ mắt cho con chó thân yêu của nó liệu có kết quả như ý mong muốn không.
Phú có ý cố gắng đợi chờ tới khi chắc ăn trăm phần trăm đã rồi mới nói cho
thằng Phan hay.
Thời gian trôi thật chậm
nhưng rồi cũng đến ngày thứ hai. Không lúc nào thằng Phú không nghĩ đến A-Giát
của nó. Chốc chốc, nó lại âm thầm tự hỏi rồi lại tự trả lời: giờ này có lẽ
A-Giát đang được mổ mắt đây. Lậy trời cho nó được trăm phần may mắn.
Thế rồi ngày qua, đêm tới…
Thằng Phú bóc một tờ trên
quyển lịch: thứ ba!
Tan học ra, trong lòng vô
cùng hồi hộp, nó tới ấn nút chuông điện nơi cột trụ cổng nhà ông thú y sĩ Vinh.
Mới trông thấy nó, cô nữ y tá đã vui vẻ nói ngay:
- Mọi sự tốt lành cả. Con
chó của chú ngoan lắm. Nhiều con khác cứ thạo thục giựt đứt tung cả băng thuốc
ra ấy chứ. Con A-Giát thì không. Bác sĩ tiêm cho mấy mũi thuốc làm dịu cơn đau
nên nó chịu nằm yên lắm. Chú em vào thăm nó chút đi.
Phía cuối khoảng sân rộng,
một dẫy chuồng bằng xi măng, cửa lưới sắt, gồm ba tầng xây chồng lên nhau. Mèo,
chó, có tới gần hai chục con. Mỗi con nằm riêng một chuồng. Ngoài cửa chuồng có
treo biển đề tên, căn bệnh và ngày “nhập viện” cẩn thận.
Cô nữ y tá mở cửa chuồng.
A-Giát đang nằm nghỉ trên một ổ rơm khô ráo, sạch sẽ. Một chi tiết khá quan
trọng không rõ cô y tá vô tình hay hữu ý đã quên không nói cho Phú biết: một
chiếc băng màu đen băng trùm lên đầu che kín hai con mắt đã được giải phẫn rồi
khâu kín lại của A-Giát.
Con chó chắc hãy còn đau
lắm! Chợt nó cựa quậy, trở mình, đứng lên ruỗi thẳng lưng rồi ngáp một cái thật
dài. Nó đã đánh hơi “thấy” thằng Phú, nhưng toàn thân còn mệt mỏi nên không thể
mừng rỡ đón chào nhanh nhẹn như lúc còn ở nhà được. A-Giát chỉ ậm ự rên rỉ y
hệt một chú bé làm nũng, nhõng nhẽo để được người lớn cưng chiều. Nó thè lưỡi
liếm tay chủ, đặt cái đầu có băng che kín mắt lên vai thằng Phú, rồi cứ thế,
đứng im lặng, có vẻ an tâm, vui sướng vô cùng.
Suốt một tuần, ngày nào cũng
như ngày nào, thằng Phú đều ghé vào thăm nom an ủi, vỗ về A-Giát một hồi lâu
rồi mới về nhà.
Thấm thoát, chẳng mấy chốc
đã đến chiều thứ bảy. Chắc hẳn hôm nay là ngày quan trọng nên ông thú y sĩ đích
thân ngồi đón chờ thằng Phú. A-Giát đã được cắt chỉ khâu mắt, cởi bỏ mảnh băng
đen, đang ngồi chễm chệ trên một chiếc bàn nhôm trắng bóng. Đôi mắt nó chớp
luôn vì chưa quen với ánh sáng chan hòa trong phòng giải phẫu. Ông thú y sĩ bảo
Phú:
- Cứ việc lại gần nó đi,
cháu Phú! Lần giải phẫu này bác sĩ cũng gặp hên quá đấy. Kết quả tốt đẹp không
thể ngờ được. Không còn e ngại có biến chứng gì nữa hết. Cơ thể nó khỏe mạnh,
tốt lành lắm.
Con chó ngồi im không cục
cựa, đối diện với cậu nhỏ đang từ từ từng bước một tiến lại gần… thật gần. Nó
vẫn không nhúc nhích, hầu như nín cả hơi thở, bất động như tạc bằng đá khiến
người nhìn cảm thấy hơi rờn rợn. Muốn giơ tay vuốt ve nó một cái, thằng Phú lại
ngập ngừng không dám.
Tiếng nói của ông bác sĩ thú
y lại trầm trầm khẽ vang lên:
- Cháu nên nhớ rằng, nó chỉ
quen hơi và biết tiếng nói của cháu mà thôi. Nhìn kỹ coi! Tim nó đang đập rộn
ràng. Lớp lông mượt mịn kia cũng như biết cựa quậy, cứ rung lên từng hồi. Cháu
thấy rõ chứ? Hiện giờ nó đang vui mừng cực điểm và ngạc nhiên hết sức đó. Vì
lẽ, đây là lần đầu tiên nó được… nhìn thấy cháu.
Cái lưỡi đỏ hỏn thè dài, hai
bên hông phình ra, hóp vào như mới phóng chạy hết tốc lực một quãng đường xa
lắc, trước mặt chú nhỏ cảm động nước mắt rưng rưng, con A-Giát vẫn thẳng mình
ngồi im bất động.
Có tới năm phút sau, con chó
lai sói mới “nói chuyện”. Nói chuyện bằng mắt. Đúng như thế! Tia nhìn của nó
phóng thẳng vào hai mắt kẻ đã cứu sống đời nó. Một điều lạ: đôi mắt giờ đây
không hề chớp. A-Giát ngó thằng Phú trừng trừng.
Ngoài sân, con vẹt Phi Châu
đậu trên cành trước dẫy chuồng gia súc, eo éo cất tiếng gọi: Mi Mi! Mi MI!
Trong phòng giải phẫu, đứng
bên chiếc bàn nhôm trắng sáng, nơi con chó vẫn ngồi im như trời trồng, thằng
Phú quàng hai tay ôm cổ A-Giát, khẽ rót vào tai nó những lời âu yếm dịu dàng.
Về Phượng
Mô, A-Giát lại được vào ngủ trong vựa rơm êm ấm. Thằng Phú, mỗi buổi chiều đi
học về lại xuống ngủ với con chó thân yêu.
Sáng chủ nhật, nó để xe ở
nhà, cùng con chó thả bộ lên Mương lai bản.
Vượt qua đồi sim, Phú dẫn
A-Giát đi theo con đường mòn tới rừng Đen, băng qua Gò Quao.
Con chó băng băng đi bên
cạnh chủ. Gặp một gò đất, một thân cây, thế nào nó cũng nhẩy lên đứng trên đó,
đưa mắt ngó quanh quất. Một chú cầy hương, cái đuôi xù như bông lau vừa mới nhô
ra khỏi bụi rậm chợt bắt gặp A-Giát, vội vã thụt ngay vào. Một chú cáo non bị
con chó đánh hơi, hoảng hốt, thay vì cứ nấp trong bụi rồi tìm đường lẩn tránh,
lại quýnh quáng chạy vụt ra, phóng như bay tới gốc cây chẩu, leo vun vút lên
cây. Bộ lông trắng toát nổi bật trên màu nâu của vỏ cây. A-Giát ngơ ngác đứng
trông theo, vô cùng thích thú. Nó lắng tai nghe tiếng “cóc, cóc” của một con
chim gõ kiến mổ vỏ cây, văng vẳng từ mãi tít trong rừng sâu, loay hoay cố tìm
nơi tiếng động phát xuất.
Cả một thế giới lạ lùng hiện
ra trước mắt A-Giát. Một thế giới từ trước tới nay, nó chỉ nghe mà chưa được
thấy bao giờ.
Gần tới con suối có cái cầu
bắc ngang bằng hai cây gỗ, Phú dừng lại đúng tại nơi nó đã gặp ông quản Ru kéo
lê con chó bằng chiếc dây thừng tưởng chừng như sự việc mới xẩy ra ngày hôm
qua. Vậy mà đã biết bao biến cố xẩy ra từ bữa ấy. Phú khẽ quát:
- Thôi, đi. A-Giát!
Con chó đang nhẩy quẩng đùa
giỡn với mấy con bươm bướm. Nghe tiếng gọi, nó nhẩy lên đã thấy chủ đang đặt
bước đi trên hai cây gỗ. Bản tính rắn mắt, A-Giát chạy theo, nhún mạnh bốn
chân, búng thân mình phi qua con suối rộng, đáp huỵch ngay xuống bên cạnh chân
thằng Phú lúc đó cũng vừa sang tới bờ bên kia.
Phú vui vẻ nói chuyện:
- A-Giát! Hôm nay chúng mình
lên Mương lai bản. Rồi A-Giát sẽ biết Phan, bạn thân của tao này. Rồi Liên, em
gái Phan này.
Được con chó đẹp đẽ khôn
ngoan, thằng Phú vui sướng vô cùng. Nhưng niềm vui của nó chỉ trọn vẹn khi có
cả thằng Phan cùng hưởng.
Vừa đi vừa đùa giỡn với
A-Giát ở dọc đường, nên Phú đến trễ hơn thường lệ. Thằng Phan lo lắng sai con
Liên phóng xe đạp đi đón bạn. Tới gần giờ ăn cơm trưa, Liên và Phú mới về tới
nhà. Chợt trông thấy con chó “bẹc giê” to lớn, lông mượt đen, bốn chân vàng màu
lửa cháy, theo sát chân bạn, thằng Phan trợn tròn mắt, thích thú:
- Ủa! Chó của ai thế? Của
Phú hả?
- Ừ, của mình đấy!
- Ai cho vậy?
- Có ai cho đâu. Câu chuyện
dài lắm, Phan ơi! Kỳ khôi lắm. Từ lâu rồi mình vẫn ước ao có được một con chó.
Thằng Phan mắt vẫn chăm chú
ngó A-Giát, miệng lẩm bẩm:
- Ừ! Mình cũng thế!
- Phan biết là Phú vui sướng
đến mức nào chứ. Dì Mai nói rằng đó là do cái số. Số đã định rằng Phú và con
chó này sẽ gặp nhau. Trước đây nó vẫn có chủ, nhưng không phải là một người chủ
tốt. Chứng cớ rõ rệt là ông ta không yêu thương nó chút nào. Nhưng bây giờ nó
là chó của Phú. Phú là chủ nó. Phải không, A-Giát?
Cứ mỗi lần thằng Phú nói đến
hai tiếng “con chó, con chó”, A-Giát lại ngẩng đầu, dựng đứng hai tai. Nó lộ vẻ
hiểu biết là người ta đang nói chuyện nó.
Thằng Phan vẫn thắc mắc:
- Hồi nẫy Phú nói rằng không
ai cho cả. Vậy ra Phú… bắt được nó?
Phú cười vui nhìn bạn:
- Mình đã bảo Phan rằng câu
chuyện dài lắm, ly kỳ lắm mà. Rồi mình sẽ kể cho Phan nghe, Phan sẽ hiểu rõ.
Sau bữa cơm trưa, dưới giàn
hoa thiên lý in bóng mát rượi, Phú kể rành mạch cho thằng Phan và con Liên nghe
câu chuyện nó gặp con chó khôn nhưng bị đui hai con mắt.
- Lúc đó, không hiểu sao Phú
cứ mụ người đi, mà cả ông quản Ru cũng vậy. Và Phú… – Ồ, biết nói sao cho Phan
và Liên hiểu được nhỉ? À, à… Phú cảm thấy xấu hổ thay cho ông quản Ru, và tự
ngượng cả với mình nữa. Đúng thế đấy. Lúc ấy muốn nói: “Không nên bắn bỏ con
chó này nghe bác, bác cho cháu đi!” mà không hiểu sao Phú lại cứ đứng im thin
thít. Kỳ ghê!
- Phú không dám nói?
- Đúng. Phú không dám nói.
Chỉ đứng trơ ra như phỗng đá nhìn theo ông Ru lôi sềnh sệch con chó vào rừng
sâu.
Sắc mặt thằng Phan xanh mướt
như tàu lá. Cảm xúc đã khiến nội tâm nó xáo trộn, lắp bắp nói qua hơi thở:
- Thế rồi, tới phút chót,
ông quản Ru…
- Ông quản Ru “dành cho nó
một dịp may”. Đó, ông ấy nói như thế đó.
- Vậy là sao?
- Ông ấy bỏ lại con chó
trong rừng, cột đầu dây vào một bụi cây. Ông ấy lại chu đáo để dành cho nó, đặt
trên mặt cỏ, một miếng bánh mì và một miếng thịt ngon lành.
- Rồi khi Phú gặp lại nó,
lúc ấy đã vào đêm?
- Đêm tối thui à!
Sắc diện thằng Phan chợt ửng
đỏ, tươi vui rạng rỡ hẳn lên:
- Tối thui! Tối thui mà
A-Giát vẫn nhìn thấy Phú. Tức là lúc đó đôi mắt của nó đã khỏi bệnh rồi phải
không? Khỏi bệnh trước khi Phú bắt gặp nó trên đường đi về nhà. Hà… hà…!
Thằng nhỏ đau ốm lại bắt đầu
xuất thần, sống trong cõi mộng. Trí tưởng tượng rất mạnh của nó lại sắp sửa đưa
nó tới tận đâu. Tới một thế giới thần tiên đầy hoa thơm cỏ lạ với các vị thần,
các tiên cô… tới một cảnh đời tưng bừng chan hòa ánh sáng.
Con Liên nháy mắt, ngầm ra
hiệu cho bạn.
Khi đi đón thằng Phú, qua
rừng, nó đã được bạn kể cho nghe chuyện ông bác sĩ thú y mổ mắt, chạy chữa cho
con chó như thế nào rồi.
Con Liên chúm môi nhìn bạn
“suỵt” khẽ một tiếng. Thằng Phú hiểu ngay ý nghĩa cái “suỵt” ấy: “Cứ để yên cho
Phan nói chuyện… thần tiên”. Tiếng nói của thằng nhỏ tật nguyền vang lên sang
sảng:
- Phú không biết. Liên cũng
không biết. Riêng tôi, tôi biết. Tôi biết rõ…
Đôi mắt thằng Phan như sáng
ngời lên cơn sốt, sáng long lanh một cách kỳ dị.
- Tôi biết rõ ai đã cứu
thoát và chữa khỏi cho con chó lai sói này. Tôi biết rõ lắm. Phú đừng tưởng là
tôi đoán mò nghe, – thằng Phan hạ thấp giọng, dáng điệu thật bí hiểm – vị thần
trong rừng đấy… Biết chưa?
Liên và Phú đưa mắt nhìn
nhau, im lặng. Không đứa nào nỡ phản đối, làm phật ý thằng Phan. Con Liên hỏi
anh một cách rất tự nhiên:
- Thế ông thần ấy đã làm gì
hả anh Phan?
- Ông Thần nhẹ nhàng bước
tới chỗ A-Giát bị cột, không gây một tiếng động nhỏ. Ông cởi dây cột cổ nó ra,
dẫn nó tới một dòng suối nhỏ, nước trong lắm. Rồi ông vốc nước suối rửa mắt cho
nó.
- Rồi sao nữa?
- Rồi ông ấy lấy từ trong
túi áo của ông ra một nắm các vì sao sáng chói.
- Các vì sao sáng chói?
- Đúng thế! Các vì sao… tức
là những con đom đóm có ánh sáng lập lòe xanh biếc đó. Phú cũng biết mà, phải
không Phú? Vị thần ở Gò Quao đêm nào cũng hiện xuống gieo rắc đom đóm khắp nơi
khắp chốn đó. Ông rải cả lên trên cỏ ngay dưới mắt con chó. Thành ra làn ánh
sáng đầu tiên A-Giát trông thấy chính là ánh sáng của ngôi sao đom đóm lấp lánh
như kim cương đó.
Thằng Phan say sưa tưởng
tượng, say sưa nói. Trong những giây phút xuất thần, mê man trong cõi thần tiên
mộng ảo như thế, nó không còn buồn khổ nữa, quên hẳn được cái xác thân tàn phế
đau đớn triền miên.
Bên ngoài, đêm đã xuống từ
lúc nào.
Liên xuống bếp để đôi bạn
trai ở lại chuyện trò. Trong khi đó, A-Giát chạy tới làm quen với Út Đô, con
thỏ lông hung đỏ, con cáo non, và con sóc Chi My. Chi My bạo dạn hơn tất cả,
lon ton nhẩy đến đưa cái chân nhỏ xinh lên đập đập vào mõm con chó khổng lồ.
Thằng Phú thích thú ngồi xem
đám súc vật đùa giỡn với nhau. Trong khi đó, thằng Phan nằm lặng lẽ suy tư,
ngẫm nghĩ điều gì đó, sắc mặt rầu rầu. Lúc cả ba đứa ngồi nói chuyện ngoài
vườn, dưới giàn thiên lý, nó đã bảo bạn: “Mình biết là Phú thích lắm. Phải rồi!
Chỉ có một con chó khôn mới đích thực là người bạn tốt”. Tư tưởng trong đầu óc
Phan luân chuyển thế nào mà nó lại có ý nghĩ như thế? Và giờ đây, bước ra khỏi
cõi mộng mơ thú vị, nó lại sắp sửa buồn rầu đau khổ vì chuyện gì? Đó là tất cả
các điểm Phú đang tìm hiểu: “… chỉ có con chó khôn mới đích thực là một người bạn!”
Câu thằng Phan nói đó có ẩn ý gì?
Thằng Phú đang cố tìm hiểu.
Đúng lắm. Con chó khôn mới
đích thực là một người bạn. Một người bạn lúc nào cũng ở sát bên chúng ta, hỏi
chuyện chúng ta bằng… ánh mắt nhìn. Chỉ tiếc một điều là không nói được, nhưng
vẫn nghe được, hiểu được chúng ta, chứng kiến những niềm vui nỗi buồn thầm kín
nhất của chúng ta.
Không nói ra miệng, nhưng có
lẽ thằng Phan ghen hờn với cái tình bạn đã bị chia sớt vì sự hiện diện của con
chó bên cạnh người bạn thân nhất của nó từ trước đến nay?
Người bạn đau ốm tật nguyền
của thằng Phú buồn rầu ủ rũ chắc cũng chỉ vì lẽ đó mà thôi.
Qua cửa sổ, một khoảng trời
xám nặng trĩu mây đen, sà thật thấp gần như đụng đám lá cây rừng, báo hiệu sắp
sửa có một trận mưa lớn. Trong nhà tối om. Phan, Phú đều im lặng, không ai nói
với ai một lời nào.
Liên bước vào, bật đèn:
- Sao hai anh lại ngồi tối
thế này? Em bật đèn cho.
Sau khi trải lại chăn nệm
cho anh, thu gọn một vài thứ lặt vặt bên giường thằng Phan, con bé lại bước ra.
Sắp sửa đến lúc thằng Phú
phải trở về bên Phượng Mô. Nhưng nó vẫn phân vân
chưa quyết. Trong lòng Phú cảm thấy buồn vô cùng. Vừa mới chung vui với bạn
chưa được mấy lâu, niềm hân hoan đã như chắp cánh bay đi đâu mất. Thằng Phan
lại chìm đắm trong buồn khổ mung lung. Chốc nữa đây, bạn và con chó đi rồi,
thằng nhỏ ốm đau sẽ còn ủ rũ, âu sầu tới mức nào nữa. Mải suy nghĩ miên man,
thằng Phú đưa tay vuốt ve đầu con A-Giát. Động tác ấy khiến Phú được bình tĩnh
hơn, rảnh rang tâm trí hơn để suy nghĩ đến một quyết định hết sức quan trọng.
Nó âm thầm tự nhủ: “Còn phải
suy nghĩ gì nữa. Chỉ có thế là ổn nhất!” Và lấy làm lạ rằng sự quyết định ấy
không khiến nó phải buồn rầu nhớ tiếc quá đỗi như nó đã tưởng.
Phú rất yêu quý bạn, thương
hại bạn, một thằng nhỏ bất hạnh không được hưởng một chút thú vui nào như các
bạn đồng trang lứa: chạy, nhẩy, leo trèo, nghịch ngợm, cưỡi xe gắn máy phóng
như bay…
Phan buồn khổ đã nhiều. Trên
môi ít khi thấy nụ cười tươi, trừ khi nó được “sống trong cõi mộng”. Phú quyết
định, trước khi ra về, thế nào cũng phải làm cho bạn một cái gì để lại được
trông thấy nụ cười tươi trên miệng, nhất là trong đôi mắt long lanh của thằng
Phan.
Còn hạnh phúc nào sánh bằng
hạnh phúc được hưởng khi làm xong một điều gì khiến cho kẻ ta hằng yêu mến được
vui sướng!
Thằng Phú bước tới gần bên
ghế xích đu dài, nơi thằng Phan nằm nghỉ, cố lấy giọng thật tự nhiên:
- Phan à! Sắp sửa đến giờ về
rồi, Phú muốn dành cho Phan một sự ngạc nhiên thú vị lắm.
Trên khuôn mặt ủ dột, xanh
mét của thằng Phan, đôi mắt tròng nâu chợt long lanh rạng rỡ. Trong hai đứa,
Phú đã chẳng là một thằng bạn luôn luôn cho mà ít khi nhận đó sao? Giờ đây,
trước khi ra về, nó lại còn định cho gì nữa?
- Một sự ngạc nhiên thú vị
hả Phú? Gì thế?
- Phan không đoán ra à?
- Chịu! Không đoán được!
- Thật hả?
- Thật mà! Nói đi Phú, lẹ
lên!
- Con A-Gi…
Thằng Phú ngưng lại kịp
thời. Chút xíu nữa, nó buột miệng nói ra: “Con A-Giát của Phú!”.
- Con A-Giát, Phan à, bây
giờ nó là của Phan đấy!
- Của Phan?
- Đúng! Phú cho Phan đấy!
Con Liên đưa thằng Phú ra
tận cổng vườn.
- Cám ơn anh Phú nhiều nghe
anh Phú. Anh Phan khoái lắm. Chưa bao giờ em thấy anh ấy vui vẻ như thế đấy.
Nhưng chỉ lo con A-Giát nó nhớ anh. Anh là chủ nó mà.
- Liên lo gì chuyện ấy. Lâu
dần rồi cũng quen.
- Liệu nó có quen không anh?
- Quen chứ!
- Có lẽ mấy hôm đầu phải
xích nó lại cho chắc ăn. Ồ, mà trời sắp tối rồi. Anh Phú lấy xe đạp của em mà
về, nghe! Hôm nào đem trả cũng được.
- Vậy càng hay. Thôi, anh về
nghe, Liên.
- Vâng, anh Phú về. Cám ơn
anh nhiều nhiều, nghe anh Phú.
Trong phòng Phan, con chó
A-Giát quay mặt ngó đăm đăm cánh cửa vừa khép lại sau lưng thằng Phú. Nó ngơ
ngác lộ vẻ không hiểu gì cả. Buồn rầu, con chó cúi đầu, đưa mũi đánh hơi đoạn
chậm rãi đi một vòng quanh nhà. Qua chỗ con thỏ Út Đô và con cáo non, A-Giát
dừng lại, đưa mũi hít ngửi hai con thú rừng xinh xinh. Nó đi tới chỗ đặt cái
lồng nhốt hai vợ chồng con sáo sậu, đứng ngắm nghía đôi chim lạ một lúc rồi lại
đi loanh quanh, đưa mắt nhìn tứ phía. Con sóc Chi My lót tót chạy theo trêu
chọc, bị nó giơ chân gạt cho một cái. Cứ mỗi lần tới cánh cửa, A-Giát lại dừng
chân, đứng im lặng, tần ngần.
- A-Giát! Lại đây! A-Giát!
Con chó lắng tai: không phải
âm thanh trong trẻo, sang sảng như tiếng chuông quen thuộc vẫn gọi tên nó hàng
ngày. Ngơ ngác, lạc lõng trong căn nhà xa lạ,chỉ còn hành động do bản năng, con
chó nghe tiếng gọi, cúi đầu, thờ thẫn bước lại gần chiếc ghế xích đu nơi thằng
Phan nằm nghỉ. Thế rồi, trong khi thằng nhỏ bệnh hoạn đưa tay nhẹ nhàng vuốt ve
đầu nó, A-Giát đưa mắt ngó Phan chăm chú, mí mắt chớp chớp liên hồi, tia nhìn
buồn rầu khẩn khoản như có ý muốn hỏi: “Anh là ai thế? Tại sao người ta lại để
tôi ở đây, hả?”
Trong khi đó, trên con đường
mòn xuyên qua rừng, thằng Phú cúi rạp người trên xe đạp, mắm môi, mắm lợi ra
sức đạp. Mưa đổ xuống hắt nước đầy mặt. Nó vận động bắp thịt tới mức tối đa,
đạp nhanh như máy và cho đó là một cách tốt nhất để khỏi phải nghĩ ngợi lôi
thôi.
Nước mưa dội trên đầu Phú,
tưới đẫm mặt, tràn vào đầy mắt, khiến nó không còn trông thấy gì nữa. Trên con
đường đất nhỏ xuyên qua Gò Quao, nó lội bì bõm trong bùn, ì ạch dắt chiếc xe
đạp.
Về đến nhà, người và quần áo
nó ướt nhẹp như con chuột ngã vào lu nước. Bà dì chạy ra mở cửa.
- Trời đất! Tội chưa kìa!
Dầm nước mưa thế kia, cảm chết đó Phú. Xuống ngay dưới bếp đi cháu! Sưởi cho ấm
người cái đã rồi thay quần áo mau lên! Còn con chó nữa, chắc cũng ướt sũng rồi
tha nước vào làm ướt hết nhà mất thôi. Cho nó vào trong vựa rơm ngay đi nghe
Phú!
Thằng Phú nhìn bà dì thân
yêu, nghẹn ngào:
- Dì Mai ơi!... Con chó… của
cháu… cháu…
Nước mưa từ tóc nó nhỏ giọt
xuống má, lẫn lộn với hai giọt nước mắt. Dẫu có tinh mắt đến đâu, dì Mai cũng
không thể nhận ra hai giọt lệ nóng ấy.
Thằng Phú đưa tay lên má
quệt một cái thật nhanh.
__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV