Chương VIII
MÓN QUÀ BẤT NGỜ
Buổi sáng hôm ấy, thằng Phú
dậy thật sớm, cùng với A-Giát đi bộ lên Gia Viễn. Ngày hôm kia, khi cậu khách
trọ Nguyễn Thành từ biệt mọi người để lên đường, chiếc xe máy của thằng Phú vẫn
chưa sửa xong. Hôm nay, nó lên lấy xe.
Tới ngã ba đường đi Bố-Châm,
Phú ngồi trên một tảng đá dưới gốc cây bên lề đường nghỉ mệt, có ý chờ đợi một
chiếc xe hơi nào đó chạy ngang.
- Ê, chờ xe quá giang hả,
nhỏ?
Nghe tiếng gọi quen quen,
thằng Phú ngẩng lên. Một chiếc xe hơi nhỏ cỡ xe taxi chạy từ từ, đậu ngay trước
mặt. Ngồi kế bên tài xế mặc sắc phục hạ sĩ quan quan thuế, một người nữa cũng
bận đồ y hệt, đội mũ kết: ông quản Ru.
Người bạn thân của cậu Mẫn
đưa tay mở cửa xe:
- Lên đi Phú. Xe gắn máy của
cháu đâu?
- Đưa tiệm sửa, bác Ru à!
Bây giờ cháu mới đi lấy đây.
- À, bác nhớ ra rồi! Cháu
tông phải anh chàng chuyên viên điện ảnh bữa đó… Xuống đâu đây, Phú? Bác còn
phải lên làng Mễ-Hân.
- Dạ, bác cho cháu xuống đầu
ngoại ô Gia Viễn.
Mười lăm phút sau, Phú đã
tới tiệm xe gắn máy. Trong một góc gian xưởng sửa xe, chiếc xe của nó nằm chèo
queo, bánh trước vẫn cong veo hình số 8, tay lái vẫn vẹo một bên, y như bữa mới
xẩy ra tai nạn. Buồn rầu ngơ ngác, thằng Phú nghĩ thầm: “Rõ thật là đi mất
công! Chưa sửa gì cả!”.
Gần cửa ra vào, một chú thợ
nhỏ đang lúi húi vá chiếc ruột xe. Thằng Phú xán đến gần, cố lấy giọng bình
tĩnh cất tiếng hỏi:
- Ông chủ hứa bữa nay sửa
xong và giao trả xe cho tôi mà, anh.
Chú thợ ngẩng lên:
- Xe của cậu hả? Tôi chẳng
nghe ông ấy nói gì hết. Cậu chờ chút, để tôi hỏi lại coi.
Chưa đầy phút sau, ông chủ
đã từ nhà trong đi ra. Thấy mặt Phú, ông ta tươi cười vui vẻ:
- Tôi chưa thấy ai có người
bạn tốt như chú em đây. Xe của chú đã cũ rích cũ rác, sửa chữa, làm máy lại tốn
tiền lắm. Cậu gì gây ra tai nạn đã thanh toán tiền sửa xe đâu vào đấy cả rồi.
Mà lại trả rất hậu là đằng khác. Chú nhỏ theo tôi vào đây mà coi.
Ông chủ tiệm dẫn Phú đi qua
gian xưởng, qua một khuôn cửa sắt, tới gian hàng bầy bán có tới hai chục chiếc
xe gắn máy mới tinh hảo. Ông chỉ vào một cái sơn màu đỏ, đẹp nhất trong số năm
cái đẹp nhất.
- Cậu thử ngắm chiếc SS. 50
này coi. Hai hộp sang số tự động. Hệ thống lò xo nhún đằng sau kép, đằng trước
cũng kép. Đồ trang bị tối tân toàn kiểu mới hết: đồng hồ cây số, đồng hồ ghi
tốc độ, còi điện, đèn đủ “pha, cốt”. Máy khỏe lắm. À, chú em đã tới mười tám
tuổi chưa nhỉ?
Thằng Phú không hiểu ông chủ
tiệm xe có ý định gì, hồi hộp quá, nói lắp bắp:
- Dạ chưa!
- À, vì thế cậu khách ấy mới
không lấy cái xe máy dầu kia cho chú em. Thôi, trong năm cái SS. 50 này, chú em
lấy một cái đi. Tôi lấy cái xe cũ của chú em. Cậu Thành đã thu xếp đâu vào đấy
cả rồi. Ấy, chút xíu nữa thì quên. Cậu Thành có gởi tôi cái thơ để đưa cho chú
em.
Phú đỡ chiếc phong bì, bóc
lấy thơ đọc:
“Em Phú thân mến,
Tiếp được thơ này, em phải nhận ngay món quà anh gởi
tặng em tại nhà ông chủ tiệm xe, nhé. Món quà đối với anh, hãy còn là quá nhỏ
nếu đem so với tình bạn của em và anh, Phú ạ! Đời anh không có may mắn được
hưởng hạnh phúc trong một gia đình ấm cúng. Chỉ mãi tới khi về đến Phượng Mô,
được gia đình em tiếp đón, anh mới biết thế nào là tình thân mến yêu thương.
Không bao giờ anh quên được tính tình chân phương mộc mạc của cậu Mẫn và dì Mai
đã thương mến anh thật tình và đối đãi với anh không khác người thân ruột thịt.
Anh sẽ rời bỏ Saigon qua Phi Châu. Tại đó, một xứ sở
mới, anh sẽ tạo lập một cuộc đời mới, Phú ạ. Anh cùng với mấy người bạn lập
công ty khai thác lâm sản. Chắc sẽ có nhiều dịp được sống giữa thiên nhiên, làm
bạn với muông thú trong rừng như Phú, như Phan vậy. Không bao giờ anh quên được
sự tình cờ rất thú vị đã khiến anh gặp em, được em cho biết thế nào là một tình
bạn hồn nhiên chân thật. Chúc em được vạn điều may mắn nghe, Phú.
Nguyễn Thành.”
Thằng Phú rưng rưng cảm
động. Trước khi lên đường xuất ngoại, anh Thành đã để lại cho nó một món quà kỷ
niệm vô giá, chưa bao giờ nó dám hy vọng có được một chiếc xe đẹp như thế. Nó
chỉ mong chóng về tới nhà để khoe với cậu với dì rồi cho Phan coi cho sướng
mắt.
Phóng chiếc xe mới ra tới
ngoại ô Gia Viễn, thằng Phú chợt nhớ đã hứa với ông thú y sĩ sẽ ghé thăm ông,
liền quẹo vào đường Lô Giang.
Trong phòng đợi, một người
đàn ông trạc bốn mươi tuổi, bận một bộ đồ ka ki cũ đã sờn rách ở cổ, hai khuỷu
tay, ngồi trên chiếc ghế dài, tay cầm sợi dây da cột giữ một con chó bẹc giê
đen vàng cũng lớn bằng con A-Giát nhưng lông không rậm mượt và không đen bằng.
Hai con chó cùng hỉnh mũi
đánh hơi. Rồi hình như nhận ra cùng là một giống lai sói và không chừng cũng
chung một giòng huyết mẹ, chúng cố kìm giữ tiếng gầm gừ trong cổ họng nhưng vẫn
tiếp tục lừ mắt dò xét từng cử động của nhau.
Cánh cửa phòng khám bệnh
chợt hé mở. Vị thú y sĩ mời người khách đến trước dắt chó tới cho ông coi.
Trong khi chờ đợi, Phú mở một cuốn tạp chí trên mặt bàn ra khẽ đọc.
Tại bàn kế bên, ông thú y sĩ
đang bắt mạch xem xét thương thế cho con chó bệnh. Chừng năm phút sau, ông nói
với người chủ chó:
- Anh phải để con Truy Phong
ở lại đây để tôi khâu vết thương cho nó. Bị làm độc rồi. Tại sao không đưa nó
tới sớm hơn?
- Tôi tưởng rằng…
- … Cứ để kệ cũng lành hả?
Nó cắn lộn phải không?
Người chủ chó gật đầu lúng
túng đáp:
- Vâng… vâng, chắc thế.
- Chắc thế? Sao lại… “chắc”,
“chắc” là thế nào? Anh không có mặt khi nó bị thương sao? Tôi thừa biết là con
Truy Phong ban đêm đã bị vây hãm trong rừng. Trên lưng nó tải hàng nặng trĩu,
nhưng vẫn can đảm chiến đấu, rồi bị số đông áp đảo, cắn xé tơi bời. Các nhân
viên quan thuế ở đây không phải để giỡn, để làm cảnh đâu. Cứ nhớ kỹ thế đi. Quả
tình, anh vẫn chứng nào tật ấy. Tiêu tùng mất hai ba con chó đẹp vì bắt nó chở
hàng lậu rồi mà vẫn không chừa. Tệ quá!
Gã chủ chó lầu bầu:
- Nhưng bác sĩ nghĩ lại dùm.
Dù sao thì cũng phải làm ăn để kiếm sống chứ!
- Thôi về đi! Tuần sau trở
lại đây!
- Cám ơn bác sĩ!
- Khỏi cần cám ơn, tôi săn
sóc chạy chữa cho con chó chứ không phải cho anh mà ơn với huệ. Tội nghiệp con
Truy Phong! Có một người chủ như anh thật nó cũng vô phúc quá!
Gã đàn ông lủi thủi bước ra.
Ông thú y sĩ vui vẻ gọi Phú:
- Gặp lại cháu bác sĩ mừng
lắm. Để bác sĩ coi lại mắt con chó xem sao?... Ồ, khá lắm, mắt trong sáng, tốt
lắm!
- Nhân dịp có việc lên Gia
Viễn, cháu ghé vào chào bác sĩ và để cám ơn bác sĩ. Lúc nào cháu cũng nhớ ơn
bác sĩ đã chữa mắt cho…
- Ngoan… ngoan! Cháu ngoan
lắm! Con A-Giát thật tốt số. Không vô phúc như con Truy Phong kia. Cháu thấy rõ
đấy chứ? Cổ bị cắn thủng một miếng lớn gần bằng bàn tay. A-Giát, Truy Phong
cùng một ổ đấy. Bác sĩ săn sóc cho chúng từ lúc còn bé kia mà. Con mẹ nó đẹp
lắm, lông mầu cà cuống, tên là Sa Kim.
- Thưa bác sĩ, chắc con Truy
Phong bị chó của các ông quan thuế tấn
công?
- Cháu đoán đúng đấy. Lần
này may mắn thoát chết. Nhưng rồi thế nào cũng có ngày ăn đạn. Tội nghiệp quá!
Thôi, bây giờ cháu về được rồi.
Phú cúi chào ông thú y sĩ,
gọi A-Giát cùng về. Nó cỡi chiếc xe mới, phóng thẳng một mạch về Phượng Mộ. Mới
tới cửa nhà, Phú đã gọi ầm lên:
- Cậu Mẫn, dì Mai ơi! Ra coi
này! Cậu Mẫn, dì Mai! Anh Thành cho cháu đây này!
Ông Mẫn lăn xe ra gần ngưỡng
cửa. Ngó chiếc xe gắn máy bóng loáng, ông mừng rỡ gật đầu lia lịa.
Thằng Phú chạy xộc vào nhà
mở lá thư của Nguyễn Thành lớn tiếng đọc. Ông Mẫn không ngớt lẩm bẩm:
- Trời đất! Trời đất! Món
quà vĩ đại thế kia… so với mấy bữa cơm thanh đạm… Trời, trời! Cái nhà cậu Thành
này thật là kỳ lạ hết sức.
Bà Mai run giọng:
- Cũng may là anh nhất định
không nhận của cậu ấy một đồng nào.
Ông Mẫn gật đầu:
- Phải, cô nghĩ xem: Tiền
hết thì làm việc lại có. Chứ còn tấm lòng tốt của con người ta, có tiền hồ dễ
đã kiếm ra được. Hơn nữa, thằng Phú được một tuần lễ vui vẻ cứ bám riết lấy cậu
ấy như cái đuôi…
Niềm hân hoan trong lòng
khiến ông thợ đồng hồ tốt bụng cứ nói oang oang, thao thao bất tuyệt. Nhưng có
điều ông không nói ra là những ý nghĩ nghi ngờ của quản Ru đối với chàng chuyên
viên điện ảnh.
Đồng thời, khi nghĩ đến sự
hiện diện của cậu khách trọ mới chỉ trong có mấy ngày mà đã khiến nhà cửa vui
vẻ hẳn lên, ông Mẫn âm thầm tự nhủ:
- Bây giờ cậu ấy đi rồi! Đi
thật xa để làm lại một cuộc đời chắc hẳn từ trước đến nay đã nhiều tối tăm sóng
gió?
Thằng Phú vui sướng hân hoan
không hề một phút nào bận tâm vì những ý nghĩ như của người lớn. Nó chỉ mong
cho chóng đến ngày mai, phóng xe qua Mương lai bản để cùng thằng Phan chung
hưởng niềm vui con trẻ được quà.
Sáng hôm sau, Phú cưỡi xe
bon bon chạy trên con đường qua Bố-Châm, Phà-Liêm. Con A-Giát hồng hộc chạy
theo.
Khi đi khỏi Phà-Liêm chừng
hai cây số, đường cái lại bắt đầu xuyên vào rừng. Một chiếc xe hơi hiệu Mercédès
màu đen bóng loáng chạy ngược chiều, chợt hãm thắng đậu xịch ngay ngang đầu xe
gắn máy của thằng Phú. Một người đàn ông mặc áo măng tô đen bằng da, mở cửa xe
bước xuống. Ông ta tươi cười hỏi Phú:
- Em nhỏ ở vùng này hả?
- Thưa, cháu ở gần đây, thôn
Phượng Mô.
- A, Phượng Mô!
- Ông biết thôn Phượng Mô?
Người đàn ông vội vàng đáp:
- Không, không. Không biết!
Nhưng hình như Phượng Mô thuộc địa phận Việt Nam?
- Vâng, đúng đấy ạ! Ngay sát
biên giới! Còn chỗ ông đang đứng đây là đất Cao Miên.
Khách lạ cười vui vẻ:
- À, thế đấy! Tôi chạy loanh
quanh thế nào lại lạc đường. Quên không đem bản đồ thành thử chẳng biết lối nào
mà mò. Em nhỏ làm ơn chỉ dùm nhà ông… Mã Thiên Bỉnh.
- Mã Thiên Bỉnh?
- Phải!
- Ông đi quá rồi, phải quay
trở lui. Khoảng hai cây số, quẹo tay trái, đi qua hai cây cầu xi măng, ông ngó
phía tay phải, sẽ thấy một căn nhà bằng gạch có nhà để xe và một dẫy chuồng
ngựa. Nhà Mã Thiên Bỉnh đó.
- Cám ơn chú em lắm nghe.
Mải nghe hỏi và trả lời,
thằng Phú không nhận thấy người đàn ông luôn luôn đưa mắt ngắm nhìn con A-Giát.
- Con chó của chú em đẹp
quá. Chưa bao giờ tôi được thấy con chó nào lại lực lưỡng, thuần giống chó Đức
như con này. Tên nó là gì thế hả chú em?
- A-Giát!
- Tên gọi hay quá! Thôi, cám
ơn chú em nghe!
- Dạ, chào ông!
Chiếc xe sang trọng lao vọt
đi, hất tung một đám bụi mù về phía sau.
Phú qua tới Mương lai bản
rất sớm. Thằng Phan, con Liên trầm trồ khen ngợi không tiếc lời chiếc xe gắn
máy sơn đỏ mạ kền sáng loáng.
Rồi hai đứa sửa soạn một
cuộc đi chơi xa lên tận Gò Dầu Hạ cách Mương lai bản tới hơn bốn chục cây số.
Cũng buổi sáng hôm ấy,
khoảng mười giờ, Mã Thiên Bỉnh cùng một người nữa ngồi thảo luận, bàn cãi về
việc gì đó rất náo nhiệt.
Tấm áo vét sờn cổ, chiếc
quần nỉ bạc phếch, chiếc mũ kết bằng vải dầy cáu bẩn hất ngược trên đầu, đè lên
mái tóc rối lòa xòa xuống trán khiến gã khách ngoài bốn chục tuổi của họ Mã có
dáng dấp như một tay lang thang. Trên khuôn mặt xương xẩu, đôi má hóp, nổi bật
nhất hai con mắt trũng sâu, tia nhìn loang loáng. Bộ râu mép rậm che gần kín
cái miệng móm, tiếng nói phều phào vì thiếu rất nhiều răng.
Chủ nhà lại khác hẳn. Da dẻ
hồng hào béo tốt, đôi mắt húp híp, tia nhìn hấp him như chìm ngập trong cái mặt
béo tròn. Mã Thiên Bỉnh chắc phải cân nặng có tới trên trăm ký. Nhưng không vì
thế mà cử chỉ kém đi phần nào nhanh nhẹn. Đôi bàn tay mập mạp đặt trên cái bụng
bự, gã đang thảo luận náo nhiệt với khách, về giá trị của một món hàng gì đó
còn cất kín trong cái bao lớn nằm chình ình giữa nhà. Mã Thiên Bỉnh rót hai ly
rượu nhỏ ngâm thuốc:
- Làm ly này cho ấm bụng!
- Tốt lắm, xin anh. Đôi cẳng
chân đang mỏi rời ra đây.
- Chạy dữ lắm hả?
- Có thế! Chạy mà lại vác
nặng nữa.
Họ Mã giọng đùa cợt:
- Đụng độ rắc rối hả? Ai
thế?
- Lão đội Tư Lành trên Mương
lai bản!
- Đi đêm lắm thế nào cũng có
lần gặp ma! Hôm nay có cái gì thế?
- Con hoẵng và một chục thỏ.
- Hoẵng, thỏ? Hai thứ đó hồi
này khó bán thấy mồ!
- Anh lại cò kè muốn dìm
giá. Lần trước đã…
Họ Mã hơi sẵng giọng:
- Đã bảo là hoẵng và thỏ hồi
này khó bán lắm mà. Lấy bao nhiêu thì nói đại đi! Kể lể lôi thôi hoài!
- Riêng con hoẵng cũng đã
gần bốn chục ký rồi…
Mã Thiên Bỉnh chợt cắt ngang
lời khách:
- Ấy, coi chừng! Hình như có
tiếng xe hơi đậu trước cửa nhà thì phải. Đem cái bao xuống ngay nhà dưới đi.
Vào trong vựa rơm ấy, nghe! Chờ đó! Có hút thuốc thì cẩn thận kẻo cháy rơm đó
nghe. Mau đi!
Trước khi chạy ra mở cửa cho
người khách không hẹn trước nào đó, họ Mã vội lấy khăn khô lau sạch vết máu thú
vật từ trong chiếc sắc lớn của tay thợ săn trộm rỉ ra đỏ lóe trên sàn nhà.
- Xin mời ông quá bộ vào
trong nhà.
Họ Mã, hai bàn tay xoa xoa
vào nhau, xun xoe săn đón. Hắn đã thấy rõ chiếc Mercédès sang trọng. Khách mặc
áo măng tô bằng da đưa tay bắt tay Mã Thiên Bỉnh rồi tự giới thiệu:
- Tôi là Nguyễn Ngọc Bách!
- Hân hạnh được biết ông.
Thưa, ông cần đến chúng tôi có việc gì ạ?
- Ông chủ thâu nhận dùm cho
một khách trọ.
- Khách trọ?
- Phải, ba ngày thôi! Ông
không phải lo việc ăn uống gì cả, vì lý do… sức khỏe, – Bách cười nhếch mép –
khách trọ cần nhịn ăn tuyệt đối. Ông chủ hiểu ý tôi rồi chứ?
- Vâng, hiểu.
Gã nói tiếp:
- Sở dĩ tôi đến đây là do một
người quen ông hiện là chủ quán cà phê tại Na-Mân.
- Ồ, ra thế! Ông cho biết
ngay từ lúc đầu thì có phải… Thôi, bây giờ ta có thể nói chuyện dễ dàng. – Họ
mã nở một nụ cười thân thiện – Khách trọ ông nói đó chừng nào tới?
- Tuần sau! Một người của
tôi sẽ đem con chó tới. Hôm mồng 2.
- Được lắm.
- Ông sẽ nhốt kỹ nó lại.
- Phải thế chứ.
- Rồi mồng 5, đích thân tôi
sẽ mang hàng tới đây. Ông nghe rõ chứ? Mồng 5!
- Vâng, nghe rõ rồi!... – Họ
Mã hạ thấp giọng – “thần dược” hả ông?
- Không, đá cuội!
- Kim cương! Trời! To chuyện
quá! Lỡ một cái… Vốn lớn quá!
- Tôi biết! Nhưng vì nhiều
lý do khó nói, chúng tôi không có quyền kén cá chọn canh.
- Con chó ấy của ông?
- Không! Chó lài Đức của một
nhà ở bên kia biên giới. Chúng tôi mượn của chủ nó.
- Ủa! Như vậy nó sẽ chở
“hàng”về thẳng nhà chủ nó thì mất toi còn gì?
- Đặt người chặn đường con
chó rồi “rỡ” hàng chứ. Thôi, tôi có việc cần đi gấp đây. Tối nay có hẹn tại
Na-Mân. Đưa ông trước tiền phí tổn này.
Bách rút một cuộn lớn giấy
bạc, đếm một xấp:
- Ông sẽ lãnh một số bằng
này nữa khi “hàng” đi trót lọt. Thôi, tôi đi nghe, gặp lại sau.
Mã Thiên Bỉnh lắng nghe
tiếng xe hơi chạy thật xa đã, mới quay vào đếm lại xấp bạc, đoạn thồn cả vào
túi áo, sắc diện vui tươi hẳn lên.
Hắn mở cánh cửa ăn thông ra
sân sau, cất tiếng gọi:
- Ê, bồ tèo! Lên đây nói
chuyện, lẹ đi! Cứ để cái bao dưới đó.
Gã thợ săn trộm chạy lên
ngồi tại một đầu bàn:
- Sao anh Mã?
- Thôi được! Chỗ anh với
tôi, mặc cả mặc lẽ làm gì nữa. Anh tính bao nhiêu tôi trả từng đó. Tạm xong cái
khoản đó nghe. Bây giờ anh nghe rõ đây này. Một “áp phe” núi của.
- Áp phe núi của? Do tôi đảm
trách?
Họ Mã mỉm cười:
- Con Truy Phong của anh
kìa!
- Con Truy Phong của tôi?
- Đúng thế! Cơ hội ngàn năm
một thuở. Tôi nói vắn tắt cho anh dễ hiểu. Ông khách sang trọng vừa ở đây ra,
băng tụi khá đông, đang sửa soạn một dịch vụ lớn lắm. Một túi hột xoàn ăn trộm,
mài dũa lại, tính đem vào Việt Nam.
- Máng chắc chắn vào cổ dề
một con chó?
- Anh tinh thật! Ngày mồng 2
họ sẽ đem chó tới cho tôi nhốt giữ tại đây. Đêm mồng 2, anh đem con Truy Phong
tới. Mồng 5 con Truy Phong sẽ thay thế con kia tải “hàng”… về thẳng nhà anh.
Rồi ở đây tôi sẽ thả con chó kia ra.
- Theo anh nghĩ thì ông
khách vừa rồi có ý định đích tay máng túi hột xoàn vào cổ chó không?
- Cái đó không quan trọng.
Hiện thời hắn cũng chưa biết tên con chó ấy mà. Tôi thì tôi biết rồi.
- Thật không? Tên gì?
- A-Giát!
- Anh nói lại thử coi, anh
Mã? A-Giát?
- Chứ còn gì nữa! Cá một
ngàn ăn một trăm đấy! Bọn này tổ chức hay lắm. Tên chuyên viên điện ảnh ở trọ
trên nhà Cả Mẫn tuần trước đây cũng là người trong băng ấy đấy. Gã có nhiệm vụ
tìm ra một con chó để tải hàng vượt biên.
- Nhưng liệu chừng…
Mã Thiên Bỉnh cắt ngang:
- Yên trí lớn đi. Truy Phong
và A-Giát giống nhau lắm mà.
- Mới thoáng trông thôi. Nếu
nhìn kỹ thì…
- Ban đêm con mèo nào chẳng
màu xám. Gã khách này sẽ thấy màu vàng lửa của bốn chân con chó mà thôi. Được
chưa? Còn thắc mắc gì nữa không?
- Một câu hỏi chót, anh Mã!
Giả thiết con chó tải hàng là A-Giát, băng tụi này sẽ làm cách nào chặn đường,
rỡ hàng trước khi nó chạy về tới Phượng Mô?
- Anh đã biết rõ có hai cách
chặn đứng một con chó đang phi nước đại băng rừng lại còn vờ hỏi nữa.
- Vậy thì ra…
- Chứ còn gì nữa. Phục ở
đúng địa điểm con vật vẫn qua lại hàng ngày chờ đợi. Rồi thì… “pằng”! Vậy là
xong! Thôi, tiền đây, về đi! Mồng 2 tôi chờ anh và con Truy Phong đấy!
Buổi chiều cùng ngày hôm ấy,
trong quán cà phê tại Na Mân, gã buôn lậu tên Bách có hẹn với một tên không
biết tên thật là gì, chỉ biết tên hiện là Gà Cồ. Gà Cồ nguyên là cựu võ sĩ vô
địch hạng gà, khổ người lùn tịt, bụng thon, ngực nở, đôi vai thật rộng, dáng đi
lom khom như con gấu. Gã cũng là người trong băng của Bách có nhiệm vụ theo dõi
Nguyễn Thành rồi báo cáo kết quả cho gã.
- Mày thấy rõ ràng thằng
Thành ra phi cơ bay qua Phi Châu chứ hả?
- Rõ ràng.
Tên Bách khẽ gật đầu, nét
mặt trầm ngâm:
- Đã có một thời kỳ tao làm
việc với Thành “rạch mặt”. Hồi đó nó can trường lắm. Không hiểu sao bây giờ lại
bết thế? Có lẽ bị một cú gì đó đau lắm thì phải.
Gã Gà Cồ cười sặc lên nghe
như tiếng quạ kêu:
- Nốc ao!
- Mới gặp lại, tao đã nghi
là nó có ý định rút dù. Liền mật báo ngay cho “sếp” hay. Mày biết “sếp” nói sao
không? – “Phải chặn liền, không cho bất cứ một đứa nào hoàn lương nghe không?
Để nó đó. Xong việc, sẽ xét”.
- Còn công việc anh định
giao cho tôi là gì đây?
- Đây nhé! “Sếp” chỉ định
mày thay thế Thành “rạch mặt”. Nhưng mày có thuộc đường trong vùng này không
đã?
- Không!
- Đọc bản đồ được chứ?
- Nếu được chỉ dẫn cẩn thận.
Gã Bách móc túi lấy ra một
tờ giấy gấp tư, mở rộng, đặt lên mặt bàn.
- Mày trông kỹ đây nhé. Đây
là biên giới, đây là đường đi Bố Châm, cái nét vạch chấm chấm này.
- Thấy rồi.
- Phía trên cái lũng nhỏ,
bên sườn đồi thoai thoải đây là căn nhà sàn ở cuối thôn Phượng Mô. Rõ chưa?
- Rõ!
- Phiền một điều là thằng
Thành đã có thì giờ làm quen với con chó. Mày thì chưa.
- Yên trí! Tôi sẽ tùy cơ ứng
biến.
- Vượt qua sườn đồi thoai
thoải này, theo con đường mòn xuyên vào rừng một quãng ngắn là tới cái cầu hai
cây gỗ. Mầy theo đường đó đi thẳng tới Phà Liêm. Lại xuyên rừng. Tới bìa rừng,
đi chừng non nửa cây số nữa tới một căn nhà xây bằng gạch. Dễ thấy lắm, vì một
khu đó chỉ có mỗi nhà của Mã Thiên Bỉnh thôi.
- Hiểu rồi!
- Giữ lấy tờ giấy vẽ sơ đồ
này. Chịu khó đi thăm thú lộ trình một lần trước ngày mồng 2 nghe.
- Yên trí!
- Mồng 4…, đúng 12 giờ đêm,
mày phục sẵn ở đầu cầu hai cây gỗ với khẩu súng hai nòng. Liệu chừng…
- Biết rồi. Anh cứ tin nơi
tôi mà. Con chó lớn thế, trật sao được.
- À, còn điều này nữa! Kể
cũng hơi tiếc! Nếu Thành rạch mặt vẫn can trường như xưa thì nó đâu có rút dù
vào phút chót. Và không chừng “sếp” sẽ bị hố to.
- “Hố” thế nào?
- Nó sẽ “biến”, đồng thời ôm
luôn mớ đá quý, và biết đâu anh em mình lại chẳng có phận nhờ.
_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IX